BÍ PHÁP, Các Bài Giảng Đạo . (HT. Nguyễn Long Thành)


THAY LỜI TỰA
Đây là những bài nói về bí pháp, Hiền Tài Nguyễn Long Thành đã giảng cho một số môn đệ thường đến thăm viếng Ông trong những ngày cuối của cuộc đời một bậc chơn tu.
Đạo pháp vốn vô biên, người giảng nay đã trở về thiêng liêng vị, kẻ đi sau xin được góp nhặt các bài giảng thành một tập tư liệu với ước mong làm phong phú thêm kho tàng tâm linh của bậc hành giả đang đi trên đường đạo. Kính bút
CON ĐƯỜNG THIÊNG- LIÊNG HẰNG SỐNG LÀ GÌ ?
TẠI SAO GỌI LÀ HẰNG SỐNG ?
Hôm nay Qua giảng tiếp về chủ đề "Con đường Thiêng-Liêng hằng sống" mà Đức Phạm-Hộ-Pháp trước đây khi còn sanh tiền Ngài đã để thời giờ thuyết giảng liên tục trong nhiều đêm tại Đền-Thánh, về vấn đề nầy Ban tốc ký có ghi lại được những lời giảng giải ấy, còn lưu truyền đến ngày hôm nay sưu tập lại thành một quyển sách với nhan đề : "Con đường thiêng-liêng hằng sống".
Qua không có tham vọng nói về những điều mắt thấy tai nghe trong cõi hư-linh kia mà Qua chỉ muốn nói với mấy em nghiã lý của hai chữ Hằng Sống.


Mấy em biết rằng từ khi Đức-Chí-Tôn tạo lập ra càn khôn vũ-trụ nầy, với thời gian mọi sự việc đều biến thiên hết không có một cái gì đứng yên trong một thể trạng duy nhất. Mấy em nhìn lên bầu trời kia mấy em ngó thấy những vì tinh tú, ánh sáng mặt trời, quả đất nầy đây ngày đêm sáng tối đổi thay vị trí không lường, mấy em nhìn xuống mặt đất ngó thấy vạn vật sanh trưởng già nua rồi chết đi, thế hệ khác tiếp nối, mặt địa cầu thay đổi luôn luôn thì như vậy mọi thứ đều biến dịch. Như thế sự sống là một lẽ biến dịch từ tạo thiên lập địa đến giờ, tại sao trong cửa đạo nầy lại nói đến một sự sống gọi là Hằng Sống.?

Hằng là không thay đổi, không thay đổi ở chỗ nào? Đó,Qua muốn nói chuyện với mấy em về ý nghĩa này thôi.

Con đường Thiêng Liêng Hằng Sống là con đường luân hồi chuyển kiếp của các đẳng cấp chơn linh. triết lý nầy bên nhà Phật đã có giải rõ rồi. Hôm nay trong cửa Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ Đức Chí Tôn đã ban cho chúng ta một đặc ân là "ngộ kiếp một đời tu cũng trở về cùng Thầy đặng."và Đức Chí Tôn cũng có hứa "Thầy đến để huờn nguyên chơn thần cho các con đắc đạo".

Lời hứa ấy quả nhiên không sai sót và Đức Phạm Hộ-Pháp là một chứng nhân trong lịch sử. Ngài đã đoạt đạo, đoạt pháp và chơn thần Ngài đã xuất ngoại xác thân trở về hội hiệp cùng Đức Chí Tôn, học hỏi được biết bao nhiêu điều bí yếu bí trọng và đem ra giảng dạy lại cho nhơn sanh hiểu thấu bằng cách thuật lại và giải thích các ý tưởng đó. Lúc ấy nhơn sanh chưa có đủ trình độ tâm linh tấn hóa để có thể rời khỏi xác thân và đi như Ngài được, cũng có những người khác đoạt pháp được vậy nhưng không phải nhiều người. May duyên cho chúng ta hạnh ngộ Tam Kỳ Phổ Độ lập công bồi đức, tu tâm dưỡng tánh, đoạt phép huyền vi đặng trở về cùng Đức Chí Tôn sống một cuộc đời gọi là Hằng Sống.

Lẽ hằng sống ở chỗ nào mấy em có rõ thấu không?
Bây giờ Qua nói như vầy cho mấy em dễ hiểu. Mấy em thử tưởng tượng mấy em mở một cái túi pháp, cái túi quyền phép Hư Linh ra, mấy em gom hết những ý tưởng, những nhận thức của mình về yếu tố thời gian và không gian, bỏ vào trong cái túi ấy. Mấy em cột túi ấy lại, đừng cho những tư tưởng đó xen lẫn vào trong sự suy nghĩ của mấy em, cột cho chặt lại, treo lủng lẳng ở một bên Chơn Thần của mấy em, rồi mấy em dòm lại sự sống của thân xác nầy. Hình ảnh thân xác của mấy em đây do một khối tế bào cấu kết lại, có một dáng vẻ đẹp, xấu, thanh bai, trẻ hay già đến một mức độ nào đó và mấy em tiếp tục nuôi sống nó ngày mai, ngày mốt, năm sau, mười năm nữa, vài mươi năm nữa, mấy em tưởng tượng xem hình thể lúc đó có còn giữ y được như cái hình thể của mấy em ngày hôm nay không?

Qua chắc chắn là không được.
Trong nội thân của mình các tế bào sanh ra, già và tự hủy, sanh ra tế bào mới, máu huyết cũng vậy tinh thần của mấy em ngày hôm nay suy nghĩ như thế này là đúng, ngày mai kia các em suy nghĩ cũng khác đi, lẽ tấn hoá buộc nó phải như vậy.

Như vậy sự Hằng Sống là sự sống không thay đổi có ở chỗ nào đâu?
Dầu cho mấy em có thoát xác trở về nơi cõi Thiêng Liêng chăng nữa thì chơn linh kia cũng tấn hoá, nó cũng biến đổi với thời gian. Cho nên nếu nói về hình thể vạn vạn vật sinh tồn trong càn-khôn vũ-trụ nầy hay là nói hẹp lại trên mặt địa cầu nầy, sự sống của hình thể vạn loại không có đứng nguyên mà luôn luôn biến dịch. Nhưng khi mấy em tu hành đoạt pháp đặng thì Thần của mấy em trở nên sáng suốt vô cùng, sự sáng suốt đó làm cho mấy em nhớ lại những gì mà mấy em đã thi thố trong kiếp sanh của mình, rõ ràng nó là một cuồn phim của ký ức mình ghi lại tất cả những gì mình đã làm, đã nghĩ. Mình làm mình nghĩ cái gì, nó ghi lại y như vậy rất trung thực. Bây giờ mình giở cuồn phim ra coi lại thì những hình ảnh, những âm thanh ấy hiện ra nguyên vẹn y như trạng thái thực của nó ở thời gian trước,tức là lúc mình đang diễn ra những việc làm hay là những tư tưởng đó.

Vì vậy cho nên sự sống của tánh linh con người gọi là ký ức thì không có thay đổi. nó chụp hình nó ghi lại, có như thế nào nó ghi lại như thế đó, nó tồn tại vĩnh viễn nên gọi là Hằng Sống.

Qua nói thêm một điều nầy nữa cho rõ về lẽ biến dịch hình thể của sự sống.
Ngày hôm nay mấy em đang đứng ở vị trí nầy, rồi một lúc nữa hay là ngày mai mấy em cũng đứng tại đó, mấy em đứng yên vị trí đó cho tới ngày mai trong khoảng không gian hẹp nơi căn nhà nầy, mấy em thấy không có gì thay đổi nhưng mà thực ra trong khoảng không gian lớn, vị trí đứng của mấy em đã thay đổi rất nhiều. Tại sao?

Tại vì quả đất này luôn di chuyển xung quanh mặt trời trên quỹ đạo của nó và cứ 24 giờ trôi qua nó xoay tròn trên mình nó một vòng tạo thành hiện tượng ngày và đêm. Mấy em đứng yên một chỗ trên mặt đất nhưng qủa đất lăn tròn và di chuyển thì mấy em cũng lăn tròn và di chuyển theo. Cũng tỉ như mấy em ngồi yên trên băng ghế chiếc xe đò, xe chạy trên mặt đường 100 km/h tức nhiên mấy em cũng di chuyển trên mặt đường 100km/h.

Đó là yếu tố thời gian, còn nói về yếu tố không gian con người của mấy em ngày hôm nay đây mấy em sống với hình thể này, mặt mũi như thế này, tư duy như thế này mấy em đang nói chuyện với bạn bè của mình. Ngày mai kia mấy em đi du lịch chơi leo lên đỉnh núi nào đó thì cũng con người của mấy em cũng mặt mũi đó cũng tư duy đó nhưng mà khả năng mấy em cũng đã khác. Con người của mấy em hôm nay ở dưới chân núi, tay chỉ chạm mặt đất, con người của mấy em đứng trên đỉnh núi kia tay sờ đụng mây, một con người hai vị trí hai khả năng khác nhau do hai yếu tố không gian tạo ra sự khác biệt ấy.
Qua lấy hai ví dụ đó để kết luận rằng: với thời gian và không gian sự sống của con người luôn luôn thay đổi.
Lẽ Đạo là như thế và chúng ta tìm về với Đức Chí Tôn là tìm về với sự sống nơi cõi hư linh kia và chúng ta sẽ bắt gặp những hình ảnh quá khứ trong ký ức của chơn thần mình.

Vì vậy mà cổ nhân có nói rằng: mọi việc chúng ta đã làm đều có Thiêng Liêng ghi chép không sai sót một mải lông. Cái hình ảnh của mấy em ngày hôm qua ở dưới chân núi, cái hình ảnh của mấy em ngày mai ngày mốt kia ở một vị trí khác thì nó đổi thay nhưng mà ký ức của chơn thần mấy em khi nhớ lại thì nó nhớ nguyên vẹn không có gì sai sót hết. Những điều mấy em đã làm, đã nghĩ, ở đâu, diễn ra như thế nào nó đều được ghi lại như một cuồn phim. Cuồn phim của vật chất với thời gian hình ảnh sẽ mờ đi còn cuồn phim của Thánh Linh trong chơn thần con người gọi là cái linh của Đức Chí Tôn đặt để nơi con người của mình, nó không phai cho nên gọi nó là Hằng Sống.

Càn khôn vũ trụ nầy là một đại bộ phận mà mỗi thân thể con người chúng ta đây, Qua cũng vậy mấy em cũng vậy là một tiểu bộ phận, mình chiêm nghiệm sự sống trong tiểu bộ phận của mình thì hiểu được lẽ huyền vi của đại bộ phận kia.

Trong chơn thần mấy em có ký ức gọi là cái linh của Thượng-Đế đặt để nơi đó thì vũ-trụ kia nguyên hình của nó là một đại bộ phận cũng có cái linh lớn gọi là Chí Linh, thêm tiếng Đấng vào là để tỏ lòng tôn kính.

Linh đó là ký ức của vũ-trụ, nó nhơ ùlại, nó ghi lại, nó tồn trữ tất cả những gì mà vạn linh và vạn loại đã biểu hiện ra trên dòng thời gian và không gian. Cái linh đó ghi lại hình ảnh sự sống từ tạo Thiên lập Địa đến giờ bất biến, còn sự diễn tiến trong vũ-trụ thì biến dịch.

Chỗ bất biến đó gọi là Hằng Sống. Chúng ta tìm về với cái linh ấy chẳng những chúng ta bắt gặp hình ảnh của quá khứ mà còn bắt gặp những hình ảnh của tương lai sẽ diễn ra như thế nào. Sự sống của nhơn loại sẽ xảy ra như thế nào là do nơi quả kiếp của họ trong quá khứ và hiện tại tạo thành những nhân duyên tác động với nhau định hình tương lai gần buộc nó xảy ra đúng y như vậy.

Với yếu tố thời gian và sự sáng tạo khôn ngoan của tánh linh con người thì chính nhân loại tạo ra được tương lai của họ.
Những hình ảnh bắt gặp trong cõi hư linh ở tương lai xa vời là do quả kiếp của con người định hành tàng ở tương lai gần của họ cộng với những sự sáng tạo trong khoảng thời gian sắp tới, họ ý thức được lẽ Đạo và họ sống như thế nào đó thì tương lai kia sẽ vẽ ra những hình ảnh mà người tu đoạt pháp thấy đặng.

Mấy em, mấy anh, mấy chị sẽ đoạt đặng và có quyền đoạt đặng nếu biết nghe lời Đức Chí Tôn dạy bảo và thực hành y như vậy.

Chúng ta tìm về với Đức Chí Tôn là tìm về với lẽ Hằng Sống ấy.
Một ngày mai kia Qua tưỏng tượng rằng giờ phút ấy mấy em hội hiệp lại với nhau thì ôi biết bao nhiêu là điều hạnh phúc cho chúng ta.

Qua tưởng dầu cho giàu sang danh vọng, uy quyền thế mấy ở thế gian nầy cũng không thể so sánh đặng.
Qua cám ơn mấy em đã để tâm suy nghĩ theo dõi những điều Qua giảng giải.

LẼ HẰNG SỐNG TRONG CÕI THĂNG
Qua giảng tiếp về lẽ Hằng Sống trong kiếp sanh của con người, làm thế nào chúng ta có thể đoạt đến chỗ ấy đặng.
Bí pháp để siêu phàm nhập thánh thì các vị giáo chủ của các nền tôn giáo đã giảng giải cho môn đồ của các vị ấy nhiều rồi. Kho tàng kinh điển của các nền tôn giáo đã để lại nơi mặt thế nầy cho nhơn loại nhiều vô số kể, có lẽ mấy em ngồi lại suốt cả một kiếp sanh của mình học những lý đạo cao siêu ấy, học suốt đời cũng chưa hết đặng. Riêng trong cửa Đạo Cao-Đài này Đức Phạm Hộ-Pháp cũng đã thuyết mười lăm thời rồi Ngài lại ngưng đi bởi lẽ tâm lý của chức sắc và nhơn sanh tức là những người ngồi nghe tại Đền Thánh lúc ấy còn mơ hồ về những lý lẽ huyền bí cao siêu trong tinh thần chưa nạp dụng đặng nên Ngài phải ngưng. Qua lấy làm tiếc nếu buổi ấy Ngài giảng thêm một phần nửa đi dầu cho còn một người ngồi nghe và hiểu được Ngài cũng giảng tiếp bởi vì lời giảng ấy không phải chỉ để cho những thính giả đương thời hiểu biết mà để lại cho con cái Đức Chí Tôn lưu dụng một thời gian dài trong lịch sử. Những lời giảng về bí pháp cao siêu ấy Ban tốc kýcó ghi lại và cũng in thành sách.

Hôm nay Qua không nói lại những gì Ngài đã nói mà Qua chỉ kể lại cho mấy em nghe những điều mà Qua đã chứng kiến, mắt thấy, tai nghe rõ ràng trong cuộc đời tu hành của một người bạn đạo mà Qua quyết chắc rằng sau khi rời khỏi thân xác thì chơn thần của Ngài sẽ nhập vào cõi Hằng Sống. Suốt một kiếp sanh, người bạn ấy tu hành tùng theo pháp điều của Tam Kỳ Phổ Độ làm chức sắc bên Cửu Trùng Đài phái Thượng. Qua không muốn nói tên ra đây, cuộc đời của Ngài hết sức thanh bạch, nghèo lắm vì không bợn nhơ một đồng bạc của chúng sanh. Ngài chỉ có được một căn nhà bằng vách đất trống trước, trống sau, tính tình thì cương trực và khẳng khái. Trải qua những lần khảo đảo trong cuộc đời hành đạo tinh thần của Ngài luôn luôn tỏ ra không khuất phục trước tà quyền và sau cùng Ngài đã chết gọi là bất đắc kỳ tử. Cái chết đột ngột trong đêm hôm ấy gây nhiều xúc động trong tâm lý của nhơn sanh, Qua có đến tiễn đưa chơn thần Ngài trở về cùng Đức Chí Tôn.

Trong buổi lễ cầu siêu tại Đền-Thánh Qua đã chứng kiến sự linh hiển trong chơn thần của Ngài khi quan tài còn nằm trên mặt đất. Khi vừa bắt đầu hành lễ cầu siêu thì chơn thần cuả Ngài đã hiện ra rõ ràng, uy dũng, Ngài xuất hiện phía bên trên chiếc quan tài trong bộ Đại phục. Ba cây nhang (không phải chín cây như lúc hành pháp độ thăng ) tự nhiên hiện ra dài khoảng chừng 7-8 tấc tây to chừng bằng ngón chân cái khói lên nghi ngút. Đây không phải là cây nhang thật mà là cái linh ảnh Qua thấy trong chơn thần, cây nhang ấy là quyền phép của Chí Tôn, của Thần, Thánh đã trụ lại và biến hình ra như vậy. Ấy là một khối điển quang, sanh lực để trợ giúp cho Ngài trong lúc vừa mới thoát xác. Chơn thần Ngài ngồi theo kiểu kiết già ở phía trên đầu ba ngọn nhang đó, cách chừng nửa thước và khói hương bao trùm lấy hình ảnh của chơn thần Ngài một lúc sau thì biến mất. Ngài đứng dậy quay mặt về phía quả Càn Khôn tức là cung Đạo của Đền Thánh nơi Bát Quái Đài để kỉnh lễ Đức Chí Tôn theo nghi thức thông thường. Chơn thần Ngài không có đi vào trong Cung Đạo như các chơn linh khác thường làm như vậy mà Qua được biết. Chơn thần Ngài chỉ đứng bên trên quan tài đảnh lễ Đức Chí Tôn xong rồi từ từ thăng dần lên ngay nóc Nghinh phong Đài tiếp tục bay lên không trung. Một vùng không gian rộng lớn chung quanh Đền Thánh lúc ấy trang nghiêm lạ thường đầy sức sống linh diệu, Qua cảm nhận đặng và thấy hình ảnh chơn thần của người bạn đạo ấy thăng dần từ từ chậm rãi. Ngài thăng đặng một đỗi xa xa Qua nghe chừng cũng muốn mỏi mắt thì thấy xuất hiện một vầng mây trắng rộng lớn không biết từ đâu đến, tự nhiên vầng mây ấy hiện ra và Ngài đứng lên trên vầng mây đó, chỗ Ngài đứng hơi lún xuống một chút Qua hiểu vì sao có chỗ lún ấy. Vầng mây ấy là cái pháp của chư Thánh biến hình ra như vậy để đỡ nâng cho sự thăng tiến của Ngài trong lúc vừa mới thoát xác. Đó không phải là mây thật đâu. Khi đứng yên trên vầng mây rồi Ngài day mặt lại nhìn về phía đoàn người đang đứng cầu siêu ở phía dưới Đền Thánh Ngài làm một cử chỉ chào giã biệt và biết ơn. Qua cảm thấy một niềm hân hoan trong tinh thần của mình có lẽ hạnh phúc ấy Qua đã hưởng nhờ do công đức của người bạn Đạo ấy đã thành công đặng trong kiếp sanh, đoạt pháp đặng nay trở về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống được Đức Chí Tôn ban cho ân huệ mà Qua tưởng chừng dầu cho chúng ta có giàu sang danh vọng thế mấy dưới thế gian nầy cũng không thể so sánh đặng với nguồn phúc lạc ấy.

Qua nghi lễ Triều Thiên trong phần đầu tiễn đưa chơn thần của Ngài trở về cựu vị thôi mà Qua đã chứng kiến được những điều linh hiển ấy, Qua có thể nói chắc với mấy em rằng Ngài đã nhập vào cõi Hằng Sống đặng. Qua kể lại câu chuyện nầy như một nhân chứng để nói với mấy em cái bí quyết đoạt đạo của Ngài rất đơn giản là Ngài đã quên mình vì chúng sanh, suốt cuộc đời chỉ tận tụy lo tròn trách nhiệm của một chức sắc Thiên phong đại hùng, đại lực, đại từ bi, trong sạch không bợn nhơ một chút gì của thế tục. Đó là bí quyết mà Ngài đã đoạt Đạo mà Qua chứng kiến và kể cho mấy em nghe hôm nay.

Điều đó chứng chắc rằng nếu chúng ta biết trọn vâng lời dạy bảo của Đức Chí Tôn làm tròn thiên trách của mình thì chắc chắn sẽ trở về cùng Ngài đặng và hưởng được hạnh phúc nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. Nguồn hạnh phúc ấy không thể tả cho cùng đặng, những lời giảng giải chỉ nói lên được một phần nào thôi !

Chúng ta phải nhập vào trong cõi giới tâm linh ấy và sống thật với nó được thì mới hiểu hết trọn vẹn ý nghĩa. Đó là con đường thăng kỳ tới Qua sẽ nói chuyện với mấy em về con đường đọa tức là luân hồi chuyển kiếp để trả quả.

*
*             *

LẼ HẰNG SỐNG TRONG CÕI ĐỌA
Qua nhắc lại trong kỳ trước đã nói với mấy em về một phần đầu của cảnh thăng trong chơn thần một người bạn đạo vừa đoạt pháp đặng trong kiếp sanh của mình.
Bí pháp mà Ngài đã áp dụng là quên mình vì sanh chúng làm phận sự đem lý Đạo cao siêu vào con đường Thiêng Liêng Hằng Sống, đem ánh sáng đó đặt để vào trong tâm não của con cái Đức Chí Tôn. Người đã gieo được nhân lành thì buổi chết gặt hái được kết quả lành là Thăng.

Bây giờ Qua nói về cảnh đọa đã có thăng thì phải có đoạ, có sáng thì có tối, có sống thì có chết, lẽ sống ấy là hai mặt âm dương trong sự vận hành của Trời Đất. Phần nầy kinh điển giáo điều của các tôn giáo diễn giải dưới nhiều hình thức khác nhau nhiều lắm, ở đây Qua cũng không cần phải nhắc lại, mấy em chỉ cần tìm tòi trong các kho tàng kinh điển của tất cả các tôn giáo đều có những yếu lý giải thích rõ ràng Qua chỉ nói về chỗ tại sao phải đọa và đọa như thế nào?

Khi chơn thần một con người thoát xác thì nó có khả năng nhớ lại tất cả những gì nó đã làm khi còn ở trong thân xác hữu hoại kia. Ngươn pháp Đức Chí Tôn tạo lập ra càn khôn vũ-trụ tạo ra vạn vật tạo ra con người nầy, Ngài buôïc nó phải nhớ lại, nhớ lại dưới hình thức gọi là ký ức cho hiện ra trong chơn thần những hình ảnh của nó đã thi thố trong một kiếp sanh, giống như một cuồn phim chiếu bóng quay trở lại cả cuộc đời mình chính nó là người xem mà người xem ấy không phải là một khách bàng quang không có dính líu gì với những hoạt cảnh diễn ra trong phim. Không phải như vậy. Ký ức của chơn thần khi hiện ra những hình ảnh thì nó còn hiện luôn cả âm thanh, luôn cả những cảm xúc nữa.

Lấy một ví dụ như thế này, nếu trong kiếp sanh của chúng ta có một lần nào đó cầm con dao đâm chết một người, chúng ta đã phạm tội giết người. Dầu cái giết ấy có lý do gì gì đi chăng nữa, sau khi thoát xác chơn thần của chúng ta sẽ phải sống lại một khoảng thời gian mà trong đó hình ảnh cầm con dao đâm chết một con người sẽ diễn lại trước mắt và mình nhớ lại hình ảnh đó rõ ràng lắm, nó lặp đi lặp lại nhiều lần và dù cho chúng ta muốn quên đi để được yên ổn trong tâm hồn mình lúc đó cũng không thể quên đặng. Khi mà chúng ta cầm dao giết một con người thì kẻ bị giết đó đau đớn lắm, sự đau khổ của họ đến tột đỉnh, chúng ta thử tưởng tượng mình làm đứt tay chảy máu một vết thương nhỏ thôi trên thân người của mình mà còn đau đớn biết chừng nào, thì bây giờ đây họ phải chịu chết không toàn thây dưới cái lưỡi dao sát nhân của chúng ta. Sự đau đớn đó khi hình ảnh chơn thần mình ghi lại trong ký ức nó ghi luôn cả cảm xúc đó thành thử trong cõi hư linh kia con đường đọa của các đẳng chơn hồn khi hồi tưởng lại xét mình sống với những hành vi tạo ác của mình thì bao nhiêu đau đớn của những kẻ hứng chịu cái ác của mình giờ đây nó gắn liền lại với chơn thần của mình. Sự đau đớn của kẻ bị mình giết đó giờ đây trở thành sự đau đớn của chính mình , mình sống trong sự đau đớn đó mà không có cách gì thoát ra được.

Hỏi vậy hình phạt của Thiêng Liêng định cho chơn thần của một người phải chịu trong cảnh đọa kéo dài bao lâu thì không ai nói được. Cho đến khi nào mà chơn thần của chúng ta thức tỉnh biết tội lỗi của mình thì tự nhiên có được sự khôn ngoan sáng suốt để tự mình có ý thức là sẽ luân hồi chuyển kiếp trở lại để trả cái quả ấy, trả cho xứng đáng với những gì mình tạo khổ cho người và cho vạn vật. Mình sẽ trở lại mang lấy một xác phàm và sẽ sống một cuộc đời gánh chịu nhiều đau khổ, bất hạnh.

Lẽ công bằng của Tạo-Hóa là như thế đó.
Vì lẽ ấy mà Đức Chí Tôn khi lập Đạo Ngài buộc chúng ta phải cố gắng trai giới để tránh nghiệp sát sanh trong chơn thần của mình. Khốn nỗi trong sự sinh hoạt của thi hài nầy chúng ta phải ăn mới sống đặng, tức nhiên phải biết cướp mạng sống của các loài sinh vật khác để làm sự sống của mình, vòng lẩn quẩn luân hồi kia khó thoát ra cho khỏi đặng. Khi mình giết một con vật để lấy thịt ăn thì sự oán hận của nó đối với mình phải có chứ, sự đau đớn khi bị mình giết nó phải có chớ. Tất cả những hình ảnh ấy, hình ảnh, âm thanh, cảm giác, cái cảm giác đau đớn của con vật bị mình giết nó vẫn còn trong ký ức của chơn thần mình.

Mấy em nghe người ta nói rằng trong cõi giới vô hình mình xem lại quá khứ của cuộc đời mình như đi xem phim. Quả nhiên như vậy nhưng mà cái phim nầy nó ghi luôn cả cảm giác, lẫn âm thanh và nó truyền vào trong chơn thần của mình chứ không phải mình là người khách quan ở bên ngoài coi như là xem phim xi-nê tài tử họ đóng những cảnh giả trên phim trường. Coi rồi mình cười, không phải vậy mà mình trở thành là những diễn viên trong tấn tuồng đó, tấn tuồng một con heo khi mình đâm nó chết để lấy thịt ăn, nó giãy giụa, đau đớn bao nhiêu khi nó hiện ra mình có cảm giác y như con heo đó đang bị đau đớn vậy. Cái hình phạt trong cõi đọa nầy là lẽ Hằng Sống bởi vì ký ức ấy một năm sau ngày thoát xác nó cũng hiện ra y như vậy và một trăm năm nữa chơn thần mình nhớ lại nó cũng hiện ra y như vậy.

Sự sống đó không thay đổi chỉ khi nào chúng ta giác ngộ được chơn linh của chúng ta ngự trị nơi chơn thần hiểu được tội kiếp của mình giờ đây phải luân hồi để trả quả chừng đó tấn tuồng hành phạt kia mới chấm dứt và chúng ta trở lại mang một hình xác mới để chịu một kiếp người trong đó sẽ có nhiều bất hạnh để đền bù lại những sự đau khổ mà chúng ta đã nhìn thấy trong chơn thần của mình trong cõi Âm quang đó.

Qua nói thiệt với mấy em, giảng về cảnh thăng Qua thấy nó hân hoan mà giảng về cảnh đọa Qua thấy đau khổ lắm tinh thần của mình chỉ nghĩ tới đó cũng đã đau khổ rồi.

Qua cầu mong ở mấy em sau khi hiểu đặng lý sâu của Đạo với lẽ hằng sống mà cũng là lẽ công bằng của Đức Chí Tôn thì phải cố gắng thực hành đạo lý là làm điều thiện, điều lành làm suốt cả kiếp sanh của mình làm ở mức độ thật là cao diệu chớ không phải ở hình tướng thể pháp bên ngoài. Nó đòi hỏi mấy em phải sống với tâm linh chí Thánh thì đến ngày rời khỏi thân xác nầy mấy em mới nhập vào cõi Hằng Sống đặng.

*
*             *

CHỖ NHỚ NHIỆM MẦU CỦA CON NGƯỜI
Bài học vỡ lòng trong tuổi thơ ấu của mấy em về con người là thân thể người ta gồm có ba phần: đầu, mình và tay chân. Rồi khi lớn lên chút nữa mấy em học được thêm bên trong thân thể đó còn có những cơ quan như hệ tuần toàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết, hệ thần kinh..v..v.
Kế đó em học về trí khôn ngoan của con người học cách cư xử đối với những người xung quanh, phải biết yêu thương và kính trọng cha mẹ, ông bà tổ phụ của mình thương yêu kính trọng thầy cô giáo hay là xa hơn nữa cả những người sống chung trong một nước với mình gọi là đồng bào chủng tộc.

Trí khôn ấy làm cho mấy em có nhận thức ngày càng mở rộng dần đối với thế giới bên ngoài, rồi đến hôm nay em đi vào Đạo, học Đạo, học bí pháp nhiệm mầu của Đức Chí Tôn mấy em tự hỏi trí khôn của con người do đâu mà có?

Mấy em thử quan sát sự sống tự nhiên của một hài nhi vừa lọt lòng mẹ, không ai dạy cho nó nhưng khi đưa núm vú của bà mẹ vào trong miệng thì nó biết núc nuốt lấy những giọt sữa ấy để sống. Sự khôn ngoan đó chưa ai dạy mà tự nhiên nó có gọi là tánh linh của nó. Tánh linh ấy làm cho nó biết phản ứng với môi trường sống ở xung quanh, đau đớn nó biết khóc, đói lạnh nó biết khóc, vui nó biết cười, nó biết ngũ biết thức có chừng mực để giữ gìn sự sống của nó. Rồi khi lớn lên chút nữa nó biết đi đứng nói năng....

Bà mẹ dẫn nó tới trường lần đầu tiên trong cuộc đời của nó. Nó đi theo bước chân của bà mẹ dẫn dắt đi theo con đường nào để tới ngôi trường nó học thì trong chơn thần của nó ký ức ghi lại hình ảnh con đường phải đi từ đâu tới đâu, rẽ phải, rẽ trái như thế nào mới vào được trường học. Nó nhớ lại những hình ảnh ấy và hôm sau tự nó biết lặp lại những gì mà ký ức đã ghi nhận để đi đúng đường đến trường học. Tánh linh của nó khiến nó nhớ và lặp lại được lộ trình đã đi qua, đứa bé làm được những gì người ta đã dạy nó trong quá khứ cái đó gọi là ngoan. Sau khi học ở nhà trường một thời gian quen, đứa bé tò mò đi xa hơn xung quanh ngôi trường để coi có cái gì lạ mắt và nó khám phá ra được chỗ bán bánh kẹo gần đó, hằng ngày nó lui tới để mua thức ăn ấy. Tánh linh của đứa bé khiến nó lặp lại được những gì người ta đã dạy cho nó gọi là ngoan sáng tạo ra thêm nữa gọi là khôn. Sự hiểu biết của nó về quá khứ nối liền với hiện tại và tương lai tạo thành trí khôn ngoan. Trên dòng thời gian trí khôn ngoan ấy phát triển ngày càng rộng hơn, xa hơn, sâu vào trong thế giới khách quan và trong chơn thần của đứa bé có một chỗ nhớ rất mầu nhiệm, chỗ nhớ đó làm cho nó tiến bộ được...Và cả loài người cũng nhờ vào ký ức của chơn thần nên họ rất linh họat, nhạy bén, ghi nhận lại được những gì đã học hỏi trong quá khứ, lặp lại được và sáng tạo thêm khám phá thêm những điều mới mẽ cho sự sống. Trí khôn ấy do đâu mà có và khi thân xác nầy chết đi còn hay mất? Tại sao kẻ nói còn người nói mất? Đó là vấn đề Bí Pháp mà Qua sẽ giảng rõ cho mấy em hôm nay.

Khi nãy Qua đã nói vừa khi lọt lòng mẹ đứa hài nhi đã có tánh linh của nó, tánh linh ấy khiến cho nó biết bú giọt sữa đầu tiên để bảo tồn sự sống, tánh linh làm cho đứa trẻ khôn ngoan. Sự khôn ngoan ấy có được là do chỗ nhớ nhiệm mầu trong chơn thần của nó gọi là ký ức thiêng liêng.

Tánh linh ấy là gốc.
Trí khôn ngoan là ngọn.
Chỗ nhớ nhiệm mầu là cái Pháp là bí pháp của Đức Chí Tôn. Vậy do đâu mà có tánh linh nầy?

Nói cho cùng thì cả thảy vạn vật đều có cái linh hoặc ít hoặc nhiều trong sự sống của nó chớ không phải chỉ riêng con người mới có. Các nhà khoa học đã tìm ra được những cái "gien" gọi là yếu tố di truyền ở trong tế bào của các loài động vật và thực vật. Họ giải thích rằng sở dĩ đứa bé sinh ra có được sự khôn ngoan là do nơi sự khôn ngoan của cha và mẹ nó di truyền lại cho nó qua yếu tố "gien" nầy, và như vậy chúng ta tự hỏi sự khôn ngoan của cha mẹ kia do đâu mà có hẳn nhiên phải do ông bà truyền lại, cái khôn của ông bà do tổ phụ truyền lại và cứ như thế chúng ta dùng trí khôn của mình suy nghĩ phăng lần về nguồn gốc xa xưa sẽ đi đến chỗ con người nguyên thủy. Con người nguyên thủy dầu hình dáng nó thế nào chuyện đó để qua một bên. Chúng ta tự hỏi con người bằng xương bằng thịt đầu tiên xuất hiện trên mặt đất này có tánh linh ấy không?

Phải có chứ! nếu không thì lấy gì mà di truyền lại cho đến ngày hôm nay trong mỗi con người của mấy em của Qua đây, tất cả chúng ta đều có sự khôn ngoan ấy.

Từ chỗ thắc mắc về nguồn gốc của con người nguyên thủy chúng ta đi lần đến nguồn gốc của vũ trụ, dầu cho con người nguyên thủy là một loài khỉ hay là một loài thú khác hay là hạt cát bụi đã tấn hóa thay hình đổi dạng và biến thành người của chúng ta hôm nay. Hình dáng đó thế nào đi chăng nữa bắt buộc trong hình thể ấy phải có cái linh sẵn thì mới di truyền được đến ngày hôm nay.Chúng ta lại hỏi tiếp vậy ai đã sinh ra cái linh ấy trong những hạt bụi đầu tiên tạo thành vũ trụ nầy, cái gì đã làm cho có sự linh hiển trong sự sống của vạn vật? Lý trí con người phải dừng lại ở chỗ này và đồng công nhận rằng tự nhiên trong sự sống có cái linh ấy. Chỗ tự nhiên mà có người Đạo giáo gọi là Trời còn các nhà khoa học kia gọi là vật. Đó chẳng qua là một trường tranh biện về từ ngữ do mình đặt ra để chỉ sự sống đầu tiên tự nhiên đã có như vậy, lý trí không thể tìm hơn được nữa. Cái linh ấy hiện ra trong sự sống của vạn vật nó không hiện ra ở chỗ Hư Vô và vì vậy người ta mới nói rằng vật chất sinh ra tinh thần. Điều ấy có đúng hay không?

Bây giờ bàn về yếu tố thời gian trong ý thức của con người, chúng ta tưởng tượng như vầy: lấy một sợi chỉ từ phía tay trái chúng ta kéo dài ra về phía tay phải, bắt đầu từ phía tay trái và tiếp diễn về phiá phải, ý niệm thời gian diễn ra như thế và ở trước mắt chúng ta lấy một ngón tay ấn vào một điểm, điểm đó làm cái mốc của thời gian. Điểm đó là khi vũ-trụ mới bắt đầu thành hình, phần thời gian tượng trưng bằng khúc chỉ ở bên tay trái là hư vô nghiã là không gian lúc ấy chưa có hình tướng, phần thời gian ở bên tay phải là sau khi vũ-trụ được tạo thành hình tướng gọi là hậu thiên. Như vậy Hư Vô là Tiên Thiên vũ-trụ đã thành hình gọi là Hậu Thiên. Trong sự sống của vạn vật đều có cái linh, cái linh đó tất cả mọi người đều cho rằng tự nhiên nó có như vậy. Vì vậy cho nên nếu tính về phương diện thời gian theo chiều dài của sợi chỉ thì cái linh kia đã có sẵn từ trong sự sống của hư vô. Có sẵn rồi, khi vũ trụ được thành hình chúng ta mới tìm thấy trong hình thể vạn vật có sẵn tánh linh. Nếu như trong hư vô kia không có cái linh thì vạn vật thành hình sẽ không có cái linh ấy. Chúng ta dùng phương diện duy lý tức là sự suy luận của trí óc con người để tìm hiểu về cái sống của Tạo Hóa đã định cho con người phải như thế đó. Như vậy thì chính sự sống trong hư vô kia là nguồn gốc đầu tiên của cái linh trong vạn loại chứ không phải hình thể của vạn loại đẻ ra cái linh ấy, đó là một điều nói ngược. Tính theo thứ tự thời gian thì cha mẹ sinh ra trước, có hình xác cha mẹ rồi, vật chất của thân xác cha mẹ này tác động mới tạo ra hình thể của đứa con. Với yếu tố thời gian cái gì sinh ra sau là con, nói rằng vật chất sản sinh ra tinh thần chẳng khác nào nói rằng người con đẻ ra cha mẹ của nó.

Tới đây mấy em đã rõ được chưa?
Yếu lý mầu nhiệm của chơn pháp Đức Chí Tôn nó nằm ở chỗ này còn những cái "gien" di truyền trong tế bào chẳng qua là cái Pháp để bảo tồn sự sống vạn linh một phương pháp mà Chí Tôn đã dùng để chuyển sự khôn ngoan từ thế hệ này sang thế hệ khác mà thôi.

Tới đây thì mấy em đã rõ nguồn gốc về sự khôn ngoan của con người từ ở chỗ hư vô mà có. Sự sống ở chỗ hư vô ấy kéo dài ra trên dòng thời gian và hiện ra trong hình thể vạn loại, cả thảy vạn loại đều có nó không mất nên gọi là Hằng Sống và Thiêng Liêng bởi vì nó bắt nguồn từ chỗ Hư Vô.

Bây giờ tới câu hỏi sự khôn ngoan của con người sau khi thân xác này chết đi còn hay mất?
Có hiểu được nguồn gốc của vũ-trụ mới hiểu được việc sanh tử của kiếp người. Khi nãy Qua đã nói rằng cái linh trong sự sống của vạn loại có từ hư vô và chỗ của nó hiện ra là hậu thiên. Hậu Thiên là nơi để cái linh của Tạo Hóa thể hiện ra cho con người ngó thấy được, vậy thì đập vỡ hình thể hậu thiên làm mất đi, mất cái chỗ để biểu hiện cái linh ấy, mất chỗ để biểu hiện chứ không phải mất cái gốc của nó, cái gốc của nó có đầy trong càn khôn vũ-trụ này có từ tiên thiên đến hậu thiên. Mất hình thể hậu thiên thì con người không nhận diện được cái linh ấy bằng con mắt phàm tục cho nên mới có kẻ nói rằng chết là hết.

Thực sự không phải vậy. Chết là hủy diệt cái hình thể vật chất này nhưng cái sống linh kia từ chỗ hư vô từ giai đoạn tiên thiên của nó chuyển sang và trải dài trên tất cả đời sống của mọi cơ cấu tổ chức hậu thiên trong vũ-trụ. Cái linh đó không mất bao giờ, cái lẽ Hằng Sống Thiêng Liêng là như thế đó. Tóm lại trong một kiếp sanh tử của con người sau khi thân xác này chết còn lại được cái gì?

Con đường Thiêng Liêng Hằng Sống đã mở ra trước mắt mấy em Qua đã giảng trong những lần trước cái sống của tánh linh vẫn còn nhưng nó chia ra làm hai đường:
1 - Thăng.
2 - Đọa.

Do quả kiếp hành tàng của chúng ta đã gây dựng nên trong khi còn mang xác phàm nầy, sở dĩ có người nói rằng sau khi chết là hết không có linh hồn, không có Thần Thánh không còn gì nữa hết. Bởi vì cái nhìn của họ lấy hình thể hậu thiên vật chất trong vũ-trụ nầy làm chuẩn, lấy chỗ hiện ra của tánh linh làm chuẩn thành ra mất chỗ hiện ra đó thì họ nói là hết. Còn cái nhìn của các nhà đạo giáo thì đi xa hơn thế nữa, ngược dòng thời gian đi về đến chỗ Tiên Thiên và dùng suy luận thấy rằng có một sự sống linh từ chỗ tiên thiên ấy kéo dài ra cho đến hậu thiên. Thành thử ra mất hình tướng hậu thiên không phải là mất cái linh của tiên thiên. Từ chỗ đó chúng ta suy ra thân thể con người đây khi hủy hoại thì tánh linh của họ đã có từ khi có con người đầu tiên đã có từ trong hư vô cho đến giờ này, hình xác kia mất đi chớ cái sống linh đó vẫn còn tồn tại mãi mãi. Mỗi con người là một đơn vị sống nhỏ, cái linh nhỏ trong tinh thần của họ khi nào có đủ điều kiện hòa nhập vào trong cái linh lớn của càn khôn vũ-trụ thì gọi là đoạt Đạo, giải thoát hay là trở về được cùng với Đức Chí Tôn.

Kỳ tới Qua sẽ giảng về Phật, Pháp, Tăng trong sự sống của thế giới vật chất.

*
*            *

LẼ HẰNG SỐNG TRONG THẾ GIỚI VẬT CHẤT
Hôm nay Qua giảng về lẽ Hằng Sống trong thế giới vật chất.
Tất cả mấy em đều biết rằng thân thể của chúng ta đây là một khối tế bào cấu kết lại với nhau, mỗi tế bào là một đơn vị sống nhỏ cũng có hình thể riêng của nó cũng có những quy luật vận hành sự sống ở bên trong, cũng có tánh linh ngự trị nơi đó.

Người xưa nhìn thân thể con người một cách tổng quát và cho rằng nó gồm có bốn yếu tố để tạo thành gọi là tứ đại giả hiệp. Khối vật chất thể đặc gọi là đất, khối vật chất thể lỏng như là máu huyết, nước tiểu, mồ hôi gọi là nước. Vật chất ở thể khí tức là hơi thở của mình gọi là gió. Vật chất ở dạng năng lượng là thân nhiệt của mình gọi là lửa. Bốn yếu tố này cấu kết lại với nhau làm thành thân xác và sự sống của con người. Gọi là giả bởi vì nó không tồn tại vĩnh viễn. Thân thể của cha mẹ, ông bà mới thấy đó rồi mất đó, thân thể người con lớn lên mươi năm rồi cũng chết, tất cả đều biến dịch với thời gian. Bên trong các yếu tố gọi một cách tổng quát là đất, nước, gió, lửa còn có nhiều thành phần nhỏ hơn chẳng hạn như là ở trong máu còn có hạt máu đỏ, máu trắng chớ không phải đơn thuần là nước. Nhưng mà nhìn một cách tổng quát khối vật chất ở thể lỏng gọi là yếu tố nước trong thân của con người, gọi là đại giả hiệp bởi vì bốn yếu tố này nhìn một cách tổng quát chứ không nhìn chi tiết hiệp lại với nhau và không bền vững với thời gian nhưng trong khối tứ đại giả hiệp đó còn có một cái sống chơn thật đó là lẽ sống của tâm linh. Cái sống linh này mới bền vững, tồn tại mãi mãi gọi là Hằng Sống mà Qua đã để thời giờ phân tích đến chỗ nhớ nhiệm mầu trong chơn thần của con người trong mấy kỳ giảng trước.

Sở dĩ Qua phải nhắc lại như vậy là để mấy em thấy trong cấu tạo của con người đây sự sống của nó cũng có hai phần:
- Một chơn.
- Một giả.

Hôm nay Qua chỉ nhìn vào một yếu tố nước trong khối vật chất của thân mình đây thôi để tìm tòi lẽ Hằng Sống mà Đấng Chí Linh đã đặt để nơi con người của mình, lẽ Hằng Sống ấy tiếng nói dân gian gọi là Trời và trong đạo Cao Đài chúng ta gọi là Đức Chí Tôn hay Đấng Chí Linh, Đấng Tạo Hóa, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế hay Đại Từ Phụ, Thầy, tất cả những tiếng đó tuy khác nhau và có nhiều như vậy nhưng tựu trung chỉ một thực thể duy nhất là sự sống đầu tiên trong vũ-trụ đã biến hình ra vạn loại và tồn tại mãi mãi cho đến ngày hôm nay mà con người của chúng ta đây là một phần tử trong cái sống ấy. Tất cả mấy em đều biết rằng nếu chúng ta lấy một giọt nước, nước mà mấy em uống hằng ngày đó thôi phân tán cho nó nhỏ ra, nhỏ đến cùng tột trí tưởng tượng của mấy em, mấy em sẽ gặp một đơn vị sống nhỏ của chất nước này gọi là phân tử nước. Với kiến thức khoa học ngày hôm nay thì mọi người đều biết điều ấy, rồi nếu mấy em chia phân tử nước này nhỏ ra hơn nữa thì nó sẽ bị biến thể đi không còn là nước nữa mà sẽ gặp những nguyên tử, một nguyên tử Oxy cấu kết với hai nguyên tử Hydro để tạo thành một phân tử nước. Tỷ lệ hóa hợp hai Hydro với một Oxy để tạo thành nước đó gọi là Pháp và đó là một quy luật trong sự sống của thiên nhiên mà con người đã khám phá ra được, nó có từ bao giờ thì không ai rõ nhưng mà nhờ tìm tòi những phát minh của khoa học mà con người đã khám phá ra được những quy luật đó. Không phải nhà bác học kia là tác giả của quy luật này, ông không đẻ ra quy luật đó mà ông chỉ khám phá ra đời sống trong thiên nhiên, nó đã có như vậy từ bao giờ cho đến bây giờ và nếu như chúng ta thay đổi hóa hợp đó thì không thể tạo ra nước. Như vậy lẽ Hằng Sống nằm trong yếu tố nước của vật chất này do một cái khôn ngoan đã định ra hình tướng của vật chất phải theo nguyên tắc ấy. Sự sáng suốt khôn ngoan tự có trong thiên nhiên biết định ra cái Pháp này thì người ta gọi đó là Phật. Còn tỉ lệ hai Hydro cộng với một Oxy để thành nước gọi là Pháp rồi khi tác hợp với nhau giọt nước được thành hình, nghĩa là phân tử nước thành hình tạo ra khối vật chất nước trong càn khôn vũ-trụ tạo thành cái sự sống của vạn linh cái đó gọi là Tăng.

Ba ngôi Phật, Pháp, Tăng vẫn có trong sự sống của thế giới vật chất.
Bí pháp mà Đức Chí Tôn đặt để trong cửa Đạo này buộc mấy em mỗi khi cầu nguyện lễ bái phải có mật niệm: Nam Mô Phật, Nam Mô Pháp, Nam Mô Tăng.

Điều ấy có nghĩa là gì và nó có tác dụng gì đối với đời sống tâm linh của mấy em?
Tiếng Nam Mô có nghĩa là chắp tay cúi đầu kỉnh lễ nghĩa là một hình thức tỏ thái độ tôn kính và phục tùng tuân theo. Thái độ của một con người biết Đạo hiểu lẽ sống huyền vi của Tạo Hóa. Lẽ Hằng Sống của cái linh trong vạn vật là phải biết tôn kính sự sống trong thiên nhiên này hiện ra dưới hình thể ba ngôi Phật, Pháp, Tăng mà Qua vừa mới giải nghĩa đó.

Vậy nói một cách khác hơn thì nghĩa lý của nó như vầy:
Chí Tôn là Phật.
Phật Mẫu là Pháp.
Càn Khôn thế giới là Tăng.

Thái độ của con người là phải biết kính trọng sự sống ấy bởi vì con người từ chỗ nguồn gốc của sự sống này mà ra. Con người và cả thảy vạn linh phải tùng Pháp mà sinh tồn, biến đổi hay là hủy diệt cũng như giọt nước kia phải tùng theo quy luật hai Hydro kết hợp với một Oxy thì mới tồn tại thể chất nước của nó được, nếu làm khác hơn là hủy diệt. Cổ nhân ta có câu : " thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giảvong."

Có nghĩa là mình biết tuân theo những quy luật sống trong thiên nhiên thì tồn tại bằng như chúng ta đi nghịch lại thì sẽ bị diệt vong. Phá tỉ lệ hai một này thì chúng ta sẽ không có nước.

Tùng Pháp là như vậy nghĩa là trước thiên nhiên chúng ta phải tuân theoThánh ý của Đức Chí Tôn là cái linh trong tạo vật bảo tồn sự sống, tuân theo những quy luật thì sẽ được tồn tại bằng như làm nghịch lại thì đương nhiên tác dụng của nó là hủy diệt sự sống.

Trái bom nguyên tử mà con người đã chế tạo ra được đó nó cũng tùng Pháp nhưng không tùng Phật. các nhà khoa học đã khám phá ra được quy luật của sự sống trong thế giới vật chất nhất là nguyên tử lực, tùng cái Pháp ấy chế ra trái bom để hủy diệt sự sống, con đường đó không phải là lẽ Hằng Sống nó là lẽ tự diệt và con đường mà chúng ta đang tìm tòi học hỏi bí pháp của Đức Chí Tôn trong thế giới vật chất đây là để tìm về lẽ Hằng Sống là cái linh của tạo vật.

Trong nghi lễ hữu hình mà Đức Chí Tôn đã dạy từ khi mới mở Đạo Cao Đài buộc mấy em phải mật niệm:
- Nam mô Phật.
- Nam mô Pháp.
- Nam mô Tăng.
Đó là mật niệm để nhắc nhở thường xuyên chơn thần của mấy em thái độ là phải phục tùng theo sự sống linh của tạo hóa nghĩa là con người phải biết tôn kính Thượng Đế và Thượng Đế ở đâu? Ở trong cái linh của vạn vật, nghĩa là con người phải biết tôn kính sự sống của vạn loại trên mặt địa cầu này mà cụ thể là nguyên tắc mà tiền nhân chúng ta đã nói : "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân." (việc gì mình không muốn kẻ khác làm đối với mình thì mình đừng làm đối với người. ) Mình muốn sống thì đừng đem cái chết buộc người phải mang.

Qua vẫn biết rằng khối ác nghiệp mà con người đã tạo ra từ thử đã giục họ đi đến cảnh chiến trường náo nhiệt khó mong giải kiếp cho đặng. Đức Chí Tôn mở Đạo là để đem liều thuốc cứu tử huờn sanh cho loài người và buộc chúng ta mỗi ngày phải có mật niệm.
- Nam mô Phật.
- Nam mô Pháp.
- Nam mô Tăng.
Nghĩa là chúng ta phải biết tùng Pháp để bảo tồn cái sống của vạn linh mà sự sống của vạn linh gồm có cái linh pháp và hình tướng, bảo tồn sự sống là phải bảo tồn cả ba phương diện này.

Các triết gia khi tìm ra những lý thuyết để giải thích vũ-trụ và con người, người thì chú ý tới cái linh, người thì chú ý tới cái pháp, người thì chú ý đến hình thể. Lý thuyết chẳng đồng với nhau tạo ra nhiều sự va chạm trong dòng tư tưởng của nhân loại theo thời gian và dù cho họ có chối bỏ một hay là hai phương diện sống trong ba ngôi này thì vạn vật vẫn tồn tại trong cái linh, pháp và hình tướng.

Sự sống là máy Trời mà tạo hóa đã đặt ra như vậy từ thử đến giờ còn giải thích là chuyện của lý trí con người tìm hiểu, khả năng của lý trí có giới hạn còn máy Trời vi diệu bao la vô cùng tận. Lẽ Hằng Sống vẫn có đó nhưng cái hiểu của con người thì giới hạn.

Vì vậy Qua khuyên mấy em phải tìm tòi học hỏi luôn luôn. Muốn tùng Pháp để bảo tồn vạn linh phải hiểu Pháp như thế nào, phải có tinh thần cách vật trí tri đối với thế giới vật chất thấy cho đặng cái linh từ trong đất đá cỏ cây rồi tùng theo những luật sống vi diệu mà lý trí con người đã khám phá ra được và nương theo đó để sáng tạo biến cải môi trường để bảo tồn cái sống của vạn loại.

Đức Chí Tôn là chúa của sự thương yêu . Bí Pháp của Ngài là nằm ở chỗ thương yêu ấy
*
*             *

KHẢ NĂNG CHỐI TỘI CỦA CON NGƯỜI
Hôm nay Qua đình giảng bí pháp con đường Thiêng Liêng Hằng Sống lại một kỳ và để thì giờ kể cho mấy em nghe câu chuyện học Đạo về khả năng chối tội của con người.
Qua có quen một người bạn tính tình cũng dị hợm lắm nhưng người có căn lành nên được Đức Chí Tôn đến mở khiếu tâm linh và nhờ đó người bạn nầy đã học hỏi trực tiếp lý Đạo với quyền năng Thiêng Liêng của Đức Chí Tôn và chư Thần Thánh Tiên Phật.

Một ngày kia trong buổi học Đạo bằng huyền linh mặc khải người có đạo đạt lên Đức Chí Tôn những ý kiến để được giảng giải cho rõ ràng về bí pháp.

Người nói với Đức Chí Tôn như vầy:
_ Dạ thưa Thầy.
Khi xưa Thầy giáng cơ dạy Đạo cho mấy anh con Thầy có kêu mấy người học giỏi và quở rầy:
" Nào kẻ học cao thế gọi lanh.
Đổi thử máy Trời coi có được
Thì Ta đổi tội dữ ra lành."
Người nói tiếp rằng:
-Thưa Thầy.
Con không phải là người học giỏi, con dốt lắm, con biết thân phận của con là người dốt nên lời quở trách ấy con hiểu không phải Thầy rầy con nhưng xin Thầy cho phép con biện minh cho mấy anh con. Thầy đã sinh ra con người và ban cho con người một tánh linh, con người dùng tánh linh nầy để sáng tạo ra thêm những điều mới mẽ cần thiết cho sự sanh tồn và phát triển của mình thì việc thay đổi máy Trời con thấy là con người làm được. Chẳng hạn như Thầy sinh ra thân thể con người đây có hai chân đứng trên mặt đất và đi trên mặt đất, hít thở khí Trời mà sống, vậy mà con người đã làm khác đi hôm nay bay lên không trung được . Họ chế ra được máy bay, bay lên trên bầu không khí kia chân đâu có đứng trên mặt đất, chưa hết họ còn chế ra cả tàu lặn, lặn sâu dưới biển sống hàng năm bảy tháng cũng được. Cái hòn núi kia đá cứng như thế mà con người cũng sáng tạo ra được những phương pháp đục khoét ngọn núi làm thành những đường hầm đi qua để đi tắt cho nhanh thì như vậy con nghĩ rằng tánh linh Thầy đã ban cho, con người đã dùng nó để làm thay đổi môi trường sống tức nhiên là thay đổi máy Trời cớ sao Thầy lại nói rằng đổi không được. Thí dụ ngày nay cần có một đám mưa nhân tạo thì người ta vẫn làm được để đóng phim.

Thầy nói rằng đổi máy Trời được thì Thầy sẽ đổi tội dữ ra lành? Con nghĩ rằng điều đó do Thầy đã ban cho chúng con, khả năng để làm biến đổi sự sống này.

Trước những lý lẽ mà người bạn ấy đã chất vấn Đức Chí Tôn để học hỏi.
Ngài cũng từ bi cười và bảo rằng:
" Con người còn có khả năng làm thêm được nhiều điều kỳ diệu hơn thế nữa đó con. không phải bao nhiêu đó thôi, nhân loại còn tiến bộ hơn và phát minh sáng tạo ra thêm những điều mà trí tưởng tượng của con hôm nay chưa nghĩ ra tới nhưng làm gì thì làm tài hay giỏi thế mấy đi chăng nữa, có một chỗ mà Thầy định cho con người không thể đổi được đó là Ký ức Thiêng Liêng của chơn thần gọi là chỗ nhớ mầu nhiệm.

" Cái Pháp của Thầy khi định ra hình thể vạn linh Thầy đã định trong Chơn thần của con người có chỗ nhớ mầu nhiệm đó nghĩa là con đã làm gì thì con sẽ nhớ lại điều đó không thể nhớ một điều khác được.

Bây giờ Thầy hỏi con :
" Giả sử con cầm con dao cắt cổ một con gà lất thịt, rồi con ăn thịt nó xong con ngủ một giấc đi bây giờ con nhớ lại coi khi nãy con đã làm việc gì ?

" Ký ức trong chơn thần gọi là sự hồi tưởng đó sẽ làm cho con sống lại hình ảnh là mình cầm con dao cắt cổ con gà lấy thịt ăn chớ không thể có một hình ảnh là cầm con gà lên rồi con hôn nó, con vuốt ve rồi tự nhiên nó ngã lăn ra chết. Không có chuyện đó bao giờ.

" Con làm gì thì ký ức trong chơn thần con nhớ lại việc đó đúng y như vậy không sai sót một mãi lông đó là chuyện gần. Bây giờ nếu con nhớ lại cả kiếp sanh của mình chẳng hạn con làm thầy thuốc chữa bệnh cho bệnh nhân thì cái mạng sống của bệnh nhân trong giờ phút nguy hiểm do nơi tài năng của vị thầy này có thể cứu sống họ được hay không.

" Nếu con là người có lương tâm tận tụy với chức vụ của mình đem hết tài trí ra để cứu chữa thì con sẽ giúp cho nhiều người thoát chết. khi con hồi tưởng lại trong kiếp sanh của mình, mình đã làm gì thì con nhớ những việc làm phước đức đó con thấy lòng mình đã vui nhẹ nhàng tinh tấn còn nếu như con là một kẻ bất lương, một thầy thuốc bất lương con chỉ sống vì tiền kẻ nào lo lót tiền bạc cho con nhiều thì con tận tình cứu chữa, kẻ nào nghèo không có điều kiện ấy thì con làm việc tắc trách, cơn bịnh đến chỗ ngặt nghèo con lại ngó lơ vì không có tiền thỏa mãn dục vọng tham lam của con thì đương nhiên bệnh nhân ấy chết. Trước mặt luật của đời con có đủ quyền năng để mà chối tội đặng vì bệnh nặng nó chết, nhưng mà trong chơn thần của con khi nhớ lại bệnh nhân tên Mít, tên Xoài ngày giờ đó đã chết vì lý do gì? Rõ ràng vì lý do con không cứu chữa tận tình để cho bệnh nhân chết, con biết điều đó nhưng vì không có tiền đút lót cho con, con để cho nó chết. Khi hồi tưởng lại ký ức chơn thần con sẽ sống lại đầy đủ chứ không che giấu được bởi vì con nhớ lại được việc của con làm. Con có thể nói dối với thế hệ mai sau con cháu rằng : con là một người đạo đức đầy đủ nghĩa nhân ở đời và thời gian trôi qua có thể gạt lường được tâm lý của nhơn sanh trên một bình diện rộng lớn nhưng mà đối với chơn thần của con mỗi khi hồi tưởng lại những gì mình đã làm đã thi thố nơi mặt thế này thì chuyện chết của một bệnh nhân do con không cứu chữa tận tình đó sẽ hiện ra. Nếu con xóa được ký ức này thì con chối tội được nhưng mà trong cái ngươn pháp của Thầy tạo dựng nên hình thể của con người Thầy đã định trong chơn thần cái linh, linh ấy là Thầy đặt trong cái sống nơi tâm hồn của con. Thầy buộc nó nhớ lại tất cả những gì nó đã làm, chỗ này là chỗ con không đổi được.

"Máy Trời vi diệu mà chơn linh của Thầy đã chiết ra đặt trong hình thể của con đây, nó sẽ ghi nhớ tất cả mọi việc con đã làm đã nghĩ thì chỗ này không thể thay đổi được.

" Loài người có thể tự lừa dối mình bằng cách cho rằng khi thân xác này chết đi thì không còn nhớ gì nữa hết, không có gì là tội đâu mà sợ nhưng chỗ ký ức này không có đổi được.

Lấy một việc nhỏ thí dụ.
" Một đứa bé khi mới lớn lên nó chưa có kinh nghiệm đối với thế giới bên ngoài nhiều. Lần đầu tiên nó thò tay vào ngọn lửa của cây đèn dầu và nó bị phỏng, tay rát rất đau đớn thì chơn thần của nó ghi nhận cảm giác rằng chạm vào lửa là bị đau cho nên ký ức của nó nhớ được, nhớ trung thực như vậy. Cho nên từ đó nó có kinh nghiệm sống là tránh không chạm vào lửa, nếu như ký ức này bị lệch đi nghĩa là thực tế một lần nó đã chạm vào lửa có cảm giác đau khi nhớ lại nó lại nhớ chạm vào lửa có cảm giác êm dịu thì nó sẽ tiếp tục lao vào lửa để rồi bị tai nạn mà chết. Cho nên Thầy buộc chỗ nhớ của chơn thần phải trung thực, cảm giác đau đớn đã ghi nhận được thì khi hồi tưởng lại phải diễn ra y như vậy để bảo tồn sự sống của nó. Nếu mà thay đổi ký ức nầy được thì con người không bảo tồn nổi sự sống của mình và cũng không có sự tiến bộ.

" Lẽ công bằng của Thầy đã định nếu làm được điều lành thì khi chơn thần hồi tưởng lại sẽ thấy niềm vui, còn đối nghịch lại khi con người làm một điều ác lúc chơn thần nhớ lại phải cảm thấy sự đau khổ. Không ai xử tội mấy con cả mà chính chơn linh mấy con, chính chơn thần của mấy con xét xử lấy mình. Thăng hay Đọa cũng là do chỗ nhớ mầu nhiệm này.

" Con người đã tự lừa dối mình cho rằng chết là hết nên mới dám làm nhiều điều tà vạy trước mặt Thầy.

" Con phải hiểu rằng nhơn loại đã đau khổ nhiều rồi duy chỉ có hành vi đạo đức mới có thể cứu chữa lại được mà thôi, phải gieo giống lành trong tinh thần của mấy con thì mấy con mới gặt hái được những kết quả lành chớ mấy con không thể nào xóa được ký ức tội lỗi của mình đã gây ra đâu. Các con có quyền năng sáng tạo làm thay đổi mặt đất này tạo cho con người những điều kiện sống phong phú nhưng mà trong Chơn Thần ký ức về điều lành, điều dữ. Tất cả những gì đã làm đã nghĩ các con không thể nào xóa được.

" Hai tiếng máy Trời mà Thầy đã nói là không đổi được do ở chỗ nhớ này. Mấy con phải biết sợ mà cẩn thận mình thì con đường tu mới có thể tinh tấn đặng."

Qua kể lại cho mấy em nghe câu chuyện học Đạo này để mấy em có thêm sự sáng suốt trong đời sống tâm linh của mình và ý thức trách nhiệm :
" Thay Trời tạo thế giữ giềng nhơn luân."

Quyền năng sáng tạo của chơn thần chế biến ra được những máy móc tối tân để phục vụ cho đời sống con người là chánh lý, bởi vì Đức Chí Tôn đã ban cho con người tánh linh thì con người sử dụng tánh linh đó để bảo tồn sự sống. Điều ấy hợp với lẽ Đạo hợp với Thiên cơ nhưng mà lòng tự phụ kiêu căng cho đến nỗi mà Đức Chí Tôn đã quở rầy :

" Đổi thử máy Trời coi có được
Thì Ta đổi tội dữ ra lành."

Trên đây là lời cảnh cáo đối với con cái của Ngài trên toàn mặt địa cầu này chứ không phải riêng mấy người theo Đạo Cao Đài, học Đạo bằng cơ bút hồi đó đâu.

Qua cám ơn mấy em.
*
*             *

QUYỀN NĂNG SÁNG TẠO
TRONG CHƠN THẦN CỦA CON NGƯỜI
Tất cả mấy em đều biết rằng cấu tạo con người chúng ta đây có ba phần :
- Chơn linh hay linh hồn là sự sáng suốt, khôn ngoan, linh diệu không có hình ảnh.
- Chơn thần là đệ nhị xác thân có hình ảnh giống như xác phàm.
- Thi hài, xác thịt là một khối tế bào do vật chất tạo thành.

Chơn linh có nguồn gốc từ Đức Chí Tôn là sự sống đầu tiên trong vũ-trụ từ khi vũ-trụ chưa có hình tướng nên gọi là tiên thiên tức là Trời trước, rồi khi vũ-trụ bắt đầu thành hình sự sống đầu tiên ấy tiếp diễn biến hóa ra thành vạn loại nên gọi là hậu thiên tức là Trời sau.

Ý niệm về Trời trước và Trời sau là do điểm mốc thời gian khi vũ-trụ mới bắt đầu thành hình. Trời trưóc thuộc về hư vô nghĩa là chưa được tạo và hóa ra. Trời sau là đã được tạo và hóa ra rồi, đủ mọi thứ. Như vậy trên suốt dòng thời gian từ tiên thiên cho đến hậu thiên lúc nào cũng có sự sống tự nhiên mà có gọi là Trời.

Chơn Thần có nguồn gốc từ Phật Mẫu tức là phép biến hóa của Đức Chí Tôn lấy lực âm dương tương hiệp, có động có tĩnh mà tạo hóa ra vạn loại. Vậy thì từ chỗ hư vô sự sống đầu tiên là Trời đã có quyền năng sáng tạo làm ra được hình tướng của vũ-trụ biến đổi và sinh tồn. Chơn thần con người có nguồn gốc từ chỗ linh thiêng nầy và cũng có quyền năng sáng tạo.

Điều trọng yếu mà Qua muốn giảng với các em hôm nay ở chỗ là con người có quyền năng sáng tạo mà Tạo Hóa đã ban cho con người của mình đồng thể cùng Trời đất. Vũ trụ bao la kia đã sinh tồn và biến đổi thì con người của chúng ta đây cũng có quyền năng sáng tạo để tồn tại và biến hóa. Hễ cái gốc của sự sống vũ trụ có tính chất gì thì cái ngọn của sự sống vũ trụ cũng có đồng tính chất ấy, duy khác nhau ở chỗ mạnh, yếu, lớn, nhỏ mà thôi.

Vì vậy mà trong cấu tạo chơn thần của con người chúng ta đây có quyền năng sáng tạo nghĩa là biết làm ra cái mới mà trước đó không có trong cuộc sống của mình. Lịch sử tấn hóa của loài người là một chuỗi dài những sự tìm tòi, khám phá bí mật trong thiên nhiên. Vận dụng những nguyên lý ấy để chế tạo ra thêm nhiều phương tiện giúp ích cho đời sống con người. Chẳng cần phải luận giải chi dài dòng về khoa xã hội học nầy. Mấy em thử nhìn lại cảnh sống của những sắc dân bán khai đang sống cuộc đời hoang dã trong rừng sâu, núi thẳm và so sánh với cuộc sống văn minh, tiến bộ của đa số con người ở trên mặt địa cầu nầy thì mấy em sẽ thấy được vai trò về quyền năng sáng tạo của con người nó hệ trọng là dường nào. Không có quyền năng sáng tạo nầy thì không có sự tấn hóa, như thế thì tại sao trong tiếng nói của con người sống đời sống thế tục mỗi khi tìm tòi, phát minh ra được một cái gì mới mẽ lại cho rằng con người đã cướp quyền Tạo hóa. Tiếng cướp đó có nghĩa là gì ? Nó diễn tả một chân lý khách quan hay chỉ là lòng tự phụ phát xuất từ sự vô minh trong tinh thần của con người.

Qua lấy một thí dụ trong đời sống vật chất như thế nầy cho mấy em dễ hiểu.
Mấy em bật công tắc điện lên thì bóng đèn phát sáng, ánh sáng tỏa ra là sức sống của bóng đèn, nguồn gốc của ánh sáng nầy ở đâu có ?

Tất cả mấy em đều hiểu được rằng từ dòng điện 15.000 volt của máy phát điện ở xa xa kia dẫn truyền qua một hệ thống dây, qua bao nhiêu máy biến thế hạ thấp xuống đi vào trong nhà, vào bóng đèn làm thành ánh sáng cho con người sử dụng . Ánh sáng yếu ớt của bóng đèn nầy và dòng điện 15.000 volt kia nó là một mạch điện, một sự sống luân chuyển qua đường dây nối.

Vậy thì chúng ta đâu có thể nói cái bóng đèn kia đã cướp quyền của máy phát điện 15.000volt khi nó phát ra ánh sáng dòng điện từ máy phát và ánh sáng từ bóng đèn tỏa ra là một mạch sống.

Con người và nguồn gốc của sự sống đầu tiên trong vũ trụ là một. Cho nên khi con người khám phá ra bí mật của thiên nhiên hay là sáng tạo thêm những phương tiện mới mẽ thì sự khôn ngoan của con người chỉ thể hiện quyền sáng tạo của Tạo Hóa nơi thân bé nhỏ của mình chớ nào ai cướp của ai.

Vì vậy mà trong giáo lý Cao Đài Đức Chí Tôn đã dạy.
" Các con là Thầy, Thầy là các con "

. Ý niệm nhất nguyên trong triết lý Tam Kỳ Phổ Độ sẽ giúp cho mấy em chấn chỉnh lại tư tưởng của mình, thái độ của mình nhìn cuộc đời khi mấu em được duyên may học hành cao giỏi.

Qua cầu xin mấy em một điều là phải luôn luôn tìm tòi học hỏi sâu vào trong thế giới vật chất, biết sáng tạo luôn luôn nghĩa là phải biết tùng Pháp để bảo tồn vạn linh, thể hiện tánh đức háo sanh của Tạo Hóa. Làm phận sự của con người là thay Trời tạo thế và loại bỏ hẳn ra trong tinh thần của mình tính kiêu căng tự phụ cho rằng con nguời của mình đây khác với nguồn gốc sinh thành vũ trụ và nói rằng con người đã cướp đặng quyền Tạo Hóa khi nguồn gốc linh thiêng kia và sự sống hình hài xác thịt nầy, tâm linh nầy của chúng ta là một. Bí Pháp mà Đức Chí Tôn buộc mấy em phải mật niệm :
- Nam Mô Phật .
- Nam Mô Pháp.
- Nam Mô Tăng.

Để giúp cho tinh thần của mấy em luôn luôn hướng về nguồn gốc linh thiêng của vũ trụ và hòa hợp vào đó làm thành một mạch sống , cơ mầu nhiệm đã giải thoát được cũng ở chỗ nầy. Mấy em cần phải học cho giỏi nhưng đừng xa rời nguồn gốc linh thiêng của mình.

Trên đây là phần luận giải tổng quát về quyền năng sáng tạo trong vũ trụ và trong chơn thần của con người là một .
Bây giờ Qua đi vào chi tiết những sinh hoạt của tinh thần con người vận dụng quyền năng sáng tạo ấy như thế nào trong khi còn sống và sau khi đã thoát xác.

Qua lấy một thí dụ như hiện giờ mấy em không có nhà để ở, từ chỗ không có nhà làm ra có nhà là sáng tạo. Trong tinh thần của mấy em trước tiên phải biết nghĩ, nghĩa là tưởng tượng ra mấy em sẽ xây một ngôi nhà theo kiểu như thế nào, sinh hoạt này thuộc về tư tưởng do cái thần của mình là sự sáng suốt tâm linh chỉ huy, rồi ý muốn mạnh mẽ đó sẽ thúc giục cho cơ thể hữu hình của mấy em sắp xếp công việc, nguyên liệu như thế nào đó để xây thành một ngôi nhà thật sự, là một khối vật chất tượng hình, một phương tiện sống mới mà trước đó mấy em không có.

Từ chỗ ngôi nhà tưởng tượng ở trong trí mấy em đến ngôi nhà thật sự bằng xi măng hay cây ván chi đó có thể sẽ có những sai biệt trên dòng thời gian. Ngôi nhà trong trí của mấy em mới phác họa đầu tiên đó là hình tư tưởng là nguyên nhân, còn khối vật chất thành hình ngôi nhà thật sự là kết quả.

Như vậy trong tiến trình sinh hoạt bên trong nội thân của con người là thần, năng lực của thần tác động trên khí tạo ra hình thể là tinh hay nói một cách khác, tư tưởng chỉ huy hành động tạo ra sản phẩm vật chất.

Lẽ sống của con người từ xưa đến nay vẫn vậy, duy có khác hơn một điều là đời sống khi xưa còn hoang dã, thô sơ mà ngày nay thì sắc sảo tinh vi hơn những hình tư tưởng ấy là phần sinh hoạt của thần con người, nó liên hệ mật thiết với sức sống mà người đạo giáo gọi là Chí Linh ở trong càn khôn vũ-trụ này chớ không phải nó là một đơn vị sống độc lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Nguồn gốc chí linh trong vũ-trụ là một sức sống tiên thiên một loại năng lượng tiên thiên luôn luôn tác động để hổ trợ cho phần thần của con người hoạt động tạo hình tư tưởng mà Qua vừa mới lấy một thí dụ để trình bày cho mấy em thấy trong việc cất ngôi nhà đó.

Sự liên hệ mật thiết ấy mạnh hay yếu là do con người của mình biết vận dụng quyền năng sáng tạo trong chơn thần của mình theo chiều hướng nào. Nếu mình biết nhìn về chỗ tâm linh vi diệu, tìm tòi, suy nghĩ, học hỏi thì sẽ có nhiều sáng tạo mới mẽ tức là sự khôn ngoan của mình hiểu biết sâu hơn vào trong thế giới tâm linh. Còn nếu mình nhìn vào chỗ vật chất tìm tòi cái Pháp của Tạo Hóa trong thế giới vật chất thì mình sẽ thành công trong lãnh vực tạo ra được thêm nhiều phương tiện sống hữu hình cho nhơn quần xã hội, khám phá ra thêm những nguyên lý của sự sống ở trong thế giới vật chất .

Các vị Giáo Chủ xưa nay dù ít hay nhiều đều đóng vai trò một nguồn năng lượng tiên thiên để tác động trên phần thần của khối tín đồ của họ, tạo ra hình tư tưởng là mẫu người tín đồ chơn chính mà họ mong muốn, sẽ có quan niệm sống như thế nào sẽ hành động như thế nào. Từ cái lý thuyết đạo giáo mà các vị giáo chủ đã truyền dạy cho tín đồ của họ đến đời sống thực tế, sinh hoạt của tín đồ đang diễn ra trước mắt luôn luôn có sai biệt cũng như hình ảnh ngôi nhà hai tầng mà mấy em phác họa ra ở trong trí óc của mình rồi đến khi mấy em xây xong vì thiếu tiền, thiếu phương tiện chỉ cất được một tầng vậy thôi.

Các vị giáo chủ vẫn là những con người bằng xương bằng thịt thì nguồn năng lượng tiên thiên mà họ phóng ra để truyền vào tinh thần của khối tín đồ đó thực sự cũng không phải là tự phát của họ hoàn toàn. Họ nhận từ một nguồn gốc cao xa hơn, đó là sức sống đầu tiên của vũ trụ mà con người gọi là Trời.

Trong loại sinh hoạt tạo hình tư tưởng nầy mà mỗi cá nhân con người nào cũng có. Nếu nó yếu thì chúng ta thấy do mình tạo ra tất cả, còn nếu như sự trợ thần của những tác nhân ở bên trên tầng ý thức bình thường của mình mạnh mẽ thì con người cảm thấy dường như mình bị thôi thúc để suy nghĩ miên man về một hình tư tưởng nào đó. Theo thời gian nó mạnh dần và cái đó sẽ biến thành hành động thực sự. Còn nếu như nó mạnh hơn nữa con người cảm thấy dường như mình thụ động và bị một quyền lực thiên liêng nào đó cao diệu buộc mình phải hành động theo Thánh ý ấy.

Qua nói đến lãnh vực nầy cho rõ ràng để mấy em đừng mê tín dị đoan.
Con người của mình có quyền tự chủ, có tính sáng tạo, có trí phân biệt giả chơn. Trong thế giới vô hình có vô số những hình tư tưởng phát xuất từ quả kiếp xấu của con người đã gây ra cũng chực chờ để tác động trên tinh thần của con người, cho nên chúng ta phải biết phân biệt giữa chơn và giả, giữa thiệt và hư.

Trên con đường đi tìm chân lý, khi các nhà khoa học chú tâm ráo riết vào thế giới vật chất thì quyền năng sáng tạo trong chơn thần của họ sẽ đưa họ đến những thành công là làm biến đổi đời sống hữu hình của con người, làm cho cuộc sống xã hội thêm phong phú.

Những thành tựu khoa học, kỹ thuật hiện tại mà con người đã nắm được đó là một kết quả từ những suy tư, tìm tòi nghĩa là vận dụng quyền sáng tạo của những nhà khoa học ấy vào trong thế giới vật chất, rồi vì quá chú tâm vào trong thế giới vật chất mãi mê với những thành tựu ấy mà đôi khi các nhà khoa học đã gần như quên hẳn đi nguồn sống linh thiêng trong vũ trụ đến đỗi họ sẵn sàng lên tiếng nói là đã cướp đặng quyền Tạo Hóa và làm nẩy sinh ra một sự đối kháng giữa hai ý thức tâm và vật. Sự sống trong vũ trụ nầy gồm cả tâm và vật cho nên sự khiếm khuyết ấy hay là những bước đi quá phiến diện đó sẽ được điều chỉnh lại bằng lòng từ bi của chính nguồn sống đầu tiên gọi Trời. Lòng từ bi của Đức Chí Tôn sẽ giúp cho những người có công lao ấy đối với nhân loại được trợ thần để có một ý thức kịp thời về nguồn gốc tâm linh của mình mà kết quả của nó có thể đạt được nhất thời trong kiếp sanh hiện tại của họ hay là phải giải thể và đầu kiếp lại trong một hoàn cảnh có những nhân duyên mới, sẽ phát triển đời sống tâm linh mà trong kiếp trước của họ vì mãi mê chú ý tới phần vật chất đã quên mất sự sống của linh hồn họ. Qua nhiều lần thác, sinh như vậy họ sẽ trở nên tấn hóa và hoàn chỉnh cả hai mặt tâm và vật.

Mấy em phải hiểu rằng ở trên tầng ý thức bình thường của khối nhân loại con người đang hoạt động luôn luôn có một tầng Thánh ý ngự trị và tác động tạo hình tư tưiởng ngày càng hoàn chỉnh về cả hai phương diện tâm và vật. Nó không giải quyết theo kiểu tranh chấp một thắng một bại theo lòng phàm tục của con người đố kỵ với nhau mà tưởng tượng ra là thế giới thần linh cũng biết thương, biết ghét, biết tranh đấu, biết giành giựt như lòng phàm tục của họ. Đây là một điều mê tín dị đoan cao cấp mà mấy em khi học về bí pháp của Đạo phải nhìn thấy rõ và phải sống theo tánh đức từ bi vô lượng của Đấng Chí Linh thì mới đúng nghĩa là một người biết Đạo.

Qua cám ơn mấy em đã nghe những điều Qua nói hôm nay tuy có hơi trừu tượng nhưng cũng không phải là khó hiểu lắm đâu .
*
*             *
TẦNG THÁNH Ý
Kỳ trước Qua đã đề cập đến tầng Thánh ý luôn luôn ngự trị bên trên tầng ý thức bình thường của con người và nó đóng vai trò một nguồn cảm hứng thiêng liêng trong những sinh hoạt về phần Đạo và phần Đời.
Hôm nay Qua chỉ giảng cho mấy em một phân nửa vấn đề của tầng Thánh ý nầy.

Mấy em biết rằng kho tàng kiến thức và sự khôn ngoan của nhân loại đã được bảo tồn bằng hai con đường hữu hình.
1/ - Văn hóa giáo dục nơi đây văn tự đóng một vai trò rất hữu hiệu.
2/ - Phong tục tập quán bất thành văn nhưng cũng truyền thụ đặng một cách hữu hiệu sự khôn ngoan từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Con đường văn hóa giáo dục vẫn có những chỗ sai lầm của nó. Phong tục tập quán gồm cả chánh tín lẫn mê tín nhưng theo thời gian con người tấn hóa, khôn ngoan, biết lừa lọc và đào thải những mặt xấu để chỉ còn lại tinh túy của khối tư tưởng nhân loại.

Ngoài hai con đường này còn con đường thứ ba vô hình đó là quyền năng tư tưởng của các bậc Thánh hiền đã đoạt pháp đặng và sau khi thóat xác thì tư tưởng của họ vẫn tồn tại trong không gian và luôn luôn tác động trên đời sống của con người theo hai chiều hướng tâm và vật.

Các tôn giáo đều có chỉ truyền cho tín đồ của mình những phương pháp để nâng cao tâm thức đến mức độ có thể sống được với tầng Thánh ý nầy. Các phương pháp ấy đều dựa trên nguyên lý là phải trở về với sự an tĩnh trong tâm hồn của mình. Tuy khác nhau về hình thức nhưng đời sống nội tâm của người tín đồ khi đạt đến đỉnh cao thánh thiện thì vẫn là một khối tư tưởng thuần nhất và nó rất đơn giản gồm những điểm chính sau đây.

Sự minh triết tức là sự sáng suốt, khôn ngoan, thánh thiện, lòng từ aí vô biên tức là sự thương yêu bao la đối với cả thảy chúng sanh. Đức Từ Bi vô lượng, hỉ xả, tha thứ cho những oan nghiệt đã buộc ràng tinh thần con người vào chỗ tối tăm. Sự công bình, chánh trực một mãi lông không sai sót để cho chơn thần của con người ý thức đặng, hiểu đặng. Tại sao có cảnh đau khổ trong đời sống của từng cá nhân và cộng đồng.

Qua không nói lại những phương pháp đó vì các tôn giáo đã giảng giải rất nhiều rồi mà Qua chỉ lưu ý mấy em về miền ảo giác tâm linh trong tinh thần của mình trước khi đạt đến cõi chơn thần hòa nhập thực sự được vào tầng Thánh ý này. Khi tinh thần của con người đạt đến tình trạng cảm ứng đặng với những dòng tư tưởng của tầng Thánh ý nầy thì mấy em phải thấy rằng cùng lúc đó những ảo tưởng và ảo giác của chính tinh thần mình thường hay xen lẫn vào trong nguồn cảm hứng thiêng liêng kia và đồng hóa nét phàm tục của bản thân mình với Thánh ý. Nó làm lệch lạc rất nhiều tư tưởng thanh cao của các chơn linh Thánh hiền đang bố hóa cho chúng ta một nguồn ân huệ thiêng liêng, bất luận ngày giờ nào cũng có. Sinh hoạt thiêng liêng này cũng giống như nguồn năng lượng của ánh sáng mặt trời tỏa ra trên mặt đất nuôi sống muôn loài vạn vật, giúp sinh sôi nảy nở dù cho các sinh vật ấy có biết hay là không biết.

Con người dù có phủ nhận vai trò tâm linh của các chơn linh đã đoạt pháp và hiện làm việc trong thế giới vô hình thì nguồn Thánh ý ấy vẫn tiếp tục ban rãi cho loài người.

Bây giờ Qua lấy một thí dụ.
Một nhà khoa học say sưa nghiên cứu tìm tòi những sáng tạo, phát minh ra máy móc chi đó để phục vụ cho đời sống con người. Khi Thần của ông vẽ ra một hình tư tưởng về một cái máy mà ông sắp tạo ra dĩ nhiên ông thấy nó hoàn chỉnh, hợp lý và chắc chắn sẽ có kết quả tốt, ông tiến hành làm cho nó trở thành hiện thực. Khi hình tư tưởng ấy biến ra thành cái máy hữu hình thực sự và đem vào ứng dụng có khi lại thất bại, không như sự tưởng tượng của ông về một kết quả tốt đẹp trong hình tư tưởng ban đầu. Miền ảo giác tâm linh của nhà khoa học đã xen vào sự minh triết trong thần của ông và làm ra một bóng tối khiến ông chế ra cái máy sử dụng không hữu hiệu vì chơn thần của ông chưa đủ sự minh triết để thấy được hết tất cả mọi chi tiết nhỏ trong cái máy ấy thành thử ra ông thất bại đó là sinh hoạt về phần đời.

Thí dụ thứ hai về phần Đạo.
Các tu sĩ trong những cố gắng để Thánh hóa tư tưởng của mình, không phải một sớm một chiều mà có thể loại bỏ được hết những nét phàm tục đã ăn sâu trong tâm hồn từ bấy lâu. Thành thử ra tánh kiêu căng, tự phụ, khoe khoang chẳng hạn hay xen lẫn vào trong những giây phút hứng khởi được tầng Thánh ý nầy bố hóa cho một nguồn năng lượng sống cao hơn trí tuệ của mình. Những nét phàm tục của tư tưởng cũ thường mạo nhận danh nghĩa của Thánh ý và lừa dối chính lý trí của mình và cuối cùng những sinh hoạt tu hành vẫn còn lẩn quẩn trong vòng trần tục cao cấp.

Hôm nay Qua giảng cho mấy em đề tài nầy là để nhắc nhở cho mấy em khi người tu đoạt pháp thành công dầu cho xác phàm nầy có chôn vùi dưới lòng đất thì quyền năng của tư tưởng trong chơn thần mình vẫn tiếp tục làm công việc thúc đẩy cơ tấn hóa của nhân loại và đó là một vai trò cao cả thiêng liêng. Con đường Thiêng Liêng Hằng Sống ấy vẫn mở ra trước mắt mấy em và đoạt thủ đặng hay không là do chính lòng thành khẩn và nghị lực của mình trong suốt kiếp sanh.

Trong cửa Đạo Cao Đài nầy vẫn có những bậc đã đạt đến chí Thánh dầu hình thức của đạo giáo có lúc thạnh lúc suy cũng như lịch sử của đời vẫn phải trãi qua những cơn khủng hoảng về kinh tế, tài chánh, chính trị cực kỳ nguy hiểm nhưng cũng nhờ tầng Thánh ý nầy ngự trị và chế giảm bớt những oan nghiệt, tội tình mà chung cuộc lại thì nhân loại vẫn một ngày một tiến bộ. Đời hay Đạo gì cũng vậy.

Qua cầu mong mấy em để trọn tấc lòng thành vì Đạo vì Đời thực hành cho được Thánh ý của Đức Chí Tôn đã truyền dạy từ thử đến giờ ./.
H-T. Nguyễn Long Thành

Tàng Kinh Viện    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét