Tựa
Nghiên cứu một tôn giáo là tìm hiểu tận ngọn
nguồn triết lý của tôn giáo ấy bao gồm cả những chuyện thần thoại vốn mang ý
nghĩa tượng trưng cho triết học, kế đến là những nghi lễ tế tự, hình thức tổ chức thể hiện ý nghĩa của triết lý
một cách cụ thể trong sinh hoạt hữu hình.
Sự sống của một cá nhân con người hay một cộng
đồng tín ngưỡng luôn luôn biến dịch với thời gian, không gian. Những đổi thay
của quan niệm triết học, của hình thức tổ chức và nghi lễ tôn giáo trên dòng
thời gian tạo thành lịch sử của tôn giáo ấy.
Khởi sự sâu rộng vào quần
chúng từ năm 1925 đến năm 1975, Đạo Cao Đài đã hiện thực được 50 năm lịch sử.
Nhìn lại đoạn đường đã qua đầy gian lao thống khổ pha lẫn với hân hoan, chúng
ta thấy vẫn còn nhiều thắc mắc về những nét cơ bản triết lý, thần quyền, nghi
thức mà tập nhận định nầy sẽ lần lượt làm sáng tỏ một phần nào hầu giúp quí độc
giả hiểu được Thánh ý của Đức Chí Tôn rõ ràng hơn.
Mục đích của người viết
chỉ nhằm đưa ra những nhận định của cá nhân mình như một hồi quang phản chiếu
đối với 50 năm lịch sử Đạo đã qua hầu gạn lọc tinh hoa của giáo thuyết và hành
động đã phô diễn trước nhơn sanh cho biểu hiện được rõ ánh sáng chân lý của nền
Đại Đạo do Đức Chí Tôn khai sáng.
Xin tạm gọi là góp một
chút công tìm hiểu giáo lý Cao Đài vậy.
Kính trình Hội Thánh Lưỡng
Đài và Ban Đạo Sử một tài liệu để tham khảo.
Viết nhân lễ kỷ niệm Khai
Đạo lần thứ 50.
15 tháng 10 Giáp
Dần 1974.
Nguyễn Long Thành
ÐẠO THẦY DUY CÓ MỘT
Đã nửa thế kỷ
trôi qua, kể từ ngày Đức Chí Tôn dụng huyền linh cơ bút giáng trần khai mở nền
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ còn gọi là Đạo Cao Đài. Thời gian 50 năm chưa đủ để sống
trọn một kiếp người nhưng lịch sử Đạo giáo đã dệt nên biết bao trang oai hùng
tráng lệ, hòa lẫn với thống thiết bi ai.
Tôi không
muốn ghi lại nơi đây tất cả những gì đã xảy ra trong 50 năm ấy với đầy đủ chi tiết như
những sử gia vẫn thường làm, mà trái lại chỉ muốn hiện lên cho rõ nét Thánh ý
của Đại Từ Phụ giữa những điều dị biệt, tương phản trong rừng giáo lý Cao Đài
đương độ trăm hoa đua nở.
Đạo Cao Đài
được hình thành từ hiện tượng huyền linh cơ bút, điều đó không ai chối cải và
Đức Chí Tôn cùng các Đấng trọn lành đã nói chuyện được với loài người qua cơ bút,
điều đó cũng không ai chối cải. Thế nhưng mặt khác, cũng chính cơ bút đã để lại
trong tâm trí con người những dấu vết của tà thần tinh quái.
Lời cảnh giác của Đức Chí
Tôn ngay từ buổi ban đầu khi Ngài sử dụng hiện tượng huyền linh cơ bút :
" Buổi Bạch Ngọc Kinh và Lôi Âm Tự lập pháp Tam
Kỳ Phổ Độ, quỉ vương đã khởi phá khuấy chơn Đạo, đến danh Ta nó còn mượn, duy
ngai Ta nó chẳng dám ngồi mà thôi, lại còn hiểu rõ rằng Ta đến với huyền diệu
nầy, mượn cơ mầu nhiệm hiệp Tam Thập Lục Động đổi gọi Tam Thập Lục Thiên, các
tên chư Thần, Thánh, Tiên, Phật bị mạo nhận mà lập nên tả Đạo". ( TNHT. TG.
22-8-1926 )
Nguyên lý của hiện tượng
con người thông công với Thượng Đế dù dưới hình thức nào cũng vậy :
"…Ấy là một phần của con, một phần của Thầy hiệp
nhứt mới thấu đáo càn khôn tinh thông vạn vật đặng". ( TNHT. TG.
3-1-1926 )
Thầy thì trọn lành.
Con thì phàm tục.
Phàm Thánh trộn lại với
nhau biến ra hình Thánh giáo. Vì vậy trong nguồn gốc của cơ bút đã có phần của
con người dự vào phần của thiêng liêng. Thầy thì có một, người thì muôn vẻ.
Thầy thì vô vi mà biến dịch, bất ngôn mà đại hóa. Người thì biến đổi lại sống
không thuần nhất lý. Bởi vậy cơ bút có đủ quyền năng lập Đạo thì cũng chính cơ
bút đã dẫn dắt con cái Đức Chí Tôn chia phe phân phái không ít.
Chính Đức Thất Nương Diêu
Trì Cung đã thố lộ :
" Nhất là về việc Diêu Trì Cung bị mượn danh nơi
khác mà dối gạt nhơn sanh, cái hại ấy vốn chẳng vừa về phần tín ngưỡng, chớ chi
thất tại tà quyền thì có mấy em trừ khử nhưng tại nơi đồng tử thì mấy em không
phương giải nạn cho mấy người mê tín". ( TNHT. TG. 9-4- Giáp
Tuất 1934 )
Trong thời kỳ tiền Khai
Đạo, khoảng từ cuối năm 1919 đến năm 1925 có biết bao lần Đức Chí Tôn đã tá
danh Cao Đài Tiên Ông cùng các Đấng Thiêng Liêng khác giáng cơ phổ độ chúng
sanh, tùy theo tâm lý phàm tục của mỗi đứa con, Đại Từ Phụ đã dùng huyền diệu
cơ bút và những hiện tượng mặc khải cá nhân khác để độ rỗi con cái của Ngài,
đại loại gồm những hình thức :
- Cho thuốc hay chỉ dẫn
những phương pháp điều trị để chữa bệnh cho những người hữu căn cần được cứu
sống.
- Tiên tri cho những người
nào tò mò muốn biết tương lai ra sao.
- Giải lý cho những người
thích tra cứu ngọn nguồn căn cơ yếu lý trong nhiều lãnh vực văn chương, khoa
học nghệ thuật, thần quyền.
- Làm những hiện tượng
linh hiển trước mắt để dẫn dụ đức tin của những kẻ không muốn nhìn Trời.
Lòng từ bi của một ông cha
hiền lành quá lẽ đã chìu theo tâm lý phàm tục của nhơn sanh mà day trở mối
thiên thơ cho dễ bề độ rỗi đến nỗi có một lần Ngài phải thốt tiếng than :
Cao Đài tá thế đến phàm gian,
Bạch Ngọc Huỳnh Kim cũng chẳng màng.
Chìu lụy đòi phen xem quá tục,
Nghĩ không đổ lụy phải cười khan.
-0-0- Cười khan mà khóc bởi thương bây,
Chẳng mất một con nghiệt cả bầy.
Biết phận già không chờ chống gậy,
Nương theo con dại mới ra vầy.
( TNHT. TVDĐ )
Ấy là những nét phàm tục
của con người còn lưu dấu lại trong văn chương cơ bút, nó hé lộ đôi điều bí ẩn
sẽ dần dần hiện ra sau nầy trên dòng lịch sử Cao Đài giáo. Sự hùn vốn của bàn
tay con người vào trong hiện tượng huyền linh cơ bút hay là mặc khải cá nhân
cũng vậy, đã là một trong những nguyên nhân tạo nên tình trạng lưỡng phân quyền
pháp của Thượng Đế ngay từ buổi đầu lập giáo khi mà Đức Chí Tôn còn sử dụng
hàng loạt đồng tử có trình độ và khả năng thông công khác nhau ở nhiều nơi cùng
tác động trên một vùng đất của miền nam Việt Nam. Qua cơ bút, đôi khi Đức Chí
Tôn đã thân hành đến tận tư gia, kêu từng đứa con yêu ái của Ngài dạy phải thức
tỉnh chung lo việc Đạo. Tánh ý mỗi người mỗi khác, trí thức chẳng đồng, tâm lý
chẳng đồng mà nay phải hiệp hòa chung lo việc Đạo thì quả thật là phải khó.
Mầm mống của hiện tượng
chi phái là do lòng người khác biệt, chớ nào phải ở Thánh ý Đức Chí Tôn vốn chỉ
có một quyền Tạo Hóa trong càn khôn vũ trụ nầy chớ nào có hai Thượng Đế bao
giờ. Ngài đến để lập Đạo Cao Đài và chìu theo tâm ý của từng cá nhân, Thánh
giáo qua cơ bút truyền dạy có những sắc thái cá biệt ngay từ đầu làm điểm tựa
cho những hướng rẽ của đức tin sau nầy.
Cớ sao cũng một Đức Cao
Đài mà với đồng tử nầy Ngài lại dạy khác, với đồng tử kia Ngài lại dạy khác
nữa, những khác biệt về hình thức nhưng vẫn thuần nhất lý thì không nói chi,
nhưng khác biệt đối nghịch thì sao ? Chẳng hạn đối với vấn đề chi phái, Thánh
giáo Toà Thánh Tây Ninh cho rằng Đạo Thầy duy có một, cho nên kẻ nào cưu tâm
chia phe phân phái là nghịch cùng Thánh ý Đức Chí Tôn, trong khi Thánh giáo của
chi phái cho rằng chính Đức Chí Tôn đã lập ra 12 chi phái. Lý trí của con người
không sao tránh khỏi thắc mắc.
Xem lại tinh thần của
những bài Thánh giáo trong thời kỳ tiền khai đạo thu nhận được từ nhiều nơi, do
nhiều đồng tử khác nhau không cùng khuynh hướng tâm linh thông công, chúng ta
thấy dòng tư tưởng Cao Đài giáo trong thời kỳ nầy đáp ứng một cách tản mác
những thị hiếu tâm linh cá nhân của người tham dự đàn cơ khá rõ rệt.
Kẻ chán đời muốn tầm Tiên
học Đạo luyện thuốc trường sinh hay cầu giải thoát được đáp ứng bằng huyền diệu
linh hiển tại thế, mà người bôn xu quốc sự cũng được tiên tri mách bảo vận nước
suy vong bỉ thới thế nào, thậm chí cầu mua may bán đắt cũng được Ơn Trên chiếu
cố, hay xướng họa thi văn đùa giỡn với Tiên Nương cũng không bị quở trách.
Trong toàn bộ những khác biệt ấy có Thiên ý rõ rệt là làm thức tỉnh tinh thần
sanh chúng hướng về chỗ linh thiêng của Trời Phật để chuẩn bị cho lòng người
sẵn sàng đón nhận một biến cố mới thuộc phạm vi bán hữu hình là sự khai mở nền
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do huyền linh cơ bút điều khiển trực tiếp.
Đứng trên quan điểm thần
quyền chúng ta thấy khá rõ rệt trong thời kỳ tiền khai Đạo có một lằn yến sáng
tâm linh từ Thiên cung tỏa xuống một cách mãnh liệt trên vùng đất ở miền Nam
Việt. Nguồn sinh lực nhiệm mầu ấy mang nhiều tính hồng từ hơn hồng oai và không
dành riêng cho một ai, tất cả mọi sinh vật từ cỏ cây thú vật đến con người, đều
được hưởng nhờ ít nhiều tùy mức độ hấp thụ do điều kiện cảm ứng của tinh thần mỗi
sinh linh hiện hữu. Nó đánh thức toàn bộ chức năng tâm sinh lý của con người
theo chiều hướng trở về nguồn gốc chí linh hằng hữu.
Lãnh vực nầy ít thấy sử
sách ghi lại những hiệu ứng của nó trên văn tự mà thuộc phần sinh hoạt bán hữu
hình của hàng chơn tu giác tánh. Trong giai đoạn lịch sử có tính cách chuẩn bị
Khai Đạo nầy, Ngài Ngô Văn Chiêu được sử sách Đạo nhắc nhở tới nhiều vì lý do
từ dòng thần lực ấy, Ngài đã tẻ ra thành một dòng tu chuyên biệt về tịnh luyện
tham thiền và không hoàn thành nỗi sứ mạng làm Giáo Tông của nền Đạo Cao Đài
sắp thành hình ngay sau đó.
Tóm lại tiền Khai Đạo là
một giai đoạn lịch sử mà Đức Chí Tôn và các Đấng Trọn Lành ban bố lòng từ bi,
tha thứ những lỗi lầm của nhơn sanh, chìu theo phàm tính của mỗi người để dụ dỗ
cho tinh thần họ, chịu hướng về chỗ tu hành, còn quan niệm phải tu hành như thế
nào thì quyền lực thiêng liêng chưa gò ép lòng người cho lắm. Tiếng than của
Đại Từ Phụ :
" Chìu lụy đòi phen xem quá tục,
" Nghĩ không đỗ lụy phải cười khan."
Nhìn ở góc độ nầy mới thấy
nỗi chiều sâu của những gút mắc lịch sử Đạo giáo, và từ góc độ ấy chúng ta sẽ
hiểu được tại sao Ngài Ngô Văn Chiêu từ ngôi Giáo Tông và tại sao chi phái
thành hình, mà người làm việc ấy tự tin rằng mình hành động như thế là đúng
Thiên ý.
TẠI SAO NGÀI NGÔ VĂN CHIÊU
TỪ NGÔI GIÁO TÔNG
Mầm mống của
hiện tượng chi phái khởi từ nguyên lý huyền linh cơ bút, chìu theo thị
hiếu cá nhân của người thọ giáo, để un đúc nơi lòng họ đức tin ban đầu vào quyền lực thiêng
liêng, của thế giới vô hình đang dẫn dắt họ hướng về mục đích tu hành. Mỗi lần
tác động để thay đổi một góc độ nào đó của nhân sinh quan làmột thử thách, một
bước
tiến bộ, một hình thức khai mở tâm trí thì trạng thái tinh thần của
người
tu học có thể ở vào một trong ba trường hợp sau đây :
- Hoặc tiếp thu được Thánh
ý của Thiêng Liêng mà sửa mình cho kịp bước sự dìu dắt của Ơn Trên.
- Hoặc đối kháng hẳn lại,
mất đức tin vào sự dìu dẫn đổi mới nầy và cố bám vào nếp tư duy hiện có như là
một bảo đảm cho niềm phúc lạc, một chứng minh cho chân lý đã hiểu được.
- Hoặc lưng chừng nửa tin
nửa ngờ, hành động không có gì rõ rệt, một thái độ lấp lững thiền môn.
Chúng ta hãy lấy một thí
dụ về biến cố khúc quanh trong tư tưởng nhơn loại, chung quanh vấn đề quả đất
và mặt trời. Vào khoảng đầu thế kỷ 17 sau khi ông Galiléo đã chế tạo thành công
được một viễn vọng kính có tầm nhìn xa, ông kết luận rằng mặt trời đứng yên một
chỗ, quả đất tròn như trái cam và quay xung quanh mặt trời và tự xoay tròn trên
mình nó, tạo ra hiện tượng ngày đêm.
Dòng tư tưởng của nhân
loại trước đó căn cứ vào những gì mắt thấy tai nghe thì bầu trời như cái vung
úp xuống, mặt đất phẳng có chỗ giáp mối nơi chân trời, mặt trời mọc ở phương
đông di chuyển và lặn ở phương tây.
Khi Galiléo công bố một
điều mới lạ về chân lý trái ngược với quan niệm thông thường của quần chúng,
thì thái độ của nhân loại chia ra làm ba hạng người, một hạng tin theo, một
hạng chống đối lưng chừng.
Thượng Đế đã tác động trên
tinh thần của nhà bác học Galiléo để ông dìu dắt nhân loại giác ngộ, nhận định
cho đúng hình ảnh của vũ trụ như thế nào là một bước tiến trong đời sống trí
tuệ của nhân loại, thế nhưng vẫn có một phần người từ chối tư tưởng mới nầy và
họ sống một cách thật tình rằng, chống đối lại tư tưởng Galiléo là một hành vi
đạo đức, bảo vệ chân lý mà giác quan con mắt là đầu mối cung ứng cho họ ý niệm
ấy.
Ngài Ngô Văn Chiêu được
Đức Chí Tôn dùng huyền diệu để thu phục đức tin của Ngài dưới nhiều hình thức,
để rồi sau đó từ từ dẫn dắt Ngài qua những khúc quanh tu hành như sau :
1/ - Ăn chay 10 ngày mỗi
tháng. 2/- Ba năm trường trai.
3/ - Chấp nhận gọi Tiên
Ông bằng Thầy.
4/ - Thờ Thiên Nhãn.
5/ - Công phu khổ hạnh.
6/ - Chấp nhận làm anh cả
trong một nhóm nhỏ bạn đạo chưa thành hình tổ chức tôn giáo (vai trò trưởng
nhóm).
Sáu biến cố lớn ấy trong
cuộc đời Ngài, Ngài đều qua được tâm thức chuyển biến theo kịp lời dạy dỗ của
Đức Chí Tôn, hành động thuận theo Thiên ý. Nhưng tới khúc quanh chót là phải
làm Giáo Tông, nghĩa là anh cả toàn thể khối lớn tín đồ Cao Đài đang tổ chức
thành hình một tôn giáo với đủ mọi thành phần xã hội, đủ mọi xu hướng chính trị
và tâm lý khác nhau vô cùng phức tạp và thường xuyên bị chính quyền Pháp theo
dõi, đe dọa về an ninh cá nhân thì Ngài cương quyết từ chối. Ngài trở lại nếp
sinh hoạt tịnh luyện, thiền định mà Đức Chí Tôn đã ban bố đầy đủ ân huệ nhiệm
mầu cho Ngài trong giai đoạn trước và tìm thấy nơi đó một sự bằng an giải thoát
với ý niệm rằng Đạo Cao Đài có phần vô vi do Ngài chưởng quản, còn phần phổ độ
để cho nhóm người khác lo liệu cũng được, Ngài không can dự vào.
Ý niệm nầy đã tạo ra tình
trạng lưỡng phân quyền pháp của Đức Chí Tôn tại thế trong quan niệm tổ chức Đạo
Cao Đài còn gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và Ngài Ngô Văn Chiêu chỉ chịu trách
nhiệm trước lịch sử đến mức đó mà thôi. Thế nhưng dòng đời cay nghiệt nối tiếp
theo sau bước đi rẽ lối của Ngài, người ta thấy xuất hiện một dòng tư tưởng
mới, chủ trương chia cắt tổ chức Đạo Cao Đài thành nhiều phái sinh hoạt riêng
biệt, tư tưởng nầy lớn mạnh dần với thời gian mà đến nay nửa thế kỷ đã trôi qua
chưa thấy có một giải pháp nào hữu hiệu hàn gắn lại được thành một khối đoàn
kết thương yêu thống nhất. Quan niệm chia cắt tổ chức Đạo Cao Đài thành hai
phần vô vi và phổ độ riêng biệt, phát xuất từ lòng người chưa thấu đáo chơn
truyền tận độ của Đức Chí Tôn, nó để lại trong dòng lịch sử Đạo giáo những dấu
vết của sự thiếu hòa hợp, chưa có một quyền hành nào chia riêng ra được trí tuệ
với hình vóc con người thì cũng không có chơn pháp nào cho phép chia cắt Đạo
Cao Đài thành hai phần vô vi và phổ độ hoạt động riêng lẻ. Nhà truyền giáo làm
công việc phổ độ chúng sanh, không phải là những kịch sĩ trên sân khấu đang nhả
ra những lời hoa mỹ đạo đức từ một nội tâm rỗng tuếch và ngược lại người hành
công phu tu luyện cũng không phải là quay mặt vào thế giới nội tâm để sống ích
kỷ cho riêng mình. Khi ánh sáng nội tâm tràn đầy chánh đạo, công phu tu luyện
nội tâm gắn liền với phổ độ chúng sanh ở một tầng sinh hoạt vi diệu hơn hình
thức, mượn âm thinh sắc tướng để phô diễn chân lý, dẫn dụ lòng người vào nẻo
thiện. Chẳng hạn có trường hợp phải vận dụng quyền năng tư tưởng ở tầng âm
thanh lặng để điều chỉnh những hoạt động hữu hình sắp xảy ra cho một cá nhân
hay cộng đồng theo chiều hướng làm thức tỉnh chơn thần của họ là một trong
nhiều việc mà bậc chơn tu giác tánh phải làm, chớ nào phải ngồi mơ màng thả hồn
theo mây gió rong chơi gọi là vui hưởng thú thanh nhàn của miền ảo giác tâm
linh đang tượng hình trong cõi pháp giới khi thần thức vừa tách rời khỏi trung
khu não do một kích động nào đó.
Thượng Đế vô vi nhi dịch
sử quần linh thì sinh hoạt của bậc chơn tu giác tánh cũng đồng lý ấy nhưng nhỏ
bé hơn và thấp thỏi hơn trong quyền pháp mà thôi. Xét trên quan điểm lợi ích
thiết thực cho cá nhân, so sánh hai trạng thái nội tâm thì đường lối tu hành
tịnh luyện thiền định của Ngài Ngô Văn Chiêu trong giai đoạn tiền khai Đạo được
sự nâng đỡ của Đức Chí Tôn đã đem lại cho Ngài sự bằng an thánh thiện hơn là
đảm nhiệm vai trò làm Giáo Tông Đạo Cao Đài sẽ có nhiều phiền não trước mắt khó
tránh được.
Con đường phổ độ với những
phiền não về nhơn tâm và khó khăn về an ninh cá nhân đã làm mất đi sự bằng an
trong tâm của Ngài, khiến Ngài mất đức tin nơi Thánh giáo của nhóm đồng tử Phạm
Công Tắc, Cao Quỳnh Cư thông công, đang thúc đẩy Ngài đến chỗ sẽ gặp nhiều
phiền não khó khăn. Ngài chọn giải pháp tạ từ ngôi Giáo Tông, từ chối lãnh
trách nhiệm anh cả của toàn thể khối tín đồ Cao Đài đã hình thành một tôn giáo
và sống một cách chân thành với sự hiểu biết của trí não Ngài rằng con đường
Ngài đang chọn như thế là đúng đắn nhất. Những ấn chứng nhiệm mầu mà Đức Chí Tôn
đã ban bố để nâng đỡ đức tin trong khi Ngài công phu khổ hạnh là bằng chứng
hùng hồn để Ngài tin rằng khước từ lời dạy làm Giáo Tông là đi đúng với chơn
pháp. Trạng thái tâm lý nầy chẳng khác gì một số những người cầm quyền giáo hội
Thiên Chúa giáo vào đầu thế kỷ 17 đã chống đối lại tư tưởng mới của Galiléo về
việc quả đất tròn. …Armed with his telescope, which magnified thirty
times, Galiléo discovered mountains on the moon, the stars of the Milky Way,
the moons of the planet Jupiter, and sports on the sun. For sometimes he had
been convined that the views of Copernicus were correct, but now his telescope
confirmed them without a doubt, Galiléo however, feared to publish his
findings. After waiting some fifteen years, he could no longer stifle the urge to
proclaim the truth of his ideas. In 1632, therefore, he published the great
work of his life, defending the Copernican system. In this same year he was
calle before Church authorities for trial and was examined on several occasions
during the next four year. These trials thoroughly broke the spirit of the old
scientist, now seventy ; and he was forced to declare publicly that his ideas
about the world moving around the sun were false….
Trích trong
quyển MAN'S STORY của T. Walter Wallbank USA . Tr 347. 1936
Nói tóm lại,
nếu Ngài nhận làm Giáo Tông Đạo Cao Đài, phiền não sẽ đến với Ngài nhiều hơn, bởi Ngài phải
gánh vác thêm một khối nghiệp lực của chúng sanh trên vai và nếu Ngài hoàn
thành được sứ mạng cao cả ấy, y như lời phú thác của Đức Chí Tôn thì công đức
của Ngài sẽ vinh diệu hơn và Thượng Đế tính nơi Ngài sẽ tỏ rạng hơn.
Lời phú thác ấy như sau :
" Chiêu ! Bữa trước hứa lời truyền Đạo cứu vớt
chúng sanh, nay phải y lời mà làm chủ mối Đạo dìu dắt cả môn đệ Ta vào đường
đạo đức đến buổi chúng nó thành công, chẳng nên tháo trút, phải thay mặt Ta mà
dạy dỗ chúng nó". ( Trích Lịch Sử Ngô Văn Chiêu. Phái Chiếu Minh, xuất
bản 1962. Tr. 40 )
Và phương cách hành đạo
Đức Chí Tôn buộc Ngài : dầu cho một đứa trẻ con còn trong bụng mẹ Ngài cũng
phải lo độ rỗi.
" Chiêu Kỳ Trung độ dẫn hoài sanh".
( Lịch sử Ngô Văn Chiêu.
Tr 40 )
Ngài trở lại tu vô vi được
an nhàn hơn. Ngài từ chối gánh nặng nhơn sanh trên vai và chọn giải pháp nhẹ
nhàng hơn thì đương nhiên Thượng Đế tính nơi Ngài ít tỏ rạng hơn, lẽ công bằng
của Đấng Hóa Công hiển nhiên phải vậy.
Thượng Đế thống ngự vạn
vật và hóa dục cả quần sanh, trong khi Giáo Tông chỉ thay mặt Thượng Đế dìu dắt
số người làm môn đệ Đức Cao Đài vào đường đạo đức, tức là chịu trách nhiệm đối
với toàn thể khối tín ngưỡng Cao Đài. Còn Ngài Ngô Văn Chiêu thì không bằng
lòng làm như vậy, Ngài chỉ chọn một số môn đệ Cao Đài nào đó mà tư tưởng hợp
với Ngài để độ rỗi gọi là cơ tuyển độ, tu vô vi.
Nói tóm lại, Ngài không
chịu dạy dỗ toàn cả khối môn đệ của Đức Cao Đài như Đức Chí Tôn mong muốn. Ngài
chỉ chọn một phần nhỏ trong số nầy để độ rỗi. Việc hành đạo như thế đương nhiên
được nhẹ nhàng hơn.
Ngài được Đức Chí Tôn khải
thị huyền linh Thiên Nhãn trước tiên, ban bố cho Ngài nhiều ấn chứng linh hiển
trong công phu tu luyện, dạy Ngài phải làm anh cả trong một nhóm bạn đạo ( vai
trò trưởng nhóm ).
Tất cả những diễn tiến ấy
là để chuẩn bị tư tưởng cho Ngài sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm làm Giáo Tông
Đạo Cao Đài. Thế nhưng Ngài chỉ dừng lại ở mức tu chơn mà thôi vì những lý do
đã dẫn giải nêu trên, Ngài đã hiểu lý Đạo như thế, Ngài tin tưởng như thế, Ngài
hành động như thế một cách chân thành và sự thành công trong đời tu của Ngài
đến mức đó. Người đời sau trong môn phái của Ngài và một số chi phái khác có
khuynh hướng muốn tôn vinh Ngài lên thành một nhân vật vẹn toàn trong lịch sử
Đạo Cao Đài, nên đã giải thích một cách gượng ép khúc quanh lịch sử nầy với
nhiều lý giải khác nhau.
AI LÀ GIÁO TÔNG ÐẠO CAO ĐÀI
Sau khi Ngài
Ngô Văn Chiêu khước từ ngôi Giáo Tông thì ai là người thật sự nắm giữ quyền hành của Giáo Tông trong
Đạo Cao Đài ? Đây làmột vấn đề hết sức hệ trọng và trong lịch sử Đạo Cao Đài có
hai quan niệm khác nhau về quyền hạn của Giáo Tông, nằm trong hai hệ tư tưởng
thuộc Tòa Thánh Tây Ninh và các chi phái đối kháng nhau.
I) - QUAN NIỆM CỦA TÒA THÁNH TÂY NINH
Trong lễ Khai Đạo nầy Đức
Chí Tôn chính thức ban hành Pháp Chánh Truyền là bản văn qui định một cách tổng
quát cách thức tổ chức và điều hành tôn giáo Cao Đài, ấn định các phẩm tước,
quyền hạn, trách nhiệm, luật công cử của chức sắc các cấp trong Hội Thánh. Đây
là những bài Thánh giáo có giá trị như một bản Hiến Pháp thiêng liêng của Đạo
Cao Đài do Đức Chí Tôn giáng cơ chỉ dạy, buộc phải tuân theo và vì vậy không
một ai dưới thế gian nầy có quyền sửa bất cứ một điều khoản nào trong Pháp
Chánh Truyền.
Căn cứ theo Pháp Chánh
Truyền thì :
"Giáo Tông là anh cả các con, có quyền thay mặt
cho Thầy mà dìu dắt các con trong đường Đạo và đường Đời. Nó có quyền về phần
xác chớ không có quyền về phần hồn. Nó đặng phép thông công cùng Tam Thập Lục
Thiên, Tam Thiên Thế Giới, Lục Thập Thất địa cầu và Thập Điện Diêm Cung đặng
cầu rỗi cho các con".
Luật công cử Giáo Tông
được qui định trong Pháp Chánh Truyền như sau :
" Còn Giáo Tông thì hai phẩm Chưởng Pháp và Đầu
Sư tranh đặng, song phải chịu cho toàn môn đệ công cử mới đặng. Kỳ dư Thầy
giáng cơ ban thưởng mới ra khỏi luật ấy".
Đó là về phương diện luật
pháp, còn về phương diện nhân sự ai là người thật sự chấp chưởng quyền hành của
Giáo Tông trong Đạo Cao Đài, chúng ta hãy lần lượt xét qua các trường hợp sau
đây trong ý thức tôn trọng Pháp Chánh Truyền làm chuẩn :
1/ -
Quan Phủ Ngô Văn Chiêu :
Ngài là vị môn đồ đầu tiên của Đức Chí Tôn được
độ rỗi bằng huyền diệu cơ bút từ năm 1919. Ngài quyết chí tu hành trường trai giới
sát, chuyên chú nhiều về việc tịnh luyện, thiền định. Khi thành lập Hội Thánh
ĐĐTKPĐ vào năm 1926 Đức Chí Tôn có dạy chuẩn bị một bộ Thiên Phục Giáo Tông cho
Ngài, thế nhưng Ngài từ chối không nhận bộ Thiên Phục nầy và tách rời khỏi
những sinh hoạt của nhóm chức sắc Cao Đài đầu tiên vừa mới thành hình Hội
Thánh. Vì vậy Ngài không phải là đệ nhứt Giáo Tông của Đạo Cao Đài, tuy nhiên
về sau nầy khi Ngài đã qui thiên thấy xuất hiện một khuynh hướng tôn vinh Ngài
lên làm đệ nhứt Giáo Tông của Đạo Cao Đài, do một số môn đồ trong phái của Ngài
và các chi phái khác, chủ trương dựa vào sự kiện lịch sử vừa nêu trên. Việc nầy
hoàn toàn trái với ý của Ngài khi còn sanh tiền.
2/ - Sự kiêm nhiệm quyền
hành Giáo Tông của chơn linh Đức Lý Thái Bạch :
Sau khi Ngài Ngô Văn Chiêu
từ chối không chịu nhận trách nhiệm làm Giáo Tông Đạo Cao Đài thì chơn linh Đức
Lý Thái Bạch trong hàng Tam Trấn phải kiêm nhiệm quyền hành Giáo Tông này.
Trong nhiều đàn cơ Ngài xưng danh Lý Giáo Tông là vì vậy, cho đến ngày hôm nay
chơn linh Lý Bạch vẫn là Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Tam Trấn là ba vị đại diện
cho quyền pháp của Tam Giáo trong tổ chức Đạo Cao Đài gồm có:
- Chơn linh Đức Quan Âm Bồ
Tát đại diện cho Phật Giáo.
- Chơn linh Đức Lý Thái
Bạch đại diện cho Lão Giáo.
- Chơn linh Đức Quan Thánh
Đế Quân đại diện cho Nho Giáo.
Còn Giáo Tông là vị chức
sáéc lớn nhất trong Đạo Cao Đài có nhiệm vụ làm anh cả đối với tất cả tín đồ.
Về phương diện hữu hình, Hộ Pháp vẫn là em của Giáo Tông, về phần thiêng liêng
thì đồng vị.
3/-Vị quyền Giáo Tông đầu
tiên tại Tòa Thánh Tây Ninh: Năm 1930 chơn linh Đức Lý Thái Bạch với tư cách là
Giáo Tông Đạo Cao Đài, hiệp cùng Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đã ký Đạo Nghị Định
thứ hai phong cho Ngài Thượng Đầu Sư Lê văn Trung làm quyền Giáo Tông thay mặt
cho Đức Lý thi hành các phận sự của Giáo Tông về phần xác, còn phần thiêng
liêng Đức Lý vẫn điều khiển.
Ngài Lê Văn Trung sinh năm
1875 tại Chợ Lớn, Việt Nam, ngoài đời làm quan đến chức Nghị viên Thượng Nghị
Viện. Năm 1925 xin từ quan. Ngài theo Đạo cao Đài từ năm 1926, được phong phẩm
Đầu Sư phái Thượng ( Thánh danh là Thượng Trung Nhựt ) rồi thăng lên quyền Giáo
Tông năm 1930. Ngài qui thiên năm 1934 nhằm ngày 13-10 âm lịch, thời gian hành
đạo là 8 năm tròn, hưởng thọ 59 tuổi.
Nơi mặt tiền ngôi Đền
Thánh, phía bên nam tức là bên lầu trống, Hội Thánh cho đắp tượng của Đức Ngài,
vị quyền Giáo Tông đầu tiên của Đạo Cao Đài. Đối xứng phía bên nữ là tượng của
bà Lâm Hương Thanh, vị nữ tu đầu tiên được phong phẩm Đầu Sư là phẩm cao nhất
của nữ phái Cao Đài.
4/ - Các vị Giáo Tông ở
chi phái :
Năm 1926 Đức Chí Tôn lập
thành Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ còn gọi là Đạo Cao Đài, ban hành Pháp
Chánh Truyền. Năm sau 1927, Hội Thánh lập Tân Luật. Ngài Ngô Văn Chiêu sau khi
từ chối, không chịu đứng chung trong tổ chức tôn giáo mới thành hình nầy, vẫn
chuyên chú nhiều về việc tịnh luyện, thiền định. Ngài không chủ trương lập giáo
quyền hay Hội Thánh chi cả, chỉ theo đuổi một phương pháp tu tập bản thân và có
truyền bá pháp môn nầy cho những người tin theo Ngài.
Từ nguyên thủy tổ chức Đạo
Cao Đài được thành hình với một Hội Thánh, một giáo quyền sinh hoạt theo những
qui định trong Pháp Chánh Truyền, Tân Luật, trung ương là Tòa Thánh đặt tại
làng Long Thành Tỉnh Tây Ninh, Việt Nam gọi tắt là Toà Thánh Tây Ninh, tuyệt
nhiên không có chi phái nào trong quyền hành của Hội Thánh cả.
Vài năm sau dưới áp lực
của chính quyền Pháp chủ trương chia để trị với những bất hòa, tranh chấp về
quyền hành trong nội bộ tôn giáo với những đố kỵ, mất lòng tin lẫn nhau do phàm
tính dấy sinh, cùng với những chỉ dẫn của cơ bút khó phân biệt giả chơn đã bị
lạm dụng như một hình thức cầu chứng với thần quyền để bênh vực cho lập trường
khác nhau của từng phe nhóm, một số chức sắc đã tách rời ra khỏi quyền hành của
Tòa Thánh Tây Ninh, lập thành chi phái hoạt động riêng lẻ và đôi khi đối
nghịch. Một vài chi phái có Giáo Tông do công cử hoặc do cơ bút, trong khi chơn
linh Đức Lý Thái Bạch vẫn tiếp tục hành xử quyền hành Giáo Tông Đạo Cao Đài từ
buổi sơ khai.
Ngài không thoái vị thì
ngôi Giáo Tông đâu có chỗ trống để một người khác ở dưới thế lên thay được. Do
đó mọi hình thức lên ngôi Giáo Tông ở các chi phái đều không hợp với Pháp Chánh
Truyền. Đây là điểm then chốt về pháp lý và không có một lối giải thích nào
vượt qua được, ngoại trừ phải chấp nhận vị trí phụ thuộc gọi là nhánh ngọn từ
một gốc duy nhất là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ bị biến tướng ra.
Dĩ nhiên công nghiệp độ
rỗi nhơn sanh trên con đường hướng thiện dù ít dù nhiều, thâm sâu hay phiến
diện trong lòng người vẫn là những đóng góp vào sự tấn hóa của xã hội và con
người mà các tổ chức chi phái đã đạt được.
Thái độ đố kỵ và phân chia
trong lòng của một số vị tu ở chi phái đối với Tòa Thánh Tây Ninh hay ngược lại
của người tu ở Tòa Thánh Tây Ninh đối với chi phái là một sai lầm nghiêm trọng,
hoàn toàn trái với Thánh ý Đức Chí Tôn. Luật pháp đạo giáo áp dụng nghiêm minh
là để kềm giữ cho lòng người đừng loạn, đặng giữ bền Thánh chất yêu sanh của
Thầy nên trên hết mọi sự phân hóa và biện pháp điều chỉnh, mọi dị biệt nảy sinh
do biến tướng trên dòng thời gian. Chánh pháp của Đạo Cao Đài vẫn phải là tình
yêu thương đại đồng.
II) -
QUAN NIỆM CỦA CHI PHÁI :
Tổ chức nguyên thủy của
Đạo Cao Đài là H.T.Đ.Đ Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh tại Tây Ninh. Trên dòng
thời gian tổ chức nầy bị phân hóa nội bộ, biến tướng ra thành các chi phái. Tùy
theo tâm thức của giới chức sắc cầm quyền tối cao trong các chi nhánh nầy, quan
niệm về quyền hành Giáo Tông của chi phái không giống nhau nhưng tựu trung vẫn
mô phỏng theo Pháp Chánh Truyền, Tân Luật nguyên thủy trong cơ cấu tổ chức và
điều hành nhân sự, giáo quyền.
Cho đến năm 1966, ông Hoài
Nhân, tác giả quyển "Bốn mươi năm lược sử ĐĐTKPĐ" có liệt kê một danh
sách ba mươi lăm ( 35 ) tổ chức chi phái Cao Đài có danh xưng hẳn hoi, trong đó
ông ghi nhận một số có danh xưng còn thực lực thì không rõ.
Từ các chi phái đã thành
hình theo thời gian lại có hiện tượng tách riêng ra thành những phái nhỏ nữa và
cho đến nay có ba chi phái có Giáo Tông đó là :
- Giáo Tông Nguyễn Ngọc
Tương phái Bến Tre.
- Giáo Tông Nguyễn Bửu Tài
phái Tiên Thiên.
- Giáo Tông Cao Triều Phát
phái Cao Đài duy nhất.
Do sự khác biệt về nguyên
nhân thành hình trong quá khứ, khác biệt về điều kiện nhân sự nội bộ, những
quan niệm về quyền hành của vị Giáo Tông trong Đạo Cao Đài do các chi phái giải
thích cũng khác nhau ở một vài góc độ nào đó, tuy nhiên vẫn có một điểm chung
là tính đối kháng lại với quan niệm của Tòa Thánh Tây Ninh.
Tòa Thánh Tây Ninh cho
rằng trên hết có một quyền lực vô hình là Đức Chí Tôn, lập thành một Đạo Cao
Đài do một Giáo Tông điều khiển Hội Thánh Cửu Trùng Đài và một Hộ Pháp điều
khiển Hội Thánh Hiệp Thiên Đài. Phải tuyệt đối tôn trọng Pháp Chánh Truyền.
Đó là quan niệm chính
thống, nguyên thủy khi Đạo Cao Đài mới thành lập và tình trạng nhân sự hãy còn
là một khối thuần nhất. Vài năm sau mới có chia rẽ nội bộ thành chi phái và để
biện minh cho sự tồn tại của mình là chánh lý, chi phái đưa ra một cách giải
thích khác về Pháp Chánh Truyền và quyền hành Giáo Tông. Chi phái cho rằng trên
hết có một quyền hành là Đức Chí Tôn, Ngài lập thành nhiều chi phái theo thời
gian, Đạo Cao Đài là tổng số các chi phái, và Tòa Thánh Tây Ninh mặc dù là tổ
chức Hội Thánh nguyên thủy, vẫn bị coi là một trong số các chi mà thôi. Như thế
có nghĩa là trên hết có một Bát Quái Đài là quyền lực vô hình, dưới thế gian
nầy có vô số Hội Thánh Cửu Trùng Đài và Hội Thánh Hiệp Thiên Đài, tùy theo nền
Đạo bị biến tướng đến đâu, sẽ có thêm nhiều Giáo Tông và Hộ Pháp đến đó, mỗi vị
điều khiển một chi của mình cùng tồn tại song song với nhau.
Quan niệm nầy xếp loại như
sau :
Cho đến nay Đạo Cao Đài có
năm Giáo Tông:
1/ - Đệ nhứt Giáo Tông là
Ngô Văn Chiêu.
2/ - Đệ nhị Giáo Tông là
Lê Văn Trung.
3/ - Đệ tam Giáo Tông là
Nguyễn Ngọc Tương
4/ - Đệ tứ Giáo Tông là
Nguyễn Bửu Tài.
5/ - Đệ ngũ Giáo Tông là
Cao Triều Phát.
Còn trường hợp Đức Lý Đại
Tiên kiêm nhiệm quyền hành Giáo Tông từ nguyên thủy được gọi là Giáo Tông vô
vi.
Năm 1934, chơn linh Đức Lý
Thái Bạch với tư cách Giáo Tông Đạo cao Đài (tổ chức nguyên thủy ) đã giáng cơ
ban hành Đạo Nghị Định thứ 8 không nhìn nhận tính cách hợp pháp của các chi
phái Cao Đài và Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc cũng ký tên vào Đạo Nghị Định nầy.
Chi phái bị đặt ra ngoài vòng pháp luật Đạo giáo và đương nhiên không được tham
dự vào các sinh hoạt thuộc hệ thống giáo quyền Tòa Thánh Tây Ninh.
Như thế là đã thành hình hai
quan niệm về quyền hành Giáo Tông đối kháng hẳn với nhau. Trường hợp của Ngài
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương hơi đặc biệt một chút. Ngài lên ngôi Giáo Tông do
sự công cử của một số chức sắc, chức việc, đại biểu tín đồ do Ngài triệu tập
gọi là Hội Vạn Linh tại Bến Tre vào đầu năm 1935. Quyết định nầy của Đại Hội đã
đặt Ngài vào tư thế phải tranh quyền với Giáo Tông Lý Thái Bạch là điều khó xử
đối với Ngài. Khó xử vì chính Đức Lý Giáo Tông cùng với Đức Phạm Hộ Pháp đã ký
Đạo Nghị Định thứ hai thăng thưởng Ngài lên địa vị thay mặt cho Đầu Sư Thượng
Trung Nhựt, để từ đó Ngài tự thấy mình có đủ tư cách pháp lý tranh cử vào ngôi
Giáo Tông được và Ngài đã dùng quyền lực lá phiếu của Đại Hội Vạn Linh cử ngài
làm Giáo Tông Đạo Cao Đài. Đại Hội vạn Linh do Ngài triệu tập tại Bến Tre thay
vì cử Ngài lên quyền Giáo Tông, nghĩa là người thay mặt Đức Lý về phần xác điều
khiển Cửu Trùng Đài, lại cử Ngài ngồi vào vị trí của Đức Lý. Quyền hành Giáo
Tông thì Đức Lý đã kiêm nhiệm từ trước, dùng cơ bút để điều khiển công việc hữu
hình và Ngài Phối Sư Thượng Tương Thanh phải nhờ Đức Lý Giáo Tông thăng thưởng
mới lên được chức quyền Đầu Sư. Nay Đại Hội cử Ngài làm Giáo Tông chánh vị thì
Đức Lý có còn kiêm nhiệm quyền hành Giáo Tông nữa không ? Chỉ có một ngai Giáo
Tông theo Pháp Chánh Truyền ấn định, mà có đến hai vị ở vào tư thế phải tranh
quyền với nhau. Đây là chỗ khó xử của Ngài Thượng Tương Thanh. Còn như phải
loại trừ hay chối bỏ Đức Lý ra khỏi vị trí kiêm nhiệm quyền hành Giáo Tông thì
kẻ Tiên người tục làm sao Đại Hội dám nói điều ấy?
Sau đó một thời gian Ngài
tự xưng rằng Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch và Nguyễn Ngọc Tương là một, nghĩa là
hồn Lý Thái Bạch ngự nơi xác Nguyễn Ngọc Tương. Trong nhiều văn kiện chính thức
giáo quyền chi phái Bến Tre gọi Ngài Thượng Tương Thanh là Đức Lý Giáo Tông.
Cách xưng danh thần bí nầy nghịch hẳn với lời Thánh giáo của Đức Lý Thái Bạch
giáng cơ tại Tòa Thánh Tây Ninh ngày 19-3-1928 xác định rằng chẳng hề ở thế nầy
có hai Thái Bạch :
"Lão tưởng cũng nên cắt nghĩa phẩm vị của chư
hiền hữu. Tỷ như ngôi của Thượng Đầu Sư, Ngọc Đầu sư, Thái Đầu Sư, Hộ Pháp,
Thượng Phẩm, Thượng Sanh hay là Giáo Tông của Lão đi nữa, dầu ngày sau có
nhượng cho ai thì họ ngồi ở địa vị của mình chớ chẳng hề ở thế nầy có hai Thái
Bạch, hai Thượng Trung Nhựt, hai Ngọc Lịch Nguyệt, hai Thái Nương Tinh, hai Hộ
Pháp hai Thượng Phẩm, hai Thượng Sanh bao giờ. Hiểu à !"
Chỉ có một thi hào Lý Thái
Bạch sinh ra và chết đi đời nhà Đường bên Tàu. Còn lại chơn linh Đức Lý Thái
Bạch là phần trọn lành nơi cõi hư linh hiện đang kiêm nhiệm quyền hành Giáo
Tông Đạo Cao Đài, đang phò trợ, điều khiển Hội Thánh Đạïi Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa
Thánh Tây Ninh. Người thay mặt cho Đức Lý Giáo Tông về phần xác là Quyền Giáo
Tông Thượng Trung Nhựt. Thượng Trung Nhựt là Thượng Trung Nhựt, không thể tự mình
đồng hóa với Lý Thái Bạch được, điều đó Đức Lý cũng căn dặn rõ ràng nơi Đạo
Nghị Định thứ 8 ngày 25-8-1934 :
" Thượng Trung Nhựt hiền hữu phải để ý rằng,
quyền hành của hiền hữu riêng với phần của Lão nên Đạo Nghị Định phải lập riêng
ra nghe".
Tính đối kháng trong hai
quan niệm về quyền hành Giáo Tông là trở ngại chính khiến cho những nỗ lực nhằm
thống nhất các chi phái không thành công được. Nó là hậu quả tất nhiên của tình
trạng cơ bút sử dụng tự do, quá dễ dãi, đức tin thiếu phân biện của lý trí bất
chấp lời cảnh giác của Đức Chí Tôn từ buổi ban sơ về sự phân biệt giả chơn đối
với thần quyền.
Sự đối kháng nầy nếu không
giải tỏa được trong lòng người thì các hình tướng qui nhất chi phái Cao Đài chỉ
là sự xoa dịu tâm lý nhơn sanh mà thôi. Làm sao có được một tổ chức nhân sự hữu
hình thống nhất khi mà quyền lực lãnh đạo tối cao là Giáo Tông được hiểu theo
quan niệm phát triển theo chiều hướng ly tán, không chịu tập trung làm một.
Tinh thần và hình thể
tương liên mật thiết với nhau như bóng với hình, pháp luật tượng trưng cho tinh
thần, tổ chức nhân sự tượng trưng cho hình thể. Quan niệm về quyền hành Giáo
Tông thuộc về tinh thần được hiểu theo chiều ly tán trong khi đó lại muốn có
một tổ chức nhân sự thống nhất thì quả thật là điều nghịch lý.
AI LÀ HỘ PHÁP ÐẠO CAO ĐÀI
Trong tổ
chức Đạo Cao Đài quan niệm về quyền lực được chia ra như sau :
* Bát Quái
Đài là quyền lực của thế giới vô hình, tác động trên đời sống của tất cả mọi
sinh hoạt hữu hình. Bát Quái Đài do Đức Chí Tôn điều khiển, dưới quyền Đức Chí
Tôn có chư Thần Thánh Tiên Phật và các đẳng cấp chơn linh.
Bát Quái Đài
tượng
trưng cho phần hồn của tôn giáo.
* Hiệp Thiên Đài là nơi Đức
Chí Tôn ngự để ban truyền những mệnh lệnh điều khiển nền Đạo, những lời giáo
huấn để thức tỉnh chúng sanh, truyền bí pháp để huờn nguyên chơn thần cho người
tu đắc đạo. Đức Chí Tôn ngự qua hình thức thông công bằng cơ bút và những hình
thức mặc khải cá nhân.
Hiệp Thiên Đài dưới quyền
chưởng quản của Hộ Pháp.
Hiệp Thiên Đài tượng trưng
cho phần chơn thần của tôn giáo.
* Cửu Trùng Đài là cơ quan
truyền giáo và là quyền lực để tổ chức mọi sinh hoạt của đời sống tín đồ thành
một cộng đồng tín ngưỡng, thể hiện cho được nhân sinh quan trong triết lý Cao
Đài giáo đối với từng cá nhân và cộng đồng.
Cửu Trùng Đài dưới quyền
chưởng quản của Giáo Tông.
Cửu Trùng Đài tượng trưng
cho phần xác của tôn giáo.
Tuy quyền lực được chia ra
làm ba phần như vậy nhưng về phương diện tổ chức nhân sự Hội Thánh Đại Đạo Tam
Kỳ Phổ Độ gồm có hai phần hữu hình là Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài.
Hộ Pháp là người đứng đầu
Hiệp Thiên Đài, bên cạnh có Thượng Phẩm và Thượng Sanh. Sinh hoạt Hiệp Thiên
Đài chia ra làm ba chi : chi Đạo, chi Pháp, chi Thế.
- Chi Đạo thuộc Thượng
Phẩm.
- Chi Pháp thuộc Hộ Pháp.
- Chi Thế thuộc
Thượng Sanh.
Riêng phần Hộ Pháp chịu
trách nhiệm tổng quát điều khiển cả Hiệp Thiên Đài.
Nói tóm tắt quyền hạn,
trách nhiệm của Hộ Pháp như sau :
- Điều khiển tổng quát
Hiệp Thiên Đài và chi Pháp.
- Thông công với Bát Quái
Đài.
- Bảo hộ luật pháp của
Đạo.
1/ - Nghi Lễ Thiên phong Hộ Pháp :
Vị Hộ Pháp trong Đạo Cao
Đài là Ngài Phạm Công Tắc, người thủ vai đồng tử thông công quan trọng bậc nhất
trong số đồng tử được Đức Chí Tôn sử dụng từ những ngày đầu của lịch sử Đạo.
Nghi lễ Thiên phong dành
cho Ngài là một cuộc hành pháp huyền linh. Đức Chí Tôn trục chơn thần Phạm Công
Tắc ra khỏi thân xác để chơn linh Hộ Pháp giáng ngự và Ngài Phạm Công Tắc trở
thành Hộ Pháp. Đây là trường hợp giáng linh ngự thể, nó có ý nghĩa như một cuộc
lễ điểm Đạo, đã diễn ra vào tháng 4-1926 tại tư gia của Đức Quyền Giáo Tông Lê
Văn Trung ở Sài Gòn. Ngôi nhà nầy được sử dụng như một Thánh Thất tạm, là một
trong những địa điểm mà các vị tiền bối thường hay tụ họp lại để cầu cơ.
2/ - Vài nét về tiểu sử Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc :
- Đức Hộ Pháp Phạm Công
Tắc sinh năm 1890 tại Tân An, trong một gia đình theo Đạo Thiên Chúa, nguyên
quán tại Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam.
- Ngài là người có tinh
thần cách mạng, năm 17 tuổi khi còn học tại trường Chasseloup Laubat Sài Gòn đã
tham gia phong trào Đông Du bí mật đưa người sang Nhật.
- Năm 20 tuổi ra đời làm
công chức tại Sài Gòn và lập gia đình · - Từ năm 1925 Ngài tham gia phong trào
xây bàn cầu cơ.
- Năm 1926 được Đức Chí
Tôn phong làm Hộ Pháp Đạo Cao Đài.
- Năm 1935 Đại Hội Nhơn
Sanh và Hội Thánh ủy nhiệm Ngài cầm quyền thống nhất chưởng quản Hiệp Thiên và
Cửu Trùng Đài.
- Năm 1941 bị Pháp bắt đày
đi Madagasca.
- Năm 1946 trở về Việt
Nam.
- Năm 1956 Ngài lưu vong
sang Miên quốc và đăng tiên tại nước nầy vào năm 1959 .
- Hưởng thọ 70 tuổi.
3/ - Bàn Thờ Hộ Pháp :
Trong các nghi thức thờ
phượng tại các ngôi chùa Phật giáo thường có đặt tượng của vị Phật Hộ Pháp ngay
cửa chánh bước vào nội điện. Đạo Cao Đài chủ trương qui Tam Giáo ( Phật, Lão,
Khổng ) nên cũng dùng nghi thức cũ của Tam Giáo sửa đổi đôi chút cho phù hợp
với triết lý của Tam Kỳ Phổ Độ.
Đức Chí Tôn có dạy về
tượng Phật Đức Hộ Pháp như sau, trong đàn cơ ngày 18-9 năm Bính Dần tại chùa
Phước Linh Tự Sài Gòn.
"…Còn như Hộ Pháp đã xuống trần rồi còn thờ chi
nữa nên các con nên lập ra ba bài vị đề :
- Hộ Pháp.
- Thượng Phẩm bên hữu.
- Thượng Sanh bên tả".
(T NHT )
Tại các Thánh Thất Cao Đài
ở địa phương bàn thờ Hộ Pháp được đặt ngay cửa chánh bước vào nội điện. Trên
bàn Hộ Pháp có thờ chữ KHÍ. Nguồn gốc chữ bùa nầy do Đức Lý Thái Bạch giáng cơ
vẽ ra làm mẫu. Xin trích một đoạn Thánh giáo ngày 9-11- Bính Dần ( 13-10-1926 )
trong quyển Đạo Sử của bà Hương Hiếu nói về chữ KHÍ nầy :
"… Thánh Thất đã an, chư hiền hữu phải chỉnh nghi
cho tinh tấn. Thầy dạy Thượng Trung Nhựt hiền hữu lo sắp đặt cho ra nghi tiết, thì
sắp đặt sau lưng bàn Hộ Pháp phải để một miếng vải nỉ dài một thước rưỡi, cao
ba thước thêu chữ bùa Lão vẽ đây ( chữ KHÍ )…"
4/ -
Ngai Hộ Pháp :
Nghi thức thờ phượng tại
các Thánh Thất địa phương đơn giản hơn ở Đền Thánh trung ương. Tại Đền Thánh
phía trước tượng chữ KHÍ có đặt ngai Hộ Pháp với hình con rắn bảy đầu tượng
trưng cho thất tình của con người. Hai bên tả hữu là ngai của Thượng Sanh và
Thượng Phẩm xếp thành một hàng ngang. Khi còn sanh tiền ba vị chức sắc nầy phải
ngự trên ngai của mình mỗi khi cúng đàn. Sau khi các Ngài qui thiên Hội Thánh
cho đúc tượng bằng xi măng của ba vị, Phạm Hộ Pháp, Cao Thượng Phẩm, Cao Thượng
Sanh đứng trên ngai làm thể pháp mang ý nghĩa là tuy các Ngài đã về thiêng
liêng vị, các Ngài vẫn chịu trách nhiệm điều khiển Hiệp Thiên Đài, dầu ngày sau
có ai kế vị thì cũng chỉ là người thay mặt các Ngài mà thôi. Người kế vị không
thể lên ngai ấy được.
Xin lưu ý trong hệ thống
tổ chức nguyên thủy Đạo Cao Đài chỉ có một nơi duy nhất là ngôi Đền Thánh trung
ương Tại Tòa Thánh Tây Ninh mới có ngai Hộ Pháp, còn các Thánh Thất địa phương
chỉ có bàn thờ Hộ Pháp với chữ KHÍ mà thôi.
5/ - Các vị Hộ Pháp ở chi phái :
Tương tự như trường hợp
ngôi Giáo Tông, các vị Hộ Pháp ở chi phái về phương diện luật pháp vẫn bị coi
là ngoài Pháp Chánh Truyền. Lý do rất đơn giản, khi mới thành lập Đạo Cao Đài
Đức Chí Tôn đã định con số chức sắc cầm quyền Hiệp Thiên Đài là :
1 Hộ Pháp.
1 Thượng Phẩm.
1 Thượng Sanh.
12 Thời Quân.
Nếu vì lý do gì tổ chức
Hội Thánh Cao Đài bị biến tướng chia ra thành nhiều chi phái, mỗi chi có quyền
có một Hộ Pháp riêng và Đạo Cao Đài được quan niệm là tổng hợp của tất cả các
chi phái kể cả Tòa Thánh Tây Ninh ( bị coi là một chi) thì con số Hộ Pháp trong
Đạo Cao Đài không phải một vị mà là nhiều vị.
Từ nguyên thủy Đức Chí Tôn
định chỉ có một Hộ Pháp cầm quyền Đạo, nay chúng ta sửa lại thành nhiều Hộ Pháp
cầm quyền, với quan niệm ấy chúng ta đã tổ chức nền Đạo sai Thánh ý Đức Chí
Tôn.
Vì vậy chi phái có một vị
trí đứng riêng là ngoài Pháp Chánh Truyền. Đó là xét về phương diện pháp luật,
tổ chức, còn công đức bất cứ ai dìu dẫn khối nhơn sanh trở nên hiền cũng là
người có công đức lớn.
NGÔI GIÁO CHỦ ÐẠO CAO ĐÀI
I) GIÁO CHỦ LÀ GÌ ?
Nói một cách
tổng quát Giáo Chủ là người làm chủ một nền Đạo, một tôn giáo, một môn phái
tín ngưỡng. Các tổ chức đạo giáo ấy dù đơn sơ hay qui mô, số tín đồ đông hay
ít, vai trò của người đứng đầu là Giáo Chủ.
Như vậy người đầu tiên
sáng lập ra một đạo giáo đương nhiên là giáo chủ. Sau khi vị sáng lập qua đời,
quyền lãnh đạo tối cao của tổ chức được trao lại cho các đệ nhứt cao đồ trong
các thế hệ kế tiếp. Các vị đệ nhứt cao đồ nầy cũng có thể xưng là giáo chủ hoặc
chọn danh xưng khác nhưng trên thực tế vẫn là người nắm giữ quyền hành tối cao
của tổ chức đạo giáo ấy về phương diện hữu hình.
Tóm lại danh từ giáo chủ
được sử dụng tùy theo sáng kiến về quan niệm tổ chức của mỗi đạo giáo không
giống nhau và cũng không có qui luật nào buộc các tổ chức đạo giáo mới phải
tuân theo cách xưng hô của các tổ chức đạo giáo đã có từ trước.
II) - AI
SÁNG LẬP ÐẠO CAO ĐÀI ?
Đức Chí Tôn và các Đấng
trọn lành dùng huyền diệu cơ bút qua trung gian của chơn thần đồng tử viết ra
Thánh giáo dạy lập Đạo Cao Đài. Danh xưng của quyền lực vô hình nầy có tư cách
hoàn toàn khác hẳn với một con người phàm trần. Đó là vị Thầy nơi cõi thiêng
liêng, còn người nhận mệnh lệnh lập Đạo, truyền giáo chỉ là đệ tử mang xác
phàm, có thể bị truất bỏ ngôi vị đệ nhứt cao đồ nếu vì lẽ gì không thực hiện
được mệnh lệnh của vị Thầy đã phán dạy.
Vì vậy nguồn gốc sáng lập
Đạo cao Đài có hai phần :
- Phần vô hình do quyền
Thiêng Liêng điều khiển.
- Phần hữu hình do ngôn
ngữ đồng tử, tức là một người mang xác phàm, diễn tả Thánh ý và hành động của
người được chỉ định thi hành Thánh ý ấy.
Hai phần nầy hợp nhất với
nhau đã lập nên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ còn gọi là Đạo Cao Đài. Vì vậy không một
cá nhân con người nào có đủ tư cách nói rằng mình là người sáng lập ra Đạo Cao
Đài với trọn vẹn ý nghĩa của hai tiếng sáng lập.
III) - AI
LÀ GIÁO CHỦ ÐẠO CAO ĐÀI ?
Trong lịch sử Đạo Cao Đài
có hai người xưng Giáo Chủ là Hộ Pháp Phạm Công Tắc và Ngài Ngô Văn Chiêu.
1/ - Trường hợp của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.
Đồng tử thông công viết ra
Thánh giáo dùng trong Đạo Cao Đài do nhiều người thực hiện nhưng huyền diệu hơn
hết là Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, điều đó ai cũng biết khi xem Thánh Ngôn Hiệp
Tuyển, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc thi hành Thánh ý Đức Chí Tôn hiệp cùng các vị
tiền bối khác lập ra Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh đặt tại Tây
Ninh. Trong tổ chức Đạo Cao Đài, người cầm quyền lớn nhất về phương diện hành
chánh là Giáo Tông, về luật lệ là Hộ Pháp. Quyền của Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp
một gọi là quyền Chí Tôn tại thế.
Đức Chí Tôn dạy :
" Thầy đã ban quyền hành Chí Tôn của Thầy cho hai
đứa làm đầu Hội Thánh là Giáo Tông cùng Hộ Pháp. Vậy thì quyền hành Chí Tôn của
Thầy đặng trọn vẹn khi Giáo Tông cùng Hộ Pháp hiệp một ". ( TNHT. TG.
23-12-1931 )
Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc
có xưng danh giáo chủ Đạo Cao Đài (Supérieur du Caodaisme) khi giao tiếp với
quốc tế bởi hai lý do chính sau đây :
Ngài được Đức Chí Tôn phong Hộ Giá Tiên Đồng tá cơ Đạo
Sĩ ( TNHT.TG.25-4-1926 ) và được Đức
Chí Tôn trục xuất chơn thần Ngài để chơn linh Hộ Pháp giáng linh ngự thể, chứng
cho chư vị Thiên phong lập thệ ( TNHT. TG.22-23/4/1926 ). Ngài cũng là một
vị phò cơ phong Thánh và lập giáo cùng với Đức Cao Thượng Phẩm. Nhưng nếu bình
tâm nhận xét, chỉ có Ngài là người thủ vai chính cầm cây bút thiêng liêng cho
Đứùc Chí Tôn và các Đấng lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, còn các vị đồng tử khác là
thứ yếu.
Lập giáo kỳ ba nầy Đức Chí
Tôn có dạy :
" Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các
con, chẳng chịu giao chánh giáo cho tay phàm nữa".
Thế nhưng tại sao Đức Hộ
Pháp đã hiểu như vậy, mà Ngài tự xưng mình là giáo chủ Đạo Cao Đài ? Danh xưng
nầy xuất hiện từ ngày Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt đăng tiên, Đại Hội
nhơn sanh bất thường tại Tòa Thánh ngày 8-11-1935 và Đại Hội Hội Thánh thường
niên ngày 17-10- Ất Hợi, toàn đại hội đồng thanh tín nhiệm Đức Hộ Pháp cầm
quyền thống nhất Chánh Trị Đạo cho đến ngày có Đầu Sư chánh vị. Đạo luật năm
Mậu Dần 1938, toàn Đạo nam nữ cũng đồng tín nhiệm Ngài một lần nữa. Như thế là
Ngài đương nhiên nắm quyền chưởng quản nhị hữu hình đài, tức là nắm quyền Chí
Tôn hữu hình tại thế trong phạm vi Đạo Cao Đài về phương diện luật pháp Đạo.
Ngày nào có Đầu Sư chánh
vị đương nhiên Đức Hộ Pháp không còn cầm quyền thống nhất nhị hữu hình đài nữa.
Thế nhưng cho đến khi Ngài qui thiên vào năm 1959, Cửu Trùng Đài vẫn chưa có
Đầu Sư chánh vị và chúng ta xem đó là sự hiển lộ của thiên thơ tiền định hay là
định mệnh của cuộc đời Ngài buộc Ngài phải gánh vác thêm trọng trách như vậy,
trọng trách thay quyền Đức Chí Tôn tại thế chớ không phải chỉ đơn thuần là Hộ
Pháp Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài. Định mệnh ấy như chúng ta sẽ thấy qua lời
thuật của Ngài trong lần thuyết đạo ngày 1-7- Giáp Ngọ 1954 :
"Đức Chí Tôn đến dạy Bần Đạo lúc nọ, đức tin của
Bần Đạo chưa có gì hết. Không biết Ông tạo nền chơn giáo như thế nào mà ông
biểu Bần Đạo đem dâng cả thi hài, trí não hồn phách cho ông lập Đạo. Bần Đạo
không tin không nói, không trả lời một cách nào quá đáng. Bần Đạo trả lời :
- Thưa Thầy cảm tưởng của con biết con và con biết
Đạo, Thầy biểu con làm phận sự bắt chước Đức Phật Thích Ca, Đức Lão Tử, Đức
Khổng Phu Tử hay là Đức Chúa Jésus Christ thì con không làm đặng, con chỉ biết
con là Tắc đây thôi.
Ông đáp :
"Tắc, thoảng như Thầy lấy tánh đức của con để lập
giáo con mới nghĩ sao ?
Bần Đạo hết đường trả lời ".
Như vậy là Đức Chí Tôn
mượn cả hồn xác của Ngài thay cho Đức Chí Tôn về mặt hữu hình để cầm giềng mối
Đạo, cũng như Đức Lý Đại Tiên mượn Ngài Thượng Trung Nhựt làm Quyền Giáo Tông
thay mặt cho Ngài về phần hữu hình vậy.
Thế nhưng Ngài đã làm gì
với quyền lãnh đạo tối cao ấy khi xưng mình là Giáo Chủ ? Trong lời thuyết đạo
đêm rằm tháng 11 Kỷ Sửu (1949) Ngài đã nói rõ như sau:
" Bần Đạo dám tự xưng là Giáo Chủ, vị giáo chủ
tức nhiên là người thay thế hình ảnh cho Đức Chí Tôn đặng làm chúa phần hồn
toàn mặt địa cầu nầy. Nhưng Bần Đạo chỉ biết làm phận sự, làm tôi cho con cái
Đức Chí Tôn, thay thế hình ảnh của Ngài đặng làm bạn , làm anh em với con cái
của Ngài nơi mặt địa cầu nầy mà thôi, chớ chưa hề biết làm chủ. Cả Hội Thánh
cũng vậy, chỉ làm bạn, làm anh em dìu dắt con cái Ngài về phần hồn đặng đoạt cơ
giải thoát mà thôi ".
Nói tóm lại hai tiếng giáo
chủ chỉ là danh xưng như trăm ngàn danh xưng khác nơi mặt thế nầy, hành tàng
của Đức Ngài mới là thiệt tướng.
2/ -
Trường hợp của Đức Ngài Ngô Văn Chiêu.
Ngài Ngô Văn Chiêu được
Đức Chí Tôn dùng huyền diệu thu phục và độ rỗi trước tiên nhưng về sau không
chịu đứng chung trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ khi tổ chức tôn giáo nầy thành
hình. Ngài chuyên chú về khoa tịnh luyện, thiền định và truyền bá pháp môn nầy
cho những người tin theo. Ngài đứng đầu phái Cao Đài Chiếu Minh, liễu đạo năm
1932.
Hai năm sau khi Ngài mất,
năm 1934, qua cơ bút do đồng tử thuộc môn phái của Ngài thông công Ngài được
chứng đắc :
" Ngôi giáo chủ phục vị ngôi Hai " (Lịch sử
quan phủ Ngô Văn Chiêu. Ấn bản 1962. Trang 99)
Đến năm 1936 đồng tử Liên Hoa thông công viết quyển
Đại Thừa Chơn Giáo Đức Chí Tôn giáng cơ dạy đạo xưng là Cao Đài giáo chủ, còn
ngài Ngô Văn Chiêu là ngôi Hai giáng thế là người thay mặt cho Cao Đài giáo chủ
để truyền pháp cho chúng sanh.
"…Nhưng Thầy cũng phải chịu nhọc giáng thế tạm
mượn xác phàm Ngô Văn Chiêu đặng Thầy đem cái chơn pháp tâm truyền ma trao lại
cho các con giữ gìn, hầu có trao cho người thiện căn hữu phước". ( ĐTCG. TG.
8-11-1936 )
Năm 1950 quyển Đại Thừa
chơn giáo bản in sang ngữ Pháp Việt, nơi trang bìa dưới chơn dung Ngài có ghi :
" Chơn dung Đức ngô Văn Chiêu giáo chủ Đạo Cao
Đài.
Portrait de Maitre Ngô Văn Chiêu
Créateur du Caodaisme".
Cho tới nay không thấy sử
liệu nào chứng minh rằng ngài Ngô Văn Chiêu có xưng danh giáo chủ Đạo Cao Đài
trong lúc còn sanh tiền. Nhưng sau khi Ngài liễu đạo trong hệ tư tưởng của phái
Cao Đài Chiếu Minh danh xưng giáo chủ Đạo Cao Đài có hai xu hướng :
- Xu hướng thứ nhứt : Cao
Đài giáo chủ là Đức Chí Tôn vô hình.
- Xu hướng thứ hai : Ngài
ngô Văn Chiêu là giáo chủ.
Như vậy trong lịch sử Đạo
cao Đài có hai trường hợp xưng giáo chủ.
- Đức Hộ Pháp Phạm Công
Tắc chính thức xưng danh giáo chủ Đạo Cao Đài trong giai đoạn Ngài cầm quyền
thống nhất Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài, nghĩa là khi Ngài còn sanh tiền,
danh xưng giáo chủ nầy dịch ra Pháp văn : Supérieur du Caodaisme.
- Ngài Ngô Văn Chiêu qua
cơ bút trong môn phái của Ngài được tôn vinh lên làm giáo chủ Đạo cao Đài sau
khi Ngài đã qui thiên và các môn đệ của Ngài đã dịch danh xưng giáo chủ nầy ra
Pháp văn là: Créateur du Caodaisme.
TẠI SAO CHI PHÁI THÀNH HÌNH
THIÊN CƠ
HAY PHÀM Ý
I) - NGUYÊN NHÂN CHIA CHI PHÁI.
Nếu bảo rằng
tiêu chuẩn lập pháp của Đạo cao Đài là qui nguyên Tam Giáo, phục nhứt ngũ chi,
nghĩa là tuyển lọc lại tinh hoa của các giáo thuyết cổ kim, tổng hợp thành một
nền tân tôn giáo, có khả năng làm nơi trung gian cho tư tưởng nhân loại hiệp đồng thì tại sao
trong hình thức tổ chức Đạo Cao Đài lại có sự chia rẽ thành nhiều chi phái và
người
làm như vậy lại tin rằng mình làm đúng Thiên ý ? Tại sao có sự mâu thuẫn
giữa triết lý và hành động như thế ?
Các thế hệ
kế tiếp nghĩ thế nào về các bậc tiền bối khai đạo khi đọc lại lời Thánh giáo
của Đức Chí Tôn ngày 24-4-1926 :
"Vốn từ trước
Thầy lập ra Ngũ chi đại đạo là Nhơn đạo, Thần đạo,Thánh đạo, Tiên đạo, Phật
đạo. Tùy theo phong hóa của nhơn loạïi mà gầy chánh giáo là vì khi trước Càn vô
đắc khán, Khôn vô đắc duyệt thì nhơn loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà
thôi, còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng Càn Khôn dĩ tận thức thì lại bị phần
nhiều Đạo ấy mà nhơn loại nghịch lẫn nhau nên Thầy mới nhứt định qui nguyên
phục nhứt".
Và lời dặn của Ngài :
"… Thầy lại qui Tam Giáo, lập Tân Luật trong rằm
tháng mười ( 15-10 Bính Dần) có Đại Hội Tam Giáo nơi Thánh Thất… Sự tế tự sửa
theo " Tam Kỳ Phổ Độ " cũng nơi ấy mà xuất hiện ra…" ( TNHT. TG.
18-9-1926 )
Cả triết lý Ngũ chi, cả lễ
nghi tế tự của Tam giáo đều hội tụ trong Tam Kỳ Phổ Độ đã cung ứng cho nền tân
tôn giáo nầy một tính chất dung hòa, tổng hợp được những khác biệt về tâm lý
nhơn sanh trong tín ngưỡng. Cả hình thức lẫn nội dung đều mang tính hội tụ và
Đức Chí Tôn đã ban hành một mệnh lệnh gom góp tất cả các môn đồ Ngài đã độ rỗi,
rải rác từ trước ở nhiều nơi trong thời kỳ tiền Khai Đạo để lập thành Hội Thánh
và ban quyền hành cho chức sắc thiên phong để có phương tiện phổ độ nhơn sanh.
Thế nhưng tại sao chức sắc thiên phong lại không tiếp tục hội tụ như buổi ban
đầu mà lại ly tán sau đó ? Cả triết lý Ngài đã giảng dạy, cả hành vi Ngài đã
điều khiển Hội Thánh đều thể hiện tinh thần qui nguyên phục nhứt các tín
ngưỡng, thế tại sao chức sắc không đi trọn con đường đoàn kết thống nhất anh
trước em sau mà dắt nhau đến nơi bồng đảo y như lời Thánh giáo của Đức Chí Tôn
ngày 24-4-1926.
Và sự phân chia quyền lực,
tình cảnh nầy lại được Đức Chí Tôn tiên tri từ trước, từ khi chưa lập thành
hình thể Hội Thánh, chớ không phải là một sự ngẫu nhiên.
" Đã thấy ven mây lố mặt dương,
Cùng nhau xúm xít dẫn lên đường.
Đạo cao phó có tay cao độ,
Gần gũi sau ra vạn dặm trường".
( TNHT. TG.
20-2-1926 )
Ngài đã tiên tri quá rõ
ràng, trước gần gũi, xúm xít bên nhau, sau ra vạn dặm trường xa cách và qua 50
năm lịch sử truyền giáo mọi việc hữu hình đã xảy ra y như vậy.
Bây giờ nhìn lại lich sử
Đạo với nạn phân chia chi phái vẫn còn tiếp diễn không ai khỏi đau lòng tự hỏi
tại sao phải có cảnh tình dâu bể nầy, để bắt con người vốn quen suy nghĩ hành
động trong vòng nhị nguyên đối tính phải vô cùng khó xử, khi chơn thần phải đối
diện trước quyền năng thiêng liêng của các Đấng trọn lành. Vừa mang mảnh phàm
thân với cấu tạo đủ các tầng khí thể, điển quang của lục dục thất tình, vừa
mang trọng trách của một Thiên phong dìu đường sanh chúng, giác ngộ với đầy đủ
huyền linh do Đức Chí Tôn ban cho trong Tam Kỳ Phổ Độ, người chức sắc phải hành
động sao đây trước cảnh tình ngang trái, chia phe phân phái mối Đạo Trời mà mọi
người đều biết bởi lý trí rõ ràng rằng Đạo Thầy duy có một, chỉ có một Đại Đạo
Tam Kỳ Phổ Độ hay là một Đạo Cao Đài do Thượng Đế sáng lập bị con người làm
biến tướng ra nhiều hệ phái. Không có nhiều Thượng Đế khác nhau, dạy truyền
nhiều Thánh giáo đối nghịch, sáng tạo ra nhiều biến tướng, nhiều phe phái cộng
chung các biến tướng ấy lại mới gọi là chánh pháp Cao Đài. Ấy là lời nói ngược
chiều, là lý lẽ của trần gian để bênh vực cho những khuyết điểm của trần gian
khi phải đối diện trước khối thánh chất trọn lành của Đại Từ Phụ. Ấy là lý lẽ của
chơn thần chìu theo hạ trí để bênh vực cho cái lý nhị nguyên của con người,
trước sự phán xét của chơn linh vốn mang tính trọn lành từ nguyên thủy.
Những nguyên nhân gây nên
tình trạng biến tướng nầy có ba loại chính :
- Nguyên nhân ở đức tin
thần quyền.
- Nguyên nhân do chính trị
xã hội.
- Nguyên nhân từ phàm ngã
cá nhân người hành đạo.
1/ - Nguyên nhân ở đức tin thần quyền.
Chính trị xã hội dù có
phản khắc Đạo quyền đến đâu với thời gian cũng sẽ thay đổi định chế vì đó là
luật tấn hóa, với không gian mở rộng trên đường truyền giáo ắt phải có vùng đất
nầy khác vùng đất kia trên mặt địa cầu do văn hóa bất đồng giữa các sắc dân.
Phàm ngã cá nhân dù có tối
tăm mê muội đến đâu cũng có ngày trở nên thức tỉnh sáng suốt, bởi lẽ mỗi người
chúng ta ai cũng có lương tâm vi chủ để dạy dỗ xác phàm sống nên chí thánh.
Thế nhưng đức tin ở thần
quyền, một khi đã đặt vào một hướng nào rồi rất khó thay đổi. Chính Đức Thất
Nương Diêu Trì Cung đã than :
" Chớ chi thất tại tà quyền thì có mấy em trừ
khử, nhưng tại nơi đồng tử thì mấy em không phương giải nạn cho mấy người mê
tín". ( TNHT.TG. 9-4-Giáp Tuất- 1934 )
Bàn về những nguyên nhân ở
đức tin thần quyền đưa tới tình trạng chia chi phái, thì phải xét đến tận gốc nguyên
lý của phép thông công "Trời người
hiệp nhứt " mà trong mục đầu tiên của tập nhận định nầy có đề cập đến,
nên không phải nhắc lại nhiều lần duy cần lưu ý đến các chi tiết sau đây :
Khi một đồng tử thực hiện
cuộc thông công với thế giới vô hình, để truyền đạt Thánh giáo cho người tham
dự hay chỉ để hiểu biết cho riêng mình, nguồn gốc cung ứng tư tưởng cho chơn
thần đồng tử có thể đến từ những xuất phát sau đây :
- Từ quyền năng của Đức
Chí Tôn và các chơn linh Thần, Thánh, Tiên, Phật thật sự.
- Từ các vong linh xấu mạo
nhận danh nghĩa Thượng Đế và Thần, Thánh, Tiên, Phật.
- Từ nội tâm của chính
đồng tử tự kỷ ám thị.
- Từ tâm, thần của người
hầu đàn đang có mặt tham dự cuộc thông công.
- Từ những tư duy, tín
ngưỡng lâu đời của khối quần chúng đã thải ra trong không gian những dòng tư
tưởng bàng bạc.
Mở ra một cuộc thông công
là chấp nhận một chơn bốn giả, tỉ lệ xác suất về nguồn gốc chơn thật là một
trên năm. Đức Chí Tôn đã xác nhận.
" Thầy nói cho các con hiểu trước rằng cả mộn đệ
Thầy đã lựa chọn, lọc lừa còn lối nửa phần, vì Thầy cho yêu quái lấy danh Thầy
mà cám dỗ ".(TNHT.TG.7-8-1926)
Dù cho có loại trừ được
bốn nguyên nhân xuất phát không chơn thật kia và đang giao cảm với Thần, Thánh
thật sự, Thánh ý của các Đấng ấy vẫn phải được đồng tử diễn tả lại bằng ngôn từ
hay chữ viết, tức nhiên ít nhiều gì cũng phải mang tính người trộn lẫn vào
trong đó.
Và chính phần của con
người dự vào trong cơ bút đã làm sai lạc Thánh y của Đức Chí Tôn dẫn dắt đức
tin của nhơn sanh rẽ lối, làm biến tướng hình thể Đạo Cao Đài. Đồng tử cũng như
cái máy thông ngôn để các Đấng thiêng liêng sử dụng, máy tốt dịch đúng nhiều
sai ít, máy xấu dịch sai nhiều đúng ít, người nghe tin vào chỗ dịch sai nầy sẽ
hành động trái với Thánh ý nhưng họ vẫn tin rằng mình làm như vậy là đúng.
Chơn pháp của Đại Đạo Tam
Kỳ Phổ Độ đã bị nhơn sanh hiểu sai lạc ở nhiều điểm do cơ bút tác động vẫn có
xảy ra trong 50 năm qua không thể chối cãi được và trong lãnh vực đức tin nầy,
không ai có quyền bắt buộc kẻ khác phải tin theo mình. Vì vậy chúng ta có thể
nói rằng chân lý đi từ thấp đến cao, lý lẽ để con người gíac ngộ chân lý không
đồng đẳng cấp thì tất nhiên hành động phải sai biệt. Người chủ trương chia chi
phái đã làm biến tướng nền Đạo Cao Đài theo chiều hướng phân hóa, vẫn sống một
cách chân thành ung dung với niềm tin rằng làm như thế là đúng với chân lý. Vẫn
ăn chay làm lành, thờ phượng Thượng Đế có gì sai đâu ? Dù có chia ra một ngàn
phái vẫn tu kia mà !
Vâng, chúng ta hãy trở lại
lời dạy ban đầu của Đức Chí Tôn trước khi lập giáo Tam Kỳ Phổ Độ. Ngài khẳng
định rằng chính Ngài đã lập nên Ngũ Chi Đại Đạo qua tinh thần những vị giáo chủ
giáng trần, và sở dĩ có sự khác biệt giữa các chi là để đáp ứng nhu cầu dân trí
khác nhau giữa các tư phương. Khi nhơn loại đã tiến tới đời sống sinh hoạt
thông đồng với nhau trên toàn cầu thì những va chạm về tư tưởng giữa các giáo
thuyết khiến nhơn loại nghịch lẫn nhau.
Ngày nay Đức Chí Tôn dùng
huyền diệu cơ bút mở Tam Kỳ Phổ Độ để qui nguyên phục nhứt các đường lối tu
hành đã có từ trước trong Ngũ Chi Đại Đạo.
"… Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các
con chẳng chịu giao chánh giáo cho tay phàm nữa, nhưng mà buộc phải lập chánh
thể có lớn nhỏ để dễ thế cho các con dìu dắt lẫn nhau, anh trước em sau mà đến
nơi Bồng Đảo". ( TNHT. TG. 24-4-1926 )
Xem thế thì chánh thể của
Thầy đã lập ra nhằm qui nguyên phục nhứt các tín ngưỡng để anh trước em sau,
dắt nhau đến nơi Bồng Đảo tức là tạo một khối đoàn kết thương yêu, cùng chung
một đức tin, chớ nào phải nhiều chi, nhiều phái rời rạc riêng lẻ, phân tán.
Khi Galiléo bảo rằng quả
đất tròn và quay xung quanh mặt trời, có những người ở đầu thế kỷ 17 nhận thức
chân lý qua cái thấy của con mắt, chưa có óc khoa học suy luận vẫn tin rằng mặt
trời mọc ở phương đông di chuyển và lặn ở phương tây, mặt đất đứng yên. Đối với
ho,ï Galiléo sai, họ đúng. Và đó cũng là chân lý, chân lý của giác quan mà nhân
loại đã sống với đức tin như vậy qua nhiều thế kỷ, cho đến khi Galiléo khám phá
được những sai lầm của quan niệm cũ và đưa ra thuyết mới trái ngược nhưng chính
xác hơn. Chân lý đi từ thấp đến cao là vậy. Phạm vi tín ngưỡng cũng tương tự.
Khi ngưới ta đã tin tưởng nhờ vào một lý giải hay cảm giác nào đó thì chân lý
không thể thấy xa hơn lý giải ấy được, cho đến khi có một biến cố nào đó thật
mạnh đánh thức chơn thần, làm thay đổi tư duy và do đó đức tin cũng mở rộng,
sâu hơn trong cả hai chiều hướng nội và hướng ngoại. Con đường học đạo do huyền
linh cơ bút hướng dẫn, cũng có trình tự tấn hóa từ thấp đến cao theo thời gian
tùy mức độ mở rộng của tâm thức người cầu đạo.
Chúng ta hãy trở lại
trường hợp của Ngài Ngô Văn Chiêu, nghiên cứu khía cạnh đức tin trong khúc
quanh lịch sử của đời Ngài : Tạ từ ngôi Giáo Tông để tu theo vô vi.
Trong cuộc đời tu học của
Ngài ở giai đoạn đầu, Ngài có làm một lễ tạ ơn chư Tiên, Phật dưới hình thức
một tiệc rượu sâm banh trên bàn thờ mà nguyên nhân như sau :
( Trích y nguyên văn một
đoạn trong quyển " Lịch sử Cao Đài
phần vô vi" của tác giả Đồng Tân. Cao Hiên xuất bản năm 1967. Tr 76 )
" … Cho nên khi Ngài tu được vài năm, khoảng 1923
Đức Cao Đài giáng cơ dạy rằng : Chư Tiên, chư Phật nhắc Thầy rằng đệ tử đã đi
lạc đường không thể nào đem đệ tử về cựu vị được, Thầy mới nhớ lại và Thầy đã
hứa chư Tiên, chư Phật rằng Thầy sẽ đem đệ tử về.
Ngày nay đệ tử gặp đặng chơn truyền cũng nên đền ơn
chư Tiên, chư Phật, nếu chư Tiên chư Phật không nhắc thì Thầy đã quên đệ tử rồi
".
Ngài bèn bạch rằng :
" Bạch Thầy đệ tử ở chốn phàm trần nầy thì biết
lấy chi đền ơn chư Tiên chư Phật cho xứng đáng, thì đệ tử xin dâng chư Tiên chư
Phật một tiệc rượu sâm banh chẳng biết đặng hay không xin Thầy dạy đệ tử rõ
".
Đức Thượng Đế trả lời rằng
: " tự nơi lòng đệ tử "
Qua hôm sau trên bàn thờ đầy những ly rượu sâm banh,
đó là bữa tiệc Ngài đền ơn chư Tiên chư Phật vậy ".
Thật rõ ràng nguyên nhân
có tiệc rượu tạ ơn này là vì Thượng Đế (qua sự thông công của đồng tử mà Ngài tin
dùng từ trước ) đã quên đứa con Ngôi Hai cho xuống trần mở Đạo Cao Đài, phải
nhờ chư Tiên, chư Phật nhắc Thượng Đế mới nhớ lại.
Thượng Đế là Đấng toàn
năng, toàn tri, điều khiển sự vận hành của cả càn khôn vũ trụ mà làm việc quên
trước quên sau phải có người nhắc mới nhớ được !
Tuy vậy Ngài Ngô Văn Chiêu
vẫn tin tưởng vào bài Thánh giáo nầy và lễ cúng tiệc rượu sâm banh để tạ ơn chư
Tiên chư Phật được trịnh trọng ghi vào lịch sử đời tu của Ngài. Đó là tình
trạng đức tin vào cơ bút của Ngài vào khoảng năm 1923. ( căn cứ vào bài Thánh
giáo do ông Đồng Tân công bố )
Ba năm sau, đầu năm 1926,
xảy ra cuộc gặp gỡ giữa Ngài Ngô Văn Chiêu và nhóm đồng tử phò loan Phạm Công
Tắc, Cao Quỳnh Cư, đôi bên có sinh hoạt chung với nhau trong một thời gian thật
ngắn khoảng ba tháng và Ngài Ngô văn Chiêu được mọi người trong nhóm coi như là
anh cả theo lời dạy của Đức Cao Đài. Tháng 4-1926 qua sự thông công của đồng tử
Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Đức Chí Tôn dạy phải chuẩn bị một bộ Thiên phục
Giáo Tông cho Ngài Ngô Văn Chiêu và Ngài thẳng thắng từ chối vai trò nầy.
Đức tin của Ngài vào thần
quyền cơ bút như thế nào trong thời gian ngắn khoảng ba tháng gặp gỡ nầy. Chúng
ta hãy nghe tác giả Đồng Tân kể lại trong quyển Lịch Sử Cao Đài phần phổ độ,
Cao Hiên xuất bản 1972, trang 100 sẽ rõ. Sau khi trích dẫn một đoạn Thánh Ngôn
Đức Chí Tôn quở trách đồng tử Phạm Công Tắc.
" … Khí nộ con xung lên động lung lay Huỳnh Kim
Khuyết của Thầy đa ! "
Tác giả Đồng Tân cho biết
ông đã tìm đến bà Cao Quỳnh Cư, để hỏi thăm lý do tại sao bị quở như thế và ông
đã ghi lại.
" Bà Cao Quỳnh Cư cho biết sở dĩ có bài nầy vì
ông Tắc giận Đức Ngô cho rằng Ngài không tuân mạng lịnh Thầy, hễ đem Thánh giáo
cho Ngài xem thì Ngài bảo của hai ông ( phò loan : Cư, Tắc ) viết ra, đến nỗi
ông Tắc nói từ nay ông không làm phò loan nữa ".
Đó là tình trạng đức tin
vào cơ bút của Ngài Ngô Văn Chiêu vào hai thời điểm 1923 và 1926 :
- Một bên đối với đồng tử
riêng của Ngài đã tin dùng từ trước, dù Thượng Đế được đồng tử diễn tả là một
Đấng làm việc quên trước quên sau, Ngài vẫn tuân lịnh.
- Một bên đối với nhóm
đồng tử Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư mà tư tưởng tu hành đang theo chiều hướng
tổ chức thành một tôn giáo qui mô, khác với sinh hoạt tịnh luyện của Ngài. Ngài
được dạy chuẩn bị làm Giáo Tông Đạo Cao Đài thì Ngài cho là ý phàm của đồng tử
viết ra và cương quyết không tuân lịnh, tách riêng ra khỏi sinh hoạt của nhóm
nầy và phái Cao Đài Chiếu Minh thành hình sau đó.
Quyền tự do tín ngưỡng của
cá nhân Ngài chúng ta tôn trọng, ý hướng tu hành thoát tục của Ngài chúng ta
kính mến, nhưng đối với lịch sử, mọi người đều có quyền phê phán. Ngài là một
trong những nhân vật quan trọng đã làm nên lịch sử Đạo Cao Đài. Yếu tố đức tin
của con người đối với thần quyền cơ bút hết sức hệ trọng, một mặt nó đã giúp
gầy dựng nên hình thể Đạo Cao Đài, mặt khác chia phe phân phái.
2/ -
Nguyên nhân do chính trị xã hội.
Đạo Cao Đài thành hình năm
1926 khi chế độ thực dân Pháp còn cai trị Việt Nam. Dĩ nhiên chính quyền Pháp
buổi ấy không bao giờ muốn thấy bất cứ một phong trào quần chúng hay một thế
lực chính trị nào của người Việt Nam vươn lên vì họ rất sợ bị lật đổ. Về phương
diện tâm lý, cũng như một bác sĩ lúc nào cũng nghi ngờ vi trùng ở xung quanh
mình, ngay từ đầu người Pháp vẫn luôn luôn nghi ngờ Đạo Cao Đài là một tổ chức
chính trị trá hình để chống Pháp.
Triết lý của tôn giáo mới
nầy là tổng hợp Ngũ Chi gồm Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo
có tiềm năng thu hút quần chúng. Vả chăng trong phần hình nhi hạ thuộc về chi
Nhơn đạo và Thần đạo chủ trương Nho Tông chuyển thế, lấy tinh thần tu thân, tề
gia, trị quốc bình thiên hạ của Nho giáo để giáo dân vi thiện thì đề tài lòng
yêu nước thương dân vẫn có một sức thu hút tâm lý mạnh mẽ đối với mọi tầng lớp
nhơn sanh. Đó là duyên cớ để con mắt của nhà cai trị thực dân Pháp vốn đã nghi
ngờ lại càng nghi ngờ thêm. Nhãn quang chính trị hóa tôn giáo của một phần đời
nhìn đạo và của một phần đạo nhìn đời ngày càng lớn mạnh làm cho tính chất
thiêng liêng cao cả của Đức Chí Tôn :
" Thiên thai nào phải tại trần nầy,
Chẳng phải giữa Trời chẳng phải mây.
Đưa phép sanh tồn khuyên trẻ ngó,
Theo chơn giỏi bước níu sau Thầy.
Bị lu mờ đi trước những
vấn đề thế sự, áo cơm, tự do, công lý của kiếp người chiếm gần hết thì giờ
trong sinh hoạt của nhơn tâm.
Ngay từ đầu Đạo Cao Đài bị
thực dân Pháp coi là đối thủ hay ít ra cũng nghi ngờ sẽ là đối thủ trong tương
lai, nên biện pháp đối phó đầu tiên của nhà cầm quyền là ngăn cấm sự phát triển
của nó, dùng kế ly gián để phân hoá khối quần chúng mới qui tụ nầy thành nhiều
phe nhóm, để mong làm suy giảm thế lực và sau cùng thẳng tay đàn áp để diệt
Đạo, bắt bớ, giam cầm chức sắc, đóng cửa các Thánh Thất. Nhà binh Pháp chiếm
đóng Toà Thánh Tây Ninh vào năm 1941.
Nói tóm lại chính quyền
Pháp có chủ trương và tác động để chia Đạo Cao Đài thành nhiều phe phái.
3/ - Nguyên nhân từ phàm ngã cá nhân.
Đã là con người ai cũng có
những nét phàm tục trong tinh thần của mình. Những bậc tiền bối khai Đạo, dù
chơn linh cao trọng đến đâu vẫn phải mang xác phàm với đầy đủ cấu tạo của lục
dục thất tình, nên trong cung cách cư xử cùng nhau vẫn có chỗ không hoàn toàn
vừa ý với nhau được hết, nhất là trong một cộng đồng đông đảo chức sắc.
Được Đức Chí Tôn ban quyền
hành thánh thể nơi mình, khi thi thố Thiên trách ấy vẫn phải chịu lẫn lộn một
phần phàm tính cá nhân. Sự xung khắc phàm tính cá nhân là nguyên nhân thúc đẩy
những rối loạn Đạo quyền từ trong tâm hồn của những bậc Thiên mệnh. Cơ duyên
tạo thành một khối Thánh chất hữu hình của Đại Từ Phụ đã có những dấu rạn nứt
ngay từ trong tinh thần của mỗi người, càng qui tụ đông đảo chức sắc, dấu rạn
nứt càng thể hiện rõ.
Điều ấy chẳng phải là sự
nhầm lẫn của cơ bút mà bởi lòng từ bi của Đức Chí Tôn phong Thánh cho những
người Thánh ít phàm nhiều, hầu lấy công đức tu hành phổ độ chúng sanh chuyển
hóa cho trở thành Thánh nhiều phàm ít.
" Thầy nói cho các con hiểu trước rằng cả môn đệ
Thầy đã lựa chọn lọc lừa còn lối nửa phần vì Thầy cho yêu quái lấy danh Thầy mà
cám dỗ. Cười ! Đi bao nhiêu đều mất bấy nhiêu, các con chớ buồn vì Thiên cơ
phải vậy. Thi nhiều đậu ít là lẽ hằng. Các con liệu phương thế mà nâng đỡ đức
tin của môn đệ cao lên hằng ngày ấy là công quả đầu hết ". ( TNHT. TG.
7-8-1926 )
Sự va chạm của phần phàm
ngã cá nhân trong hàng chức sắc về quyền hành, phẩm tước, danh dự, uy tín đưa
tới những tranh chấp nội bộ cũng là một nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng chia
phe phân phái.
Ai cũng mang xác phàm như
nhau, người làm Giáo Tông, Hộ Pháp, Chưởng Pháp, Đầu Sư, Thời Quân được thì ta
cũng làm được. Người thông công với Thượng Đế được thì ta cũng thông công được,
ai cũng có linh hồn từ Thượng Đế cả. Tư tưởng nầy thúc giục sự tranh đấu để
thăng tiến, điều ấy không có gì đáng trách vì là luật tấn hóa của các đẳng cấp
chơn linh xuống trần riêng trong lãnh vực hình tướng. Nhưng cơn loạn Đạo không
phải ở chỗ ý thức thăng tiến trong cơ cấu Đạo quyền mà ở chỗ phương pháp người
chức sắc dùng để thăng tiến Đạo quyền và phẩm tước như thế nào mới là điều đáng
nói.
Những xảo thuật của đời
được đem vào cửa từ bi là mối họa của Đạo ẩn trong chiếc áo thầy tu, khi có dịp
sẽ hiện hình ra thành những rối loạn. Trong bất kỳ tổ chức tôn giáo nào cũng
vậy, nếu thành phần tu sĩ được tuyển lựa, Thánh chất quá ít theo thời gian nắm
giữ Đạo quyền lên cao dần thì cơn loạn Đạo sẽ khó tránh khỏi vì nó nằm ngay
trong lòng của những tu sĩ kém đức nầy biến ra thành hành động.
Đành rằng từ khi thọ phong
chức sắc, hầu như mọi tu sĩ Cao Đài đều có ý thức được bổn phận tu thân luyện
kỷ của mình, đều có những cố gắng chế ngự phàm tâm và những hy sinh vô bờ bến
trên đường phổ độ nhưng quyền năng của chúa quỉ :
" Cửu phẩm Thần Tiên nể mặt Ta,
Thích Ca dầu trọng khó giao hòa ".
Đã đặt cuộc tranh đấu nội
tâm chánh tà tương phản vào một tình thế mà kết quả trong lịch sử Đạo 50 năm
qua trở thành nhiều trường phái bất đồng tư tưởng với nhau. Tình trạng ấy làm cho
chủ trương qui nguyên Tam giáo, phục nhứt Ngũ Chi mà người tín đồ Cao Đài hăm
hở theo đuổi khi nghe được lời dạy của Đức Chí Tôn, nhập môn cầu Đạo, dần dần
đã xa như lời nói phỏng, còn thực tế của lịch sử Đạo vẫn có những góc độ không
làm vui lòng Đại Từ Phụ.
" Nương theo con dại mới ra vầy ".
TẠI SAO CHƯA QUI NHỨT ĐƯỢC
CÁC CHI PHÁI
A -
Tuân hành
theo Thánh ý Đức Chí Tôn đã dạy từ khi chưa lập thành quyền hành Hội Thánh qua bản Pháp
Chánh Truyền rằng :
" Cả môn đệ Thầy đã lựa chọn lọc lừa còn lối nửa
phần…
Các con chớ buồn vì Thiên cơ phải vậy.
Các con liệu phương thế nào nâng đỡ đức tin của môn đệ
cao lên hằng ngày ấy là công quả đầu hết ". ( TNHT. TG. 7-8-1926 )
Các bậc tiền bối trong Đạo
Cao Đài đã có những cố gắng liên tục để đưa các chi phái trở về hiệp nhứt với
nguồn gốc ban đầu là Tòa Thánh Tây Ninh. Thế nhưng những cố gắng ấy đã trải qua
nửa thế kỷ vẫn chưa thành công trên thực tế. Tại sao ?
Khởi đầu, một số chức sắc
ở họ Đạo Cầu Kho công khai bày tỏ thái độ không tuân hành theo những nghi tiết
Đại Đàn, Tiểu Đàn do Tòa Thánh Tây Ninh ban hành với lý do chờ những bậc trí
thức tài giỏi hơn xem xét lại. Trước thái độ ấy Ngài Thượng Đầu Sư Lê Văn Trung
trả lời :
" Tôi cầu khẩn ai thông minh trí thức về Tòa
Thánh giúp việc đặng đem tài trí ra giúp Đạo giúp Đời. Ai còn thế sự ràng buộc
thì đặng dâng ý kiến ".
Mục đích là để giữ cho nền
Đạo thuần một gốc mà thôi. Lời yêu cầu này không kết quả, phái Cầu Kho vẫn
thành hình khoảng 1930.
Kế đến ông Phối Sư Thái Ca
Thanh tách rời khỏi Tòa Thánh Tây Ninh về lập quyền riêng tại Cầu Vĩ, Mỹ Tho
xưng danh là Minh Chơn Lý năm 1931. Ngài Thượng Tương Thanh đang cầm quyền
Thượng Chánh Phối Sư tại Tòa Thánh Tây Ninh đã viết văn thư ngày 1-11-1932 với
lời lẽ thống thiết phân tích thiệt hư chơn giả của cơ bút, kêu gọi Ngài Thái Ca
Thanh trở về Tòa Thánh hành Đạo.
Nhưng trớ trêu thay, sau
khi Ngài khuyên nhủ ông Phối Sư Ca như vậy thì đến lượt Ngài tách rời khỏi Tòa
Thánh Tây Ninh vì những bất bình nội bộ để về Bến Tre lập ra "Ban Chỉnh Đạo" cùng với ông
Lê Bá Trang. Cả hai vị trước đó là quyền Đầu sư tại Tòa Thánh Tây Ninh. Ban
Chỉnh Đạo tiến thêm bước nữa lập thành Hội Thánh Bến Tre và Ngài Nguyễn Ngọc
Tương trở thành Giáo Tông.
Năm 1937 chính Đức Thượng
Sanh Cao Hoài Sang và một số vị Thời Quân ký tên phổ biến một "tờ kỉnh cáo" lập quyền riêng
tại Từ Vân Tự, Phú Nhuận, Gia Định. Sau nầy khi trở về Tòa Thánh hành đạo, Ngài
có giải thích rằng sở dĩ Ngài phải làm như vậy là để kềm giữ đức tin của tín đồ
và chức sắc đừng bị phân hoá thêm vì mưu ly gián của Pháp vào lúc ấy ! ( ? )
Hiện tượng phân hoá tổ
chức Đạo Cao Đài thành nhiều chi phái tiếp diễn như một phong trào trên toàn
quốc, trong khi tại Tòa Thánh Tây Ninh Đức Phạm Hộ Pháp dùng quyền độc tài do
Đại Hội Nhơn sanh và Đại Hội Hội Thánh năm 1935, ủy thác cho Ngài hành xử để
đối phó với cơn loạn Đạo rộng lớn. Thoạt đầu cơ bút chi phái đưa ra Thánh giáo
giải thích rằng Đức Chí Tôn lập ra 12 chi phái, lấy con số 12 là con số huyền
bí của Thầy làm điểm tựa của đức tin và coi đó là Thiên cơ, phải có đủ 12 chi
phái mới hoàn tất chu trình phát triển của tổ chức Đạo Cao Đài.
Thế nhưng lịch sử hình
thành các chi phái không dừng lại ở con số 12 như người ta mong đợi mà vẫn cứ
tiếp diễn đến chi thứ 13, 14, 15… và cho đến năm 1966 tác giả Hoài Nhân đã liệt
kê được một danh sách 35 danh xưng chi phái trong quyển "Bốn mươi năm lược sử Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ".
Rồi đến lượt các chi phái
cũng có những cố gắng hiệp nhứt vì xưa nay sự chia rẽ và nghịch lẫn dù dưới
hình thức nào cũng không thể gọi là chánh lý được.
Các danh xưng như "Cao Đài hiệp nhứt", Cao Đài thống nhứt", "Tổng hợp chi
phái Cao Đài", "Ban vận động tổng hợp chi phái Cao Đài"… tự
nó đã nói lên ý hướng đoàn kết, thống nhứt mới là chánh lý. Song đó chỉ là ý
hướng, còn hành động thực tế, cuộc đại hội các chi phái Cao Đài Tòa Thánh Tây
Ninh ngày 22-11-1972 vừa qua vẫn chưa đem lại kết quả gì đáng kể cho cơ qui
nhứt. Tại sao ?
Có hai thành lũy chưa vượt
qua được nằm sẵn trong lòng người khiến công cuộc vận động các chi phái hiệp
nhứt cùng nguồn cội của Đạo chưa thành công được là:
- Nạn áo mão quyền hành
thuộc lãnh vực nghi thức Đạo giáo.
- Nạn thần quyền đức tin
thuộc lãnh vực triết lý giáo điều.
Rải rác trong các đề mục
trước đây, đều có đề cập đến những nguyên nhân gây chia rẽ từ trong lòng người
tín đồ, dù giáo lý Cao Đài chủ trương qui hiệp sâu rộng trong giáo lý và hành
động, nên không cần phải nhắc lại nhiều lần, chỉ tóm tắt để chánh lý hiện rõ
hơn giữa một rừng lý luận tranh cãi thiệt hơn, hơn thiệt.
1/ - Về triết lý giáo điều.
Không có sự khác biệt mấy giữa các hệ tư tưởng.
Tất cả đều nhìn nhận và tin tưởng rằng con người từ một nguồn gốc sinh ra, tối
linh tối diệu, tịnh thì vô ngã,
động thì hữu ngã, gọi danh là Đức Chí Tôn. Đức Chí Tôn phân tánh giáng sanh thể
hiện một phần cái linh của Ngài trong tinh thần của những bậc giáo chủ, bày ra
các giáo thuyết khác nhau tùy theo trình độ nhơn loại ở từng thời kỳ và vùng
đất khác nhau, mục đích để dìu dẫn bước đi của nhơn loại theo chiều hướng phản bổn huờn
nguyên.
Thời kỳ nầy, nhơn loại
trên toàn cầu sinh hoạt thông đồng với nhau dễ dàng. Đức Chí Tôn dụng huyền
linh cơ bút, tổng hợp tinh hoa các giáo thuyết ấy lại, hé lộ thêm đôi điều
Thiên cơ bí ẩn lập thành giáo thuyết Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ còn gọi là Cao Đài.
Sự khác biệt giữa các hệ
phái tư tưởng là ở phương pháp tu hành, tất cả đều chủ trương hướng cuộc đời
mình về nguồn gốc linh thiêng là linh hồn bất diệt để giác ngộ giải thoát.
Nhưng tùy theo căn cơ tức là trình độ tấn hóa và duyên nghiệp của linh hồn từ
tiền kiếp, trong kiếp nầy người thì chú trọng đến phần hạ thừa nhập thế, hành
đạo trên nền tảng Thiên mệnh chi vị tính. Người thì chú trọng đến phần thượng
thừa, tịnh luyện, thiền định, ẩn dật, thoát tục… Từ đó nảy sinh ra hai trường
phái gọi là vô vi và phổ độ, làm biến tướng tổ chức Đạo Cao Đài vốn là một tổng
hợp các hệ tư tưởng của Ngũ Chi Đại Đạo đã có từ trước, và làm sai lệch ý nghĩa
của hai tiếng Phổ Độ khiến cho nó trở thành phiến diện, bị hiểu lầm như một
loại sinh hoạt tuyên truyền, nặng nề âm thinh sắc tướng ở bề ngoài mà chẳng hề
có đủ năng lực giải thoát ở bên trong.
Sự hiểu lầm đó là một biểu
hiện của tinh thần phục nhứt Ngũ Chi chưa nhuần nhuyễn trong lòng người, một dư
âm của những va chạm ý thức từ tiền nhân lưu lại, xuất phát từ những lý luận
của môn đồ các nhà luận bác từ ba dòng tư tưởng Phật, Lão và Khổng giáo mà ra.
Nói khác đi. Qui nguyên Tam Giáo thì có mà phục nhứt Ngũ Chi chưa trọn nên từ
sự hiểu biết triết lý như vậy, hành động bị biến tướng thành hai trường phái
gọi là vô vi và phổ độ.
Quan điểm trường phái chia
cách nầy, thể hiện rõ nhứt trong bài ca tụng của cụ Trần Văn Quế viết để giới
thiệu quyển kinh Đại Thừa Chơn giáo và được phụ họa thêm bởi các bài giáng cơ
mà đồng tử đã diễn tả rõ ràng tinh thần đối kháng, chẳng hạn bài cầu cơ tại
Thất Bửu Sơn ngày 5-5-1932 đăng nơi trang 89 quyển "Lịch Sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu", ấn bản năm1962. Xin
trích một đoạn
"……………..
Tôi tuổi nầy mà đi xem cõi hồng soi đuốc
Dẫn nhơn sanh dắt tuốt Thiên Đình
Công mở Đạo là tại Tỉnh Tây Ninh
Người bởi quấy nên nhơn tình không đầu phục
Thương tổ đình nên theo một lúc
Hại nhơn sanh cui cút tu hành
…………………………………………………….."
Bao lâu mà trong lòng
người tín đồ Cao Đài rải rác ở chi nầy, phái nọ còn có cái nhìn và sự hiểu biết
triết lý Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ một cách phiến diện và rời rạc như thế thì cơ
qui nhứt các chi phái Cao Đài khó thành tựu được.
2/ - Về
áo mão quyền hành :
Đã có hợp quần ắt gây sức
mạnh, đã có quyền bính ắt phải có đua tranh, thuật cai trị xã hội loài người
gọi là chánh trị áp dụng trong một cộng đồng tín ngưỡng vẫn đương nhiên không
đi ngoài nguyên tắc ấy. Các tổ chức Đạo giáo xưa nay dù lớn hay nhỏ nói chung,
tổ chức Đạo Cao Đài nói riêng một khi đã có tập hợp tín đồ lại bởi quyền năng
vô hình của tinh thần, của đức tin vào một triết thuyết, vẫn cần phải có những
qui định luật pháp nội bộ, để giữ bền cơ sanh hoạt của cộng đồng tín ngưỡng
trong vòng trật tự điều hòa.
Tính chất căn bản trong
tinh thần con người là muốn vươn mình lên theo đủ mọi chiều hướng, cả hình chất
lẫn tâm linh, nên quyền hành trong tổ chức đạo giáo một khi đã thành hình, luôn
luôn là một đối tượng thu hút tinh thần con người, muốn nắm lấy như là một biểu
lộ của bản ngã, một sáng tạo của linh hồn khi nhập thế. Các tu sĩ nắm quyền cai
trị trong tổ chức đạo giáo tuy biết rằng quyền hành ấy chỉ là phương tiện để
dìu độ nhơn sanh giác ngộ, vẫn không sao tránh khỏi bị đặt mình trong tình thế
phải có tranh đua giữ lấy quyền bính phẩm tước đạo giáo.
Trong tổ chức Đạo Cao Đài,
quyền hành hữu hình cao nhất là Giáo Tông, được qui định trong Pháp Chánh
Truyền chỉ có một Giáo Tông là Anh cả của toàn thể tín đồ, do Đức Chí Tôn giáng
cơ phong thưởng, hoặc do toàn thể khối tín đồ công cử, lựa chọn trong số ba
Chưởng Pháp, ba Đầu sư chánh vị là ứng cử viên.
Quyền hành tối cao tối
trọng ấy trong buổi đầu lập giáo Đức Chí Tôn định ban cho Ngài Ngô Văn Chiêu
nhưng Ngài đã từ chối. Sau đó chơn linh Đức Lý Thái Bạch cầm quyền Nhứt Trấn
oai nghiêm phải kiêm nhiệm luôn quyền hành của Giáo Tông, dùng cơ bút điều
khiển công việc hữu hình của Hội Thánh.
Ngày nào chơn linh Đức Lý
Thái Bạch chưa từ nhiệm Giáo Tông thì ngôi Giáo Tông đâu có chỗ trống để một
người khác lên thay thế được. Nếu các chi phái qui hiệp với nhau thành một khối
duy nhất, trong đó có cả Hội Thánh tại Toà Thánh Tây Ninh là gốc, thì ngôi vị
của các Giáo Tông ở chi phái phải đặt để ở vị trí nào trong Pháp Chánh Truyền
cho hợp lẽ ?
Đó là trở ngại lớn nhất về
phương diện tổ chức và nó gắn liền với đức tin của tín đồ các chi phái, xưa nay
vẫn đầy đủ lòng tôn kính đối với vị lãnh đạo tinh thần của mình. Qui hiệp để
rồi không còn được coi là Giáo Tông nữa, về phương diện tâm lý là một sự xúc
phạm đến danh dự, sự tôn kính của người lãnh đạo mà tín đồ các chi phái đã mến
yêu.
Các phẩm vị khác kế dưới
cũng vậy. Con số chức sắc cầm quyền Đạo ở mỗi hàng phẩm đều có giới hạn, không
thể vượt qua được vì Chí Tôn đã định ra như vậy trong Pháp Chánh Truyền.
1 Giáo Tông.
2 Chưởng Pháp.
3 Đầu Sư.
36 Phối Sư.
72 Giáo Sư.
3000 Giáo Hữu.
Đó là những con số định
mức tối đa không thể sửa đổi được. Tỉ như phẩm Đầu Sư được ấn định là ba vị,
nếu tất cả các chi phái hiệp lại chung với Tòa Thánh Tây Ninh, con số chức sắc
phẩm Đầu Sư sẽ nhiều hơn ba vị thì ai sẽ còn, ai sẽ mất ? Danh dự, uy tín của
con người ở cõi thế nầy dù nhỏ dù lớn, ai cũng muốn mình được tôn trọng, đâu ai
muốn mình bị sút giảm. Nói chung nếu cơ qui nhứt các chi phái thành hình, sẽ có
tình trạng "khủng hoảng thừa"
chức sắc, nhất là các hàng phẩm cao cấp và để điều chỉnh cho đủ số trong Pháp
Chánh Truyền giới hạn, ai sẽ là người chịu hy sinh rút lui khỏi hệ thống Đạo
quyền hay là chấp nhận bị giáng cấp ?
Nạn thừa áo mão đi kèm với
vấn đề đức tin thần quyền, danh dự của con người ít nhiều cũng có xáo trộn, sự
thật trong lòng người khó nói ở điểm nầy trước hội nghị. Vì vậy mà cơ qui nhứt
các chi phái đến nay vẫn còn bị trở ngại.
Tóm lại để có một ý niệm
rõ ràng hơn lý giải được phần nào những thắc mắc của lý trí con người, tại sao
triết học Cao Đài hứa hẹn tổng hợp tinh hoa các giáo thuyết trong khi tổ chức
Đạo Cao Đài bị phân hóa thành nhiều chi phái và cho đến nay chưa qui nhứt được,
chúng ta hãy nhìn lại những biến cố lớn trên dòng tư tưởng Cao Đài giáo theo
trình tự thời gian từ đầu :
- Từ cuối năm 1919-1925:
là thời kỳ tiền Khai Đạo, Đức Chí Tôn dùng huyền diệu cơ bút thâu phục đức tin
của nhiều người trong đó Ngài Ngô Văn Chiêu nổi bật hơn hết.
- Năm 1925 : phong trào cơ
bút phát triển mạnh tại một số tỉnh ở miền Nam Việt Nam, nhiều nhóm phò loan
thành hình.
- Năm 1926 :
* Khởi sự phổ độ chúng
sanh và Đức Chí Tôn có lời tiên tri rằng bây giờ các môn đệ xúm xít bên nhau
trong buổi đầu tu hành sau sẽ chia cách.
"Gần gũi sau ra vạn dặm trường ". ( Thánh giáo
20-2-1926 )
+ Đến ngày 24-4-1926, Ngài
Ngô Văn Chiêu không nhận trách nhiệm Giáo Tông Đạo Cao Đài, tách rời khỏi sinh
hoạt phổ độ, chuyên chú về tịnh luyện, phái Chiếu Minh thành hình.
* Ngày 7-8-1926 Đức Chí
Tôn cho biết trước. Đại ý như sau :
" Hễ Đạo khai thì tà khởi….
Thầy cho tà quái lấy danh Thầy mà cám dỗ….
Môn đệ còn lại nửa phần, Thiên thơ phải vậy. Các con
chớ buồn, thi nhiều đậu ít…."
* 18-11-1926 , ba tháng
sau khi có lời tiên tri "Đạo khai tà
khởi" là một nguyên lý trong sự vận hành Đạo pháp, tà quái xung nhập
vào ngay đàn cùng Lễ Khai Đạo 15-10 Bính Dần tại Từ Lâm Tự ( Chùa Gò Kén ) làm
mất đức tin nhiều người.
Cũng trong dịp Lễ Khai Đạo
nầy, Đức Chí Tôn chính thức ban quyền hành cho chức sắc, lập thành Hội Thánh
qua bản Pháp Chánh Truyền.
- 1928 : Thánh giáo Chơn
Cực Lão Sư ( 18-7-1928 ) và Thánh Giáo Đức Chí Tôn (5-8-1928 ) báo cho Hội
Thánh biết trước rằng nền Đạo sẽ bị phân chia chi phái vì những khuyết điểm của
người hành đạo và coi việc phân chia sắp xảy ra nầy là một việc xấu.
"….. Đạo thế chẳng kíp thí chầy sẽ thành ra một
món hàng mà mỗi người trong Đạo sau khi giành giựt cấu xé nhau thì sẽ phân chia
tan tành manh mún để trò cười về sau đó…."
- 1930 : Phái Cầu Kho thành
hình, công khai bày tỏ không tuân hành theo nghi tiết Đại và Tiểu đàn của Tòa
Thánh Tây Ninh ban hành.
- 1931 : Phái Minh Chơn Lý
ra đời.
- 1932 : Phái Tiên Thiên
ra đời.
- 1934 : Phái Bến Tre
thành hình (Ban Chỉnh Đạo)
Và cứ thế hiện tượng chi
phái tiếp diễn với những nguyên nhân xa gần đã phân tích ở các mục trước.
B -
THIÊN CƠ HAY PHÀM Ý ?
Thiết nghĩ Thiên cơ hay
phàm ý cũng chỉ là hai mặt của một vấn đề. Biết trước hiện tượng sắp xảy ra
nhưng vẫn không tránh khỏi là phương diện Thiên cơ, nhìn thấy nguyên nhân phàm
tục tác động nên hình sự việc là phương diện phàm ý. Thánh ý Đức Chí Tôn lập
Đạo là để diệt phàm tâm nâng Thánh chất của con người. Ngài báo trước để chúng
ta liệu phương sửa mình trong việc hành đạo, lại có kẻ lợi dụng lời tiên tri ấy
giải thích rằng phân hóa Đạo Cao Đài thành nhiều chi phái là đúng với Thiên ý,
nghĩa là ý Trời muốn có sự chia rẽ như vậy.
Có vị Thầy nào mở trường
dạy học lại muốn cho môn sinh của mình mất đoàn kết, kém thương yêu và thi rớt
đâu ?
Sao chúng ta lại gán cho Thiên
ý cái nghĩa xấu như thế ?
Khối phàm tâm tục tánh và
những nghiệp chướng tiền khiên còn đọng lại trong chơn thần con người sẽ tác
động nên hình, cụ thể những sự việc sắp xảy ra như thế nào Đại Từ Phụ đều thấy
rõ, bởi Ngài là Đấng Thượng Đế toàn năng, toàn tri, nên Ngài báo trước gọi là "Thiên cơ phải vậy ". Ấy là
nói về phương diện luật công bình của Thiêng Liêng. Đại Từ Phụ từ bi cho biết
trước để người hành đạo lưu tâm tìm phương làm giảm bớt những tác hại của vấn
đề.
Đó cũng là một chút công
tu của mình trong nghịch cảnh. Bởi lẽ có hai cách để các chơn linh đầu kiếp
trang trải nợ nần oan trái với nhau tại cõi hữu hình nầy.
- Một là lấy công quả
phụng sự vạn linh tiêu trừ nghiệp chướng.
- Hai là phải chịu khảo
dượt và phải giữ vững tinh thần của mình trong sáng trước nghịch cảnh trái
ngang trên bước đường tu.
Thiên ý Đức Chí Tôn khi mở
Đạo là Ngài luôn luôn muốn con cái của Ngài phải thương yêu đoàn kết với nhau,
anh trước em sau mà dắt nhau đến nơi Bồng Đảo, nghĩa là tạo nên hình một khối
Thánh chất. Còn mặt luật công bình của Thiêng Liêng, cơ vay trả của các linh
hồn khi xuống thế, gặp nhau trong cửa Đạo Cao Đài nầy, buộc phải có nghịch cảnh
biến sanh ra từ nơi lòng phàm tục của con người là nguyên nhân tạo nên hình thể
rạn nứt của Hội Thánh di đến chia phe phân phái nghịch lẫn nhau gọi là "Thiên cơ phải vậy ".
Mọi sự hiểu lầm về ngôn
ngữ trong Thánh Ngôn đều gây tác hại không ít cho nền chánh giáo của Đức Chí
Tôn, người cầm bút viết sử Đạo hay nhà truyền giáo không khéo thay vì lập nên
công nghiệp hữu ích cho cơ tấn hóa của nhơn sanh lại giúp tay cho tà thần mở
lối.
Nói vắn tắt, Thiên ý là
phương diện tốt của vấn đề, còn khía cạnh xấu như mất đoàn kêát, kém thương
yêu, chia rẽ, phân hóa nội bộ… là do phàm ý con người gây ra dù ở một hình thức
tinh vi như tự kỷ ám thị của đồng tử đã để cho ý người xen vào trong Thánh giáo
của Thần Thánh cũng coi là phàm ý.
Nhìn lại 50 năm lịch sử
Đạo, với những nguyên nhân xa gần đã phân tích, hiện tượng phân chia chi phái
Đạo Cao Đài là một việc tất nhiên, khó tránh được. Điều cần làm bây giờ là phải
tìm phương tom góp lại theo lời dạy của Đức Chơn Cực lão sư ngày 18- 7-1928
được bao nhiêu nên bấy nhiêu. Đó là ý hướng chính đáng trên đường phổ độ chúng
sanh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét