Giáo Tông của Đại Đạo - * HT. Huỳnh Tâm

T heo Thánh giáo ngày 17-4-1926 (âl 6-3-1926), Đức Chí Tôn dạy như sau:
"Thầy,
Trung, Cư, Tắc, ba con lập tức lên Chiêu, biểu nó phải sắm sửa liền một bộ Thiên phục màu trắng, trên đầu chẳng phải bịt khăn mà đội mão trắng, có chữ CÀN thêu bằng chỉ vàng, dặn nó mua thứ hàng thiệt tốt. Mão cũng vậy, áo cũng vậy.
Hiếu lại phải nhọc công nữa, Thầy giao phần may sắm cho con, con liệu cho kịp, rằm phải có nghe con.
Hiếu lấy chén nước lạnh, Thầy vẽ kiểu mão cho con coi.

Madame Cư bạch Thầy: Mitre (mão Giáo Tông).
Trước ngực, ngay trán phải để chữ cung CÀN chữ vàng, chữ Bát Quái, còn cái áo, con phải tái cầu Thầy trong lúc may đặng Thầy chỉ sắp mấy cung kia trên áo.
Nghe và tuân theo nghe con." (ĐS. I. 106)

Ngày 22-4-1926 (âl 11-3-Bính Dần), tức là 5 ngày sau khi Đức Chí Tôn ra lịnh cho Bà Hương Hiếu (hiền thê của Ông Cư, nên gọi là Madame Cư) may Thiên phục Giáo Tông cho Ngài Ngô Văn Chiêu, Bà Hương Hiếu dâng mão Giáo Tông lên cho Đức Chí Tôn xem kiểu vở may như vậy có đúng không.

Đức Chí Tôn giáng cơ nói:
"Hiếu dâng mão Giáo Tông may xong rồi cho Thầy xem. Trúng, mà ai đội, con phòng lật đật."

Đức Chí Tôn giáng cơ nói như thế, tức nhiên chúng ta ngầm hiểu là Ngài Ngô Văn Chiêu đã mất chức Giáo Tông.
Tại sao chỉ trong vòng 5 ngày từ 17 đến 22-4-1926 mà lại có sự thay đổi nhanh chóng như vậy? Đức Chí Tôn không cho biết tại sao, làm cho nhiều người phân vân, nghĩ rằng Ngài Ngô Văn Chiêu cải lịnh Đức Chí Tôn, muốn ở nhà tu tịnh, không muốn tham gia vào cơ phổ độ đông người làm mất sự yên tịnh của Ngài, hay còn lý do nào khác nữa?

Mãi đến gần 3 tháng rưỡi sau, Đức Chí Tôn mới tiết lộ cho biết trong đàn cơ ở Tân Định, tại nhà Ngài Nguyễn Ngọc Thơ, lý do tại sao Ngài Ngô Văn Chiêu mất chức Giáo Tông.
Xin chép bài Thánh giáo quan trọng nầy ra sau đây:

Ngày 3-8-1926 (âl 25-6-Bính Dần).

NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ viết CAO ĐÀI
Giáo Đạo Nam Phương.
Chư môn đệ nghe dạy:
Vốn từ trước trong Thiên thơ Tam Kỳ Phổ Độ nầy, nền Chánh giáo phải có: Nhứt Phật, Tam Tiên, Tam thập lục Thánh, Thất thập nhị Hiền, Tam thiên đồ đệ, chưởng quản thâu Tam giáo hiệp nhứt.
"CHIÊU, thiệt là Nhứt Phật đó."
Vậy, trước ngày định lập Thiên phong đặng tôn chức Giáo Tông cho nó, thì Chúa Quỉ sai tam thập lục động địa giái kêu nài với Ta rằng: Cựu phẩm nó chẳng xứng ngôi ấy, và kiện rằng: Nó chẳng nhứt tâm thờ phượng Ta.
Ta có cãi lẽ, Quan Thánh Đế và Quan Âm giúp lời, Ta nhứt định phong chức Giáo Tông cho nó.
Chúa Quỉ xin lịnh Ta mà khảo nó, và phải để cho tam thập lục động hành xác nó. Ta không nỡ nên cho khảo mà không cho hành xác.
Rủi thay! Đau đớn thay! Buổi khảo nó phải bị Tà quái áp chế nên phải mất ngôi, song Ta cũng còn thương yêu chẳng nỡ, nhưng mà có mặt chư Thần, Thánh, Tiên, Phật thì khó bề bào chữa đặng.
Đại lụy! Ta phải dùng quyền Chí Tôn mà tha thứ, song buộc nó phải tịnh thất.
Ta vừa muốn tha nó, lại bị tam thập lục động khảo nữa thì mới liệu sao? Ta phải giáng cơ biểu nó.

Con Thơ! con phải tuân nơi lịnh Thầy đã dạy khi Thầy giáng cơ mà thôi, còn mọi sự khác thì đừng nghe. Kẻ bị tù còn có thế rỗi ai chăng?

Chư môn đệ khá nghe lịnh dạy, từ đây, ai còn phạm đến thì Thầy buộc trục xuất cho khỏi rối loạn nền Đạo của Thầy.
Thầy thăng.
(Trích trong tập Thánh Ngôn chép tay của Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh, trang 237)

Qua bài Thánh Ngôn nầy của Đức Chí Tôn, chúng ta biết được là Ngài Ngô Văn Chiêu bị Quỉ Vương thử thách trước khi được lên ngôi Giáo Tông. Ngài bị thử thách và chỉ trong 5 ngày, Ngài không thắng nổi các thử thách của Quỉ Vương bày ra, nên đành chịu mất ngôi Giáo Tông.

Sự thử thách của Quỉ Vương là cần thiết đối với phẩm vị số 1 của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, nếu thắng nổi Quỉ Vương thì bọn chúng mới chịu phục, còn không thắng nổi thì phải chiụ mất ngôi.

Việc nầy cũng không khác chi thời Đức Chí Tôn sai Đức Chúa Jésus mở Thiên Chúa giáo nơi nước Do Thái để cứu độ các sắc dân Âu Châu.

Sau khi Đức Chúa Jésus thọ phép Giải oan nơi bờ sông Jourdain với Thánh Jean Baptiste, Thượng Đế đưa Đức Chúa Jésus đến nơi đồng vắng, đặng chịu cho ma quỉ cám dỗ trong 40 ngày đêm (trong 40 ngày nầy Ngài kiêng ăn, sau thì đói). Quỉ Satan tìm mọi cách thử thách Chúa, cám dỗ Chúa, nhưng không lay chuyển nổi tâm ý của Chúa. Chúng ma quỉ thất bại bèn bỏ đi. Liền đó có Thiên sứ đến hầu Đức Chúa.

Chúa Jésus chiến thắng Quỉ Vương, nên Chúa trở thành Đấng Giáo chủ, đi giảng đạo và thâu nhận tín đồ, mở ra Thánh đạo ngót hai ngàn năm nay.

8 . Ngài Ngô Văn Chiêu tách riêng:
Sau khi Ngài Ngô Văn Chiêu không thắng nổi các thử thách của Quỉ Vương thì 2 ngày sau, tức là ngày 24- 4-1926, Ngài Chiêu tự ý tách ra khỏi nhóm.

Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, trong quyển Đại Đạo Căn Nguyên, nơi trang 18, thuật lại như sau:
" Ông Trung vẫn vâng theo Thánh ý lo thiết đàn giảng Đạo. Ông Chiêu lại ở nhà lo bề tự giác, ý ông không muốn truyền bá mối Đạo ra cho nhiều người. Ông vẫn lấy câu "Ngô thân bất độ hà thân độ" mà làm tôn chỉ. Vì vậy mà ông tách riêng ra kể từ ngày 14 tháng 3 năm Bính Dần (dl 24-4-1926). Đồng một ý kiến ấy thì có mấy ông: Nguyễn Văn Hoài, Võ Văn Sang, Lý Trọng Quí.

Từ đây, tuy đôi bên chủ nghĩa khác nhau, vì một đàng (Ông Lê Văn Trung) thì lo phổ thông mối Đạo, một đàng (Ông Ngô Văn Chiêu) lại chuyên bề tự giác, nhưng về phương diện tín ngưỡng thì cũng đồng thờ kỉnh Đức Cao Đài Thượng Đế."

Từ khởi điểm này, Đạo Cao Đài không có một Giáo Tông mang xác phàm. Đức Chí Tôn giao quyền cho Đức Lý Thái Bạch kiêm nhiệm chức Giáo Tông Đại Đạo thiêng liêng. Từ đó, Đức Lý trực tiếp điều hành Đạo qua cơ bút của Hiệp Thiên Đài. Đức Lý Giáo Tông ban hành Đạo Nghị Định thứ nhì ngày 3-10-Canh Ngọ (1930), Thiên phong Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) cầm quyền Giáo Tông tại thế, để điều hành cơ Đạo hữu hình, còn nhiệm vụ Giáo Tông Vô Vi vẫn do Đức Lý Giáo Tông phụ trách.

Trong Đạo Cao Đài có hai Giáo Tông, về Thiêng Liêng có Đức Lý Thái Bạch, và tại thế có Quyền Giáo Tông Ngài Lê Văn Trung. Tất cả những vị nào khác xưng danh là Giáo Tông, hay Đệ nhứt Giáo Tông, Đệ nhị Giáo Tông, v.v... đều tiếm xưng danh không đúng với Phát Chánh Truyền và Tân Luật, tín đồ Cao Đài an tường guy luật này. Chính Ngài Ngô Văn Chiêu khi về cõi thiêng liêng, trở lại giáng cơ, chỉ xưng tên họ của Ngài, chớ không bao giờ Ngài tự xưng Giáo Tông.
HT. Huỳnh Tâm
Home   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét