Đức Hộ Pháp Á Du Nhựt Ký - 2 / 2 (Bùi Quang Cao)

Ngày 29-8-Giáp Ngọ (dl 25-9-1954)
Sáng điểm tâm nơi nhà hàng. Lúc 9 giờ có xe của Bộ Ngoại Giao đến rước đi xem vòng quanh Châu Thành Séoul. Vì trời xấu nên chỉ ngồi trong xe hơi, xe chạy chậm chậm vòng quanh Châu Thành, đến xem Khải Hoàn Môn, cửa Đông, cửa Tây.
Thành phố khá lớn, nhà cửa chen chúc, bị trận giặc vừa qua đã tàn phá rất nhiều và vẫn còn lưu lại nhiều dấu vết,
nhà cửa sụp đổ chưa sửa chữa lại kịp, cảnh điêu tàn của họa chiến tranh vẫn còn hiện ra nhiều nơi, đường rộng lớn song bị bom đạn phá hư thành ra đường gồ ghề lồi lõm.
Nhà cửa, dinh thự kiến trúc theo lối xưa, có đến 500 năm nay mà vẫn còn chắc chắn, mái ngói ống bằng xi măng uốn cong lên, chạm trổ, sơn phết hoa hòe, trên trần nhà giống lối mỹ thuật của người Tàu. Hai bên phố buôn bán sơ sài, song người ta vẫn tấp nập, xe cộ rần rần.

Xe hơi chở Đức Ngài và Phái đoàn đi đến 12 giờ kém 15, Đức Ngài trở về để dùng tiệc với Ông Cựu Sứ Thần Mỹ ở Việt Nam thết đãi. Tôi và Cô Tư dùng cơm nơi nhà hàng. Chiều 6 giờ rưỡi, Sứ Quán của Lãnh Sự Đài Loan mời cả Phái đoàn dùng cơm tại Sứ Quán. Bữa cơm đãi chay lẫn mặn và bữa tiệc kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ trong bầu không khí vui tươi thân mật.

Ngày 1-9-Giáp Ngọ (dl 26-9-1954)
Sáng ngày, như thường lệ điểm tâm nơi nhà hàng. Đến 9 giờ, Đức Ngài tiếp chuyện cùng Ông Hội Trưởng Á Châu Phản Cộng Liên Minh ở Triều Tiên. Buổi hội kiến không được trọn hiểu nhau, nhưng cũng kéo dài đến 11 giờ rưỡi trưa, và đến 12 giờ dùng cơm, mặc dầu buổi sáng hôm nay dùng để đi viếng thắng cảnh trong Châu Thành Hán Thành (Séoul).
Buổi chiều, lúc 3 giờ , Ngoại Giao Bộ cho người đem xe đến rước Đức Ngài và Phái đoàn đi viếng Đền Vua Cao Ly, một nơi cổ tích. Xe đến cửa Đền Vua, vào một cửa ngõ rộng lớn, rất kiên cố như một cửa ngõ theo xưa. Nhân viên Ngoại Giao Bộ hướng dẫn vào xem các đền đài vua chúa ở.

Đây là một đền đài kiến trúc trên 500 năm nay mà hiện vẫn còn nguyên vẹn, trong một khoảnh vườn thiên nhiên rộng rãi, nằm giữa trung tâm Châu Thành Séoul.

Đền Tả Hữu xây cất vách tường đá, lót cây thông, cột cây, giàn sườn nóc chạm trổ, nóc ngói xi măng, mái hước lên . Đi vào trong cả dãy Đền, từ căn phòng Cung Phi Mỹ Nữ, cho đến Điện Chánh... Lối trình bày như Đền Fontainebleau, song kém mỹ thuật và kém giàu sang hơn.

Đền không lầu, dáng điệu chắc chắn, đồ sộ, nặng nề. Xem bên trong xong, ra xe chạy chậm chậm chung quanh, vườn rộng lớn, cây cối um tùm, đường lối quanh co, trời đã sang thu, lá vàng rơi rụng tơi bời, quang cảnh vườn đó, nơi đây là chỗ cấm không cho dân chúng vào, chỉ dành để cho hạng thượng lưu và người ngoại quốc vào xem mà thôi.

Khách du ngoạn toàn là người Mỹ, vào phải có tiền vô cửa. Người ta đến để chụp ảnh, tôi quay phim các cảnh đẹp và nửa giờ sau xe ra cửa chạy lên núi giữa Châu Thành và đi xem các phía quanh Châu Thành.

Lúc 5 giờ rưỡi, xe trở về nhà hàng và tạm nghỉ trong 45 phút thì có nhân viên Ngoại Giao Bộ đến rước cả Phái đoàn đến dùng cơm tối tại tư gia của Thủ Tướng Nam Hàn.

Đây là ngôi nhà đặc biệt kiểu Nhựt, vào phải cổi giày, ngồi trên những gối thấp, hai chân xếp bằng lại như ngồi trên ván. Một bàn tròn ngồi quây quần. Đức Ngài, Ông Thủ Tướng, Ông Minh, Ông Bí Thư của Thủ Tướng, Cô Tư và tôi. Nơi đây đãi chung và chỉ là lần thứ nhứt, Ông Thủ Tướng Nam Hàn dùng chay.

Đồ ăn nấu rất ngon và dọn theo lối Nhựt. Trong bữa ăn, Đức Ngài nói chuyện rất nhiều, trong bầu không khí vui vẻ thân mật. Tiệc kéo dài đến 8 giờ 45, cả thảy đều mệt mỏi vì ngồi xếp bằng, Đức Ngài xin kiếu từ và ra xe về đến nhà hàng 15 phút sau.
Trong tiệc, Bà Tổng Thống có nhờ Ông Thủ Tướng tặng cho Cô Tư một cái tô bằng đồng.

Nhân dân Việt Nam tiển đưa Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc Á Du.

Ngày 2-9-Giáp Ngọ (dl 27-9-1954)
Hôm nay là ngày đi trở lại Tokyo lúc 2 giờ trưa, nên từ sáng đã lo sắp đặt hành lý vào valise.
Lúc 9 giờ rưỡi có Ông Hội Trưởng Á Tế Á Dân Tộc Phản Cộng Liên Minh đến hầu chuyện cùng Đức Ngài để trao chương trình, và 11 giờ có nhân viên nơi Bộ Ngoại Giao đến để rước Đức Ngài đi hội kiến cùng Tổng Thống tại Tổng Thống Phủ để từ giã.

Sau khi từ Tổng Thống Phủ ra về đến nhà hàng thì lại được tin rằng, hãng Hàng không C.A.T. chuyến 2 giờ rưỡi không có vì thời tiết xấu bất thường và hãng đã định sang cho chiếc máy bay của hãng khác, song phải thêm tiền lấy chỗ ngồi, và chuyến máy bay nầy cất cánh lúc 6 giờ rưỡi chiều. Như thế cả Phái đoàn phải đợi đến 6 giờ rưỡi mới đáp phi cơ sang Tokyo.

Đến 5 giờ, nhân viên Ngoại Giao Bộ đến rước Đức Ngài cùng Phái đoàn ra phi trường, có cả 2 vợ chồng Ông Hội Trưởng Á Tế Á Phản Cộng Liên Minh đến đưa.

Đến phi trường đúng 6 giờ chiều. Chiếc máy bay 4 động cơ của hãng T.W.A. (Transport Weos Airlines) đã đậu chực tại sân. Ba toán quân danh dự : 2 toán mặc lễ phục võ trang oai vệ, 1 toán Quân nhạc đến dàn tại sân, ngõ vào phi trường để tiễn đưa Đức Ngài lên máy bay đi Tokyo.

6 giờ 15, Đức Ngài cùng nhân viên Ngoại Giao Bộ, các vị Bộ Trưởng cùng vào sân phi trường. Dàn Quân nhạc trổi lên rộn rã hùng hồn, toán lính bồng súng lên chào oai vệ. Đức Ngài duyệt qua toán Quân nhạc, đến chào Quốc kỳ Nam Hàn, xong xả, Đức Ngài duyệt qua hai toán binh, rồi Đức Ngài bước đến bắt tay 2 vị Chỉ huy hai toán binh, tỏ lời cảm tạ và từ giã.

Đức Ngài thẳng lên thang máy bay. Dàn Quân nhạc không ngớt thổi chào đưa. Việc tổ chức tiễn đưa Đức Ngài trong vòng sân đặc biệt, còn bên ngoài lúc 6 giờ cũng có cuộc tiễn đưa các Sĩ quan Trường Cảnh Sát du học bên Mỹ.

Đức Ngài ngồi xong xả trên fauteuil máy bay, lần lượt các vị Bộ Trưởng đến trễ đều có đến tận bên trong máy bay tiễn đưa Đức Ngài (Ông Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao, Bộ Nội Vụ, và Ông Giám Đốc Trường Đại Học).

*
*         *

Phần thứ 3
CUỘC DU HÀNH SANG NHỰT BỔN

Đúng 6 giờ 40, máy bay cất cánh rời phi trường Triều Tiên và bay thẳng trong đêm vừa mờ tối. Rất tiếc một điều là cuộc tiễn đưa rất nên trọng thể tôn nghiêm, song vì trời tối, tôi, mặc dầu có quay phim, song sợ e mờ lắm vì trời quá tối.
Thật là một cuộc tiễn đưa quan trọng, tổ chức khéo léo làm cho Đức Ngài rất cảm động thạnh tình của Chánh phủ Nam Hàn đối với Đức Ngài.
Máy bay nầy của hãng Mỹ, lối bày trí trang hoàng có phần đẹp hơn máy bay của hãng C.A.T., và chỉ trong 15 phút, những điểm đèn lốm đốm của Kinh đô Séoul tan mờ trong đêm lạnh.

Máy bay vẫn bay đều đều đến 8 giờ tối, trong khi hành khách trên máy bay dùng bữa tối, máy bay nhảy sóng khá nhiều, nhưng chỉ trong 10 phút sau là êm tịnh trở lại, và từ đó đến địa phận Nhựt Bổn, máy bay vẫn bay êm thấm cho đến khi Kinh đô rực rỡ với muôn muôn trùng trùng những điểm vàng xanh đỏ chấp chóa một dãy mênh mông của Tokyo trong đêm tối.

Máy bay quầng trên phi trường Haido Kinh đô Tokyo và đáp xuống lúc 1 giờ đêm. Xuống phi trường thì thấy có vị Cố Vấn Lãnh sự Đài Loan và Ông Matusita ra đón tiếp. Sau khi đem cả hành lý ra xe, hai chiếc xe đưa Đức Ngài và Phái đoàn đến trọ tại nhà hàng sang trọng ở gần Hoàng Cung, nhà hàng Teito Hotel (Đế Đô Khách sạn).
Đức Hộ Pháp đi trước, Tráng Liệt ôm hài cốt của Cha, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Sau khi xuống phi cơ tại Tân Sơn Nhất. Sài Gòn.

Đức Ngài cùng Phái đoàn tức cấp đi ngủ sau gần trọn ngày chờ đợi mệt nhọc.

Ngày 3-9-Giáp Ngọ (dl 28-9-1954)
9 giờ sáng, Ông Quí Chính, một Việt kiều ở Tokyo đến viếng Đức Ngài và Ông Matusita tiếp chuyện.
Đến 12 giờ, vị Lãnh sự Đài Loan đến rước Đức Ngài và Phái đoàn đến dùng cơm nơi Sứ quán.

Dùng cơm xong, cả Phái đoàn trở về và ghé lại Chùa thờ Đức Khổng Phu Tử. Nơi đây là một ngôi chùa đồ sộ, lối kiến trúc tương tự ở Cao Ly, nhưng chắc chắn và bền bĩ hơn nhiều, từ cột kèo đều bằng xi măng và đà sơn đen. Chùa đóng cửa, không có ai tiếp, nên Đức Ngài ra về, trong lúc trời mưa lâm râm. Về đến nhà trọ, Đức Ngài lại phải tiếp chuyện cùng Ông Quí đến tối.

Dùng bữa tại nhà hàng và Đức Ngài nghỉ cho đến hôm sau.

Ngày 4-9-Giáp Ngọ (dl 29-9-1954)
Sáng 9 giờ 30, Ông Matusita đến với một chương trình sắp đặt cuộc du lịch trong lúc còn lưu lại Tokyo.
Buổi trưa dùng cơm nơi nhà hàng.

Vào lúc 1 giờ, Đức Ngài đi đến Chùa Gokokuji, nơi đã để tro của Cụ Cường Để. Đến nơi, một vị trong Chùa mời Đức Ngài vào yết kiến Hòa Thượng cai quản toàn cả Chùa.

Đức Ngài xin vào làm lễ rước tro cốt hài của Cụ Cường Để, Đức Ngài để lại một số tiền cúng hành hương rồi từ giã ra về.
Xe chạy về, Đức Ngài đến thăm Ông Chánh Văn Phòng Ngoại Giao Bộ, nơi đây Đức Ngài đàm luận hơn nửa giờ, rồi kiếu từ về nhà hàng. Ở nhà hàng, có phóng viên A.F.P. đến phỏng vấn cuộc du hành của Đức Ngài với mục đích gì.... và đến 5 giờ có Ông Quí đến nói chuyện tới tối.

Bữa cơm tối đã dọn lên. Nơi đây là một nhà hàng sang trọng dành riêng cho người ngoại quốc, nên chẳng biết nấu đồ chay, chỉ đem đồ rau cải lên mà thôi. Thật là khó nuốt trôi cơm vì không có món nào mặn miệng để ăn cơm cả. Đức Ngài chỉ dùng cơm lạt với rất ít rau cải. Xong, đi nghỉ.

Ngày 5-9-Giáp Ngọ (dl 30-9-1954)
Hôm nay, Đức Ngài ở nhà. Lúc 10 giờ có ông Quí đến nói chuyện và có Mẹ vị thầy thuốc Nhựt ở Chợ Long Hoa đến hỏi thăm tin tức. Trưa, có Ông Matusita đến nói chuyện và trọn ngày nay, Đức Ngài chỉ ở nhà thôi, riêng Cô Tư có người dẫn đi mua đồ cho đến chiều.

Ngày 6-9-Giáp Ngọ (dl 1-10-1954)
Ngày nay, Ông Matusita định mời Đức Hộ Pháp đến dùng bữa chay tại một nhà hàng lúc 12 giờ .
12 giờ kém 15, Ông Matusita cùng Ông Oda đến rước Đức Ngài đi viếng một ngôi chùa thờ Phật ở Tokyo, ngôi chùa tuy không lớn, nhưng rất gọn ghẻ sạch sẽ. Đức Ngài vào xem sơ qua phía trước chùa xong, Ông Matusita mời vào một phòng khách của một nhà hàng cơm chay hiệu Giác Chánh, sự thật ra là một dãy nhà nhỏ cất theo lối Nhựt. Bước vào cổi giày để đi vào một phòng khách, ngồi xếp bằng trên những gối lớn, đẹp và mỏng.

Chủ tiệm cơm làm lễ đãi trà tươi theo lối Nhựt, một chung trà tươi, nước keo xanh độ chừng 3 hớp, đựng trong những chén hình như cái thố bên ta, u nần méo mó, song rất đặc biệt quí phái . Chủ nhà là một người đàn bà Nhựt độ 35 tuổi, gương mặt hiền hậu, bưng vào quì đãi. Uống trà xong, Đức Ngài ngồi nói chuyện với Ông Matusita , Ông Oda, Cô Tư và tôi. Chờ mãi cho đến 1 giờ 15 phút, Ông Matusita mới cho hay rằng cơm đã dọn lên.

Tất cả sang qua phòng ăn. Đây cũng là một cái phòng 4 cái ghế cao độ chừng 3 tấc, kê lại làm bàn ăn. Cả thảy ngồi xếp bằng chung quanh, có 2 cô gái Nhựt mặc Kimono vào dọn ăn theo từng món. Đây là một bữa tiệc đặc biệt theo lối Nhựt nấu chay. Đồ ăn mỗi lượt đặt vào trong một mâm bằng cây nhỏ cho mỗi người, chén dĩa kiểu lạ theo hình mặt trăng, chiếc muỗng tam giác bán nguyệt, vv... Đồ ăn chỉ ít ít, toàn đồ rau cải sống, nấu ngon và lạ miệng. Đức Ngài dùng rất khen và hỏi thăm căn cội nhà hàng cơm chay nầy.

Đây là một quán nấu đồ chay đặc biệt, chỉ có một tiệm nầy mà thôi, trong cả Châu Thành Tokyo. Tiệm nầy tạo lập ra được 300 năm và truyền lại được 9 đời. Người Nữ chủ nhà là người kế nghiệp đời thứ 9 của nhà hàng cơm chay, không quảng cáo rao hàng chi cả.

Bữa cơm kéo dài hơn 1 giờ rưỡi mới xong.Đức Ngài ra xem cảnh chùa và vào điện làm lễ. Điện giữa thờ Phật Thích Ca, hai bên có rất nhiều tượng Phật ngồi sắp hàng, song có đội mão, chớ không để đầu trần như ở các chùa bên ta. Tả ban và Hữu ban cũng thờ tượng Phật. Đức Ngài cúng xong, tôi để một số tiền hành hương và đi xem phong cảnh chùa, thật là sạch sẽ vén khéo, khác hơn cách sắp đặt kiểu chùa như bên ta. Bên ngoài có kiểng vật, có tượng Đức Phật Bà Quan Âm bằng đồng. Xem xong, Đức Ngài lên xe Taxi trở về nhà hàng lúc 4 giờ và lên phòng nghỉ.

Đến 6 giờ có Ông Quí đến nói chuyện với tôi, còn Đức Ngài tiếp chuyện với một vị Đại Tướng Nhựt, một vị Tướng trong 4 vị Tướng lãnh đạo cuộc viễn chinh của Nhựt lúc trước . Cuộc đàm luận kéo dài đến 9 giờ rưỡi đêm mới ra về. Cùng trong buổi tối ấy, có một Kỹ sư về ngành thủy điện đến trình bày cách đặt máy phát điện dùng thủy lực, vì Đức Ngài muốn đặt một máy điện ở núi Điện Bà Tây Ninh.

Ngày 7-9-Giáp Ngọ (dl 2-10-1954)
Ngày nay là ngày chót của những ngày lưu lại trên Kinh đô nước Nhựt, mà cũng là ngày hồi hộp nhứt trong việc lấy tro cốt hài Cụ Cường Để, mục đích duy nhứt của Đức Ngài khi đến Tokyo ở nước Nhựt. Thật ra sự lấy tro cốt hài của Cụ Cường Để, Đức Ngài đã không hy vọng từ hôm có điện văn đánh từ Tokyo đến Đài Bắc cho hay rằng sự lấy tro cốt hài bị một số Việt kiều cản trở nên không thể thực hiện được.
Sang Tokyo, Đức Ngài chỉ nhờ cậy Ông Matusita dẫn lối để lấy cốt hài, song đến nơi, sau nhiều cuộc đàm luận với số đông Việt kiều ở Nhựt, thì thấy rõ vụ cản trở ấy không đáng kể, mà ngược lại, Ông Matusita không muốn lo lắng và có ý không muốn cho đem tro cốt hài về Việt Nam, cốt yếu giành lại, để lợi dụng về mặt Chánh trị sau nầy mà thôi.

Sau những cuộc vận động của Ông Quí với Ông Nhiếp, người cầm giữ Chúc Thư và cũng là người có quyền cho đem hay không số tro cốt hài ấy. Kết quả thì thấy có hy vọng đem về nước được, song một điều là phải vận động bí mật luôn luôn, lúc nào cũng tránh sự gặp mặt của Ông Quí và Ông Matusita.

Ngày nay là ngày làm lễ truy điệu của Cụ Cường Để nơi chùa. Đức Ngài được mời đến dự.

9 giờ ban mai, một chiếc xe riêng của nhà báo có phóng viên , nhiếp ảnh viên và Ông Oda chạy đến rước Đức Ngài đến chùa làm lễ.

Lên xe, phóng viên nhà báo phỏng vấn Đức Ngài về cả mọi phương diện, mục đích cuộc du hành và sự lấy tro cốt hài của Cụ Cường Để. Xe chạy chậm chậm đến chùa, và lợi dụng cơ hội ấy, phóng viên tha hồ phỏng vấn.

Đến chùa, Đức Ngài vào tiếp chuyện với vị Sư Trưởng nơi ấy, xong ra Điện làm lễ. Đây là một ngôi chùa lớn có tiếng nhứt ở Tokyo, với lối kiến trúc giống như ở Cao Ly, mái cao uốn cong lên, chạm trổ hoa hòe, gọi là chùa Gokokuji.

Đức Ngài vào Điện cùng nhiều người cố hữu của Cụ Cường Để, ngồi theo điệu quì hai chân xếp lại đàng sau. Nhiều vị sư ở trong chùa đi thành hàng một kéo ra từ nhà khách thẳng đến Điện. Họ mặc gần giống như nhà sư bên ta, song áo màu xanh, màu maron, chớ không màu vàng, có đeo một miếng vải dài chạy chỉ để thế cái Khậu của nhà Thiền.

Vào chùa, tiếng khèn nổi lên, vị Sư Trưởng ngồi giữa, trên một cái ngai riêng hành pháp, hàng tăng ni đứng dài trước bàn Phật hành lễ, tiếng kinh ê-a ăn rập theo tiếng khèn, tiếng chuông êm dịu. Sau đó lần lượt Đức Ngài lên chỗ để tro , thắp hương và mật niệm, rồi trở về chỗ cũ. Tiếp theo là các người đi dự lễ cũng vậy. Xong Đức Ngài hành hương 20 ngàn đồng Yên.

Cuộc cúng tế kéo dài đến hơn 1 giờ và Đức Ngài ra xe về nhà hàng Teito lúc 12 giờ . Ông Matusita cùng đi với Đức Ngài về nhà hàng. Về đến nơi, thình lình gặp Chú hai Hiếu (Thanh Tra Chánh Trị Đạo) ở Sài gòn đến. Ông Hiếu vào trình Đức Ngài và Đức Ngài rất lấy làm lạ cho cuộc đến thình lình của Ông.

Sau khi đưa các bức thơ và tường thuật sơ tình hình bên nước nhà, Ông Hiếu lại phải đi dùng cơm với Ông Matusita tại nhà hàng.

Lật bật đến 3 giờ chiều. Ông Quí đem xe đến rước Đức Ngài, Ông Hiếu, Ông Matusita, Ông Minh, Ông Oda và tôi, cùng đi đến chùa để lấy tro cốt hài.

Đến chùa có Ông Nhiếp đã đến trước chờ. Cuộc hội ngộ bất ngờ giữa Ông Nhiếp và Ông Matusita. Sau khi Ông Nhiếp trình bày bức Chúc thơ của Cụ Cường Để giữa cả mọi người để xin giao tro cốt hài cho Đức Ngài mang về Việt Nam và xin Cụ Sư Trưởng nơi chùa cho phép. Cụ Sư Trưởng chấp thuận. Sau vài phút làm lễ, Cụ Sư Trưởng khệ nệ bưng cái hộp bằng cây, ngoài có bao vải trắng cột lại, đến giữa mọi người, lụi hụi mở ra. Sau 2 lớp vải bao đến cái hộp bằng cây, dở nắp cây ra, ở trong còn có một cái bình đen bằng sành có nắp đậy, dở nắp bình lên thì thấy độ một vóc xương nhỏ nhỏ trắng đã cháy thành vôi đóng khối lại. Đó là dấu vết tro cốt hài của Cụ Cường Để, mặc dầu ở nơi chùa cũng có một bình đựng một mớ tro của một người khác.

Nơi chùa có thể cho người ta xem tro ấy, nói rằng đó là tro của người mà họ muốn xem, vì sợ tro thiệt bị người ta đánh cắp mất.

Xem xong, Cụ Sư Trưởng đậy nắp và cột lại như cũ, rồi trịnh trọng bưng giao lại cho Ông Nhiếp. Ông Nhiếp cẩn thận trân trọng trao lại nơi tay Đức Ngài, xong, để xuống và Ông Nhiếp rất cảm động ôm chầm lấy Đức Ngài. Bằng một giọng nghẹn ngào, Ông nói rằng : Hôm nay Ông đã vâng theo lời người quá cố mà giao tro cốt hài lại tận tay Đức Ngài theo lời trong Chúc thơ và xin lỗi cả mọi người.

Đức ngài rất cảm động đáp từ và để lời cám ơn Ông Nhiếp, Ông Matusita và Cụ Sư Trưởng. Xong Ông Nhiếp giao cả Chúc thơ và trọn giấy tờ dấu vết của Cụ Cường Để lưu lại trước khi chết cho Đức Ngài. Đức Ngài viết một tờ nhận lãnh tro cốt hài, giao lại cho Ông Nhiếp cầm, có cả Phái đoàn ký tên làm chứng.

Xong Ông Hiếu trịnh trọng bưng hộp tro ra xe để về nhà hàng lúc 6 giờ chiều. Ông Nhiếp tiễn đưa đến nhà hàng rồi trở về. Tối đến, Ông Matusita đến dùng cơm tại nhà hàng với Ông Hiếu, cùng Ông Quí, cùng vài Việt kiều khác cho đến 9 giờ.

Các phóng viên nhà báo Nhựt cũng như phóng viên của A.F.P. đến xin phỏng vấn, khiến Ông Matusita lánh mặt không tiếp. Phóng viên A.F.P. cũng bị từ chối trong Téléphone. Cả những Việt kiều đều đến để chờ đưa Đức Ngài lên máy bay, đều hội lại nói chuyện ở phòng tôi cho đến 10 giờ đêm, cả Phái đoàn đều đem hành lý ra xe để đến phi trường , vì máy bay sẽ khởi hành đúng 12 giờ 1 phút.

Lãnh sự quán Trung Hoa đến đón và đưa ra phi trường. Sau khi đem hành lý xong, Đức Ngài ngồi nơi phòng đợi tại phi trường.

Đến 12 giờ kém 15, hãng Hàng không C.A.T. cho hay để lên máy bay và đúng 12 giờ 1 phút, máy bay cất cánh từ giã Tokyo sáng ngời lốm đốm trong đêm tối.

Máy bay bay đều đều và mãi đến 7 giờ sáng, phi cơ quầng sân Đài Bắc và đáp xuống. Một số Hoa kiều ở Chợ Lớn, lối 5 người, ra đón tiếp Đức Ngài và có cả Phái đoàn còn lại ở Pế Thầu.

Sau vài lời chào hỏi xã giao, Đức Ngài cùng các nhân viên Ngoại Giao Bộ, Ông Yu Kia Ling và Ông Jou, Cô Tư và tôi lên xe về Dinh Bắc Đầu.

*
*            *

Phần thứ 4
TRỞ VỀ ĐÀI LOAN

Ngày 8-9-Giáp Ngọ (dl 3-10-1954)
Về Chiêu Đãi Sở, nơi yên tĩnh u nhàn của vùng rừng núi, Đức Ngài nhận thấy khỏe khoắn nhiều vì liên tiếp 10 ngày đi đứng và điều cần yếu là phải nghỉ để dưỡng sức lại.
Cả Phái đoàn tùy tùng người Hoa kiều lần lượt trở lại Chiêu Đãi Sở, vì trong thời gian Đức Ngài và chúng tôi đi vắng, những người còn lại trong Phái đoàn đều phải dời đến ở tại một Khách sạn nơi Châu Thành Đài Bắc để đỡ chi phí, vì nơi Chiêu Đãi Sở, chi phí mỗi ngày rất lớn.

Chánh phủ Trung Hoa Dân Quốc đang hồi chuẩn bị đại sự, phải tốn kém nhiều để chỉnh tu binh lực, nên từ hàng Thượng quan đến hàng binh sĩ, cùng các hạng công chức, mỗi mỗi đều hy sinh làm việc nhiều nhưng lãnh lương vừa đủ sống thôi, để góp sức vào việc kiến thiết quốc gia.

Do cớ, Bộ Ngoại Giao muốn tiết kiệm một phần nào cho Chánh phủ nên mới dời cả Phái đoàn còn ở lại đến tạm trú nơi một khách sạn cho đỡ phần chi phí. Và trọn ngày nay, Đức Ngài còn nghỉ nơi phòng.

Ngày 9-9-Giáp Ngọ (dl 4-10-1954)
Hôm nay, các chuyên viên Ngoại Giao Bộ đến thăm Đức Ngài để hỏi về kết quả trong chuyến đi Cao Ly và Nhựt Bổn, và có nhã ý muốn mời Đức Ngài ở lại dự Lễ Song Thập tới đây.
Từ hôm còn ở Nhựt, Đức Ngài dự định Thứ sáu nầy (8-10-1954) sẽ trở về Sài gòn, vì còn lưu lại vài hôm để hầu chuyện một lần chót cùng Tưởng Tổng Thống để bàn định cả sự nhận xét tình thế ở Cao Ly và Nhựt Bổn. Hôm nay với sự ân cần mời mọc của Ngoại Giao Bộ, mời Đức Ngài ở nán lại để dự Lễ Song Thập, một dịp hiếm có trong khi Đức Ngài để bước đến Đài Loan.

Trước sự ân cần chơn tình của Bộ Ngoại Giao nên Đức Ngài chấp thuận ở lại dự lễ rồi sẽ về. Thế là cả Phái đoàn đình sự sắp soạn ngày về để chờ dự lễ. Ông Minh và tôi phải đi đánh điện về Sài gòn cho hay việc dời ngày về.

Buổi chiều hôm nay, Ông Tướng Lý Di có đến thăm Đức Ngài. Cuộc gặp gỡ đàm luận rất lâu cùng Ông về Chánh trị thời cuộc cũng như về quân sự.

Ngày 10-9-Giáp Ngọ (dl 5-10-1954)
Hôm nay, Đức Ngài nghỉ ở Chiêu Đãi Sở trọn ngày. Phái đoàn còn lại chỉ làm tiêu thì giờ bằng cách đi dạo xem giải trí ở Châu Thành Đài Bắc.

Ngày 11-9-Giáp Ngọ (dl 6-10-1954)
9 giờ hôm nay, chuyên viên Ngoại Giao Bộ đến rước Đức Ngài đưa đến viếng Tổng Thống, cùng đi có Ông Minh, Ông Hiệp và Ông Yu Kia Ling. Chiều lại, Đức Ngài đi dùng tiệc nơi nhà Ông Tướng Lý Di tại tư gia.

Ngày 12-9-Giáp Ngọ (dl 7-10-1954)
Gần đến ngày về, những người trong Phái đoàn như Ông Dình, Trương Lê Đông, Lao trọng Thăng, lo ra Châu Thành mua đồ cần thiết để đem về. Ông Hiệp mua sách, Ông Dình mua trà, vv... Ai ai cũng mong ngày về.
Hôm nay, nhân viên Ngoại Giao Bộ đem Thiệp mời Đức Ngài dự Lễ Song Thập. Ông Minh, Ông Yu Kia Ling, Ông Hiệp, Cô Tư và tôi thì đang lo giấy tờ của một Nhiếp ảnh viên ngoại quốc. Tối đến có tổ chức buổi chiếu bóng tại Chiêu Đãi Sở, chiếu các phim Đạo đã đem theo , máy chiếu do Bộ Ngoại Giao mượn giùm. Đêm ấy có mặt Ông Bà Tướng Lý Di, Ông Jou và Phu nhân, cùng vài vị quan khách.

Ông Lý Di cùng quan khách rất hoan nghinh cuộc Lễ Trung Thu tại Tòa Thánh Tây Ninh. Xong Ông đem chiếu một cuồn phim quay khoảng đời kháng chiến chống Trung Cộng của Ông ở Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Đông.

Ngày 13-9-Giáp Ngọ (dl 8-10-1954)
Ngày nay, Đức Ngài nghỉ trọn ngày ở Chiêu Đãi Sở. Ô. Minh đi lo giấy tờ sang Hồng Kông trước khi về Sài gòn.

Ngày 14-9-Giáp Ngọ (dl 9-10-1954)
Hôm nay, nhân viên Ngoại Giao Bộ đem Thiệp mời các Ông : Giáo Hữu Ngọc Trôi Thanh, Trương Lê Đông, Ông Dình, và Lao trọng Thăng, đến dự Lễ Song Thập theo hàng Ngoại kiều ở Hải ngoại. Mỗi người đến dự lễ đều có ghim theo thiệp mời một dấu hiệu riêng đeo lên ngực , một bản đồ về chỗ ngồi nơi khán đài và chương trình cuộc lễ.
Cả Phái đoàn đều nghỉ để chờ hôm sau đi dự lễ. Từ hôm qua, nơi Dinh Bắc Đầu, trời khởi cơn mưa lấm tấm vì nay đã sang Thu, gió đã lạnh, các cửa kiếng đã lắp vào hết. Luôn cả ngày đêm chung quanh Chiêu Đãi Sở chỉ thấy mưa mù trắng xóa, không khí ẩm ướt, mưa chỉ lấm tấm rơi như vãi cám kéo dài suốt ngày và đêm, duy ở Châu Thành thì ít mưa hơn và có hồi tạnh ráo. Quang cảnh nơi Chiêu Đãi Sở rất nên buồn tẻ, đường sá vắng ngắt.

Ngày 14-9-Giáp Ngọ (dl 10-10-1954)
Hôm nay cả Phái đoàn thức dậy sớm, dùng điểm tâm để sửa soạn đi dự Lễ Song Thập. Xe đưa Phái đoàn người Huê nhơn và tôi đến trước, vì tôi còn phải vào trình giấy Nhiếp ảnh viên Ngoại quốc và có đem theo cái máy nhiếp ảnh cùng máy quay phim đến khám xét trước khi vào nơi Duyệt Binh đài.
Ngày nay, trời đã bớt mưa và dưới Đài Bắc thì có phần tạnh ráo. Dọc theo đường thì người ta đi tấp nập đến xem lễ, vào trung tâm Châu thành Đài Bắc chỉ các xe có số hiệu và số riêng mới được phép lưu thông. Từ ngoại ô đến Châu thành, hai bên phố treo cờ rực rỡ, tiệm quán đều đóng cửa, họ mặc quần áo lòe loẹt để đón lễ. Các công sở đều bông cửa Tam quan rộn rịp, các nẻo lưu thông đều có lính Cảnh sát hiệp với Cảnh binh để giữ trật tự. Cả đoàn người đều đi về phía Tổng Thống Phủ, nơi trung tâm diễn hành cuộc lễ.

Xe đã đến nơi chỗ đậu, bên hông Dinh Tổng Thống. Phái đoàn xuống xe để đến Khán đài. Mỗi người có thiệp mời đều có số ghế ngồi nơi các Khán đài Đông hay Tây.

Tôi lại ghi tên và đem kiểm soát máy ảnh, tay đeo brassard, và đeo nơi ngực biểu hiệu của cuộc lễ. Tôi vào sân khán đài chung lộn cùng các Nhiếp ảnh viên và Phóng viên Ngoại quốc. Họ rất đông với rất nhiều máy ảnh, máy quay phim lớn nhỏ. Họ săn đón cơ hội để chụp ảnh và quay phim.

Trên một dãy Khán đài thật rộng và dài, quan khách lần lượt lên ghế ngồi của mình, đủ hạng chư vị Bộ Trưởng, quí vị Sứ Thần, chư vị Đại diện các nước ngồi chật cả mấy ngàn ghế. Trước Khán đài, một khoảng rộng nằm trước sân Dinh Tổng Thống, binh sĩ các hạng, súng ống chỉnh tề, sắp đông nghẹt cả một vùng, hai bên mặc toàn quân phục trang hoàng, các quân nhân của các Cơ quan phụ thuộc sắp dài làm một hàng rào vững chắc, cờ xí phất phới các nơi, nhứt là trước Khán đài hay Duyệt Binh đài chưng dọn đẹp đẽ, các giá cờ vẽ hình Song Thập, cờ bay rực rỡ, Dinh Tổng Thống được chưng dọn tuyệt mỹ với Bản đồ Trung Hoa Dân Quốc bằng đèn màu và bức tượng phóng đại của Tôn Trung Sơn dựng ở trên cao.

Đứng trên Khán đài nhìn xuống thấy cả một biển người bao vây hết một vùng đông nghẹt các đường phố. Quan khách và các yếu nhơn tấp nập đi tới, máy phóng thanh không ngớt kêu gọi và lễ khai mạc đúng 9 giờ .

Giở cử hành cuộc lễ sắp đến. Mọi người đều hướng về Dinh Tổng Thống để chờ Tưởng Thống Chế.

Đến 9 giờ kém 3 phút, xe của Đức Ngài vừa đến, chiếc Lincoln màu đen có cờ Đạo và cờ Đài Loan tiến đến khán đài. Đức Ngài từ từ bước xuống và vào Khán đài, đi sau là Ông Hiệp, Ông Yu, Ông Minh và Cô Tư. Tướng Bạch Sùng Hy cùng nhiều nhơn vật khác đều có mặt, đứng dậy chào mừng Đức Ngài.

9 giờ đổ kiểng, đoàn nhạc trổi, và máy phóng thanh hô lên, Tưởng Thống Chế từ cửa Tổng Thống Phủ bước ra. Các Nhiếp ảnh viên, các Phóng viên chực sẵn để lấy ảnh vị Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch.

Đoàn Vệ binh mặc quân phục oai vệ đón chào nơi cửa chánh, và sau tiếng lệnh, Đoàn Quân nhạc thổi chào và Tổng Thống từ từ bước xuống tam cấp để đến Duyệt Binh đài. Vị Tổng Thống, trong bộ võ phục rất oai vệ, đưa tay chào các quan khách. Ba tiếng súng Đại bác nổ vang trời để khai mạc buổi lễ và bản Quốc thiều Trung Hoa Dân Quốc nổi lên hùng hồn, cả thảy đều đứng dậy chào cờ. Một lá cờ Thanh Thiên bạch nhựt mãn địa hồng to lớn từ từ kéo lên cao.

Bản nhạc dứt, trên một chiếc xe Jeep trần, vị Tổng Tư Lệnh Lục Quân oai vệ đứng trên xe duyệt qua Khán đài. Trên không, phi cơ chiến đấu biểu diễn rần rộ, bay từng đoàn qua Khán đài, rồi kế tiếp đoàn Quân nhạc tiến đến vị trí của mình, quân phục chỉnh tề, một màu sắc, tiếng nhạc rập ràng giục thúc, làm cho buổi lễ thêm rộn rã tưng bừng. Chẳng để mất một phút nào cả, Quân lực Hải và Lục quân lần lượt biểu diễn qua Khán đài, khởi đầu là Hải quân với quân phục trắng, cây đại kỳ dẫn đầu, tiếp đến là Quân nhạc của mỗi đại đội và theo sau là binh sĩ. Họ đi rất rập ràng mạnh mẽ hùng dũng lướt qua Khán đài, tiếng vỗ tay vang dậy mỗi phen đoàn quân diễn hành đi ngang qua.

Sau Hải quân rồi đến Lục quân. Cũng như Hải quân, mỗi đại đội đều có dàn Quân nhạc đi trước . Đoàn kỵ binh cỡi trên ngựa oai vệ và chạy chậm chậm rất ngay hàng qua Khán đài. Tiếp theo là đoàn Pháo binh có mang và đẩy theo các thứ súng hạng nhẹ, súng liên thanh hạng nặng, các súng hỏa tiễn, vv... Hết Pháo binh đến Bộ binh.

Tổng Thống nét mặt hân hoan đưa tay lên chào mỗi phen các đoàn binh duyệt qua Khán đài.

Hết Bộ binh đến Chiến xa, Thiết giáp xa, có kéo theo các khẩu đại bác to tướng đủ hạng, rồi tới các xe tăng nhẹ và nặng chạy diễn qua Khán đài, rồi lần lượt đến các bộ phận trong cơ ngũ đều biểu diễn một lần đi qua Duyệt Binh đài.

Cuộc biểu diễn liên tiếp đi qua trong một tiếng đồng hồ không ngớt và đây chỉ là một sư đoàn trong hơn 50 sư đoàn hiện diện ở Đài Loan.

Các binh đội biểu diễn qua Khán đài một lần đã hết. Sau rốt có lịnh cho các Bộ đội tựu họp trước Khán đài. Họ rần rộ chạy đến có hàng ngũ rồi đứng trước Khán đài.

Tổng Thống Tưởng Giới Thạch đứng trước máy vi âm để lời phủ dụ các chiến sĩ, giọng nói sang sảng, oai vệ, hùng hồn. Toàn cả Binh đoàn yên lặng cúi đầu nghe dạy.

Một Đại diện đứng ra thay mặt để lời chúc tụng nước Trung Hoa thân yêu, cám ơn và hô to những khẩu hiệu. Trên mọi nét mặt đều có vẻ cương quyết rắn rỏi lạ lùng. Thật là một cuộc diễn binh vĩ đại, chứng tỏ quân đội Quốc Dân Đảng hùng cường, rồi đây đất nước Trung Hoa sẽ thống nhứt.

Buổi lễ hôm nay đến đây chấm dứt. Quan khách rần rộ ra về trên các con đường trong thành phố, sóng người cuồn cuộn chảy, xe cộ nối đuôi nhau túa ra các ngả.

Đoàn xe đưa cả Phái đoàn về Dinh Bắc Đầu phải mất ngót một tiếng đồng hồ mới ra khỏi châu thành, về đến Chiêu Đãi Sở đã 12 giờ . Dùng cơm xong, Đức Ngài vào phòng nghỉ.

Tối đến, Phái đoàn trở xuống Đài Bắc để xem cộ và pháo bông trước Dinh Tổng Thống. Đèn màu giăng tứ phía làm sáng rực một vùng và người đi xem tấp nập tới như thác đổ, mặc dầu trời vẫn mưa lâm râm.

Ngày 15-9-Giáp Ngọ (dl 11-10-1954)
Ngày về đã nhứt định là ngày 12-10-1954 và Chánh phủ Trung Hoa sẽ dành một máy bay riêng để đưa cả Phái đoàn trở về Việt Nam.
Để đáp lại thạnh tình của Chánh phủ và Việt kiều ở Đài Loan, Đức Ngài định tổ chức một bữa tiệc rượu thân mật chiêu đãi quí khách đã chiếu cố Phái đoàn trong thời gian lưu trú nơi đây.

Việc tổ chức bữa tiệc nầy, Đức Ngài giao cho Ông Minh, Ông Yu, Ông Hứa văn Hiệp. Bữa tiệc sẽ đãi ở Đài Bắc lúc 6 giờ chiều ngày 11-10-1954 nơi nhà đãi khách của Chánh phủ.

Từ sáng sớm, những người có phận sự đều đi xuống Đài Bắc, người lo đãi tiệc, người lo giấy tờ, hành lý, mỗi người đều lo sắp đặt sẵn, và hôm nay nơi Dinh Bắc Đầu, trời vẫn mưa dầm mù mịt lạnh lẽo.

Chiều lại, lúc 4 giờ , cả nhân viên trong Phái đoàn đều xuống hết ở Đài Bắc để sắp đặt bữa tiệc. Đặc biệt hơn hết là trong bữa tiệc hôm nay có vẻ quí phái sang trọng hơn hết vì Đức Ngài cho phép mua các thứ rượu mạnh và mắc tiền để đãi. Ở đây vì còn trong vòng kiến thiết nên Chánh phủ đã ra lịnh tiết kiệm, cấm xa xỉ. Trong các bữa tiệc của Chánh phủ, dầu lớn đến đâu cũng chỉ đãi rượu bia hay nước ngọt, đặc biệt là nước chanh, chớ rất ít khi được thấy rượu mạnh. Các thứ rượu mạnh và quí ở đây rất mắc, ít ai dám dùng đến.

Trong bữa tiệc nầy, có cả các thứ rượu mạnh để đãi, vì trong Phái đoàn tự nghĩ chỉ có một lần nầy mà thôi, nên không sợ tốn kém.

5 giờ 45, Đức Ngài đến. Nơi phòng tiệc đã có một số ít Việt kiều và nhân viên Ngoại Giao Bộ đến trước . Các quan khách mời lần lượt đến. Đây là những khách quí mà Đức Ngài và Phái đoàn đã gặp từ ngày để bước đến Đài Loan. Tất cả Việt kiều gần như có mặt đầy đủ, lối 15 người. Họ rất cảm động trong lúc trao đổi câu chuyện với Phái đoàn vì ít khi có dịp hội ngộ như vầy.

Quan khách vẫn lần lượt đến. Trừ ra Tưởng Tổng Thống, ta thấy có Phó Tổng Thống Trần Thành, Bí thư Trưởng Trương Quân, chư vị Bộ Trưởng, chư vị Đại diện các tôn giáo, vv...

Họ đến chào mừng Đức Ngài trong tình thân mật nhưng không kém phần kính nể. Đức Ngài rất vui vẻ tiếp chuyện, sau khi dùng rượu và bánh theo lối tiệc Lunch.

Tất cả quan khách có đến 100 vị được mời sang phòng bên cạnh để xem chiếu bóng phim của Phái đoàn đem theo và do tôi chiếu về các cuộc lễ Khánh Thành ở Tòa Thánh, cuộc Âu Du của Đức Ngài, chiếu đến các cuộc lễ, cuộc rước Đức Ngài dự lễ... Những tràng pháo tay hoan nghinh vang dậy. Mỗi đoạn, Ông Ju và Ông Hiệp dẫn giải ra tiếng phổ thông, nhờ đó khán giả cũng được hiểu đôi phần về Đạo.

Buổi chiếu bóng kéo dài đến 45 phút, phim hết, quan khách lần lượt kiếu từ ra về. Cảm đọâng hơn hết là số Việt kiều rất quyến luyến Phái đoàn, họ cầu chúc, nhắn gởi những lời thành thật về quê nhà và họ thú thật, đây là lần thứ nhứt số Việt kiều ở đây được hân hạnh nở mặt cùng Chánh phủ Trung Hoa Dân Quốc trong những ngày lưu vong nơi xứ nầy.

Đã 8 giờ, tiệc xong, khách về hết. Cả Phái đoàn cũng ra về, trở lại Chiêu Đãi Sở và đêm nay, nôn nóng ngày về, ai cũng không ngủ được, lo kiểm điểm lại hành lý để sáng lên đường.

Ngày 16-9-Giáp Ngọ (dl 12-10-1954)
Từ sáng sớm, cả Phái đoàn đã dậy sửa soạn. Đức Ngài ra lịnh cho tiền cả nhân viên có phận sự lo lắng cho Phái đoàn ở Chiêu Đãi Sở. Họ rất cảm động lòng tốt của Phái đoàn. Số tiền cho các tài xế cũng như người phụng sự có đến bằng số lương tháng của mỗi người.
Sau bữa ăn sáng, hành lý đã dọn ra xe và lần lượt chở đến phi trường . Đến 9 giờ , Đức Ngài mới ra từ giã cả nhân viên nơi Chiêu Đãi Sở để ra xe tới phi trường.

Đoàn xe 4 chiếc nối đuôi nhau chạy xuống Đài Bắc. Ngó lại Chiêu Đãi Sở gần như giấu mình trong rừng cây và đá. Tôi cảm thấy nao nao mến tiếc. Tôi cố nhìn hai bên đường một lần chót, từ giã núi Dương Minh Sơn đến Đài Bắc và trong 15 phút sau, xe ngừng trước phi trường .

Quan khách đi đưa hôm nay cũng đông gần như bữa tiệc chiều hôm qua. Họ đã chờ sẵn từ lâu ở phi trường. Đức Ngài vào bắt tay từ giã mọi người, chuyện trò giây lát để chờ đem hành lý lên máy bay.

Hành lý sắp đặt xong, chiếc phi cơ 2 máy của hãng C.A.T. từ từ chạy lại cửa. Giờ bay đã đến, Đức Ngài rất cảm động từ giã một lần chót. Cả quan khách mà trên gương mặt của mỗi người đều lộ vẻ ngùi ngùi, cảm động hơn hết là khi từ giã Ông Lý Di và Ông Jou, một luyến ái chơn thật lộ ra trên vẻ mặt làm cho Đức Ngài khó cầm cảm xúc.

Đức Ngài bước lên máy bay, đưa tay từ giã một lần chót. Hội Hồng Vân Tự đưa cờ vẫy theo. Phi cơ rồ máy nhẹ nhẹ quay mình để lui ra đầu sân, ngừng lại nổ máy rồi từ từ cất cánh. Nhìn ra cửa kiếng, Châu thành Đài Bắc quay tròn, dãy núi Dương Minh Sơn thụt lùi để lần lần biến mất trong sương mờ.

Nhớ lại, cả Phái đoàn trở về thì chỉ thiếu Ông Minh, vì Ông có việc cần ghé lại Hồng Kông nên đã lấy vé máy bay khác. Phi cơ hôm nay cũng là phi cơ chở hàng của hãng Hàng không C.A.T. rộng thênh thang mà chỉ chở vỏn vẹn cả Phái đoàn thôi. Cả Phái đoàn chỉ chiếm có phân nửa, phi cơ còn phân nửa không người ngồi, thì đành để chở đồ cây kiểng, hoa cỏ, vv...

Phi cơ bay đều đều, chỉ trong chốc lát, nhà cửa núi non, đất liền đều biến mất, chỉ thấy toàn biển xanh ngắt mịt mù. Chuyến về, phi cơ ghé lại Hồng Kông lấy xăng. Phi cơ vẫn vù vù bay lướt qua các cụm mây trắng.

Đến 1 giờ 15 phút, dòm xuống thấy đất liền. Phi cơ khởi quầng sân Hồng Kông. Dòm xuống ta thấy Hồng Kông lố xố với những nhà lầu cao vút ở rải rác trên các ngọn đồi, núi non lởm chởm ghè ra biển. Hồng Kông, trên cao nhìn xuống rất đẹp, một châu thành giống như các châu thành ở Âu Châu, với nhà cao vọi, ở từng khóm, xe cộ bò chi chít trên các nẻo đường ngoằn ngoèo quanh lộn theo các sườn núi. Máy bay hạ xuống sân rồi ngừng lại. Nhơn viên chiêu đãi trên phi cơ mời cả Phái đoàn vào nghỉ nơi các phòng chờ đợi tại phi trường .

Nơi đây, Phái đoàn dùng bữa trưa, và nửa giờ sau, máy bay trở ra, Phái đoàn tiếp tục lên máy bay về Việt Nam. Phi cơ rời khỏi phi trường Hồng Kông bay thẳng về hướng Nam, ra biển khơi, máy bay chập chờn vì có bão ở trước mặt như lời các viên phi công đã nói. Máy bay chun qua các cụm mây rậm, tròng trành nhảy lên nhảy xuống, rồi bay qua khỏi cụm mây, trở lại yên tỉnh. Phi công phải cố tránh các vừng mây lớn, nhờ vậy, máy bay đỡ nhảy sóng rất nhiều.

Trời đã về chiều, mặt trời đã lấp lửng chơn trời, còn soi tỏ trong đất liền, núi non trùng trùng điệp điệp, phi cơ đã vào nội địa Việt Nam, bay cặp theo bờ biển, nhìn xuống núi non xanh sẩm liên tiếp, nhà cửa thành những chấm trắng nhỏ ở theo các thung lủng có dòng nước. Bay có hơn nửa giờ trên nội địa, ta chỉ thấy toàn là núi non, đồng bằng rất ít nhưng đâu đâu cũng xanh ngắt một màu, khác hẳn nơi đất đai bên Cao Ly, núi non cây cối lưa thưa và trơ những đá.

Trời đã sẩm tối, cảnh vật chỉ còn thấy mập mờ. Phi công cho biết gần đến Sài gòn. Cả Phái đoàn đã sửa soạn và ai nấy đều lộ vẻ vui mừng ra nét mặt, vì sắp gặp lại người quen thuộc thân yêu đón rước chút nữa đây.

Trời tối hẳn, nhìn xuống chỉ thấy đen mờ lấp loáng một vài nơi có đóm lửa, rồi đây đèn chấp chóa ở trước kia và phi công khởi đầu hạ cánh để quầng phi trường Tân Sơn Nhứt. Đèn đường đã thấy rõ soi bóng nước lấp loáng. Ở hai vệ đường, nhà cửa lúp xúp quay tròn và trong vài phút sau, phi cơ hạ cánh xuống sân, chạy nhanh và từ từ ngừng lại.

Tôi vâng lịnh xuống trước báo tin, rồi từ trong máy bay tôi chun ra xuống đất. Ông Giáo Hữu Trôi trịnh trọng bưng hộp di hài Cụ Cường Để phủ bằng nhiễu đỏ, đi kế là Đức Ngài, rồi lần lượt đến cả Phái đoàn. Các ngọn đèn rọi để quay phim làm chóa mắt và như ai cũng đều biết, một cuộc tiếp rước trọng thể sắp đặt trước phi trường là thể nào. Tôi không còn thời giờ nhận xét nữa, chỉ thấy một biển người trắng lố xố ở vìa sân cũng như ở trong sân và ngõ ra phi trường .

Về đến đây, phận sự của tôi đã hết. Những cuộc nghe thấy trong cuộc lễ rước từ Sài gòn về Tòa Thánh Tây Ninh sẽ dành để lại cho các phóng viên báo chí, các văn sĩ sẽ tường thuật lại rành mạch và tỉ mỉ hơn.

Nơi đây, tôi chỉ ghi chép lại những gì tôi đã nghe và thấy trong lúc đi theo Phái đoàn với phận sự là Nhiếp ảnh viên để kỷ niệm chuyến Á Du trải sang các nước Đài Loan, Cao Ly và Nhựt Bổn .
Viết xong ngày 25-9-Giáp Ngọ (dl 21-10-1954) tại Thơ viện Trí Huệ Cung.
Sĩ Tải BÙI QUANG CAO
(ký tên)

*
*         *

Phần phụ
ĐỨC HỘ PHÁP
   Phủ dụ ngày 20-7-Giáp Ngọ (dl 18-8-1954)

Trước khi Đức Ngài sang Trung Hoa.
Thưa cùng chư vị cầm quyền các cơ quan Chánh Trị Đạo, con cái Đức Chí Tôn nam nữ, Thượng Hạ Sĩ quan Quân Đội Cao Đài.
Hôm nay, Bần đạo lãnh một cái sứ mạng mới do ý muốn của Đức Chí Tôn, Bần đạo vừa được Chánh phủ Trung Hoa mời đến Đài Loan, chủ định của họ mời Bần đạo chỉ vì Đạo mà thôi. Cả toàn thể con cái Đức Chí Tôn đã hiểu rõ nền triết lý văn minh tối cổ của tổ phụ Việt Nam để lại, nó cũng là một nền văn minh tối cổ của Trung Hoa Dân quốc. Biết đâu cả con cái Đức Chí Tôn giờ phút nầy được gần gũi Ngài, làm đường đi cho Ngài, mà được hưởng tự do hạnh phúc thiêng liêng vô tận. Hôm nay Ngài muốn chia xẻ hạnh phúc ấy cho một nòi giống một chủng tộc, một màu da, một sắc tóc với nhau.

Bần đạo chẳng cần nhắc lại cả thảy quốc dân Việt Nam cũng đã biết rằng : nòi giống của mình vẫn là một nòi giống của Tàu. Nước Việt Nam của chúng ta đã bị Trung Hoa thâu phục hết rồi. Tổ quán của chúng ta chỉ còn có Đông Kinh, tức nhiên là Bắc Việt, hôm nay sợ e về tay Trung Hoa mà chớ !

Ấy vậy, ta còn danh Việt mà mất tổ quán, dân Việt ta bị đau khổ về mặt đời thử thách của Đức Chí Tôn đặng trả kiếp tiền khiên của Tổ phụ ta đã tạo thành.

Hôm nay, Bần đạo được danh dự của Đại Từ Phụ ban cho cầm cây cờ cứu khổ để giải khổ cho nhơn loại, mình đã đau khổ mà đặng lãnh sứ mạng thiêng liêng để an ủi đau khổ của thiên hạ. Điều ấy làm cho chúng ta suy gẫm lung lắm đó vậy.

Thật ra có hai cái đau khổ, cái đau khổ về xác thịt nó còn dễ chịu, cái đau khổ về tâm hồn nó thái quá, mà Đức Chí Tôn lại cho tâm hồn là trọng, không coi thể xác là trọng, bởi vì quyền năng vô đối của Ngài muốn vậy.

Hại thay ! Ngài không đến với các chủng tộc nhưng Ngài đã đến với chúng ta, vì Ngài muốn đem sắc dân hèn mạt thất quốc làm Thánh Thể của Ngài, tức nhiên là Hội Thánh, đặng đem rải khắp nơi hột giống thương yêu vô đối của Ngài, tức nhiên Đại Từ Bi, Đại Bác Ái đó vậy.

Hôm nay, Bần đạo cầm cờ và ôm khối ấy đặng bủa khắp trong nước Trung Hoa tức nhiên là một chủng tộc của chúng ta.

Ở nhà, Bần đạo cậy cả toàn thể con cái Đức Chí Tôn, các cơ quan Chánh Trị Đạo, cầu nguyện dùm cho Bần đạo làm sứ mạng cho thành công và đắc lực.

ĐỨC HỘ PHÁP
Tuyên bố tại phi trường Tân Sơn Nhứt
ngày 16-9-Giáp Ngọ (dl 12-10-1954)

Thưa cùng đồng bào Việt Nam,
Đây là di hài của Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, quí danh là Nguyễn Phúc Vân, Ngài là đích tôn của Đức Đông Cung Cảnh, tức là tông chi hoàng tộc. Cả toàn thể quốc dân đều biết dĩ vãng của Ngài.

Ngài đã hy sinh một đời sống lưu vong nơi đất khách, cốt theo đuổi một mục đích là làm thế nào phục hồi vận mạng tổ quốc, độc lập thiệt hiện.

Ngài cũng như Bần đạo, tâm hồn của Ngài phù hạp với tâm hồn của Bần đạo là chẳng lúc nào Ngài phân biệt màu sắc chánh trị cùng đảng phái, đoàn thể, tôn giáo.

Một kiếp sống của Ngài, chỉ có một mục đích là làm thế nào phục sự vận mạng tổ quốc và đồng bào Việt Nam.

Đau đớn thay ! Trên bốn chục năm lưu vong nơi đất khách, Ngài theo đuổi một mơ vọng mà Ngài không đoạt đặng. Công chưa thành, danh chưa toại, Ngài đã thành người thiên cổ nơi đất khách quê người.

Hôm nay, di hài của Ngài đã được đem về nước. Do đó, khối anh linh của Ngài cũng cùng về hiệp với khối quốc hồn của bốn ngàn năm lập quốc.

Thê thảm thay ! Trước nửa giờ lâm chung, Ngài còn ráng ngồi dậy nhắn cùng tất cả thanh niên Việt Nam, hãy cương quyết phục cường cứu quốc, rồi Ngài nằm thiêm thiếp.

Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài còn ráng kêu : "VIỆT NAM MUÔN NĂM"

Bần đạo nghe thuật lại điều ấy, Bần đạo cảm khích vô ngần. Những bạn đã lưu vong cùng Ngài đã khóc hết nước mắt. Khối tâm hồn ái quốc ấy hôm nay ước mong nó sẽ là một ngọn lửa thiêng liêng nung sôi tâm hồn của toàn thể quốc dân Việt Nam, bỏ thành kiến, bỏ đảng phái, hiệp sức cùng nhau để cứu vãn tình thế nước nhà đang lúc nguy vong tan tác.

Trước khi dứt lời, Bần đạo xin toàn thể đồng bào nối điệu theo dư âm khốn khổ của Ngài đã kêu cả toàn thể đồng bào của chúng ta. Bần đạo hô như Ngài đã kêu gào thống thiết trước hơi thở cuối cùng của Ngài. " VIỆT NAM MUÔN NĂM ! VIỆT NAM MUÔN NĂM ".

ĐỨC HỘ PHÁP
Tuyên bố trong dịp rước di hài của Cụ Cường Để tại Tòa Thánh
ngày 20-9-Giáp Ngọ (dl 16-10-1954)

Thưa cùng chư Chức sắc Thiên phong nam nữ lưỡng phái, Thánh Thể Đức Chí Tôn, Hội Thánh nam nữ, các cơ quan Chánh Trị Đạo.
Tiếp theo lời tuyên bố của Bần đạo khi về đến Sài Thành, đã có lời nói về đời sống của Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, Bần đạo chẳng cần nhắc đi nhắc lại thì cả toàn thể quốc dân Việt Nam, cả toàn đạo cũng biết rõ sự hy sinh vô đối của Ngài, kiếp sống của Ngài chỉ có một mục đích quật cường giải ách lệ thuộc, thâu hồi độc lập và phục quốc cho đồng bào.

Khi mới đến Tân Sơn Nhứt, Bần đạo đã tỏ lời kêu gọi theo yếu thiết của Đức Kỳ Ngoại Hầu lúc lâm chung. Cả một đời sống hy sinh của Ngài mong tạo hạnh phúc cho tổ quốc giống nòi mà phải chịu chẳng biết bao nhiêu gian truân khổ não, cũng chỉ vì lòng ái quốc vô đối của Ngài.

Cả thanh niên Việt Nam nên ghi nhớ những lời nhắn gởi của Ngài, trước nửa giờ chết, Ngài còn ráng ngồi dậy nhắn cho toàn thanh niên Việt Nam phải cương quyết quật cường cứu quốc, mặc dầu còn một hơi thở cuối cùng, nhưng Ngài còn ráng hô "VIỆT NAM MUÔN NĂM" rồi mới tắt thở.

Bần đạo không thấy mà đã nghe đồng bào Việt Nam ở Đông Kinh thuật điều ấy, làm cho Bần đạo khóc, và chính mình Bần đạo chỉ biết khóc mà thôi.

Nối theo lời kêu gọi thống thiết của Ngài, Bần đạo về đến đây cũng xin toàn thể con cái Đức Chí Tôn nam nữ lưỡng phái lập lại lời thống thiết trước giờ chết của Ngài.

Bần đạo hô cả thảy đều hô theo : " VIỆT NAM MUÔN NĂM "

Tráng Liệt và Tráng Cử
đòi xác tro của Cụ CƯỜNG ĐỂ.

Hai Ông Tráng Liệt và Tráng Cử là 2 con của Cụ Cường Để, ở Huế vào Sài gòn, với sự hướng dẫn của Ông Nguyễn văn Vàng, Đại biểu Chánh phủ Miền Tây, nguyên Tỉnh Trưởng tỉnh Tây Ninh, và với áp lực của Chánh Phủ Ngô Đình Diệm, lên Tòa Thánh Tây Ninh, đòi Hội Thánh trả xác tro của Cụ Cường Để, vào năm 1956.
Ngô Đình Diệm mượn tay Tráng Liệt, Tráng Cử đoạt hài cốt của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để từ Tòa Thánh Tây Ninh. Ngô Đình Diệm thêm một lần nữa dối trá chính trị, tuyên truyền cho rằng " thỉnh hài cốt của Cụ Cường Đ từ Nhận Bản đem về Huế".

Diễn tiến của sự việc được Ông Cải Trạng Nguyễn minh Nhựt tự Trân thuật lại chi tiết như sau đây :
" Không nhớ rõ ngày tháng nào trong năm 1956 (Bính Thân), Tỉnh Trưởng Nguyễn Văn Vàng, nhờ có công với Chánh phủ trong việc khắc khe đàn áp Đạo ở Tây Ninh, thêm sự nâng đỡ của Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ, được thăng cấp Đại Biểu Chánh Phủ Miền Tây đặc trách Hoa Kiều Sự Vụ, dẫn hai Ông Tráng Liệt và Tráng Cử lên Tòa Thánh Tây Ninh, đòi nhận lại xác tro của Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để.

Lúc bấy giờ Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức cầm giềng mối Đạo, do Ủy Nhiệm Thư của Đức Hộ Pháp. Cả Hội Thánh Lưỡng Đài chẳng biết tính lẽ nào, yêu cầu hoãn lại để thỉnh giáo Đức Hộ Pháp.

Trước kia, do Di Chúc Di Ngôn của Đức Cường Để, Đức Hộ Pháp dẫn phái đoàn Đạo Cao Đài sang Nhựt Bổn thỉnh xác tro của Người về thờ tại Tòa Thánh. Hội Thánh không dám tự chuyên quyết định giao.

Ông Vàng hỏi Hội Thánh thỉnh giáo Đức Hộ Pháp cách nào, và chờ trong bao lâu?

Hội Thánh trả lời :
- Bằng điện tín và chờ trong một tuần.

Ông Vàng cười và đồng ý.

Sau nầy rõ lại là Ty Bưu Điện nhận tiền và nội dung bức điện tín của Hội Thánh nhưng không chuyển đi. Có lẽ Ông Vàng đắc ý vì sách lược dự tính sẽ được áp dụng mà Hội Thánh không thể biết được. Có lẽ Ông nghĩ rằng trước sau gì Hội Thánh cũng phải giao xác tro mà không làm sao có lịnh của Đức Hộ Pháp. Ông Vàng cười là vậy. Thâm ý của Chánh quyền muốn cách ly Hội Thánh với Đức Hộ Pháp.

Đúng kỳ hẹn, Ông Vàng và hai Ông Tráng Liệt và Tráng Cử đến tại Giáo Tông Đường. Ông Vàng với vẻ đắc ý, hỏi Hội Thánh :
- Thế nào ? Đức Hộ Pháp trả lời thế nào ?

Hội Thánh cho đọc bản văn do bút tự của Đức Hộ Pháp dạy giao xác tro và buộc phải ký biên nhận.

Ông Đại Biểu Vàng ngạc nhiên hỏi :
- Hội Thánh liên lạc bằng cách nào ?

Hội Thánh trả lời :
- Liên lạc bằng điện tín. Đức Hộ Pháp sai người mang giấy về cho kịp ngày giờ.

Ông Vàng hỏi :
- Đi đường nào ?

Hội Thánh đáp :
- Không biết.

Ông Vàng nghi nghi ngờ ngờ không đoán ra. Kỳ thật, Hội Thánh tiên đoán và tiên liệu cho liên lạc đi để nhận hồi âm về liền, việc gấp rút sợ trễ sẽ gây bối rối.

Sĩ Tải Nguyễn Minh Nhựt tự Trân được lịnh thảo Biên nhận trình lên Hội Thánh, chuyển qua tay ông Vàng. Ông kêu Sĩ Tải Trân chỉnh lại, đại ý rằng, đã đi với Đại Biểu Chánh phủ mà còn ghi số căn cước, địa chỉ làm gì.

Sĩ Tải Trân nhỏ nhẹ đáp :
- Xin Ông nói với Hội Thánh. Tôi viết xong là hết phận sự.

Hội Thánh cho đánh máy Biên nhận, chỉnh theo yêu cầu của ông Đại Biểu Vàng.

Trong lúc chờ đợi, Sĩ Tải Trân hỏi hai ông con của Cụ Cường Để :
- Hai ông nghĩ thế nào mà đến đây xin đòi lại xác tro của Đức Kỳ Ngoại Hầu ?

Một trong hai người đáp :
- Vì hiếu đạo rước về thờ.

Sĩ Tải Trân hỏi tiếp :
- Hai ông quan niệm thế nào về chữ Hiếu ?
- Lúc còn sống thì thương kính, vâng lời, phụng dưỡng; chết thì phải thờ cúng...

Sĩ Tải Trân nói lên ý kiến :
- Ông nói về hiếu đạo, lúc cha mẹ còn sống thì phải vâng lời. Tôi nghĩ lời trối trăng của người sắp chết đáng lẽ phải được tôn trọng hơn mới phải. Trước giờ nhắm mắt, Đức Kỳ Ngoại Hầu để Di chúc lại và Di ngôn có ghi âm, xin gởi xác tro cho Đạo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh. Đức Hộ Pháp là người dưng, tôn trọng Di chúc của bậc chí sĩ anh hùng vị quốc vong thân ở nước ngoài, không nệ mệt nhọc tốn kém, dẫn phái đoàn Đạo đến Nhựt rước về thờ tại Tòa Thánh theo ý đã để. Hai ông là con, đáng lẽ có bổn phận bảo trọng Di chúc Di ngôn, làm đúng như ý mới phải. Nay Hai ông đòi xác tro lại đem đi nơi khác, làm trái Di chúc tức là thất hiếu, sao lại gọi là vì hiếu ?

Biên nhận được đánh máy sạch, ký tên xong. Hội Thánh mời qua Báo Ân Từ để giao tại Hậu Điện. Hai Ông Tráng Liệt và Tráng Cử trịnh trọng đưa ra 10.000 đồng nói là đền ơn Hội Thánh và Đức Hộ Pháp.

Ngài Thái Chánh Phối Sư Thái Bộ Thanh và Ngài Giáo Sư Thái Đến Thanh khuyên hai ông nên giữ lại để xài. Đức Hộ Pháp hành động, mục đích không phải để hai ông cám ơn, và nếu có đền ơn Đức Hộ Pháp thì 10.000 đồng không thấm vào đâu so với tổn phí cho cả một phái đoàn Đạo cùng đi với Đức Hộ Pháp, phí tổn phải trội hơn rất nhiều. Vả lại, trước kia, mỗi lần hai ông đến viếng Tòa Thánh, Đức Hộ Pháp thường cho ông nào cũng vậy, khi thì 5.000. khi thì 10.000, Đức Hộ Pháp có tính toán gì đâu. Nay có đáng gì để luận với số tiền 10.000 đồng mà gọi là đền ơn Đức Hộ Pháp.

Ông Đại Biểu xen vào :
- Trước khác, nay khác.

Hai ông Tráng Liệt và Tráng Cử nài nỉ xin để cúng chùa. Ngài Thái Chánh Phối Sư chỉ tủ hành hương và nói :
- Việc cúng chùa là tùy hỷ. Hội Thánh không trực tiếp nhận tiền cúng chùa, nếu muốn, xin bỏ vào tủ hành hương.

Điều đáng ghi nhận là mấy hôm trước, biết có vụ đòi xác tro, Sĩ Tải Lê Quang Tấn và Sĩ Tải Trân đã hội ý với ông Đạo Nhơn Phạm Văn Út, Trưởng Tộc Phạm môn, chia lấy một ít xác tro Đức Cường Để, dành lại cho Hội Thánh, gọi là kỉnh trọng Di chúc của người anh hùng chí sĩ, còn phần nhiều thì giao cho Đại Biểu Chánh phủ và hai ông con của Đức Cường Để. Ông Út sau được thăng phẩm Chơn Nhơn và đã qui vị. Không rõ phần xác tro chia lại, hiện giờ ai cất giữ.

Ngày giao xác tro cũng có điều rắc rối nho nhỏ :
Ngài Hiến Pháp lánh mặt, Biên nhận thiếu chữ ký của Ngài. Ông Đại Biểu giành giữ Biên nhận, nói sẽ đem cho Ngài Hiến Pháp ký. Hội Thánh im lặng, mặc nhiên bằng lòng. Một số Chức sắc không đồng ý, đề nghị Ngài Thượng Chánh Phối Sư Thượng Sáng Thanh đòi lại. Việc nội bộ để Hội Thánh lo. Ông Vàng không giao.

Trên đường đi từ Báo Ân Từ đến Đền Thánh để hai ông Tráng Liệt và Tráng Cử đảnh lễ, Ngài Thượng Chánh Phối Sư sợ mất lòng không dám đòi quyết, còn khuyên rằng:
- Người ta là người lớn, không lẽ sai lời. Rồi người ta cũng giao lại cho mình, chớ họ giữ làm gì. Chờ cho Ngài Hiến Pháp ký tên xong, họ sẽ giao lại cho mình chớ gì.

Không tán thành ý kiến đó, Sĩ Tải Trân nói :
- Đạo có phần khác, còn Chánh trị xảo trá muôn mặt. Mình không tin lời họ được. Việc nội bộ của Đạo, Ngài Hiến Pháp ở gần đây, mình đem lại cho Ngài ký, phải tiện hơn không. Tại sao họ ở xa mà lại giành giữ ? Như vậy thấy rõ ý họ không tốt rồi. Ngày kia họ không trả lại, Hội Thánh sẽ ăn làm sao nói làm sao với Đức Hộ Pháp ?

Mấy ông lên xe sắp rời Tòa Thánh. Trường hợp bất đắc dĩ, dầu biết mình quá nhỏ nhoi nhưng xét thấy có bổn phận phải trực tiếp đòi nên buộc lòng Sĩ Tải Trân nói lớn :
- Ông Đại Biểu chưa đưa Biên nhận lại cho Hội Thánh.

Ông Vàng ngồi ở băng sau bất bình, vừa chìa Biên nhận ra, vừa nói to :
- Đây nè ! Ngài Thái Chánh Phối Sư vội cầm lấy và xe chạy.

Tạm kết thúc màn đòi xác tro của Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, do Chánh quyền Ngô Đình Diệm làm đạo diễn ... là động cơ thúc đẩy.

Được nghe kể lại, xác tro đòi lại được đưa về Huế, có tổ chức buổi lễ tiếp rước long trọng nói là Chánh phủ đã rước về từ Nhựt Bổn.

Phải chăng Chánh quyền Ngô Đình Diệm lo ngại tinh thần ái quốc của đồng bào trong nước sẽ tập trung hướng về Thánh Địa Tây Ninh, có Báo Quốc Từ thờ các anh hùng chí sĩ vị quốc vong thân, gây ảnh hưởng không hay cho Chánh quyền hiện hữu."

(Trích trong Hồi Ký của Cải Trạng Nguyễn Minh Nhựt tự Trân, nhan đề là VĂN TỊCH PHÁP NHƠN LUÂN CHI ĐẠO).
Cải Trạng NGUYỄN MINH NHỰT tự TRÂN.
(ký tên)

Lời Bạt
Trong công việc sưu tầm tài liệu để tìm hiểu gốc tích của bức họa Nam Bình Phật Tổ đang được thờ nơi Điện Thớ Phật Mẫu tại Trí Giác Cung (Địa Linh Động), chúng tôi được quí Chức sắc lão thành của Cơ Quan Phước Thiện cho biết là bức họa Nam Bình Phật Tổ do một người Hoa đem tặng cho Đức Phạm Hộ Pháp trong chuyến Á Du, khi Đức Ngài du hành sang Đài Loan.
Chúng tôi may mắn được Hiền huynh Nguyễn Ngọc Thể ở Cao Lãnh gởi cho tập Nhựt Ký Á Du của Đức Hộ Pháp sang các nước Đài Loan, Cao Ly và Nhựt Bổn, do Sĩ Tải Bùi Quang Cao ghi chép. Chúng tôi đọc rất kỹ, trong đó không thấy khoảng nào ghi về vụ một người Hoa tặng bức họa Nam Bình Phật Tổ cho Đức Phạm Hộ Pháp.

Chúng tôi liền tìm đến gặp Sĩ Tải Bùi Quang Cao, nay là Giám Đạo Bùi Quang Cao, tại tư gia của ông để nhờ ông xác minh việc nầy. Sau một hồi để cho trí nhớ làm việc, ông Giám Đạo Cao xác nhận rằng :
" Trong chuyến Á Du của Đức Phạm Hộ Pháp sang Đài Loan, không có ai tặng cho Đức Hộ Pháp một bức họa nào hết, bởi vì nếu có người tặng thì tôi phải biết, vì tôi là Thơ Ký ghi chép Nhựt Ký cuộc Á Du nầy."

Do đó, chúng tôi nghĩ rằng, cần phải đánh vi tính tập "NHỰT KÝ Á DU " nầy trong lúc Hiền huynh Giám Đạo Bùi Quang Cao còn sức khỏe và sáng suốt để xin Hiền huynh xem lại và ký tên xác nhận sự đầy đủ và chơn thật.

Chúng tôi còn đề nghị với Hiền huynh Giám Đạo Cao viết thêm phần : Hai người con của Cụ Cường Để là Tráng Liệt và Tráng Cử từ Huế vào Tòa Thánh Tây Ninh, dùng áp lực của Chánh phủ Ngô Đình Diệm, đòi xác tro của Cụ Cường Để đem về Huế, để kết thúc việc Đức Hộ Pháp đi Nhựt Bổn thỉnh xác tro nầy đem về thờ nơi Báo Ân Từ.

Trong lúc Hiền huynh Giám Đạo Cao chưa có thời giờ để viết về vụ nầy, chúng tôi may mắn gặp Hiền huynh Cải Trạng Nguyễn Minh Nhựt tự Trân cho đọc quyển Hồi Ký của Hiền huynh, nhan đề : "Văn Tịch Pháp Nhơn Luân chi Đạo", trong đó có đoạn Hiền huynh thuật lại rất rõ ràng về vụ hai ông Tráng Liệt và Tráng Cử vào Tòa Thánh đòi xác tro của Cụ Cường Để.

Chúng tôi liền xin phép Hiền huynh Cải Trạng Trân cho phép chúng tôi chép đoạn nầy vào phần cuối của tập "Nhựt Ký Á Du" và sau đó cũng nhờ Hiền huynh xem xét rồi ký tên xác nhận để lưu lại bút tích kỷ niệm cho các thế hệ sau nầy.

Chúng tôi sẽ gìn giữ tập "Nhựt Ký Á Du" với bút tích của nhị vị Hiền huynh Bùi Quang Cao và Nguyễn Minh Nhựt tự Trân để sau nầy sẽ chuyển giao cho Ban Đạo Sử của Hội Thánh.
Nay kính.
Cựu Tốc Ký Viên Bùi Quang Hòa
Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng.

Phụ bản.
Tại phi trường Tân Sơn Nhất, Nhân dân, Nhân sĩ, Trí thức, Đoàn thể, Đảng phái Việt Nam đón rước Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc chuyển hài cốt của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để về Cố quốc. 
 
 
 

HẾT
Home                 1 ]  [ 2 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét