HỌC ĐẠO VÀ HÀNH ĐẠO. * Dr. Lê Thị Ngọc Vân.

Viện Sử Cao Đài. Xin đôi lời giới thiệu tác phẩm HỌC ĐẠO VÀ HÀNH ĐẠO, của tác giả Dr. Lê Thị Ngọc Vân.
Tác giả Lê Thị Ngọc Vân có những suy tư rất cô động, và bao hàm nhiều ý nghĩa thực dụng, lời văn chuyển truyền thông điệp sâu sắc, thay cho tiếng nói của bạn đọc và quý Hiền. để nói lên những suy tư thực tế trong đời sống của mình và mỗi người cần trang trọng, cộng thêm những yếu tố biểu hiện sự hết mực của giá trị làm người.
Mỗi cá nhân cần sống đầu tư vào tu tập cho cả đời thường thực tại đến tương lai và quá khứ. Một đời người dù bình thường hay trí lự cao thâm và học giả cũng đều cần đến Đức tin để rồi kết thúc chỉ mỗi từ ĐẠO.

Tác giả, muốn gửi đến bạn đọc những nhân bản về tri thức của một trí thức phục vụ cho nhân sinh, dù ở thời này cũng có điểm đứng giá trị trong xã hội, nhờ những tri thức mà chuyển truyền lưu dấu Văn hóa để trở thành nền Văn hiến của một dân tộc hay Tôn giáo, bởi Văn hóa là tác phẩm còn Văn hiến là thành tựu, phải trải qua năm tháng chắt lọc những tinh tuý, có giá trị và cần thiết nhất của Đạo.

Tác phẩm HỌC ĐẠO VÀ HÀNH ĐẠO, của tác giả Lê Thị Ngọc Vân, trình bày mở rộng chân thiện mỹ, cho thấy Học Đạo rất công phu và Hành Đạo càng công phu nhiều, có tính quyết định bởi từ ngữ và âm ngữ của ĐẠO chứa những ẩn dụ Pháp lộ hay ẩn tàng Pháp, còn tùy mỗi cá nhân tu tập. Tác gía càng để lòng chú ý một trong những bài thơ "Thi Văn Dạy Đạo", trích từ TNHT, quyển 2, để mở đầu cho bài viết của mình, gồm có những vần thơ vi diệu, nói lên chất liệu tinh tuý nhất của Đại Đạo, v.v...

* HT. Huỳnh Tâm, thay mặt Viện Sử Cao Đài xin đôi lời giới thiệu cùng quý Hiền và Bạn đọc hãy để lòng vào tác phẩm HỌC ĐẠO VÀ HÀNH ĐẠO, của tác giả Lê Thị Ngọc Vân. Đây là một tác phẩm rất gía trị cho chúng ta một điểm son ghi nhớ.

*   *   *

HỌC ĐẠO VÀ HÀNH ĐẠO. * Dr. Lê Thị Ngọc Vân
" Viết thử Thiên Thơ với nét trần
Hầu sau bền giữ nghiệp Hồng Quân
Chuyển luân thế sự đưa Kinh Thánh
Trừ diệt tà gian múa bút Thần
Kìa lóng non Kỳ reo tiếng phụng
Nầy xem nước Lỗ biến hình lân
Công danh nước Việt tay đành nấm
Mưa móc dân sanh gắng gội nhuần ."
                                               * Thi Văn dạy Đạo
                                               (TNHT, quyển 2).

Từ ngày xưa theo nền cổ học, một số người ít ỏi được đến "Cửa Khổng sân Trình" là một điều vinh hạnh. Ngày ngày học tập chuyên cần gọi là dùi mài kinh sử, học thuộc làu thông Tứ Thư, Ngũ Kinh đến ngày ra trường ứng thí mong mỏi được bước vào hàng quan lại, đem sở học của mình phục vụ dân chúng. Đó là học để biết, biết để làm việc giúp ích cho đời, thể hiện quan điểm Học-Hành của người xưa. Dù chúng ta ngày nay gọi sự học ngày xưa là học "từ chương", nghĩa là không sáng tạo. Nhưng suy cho cùng lý thì kẻ sĩ thời xưa khi ra làm quan, coi sóc trăm họ phải mang cái biểt của mình để hành xử, phải sáng tạo tùy theo dân tình địa phương mà thu phục nhân tâm.
Làm cho dân được an lạc thái hòa, âu ca hạnh phúc đó cũng nhờ vào cái học của họ.

Nhờ sự học hỏi con người ngày càng tiến hóa, biết khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm phục vụ đời sống vật chất cho con người được thuận lợi hơn. Song song đó đời sống văn hóa tâm linh càng ngày càng được coi trọng, nhân loại tìm hiểu thêm về sự sống và cái chết. Câu hỏi lớn của loài người là khi hơi thở hóa thinh không, cái chết làm cho thân thể bất hoạt nhưng thật sự có phải chết là chấm dứt ? 

Tìm hiểu về cái chết là con người đã tấn hóa lên một nấc thang về tâm linh, cùng những chiêm nghiệm về đời sống trải qua hàng bao thế kỷ nhơn loại biết rằng không ai tránh khỏi cái chết. Từ đó bao nhiêu câu hỏi đặt ra về sự chết, về thân phận con người và nhân loại đã tìm câu trả lời cho thỏa đáng đó là Học Đạo.

Qua hàng bao thế kỷ, nhân loại vẫn không ngừng tìm câu trả lời sự sống và sự chết? Vòng sinh tử chi phối cuộc sống ra sao? Để sống hạnh phúc, chết bình an lần lượt các Tôn Giáo ra đời ở mỗi nơi vào từng thời kỳ cho hợp với phong hóa xã hội lúc đó. Tôn Giáo như con đò, Đạo là bến đỗ. Tôn giáo cũng còn là cánh cửa để nhơn sanh tìm bước vào cửa Đạo. Có nhiều con đò, nhiều cánh cửa nhưng cuối cùng chỉ có một bến đỗ, một mái nhà Đạo, một nguyên lý duy nhất. Đó là trở về "Bản lai diện mục", về Chơn Tánh vô đối.

Sau khi trải qua nhiều ngàn năm, các Tôn Giáo có mặt hằng mong cứu độ con người, khỏi vòng luân hồi mà nhân loại vẫn loay hoay trầm luân ở thế gian theo vòng sinh tử, con đường giải thoát vẫn xa vời vợi. Đấng Thượng Đế chủ cả Càn Khôn vũ trụ đã quyết hạ mình xuống thế qua huyền diệu cơ bút để cứu vớt con người, tạo lập một Tôn Giáo gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, hay gọi tắt là Đạo Cao Đài. Một nền Tôn Giáo chỉ rõ con đường giải thoát đưa nhân loại rời khỏi sông mê bể khổ của vòng lẩn quẩn sinh tử luân hồi. Khi mở Đạo Thượng Đế ký một Hoà ước Thiên-Nhân. Giao ước dùng Tình Thương và Công Bình để mở cánh cửa cho nhơn sanh đạt Đạo.

Với xác tín mãnh liệt "Thượng Đế hay còn gọi là Đức CHÍ TÔN là CHA của vạn vật", "Nhứt bổn tán vạn thù".

Mỗi con người là con của Thượng Đế được nhận điểm Linh Quang từ khối Đại Linh Quang của Thượng Đế.Đạo Cao Đài nhìn nhận vạn vật đồng sanh đều là con của Thượng Đế không phân biệt chủng tộc, giai cấp, tiếng nói hay Tôn Giáo, từ đó lấy tình thương bác ái xây dựng thế giới đại đồng.

Khi xây dựng được thế giới đại đồng là phần Thế Đạo, thì theo luật tấn hóa,con người phải bước sang một nấc thang Thiên Đạo giải thoát

Cùng hướng về Thượng Đế, lấy Tâm làm căn bản, gọi là Thiên Tâm, hay Linh tâm, Chơn Tâm để giúp người đệ tử Cao Đài kềm chế vọng tâm, phá tan chấp ngã để trở về "vạn thù quy nhứt bổn", hay còn gọi là "phản bổn hoàn nguyên". Hành động theo Thiên Tánh để làm sáng cái Đức "Thiên Nhơn hiệp nhứt" như lời Đức CHÍ TÔN dạy: "THẦY là các con, các con là THẦY"

Người tín đồ Cao Đài chọn cho mình lối sống "Thuận Thiên", lo tu hành tinh tấn nhằm đạt được nấc thang tấn hóa thuận theo Thiên cơ.
Phương tu hành Đạo là thực hành Tam công (công quả, công trình, công phu). 
- Công quả với ý niệm làm cho Ông Trời, hợp nhất với Trời để tạo đời Thánh Đức, cứu khổ độ sanh. Thực hiện nhân bản, nhân hoà. Thoát khỏi ý nghĩa làm công quả để cầu phước cho mình hay để trả nợ tiền khiên.
- Công trình là cố gắng tu sửa mình sao cho hành xử gần bậc Thánh Hiền. Ngũ đức phương châm: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín từng bước tạo tình thương, công bình, bác ái. Tồn tâm dưỡng tánh để trở nên người hạnh đức.
- Công phu là hàng ngày có thời gian gần gũi với các Đấng Thiêng Liêng qua lời kinh kệ. Người Cao Đài có Tứ thời nhật tụng là những giờ phút tiếp xúc với các Đấng Trọn Lành cho Chơn thần học hỏi, như xác phàm phải ăn vật thực để nuôi sống, còn Chơn thần phải gần gũi với các Đấng Thiêng Liêng qua thời cúng, cầu nguyện hoặc là đọc tìm hiểu Thánh Giáo, Thánh Ngôn để trau dồi Chơn tánh.

Đã hiểu rõ trách nhiệm của con người dưới thế, người đệ tử Cao Đài muốn tìm về con đường giải thoát phải Hành Đạo. Có học Đạo thì phải Hành Đạo, nếu biết Đạo rồi chỉ lo tu cho riêng mình thì chưa đủ, không trọn phận sự làm người theo Thiên tánh. Hành Đạo không mưu cầu lợi ích cho riêng mình mà phải hướng về nhơn sanh, góp phần cho sự tấn hóa của bạn đồng sanh.Bằng lập công, lập đức, lập ngôn, người tín đồ Cao Đài gieo niềm hòa ái, bỏ qua danh lợi, trừ bỏ chấp ngã. Chính cách hành xử theo Chánh pháp của người Đại Đạo là điều kiện tốt nhất để phổ truyền Giáo pháp của Đức CHÍ TÔN, là tấm gương hành thiện, là nhân bản, khai phóng để đưa con người sống xứng đáng với phẩm vị con người, đem lại một thế giới hòa bình an lạc, Thế Đạo Đại Đồng.
" Nam Mô Nhứt Nguyện Đại Đạo Hoằng Khai
Nhì nguyện Phổ Độ chúng sanh
Tam nguyện Xá tội đệ tử
Tứ nguyện Thiên hạ thái bình
Ngũ nguyện Thánh Thất an ninh."

"NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT."

Để kết bài, tiện muội xin gởi đến Quý Hiền Huynh Tỷ Đệ Muội bài thơ
" Đạo pháp vô biên Không thị Sắc
Bát Nhã không ngoài chữ Sắc - Không
Pháp môn tu luyện Tâm lìa Sắc
Trừ chấp duyên sanh Thực tánh Không."
                                                                                  * Dr. Lê Thị Ngọc Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét