NHO TÔNG CHUYỂN THẾ. * Dr. Lê Thị Ngọc Vân


Kính chào Quý Huynh, Tỷ, Đệ, Muội .
Hôm nay tiện muội quay trở lại với Quý Hiền bằng những góp nhặt học hỏi về một Tôn Giáo cách đây hơn 2000 năm, mà ĐỨC ĐẠI TỪ PHỤ của chúng ta người con ĐẠI ĐẠO phải đem Tôn Giáo này về lại thời kỳ này mà NGÀI gọi là "NHO TÔNG CHUYỂN THẾ". Một trách nhiệm lớn lao đối với người con Đại Đạo trước một xã hội, một thế giới nhiều bạo loạn, điên đảo mất nhân tính.

Nơi gia đình là nền tảng của xã hội thì luân thường đạo lý bị chà đạp, trường học là nơi giáo dục giúp con người trở nên Chân, Thiện, Mỹ thì đạo đức suy đồi. Nhìn qua các trang mạng xã hội sẽ thấy hình ảnh của thói quen bầy đàn trong những con vật hạ đẳng cùng xúm nhau để săn giết một con mồi. Ôi cả một thời hạ mạt bày ra trước mắt, con người tự diệt lẫn nhau.

Đứng trước muôn ngàn tội lỗi đưa đến thảm họa diệt vong nay mai, người tín đồ Cao Đài không khỏi đau lòng nhìn các bạn đồng sanh, kẻ đang ngụp lặn trong bả lợi danh quyền thế, kẻ thì tự hủy hoại Thiên tánh của mình để trở về thú tánh. Người con của ĐẠI TỪ PHỤ hiểu rằng với trách nhiệm Nhập thế và Dấn thân của đạo Cao Đài để " Tạo đời cải dữ ra hiền" lấy Nho Tông làm căn bản để chuyển thế đưa nhân loại về thời Thánh Đức.

Như câu niệm hàng ngày của bài Kinh cúng Tứ thời: " Nam Mô Khổng Thánh Tiên Sư Hưng Nho Thạnh Thế Thiên Tôn" của người tín đồ Cao Đài đã thể hiện sự cần phải phục hưng Nho học, đưa Nho học vào guồng máy xã hội là điều cần thiết.

Hôm nay tiện muội mạn phép dùng tiêu đề " Nho Tông Chuyển Thế " để chúng ta thử mạn đàm về cách " Tu " trong Nho Giáo, chúng ta cùng hiểu để làm tròn Nhơn Đạo
Đức Khổng Tử đã từng dạy " Muốn dạy người ta làm điều gì thì thực hành điều đó đã, rồi sau hẵng dạy. Nên nói ít mà làm nhiều" (Kinh Lễ).

NHO theo Hán tự do chữ Nhân và nhu ghép lại, nhân là người, như là cần dùng. NHO là người giúp ích cho xã hội, biết cách ăn ở sao cho hợp với người và Trời. Biết hướng dẫn người cư xử thế nào cho hợp với đạo Trời, với lòng người, có chữ " Thông Thiên định Địa viết Nho ", nghĩa là người biết rõ Thiên văn, Địa lý. Những người Nho học từ xưa đều nhập thế cuộc, gánh vác việc đời, làm ích lợi cho quốc gia, dân chúng.

Nho học là một học thuyết có hệ thống và phương pháp dạy con người sống trong gia đình và xã hội sao cho trật tự ôn hòa, đem lại cảnh thái bình an lạc. Đó là Nhân Đạo. Đức Khổng Tử là người đã đưa học thuyết Nho học đến chỗ hoàn chỉnh để trở thành một Tôn Giáo, xác định Nhân Sinh Quan và Vũ trụ Quan rõ ràng, là những điều căn bản để hiểu rõ mối tương quan giữa người và vũ trụ gọi là Trời Đất (Thiên Địa) Nho Giáo đã đem Nhân Đạo vào Thiên Đạo, nói lên sự tương liên giữa Tâm và Vật, giữa Tri và Hành.

Học thuyết Nho Giáo lấy 3 điều:
1 / Về tín ngưỡng: Tin tưởng Thượng Đế là chủ Càn Khôn Vũ trụ, thống ngự vạn vật, " Hoàng hỷ Thượng Đế, lâm hạ hữu hách, giám qua tứ phương, cầu dân chi mạc"
Đấng Thượng Đế rất lớn, soi xuống rất rõ ràng, xem xét bốn phương để tìm nỗi thống khổ của dân mà cứu giúp. Thượng Đế chính là Thái Cực, là Đấng Tạo Hóa duy nhất hóa sinh vạn vật. Con người khi sinh ra được hưởng cái Lý và Khí của Trời nên Trời, người tương ứng với nhau " Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể ", hoặc "Thiên Nhân tương dữ".

2 / Về xử thế lấy đạo Trung Dung:
Trung Hòa là cái tính tự nhiên của Trời Đất, Trung Dung là cái đức hạnh của người. Không thái quá cũng không bất cập giữa người với nhau. Vũ trụ và vạn vật luôn dịch chuyển biến hóa theo lẽ điều hòa nên cứ tùy thời mà hành động.
Theo Ông Trần Trọng Kim trong cuốn Nho Giáo, " Sách Trung Dung nói cái Đạo của Thánh hiền căn bản ở Trời, rồi diễn giải ra hết mọi lẽ khiến người ta phải giữ mình cho kính cẩn trong khi hành động và cả khi im lặng. Suy cái lý ấy ra cho đến sự Nhân Nghĩa để khiến cho thiên hạ được bình trị, và lại tán dương các công hiệu linh diệu của Đạo ấy cho đến chỗ tinh thần vô thanh vô sắc mới thôi"
Lấy Trung Dung làm căn bản để thích hợp với Trung Hòa của Trời Đất.

3 / Về Lễ:
Nho Giáo trọng Lễ Nghĩa. Lễ gồm những phép tắc xử thế phù hợp với lòng người, thuận theo tự nhiên của Trời. Trong Kinh Lễ dạy: " Lễ giả, Thiên chi tự " nghĩa là Lễ là cái trật tự của Trời.

Thực hành Lễ để tu dưỡng tánh, hợp với đạo Trung Dung " Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động" nghĩa là không lễ thì chớ nhìn, không phải lễ thì chớ nghe, không phải lễ thì đừng nói, không phải lễ thì chớ làm.

* Khổng Tử
Lễ để phân định lẽ phải trái, trật tự trên dưới phân minh. Nhờ Lễ để phân biệt người lớn kẻ nhỏ mà đối xử với nhau không có hiềm nghi. Có lễ mới định được cái chính danh, mới có tôn ti trật tự luân lý từ gia đình đến xã hội để tạo ra một xã hội thái bình, trên thuận dưới hòa.
Lễ để kềm chế dục vọng, nếu không có lễ để ngăn chặn thì dục vọng thường xúi giục người làm sai quấy, tội lỗi. Lễ là để ngăn ngừa việc xấu không xảy ra, còn pháp luật để trừng trị tội lỗi đã xảy ra rồi. Lễ chú trọng về giáo hóa, dạy người ta nên làm điều thuận với Trời, hợp lòng người gọi là thuận Thiên. ( Không nên làm điều nghịch Thiên).
Từ  Nhứt kỳ phổ độ chưa có nền Tôn Giáo nào dạy cụ thể về Nhân Đạo một cách thực tế kỹ lưỡng và sâu sắc như Nho Giáo.

Dạy về Nhân Đạo, Đức Khổng Tử nêu rõ những điều căn bản mà con người phải gìn giữ để xã hội được an hòa, hợp lòng người cũng là hợp lý Trời. Đó là Tu Thân gồm có Tam cang, Ngũ thường, nữ có tam tùng tứ đức.
* Tu thân: sửa mình cho trong sạch, học hỏi đến " cùng lý tận tính" để tìm cho được phần sâu xa ẩn trong con người gọi là Thiện Tâm, Bản tâm. Lời dạy của Đức Khổng Tử:
" Học bao nhiêu vẫn thiếu
Hiểu bao nhiêu chẳng thừa
Nhân Đức chớ bán mua
Được thua không nản chí."

Học để tự chứng, tự nghiệm là " cách vật trí tri " Học là để thấy lương tâm và tu là để sống theo đúng lương tâm. " Tâm tức là Đạo, Đạo tức là Trời. Biết tâm thì biết đạo biết Trời" (Vương Dương Minh).
* Thành ý: có chí thực tâm tu thân.
" Hiếu học cận hồ Trí
Lực hành cận hồ Nhân
Tri sỉ cận hồ Dũng".

Nghĩa là: Thích học là gần có Trí, cố sức mà làm là gần có Nhân, biết thẹn là gần có Dũng. Có ba điều ấy mới sửa được mình.
* Chính tâm: Noi theo lương tâm gọi là "tồn tâm dưỡng tánh", làm hiển lộ cái Thiên tánh, cải hóa tư tâm, sửa đổi những sai lầm để trở nên chính nhân quân tử.
* Công bình, bác ái: " kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người. Con người ai ai cũng thọ bẩm cái Lý và Khí của Trời như nhau nên mọi người là anh em, lấy sự thương yêu người như thương thân mình. Đó là sự công bình, nằm trong đức Nhân của Nho Giáo.
* Tề gia: Sắp đặt điều hòa mọi sự việc trong gia đình vào khuôn phép lễ nghĩa.
* Trị quốc: Sau khi gia đình êm ấm thuận hòa, mọi thành viên đều an vui hạnh phúc thì quốc gia được thái hòa, quốc thái dân an trong lễ nghi phép tắc.
* Bình thiên hạ: quốc gia được an vui thái hòa thì thiên hạ đều hạnh phúc, thanh bình thạnh trị.

Theo Nho Giáo trong Tứ thư, Ngũ kinh cũng không thấy Đức Khổng Tử nói về Thiên Đàng hay Cực Lạc Niết bàn. Nhưng các sách của Ngài đều dạy rằng: Con người tu đức để nên Quân tử chính nhân nên Hiền nên Thánh, trở nên hoàn thiện đạt đến Chân, Thiện, Mỹ để phù hợp với Thiên Lý là đã kết hợp với Trời.

Nho Giáo là nền tảng của sự mực thước, trật tự xã hội để ổn định con người. " Đạo chẳng ngoài Tâm, và lương tri tức là Đạo, tức là Trời."

Dạ thưa Quý Hiền, nói về một Tôn Giáo chắc sẽ là cả cuốn sách, muội chỉ góp nhặt những ý tưởng để cùng chia sẻ trong niềm tin Đạo. Muội xin kết thúc bài viết vì đã dài, Quý Hiền đã mất nhiều thời gian quý để xem qua, tiện muội xin gởi lời cảm ơn Quý Hiền và chúc Quý Hiền Huynh, Tỷ, Đệ, Muội, được nhiều Hồng Ân của Đấng Trọn Lành. Và muội gởi đến Quý Hiền một vài dòng thơ cảm.
NHO TÔNG CHUYỂN THẾ.
" Nho Tông Chuyển Thế kỳ ba độ
Đưa quần sanh thoát khổ tệ đoan.
Người ơi mau tỉnh giấc màng.
Sửa mình, trau phận tam cang ngũ thường.
Trung, Hiếu, Nghĩa vẹn toàn hạnh đức.
Đạo nhơn luân hằng giữ bên mình.
Chuyển đời Thánh Đức Thượng Ngươn.
Đẹp lòng Thiên Ý, muôn dân tỏ tường."
                                                                                                          * Dr. Lê Thị Ngọc Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét