Bên Lề Vụ Án (Bùi Văn Tiếp)


Đây không phải là sự sắp xếp, mà nó ngẫu nhiên diễn tiến có kết quả tốt đẹp. Có lẽ Đức Hộ Pháp đã khiến như vậy.
Công việc xảy ra rất phức tạp, tôi cố ôn lại làm 15 đoạn để bạn đọc thấy được sự tranh đấu của tổ 1 đã làm những gì mà gây được tiếng vang trong chỉ có 10 ngày học tập.

ĐOẠN I . KHÔNG TỐ THẦY MÌNH
Trước khi vào đề, 1029 vị từ phẩm Lễ Sanh, Sĩ Tải,
Luật Sự, Gíao Thiện, Bếp Nhạc, Cai Nhạc, Đội Nhạc vào học từ 20 tháng 11 đến ngày 2 tháng 12 năm 1978, được chia ra làm 9 tổ. Mỗi tổ trên dưới 100 người, cử ra 1 tổ trưởng, 1 tổ phó và 1 thư ký.

Ngày đầu 20-11-1978 là ngày khai mạc xếp số ghế ngồi; đến 21-11-1978. Chủ nhật nghỉ.

Ngày 22-11-1978 bắt đầu sinh hoạt. Ông Sáu Bầu Phó Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Tây Ninh kêu gọi tổ trưởng, tổ phó và thư ký hội riêng tại Giảng Đường. Ông để lời phủ dụ và yêu cầu tổ trưởng hướng dẫn các tổ viên học tập tốt để đem lại kết quả mong muốn của Ban Tổ Chức.





Sau khi trình bày đại cương, ông hỏi có ai có ý kiến. Tôi, nhơn danh tổ 1 xin bảo đảm tự do cá nhân cho người phát biểu để cuộc thảo luận được hào hứng, vì nói ra mà bị hâm dọa đi Cây Cầy, thì không ai dám nói. Có 2 tổ khác cũng đồng quan điểm ấy.

Ông trả lời: không thể chấp thuận vì nếu có kẻ phá hoại thì sao?
Trở lại phòng học hướng dẫn viên của tổ 1 là Tư Tịnh, biểu tôi đọc 1 bản văn có 9 câu cần phải giải đáp, nguyên văn như sau:
Mật Trận Tổ Quốc Việt Nam                          Cộng Hòa XHCN Việt Nam
     Uỷ Ban Tỉnh Tây Ninh                                  Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

CÂU HỎI THẢO LUẬN
1 . Vì sao chính quyền cách mạng đưa vụ án này ra trước nhân dân và toàn Đạo Cao Đài phái Tây Ninh.
2 . Nguồn gốc vụ án này xuất phát từ đâu. Nó đã gây ra những tác hại nào cho Đạo, cho sự nghiệp cách mạng và có lợi cho ai? có hại cho ai?
3 . Một tôn giáo mà làm chính trị, lập quân đội có bộ máy nhà nước có đúng không? và không đúng ở chỗ nào. Vừa qua Cao Đài phái Tây Ninh có làm như vậy không?
4 . Vừa qua có những người nói: những người cầm đầu trong đạo phái Cao Đài Tây Ninh có công xây dựng Đạo là yêu nước. Vậy thì đường lối xây dựng Đạo đúng, sai thế nào? Có người nói Đạo Cao Đài phái Tây Ninh chỉ có tu hành không có làm chính trị, vừa qua có thật vậy không?
5 . Những người cầm đầu có trách nhiệm nếu làm sai, Chức sắc Tín đồ những người chơn chính chống lại cái sai, giữ đúng đạo lý chơn truyền, như vậy có lỗi thệ không? và những người Chức Sắc cao cấp trong Đạo trước đây có chống đối nhau không, như Cao Hoài Sang truất phế Phạm Công Tắc vậy có lỗi thệ không?
6 . Vì sao đạo lý chơn truyền vào Cao Đài phái Tây Ninh không giữ được. Tất cả dẫn đến sai lầm ngày nay từ chỗ nào?
7 . Trong đạo Cao Đài phái Tây Ninh có những sự khống chế lẫn nhau điều này có đúng không? Có những gì thấy được sự thật, mà không dám nói sự thật vì sao?
8 . Tất cả những Chức Sắc, Tín Đồ là người tâm đạo, yêu nước, có trách nhiệm gì đối với vụ án nầy.
9 . Trước tình hình đất nước có chiến tranh biên giới, có kẻ phản động phá hoại nội địa, Chức Sắc, Tín Đồ Cao Đài phái Tây Ninh phải chọn cho mình con đường đi như thế nào? Đi với Dân Tộc hay đi với Đế quốc Mỹ và bọn bành trướng Bắc Kinh?
Hết

Tôi đọc xong ngừng 1 phút và xin có ý kiến:
Trong 2 kỳ học tập trước, tức học tập Nghị quyết 24 và Nghị quyết Hội đồng Chính phủ, tôi học tập rất tốt vì hiểu rõ đường lối mới của XHCN, hầu chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ hiện hành của 1 công dân độc lập. Nhưng nay có một việc khó xử là phải học tập 1 vụ án mà đương sự là Đức Giáo Chủ của chúng tôi.

Khi bước vào đạo mỗi người Tín hữu Đạo Cao Đài đều phải thề: "Hiệp đồng chư môn đệ, gìn luật lệ Cao Đài, nếu sau có lòng hai, thì Thiên tru Địa lục". Tôi hiểu Thiên tru Địa lục là tiêu về phần xác lẫn phần hồn.

Hơn nữa, chúng tôi là Chức sắc Hiệp Thiên Đài, khi đắc khoa Luật sự tôi còn thề trước Long Thần Hộ Pháp: "Giữ dạ vô tư hành sự, thực thi luật thương yêu và quyền công chánh. Nếu phạm thệ sẽ bị tận đọa tam đồ bất năng thoát tục"

Tôi hiểu câu trên là phải đi từ nhơn phẩm tuột xuống vật chất hồn, rồi tiến lên thảo mộc hồn, kế tiến lên thú cầm hồn, rồi nhơn hồn. Đi 1 quận như vậy gọi là 1 đồ mà đi 3 quận gọi là 3 đồ. Mỗi đồ có lẽ cả ngàn năm, mà 3 đồ phải lối 3000 năm. Tôi rất sợ phạm lời minh thệ ấy. Nên nếu có thể xin anh Tư (Tư Tịnh) cho tôi 1 điều kiện là: "Tố ai thì tố mà tố thầy tôi, tôi nhất định không tố".
Tư Tịnh trả lời: đó là quyền của anh.
- Nếu không được sự cho phép của anh Tư thì cho tôi xin từ nhiệm tổ trưởng, vì chức ấy không phải tôi muốn mà tôi bị chỉ định bởi Ban tổ chức.
- Tôi không có quyền cho anh từ nhiệm vì đó là quyền của anh Năm Anh.
Không khí phòng học ngột ngạt.

Luật sự Mai đứng dậy nói: chúng tôi thấy anh Tiếp là người có tuổi, đạo đức xứng đáng hướng dẫn chúng tôi trong cuộc học tập này. Vậy đề nghị anh ngồi lại địa vị tổ trưởng. Sĩ Tải Phan cũng phát biểu tán đồng.

Tôi nói đây là 2 ý kiến cá nhân. Nếu anh em đồng ý cho tôi làm tổ trưởng, xin cho biết ý kiến bằng cách giơ tay. Toàn hội đều thẳng tay giơ lên tín nhiệm tôi. Tôi xúc động vì không thể tưởng uy tín mình được như vậy, nên hai hàng lệ tuôn trào. Cả phòng đều khóc, nhất là các vị nữ phái (có 10 vị). Tôi tưởng không phải là sự kích động của ngoại cảnh mà là sự va chạm của tâm tư chung của mọi người.
Tôi cám ơn toàn hội đã tín nhiệm tôi, nên tôi xin rút ý kiến từ nhiệm lại và lãnh phần tổ trưởng tổ 1. Chúng tôi bắt tay vào cuộc học tập.

ĐOẠN II .  ĐỊNH NGHĨA CHỮ "BẢN ÁN"
Sĩ Tải Phan: vấn về định nghĩa chữ bản án. Nếu nói đây là 1 bản án xin anh Tư cho biết nó được xử hồi nào, tại đâu? Ai là Chánh án, ai buộc tội, ai biện hộ, có bị cáo hay người thay mặt bị cáo trước vành móng ngựa hay không?

Tư Tịnh lúc lắc.
Một cán bộ trẻ, người Bắc đứng lên trả lời: đây không phải là phiên toà xử án, mà là một vụ án lịch sử, tức nhân dân lên án; không cần phải có ông tòa hay buộc tội hay biện hộ. Toàn dân 50 triệu người đều lên án thì nó thành bản án.
- Nếu toàn dân lên án, trong đó ít nữa cũng phải có tôi nhưng sao không hay biết chi về vụ này?
- Đây không phải đem ra xử mà đem ra để chúng ta bàn coi điểm nào đúng, điểm nào sai, để chúng ta cùng nhau sửa chữa.
- Đã nói bản án thì nó đã chung thẩm, nếu nói đem ra xem có điều nào sai điều nào đúng thì thật là phi lý. Vậy danh từ bản án không đứng vững; có thể nói là một bản dự án hoặc danh từ chi chi đó.

Không khí bắt đầu sôi động vì sự hướng dẫn ảnh hưởng đến uy tín của vị Giáo Chủ. Tư Tịnh kẹt lý, trở lại nói: những người cầm đầu mấy anh xuất phát từ thành phần công chức, tay sai của Pháp, lảnh lịnh Pháp lập Đạo để chống lại Nhân dân. Rồi lập Nội Ứng Nghĩa Binh làm tay sai cho phát xít Nhật đặng rước Cường Để lập chế độ bù nhìn phong kiến. Sau này làm CIA cho Mỹ chống lại Cách Mạng. Dựa theo tài liệu của quí ông Kiết, Hợi, Lợi, Danh cùng hình ảnh triển lãm, mấy anh đã bị lợi dụng mà không hay…
Rủi hết giờ, nên không luận khoản này.

ĐOẠN III . CON CHIM TRONG LÒNG HÓT KHÔNG TRUNG THỰC
Buổi chiều Tư Tịnh bàn đến kẻ viết sử thời Nguyễn Huệ thì nói Nguyễn Huệ là một anh hùng, giải ách nô lệ cho Việt Nam cường thịnh. Nhưng đến thời Gia Long phục quốc thì lại nói Nguyễn Hụê là kẻ giặc bất trung. Vậy muốn viết trung thực thì phải có tự do không bị cường lực nào khống chế mới được.

Tôi đứng lên nói: Như hai ông Kiết và Hợi là người bị cách mạng cho là có tội phạt 3 năm câu lưu. Nay đem bản báo cáo học tập đọc trước công chúng, tôi e những lời ấy không trung thực.

 Con chim trong rừng thì hót tiếng hót thánh thót, líu lo, thoải mái; con chim trong lồng nó cũng hót, nhưng giọng hót nó ảm đạm thê lương. Qúi ông còn vanh cánh nó thả nó ra biểu nó bay, cũng không quên cột chưng nó vào lồng nhốt lại. Hỏi tại sao tiếng hót nó trung thực được?

Tư Tịnh không giằng được bực tức, điểm mặt tôi nói lớn: Anh chỉ trích chế độ chúng tôi hà khắc, tôi đã ghi lời nói của anh.

Nếu nói ông Kiết ông Hợi bị khống chế, còn anh Lợi có bị khống chế không, mà cũng phát biểu ý kiến chống đối hành vi phi pháp của Đạo.

- Tôi không đề cập đến anh Lợi. Tôi chỉ nói kẻ bị tù tội thì tiếng nói không trung thực, chớ tôi không chỉ trích chế độ, xin đừng hiểu lầm.

Anh em tổ viên binh lập trường của tôi, nên không khí phòng học hết sức ngột ngạt. Tôi yêu cầu cho xả hơi để lấy lại bình thường.

Trở vào hội, Tư Tịnh túng thế tỏ thái độ hằng hộc: Tôi là chánh quyền đứng về phía tiên cáo, còn mấy anh là kẻ bị cáo mà thôi…Rồi ông đem ra đọc những tài liệu chống cộng của Đức Hộ Pháp để gỡ phần nào danh dự.
ĐOẠN IV : TỰ DO BIỆN HỘ MÀ BỊ GHI LÀ CHỐNG CHẾ ĐỘ LÀ KHÔNG  ĐÚNG PHÁP LÝ
Sĩ Tải Phan: vấn về kẻ bị cáo được quyền tự do biện hộ, mà khi biện hộ phải biện bạch các lý lẽ có thể chạm đến chính quyền. Anh Tư lại ghi vào sổ để định tội thì làm sao chúng tôi dám phát biểu. Nhiều ý kiến tới tấp buộc Tư Tịnh phải cởi mở và bỏ lối lấy thế lực hâm người dám ăn dám nói. Cuối cùng anh nói: nếu chiều nay tôi không thông qua vụ sáng mai thì tôi không có sanh hoạt với anh em.

Tôi bắt tay Tư Tịnh để cảm ơn một cử chỉ cởi mở và một tràng pháo tay đã xoa dịu sự ngột ngạt.

ĐOẠN V : CHỊU GÁNH TỘI CHO THẦY MÌNH
Sĩ Tải Thái nói: "Tôi theo Đạo là nhờ Thầy tôi đã dày công khai sáng nó. Nếu bắt Thầy tôi có tội thì mọi tội tình đó tôi sẽ gánh. Nếu chính quyền định tội Thầy tôi thế nào, thì tôi xin chịu thế ấy".
Tư Tịnh hỏi ai đồng ý với anh Thái; thì lối nửa lớp giơ tay lên.

Lúc ấy Bảy Phú bước vào thấy không khí như vậy, tính hâm dọa: hồi nãy ai đồng ý với anh Thái hãy giơ tay lại coi? Hơn 2/3 lớp giơ tay, tức là hơn số khi nãy. Anh ra lệnh biên tên những người giơ tay.
Nhưng sau khi suy luận với Tư Tịnh, anh Tịnh lại bỏ ý định ấy và thông qua.
Vì biên tên tức là có tính cách hâm dọa, mà hâm doạ nơi tổ 1 là điều vô ích.

ĐOẠN VI : NHỮNG SỰ HỮU ÍCH CỦA QUÂN ĐỘI CAO ĐÀI
Luật sự Sâm nói: "QĐCĐ bị mang tiếng là công cụ của Pháp để chống lại Cách Mạng. Việc ấy tôi không biết vì tôi còn nhỏ. Nhưng tôi có nghe ông bà nói lại là nó rất có ích. Vì nó đã leo thành Onzième RIC, thành Ô Ma mà bắt Tây trói ngày 9-3-1945. Nó còn mở khám lớn Sàigòn, cùng các khám lục tỉnh thả anh em Cách Mạng bị Pháp giam từ trước đến giờ. Nó còn rước tù CM ở Côn Lôn về đất liền hưởng tự do. Khi lập các căn cứ ở tỉnh, quận, nó đã chứa cha, mẹ, vợ, con của anh em CM khỏi sự bố ráp của Pháp cùng tay sai. Như thế tôi có thể nói rằng nó đóng góp một phần lớn cho sự giải phóng đất nước".

Có bạn thêm rằng lính Phạm Văn Út là em nuôi của Văn Thành Cao đã ám sát được Chanson cùng tên Việt gian Thái Lập Thành bằng 2 quả lựu đạn rồi anh cũng chết luôn với vụ nổ ấy.

Có bạn đem vụ thiếu uý Phan Hùng Ngự ở Bến Tranh (Mỹ Tho) ra làm điển hình đã chống Pháp giết được hơn 30 lính Pháp, trong đó có 2 đại úy và sau đó tự sát với viên đạn cuối cùng, không cho địch khai thác.
Bao nhiêu chứng tích cũng tỏ được sự hữu ích của QĐCĐ đối với đồng bào.

ĐOẠN VII : CON RỒNG CHÁU TIÊN
Tư Tịnh cho cơ bút là cơ quan đầu độc mê tín, không có sự thật Thần Thánh nào, mà do các vị cầm đầu vẽ vời ra để gạt gẫm tâm lý thiên hạ.

Tôi không đề câp đến cơ bút mà tôi hỏi ngoài lề:
 - Cách Mạng có nhìn nhận dân tộc Việt Nam là Con Rồng Cháu Tiên Chăng?
 - Nhìn chứ, vì chúng ta là giòng giỏi của Lạc Long Quân mà.
 - Theo duy vật biện chứng, tôi không tin rằng rồng mà đẻ được người ta. Nếu tin như vậy là mê tín, tin điều vu vơ không căn bản. Tổ Tiên ta nếu là Rồng thì đẻ ra Rồng chứ làm sao mà đẻ ra người được.

Hơn nữa nếu không có cơ bút, khi Chánh Trị Sự đủ công nghiệp, cầu phong lên Lễ Sanh, Hội Thánh công nhận rồi mà Đức Lý không cơ chấm phái, rồi mấy ông ấy mới biết may áo màu vàng, màu đỏ hay màu xanh mà đi chầu Chí Tôn?

Bảy Phú thấy khó trả lời bỏ phòng học đi ra. Một chập lối 5 phút, tôi day lại hỏi: Anh Năm Anh là Thừa Sử Hiệp Thiên Đài, lớn chức hơn tôi xin giải đáp điều ấy. Năm Anh cũng nín thinh hồi lâu không giải được.

Tư Tịnh nói càng: lấy cái nón viết thăm Thái, Thượng, Ngọc rồi đem trước Thiên Bàn cầu nguyện, ai rút được phái nào thì mặc áo phái đó.

Thật là một giải pháp hên sui như xổ số chớ không có pháp lý gì hết. Bao nhiêu đó, cũng thấy họ đuối lý trong vấn đề dẹp bỏ cơ bút.

ĐOẠN VIII :  TRUNG VỚI NƯỚC HIẾU VỚI DÂN
Tư Tịnh nói Bác Hồ đã sửa sự trung và hiếu không phải là trung với vua, hiếu với cha mẹ mà phải trung với nước hiếu với dân tộc.

Tôi hỏi: xưa thì có vua, bây giờ có chủ tịch nhà nước, vậy chớ cái tình của cán bộ đối với chủ tịch nếu không kêu là trung nay đổi là danh từ gì?

Tư Tịnh ấm ứ không trả lời được.
Tôi tấn thêm: còn xưa nói hiếu với phụ mẫu, nay cách mạng nói hiếu với dân, vậy cái tình con cái đối với cha mẹ, đặt tên nó là gì?

Tư Tịnh nói: cũng kêu là hiếu nhưng đó là hiếu nhỏ, còn hiếu với dân là hiếu lớn.
Tôi đề nghị: Vậy thì mình kêu 1 cái là tiểu hiếu, và 1 cái là đại hiếu liệu có ổn không?
Tư Tịnh cười xoà cho qua câu chuyện, không giải đáp được sự sửa đạo trung hiếu của đức Khổng Khưu.

Câu nầy không biết quýnh quáng thế nào mà Tư Tịnh vô đề nói lộn: "Trung với dân hiếu với nước" nên bị thư ký tổ 1 là Chớ sửa lại rằng: có lẽ anh Tư nói lộn "Trung với nước, hiếu với dân" nên Tư Tịnh cũng hơi quê quê về sự đảo ngữ đó.

 ĐOẠN IX : NHỮNG TÌNH MẬT THIẾT GIỮA ĐỨC HỘ PHÁP VỚI CÁCH MẠNG
Khi thua lý Tư Tịnh đem lời thuyết đạo của Đức Hộ Pháp có khoản nào chống cộng ra để đỡ như : lúc bế giảng Đạo Đức Học Đường, bài Quốc Sự Vụ…

Tôi tuần tự đem những bằng cớ yêu nước và thân thiện của Đức Hộ Pháp đối với Cách Mạng:
1 . Khi đi Geneve làm Quan sát viên hội nghị, Ngài có được ông Phạm Văn Đồng lúc ấy làm trưởng phái đoàn chánh phủ Miền Bắc và ông Phan Anh làm Thứ Trưởng đãi Ngài 1 tiệc cơm chay. Nếu không thấm tình sao lại đãi đằng nhau.
- Tư Tịnh không trả lời.
2 . Lúc 2 ông gặp nhau. Ôm hôn nồng nàn giữa ống kính của báo chí quốc tế và phim ảnh của quốc tế đã chiếu lại những phút êm đềm đó. Thử hỏi việc đó có thấm tình nhau chăng?
- Tư Tịnh nói: đó là phép xã giao của người Cộng Sản, chứ hễ thù là thù, thân là thân, chớ kẻ thù không bao giờ làm thân được.
3 . Tôi còn đem việc, khi Đức Gíáo Chủ chúng tôi đăng Tiên tại Nam Vang, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam có cử đại diện đến trước linh sàng nghiêng mình thi lễ để tỏ lòng mến tiếc. Vậy có thâm tình chăng?
- Tư Tịnh không trả lời, tôi tấn luôn.
4 . Cụ Tôn Đức Thắng nhơn danh chánh phủ Dân Chủ Cộng Hoà Việt Nam đánh một điện tín chia buồn cùng Hội Thánh Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh. Vây việc ấy có thâm tình chăng?
- Tư Tịnh đứng dậy vừa nói vừa xá tôi: Thôi tôi lạy anh mà anh Tiếp!
Việc ông hướng dẫn viên lạy ông Tổ Trưởng Tổ 1 giữa 95 học viên được loan truyền đi cùng khắp Châu Thành Thánh Địa thì uy tín đâu nữa mà Tư Tịnh điều khiển cuộc học tập?

ĐỌAN X : DẸP THÁNH TỬ ĐẠO NƠI BÁT QUÁI ĐÀI
Ông Lễ Sanh Ngọc Luông Thanh, tổ phó tổ 1 nói: “Hôm qua tôi có vô Cung Đạo Đền Thánh quan sát kỹ lưỡng, không có chỗ nào thờ Thánh Tử Đạo cả”.

Cô Giáo Thiện Mân nói thêm: hồi tôi làm Giáo Nhi thì tôi biết Thánh Tử Đạo chỉ thờ ở tư gia; đến ngày lễ thân nhân họ đem linh vị vào Báo Ân Từ cầu siêu, rồi trả về nhà chứ không có thờ ở Đền Thánh.

Tôi day lại nói với Tư Tịnh: Đó anh Tư thấy lời của anh Lợi là không đúng sự thật. Vì anh Lợi đề nghị Hội Thánh nên dẹp bài vị Thánh Tử Đạo nơi Bát Quái Đài, vì những người ấy cầm súng chống lại đồng bào, không xứng đáng thờ chung với Đức Chí Tôn. Nhưng thực tế Hội Thánh có để bài vị nào nơi đó đâu mà dẹp.
Tư Tịnh làm thinh không trả lời được.

ĐỌAN XI : TỮ GIA CÁT NĂNG TẨU SANH TRỌNG ĐẠT
Thấy lý nhiều điểm tôi yêu cầu anh em tổ viên “xả cảng” nghĩa là không tranh đấu nữa, để các câu 4, 5, 6, 7 qua dễ dàng, chờ đến câu 8 và 9 sẽ nổ lại.

Nhưng lạ một điều là mình đã xả cảng mà ban tổ chức còn “ê răng” nên ra lệnh chia 2 lớp học ra. Tổ 1 chỉ còn có 45 người, thay vì 95, còn 50 vị kia nhập qua tổ 8. Phê bình sự chia này đủ thấy chính quyền không đủ sức điều khiển lớp học theo ý muốn. Có bạn nói: “Tử Gia Cát năng tẩu sanh Trọng Đạt”, nghĩa là: ông Khổng Minh chết rồi mà còn làm được Tư Mã Ý chạy có cờ mới là trí cho chớ. Tổ 1 ngừng tranh đấu mà thiên hạ vẫn chia lớp là một sự sợ không căn cứ.

Còn 2 ngày bế giảng, ông Ba Cát, Chủ Tịch Mật Trận Tổ Quốc tỉnh TN họp 9 tổ lại tuyên bố: Chúng tôi không có ý truất phế hay tố cáo làm mất uy tín ai hết. Chỉ tìm nguồn gốc của sự sai trái để từ đây chúng ta sửa lại theo đường hướng mới, hầu làm một công dân tốt trong cộng đồng Dân tộc.

Đây rõ ràng là một cuộc “trở cờ” dịu giọng. Việc trở cờ chứng tỏ phần thắng thuộc về chúng ta “Cao Đài”. Ông Cát còn thú nhận rằng chỉ có Trường Hòa và tổ 1 là "không khai thông" được.

Lý do rất dễ hiểu: Trường Hòa tức Trí Huệ Cung là môn đồ ruột của Đức Hộ Pháp; còn Tổ 1 đa số là Hiệp Thiên Đài cũng là tay chơn của Đức Hộ Pháp, thì việc biểu chúng vạch lỗi của thầy chúng là điều mò trăng đáy nước, không bao giờ nắm được mặt trăng.

Thấy rằng việc bảo vệ danh giá của Đức Giáo Chủ được thành công, chúng tôi cho câu 8, 9 trôi như lục bình trôi nước lớn.

ĐỌAN XII : NGÂM THI HỒ XUÂN HƯƠNG TRONG LỚP HỌC
Khi rảnh rang, tôi còn ngâm thi Hồ Xuân Hương giữa  lớp học cho thêm phần thú vị.
Hiện chúng tôi như nước Đằng nhỏ bé nằm giữa nước Tề và nước Sở lớn lao. Hễ nghiêng bên này thì Tề giận mà nghiêng bên kia thì Sở ghen. Nếu chúng tôi nói theo Cách Mạng thì dư luận Đạo cho là kẻ bất trung, bất nghĩa. Còn chúng tôi nói theo Đạo thì Cách Mạng cho chúng tôi là chống đối lại nhân dân. Thật khổ quá. Bà Hồ Xuân Hương đã tỏa như vầy:
Đằng Quốc tôi nay vốn nhỏ nhen,
Hai bên Tề Sở giữa mà len.
Ngảnh mặt lại Tề e Sở giận
Quay đầu về Sở sợ Tề ghen.

Đến câu 8 chúng tôi phát biểu gần 30 ý kiến mà Tư Tịnh không thông qua. Tôi yêu cầu ông “xã thay” bằng cách dẫn tích Văn Minh Điện:

Mỗi năm, hễ rằm tháng 8 là chúng tôi có tổ chức Văn Minh Điện để đố thai rất vui. Kẻ đáp trật thì bị gõ cốc, kẻ đáp gần trúng thì gõ ben; còn ai đáp trúng thì được đánh thùng tức sổ giàu bắc cấu. Nhưng có 1 câu mắc mỏ quá không giải được là câu nầy:
"Liễu mai vẽ nét hồng nhan
Trách ai khinh rẻ phụ phàng ngôi Tiên."
Xuất nhứt nhơn.

Tư Tịnh cũng vui tánh góp ý: Có anh nọ đố anh kia: Tao đố mầy con gì cái sừng bằng tay cái mà con mắt bằng thúng giạ? Thằng kia suy nghĩ 1 hồi rồi chịu thua.

- Mầy muốn tao xả thai thì mầy cúi tao đánh 3 roi. Thằng kia chịu. Sau khi thọ đòn thằng nọ nói: Tao cũng không biết con gì kỳ vậy, thôi tao cúi lại cho mầy đánh lại trừ.

Anh em phê bình 2 việc phiến luận, thấy một đàng thì văn chương lưu loát, ý nghĩa thâm trầm, còn một đàng thì cộc lốc khô khan, rời rã như cơm nguội chan nước lạnh……

Cuối cùng mỗi học viên làm bản thâu hoạch của mình để nạp. Thơ ký phải nạp tất cả bản ghi chép cho cán bộ người Bắc. Bản thâu hoạch họ cũng góp luôn. Tư Tịnh chỉ thu báo cáo hằng ngày của tổ trưởng.

ĐỌAN XIII : DIỄN VĂN BẾ MẠC
Ban tổ chức cho họp hồi 8 giờ tối ngày-12-1978 tại Nam Đầu Sư Đường để cử người thảo diễn văn bế mạc. Anh em cử người này người khác mà không ai đồng nhất trí. Tôi phát biểu là Tổ 1 rất cứng không thể đại diện, tổ 8 quá mềm không thể đại diện. Tôi lấy trung dung Tổ 2 do Phan Thanh phụ trách. Nhiều Tổ đồng ý nhưng Phan Thanh không dám đường đột, muốn tránh né nên đề nghị Lễ Sanh Ngọc Minh của Tổ 8 thảo diễn văn rồi đọc luôn. Tôi chấp thuận miễn cưỡng. Nhưng sau một giờ cậm cụi, Minh không kết thúc được. Tôi yêu cầu đọc lại cho chúng tôi nghe thì có đọan:….chúng tôi yêu cầu chánh quyền ngưng cơ bút, quản lý các cơ sở có xảy ra các vụ án, giãm bớt các cơ quan này nọ..v.v..Tôi không bằng lòng và cho rằng đây là bài diễn văn bế mạc chứ không phải kiến nghị. Chúng ta chỉ cám ơn chính quyền, ban giám huấn, ban tổ chức đại ý vậy thôi, chứ không dài giòng.

Anh Minh nói như vậy không đúng ý chủ chính quyền. Tôi hỏi: anh là đại diện cho chúng tôi hay là đại diện cho chánh quyền? Nếu đại diện cho chúng tôi thì khi chúng tôi đồng ý anh mới có quyền đọc.
Anh nói khi tôi viết rồi,c òn phải trình Năm Anh kiểm duyệt mới có quyền đọc.
Tôi thấy nói nữa vô ích vì hiểu hai chữ tự do trong chế độ chuyên chế là thế nào nên buông trôi tới đâu hay tới đó.

Thật quả nhiên, sáng đến, bài diễn văn của Tổ 8 được giới thiệu đọc thay mặt cho 9 Tổ:
Yêu cầu cấm cơ bút, dâng hiến cơ sỡ và chỉnh đốn nội bộ của Đạo.

Đêm ấy tôi có nói với Anh Minh là nếu anh đề nghị ngưng cơ bút, hiến sở, sửa chơn truyền…thì nữa nhơn sanh nắm áo anh mà bắt đền, vì anh đề nghị nên chánh quyền mới nhận. Còn nếu chánh quyền lấy cường lực mà ép chúng ta giao thì chúng ta không lỗi phận. Anh cười hề hề rồi đâu cũng ra đấy.
Đó là sự thật phủ phàng của nội bộ chúng ta.

Bên nữ phái cũng có 1 cô Giáo Thiện lên đọc bài bế mạc suông suông nghe cũng xuôi tai. Đó là Giáo Thiện Nguyễn Ngọc Ẩn, thơ ký Lại Viện Nữ Phái Phước Thiện.

ĐỌAN XIV : CHÁNH QUYỀN PHÊ PHÁN
Tư Tịnh phát biểu: sau 10 ngày học tập, chỉ có Tổ 1 do sĩ Tải Tiếp làm tổ trưởng, chưa vô giáo đầu là đã giơ thẳng tay hô to:”Tố ai thì tố, nhứt định không tố thầy tôi”.

Nơi Tổ 7 có Luật Sự Bình
Tổ 8 có Luật Sự Hải
Tổ 9 có Luật Sự Hai

Cũng đều 1 luận điệu như Sĩ Tải Tiếp.
Đó có phải chăng là một sự chỉ đạo?
Tư Tịnh không nói rõ nhưng anh ám chỉ Ngài Bảo Đạo chỉ đạo.

Tôi xin đính chính rằng, khi hay tin Tổ 1 rắc rối, ngài Bảo Đạo nhắn với tôi rằng đừng nóng, rũi bị bắt, không có người làm việc.

Hơn nữa, Tư Tịnh đánh giá chúng tôi thấp quá, vì có chữ Đạo mới biết ăn nói còn cá nhân mình câm hay sao? Chúng tôi tranh đấu là do tâm chỉ đạo chứ không do một sức mạnh nào cả. Vì hồn ai nấy giữ. Hễ ai trọng phần hồn mới xem nhẹ phần xác, bất chấp tù tội ngục hình, hay mất mạng cũng không chừng.

ĐỌAN XV : DƯ LUẬN CỦA TOÀN ĐẠO
Chỉ có 10 ngày mà anh em chúng tôi chiếm được sự tín nhiệm nồng nàn đối với chức sắc, chức việc lẫn tín đồ nam nữ, đi đâu cũng được hỏi han, khen tặng. Cảm động nhất có một ông già nói:”Em tranh đấu cho danh giá của Thầy, rũi có chết qua sẽ lập miễu thờ em”

Có nhiều người không dám nói, mà tốp trẻ dám nói làm họ hả dạ, nên đồ ăn tới tấp. Nào là bánh trái, thuốc lá, kẹo trà…mà quí nhất là sự thoải mái tự đáy lòng. Có kẻ ôm chúng tôi khóc ở giữa lộ.

Đường còn dài, sự tranh đấu còn gay go, chúng tôi không thể lường trước sự diễn biến của cuộc tranh đấu đi đến mức độ nào? Chỉ biết cầu nguyện Đức Hộ Pháp ban bố chúng tôi sáng suốt, thông minh vững vàng đức tin tiến lên một hướng, không hề lùi bước.
Xin các Đấng ủng hộ chúng tôi.

KẾT LUẬN:
Mục đích của nhà cầm quyền CM là tạo pháp lý để quản lý nội ô, dẹp Đạo. Vì nguồn gốc của nó là tay sai của đế quốc Pháp, Nhựt , Mỹ thì nó không có giá trị gì và không thể tồn tại được. Họ tạo vụ án Phạm Ngọc Trảng, Đinh Văn Kịp, Tám Ngòai…còn đem quí ông Hợi, Kiết, Lợi lên đài để làm biểu tượng.

Chúng ta lại nói, vụ 2 ông Hợi, Kiết là chim trong lồng hót không trung thực. Vụ ông Lợi đòi dẹp bàn thờ Thánh Tử Đạo mà không có bàn thờ ở Bát Quái Đài. Còn bản án là danh từ không đứng vững; nó là chung thẩm mà còn đem ra bàn cải để tìm đúng sai là phi pháp.

Chẵng những thế thủ vững vàng, mà thế công lại bén nhọn nên rốt cuộc ông Chủ Tịch MTTTQ tỉnh TN phải trở cờ đính chính 3 lần rằng: Chỉ tìm nguồn gốc sự sai trái của những người cầm đầu giáo phái Cao Đài TN, chớ không truất phế ai, không đả đảo ai. Ông còn nêu là từ ngày giải phóng đến nay, tín hữu Cao Đài có 7 tiểu đòan tân binh có đi dâng công giới tuyến, có làm thủy lợi của công trường…..cuối cùng kêu gọi đoàn kết, đại đoàn kết để đạo vinh, đời rạng.
Thật vẻ vang thay cho cuộc tranh đấu!
Viết xong hồi 10h15 ngày mùng 8-11. Mậu Ngọ (9-12-78)
 Bùi Văn Tiếp

CẢI ÁN CAO ĐÀI
Bảo vệ thanh danh của đức Thầy
Thành công mừng đặng tỏ lòng ngay
Phơi gan trung tín đền ân thắm
Trãi chí anh phong đáp nghĩa dày.
Bất chấp quyền uy hâm Ngục thất
Nào kiên phép mị dọa Cây cầy
Thân hèn dù thác đường ngay tới
Trước mõ treo văn, thắng độc tài.
Giãi Tâm

Ngày 12-11 Mậu ngọ (11-12-1978) Giáo Thiện Trần Tấn Hưng uống thuốc rầy tự vận. Hưng là Phụ Thống Hộ Viện Phước Thiện, học ở tổ 9, sau khi làm bản thâu hoạch, có lẽ ân hận rằng mình đã phạm thệ, nên lấy cái chết để ân hận tội lỗi.

Thật đáng thương nhưng cũng đáng trách, vì đức tin yếu quá. Cầu xin Đức Hộ Pháp ân xá cho người biết cải hối.

TỔ 1 HỒI KÝ
Trước mõ treo văn thắng độc tài,
Mừng tròn nhiệm vụ Hiệp Thiên Đài
Bẻ tan bản án thành văn vụn
Phá điện chim lồng hót bản hay
Rồng đẻ dân Nam mai mỉa thật,
Tiên sanh giống Việt lạ lùng thay.
Đại trung, tiểu hiếu, Khâu cười ngất
Lễ bái môn sinh thẹn phận thầy.
Giãi Tâm
Tàng Kinh Viện  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét