HUẤN NGÔN CỦA ĐỨC THÍCH CA MÂU NI TRONG TAM KỲ PHỔ ĐỘ * TỪ CHƠN.

Mở đầu
Nhân dịp ngày sanh của Đức Thích Ca Mâu Ni: 8-4 â.l. chúng ta cùng nhau nhắc lại lời dạy của ngài và xác định nhiệm vụ của tín đồ Cao Đài cần phải làm gì cho phù hợp với lời dạy đó. 
* Đại Hội Phật Giáo Thế Giới chọn ngày rằm tháng 4 hàng năm để kỷ niệm ngày sanh đức Phật cho dễ nhớ; nhưng trong đạo Cao Đài vẫn giữ ngày 8-4 theo truyền thống.
Đức Thích Ca Mâu Ni (tiếng Phạn là Shakyamuni - nghĩa là bậc hiền triết xứ Shakya), hay còn gọi là Đức Phật
(tiếng Phạn là Buddha - nghĩa là một người giác ngộ), là một đại triết gia, một nhà đạo đức, một bậc đại giác, một giáo chủ và cũng là biểu tượng của an bình trong thế gian đầy biến động vì tranh đấu giữa người và người. Hơn mấy ngàn  năm qua, giáo pháp của ngài đã dẫn đạo hàng tỷ Phật tử trên toàn thế giới sống theo những nguyên tắc đạo đức Phât giáo. Hiện nay, không những ở phương đông mà phương tây ngày càng có nhiều người tìm đến kinh điển của ngài để tìm sự giác ngộ, trực chỉ Niết Bàn.

Mặc dù trong quá khứ, thậm chí ngay cả hiện tại, có người cho rằng: thế giới càng ngày càng văn minh hơn và đến một lúc nào đó, tôn giáo nói chung và Phật Giáo nói riêng sẽ không còn tác động được đến tinh thần con người, dần dần đi vào quên lãng. Nhưng thực tế đã chứng minh trái lại. Con người có thể có nhiều máy móc hơn, di chuyển nhanh hơn, làm việc hiệu quả hơn, hiểu rõ cơ thể của mình hơn, giỏi làm chính trị hơn, nhưng những thắc mắc gặm nhắm tinh thần vẫn không được giải quyết: con người vẫn bị dày vò bởi những câu hỏi triết học: “Mình từ đâu đến? Đến để làm gì? Và mình sẽ đi đâu sau khi chết?”
Phật Thích Ca đã giải quyết được những vấn nạn này toàn diện và dứt khoát trong lúc ngồi suy tư dưới gốc Bồ Đề. Sau đó ngài đã giảng dạy cho các đệ tử của Ngài, rồi các đệ tử ghi chép lại thành kinh điển cho chúng ta đọc ngày nay. Chỉ tiếc một điều: ngày nay nếu đọc kinh mà không hiểu thì không có Đức Phật giảng giải cho chúng ta nghe nữa!
Phật Thích Ca đã từng dạy những gì
Tất cả giáo pháp của đức Phật nằm trong hệ thống triết lý thuần phương đông. Cứu cánh triết lý phương đông không nhằm đạt đến cái ĐÚNG logic theo kiểu triết lý phương tây, mà nhằm đạt đến sự minh triết của con người. Luận Lý (và Phi Luận Lý) chỉ là phương tiện dẫn con người đến sự bừng sáng nội tâm. Khi đã đạt được sự bừng sáng nội tâm, con người sẽ tự mình thoát khỏi mọi niềm khổ đau nhân thế - thuật ngữ Phật Giáo gọi là đạt cứu cánh Niết Bàn. Cũng chính vì không cần logic, mà những ai thích lý luận hoặc “biện chứng” theo kiểu phương tây đều cảm thấy mù mờ khó hiểu khi đọc kinh điển tối thượng của Phật Giáo.  Đó cũng là lý do có nhiều trường phái Phật Giáo trên thế giới, tùy theo mức độ người ta “hiểu” giáo pháp của Ngài như thế nào.
Tuy có nhiều trường phái, nhưng những nét chính của giáo pháp của đức Phật có thể sơ lược như sau:
Phật dạy rằng: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” - nghĩa là, tất cả mọi người ai cũng có sự sáng suốt tột đỉnh trong nội tâm giống như đức Phật. Sở dĩ con người không sử dụng được sự sáng suốt của mình như đức Phật là vì lòng dục (tham muốn) của mỗi cá nhân quá lớn đến nỗi che khuất cả sự sáng suốt này. Khi nghe dạy đến đây có lẽ phần lớn chúng ta đều nghĩ rằng: thế cũng dễ, mình chỉ cần “diệt dục”, nghĩa là từ bỏ sự ham muốn, thì sẽ trở nên sáng suốt như đức Phật, tức là sẽ “thành Phật”! Đây là một cách suy nghĩ theo kiểu triết học duy lý phương Tây điển hình! Cách suy nghĩ như thế sẽ không có hiệu quả trong môi trường triết học phương đông. Rõ ràng, chúng ta không làm sao diệt được sự ham muốn, bởi lòng ham muốn chính là bản ngã của mỗi cá nhânTa không thể nào từ bỏ chính ta. Do đó hành động từ bỏ gia sản, chỉ giữ lại hai bộ áo quần, sống nhờ lòng hảo tâm của mọi người, rồi bảo rằng đó là diệt dục để đạt được sự sáng suốt, chỉ là một ảo tưởng ấu trĩ.
Đạt được sự sáng suốt (minh triết) như đức Phật rất khó khăn, cho nên ngài mới dành trọn cuộc đời mình để thuyết cho chúng sinh nghe cách thức làm thế nào để đạt được sự minh triết. Lời dạy quan trọng nhất của ngài đúc kết trong “Bát Nhã Tâm Kinh”, được trích đoạn như sau……
Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu về trí tuệ Bát Nhã Ba La Mật, thì soi thấy năm uẩn đều là không, do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn.
Nầy Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính là không, không chính là sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như thế.
Nầy Xá Lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt.
Nói ngắn gọn, qua bài kinh trên, chúng ta hiểu Phật dạy rằng: muốn có được trí Bát Nhã (tức là trí huệ - sự sáng suốt phi thường của Phật), thì phải soi thấy – nghĩa là quán tưởng, suy nghĩ sâu xa để hiểu rõ ràng:  chẳng khác gì khôngkhông chẳng khác gì có chính là khôngkhông chính là ,… Chắc có lẽ mọi người đều đồng ý rằng: hiểu được như vậy là hết sức khó khăn, vì như thế là vượt ra ngoài suy luận bình thường của trí não con người.

Theo lịch sử Phật giáo, có người chỉ nghe lời giảng trên một lần là đã đạt được sự sáng suốt, thoát khỏi mọi đau khổ trần tục, bước vào một thế giới chỉ có hạnh phúc và niềm vui (Phật gọi là cõi Niết Bàn). Thí dụ như đức Lục Tổ Huệ Năng, trong khi gánh củi đi ngang qua chùa, nghe đức Ngũ Tổ giảng Bát Nhã Tâm Kinh cho các đệ tử là ông hiểu ngay lập tức. Tuy nhiên, phần lớn người bình thường, như chúng ta chẳng hạn, có ngồi thiền suy gẫm về điều ấy trọn cả cuộc đời cũng chưa chắc đã hiểu, nói gì đến đạt được sự thông suốt như đức Phật!

Trong đạo Cao Đài, ai cũng biết câu chuyện về Đức Huệ Mạng Trường Phan (ông thầy chùa tu ở núi Điện Bà). Đây là một ví dụ nữa để chứng minh rằng phương pháp quán tưởng của đức Phật là cực kỳ khó khăn: Theo cơ bút Cao Đài, mấy ngàn năm nay ở Á Đông chỉ có đức Huệ Mạng Trường Phan là một người duy nhất tu theo cổ luật mà đắc đạo. Vậy suy ra, suy gẫm để đạt được sự minh triết như đức Phật có lẽ chỉ dành cho những chơn linh cao trọng, chứ không dành cho những người thường như chúng ta. 
Trong tam kỳ phổ độ (cứu độ lần thứ ba) của Thượng Đế, ngoài những lời dạy trước kia, đức Phật cũng đã giáng cơ cho nhân loại thêm hai bài kinh mới. Đó là bài kinh Đại Tường và bài Di Lạc Chơn Kinh. Hai bài kinh này ý nghĩa ra sao và có khác với những lời dạy trong quá khứ của đức Phật hay không?
Phật Thích Ca giảng kinh tận độ trong Tam Kỳ Phổ Độ
Theo Cao Đài, tùy theo trình độ tiến hóa hoặc xuất xứ mà các chơn hồn (thường gọi là linh hồn) được phân chia ra làm ba loại: nguyên nhân, hóa nhân và quỉ nhân.
Nguyên nhân là những chơn hồn do Phật Mẫu sinh ra từ tạo thiên lập địa. Tổng cộng có 100 ức nguyên nhân (1 ức - 100,000) xuống đầu kiếp ở địa cầu 68 - tức là quả đất hiện nay của chúng ta. Các nguyên nhân, vốn được Thượng Đế ban cho đầu óc sáng suốt hơn hóa nhân và quỉ nhân, có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ các hóa nhân trên con đường tiến hóa. Làm xong phận sự, các nguyên nhân sẽ được trở về ngôi vị cũ, hoặc thăng vị cao hơn trên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.
Hóa nhân là những chơn hồn sinh ra ở địa cầu 68 và tiến hóa theo thứ tự từ thấp đến cao như sau: vật chất hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, nhơn hồn, thần hồn, thánh hồn, tiên hồn và phật hồn. Từ phẩm thần trở lên là bắt đầu có được ngôi vị trên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.
Những nguyên nhân hay hoá nhân nào vi phạm thiên điều (luật của trời) sẽ bị phạt đọa vào hàng quỉ nhân. Tất cả quỉ nhân chịu dưới quyền điều khiển của Đại Tiên Kim Quang Sứ (Đạo Phật gọi là Quỉ Vương, đạo Thiên Chúa gọi là Lucifer hay Satan). Quỉ nhân có nhiệm vụ tạo ra những tình huống khó khăn hoặc cám dỗ để thử thách các nguyên nhân và hóa nhân.
Theo thuyết tam kỳ phổ độ của Cao Đài thì Đức Chí Tôn Thượng Đế đã mở ra hai lần cứu vớt đối với địa cầu 68 của chúng ta. Trong mỗi lần cứu độ, mọi phẩm chơn hồn có công, có đạo đức đều được tiến lên trên thang tiến hóa. Riêng hàng nguyên nhân đã về ngôi vị cũ được 8 ức (Nhất Kỳ Phổ Độ: 6 ức, Nhị Kỳ Phổ Độ: 2 ức).  Còn lại 92 ức nguyên nhân vẫn còn kẹt lại địa cầu 68 vì nhiều lý do khác nhau. Theo thánh ngôn thì nguyên nhân chính là: 92 ức nguyên nhân này mê luyến hồng trần!
Trong lần cứu vớt chúng sinh kỳ thứ ba (Tam Kỳ Phổ Độ) Đức Chí Tôn Thượng Đế muốn tận độ (nghĩa là cứu cho hết chúng sinh) bởi vì sau tam kỳ phổ độ quả địa cầu 68 sẽ chuyển qua một giai đoạn khác kém tiến hóa hơn. Để ý nghĩa “tận độ” được trọn vẹn, các đấng thiêng liêng vâng lịnh Thượng Đế dùng nhiều cách thức, tùy theo căn cơ của các chơn hồn, để cứu cho hết 92 ức nguyên nhân cùng những hóa nhân nào có đủ công đức theo thiên điều qui định.
Riêng Phật Giáo, ngoài cách thức quán tưởng mà Phật Thích Ca Mâu Ni đã giảng dạy trong Nhị Kỳ Phổ Độ như đã nêu trên, Ngài cũng đã giáng cơ cho hai bài kinh Đại Tường và Di Lạc Chơn Kinh để “Độ tận chúng sinh đắc qui Phật vị”- nghĩa là dạy cho tất cả chúng sinh cách để đạt được sự sáng suốt như đức Phật.
Như trên đã bàn, cách quán tưởng rất khó thực hiện, chỉ dành cho những chơn linh cao trọng; trái lại do tính chất tận độ của kỳ ba này, nên cách thức Phật Thích Ca dạy trong kinh Đại Tường và Di Lạc Chơn Kinh sẽ khác hơn là cách quán tưởng.
Xét nội dung hai bài kinh này thì chúng ta thấy:
Kinh Đại Tường: nội dung nói về Hội Long Hoa. Đây là ngày phán xét các chơn hồn trong Tam Kỳ Phổ Độ. Giống như một kỳ thi tuyển: các chơn hồn tùy theo  công đức sẽ được thăng vị trên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. Di Lạc Vương Phật sẽ giáng thế để điều khiển đại hội Long Hoa. Hộ Pháp Di Đà cũng giáng linh để trừ diệt yêu tinh quỉ quái quấy phá các chơn hồn.
Di Lạc Chơn Kinh: nội dung nêu danh các vị Phật trên các tầng trời. Đặc biệt trong Di Lạc Chơn Kinh, Đức Thích Ca Mâu Ni nhấn mạnh “ Những người nào thành tâm nghĩ đến những vị Phật trên và tuân theo luật Tam Kỳ Phổ Độ đều sẽ đạt được trạng thái sáng suốt như Phật”
Từ lời dạy của đức Phật qua hai bài kinh Đại Tường và Di Lạc Chơn Kinh, có thể suy ra rằng: muốn được cứu trong lần tận độ này, con người chỉ cần “nhất tâm thiện niệm” - tức là thật lòng nghĩ đến - danh các vị Phật là được đắc đạo giải thoát, không nhất thiết phải dày công quán tưởng như trước kia nữa.
Như thế, chúng ta có thể suy ra hai điều sau đây: Thứ nhất, có lẽ những sự kiện trong Long Hoa hội sẽ diễn ra vừa bất ngờ vừa khốc liệt cùng khắp trên địa cầu 68. Các đấng thiêng liêng biết rằng con người không có đủ thì giờ và điều kiện để suy tư, quán tưởng nữa, vì thế muốn tận độ loài người, các đấng ban cho một ân huệ: chỉ cần thật lòng suy nghĩ về danh các vị Phật thôi là đã được cứu rồi! Nhìn tình hình trên toàn thế giới hiện nay thì chúng ta thấy cũng đúng. Nào là thời tiết biến đổi bất thường gây bão tố lũ lụt với cường độ cao chưa từng có, nào là chiến tranh hận thù liên miên, nào là nhiều loại bệnh dịch bất trị gây chết người hàng loạt ở nhiều nước. Tất cả những thiên tai bất hạnh này đều xảy ra rất nhanh chóng, bất ngờ và đều vượt quá khả năng chịu đựng của loài người! 
Thứ hai, các quỉ nhân sẽ bày ra đủ trò thử thách và quyến dụ, đến độ, trong Long Hoa Hội, thật lòng nghĩ đến danh các vị Phật không phải là một việc dễ dàng, mà là một sự cố gắng lớn lao, thậm chí không thể thực hiện, đối với nhiều người. Quả thật như thế, ngày nay chúng ta dễ dàng nhận ra số người không tin vào các đấng thiêng liêng đã tăng lên ngày một nhiều. Hoặc họ nói rằng: “Chúng tôi là những con người khoa học, không tin chuyện tôn giáo nhảm nhí.” hoặc họ đòi hỏi các đấng thiêng liêng phải cho họ chứng kiến các huyền diệu thì họ mới tin vv….Đối với những người này thì chắc chắn không thể nào có chuyện thật lòng nghĩ đến các vị Phật!    
Nói tóm lại, “tận độ” không có nghĩa là hạ thấp các yêu cầu để “vớt” càng nhiều người càng tốt, mà chính tính cấp bách của tình thế trong đại hội Long Hoa mới là nguyên nhân của việc chuyển từ quán tưởng sang thành tâm thiện niệm. Suy cho cùng, điều kiện để đắc đạo trong lần thứ ba vẫn không hề dễ hơn hai lần trước. Ai muốn được cứu độ cũng phải dùng công sức, tài lực của mình làm âm chất lâu bền thì khi thành tâm thiện niệm  mới có hiệu quả. Không thể thoãi mái chạy theo cuộc sống vật chất cho thỏa mãn ham muốn cá nhân, rồi đến lúc gần chết, thành tâm thiện niệm  được giải thoát!  
Tín đồ Cao Đài có nghĩa vụ gì với kinh tận độ
Xét đến cách dùng hai bài kinh này trong Thể Pháp Cao Đài, chúng ta có thể thấy rõ nhiệm vụ của mình, những tín đồ Cao Đài trong thời đại Long Hoa Đại Hội.
Trước tiên, hai bài kinh Đại Tường và Di Lạc Chơn Kinh đặc biệt dùng trong thể pháp cầu siêu cho người đã chết trong các tang lễ. Tang lễ, cho dù là ở đâu trên quả đất này đều có những điểm giống nhau:
Tại một đám tang, người ta không còn quan tâm đến những điều mà ngày thường vốn vẫn gây ra hiểu lầm xích mích. Người ta không quan tâm đến những khác biệt giữa mình và người đã mất về quan điểm chính trị, tôn giáo hay nghệ thuật.
Ngoài ra, người ta sẵn lòng quên đi mọi lỗi lầm cho người đã chết, nếu có. Không còn cạnh tranh, hận thù, ghét bỏ nữa, mà chỉ còn một tình thương giữa người và người. Bạn bè cũng như người thân, ai cũng muốn góp tay làm một điều gì đó để tiễn đưa người đã khuất lần cuối cùng.
Về mặt Thể Pháp, có thể nói, đây là một môi trường rất phù hợp với lý tưởng Cao Đài: đó là dung nạp mọi cá nhân, không phân biệt màu da, sắc tóc, chính kiến. Với tinh thần như đã nêu, những người tham dự sẽ có một đầu óc thoáng hơn, chịu lắng nghe hơn. Lời kinh được tụng trong dịp này biết đâu sẽ làm cho một ai đó trong tang lễ bừng giác ngộ, đạt được trí Bát Nhã diệu dụng.
Về mặt Bí Pháp, thánh ngôn dạy rằng, khi tụng Di Lạc Chơn Kinh là chúng ta đã giúp cho chơn hồn của người đã khuất giác ngộ thêm một bậc; càng tụng kinh, càng giúp cho chơn hồn mạnh mẽ tiến bước trên Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống.
Vì những lý do trên, tín đồ Cao Đài, nếu có cơ hội, là phải nhiệt tình, thành tâm trì tụng Di Lạc Chơn Kinh. Mình tụng cho người, rồi mai kia đến phiên người tụng lại cho mình. Cứ thế, chúng ta giúp đỡ nhau trong thời kỳ đại hội Long Hoa để cùng tiến về Bạch Ngọc Kinh trên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.
* TỪ CHƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét