Nhập
Thông thường, con người khi thực hiện điều gì thường nhắm vào một mục đích. Anh nông dân gieo hạt là mong có cái ăn cái mặc cho gia đình, nhà khoa học nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên để phát minh công cụ máy móc phục vụ đời sống, thậm chí người đạo sĩ, từ bỏ mọi của cải ở thế gian cũng vì mong đạt đến kết quả cuối cùng của cuộc sống tu tập. Vậy cho nên, nếu là tín đồ Cao Đài, chúng ta cũng nên tìm hiểu xem, khi thành công trong hoạt động tu học, tức là “đắc đạo”, thì kết quả đó thực sự là gì.
Thông thường, con người khi thực hiện điều gì thường nhắm vào một mục đích. Anh nông dân gieo hạt là mong có cái ăn cái mặc cho gia đình, nhà khoa học nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên để phát minh công cụ máy móc phục vụ đời sống, thậm chí người đạo sĩ, từ bỏ mọi của cải ở thế gian cũng vì mong đạt đến kết quả cuối cùng của cuộc sống tu tập. Vậy cho nên, nếu là tín đồ Cao Đài, chúng ta cũng nên tìm hiểu xem, khi thành công trong hoạt động tu học, tức là “đắc đạo”, thì kết quả đó thực sự là gì.
Nói riêng về phương diện tôn giáo, ở Việt Nam người
ta dùng rất nhiều từ ngữ để chỉ trạng thái đạt tới cứu cánh này. Ta có thể kể
ra một số: thành (Tiên, Thánh...Phật), đạt Phật vị, thành chính quả, chứng quả
vị, đắc đạo, đắc pháp, ngộ, chứng ngộ, ấn khả chứng minh, ấn khả, ấn chứng, đạt
Niết Bàn, nhập Niết Bàn, liễu ngộ đạo, liễu ngộ[1]...Có lẽ danh sách này còn dài nữa và chắc chắn trong tương lai sẽ
còn có thêm những danh từ mới tuỳ theo tiến hoá của văn hoá Việt Nam. Trong bài
viết này xin dùng chữ đắc đạo, một là cho ngắn gọn, hai là vì từ ngữ này được
dùng rất nhiều trong đạo Cao Đài, để chỉ sự thành công trong quá trình khép
mình thực hành những qui định của một tôn giáo.
Vậy thì đắc đạo (đạt kết quả tốt sau khi
tu tập) trong Cao Đài là gì?
Những pháp môn
Trước hết, hãy xét sơ qua một quá trình tu
học của một người bình thường. Trước hết, người tu học gia nhập một đoàn thể
tôn giáo, rồi chọn một pháp môn (cách tu
tập), học và thực hành các qui định và cuối cùng là thành công (đắc đạo) nếu
may mắn làm đúng mọi thứ.
Vậy thì cách tu tập là
quan trọng. Cũng chính cách tu tập sẽ quyết định khi thành công sẽ gọi bằng
danh hiệu gì trong những danh từ đã nêu trên. Thí dụ bạn chọn cách tu tập theo
Thiền Tông[2] thì khi thành công bạn sẽ được Thiền Sư[3] “ấn khả chứng minh” tức là công nhận bạn thành
công (đắc đạo). Vậy là bạn đã trở thành một vị Phật (người hiểu biết). Bạn khép
mình theo những qui luật của Thiên Chúa Giáo thì bạn sẽ được Hội Thánh Rome
phong chân phước và tuyên thánh (công nhận bạn là một vị Thánh) khi bạn thành
công v.v...Lưu ý rằng mỗi cộng đồng tôn giáo sẽ tìm một danh từ khác biệt đính
kèm những giải thích phức tạp (không loại trừ kèm theo những phép màu rất thần
bí !!) để gọi sự thành công này.
Tương tự, trong Cao Đài
Giáo người tu học cũng phải chọn cách tu tập để thực hành cho đến khi đắc đạo.
Tổng hợp từ thánh ngôn[4] của đạo Cao Đài và những bài nói đạo của Đức Hộ
Pháp Phạm Công Tắc[5] thì Cao Đài Giáo khuyến khích ba pháp môn (cách
tu tập) chính: lập công, lập đức và tu chơn[6]. Thực sự ra thì còn nhiều cách nữa, nhưng đây là
ba cách tiêu biểu của Cao Đài Giáo. Hiện nay cũng có người cho rằng tu chơn là
cách “cao cấp”nhất. Xin cẩn thận, qua nghiên cứu, không thấy tài liệu chính thức
nào nói cách nào cao cấp hơn cách nào. Chỉ có Tân Luật Pháp Chánh Truyền chia
tín đồ Cao Đài ra hai loại: Hạ Thừa (ăn chay tháng 6 ngày trở lên) và Thượng Thừa
(ăn chay trường), nhưng đây không phải nói về pháp môn. Thiển nghĩ, do điều kiện
thực tế, có lẽ người tu học nên chọn cách phù hợp với hoàn cảnh, trình độ hiểu
biết, trình độ tâm linh riêng của mình bởi nếu không phù hợp thì dễ cũng thành
khó, lúc đó “sơ cấp” hay “cao cấp” gì đi nữa cũng khó đạt được mục tiêu.
Cách thứ nhất: lập công.
Tức là trở thành một tu sĩ Cao Đài thực sự bằng cách tham gia tổ chức Hội Thánh
Cửu Trùng Đài[7]. Người tu sẽ bắt đầu bằng những chức vụ thấp nhất,
gọi là chức việc (Thông Sự, Phó Trị Sự, Chánh Trị Sự) lên cấp cao hơn gọi là chức
sắc (Lễ Sanh, Giáo Hữu, Giáo Sư, Phối Sư, Đầu Sư, Chưởng Pháp cho đến cao nhất
là Giáo Tông).
Cách thứ hai: lập đức.
Người tu học sẽ tham gia tổ chức Hội Thánh Phước Thiện, chủ yếu làm công tác từ
thiện và cũng thăng tiến trên một thang bậc gồm 12 cấp (Minh Đức, Tân Dân,
Thính Thiện, Hành Thiện, Giáo Thiện, Chí Thiện, Đạo Nhơn, Chơn Nhơn, Hiền Nhơn,
Thánh Nhơn, Tiên Tử cho đến cao nhất là
Phật Tử).
Và cách thứ ba là: người
ta có thể vào Tịnh Thất (Nhà Tịnh) để tu chơn nếu có đủ điều kiện[8] theo Hội Thánh qui định.
Đắc đạo
Cả ba con đường đều dẫn người tu học đến cứu
cánh giải thoát, nghĩa là đắc đạo. Nhưng trước hết, mời quý đọc giả xem bảng đối
phẩm trên đây[9]. Xét qua đó thì việc lập công và lập đức đưa người tu tập đến những
kết quả theo một thang bậc rất chi tiết. Chẳng hạn như, nếu người tu học lên đến
hàng Phối Sư rồi qua đời, thì được kể đối phẩm với Thiên Thánh trên cõi Thiêng
Liêng Hằng Sống[10] và đám tang được tổ chức theo nghi lễ dành cho bậc Thánh v.v...
Do bảng đối phẩm này mà không ít người
nghĩ rằng hễ lên tới Lễ Sanh là trở thành Thiên Thần, lên tới Phối Sư là Thiên
Thánh v.v... Nhưng có một vấn đề nhỏ là: hãy xét kỹ từ “đối phẩm”. Tại sao
không nói Đầu Sư “là” Địa Tiên, mà lại nói Đầu Sư “đối phẩm” Địa Tiên? Đối phẩm
chỉ một sự so sánh tương đương, nghĩa là Đầu Sư chỉ tương đương với Địa Tiên
trên cõi trời mà thôi. Chưa thấy Thánh Ngôn Cao Đài giải thích vì sao lại chỉ
có “đối phẩm”, nhưng có thể dùng luận lý để tạm hiểu ý này.
Ở thế gian, chúng ta thấy rằng, quân đội của
hai nước bất kỳ đều có cấp bậc na ná nhau, thí dụ như ở Việt Nam có Đại
Uý thì ở Mỹ cũng có cấp Đại Uý tương đương. Nhưng một ông Đại Uý của nước này
không thể chuyển sang làm việc và mang cùng cấp bậc trong quân đội của nước kia
được do nhiều khác biệt rất dễ thấy. Do đó một vị Lễ Sanh, chẳng hạn, khi về
cõi thiêng liêng hằng sống sẽ không tự động trở thành Thiên Thần được mà còn phải
trải qua nhiều biến đổi mà Đức Hộ Pháp đã kể rõ trong Con Đường Thiêng Liêng Hằng
Sống[11].
Thêm vào đó, còn một yếu tố nữa, đó là để
ngăn ngừa những trò lường gạt mà con người, vốn ngày càng mưu mô hơn thời Nhất
Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ, có thể bày ra. Thí dụ như dụ dỗ người ta “mua” các tờ giấy
chứng nhận là chức sắc Cao Đài vì đó là Thần, Thánh, Tiên, Phật v.v...[12]. Nên nhớ rằng, ở trần gian, nếu mua được, bạn chỉ có thể “mua” một
“đối phẩm” mà thôi. Mua một phẩm vị Lễ Sanh rồi hy vọng về cõi trời mình được
làm Thiên Thần thì cũng giống như mua chiếc xe Mercedes bằng giấy, đốt lên và
nghĩ rằng người chết ở cõi âm có thể lái xe này được vậy!
Về phần tu chơn thì chỉ thấy Tân Luật đề cập
đến việc vào Nhà Tịnh, chưa thấy hướng dẫn nào cụ thể hơn những đoạn Thánh Ngôn
trích dẫn ở cuối bài viết này. Có lẽ phải cần vài trăm năm nữa[13] thì phần Tịnh Luyện (tu chơn) của Cao Đài Giáo mới định hình cụ thể.
Tuy nhiên hiện giờ có thể tạm rút ra kết luận như sau. Nếu tịnh luyện thành
công, người tu học có thể xuất chơn thần[14]ra và “vân du thiên ngoại”[15], thậm chí đến gặp Đức Chí Tôn Thượng Đế. Khi tịnh luyện thành công
thì không có danh hiệu gì ở thế gian, mà người tu tập sẽ tự biết danh hiệu của
mình trong khi xuất chơn thần.
Ai công nhận bạn đắc đạo
Sẽ có người đặt câu hỏi này: Ai công nhận
mình đắc đạo? Xét theo Tân Luật Pháp Chánh Truyền, Thánh Ngôn và lịch sử Cao
Đài thì việc xác nhận một tín đồ Cao Đài đắc đạo sẽ theo những trình tự như
sau.
Một, nếu người tu học chọn cách lập công
hay lập đức, thì sẽ được Hội Thánh Cao Đài công nhận là Lễ Sanh, Giáo Hữu
v.v... thông qua thủ tục cầu phong (chức việc) hay cầu thăng (chức sắc). Nói
tóm lại, tín đồ Cao Đài sẽ được công nhận đạt phẩm vị theo qui trình nêu ra trong
Tân Luật Pháp Chánh Truyền. Nhưng như đã trình bày ở trên, phẩm vị đó chỉ là “đối
phẩm” với phẩm vị trên cõi trời thôi.
Hai, nếu người tu học chọn cách tịnh luyện,
vị Tịnh Chủ (có thể hoặc không) biết là có xuất chơn thần hay không, nhưng phẩm
vị thì chỉ có bản thân người xuất chơn thần mới được biết rõ.
Ba, tuy nhiên, khi còn liên lạc với các đấng
thiêng liêng bằng cầu cơ chấp bút[16], có khi chúng ta được biết có những vị được công nhận đắc đạo trên
cõi trời không theo bảng đối phẩm kể trên. Thí dụ như Đức Huệ Mạng Kim Tiên[17], Phối Thánh Phạm Văn Màng[18], Phối Thánh Bùi Ái Thoại[19], Thánh Châu Phi[20]. Và qua những vị đắc đạo
này, chúng ta càng hiểu rõ từ “đối phẩm” hơn. Rõ ràng, phẩm vị thật sự trên cõi
trời không riêng dành cho một tôn giáo nào (Đức Huệ Mạng Kim Tiên theo Phật
Giáo), cũng không dính dáng gì đến cấp bực tôn giáo ở thế gian (các vị Phối
Thánh lúc sinh thời có chức vụ rất thấp trong đạo Cao Đài và theo bảng đối phẩm
thì không tương đương với Thánh Vị).
Thêm một bằng chứng nữa là, trong Con Đường
Thiêng Liêng Hằng Sống[21] và nhiều bài nói đạo khác, Đức Hộ Pháp kể chuyện[22] có Ông Vương Quan Kỳ[23], Giáo Sư đạo Cao Đài, dễ dàng đi qua cầu bắc ngang Bích Hải[24]. Lúc sinh thời ông không làm đạo đúng theo tinh thần Cao Đài, cho
nên áo mão Giáo Sư không mặc mà chỉ vắt ngang vai thôi. Tuy vậy, ông vẫn không
rơi xuống dưới cầu vì ở thế gian ông vẫn vững tin Đức Chí Tôn và vẫn hành đạo,
dù làm theo ý riêng của mình.
Do đó, xét cho cùng thì những phẩm vị mà Hội
Thánh[25] phong cho mình ở thế gian chỉ có mục đích làm tiêu chí để khuyến
khích trong quá trình tu học thôi. Phẩm vị ở cõi trời sẽ được xác định tuỳ theo
đời sống đạo đức của từng cá nhân lúc còn ở thế gian. Nhưng ai đưa ra xác định
này trên cõi trời?
Đức Hộ Pháp khẳng định: người quyết định
phẩm vị cho “ta” trên cõi trời là “chính ta”[26]. Có lẽ đến đây, nhiều người có thể nghĩ rằng “đắc đạo” trong Cao
Đài dễ quá vì mình được tự phong chức cho mình! Không phải thế đâu! Đây mới
chính là quyết định đúng tuyệt đối trong vũ trụ. Trên thế gian này nếu có ai đó
khen thưởng hay chỉ trích mình, thì chưa chắc những phán xét đó đúng hoàn toàn.
Thí dụ như một ai đó nói là tôi giỏi, thì làm sao tôi biết vị đó nói đúng hay
chỉ để lấy lòng thôi? Nếu một nhóm người nào đó phong Thánh cho tôi, thì làm
sao bảo đảm được là họ 100% đồng ý với nhau về điều đó? Phán xét của họ có được
những người khác chấp nhận hay không? Cái quan trọng là bản thân tôi chưa chắc
đã đồng ý với phán xét đó, thí dụ như tôi muốn thành Phật mà Hội Thánh cho là
tôi chỉ đối phẩm...với Thánh thôi, hay là, sao bạn tôi tu ít hơn tôi mà lại có
phẩm vị cao hơn tôi v.v...
Trái lại, khi chính ta định phẩm vị cho ta
trên cõi trời thì sự việc khác hẳn. Mọi sự bắt nguồn từ chỗ này đây: “ta” ở thế
gian khác với “ta” trên Cõi Thiêng Liêng Hằng Sống (cõi trời). Theo triết lý
Cao Đài, ở thế gian “ta” gồm có ba phần: Tinh (thể xác vật lý), Khí (tinh thần
và những suy nghĩ luận lý) và Thần (lương tâm). Ba phần này phối hợp với nhau
trong một thể thống nhất và khó mà tách rời chúng ra. Nếu thiếu bất cứ một phần
nào thì sẽ không có “ta” trên thế gian. Thông thường, ở thế gian, Tinh và Khí
luôn áp đảo phần lương tâm.
Cơ thể (Tinh) phải ăn phải mặc, chịu ảnh
hưởng của thời tiết, bị đủ thứ bệnh tật,
nên có khi ta phải giành giật với đồng loại để bảo vệ sự sống. Trí não (Khí) phải
tìm kế sách nuôi sống bản thân và nơi nào thiếu thốn nghèo khổ thì lại càng phải
nghĩ ra nhiều mưu mô để đoạt lấy miếng cơm manh áo. Lương tâm (Thần) luôn luôn
hiện diện trong tâm tưởng mỗi người, nhắc nhở phải sống phù hợp với các nguyên
tắc đạo đức. Mặc cho lương tâm nhắc nhở, thường thì “ta” vẫn không nghe. Thậm
chí có khi còn lý luận chống đỡ ngộ nghĩnh như thế này: bây giờ vì miếng ăn,
mình tạm thời giành giật với đồng loại để sống. Khi nào mình khá giả sẽ dùng
nhiều tiền làm từ thiện, đúc chuông lớn cúng vào chùa hay tìm đến nơi Đức Phật
ngày xưa đắc đạo quì lạy, sờ tay vào tảng đá Phật đã ngồi là bù đắp được hết
!!! Cho đến nay, chưa thấy vị Giáo Chủ nào nói những việc đó bù đắp được tội lỗi
của mình. Vậy dẫu cho giữ được lời hứa thì những hành động đó chỉ là phô trương
cho người khác thấy chứ không có thực chất gì đối với thiêng liêng.
Ở thế gian “ta” có đủ cả Tinh, Khí, Thần,
nhưng sau khi chết, chỉ còn phần Khí và Thần của con người là về được cõi trời,
Tinh (xác thân) lúc đó phải ở lại trần gian, hư hoại và biến thành vật chất
khác. Lúc này Khí sẽ không bị áp lực của xác thân nữa nên dễ nghe theo lương
tâm hơn. Lương tâm chính là phần mà Đức Chí Tôn Thượng Đế trích ra từ chính
thân mình Ngài và ban cho mỗi người chúng ta khi xuống thế gian để trả nợ hay để
lập công. Bây giờ câu “Thầy là các con, các con là Thầy” càng rõ nghĩa hơn bao
giờ hết. “Ta” trên cõi trời gồm phần trí não của mình và một phần của Thượng Đế,
cho nên “ta” bây giờ sáng suốt tột đỉnh và mọi phán xét đều dựa trên lương tâm.
Rõ ràng những phán xét đó sẽ đúng tuyệt đối bởi vì thường khi mình dấu diếm được
lỗi lầm của mình, không cho người khác biết, nhưng mình không thể nào dấu được chính
mình. Những phán xét này càng chính xác hơn nữa vì gian lận, nguỵ biện, cãi chầy
cãi cối, ích kỷ tự bênh vực đều không tồn tại trên cõi trời. Ai còn có những ý
nghĩ đó đều đã rơi xuống cầu Nại Hà hết rồi.
Tóm lại, trên cõi trời, chính ta sẽ công
nhận ta có đắc đạo hay không và đạt được phẩm vị gì, hay phải đầu kiếp (đầu
thai) xuống cõi trần để bù đắp những tội lỗi của mình. Và đây là sự công nhận tối
thượng không còn tranh cãi nào nữa.
Người đắc đạo
Có một tò mò mà đến nay vẫn chưa có câu trả
lời rốt ráo. Đó là người đắc đạo trông ra làm sao và có những phép màu gì? Có rất
nhiều sách vở, đạo sư đưa ra nhiều tiêu chuẩn cho vấn đề này. Thí dụ như người
đắc đạo phải có tướng mạo rực rỡ, khác biệt với người bình thường. Người đắc đạo
có nhiều phép thần thông như nhìn xuyên qua tường, biết ý nghĩ của người khác
và nhất là có thể chữa bệnh không cần dùng đến y học hiện đại. Nhưng vấn đề nằm
ở chỗ làm sao để biết những tiêu chuẩn đó là đúng nếu bản thân ta chưa đắc đạo?[27]
Riêng trong Cao Đài Giáo, không thấy có
tiêu chuẩn nào như vậy cả. Còn về phép màu, thì có thể có đấy, nhưng tính chất
của phép màu luôn luôn là hết sức chủ quan. Chúng ta đã biết chuyện Đức Mẹ
Fatima, chỉ có ba cô bé Lucia dos Santos, Francisco và Jacinta Marto là nhìn thấy
Đức Mẹ hiện ra chớ đâu phải ai cũng nhìn thấy. Hay như trong đạo Cao Đài, đâu
phải ai cũng có thể cầu cơ và liên lạc được với cõi thiêng liêng. Thậm chí cầu
cơ được rồi, cũng chưa chắc có được lời dạy đạo thâm diệu nữa[28].
Trở lại trường hợp các vị chức sắc Cao Đài
được phong Phối Thánh ở trên. Thông qua cơ bút, người trần chúng ta mới biết
các vị đó là Thánh trên cõi trời. Lúc còn ở thế gian, họ chỉ là những tu sĩ Cao
Đài cấp bậc thấp, không ai biết tới.
Kết
Tóm lại, khái niệm đắc đạo trong Cao Đài
Giáo được xác định qua những điểm sau:
Đắc đạo là đạt được sự tiến hoá về mặt tâm
linh. Sự tiến hoá này được tính theo thang bậc Bát Hồn[29]. Nghĩa là mỗi chơn hồn của hoá nhân[30] sẽ tiến bộ từ vô tri vô giác[31] đến suy nghĩ có ý thức và có trình độ đạo đức ngày càng cao, đến mức
toàn thiện toàn mỹ của Đức Chí Tôn Thượng Đế. Tiến hoá tâm linh là vô hạn, đạt
được Phật Vị rồi vẫn còn có thể tiến lên cao hơn nữa, thậm chí cao hơn Đức Chí
Tôn Thượng Đế[32].
Tín đồ Cao Đài Giáo ở thế gian chỉ được Hội
Thánh công nhận đạt những phẩm vị tương đương với phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật
trên cõi thiêng liêng hằng sống mà thôi. Không có ai được công nhận trực tiếp
là Thần, Thánh, Tiên, Phật gì cả.
Sau khi chết, mọi chơn hồn (linh hồn) sẽ về
cõi thiêng liêng hằng sống và tự định phẩm vị hay hình phạt cho mình. Nếu có được
phẩm vị cao hơn thì đây mới thực sự có thể gọi là đắc đạo. Và sự đắc đạo này mỗi
cá nhân tự biết, không ai biết phẩm vị của người khác[33].
Như vậy ở thế gian, chúng ta không biết được
ai là người đắc đạo thật sự, cũng không thể khẳng định một ai đó là đắc đạo. Có
nghĩa là, chúng ta không biết ai được phẩm vị gì trên cõi trời trừ khi các đấng
thiêng liêng giáng cơ cho biết.
* Từ Chơn
References:
Bậc chơn tu khi còn xác phàm nơi mình, như
đắc đạo, có thể xuất ra trước buổi chết mà vân du thiên ngoại. Cái chơn thần ấy
mới đặng phép đến trước mặt Thầy. (3rd Jan 1926 -
TNHT).
Phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật từ ngày bị
bế Đạo, thì luật lệ hỡi còn nguyên, luyện pháp chẳng đổi, song Thiên Đình mỗi
phen đánh tản “Thần” không cho hiệp cùng “Tinh Khí”. Thầy đến đặng hườn nguyên
Chơn Thần cho các con đắc Đạo. (25th Feb 1926 - TNHT).
Muốn trọn hai chữ Phổ Độ phải làm thế nào?
Thầy hỏi? Phải bày bửu pháp chớ không đặng giấu nữa. Con (Lịch) phải luyện cho
thành, nội trong tháng năm này về theo Trung đặng đi truyền đạo. (8 Apr 1926 - TNHT).
Còn khi đắc đạo mà có Tinh Khí, không có
Thần thì không thể nhập mà hằng sống đặng. (17 July 1926 - TNHT).
Vì vậy cho nên các con coi thử lại, từ hai
ngàn năm nay, bên Á Đông này đã đặng bao nhiêu Tiên Phật. Các con duy biết có một
mình Huệ Mạng Kim Tiên mà thôi. (21 August 1926 - TNHT).
Thầy dạy về hại của phần hồn các con: Thầy
nói cái chơn thần, là nhị xác thân các con, là khí chất, nó bao bọc thân thể
các con như khuôn bọc vậy, nơi trung tim của nó là óc, nơi cửa xuất nhập của nó
là mỏ ác, gọi tiếng chữ là Vi Hộ. Nơi ấy Hộ Pháp hằng đứng mà gìn giữ chơn linh
các con khi luyện thành đạo, đặng hiệp một với khí, rồi mới đưa thấu đến chơn
thần, hiệp một mà siêu phàm nhập thánh. (18 Jan 1927 -
TNHT).
Người ở dưới thế này muốn giàu có phải kiếm
phương thế mà làm ra của. Ấy là về phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật
muốn cho đắc đạo, phải có công quả. (5 July 1926 -
TNHT).
Trong các con có nhiều đứa lầm tưởng hễ vào đạo
thì phải phế hết nhân sự, nên chúng nó ngày đêm mơ tưởng có một điều rất thấp
thỏi là vào một chỗ u nhàn mà ẩn thân luyện đạo. Thầy nói cho các con biết nếu
công quả chưa đủ, nhơn sự chưa xong, thì không thế nào các con luyện thành đặng
đâu mà mong. Vậy muốn đắc quả thì chỉ có một điều phổ độ chúng sanh mà thôi. (5 Mar 1927 - TNHT).
ÔNG SĨ TẢI ĐỖ QUANG HIỂN
Chúng tôi có đếnTrí Giác Cung để
phỏng vấn bà Phối Sư Hương Cúc là Cô ruột của Ông Thánh Hiển và được tiết lộ
như sau:
Thân sinh ông tên Đỗ Quang Khánh và bà mẫu
thân tên Lâm Thị Đó.
Ông Hiển là con thứ 3, người thứ 5 tên
Dung, người thứ 6 tên Tiển, người thứ 7 tên Tâm (tức là người bạn đời của ông Hợi, Tiếp
Dẫn Đạo Nhơn). Người thứ 9 tên Hường (chết), còn người út tên Thành. Ông cầu
phong Lễ Sanh, nhưng Đức Lý phê Hiệp Thiên Đài định vị. Khi Đức Hộ Pháp hỏi ở phẩm vị
nào thì Đức Lý nói: phẩm Sĩ Tải.
Năm 1941, bị đồ lưu nơi Phi Châu tại Madagascar . Trong 5 người bị đày, ông là người trung thành nhất đối với Đức Hộ
Pháp.
Khi Pháp bắt Đức Ngài gánh nước thì ông Hiển
gánh thế, hoặc làm gì nặng nhọc thì ông giành làm không ngại gian lao. Vì bị đổi
đến nơi lam chướng nên ông bịnh mà chết. Hài cốt hiện giờ còn ở Madagascar .
Nhờ dạ trung thành, trọn tâm cùng Đạo, chẳng thay dạ đổi lòng trong cơn khảo đảo, nên đặng
đắc Thánh Vị. Ông thường giáng cơ xưng Thánh Hiển, hoặc Thánh Phi Châu. (Theo
Quang Minh tức Sỉ Tải Bùi Văn Tiếp - 1983).
Đức Huệ Mạng
Kim Tiên. Thánh Ngôn Hiệp Tuyển ghi lại rằng Đức
Chí Tôn Thượng Đế giáng cơ dạy “Vì vậy mà các con coi thử lại, từ 2000
năm nay, bên Á Đông nầy đã đặng bao nhiêu Tiên, Phật. Các con duy biết có một
mình Huệ Mạng Kim Tiên mà thôi." Từ đó trở đi, chúng ta mới biết ngài
Huệ Mạng đã đắc đạo và đạt vị Tiên.
· Phối
Thánh Phạm văn Màng. Ngày 27-9-Quí Dậu (dl 14-11-1933), ông Thần Võ Văn Thoàn (một vị công quả trong Phạm Môn đã qui vị trước đây và đắc Thần vị), giáng cơ bạch với Đức Phạm Hộ Pháp rằng ông Phạm Văn Màng đã đắc vị Phối Thánh.
· Phối Thánh Bùi Ái Thoại. Năm Đinh Hợi (1947), Bát Nương giáng cơ cho Hội Thánh biết ông Bùi Ái Thoại đã đắc quả Phối Thánh. Ấn Chứng Đắc Đạo trong Cao Đài - Từ Chơn
Thầy đã nói đạo đức như cái thang vô ngằn, bắc cho các con leo đến phẩm vị tối cao tối trọng là ngang bực cùng Thầy, hay là Thầy còn hạ mình cho các con cao hơn nữa. (19-12-1926 - TNHT).
Tự Điển Cao Đài - Đức Nguyên Nguyễn Văn Hồng.
Tự Điển Bách Khoa Toàn Thư Cao Đài - Lê Kim Liên và Từ Chơn.
Tân Luật Pháp Chánh Truyền - Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh.
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển - Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh.
[2] Một nhánh của đạo Phật, chủ trương suy nghĩ
để hiểu rõ sự thật ở thế gian.
[3] Thầy dạy đạo của Thiền Tông, Phật Giáo.
[4] Những bài giảng đạo đức của các đấng thiêng
liêng, thường là do cầu cơ.
[6] Còn gọi là tịnh luyện,
nhập tịnh, vào tịnh thất. Lưu ý đây không phải là Thiền như một số tác giả vẫn
gọi. Thiền là cách tu tập của Phật Giáo. Có người không nghiên cứu kỹ còn gán
ghép là Thiền Cao Đài ! Xin đọc thêm ở
đây:
https://sites.google.com/site/caodaismmeditation/thin-va-tinh-luyn
[7] Ngoài ra còn nhiều tổ
chức Cao Đài khác, nhưng thường thì cần có chút kỹ năng chuyên môn, thí dụ Ban
Đồng Nhi, Ban Đạo Sử, Y Viện v.vv...Chỉ có Cửu Trùng Đài là bất cứ ai cũng có
thể tham gia.
[8] Thường là một trong Tam Lập (Lập Công, Lập
Đức, Lập Ngôn).
[9] Trích Bước
Đầu Học Đạo (Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng tức Đức Nguyên). Bảng này căn cứ vào Tân
Luật Pháp Chánh Truyền của Cao Đài Giáo.
[11] Những bài
thuyết đạo về Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống của Đức Hộ Pháp. (Ban Tốc Ký Toà
Thánh Tây Ninh)
[12] Sẽ có người nói rằng,
làm gì có chuyện đó. Thưa quý đọc giả, con người có thể làm bất cứ điều gì miễn
là có lợi cho họ. Cũng chính vì lý do này mà Tân Luật Cao Đài luôn nhấn mạnh, Hội
Thánh chỉ có quyền về phần xác (ở thế gian), không có quyền về phần hồn (ở cõi
thiêng liêng hằng sống).
[13] Đạo Cao Đài được tiên
tri là kéo dài đến thất ức niên (700,000 năm). Đến nay (2020) vẫn chưa được 100
năm và Hội Thánh cũng chưa phát triển đầy đủ. Thể pháp (lễ nghi tế tự) tương đối
đầy đủ nhưng bí pháp (tu chơn) chỉ mới ở giai đoạn sơ đẳng. Đức Hộ Pháp nói rằng
đạo có cả thể pháp và bí pháp, vậy nên nhân loại còn phải chờ thêm vài trăm năm
nữa.
[16] Từ năm 1975 về sau, nhà nước Cộng Sản đã cấm
đạo Cao Đài không cho cầu cơ nữa.
[17] Hay Huệ Mạng Trường Phan, pháp danh Tánh
Thiền, tục gọi là Ông Đạo Nhỏ. Lúc còn sống ở thế gian tu theo đạo Phật tại núi
Bà Đen, Tây Ninh.
[18] Lúc còn sống ở thế gian là Phó Trị Sự, sau
là Cai Sở trong đạo Cao Đài. Phối = ngang với. Phối Thánh = ngang với bậc
Thánh.
[19] Tên thật là Bùi Văn Dậu. Lúc còn ở thế gian
là Tá Lý (tương đương Chánh Trị Sự) sở Đắp Vẽ trong đạo Cao Đài.
[20] Tên thật là Đỗ Quang Hiển. Lúc còn ở thế
gian là chức sắc Hiệp Thiên Đài, phẩm Sĩ Tải, của đạo Cao Đài.
[24] Cây cầu
này theo truyền thuyết là cầu Nại Hà. Tương truyền hồn người chết phải đi qua cầu
này để về cõi trời. Ai có tội ở thế gian sẽ rơi xuống và bị ác thú phân thây.
Nay theo lời kể của Đức Hộ Pháp, thì người rơi xuống bị biến dạng rất kỳ cục.
[28] Theo Cao Đài, có ba loại
cơ: tà cơ (xúi giục tranh chấp, chia rẽ), nhơn cơ (nói ra ý muốn của người cầm
cơ) và tiên cơ (dạy đạo đức).
[29] Tám loại chơn (linh) hồn.
Tính từ thấp tới cao là vật chất, cây cỏ, con vật, con người, Thần, Thánh,
Tiên, Phật.
[30] Theo Cao Đài Giáo, có
ba loại linh hồn xuống thế: nguyên nhân (nguồn gốc trực tiếp từ Thượng Đế), hoá
nhân (do tiến hoá từ cây đá lên dần đến phẩm người) và quỉ nhân (là các nguyên
nhân hoặc hoá nhân phạm tội nặng bị đày ở trần gian).
[32] Thầy đã nói đạo đức
như cái thang vô ngằn, bắc cho các con leo đến phẩm vị tối cao tối trọng là ngang
bực cùng Thầy, hay là Thầy còn hạ mình cho các con cao hơn nữa. 19-12-1926 -
TNHT.
[33] Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống - Hội
Thánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét