CẢNH SỐNG LƯU ĐÀY TRÊN ĐẢO MADAGASCAR của Đức HỘ PHÁP. * Sưu Tầm. Dr. Lê Thị Ngọc Vân.


VSCĐ - Kính gửi Quý Hiền và Toàn Đạo tài liệu CẢNH SỐNG LƯU ĐÀY TRÊN ĐẢO MADAGASCAR của Đức HỘ PHÁP. Sưu Tầm. Dr. Lê Thị Ngọc Vân.
Hầu để Quý Hiền ghi nhớ những ngày này lịch sử của Đại Đạo, ngày 01-06- năm Tân Tỵ (dl. 25-06-1941), và mùng 4-6-Tân Tỵ (28-6-1941)
chuyển ra miền Bắc. Ngày này, Toàn Đạo gọi là (Thời Pháp Nạn của Đức Hộ-Pháp, Đồ lưu Hải ngoại (1941-1946).

Nhà Thuộc Địa Pháp muốn diệt trừ Đại Đạo từ ngày Khai Đạo, tìm mọi lý do nhắm vào Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, họ đã vận dụng mọi thủ đoạn và nhiều hơn nữa nhưng không thành công. Toàn Quyền Pháp chủ mưu tìm trong nội bộ Tín Đồ Cao Đài bán Chúa. Sau đó nhà Thuộc Địa Pháp tìm được ông Giáo Sư Thượng Bảy Thanh (Lê văn Bảy) lấy cớ "Bức Thư Tố Cáo Đức Hộ Pháp" viết từ Hà nội, ngày 10 tháng 4, năm 1940; Gởi cho Quan Toàn Quyền Đông Pháp, Hà Nội.

Đức Hộ Pháp làm đầu nhơn sanh phải chịu tang thương, khảo đảo đến cùng, bởi những Tín đồ bị cám dỗ tiền, quyền, danh vọng mà quyên Hội Thánh cả Thấy mình. Những lòng người kém đức tin ấy mất đức tin, theo tà quái mê muội trong bã lợi danh. Tiếc cho một bậc tài danh như ông Lê văn Bảy mà quay ngọn bút Tà tố cáo Đức Hộ Pháp, Người với bút hiệu Ái Dân chỉ vì yêu Đạo và dân tộc VN.

Đức Hộ Pháp phải chịu đồ lưu nơi Hải đảo Madagascar (Phi châu) biệt xứ, xa Đạo đúng 5 năm 2 tháng. Người vừa đau đớn khổ sở xác thân mà cũng vừa là gánh nạn cho dân tộc VN. Bởi trong cái vòng "Đạo khai Tà khởi" nên mới khiến Người bị thử thách đến tận cùng nhận khổ chung cho Nhơn sanh và Hội Thánh.

Người thế gian này hầu không tránh được chất độc dễ nhiễm vào người hơn là chất bổ và Đức tin kém, nên sinh ra nhiều hạng người buôn Thần, bán Thánh, bán nước buôn dân, bán rẻ lương tri để thỏa lòng tà ! Đau đớn nhất Tín đồ Cao Đài phải đọc lại những trang sử này chứa đầy dòng huyết lệ với tấm lòng trung hiếu Đại Đạo.

Khoảng thời gian 1941-1946, toàn quốc tao loạn, nền Đạo suy vi, mùa Pháp nạn của Đức Hộ Pháp nằm gọn trong thế chiến thứ hai. Nền Đại Đạo Cao Đài cũng bị ảnh hưởng thời cuộc. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, bởi có nhiều Tín đồ khắp miền Nam, Trung, Bắc thường vạ lây vào lúc khảo Đạo.

Ngày 01-06- năm Tân Tỵ (dl. 25-06-1941), chính thức Nhà Thuộc Địa Pháp, bắt giữ Đức Hộ Pháp cùng năm vị chức sắc: Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, Giáo Sư Thái Phấn Thanh (bị bắt ở Cao Miên), Giáo Sư Thái Gấm Thanh, Quyền Chánh Phối Sư Ngọc Trọng Thanh, Sĩ-Tải Đỗ Quang Hiển bị dẫn giải về giam tại Sàigòn. Sau đây là vài nét về 5 chư vị chức-sắc trên:
1 . Khai Pháp Trần Duy Nghĩa (1889-1954) được cầm Quyền Ngọc Chánh Phối Sư (1930), Chưởng Quản Phước Thiện (1937). Năm 1946, Ngài lãnh Chưởng Quản Bộ Pháp Chánh, rồi qui vị ngày 22-01-Giáp Ngọ (dl. 24-02-1954).
2 . Chánh Phối Sư Ngọc Trọng Thanh: từ lúc khai Đạo đã có Ngài, sau khi ở Mã-Đảo về, Ngài vẫn tiếp tục làm việc Đạo.
3 . Giáo Sư Thái Gấm Thanh, tên họ thật là Thái văn Gấm, ngồi Đầu Tộc Đạo Châu Đốc (1932-1933), Gia-Định (1934-1935), Thượng Thống Công Viện (1936–1937), Chủ Trưởng Hội Thánh Ngoại Giáo (1938-1939), đi mở Đạo miền Trung (1940) và qui vị tại Mã Đảo (Madagascar) năm 1943.
4 . Giáo Sư Thái Phấn Thanh thế danh Trần văn Phấn giữ chức Chủ Trưởng Hội Thánh Ngoại Giáo tại Kiêm Biên (1941), thì bị Pháp bắt lưu đày, khi về nước Ngài sống ở Vũng Tàu, sau về Gò Vấp và từ trần năm 1965 (Gia Định).
5 . Sĩ Tải Đỗ Quang Hiển chết tại Mã Đảo (Madagascar), Phi Châu, về cơ xưng là Thánh Phi Châu có bài thi như sau:
THI
Cuộc đời còn lắm nỗi gay go,
Các Đấng ghe phen đã dặn dò.
Hành Đạo Cao Đài cho phải Đạo,
Học trò Xiển Giáo đáng danh trò.
Lợi quyền chớp nhoáng đừng mơ mộng,
Đạo đức trường tồn gắng chí lo.
Một kiếp phù sanh không mấy lát,
Thật hành cho vẹn Thích, Tiên, Nho.

Nhân dịp kỷ niệm (Thời Pháp Nạn của Đức Hộ-Pháp, Đồ lưu Hải ngoại (1941-1946). VSCĐ, giới thiệu những tài liệu:
1 - Đức Hộ Pháp Thời Pháp Nạn Đồ Lưu Hải Ngoại (1941-1946) (QS TS Nguyễn Thanh Bình )
2 - LƯU XỨ KÝ SỰ HAY CUỘC TRẤN THÁNH PHI CHÂU . * Quang Minh
3 - Thời Pháp Nạn Hay là Ngày Đạo Hận: 20-8-ẤT Mùi (dương lịch: 05-10-1955) - 1 / 2
( Nguên-Thủy )

CẢNH SỐNG LƯU ĐÀY TRÊN ĐẢO MADAGASCAR của Đức HỘ PHÁP. Sưu Tầm. Dr. Lê Thị Ngọc Vân.

CẢNH SỐNG LƯU ĐÀY TRÊN ĐẢO MADAGASCAR của Đức HỘ PHÁP.
* Sưu Tầm. Dr. Lê Thị Ngọc Vân.
Vì lẽ Đức Hộ Pháp không muốn môn đệ Ngài thù hận ai, nên không viết hồi ký việc 5 năm lưu đày của Đức Ngài tại Madagascar.

Những sự việc cực khổ, những cái ngược đãi của Thực Dân Pháp làm cho Ngài va chạm đến thực tế tình đời ấm lạnh.
Ngài chỉ kể những kỷ niệm của Ngài đã thực hiện tại Quốc Đảo Madagascar. Ngài làm gì ra tiền để nuôi 5 vị Chức Sắc kẹt trong tù. Ngài còn giúp đỡ anh em cách mạng Việt Nam bị đày tại này, như ba yêu nước:
- Nguyễn Thế Truyền.
- Nguyễn Thế Song.
- Trần Hữu Nam.

Ngài không phân biệt khuynh hướng chánh trị, chỉ biết giúp người yêu nước chưa gặp thời.
Chỉ có mình Ngài được tự do sớm, ra ở ngoài khám tìm phương sinh nhai, làm tròn phận sự của một công dân yêu nước. Ngài làm thợ bạc, đẻo cày, bừa, xây lò gạch, lò vôi, làm thầu khoán cất nhà, xây đập nước, v.v...

Ngài lại làm Pháp sư, mở khiếu cho vị tu sĩ đoạt Đạo, thâu môn đồ trí thức để làm mầm gieo giống lành của Đức CHÍ TÔN nơi phương trời Phi Châu xa xôi diệu vợi, v.v... Rồi Ngài gặp lại anh em chiến sĩ Pháp hồi còn ở tại Madagascar và cùng với 13 người ấy đáp chung chuyến tàu ILE DE FRANCE về Việt Nam. Sau đây là những gian lao mà vị Phật sống giáng thế phải gánh vác.

1 - LÀM THỢ BẠC
Ngày 27-7-1941. Chánh quyền Pháp bắt Ngài đày đi Madagascar (Phi Châu) cùng với 5 vị Chức Sắc Đại Thiên Phong, Pháp qui về làm quốc sự chống chế độ thuộc địa Pháp để Việt Nam độc lập.

Trước hết Ngài bị giam vào khám lớn ở Sài Gòn ngày 4-6 Tân Tỵ ( dl 27-6-1941), sau đó đưa đến Sơn La là nơi rừng thiêng nước độc được vài tháng chúng mới đưa ra đảo Madagascar.

Đảo này thuộc Châu phi, diện tích 592.200 cây số vuông, dân số 3.363.000 người. Kinh đô là Tanamarive, người Pháp chiếm làm thuộc địa năm 1896, dân thuộc địa là người Malgache hay kêu là Madecassie.

Pháp đưa Ngài giam tại Châu thành Newlava, ngồi ngục 2 năm mới được ra ngoài, Ngài để ý dân chúng Việt thích đeo bông tai, kiềng vàng, cà rá liền nghĩ rằng mình phải học nghề thợ bạc đặng tạo ra tiền hầu nuôi sống bạn đồng môn và các nhà ái quốc trong khám. Thế là trong vài tháng. Ngài thành công, ông thợ bạc bất đắc dĩ đã hốt bạc vì đồ Ngài làm mỹ thuật hơn đồ địa phương, lại có nhiều kiểu lạ nên bán đắc như "tôm tươi". Ngài mượn thêm thợ địa phương cộng tác thành một tiệm vàng lớn.

Những người trong khám sống tương đối bớt vất vả nhờ lương thực, chiếu mền của Ngài gởi vào làm mát lòng người trong cảnh thiếu phước. Không ngờ, lần lượt Ngài cũng được một số vốn kha khá.

2 - LÀM CÀY VÀ BỪA.
Người Madagascar rất chất phác, nghèo nàn, người Pháp muốn để dễ trị nên không mở mang Nông nghiệp, để tự họ làm theo phương pháp cổ truyền. Họ lùa trâu bò đi quầng cho cỏ rạp xuống rồi vạch đất mà cấy, không biết cày bừa chi hết. Ngài mới đẻo một cái cày và một cái bừa, kêu nông dân dẫn bò lại cho Ngài thử. Ngài làm ách cột cày rồi bắt người dẫn bò, ban đầu đường cày cong queo, cày một buổi thấy đất lật lên nhiều quá, họ mừng như con mừng mẹ đi chợ về, rồi họ hỏi: Đất cục lớn quá làm sao cho nhỏ lại? Ngài tháo cày ra, gắn bừa vào rồi biểu dẫn bò chính Ngài cầm vàm mà bừa...

Họ vỗ tay mừng rỡ, coi Ngài như Ông Thần Nông đời thượng cổ. Từ đó cái kiểu cày và bừa được dân địa phương phổ biến, trước gần sau xa, cả vùng làm ruộng trúng mùa, họ tôn trọng Ngài đáo để.

3 - LÀM CỐI XAY LÚA
Họ lấy chày vọt lúa ra gạo như người Miên, vọt đủ ăn trong ngày. Thấy vậy Ngài biểu ông Ngọc Trọng Thanh (lúc này được thả ra khám) đóng một cái cối xay. Vì không chuyên môn nên lúc đầu xay lúa sóng và cối nhảy tưng khó xay.

Ngài biểu làm răng lại cho xuôi rồi gạo ra đều, vỏ lúa tróc ra theo ý muốn, còn chỉ cách vần quạt gió, giê để lấy gạo trắng phân biệt với thóc.

Vần, sàng Ngài cũng phải làm mẫu cho họ bắt chước. Kiểu cối xay được địa phương phổ biến, toàn đảo dân chúng đều mến Ngài khôn tả.

Ngài còn đục một cái cối giã gạo, chày giã gạo làm mẫu, dạy cách vo cơm nấu nướng theo kiểu Việt Nam.

4 - LÀM LÒ GẠCH
Ngài đi dạo thấy dân chúng cất nhà bằng tranh hoặc lá, không có gạch ngói. Ngài mới nghĩ phải xây một cái lò gạch. Ngài biểu dân chúng chỉ chổ có đất sét, Ngài đem về làm một lò nhỏ thử đun lửa. Vài hôm sau Ngài thấy gạch rất tốt nên Ngài quyết định xây một miệng lò lớn, rồi chỉ cách in gạch, ngói mà hầm.

Ban đầu lò bị nứt, hơi không đều, nên chỗ sống, chỗ chín, sau Ngài biểu lấy bùn non tô mấy chổ nứt thì gạch có chổ nóng quá phải bị da lu tức thành sành. Sau rốt Ngài làm lỗ hơi cho điều hòa, gạch ra lò mới đạt được theo ý muốn.

Người Pháp ở Madagascar muốn cất nhà, họ mua gạch chổ khác chở bằng tàu đến đảo thì giá đắc gấp đôi. Lò gạch của Ngài bán rẻ, lời ôi quá lời. Kế Ngài biểu dân bản xứ coi theo đó mà xây lò, in gạch, in ngói, học chụm lò…mà phát triển tự làm giàu. Ngài không giữ độc quyền (monopole).

5 - LÀM LÒ VÔI
Ngài đi theo kẹt núi lượm nhiều hòn đá về rồi bỏ vào lửa thí nghiệm, cục nào biến thành vôi thì Ngài trở lại chỗ của nó mà tìm.

Ngài xây ban đầu một lò vôi nhỏ, mỗi ngày sản xuất lối 2 tấn, sau có vốn xây nhiều lò với sự cộng tác của dân địa phương. Thành công rồi thì Ngài cho phép ai cũng làm được, không giữ độc quyền. Cách xây lò và cách đun vôi được chỉ dẫn tận tình. Dân chúng có thêm nhiều công ăn việc làm, sống thoải mái hơn trước.

6 - TẠO CỐI XAY CIMENT
Có gạch, có vôi còn thiếu ciment, Ngài đi nghiên cứu chất đất, đào sâu tìm được đất Ngài mua một moteur kéo máy xay ciment bột. Ngài cũng chỉ cho dân Magache phát triển làm ciment. Dân chúng có công ăn việc làm bớt cảnh thất nghiệp, cũng có người trở nên giàu sang.

7 - LÀM THẦU KHOÁN XÂY CẤT
Ban đầu lãnh nhà tư, sau lãnh cất dinh thự của chánh quyền Pháp trên đảo. Uy tín mỗi ngày một lên, chẳng những dân chúng thương mà chánh quyền Pháp cũng tín nhiệm; thích đến độ họa đồ nào mà không mang chữ ký của ông Phạm Công Tắc thì không được Công Chánh chấp thuận cho phép.

Lúc làm thầu xây cất, Ngài có lãnh xây cất một hàng rào của một Đại Sứ Mỹ nơi đảo Madagascar. Ngài vẽ họa đồ rất đẹp, xây dựng chắc chắn làm Đại Sứ Mỹ vừa ý. Ngày khánh thành hàng rào, Đại Sứ muốn tạ ơn Ngài bằng một tiệc có sự tham dự của tất cả các Đại Sứ Quán ngoại quốc của các nước. Ông dặn Đức Ngài hãy đến sau vài phút để làm danh dự cho Ngài.

Máy bay trực thăng từ từ hạ cánh có mấy mươi chiếc, không biết xuất phát từ đâu, mỗi máy bay là đại sứ của một nước, có cờ xí rợp trời. Họ đến trước làm hàng rào danh dự. Ngài bước vào có trống kèn chào mừng. Cả thảy đều bắt tay chào vị "Giáo Hoàng bị đày".

Nhờ sự giới thiệu của Đại Sứ Mỹ (Le Pape essice)
Giữa tiệc các Đại Sứ yêu cầu Ngài thuyết Đạo, nói mục đích của Cao Đài giáo.
Đức Chí Tôn nhập thể, Ngài nói thao thao, các Đại Sứ vỗ tay tán thưởng. Ngài thuyết bằng Pháp ngữ.

Ông Đại Sứ Mỹ đem một bản văn đánh máy sẵn nhờ đại diện các quốc gia ký vào. Đó là họ nhận bảo vệ Đền Thánh Tây Ninh dầu Quốc Gia hay Cộng Sản không nước nào được quyền chiếm đóng và quấy phá đền thờ của Thượng Đế.

Ấy vậy, thiên trách bảo vệ tổ đình, dầu Ngài ở phương trời dịu vợi Ngài vẫn làm tròn.
Sau nầy khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm khủng bố Đạo, Ngài nói với mấy vị thân tín rằng: "Coi vậy nó không làm hại Tòa Thánh đâu các con coi, vì luật quốc tế nó đã biết, nó không dám phạm, các con đừng lo".

8 - XÂY ĐẬP NƯỚC
Ngài quan sát thấy dân chúng lấy nước rất vất vả, xa nhà, phải đội về nhà rất khó nhọc. Ngài lên núi tìm hồ chứa nước đặng làm một cái đập "dẫn thủy nhập điền". Ngài thấy có một công trình dang dở, Ngài phăng hỏi thì ông Toàn Quyền trên đảo đáp: "Công trình đã được thực hiện bởi kỹ sư Pháp, rồi kỹ sư Đức đều thất bại vì sức nước mạnh quá làm vỡ hết, nhiều lần cất đập không được". Ngài quan sát thấy nếu cất một hồ nước lớn không thể chịu nổi vì sức nước đổ từ thác rất mạnh. Ngài đề nghị cất 4 cái hồ:
-Một hồ tấm cho trẻ em.
-Một hồ tấm cho đàn bà.
-Một hồ tấm cho đàn ông.
-Một hồ chứa nước lớn.

Ngài mới làm đập cản nước, nhờ vậy sức nước yếu đi không làm bể đập.
Vật liệu cũ vẫn còn, chỉ thiếu hơn 1.000 mét ống cống. Ông Toàn Quyền ban đầu từ chối công trình vì lúc ấy chánh quốc không ủng hộ tài chánh, trên đảo không đủ công quỉ tạo tác. Đức Ngài nói: "Tôi xuất của tư tôi ra, cộng với tiền các mạnh thường quân địa phương có thiện ý sẽ làm được".
Được sự chấp thuận của Toàn Quyền, Đức Ngài khởi xây cất ống cống rồi làm hồ tắm.
Một hồ cho trẻ em.
Một hồ cho đàn bà.
Một hồ cho đàn ông.

Còn một hồ chứa lớn, chứa nhiều khối nước.
Công thợ bắt đầu đào đất, đặt ống cống dài dài theo họa đồ đã vẽ sẳn.
Cuối cùng công việc cũng hoàn tất và định ngày khánh thành.
Dân chúng tề tựu tại đập nước rất đông, có chính phủ Pháp tham dự. Quần chúng đứng dài dài theo đường mà cống xuyên qua. Đông nhứt là tại miệng mà nước chảy ra. Đến giờ mở vòi, nước chảy ào ào, phún tung tóe, dân chúng thích quá đồng loạt la lên: "Vive monsieur TẮC; Vive monsieur TẮC" (Vạn tuế ông Tắc; vạn tuế ông tắc).
Lúc nầy đức Ngài cảm thấy sung sướng, cảm động vì đã giúp được dân Malgache một đại công, chẳng những họ có nước uống, họ còn trồng tỉa hoa màu, lúa thóc, nhờ cái đập nầy tháo nước ra.

9 - MỞ TRƯỜNG HỌC
Mỗi cơ sở mà Đức Hộ Pháp đào tạo như lò gạch, lò vôi, đập nước,v.v…Ngài còn lập gần đó một trường tiểu học dạy từ Enfantin đến Élementaire (Hồi xưa thời Pháp thuộc thì từ lớp 5 đến lớp 3 rồi lên lớp nhất là supercus, nay thì khác) để khai hóa dân trí Malgache. Chương trình dạy tiếng địa phương và tiếng Pháp.

Mục đích của thực dân Pháp để cho dân ngu dốt mới dễ trị, để cho dân nghèo khó họ mới câu nhữ những kẻ thân họ mà phục vụ làm nô lệ lâu dài. Khi Đức Hộ Pháp đặt chân lên đảo, Ngài nghĩ ngay đến người Việt Nam bị trị, lòng từ bi của Ngài xem người Malgache như đồng chủng của mình, cần khai hóa họ, cần mở mang trí tuệ họ, họ cũng là con cái Đức Chí Tôn, chung thọ điểm linh quang của Đấng cha lành cần giúp đỡ mọi mặt, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần, cho họ được hấp thụ nền văn minh Đạo đức, người tận thiện, vật tận mỹ. Vì thế nhân dân Malgache xem Ngài như một vị cứu tinh, tín nhiệm Ngài như một cha lành, kính mến Ngài như một sư bửu.

            10 - MỞ HUỆ KHIẾU CHO ĐẠO SĨ
Có một Đạo Sĩ địa phương học với một sư phụ về phép tu hành, nhưng sư phụ nói: "Nhà ngươi chờ có một vị Phật đến sẽ truyền Pháp cho nhà ngươi đoạt Pháp, chớ ta chỉ dẫn đến đây thôi". Đạo Sĩ là một tư thức tốt nghiệp Cử Nhân Luật. Một hôm Ngài đi dạo, tay cầm can, không hiểu sao đi tới đi lui trước nhà Đạo Sĩ ba bận. Đạo Sĩ ra chào và mời vào nhà trà nước, rồi quì xuống xin truyền Pháp. Ngài hẹn 3 hôm nữa sẽ trở lại. Ngài xuất Thần về Ngọc Hư Cung xin phép Đức Chí Tôn và Đức Lý được sự chấp thuận nên đúng hẹn Ngài đến nhà Đạo Sĩ Cân Thần, mở huyền quan khiếu. Đạo Sĩ đoạt Đạo, vân du thiên ngoại được, bái phục Ngài tột độ, tự xưng là đệ tử và kiếu Ngài là Thầy.

Vậy về mặt Đạo đức tinh thần Ngài vẫn làm chủ của đảo Madagascar vì nhờ vị Sư Tổ địa phương đã biết giá trị của Ngài là một vị Phật sống.

11 - THÂU THÊM ĐỆ TỬ TRÍ THỨC
Có một cô gái nhà giàu du học ở Paris Pháp, đến năm thứ hai của trường đại học Luật Khoa, nằm mộng thấy vị Thần bảo: "Phật ở xứ không thờ lại đi tìm đâu xa mà lập thân".
Đương không cô bỏ học về, bị cha mẹ, anh em trích điểm. Cô không cải cứ đi tìm Phật, dường như có căn nguyên nên khiến cô gặp được Đức Ngài và thọ giáo làm môn đệ Cao Đài đầu tiên ở Madagascar. Nhờ vậy mà ông thầu khoán bất đắc dĩ lại có một cô thư ký giúp việc đắc lực. (Rất tiếc người thuật lại không nhớ tên Đạo Sĩ cũng như người tín đồ trí thức).

12 - GẶP LÍNH PHÁP HỒI
Anh em tình nguyện tùng chinh đi lính Pháp đánh Đức, có một tốp được đưa qua Madagascar. Đức Ngài nhớ các tín đồ đi lính, họ cũng nhớ Đức Ngài mà đâu tưởng bao giờ có ngày hội ngộ, nhưng trong số được đưa lên đảo, phần nhiều là người miền Trung, người Bắc, còn người miền Nam chỉ có 13 người. Một người Trung Kỳ nói: "Ê tụi Sài Gòn bây có quen với ông già chống gậy đằng kia không ? ông cũng người Nam phần, đâu lại coi có nhìn bà con không ? "
Anh 8 Quận lại gặp, Ngài hỏi thăm. Ngài hỏi: "Em ở đâu? Đi lính hồi nào ? do Pháp bắt hay tình nguyện ?".
Anh Quận nói: "Tôi là tín đồ Cao Đài vâng lịnh Đức Giáo Chủ tình nguyện đi đánh Đức " .
- Ngài hỏi: " Cao Đài nào ?"
- Cao Đài Tây Ninh.
- Tây Ninh thiệt không ?
- Dạ thật.
- Ngài hỏi: "Con biết Đức Giáo Chủ không?"
- Dạ con mới nhập môn nên không biết mặt.
- Ngài ôm anh, vỗ ngực mà nói rằng: "Thầy đây con (rồi òa khóc) con đi mấy đứa? kêu chúng nó lại cho Thầy thăm ".

Anh Quận mùng quá chạy về trại lính cho anh em hay lại chào Thầy.
Có ba người gặp trước là quí anh Tám Quận, Chín Tháo và Mười Phụ; thấy dáng Thầy thì Tháo và Phụ chạy riết lại không chào hỏi, mỗi người ôm một giò nhấc bổng Thầy lên cao; muốn kêu Thầy mà kêu không ra tiếng, cảnh quấn quít thầy trò tương ngộ nó đậm đà trong yên lặng, nó thâm trầm, nó thiêng liêng không bút mực nào tả cho cạn lý được.

Bốn thầy trò quấn quít nhau trong giây lâu, Thầy mới trấn tĩnh nói: "Con kêu hết mấy đứa khác cho Thầy thăm, còn bao nhiêu nữa ?".

Tám Quận nói: "Chúng con có 13 đứa Cao Đài".
Thầy hối kêu lại, sự mừng rỡ không kể xiết.
1 . CTS Tháo
2 . Thôi
3 . Phu
4 . Dương
5 . Quận
6 . Ái
7 . Lăng
8 . Lễ
9 . Hoài
10 . Lợi
11 . Lên
12 . Thông Sự Én
13 . Lân

Thầy dắt anh em lại nhà Thầy ở, giới thiệu với bà Đầm chủ nhà là vợ ông Quan Tư Desange Thiếu Tá có nhiệm vụ đưa Ngài về Việt Nam, bà cũng mừng. Anh em mời Thầy đãi một tiệc, Thầy trò trút bầu tâm sự không bút mực nào tả cho hết.

Thầy mời các chiến sĩ, đãi tại nhà Bà Đầm vì chính bà cũng có ý mời các anh em.
Hân hạnh thay ! Tưởng rằng kẻ hy sinh luôn luôn bị thiệt thòi vì chánh nghĩa, nhưng có những phút an ủi tâm hồn mà không ai dự tính trước được nó đã diễn biến như vậy.

* Sưu Tầm. Dr. Lê Thị Ngọc Vân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét