Tâm Thư
Kính
Gửi Chư Huynh Tỷ Cao Đài Hải Ngoại
Thưa cùng chư Huynh Tỷ,
Là một tu sĩ Cao Đài, tuổi
hạc đã cao nhưng tâm trí không xa rời Đạo Pháp, tôi hằng lắng nghe tâm tưởng
của chư Huynh Tỷ vọng lại. Tuy đã sống ngoài vòng thế sự từ lâu nhưng nỗi ưu tư
về sự trường tồn của Đạo nghiệp khiến tôi phải hồi bút đôi điều nhắn nhủ.
Còn nhớ khi xưa, Đại Từ
Phụ để lời cùng Ngài ThượngTrung Nhựt, lúc bấy giờ là Hội Đồng Lê văn Trung:
Đã thấy ven mây lố mặt dương
Cùng nhau xúm xít dẫn lên đường
Đạo cao phó có tay cao độ
Gần gũi sau ra vạn dặm trường
Lời tiên tri ấy quả chỉ
mấy năm sau Đạo quyền nghiêng ngửa. Tình huynh đệ chẳng còn rồi đến mỗi người
dẫn dắt một phương, trước gần gũi xúm xít bên nhau sau ra vạn dặm trường ngăn
cách:
Cái thưở ban đầu yêu ái ấy
Nghìn năm chưa dễ gặp lại nhau
Để rồi đến hôm nay dòng
đời đưa đẩy chư Huynh Tỷ gặp lại nhau nơi xứ lạ quê người. Câu chuyện Pháp
Chánh Chơn Truyền luật Đạo lại một phen trổi dậy nhiều năm qua bàn cãi. Lòng người
ly tán bởi nạn áo cơm dục quyền cầu lợi. Cửa Đạo Thầy cũng hoen ố nhiều phen vì
Luật Pháp Chánh không tuân. Nẻo Chơn truyền mở lối khác cho vừa với phàm trí
tính toan theo sự đẩy đưa của hoàn cảnh.
Nhơn ý chẳng tùng theo
Thiên Ý do cánh tay phàm bày vẽ thì quyền nhơn sanh dục tấn cũng đòi phen
nghịch hẳn với Chơn truyền khiến chư Thần Thánh cũng châu mày ứa lụy.
Nét phong quang hồ hởi vẫn
ẩn tàng chút nẻo lợi cùng danh là dấu nét của đời chưa gội sạch, khiến nộ khí
bày trò mưu mẹo dẫn phàm thân tách lối Đào nguyên. Việc hành Đạo khó tránh khỏi
luật kim tiền vi chủ. Ấy là bước tục dẫn đường, nẻo Thiên môn lợt dấu.
" Ngó cuộc thế đìu hiu quạnh quẽ
Vắng chơn Tiên dạo gót sơn hà
Nhìn lũ trẻ hồn ma chung chạ
Khiến lòng già đổ lụy chứa chan
Nơi đất khách chư Đệ, Huynh rõ thấu.
Chuyện Pháp Chánh khi xưa tái diễn
Nghịch Chơn truyền, Đạo Pháp tách chia
Khiến ngày nay chư Huynh Tỷ khổ lòng
Năm bảy phía chín mười phe không hòa hợp"
Mượn nét bút khơi lại Chơn
truyền, nhắn lời cùng đồng đạo tha phương: mình phải biết sống sao cho ra
trượng nghĩa. Chuyện rẻ lối chia phe đã bảy mươi năm trong Đạo sử quê nhà lưu
lại trong lòng đệ huynh những gì,mình xét thử. Chữ Từ bi, Công chánh có đâu xa
đừng để nhạt nhòa trong tâm trí. Bước đường qua dầu hành Đạo ở Tòa Thánh Tây Ninh
chánh gốc hay ở các hệ phái phân chia cũng là phương lập vị mình nơi cõi thế.
Chuyện đời dời đổi, nay đất mới dung thân thì huynh đệ phải biết quên điều dị
biệt đặc thù khi xưa lưu dấu, đối diện cùng thực tế Tân Dân hầu bắt tay nhau
gìn giữ chút Đạo quyền vừa nhen nhúm cho trọn vẽ yêu thương mới phải.
Trước vạn quốc, chữ Đại
Đồng vô nghĩa nếu chư huynh đệ vẫn giữ
nét bất hòa, chủ thuyết Cao Đài hóa ra ảo tưởng
Pháp Chánh là đầu mối Chơn
truyền Đức Chí Tôn đã ban hành từ buổi ban sơ, phải trọn tuân thì Đạo Thầy mới
ra thiệt tướng.
Trừ môn phái Chiếu Minh do
trưởng huynh Ngô văn Chiêu dẫn lối đi riêng buổi trước, khi chưa có Pháp Chánh
Truyền và Tân Luật nên chẳng tùng quyền ấy. Thế nhưng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là
một tôn giáo mà triết lý gồm Ngũ Chi phục nhứt, Tam Giáo qui nguyên qua 70 năm
truyền giáo đã phát triển theo chiều hướng tổng hợp tinh hoa các giáo thuyết cổ
kim cùng với những khải thị huyền linh mới mẻ của Đức Chí Tôn chớ nào phải một
chi Tiên Đạo phục sinh?
Pháp Chánh Truyền, Tân
Luật vẫn là căn bản cho cách tổ chức, điều hành nền Chánh giáo trước những tính
toan rẽ lối canh cải chơn truyền. Lời lẽ dầu biện luận ra sao xin chư huynh tỷ
giữ lòng mình bền chặc.
Mưu chước của tà thần đang
ló dạng, đang nhiều lời dối gạt trí tâm, đủ lý nọ lời kia giục lòng người
nghịch lẫn để phá hủy, phân tán toàn bộ các cơ cấu nhơn sự Đạo quyền nơi hải
ngoại không phân biệt tư tưởng hệ phái nào, dòng tư tưởng ấy đã hiện lên gần rõ
nét.
Kỷ cương Pháp Chánh chơn
truyền Đức Chí Tôn để lại phải giữ gìn, Tân Luật buộc ràng tánh tục ban hành từ
buổi khai nguyên Đại Đạo. Ấy là phép mầu để giữ gìn Đạo nghiệp Thầy đó.
Xin chư Huynh Tỷ
lưu tâm cảnh giác.
Xuân Ất Hợi 1995
Ðạo huynh Phạm Tất
Ðắc
Chơn Pháp Là Đâu ?
I. - Bối Cảnh Lịch Sử Của Phong Trào Truyền Giáo Hải
Ngoại
Từ sau cuộc chính biến
1975 tại miền Nam Việt Nam, một làn sóng người Việt di cư đi tìm cuộc sống mới
nơi các nước tự do. Trong làn sóng di dân này, có một số người theo tín ngưỡng
Cao Ðài đã trở thành hạt nhân bùng nổ phong trào truyền giáo Cao Ðài nơi hải
ngoại. Hầu hết họ là những di dân đi tìm lẽ sống cá nhân, chỉ một số rất ít vì
lý do tín ngưỡng.
Thế nhưng sau khi định cư
xong, họ lại trở thành những nhà truyền giáo không chuyên, hòan cảnh xã hội đưa
họ đến vị thế ấy. Bởi không chuyên nghiệp, nghĩa là tài năng và đạo đức trong
lãnh vực này chịu nhiều khiếm khuyết, họ đã hoạt động một cách hăng say theo
những tác động của tư duy và tình cảm mang nhiều tính cách hòan cảnh nhất thời
và hậu quả đương nhiên nhiều điều đáng tiếc đã xảy ra, mà đáng lẽ nó không xảy ra mới đúng. Vậy chơn pháp là
đâu? cái gì dã thôi thúc người tín đồ Cao Ðài có những bước đưa chân như thế?
Trước nhất, trở về chỗ sâu
kín trong tâm hồn con người thì nhu cầu tín ngưỡng là nhu cầu chính đáng bởi nó
biểu hiện đức háo sanh của Thượng Đế. Vũ trụ biến hình từ không ra có. Thượng
Đế tự phân mình từ Hư Vô khí đến vạn loại. Trong hình thể vạn loại có cái sống
của tánh Linh. Vì vậy khi con người sống với
vật là sống với vạn loại, sống với tâm là sống với vạn linh. Đôi từ ngữ
bao hàm ý nghĩa cả về hình chất lẫn tâm hồn. Trong cuộc sống cõi trần này, ai chẳng từng mơ ước có một ngày
mai tươi sáng, dầu đó là giàu sang danh vọng, tuổi thọ kéo dài, cháu con lưu
hậu... Thế nhưng đời là quán trọ, là cõi tục chứ nào phải cõi Thiên đàng nên
cuộc sống vẫn đầy dãy những khổ đau bất hạnh. Tâm lý con người buộc phải nghĩ
đến kiếp lai sinh tái tạo..
Ý niệm tín ngưỡng nơi một linh hồn bất diệt đã
tạo thành nếp sinh hoạt tôn giáo của nhơn loại. Vì thế, tự cổ chí kim, tín
ngưỡng vẫn tồn tại bởi nó là một phần sự sống của con người. Từ chối hay hủy
diệt nó là đưa con người lùi lại cái sống chỉ biết có hai bữa ăn mà sống. Hình
thức tín ngưỡng thay đổi theo thời gian nhưng niềm khát vọng sâu xa hướng về
chỗ vẹn toàn bất diệt. Là một tiểu linh quang của Thượng Đế, linh hồn vẫn luôn
tồn tại trong tâm trí con người, dù họ hung bạo đến đâu cũng sẽ có nhũng giây
phút cảm nhận được điều ấy. Những giây phút mà con người đối đầu với đau khổ,
chết chóc, bất hạnh, họ hi vọng ở một cái gì mong manh khó tả. Họ cố bám vào đó để tìm một điểm tựa và nghị lực kéo dài sự
sống trước những thực tại bất toàn đang phủ vây tứ phía...
Tín ngưỡng là sự sống của
con người, sự sống của tâm hồn ẩn tàng trong hình thể vật chất của xác thân. Sự
sống là biểu hiện đức Hóa sanh của Thượng Đế. Loài người có tín ngưỡng mới tìm
đến Chí Linh. Bước nối liền ấy là sự sinh hoạt phần hồn sau cái sống của xác
phàm chỉ biết kiếm tiền rồi ăn uống, vui
chơi hưởng thụ là chính. Nhu cầu tâm lý và nhu cầu vầy đoàn đã thôi thúc đoàn
người di dân có tín ngưỡng trở nên rộn rịp với những sinh hoạt truyền giáo ở xứ
người.
Thứ đến, ta phải kể đến
nhu cầu vầy đòan để tìm hơi ấm của những cánh chim bạt gió. Ðặt chân lên đất
khách quê người, tâm hồn kẻ di dân tránh sao khỏi cảm thấy lòng mình giá lạnh,
lạc lõng bơ vơ. Những cánh chim bạt gió ấy tìm lại gần nhau, để bảo tồn sự sống
của mình, tìm chút hơi ấm cho tâm hồn bớt giá lạnh. Cộng đồng người Việt đã
thành hình trên đất khách cũng vì lý do ấy. Trong cộng đồng đó, có cộng đồng
tín hữu Cao Đài. Hội tín hữu Cao Đài ra đời rải rác từng nhóm đó đây, làm sống
lại sinh hoạt thờ phượng, cúng kiến, truyền bá đức tin của đoàn người tín hữu
trên khắp các nước:Hoa Kỳ, Canada, Úc, Anh, Pháp, Đức...
Nếu như tín ngưỡng chỉ đơn
thuần là chuyện của tâm linh thì chưa đến nỗi phải nhọc lòng để tâm phân giải.
Đàng sau cái bóng dáng của sinh hoạt truyền giáo hải ngoại vẫn thập thò những ý
tưởng của các chính khách đã vì đời nặng mang đế nghiệp hay chút công danh phù
phiếm còn vướng đọng trong tâm đã vẽ nên cảnh Chùa chiền, Thánh thất một bức
tranh mây nổi nhuốm màu tang thương. Hễ có hợp quần tất nhiên gây sức mạnh, có
quyền bính tất phải có đua tranh. Từ đó xảo thuật của đời đã len vào cửa từ bi.
Giục lên tiếng chuông rộn rã, cảnh tỉnh
lòng người đang mưu tìm hạnh phúc bằng sự chơn thật của mình.
Ôi...tuy vân Đại Từ Phụ đã
vì đời mà mở cơ qui nguyên phục nhứt cho
con cái của người gom về một mối, anh trước em sau dìu nhau về đường Chí Thánh,
mà hại thay cái bóng vẽ hình tôn giáo và con mắt Cao Đài nơi đất khách dường
như nghiêng đổ nhạt nhòa bởi tâm lý nhơn
sanh bất hóa trong việc truyền giáo.
Do đâu? Vì đâu nên nỗi?
II. - Thực Trạng Phong Trào
Khi ngồi vào
bàn tính chuyện vầy đoàn hợp bạn, mở cơ qui nhứt các chi phái để gióng tiếng chuông cảnh
tỉnh các linh hồn biết nhìn Thượng Đế là Cha chung của muôn loài; tất cả đại biểu
của các nhóm Cao Đài hải ngoại cùng có chung mục đích là sùng kính Đức Chí Tôn
và làm sáng danh Đạo Thầy trước quốc tế.
Mục đích cao cả thiêng
liêng ấy như ngọn đuốc soi đường cho nhơn sanh tiến bước. Niềm hi vọng bao trùm
khắp chốn. Người tu sĩ dù ẩn dạng đến đâu nghe tin ấy cũng thấp thỏm mùng thầm,
chỉ e sợ cho đoàn hậu tấn chưa đủ đức tin ra tay lèo lái. Bởi khối đoàn kết còn
thiếu nét thương yêu, thiếu quyền công chánh chẳng khác nào như đống gạch chất
chồng còn thiếu vữa hồ để buộc dính cho thành ngôi lâu đài mỹ lệ.
Người người hô hào đoàn
kết mà cái tệ nạn của tinh thần phe phái bên trong vẫn không mảy may giảm sút.
Chốn Thiền môn biến động, cảnh hội trường chẳng cộng yêu hòa ái, mạnh ai nấy
đua tranh, trường luận biện chẳng ngớt lời miễn sao giữ cho còn cái thế riêng
tư của phe phái mình. Quyền Đạo đã trở thành một đề tài tranh đấu. Thôi thì đủ
kế nhiều mưu, văn hay luận giỏi vẽ nên cảnh hoạt trường của những nhà luận bác
thi thố tài năng chữ nghĩa.
Muốn tùng Đạo phải biết
ngỏ ngách, ngọn nguồn, căn cơ yếu lý chớ nào phải chuyện của đời những mong lấy
thế hiếp cô gọi rằng hay giỏi.
Thực trạng ấy làm đau lòng
người tu sĩ. Đấng trượng phu cũng ngao ngán tấn tuồng. Thôi thì nhà ai nấy giữ.
Hiệp rồi tan, tan rồi hiệp cũng là lẽ thường tình. Cơ qui nhứt không thành nay
sang thế liên hiệp, miễn sao liên kết cho còn để có danh chính ngôn thuận. Cao
Đài Giáo Hải ngoại ra đời với 54 chữ ký và 19 ủy quyền làm pháp lý khai sanh.
Và để làm vừa lòng tất cả
phe phái, Cao Đài Giáo Hải ngoại vội vã tuyên bố nhìn nhận và tôn trọng tất cả
các Hội Thánh trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Hội Thánh là giáo quyền.
Sinh hoạt Đạo gồm những sinh hoạt giáo lý, phẩm tước chức sắc, lễ nghi tế tự.
Mỗi chi phái đều có nét đặc thù, tư tưởng không thuần nhứt nên mới có chuyện
phân chia thế ấy. Nhìn nhận tất cả là sao?
Con mắt Pháp Chánh trung
ương hằng dõi theo các sinh hoạt Đạo Trời trên khắp thế giới phải giựt mình xem
xét lại.
III. - Hai Dòng Tư
Tưởng
Trẻ cấp tiến, già bảo thủ,
chuyện xã hội nhân gian xưa nay vẫn vậy. Trường tấn hóa buộc phải có cựu lẫn
tân, một đàng trì một đàng kéo cân cho tâm lý chúng sanh là bước trung dung khi
hành động. Đời hay Đạo cũng thế không già sao có trẻ, không trẻ già tựa vào
đâu? Có sanh hoạt buộc mình phải rõ lý. Lấy tài trí duy tân mà quên cội gốc
ngọn nguồn, ôm quá khứ mà không chuyển xây kịp thế là những nét cực đoan không
ưu thời mẫn thế. Người hành Đạo ắt phải trung dung mới được lòng sanh chúng.
Nơi đất khách quê người chưa dễ chi triệu tập nổi một Đại hội Nhơn sanh cho
đúng nghĩa thì cũng phải mô phỏng theo hình thức ấy gom góp ý chung mới là quán
thế.
Bước Thánh phải lần dò,
quán tục phải lìa xa đừng xem chuyện Đạo như chuyện nhà e thất sách, bởi chúng
ta ít người thông hiểu ngọn nguồn ngõ ngách của Pháp chánh luật Trời từ buổi
ban sơ.
Năm Bính Dần 1926, Đại Đạo
Tam Kỳ Phổ Độ ra đời với 28 chữ ký tên của bậc tiền bối và 247 tín đồ đứng tên
trong tịch Đạo. Đó là pháp lý khai sinh nơi mặt thế, đối với nhơn quần xã hội
luật pháp quốc gia buổi ấy.
Hội Thánh lập thành và
sinh hoạt theo Pháp Chánh Truyền, Tân Luật; không có một chi phái nào có mặt
trong quyền Hội Thánh. Ấy là một khối đoàn kết thương yêu đựơc Đức Lý dắt dìu
từng câu, từng chữ trong lời dạy hằng ngày dầu việc nhỏ, việc lớn cũng vậy. Vài
năm sau quyền Hội Thánh bắt đầu nứt rạn
dần đến chia phe phân phái.
Tại sao?
Vốn từ trước cõi Đông Dương này nhà cầm quyền thực
dân Pháp muốn chia cho dễ trị nên vừa khi Hội Thánh thành hình, khối tín đồ
đông đảo tin theo Pháp ra tay giục loạn. Các anh lớn nắm Đạo quyền phần
đôngxuất thân từ chốn quan trường có con em du học bên Pháp bị bắt buộc phải
tách rời Tòa Thánh Tây Ninh lập phe chia phái cho giảm suy sức mạnh khối tín đồ
Cao Đài, bằng chẳng nghe lời Pháp sẽ cắt học bổng và trợ cấp gia đình của các
con em bên ấy.
Trước thế hiểm độc của
Pháp tung ra, các Đạo huynh lén về mật nghị cùng Thượng Trung Nhựt và Hộ Pháp.
Ngộ biến phải tùng quyền: chia thì chia, cũng tỉ như anh em mình ước hẹn mỗi
người lo phổ độ một nơi cũng chung quyền Thánh Thể, miễn sao truyền bá Đạo Trời
là được, xin đừng lập quyền hội Thánh riêng ắt phạm tội. Anh em toan tính nghe
cũng êm xuôi nhưng phép tà thần đâu dừng ở đó, giục loạn phàm tâm, tranh quyền
tranh chức nghi ngờ lẫn nhau nhiều việc. Cơ bút cầu riêng hư hư thực thực khó
phân, dạy truyền nhiều lẽ chống đối lẫn nhau, tình huynh đệ chẳng còn, trường
tranh đấu trong Đạo một phen điên đảo.
Chi phái đã thành hình
không như toan tính, nguyên nhân nay đã khác vẫn lập quyền riêng, có Hội Thánh
riêng, đạo phục cũng khác vài phần, có phong thưởng riêng, kinh sách lưu truyền
tự do canh cải.
Ôi! cũng quyền Đạo, một
tấn tuồng bia miệng thế. Một chi, hai chi, ba chi rồi nhiều chi nối tiếp coi
mòi nổi loạn. Thánh quyền tựa hồ tan rã. Đức Lý Đại Tiên mới ra tay dẹp loạn.
Đạo Nghị định thứ 8 ra đời không nhìn nhận chi phái. Từ đó Tòa Thánh mới được
yên, mặc cho chi phái tự do sinh hoạt theo sự hiểu biết riêng của nhơn sanh.
Hai dòng tư tưởng đã thành
hình rõ rệt tại Tòa Thánh Tây Ninh, tổ đình chung của các phái. Hội Thánh Cao
Đài được thành lập từ buổi ban sơ vẫn tiếp tục phổ truyền chánh giáo, lấy Pháp
Chánh Truyền, Tân Luật làm chuẩn, kinh điển thì Thánh Ngôn Hiệp Tuyển không đổi
dời tư tưởng y như lời minh thệ đã hứa.
“Từ đây chỉ biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế, chẳng đổi dạ
thay lòng, hiệp đồng chư môn đệ, gìn luật lệ Cao Đài, như sau có lòng hai thì
Thiên Tru Địa Lục.”
Quyền Hội Thánh đã có Đức
Lý Thái Bạch kiêm nhiệm Giáo Tông, Hộ Pháp là Ngài Phạm Công Tắc, chức sắc tuy
chẳng đủ người nhưng cũng một lòng một dạ.
Còn phần chi phái tại các
địa phương y như lời truyền tự do biến tướng cũng thu phục nhơn tâm mở mang địa
phận, thu nhận tín đồ, phong thưởng thêm chức sắc, phỏng theo hình đồ Pháp
Chánh Truyền, Tân Luật nhưng ngặt một điều là không nhìn quyền Đức Lý Giáo Tông
và Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.
Trời bây giờ có hai ngôi.
Ngôi Trời đã lập là Tòa
Thánh Tây Ninh tiếp tục hành quyền thể Thiên hành hóa.
Ngôi Trời mới lập do chi
phái cầm quyền rải rác ở nhiều nơi cũng
xưng danh Hội Thánh.
Lòng ngừơi đã đổi, câu
minh thệ cũng trở nên thừa, chúng sanh thêm một phen ngơ ngác.
Pháp Chánh Truyền Đức Chí
Tôn đã định, chỉ có một phẩm Giáo Tông cầm quyền gọi là Anh Cả, dưới có 03
Chưởng Pháp, 03 Đầu Sư, vvv... Con số đã ấn định rành rành, Thầy lại dặn không
nên thêm hay bớt. Nay chi phái lập thành xưng danh Hội Thánh thì phải có thêm
Giáo Tông, Hộ Pháp, chẳng biết Đức Lý mới nghĩ sao?
Ngôi Giáo Tông có một, Thầy phú giao cho Đức Lý
Thái Bạch kiêm nhiệm về phần vô vi, còn hữu hình dầu ai có thế cũng là người thay mặt Ngài
gọi “Quyền Giáo Tông” mà thôi. Ngôi Giáo Tông chỉ có một Ngai cho toàn Đạo Cao
Đài, hai ba ông đòi ngồi chỗ đâu mà ngự!
Chơn pháp ở chỗ nào? Ai là
người rõ thấu?
Nay Cao Đài giáo hải ngoại ra đời có một số
chức sắc Thiên phong hữu thệ thuộc Tòa Thánh Tây Ninh tham dự, tuyên bố nhìn
nhận tất cả Hội Thánh Cao Đài tại Việt Nam thì ngôi Giáo Tông mới tính lẽ nào
cho xuôi tai đừng để chúng sanh rối trí. Luật pháp Đạo rành rành, ai dám bẻ
cong ngòi bút. Tình anh em một lẽ nhưng thánh phàm đôi nẻo, ý phải phân minh kẻo để cực lòng ông cầm cân
pháp chánh.
Nhìn nhận tất cả Hội Thánh trong ĐĐTKPĐ tại VN
là mặc nhiên tuyên bố Đạo Cao Đài có nhiều Giáo Tông chứ không phải một ngôi
Giáo Tông trong Pháp Chánh Truyền Đức Chí Tôn định một. Cao Đài giáo hải ngoại
tuyên bố có nhiều, chuyện chỉ có bao nhiêu cũng đủ đảo điên luật pháp. Sao gọi
đúng? Sao gọi sai?
Suy nghĩ hoài thật khó nói. Hễ nói sai anh em
chi phái phiền cho rằng mình thiếu tình thương không đoàn kết, còn nói đúng thì Đấng Huyền Khung kia đâu có dạy
vậy. Ngài đâu có viết (bản) quyển Pháp Chánh Truyền thứ hai sửa lại rằng ngôi
Giáo Tông phải có nhiều vị, nhiều Anh Cả
cầm quyền cùng một lúc. Cực lòng nên phải nói ra đây, mượn lý pháp chánh
giải bày chứ anh em tu được ngày nào hoan nghinh ngày đó.
Đời là quán trọ, Đạo đâu phải cửa công khanh,
ai có giựt giành chi cho nhọc trí. Một việc tốt hai việc lành dầu nhỏ nhoi cũng
là hành thiện.
Trường phổ tế phải phân biệt, phân cho ra chánh lý. Đạo pháp vốn vô biên mình giữ được dạ hiền
cũng là quý lắm!
Nơi hải ngoại ít người luận giải cho đám môn sinh rõ lý.
Đạo vốn từ bi nhưng chẳng phải muốn gì cũng được. Hễ anh em chẳng hòa
thì Đức Chí Tôn chẳng ngự. Ngôi đền thờ còn trơ lại khối xi măng, đàn
nội cúng phe phái chống kình, lằn
điển ấy làm rung rinh Kinh Bạch Ngọc.
Hai dòng tư tưởng đã phân minh, mong anh em hải ngoại hiệp lại làm
một quyền lo tu tiến. Còn huyền linh phép lạ ấn chứng tâm truyền Thầy đã hứa
cho, ai giữ đúng chơn truyền đủ hạnh đức thanh cao, dày công cùng sanh chúng ắt
là phải được. Thanh thanh trược trược khó nói vậy thay, luận giải hoài không
hết lý, xem hào quang chơn khí rõ
thiệt hư. Việc Đạo từ từ ra thiệt tướng, nên thì để, hư thì bỏ quyền Thiêng Liêng
định vậy.
IV. - Hội Tín Hữu Và Quyền Hội Thánh Em
Xem dấu xưa để soi bước
tới, lấy chuyện đời chiêm nghiệm cổ kim, hễ Thầy lập pháp thế nào mình bắt chước đồ theo như
vậy. Xưa Thầy quy lương sanh để độ rỗi quần sanh, nghĩa là chọn người hiền gom
lại, ban quyền lập Hội Thánh để dìu dắt đám sanh linh đương đầu tranh giành sự
sống.
Nay anh em đạo hữu Cao Đài
nơi hải ngoại bực tài trí phần nhiều, hãy nung chí thanh cao, đừng tự hào,
không phân phe phái cũ, công cử đủ 03 người Chánh Tri Sự, Phó Tri Sự, Thông Sự
lập nên quyền Hội Thánh em hành sự. Đủ năm năm công nghiệp mãn nhiệm kỳ, cử
người khác lên thay BTS cho việc Đạo ngày thêm khởi sắc.
Hội tín hữu là nơi gom góp
buổi ban đầu có anh, có chị, có em, họ hàng cô bác là người đồng đạo Cao Đài để
nâng đỡ lẫn nhau. Nay gốc Đạo ngửa nghiêng Hội Thánh chẳng còn quyền theo Thánh
giáo! Cửa từ bi lộn lạo đủ mọi hạng người thì BTS nắm chặt quyền Đạo tại mỗi tư phương là đúng lẽ.
Việc tế tự phải trang
nghiêm cho ra cung cách thần quyền, cầu Chí Tôn ngự giáng mở khối tâm linh cho
anh em mình hòa hiệp. Dầu anh em chi phái hay Thánh Tòa biết tín ngưỡng Đấng
Cha Chung thì hiệp quần đâu phải khó. Trước nhơn sanh phải tuyên bố cho rành
“Tôi trọn tuân Pháp Chánh Truyền Tân Luật.” Nếu mình đủ tài, đủ đức đúng mực
hiền minh ắt sẽ làm nên nghiệp lớn.
Tại sao?
Tại Trời Đất là lý công minh, thấy con ngoan,
con giỏi, con hiền, sẽ có con mắt Tiên Ông giúp sức. Tại nhơn sanh cần người
hiền đức dám hy sinh lãnh phận sự
chùa chiền đặng chia sớt bớt nỗi khổ đau trong tâm hồn của họ, nỗi khổ đau do
cái sống sang giàu nhưng thiếu tình thiêng liêng của Đạo. Bắt gió nắn nên hình, chuyên lo hôn tang tế sự
cho ấm lòng người viễn xứ, học lý Đạo cho
thông, còn phải dạy đoàn con cháu dịch kinh sách phổ truyền dân xứ lạ, truyền
bá đức tin hầu mai sau tạo nên hình thánh thể.
Việc hành Đạo đừng thấy xa xôi ngao ngán, ráng
tập tánh trượng phu dù phải gặp lúc mây mù cũng có hồi quang đãng. Ấy là phép
Thiêng Liêng xây chuyển đổi họa vi phước, lấy cuộc đời trọng trược mài giũa đức
tin nên phải biết giữ mình trong giới luật cho nên trang chí Thánh. Đừng vội
nghe lẽ phàm trần, đặt ông Hội Trưởng lên cầm quyền Hội Thánh, cử chức việc
theo sinh hoạt hội hè đình đám gọi là Ban Nghi lễ của Hội, mượn tiếng mõ lời kinh, mượn áo mão thần quyền đặng làm thế giữ yên chức Hội.
Bàn Tri Sự thay quyền Hội Thánh. Hội tín hữu
phải giúp đỡ cũng ví như thân mình có hai tay trái, phải cùng làm việc Đạo là
việc chung, yếu lý linh hồn vi chủ. Sinh hoạt Hội là phần thế sự để tranh đấu
cùng đời trong nhiều lãnh vực theo điều lệ nội quy do mình đặt để tùy nhu cầu
thiết yếu mỗi nơi có khác. Sinh hoạt Hội vẫn mang màu tín ngưỡng, bởi hội viên là người
đồng đạo nhưng Hội không cầm quyền Hội Thánh.
Bàn Tri Sự có phẩm CTS, PTS, TS do Đức Lý Giáo Tông và
Đức Phạm Hộ Pháp lập thành gọi là “Hội
Thánh Em”. Hễ nhận phẩm ấy hành quyền có áo mão do Ngài ban cho ắt phải
tùng lịnh Đức Lý Giáo Tông cùng Đức Hộ Pháp là người làm đầu Hội Thánh, tùng
Tân Luật, Pháp Chánh Truyền.
Nay Hộ Pháp và Giáo Tông
đều ở cõi Thiêng Liêng, Hội Thánh chẳng thực quyền nơi chánh gốc dù có ai mời
mọc làm chuyện ngược đời cũng phải nhớ: phẩm Chức việc thay quyền Hội Thánh.
Còn nếu như tinh thần mình cường ngạnh cho Đức Lý làm sai, chẳng nể vì Đức Hộ
Pháp thì tốt hơn đừng bước đến trường thi do hai Ngài thay mặt Đức Chí Tôn điều
khiển từ năm Bính Dần 1926 cho khỏi lỗi câu nguyện. Một mình ở nhà lo tu nhơn
tích đức, rèn luyện tinh thần cũng được, đâu cần chi phương tiện giáo quyền và
xưng danh chùa chiền hay tổ chức. Đạo pháp vốn vô biên không ai có quyền ràng
buộc.
Dẫn chuyện xưa tích cũ dài
dòng mong huynh đệ rõ đâu là chơn pháp cho khỏi điều lầm lạc. Tạm gác bút nơi đây,
tấm thân này như con hạc nội hồi quê trở về bên cung Thánh Điện.
H.T. Nguyễn Long Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét