NHỨT PHIẾN BĂNG TÂM TẠI NGỌC HỒ * DR. Lê Thị Ngọc Vân


Kính chào quý Hiền Huynh, hôm nay Tiện Muội có chút ý về bài thơ cổ thời Đường, Muội xin chia xẻ với Quý Hiền Huynh, Tỷ cùng ngẫm nghĩ với Muội. Dạ đây không phải là bài giảng giáo lý gì cả, chỉ là bài bình thơ Đường cổ.
Ngày còn nhỏ, đôi khi tập làm người lớn học đòi đọc thơ cổ. Ngày xưa Muội có đọc bài thơ Đường "Phù Dung lâu tấn Tân Tiệm" của thi sĩ Vương Xương Linh:

" Hàn vũ liên giang dạ nhập Ngô
Bình minh tống khách Sở sơn cô
Lạc Dương thân hữu như tương vấn
Nhứt phiến băng tâm tại ngọc hồ."

Lời thơ buồn man mác đã làm muội xao xuyến, thường ngâm câu cuối: "Nhứt phiến băng tâm tại ngọc hồ".
Tuy chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa, với ý một sự biệt ly, để lại lời nhắn cho người bạn thân, nếu có ai hỏi đến kẻ lãng du.

Qua bao năm từ ngày tóc xanh nay tóc đổi màu, câu thơ cổ chợt trở về với bao suy nghiệm. Đời người thật ngắn ngủi như đóa Phù Dung. Đến bến Ngô trong một đêm mưa, như đời người đến thế gian làm khách trọ chỉ trong một khoảng thời gian ngắn như một đêm, đêm mưa lạnh, bến Ngô ? Có phải đó là bể trần không ? Đoá Phù Dung trong đêm mưa gió, một hình ảnh thật buồn như một kiếp người ngắn ngủi chịu dập vùi khổ đau. Rồi bình minh đến, sẽ đưa khách ly hương về cố quốc. Về Sở, muốn về quê cũ phải vượt qua ngọn núi cao cô đơn, "sơn cô". Có ai đồng hành đưa khách lãng du trở về nhà xưa ?

Từ lúc nhập vào thế gian làm khách trọ, con người phải chịu nhiều mưa gió vùi dập như hoa Phù Dung sớm nở tối tàn trong đêm mưa vậy. Muốn được trở về nhà xưa phải vượt qua ngọn núi sừng sững, có phải đó là: "bản ngã" to lớn của con người? Cái tôi này mang đầy lục dục thất tình đè nặng lên tâm thức. "Sơn cô" là ngọn núi của riêng mình, chiếm tâm của mình, nó chứa "Tham, Sân, Si, Ngạo, Nghi" tương ứng Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy Hoả,Thổ.

Như Tôn Ngộ Không trong truyện Tây du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân, cũng vì không thoát khỏi tham, sân, si, ngạo, nghi, nên phải chịu Ngũ hành Sơn đè suốt 500 năm. Cũng nhờ lòng Từ bi của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, Tôn Ngộ Không thoát ra khỏi núi Ngũ hành và trở thành Tôn Hành Giả theo Đường Tăng Tam Tạng thỉnh kinh. Suốt cuộc hành trình từ Đông thổ đại Đường đến Tây phương gặp Phật để thỉnh kinh, ta thấy Tôn Hành Giả tượng trưng cái tâm của con người luôn hoạt động nhảy múa (tâm viên ý mã). Diệt trừ yêu ma tà quái luôn tìm cách cản trở ám hại để xác thân sa ngã. Những lúc nguy biến thường có Đức Quan Thế Âm Bồ Tát xuất hiện cứu nguy. Dẫn câu chuyện này để thấy rõ tâm của con người nếu không có Đạo dẫn dắt sẽ dễ dàng sa ngã vào tà quái.

Làm sao vượt qua ngọn núi chỉ có trong tâm mình? Phải dùng đến Đạo pháp, một niềm tin mạnh mẽ vào Chánh Pháp.
Hình ảnh câu thơ cổ diễn tả:
" Hàn vũ liên giang dạ nhập Ngô
Bình minh tống khách Sở sơn cô."

Làm liên tưởng đến lời bài Khai Kinh của Đạo Cao Đài, mà hàng ngày tín đồ hằng tụng niệm: 
" Biển trần khổ vơi vơi trời nước,
Ánh Thái Dương rọi trước phương Đông...."

Thoát vòng danh-lợi, giữ tâm bình an phẳng lặng như mặt nước, bằng trái tim nhân hậu từ bi sáng như ngọc để trở về bên Chân Như. Tấm lòng đạo đức trong sáng lấy tình thương gởi đến bạn đồng sanh như câu kinh cuối của bài Kinh
"Giữ lòng trong sạch tụng cầu Thánh Kinh"

Để kết bài muội xin gởi đến Quý Hiền Huynh, Tỷ bài thơ :
" Lạc Dương thân hữu như tương vấn
Nhứt phiến băng tâm tại ngọc hồ
Đọc câu thơ cổ lòng vương vấn
Bạn hữu ai người gởi phiến tâm
Trái tim thanh khiết xin trao tận
Gìn lòng đạo đức, giáp độ thân.
Tâm an lặng lẽ như hồ ngọc
Một lòng trong sạch bỏ lợi danh
Giữ tình nhân hậu, từ bi sẵn
Cùng bạn đồng sanh xóa mê đồ."
                                                                                              * DR. Lê Thị Ngọc Vân
                                                                                              Ngày 17-4-2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét