Ý Nghĩa Màu Trắng Và Áo Dài Trong Đạo Cao Đài (Quốc Sĩ, Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Bình)


I . ÁO DÀI VIỆT NAM
Mỗi khi bàn đến quốc-phục của người dân Việt thì không thể nào không nói đến chiếc áo dài.
Ngày xưa, nhân-dân ta mỗi khi đi dự hội hè đình đám, hoặc có việc quan, hay mỗi khi tiếp  khách, đi lễ và cúng kiến… đều mặc áo dài. Chỉ có khác là nhân-dân tùy theo nghèo hay giàu,
giai cấp (vua, quan, dân) mà tạo sắm chiếc áo dài đơn-giản hay sang trọng đắt tiền và màu sắc.

Bộ áo dài Việt Nam là một biểu tượng văn hoá của dân tộc Việt Nam mà không lầm lẫn được với bất kỳ trang phục của quốc gia nào trên thế giới, trải qua thời gian với nhiều triều đại, dù có thay đổi cách tân theo quan niệm thẩm mỹ của người Việt theo từng thời kỳ, vẫn giữ nguyên kiểu dáng tổng thể và được người Việt nhìn nhận là quốc phục, ngày nay được UNESCO
công nhận là văn hóa phi vật thể của Việt Nam, đã được chọn làm cơ sở cho đạo phục của một nền tôn giáo nội sinh đất Việt là đạo Cao Đài, một nền đạo phục vụ cơ cứu thế cho toàn nhân lọai, tức là có sứ mạng truyền bá ra khắp năm châu. Như vậy, bộ quốc phục Việt Nam sẽ trở thành đạo phục cho tòan cầu. Điều đó có nghĩa những giá trị của văn hóa Việt Nam sẽ trở thành những giá trị phổ quát cho mọi dân tộc trên thế giới.

Chiếc áo dài thể hiện được phong cách của người Việt Nam, thể hiện văn hóa đặc thù dân tộc
Việt tiềm ẩn trong chiếc áo dài .
II . ĐẠO PHỤC CỦA NGƯỜI TÍN ĐỒ CAO ĐÀI: ÁO DÀI TRẮNG
Đạo Cao Đài có qui định tất cả tín đồ nam hay nữ đều mặc đạo phục áo dài trắng, một nét vô cùng đặc biệt chỉ riêng có Đạo Cao Đài. Nó thể hiện ý nghĩa rất là sâu sắc về phần Đạo.

Đó là bản tánh thâm trầm, giản dị, khiêm tốn, nói riêng của người tín đồ Cao Đài. Khi mặc chiếc áo dài trắng, đó là màu tượng trưng cho bản tánh giản dị, thanh cao về tinh thần, trong sạch về phẩm chất của Cao Đài, đồng thời nói lên cái quốc hồn quốc túy của dân tộc Việt và cái văn hóa tốt đẹp của người tín đồ Cao Đài. Từ đó, đạo Cao Đài được truyền bá ra khắp thế giới, đều biết và chấp nhận văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là dân tộc được Đức Chí Tôn Thượng Đế chọn và họ sẽ giao hòa với tánh thâm trầm tinh túy của người Việt.

Khi đã nhập môn vào đạo, người tín đồ Cao Đài, nam cũng như nữ, dù giàu, dù nghèo... ai cũng bắt buộc có một bộ đạo phục là bộ áo dài trắng, nam phái có thêm chiếc khăn đống đen, để mặc khi đến thánh thất và cả khi cúng lạy tại tư gia. Đây là điểm đặc biệt của đạo Cao Đài, đạo phục không chỉ dành riêng cho giới xuất gia như các tôn giáo khác. Đạo phục của đạo Cao Đài chính là hình ảnh của quê hương Việt Nam với chiếc áo dài truyền thống dân tộc đã được người tín đồ Cao Đài lưu giữ từ hơn 90 năm qua và mãi mãi.

Khi mặc áo dài trắng, người tín đồ nam nữ Đạo Cao Đài luôn tâm niệm phải nên hiểu là mình đang mang trong người không biết bao nhiêu ý nghĩa sâu xa của người Việt, của Đạo mình mà Đức Chí Tôn đã kín đáo gởi vào đó. Chúng ta phải hiểu bổn phận và trách nhiệm của chúng ta khi ta mặc chiếc áo dài trắng nầy để không làm trái giáo lý của Đức Chí Tôn.
Vào những ngày Đại lễ, rừng áo dài trắng của tín đồ Cao Đài đang đi vào ngôi nhà thờ Đức Chí Tôn và Đức Phật mẫu (Thấy Mẹ), in sáng một vùng không gian rộng lớn sáng chói như một bức tranh phù điêu tuyệt mỹ không bút mực nào tả hết ý nghĩa, vừa nhẹ nhàng, lung linh, huyền ảo, trong trắng, thướt tha, dịu dàng và thanh cao vừa đầy vẻ kín đáo, đáng tôn kính.

III . Ý NGHĨA MÀU TRẮNG TRONG ĐẠO CAO-ĐÀI
Có một Cố Đạo Thiên Chúa hỏi một Chức Sắc Cao Đài :
“Tại sao màu trắng là màu tang tóc của người Á Đông mà Đạo Cao Đài lại mặc đồ trắng (áo dài trắng)? vậy Quí Ông mặc đồ trắng là để tang cho ai vậy”?

Vị Chức Sắc trả lời: Người Âu Châu có thân nhân qui liễu có phải mặc tang phục màu đen không? Vậy Ông Cha, Bà Phước hay Con Chiên đi nhà thờ mặc đồ đen, hỏi họ để tang cho ai
vậy? Hơn nữa màu trắng là màu trinh bạch. Bà Thánh Maria được sùng thượng là Nữ Lòng Trinh khiết Thánh thai sanh Đức Chúa Jesus bằng quyền năng vô nhiễm. Ông Saint Joseph chỉ là cha đỡ đầu, giúp nuôi dưỡng Đức Chúa chớ không hề ăn ở với Bà Maria. Sự trinh tiết trong trắng ấy là sự trinh tiết của tâm hồn của Bà được cả thế giới sùng bái, thì Cái Áo Dài Trắng của Đạo Cao Đài mặc hôm nay cũng đồng một ý nghĩa là tâm hồn của mỗi tín đồ phải sạch sẽ trong trắng như tâm vô nhiễm của Bà Thánh Maria vậy.

Chừng đó vị Cố Đạo Thiên Chúa mới gật đầu khen phải.

Như vậy đạo phục Cao Đài (áo dài trắng) thể hiện một sự dung hòa tổng hợp giữa bản sắc dân tộc với văn hóa đạo đức của tôn giáo. Mặt khác, màu trắng, trong ý nghĩa nội tại, tượng trưng cho sự thuần khiết, trong sạch của bản chất thiện lương con người vốn có từ thuở sơ sinh, nhắc nhở người tín đồ Cao Đài phải luôn giữ gìn, rèn luyện một đời sống nội tâm thánh thiện như lời Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt dạy:

“Mặc một bộ bạch y áo dài để nhắc nhở người giáo đồ cũng như hàng tín hửu phải luôn luôn
phải trong trắng, phải mát dịu, phải hiền hòa nội tâm. (…) Màu trắng cũng là màu dễ lấm và nổi bật những vết nhơ. Dầu lớn dầu nhỏ, khi đã dính vào, người ngòai dễ trông thấy và đánh giá người chủ sử dụng bộ đồ. Các tìn đồ nên lưu ý điều đó mà hành đạo.”
Ngoài ra, chiếc áo dài trắng của Cao Đài còn có một ý nghĩa sâu sắc của Đức Chí Tôn đã kín
đáo ban cho nó. Ý nghĩa như thế nào?

Người Cao Đài mặc đạo phục màu trắng như nhắc nhở luôn giữ tâm hồn giản dị, khiêm tốn,
giữ đạo đức cá nhân thanh cao trong sạch. Ngoài ra, mỗi tín đồ cũng luôn nhớ tư tưởng của nền Đạo: “một là tất cả, tất cả là một”, “nhất bổn tán vạn thù, vạn thù qui nhất bổn”.
Bộ Bạch Y (đạo phục màu trắng) như một bông sen trắng mà người Cao Đài cần gìn giữ trong cõi đời nhiều ô trược, như Thầy đã từng khen “ngoài trong sạch tợ bạch liên”. Đó cũng chính là Bộ Thiết Giáp mà Thầy cho chúng ta mặc:
“Thầy nói trước cho các con biết mà giữ mình. Chung quanh các con, dầu xa, dầu gần, Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lộn với các con. Thầy hằng xúi chúng nó thừa dịp mà cắn xé các con; song trước Thầy đã cho các con mặc một Bộ Thiết Giáp (đạo phục áo dài trắng), chúng nó chẳng hề thấy đặng là đạo đức của các con.
 "Vậy ráng gìn-giữ Bộ Thiết-Giáp ấy hoài cho tới ngày các con hội hiệp cùng Thầy”.
(TNHT 29, 01 năm Bính Dần, 1926)

1 . Màu trắng là “Màu của Tình-Thương”
Đức Chí-Tôn dạy mọi người phải thương yêu nhau như ruột-thịt. Sự thương-yêu đó thể-hiện tình huynh-đệ đồng-đạo, ở tình nhơn-loại giữa con người với nhau. Tình yêu thương của Đức Chí Tôn dành cho chúng-sanh trong đó có loài người thật là vô-lượng, vô-biên, Đức Chí-Tôn đã xácnhận điều này như sau:
" Thầy thường nói với các con rằng: Thầy là cha của sự thương yêu. Do bởi thương yêu,
Thầy mới tạo thành càn-khôn thế-giới và sinh-dưỡng các con" (TNHT/Q2/trang 63)

Đức Chí-Tôn dạy rằng: “Giáo-lư của Thầy là Đại-Đồng”. Lấy sự thương yêu làm gốc và nếu
không có sự thương yêu thì Đạo không thành. Cho nên, từ sự thương yêu, lấy giáo-lý Cao-Đài để thể-hiện:
- Lòng bác-ái khoan-dung của Thiên-Chúa,
- Lòng Từ-Bi Hỉ-Xả của Phật, và
- Tánh Ái-Nhơn Hoà-Thuận của Khổng

Hãy đọc Thánh Ngôn của Đức Chí Tôn (Thầy), giáo lý của Thầ_p_p_p_p_py là Đại Đồng. Nếu nhân loại tu hành thì đó sẽ là nền hòa bình hứa hẹn chung cho tất cả các dân tộc. (TNHT, 122). Đức Chí Tôn đã phán truyền là:
"Muôn kiếp có ta nắm chủ quyền"
Hay: "Cùng nhau một (Đại) Đạo tức một Cha (Trời)"(TNHT, 5)

Đó là tuyên ngôn của nền Đại Đạo gồm tất cả các mối Đạo để tiến tới Đại Đồng Nhân loại vì con một nhà, anh em một cha.
Trong ý nghĩa ngọai tại, màu trắng tượng trưng cho sự Đại Đồng. Bởi lẽ, màu trắng là tổng
hợp của tất cả các màu sắc mà con người có thể nhìn thấy được. Giáo Lý Đại Đạo dạy rằng mỗi tôn giáo, mỗi hệ tư tưởng, chủ nghĩa… trong nhân lọai là mỗi màu sắc làm nên sự phong phú cho đời sống tòan cầu. Do vậy, màu trắng của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chính là tượng trưng cho sự dung hòa, tổng hợp mọi màu sắc tư tưởng trong nhân loại. Sự dung hòa, tổng hợp này là tiền đề cần thiết để tạo nên một Thế Giới Đại Đồng (hay một Tôn Giáo Đại Đồng) trong tương lai.

Như vậy, tự thân chiếc áo dài Việt Nam màu trắng cũng là Đạo Phục của tôn giáo Cao Đài. Nó đã nhắc nhở người tín đồ mối liên hệ giữa bản sắc văn hoá dân tộc với tính bổn thiện trong mỗi con người ở thế gian và tương lai Đại Đồng Nhân Lọai, mà dân tộc được chọn phải trang bị để nắm bắt vận hội duy nhất để đưa đất nước mình tiến đến vị thế một cường quốc về đạo đức.
Trở lại phạm vi rộng hơn. Mặc dầu Chức Sắc đi chầu Đức Chí Tôn phải mặc Thiên Phục áo mão cân đai, Hiệp Thiên Đài sắc trắng, Phước Thiện áo trắng với dây sắc lịnh vàng xanh đỏ (tùy theo phẩm trật) và Cửu Trùng Đài sắc vàng, đỏ, xanh tùy theo phái, nhưng khi đến nhà của Mẹ là Đền Thờ Đức Phật Mẫu thì cũng phải mặc Bạch Y (Áo Dài Trắng) tất cả, Ngài không muốn kẻ trí hiếp người ngu, kẻ có quyền lấn át người phận thấp.

Đức Chí-Tôn ban cho chúng ta “điểm linh-quang” là phần tinh-thần, còn Phật-Mẫu ban cho chúng ta “phần khí-chất” là phần sinh-lực. Cũng do yếu nhiệm đó mà Đạo Cao-Đài thờ Đức Chí-Tôn bằng Thiên-Nhãn mà không thờ hình tượng, còn thờ Phật-Mẫu thì thờ bằng hình tượng. Về đẳng-cấp triều-nghi của nhân-loại thì trước Chí-Tôn có phẩm-trật, sắc-phục khác nhau, còn trước Phật-Mẫu thì con người không phân biệt đẳng-cấp, sắc phục như nhau là Bạch Y màu trắng, vì ở đây không còn phân-biệt thượng hạ mà chỉ còn cốt nhục tương thân, đồng sanh đồng tử mà thôi. Điều này Đức Hộ-Pháp đã nói rằng :
"... Vào Đền thờ Phật-Mẫu đều Bạch-Y tất cả, dầu Giáo-Tông hay Hộ-Pháp cũng phải cổi thiênphục
để ở ngoài. Hỏi tại sao như vậy ? Lấy tánh đức thường tình của một và mẹ không có gì lạ, ta thấy trong gia-đình kia dầu rân-rát, một người dầu quyền cao chức trọng, dầu làm quan toà, tham-biện hay tể-tướng đi nữa, mà bước vào nhà, con làm tể-tướng thì bà mẹ không ưa, lại thêm phiền luỵ, làm quan với ai kia, chớ về làm quan với gia-đình à ! Oai quyền với thiên-hạ ở ngoài chớ ở đây không thể làm oai-quyền với mẹ được, dầu bậc nào cũng vậy vẫn là con thôi..." (Trích thuyết Đạo của Đức Hộ-Pháp ngày mồng 01 tháng 10 Đinh Hợi/1947).

Đức Hộ-Pháp còn dẫn-giải thêm nguyên-nhân đó như sau :
"Trong cửa Đạo Cao-Đài có hai đền thờ : một đền thời ta ngó rất trật-tự hàng ngũ, bởi vì nguyên-căn tâm-hồn của chơn-linh chúng ta đều có trong hàng phẩm Cửu-Thiên Khai-hoá cả.
Quý-phái như thế. Còn một đền thờ nữa thờ Phật-Mẫu tức là Mẹ của chúng ta, thì cái quý-phái của chúng ta không còn giá-trị gì nữa... Đến Phật-Mẫu không muốn cả chức-sắc Thiên-phong đi đến đền thờ của Người và Người nhứt-định không chịu điều ấy, vậy phẩm-tước và giai-cấp đối với Phật-Mẫu không có giá-trị, vì Phật-Mẫu không muốn đứa nào áp-bức đứa nào cả, hành-tàng như vậy bị tiêu-diệt. (Trích thuyết-đạo của Đức Hộ-Pháp đêm 15 tháng 8 Mậu Tý/1948).

Nói tóm lại phải đại đồng huynh đệ trong từ thể chất lẫn tâm hồn hầu ngày về với Đại Từ Phụ
trình cái Thánh Tâm mà đoạt ngôi Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Trong câu chuyện của Đức Hộ Pháp nói với ông Đinh Công Trứ, Cai Quản trường Qui Thiện
ngày 12/8 Đinh Hợi (1947) như sau: “Nhan Hồi buổi nọ dùng “lá Cờ Màu Trắng” cố công thật hành lý-thuyết bình đẳng nhân loại, tránh nạn tương tàn tương sát nòi giống, nhưng rốt cuộc chưa làm được thì chết”. Ngài lại nói tiếp:
“Em biết Cây Cờ Trắng trương nó lên để làm gì? Biểu hiện ấy có phải để cứu nhân loài không?
Chỉ một ngày kia, Thượng Sanh ra mặt Đời là cây Cờ Cứu Thế, còn Thượng Phẩm cây Cờ Cứu Khổ. Qua đã thay cho Thượng Phẩm gầy dựng đào tạo. Thầy trò ta đã chung chịu cực khổ, từ khoảng rừng xanh ít người lai vãng.

“Mấy em nếu có chí can đảm đến Thái Bình Dương sẽ gặp Thầy là buổi sau này kìa. Dầu cho
Thượng Sanh chừng đó có can đảm đến đó sẽ gặp. Bằng chẳng vậy, cây Cờ CỨU THẾ của
Thượng Sanh về tay kẻ khác hay là Qua sẽ đến giữa trận giặc toàn cầu thứ ba”.

2 . Màu trắng là màu của sự vô tội
Khi mặc y phục trắng của Đạo, người tín đồ luôn giữ ý, Tâm, hướng định cho trong sạch và
tránh làm những việc xấu xa, ô uế cho bản thân, cho uy tín của Đạo.
- Màu trắng tượng-trưng cho sự trong-trắng, nề-nếp, gia-phong.
- Màu trắng tượng-trưng cho sự ngây-thơ không chút bợn-nhơ của trẻ thơ.
- Màu trắng tượng-trưng cho con người đạo-đức hiền-lương không làm gì tội lỗi.
- Màu trắng nói lên sự thanh-cao trong sạch của con người.

Đức Chí Tôn đã có lần hỏi các con cái của Ngài: “Thầy những mong ở một cõi trong sạch nhất nơi trần gian, Thầy chứng vào cõi đó, Thầy ngự vào đó để cứu rỗi con cái của Thầy trong kỳ mạt kiếp. Các con ôi! Cái cõi tịnh khiết đó ở đâu hởi các con? ”. Ai cũng hiểu đó là nơi cái Tâm.
Thánh-Giáo Đức Chí Tôn đã dạy:
Bạch-Ngọc từ xưa đã ngự rồi,
Chẳng cần hạ giới vọng cao ngôi.
Sang hèn trối kệ Tâm là quí,
Tâm ấy tòa sen của Lão ngồi.
Thầy dặn các con như đàn nội chẳng nghiêm, Thầy không giáng. (Tr.51-Q.1)

Nói chung, màu trắng là màu của sự vô tội. Chiếc áo dài trắng của Đạo Cao-Đài nói lên ýnghĩa vô tội đó. Bởi vì sứ-mạng của người tín-đồ Cao-Đài là phổ-độ chúng sanh, để mọi người lo tu hành, trau-dồi đạo-đức, làm sao để được sống vào đời Thượng-Nguơn Thánh-Đức, tức là nguơn vô tội, cho nên người tín-đồ Cao-Đài trước hết phải là con người vô-tội để được sống vào đời Thượng-Nguơn tới, vì đời Hạ-Nguơn sắp mãn, nhơn-loại sẽ chịu sự sàng-sảy của luật thiênđiều, ai hữu-căn hữu-kiếp sẽ được tồn tại, ai hung-tàn tội-lỗi sẽ bị hủy-diệt.
Người tu Đạo Cao Đài phải luôn hướng đến tinh thần “Thuần Chơn Vô Ngã”, tức là tinh thần
luôn cầu lẽ thật, ngộ chơn lý, quên đi bản ngã riêng tư của mình, đến chỗ không phân biệt ta
người, hòa nhập cùng đại ngã chính là hòa nhập cùng Thượng Đế.

“… Giáo hội Cao Đài lần ba, nêu cao bốn (4) chữ “Thuần Chơn Vô Ngã” để đưa nhơn loại đến cảnh đại đồng, lấy đạo đức làm cơ sở cho đời sống vật chất, lấy khoa học làm đường lối duy nhất, khoa học được Tân giáo lý nêu cao để lấy khôn ngoan mà tài thành cơ chỉ”.

Đức Chí-Tôn và Phật-Mẫu thương-yêu tất cả con cái của Người một cách bình-đẳng, các Ngài
chẳng cần quan-tâm đến họ tôn-thờ bằng cách này hay cách khác, bằng các nghi-lễ phức-tạp hay giản-đơn, nhưng các Ngài chỉ quan-tâm đến tấm lòng thành-tín và hiếu-kỉnh của họ mà thôi, vì Chí-Tôn đã cho biết điều này như sau:
"Trong lòng Thầy ngự động Thầy hay.
Ngặt nỗi từ xưa chẳng thế bày.
Đạo-hạnh khuyên con gìn tánh-đức,
Cửa cung Bạch-ngọc đã gần khai. "
(Thi-văn dạy Đạo)
3 . Màu trắng là màu của nước
Nước ở đâu cũng có, thời-buổi nào cũng có. Nước vô-tận vô-biên. Nước chảy từ sông ra biển từ biển trở vào sông, nước ròng nước lớn, đều do một quy-luật thiên-nhiên của vũ-trụ. Người tín-đồ Cao-Đài đi tầm đạo giống như dòng nước chảy theo quy-luật tự nhiên, cũng như người tín-đồ Cao-Đài tuân theo luật đại-hóa lưu-hành của Trời-Đất. Bởi vậy trong Kinh Ngọc-Hoàng Thượng-Đế có đoạn:
"Bất-ngôn nhi mặc, tuyên đại-hóa,
Thị không thị sắc, Vô-Vi nhi dịch sử quần-linh"

Người tín-đồ Cao-Đài trầm-lặng không nói, để mặc cho cuộc đại-biến-hóa của vũ-trụ và “không làm” (vô-vi) để tùy theo các quần-linh chuyển dịch.

Tư tưởng vô vi của Lão Tử: theo Đức Lão-Tử và phái Đạo-Gia, Vô-Vi có nghĩa là “không làm”, nhưng không có gì là không làm (Vô-Vi nhi Vô-Bất-Vi) hay là “không làm gì trái với luật tự-nhiên”. Đức Lão-Tử bảo “Vi-Vô-Vi” tức là “Hãy làm cái Vô-Vi”. Như vậy, Lão-Tử nào có chủ trương sự không làm gì cả, mà bảo nên làm theo phép “Vô-Vi”.

Khái niệm vô vi trong Đạo Đức Kinh thường được hiểu lầm là không nên làm gì cả, nhưng thật ra Đức Lão Tử khuyên rằng làm mà như không làm, và không làm những điều không nên làm.
Ông cũng viết rằng nước tuy mềm mại uyển chuyển nhưng có thể chảy đến bất cứ nơi nào, và
với một khối lượng lớn thì có thể làm lở cả đất đá. Như vậy vô vi có thể ví von với cách hành xử của nước. Quan niệm vô vi của ông được đề cập với nhiều lĩnh vực mà ta sẽ bắt gặp trong Đạo Đức kinh.

Dòng nước âm-thầm chảy ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng nọ, năm này qua năm nọ theo sức hút của mặt trăng và do sự chuyển động không ngừng của trái đất chạy quanh nó và quanh mặt trời, mà nào có ai để ý đến đây!

Các nhà hiền triết thánh nhơn có bảo rằng: “Đạo-Pháp phải trường-lưu như dòng thủy-triều
không ngừng nghỉ”. “Nước nào đâu có tướng, Đạo nào đâu có tướng. Người tín-đồ Cao-Đài âmthầm hành đạo, không nói, chỉ làm theo phép Vô-Vi là đạt được Đạo”
Theo Đức Lão Tử thái độ sống “vô vi” của con người đó là con đường duy nhất trừ đi “tạo tác
của con người” để trở về với tự nhiên. Con đường này chính là con đường “đạo pháp tự nhiên” cũng chính là vô vi.
Bởi vậy Đức Lý-Giáo-Tông dạy: “Thái-Thượng vô ngôn hữu đạo thành” (TNHT, 34)

Đức Chí-Tôn thì dạy: ”Đạo vốn Vô-Vi” (TNHT, 175) và “Thời-kỳ Mạt-Pháp nầy mới có Tam-Kỳ Phổ-Độ, các sự hữu-hình phải hủy phá tiêu diệt. Thầy đến chuyển Đạo, lập Vô-Vi” (TNHT).

Như vậy, chiếc áo dài màu trắng của tín-đồ Cao-Đài thể hiện cái “Đạo Vô-Vi”.

4 . Màu trắng là Không màu mà cũng gồm Bảy (7) màu góp lại.
Màu trắng là màu tổng-hợp của bảy (7) màu trong sắc cầu vồng, đó là màu Đại-đồng, mục-đích của Cao-Đài là phải thực hiện ra cho đến Đại-Đồng Thế-Giới. Cao Đài là một Tôn Giáo Đại Đồng như ghi bên trên. Ánh sáng màu trắng nhưng thật ra gồm có 7 màu chính-yếu mà cũng có thể nói là nó không có màu nào hết.
Bằng một cuộc thí nghiệm quang-học, người ta phân-tách màu trắng của ánh-sáng ra 7 màu bằng cách chiếu qua một lăng kính. Bảy màu này chiếu qua một lăng kính thứ hai thì trở lại màu trắng. Bằng một thí-nghiệm khác, người ta vẽ 7 màu nầy lên một cái dĩa carton tròn rồi đem quay nhanh cái dĩa, thì người ta sẽ chỉ thấy toàn là màu trắng. Như vậy, màu trắng của Đạo Cao-Đài nói lên:
- Cái triết Lý của Cao Đài “Nhứt Bản Tán Vạn Thù” và “Vạn Thù Quy Nhứt Bản”, theo thí
nghiệm về phân tích ánh-sáng trên.
- Có đó rồi không có. Màu trắng biến thành 7 màu, rồi trở lại màu trắng, tức là “Sắc sắc không không, Hư Hư Thiệt Thiệt”. Bởi vậy trong kinh Ngọc-Hoàng có câu: ”Nhược thiệt, nhược hư… Thị không, Thị Sắc”. Vì thế, màu trắng là không màu, vậy Đạo tức là “Vô”
- Vạn Giáo Nhất Lý: tất cả các tôn giáo đều cùng một chân lý. Đạo Cao Đài chủ trương tất cả tôn giáo đều từ một gốc mà ra và tuy có khác nhau về hình tướng nhưng cái chân lý rốt cùng đều giống nhau, chung một mục đích cứu rỗi nhân loại, hướng con người đi đến cảnh sống tốt đẹp tại thế gian cũng như xuất thế gian:
“Đạo Cao Đài là mối đạo chung.
Không nhơn ngã, không đông tây, trung dung hòa vạn giáo”.
(Diêu Trì Cửu Nương, Bính Thân, 1956)

Theo Lão tử : tổng hợp những mâu thuẫn để biến thành một thể mới phong phú hơn. Đó là mục đích của Cao Đài giáo.

Lời dạy của Đức Chí Tôn: Người sống trên thế gian này dầu thuộc giống dân nào cũng chỉ có
một cha chung mà thôi. Ấy là Trời, đang chế ngự số mạng của các con. Tại sao các con lại chia rẽ nhau vì sự bất đồng Đạo lý mà chính các con đều phải chung chịu đau khổ rửa tội của các con ở cõi thế gian này. (Tr.123-Q.1)

Đức Phật Mẫu Chơn Kinh dạy: Dù người ở Đông bán cầu hay Tây bán cầu, ở Bắc bán cầu hay Nam bán cầu, các chủng tộc ấy đều có nguồn gốc chung từ Đức Chí Tôn mà ra, nên phải hiệp lại mà tạo lập nên một thế giới đại đồng, giúp đỡ lẫn nhau như con một nhà:
Độ anh nhi Nam Bắc Đông Tây.
"Kỳ khai tạo nhứt linh đài
Diệt hình tà pháp cường khai đại đồng.
Hiệp vạn chủng nhứt môn đồng mạch"

5 . Màu Trắng là góp các màu của Tôn Chỉ Đạo Cao Đài
Tôn chỉ của Đạo Cao Đài có thể nói gọn là “Tam Giáo Quy Nguyên, Ngũ Chi Hiệp Nhất”.
Đạo Cao Đài giương cao tinh thần của Tam Giáo: Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo và Ngũ Chi:
Phật đạo, Tiên đạo, Thánh đạo, Thần đạo, Nhơn đạo tất cả nhằm cốt yếu cứu độ tất cả chúng sanh ở mọi cấp độ. Trong Đạo Cao Đài có những màu sắc để tượng trưng cho Cờ Đạo, Tam Giáo và Ngũ Chi :
a . Ba màu của lá cờ Đạo Cao Đài tượng trưng cho Qui Nguyên Tam Giáo:
Cờ đạo hình chữ nhật có 3 màu căn bản: vàng, xanh, đỏ theo thứ tự từ trên xuống. Màu vàng tượng trưng cho Phật giáo, màu xanh tượng trưng Tiên giáo hay Lão giáo, màu đỏ tượng trưng Thánh giáo (Nho giáo).
Màu cờ (3 màu) cũng nói lên tinh thần Tam Giáo Quy Nguyên của Đạo Cao Đài.

b . Năm màu tượng trưng cho Hiệp Nhất Ngũ Chi :
Ngũ Chi trong Đạo Cao Đài gồm có: Phật Đạo, Tiên Đạo, Thánh Đạo, Thần đạo và Nhơn Đạo
- Đức Phật Thích Ca tượng trưng Phật đạo (màu Vàng),
- Đức Lý Thái Bạch tượng trưng Tiên đạo (màu Xanh),
- Đức Chúa Jésus tượng trưng Thánh đạo (màu Đen),
- Đức Khương Thượng Tử Nha tượng trưng Thần đạo (màu Trắng).
- 7 cái ngai của 7 Chức sắc cao cấp nhất của Cửu Trùng Đài tượng trưng Nhơn đạo (Đạo Cao
Đài với 4 màu Trắng, Vàng, Xanh và Đỏ).

Màu Vàng là màu của Phật Đạo (minh triết), tượng trưng cho sự Giải Khổ, đi từng bước tu tỉm hỏi tại sao khổ, làm sao giải thoát.

Màu Xanh tượng trưng cho Tiên Đạo và Thoát Khổ, tránh đời tìm nơi tu luyện.
Màu Đỏ là màu của Thánh Đạo hay Khổng giáo của hiền tượng trưng cho Tùng Khổ (theo mãi việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, chịu đựng và hy sinh)

Màu Đen là màu của Thánh Đạo , tượng trưng cho sự Thọ Khổ. Trong Đạo Thiên Chúa các vị linh mục mặc áo màu đen, cổ có vòng trắng tượng trưng cho sự Thọ Khổ. (hy sinh cho nhân loại được tha tội, Đức Chúa Giê-su) tượng trưng cho Tùng Khổ (theo chịu đựng, hy sinh dạy nhân loại bài học Bác Ái lần chót cho đến khi bỏ xác trên cây Thánh giá .

Màu Trắng là màu của Thần Đạo tượng trưng cho sự Thắng Khổ , muốn thắng khổ phải nhớ ơn tổ tiên , giữ vững giang san đất nước, chống ngoại xâm, chiến thắng để đem lại độc lập cho dân tộc.

Bốn (4) màu Trắng, Vàng, Xanh, Đỏ là màu của Nhơn Đạo (Đại Đạo Cao Đài), Tuyệt Khổ
Đại Đồng lo Phổ Độ, cuối cùng.

Tôn chỉ của Đạo Cao Đài Qui Nguyên Tam Giáo và Hiệp Nhứt Ngũ Chi, ban Đại Ân Xá Kỳ Ba , đưa nhơn loại vào cơ Đại Đồng tuyệt khổ, nên năm (5) màu vàng, xanh, đỏ, trắng, đen là màu của Tam Giáo và Ngũ Chi kết hợp thành màu Trắng là màu của cơ TUYỆT KHỔ (dứt khoát lần cuối cùng hay chỉ một đời nầy mà giải thoát luân hồi sanh tử không còn phải GIẢI, THOÁT hay chạy trốn tạm ở Ta Bà, hay TÙNG ( theo mãi), THẮNG ( phải chiến đấu, đánh nhau ) hay THỌ (lãnh cái khổ để tự cứu và cứu người hay chịu khổ hình như Đức Chúa Giê- su để chuộc tội cho nhân loại).

6 . Màu trắng là Đạo, Đạo vốn là Vô
Theo Vũ-Trụ-Quan của Đạo Cao-Đài thì:
"... Khí Hư-vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái-cực, Thầy phân Thái-cực ra
Lưỡng-nghi, Lưỡng nghi phân ra Tứ-tượng, Tứ-tượng biến Bát quái, Bát-quái biến hoá vô cùng mới lập ra càn khôn thế giới. (TNHT, 62).

Thầy lại phân Tánh Thầy sanh ra vạn-vật: vật-chất, thảo-mộc, côn-trùng, thú-cầm; gọi là chúng sanh (TNHT, 170), và "Nếu không có Thầy thì không có chi trong Càn-Khôn Thế-Giới nầy, mà nếu không có Hư-Vô
Chi-Khí thì không có Thầy” (TNHT, 28)

Con người là một phần Chơn-Linh của Thượng-Đế, vậy con người cũng từ Hư-Vô Chi-Khí mà ra, cho nên khi con người Đắc-Đạo trở về hội-hiệp cùng Thầy tức là trở lại “Vô-Vi Chi-Khí” chính là Niết-Bàn đó vậy (TNHT, 44)

Trong kinh Xưng-Tụng Công Đức của Phật-Mẫu nói rằng :
" Lưỡng nghi phân khí Hư-vô
Diêu-trì Kim-Mẫu nung lò hoá sanh,
Âm Dương biến tạo chơn-thần,
Lo cho nhơn vật về phần hữu vi."

Thánh giáo của Đức Phật- Mẫu cũng dạy rằng:
"Từ Hổn-độn Chí-Tôn hạ chỉ,
Cho Thiếp quyền quản Khí Hư-vô.
Lấy Am-quang tạo phách tăng đồ,
Muôn vật cả lo cho sanh-hoá.
(Đàn cơ tại Thảo-Xá Hiền-Cung đêm 15 tháng 11Ất-mùi (23-12-1931).

Theo các trích dẫn trên đây thì Đức Chí-Tôn và Phật-Mẫu có từ trong Hư Vô Chi Khí, Đức Chí-Tôn lại giao cho Phật-Mẫu quyền cai-quản khí Hư-Vô, tức hai Ngài là Đấng Tự-hửu và hằng hửu, có trước Trời Đất. Khi Khí Nguơn Linh của Chí-Tôn hoà-hợp Nguơn Aâm của Phật-Mẫu,mới có ngôi Thái-Cực, là cơ hửu hình. Khi Đức Chí-Tôn phân Thái-cực thành ra Lưỡng nghi (Âm Dương), lúc có Aâm dương rồi tức là đã có Trời Đất, khi đó Đức Chí-Tôn mới phân tánh giáng sanh ra vạn vật, tức là Chí-tôn tạo-hoá phần linh-hồn là phần vô-vi, đồng thời Phật-Mẫu cũng kiến-tạo phần khí-chất hình-hài là phần hữu hình. Như vậy Phật-Mẫu cũng từ Hư-vô chi khí mà ra, Ngài cũng là Đấng tự-hữu và hằng-hữu,
Bởi vậy Đại-Thừa Chơn-Giáo có viết: “Luyện Tinh hoá Khí, luyện Khí hóa Thần”, “Luyện
Thần huờn Hư, luyện Hư huờn Vô” (ĐTCG, 61), thì Huyền-Quan Nhứt-Khí sẽ được mở toát ra.”

Người tín-đồ Cao-Đài-Giáo mặc áo dài trắng là nói lên cái “Vô của Đạo, vì Đạo chính là Vô”. Nói cách khác “màu trắng thể-hiện cái Đạo”. Do đó màu trắng có ý nghĩa rất sâu-xa và còn có thể nói là rất “huyền-diệu” trong Đạo Cao Đài.

Trong cơ-quan Cửu-Trùng-Đài, đặc biệt chỉ có Giáo-Tông và Thượng-Chưởng-Pháp mặc sắc
phục màu trắng chầu lễ Đức Chí-Tôn mà thôi, ngoài ra đều mặc theo sắc phái. “Bộ Đại-phục
của Giáo Tông thì toàn bằng hàng trắng, có thêu bông sen vàng từ trên tới dưới”

Chúng ta hãy liên-tưởng đến việc : “Tại sao đức Giáo-Tông và Thượng-Chưởng-Pháp mặc áo
trắng, trong khi các chức sắc Đại-Thiên-Phong khác lại có phẩm-phục màu khác?”
Bởi vì áo của Giáo-Tông màu trắng tức là “màu nguồn gốc của Đạo” Đạo không màu sắc hay tượng-trưng một màu rất trong sạch tinh khiết là màu trắng, màu trắng có thể biến ra các màu vàng, xanh, đỏ. Và vàng, xanh và đỏ củng là “trở về” màu trắng. Ba (3) màu vàng, xanh và đỏ là màu của lá cờ Đạo Cao Đài.

Trở lại màu trắng tức là “Qui Hồi Căn Bổn” vậy. Thượng-Chưởng-Pháp mặc phẩm-phục màu trắng vì Thượng-Chưởng-Pháp có quyền thay thế cho Giáo-Tông khi Ngài vắng mặt (CTĐ, 44)

Đó là cái bí-pháp, phần riêng biệt của Đức Chí-Tôn dùng trong cơ chuyển thế, chọn người thay thế hình-thể cho Ngài cầm đầu cả nhơn-loại.
Việc này để giải rõ là loài người phải đi từ không trở về sắc-tướng đặng tạo nghiệp-vị, rồi trở lại Hư-Vô.

7. Rồng Màu Trắng Tượng Trưng Cho Tam Kỳ Phổ Độ
Trong Đền Thánh có tất cả 28 cột rồng. Đức Chí Tôn (Thượng Đế) cưỡi rồng tuần du. Rồng
tượng trưng cho sự biến hóa. Đó là ý nghĩa tượng trưng và thay thế cho “Nhị Thập Bát Tú” tức các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật chầu Thượng Đế nơi Bạch Ngọc Kinh.

Các con Rồng trong Đền Thánh được sơn đủ các màu sắc còn có ý nghĩa tượng trưng đủ 3 thời kỳ phổ độ chúng sanh.
Rồng màu Xanh tượng trưng cho Thanh Dương Đại Hội trong Nhứt Kỳ Phổ Độ, do Đức Nhiên Đăng Cổ Phật hành khiển. Hồi Nhứt kỳ Phổ Độ: có Thanh Dương đại hội, là một hội để phán đoán công nghiệp tu hành và tâm đức của nhơn sanh một cách công bình.

Rồng màu Đỏ tượng trưng cho Hồng Dương Đại Hội trong Nhị Kỳ Phổ Độ, do Đức Di Đà hành khiển. Hồng Dương đại hội, cũng là một cuộc hội các đẳng chơn hồn chúng sanh để căn cứ quá trình Đức sinh hoạt một kiếp mà phán đoán tội lỗi một cách công bình.

Rồng màu Trắng tượng trưng cho Bạch Dương Đại hội trong Tam Kỳ Phổ Độ, do Đức Di Lặc điều khiển Khai Hội Long Hoa. Bạch Dương đại hội, mục đích cũng phán đoán tội lỗi chúng sanh như Nhứt kỳ và Nhị kỳ phổ độ. Vì vậy tượng Rồng sơn trắng ở Bát Quái Đài dưới quả Càn Khôn, đó là tiêu biểu thời kỳ Bạch Dương đại hội. Còn tượng cột h́nh Rồng sơn Vàng chung quanh Bát Quái Đài là ý nghĩa tượng trưng và thay thế chư Phật chứng Hội Long Hoa (giải ý nghĩa Hội Long Hoa ở phần khác).

Trong Tam Kỳ Phổ Độ Đức Di Lạc làm chủ điểm Đạo nên Rồng Trắng ở tại Bát Quái Đài, ấy là chánh thời kỳ của Sắc Trắng (Đạo Phục Bạch Y, Áo Dài Trắng).

IV . THAY LỜI KẾT
Áo dài, chiếc áo cổ truyền thướt tha mang đậm nét dân tộc của con người Việt Nam. Dù ở bất cứ nơi đâu, chiếc áo dài truyền thống luôn là niềm tự hào của người Việt Nam.
Màu trắng là màu tượng trưng cho tình yêu thương, cho sự thanh khiết, thanh cao trong sạch, sự ngây-thơ không chút bợn-nhơ của trẻ thơ. Màu trắng tượng-trưng cho con người đạo-đức hiềnlương không làm gì tội lỗi.

Màu trắng là màu tổng-hợp của bảy (7) màu trong sắc cầu vồng, đó là màu Đại-đồng, mục-đích của Dạo Cao-Đài là phải thực hiện ra cho đến Đại-Đồng Thế-Giới.
- Cao Đài là một Tôn Giáo Đại Đồng
- Tôn chỉ của Đạo Cao Đài là “Tam Giáo Quy Nguyên, Ngũ Chi Hiệp Nhất”:
a . Cờ đạo có 3 màu căn bản: vàng, xanh, đỏ. Màu vàng tượng trưng cho Phật giáo, màu xanh
tượng trưng Tiên giáo hay Lão giáo, màu đỏ tượng trưng Thánh giáo (Nho giáo).
b . Năm màu tượng trưng cho Hiệp Nhất Ngũ Chi: .
- Đức Phật Thích Ca tượng trưng Phật đạo (màu Vàng),
- Đức Lý Thái Bạch tượng trưng Tiên đạo (màu Xanh),
- Đức Chúa Jésus tượng trưng Thánh đạo (màu Đen),
- Đức Khương Thượng Tử - Nha tượng trưng Thần đạo (màu Trắng).
- 7 cái ngai của 7 Chức sắc cao cấp nhất của Cửu Trùng Đài tượng trưng Nhơn đạo (Đạo Cao
Đài với 4 màu Trắng, Vàng, Xanh và Đỏ).
- Triết Lý Cao Đài “Nhứt Bản Tán Vạn Thù”“Vạn Thù Quy Nhứt Bản”.
- Vạn Giáo Nhất Lý: tất cả các tôn giáo đều cùng một chân lý. Đạo Cao Đài chủ trương tất cả tôn giáo đều từ một gốc mà ra và tuy có khác nhau về hình tướng nhưng cái chân lý cùng đều giống nhau, cùng chung một mục đích cứu rỗi nhân loại.
- Theo Đức Lão tử, tổng hợp những mâu thuẫn để biến thành một thể mới phong phú hơn: đó là mục đích của Đạo Cao Đài.
- Có đó rồi không có. Màu trắng biến thành 7 màu, rồi trở lại màu trắng, tức là “Sắc sắc không không. Hư Hư Thiệt Thiệt”. Màu Trắng là không màu, vậy Đạo tức là “Vô”
- Người tín-đồ Cao-Đài-Giáo mặc áo dài trắng là nói lên cái “Vô của Đạo, vì Đạo chính là Vô”.
Nói cách khác “Màu Trắng thể-hiện cái Đạo”. Do đó màu trắng có ý nghĩa rất sâu-xa và còn có thể nói là rất “huyền-diệu” trong Đạo Cao Đài.

- Rồng màu Trắng nơi Bát Quái Đài tượng trưng cho Bạch Dương Đại hội trong Tam Kỳ Phổ Độ, do Đức Di Lặc Khai Hội Long Hoa. Trong Tam Kỳ Phổ Độ Đức Di Lạc làm chủ điểm Đạo nên Rồng Trắng ở tại Bát Quái Đài, ấy là chánh thời kỳ của Sắc Trắng (Đạo Phục Bạch Y).
Trong Cửu-Trùng-Đài, chỉ có Giáo-Tông và Thượng-Chưởng-Pháp mặc sắc phục màu trắng chầu lễ Đức Chí-Tôn mà thôi. “Tại sao đức Giáo-Tông và Thượng-Chưởng-Pháp mặc áo trắng, trong khi các chức sắc Đại-Thiên-Phong khác lại có phẩm-phục màu khác?” Thượng-Chưởng-Pháp mặc phẩm-phục màu trắng vì Thượng-Chưởng-Pháp có quyền thay thế cho Giáo-Tông khi Ngài vắng mặt (CTĐ, 44)
Khi mặc áo dài trắng, người tín-đồ Cao-Đài tâm niệm phải nên hiểu là mình đang mang trong người không biết bao nhiêu ý nghĩa sâu-xa của Đạo của mình mà Đức Chí-Tôn đã kín-đáo gởi vào đó. Chúng ta phải hiểu bổn phận và trách-nhiệm của chúng ta khi ta mặc chiếc áo dài trắng nầy để không làm trái giáo-lư của Đức Chí-Tôn.
Người Cao Đài mặc đạo phục màu trắng như nhắc nhở luôn giữ tâm hồn giản dị, khiêm tốn,
giữ đạo đức cá nhân thanh cao trong sạch. Ngoài ra, mỗi tín đồ cũng luôn nhớ tư tưởng của nền Đạo: “một là tất cả, tất cả là một”, “nhất bổn tán vạn thù, vạn thù qui nhất bổn”.
Bộ Bạch Y (đạo phục màu trắng) như một bông sen trắng mà người Cao Đài cần gìn giữ trong cõi đời nhiều ô trược, như Thầy đã từng khen “ngoài trong sạch tợ bạch liên”. Đó cũng chính là Bộ Thiết Giáp mà Thầy cho chúng ta mặc:
“Thầy nói trước cho các con biết mà giữ mình. Chung quanh các con, dầu xa, dầu gần, Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lộn với các con. Thầy hằng xúi chúng nó thừa dịp mà cắn xé các con; song trước Thầy đã cho các con mặc một Bộ Thiết Giáp (đạo phục Áo Dài Trắng), chúng nó chẳng hề thấy đặng là đạo đức của các con.
Vậy ráng gìn-giữ Bộ Thiết-Giáp ấy hoài cho tới ngày các con hội hiệp cùng Thầy." (TNHT,
1926).
Midland, Michigan June 7th, 2018
Quốc Sĩ Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Bình
Khảo Cứu Vụ, Cao Đài Hải Ngoại
Tòa Thánh Tây Ninh

V. TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Pháp Chánh Truyền và Tân Luật (1972)
2. Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển I & II, Ấn Bản Năm Nhâm Tý (1972).
3. Tân Luật (1972); Đạo Luật; Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo; Pháp Chánh Truyền.
4. Tam Giáo Việt Nam Tiền Đề Tư Tưởng Mở Đạo Cao Đài (Huệ Khải).
5. Đại Đạo Bí Sử, Soạn Giả Hiền Tài Trần Văn Rạng (1971).
6. Tìm Hiểu Đạo Cao Đài Qua Kiến Trúc TTTN, Tùng Thiên Từ Bạch Hạt, 2006.
7. Bí Pháp Dâng Tam Bừu, Bí Pháp Giải Thoát, HT Lê Văn Thêm.
8. Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, Dạ Trung Tử (2002)
9. Đức Lý Thái Bạch - Giáo Tông Đại Đạo, HT Trần Văn Rạng (1973)
10. Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Cơ Quan Phổ Truyền Giáo Lý (CQPTGL), Tuất thời, 15-01 Giáp Dần (06-02-1974.
11. Tứ Thư trọn bộ (Dịch giả: Đoàn Trung Còn), Đạo Đức Kinh (Dịch giả:Nguyễn Hiến Lê),
Phật Học Tinh Hoa (Nguyễn Duy Cần). Và một số bài viết nguồn internet.
12. Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, Dạ Trung Tử (2002)
13. Đức Lý Thái Bạch - Giáo Tông Đại Đạo, HT Trần Văn Rạng (1973)
14. Ý Nghĩa Áo Dài Trắng Của Người Đạo Cao Đài, Ngọc Huệ Chơn.
15. Đạo và Đạo Tại Tâm – Hửu Hình và Vô Vi Huyền Diệu Hiện Tướng Hiệp Thiên Đài, Quốc
Sĩ Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Bình, Khảo Cứu Vụ, Cao Đài Hải Ngoại, Tòa Thánh Tây Ninh (2017).
16. Những màu sắc tượng trưng Đạo Pháp và Ngũ Chi trong Đạo phục, cờ và tượng trưng, Hà
Phước Thảo
17. Ý nghĩa tà áo dài trắng của tín đồ phật giáo Cao Đài, Tuần Vĩ
19. Thượng Sanh: Cờ Cứu Thế và Ban Thế Đạo, Quốc Sĩ Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Bình, Khảo
Cứu Vụ, Cao Đài Hải Ngoại - Tòa Thánh Tây Ninh (2018).
18. “Văn Hoá Thiên Đàng, Hòa Bình Thế Giới, Phục Hồi Ánh Sáng (HWPL) và Cao Đài Đại
Đạo”, Quốc Sĩ Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Bình, Khảo Cứu Vụ, Cao Đài Hải Ngoại - Tòa Thánh Tây Ninh (2017).
19. Đạo Tâm - Tịch Đạo - Chơn Pháp Đạo Tâm, Quốc Sĩ Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Bình
Khảo Cứu Vụ, Cao Đài Hải Ngoại - Tòa Thánh Tây Ninh (2017).
20. Đại Đạo Cao Đài và Nền Văn Minh Nhân Loại – Vai Trò Ban Thế Đạo Hải Ngoại – Nhập
Cuộc, Quốc Sĩ Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Bình, Khảo Cứu Vụ, Cao Đài Hải Ngoại - Tòa Thánh Tây Ninh (2017).
21. Ban Thế Đạo Trong Tịch Đạo Đạo Tâm, Quốc Sĩ Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Bình, Khảo Cứu
Vụ, Cao Đài Hải Ngoại - Tòa Thánh Tây Ninh (completed, May 2018).
Tàng Kinh Viện  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét