Danh Hiệu Và Tiêu Chuẩn Lập Pháp Của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Độ (HT. Nguyễn Long Thành)


I/ - GIỚI THIỆU DANH HIỆU ÐẠO CAO ĐÀI
Đạo Cao Đài là một tôn giáo mới thành hình tại nước Việt Nam trong vòng tiền bán thế kỷ 20. Đây là một trong những tôn giáo lớn đang hoạt động tích cực tại Việt Nam và có một hậu thuẫn nhân dân đáng kể gồm gần ba triệu tín đồ trên tổng số 17 triệu rưỡi dân. Tôn giáo nầy có một hệ thống tổ chức hành chánh khá chặt chẽ, trung ương đặt tại Tỉnh Tây Ninh xưng danh là Tòa Thánh Tây Ninh. Các cấp hành chánh địa phương là Trấn Đạo (vùng gồm nhiều Tỉnh),
Châu Đạo (Tỉnh), Tộc Đạo (Quận),
Hương Đạo (xã). Đo ù là ở Quốc nội còn ở Hải ngoại thì có một Hội Thánh ngoại giáo (Mission étrangère) trung ương đặt tại Phnom-Penh (Cambodge) và các chức sắc, chức việc đại diện ở rải rác khắp các quốc gia, Nhựt, Pháp, Mỹ, Congo.
Tôn giáo nầy xưng danh hiệu là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hoặc Đạo Cao Đài và người ta quen gọi danh thứ hai nhiều hơn vì ngắn và gọn.

Muốn hiểu rõ tại sao có hai danh hiệu cùng một lúc, chúng ta cần trở lại những ngày đầu tiên trong lịch sử lập giáo. Đạo Cao Đài vốn phát xuất từ một hiện tượng có tính cách thần quyền. Những môn đồ đầu tiên trong tôn giáo nầy là những người hiếu kỳ thuộc khuynh hướng thần bí, muốn khám phá bức màn bí mật che phủ thế giới vô hình từ ngàn xưa hầu có thể giúp họ giải quyết những vấn đề nan giải tại thế gian, chẳng hạn vận mạng tương lai của chính cá nhân và dân tộc họ.

Họ thực hiện những cuộc thông công bằng phép xây bàn và cơ bút với các chơn linh trong cõi vô hình.
Họ đã thành công trong việc khám phá ra những năng lực siêu nhiên và những thực thể linh diệu đang sống động bên cạnh cuộc đời trần tục của chúng ta.
Giai đoạn đầu tiên khởi sự từ năm 1919 với quan phủ Ngô Văn Chiêu, về sau được suy tôn như một vì Giáo Chủ trong một chi phái Cao Đài.
Giai đoạn thứ hai từ năm 1925 trở đi với một nhóm nhân sĩ gồm các ông Phạm Công Tắc, Cao quỳnh Cư, Cao Hoài Sang là những nhân vật đóng vai chính yếu và một số người nữa.
Trong giai đoạn đầu, vị Giáo Chủ vô hình của Đạo Cao Đài thường xưng danh là Cao Đài Tiên Ông hoặc Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát giáng cơ dạy cho các môn đệ phương pháp tu thân luyện kỷ. Tổ chức tôn giáo chưa thành hình tướng rõ rệt còn trong tình trạng phôi thai chỉ đơn thuần là khuynh hướng tu Tiên.

Trong giai đoạn thứ hai từ năm 1925 trở đi cũng Đức Cao Đài Tiên Ông nầy nhưng qua sự thông công của nhóm các Ông Phạm Công Tắc, Cao quỳnh Cư, Cao Hoài Sang lại xưng danh là Ngọc Hoàng Thượng Đế hoặc Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát và tôn giáo có danh gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, hệ thống tổ chức chặt chẽ và qui mô hơn trước.

Vì tính cách lịch sử trong hai giai đoạn phát triển kế tiếp nhau, người ta vẫn quen dùng song song hai danh xưng "Đạo Cao Đài""Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ". Tuy nhiên bất kỳ một đoàn thể xã hội nào khi quyết định chọn một danh xưng hẳn phải có một lý do thúc đẩy hoặc muốn nói lên một ý nghĩa chi đó.

Danh xưng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được dùng đến trong giai đoạn thứ hai đánh dấu sự trưởng thành của một tôn giáo khởi sự truyền bá sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Chính từ đây tôn giáo Cao Đài mới đóng vai trò quan trọng trong những sinh hoạt của cộng đồng quốc gia và vì thế chúng ta sẽ để nhiều thì giờ tìm hiểu ý nghĩa của danh xưng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Riêng về danh xưng Cao Đài với những người Pháp tò mò về việc cơ bút được giải thích :
Cao Đài là DIEU ( Thượng Đế ) hoặc Cao Đài là LE TRES HAUT (Đấng cao cả ) hoặc DIEU TONT PUISSANT ( Thượng Đế toàn năng ).
(TNHT Thánh giáo ngày 8-6-1926 và 1-10-1926)

II/ - Ý NGHĨA CHỮ ÐẠO
TRONG CAO ĐÀI GIÁO

Trong tôn giáo Cao Đài người ta quen dùng chữ Đạo với ý nghĩa hết sức bao quát. Qua kinh điển và ngôn ngữ trong sinh hoạt hằng ngày của người tín đồ một cách đại khái chúng ta ghi nhận những nghĩa chánh sau đây:

1 / ÐẠO LÀ NGUYÊN LÝ TẠO THÀNH VŨ TRỤ

Trong trường hợp nầy chữ Đạo được dùng để chỉ những hiện tượng đã xảy ra liên tiếp như thế nào trong vũ trụ, kể từ khởi nguyên để đạt đến kết quả là có những vì tinh tú, thái dương hệ của chúng ta cùng những sinh vật đang sống trên địa cầu ngày nay. Ý nghĩa nầy giống như thuyết nói về "Dịch lý" trong triết học Trung Quốc. Đó là con đường biến hóa từ nhất nguyên đến nhị nguyên và tăng số mãi mãi tạo thành hình tướng và những sinh hoạt vô cùng phức tạp của vũ trụ như ngày nay.

Thánh Ngôn Hiệp Tuyển của Đạo Cao Đài có ghi lời dạy của Đức Chí Tôn như sau :
" Khi chưa có chi trong Càn Khôn thế giới thì khí hư vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực, Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng mới lập ra càn khôn thế giới. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là: vật chất, thảo mộc, côn trùng, thú cầm gọi là chúng sanh (TNHT. TG.1928).

Ở một đoạn khác cũng với ý trên đây nhưng nói rõ hơn về con người và Thần linh.
" Khai Thiên Địa vốn Thầy, sanh Tiên Phật cũng Thầy. Thầy đã nói một chơn thần mà biến càn khôn thế giới và cả nhân loại. Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy, các con là chư Phật, chư Phật là các con. Có Thầy mới có các con, có các con mới có chư Thần Thánh Tiên Phật" (TNHT.Q1.tr 48).

Giáo lý nầy nói rõ sự sanh hóa từ một ra hằng hà sa số và gọi con đường ấy là Đạo. Khi giảng về sự sống chết của kiếp con người Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế có dạy :
" Tà mị cũng như hột lúa bị ẩm mà thúi thì thế nào mọc đặng mà sanh bông trổ trái?. Còn bậc chơn tu tỷ như một hột giống tốt, hễ gieo xuống thì lên cây, cây lên thì trổ bông, trổ bông rồi sanh trái mà biến biến sanh sanh càng tăng số. Vì vậy mà các con phải bỏ xác trần mà bông trái thiêng liêng các con sanh hóa chơn thần, chơn thần lại biến hằng muôn thêm số tăng lên hoài. Ấy là Đạo" (TNHT.TG 22-7-1926).
Lại nữa khi giảng về nghi lễ, chấp hai tay bắt ấn tý để lạy có nghĩa gì thì Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng đã dạy rằng Đạo là con đường sanh hóa do phép âm dương phối hợp :
" Tả là nhựt, hữu là nguyệt, vị chi âm dương. Âm dương hiệp nhứt phát khởi càn khôn, sanh sanh hóa hóa Tức là Đạo"
Lạy kẻ sống hai lạy là tại sao?
" Là nguồn cội của nhơn sanh, lưỡng hiệp âm dương mà ra. Ấy là Đạo. (TNHT.TG.25-2-1926).
Tất cả những dẫn chứng trên đây cho chúng ta thấy rằng nghĩa lý chữ Đạo là con đường sanh hóa ra muôn loài vạn vật khởi từ một gốc duy nhất là hư vô chi khí.
2/ - ÐẠO LÀ CON ĐƯỜNG PHẢN BỔN HUỜN NGUYÊN

a) - Cá thể:
Từ nhứt nguyên sang nhị nguyên cái chơn thần của Đấng Chủ tể Càn khôn thế giới ngày nay bị phân chia manh mún để tạo hóa vạn linh và gởi gấm vào trong những hình hài dị biệt cái năng lực sống của chính Ngài bàng bạc khắp mọi nơi.
" Chi chi hữu sanh cũng do bởi chơn linh Thầy mà ra. Hễ có sống ắt có Thầy, Thầy là cha của sự sống." Hoặc nói rõ hơn " Cái mạng sống là Thầy " (TNHT.TG1928)

Thế nhưng khi bước sang vòng nhị nguyên thì sống và chết là những giai đoạn kế tiếp nhau, và chỉ có ý nghĩa tương đối. Nói sống là để so sánh với những gì gọi chết và ngược lại nói chết là để so sánh những gì gọi sống. Vượt lên trên thế giới nhị nguyên ấy chúng ta thấy rằng sự sống chết chẳng qua chỉ là những lần biến hóa của cái chơn thần Đấng Thượng Đế luân chuyển từ trong hình hài nầy qua hình hài khác, chẳng khác nào chất nước khi thì ở đồng ruộng tắm mát cỏ cây, lúc chảy ra sông nuôi loài tôm cá, khi thì ở đại dương, khi bốc thành hơi nước lúc hóa mây mưa có lúc lại chun vào thân người thành máu huyết, lúc tiết ra mồ hôi, nước tiểu. Nước ấy vẫn là nước nhưng đã trải qua bao lần biến thể cũng như chơn thần của Thượng Đế đã tự phân chia thành muôn vàn mạng sống của vạn linh, luân chuyển qua những hình thức tử sinh của vạn loại mà khối sống ấy vẫn không hề mất.

Con đường trở về từ vạn linh đến Thượng Đế từ tiểu ngã của mỗi cá thể hòa vào cái đại ngã của vũ trụ cũng gọi là Đạo. Ấy là con đường phản bổn huờn nguyên mà các nhà Đạo giáo xưa nay vẫn thường gọi.

Sự trở về với nguồn gốc nguyên thủy, sự hiệp nhứt giữa Trời và Người, giữa vạn linh và chí linh cũng được những người tín đồ Cao Đài gọi là Đạo. Giáo lý Cao Đài dạy rằng nơi mỗi con người chúng ta có ba phần quí báu nhứt là Tinh, Khí, Thần. Ngày nào ba món ấy hiệp một được thì người tu sẽ thành công, nghĩa là trở về cùng khối đại chơn thần của Đức Chí Tôn mà biến hóa vô cùng. Sự hiệp nhứt ấy được gọi là Đạo trong lời giảng giải sau đây:
" Lạy Thần lạy Thánh ba lạy là tại sao? Là lạy Đấng vào hàng thứ ba của Trời và cũng chỉ rằng lạy Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt. Ấy là Đạo. (TNHT.TG 25-2-1926)
b) - Tập Thể :
Còn nói về sự hiệp nhứt của những tập thể gồm nhiều sanh linh thì Đạo có nghĩa là con đường trở về nguồn gốc nguyên thủy. Nó được vạch ra phơi bày trước mắt, mời mọc cho người bước lên và cùng đi theo hướng đi ấy. Như một đoàn lữ hành nối đuôi nhau rảo bước mà có kẻ đến đích trước người đến sau, hoặc có kẻ ngả gục giữa đường ấy là tùy ở những bước đi của chính cá nhân họ. Con đường hay Đạo nơi đây có tính cách khách quan như một phương tiện cống hiến cho con người. Trong ý nghĩa đó, chúng ta tìm thấy chữ Đạo được dùng để chỉ những tổ chức tôn giáo, các hình thức tín ngưỡng, triết thuyết Đạo giáo. Đạo được bày ra nhằm giúp cho con người biết cách sống đúng với nguyên lý sanh hóa của Trời đất từ nhứt bổn tán vạn thù rồi vạn thù qui nhứt bổn.
" Thầy khai bát quái mà tác thành càn khôn thế giới nên mới gọi là Pháp, Pháp có mới sanh càn khôn vạn vật, rồi mới có người nên gọi là Tăng.
Thầy là Phật chủ cả Pháp và Tăng lập thành các Đạo mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy". (TNHT.TG-24-10-1926).

Dĩ nhiên với ý nghĩa nầy chữ Đạo dùng để chỉ phần " vạn thù qui nhứt bổn " tức là một nửa chu kỳ của một dòng tấn hóa vì đã được nói quá rõ " Lập thành các Đạo mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy "
" Đạo là con đường để cho Thánh, Tiên, Phật đọa trần do theo mà hồi cựu vị. Đạo là đường của các nhơn phẩm do theo mà lánh luân hồi. Nếu chẳng phải do theo Đạo thì các bậc ấy đều lạc bước mất hết ngôi phẩm" ( TNHT- TG- 1926 )

Đoạn nầy còn chỉ rõ hơn, Đạo là con đường trở về cựu vị tức là nguồn gốc ban xưa, Đạo là phương pháp tu hành hay là công thức để cho nhiều người nương theo đó tìm trở lại phần tinh anh bất sanh bất diệt ngay từ trong những diễn biến hữu sanh hữu diệt của cuộc đời trần tục nầy, thường gọi tắt là lánh cửa luân hồi.

3) - Đạo là những quan niệm luân lý xã hội

Đã bảo rằng "các con là Thầy, Thầy là các con" thì với cái nhìn đầy tính cách nhân bản, Thượng Đế chẳng qua là tập thể vạn linh. Vậy thì ý muốn của đa số con người trên hoàn vũ chính là ý muốn của Đức Chí Tôn. Những sự cố gắng liên tục của bao thế hệ nằm trong hướng tiến đến những tiêu chuẩn tốt đẹp chi phối cuộc sống của con người dần dần hình thành những quan niệm về luân lý xã hội cũng gọi là Đạo. Ấy là những lẽ phải tương đối do xã hội qui định, có tính cách biến thiên tùy theo thời gian và không gian.

Giáo lý Cao Đài có ghi lại lời xác định của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế về một nghĩa của chữ Đạo đồng với luân lý xã hội như sau :
" Tùy theo phong hóa của nhơn loại mà gầy thành chánh giáo, là vì khi trước càn vô đắc khán, khôn vô đắc duyệt thì nhơn loại duy có hành Đạo nơi tư phương mình mà thôi"
" Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng càn khôn dĩ tận thức thì lại bị phần nhiều Đạo ấy mà nhơn loại nghịch lẫn nhau." (TNHT.TG-24-4-1926)

Nghiên cứu về phong tục và xã hội học chúng ta thấy quá rõ rằng "Bên này dãy núi Pyrénées là chân lý, bên kia lại là sai lầm." ( Vérité en deca des Pyrénées, erreur au delà- Pascal).

Ngay cả lẽ phải trong đời sống lứa đôi gọi là đạo vợ chồng cũng thay đổi theo không gian và thời gian. Nơi đây bị kết án là vi phạm luân lý xã hội nghĩa là vô Đạo, nếu người trai kết hôn với con gái của dì ruột y, ngược lại ở xứ khác như Trung Hoa y có thể làm công việc ấy một cách tự nhiên.

Tóm tắt, chữ Đạo trong giáo lý Cao Đài được dùng để chỉ :
- Nguyên lý sinh thành vũ trụ hay nguồn gốc phát sinh mọi vật và mọi việc.
- Sự trở về nguồn trong đời sống của cá nhân.
- Lý thuyết, phương pháp tổ chức giúp cho tập thể con người hướng về nguồn gốc nguyên thủy.
- Luân lý xã hội bày ra có tính cách hướng dẫn đời sống con người đạt đến những giá trị cao hơn các loài sinh vật khác.

Bốn nghĩa chính ấy xếp liền nhau đã cho chúng ta một ý niệm khá đầy đủ về chữ Đạo trong học thuyết Cao Đài, dẫu rằng còn nhiều điều chưa được giải rõ và hứa hẹn những sự khám phá mới trong tương lai.
" Đạo nghĩa lý rất sâu xa nhưng phải hiểu trước bao nhiêu đó rồi mới học các nghĩa huyền bí khác cho đích xác đặng." (TNHT.TG.1926).
III/ - Ý NGHĨA DANH HIỆU
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

Nếu xét theo nghĩa lý từng chữ chúng ta có thể hiểu rằng :
- Đại Đạo là con đường lớn.
- Tam kỳ là lần thứ ba.
- Phổ độ là bày ra cứu chúng sanh.

1/ - ÐẠI ÐẠO:
Trước hết xin bàn về hai chữ Đại Đạo. Tính chất căn bản trong học thuyết Cao Đài là tổng hợp tinh hoa các giáo thuyết khác, cho nên nếu không chịu đứng trên căn bản nầy khi tìm hiểu về lý Đạo, chúng ta sẽ thấy trăm nghìn thắc mắc mâu thuẫn ngay trong lời dạy của Đức Chí Tôn mà nguyên do là tại nơi tâm sai biệt của chúng ta, tại lý trí phán xét lẩn quẩn trong vòng tương đối của nhị nguyên.
Trời là Trời, đất là đất, người là người, đâu ra đấy không thể lẫn lộn được. Đó là tính chất của nhị nguyên.

Trái lại Đức Chí Tôn có dạy :
" Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy, các con là chư Phật, chư Phật là các con. Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có chư Thần, Thánh, Tiên, Phật" Hoặc nói rõ hơn " Các con là Thầy, Thầy là các con."

Và đó là tính chất vượt lên trên cả nhất và nhị nguyên hay nói một cách khác vừa nhất nguyên vừa nhị nguyên gọi là Đạo trong Cao Đài giáo.

Với cái nhìn bao quát nầy chúng ta xét thấy chữ Đại trong hai tiếng Đại Đạo. Vấn đề được đặt ra cho tất cả các Vị Giáo Chủ là giải quyết cuộc đời. Giải pháp của từng Giáo Chủ xưa nay cũng được gọi là Đạo, nó bao hàm ý nghĩa một thái độ tích cực, một phương pháp hoạt động, một lối sống cho con người. Hiển nhiên với danh xưng Đại Đạo, Cao Đài tự cho mình là con đường lớn. Những người quen nhìn từ bên ngoài, từ hiện tượng đến tâm linh, vốn quen lý luận trong vòng nhị nguyên khi phê phán về học thuyết Cao Đài thường có chỗ hoài nghi về thái độ độc tôn trong danh hiệu Đại Đạo. Lớn là so sánh với cái gì nhỏ hơn như vậy các hình thức tôn giáo, triết học đã có, hiện có, đều nhỏ hết hay sao? Nếu trở lại tánh chất căn bản của học thuyết Cao Đài là chấp nhận sự đồng nguyên tôn giáo trong ý thức và sự dung hòa tư tưởng trong cách hành động thì điều dị nghị về một thái độ tự tôn hẳn không còn đất đứng. Chẳng phải vấn đề sai hay đúng tự căn bản, mà là vấn đề còn hiệu lực hay không của các giải pháp từ xưa được đặt ra. Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo mỗi chi đều có phương cách giải quyết vấn đề nhơn sinh theo học thuyết của mình, nay nhìn nhận tất cả đều hữu lý, hữu hiệu trong một hoàn cảnh nào đó, thời gian nào đó của các hình thức giáo thuyết vẫn là thái độ căn bản của Đạo Cao Đài hay cái linh đài cao nhứt của một Đại Đạo hay là một mối Đạo lớn. Chữ Đại vì vậy không mang một ý nghĩa nổi bật, vượt lên trên tất cả như một cá thể độc lập và ngạo nghễ mà trái lại chính là sự trãi rộng ra, bao gồm tất cả để xem mình là kẻ khác, kẻ khác là mình trong một danh thể chung. Những phần tử lẻ tẻ cấu tạo thành mình, nếu mất đi thì chính mình cũng mất và ngược lại nếu không có sự ràng buộc giữa các phần tử với nhau thì những gì lẻ tẻ vẫn còn lẻ tẻ. Chữ Đại là lớn tìm thấy trong ý hướng chấp nhận sự đồng nguyên với mối liên hệ với nhau giữa những phần tử cấu tạo qua trung gian của một nguồn gốc duy nhứt, nó từ chối sự giải thích hơn hay kém trong tinh thần hơn thua với một thái độ miệt thị và tôn trọng, nhưng nhận sự thẩm định về mức độ hữu hiệu của các giải pháp với tinh thần cần có nhiều giải pháp đóng góp vào một chương trình chung là giải quyết cuộc đời. Hiểu như vậy thì Đại Đạo là một mối Đạo cho tất cả, một giải pháp vừa chừng cho tất cả, một đường đi chứa đựng được tất cả, nó không phải là một con đường trong số những con đường mà là cái danh hiệu chung của tất cả các con đường ấy, nó không phải là lối giải quyết của một vị giáo chủ mà là lối giải quyết của tất cả những vì Giáo Chủ.
2/ - TAM KỲ:
Với cái nhìn rộng rãi như vậy, chúng ta hãy lần qua đến chữ Tam Kỳ, nói nôm na là lần thứ ba. Học thuyết Cao Đài chia lịch trình tấn hóa của nhơn loại làm ba thời ký chính. Trong mỗi thời kỳ như vậy đều có một số hình thức tôn giáo nào đó phát sinh để hướng dẫn tinh thần sanh chúng. Mỗi lần khai sinh một hay nhiều tôn giáo như vậy gọi là " kỳ phổ độ". Tam kỳ hay lần phổ độ thứ ba được đánh dấu bằng sự xuất hiện của Đạo Cao Đài.
Lịch sử nhân loại theo suốt dòng thời gian là một cuộc tranh đấu để sinh tồn và tấn hóa. Ấy là cái lý tự nhiên, nhưng ngặt càng tranh đấu lắm lại càng ác liệt lắm, nên đã bao phen nhơn loại đứng bên bờ vực thẳm của một cuộc diệt vong rộng lớn. Trước nguy cơ diệt chủng ấy, nhiều vị giáo chủ xuất hiện đem lý thuyết Đạo giáo truyền bá trong dân gian mong kéo con người trở lại đời sống hiền hòa. Ảnh hưởng của các Đạo giáo phần nào đã giúp ổn định đời sống xã hội ít nữa trong một khoảng thời gian nào đó, trước khi ảnh hưởng ấy lu mờ dần để nhường chỗ cho những giáo thuyết mới phù hợp với trình độ dân trí hơn.

Song song với sự phát triển tinh thần nhơn loại theo hai xu hướng thiện và ác, nhiều vị giáo chủ giáng trần bày ra những lối huấn luyện thích hợp đưa con người trở về hợp nhứt với Thượng Đế mà ý niệm phát sinh càng ngày càng rõ rệt. Nơi đây không còn những con số niên lịch chính xác phân định những móc thời gian giữa các thời kỳ với nhau, vã lại cũng khó làm được như vậy vì sự tiến triển của nhơn tâm nói chung trên dòng tấn hóa là một sự tổng hợp của nhiều cá nhân xuất sắc và trì độn.

Người ta chỉ còn nhớ lại một cách mơ hồ vào thời kỳ thời tiền sử xa xăm có xuất hiện nhiều vị giáo chủ và những nhân vật lừng danh mà công nghiệp còn được truyền tụng và suy tôn như hàng Giáo Chủ. Cũng không có ai hình dung nổi hình dáng các vị nầy ra sao, hoạt động đích thực của các Ngài ra sao. Những lời thuật lại trong các truyền thuyết thật là khó mà tìm được như những sự kiện hiển nhiên của những con người bằng xương bằng thịt, nhưng ít nữa nó cũng tượng trưng cho những ý nghĩa có tính cách triết học nào đó.

Sang đến thời kỳ phổ độ thứ hai lịch sử còn ghi sự xuất hiện của :
- Đức Thích Ca chấn hưng Phật Giáo.
- Đức Lão Tử chấn hưng Tiên Giáo.
- Đức Khổng Phu Tử chấn hưng Nho Giáo.
- Đức Jesus-Christ khai Gia Tô Giáo.

Và bây giờ chúng ta đang ở vào thời kỳ phổ độ thứ ba gọi là Tam Kỳ Phổ Độ. Lần thứ ba là để so sánh với lần thứ nhứt và thứ hai trước đây. Lần thứ ba nầy nói về ba Đạo giáo chính ơ ûĐông phương người ta không tìm thấy những nhơn vật trọng đại giáng trần chấn hưng các mối Đạo mà chỉ thấy sự tôn sùng các chơn linh.
- Quan Thế Âm Bồ Tát.
- Lý Thái Bạch.
- Quan Thánh Đế Quân.

Như là những vị đặc trách trông coi sự chấn hưng của Phật Giáo, Tiên giáo và Nho giáo. Điều ấy tìm thấy trong ý thức hệ của tín đồ Cao Đài và cách phô diễn trong nghi lễ thờ phượng, còn những hoạt động của các chơn linh ấy thuộc phạm vi bán hữu hình nên khó lòng kiểm chứng được đối với những kẻ không tin.

Đây vừa kể sơ lược những nhân vật thường được nhắc đến nhiều nhứt trong học thuyết Cao Đài, thế còn những vị giáo chủ các tôn giáo khác trên khắp hoàn cầu thì sao? Xếp vào kỳ phổ độ nào? Bất kỳ tôn giáo nào, những hình thức tín ngưỡng dù ở phương trời góc biển nào cũng có những hiện thân của Thượng Đế làm đối tượng tôn sùng cho người tin theo, như vậy thì sự liệt kê danh hiệu các vì giáo chủ qua ba kỳ phổ độ như vừa nêu trên chỉ có giá trị tượng trưng cho khuynh hướng muốn bao gồm thống hợp tất cả.

Sự tượng trưng nào lại không chỉ là tương đối nên phải hiểu rằng đàng sau bảng kê khai hãy còn nhiều dấu chấm bỏ lửng hay là một dấu ngoặc chờ đón những sự điền vào tiếp nối khi trí óc tinh thần nhân loại phát triển đến mức có thể hồi tưởng lại hết tất cả những danh hiệu của các vị giáo chủ hoặc những người ở vào cái tư thế như vậy trong xã hội cổ kim.

Như vậy sự phân chia thành ba kỳ phổ độ không có tánh cách máy móc, toán học, nghĩa là cứ sau niên lịch nào đó thì tự động xếp các vì giáo chủ, các hình thức tín ngưỡng tôn giáo nhỏ lớn vào cùng một nhóm với nhau. Trái lại, sự phân chia nầy có tính cách rất tổng quát, mang ý nghĩa rằng lịch sử nhân loại là một cuộc tuần huờn hết thịnh đến suy, suy rồi lại thịnh. Cứ mỗi thời kỳ suy đồi, các Đạo giáo như những cố gắng làm phục sinh tinh thần cao thượng của con người hướng về nguồn gốc linh thiêng của mình.

Tam Kỳ phổ độ được đánh dấu bằng sự xuất hiện của Đạo Cao Đài khoảng đầu thế kỷ 20, nhưng triết lý tổng hợp nầy đã xuất hiện từ trước và nhiều nơi khác, như ở Đạo Bahai từ năm1863, phong trào nghiên cứu tôn giáo đối chiếu tại các quốc gia Âu Mỹ từ đầu thế kỷ 20 y như lời xác định của Đức Chí Tôn.
" Thầy chưa giáng cơ lập Đạo tại nước Nam chớ chư Thần, Thánh, Tiên, Phật dùng huyền diệu nầy mà truyền Đạo cùng vạn quốc." (TNHT. TG.12-11-1926).

3/ - PHỔ ĐỘ :
Như vừa nói trên, chữ phổ độ có nghĩa bày ra để cứu chúng sanh. Hai chữ phổ độ làm chúng ta liên tưởng đến cả một sách lược tuyên truyền, kỹ thuật quảng bá để cho một ý thức hệ đi thẳng vào tim óc của dân gian, ngự trị trong tư tưởng quần chúng để rồi tư tưởng ấy điều khiển hành động của từng cá nhân và tập thể. Đó là thái độ vô cùng tích cực nhằm đoạt đến cái đích tối hậu là độ rỗi nhơn sanh thoát cái hiện tại bất toàn của họ. Thiết tưởng cần dẫn chứng điều quan hệ căn bản trong tư tưởng người đệ tử Cao Đài liên quan đến sự có mặt của họ tại thế gian nầy trước khi đi sâu vào nghĩa lý chữ Độ.
Một đoạn trong bài đầu tiên của quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển ( quyển thứ nhì ) có ghi như sau :
" Cõi trần là chi? Khách trần là gì?
Sao gọi là khách?
Trần là cõi khổ để đọa bậc Thánh, Tiên có lầm lỗi, ấy là cảnh sầu để trả xong quả hoặc về ngôi cũ, hoặc trả không xong quả phải mất cả chơn linh là luân hồi, nên kẻ bị đọa trần gọi là khách trần."

Vậy thì quê hương thật sự của con người không phải chỉ ở địa cầu nầy, nơi đây chỉ là quán trọ để khách lữ hành dừng chân một thuở trên dòng tấn hóa, một nơi để các đẳng chơn linh đến học hỏi những kinh nghiệm sống trong cuộc sống trần tục bên trong thi thể của một phàm nhân. Vậy thì cái tư thế là của một người khách tạm ngụ chớ không phải là một chủ nhân ông vĩnh viễn. Vậy thì quyền tư hữu của con người đối với vật chất trên mặt địa cầu nầy là vô nghĩa, vì tính chất vô thường của những của cải vật chất ấy. Mọi giá trị của cuộc sống được xây dựng trên sự trải dài của cái trường cửu mà trường cửu lại chính là cái tổng hợp của nhiều giai đoạn. Nhầm lẫn giá trị của trường cửu với những giá trị đoản kỳ của các giai đoạn là xuyên tạc học thuyết Cao Đài... Chẳng hạn, lập luận bảo rằng cuộc đời của một người nào đó có nhiều đau khổ, vậy cứ đem giết phức y đi là xong chuyện. Đó cũng là một cách giải quyết vấn đề nhưng nó được xây dựng trên biện chứng, phản lại tinh thần trường cửu là sự sống của một cá nhân được tiếp nối qua nhiều thế hệ luân hồi hay ít ra sau khi chết cái phần linh diệu nơi một con người vẫn còn tồn tại và hoạt động. Sự độ rỗi cũng phải được xây dựng trên một lập trường như vậy, người sẽ phải vận dụng tất cả mọi khả năng để làm cho người tiến hóa đạt đến chân, thiện, mỹ trên sự trải dài của đời sống vĩnh cửu. Cái nhìn ấy khác với cái nhìn của người cho rằng hạnh phúc chỉ có trên đời nầy ngay trong đời sống hiện tại, và chỉ có trong kiếp sống của xác thân, có khuynh hướng qui tất cả mọi giá trị của cuộc sống vào mấy mươi năm xuất hiện trên mặt đất. Trường cửu sẽ trở thành ảo tưởng nếu nó không được xây dựng trên giai đoạn và giai đoạn sẽ có tánh cách cực đoan nếu nó không được xây dựng trên trường cửu nên mối tương quan mật thiết giữa hai ý thức về hữu hạn và tuyệt đối là thế quân bình trong sự quyết định cách thức hành động khi phổ độ chúng sanh. Nhà đạo giáo nếu không nắm được mối tương quan nầy hay là độ tiết chế lẫn nhau thường sẽ phải cuốn theo chiều gió một cách thảm thương và thay vì giữ được vị trí của một trọng tài làm quân bình đời sống nhơn sanh lại lấy sức mạnh của khối tín ngưỡng làm gia tốc những sự va chạm lẫn nhau giữa các khuynh hướng đối nghịch trong xã hội. Tinh thần hay là tư tưởng tuy chẳng có sức mạnh nào cụ thể như súng đạn nhưng khả năng hoán cải cuộc đời không phải là ít, vì vậy những cuộc xô xát ngày nay tuy mang cái vỏ cơ khí rầm rộ bên ngoài nhưng kỳ thật là những cuộc xung đột tư tưởng phát sinh từ các triết thuyết của tiền nhân. Muốn độ rỗi nhơn sanh phải nhắm vào cái gốc phát sinh những mối bất hòa trong xã hội nên phải giải quyết vấn đề tư tưởng như là căn bản của mọi giải pháp. Tư tưởng sẽ chẳng có giá trị gì nếu nó không biểu lộ ra ngoài một cách cụ thể bằng hành động. Độ rỗi vì vậy mang hai ý nghĩa :

Thứ nhứt : Hoán cải tư tưởng.
Thứ hai : Ảnh hưởng đến hành động.
Tư tưởng xây dựng trên ý thức đời sống trường cửu, hành động bị trói buộc vào hoàn cảnh và giai đoạn. Nếu hai lãnh vực nầy hoàn toàn tách rời nhau, nghĩa là nhơn sanh vẫn ý thức được giá trị của con đường thiêng liêng hằng sống nhưng vẫn hành động theo thế tục, hoàn toàn trái ngược với tư tưởng trên đây thì kẻ có trách nhiệm trong Tam Kỳ đã không tròn câu phổ độ.

Phổ độ là bày ra, hẳn nhiên phải bày ra cái gì hữu hình, hữu tướng, cái lớp vỏ, cái áo ngoài tức là cái giả vậy. Kết quả cuộc phổ độ lại là vấn đề của thế giới nội tâm, nên người đi làm công việc truyền giáo mà không độ được chính mình thì chỉ nắm được cái vỏ chớ chưa hề biết được cái ruột. Nói rộng ra những gì hiện có tại thế gian nầy thấy được bằng nhục nhãn, nghe được bằng nhục nhĩ liên quan đến sách lược truyền bá giáo lý chỉ nằm trong phạm vi giả tạm, nó có tánh cách tùy thuộc vào môi trường và giai đoạn. Người phải xây dựng được đời sống trường cửu cho nhơn sanh thì mới đạt được kết quả sau cùng của việc phổ độ. Nếu như Tam Kỳ chỉ làm được việc truyền bá giáo lý mà không tạo được đời sống vĩnh cửu cho chúng sanh thì vấn đề đặt ra là giải quyết cuộc đời chưa đi đến đích.

IV/ - TIÊU CHUẨN LẬP PHÁP

Giờ xin sang qua điểm thứ hai là quan niệm về Tam giáo và Ngũ chi trong ý thức hệ Cao Đài. Khuynh hướng tổng hợp nếu chỉ thể hiện trong sự liên kết giữa ba mối Đạo lớn là Nho, Thích, Đạo thì chỉ có giá trị ở Đông Phương mà thôi. Đó là sự lưạ chọn một hình thức nói lên ý nghĩa đồng nguyên tôn giáo dễ hiểu nhất đối với quần chúng Đông phương và sẽ trở nên khó hiểu đối với người Âu, Mỹ vì tư tưởng các Đạo giáo nầy có phần xa lạ trong đời sống thường nhựt của họ. Khi bàn đến danh sách các vì Giáo chủ được nhắc tới nhiều nhứt trong các kỳ phổ độ, tôi đã nghĩ rằng cần có nhiều chấm bỏ lửng đàng sau bảng liệt kê ấy, những dấu chấm ấy là điều muốn nói trong tư tưởng, còn các tên đã kể ra là cái hữu hạn của ngôn ngữ trong khả năng diễn tả. Mặc dù nêu lên danh hiệu Tam giáo tức là ba hình thức tôn giáo đồng nguyên thì sự liệt kê danh tánh ba vị Giáo chủ là đủ, nhưng ở đàng trước danh hiệu đó lại có chữ Đại trong tiếng Đại Đạo nên cần hiểu ngôn từ Tam giáo qui nguyên như là một cách diễn tả tư tưởng vạn giáo qui nguyên. Nói cách khác khi nhìn vào Thánh Tượng của chư vị Lão Tử, Thích Ca, Khổng Tử xếp ngang hàng nhau trên bàn thờ, biểu tượng ấy muốn nói rằng tất cả các hình thức tôn giáo trên hoàn cầu đều có giá trị tương đương với nhau là độ rỗi chúng sanh bằng một sách lược phổ truyền nào đó thích hợp với từng trường hợp. Những người quen nhìn sự việc trên đời với con mắt nhị nguyên luôn luôn so sánh, tìm bới những điều dị biệt để xếp loại, phân nhóm chia cách người với người sẽ lấy làm thắc mắc tại sao Đạo Cao Đài lại ngang nhiên nhìn nhận rằng tất cả mọi hình thức độ rỗi nhơn sanh của các vì Giáo chủ hay những người làm cùng công việc ấy mà không xưng danh Giáo chủ đều có giá trị tương đương với nhau. Chúng ta há chẳng biết rằng có những tôn giáo có thế lực mạnh hơn các tôn giáo khác có nhiều tín đồ hơn các tôn giáo khác hay sao? Và do đó tại thế gian con người không ngần ngại phê phán rằng tôn giáo nầy quan trọng hơn tôn giáo nọ hay sao? Chúng ta há chẳng biết rằng có rất nhiều người đi vào trong tôn giáo và sống một cách thực tình rằng chỉ có họ là chánh đạo còn những gì khác họ đều là mê tín dị đoan hay sao? Nếu chúng ta trở lại lời dạy:
" Các con là Thầy, Thầy là các con "
" Các con là chư Phật, chư Phật là các con".

Thì sự so sánh hơn thua kia chẳng còn ý nghĩa gì hết vì chẳng có sự cách biệt nào nữa giữa ta và Jésus Christ hay Mohamed, giữa ta và Thích Ca, Khổng Tử hay Lão Tử. Tất cả những con người ấy chỉ là sự thay hình đổi dạng của một nguồn sống mênh mông chảy dài trên dòng thời gian mà mỗi người đều có phận sự phải hoàn thành là thể hiện sự sống ấy một cách đầy đủ nhất trong những môi trường mà mình đang có mặt. Tính cách trường cửu tìm thấy trong ý nghĩa tất cả các giáo thuyết đều có nguồn gốc từ Thượng Đế, đều có cùng sứ mạng như nhau là phổ độ trong ba kỳ xuất hiện từ trước đến giờ. Tính cách đoản kỳ trói buộc vào trong giai đoạn và hoàn cảnh là sách lược phổ truyền của tất cả giáo thuyết biến thiên theo thời gian và không gian. Một lần nữa khuynh hướng bao gồm, dung hợp trong ý thức hệ Cao Đài lại mở ra theo chiều dọc trên biểu tượng thờ phượng khi chúng ta quan sát từ Thiên Nhãn trở đi thấy một sự sắp bày như sau:
1/ - Thiên nhãn.
2/ - Ảnh Đức Phật Thích Ca.
3/ - Ảnh Đức Lý Thái Bạch.
4/ - Ảnh Đức Chúa Jesus Christ.
5/ - Ảnh Đức Khương Thái Công.
6/ - Bảy Ngai dành cho bảy vị chức sắc lớn nhứt bên Cửu Trùng Đài trong Hội Thánh Cao Đài.

Tách rời Thiên Nhãn ra ngoài như một biểu tượng của cái lý duy nhứt hay là lẽ tuyệt đối không so sánh vào đâu được chúng ta thấy còn lại năm biểu tượng: Phật,Tiên, Thánh,Thần, Nhơn xếp hàng nối đuôi nhau đi về lý duy nhứt tượng trưng bằng Thiên Nhãn. Nơi đây chúng ta thấy những sách lược hành động xuất hiện trên khắp hoàn cầu rải rác theo khắp dòng thời gian mà mỗi ảnh hay bài vị trên bàn thờ tượng trưng cho một khuynh hướng. Năm lãnh vực hoạt động gọi là Ngũ chi Đại Đạo kể từ dưới lên trên là:
1/ - Nhơn Đạo.
2/ - Thần Đạo.
3/ - Thánh Đạo.
4/ - Tiên Đạo.
5/ - Phật Đạo.

Chữ Đạo trong Ngũ chi nầy nghĩa lý thiên về con đường, cách hành động hơn là hình thức phô diễn của một tôn giáo. Vì vậy ở Đông phương chữ nhơn đạo đồng nghĩa với đường lối giải quyết các vấn đề nhơn sinh của Khổng Tử, Mạnh Tử...Ở phương Tây là lối giải quyết của Socrate, Esope, Platon....Biểu tượng của Nhơn Đạo là bảy cái ngai đặt ở phía dưới chót bàn thờ theo chiều dọc từ trên Thiên Nhãn nhìn xuống, trong khi ảnh tượng của Đức Khổng Phu Tử lại xếp ở hàng ngang tượng trưng cho một tôn giáo. Chiều ngang tượng trưng cho những hình thức tổ chức tôn giáo có giá trị tương đồng trong sứ mạng, kéo dài ra đến vô tận trong ý nghĩa và giới hạn trong số ba tôn giáo lớn ở Đông phương trong cách sắp bày để nói lên ý nghĩa đó. Như vậy chúng ta có thể tưởng tượng rằng bên cạnh ảnh tượng của các vì Giáo chủ: Phật Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử còn có những vì Giáo chủ khác nữa cũng sắp ngang hàng như vậy và mỗi vị nầy sẽ phải nhìn thẳng vào thế gian mà giải quyết tất cả những vấn đề sau đây cùng một lúc:
1/ - Đời sống cá nhân và gia đình trong xã hội,
2/ - Đời sống Quốc gia trong cộng đồng Quốc tế.
3/ - Sự thánh thiện hóa loài người.
4/ - Con người và những hoạt động trong cõi hư linh.
5/ - Sự giác ngộ toàn thể chúng sanh.

Không ít thì nhiều những giáo thuyết đều phải đương đầu với những vấn đề nêu trên và có một giải pháp rõ rệt. Có thể một giải pháp chỉ tập trung nhân lực vào một địa hạt nào đó thôi, và bởi sự liên hệ mật thiết giữa các địa hạt, bằng cách tập trung ấy nó đã giải quyết toàn bộ vấn đề gồm năm lãnh vực. Chẳng hạn giải pháp của Khổng Tử đặt trên căn bản lòng nhơn và khi con người phát triển đến tột đỉnh lòng nhơn thì người đã đạt đến mức có nghĩa, lễ, trí, tín, sẽ biết người biết ta, biết quỉ Thần, biết Trời đất. Hành động cho phù hợp với lòng nhơn tức là hành động theo Thiên lý, là đã giải quyết các vấn đề thuộc năm lãnh vực vừa nêu trên. Sự tu thân cho trở thành một người hiền là chuyện của đời sống cá nhân, nhưng cá nhân là một phần tử trong cộng đồng quốc gia cá nhân cũng là một phần tử trong xã hội bị chính trị chi phối nên sự tu thân nhìn dưới góc cạnh khác lại là một cách giải quyết vấn đề cải thiện đời sống cộng đồng quốc gia. Cá nhân cũng là một phần tử trong xã hội loài người nên nhìn dưới một góc cạnh khác nữa, sự tu thân của cá nhân cũng là một cách giải quyết vấn đề thánh thiện hóa loài người. Cá nhân cũng mang nơi mình một Thiên mệnh nên tu thân cũng là cách giải quyết vấn đề đời sống con người trong mối tương quan giữa thế giới hữu hình và vô hình. Với cái nhìn bao la hơn nữa chúng ta sẽ thấy rằng cá nhân con người là một sanh linh như biết bao sanh linh khác giống đang ở lẫn lộn cùng mình cho nên chuyện tu thân cũng là cách giải quyết vấn đề thức tỉnh toàn cả vạn linh. Lòng nhân không chỉ giới hạn trong mối tương quan giữa ngưới và người, nó còn mở rộng đến các loài sanh vật khác. Chúng ta há chẳng từng nghe lời kết án những kẻ bạc đãi, hành hạ thú vật là hạng người vô nhân hay sao?

SƠ ĐỒ AN VỊ THÁNH TƯỢNG
Thiên nhãn, Tam giáo, Tam trấn, Ngũ chi

Trong Pháp Chánh Truyền chú giải đoạn nói về quyền hành của Nữ Đầu Sư Đức Chí Tôn có giảng về cách an vị Ngũ Chi như sau:
" Tòa Thánh day mặt ngay hướng Tây tức là chánh cung Đoài, ấy là cung Đạo còn bên tay trái Thầy là cung Càn, bên tay mặt Thầy là cung Khôn đáng lẽ Thầy phải để Bảy Cái Ngai của phái nam bên tay trái Thầy, tức bên cung càn mới phải, song chúng nó vì thế Nhơn Đạo cho đủ Ngũ Chi cho nên Thầy buộc phải để vào Cung Đạo là cung Đoài cho đủ số."

Tóm lại, hoạt động của một cá nhân con người có ảnh hưởng đến tập thể vạn linh, và đời sống của vạn linh chi phối đời sống cá nhân, mà đời sống vạn linh là một phần của đời sống chí linh hay nói cách khác cái sống của vạn linh là cách thể hiện cái sống của chí linh trong vòng sắc giới, cho nên Khổng Giáo khởi đầu giải pháp của mình bằng sự tu thân như là dùng cái chìa khóa mở toan vòng dây xích gồm nhiều mắc nối với nhau.

Có thể bằng cách tập trung hoạt động vào một trong năm lãnh vực vừa nêu trên, các vì Giáo chủ đã thật sự giải quyết toàn bộ vấn đề nhân sinh do tính cách ảnh hưởng dây chuyền giữa các hoạt động của đời sống vạn linh. Đường lối hoạt động của các vì Giáo chủ vì vậy được xây dựng trên cái trường cửu là cuộc sống của con người bất diệt, nhưng lại biến thiên với thời gian và không gian. Vậy thì Thần, Thánh, Tiên. Phật là cái danh hiệu của người đã thành công theo đường lối tu hành do các vì Giáo chủ bày ra. Nói khác đi, bởi hành động như vậy nên mới có tên như thế. Chẳng hạn người vẫn xưng tụng Đức Khổng là Thánh trong danh hiệu Khổng Thánh Tiên Sư thì Đức Khổng lại dạy về Nhơn đạo là cái lối làm người phải ra sao, phải hành động như thế nào khi làm vua, làm quan, làm dân cùng với những đức tính tốt: Nhơn, nghĩa,lễ, trí, tín, công,dung, ngôn, hạnh....kẻ chấp nhận theo học thuyết của Đức Khổng và thành công trong cuộc sống theo lời dạy nầy có nghĩa là kẻ đã tròn câu nhơn đạo. Ngũ chi phục nhứt là năm lối giải quyết của tất cả các vì Giáo chủ xưa nay đều hội ngộ với nhau trong giáo thuyết của kỳ ba phổ độ là giáo thuyết Cao Đài. Tất cả giải pháp ấy đều nhằm hướng dẫn con người sống cho phù hợp với cái sống của Trời đất đang diễn biến không ngừng. Sự trở về nguồn hay hợp cùng đại ngã hay là đắc nhứt, được cứu rỗi hay là được trở về cùng Chúa, đạt đến Chơn Như cũng chỉ là những danh từ diễn tả khác nhau ý nghĩa đặt mình vào trong cái sống của Tạo Hóa. Nhận định như vậy mới tránh khỏi sự nhầm lẫn rằng học thuyết Cao Đài có tính cách độc tôn không thừa nhận các giáo thuyết khác. Tóm lại, xin phân biệt khác nhau về ý nghĩa giữaTam giáo và Ngũ chi như sau:
- Nhơn đạo: là lối sống theo thuyết của Khổng Tử, Socrate, Platon, Esope....
- Thần đạo: là lối sống theo Khương Thái Công, những nhân vật mô tả trong Hy lạp Phong thần, Ai Cập Phong thần.
- Thánh đạo: là lối sống theo Jesus Christ, Mohamed.
- Tiên đạo: là lối sống theo Lão Tử, Dương Châu, Mặc Định những nhân vật gọi là bàn môn, Thầy phù, bóng chàng, đồng cốt...
- Phật đạo: là lối sống theo Thích Ca Mâu Ni, Pythagore.

Đó không phải là năm tôn giáo mang danh hiệu "Tôn giáo Nhơn" "Tôn giáo Thần" "Tôn giáo Thánh" "Tôn giáo Tiên" "Tôn giáo Phật" giống như tôn giáo Cao Đài, tôn giáo Hòa Hảo, tôn giáo Bahai..v..v.. mà là năm lối giải quyết vấn đề nhân sinh của nhiều tôn giáo. Như vậy chữ Phật giáo trong Tam giáo ( Nho, Thích, Đạo) khác với Phật đạo trong Ngũ chi ( Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo ) cũng giống như chiếc thuyền Bát Nhã khác với ý nghĩa một Bát Nhã thuyền. "Thuyền Bát Nhã" là một chiếc thuyền bằng cây chạm trổ hình rồng dùng để chở quan tài người chết đi chôn, còn Bát Nhã thuyền lại chỉ mối Đạo dùng để cứu vớt chúng sanh ra khỏi bể khổ đưa họ về bỉ ngạn. Một đàng là cái hình tướng, một đàng là cái nội dung. Vậy thì nói Tam giáo qui nguyên là ý muốn tổng hợp tất cả hình thức tôn giáo làm thành một hình thức duy nhứt, Ngũ chi phục nhứt là muốn thống hợp tất cả nội dung các giáo thuyết làm thành một nội dung duy nhứt chớ chẳng chi rằng lạ.

Xin trích dẫn một đoạn Thánh giáo trong quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển của đạo Cao Đài :
" Vốn từ trước Thầy đã lập ra Ngũ chi Đại Đạo là Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo. Tùy theo phong hóa của nhơn loại mà gầy thành chánh giáo, là vì khi trước Càn vô đắc khán, khôn vô đắc duyệt, thì nhơn loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi. Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng Càn khôn dĩ tận thức thì lại bị phần nhiều Đạo ấy mà nhơn loại nghịch lẫn nhau nên Thầy mới nhứt định qui nguyên phục nhứt".
Xem thế, thì triết lý Cao Đài có một điểm nổi bật đặc sắc là tính chất thống hợp và thái độ hòa huỡn. Bởi sứ mạng làm nơi trung gian cho tư tưởng nhơn loại hiệp đồng nó phải mở rộng cửa đón nhận mọi luồng tư tưởng, nghiên cứu trên căn bản hữu thần nghĩa là có một Thượng Đế luôn luôn ở trong tâm trí làm hậu thuẫn để cho sách lược phổ truyền được thích ứng với từng thời đại. Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc Chưởng quản cơ quan Hiệp Thiên Đài hay chơn thần của tôn giáo Cao Đài, cơ quan đầu não hữu hình phát sinh ra tư tưởng Cao Đài qua hình thức cơ bút, đã minh xác :
"Đạo Cao Đài là một tôn giáo do Lương tâm vi bổn, lấy cả triết lý toàn cầu đặng làm căn bản hầu làm trung gian cho các tư tưởng hiệp đồng đặng dìu dắt nhơn sanh hồi thiện."
Chúng ta lại hiểu rằng tư tưởng vốn vô cùng chìu theo thời thế đặng nâng đỡ trí thức nhơn sanh tạo thời cải thế, thì nay nhơn loại đã hiệp đồng, càn khôn dĩ tận thức nên triết lý ấy không cho phép nó tự đóng khung hình tư tưởng trên dòng thời gian, bởi tự bản chất nó không có sự cách biệt nào với kẻ khác như là một đơn vị đối đầu cùng những đơn vị. Từ chối thái độ cởi mở như vậy là chỉ có "sở" mà không có "dụng". Có "sở" là vì đang nằm trong một học thuyết tự nó là "đại" lại không dùng tính chất ấy làm cho nó lớn ra cả về phẩm lẫn lượng nên gọi là thiếu "dụng". Nói cách khác chẳng phải vì cứ có người nhập môn làm tín đồ, chấp nhận tín điều thì tức khắc có được một Đại Đạo, mà trái lại từ trong lãnh vực tư tưởng của người theo thể hiện ra cho đến bên ngoài cử chỉ, hành động, lời nói, nhứt nhứt chẳng còn dấu vết nào của sự phân cách, cũng không còn thấy mình lớn hơn, vắng bặt hết tất cả những thắc mắc phát sinh tự đối tính của thế giới nhị nguyên mới gọi là Đại Đạo. Đó là trạng thái tinh thần và phương cách hành động của những bậc chơn tu đắùc đạo dù trước kia họ đi theo hình thức nào cũng vậy.

VI / - KẾT LUẬN

Tổng hợp là điều trong nội tâm, hòa huỡn là cách biểu hiện bên ngoài, chúng ta đừng nhầm lẫn nội tâm với biểu hiện. Biểu hiện nào cũng thiếu sót trong khi nội tâm lại chứa đầy không thế nào diễn tả hết được. Biết được khuyết điểm ấy của hiện tượng giới nên Thần học Cao Đài vừa duy lý lại vừa duy linh, sách lược phổ độ của Tam kỳ vừa dựa trên phân tích và luận lý lại vừa dựa trên sự truyền cảm tinh thần, nói tóm tắt là truyền thần. Đặc tính nầy trong Thần học làm sáng tỏ hơn tính chất dung hợp và thái độ hòa huỡn của học thuyết Cao Đài khiến cho những ai thường phê phán qua những nhận xét về sự biểu hiện khiếm khuyết của thái độ, của hành động nơi người tín đồ phải đặt lại vấn đề triết lý của học thuyết Tam kỳ. Qui nguyên Tam giáo, phục nhứt Ngũ chi không phải là sự kết nạp ô hợp, trong đó những điểm dị biệt được nối liền nhau bằng những cái móc thô kệch gò bó, không phải là một sự kết nạp trong đó có những dị biệt là những điều căn bản đáng được bàn cãi và phải được đưa lên hàng đầu của vấn đề. Dị biệt là những biểu hiện bên ngoài với thời gian và không gian của sự đồng nhất bên trong. Nói rõ hơn chủ trương qui nguyên Tam giáo, phục nhứt Ngũ chi làm cho Đạo Cao Đài trở thành một tôn giáo chớ không phải một hiệp hội của nhiều tôn giáo. Trong tôn giáo ấy người theo sẽ thấy rằng chữ Nhơn đạo không còn là cái gì cách biệt với Thiên Đạo. Thiên đạo là sự trãi dài trên trường cửu, nhơn đạo là sự dự phần vào cái vô tận ấy. Đại Đạo là nội dung mà Ngũ chi là cách biểu hiện trong vòng sắc giới nên Đại Đạo hay Ngũ chi vẫn là một tuy rằng học thuyết ấy có đặt thành hai danh từ như vậy.
Kiểm duyệt Kinh Sách
Ngày 22 tháng 02 Giáp Dần. - ( DL. 15-03-1974 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét