Đời Người (HT. Nguyễn Long Thành)


THAY LỜI TỰA
Từ buổi ban sơ khi Thượng Đế giáng linh tạo dựng giống người, tánh con người vốn thiện cư trần sanh nhiễm, xác thân mê luyến điều huyễn ảo, tập tánh gian tham, chất chứa cho nhiều của cải vật chất, những mong truyền kế hưởng thụ lâu dài, trường tranh đấu thiệt hơn giục sanh ra ác tánh.
Thần trí phải tách mình ra khỏi vòng huyễn ảo của xác thân trì níu mới mong trở về cội nguồn thiêng liêng nguyên thủy.

Phép tách mình ra khỏi xác phàm phải nhờ đến quyền Chí Linh trợ lực mới có đủ ánh sáng tâm linh giác ngộ.

Cái sống của Thần hướng về chôã Chí Linh tối diệu sẽ kéo theo Tinh Khí hiệp một mà huờn pháp thân linh hiển.

Ấy vậy, tâm là chủ. Tâm sanh tánh còn vật tùy hình. Hễ phàm tâm ắt sanh tục tánh. Thánh tâm thì Thiên tánh, lành thăng dữ đọa, đôi đường tự tạo.
Thiên Địa vốn vô tư.
Đời người là thế.
NGUYỄN LONG THÀNH
Cẩn bút

NGÔI CHÍ TÔN

Khi Trời Đất chưa phân định, không gian hiện có đây chỉ có đây chỉ là Hư Vô chi khí. Gọi là khí Hư Vô vì cái thể của nó trống không đối với mắt phàm của con người. Kỳ thật trong cái không ấy vẫn có chứa đựng một nguồn sống tiên khởi chưa biến hình gọi là Đấng Tự Hữu, nghĩa là tự nó có như vậy. Không có cái gì trước nó để sinh ra nó. Trong Hư Vô đã có sẵn nguồn sống nên nói rằng trong Không mà Có. Con người gọi tên nguồn sống ấy bằng nhiều danh hiệu khác nhau với lòng tôn kính nên luôn luôn có kèm theo tiếng Đức hay Đấng, chẳng hạn như Đức Chúa Trời, Đức Chí Tôn, Đấng Tạo Hóa, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đấng A La, Đấng Giê-Hô-Va.
Nguồn sống đầu tiên ấy đầy khắp trong vũ trụ bao la, linh diệu, sáng suốt tột cùng. Khi nguồn sống ấy bắt đầu thức động cái thể của vũ trụ biến hình, tạo ra sự khác biệt giữa hai trạng thái, một trạng thái có thức động đối nghịch với trạng thái im lìm mờ mịt trước đó. Cơ sanh hóa đã bắt đầu, từ khi ấy mới có ý thức thời gian sau trước qua lại. Cái thể gốc của vũ trụ mờ mờ mịt mịt đã biến hình thành hai trạng thái đối nghịch đầu tiên gọi là " Thái Cực phân Lưỡng Nghi" một âm một dương. Thức động thuộc dương, im lìm tĩnh lặng thuộc âm.

Nói rằng "Khí Hư Vô sanh ra có một Thầy" nghĩa là trong cái không không của Hư Vô đã có sẵn một nguồn sống đầu tiên gọi là Thầy.

"Ngôi của Thầy là Thái Cực" nghĩa là nguồn sống ấy ngự trị cùng khắp trong không gian. Ngôi là chỗ ngự, vị trí.

Đó là lời nói bóng, diễn tả ý nghĩa đơn sơ về nguồn gốc, bản thể của vũ trụ, thường được sử dụng trong đạo giáo.

Còn hiện tượng diễn biến trong quá khứ đã xảy ra như thế nào một cách rõ rệt trên dòng thời gian vô định để hình thành vũ trụ như ngày nay trong tri thức của con người hãy còn là những lời nói phỏng.

Vậy thì Đức Chí Tôn hay tiếng Thầy trong Cao Đài giáo là nguồn sống đầu tiên trong vũ trụ. Từ nguồn gốc ấy biến sanh ra muôn loài vạn vật trong đó có con người. Từ chỗ không tự mình biết làm ra có, khí Hư Vô ấy thật linh hiển, đầy quyền phép sáng suốt tột cùng nên gọi là Chí Linh, thêm tiếng Đấng vào là để tỏ lòng tôn kính.
Đấng Chí Linh là Trời vậy.

NGÔI PHẬT MẪU

Từ khi vũ trụ được phân định thành hai thể trạng đối nghịch động và tĩnh, cơ sanh hóa bắt đầu và tiếp nối không ngừng nghỉ trên dòng thời gian.
"Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng mới tạo ra Càn Khôn thế giới" là những giai đoạn biến hình kế tiếp của nguồn sống đầu tiên từ trong Hư Vô chi khí. Sự chuyển biến ngày càng phức hợp phân định ranh giới rõ rệt giữa hình vật thể và khoảng trống không, làm cho không gian có hình tướng "Khí thanh bay lên làm Trời,khí trược giáng xuống, ngưng kết làm Đất".

Tất cả mọi hiện tượng sanh hóa, nghĩa là biến thân của nguồn sống đầu tiên phát xuất từ nguyên lý Lưỡng Nghi tác động vói nhau ma sanh ra. Cái linh diệu sáng suốt của Hư Vôâ chi khí tự mình biết thức động gọi là ánh linh quang của Chí Tôn chiếu giám trên âm quang mà làm hóa sanh hình chất.

" Âm quang là khí chất hỗn độn sơ khai khi Chí Tôn chưa tạo hóa. Lằn Âm khí ấy là Diêu Trì Cung chứa để tinh vi vạn vật, tỷ như cái âm quang của phụ nữ có trứng cho loài người. Khi Chí Tôn đem dương quang ấm áp mà làm cho hóa sanh, thì cái khoảnh âm quang phải thối trầm làm tinh đẩu, là cơ quan sanh hóa vạn linh." ( TNHT. TG tháng 10 -1932 )

Vậy Lưỡng Nghi là pháp sanh hóa đầu tiên của vũ trụ, là Mẹ Sanh, là nguồn gốc của các Pháp. Tất cả mọi nguyên lý, qui luật vận hành của vũ trụ trong tất cả mọi hiện tượng lớn nhỏ đều thuộc về Pháp và Phật Mẫu là Pháp, là biến thân của Chí Tôn.

Sự sống trong Càn Khôn thế giới là một thực thể vẹn toàn, nhìn ở mặt cái gốc tự hữu gọi danh là Chí Tôn, nhìn ở mặt nguyên lý vận hành gọi danh là Phật Mẫu.
Nên cũng nói rằng Chí Tôn là Phật, Phật Mẫu là Pháp, Càn Khôn thế giới là Tăng.

PHÂN TÁNH GIÁNG SANH

"Khai Thiên Địa vốn Thầy, sanh Tiên Phật cũng Thầy, Thầy đã nói một Chơn Thần mà biến Càn Khôn Thế giới và cả nhơn loại." (TNHT.TG 26-1-1926)
" Một Chơn Thần Thầy mà hóa sanh thêm chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần và toàn cả nhơn loại trong Càn Khôn thế giới." (TNHT.TG 22-7-1926 ).

" Chi chi hữu sanh cũng do bởi Chơn Linh Thầy mà ra, hễ có sống ắt có Thầy, Thầy là Cha của sự sống, vì vậy mà lòng háo sanh của Thầy không cùng tận." (TNHT. TG 1928 ).

Nói khác đi, một thực thể Hư Vô chi khí nhìn từ các mặt :
· Nguồn gốc của sự sống đầu tiên trong vũ trụ gọi là Thầy, Chí Tôn.
· Pháp biến thân của Chí Tôn để hóa sanh gọi là Phật Mẫu.
· Sự linh hiển của Chí Tôn tự mình biết sáng tạo từ không ra có gọi là chơn linh của Thầy.
· Khí chất hỗn độn sơ khai khi chưa tạo hóa gọi là chơn thần của Thầy.

Đó là tiếng nói của con người mượn tạm để diễn tả mặt nầy, mặt kia của sự sống vũ trụ vốn là một thực thể vẹn toàn, bao gồm từ tinh vân đẩu tú đến con vi trùng bé nhỏ trong không gian hay hạt điện tử trong cơ cấu vật chất.

Vạn vật đồng nhất thể vì xét từ nguyên do sản xuất, mọi thứ hậu thiên đều từ Hư Vô khí mà biến hóa ra, cho nên thể gốc của nó vẫn là một.
Chúng sanh giai hữu Phật tính vì chúng sanh do bởi chơn linh Thầy mà ra, nghĩa là trong sự sống của chúng sanh có cái linh của Thầy, cái linh ấy gọi là Phật tính, cũng đồng một gốc mà ra.
Ấy là phép phân tánh giáng sanh của Thượng Đế để tạo dựng muôn loài vạn vật.

Con người là tạo vật sản xuất từ nguồn gốc ấy nên có đồng bản thể và cấu tạo của một tiểu vũ trụ.
Ba phần chính cấu tạo nên một con người là : Chơn linh, Chơn thần và xác thân.

LINH HỒN CON NGƯỜI
I/- CHƠN LINH :
Mỗi con người đều có một chơn linh. Chơn linh ấy là một phần nhỏ của khối chơn linh Thượng Đế, một điểm sáng nhỏ trong khối Đại linh quang của vũ trụ, một Tiểu hồn trong Đại hồn của vũ trụ.
Chơn linh ấy còn được gọi là Linh hồn hay Lương tââm, có nhiệm vụ gìn giữ sanh mạng con người, phán xét từ lời nói, tư tưởng, hành động, thưởng phạt, dạy dỗ cho nên Hiền nên Thánh.

Chơn linh không hình ảnh nhưng vẫn có như nguồn sống đầu tiên của vũ trụ tự hữu vậy. Chơn linh ấy vốn là một phần nhỏ của khối Đại limh quang vũ trụ nên thông công được với Đức Chí Tôn, các Đấng trọn lành, các linh hồn đã thoát xác.

Nơi xác phàm con người, chơn linh hiện thực trong yếu tố Thần của Tam bửu ( Tinh-Khí-Thần ). Thần là sự sáng suốt, khôn ngoan, linh hiển. Thần im lìm, phẳng lặng. Khi hoạt động, Thần tạo ra nơi con người cái thức là biết qua ý nghĩ tư tưởng. Sự hiện thực ấy chẳng khác nào như gió thổi làm ngọn cây lay động. Nhìn ngọn cây lay động mà biết là có gió, chớ nào ai thấy gió bao giờ .

Nhìn trí khôn của con người hiện ra trong sinh hoạt thường nhật mà biết cái gốc của nó là chơn linh vẫn hằng hữu.

Tóm lại, từ Thượng Đế đến con người là một mạch sống qua nhiều trạm biến thiên, càng đến gần thân xác càng mất dần tính trọn lành thánh thiện và vương mang thêm những nét phàm tục. Bởi vậy, sự khôn ngoan của cái trí con người có thể rất nên quỉ quyệt dù nguồn gốc sâu xa của nó vẫn là khối Đại Linh Quang của vũ trụ.

Ấy là bước đọa trần của những linh hồn đắm tục triền miên từ thân xác nầy qua thân xác khác mà không trở về cựu vị được. Con đường phản bổn huờn nguyên là con đường hướng sự sống của con người trở về cội nguồn thiêng liêng của nó là Chí Linh.Tất cả các giải pháp chủ trương để giải quyết cuộc đời của các vị Giáo Chủ xưa nay đều đặt trên nền tảng ấy, cho dù khác nhau ở mặt nầy hay mặt kia là do nơi tâm lý của nhơn sanh tùy thời, tùy chỗ, phải biến thiên cho dễ nạp dụng mà thôi.

II/- CHƠN THẦN :
"Chơn thần là nhị xác thân, là xác thân thiêng liêng, khi còn ở nơi xác phàm thì rất khó xuất riêng ra đặng, bị xác phàm kéo níu."
" Cái chơn thần ấy của các Thánh, Tiên, Phật là huyền diệu vô cùng, bất tiêu bất diệt. Bậc chơn tu khi còn xác phàm nơi mình, như đắc đạo có thể xuất ra trước buổi chết mà vân du thiên ngoại." ( TNHT. TG 3-1-1926 )

"Cái xác vô hình huyền diệu thiêng liêng ấy do nơi Tinh, Khí, Thần mà luyện thành. Nó nhẹ nhàng hơn không khí. Khi nơi xác phàm xuất ra thì lấy hình ảnh của xác phàm như khuôn in rập." ( TNHT. TG 17-7-1926 )

Nó thuộc về bán hữu hình, vì có thể thấy đặng mà cũng có thể không thấy đặng. Nó có khả năng tụ và tan được, hiện ra hình ảnh rồi biến mất. Nó là khí chất, lồng trong xác phàm con người từ trong ngũ tạng lục phủ, xương tủy đến ngoài da, trung tâm của nó là óc, nơi cửa xuất nhập là mỏ ác. Ấy là một khối sanh lực, điển quang, nơi xuất phát mọi tình cảm và xúc cảm của con người, chịu sự điều khiển của chơn linh và nghiệp quả của xác phàm gây ra. Vị trí của nó là kẻ trung gian giữa chơn linh và xác phàm.

Chơn linh hay linh hồn con người là sự sáng suốt không hình ảnh.
Chơn thần là xác thân thiêng liêng, bán hữu hình, có hình ảnh giống y như xác phàm. Chơn thần hiện ra trong yếu tố Khí của Tam Bửu. Chết là hiện tượng Chơn Thần và Chơn Linh rời khỏi xác thân vĩnh viễn.

Trong ngôn ngữ dân gian, người ta vẫn quen gọi lẫn lộn giữa Chơn Linh và Chơn Thần, và thường hay gồm chung hai phần nầy làm một, chẳng hạn nói chơn linh người chết hay linh hồn người chết hiện về, có nghĩa là phần chơn thần đã thoát xác có linh hồn hay chơn linh ngự trị bên trong hiện ra hình ảnh hoặc tạo ra tiếng động, hay di chuyển đồ vật để chứng tỏ sự hiện diện của họ.

Những tiếng khác như vong linh, vong hồn, chơn hồn , hồn ma, có cùng ý nghĩa để chỉ tất cả những gì cấu tạo nên con người còn lại trong cõi vô hình sau khi thân xác chết.

Đặc biệt trong câu kinh "Kêu chơn hồn vịn níu chơn linh" có sự phân biệt về từ ngữ giữa chơn hồn và chơn linh, ý nghĩa tương tự như lời khuyên đối với người sống đang đứng trước một việc khó khăn trong cuộc đời rằng: "Bạn hãy hành động theo lương tâm của mình, đừng theo dục vọng nhứt thời."

Trong cảnh giới thiêng liêng, chơn thần hãy hướng sự sống của mình theo ánh sáng chơn linh, đừng nhớ chuyện trần tục nữa. Thực ra, sau khi thân xác chết, còn lại một thực thể sống có hai tên gọi : Chơn Thần và Chơn Linh, là vì được nhìn từ hai mặt khối điễn quang và cái linh của Thượng Đế ngự trị nơi đó.
Kêu Chơn Hồn vịn níu Chơn Linh là kêu gọi giục thúc khối điển quang sống theo cái linh của Thượng Đế.

TINH - KHÍ - THẦN

Đầy khắp trong vũ trụ bao la không có nơi nào không có sự sống, dầu đó là hiện tượng hóa thạch sâu dưới lòng đất phải mất nhiều năm mới hình thành được một viên sỏi hay là sự tử sanh ngắn ngủi của những loài vi khuẩn cực kỳ bé nhỏ, phải dùng đến kính hiển vi phóng đại mới thấy được hay là sự vận hành của tinh đẩu thật diễm lệ biết tuân theo một trật tự của quỹ đạo không gian.
Nếu nhìn về phương diện một khoảng không gian nhỏ bé ước ngừng một mét khối, nơi đó thân con người đang chiếm ngụ thì con người là một tổng thể của 3 phần lồng vào nhau trong khoảng không gian ấy.
· Một xác thân phàm tục là thân thể.
· Một xác thân thiêng liêng là Chơn Thần.
· Một sự sáng, linh hiển là Chơn Linh.

Nếu nhìn từ phương diện yếu tố gì cấu tạo nên con người, thì con người là một tổng thể gồm có :
· Một khối thể đặc và lỏng gồm thịt, xương, da, tóc, máu huyết gọi là TINH.
· Một khối sanh lực làm tay chân biết cử động, đi đứng, nói năng được gọi là KHÍ.
· Một sự sáng suốt khôn ngoan của trí não biết sáng tạo, cải biến môi trường để gìn giữ mạng sống, gọi là THẦN.

Ấy vậy :
Thân là TINH.
Lực là KHÍ.
Trí là THẦN.
Nói rõ ra, sanh lực làm cho thân thể con người sống là một khối điễn lực nghĩa là tác động của trí não.

Thần là gốc, vô hình vô ảnh. Trí là ngọn, biểu hiện của Thần, trí hoạt động hiện ra điễn lực, điễn lực làm thân thể cử động nghĩa là sống. Vì vậy, Tam Bửu con người có thể diễn tả như sau :
· TINH là thân thể.
· KHÍ là điễn lực nghĩa là trí lự.
· THẦN là linh hồn.
Ba món báu ấy hòa hợp cùng nhau thì thuận với lý thiên nhiên. Sự phát triển của con người được điều hòa về cả ba phương diện : Thể chất, Tình cảm và Trí Tuệ.

THIÊN NHÃN

Biểu tượng thờ phượng trong Đạo Cao Đài là Thiên Nhãn, ý nghĩa tóm tắt trong lời dạy của Đức Chí Tôn như sau :
Nhãn thị chủ tâm.
Lưỡng quang chủ tể.
Quang thị thần.
Thần thị Thiên.
Thiên giã ngã giã.

Mỗi con người đều có một Chơn linh theo gìn giữ chơn mạng sanh tồn, người đời thường gọi lộn lương tâm cũng là đó. Tâm của con người vốn không hình ảnh nhưng qua ánh mắt người ta có thể đoán biết được tâm trạng của kẻ ấy ra sao. Những điều sâu kín trong tinh thần có thể che giấu, ngụy trang được bằng những cử chỉ lời nói không thật, nhưng ánh mắt là một biểu lộ nội tâm không sao che giấu được.Vì vậy nên nói rằng :
"Nhãn thị chủ tâm."
Hai lằn yến sáng tức là thị giác của hai con mắt là chính vì nó giúp cho tinh thần con người thấy biết được thế giới ngoại cảnh.
"Lưỡng quang chủ tể." Và cái thấy tức sự sáng ấy gọi là Thần.
" Quang thị Thần." Thần là Trời, Trời là ta vậy.
" Thần thị Thiên, Thiên giã Ngã giã." Vì vậy có thể kết luận rằng : Thờ Thiên Nhãn là thờ Trời vậy.
Ý nghĩa thứ hai: " Thần cư tại nhãn." Tóm tắt trong lời dạy của Đức Chí Tôn có liên quan đến việc công phu luyện Đạo :
" Thần là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm từ ngày Đạo bị bế. Lập Tam Kỳ Phổ Độ nầy, duy Thầy cho Thần hiệp Tinh Khí đặng hiệp đủ Tam Bửu là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập Thánh.
Thầy đến đặng huờn nguyên Chơn Thần cho các con đắc Đạo.

Con hiểu Thần cư tại nhãn, bố trí cho chư đạo hữu con hiểu rõ. Nguồn cội Tiên Phật do yếu nhiệm là tại đó." ( TNHT. TG 25-2-1926 )

LUYỆN KỶ

Ai đã vào vòng sanh tử, mang lấy mảnh thi hài nầy, thọ bẩm tinh cha huyết mẹ, đều phải chịu món nợ của tổ phụ lưu truyền, phải ăn mới sống, phải mặc mới lành thì chưa dễ gì thoát khỏi quyền vật dục của xác thân đòi hỏi.
Mảnh thi hài nầy nhờ tinh cha huyết mẹ nên hình thì trí lự khôn ngoan cũng phải do nơi quyền thiêng liêng khai mở. Cái phép tu hành là phải làm cho thân tâm hòa nhịp cùng nhau đặng phát triển một cách điều hòa 3 yếu tố Tinh. Khí, Thần gọi là luyện kỷ.

Phương luyện kỷ đặng vào con đường thứ ba Đại Đạo là một phương pháp sống tích cực, mục đích sau cùng là để mở cửa Bát Quái Đài tại thế, chơn thần đủ quyền năng xuất ngoại xác thân, tương liên cùng các Đấng Trọn lành mà đoạt cơ giải thoát. Con đường ấy buộc kẻ tu hành phải biết làm giảm tiêu nghiệp chướng tiền khiên của mình bằng công nghiệp phụng sự vạn linh, gìn giữ giới luật một cách nghiêm nhặt đối với bản thân, để tránh gây thêm nghiệp chướng tân tạo, lại còn phải biết bảo thủ khối Tinh Khí cho cường lực, thanh bai, an tịnh để đem ánh sáng Chí Linh rọi soi phàm ngã, dẫn dắt về cội nguồn thiêng liêng là Trời vậy.

Mỗi mỗi đều có bí quyết ẩn tàng bên trong phải gia công tìm hiểu, học hỏi không ngừng thì trí lự khôn ngoan mới bừng sáng. Điểm giác tánh từng ngày từng ngày thâu nhập phép huyền vi của Tạo Hóa, cho đến một ngày kia Đại Từ Phụ định cho mảnh thân phàm nầy đủ tánh linh, đủ đức hạnh của một vị Bồ Tát hay Tiên gia, Thánh vị, thì cái công tu hành của một kiếp sanh mới không phí uổng.

Ai là người hiểu biết luật pháp của Trời một mảy lông qua chẳng lọt thì chưa dễ gì nong nả đoạt vị Thần Thánh Tiên Phật bằng phương pháp mờ mị, yếm thế bi quan, chẳng làm mà mong có hưởng !

Đời hay Đạo chẳng qua là hai mặt trái phải của bàn tay, là sự sống. Sống theo quyền vật dục hay sống theo ánh linh tâm cũng nằm trong cơ Tạo vay trả trả vay, trường khảo thí nếu không giám khảo thì lấy ai định mặt anh hùng sĩ tử. Cái khó của kẻ tu hành là phải có công nghiệp phụng sự chúng sanh, mới bôi xóa được oan gia trái chủ, chừng ấy cái công luyện đạo tham thiền chẳng bao nhiêu cũng tìm ra ánh sáng. Giác ngộ ! Giác ngộ ! Duy có Đức Chí Tôn mới ban cho chúng ta tánh linh ấy mà thôi.

Từ chốn quan trường lặn lội cùng đời, lo ăn lo sống, cũng vợ cũng con, đã lần dò theo ánh chí linh dìu dẫn bước vào cửa Đạo, trải thân ra mảnh áo tơi, che mưa đỡ nắng cho đời nguy nan. Ngài đã làm nên sự nghiệp, lại nghiền ngẫm chân lý ẩn tàng trong phép tu thiền của các bậc Thánh trước Hiền xưa, san định lại cho phù hợp với tâm lý nhơn sanh, chỉ rành trên văn tự, lưu truyền hậu thế cho khỏi điều mộng mị dị đoan của cái trí đầy huyền ảo, vẽ vời che khuất chân lý Đức Chí Tôn.

Ấy vậy, trong cửa Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, duy có lấy thuyết nhơn nghĩa của Khổng Thánh lưu truyền mà đối đãi cùng nhau cho vẹn bề nhơn đạo, còn việc luyện Tam Bửu cho Tinh hóa Khí, Khí hóa Thần, Thần huờn Hư là chuyện của Tiên gia sùng tín, cửa Đạo vẫn nạp dụng và phổ truyền trong tín hữu. Vẫn thấy người đời hay bày bố ra những chuyện mơ hồ, hư hư thiệt thiệt, sản xuất từ trí não của mình, Thần vọng tưởng gọi là ấn chứng công phu, khuyến dụ nhơn sanh phế bỏ thực trạng xác phàm đói no ấm lạnh của muôn vạn ức sanh linh đang phiền não, thì vẫn là phương pháp mơ màng, vẽ màu không tưởng. Thực tế của đời người phải ăn mới sống , phải học mới hay, phải tìm mới hiểu cái hay cái khéo của đời do trí thức tinh thần nhơn loại truyền lại cũng đủ chứng chắc rằng nhơn loại đang bước đi từng bước cả xác lẫn hồn trong cơ tấn hóa.

Hại thay những điều mê tín dị đoan lại từ trong cửa đạo giáo sản xuất ra thì trách sao cho khỏi tội tình cùng Đại Từ Phụ. Ngẫm cho cùng, triết lý đạo là con đường, ánh sáng dẫn dắt sanh linh, mà mình đã không đủ sáng thì còn mong mỏi đưa đón được ai ? Ánh linh tâm kia duy có tu mà có, chớ nào phải ngồi mơ màng mà được. Phép Thiền buộc phải có công đức mới xua đuổi được lằn tư tưởng huyễn ảo, khí lóng trong không gợn đục của thất tình, trí não mới quang minh gọi là linh tâm chiếu diệu. Cái bóng của Đức Cao Đài là tòa ngự của Thiên lương, là thần quang rạng rỡ, khí thể tinh anh, là sự hòa nhập vào khối thánh chất của Đại Từ Phụ mà khai đường dẫn nẻo cho chúng sanh tiến bước. Với bóng ấy mới có thể gọi là Thiền, bằng chẳng vậy nó chỉ là cái dáng vẻ bên ngoài, thiếu hẳn nội tâm chơn pháp. Kẻ tu hành phải có đủ công nghiệp, dầu âm thầm hay hiển lộ đủ đức hạnh chí chánh chí chơn, đủ lòng từ ái như sóng cả bao dung thì Thiền ấy mới thực là Thiền.

Một Hộ Pháp trong cửa Đạo Cao Đài, xuất thân từ một tín đồ Thiên Chúa giáo, nương bóng từ bi, bỏ tục tìm thánh, suốt 34 năm dư, hoạt bát trong trường phổ độ, không có lúc nào không nghiền ngẫm suy tư về chuyện tứ khổ của con cái Đức Chí Tôn, tìm đủ mọi phương cách để giải khổ cho họ, day trở trở day cho phù hợp với thế tình biến thiên từng lúc từng hồi. Công nghiệp ấy đủ chứng chắc rằng Ngài đã hòa giọng yêu thương ngập tràn trong sanh chúng, đem ánh sáng chí linh dẫn đường về thánh cho biết bao con chiên lạc lối. Dung nạp triết lý cổ kim đạo giáo, Ngài đã để lại trên giấy trắng những lời căn dặn đơn sơ nhưng sâu sắc về một phương luyện kỷ để đoạt vị mình ngay khi còn sống. Lời căn dặn ấy áp dụng cho tất cả mọi người từ khi biết bỏ dữ về lành. Hễ phàm tâm tục tánh lắng đọng đến đâu thì ánh sáng tâm linh rọi soi đến đó.

Đó là một công án Thiền đổi mới danh xưng, lấy tiếng Cao Đài thay hình Tam Giáo, trụ cả khối đức tin vào một quyền năng duy nhứt là Chí Tôn, Phật Mẫu, lấy hiếu hạnh phụng thờ làm phương giao cảm cho thần trí hoát thông cùng đạo pháp, phá vở ngục tù thân xác mà sống đời miên miên vĩnh phúc. Phương pháp ấy còn lưu truyền bằng những dòng chữ sau đây :

PHƯƠNG LUYỆN KỶ ĐẶNG VÀO CON ĐƯỜNG THỨ BA ĐẠI ĐẠO

- Phải biết thân thích cùng cả nhân vật, tức là tìm nguyên do của vạn linh cùng Chí Linh.
- Phải ân hậu và khoan hồng.
- Phải thanh nhàn, đừng vị kỷ.
- Phải bình tĩnh, nghĩa là đừng chịu ảnh hưởng của họa phước, buồn vui (tập tánh không không đừng nhiễm, vui cũng vui, buồn cũng buồn, nhưng đừng để nọc buồn vui thấm vào chơn tánh ).
- Phải độ lượng khoan dung tha thứ.
- Phải vui vẻ, điều hòa, tự chủ và quyết đoán.
- Giữ linh tâm làm căn bổn, hiếu hạnh với Chí Tôn và Phật Mẫu.

PHƯƠNG PHÁP TRỊ TÂM VÌ TÂM LÀ HÌNH ẢNH CỦA THIÊN LƯƠNG

- Đức tin và khôn ngoan là kho chí bửu, ngoài ra là của bỏ là đồ vô giá.
- Ai đã cố oán kẻ thù của mình thì khó giữ thanh tâm công chánh cho đặng.
- Ai chẳng oán hận mới thắng đặng kẻ thù nghịch cùng mình.
- Sự cừu hận là khối thảm khổ đệ nhứt của nhơn sanh, nên người hiền thì không biết đến hay là từ bỏ cừu hận oán ghét.
- Thắng đặng khí nộ mình thì không chọc ai giận dữ.
- Lấy thiện mà trừ ác. Lấy nhơn nghĩa trừ bạo tàn. Lấy lòng quảng đại đặng mở tâm lý hẹp hòi. Lấy chánh trừ tà. Ấy là đường thương huệ kiếm.

LUYỆN THÂN - LUYỆN TRÍ
- Ẩm thực tinh khiết.
- Tư tưởng tinh khiết.
- Tín ngưỡng mạnh mẽ nơi Chí Tôn, Phật Mẫu.
- Ấy là chìa khóa mở cửa bát Quái Đài tại thế nầy.

THĂNG HOA

Chơn Thần hay là nhị xác thân, là xác thân thiêng liêng của con người do nơi Tinh Khí Thần luyện thành. Chơn thần ấy của bậc chơn tu đắc đạo thật huyền diệu vô cùng, bất tiêu bất diệt.
Thuật rèn luyện cho Tinh- Khí- Thần hợp nhứt có thể tóm tắt như sau :
" Thân thể cho mạnh mẽ tinh vi, đừng để sa đọa vào lục dục thì thuận cùng trí lự khôn ngoan.
Khí lực cho cường thạnh, thanh bai, đừng để đến đỗi mê muội bởi thất tình, thì trí lự khôn ngoan thuận theo linh tâm mà nảy nở.

Linh tâm phải định tĩnh từ hòa, đừng đến đỗi mờ ám bởi tội tình, thì thuận với lòng Trời, hiển linh tại thế đặng đoạt phép huyền vi." (Trích diễn văn của Đức Hộ Pháp, PCT. CG trang 109)

Nói rõ ra, cơ thể con người phải ăn uống, hít thở khí Trời, vận động đặng thu nhập sinh lực từ môi trường sống tạo thành khí lực của mình. Ấy là một khối năng lượng luân chuyển hóa sanh, có thu nhập và đào thải một cách tự nhiên trong nội thân con người. Phải biết gìn giữ khối năng lượng ấy, đừng để tiêu hao một cách thái quá vì lối sống sa đọa của thân xác đắm đuối trong lục dục thì thân xác mới lớn mạnh được.

Hình thể con người có lớn mạnh thì khí lực mới cường thạnh. Lực của một đứa bé sơ sinh chỉ nâng nổi một bình sữa đưa lên miệng, nhưng khi nó trưởng thành, lực của một thanh niên có thể khuân nổi một tảng đá.

Thân là Tinh, nếu bịnh hoạn tật nguyền thì lực là Khí phải suy giảm yếu đuối. Thân cho vẹn toàn, đầy đủ hình chất trong ngoài to lớn thì khí sẽ cường thạnh

Vậy tinh là nền tảng để khí phát triển, ấy là phép biến hóa tự nhiên trong nội thân con người. Tùng theo khuôn luật tự nhiên nầy của Đấng Hóa Công đã an bày, người tu biết gia công gìn giữ khối sinh lực của mình bằng phương pháp dưỡng sinh đặc biệt gọi là khắc kỷ tu thân, hay tu tâm dưỡng tánh, thiền, tịnh, luyện đạo, tuy khác nhau ở danh gọi và hình thức sinh hoạt nhưng có cùng tác dụng là làm cho Tinh hóa Khí.

Chẳng những gìn giữ khối sanh lực cho cường thạnh mà còn phải biết làm thay đổi tính chất của nó trở nên thanh bai, nghĩa là điều chỉnh tầng số rung động của điển lực con người theo chiều hướng chế ngự các rung động của khí nộ, ố, ai, dục và kích thích các rung động của khí ái, hỷ, lạc.

Nếu để khối điển lực rung động nhiều thường xuyên theo nhóm nộ, ố, ai, dục thì khí bị ô trược và ngược lại rung động nhiều thường xuyên theo nhóm ái, hỷ, lạc thì khí sẽ thanh.

Biểu hiện của khí trược là đời sống tình cảm thấp hèn, vị kỷ. Biểu hiện của khí thanh là đời sống tình cảm cao thượng, vị tha.

Việc điều chỉnh tần số rung động của điển lực con người rất khó vì nó có liên hệ trực tiếp đến nghiệp quả tiền khiên. Khi đi đầu kiếp để chọn một hình hài mới, linh hồn phải mang theo khối nghiệp chướng tiền khiên của mình như một bản án gọi là Định Mệnh.

Luật công bình thiêng liêng buộc chơn linh phải lựa chọn nơi đầu kiếp và tác động theo sự an bày của luật nhơn quả để có chơn thần hay khí thể của bào thai được cấu tạo từ căn bản có những ưu khuyết điểm sẽ hiện lên sau nầy thành những đặc tính bẩm sinh của đứa bé, hoặc tốt hoặc xấu về cả ba phương diện : Hình hài nhục thể, Tình cảm và Trí tuệ.

Phép luyện khí cho cường thạnh thanh bai của kẻ tu hành bằng công phu, dầu hình thức nào đi nữa cũng chỉ là chữa bệnh ở ngọn. Nó sẽ có kết quả tốt khi nào cái gốc của vấn đề là tiền khiên nghiệp chướng đã được đền bù trang trải xong. Vì vậy khi lập Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn đã phán định tối hậu rằng :
"Do công đức mà đặng đắc đạo cùng chẳng đặng". (TNHT.TG21/8/1926)
Bởi vì công đức biểu hiện cho điều thiện và chỉ có thiện mới trừ được ác. Ác nghiệp còn mang trong chơn thần nếu chưa được giải trừ, dầu có công phu luyện đạo tham thiền đến đâu cũng sẽ dẫn đến tình trạng "đốn củi ba năm đốt một giờ" hoặc là sống trong trạng thái ảo giác tâm linh mà ngỡ là cõi chơn thật.

Tóm lại, đi tìm phương pháp công phu tịnh luyện không khó, mà khó chăng là ở chỗ công đứùc của mình tạo được bao nhiêu để xây dựng một nền tảng vững chắc cho đời tu đến nơi đến chốn.

Tinh hóa Khí là một tiến trình thăng hoa tự nhiên trong sự biến dưỡng nguồn năng lượng của thức ăn, nước uống và khí trời do cơ thể thu nhập được từ môi trường sống. Nguồn năng lượng ấy luân chuyển điều hòa trong nội thân sẽ tạo cho con người một sức khỏe tốt, nghĩa là khí lực được cường thạnh.

Giữ gìn giới luật của kẻ tu hành, dầu tuân theo một pháp môn nào đi nữa cũng có cùng tác dụng là làm giảm thiểu tối đa, tránh tiêu hao sinh lực của mình vào những chuyện không cần thiết. Những cơn loạn động của thất tình lục dục đưa đến tình trạng mất sinh lực một cách hoang phí, làm mờ ám lương tri, lương năng con người là một việc tối kỵ của người tu.

Khi đã tự đặt mình trong nguyên tắc sống tăng thu nhập, giảm tiêu hao sinh lực thì phần tồn đọng sinh lực sẽ vượng lên là lẽ đương nhiên. Luyện tánh cho thuần đạo đức hiền lương chế ngự các tình thấp kém, nuôi dưỡng các tình cao thượng, sẽ làm cho khí thanh.

Khi cơ thể được nuôi dưỡng bằng khối thanh khí luân chuyển điều hòa thì ngũ quan con người sẽ sống theo thiên lý, thần trí được an tĩnh sáng suốt. Vậy khí lực cường thạnh thanh bai là nền tảng để thần trí phát triển.

Ấy là phép Khí hóa Thần, xảy ra một cách tự nhiên trong sự sống của bất kỳ con người nào. Những kẻ mà đời sống thân xác đầy dẫy những thói hư tật xấu của dục vọng thấp hèn, tình cảm loạn động thường xuyên, thường thì tư tưởng của họ chẳng bao giờ thanh cao được, nghĩa là thiếu hẳn ánh sáng tâm linh trong kiếp sống.

Phép tu hành đúng theo chơn pháp của Đức Chí Tôn là phải rèn luyện cho khí thanh, nghĩa là tần số rung động của khối điển quang con người thay đổi dần dần, tương ứng với rung động của điển quang Thần Thánh trong Trời Đất thì luật :
" Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu." Sẽ đưa đến trạng thái giao cảm tinh thần giữa người sống và thế giới Thần linh.

Thức ăn vào tỳ vị biến thành khí huyết, khí huyết luân chuyển điều hòa làm cho trí não hoạt động sâu sắc, con người trở nên khôn ngoan sáng suốt, đó là chuyện thường tình của kiếp người. Nhưng rèn luyện cho khí thể tinh anh, ngũ quan cảm ứng được với những làn sóng rung động của thế giới Thần Thánh thanh cao là bước đầu chuyển hóa thần trí thuận theo linh tâm mà nảy nở.

Đây là giai đoạn rất khó khăn vì vấn đề điển quang trong không gian và trong nội thân con người rất phức tạp, trừu tượng, tế vi, mầu nhiệm.
" Ngũ khí thanh diệt trừ quả kiếp,
Linh quang đầy đặng tiếp hồng ân.
Xác tại thế đã nên Thần,
Ba mươi sáu cõi đặng gần linh Thiên."
( Nữ Trung Tùng Phận - Đoàn Thị Điểm )

Là nguyên lý của hiện tượng thăng hoa Khí hóa Thần. Thuật làm gia tốc hiện tượng thăng hoa nầy rất nguy hiểm nếu cơ thể chưa hội đủ những điều kiện cần thiết. Nếu công đức chưa đầy đủ, khí còn ô trược mà lại giục tốc, ép mình luyện tập, sẽ dễ dàng bị rơi vào tình trạng : "Thiên đình đánh tản Thần không cho hiệp cùng Tinh Khí" ( TNHT.TG.25/2/1926) là những cơn khủng hoảng xáo trộn thần kinh, có hại cho sức khỏe và tánh mạng.

Những trở lực ấy do nơi tiền khiên nghiệp chướng của mình chưa được giải trừ đúng mức, nghĩa là ác nghiệp còn đọng trong chơn thần dưới dạng tiềm ẩn, khí thể chưa đủ thanh, những rung động của khí nộ, ố, ai, dục tuy có được chế ngự nhưng chưa lắng đọng nhiều nên khi gặp những chuyện trái ngang trong cuộc đời, nó sẽ bùng lên một cách dữ dội vì bị dồn nén bấy lâu nay có dịp tung hoành như một hồi lực. Âu đó cũng là phép công bình thiêng liêng của Đấng Hóa Công. Nếu chưa xứng mặt Thần Thánh thì đừng làm ra vẻ.

Dẫu biết rằng bước đường tu càng lên cao càng gay trở, phép thăng hoa khí thanh nuôi dưỡng Thần an theo thời gian sẽ làm cho thần trí định tĩnh từ hòa. Khi tư tưởng đã quen hướng về chỗ thanh cao, thánh thiện, mức độ giao cảm tinh thần giữa người và Thần Thánh càng thêm mật thiết, cánh cửa của thế giới vô hình sẽ mở hoát ra, đi dần đến chỗ Trời người hiệp nhứt. Sự sống của con người lúc bấy giờ thuận với lòng Trời, hiển linh tại thế.

Bước đường ấy chẳng phải do ước muốn mà được, trái lại vẫn phải do công đức sáng chói phi thường, nghĩa là sức sống tâm linh phải mãnh liệt mới thu hút được sự trợ thần cao độ của các chân sư và nhờ đó chơn thần dần dần trở nên linh hiển, xuất nhập xác thân dễ dàng, tương liên cùng thế giới Thần Thánh. Thần đã trở về cõi hư linh được nên gọi là huờn hư.

Chơn thần đã hòa nhập được vào trong khối ánh sáng tâm linh của Thần Thánh, vẫn phải tiếp tục phụng sự vạn linh để thúc giục cơ tấn hóa của nhơn loại với phương tiện xác phàm đã được rèn luyện tinh tấn và quyền năng của điển lực chơn thần làm bửu pháp.

Cơ sanh hóa trong càn khôn vũ trụ tiếp nối không ngừng nghỉ, con đường phản bổn huờn nguyên, tinh hóa khí, khí hóa thần, thần huờn hư cũng tiếp nối không ngừng nghỉ. Sự sinh hoạt của linh hồn ngày càng đến những cõi giới thanh cao trừu tượng.

Tóm lại phép vô vi phải có hữu hình làm nền tảng, nền có tốt thì thượng từng mới vững. Đức Chí Tôn dạy: "Phải có một thân phàm tinh khiết, mới xuất chơn thần tinh khiết. Nó phải có bổn nguyên chí Thánh, chí Tiên, chí Phật, mới xuất Thánh, Tiên, Phật đặng." ( TNHT. TG. 17-7-1926)

Và do đó, chúng ta hiểu rằng những ai nong nả đi trên con đường huyền linh, nếu còn để thân phàm ô uế, chơn thần có bổn nguyên không chí thánh, thì những sinh hoạt thượng tầng vẫn còn đầy huyền ảo, nghĩa là kiếp đọa trần vẫn còn chưa mãn.

KÝ ỨC

Sự sống của vũ trụ từ nguyên thủy hư vô khí đi lần xuống cõi sắc giới hiện ra trong ba thể biến thân là : sáng tạo, bảo tồn và hủy diệt. Ba thể ấy nối tiếp nhau cũng như hình ảnh của làn sóng biển biểu hiện lên chạy dài trên mặt nước rồi biến mất. Vũ trụ là một đại thể có tánh linh tự mình biết sáng tạo ra muôn loài vạn vật, có sanh có tử, thay hình đổi dạng, biến hóa không ngừng nhưng trong bản thể sự sống vẫn là một và khối đại linh quang vũ trụ vẫn chứa tất cả những hình ảnh diễn biến từ tạo Thiên lập Địa đến giờ.
Đồng bản thể với vũ trụ, chơn linh con người có đủ tánh linh tồn trữ tất cả hình ảnh của những gì đã xảy ra trong những kiếp sống mà chơn linh đã hóa thân.

Khối tiền khiên nghiệp chướng của con người là tổng số những rung động điển quang mà chơn thần đã phát ra khi biểu lộ sự sống của trí não, tình cảm và hoạt động thân xác qua nhiều lần luân hồi sanh tử.

Nó tồn tại như một ký ức và bị che mờ bởi sự vô minh của thần trí. Tu là làm sống lại ký ức ấy đến mức độ đại quang minh, đồng tính với Trời Đất, hoát thông mọi việc. Quyền năng ấy trong chơn linh của Thầy gọi là Phục Linh Thánh Phật.

Trong cuộc sống hiện tiền, thần trí thường chú ý tới một số việc đang xảy ra, đã hay sắp xảy ra trong quá khứ hay tương lai gần. Những chuyện chi thuộc dĩ vãng xa xôi mờ nhạt dần rồi như mất hẳn trong ký ức. Tương lai cũng vậy, thường thì quyền năng sáng tạo của chơn linh như bị giới hạn nếu thời gian đi trước quá xa. Giữ gìn cho khí thể tinh anh, linh tâm định tĩnh từ hòa thì tánh linh sẽ phục hưng, đẩy lùi hai chỗ mất hút của ý thức thời gian về quá khứ và tương lai làm cho dĩ vãng sống lại trong linh thức con người, nhớ về cội nguồn thiêng liêng tiền kiếp đồng thời làm thức động mạnh mẽ đức tính sáng tạo trong chơn thần, định hình tư tưởng thúc đẩy tương lai kiếp sống biến hình theo thánh ý.

Những làn sóng rung động của tư tưởng con người chồng chất lên nhau trong ký ức. Những sóng nào chiếm ưu thế về cường độ và số lượng trổi lên trên, con người thấy như hiện tồn và ngược lại, những sóng nào yếu hơn, ít hơn bị lu mờ, che khuất con người thấy như mất. Còn hay mất trong ký ức là do thế ưu việt tương đối của những làn sóng ấy. Sự thật chẳng có gì mất dấu trong chơn linh của con người, dù phải qua bao lần tử sanh, chuyển kiếp.

Hãy quan sát một vũng nước bùn, khi bị khuấy động, lớp cặn bụi đào độn trong khối nước làm cho nước bị dơ, vẩn đục. Để yên một thời gian, lớp cặn bụi lắng xuống, nước sẽ trong trở lại. Khối nước trong nhưng trong bản thân nó nằm sâu dưới đáy những cặn bụi vẫn còn đó.

Hình ảnh nước đục ví như những lúc tinh thần con người đắm tục. Hình ảnh nước trong ví như những lúc tinh thần con người hướng thiện. Khi con người làm điều thiện, làm nhiều và cao độ, biết tu tâm sửa tánh thì những làn sóng tư tưởng thanh cao chiếm ưu thế, nét thánh thiện hiện ra sáng chói và do đó những gì xấu xa bị lu mờ đi dường như quên hẳn, không còn. Ấy là phép tương công chiết tội đặng định vị quả kiếp của mình trong ánh linh quang của Thượng Đế, chớ chẳng có gì mất đi cả và do đó trước Thượng Đế con người chẳng hề chối tội được bao giờ.
Những lời nói bóng về ký ức của chơn linh con người được mô tả trong Thánh Ngôn như sau:
" Đấng chơn linh ấy vốn vô tư mà lại đặng phép giao thông cùng cả chư Thần Thánh Tiên Phật và các Đấng trọn lành nơi Ngọc Hư Cung, nhứt nhứt điều lành và việc dữ đều ghi chép không sai đặng dâng vào Tòa Phán xét, bởi vậy nên một mảy không qua, dữ lành đều có trả…" (TNHT. TG. 1928)

ĐẦU KIẾP
I/ - HIỆN TƯỢNG NHẬP THẦN :
Trên con đường trở về cựu vị nơi cõi thiêng liêng sau khi rời khỏi thân xác, linh hồn thăng dần đến những cõi giới thanh cao, trải qua nhiều sinh hoạt đổi mới, làm sống lại ký ức và tùy theo quả kiếp. Cho đến một ngày kia linh hồn được quyền năng của Ngọc Hư Cung và Cực Lạc Thế Giới làm cho tự mình biết được phải đi đầu kiếp, vừa khi có ý thức phải chuyển kiếp như một tia chớp điện, linh hồn rơi vào một cõi pháp giới, nơi đó thấy được trong linh thức những hình ảnh sinh hoạt rộn rịp của thế giới loài người.
Dừng lại và sống trong cõi giới nầy một thời gian như để làm quen và trong hoạt cảnh của toàn thế giới loài người hiện ra mênh mông đại hải, linh hồn bỗng nhiên như bị thôi thúc phải chú ý đến một điểm nào đó. Càng chú ý càng đến gần và thấy những sinh hoạt của một nhóm người trong gia đình nào đó, linh hồn sống lảng vảng với họ và đặc biệt chú ý đến một người đàn bà trong nhóm nầy.

Rồi một ngày kia, khi tinh cha huyết mẹ giao phối nên hình bào thai, linh hồn càng bị thôi thúc đến gần bên người mẹ tương lai hơn là những người khác trong gia đình. Cho đến giờ phút nầy, linh hồn cũng chỉ là một điểm sáng tâm linh, còn khí thể của bào thai vẫn là một phần khí thể của cha mẹ.

Đến giai đoạn lâm bồn, vừa khi khối nhục thể hài nhi lọt ra khỏi lòng mẹ, lập tức linh hồn nhập thần vào trong hình hài mới nầy và quên hết mọi sự lảng vảng biến hiện dễ dàng của giai đoạn trước không có hình xác. Linh hồn quên đi như ngủ mê, chỉ còn lại một chút khôn ngoan tự biết phản ứng trên thân xác để sinh tồn với môi trường mà mình phải chấp nhận.

Từ đây khởi sự một kiếp sống mới, tất cả mọi hiện tượng diễn biến qua các cõi pháp giới trên con đường đi đầu kiếp, dường như linh hồn được phép lựa chọn nơi sắp đến của mình, nhưng kỳ thật mọi việc đều đươc an bày theo quả kiếp trong quyền năng tối thượng : " Nhứt toán họa phước lập phân ." của Thượng đế.

II/- NGUYÊN KHÍ CỦA THAI BÀO :
Chất liệu đầu tiên cấu tạo nên hình nhục thể của bào thai là tinh trùng của cha và trứng của mẹ. Ấy là một phần hình chất của thân thể cha mẹ, và dĩ nhiên có cùng khí thể của hai đấng ấy, thanh trược ở mức độ nào là do sự sống của hai cơ thể nầy quyết định.
Khi tinh trùng rời khỏi thân cha, nó mang nguyên khí có nguồn gốc của cha hòa nhập vào trong khối nguyên khí của trứng có nguồn gốc của mẹ.

Hiện tượng thụ tinh là sự hòa nhập tuyệt đỉnh của khí huyết mẹ cha để tạo thành một con người mới, sẽ có đủ ba yếu tố Tinh, Khí, Thần khi bào thai rời khỏi mình mẹ. Vì vậy khi nhập thần vào hài nhi, linh hồn đã vay mượn khối khí huyết của mẹ cha và dĩ nhiên phải chịu mang khối nợ nần oan trái của cha mẹ, ông bà, tổ phụ thuộc dòng họ ấy lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Khi đứa bé chào đời, có hai dòng nghiệp lực hội tụ lại, một là từ khối tiền khiên nghiệp chướng của cá nhân linh hồn phải mang theo khi đi đầu kiếp; hai là từ khối khí huyết vay mượn của mẹ cha để làm hình thể của mình, tức là nghiệp lực của gia đình, học đường, xã hội, phong tục tập quán, nếp sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng dân tộc nào đó. Tinh thần của dân tộc như một sức mạnh vô hình thẩm nhập từ từ vào trong tinh thần của đứa bé, là dòng nghiệp lực thứ ba tác động trên đời sống của nó. Đây là nghiệp quả của chủng tộc, dù ít dù nhiều vẫn phải gánh chịu.

Tóm lại, trong tiến trình phát triển cả hình chất lẫn tâm linh để trưởng thành, yếu tố nguyên khí của thai bào cũng giữ một vai trò quan trọng trong sự hình thành những điều mà người ta gọi là định mệnh của con người. Vì vậy vấn đề được đặt ra đối với bậc làm cha mẹ trong đạo lý của Đức Chí Tôn truyền dạy vẫn là sự tu thân để khí thể được thanh và nhờ đó bào thai có được nguyên khí tốt là một trong những yếu tố cần thtiết cho sự tấn hóa của con người theo chiều hướng thánh thiện. Vai trò của ngươí mẹ vì vậy được ví như : " Bụng mang đầy quyền phép nắn đời.", là do ở khía cạnh nầy.

III/- THÁNH THỂ THIÊNG LIÊNG :
" Ôi ! Thầy sanh ra các con thì phải yêu trọng các con chẳng cùng, mà Thầy cho các con đến thế giới nầy với một Thánh thể thiêng liêng y như hình ảnh của Thầy, không ăn mà sống, không mặc mà lành, các con lại không chịu, nghe điều cám dỗ, mê luyến hồng trần, ăn cho phải bị đọa, dâm cho phải bị đày, nên chịu nạn áo cơm, dục quyền cầu lợi ". ( TNHT. TG 1928 )
Trên đây là lời quở trách của Đại Từ Phụ, Đấng Tạo Hóa đã chiết chơn linh mình gởi vào những hình hài nhục thể để tạo dựng giống người đầu tiên có đủ xác hồn, tinh khôn hơn vạn vật gọi là nguyên nhân. Một số những linh hồn nầy vì mê luyến hồng trần, sau kiếp sống mang xác phàm, thoát xác nhưng không trở về cựu vị được, phải luân hồi chuyển kiếp triền miên, cho đến ngày nay, khi mở Tam Kỳ Phổ Độ, Đại Từ Phụ dùng huyền diệu cơ bút, mượn tiếng nói của loài người quở trách như vậy để thức tỉnh linh hồn những bậc nguyên nhân ấy.

Từ giống người nguyên thủy nầy, có nam có nữ, giao phối với nhau, sinh sản những hình thể con người càng ngày càng gia tăng qua nhiều thế hệ. Những hình thể con người của các thế hệ nối tiếp gọi là hóa nhân, khi họ đón nhận những linh hồn tấn hóa cao trong hàng thú vật hồn nhập vào mang xác người, và trở thành người.

" Cả kiếp luân hồi thay đổi từ trong nơi vật chất mà ra thảo mộc, từ thảo mộc đếân thú cầm, loài người phải chịu chuyển kiếp ngàn năm, muôn muôn lần mới đến địa vị nhơn phẩm ". ( TNHT. TG. 19-2-1926 )

Bởi linh hồn con người là một phần nhỏ của khối đại hồn vũ trụ là chơn linh của Thầy nên Đại Từ Phụ nói rằng : " Thầy cho các con đến thế giới nầy với một Thánh thể thiêng liêng y như hình ảnh của Thầy."

Thánh thể thiêng liêng ấy là linh hồn ngự nơi phàm thể xương thịt khí huyết là khối vật chất biến hình ra là thân xác con người.

IV/ - CHƠN LINH NHẬP THỂ :
Khi nhập Thần vào hài nhi, linh hồn đã ngự nơi phàm thể con người rồi. Thánh thể thiêng liêng ấy giờ đây bị lằn trược khí của chơn thần bao phủ che mờ đi, sự linh diệu sáng suốt chỉ còn đủ để biết điều khiển các phản ứng thân xác làm cho toàn thể các cơ phận hài nhi hoạt động.
Hình hài nhục thể của hài nhi là một khối tinh khí vay mượn của mẹ cha, khi còn trong bụng mẹ thì nương nhờ nơi thần của mẹ mà khôn lớn. Khi chơn linh nhập thần được vào khối tinh khí ấy, sự sống của hài nhi trở nên độc lập với mình mẹ, nghĩa là hài nhi có thể sống được dù mẹ chết. Trái lại, nếu vì lý do nào đó hiện tượng nhập thần không xảy ra được, khối tinh khí vừa lọt khỏi mình mẹ phải chết tức khắc.

Đức Chí Tôn dạy :
" Nơi thân phàm các con mỗi đứa Thầy đều cho một chơn linh gìn giữ cái chơn mạng sanh tồn." ( TNHT. TG. 1928 )
Trong tiến trình phát triển để trưởng thành, sự khôn ngoan sáng suốt linh diệu của chơn linh sẽ hiển lộ từ từ, nhịp nhàng với sự phát triển hình chất. Đến tuổi đi học người ta cho đứa bé :
" Cầu khẩn Đấng chơn linh nhập thể,
" Đủ thông minh học lễ học văn."

Như là một phương pháp thúc giục sự hiển lộ của chức năng giáo hóa của chơn linh đối với chơn thần và thân xác. Đức Chí Tôn dạy :
" Chơn linh ấy tánh Thánh nơi mình, đã chẳng phải gìn giữ các con mà thôi, mà còn dạy dỗ các con." ( TNHT. TG. 1928 )
Bởi quan niệm rằng tinh thần của đứa bé như là một vùng bản ngã còn tối tăm, nên khi sự sáng của chơn linh hiển lộ, người ta có cảm tưởng ánh sáng tâm linh ấy là cái gì cao quí khác với bản ngã tối tăm của nó, từ bên ngoài bên trên tràn vào nên mới gọi là nhập thể.

Đây chỉ là vấn đề ngôn ngữ con người dùng để diễn tả một hiện tượng siêu hình. Thực ra chơn linh đã hiện hữu nơi xác phàm từ khi nhập thần vào hài nhi. Khi trưởng thành, nếu con người sống đời sống tu hành đúng theo chơn pháp, tánh thánh của chơn linh ngày càng hiển lộ, nghĩa là hiện tượng nhập thể được trọn vẹn.

Vậy chơn linh nhập thể là một tiến trình tấn hóa tự nhiên trong sự sống của con người. Trong giáo pháp cao Đài, học sinh sử dụng lời kinh nhập học :
" Cầu khẩn Đấng chơn linh nhập thể,
" Đủ thông minh học lễ học văn."
Là để thúc giục sự tấn hóa của mình cho được nhanh chóng và trọn vẹn cả xác lẫn hồn theo chiều hướng thánh thiện.

BÁT HỒN VẬN CHUYỂN

Thầy đã nói, chi chi hữu sanh cũng do bởi chơn linh Thầy mà ra, tức nhiên trong những hình hài dị biệt của bốn đẳng cấp chúng sanh thảy đều có tánh linh của Thầy chiết ra ngự trị nơi đó. Các chơn linh ấy phải chịu luân hồi chuyển kiếp nhiều lần mới tấn hóa, từ vật chất đến thảo mộc, thú cầm, nhơn loại, bốn đẳng cấp nầy thuộc về hữu hình tướng.
Đến địa vị nhơn phẩm rồi còn phải chuyển kiếp tu hành nữa mới đạt phẩm vị Thần Thánh Tiên Phật.
" Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có chư Thần, Thánh, Tiên, Phật" ( TNHT. TG. 24-10-1926 )

Từ trong hư vô khí, chơn linh Thầy đã phân tánh giáng sanh, ngự vào hình thể vật chất một tánh linh gọi là vật chất hồn, vật chất hồn chuyển kiếp tấn hóa dần lên đến Phật hồn, trở về cùng bản thể của vũ trụ.

Một vòng luân chuyển qua tám đẳng cấp như vậy gọi là bát hồn vận chuyển.
" Thiên cung xuất vạn linh tùng pháp,
" Hiệp âm dương hữu hạp biến sanh.
" Càn khôn sản xuất hữu hình,
" Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh."
(Phật Mẫu Chơn Kinh )

Và cả thảy vạn linh sanh chúng duy biết tùng pháp mà sáng tạo, sinh tồn, tấn hóa.
Pháp là những nguyên lý, qui luật vận hành trong vũ trụ. Pháp tạo ra con người, chớ con người không tạo ra Pháp.

Con người chỉ khám phá những nguyên lý trong sự sống của thiên nhiên đã có sẳn, con người không phải là tác giả của những nguyên lý ấy.

Con người là tiểu vũ trụ, có đủ quyền năng sáng tạo, dựa vào những nguyên lý của thiên nhiên đã khám phá được, cải biến môi trường sống để sinh tồn và phát triển.

Con người là tạo vật hậu thiên trong vòng hữu sanh hữu tử, có nguồn gốc từ Đấng Chí Linh là Trời và do nguyên lý âm dương hữu hạp biến sanh là Phật Mẫu.
Hay nói cách khác, Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu đã sanh ra loài người vậy./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét