Trong đạo Cao Đài, không
tín đồ nào mà lại không biết việc cúng tứ thời. Đây là một sinh hoạt không thể
thiếu trong đời sống tâm linh của người học đạo. Vì thế hôm nay chúng tôi xin
được phép trình bày cùng quý huynh tỷ về diệu dụng của sinh hoạt này.
Lợi ích về mặt vật chất
Trước hết,
thiết tưởng cũng cần phải nói thêm, trong đạo Cao Đài, cúng tứ thời thì
phải đọc kinh; mà đọc kinh thì phải kèm theo âm nhạc.
Theo các nghiên cứu về âm học chúng ta
biết được một số tác động của âm nhạc. Đã có một thí nghiệm thú vị sau đây:
người ta đặt hai cái loa gần một cây con, một cho phát nhạc êm dịu, một cho
phát nhạc kích động. Sau một thời gian, cây lớn dần lên, nhưng mọc nghiêng về
phía loa phát nhạc êm dịu. Rõ ràng, âm nhạc đã tác động vào thực vật. Người ta
ứng dụng kinh nghiệm của thí nghiệm trên vào nhiều lĩnh vực. Ví dụ phát nhạc để
ru em bé ngủ ở nhà trẻ hoặc trong y học người ta cũng đã dùng âm nhạc như một
liệu pháp và đã thu được nhiều kết quả khả quan. Một ví dụ thú vị nữa là ở các
siêu thị, người ta cho phát nhạc êm dịu để khách hàng thoải mái ở lại lâu hơn,
có thời gian cân nhắc, mua thêm hàng và như vậy thì doanh số bán tăng lên.
Ngược lại, ở các nhà hàng, nếu khách quá đông, người ta phát nhạc dồn dập làm
khách hàng ăn nhanh hơn để mau có bàn trống cho khách mới.. Tóm lại, âm nhạc có
tác động hiển nhiên vào cơ thể sinh vật, dù có muốn nghe hay không. Và như đã
thấy, âm nhạc êm dịu làm cho cây xanh phát triển, hay đúng hơn có tác dụng tốt
đối với sinh vật, nhất là cơ thể chúng ta.
Nói một cách đơn giản là khi đọc kinh, chúng ta đã dùng âm nhạc để nuôi
dưỡng và phục hồi năng lực cho cơ thể của mình sau những giờ lao lực vì cuộc
sống.
Lợi
ích thứ hai có liên quan đến thời gian đọc kinh. Tất cả các sinh vật đều bị yếu
tố thời gian chi phối. Vì có thời gian nên mới có sinh ra, lớn lên, già cỗi rồi
chết đi; tức là thành, trụ, hoại, không. Thời gian là một thành tố không thể
thiếu được của vũ trụ và thời gian tồn tại ngoài vòng tay của con người. Nghĩa
là con người không có cách nào làm thời gian chậm lại hoặc nhanh hơn. Và thời
gian dưới cái nhìn vĩ mô là một tổng thể các chu kì mà ngày nay mọi người đều
biết đến dưới tên gọi chu kì sinh học. Một bông hoa cứ đến mười giờ là nở. Một
con hàu cứ đến giờ thủy triều lên là hé vỏ đón nước biển. Người ta thử đem con
hàu ấy đến bờ biển khác, nơi mà giờ thủy triều lên khác hẳn thì nó vẫn hé vỏ
theo giờ thủy triều lên ở nơi cũ. Trong cơ thể con người cũng có một đồng hồ
sinh học như thế. Nếu theo dõi cẩn thận thì sẽ thấy rõ tại sao có lúc tinh thần
dễ tập trung, có lúc dễ nổi cáu; thậm chí có lúc dễ mắc bệnh hơn những thời điểm
khác. Do đó, đạo Cao Đài quy định cúng tứ thời
là căn cứ vào thực tế này. Trong bốn thời điểm này (nghĩa là Tý, Ngọ,
Mẹo và Dậu), do tác động của đồng hồ sinh học mà các cơ quan trong cơ thể chúng
ta đều có những sinh hoạt khác nhau. Đọc kinh vào những lúc này, về mặt nội
giới, là điều hòa các hoạt động sinh lý và tâm lý của cơ thể. Tưởng cũng nên
nói thêm ở đây là ngày sóc (ngày đầu tháng âm lịch) và ngày vọng (ngày giữa
tháng âm lịch) đều là những dịp có tác động rất lớn đến cơ thể chúng ta. Có rất
nhiều nghiên cứu nói đến hiện tượng khi trăng tròn lực hút của trái đất và mặt
trăng lớn nhất. Trong con người, phần chất lỏng, tức là nước lại chiếm tỉ trọng
rất cao. Do đó cơ thể cũng chịu ảnh hưởng sức hút của trái đất và mặt trăng.
Lúc thủy triều lên cao nhất cũng là lúc một số bệnh mãn tính như suyễn, tâm
thần dễ bộc phát nhất. Một số điều tra về tội phạm cũng cho thấy đó cũng là lúc
tội phạm xảy ra nhiều nhất. Như vậy, rõ ràng là vị trí các thiên thể có tác
động đến đồng hồ sinh học trong cơ thể. Đến đây, càng dễ nhận thấy rằng đọc
kinh trong những lúc như thế sẽ làm cho việc hồi phục năng lực cho cơ thể đạt
hiệu quả cao hơn, tức là cơ thể sẽ khỏe mạnh hơn. Thể xác khỏe mạnh thì trí não
sáng suốt, tinh thần mạnh mẽ. Có như thế chúng ta mới hiểu thấu đáo lời dạy của
Đức Chí Tôn để mai kia hiệp một cùng Ngài.
Lợi ích về mặt tâm linh
Trong
cúng tứ thời, nhạc dùng theo lời kinh chủ yếu là hai điệu Nam Xuân và Nam Ai,
nghĩa là một vui, một buồn. Điều này không ra ngoài qui luật vận hành âm dương
của Đức Chí Tôn. Có vui ắt có buồn, nửa vui; nửa buồn
và chẳng vui; chẳng buồn; tức là lưỡng nghi sinh tứ tượng. Lời
kinh phối hợp với nhạc sẽ cấu thành một ngôn ngữ đặc biệt và sẽ tác động vào
mọi hướng, cũng như âm nhạc tác động vào cây con. Vậy khi cúng tứ thời, chúng
ta đọc kinh không những tác động vào cơ thể của chính mình mà còn vào môi
trường chung quanh, đem lại cảm giác an bình cho mọi vật.
Ngoài
ra, người đọc kinh khi cúng tứ thời còn có thể nhận thông tin nữa. Trong âm
học, chúng ta đều biết hiện tượng cộng hưởng. Tức là nếu khảy đàn ở một nốt (
là âm ở một cao độ nào đó trong bảy âm ở nhạc phương Tây và năm âm ở nhạc dân
tộc Việt Nam ) thì một dây
đàn khác mang nốt cùng cao độ, dù không chạm tới cũng rung lên và phát ra âm
thanh. Vậy khi đọc kinh đạt đến mức có một tâm hồn trong sáng, không một lo
nghĩ, phiền muộn nào tức là đã tự nâng cõi lòng mình lên cùng cao độ với âm
thanh của vũ trụ vốn phát ra thường xuyên. Đó cũng là lúc có được sự cộng
hưởng, tức là nhận được thông tin từ vũ trụ, cũng như người xưa thường nói có
cảm thì có ứng. Nhận được thông tin từ vũ trụ tức là thông công cùng tam thập
lục thiên, tam thiên thế giới vậy.
Xin nhớ rằng, âm nhạc dùng trong thể pháp này
có định hướng tích cực rõ rệt. Đó là ý thức trao đổi và tác động vào môi trường
sống. Người tu học đọc kinh không những để tác động vào chính cơ thể mình mà
còn muốn môi trường xung quanh cũng được tác động, giống như âm nhạc tác động
vào cây con. Cái vui sảng khoái, nhẹ nhàng của Nam Xuân, cái buồn mênh mông của
Nam Ai, sự đậm đà dân tộc cùng với tiết tấu dìu dặt, nhẹ nhàng gợi mở sự trong
sáng trong tâm hồn người học đạo. Để từ đó, người học đạo có được tình yêu, đi
vào cuộc đời không nghi kị, không hận thù vật vã. Tâm thần an ổn, tâm lý như
nhiên là trạng thái sẵn sàng đón nhận những khoảnh khắc sáng suốt bùng phát,
chuẩn bị cho một thay đổi lớn lao mà người xưa vẫn gọi là trí huệ đáo bỉ
ngạn.
Ngoài
ra, khi cúng tứ thời ở thánh thất hoặc tốt hơn nữa là đền thánh sẽ có thêm hai
lợi điểm. Thứ nhất là sự hỗ trợ của các
bạn đạo. Ai cũng biết, con người vốn sợ làm việc một mình. Trong một đám đông,
nhất là với những người cùng chung mục đích, con người cảm thấy có chỗ dựa nên
dễ có hành động dũng cảm. Ngoài ra, nhờ
tác động qua lại của tinh thần nên dễ tập trung hơn. Điều này là tối cần thiết
cho việc đọc kinh. Sự kiện tâm lý ấy có thể thấy qua các cuộc biểu tình. Ngày
nay, người ta gọi là hiệu ứng đám đông. Có nghĩa là trong đám đông, nếu mọi
người cùng làm một việc gì thì dễ lôi cuốn cá nhân làm theo việc ấy. Đó cũng là
nguyên nhân khiến con người nguyên thủy tập hợp thành bầy đàn rồi tiến lên bộ
lạc và xã hội ngày nay. Điểm thứ hai là kiến trúc thánh thất (nhất là nơi nào
có kiến trúc giống đền thánh, hay tốt nhất là đền thánh). Chẳng những không khí
nơi này trang nghiêm, yên tĩnh, dễ tập trung, mà chính kiến trúc ấy cũng có
những đặc thù của nó. Âm thanh khi gặp vật cản sẽ dội lại (tính phản xạ của âm
thanh). Do tính chất này, người ta tính toán khi xây một thính phòng sao cho
hiệu quả âm thanh đạt đến mức tốt nhất, nghĩa là không có tiếng vang để gây ra
nhiễu âm. Phần lớn các thánh đường từ xưa đến nay trên khắp thế giới đều có
hình mái vòm trên trần là nhằm vào mục đích này. Đền thánh cũng có hình mái
vòm, nhưng là chín mái vòm liên tiếp. Vậy thì hiệu quả âm thanh ở Cửu Trùng Đài
cũng có phần khác thường. Cũng một ống sáo, nếu ta bấm các lỗ khác nhau thì ta
sẽ được các âm thanh khác nhau. Do vậy, lời kinh cùng với âm nhạc vang lên
trong thánh thất chắc chắn là có một tác động phi thường, giúp chúng ta tịnh
tâm suy ngẫm thấu đáo cái lý của vũ trụ và nhân sinh.
Cũng
xin nói thêm, chư huynh tỷ đều biết vị
trí của đền thánh cũng là một bí mật. Theo thánh ngôn , vị trí này nằm trên
huyệt lục long phò ấn. Ngày nay, mọi người đều đồng ý rằng do cấu tạo của vỏ
trái đất không đồng đều và trong lòng đất có thể có những quặng kim loại lớn
với những trữ lượng khác nhau làm thay đổi ít nhiều từ trường của trái đất. Do
đó, khi ở những nơi khác nhau trên quả đất, con người sẽ chịu ảnh hưởng của từ
lực khác nhau. Con người chịu ảnh hưởng của lực hút quả đất rất lớn. Các nhà du
hành không gian sau khi sống trong môi trường không trọng lực một thời gian lâu
đều mắc phải bệnh rối loạn các chức năng cơ thể lúc trở về trái đất. Như vậy,
đền thánh nằm ở một vị trí có từ lực đặc biệt tác động vào cơ thể con người và
làm cho việc thông công với cõi thiêng liêng trở nên dễ dàng hơn.
Còn
một điểm nữa, đó là việc đọc kinh cúng tứ thời có tác động rất lớn đối với tư
tưởng người đọc kinh. Việc này có thể quyết định đến cả kết quả tu học của một
người. Ngay khi mở đầu thể pháp này,
trong bài kinh đầu tiên, người tu học đã gặp câu “ Đạo gốc bởi lòng thành tín
hiệp”. Đây chính là vấn đề tư tưởng, không thể do người khác đem lại. Chỉ có
bản thân người đọc kinh mới biết được
mình có thành khẩn hay không và tín ngưỡng tới mức độ nào. Muốn
biết mình có thành, có tín hay không phải tự xét mình. Tự xét mình là một hành
vi vô cùng khó khăn, bởi lúc đó có thể mình phải đứng trước một thực tế không
lấy gì làm đẹp cho lắm. Ví dụ như khi xét mình, nhận thấy là mình gian tham.
Vậy mình đối phó với thực tế này như thế nào ? Hoặc là chối bỏ, nói rằng mình
không gian tham, hoặc hứa với lòng mai mốt không gian tham nữa. Có rất nhiều
cách để chối bỏ. Nhưng cái ta (bản ngã) là một thực tế sinh động tuyệt vời và
nắm bắt được nó thật khó khăn biết bao. Ví dụ mình vừa suy tưởng một vấn đề.
Biết được mình đã suy tưởng đến vấn đề đó, tức là mình đã suy tưởng rồi . Muốn
nắm bắt được cái gốc của sự suy
nghĩ thật vô cùng khó khăn, vì mình luôn
suy nghĩ trước khi biết được mình đã suy nghĩ. Mỗi ngày chúng ta đọc kinh cúng
tứ thời chính là dịp để mình suy nghĩ, soi rọi lại vấn đề này cho đến nơi đến
chốn. Đó cũng chính là một trong những pháp môn giúp chúng ta phá nhất khiếu
chi huyền quan đó vậy.
Bây
giờ, giả sử là có thể xét được lòng mình thành tín hay không, dù đó là những
nhận xét manh mún. Hãy tạm giả sử như vậy để chúng ta xét tiếp đến những tác động của việc đọc kinh cúng tứ thời.
Chúng tôi dùng chữ giả sử như vậy là bởi hành vi tự xét mà thiền học gọi
là xét đến mức “quán” phải được thực hiện hết sức lâu dài, có khi đến cả
đời người vẫn chưa “quán”. Khi đã “thành” hay “tín” thì
hành pháp mới có hiệu suất cao nhất. Xin trở lại vấn đề trên: tức là chúng ta
đã xét được mình. Như vậy khi lòng thành, lời kinh, âm nhạc, nơi đọc kinh, lúc
đọc kinh được phối hợp đầy đủ thì bí pháp sẽ vận hành, nghĩa là sẽ có tác động
vào chính hành giả như là một chất xúc tác để thể xác (Tinh) phối hợp với tinh
thần (Khí) rồi hiệp một cùng thần. Đó là phần thiêng liêng mà Đức Chí Tôn ban
cho loài người như lời đã hứa “ Thầy đến để hườn chơn thần cho các con đắc
đạo”.
Xin
lấy một ví dụ như khi chúng ta tụng kinh sám hối. Nghĩa đen của từ sám hối là
tự thú tội để sửa đổi. Vậy thì vấn đề ở đây là cần phải biết là mình có tội hay
không trước khi tụng kinh sám hối. Bởi vì, khi mình có tội thì đọc kinh sám hối
là đúng, còn nếu như mình không có tội thì đọc kinh sám hối là không thích hợp
. Thế nhưng làm sao biết mình có tội hay không có tội ? Tự xét mình có tội hay
không có tội là một việc làm rất khó khăn. Bởi như chúng ta vẫn thường thấy
ngoài đời, những kẻ có tội tày trời cũng vẫn kêu oan khi bị đem ra xét xử như thường. Cho nên khi tự xét thấy mình có
tội thì thế nào cũng có khuynh hướng đổ lỗi cho một cái gì đó ngay.
Thế
nhưng hãy giả sử là mình tự xét mình và thật lòng mình thấy là mình có phạm một
tội lỗi gì đó. Theo lời Đức Hộ Pháp thì
chính bản thân mình là ông quan tòa công bình nhất nơi cõi thiêng liêng hằng
sống, bởi vì chính mình biết rõ mình hơn ai hết và ở cõi thiêng liêng hằng sống
không có thất tình lục dục tác động, nên chúng ta rất sáng suốt trong việc định
tội cho mình. Giờ đây, hãy giả sử là mình phán đoán mình có tội và có lòng
thành khẩn muốn sửa đổi để xét tiếp tác động khi hành thể pháp thông công thứ
nhất (tức là đọc kinh sám hối) như thế nào. Khi nhận mình có tội, cõi lòng hành
giả rộng mở, vui vẻ đón nhận mọi công kích, mọi chỉ trích của người khác. Lúc
này, mình đối diện với tội lỗi của chính mình chứ không trốn tránh nữa. Tội lỗi
bây giờ xuất hiện với đầy đủ mọi góc cạnh, mọi tính cách quỷ quyệt, ranh ma của
nó. Với ý hướng như vậy, không phải chỉ có ý thức người học đạo sám hối mà toàn
cơ thể này, các tế bào, các cơ quan đều sám hối; nghĩa là sẵn sàng đón nhận mà
không chống đối phản ứng. Bây giờ, lời kinh và nhạc sẽ len lỏi tận mọi ngõ
ngách của các tế bào, xoa dịu, thêm cho chúng nguồn sinh lực mới để chúng tiếp
tục sống hài hòa không rối loạn. Khi đó, chúng cùng nhìn về một hướng, với ý
thức sẵn sàng nhận thông tin từ ngoại giới. Toàn bộ trí não (khí) và thể xác
(tinh) bây giờ tập trung cao độ để đón nhận thông tin từ cõi thiêng liêng hằng
sống.
Nói tóm lại đọc kinh
cúng tứ thời không đơn giản là đọc kinh cho hài hòa với âm nhạc. Đọc kinh với ý
thức thành tín mãnh liệt chính là thông công với vũ trụ; nghĩa là người học đạo
đi vào công thức muôn đời của Đức Chí Tôn: lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng
sinh bát quái, bát quái sinh vạn vật…
Nhà bác học Einstein cho rằng mọi dạng vật
chất đều có thể biến thành năng lượng theo công thức trứ danh : E = MC2 và lý
thuyết này đã được minh chứng tuyệt vời qua các vụ nổ nguyên tử. Nhưng bắn phá
hạt nhân nguyên tử để gây nổ chỉ là một trong nhiều cách để biến vật chất thành
năng lượng. Người ta có thể phát xung điện theo chu kì nào đó để phát sóng điện
từ cũng là một dạng năng lượng. Như vậy, khi cúng tứ thời cơ thể con người giao
tiếp với tam thập lục thiên tam thiên thế giới mỗi ngày bốn lần, mà nói theo
ngôn ngữ ngày nay là nhận và phát thông tin theo một chu kì nhất định; lúc đó
cơ thể cũng sản sinh ra năng lượng. Ngày nay, người ta đang nghiên cứu hiện
tượng này và đặt tên nó là sóng ngoại cảm. Thực hiện thể pháp đến mức phát ra
sóng ngoại cảm là bí pháp đã vận hành bên trong hành giả. Gần đây ở Trung Quốc
đã có người phát ra sóng ngoại cảm cách xa hàng trăm cây số để trị bệnh. Ơ nước
Nga cũng có vài trường hợp có người thực hiện được điều này.
Thực ra mà nói thì trong
thế giới tự nhiên, mọi sinh vật đều phát sóng, không phải chỉ có con người khi
thực hành thể pháp đọc kinh cúng tứ thời
mới phát sóng. Có điều, mọi vật xung quanh phát sóng không định hướng và rối loạn. Khi
đọc kinh , người tu học phát sóng có định hướng, do đó sẽ thu hút các sóng trái
dấu. Ví dụ như phát sóng nhận sẽ thu hút
sóng phát và ngược lại. Như vậy, chúng ta sẽ định hướng cả không gian phát sóng
trong môi trường sống của chúng ta. Kết
quả trước hết là người tu học tác động vào thế giới sống, cũng giống như
khi dùng nhạc để tác động vào cây con vậy. Khi không gian phát sóng được định
hướng và có chu kì thích hợp, tức là bốn lần trong một ngày, hay tập trung vào
những ngày sóc vọng, lúc đó sóng trở nên đồng cấp với sóng của vũ trụ, thường gọi là “điển” từ cõi thiêng liêng hằng
sống. Bấy giờ, người tu học nhập vào trạng thái mà người xưa gọi là huyền đồng
với trời đất, tức là đạt tới trạng thái thông công cùng cõi giới siêu tự nhiên.
Kết luận
Kính thưa quý đọc giả, đến đây chúng tôi xin được đi vào đoạn kết của bài.
Trước hết, đọc kinh cúng
tứ thời tức là thực hành một trong những thể pháp thông công của Cao Đài. Thể
pháp của Cao Đài luôn hàm chứa bí pháp giải thoát. Dĩ nhiên nên hiểu rõ là giải
thoát cho cả vạn linh chứ không chỉ riêng một cá nhân nào. Rõ ràng, người đọc
kinh phải có ý thức tích cực, vượt khỏi
cái ta nhỏ bé mang đầy mầm mống nghi kị thù hằn và độc ác. Chính đó là nhân tố
đã trưởng dưỡng chiến tranh cho toàn địa cầu 68 này. Cũng phải vượt khỏi những
cầu xin lợi ích cá nhân như cầu mong gia đình yên ổn, cầu may trúng số…, Phải
hiểu rằng tụng đọc kinh là tác động tới cả thế giới hoặc xa hơn nữa là vũ trụ
tức cõi thiêng liêng hằng sống. Nếu cho
rằng “ mấy người lẻ loi thì làm sao lời kinh tác động đến ai “ thì đấy
là một quan niệm buông xuôi. Vì như đã thấy, cây con - vốn là một thực vật -
vẫn bị âm nhạc tác động . Người học đạo Cao Đài đều biết Đức Chí Tôn dạy: “
Thầy là các con, các con là thầy”. Có thể suy ra: "ta là vũ trụ, vũ trụ là ta".
Vậy thì chính cá nhân, con người nhỏ bé này chứ không phải ai khác chịu trách
nhiệm sự thành-bại-nên-hư của vũ trụ. Lời kinh của người tu học phát ra mang
một sức mạnh lớn lao, đủ sức vận hành vũ trụ. Có ý thức vững vàng như thế thì
bí pháp mới vận hành.
Thứ đến, hành thể
pháp thông công để đạt được tình trạng thông công với cõi thiêng liêng hằng
sống. Nhưng đạt được như thế để làm gì ? Bửu pháp của Đức Chí Tôn để lại cho
con người là giải thoát, nghĩa là thoát khỏi mọi đau khổ về mặt tinh thần, mọi
ti tiện nhỏ nhen của đời sống và đạt được trí huệ. Thông công với cõi thiêng
liêng hằng sống chưa phải là cứu cánh mà trí huệ mới chính là điều người tu
học mong đạt tới. Chính thông qua trạng thái thông công người học đạo
mới được hườn nguyên chơn thần, tức đạt được trạng thái trí huệ mà thiền học
gọi là trí Bát Nhã. Khi đạt được trí huệ, hành giả có cái nhìn sáng suốt xuyên
thấu cuộc sống làm tan biến mọi vấn đề. Sống chết, khổ đau, hơn thua không còn
nữa. Người học đạo vẫn sinh sống, làm việc như thường ngày, nhưng cuộc sống bây
giờ đổi khác. Cuộc sống bây giờ là Cực Lạc Thế Giới. Tóm lại, hành thể pháp
thông công là tập trung năng lượng thể xác và tinh thần để đón nhận năng lượng
vĩ đại của vũ trụ. Hai năng lượng phối hợp, tức là Trời - Người hiệp một hay
còn gọi là Tinh - Khí - Thần hiệp nhất. Chính sức mạnh ấy sẽ khai mở khiếu
huyền quang hay huệ nhãn hay đạt đến trí huệ.
Sau cùng, nếu suy
nghĩ rằng chỉ cần đọc kinh cúng tứ thời hàng ngày là đủ thì cũng có phần phiến
diện. Mỗi ngày người tu học chỉ tụng kinh bốn lần, thời gian còn lại vẫn phải
sống, giao tiếp với xã hội chung quanh. Thời gian này cũng quan trọng không kém
vì nó tạo điều kiện cho người học đạo nhìn thấy chính mình rõ hơn lúc nào hết.
Có va chạm với người khác trong đời sống mới thấy mình tốt hay xấu, mình có
thực sự trong sạch hay chưa, mình có trách nhiệm với xã hội đến mức độ nào.
Chừng nào người học đạo còn chưa rõ là mình tốt hay xấu, còn bỏ mặc người khác
trong đau khổ, còn tính toán lời lãi thì hành thể pháp thông công chẳng khác
chi hát một bài hát vô nghĩa. Lúc đó, đúng là người học đạo đuổi theo âm thinh
sắc tướng. Cũng có suy nghĩ cho rằng tụng - đọc kinh càng nhiều càng tốt, thậm
chí không còn tha thiết đến việc đời nữa để mau chóng đạt được trí huệ. Thế
nhưng trí huệ không ít nhiều, không mau
chậm . Trí huệ chỉ xuất hiện như những tia chớp trong những giây phút mong
manh, khi thể pháp phát huy đến mức cao nhất. Lúc ấy, đạt được trí huệ, người
học đạo sẽ trả lời được câu hỏi muôn thuở: do đâu mà ta hiện diện ở cõi
đời này ?
* TỪ CHƠN
4/Oct/
2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét