LƯU XỨ KÝ SỰ HAY CUỘC TRẤN THÁNH PHI CHÂU . * Quang Minh

LỜI TỰA
Năm 1941 nền Đại Đạo đang trên đà tiến triển một cách mạnh mẻ thì một tin sét đánh làm cả triệu con tim dường như ngưng đập: “ĐỨC HỘ PHÁP BỊ BẮT”. Ngày mùng 4-6-Tân Tỵ (28-6-1941).
Chánh quyền Pháp nhận biết nền Quốc Đạo sẽ thực hiện cái mộng giành lại chủ quyền của Việt Nam qua hình thức tôn giáo, dẫn dắt tâm linh dân tộc phục nguyên hoàng đồ đã mất trong 80 năm.
Nên họ đã lên án vị Giáo Chủ đã xâm phạm nền an ninh Đông Pháp tại Viễn Đông, và đày Ngài cùng 5 vị Chức Sắc Đại Thiên Phong ra hải đảo Madagascar thuộc Phi Châu (Africa).

Cuộc đời hành Đạo đã gánh biết bao hy sinh, nay đức Ngài lại phải cảnh lưu đày ra phương trời xa tít, cuộc sống đau thương của Đấng Thiêng Liêng Mạng ấy như thế nào?  Ngài đã làm những gì nơi hải đảo ? Sự phiêu bạt giang hồ ấy sẽ được trình bày rõ sau đây bởi một tín hữu trung kiên nhất của Ngài thuật lại trong lúc lưu vong tại Campuchia năm 1956.

Ngài nằm trên võng tường thuật mỗi ngày một vài chuyện, từ khi đến Madagascar đến khi được xuống tàu IledeFrance trở về Việt Nam là 5 năm 2 tháng [ngày 2-8-Ất Dậu (27-9-1945)].

Sau phần diễn tả các công tác trên Hải Đảo chúng tôi xin trình bày một số Thánh Giáo cầu tại Madagascar có lẽ vì trước giờ không phổ biến được nên ít người có được diễm phúc đọc được nó.

Đây cũng là một đoạn sử trong Đạo sử Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mà chúng tôi muốn giới thiệu với quí đọc giả, có lẽ rất hữu ích cho kẻ tâm Đạo vì nó rất gợi cảm.

Nay kính
Khởi viết ngày 18-8-Ất Sửu
(2-10-1985)
Quang Minh

CHƯƠNG II
CẢNH SỐNG LƯU ĐÀY

Nhơn lễ đại tường Ngài Trần Khai Pháp, Đức Hộ Pháp có đề cập đến cảnh sống lưu đày của Đức Ngài cùng 5 vị Thiên Phong bị lưu đày gồm:

1 . Ông Trần Duy Nghĩa-Khai Pháp Hiệp Thiên Đài.
2 . Ông Đỗ Quang Hiển-Sĩ Tải.
3 . Ông Ngọc Trọng Thanh-Phối Sư
4 . Ông Thái Phấn Thanh-Giáo Sư
5 . Ông Thái Gấm Thanh-Giáo Sư

Chúng tôi xin sao y nguyên văn bài thuyết Đạo tại Bửu Tháp của Ngài Khai Pháp ở Ao Hồ Tây Ninh ngày 20-3-Ất Mùi (1955).

THƯA CÙNG CHƯ VIÊN QUAN CHỨC SẮC CÙNG MẤY EM NAM NỮ.

Hôm nay ngày lễ Đại Tường của Đức Khai Pháp Chơn Quân. Bần Đạo không cần minh tả, tưởng toàn thể con cái Chí Tôn cũng mến tiếc Đức Ngài là một vị Chơn Linh nguyên nhân của Đền Thánh đã định.

Nhắc lại công nghiệp của Ngài Bần Đạo ngậm ngùi cảm giác vô cùng. Sự cảm giác của Bần Đạo đối với Đức Ngài không giờ phút nào Bần Đạo quên được cái công cực khổ đáo để của Ngài đối với Đạo. Bần Đạo chắc chắn rằng trong Chức Sắc Hiệp Thiên Đài Bần Đạo chỉ nhờ Đức Khai Pháp nhiều hơn hết; đó là bằng chứng hiển nhiên. Ngày nay Ngài đã qui thiên thì Bần Đạo sẽ bớt một cánh tay gánh vác sự nghiệp Thiêng Liêng vĩ đại của Đức Chí Tôn tại mặt thế nầy. Bần Đạo thấy cái sống ở đời của Đức Trần Khai Pháp trong buổi sanh tiền chưa có hưởng hạnh phúc hay thú vị gì cả; sự nghiệp giàu sang vinh hiển cũng không màng, chỉ nguyện đem cái xác thân nầy hiến trọn vẹn nơi cửa Đạo.

Đức Chí Tôn đã lựa sẵn đâu hồi nào, mà chính mình Đức Chí Tôn lựa, thật là xứng đáng.
Trong buổi đầu Đức Chí Tôn dạy: "Con muốn ra gánh vác sự nghiệp Thiêng Liêng lập nên nền Đạo, trước hết con phải lập pháp cho xong thì Đạo mới vững bền được". Buổi nọ Bần Đạo để trọn vẹn Đức Chí Tôn lựa chọn chớ không phải phàm lựa. Khi được lịnh cơ bút dạy đi tìm Khai Pháp thì chỉ dạy Bần Đạo lên tỉnh Gò Công mà tìm tên Trần Duy Nghĩa. Đức Chí Tôn chỉ cho biết tỉnh Gò Công mà thôi. Khi tìm đến biết đâu có phải chăng ? bởi vì nơi tỉnh Gò Công Bần Đạo chưa từng đến, mà không có làm bạn với một người nào, nhưng mà cũng vâng lịnh đến.

Đi tìm hỏi thăm thì đã đúng nhà ông Trần Duy Nghĩa. Vừa gặp người đứng trước thềm nhà hỏi thăm thì người nói: "Tôi là Trần Duy Nghĩa đây” rồi mời Bần Đạo vô nhà . Bần Đạo không ngần ngại và để trọn đức tin nơi quyền năng Thiêng Liêng, bèn bỏ hết công việc Đạo thì Đức Ngài hứa và nguyện một điều là hũy cái đời giàu sang vinh hiển để nạp mình vào nơi cửa Đạo. Bần Đạo không tin còn hồ nghi sợ chúng gạt. Khi về đến Sài Gòn Ngài chỉ xách theo một gói đồ trên tay và không trở lại gia đình một lần nào.

Bần Đạo đưa bài Thánh Giáo của Đức Chí Tôn dạy đi tìm Ngài thì Ngài nói với Bần Đạo 2 câu làm cho Bần Đạo kính phục và cảm tưởng mãi nơi tâm, biết rằng ông nầy có thể chung sức với mình gánh vác nổi sự nghiệp của Đức Chí Tôn đã giao phó. Ngài nói rằng: “Tôi tưởng dòng dõi của dân tộc Việt Nam 4.000 năm đã chết, nào dè ngày nay Đức Chí Tôn định lập quốc Đạo thì chắc hẳn rằng đất nước Việt Nam sẽ sống lại được mà cứu chữa tổ quốc và giống nòi, dân tộc Việt Nam sẽ cởi ách nô lệ giữa thời Pháp thuộc bạo hành".

Kể từ đó Ngài vẫn cương quyết lo giúp đở Bần Đạo với sự kính nể đáo để, không giờ phút nào mà Đức Ngài xa Bần Đạo. Không nhắc đến thì thôi mà nhắc đến làm cho giọt lệ Bần Đạo đã chảy không ngừng. Chẳng phải riêng Bần Đạo đã mất một người ơn trọng nghĩa thâm mà, mà tòan Đạo nam nữ thảy đều mất một người bạn yêu mến Thiêng Liêng đó vậy.

Lúc chánh quyền Pháp đày ra hải đảo Madagascar trong đó có nhiều vị Chức Sắc Thiên Phong và chung chịu ảnh hưởng, Bần Đạo chỉ thấy một Đức Ngài và em Thánh Hiển hết lòng phụng sự giúp đỡ Bần Đạo. Còn bao nhiêu vì quyền lợi mà xua đuổi, hành hạ Bần Đạo đáo để. Anh Trọng già rồi chẳng nói chi, nhứt là Thái Phấn và Gấm, dựa quyền lợi theo thuyết cộng sản Nga Xô, dùng sức mạnh trở lại hành phạt khắc khổ Bần Đạo mà chưa vừa lòng. Họ còn xúi giục đẩy Bần Đạo lên chỗ nguồn cao, nước độc để được giết một cách gián tiếp. Nếu chẳng phải nhờ quyền năng Thiêng Liêng giúp sức thì Bần Đạo không thể trở về Tổ Đình Thánh Địa nước Việt Nam ngày nay.

Tội nghiệp thay em Thánh Hiển với Đức Ngài Khai Pháp thấy vậy cũng xin đi theo, đã bị chúng đánh đuổi, vẫn tính kế đi theo nuôi dưỡng Bần Đạo cho được. Thánh Hiển đi theo Bần Đạo bị uống nước độc mà bỏ mình nơi rừng sâu nước thẩm. Chỉ còn Bần Đạo Đức Ngài ôm Bần Đạo mà khóc, chỉ vang vái một điều là cầu xin Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu đem về đất Thánh Địa cổi xác mà thôi.

Thật quả nhiên lời nguyện không sai !
Khi trở về Thánh Địa Bần Đạo gượng làm vui, chớ kỳ thật riêng về Đức Ngài Khai Pháp và Bần Đạo không giờ phút nào quên cảnh tù đày lao khổ.

Bần Đạo chỉ thấy con cái Đức Chí Tôn rất chú ý về việc đó, nên Bần Đạo ôm lòng nén chịu căn dặn Ngài dằn lòng không thốt ra lời nói nào cả, Bần Đạo sợ nói ra đây, gây oán chát hờn thêm cho Đạo. Nếu Bần Đạo nói ra, không có bút mực nào tỏ cho hết, lại thêm xung đột.

Kể từ ngày về Thánh Đia, Đức Ngài Khai Pháp thường than thở với Bần Đạo vì e không khỏi gây cảnh nồi da xáo thịt: bên ngoài thì Pháp, bên trong thì Việt Minh, ở giữa thì quân đội Cao Đài. Ai vui sướng chớ riêng Đức Ngài không có ngày nào mà không lo sợ, sợ đổ máu, giết chóc lẫn nhau, lần đến tương tàn cốt nhục của nòi giống Việt Nam đà nữa mà chớ.

Sau ngày Trung Tá Trấn (Truyền Trạng Phạm Ngọc Trấn) bị quân đội Thành ám sát, đức Ngài thường đến Trí Huệ Cung ôm Bần Đạo vào lòng khóc và than rằng: "Thầy ôi ! cái sợ của tôi ngày nay đã đến rồi, tôi hằng than thở với Thầy từ nơi hải đảo là chổ chúng đày khổ thân thầy trò mình, tưởng là về đất Thánh Địa được yên vui, nào dè có quân đội cho nên ra nỗi nầy".

Than rồi khóc, khóc rồi Ngài vịnh níu Bần Đạo mà nói: " Thầy ôi ! vì lời khuyên xưa kia, Thầy trò mình mới về để dìu dẫn con cái Đức Chí Tôn mà họ đâu thấu đáo tâm trạng. Nay Trấn đã chết thì tôi thấy còn nhiều hiểm họa dẫy đầy, từ từ gây phản bội mà làm ly tán thì bầy con dại của Đức Chí Tôn phải sống nơi nào cho an phận. Thưa Thầy ! nếu mà tôi biết hậu quả và tình trạng ngày nay như thế nầy, thà Thầy trò mình vùi thân ở lại nơi chốn tù đày hải đảo rừng xanh nước độc còn thú vị hơn; Về đây thấy cảnh đổ máu không, lịch sử dòng dõi dân tộc Việt Nam sẽ  ly tán, tiền đồ tổ quốc không dựng lại mà hầu hết nhơn loại chịu trong cảnh sắp điệu tàn nền Đạo chinh nghiên bởi cảnh đó ".

Nghe qua những tiếng than thảm thiết làm cho giọt lệ Bần Đạo phải chảy theo không ngừng. Nhưng Bần Đạo cố gượng cho khây khỏa, hồi nghĩ lại Bần Đạo làm vui mượn cớ an ủi cho Ngài bớt buồn sầu đau thảm…Không anh à ! Mấy em vì nó có óc thanh niên, không phải như các anh lão thành vậy đâu ! vì máu nóng phải vậy. Còn đua tài chác quyền trọng tham danh, chớ buộc cả thảy như chí của anh vậy sao được. Bần Đạo thấy Ngài buồn kiếm chước cho vui đỡ và lần lược kiến tạo cái Trí Huệ Cung được khuyên Ngài vào ở cho thanh tịnh, cho bớt thấy cảnh thảm họa trêu diễn trước mắt hằng ngày.

Bần Đạo gẫm lại đã lãnh cái sứ mạng, dầu khổ tâm Bần Đạo cố gắng dằn lòng để thi hành trách nhậm là làm tròn phận sự của đại nghiệp Thiêng Liêng đó thôi, để gây dựng tương lai hạnh phúc cho toàn cả nhơn loại chung hưởng hạnh phúc hòa bình đại đồng thế giới. Trước Bần Đạo cũng chạy theo quyền lợi, chắc mót từng đồng lương cũng có thể an thú lạc quan với gia đình, cả cuộc mộng ảo của tuồng đời là chỉ biết có quyền lợi đó thôi, chớ họ đâu có biết được cái nghiệp sống Thiêng Liêng vĩnh cửu vô bờ vô bến kia mà.

Ngày nay mấy em muốn lấy quân đội mà chạy theo quyền lợi quá mức bạo hành mà quên lãng sự nghiệp của đại gia đình là tấm đất Thánh Địa, là chổ miên viễn và tồn tại. Hầu hết họ đều nhờ bóng từ bi của nhà lãnh Đạo đại Gia Đình nầy mà dựng nên sự nghiệp cá nhân họ, có quyền thế vinh hiển với người ta mà lại còn đan tâm hũy hoại nó. Họ không biết giá trị cao trọng đó họ phải nương nhờ nơi đâu ?
- Do Đại Nghiệp gia đình nầy mà có.
Bần Đạo nói thiệt, họ không nhờ Đại Gia Đình nầy ngoài ra mà họ đã bị người khinh rẻ mà phải bị tiêu diệt một ngày gần đây mà chớ….

CHƯƠNG III

HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỨC HỘ PHÁP TRÊN ĐẢO MADAGASCAR

Vì lẽ Đạo, Đức Hộ Pháp không muốn môn đệ Ngài thù hận ai, nên không hồi ký việc 5 năm lưu đày của Ngài tại Madagascar. Những sự cực khổ, những cái ngược đãi của bọn thực dân Pháp làm cho Ngài va chạm đến thực tế, tình đời ấm lạnh. Ngài chỉ kể những hành động của Ngài đã làm gì ở trên hòn đảo kỷ niệm ấy, Ngài làm gì ra tiền để nuôi 5 vị Chức Sắc kẹt trong tù ? Ngài còn giúp đỡ anh em Cách Mạng Việt Nam bị đày tại Madagascar như:
Nguyễn Thế Truyền
Nguyễn Thế Song
Trần Hữu Nam

Ngài không phân biệt khuynh hướng chánh trị, chỉ biết giúp người yêu nước chưa gặp thời.
Chỉ có một mình Ngài được tự do sớm, ra ở ngoài khám tìm phương sanh nhai để làm tròn nhiệm vụ một công dân yêu nước.
Ngài làm Thợ Bạc, đẽo cày bừa, xây lò gạch, lò vôi, làm thầu khóan cất nhà, xây đập nước. Ngài lại làm Pháp Sư mở khiếu cho tu sĩ đoạt Đạo, thâu môn đệ trí thức để làm mầm gieo giống lành của Chí Tôn nơi phương trời Phi Châu xa dịu dợi.

Rồi Ngài gặp lại anh em chiến sĩ Pháp Hồi tại Madagascar và cùng với 13 người ấy đi chung một chuyến tàu  Ile de Trauce về Việt Nam.

Chúng tôi xin tường thuật từng điểm một để chư đồng Đạo nhận thức những gian lao mà một vị Phật giáng thế phải gánh vác.

1 - LÀM THỢ BẠC
Ngày 27-7-1941, chánh quyền Pháp bắt Đức Ngài đày đi Madagasca (Phi Châu) cùng với 5 vị Đại Thiên Phong. Pháp qui về tội làm quốc sự chống chế độ thuộc địa để đòi Việt Nam độc lập. Trước hết Ngài bị giam vào khám lớn Sài Gòn 28-6-1941 rồi chúng đổi ra Sơn La là nơi rừng thiên nước độc, được vài tháng chúng mới đưa ra đảo Madagascar.

Đảo nầy thuộc Châu Phi, diện tích 585.300km2, dân số lên đến 3.363 người, kinh đô là Tananarive. Nước Pháp chiếm làm thuộc địa năm 1896. Dân thuộc địa có người Malgaches nay kêu là Madécasses.
Pháp bắt đức Ngài giam tại châu thành Nosilava, ngồi ngục 2 năm mới đưa ra ngoài.

Ngài để ý thấy dân chúng địa phương thích đeo bông tai, kiền vàng, cà rá, bèn nghĩ rằng mình phải học nghề thợ bạc đặng tạo ra tiền hầu nuôi sống bạn đồng môn và các nhà ái quốc trong khám.

Thế là trong vài tháng Ngài thành công. Ông thợ bạc bất đắc dĩ đã hốt bạc, vì đồ Ngài làm mỹ thuật hơn đồ địa phương, lại có nhiều kiểu lạ nên bán đắc như tôm tươi. Ngài mướn thêm thợ địa phương cộng tác thành một tiệm vàng lớn.

Quí ông trong khám sống tương đối bớt vất vã, nhờ lương thực chiếu mền của Ngài gởi vào làm mát lòng những kẻ thúc phược.
Lần lược Ngài được một số vốn khá khá mà Ngài không dè.

2 - LÀM CÀY BỪA
Người Malgache rất chất phát nghèo nàn, người Pháp muốn dễ trị nên không mở mang nông nghiệp để họ tự do làm theo phương pháp cổ truyền.

Họ lùa trâu bò đi quần cho cỏ rạp xuống rồi vạch đất mà cấy, không biết cày bừa chi hết.
Ngài mới đẻo một cái cày và một cái bừa, kêu nông dân dẫn bò lại cho Ngài cày thử. Ngài làm ách, cột cây rồi bắt người dẫn bò. Ban đầu đường cày cong queo; cày một buổi thấy đất lật lên nhiều quá, họ mừng như con mừng mẹ mới về. Rồi họ hỏi: "Đất cục lớn quá làm sao cho nhỏ lại ?"

Ngài tháo cày ra, gắn bừa vào, rồi biểu dẫn bò, chính Ngài cầm vàm mà bừa.
Họ vỗ tay mừng rỡ, coi Ngài như ông Thần Nông thời Thượng Cổ.
Từ đó cái kiểu cày và bừa được dân địa phương phổ biến, trước gần sau xa, cả vùng làm ruộng trúng mùa, họ tôn trọng Ngài đáo để.  

3 - LÀM CỐI XAY LÚA
Có lúa rồi mà họ vọt lúa như người Miên lấy chày vọt lúa cho ra gạo, ngày nào ăn vọt đủ ngày nấy. Thấy vậy Ngài biểu ông Ngọc Trọng (lúc nầy được thả ra khám) đóng một cái cối xay. Ban đầu vì không chuyên môn lúa sống và cối nhẩy cà tưng khó xay, Ngài làm răng lại cho xuôi rồi gạo ra đều, võ lúa tróc theo ý muốn. Còn chỉ cách vần quạt gió, giê để lấy gạo trắng, phân biệt với thóc vàng. Sàng Ngài cũng phải làm mẫu cho họ bắt chước. Kiểu cối xay được dân địa phương phổ biến tòan đảo, dân chúng mến Ngài không tả.

Ngài còn đục một cái cối giã gạo, chày giã gạo để làm mẫu; dạy cách vo cơm nấu nướng theo kiểu Việt Nam.

4 - LÀM LÒ GẠCH
Ngài đi dạo thấy dân chúng cất nhà bằng tranh hoặc lá, không có gạch ngói. Ngài mới nghĩ phải xây một cái lò gạch. Ngài biểu dân chúng chỉ chổ có đất sét, Ngài đem về  làm một lò nhỏ thử đun lửa. Vài hôm sau Ngài thấy gạch rất tốt nên Ngài quyết định xây một miệng lò lớn, rồi chỉ cách in gạch, ngói mà hầm.

Ban đầu lò bị nứt, hơi không đều, nên chỗ sống, chỗ chín, sau Ngài biểu lấy bùn non tô mấy chổ nứt thì gạch có chổ nóng quá phải bị da lu tức thành sành. Sau rốt Ngài làm lỗ hơi cho điều hòa, gạch ra lò mới đạt được theo ý muốn.

Người Pháp ở Madagascar muốn cất nhà, họ mua gạch chổ khác chở bằng tàu đến đảo thì giá đắc gấp đôi. Lò gạch của Ngài bán rẻ, lời ôi quá lời. Kế Ngài biểu dân bản xứ coi theo đó mà xây lò, in gạch, in ngói, học chụm lò…mà phát triển tự làm giàu. Ngài không giữ độc quyền (monopole).

5 - LÀM LÒ VÔI
Ngài đi theo kẹt núi lượm nhiều hòn đá về rồi bỏ vào lửa thí nghiệm, cục nào biến thành vôi thì Ngài trở lại chỗ của nó mà tìm.

Ngài xây ban đầu một lò vôi nhỏ, mỗi ngày sản xuất lối 2 tấn, sau có vốn xây nhiều lò với sự cộng tác của dân địa phương. Thành công rồi thì Ngài cho phép ai cũng làm được, không giữ độc quyền. Cách xây lò và cách đun vôi được chỉ dẫn tận tình. Dân chúng có thêm nhiều công ăn việc làm, sống thoải mái hơn trước.

6 - TẠO CỐI XAY CIMENT
Có gạch, có vôi còn thiếu ciment, Ngài đi nghiên cứu chất đất, đào sâu tìm được đất Ngài mua một moteur kéo máy xay ciment bột. Ngài cũng chỉ cho dân Magache phát triển làm ciment. Dân chúng có công ăn việc làm bớt cảnh thất nghiệp, cũng có người trở nên giàu sang.

7 - LÀM THẦU KHOÁN XÂY CẤT
Ban đầu lãnh nhà tư, sau lãnh cất dinh thự của chánh quyền Pháp trên đảo. Uy tín mỗi ngày một lên, chẳng những dân chúng thương mà chánh quyền Pháp cũng tín nhiệm; thích đến độ họa đồ nào mà không mang chữ ký của ông Phạm Công Tắc thì không được Công Chánh chấp thuận cho phép.

Lúc làm thầu xây cất, Ngài có lãnh xây cất một hàng rào của  một Đại Sứ Mỹ nơi đảo Madagascar. Ngài vẽ họa đồ rất đẹp, xây dựng chắc chắn làm Đại Sứ Mỹ vừa ý. Ngày khánh thành hàng rào, Đại Sứ muốn tạ ơn Ngài bằng một tiệc có sự tham dự của tất cả các Đại Sứ Quán ngoại quốc của các nước. Ông dặn Đức Ngài hãy đến sau vài phút để làm danh dự cho Ngài.

Máy bay trực thăng từ từ hạ cánh có mấy mươi chiếc, không biết xuất phát từ đâu, mỗi máy bay là đại sứ của một nước, có cờ xí rợp trời. Họ đến trước làm hàng rào danh dự. Ngài bước vào có trống kèn chào mừng. Cả thảy đều bắt tay chào vị "Giáo Hoàng bị đày"
Nhờ sự giới thiệu của Đại Sứ Mỹ (Le Pape essice)
Giữa tiệc các Đại Sứ yêu cầu Ngài thuyết Đạo, nói mục đích của Cao Đài giáo.
Đức Chí Tôn nhập thể, Ngài nói thao thao, các Đại Sứ vỗ tay tán thưởng. Ngài thuyết bằng Pháp ngữ.
Ông Đại Sứ Mỹ đem một bản văn đánh máy sẵn nhờ đại diện các quốc gia ký vào. Đó là họ nhận bảo vệ Đền Thánh Tây Ninh dầu Quốc Gia hay Cộng Sản không nước nào được quyền chiếm đóng và quấy phá đền thờ của Thượng Đế.

Ấy vậy, thiên trách bảo vệ tổ đình, dầu Ngài ở phương trời dịu vợi Ngài vẫn làm tròn.
Sau nầy khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm khủng bố Đạo, Ngài nói với mấy vị thân tín rằng: "Coi vậy nó không làm hại Tòa Thánh đâu các con coi, vì luật quốc tế nó đã biết, nó không dám phạm, các con đừng lo".

8 - XÂY  ĐẬP NƯỚC
Ngài quan sát thấy dân chúng lấy nước rất vất vả, xa nhà, phải đội về nhà rất khó nhọc. Ngài lên núi tìm hồ chứa nước đặng làm một cái đập “dẫn thủy nhập điền”. Ngài thấy có một công trình dang dở, Ngài phăng hỏi thì ông Toàn Quyền trên đảo đáp: “Công trình đã được thực hiện bởi kỹ sư Pháp, rồi kỹ sư Đức đều thất bại vì sức nước mạnh quá làm vỡ hết, nhiều lần cất đập không được”. Ngài quan sát thấy nếu cất một hồ nước lớn không thể chịu nổi vì sức nước đổ từ thác rất mạnh. Ngài đề nghị cất 4 cái hồ:
- Một hồ tấm cho trẻ em.
- Một hồ tấm cho đàn bà.
- Một hồ tấm cho đàn ông.
- Một hồ chứa nước lớn.

Ngài mới làm đập cản nước, nhờ vậy sức nước yếu đi không làm bể đập.
Vật liệu cũ vẫn còn, chỉ thiếu hơn 1.000 mét ống cống. Ông Toàn Quyền ban đầu từ chối công trình vì lúc ấy chánh quốc không ủng hộ tài chánh, trên đảo không đủ công quỉ tạo tác. Đức Ngài nói: “Tôi xuất của tư tôi ra, cộng với tiền các mạnh thường quân địa phương có thiện ý sẽ làm được”.

Được sự chấp thuận của Toàn Quyền, Đức Ngài khởi xây cất ống cống rồi làm hồ tắm.

Một hồ cho trẻ em.
Một hồ cho đàn bà.
Một hồ cho đàn ông.
Còn một hồ chứa lớn, chứa nhiều khối nước.

Công thợ bắt đầu đào đất, đặt ống cống dài dài theo họa đồ đã vẽ sẳn.
Cuối cùng công việc cũng hoàn tất và định ngày khánh thành.
Dân chúng tề tựu tại đập nước rất đông, có chính phủ Pháp tham dự. Quần chúng đứng dài dài theo đường mà cống xuyên qua. Đông nhứt là tại miệng mà nước chảy ra. Đến giờ mở vòi, nước chảy ào ào, phún tung tóe, dân chúng thích quá đồng loạt la lên: “Vive monsieur TẮC; Vive monsieur TẮC” (Vạn tuế ông Tắc; vạn tuế ông tắc).

Lúc nầy đức Ngài cảm thấy sung sướng, cảm động vì đã giúp được dân Malgache một đại công, chẳng những họ có nước uống, họ còn trồng tỉa hoa màu, lúa thóc, nhờ cái đập nầy tháo nước ra.

9 - MỞ TRƯỜNG HỌC
Mỗi cơ sở mà Đức Hộ Pháp đào tạo như lò gạch, lò vôi, đập nước…Ngài còn lập gần đó một trường tiểu học dạy từ Enfantin đến Élementaire (Hồi xưa thời Pháp thuộc thì từ lớp 5 đến lớp 3 rồi lên lớp nhất là supercus, nay thì khác) để khai hóa dân trí Malgache. Chương trình dạy tiếng địa phương và tiếng Pháp.

Mục đích của thực dân Pháp để cho dân ngu dốt mới dễtrị, để cho dân nghèo khó họ mới câu nhữ những kẻ thân họ mà phục vụ làm nô lệ lâu dài. Khi Đức Hộ Pháp đặt chân lên đảo, Ngài nghĩ ngay đến người Việt Nam bị trị, lòng từ bi của Ngài xem người Malgache như đồng chủng của mình, cần khai hóa họ, cần mở mang trí tuệ họ, họ cũng là con cái Đức Chí Tôn, chung thọ điểm linh quang của Đấng cha lành cần giúp đỡ mọi mặt, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần, cho họ được hấp thụ nền văn minh Đạo đức, người tận thiện, vật tận mỹ. Vì thế nhân dân Malgache xem Ngài như một vị cứu tinh, tín nhiệm Ngài như một cha lành, kính mến Ngài như một sư bửu.

10 - MỞ HUỆ KHIẾU CHO ĐẠO SĨ
Có một Đạo Sĩ địa phương học với một sư phụ về phép tu hành, nhưng sư phụ nói: “Nhà ngươi chờ có một vị Phật đến sẽ truyền Pháp cho nhà ngươi đoạt Pháp, chớ ta chỉ dẫn đến đây thôi”. Đạo Sĩ là một tư thức tốt nghiệp Cử Nhân Luật. Một hôm Ngài đi dạo, tay cầm can, không hiểu sao đi tới đi lui trước nhà Đạo Sĩ ba bận. Đạo Sĩ ra chào và mời vào nhà trà nước, rồi quì xuống xin truyền Pháp. Ngài hẹn 3 hôm nữa sẽ trở lại. Ngài xuất Thần về Ngọc Hư Cung xin phép Đức Chí Tôn và Đức Lý được sự chấp thuận nên đúng hẹn Ngài đến nhà Đạo Sĩ Cân Thần, mở huyền quan khiếu. Đạo Sĩ đoạt Đạo, vân du thiên ngoại được, bái phục Ngài tột độ, tự xưng là đệ tử và kiếu Ngài là Thầy.

Vậy về mặt Đạo đức tinh thần Ngài vẫn làm chủ của đảo Madagascar vì nhờ vị Sư Tổ địa phương đã biết giá trị của Ngài là một vị Phật sống.

11 - THÂU THÊM ĐỆ TỬ TRÍ THỨC
Có một cô gái nhà giàu du học ở Paris Pháp, đến năm thứ hai của trường đại học Luật Khoa, nằm mộng thấy vị Thần bảo: "Phật ở xứ không thờ lại đi tìm đâu xa mà lập thân".

Đương không cô bỏ học về, bị cha mẹ, anh em trích điểm. Cô không cải cứ đi tìm Phật, dường như có căn nguyên nên khiến cô gặp được Đức Ngài và thọ giáo làm môn đệ Cao Đài đầu tiên ở Madagascar. Nhờ vậy mà ông thầu khoán bất đắc dĩ lại có một cô thư ký giúp việc đắc lực. (Rất tiếc người thuật lại không nhớ tên Đạo Sĩ cũng như người tín đồ trí thức).

12 - GẶP LÍNH PHÁP HỒI
Anh em tình nguyện tùng chinh đi lính Pháp đánh Đức, có một tốp được đưa qua Madagascar. Đức Ngài nhớ các tín đồ đi lính, họ cũng nhớ Đức Ngài mà đâu tưởng bao giờ có ngày hội ngộ, nhưng trong số được đưa lên đảo, phần nhiều là người miền Trung, người Bắc, còn người miền Nam chỉ có 13 người. Một người Trung Kỳ nói: "Ê tụi Sài Gòn bây có quen với ông già chống gậy đằng kia không ? ông cũng người Nam phần, đâu lại coi có nhìn bà con không ?" Anh 8 Quận lại gặp, Ngài hỏi thăm. Ngài hỏi: "Em ở đâu? Đi lính hồi nào ? do Pháp bắt hay tình nguyện ?". Anh Quận nói: "Tôi là tín đồ Cao Đài vâng lịnh Đức Giáo Chủ tình nguyện đi đánh Đức.
- Ngài hỏi: “Cao Đài nào ?"
- Cao Đài Tây Ninh.
- Tây Ninh thiệt không ?
- Dạ thật.
- Ngài hỏi: "Con biết Đức Giáo Chủ không?"
- Dạ con mới nhập môn nên không biết mặt.
- Ngài ôm anh, vỗ ngực mà nói rằng: Thầy đây con (rồi òa khóc) con đi mấy đứa? kêu chúng nó lại cho Thầy thăm.

Anh Quận mùng quá chạy về trại lính cho anh em hay lại chào Thầy.
Có ba người gặp trước là quí anh Tám Quận, Chín Tháo và Mười Phụ; thấy dáng Thầy thì Tháo và Phụ chạy riết lại không chào hỏi, mỗi người ôm một giò nhấc bổng Thầy lên cao; muốn kêu Thầy mà kêu không ra tiếng, cảnh quấn quít thầy trò tương ngộ nó đậm đà trong yên lặng, nó thâm trầm, nó thiêng liêng không bút mực nào tả cho cạn lý được.

Bốn thầy trò quấn quít nhau trong giây lâu, Thầy mới trấn tĩnh nói: "Con kêu hết mấy đứa khác cho Thầy thăm, còn bao nhiêu nữa ?".
Tám Quận nói: "Chúng con có 13 đứa Cao Đài ".
Thầy hối kêu lại, sự mừng rỡ không kể xiết.
1 . CTS Tháo
2 . Thôi
3 . Phu
4 . Dương
5 . Quận
6 . Ái
7 . Lăng
8 . Lễ
9 . Hoài
10 . Lợi
11 . Lên
12 . Thông Sự Én
13 . Lân

Thầy dắt anh em lại nhà Thầy ở, giới thiệu với bà Đầm chủ nhà là vợ ông Quan Tư Desange Thiếu Tá có nhiệm vụ đưa Ngài về Việt Nam, bà cũng mừng. Anh em mời Thầy đãi một tiệc, Thầy trò trút bầu tâm sự không bút mực nào tả cho hết.
Thầy mời các chiến sĩ, đãi tại nhà Bà Đầm vì chính bà cũng có ý mời các anh em.
Hân hạnh thay ! Tưởng rằng kẻ hy sinh luôn luôn bị thiệt thòi vì chánh nghĩa, nhưng có những phút an ủi tâm hồn mà không ai dự tính trước được nó đã diễn biến như vậy.

13 - GIỜ LY BIỆT HAY GIỜ HẠNH PHÚC
Bị đày 5 năm 2 tháng. Ngài khổ tâm không biết nền Đạo ở nhà, có lẽ nó hư nát thì thiên trách của Ngài không trọn vẹn.

Đùng một cái, nghe đài phát thanh tuyên bố: Nhựt Bổn đảo chánh Pháp tại Việt Nam, Đại Biểu Trần Quang Vinh Lập nội ứng nghĩa binh, giữ gìn trật tự tại thủ đô Sài Gòn.

Cao Đài được tự do hành Đạo..v.v..Không có gì sung sướng bằng ngày 9-3-1945, Pháp đổi thái độ sắp đem Ngài và các Chức Sắc tháp tùng về.

Ngài từ giả chánh quyền Pháp, các trí thức Malgache, dân chúng Malgache họ đưa Ngài mà lệ đổ chứa chan vì cảm tình sâu đậm. Tại nhà ga, hết người nầy vẫy tay, tới người kia hôn mặt, hôn tay, hôn chân, kẻ liệng nón, người cởi áo liệng lên xe lửa để tỏ tình triều mến. Còi sắp lê 1,2 rồi 3 mà dân chúng chưa chịu buông Ngài ra.

Cảnh sát phải đến can thiệp mới mới giải tỏa được. Tàu hỏa từ từ lăng bánh, một tiếng hô vang : "Vive Monsieur Tắc; Vive Monsieur Tắc" văng vẳng rồi nhỏ dần, nhỏ dần…

Xe lửa đến bến tàu tại Post Tamatave Ngài gặp lại 13 chiến sĩ Pháp Hồi cùng về một chuyến tàu "Ile de France".

Khi đến Vũng Tàu Việt Nam ông Thiếu Tá Déjanges có nhiệm vụ đưa Ngài về nói: "Giá trị của ông Tắc có thể định bằng số vàng mà thân hình ông cân được".
Thật là một lời nói có ý nghĩa của một nhà trí thức Pháp.

14 - VỀ TÒA THÁNH TÂY NINH
Ngày mùng 4-8-Bính Tuất (30-8-1946) Đức Hộ Pháp được tiếp rước long trọng tại Tòa Thánh Tây Ninh. Ngài Giáo Sư Đại Biểu Trần Quang Vinh có đọc một bài diển văn như sau:

Kính thưa Đức Hộ Pháp
Sau khi năm năm phiêu lưu nơi hải ngoại vì chủ nghĩa thương đời, ngày nay một ngày đáng kể vào sử Đạo. Ngài đã để chơn về Tổ Đình, tiểu chức xin thay mặt cho Hội Thánh Cửu Trùng Đài và toàn Đạo nam nữ để tỏ ít lời chúc tụng mừng rỡ Ngài. Luôn dịp để dâng cho Ngài ý nguyện chung của toàn sanh chúng, nhứt là trong buổi mặt đời biến đổi, tình thế phân vân do cuộc tang thương hiện tại.

Kính Ngài.
Tiếng nói của tâm hồn nó có thật chăng là khi trí nảo nó kích thích một cách quá ư mạnh mẽ do sự biến động của cơ hữu hình hay là nói trái lại khi xác thịt phải chịu nhọc nhằn  quá lẽ trong cảnh điêu linh sầu khổ.

Về mặt Đạo, cái khổ ấy lại là phần hơn, bởi thế từ khi vắng mặt Ngài, trong Đạo không một ai là không buồn thảm. Bất luận già, trẻ, lớn, nhỏ, nam, nữ khi gặp nhau nhắc nhở đến Ngài và các bạn xa quê thì trên khuôn mặt âu sầu đôi giòng lệ nhìn nhau từ từ rơi xuống khóe miệng để thế cho lời nói…
Điểm tô thêm thảm trạng ấy, cảnh Đạo điệu linh, kẻ còn, người mất.

Nhưng đó là ngày đã qua. Chiếc thuyền từ của Đức Phật Thích Ca há chẳng phao tuông trên bể khổ chứa đầy nước mắt mới độ đặng chúng sanh.

Nhìn đặng tận mặt Ngài nơi đây, tiểu chức tưởng tượng dường như thấy đặng chiếc bình Bát Du của Đức Thích Ca trôi ngược dòng nước Maha một cách huyền linh rực rỡ, khi người đã lập thành Đạo Phật.

Vậy tiểu chức xin dâng Ngài đóa hoa tươi nở nầy, nó là biểu hiện cho cả triệu quả tim của con cái của Đức Chí Tôn cùng đang tuơi nở cõi lòng để hiến cho Ngài mối tình thân ái yêu thương vô giá của Đức Chí Tôn đã đào tạo trong bao nhiêu năm khổ hạnh.

Kính Ngài.
Cái vui mừng của toàn Đạo đối với Ngài tràn trề. Nương dựa nơi sự mừng vui ấy là một tiếng kêu đau thương tha thiết của tâm linh. Nó làm cho chúng tôi ái ngại, xốn xang. Đó là tiếng kêu đau thảm của mặt đời vì hoàn cảnh hiện tại ấy, tiếng kêu đau thương ấy có khi đã làm cho lay động lòng Ngài giữa trời Nam. Ước mong rằng chiếc thuyền từ của Ngài sẽ vẹt lối nguy nan làm cho nhơn sanh bớt khổ thì Hội Thánh Cửu Trùng Đài và cả nam nữ nguyện đồng tâm hiệp lực cùng Ngài, theo Ngài từng bước một đặng đoạt mục đích cao thượng của Đạo là:

“Cởi thân làm mảnh áo tơi,
Che mưa đỡ nắng cho đời nguy nan”.

Thì dầu phải quên vết thương lòng chúng tôi nguyện không hề thối bước.
Trần Quang Vinh.

15 - CỨU NHỮNG NHÀ YÊU NƯỚC MALGACHE
Một hôm Ngài đọc báo ngoại quốc thấy những nhà cách mạng Malgache bị chánh phủ Pháp xử tử hình. Ngài viết thơ chính thức can thiệp với Tổng Thống Pháp yêu cầu khoan hồng cho họ.

Vụ nầy họ được giảm án tử hình xuống chung thân khổ sai (về chánh trị nếu có một sự đổi thay chế độ họ có thể được trả tự do dễ dàng).
Đó là tình cảm của Đức Ngài đối với người Malgache ở bên trời Phi.
Chúng tôi tạm dừng phiên hồi ký trên đây bằng bài thơ như vầy:

" Mến ông thợ Bạc gốc thầy tu,
Nuôi cả Môn Sanh bị nhốt tù.
Đẽo mẫu cày bừa thâu lắm thóc,
Xây lò vôi gạch hốt nhiều xu.
Dắt dìu kẻ khó thành vương khải,
Dẫn độ người lành ngự Ngọc Hư.
Thầy tớ gặp nhau trên đảo vắng,
Pháo đâu đì đạch dưới chân cù ".
                                                 * Tử Quang

CHƯƠNG IV
THÁNH GIÁO “Madagascar”
Phò Loan
Hộ Pháp
Sĩ Tải Hiển

TIÊU DIÊU ĐẠO SĨ
Thi
" Lược chiến từng quen đã bấy lâu,
Thiên cơ đã rõ máy cao sâu.
Dằn lòng nhẫn nại chờ đôi lúc,
Sẽ thấy khuôn linh phép nhiệm mầu ".

Chào Thiên Tôn và chư vị Đại Thiên Phong, có Đức Nhàn Âm Đạo đến để Bần Tăng đi triệu Thần Hoàng Bổn Cảnh đến giữ cơ.

NHÀN ÂM ĐẠO SĨ
Cười, Bần Tăng lấy làm cảm xúc cho chư vị dường nầy, hận giống dã man tàn ác.
Đương nhiên Trung Huê chia làm Tam Quốc, Trung Quân tức là Nam Kinh đó vậy, nơi ấy cả hang ổ việt kiều, thời cuộc Á Đông sẽ kết cuộc do nơi đó.

Thi:
" Quá hải đôi phen đến viếng nhau,
Ngặt không cơ bút để lời giao.
An nhàn đôi thuở triều linh địa,
Chuyển thế gặp hồi phải múa đao.
Cỏi Á đã gầy thành chúng quốc.
Phương Âu kẻ diệt tận nô lao.
Lửa hương đất Việt dầu nhen nhúm,
Nhờ đám Trung Quân ở nước Tàu ".

NẶC DANH
Chào Thiên Tôn, chào chư vị Đại Thiên Phong.
Trong cảnh buồn nầy, có người quen đến viếng thường cũng nên cho là hậu tình đó chứ.
- Đức Hộ Pháp: Xin cho biết tên.
- Chẳng cần biết tên mà làm gì, thà để gần gủi nhau hay hơn.
Vậy trước khi từ bút, thiếp xin để lại một bài thi làm của.

Thi:
Nô Si Lao tiếng đặt buồn cười ! (1)
Mi đã rước ai hỏi hỡi ngươi.
Lượng thảm bủa gành tình ột ạt,
Gió sầu xô đảnh ái tơi bời.
"Yêu phu điểu" gọi thương cành sớm (2)
Giọng Ngạn Uyên khêu nhớ buổi mơi (3)
Tổ quốc đon đường bao dặm thẳng ?

- Thưa ! xa thăm thẳm một phương trời.
* Thăng

Xin giải thích:
(1) Nô Si Lao là tên chổ Đức Ngài bị đày, tiếng Pháp gọi Nosilava, chữ Nô là nô lệ, chữ Lao là lao tù; cái tên chỗ giam Ngài nó mĩa mai làm sao đâu. Ngươi có biết ngươi đã rước một vị Phật chăng ?

(2) Sáng sớm có con chim tiếng địa phương kêu là “Yêu Phu Điểu” nó kêu dường như : Trả chí chàng, trả chí chàng. Còn trong buổi sớm mai có con quốc nó gọi hồn nước của kẻ yêu  giang san nhưng bị thất vận.

(3) Ngạn Uyên hay Đỗ Vũ có tích là ông vua Thục Đế thất quốc, quá buồn nên chết làm con Quốc. Ngài muốn biết Tổ Quốc chừng nào được thanh bình an lạc thì tôi xin thưa còn xa xăm thăm thẳm, vì nghiệt oan của dân tộc Việt Nam quá nhiều, phải vay trả cho hết rồi mới hưởng hồng ân của Chí Tôn được.

TIÊU DIÊU ĐẠO SĨ
Chào Thiên Tôn và chư vị Đại Thiên Phong.
Đức Lý Giáo Tông nhận rằng: Trong hai tháng nữa người sẻ đến dạy việc Đạo…Có Đức Tôn Sơn đến. Cười…Nguyệt Tâm Chơn Nhơn có nhắn lời rằng: Jersey Afrique cũng như Jersey Anglais vậy chớ.

Bần Tăng đố ai đánh “cu di” nầy trúng thì Bần Tăng biểu Uông Tinh Vệ  nhường Nam Kinh cho về đó mà ở.
- Đức Hộ Pháp hỏi:…………
- Đây lấy Tàu mà noi Đạo. Tội nghiệp cho Tưởng Giới Thạch, khi đặng thống nhứt rồi để cho Nhựt Mỹ đánh ghen mới có đồ mưu nội loạn theo kế hoạch đôi đàng, ai chiếm đặng tâm Tàu, chừng ấycõi Đông Dương mới mong đoạt quyền vi chủ.

Ôi ! cảnh tượng ấy ai lại chẳng ham, chẳng khác nào kẻ nghèo đi cưới vợ Phú Hộ.
- Đức Hộ Pháp và chư vị Thiên phong hỏi:……………
- Nhưng Tàu là thuyền quyên băng tuyết kia mới định phận lẽ nào nói thử ?

Bởi vậy hiền hữu như một gái lấy 2 chồng nếu ở gần thì bị dụ dỗ, cũng nên xách gói mà ra đi, đợi 2 anh hùng tranh đấu, ai đoạt đặng phao cầu, chừng ấy mới định duyên tơ tóc.

Bởi vậy Chí Tôn dắt chư hiền hữu đi đây cũng như dục gái trốn mau.
- Đức Hộ Pháp: ở đâu mau ?
- Như bên trai xong thì về mau, bằng không thì cứ ở thế mà !

TÁI CẦU:
Chatel sẽ có đảm nhiệm lớn lao nơi Đông Dương không phải như lời của chư hiền hữu để hận, cốt yếu Langsa, nhứt là Decoux đem chư vị đi nơi xa cầm sanh mạng đặng toàn Đạo chẳng dám phản loạn rồi thừa kế đức (?) vào tay phái phục hoàng để làm nha hảo. Rồi đây kế ấy tác thành  vì Decoux đã cho tin tức trong đảng phái ấy hay rồi.

Nhưng Thiên ý Chí Tôn lại khác, xin chư vị cứ chờ đợi sẽ thấy.
* Thăng.

TIÊU DIÊU ĐẠO SĨ
Từ ngày chư vị mông trần nơi đây, Bần Tăng lấy nơi nầy làm căn cứ đặng dễ bề gần gũi. Bần Tăng may duyên gặp đặng Tiếp Dẫn Đạo Nhơn Gabriel Gabron nơi Cung Lập Khuyết, người có hứa đến hội hiệp cùng chư vị, nhưng mắc bận việc nên chẳng định ngày, đợi đôi tháng nữa Bần Tăng sẽ đi rước.
* Thăng

NẶC DANH
Chào Thiên Tôn và chư vị Đại Thiên Phong.
Thiếp vì có mạng lịnh đến đây làm bạn bút nghiên trong lúc chư vị đặng mạng lịnh Chí Tôn cho ngồi nghỉ nơi đây.

Chí Tôn than rằng: Chức Sắc Thiên Phong bên Cửu Trùng Đài thiếu hùng biện văn tài đặng làm tay qui phục sanh chúng, vì cớ ấy mà triết lý Đạo khó phổ thông cho toàn thiên hạ. Nhưng Chí Tôn nhứt định trao chơn truyền cho mấy vị đây mà thôi.

Thiếp xin trích thi văn đặng dìu bước chư vị Thiên Phong vào khuôn viên đoạt thành khẩu khí, rồi lần lượt dẫn vào luật tân của Ngô Thường Quân là cháu hai đời của Ngôn Tôn Sách sau cầu phong lên làm Phong Hầu, nên gọi là Tân Luật.

Tái Cầu:
Chào Thiên Tôn và chư vị Đại Thiên Phong.
Vì có mạng lịnh nên Thiếp xin phép cho Thiếp thổ lộ đôi điều. Khi Thầy Thiếp là Vương Thất Nương về chầu và dâng sớ cho Đức Chí Tôn tỏ nổi sự khổ hạnh nhọc nhằn của chư vị nơi đây. Đức Chí Tôn lấy làm đau đớn thương tâm, nhứt định chính mình người đến nơi an ủi. Nhưng Lý Giáo Tông can gián, e rằng nhẹ Thiên nhan, để cho người cam lảnh phận sự ấy.

Người mới cử kim hài xuống âm quang nhủ giáo Thầy thiếp giúp sức. May thay nhờ chư vị thươmng yêu triều mến, Thầy thiếp nay dạy thiếp  đến làm bạn bút nghiên hầu liệu phương an ủi, nên thiếp dạy thi văn, còn về mặt thuyết minh thì để cho Thiên Tôn huấn luyện.

Thi:
"Đã phong trần thế chịu phong trần,
Có thân âu phải biết thương thân.
Nam xa ví chẳng về đường khó,
Việt đảnh mong chi đoạt lửa mừng.
Nặng gánh giang san là thượng trụ,
Nhẹ đai cung kiếm ấy thường quân.
Ngũ hồ tứ hải không lưu lạc,
Mặt địa cầu ta vốn định chừng ".

Nam xa: Tích là Ngô Sĩ Liên đi sứ bên Tàu, nhơn Châu Công cho một cỗ xe có để địa bàn chỉ nam, nương theo đó mà về nước. Ôi ! đường đi qua núi, xuống đèo trăm bề khó nhọc nhờ vậy mà biết con đường bộ từ Nam chí Tàu, mới hành binh đuổi quân Tàu về nước. Sau lấy đặng Hoàng Triều, lập nên Quốc Pháp, nên thi sĩ đời sau cho Nam xa là việc tối khinh mà tối báu.

Việt Đảnh: là lư đảnh để thờ Hoàng Tộc, ai thâu đặng bá tánh thì bá tánh là con của Hoàng Tộc sau lập Tổ Miếu mà thờ, gọi là “Lư Hương Đảnh Việt"

Thi:
" Hòn đảo nầy đây trước nhốt tù,
Mà nay làm khám khảo thầy tu.
Quả như oan nghiệt vay rồi trả,
Thì lũ Tây man Nhựt Bổn trừ. "

Tiếp sau có 2 câu nho thích nôm:
" Vân trọc đằng phong phi yểu yểu,
Triều tư tẩu bá khứ bôn bôn ".

                         Thích nôm:
" Cuồn cuộn mây đưa theo ngọn gió,
ồn ào sóng rượt chụp khuôn thuyền"
                                                 * Thăng

Đến đây là hết tài liệu về thơ văn Thánh Giáo Madagascar.

(Tài liệu Thánh Giáo Madagascar do Giáo Hữu Thượng Bội Thanh tặng. Xin tri ân ông bạn có nhiều nhiệt tình để chúng ta học Đạo).

TỔNG KẾT
Để kết luận chung về Lưu Xứ Ký Sự chúng tôi xin mượn bài Thánh Giáo của Đức Quyền Giáo Tông tỏ nổi niềm mình về sự thọ khổ của Đức Hộ Pháp và các Đại Thiên Phong nơi hải đảo.

Hộ Pháp Đường đêm 16-11 Bính Tuất (18-11-1956)
Phò Loan
Hộ Pháp
Tiếp Đạo
Thượng Trung Nhựt
Mấy em Nữ Phái

Cười…hèn lâu không gặp mấy em cũng nhớ quá !
Nè mấy em nên nhớ rằng: Sống một đời đã nhiều đau thảm với tuồng đời, mà niên cao kỷ trưởng, hỏi lại lập nghiệp tại thế có thú vị gì không ?

Trong nửa kiếp sanh, đầu râu bạc trắng mà lắm thảm sầu, rốt cuộc chung hưởng điều gì nói thử ?

- Giáo Sư Hương Nhiều bạch:…….
- Phải đó ! đã làm tôi tớ cho đời, vô công nghiệp thì tự tin lấy tâm hồn mà tạo Thiêng Liêng vị mới không uổng kiếp sanh. Vui chi, sướng chi mà mê mẫn theo đời cho thất phận.
Nghiệp vĩnh cửu không tầm,
Lại ăn xin của vô giá.
Mấy em nên trọn hiếu cùng Chí Tôn, trọn trung cùng Hội Thánh thì ngày chung qui anh em đặng gặp.
Xin nhớ nghe !
* Thăng

Chuyến khảo Đạo nầy có 2 vị thiệt mạng:
1 - Ông Sĩ Tải Đỗ Quang Hiển.
2 - Ông Giáo Sư Thái Gấm Thanh.
Trong một bài thuyết Đạo Đức Hộ Pháp gọi sự đày ải nầy là “Cuộc Trấn Thánh Phi Châu”.

Viết xong ngày 20-8-Ất Sửu (1985)
Quang Minh

NHỚ THẦY
" Năm năm hai tháng chịu đồ lưu,
Thêm khổ ba năm chịu xứ người.
Thảm khổ thầy mang so bạc vạn,
Truân chuyên trò gánh sánh đồng xu.
Kiếp dầu bé bỏng tâm không nản,
Mạng có chông chênh chí chẳng lùi.
Thầy dẫn tới đâu trò tới đó,
Đon đường thánh vức lắm công phu."
(1979)
* Quang Minh

( Bài này Quang Minh làm trong khám Hòa Thành, vì phản đối Bản Án Tố Thầy của chánh quyền XHCN nên bị giam hai tháng rưỡi ).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét