Tín đồ Cao Đài ai cũng biết
câu tiên tri giáng cho tại đàn cơ nhà ông Hồ Quang Châu và bà Phan Thị Lân ngày
15 tháng 9 năm
Bính Dần (24/10/1926).
" Từ đây nòi
giống chẳng chia ba.
Thầy hiệp các con lại một nhà.
Nam, Bắc cùng rồi ra ngoại quốc.
Chủ quyền chơn đạo một mình Ta."
Ngọc Hoàng Thượng Đế
viết Cao Đài Giáo Đạo Nam Phương
(Thánh Ngôn Hiệp
Tuyển, quyển I)
Bài thơ nhắc các tín đồ hai phương châm trọng yếu của Cao Đài là “phổ độ”
(Nam Bắc cùng rồi ra ngoại quốc) và “dung hợp” (chẳng chia ba), đồng thời tiên
tri việc đạo truyền ra nước ngoài.
Trước khi thảo luận tiếp, xin trình bày những cảm xúc hơi cá nhân một
chút. Năm tôi học đệ lục (lớp 6 bây giờ), ba tôi dẫn tôi về thăm Toà Thánh lần
đầu tiên trong đời tôi. Tôi đã đọc Thánh Ngôn Hiệp Tuyển trước, nên biết bài
thơ nói trên. Nhưng sau khi đi một vòng Thánh Địa thì tôi có một nhận xét đơn
giản. Tất cả các câu thơ dẫn ở trên đều hiểu được chỉ trừ câu thứ ba, bởi truyền
đạo ra ngoại quốc, đối với tôi lúc đó, là một việc quá lớn lao gần như không thực
hiện nổi. Đạo thì nghèo, chức sắc phần đông học vấn thấp, trình độ về tôn giáo
không bằng các vị Thượng Toạ,
Linh Mục hay Mục Sư. Tôi còn nhớ như in là những câu chữ dưới các hình vẽ
xung quanh Báo Ân Từ khi đó đều sai chính tả! Chỉ có
tấm lòng chân thật vì Thầy vì đạo là hiện rõ trên nét mặt của mọi người.
Ai cũng hăng hái làm công quả dù cho hoàn cảnh có nghèo khổ đến mấy đi nữa.
Nhưng chỉ có tấm lòng như vậy, thì theo tôi, vẫn chưa đủ để mở đạo ra nước
ngoài, cùng lắm là mở sang Cam Bốt (Cambodia ) là hết mức. Và
đúng là chúng ta có một Hội Thánh Ngoại Giáo ở Nam Vang (Phnom Penh ) từ 1927. Lúc đó
tôi vẫn chưa biết nhiều về các tôn giáo ở nước ngoài nhưng lờ mờ hiểu như vậy.
Đến khi trưởng thành, tôi có dịp may tiếp xúc với các bạn nhiều quốc tịch khác
nhau ở các tôn giáo khác như Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo và
có cơ hội đọc khá nhiều kinh sách quan trọng của họ. Bây giờ nhớ lại, lúc đó chỉ
hiểu sơ sơ, nhưng cũng cảm nhận được cứu cánh “qui nguyên” và “phục nhất” của
Cao Đài là khó cỡ nào rồi. Như Giáo Sư Garry W. Trompf trong một hội thảo ở Sydney nước Úc (28/12/1989 ) đã phát biểu:
" On the actual (or substantive) question about the unity of religions,
you will have to forgive me that, as a Professor of Comparative Religion, I
naturally become rather sceptical about mixing religions. As a scholar, of
course, I get fascinated by the many points of similarity as well as great
differences between
religions. The real trouble with me is that I am a specialist in primal
religion, and considering that there are 9,000 or so socalled primitive
religions around the globe, it is very difficult
for me to imagine how (or that) they could all be united ".
Tạm dịch: Về vấn đề thống nhất các tôn giáo, xin quý vị miễn thứ, là một
Giáo Sư môn Tôn Giáo Đối Chứng, đương nhiên tôi khá nghi ngờ việc kết hợp các
tôn giáo với nhau. Dĩ nhiên trên cương vị một học giả, tôi hiểu rõ những tương
đồng và tương khắc của các tôn giáo. Do đó xét con số khoảng 9,000 tôn giáo
chính gốc [1] trên thế giới, tôi khó mà hình
dung được có thể nào, hay bằng cách nào, thống nhất được tất cả các đạo đó.
Phát biểu trên càng làm cho chúng ta hiểu rõ thêm mục tiêu "Thâu các
đạo hữu hình làm một" [2] của Cao Đài,
theo đúng nghĩa đen, là hết sức khó khăn.
[1]
Tôn Giáo không phải là chi phái của một tôn giáo khác.
[2]
Kinh Đại Tường.
Đó là chưa kể từ lúc khai sinh năm 1926 cho tới nay 2021, đạo chưa lần
nào thống nhất được chính cái tập thể Cao Đài của mình, nói gì tới "các
đạo hữu hình"!
Thế rồi cuộc đời xoay vần và tôi phải lăn theo vận nhà mệnh nước, lo cái
ăn cái mặc đến mức chỉ còn nhớ loáng thoáng mấy câu thánh ngôn. Tôi yên trí rằng
trong kiếp sống của mình, chắc không có hân hạnh được thấy cờ đạo tung bay ở những
nước phương Tây rồi.
Nhưng đến khoảng năm 2000 thì bắt đầu phổ biến máy tính, mạng Internet ở
Việt Nam và liên lạc với nước ngoài bắt đầu dễ dàng hơn. Cuộc sống của gia đình
tôi từ từ chuyển sang một giai đoạn dễ thở. Nhờ bớt lo nghĩ đến việc kiếm sống
nên tôi có thời gian quay lại nghiên cứu Cao Đài Học, vốn là ước mơ từ lúc còn
thơ dại của tôi.
Qua Internet tôi mới biết được đạo Cao Đài đã có những dấu ấn đầu tiên ở
nước ngoài. Theo con sóng thuyền nhân, nhiều tín đồ Cao Đài đã đến được những đất
nước tiến bộ. Các tín đồ thuần thành, do các vị Hiền Tài ban Thế Đạo điều hành,
đã góp nhiều công sức cho những bước đầu chập chững ở xứ người. Nào là lập website
phổ biến triết lý đạo, xây dựng các Thánh Thất, Điện Thờ Phật Mẫu, lập các hội
đoàn, tổ chức nghiên cứu, làm các chương trình phát thanh, truyền hình Cao Đài ở
Mỹ, Úc, Bỉ, Pháp, Canada v.v... Theo ý riêng của tôi, những bậc hiền nhân này
đã lập đại công quả cho Đức Chí Tôn và Phật Mẫu rồi vậy. Sau này Hội Thánh chắc
chắn phải phong Thánh các vị đó.
Phải công nhận là khi thấy hình ảnh các Thánh Thất Cao Đài phất phới đạo
kỳ ở Sydney, California, Houston, Toronto v.v [3]
...tôi nhìn hoài không chán mắt. Có khi còn không tin vào mắt mình nữa. Ôi!
Lời tiên tri của Thầy sau gần nửa thế kỷ đã trở thành hiện thực.
[3] Mời quý đọc giả vào trang web này để biết về các
Thánh Thất Cao Đài ở nước ngoài:
Vậy là ngay trong kiếp sanh này, tôi đã được chứng kiến điều mà ngày xưa
tôi vẫn chắc mẩm là không thể nào xảy ra.
Người ta hay nói rằng việc truyền đạo ra nước ngoài rõ ràng là do các đấng
thiêng liêng chớ người phàm chúng ta không cách gì làm nổi. Đúng vậy ! Và tôi
thì nghĩ rằng Thầy đã tạo điều kiện cho con cái Ngài làm công quả theo lời đã hứa.
VÀI VA CHẠM ĐẦU TIÊN
Vậy vấn đề của tín đồ Cao
Đài chúng ta hiện nay (năm 2021) là phải làm gì? Đương nhiên là vẫn phải tiếp tục
làm công quả theo sức của mình nhưng cần bổ sung nhiều về mặt kiến thức lẫn kỹ năng
để phù hợp với hoàn cảnh mới. Khi đạo kỳ chúng ta bay trên đất nước khác, dĩ
nhiên người ta sẽ đến tìm hiểu, thậm chí là đến tận Tây Ninh tìm hiểu cho rõ
nguồn cơn.
Điểm bộc lộ đầu tiên là những
khác biệt về ngôn ngữ và văn hoá.
Có lẽ các vị tín đồ Cao Đài ở
nước ngoài cảm nhận điều này rõ hơn các vị trong nước vì tiếp xúc thẳng với những
xã hội khác biệt đó, nên cần bổ sung khẩn cấp hơn. Tuy vậy, những vị trong nước
cũng nên chuẩn bị tinh thần để tiếp khách nước ngoài hoặc giao tiếp với họ qua
không gian mạng.
Hiện có nhiều người nước
ngoài đến các Thánh Thất, hoặc lên các website Cao Đài để tìm hiểu hoặc học hỏi.
Nhưng chính những người làm công tác nghiên cứu, thí dụ như các Giáo Sư Đại Học
môn Tôn Giáo Học hay các sinh viên cao học đang viết luận án Thạc sĩ hoặc Tiến
Sĩ, mới có những thắc mắc lớn. Thật sự ra, phần lớn những vị này không phải tìm
hiểu để nhập môn mà là vì các Đại Học ở phương Tây đòi hỏi luận án của họ phải
có những điều mới mẻ, chưa có ai nghiên cứu trước đây. Cao Đài là một tôn giáo mới
đối với họ nên thường là mục tiêu họ chọn trước nhất. Dù những vị này không trở
thành tín đồ, nhưng những luận án hay sách họ viết ra lại tạo ấn tượng rất mạnh
trong cộng đồng của họ.
Hiện giờ thì số người như vậy
còn ít nhưng trong tương lai sẽ tăng lên.
Điều tôi muốn nói là khi những
vị này làm công tác nghiên cứu thì những va chạm về ngôn ngữ và văn hoá nảy
sinh. Có rất nhiều nhận xét về Cao Đài không thuận lợi cho lắm mà tôi không muốn
nêu hết ra đây. Chỉ xin nêu ra vài nhận xét tiêu biểu như sau.
Tác giả Đồng Tân, trong Tìm
Hiểu Triết Lý Cao Đài, nhà xuất bản Cao Hiên, Sài gòn 1974, viết rằng: Tại
Caodaist Culture Society ngày 29/11/1970, Giáo Sư Jeremy Davidson thuộc trường
Đại Học London phát biểu:
" Besides the lengthy, complicated rituals and the one-sided dogma,
the Caodaist Sacerdotal Council never discusses philosophical topics.”
Tạm dịch: Ngoài các nghi lễ phức tạp rườm rà và giáo điều một chiều ra,
Hội Thánh Cao Đài không hề luận bàn đến những chủ đề triết lý.
At the same place on March 30th, 1971 , Pastor Victor L.Oliver
stated, “Deeply examined, Caodaism seems to have an unclear basic doctrine."
Tạm dịch: Và cũng ở nơi đó, ngày 30/3/1971 , Mục Sư Victor
L.Oliver nói: "Nghiên cứu kỹ thì thấy giáo lý cơ bản của đạo Cao Đài
không rõ ràng"
Tôi có mời một số tín đồ tâm huyết đọc lời phát biểu này thì hầu như mọi
người đều khá sốc. Sau khi bình tĩnh lại, ý kiến thường là chia ra hai khuynh
hướng:
Khuynh hướng thứ nhất: không cần nghe những nhận xét như vậy.
Triết lý Cao Đài "bao trùm" các triết lý tôn giáo khác
vì do chính Đức Chí Tôn Thượng Đế dạy. Họ muốn tìm hiểu thì phải học tiếng Việt
để tự đọc kinh sách. Nếu họ vẫn không hiểu, thì đó là vì họ thiếu căn phần. Vấn
đề của chúng ta hiện nay là phải lo "bảo thủ chơn truyền",
chuyện phổ độ Đức Chí Tôn sẽ xoay chuyển sau vì đạo Cao Đài mở tới 700,000 năm
lận.
Khuynh hướng thứ hai: người nước ngoài không hiểu về đạo là tại tín đồ
chúng ta không biết cách nói cho họ biết, nói tóm lại là chúng ta không biết
cách phổ độ. (Nên hiểu "phổ độ" theo nghĩa đem triết lý Cao
Đài đến càng nhiều người càng tốt, chứ không phải ra sức thuyết phục người khác
vào đạo Cao Đài, mặc dù được như vậy cũng tốt). Phải thấy rằng việc phổ độ là
nhiệm vụ của chúng ta vì đó chính là công quả trong lần thứ ba này. Đức Chí Tôn
chỉ mở trường công quả còn chúng ta phải thực hiện bằng mọi cách, từ nói chuyện,
làm thơ, viết văn, dịch thuật, ca hát, vẽ, điêu khắc v.v... Mà muốn làm được
như vậy thì bản thân tín đồ phải tự học hỏi cho có đủ trình độ.
Suy nghĩ cho kỹ thì tôi muốn thiên về khuynh hướng thứ hai dù bản thân rất
lười học. Cũng có người nói rằng cứ đọc kinh, cúng tứ thời, làm đám xác, đi từ
thiện, năm năm cầu phong hay cầu thăng lên một cấp. Nếu không chết sớm thì về
già cũng lên tới cỡ Đầu Sư, được đối phẩm với Địa Tiên rồi. Tu như vậy khỏi phải
suy nghĩ nhiều cho rắc rối !
Dĩ nhiên, ai cũng có quyền chọn lựa con đường tu học cho mình miễn sao đừng
gây chia rẽ. Tín đồ Cao Đài chúng ta hãy bắt chước một đàn kiến, khi bám vào
con mồi, chúng không cùng quay đầu về một hướng duy nhất, nhưng con mồi thì chắc
chắn sẽ được di chuyển về phía mục tiêu: tổ của chúng. Kiến khác người ở chỗ dù
ý kiến cá nhân khác nhau, chúng không chia ra thành... "mười hai sứ
quân"!
Riêng cá nhân tôi thì tự xét thấy không có khả năng làm Chức Việc Chức Sắc,
bởi nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi tinh thần phải vững vàng, sức khoẻ phải tốt,
phải có nhiều tài năng, phải khôn khéo ngoại giao và phải từ bỏ cả gia đình lẫn
công việc ngoài đời.
Cho nên tôi chọn khuynh hướng thứ hai. Quý đọc giả nào chọn giống như
tôi thì xin mời cùng thảo luận tiếp. Bây giờ để bắt đầu, hãy xét xem chúng ta cần
trang bị gì cho cách làm công quả này.
TỰ TRANG BỊ
Có mấy đứa cháu nói với tôi là sẽ vào Đại Học rồi tìm cách ra nước ngoài
để nghiên cứu Tôn Giáo Học, lấy bằng Thạc Sĩ hoặc Tiến Sĩ nếu được, rồi trở về
làm đạo cho có hiệu quả cao.
Tôi mừng lắm ! Mong có nhiều thanh niên nuôi hy vọng đó để đạo nhờ.
Nhưng đó là kế hoạch về lâu về dài, còn những người trung niên hoặc già cỡ tôi
mà lại không có cơ hội đến Đại Học thì sao?
Dĩ nhiên là vẫn phải tự học liên tục cho dù không thích lập ngôn, bởi vì
thánh ngôn đã dạy "Vàng treo nhà ít học không ưa..." [4] .
Trong tình hình Covid hiện nay thì tự học qua mạng lưới Internet là tốt
nhất. Phương tiện để lên Internet nay cũng phổ biến, chỉ cần một điện thoại
thông minh, loại khá khá một chút, là được. Tuy nhiên, Hội Thánh chưa có một học
viện nào chuyên về Cao Đài, vậy nguồn bài vở ở đâu ra? Ai là thầy dạy? Tôi
không dám đề cập đến việc mời các Chức Sắc, Chức Việc vì những vị đó đã có nhiệm
vụ và được đào tạo hẳn hoi. Chỉ xin bàn nhỏ với những tín
đồ bình thường như bản thân tôi vậy. Vậy, trong khi chờ đợi Hội Thánh
chính thức mở Học Viện Cao Đài, xin đề nghị ba lãnh vực sau để nghiên cứu.
[4] Bài thài hiến lễ Tứ Nương Diêu Trì Cung.
Kiến thức tôn giáo
Lãnh vực đầu tiên là kiến thức về tôn giáo. Chúng ta sẽ không nghiên cứu
hết 9,000 tôn giáo trên toàn cầu như Giáo Sư Trompf liệt kê, nhưng ít ra phải
biết những tôn giáo nêu trong khẩu hiệu "Tam Giáo qui nguyên, Ngũ Chi
phục nhất" [5] . Điểm quan trọng mà chúng
ta cần học là triết lý của những tôn giáo đó bởi vì, như Giáo Sư Davidson hay Mục
Sư Oliver nói ở trên, Hội Thánh Cao Đài không thảo luận các chủ đề triết lý và
triết lý căn bản của Cao Đài chưa rõ ràng. Qua đó ta thấy, đối với người phương
Tây, triết lý mới là linh hồn của tôn giáo, không có triết lý đặc trưng thì tôn
giáo chỉ là một câu lạc bộ tạp nhạp. Lưu ý rằng khi những học giả phương Tây nhận
xét điều gì, thì họ đã nghiên cứu về vấn đề đó rất kỹ, chứ không phải vì "họ
chưa đọc sách viết về Cao Đài" nên mới nói như thế đâu !
Vậy thì triết lý mà chúng ta từng đưa ra và triết lý của họ yêu cầu có
chỗ không trùng khớp. Đó là chỗ nào? Đó
là chỗ chúng ta lại tiếp tục nói về Đạo Phật, Đạo Lão, Đạo Khổng, là điều mà họ
biết có khi còn rõ hơn ta. Theo ý riêng tôi, biết triết lý "Tam Giáo
Ngũ Chi" chỉ mới là bước đầu, "qui nguyên phục nhất"
những triết lý đó mới là cứu cánh của Cao Đài. Xét cho kỹ, chúng ta chưa nói được
nhiều về điều này. Nhưng, luận bàn và áp dụng “qui nguyên
phục nhất”, tức là triết lý
chính thống của Cao Đài, là một việc cực kỳ lớn lao, xin hẹn lại trong một khảo
luận khác, giờ xin quay lại với kiến thức về tôn giáo.
Tại sao bước đầu tiên là phải
học để biết cho rõ về tôn giáo? Bởi nếu không thì chúng ta sẽ dễ dàng lạc lối
trong cánh rừng triết lý đạo giáo. Ta sẽ mãi mê thảo luận trí Bát Nhã hay Thiền
Tông (Phật Giáo), say mê thuyết Vô Vi (Lão Giáo), miệt mài xoay quanh Tam Cang
Ngũ Thường (Nho Giáo) hoặc nhiệt tình nghiên cứu Dịch Lý, thuyết Âm Dương, Ngũ
Hành (Lão Giáo), mà cứ yên chí nghĩ rằng đó là triết lý Cao Đài. Thế rồi, nhân danh
chữ "phục nhất", chúng ta lấy những thuật ngữ của các tôn giáo
đó ghép vào chữ Cao Đài, như tôi đã đọc được đâu đó những danh từ như Thiền Cao
Đài, Tịnh Độ Tông trong Cao Đài và Dịch Lý Cao Đài !
[5] Tam Giáo: Nho, Lão, Phật.
Ngũ Chi: Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo.
Nghĩa tổng hợp của
khẩu hiệu này là "toàn bộ hệ thống tín ngưỡng trên thế giới".
Ai cũng biết Thiền và Tịnh Độ
là hai tông phái của Phật Giáo còn Dịch Lý là triết lý Trung Hoa cổ đại, sau
này được ghi lại trong quyển Kinh Dịch của Khổng Giáo. Cho nên, những suy nghĩ theo kiểu
"râu ông nọ cắm cằm bà kia" như vậy khiến chúng ta không tránh
khỏi bị người khác đạo nói là dùng triết lý chắp vá.
Thực sự, nếu đọc kỹ sách đạo, nhất là Những Bài Thuyết Đạo [6] của Đức Hộ Pháp chúng ta sẽ thấy Cao Đài có những
thuật ngữ, định nghĩa tôn giáo riêng và có pháp môn tu tập rất đặc trưng, điều
mà các nhà nghiên cứu Tây Phương rất muốn học hỏi. Xin nhớ cho, chúng ta phải "qui
nguyên phục nhất" chứ không phải "ghép chung" các tôn
giáo với nhau theo kiểu "lẩu thập cẩm" !
Còn khủng khiếp hơn, chính vì thiếu kiến thức về tôn giáo nên mới có người
"dũng cảm" tuyên bố rằng triết lý Cao Đài là thuyết Tam Quyền
Phân Lập hay thậm chí là thuyết Nam Thất Nữ Cửu !
Thực sự ra Học Thuyết Tam Quyền Phân Lập xuất phát từ John Locke
(1632-1704) và Montesquieu (1689-1755) thuộc lãnh vực chính trị, còn Nam Thất Nữ
Cửu chỉ là truyền thuyết trong dân gian. Đạo Cao Đài không bao giờ cổ vũ các hoạt
động chính trị và cũng không đề cao những phong tục dân gian không có cơ sở
khoa học.
Nói tóm lại, khi học biết rõ ràng về triết lý các tôn giáo ta sẽ tránh được
việc đánh mất đặc trưng của Cao Đài, vốn được các bậc tiền bối dầy công xây dựng.
[6] Ban Tốc Ký Toà Thánh Tây Ninh.
Nhưng học trên Internet thì học chỗ nào? Không gian mạng ngày nay là vô
tận nhưng cũng đầy dẫy những tin giả (fake news) nhằm đánh lạc hướng hoặc lừa đảo
người dùng. Theo kinh nghiệm riêng tôi, ở mức tối thiểu cũng nên nghiên cứu ở
những nơi như sau:
Tiếng Việt.
Tự Điển Cao Đài - Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng tự Đức Nguyên.
Đây là quyển tự điển đầu tiên của Cao Đài. Tác giả Đức Nguyên lúc sinh
thời là một Giáo Sư Toán tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn và đã đi dạy học
trước 1975. Mặc dù sách chưa được Hội Thánh kiểm duyệt, nhưng, theo tôi, mức
chính xác của sách lên tới 95%. Hơn nữa, nếu chờ Hội Thánh kiểm duyệt thì, hiện
nay, không còn quyển nào đáng tin cậy hơn quyển này đâu. Những quyển tự điển
khác đa phần soạn dựa trên ngữ liệu của quyển này.
Mời gõ link này vào Google để đọc sách:
CaoDaiTuDien.html
- Centre for Studies in Caodaism - Sydney , Australia . Trang web
của Đào Công Tâm, Chuyên Viên Thư Viện Đại Học Sydney và Tiến Sĩ
Christopher Hartney, Giáo Sư Tôn Giáo Học thuộc Đại Học Sydney, Australia. Hầu
hết tài liệu của Cao Đài cả xưa lẫn nay đều có ở đây, có cả những tác phẩm bằng
tiếng Anh, Pháp, Hoa, Nhật, Việt. Đây là trang web có tuổi đời lâu nhất và có
thông tin đầy đủ, đáng tin cậy nhất.
Tiếng Anh
Encyclopedia Britannica - Tự điển Bách Khoa Toàn Thư rất nổi tiếng của
Anh. Xuất bản lần đầu năm 1768. Thông tin chính xác, cập nhật liên tục và có
giá trị bậc nhất.
Stanford Encyclopedia of Philosophy - Tự điển Bách Khoa Triết Học của Đại
Học Stanford, California ở Mỹ. Thông tin chính xác, cập nhật liên tục, rất có
giá trị theo cách nhìn của người Mỹ hiện đại.
Wikipedia - Tự Điển Bách Khoa Toàn Thư Mở. Đây là tự điển mở, tức là ai cũng có
quyền vào đăng bài hay chỉnh sửa thông tin.
Vì vậy phải thận trọng khi đọc ở đây, nhất là các bản dịch ra tiếng Việt.
Thông thường nên đối chiếu với các tự điển của Đại Học nước ngoài trước khi sử
dụng.
Kỹ năng để lập ngôn
(nói và viết về đạo)
Khi đã có kiến thức về tôn giáo tương đối đầy đủ, chúng ta có thể bắt đầu
nói và viết về đạo. Riêng về lập ngôn, kinh sách Cao Đài đã giải thích theo hai
khuynh hướng khác nhau. Một, " lập ngôn là trau dồi lời nói, hiền lành
theo lẽ chí thiện [7] ". Hai, lập
ngôn là viết sách báo phổ biến đạo.
Tôi xin chọn cách thứ hai bởi Đức Hộ Pháp đã giảng rằng đây là một trong
ba cách tu tập (Tam Lập). Lập công là làm công quả theo Hội Thánh Cửu Trùng
Đài, lập đức là theo Hội Thánh Phước Thiện, lập ngôn là nói đạo cho mọi người
nghe [8] . Nếu nói lập ngôn là chỉ nói năng cho
đàng hoàng thôi thì đã có Đệ Ngũ Giới Cấm (Bất Vọng Ngữ) răn trừng rồi, không cần
thiết phải đưa vào tam lập. Hơn nữa vậy chỉ là rèn luyện một trong số nhiều
tính cách của người tu học, chưa nhắm vào cứu cánh của Cao Đài, nên không thể
sánh ngang với lập công và lập đức về mặt pháp môn tu tập.
Thật may cho tín đồ Cao Đài chúng ta vì bây giờ công nghệ cao đã phổ biến.
Nhất là trong thời đại Covid, ta có thể lập ngôn thoải mái mái bằng cách viết bài đăng lên các mạng xã hội,
gởi email cho đồng đạo, thu âm bài nói chuyện đăng lên YouTube hay Facebook
v.v...Có thể nói là cách lập ngôn phong phú hơn ngày xưa rất nhiều.
[7] Trên Đường Tấn Hoá - Tiếp Pháp Trương Văn Tràng,
1963.
[8] Lập ngôn thì phải để hết trí óc tìm hiểu về triết
học, tinh thần, tìm tòi mọi lẽ cao sâu để thuyết minh chánh giáo. (Đức Hộ Pháp
thuyết đạo tại Nữ Đầu Sư Đường 30/8 Tân Mão - 1951)
Và mọi người chỉ cần một cái điện thoại thông minh là xong. Coi như thời
cơ đã có, giờ chỉ còn “chúng-ta-muốn-làm-hay-không” thôi.
Trên thực tế, hiện nay rất nhiều bạn đạo cũng suy nghĩ như vậy nên ra sức
lập ngôn trên các mạng xã hội, nhất là Facebook. Tuy nhiên khi dạo một vòng
trên mạng thì tôi có nhận xét như sau. Rất nhiều đồng đạo chưa quen với cách hội
luận của phương Tây, nên đôi khi trao đổi lời lẽ không phù hợp, dẫn tới xích
mích khiến cho người ngoài đạo hay nói “mấy ông Cao Đài ưa cãi lộn”. Có lẽ
chúng ta sẽ dần dần quen với tình huống mới và về lâu về dài, mình còn phải học
thêm rất nhiều. Trong khi chờ đợi, xin đề nghị học tập hai điều cơ bản mà người
Tây phương thường dùng trong hội luận.
Một là tránh đạo văn (plagiarism). Đạo - ăn cắp. Văn - câu chữ
trong một bài viết. Để cho nhanh, xin nói gọn như thế này. Người phương tây xem
việc sử dụng lại từ ngữ hoặc ý tưởng của người khác mà không chú thích rõ tên
tác giả, tác phẩm là hành vi ăn cắp. Đối với họ, ăn cắp và nói láo là những tội
lỗi không thể nào chấp nhận được. Tùy theo môi trường và cách vi phạm mà người
đạo văn sẽ bị phạt ở mức độ nào đó. Nói chung, đạo văn là không tốt và dù bị trừng
phạt hay không thì người đọc cũng sẽ mất cảm tình nếu biết mình đạo văn. Vì vậy
chúng ta nên chú thích rõ nguồn của những thông tin.
Thí dụ: Đây là một trích dẫn có ghi chú đầy đủ: "Phép hành đạo
Phật giáo dường như ra sái hết, tương tợ như gần biến Tả Ðạo Bàng Môn".
(Thích Ca Như Lai kim viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát - Hội Phước Tự,
5/6/1926 - Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển I, Bài 14).
Thực sự thì không có ai qui định là phải ghi chú thế nào, nhưng, nói
chung ghi làm sao cho người đọc có thể tra cứu được là ổn.
Khi tìm thấy thật sự có thông tin đó, người đọc sẽ tin người viết hơn.
Ghi chú quá sơ sài, thí dụ như (Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp) hay (trích trên
Internet), sẽ làm bài viết mất giá trị.
Hai là tránh ngụy biện (fallacy). Nguỵ - không đúng. Biện - lý luận, tranh
cãi. Ngụy biện là cố tình lập luận sai để chứng minh ý kiến của mình là đúng
trong một bài viết hay trong một cuộc tranh luận. Nếu vô tình lý luận sai vì
không biết thì gọi là ngộ biện.
Đối với người Tây phương,
sau khi đưa ra một ý kiến, phải chứng minh ý đó đáng tin cậy qua các bằng chứng
hoặc những lý lẽ.
Bằng chứng thì có thể tìm
trên báo chí, sách vở, hoặc tài liệu có uy tín, nhưng lý lẽ lại tuỳ vào trình độ
tri thức. Nếu lý lẽ không đúng (ngày nay gọi là không có logic) thì bị cho là
nguỵ biện hay nói theo kiểu bình dân là “nói ngang ba làng cãi không lại”. Trước
năm 75, học sinh lớp Đệ Nhất (lớp 12 bây giờ) được học môn Luận Lý Học [9] để biết cách lập luận tránh được nguỵ biện. Bây
giờ là năm 2021, những cách lập luận cũng thay đổi khác nhiều rồi.
Quý đọc giả có thể vào Google
gõ "nguỵ biện" để biết thêm chi tiết.
Ngay từ thời xa xưa,
Aristotle (sinh năm 384 - mất năm 322 trước Chúa Giáng Sinh), triết gia người
Hy Lạp cổ đại, đã là người đầu tiên khẳng định có 13 cách ngụy biện. Các nhà
khoa học sau này xác định thêm hàng chục loại nữa. Nhưng trong phạm vi nhỏ hẹp
của bài này, để tránh mất thì giờ, tôi xin phép tổng hợp các thông tin hiện nay
và trình bày những loại nguỵ biện đơn giản nhất, dễ mắc phải nhất.
1 - Loại ngụy biện thường gặp
nhất trong các cuộc tranh luận trên mạng xã hội là "Tấn công cá nhân"
(ad hominem). Nghĩa là thay vì tìm cách chứng minh lý luận của đối phương sai,
người viết (nói) quay ra công kích, có khi mắng nhiếc cá nhân người đối diện nhằm
hạ uy tín.
[9] Sách học môn
Luận Lý lớp 12 trước 1975
http://www.tusachtiengviet.com/images/file/7-
CIxXuA0wgQAK5Y/luan-ly-hoc.pdf
Thí dụ như "Bạn biết gì mà nói", "Bạn có làm được như
vậy chưa?", "Ông X ở họ đạo Y làm biếng cúng tứ thời, đừng tin lời ổng".
Đây là loại gây ra nhiều xích mích nhất, thường gặp ở những người trình độ học
vấn thấp. Nói chung, người tu học nên tránh dùng loại nguỵ biện này.
2 - Nguỵ biện "trượt dốc" (slippery slope fallacy). Suy
diễn về tương lai không có căn cứ, bằng chứng gì. Thí dụ "Nếu không giữ
chơn truyền, rồi đây giới thanh niên sẽ quên hết đạo đức, nền đạo sẽ tan rã".
Trong lập luận này chưa có chứng cớ gì cụ thể cả. Cần phải nói thêm là đã
có số liệu thống kê của Viện Nghiên Cứu X cho thấy số thanh niên vi phạm đạo đức
tăng lên (bao nhiêu?) sau (bao nhiêu năm?) và số tổ chức đạo giải thể (bao
nhiêu?) kể từ khi không giữ chơn truyền nữa v.v...
3 - Nguỵ biện "đưa ra bằng chứng cá nhân, không có cơ sở khoa học"
(anecdotal evidence fallacy). Thí dụ: "Đừng tịnh luyện vì dễ bị điên lắm.
Cậu tôi tịnh luyện bị điên năm 1972" Bằng chứng này thiếu cơ sở khoa học
vì đó chỉ là chuyện riêng trong gia đình của bạn. Nếu nói thêm thế này thì lời
khuyên đừng tịnh luyện sẽ vững vàng hơn: "trước khi tịnh luyện cậu tôi
khám tâm thần ở Bệnh Viện Chợ Quán bình thường, sau khi luyện cậu đi khám lại
chỗ cũ thì được chẩn đoán là bị tâm thần phân liệt". Đính kèm theo sổ
khám bệnh nữa là tốt nhất.
4 - Nguỵ biện so sánh sai lạc (faulty analogy). Thí dụ: "Những
người không học kỹ triết lý đạo cũng giống như những kẻ phá hoại nền đạo".
Lập luận này xem tất cả người không rành triết lý đạo ngang hàng với những kẻ
tìm cách ngăn cản sự phát triển của đạo. Thực sự ra, có thể họ chưa có điều kiện
để nghiên cứu hoặc họ không hiểu. Nếu phá hoại phải có hành động gì đó gây trở
ngại cụ thể cho việc phổ độ. Điều này cần bằng chứng, nếu không, đó chỉ là sự
so sánh khập khiễng, nói đúng hơn là vu khống.
5 - Nguỵ biện dựa vào truyền thống (appeal to tradition). Đây là kiểu lập
luận dựa vào lý lẽ trước giờ ai cũng làm vậy, nên điều đó đương nhiên là đúng.
Thí dụ: "Từ xưa đến nay, đạo nào cũng có nhiều tông phái, chi phái, nên
chi phái Cao Đài là chuyện đương nhiên". Lập luận này không vững, vì
Cao Đài khác các tôn giáo khác ở chỗ rao giảng phải qui nguyên phục nhất các
tôn giáo, nên bản thân không thể chia rẽ được.
6 - Nguỵ biện thống kê sai (statistical fallacy). Cố tình bịa ra số liệu
thống kê hoặc lấy ở một nguồn không xác định để chứng minh lý lẽ của mình. Thí
dụ: Khi tôi hỏi một facebooker tại sao anh lại giải thích sai ý nghĩa bài kinh
Phật Mẫu trong khi có thể tra Tự Điển Cao Đài online dễ dàng. Anh trả lời "Tra
tự điển thì dễ thôi, nhưng 90% người lên mạng là dân dốt, giải thích cao quá họ
không hiểu!". Con số 90% này chắc chắn là của anh ta rồi vì không thấy
cơ quan thống kê nào nhắc tới!
7 - Nguỵ biện bù nhìn rơm (straw man). Tìm cách chế giễu, xuyên tạc, bóp
méo luận điểm của đối phương thay vì chứng minh là họ sai. Thí dụ: "Đạo
Cao Đài muốn thống nhất các tôn giáo lại để Giáo Tông của họ lãnh đạo tinh thần
toàn thế giới". Đây là một kiểu xuyên tạc điển hình vì Cao Đài chỉ kêu
gọi tinh thần dung hợp tôn giáo (religious tolerance) chứ không đòi hỏi lãnh đạo
ai cả.
Tới đây xin phép tạm dừng mô tả các cách nguỵ biện. Hiện nay, theo tôi,
chỉ cần tránh 7 loại nguỵ biện kể trên, thì bài viết hoặc lý lẽ của người lập
ngôn đã có giá trị hơn trước nhiều lắm rồi. Người ngoài đạo sẽ bớt thành kiến
“người Cao Đài ưa cãi lộn” và hy vọng sẽ hiểu triết lý đạo hơn. Đây chỉ mới là
bước khởi đầu. Nếu quý vị muốn bài viết của mình có giá trị để đời trong sử đạo,
thì hãy lên Google tìm học thêm nữa để tránh các loại nguỵ biện khác.
Ngoại ngữ
Một kỹ năng nữa mà thiếu nó thì không thể đi xa hơn trong vấn đề lập
ngôn trong tình hình hiện nay. Đó là ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Có lẽ nói ra cũng bằng thừa, nhưng tôi đã thấy nhiều
gia đình ở Sài Gòn cho con đi học trường quốc tế, giảng dạy bằng tiếng Anh, tiếng
Việt chỉ cần đủ xài là được. Tôi không khen hay chê việc đó, nhưng quý vị nào
muốn phổ độ người nước ngoài thì tiếng Anh là rất cần thiết. Dù cho không tiếp
xúc người nước ngoài, thì chuyện lên Internet học hỏi cũng rất cần tiếng Anh.
Và học tiếng Anh thì không bao giờ có chuyện quá trễ!
KẾT LUẬN
Bài viết này xin gởi tới những
tín đồ Cao Đài có cùng lý tưởng.
Những ai không xem các mạng
xã hội như Facebook, Twitter v.v...là nơi để lường gạt, để tiêu khiển, để buôn
bán, để nói xấu người khác cho thoả lòng, mà xem đó là trường công quả. Những
ai quyết tâm lập công với Thầy Mẹ cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù đứng trước
trăm người hay chỉ đêm khuya cô độc đối diện với màn hình máy tính, dù còn khoẻ
mạnh hay chỉ lây lất chờ ngày về cõi thiêng liêng hằng sống. Những ai chỉ muốn
lập công để sám hối lỗi lầm trong kiếp sinh, mong sao Thầy Mẹ thương tình ban
cho sự sáng suốt để hiểu đạo, hành đạo để mà kiếp sau còn nhớ tiếp tục tu tập,
đi theo bước chân Thầy Mẹ. Trước khi kết thúc, kính mời quý đọc giả cùng niệm
Ngũ Nguyện với người viết. Nam mô nhất nguyện Đại Đạo hoằng khai. Nhì nguyện
....
* Từ Chơn
Sài Gòn 21/2/2021
Tài liệu tham khảo:
Wikipedia English.
Encyclopedia
Britannica.
Stanford Encyclopedia
of Philosophy.
Tự Điển Cao Đài - Đức
Nguyên.
Tự Điển Hán Việt -
Thiều Chửu.
- Centre for
Studies in Caodaism - Sydney , Australia .
- Đồng Tân, Tìm hiểu
triết lý Cao Đài, Cao Hiên xb, Sài Gòn,1974.
- TRÊN ĐƯỜNG TẤN
HOÁ - TIẾP PHÁP Trương Văn Tràng. Minh Tâm xuất bản, 1963.
- R.B.Smith, An
introduction to Caodaism, Bulletin of the school of Oriental and African
studies, University of London , vol.
XXXII, part 2.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét