VAI TRÒ ĐỨC HỘ PHÁP TRONG
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
VỀ PHƯƠNG DIỆN TU CHƠN
LUYỆN KỶ
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Đạo Cao Đài là một tôn
giáo phát sinh tại miền Nam nước Việt Nam từ đầu thế kỷ XX. Lịch sử tôn giáo
này hãy còn quá ngắn nhưng trải qua nhiều biến đổi thăng trầm. Trung ương là
Toà Thánh Tây Ninh có một hệ thống giáo quyền chặt chẽ trên khắp miền Nam Việt
Nam. Từ nguồn gốc này một số chức sắc tách rời ra lập thành chi phái hoạt động
riêng lẻ không tùng luật pháp và sự điều khiển của Tòa Thánh nữa.
Trong bối cảnh lịch sử như thế vai trò của Hộ Pháp
phải ra sao trong khi Ngài không còn hình xác để đi đứng nói năng được như
những con người bằng xương bằng thịt. Khí phách anh linh, chơn thần của Ngài
bất tiêu bất diệt đã đành thiên biến vạn hóa kề cận một bên con cái Đức Chí Tôn
nhưng làm sao những đứa con trần tục kia nghe được tiếng nói của Ngài thấy được
Thiên thơ mà Ngài đang xây chuyển.
1/ - Thiên Thơ Tiền Định
Hồi tưởng lại những ngày còn sanh tiền đứng trên
giảng đài Tòa Thánh, Ngài đã nói :
Trong thời kỳ ấy Bần Đạo vâng lịnh Đức Chí Tôn
xuống thế mở Đạo thì Đức Chí Tôn mới hỏi rằng : "Con phục lịnh xuống thế mở Đạo con mở bí pháp trước hay con mở
thể pháp trước?"
- Bần Đạo trả lời : "Xin mở bí pháp trước"
- Chí Tôn nói:
"
Nếu con mở bí pháp trước thì phải khổ đa. Đang lúc đời cạnh tranh tàn bạo, nếu
mở bí pháp trước cả sự bí mật huyền vi của Đạo đời thấy rõ xúm nhau tranh giành
phá hoại thì mối Đạo phải ra thế nào. Vì thế nên mở thể pháp trước, dầu cho đời
quá dữ có tranh giành phá hoại cơ thể hữu vi hữu hủy đi nữa thì cũng vô hại xin
miễn mặc bí pháp còn là Đạo còn. Bí pháp là Hiệp Thiên Đài giữ…"
( TĐ của ĐHP. 30-5
Quí Tỵ-1953 )
Như vậy Thiên Thơ đã định cho Đức Hộ Pháp giáng
trần trong cửa Đạo Cao Đài nầy có nhiệm vụ tạo dựng hình tướng của tôn giáo
trước tức nhiên là thể pháp của Đạo, rồi sau đó mới mở bí pháp tức là quyền
năng của điển lực để giải thoát Chơn Thần con người không còn bị ràng buộc bởi
lục dục thất tình nữa.
Nhưng :
Hộ Pháp là ai?
Đây là lời dạy của Đức Chí Tôn :
"
Hiệp Thiên Đài dưới quyền Hộ Pháp chưởng quản, tả có Thượng Sanh, hữu có Thượng
Phẩm. Thầy lại chọn Thập Nhị Thời Quân chia ra làm ba.
-
Phần của Hộ Pháp chưởng quản về pháp lo bảo hộ luật Đời và luật Đạo, chẳng ai
qua luật mà Hiệp Thiên Đài chẳng biết…"
-
Thượng Phẩm thì quyền về phần Đạo lo về phần Đạo nơi Tịnh Thất, mấy Thánh Thất
đều chăm sóc chư môn đệ Thầy chẳng cho ai phạm luật đến khổ khắc cho
đặng."
-
Thượng Sanh thì lo về phần Đời."
Tóm lại Hộ Pháp là vị chức sắc nắm quyền chưởng
quản Hiệp Thiên Đài.
2/ - Nghi Lễ Thiên Phong Hộ Pháp ra sao ?
Ngày 22-23 04-1926 trong đàn cơ sắp đặt cuộc Thiên
phong nghi lễ dành riêng cho Hộ Pháp như vầy.
"Cư,
nghe dặn :
Con
biểu Tắc tắm rửa cho sạch sẽ (xông hương cho nó) biểu nó lựa một bộ quần áo tây
cho sạch sẽ, ăn mặc như thường, đội nón.
Cười…
Đáng
lẽ nó phải sắm khôi, giáp như hát bội mà mắc nó nghèo Thầy không biểu. Bắt nó lên đứng trên,
ngó mặt vô ngai Ngôi Giáo Tông, lấy chín tấc vải điều đắp mặt nó lại.
Lịch con viết một lá phù ( Gián ma xử ) đưa cho nó
cầm…"
"…Cả
thảy Môn đệ phân làm ba ban, đều quỳ xuống biểu Tắc leo lên bàn, Con (Cao Quỳnh
Cư) chấp bút bằng nhang đến bàn Ngũ lôi đặng Thầy triệu nó đến, rồi mới đến
trước mặt Tắc, đặng Thầy trục Chơn Thần nó ra, nhớ biểu Hậu, Đức xông hương tay
của chúng nó như em có giật mình té thì đỡ".
Như vậy nghi lễ Thiên phong dành cho Hộ Pháp không
phải là một lời tuyên thệ, lời nguyện, lời cam kết mà là một cuộc hành pháp
trục Chơn Thần Phạm Công Tắc ra khỏi xác thân để Chơn linh Hộ Pháp giáng ngự
nơi hình xác này và Phạm Công Tắc đã trở thành Hộ Pháp.
Đây là trường hợp giáng linh ngự thể.
Nghi lễ nầy không thấy dành cho Thượng Phẩm, Thượng
Sanh và Thập Nhị Thời Quân cũng là những đồng tử như Ngài. Bởi cớ nên mới sanh
lắm điều trắc trở sau này.
Trên bước đường hành Đạo khi chấp chưởng quyền hành
cơ bút nơi tay vì thể thức hành pháp quyền linh trên Chơn Thần và thể phách,
ảnh hưởng trực tiếp vào sự khai mở tâm thức của người thọ nhận. Các vị đồng tử
kia không được đặc ân như Ngài và trình độ tâm thức cũng khác xa Đức Hộ Pháp ít
nhất trên phương diện biểu hiện bên ngoài mà nhơn sanh nhận thấy được.
Qua nghi lễ này chúng ta thấy vị Hộ Pháp trong Đạo
Cao Đài không ai khác hơn là Phạm Công Tắc thọ phong từ năm 1926. Người đã được
Đức Chí Tôn chỉ định có trách nhiệm làm đầu Hiệp Thiên Đài chịu trách nhiệm về
phần Chơn Thần của tất cả tín đồ. Trong khi phẩm Giáo Tông có quyền về phần xác
chớ không có quyền về phần hồn.
3/ - Liên hệ giữa Hộ Pháp
Phạm Công Tắc và
Ngài Ngô Văn Chiêu
Từ năm 1919 Ngài Ngô Văn Chiêu đã có tham dự các
đàn Cơ cầu thỉnh Tiên về xin thuốc và học Đạo. Ngài gặp được Tiên Ông chỉ giáo
và cho hiện huyền diệu Thiên Nhãn để mách bảo Ngài về biểu tượng thờ phượng.
Năm 1925 Ngài Phạm Công Tắc cũng tham dự phong trào
cầu Cơ và đích thân làm đồng tử sau được Đức Cao Đài dạy phải liên lạc với Ngài
Ngô Văn Chiêu để biết cách thờ phượng vì Đức Chí Tôn có chỉ dạy cho Ngài Ngô
Văn Chiêu trước rồi.
Như vậy, Phạm Công Tắc và Ngô Văn Chiêu là những vị
môn đệ đầu tiên của Đức Chí Tôn học Đạo chung một Thầy bằng phương pháp Cơ bút.
Chứng tích hãy còn trong lịch sử Đạo qua bài thơ
sau đây được ghi nhận vào ngày 9-1-Bính Dần (1926.)
CHIÊU
Kỳ Trung độ dẫn Hoài sanh
Bản
đạo Khai Sang Quí giảng thành
Hậu
Đức TẮC Cư thiên địa cảnh
Hườn
Minh Mân đáo thủ đài danh
(TNHT.Q1 trang 3)
Bài thơ ghi lại tên của các vị môn đồ có mặt trong
đàn cơ để kỷ niệm.
Xin lưu ý.
Hai chữ CHIÊU và TẮC trong câu 1 và 3.
Năm sau Ngài Phạm Công Tắc được phong làm Hộ Pháp
và Ngô Văn Chiêu được chuẩn bị phong Giáo Tông Đạo Cao Đài.
Ngài Phạm Công Tắc vâng lời dấn thân vào Đạo, lo
phổ độ nhơn sanh lập thành Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Toà Thánh đặt tại
Tây Ninh.
Ngài Ngô Văn Chiêu từ chối không chịu nhận làm Giáo
Tông chuyên chú vào việc tịnh luyện, thiền định hầu tìm phương giải thoát cho
mình trước đã với chủ trương "Ngô thân bất độ hà thân độ"
. Một số người quy tụ xung quanh Ngài theo phương
pháp tu luyện này theo thời gian mở rộng dần phát triển thành phái " Chiếu Minh" thờ Thiên Nhãn.
Trung tâm đặt tại Cần Thơ.
Con đường đã rẽ lối từ đây để lại muôn vàn khó khăn
cho hậu thế.
Chứng tích lịch sử như sau:
Sau khi chứng kiến được nhiều lần sự linh hiển,
huyền diệu của cơ bút, Ngài Ngô Văn Chiêu quyết chí tu hành và có lời nguyện
rằng:
"Nếu
Đức Cao Đài độ cho tôi thành Đạo tôi sẽ độ lại chúng sanh tùy theo phước đức
của mỗi người." (Trích Lược Sử Đạo Cao Đài. Phần vô vi của Đồng Tân).
Và Đức Chí Tôn đã bố hóa cho Ngài một hồng ân đặc
biệt để Ngài tịnh luyện, thiền định có đủ ấn chứng hầu tạo cho Ngài một đức tin
mãnh liệt, một sự sáng suốt thánh thiện để Ngài đảm nhận một trách nhiệm lớn
lao hơn lời khấn nguyện ban đầu của Ngài.
Trách nhiệm ấy là thông công cùng Tam Thập Lục
Thiên, Tam Thiên Thế giới, Thất Thập Nhị Địa giới mà cầu rỗi cho nhân loại và
thay mặt Thầy mà dìu dắt cả chư môn đệ trên con đường đạo đức do chính mình
Thầy khai tạo và trên con đường đời do cơ Đạo gầy nên. Ấy là một nhiệm vụ
thiêng liêng mà Thánh ý Đức Chí Tôn muốn trao cho Ngài đảm nhiệm qua sự thông
công của Chơn Thần các đồng tử ở Tòa Thánh Tây Ninh. Thế nhưng đối với Ngài Ngô
Văn Chiêu Ngài cho là ý phàm.
Ngày 13-2-1926 giờ Tý nhằm mùng một Tết B.D. Đức
Thượng Đế giáng cơ dạy rằng :
"Chiêu
bữa trước hứa lời truyền Đạo cứu vớt chúng sanh, nay phải y lời làm chủ mối Đạo
dìu dắt cả môn đệ Ta vào đường đạo đức đến buổi chúng nó thành công chẳng nên
tháo rút phải thay mặt Ta mà dạy dỗ chúng nó". (Trích: LS Quan Phủ
N.V.C.)
Thế nhưng lòng Trời bao la lòng người có giới hạn
như chúng ta sẽ thấy những sự kiện lịch sử diễn ra liên tục sau đó.
Ngày 14-4-1926 Đức Chí Tôn dạy phải chuẩn bị một bộ
Thiên phục Giáo Tông cho Ngài Ngô Văn Chiêu. Bà Hương Hiếu lãnh may theo kiểu
mẫu do Đức Chí Tôn giáng cơ chỉ dạy. Xong, Tòa Thánh cử người mang đến cho
Ngài. Tất cả đều do lệnh cơ bút.
Ngài Ngô Văn Chiêu từ chối trả bộ áo mão lại cho
Tòa Thánh kèm theo một số tiền chi phí may bộ Thiên phục ấy. Đây là một sự kiện
lịch sử quan trọng một thái độ dứt khoát rõ ràng trên con đường tu của Ngài là
không chấp nhận, không tin Thánh giáo do nhóm đồng tử Tòa Thánh thông công.
Ngài chỉ tin đồng tử riêng của Ngài đã sử dụng từ trước.
Tưởng cũng nên ghi nhận thêm trong đàn cơ ngày
14-4-1926 nầy. Ngài Ngô Văn Chiêu có đến dự, Ngài đến sau chót thấy số người
tham dự đông đảo đã đến trước Ngài nói :
"Cầu
cơ chớ lập Thiên Địa hội sao mà đến đông vậy". Nói xong Ngài bỏ ra về.
(Theo lời thuật của Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức -
người có tham dự đàn cơ nầy.)
Vì vậy khi Đức Chí Tôn giáng dạy về Ngài thì Ngài
đã vắng mặt vì đã bỏ về mấy phút trước đó.
Trong đàn cơ ngày 24-4-1926 sau khi giảng dạy Ngũ
Chi Đại Đạo bị qui phàm Đức Chí Tôn có dạy :
"Thầy
nhứt định đến chính mình Thầy mà độ rỗi các con chẳng chịu giao chánh giáo cho
tay phàm nữa nhưng mà buộc phải lập chánh thể có lớn nhỏ đặng dễ thế cho các
con dìu dắt lẫn nhau anh trước em sau mà đến nơi Bồng Đảo !
Vì
vậy Thầy mới lập ra phẩm Giáo Tông nghĩa là Anh Cả…"
Đức Chí Tôn cũng xác định luôn về trường hợp của
Ngài Ngô Văn Chiêu như sau:
"Chiêu
đã có công tu lại là môn đệ yêu dấu của Thầy nên Thầy muốn ban chức Giáo Tông
cho nó, song vì lòng ám muội phạm đến oai linh Thầy mà ra lòng bất đức chẳng
còn xứng đáng mà dìu dắt các con nên Thầy cất phần thưởng nó. Thầy nhứt định để
chức ấy lại đợi người xứng đáng hay là Thầy đến chính mình Thầy đặng dạy dỗ các
con…"
"Chiêu
đã hữu căn hữu kiếp Thầy lại dùng huyền diệu mà thâu phục đặng rỗi nó trước các
con. Biết bao phen Thầy gom các môn đệ yêu dấu của Thầy lại sở cậy nó ấp yêu
dùm cho Thầy dường như gà mẹ ấp con song nó chẳng vâng mạng lịnh Thầy lại đành
cắn mổ, xua đuổi dường ấy thì làm sao cho xứng đáng cái trách nhiệm rất lớn của
Thầy toan phú thác cho nó!".
( Trích : Đạo Sử
Hương Hiếu ).
Tóm lại trong buổi đầu lập giáo Đức Chí Tôn dùng
huyền diệu cơ bút thâu nhận môn đệ rải rác nhiều nơi sau đó Ngài dạy lập thành
chánh thể Đại Đạo có luật pháp, phẩm tước, quyền hạn, trách nhiệm, qui tụ tất
cả môn đệ đã độ rỗi từ trước gom về một mối ban quyền cho Hội thánh xưng danh
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ gồm hai đài hữu hình là Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài
giao cho hai vị Giáo Tông và Hộ Pháp làm đầu.
Ngài Phạm Công Tắc vâng lời làm Hộ Pháp, Ngài Ngô
Văn Chiêu từ chối không chịu đứng chung trong tổ chức tôn giáo nầy.
Vì vậy Ngài Ngô Văn Chiêu không hề làm Giáo Tông
Đạo Cao Đài một ngày nào. Và cho đến bây giờ chưa có người nào xứng đáng ngồi ở
địa vị Giáo Tông chính thức của Đạo Cao Đài. Chơn linh Đức Lý Thái Bạch trong
hàng Tam Trấn phải kiêm trách nhiệm Giáo Tông về phần Thiêng Liêng, còn Ngài
Thượng Trung Nhựt chỉ là quyền Giáo Tông chưa được chánh vị. Riêng phần chi
phái Giáo Tông có nhiều nhưng ngoài chơn pháp. Pháp Chánh Truyền qui định Đạo
Cao Đài có một Giáo Tông mà thôi.
4/ -
Tòa Thánh chủ trương thế nào về Khoa Tịnh Luyện?
Ngay từ những ngày đầu thành lập Hội Thánh Đại Đạo
Tam Kỳ Phổ Độ khi ban hành bộ Tân Luật vào năm 1927, Tòa Thánh Tây Ninh đã dành
một chương trong bộ luật Đạo để nói về những sinh hoạt tịnh luyện trong chương
trình phổ độ của Hội Thánh. Chương này gồm 8 điều khoản qui định một cách tổng
quát nhà Tịnh phải có một Tịnh chủ điều khiển giờ giấc công phu, chế độ ăn uống
của ngừơi tu tập, điều kiện nhập tịnh và sự quan hệ với ngừơi ngoài.v.v...
Pháp Chánh Truyền qui định các Tịnh Thất đặt dưới
sự trông coi của vị Thượng Phẩm Hiệp Thiên Đài.
Như vậy trong chánh thể của Đại Đạo Tam Kỳ Độ các
sinh hoạt về khoa tịnh luyện, thiền định nằm ở Hiệp Thiên Đài nghĩa là vị
chưởng quản Hiệp Thiên Đài. Hộ Pháp chịu trách nhiệm tối cao về việc truyền bí
pháp hướng dẫn những sinh hoạt công phu, tịnh luyện, thiền định của người tu
tập. Vị chức sắc phải chịu trách nhiệm trực tiếp là Thượng Phẩm.
Ngài Thái Thơ Thanh vị chức sắc Cửu Trùng Đài người
đã có công đầu tiên đi tìm mua miếng đất xây cất Tòa Thánh và Khuôn viên Nội Ô
Tòa Thánh hiện nay cũng đã theo đuổi công phu tu tập tịnh luyện và đã được Đức
Hộ Pháp trợ thần, điều chỉnh kịp thời một bước sai lầm trong một chuyến xuất
thần của Ngài. Nhờ sự can thiệp giúp đỡ đúng lúc của Đức Hộ Pháp ở cấp độ chơn
thần đầy linh hiển, Ngài Thái Thơ Thanh trở thành một người bạn Đạo trọn lòng
tín nhiệm nơi Đức Hộ Pháp và Ngài đã hủy bỏ sơ đồ Nội Ô Tòa Thánh mà Ngài đã
phác họa và chấp nhận tuân theo sự sắp đặt của Đức Hộ Pháp mà thôi.
Năm 1928 Đức Hộ Pháp mở Phạm Môn, một đường lối tu
hành vượt qua hình tướng áo mão, quyền hành chuyên chú nhiều về phương diện Tam
Lập (lập Đức, lập Công, lập Ngôn). Và Phương-luyện-Kỷ để đạt tới tình trạng
Tinh hóa Khí, Khí hóa Thần, Thần hườn Hư mà đoạt cơ giải thoát. Ngài đã tuyển
lựa một số người ở Phạm Môn có đủ điều kiện để nhập tịnh và Ngài đã truyền bí
pháp công phu tịnh luyện, thiền định cho từng người. Các sinh hoạt loại nầy
không được phổ biến rộng rãi vì rất khó thành công và rất ít người có điều kiện
theo đuổi.
Trong suốt thời gian còn sanh tiền Đức Hộ Pháp cũng
đã thường xuyên theo dõi tình trạng Chơn Thần của một số chức sắc Hiệp Thiên,
Cửu Trùng, Phước Thiện có điều kiện phát triển về khoa luyện kỷ nầy để kịp thời
điều chỉnh những sai lệch và nâng đỡ bước đường công phu cho được tinh tấn. Ấy
là phận sự đặt biệt của Đức Hộ Pháp y như lời dạy của Đức Chí Tôn nhân khi đề
cập tới cái hại của rượu về phần hồn con người như sau :
"
Thầy dạy về hại của phần hồn các con Thầy nói cái Chơn Thần là nhị xác thân các
con, là khí chất nó bao bọc thân thể các con như khuôn bọc vậy nơi trung tâm
của nó là óc nơi cửa xuất nhập của nó là mỏ ác gọi tiếng chữ là Vi Hộ nơi ấy Hộ
Pháp hằng đứng mà gìn giữ chơn linh các con khi luyện thành Đạo đặng hiệp một
với Khí rồi Khí mới thấu đến Chơn Thần hiệp một mà siêu phàm nhập Thánh ".
Ngày 14-4- Tân Mão (1956) Đức Hộ Pháp còn tuyên bố
rõ ràng công việc trợ lực của một vị Hộ Pháp còn mang xác phàm đối với người
xin nhập Tịnh vào Trí Huệ Cung một cách cụ thể như sau :
"
Ấy vậy khi muốn bước vô Trí Huệ Cung phải có đủ Tam lập là tu thân, nhưng làm
sao biết họ đã lập công, lập ngôn, lập đức của họ rồi, dầu giao cho Bộ Pháp
Chánh cũng chưa chắc điều tra được bởi nó thuộc về nửa bí pháp nửa thể pháp…
Bây
giờ bần Đạo có một điều. Những người nào xin đến Trí Huệ Cung Bần Đạo coi màng
màng được thì Bần Đạo trục Chơn Thần của họ cho hội diện cùng quyền năng Thiêng
Liêng nếu có đủ Tam lập thì vô không đủ thì ra…".
Về phương diện hình tướng Đức Hộ Pháp đã hoàn tất
được hai trung tâm Tịnh Luyện là Trí Huệ Cung và Trí Giác Cung còn lại trung
tâm thứ ba là Vạn Pháp Cung chỉ mới phác họa, kế đến Ngài qui Thiên nên chưa
hoàn thành được.
Điều quan trọng hơn hết mà người nghiên cứu về Đạo
Cao Đài không thể quên được là chương trình phổ độ của Tòa Thánh Tây Ninh gồm
hai phần tương liên mật thiết với nhau là thể pháp và bí pháp.
Thể pháp là hình tướng của Đạo tức nhiên là hình trạng
của Hội Thánh. Bí pháp là quyền năng của điển lực để giải thoát. Phận sự đặt
biệt của Hộ Pháp trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là cầm bí pháp để giúp đỡ chúng
sanh tự giải thoát lấy mình. Việc phổ độ bắt đầu bằng hình tướng đưa người vào
cửa Đạo để nương theo các tổ chức, sinh hoạt Đạo giáo mà lập công, lập đức, lập
ngôn tiêu trừ nghiệp chướng tiền khiên tân tạo của mỗi người và kết thúc bằng
pháp giới độ tận chúng sanh. Hai phần nầy nằm trong chánh thể Đại Đạo Tam Kỳ
Phổ Độ, Hội Thánh có nhiệm vụ thực hành trọn vẹn cả hai. Tuyệt nhiên trong chơn
truyền của Đức Chí Tôn không hề có sự phân chia làm hai, phần phổ độ gọi là
Ngoại Giáo Công Truyền do Tòa Thánh Tây Ninh đảm trách, còn phần công phu tịnh
luyện, thiền định gọi là Nội Giáo Bí Truyền do một chi phái đảm trách.
Cơ siêu phàm nhập Thánh là quyền năng của điển lực
Chơn Thần con người, nó không chịu thúc phược bởi bất cứ thế lực chính trị hữu
hình của tổ chức Đạo giáo nào. Hễ tinh thần cá nhân của mỗi người tu có đủ tính
thánh thiện thì đương nhiên siêu phàm nhập Thánh hiển linh tại thế, thoát xác
rồi Chơn Thần bất tiêu, bất diệt và ngược lại, tinh thần còn vương vấn những
nét phàm tục thì cửa luân hồi vay vay, trả trả chưa hề qua khỏi.
Quyền pháp này không phải riêng có trong Cao Đài
Giáo mà nó vẫn có từ ngàn xưa trong tất cả các Đạo giáo bất di bất dịch với
thời gian. Hình tướng Đạo giáo chỉ là cái vỏ bề ngoài còn sự giải thoát là nội
dung chứa đựng bên trong không thể có tình trạng vỏ một nơi ruột một nẻo.
Thể pháp và bí pháp tương liên cùng nhau như bóng
với hình, hễ có hình thì có bóng, có bóng thì có hình. Tỉ như lời kinh tiếng kệ
tụng niệm hằng bữa là cái hình thể mà người tu đang cố gắng gom Thần định Trí
vào một tư tưởng thanh cao là Trời Phật. Còn cái bóng của kệ kinh tức nhiên là
kết quả của sự tụng niệm, là trạng thái sống của tinh thần người ấy đạt được,
hoặc là tình trạng vắng bặt tà tâm, tư ý, vọng niệm, hoặc chú định được vào cái
âm ba trầm bỗng hoặc dường như quên hẳn âm ba hòa nhập được vào dòng Thần lực
của Trời Phật tuôn chảy qua hồn phách mình tỏa ra một vùng không gian lân cận,
một sức sống tâm linh mãnh liệt bàng bạc nhiệm mầu làm thức tỉnh Chơn Thần sanh
chúng. Âm ba kinh kệ là hình sức sống; tâm linh là bóng; hình với bóng không
thể xa nhau.
Ấy là luận một việc nhỏ, còn việc lớn hơn Thiên Thơ
của Đức Chí Tôn mở cơ tận độ khi Ngài lập pháp Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ban quyền
cho Hội Thánh độ rỗi con cái của Ngài đến chỗ giải thoát, Ngài ban cho Hội
Thánh đủ quyền cả về thể pháp lẫn bí pháp.
Đây là lời dạy của Phật Mẫu đối với Đức Hộ Pháp :
"
Hễ làm mẹ quyền hành dạy trẻ
Con
đừng lo mạng thế thi phàm
Huyền
linh mẹ chịu phần cam
Ban
cho con trẻ vẹn toàn pháp môn."
( Thánh giáo ĐHP
cầu tại Trí Huệ Cung )
Vậy thì yếu tố quyết định sự thành bại trên đường
tu là công nghiệp phụng sự vạn linh để tiêu trừ nghiệp chướng tiền khiên, trau
dồi đức hạnh để nâng cao chất Thánh cho Tinh hóa Khí, Khí hóa Thần, Thần hườn
Hư được mà không mang theo một chút ô trược trong Chơn Thần mới nhập vào cõi
hằng sống được.
Tiến trình ấy liên tục và từng giai đoạn thăng tiến
đều có sự hướng dẫn đúng lúc; chẳng hề có sự phân chia phái phổ độ dạy tu tề
trị bình, phái vô vi lo siêu phàm nhập Thánh ; hoặc người muốn được siêu thoát
phải rời khỏi phái phổ độ, nhập môn vào phái vô vi nhận khẩu khuyết tâm truyền
luyện Tam Bửu Ngũ Hành công phu thiền định mới đắc Đạo.
Ngày nay Đức Hộ Pháp đã về Thiêng Liêng vị. Quyền
năng chuyển pháp của Chơn Thần càng dễ dàng ứng biến với những lời cầu nguyện
chân thành của người tầm Đạo dầu ở phương trời góc biển nào, khi người tín đồ
đủ công đức xứng đáng để được khai mở năng khiếu tâm linh thành tâm cầu nguyện
sự trợ lực của Ngài. Ngài sẽ diệu dụng quyền năng điển lực của Bửu Pháp Kim
Quang Tiên và Long Tu Phiến để trợ thần cho người hành công phu tu luyện cho
Tinh hoá Khí, Khí hóa Thần, Thần hườn Hư mà siêu phàm nhập Thánh.
Ấy là công việc của Đức Hộ Pháp nơi cõi Hư linh còn
phần pháp giới bán hữu hình tức nhiên là những công việc huyền linh cần có xác
phàm mới gần gũi đặng Chơn Thần và thể phách của chúng sanh, luôn luôn trong
cửa Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nầy vẫn có những bậc cao tăng ẩn dạng, đủ quyền năng tinh
thần để thi hành trọn vẹn sứ mạng ấy. Họ làm việc theo Thánh ý Đức Chí Tôn thể
hiện sự công bình thiêng liêng nơi mặt thế hữu hình nầy. Cửa Bát Quái Đài vẫn
luôn luôn mở để đón rước chơn thần sanh chúng đủ công đức xứng đáng đối diện
cùng quyền năng của Đức Chí Tôn và các Đấng trọn lành.
Cho nên dù Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đã về thiêng
liêng vị, phần Bí Pháp trong Đạo Cao Đài vẫn thực hiện được.
"
Do công đức mà đặng đắc Đạo cùng chẳng đặng"
Ấy
là lời phán quyết tối cao của Đại Từ Phụ vậy.
Lập Đạo Cao Đài Đức Chí Tôn mở cơ tận độ, ngay từ
buổi sơ khai Đức Chí Tôn đã dạy :
"
Chiêu Kỳ Trung độ dẫn Hoài Sanh ".
Ngài gọi đích danh Ngài Ngô Văn Chiêu trước nhứt
dạy phải " độ dẫn hoài sanh " nghĩa là dầu trẻ con trong bụng mẹ cũng
phải lo độ rỗi cho đến khi cuối cuộc đời chết đi lỡ có thất thệ hay bị tội lỗi
chi mà sa đọa vào cõi âm quang thì trong cảnh giới này cũng còn có Thất Nương
Diêu Trì Cung theo độ hồn ăn năn sám hối hay là chuyển kiếp đầu thai.
Chữ Phổ Độ nghĩa lý bao la như vậy.
Đức Chí Tôn lập một Đạo Cao Đài với tôn chỉ Tam
Giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhứt và cứu cánh của đời tu là giải thoát. Người
hành Đạo không thực hiện trọn vẹn Thánh ý của Đức Chí Tôn mới nảy sinh ra bất
hòa, chia rẽ thành ra nhiều chi, nhiều phái mặc dù họ vẫn nhân danh Thượng Đế
mà hành sự.
Hiện tượng chi phái là một biến tướng trên dòng
lịch sử của tổ chức Đạo giáo, nó ở ngoài chơn pháp của Đức Chí Tôn, một dấu
hiệu qui phàm của tâm thức người hành đạo nói chung. Quyền tự do tín ngưỡng là
quyền của mỗi cá nhân con người nhưng chân lý vẫn có một và sự diễn tả chân lý
thì muôn vàn hình thức khác nhau tùy theo tâm thức của mỗi người đạt được đến
mức độ nào trên con đường tấn hóa vô tận.
CON
ĐƯỜNG THỨ BA ÐẠI ÐẠO
I . CON ĐƯỜNG THỨ BA ÐẠI ÐẠO LÀ GÌ ?
Năm 1947 Đức Hộ Pháp
cho phổ biến những chỉ dẫn cụ thể về cách sống của người tu luyện với lời giới
thiệu :
"Phương luyện kỷ đặng vào con đường thứ ba Đại Đạo "
Đã gọi là con đường thứ
ba tất nhiên phải có con đường thứ nhứt và thứ hai. Vậy con đường thứ nhứt và
thứ hai là con đường nào ?
Đạo Cao Đài được chính
thức khai mở vào năm Bính Dần ( 1926 ) với những thủ tục thông thường của một
đoàn thể xã hội như :
Tuyên ngôn Khai Đạo ( 7-10-Bính Dần. 1926 )
Lễ ra mắt gọi là Lễ Khai Đạo ( 15-10-BD. 1926 )
Ban hành Bản Hiến Pháp thiêng liêng của Đạo gọi là
Pháp Chánh Truyền và bộ luật của tôn giáo mới gọi là Tân Luật. Đó là những yếu
tố cần thiết phải có để thành hình Hội Thánh là cơ quan quyền lực tổ chức và
điều hành sinh hoạt tín ngưỡng của khối tín đồ Cao Đài theo triết lý đã chọn.
Tín đồ phải có tín ngưỡng Trời Phật, hiểu biết luật nhân quả luân hồi, ăn ở
hiền lành, lập công bồi đức, tu tâm sửa tánh và tùy theo công nghiệp phụng sự
vạn linh, đức hạnh, tài năng có được nhiều hay ít sẽ được thăng phẩm từ tín đồ
lên đến Giáo Tông.
Đó là con đường lập quyền Đạo để nương nhờ quyền
hành ấy mà làm phương tiện phổ độ chúng sanh. Các phẩm tước hữu hình trong Hội
Thánh chỉ là những nghi thức đối phẩm với các Đấng thiêng liêng trong thế giới
vô hình, nó đòi hỏi người thọ nhận phải làm tròn thiên chức của mình, khi chết
linh hồn mới xứng đáng được gọi là Thần, Thánh, Tiên, Phật. Chẳng hạn phẩm Giáo
Sư, Pháp Chánh Truyền buộc phải lo lắng cho tín đồ như anh ruột lo cho em. Ôi !
Được bao nhiêu người có tâm đức ấy, chẳng trách nào Đức Chí Tôn định chỉ có 72
Giáo Sư hành quyền trên toàn thế giới. Hay là phẩm Giám Đạo của Hiệp Thiên Đài
đòi hỏi người chức sắc phải có đủ quyền năng tâm linh để tự mình hay biết những
vụ vi phạm luật pháp Đạo đã hay đang xảy ra ở một nơi nào đó mà về phương diện
hữu hình chưa lộ tông tích, mới đúng nghĩa Giám Đạo, đúng với câu trong Pháp
Chánh Truyền : "chẳng ai qua luật mà
Hiệp Thiên Đài chẳng biết ".
Vì vậy phẩm tước hữu hình chỉ là giả tạm và trạng
thái sống thực của Chơn Thần có tinh tấn hay không mới là yếu tố quyết định giá
trị của hai tiếng đối phẩm. Con đường đó là Cửu Trùng Đài, con đường thứ nhứt
của Đại Đạo lấy quyền hành, phẩm tước hữu hình làm phương tiện hành đạo. Phẩm
tước ấy phải do công nghiệp hành đạo và đức hạnh mới có được, khi chết chơn
thần rời khỏi xác thân trở về cùng Đức Chí Tôn. Con đường thứ nhứt nầy bao gồm
cả những chức sắc cấp dưới của Hiệp Thiên Đài mà sở hành của họ cũng lấy quyền
Đạo làm phương tiện lập công.
Con đường thứ hai là Phước Thiện với Thập Nhị đẳng
cấp thiêng liêng cũng có phẩm tước hữu hình để đối chiếu với Thiêng Liêng từ
Minh Đức đến Phật Tử.
Sở hành của họ chú ý nhiều đến việc lập đức, tạo ra
nhiều của cải, vật chất để tế khó trợ nghèo, yểm trợ đời sống hữu hình cho chức
sắc hành đạo bất kỳ ở cơ quan nào, nuôi nấng bênh vực trẻ mồ côi, người già cả,
tật nguyền. Cũng phải đợi đến khi chết Chơn Thần mới rời khỏi thân xác trở về
cùng Đức Chí Tôn.
Con đường thứ ba Đại Đạo là Tu Chơn tức là con
đường tịnh luyện, thiền định chú ý tới sự rèn luyện năng lực sống trong nội
thân mình theo tiến trình Tinh hóa Khí, Khí hóa Thần, Thần huờn Hư, đến chỗ
Chơn Thần có đủ khả năng rời khỏi xác phàm trước khi chết trở về cùng Đức Chí
Tôn được. Đây là con đường đi tắt trong kiếp sanh, dĩ nhiên Chơn Thần xuất
ngoại xác thân được thì phải trở về được và sống trọn kiếp người của mình theo
đúng Thiên ý. Có rất nhiều người lầm lạc vì ảo tưởng, ảo giác trong loại sinh
hoạt nầy.
Nếu như ở con đường thứ nhứt và thứ hai, người ta có
thể lầm lạc chạy theo danh, lợi, quyền trong tôn giáo, cũng là ảo ảnh của cuộc
đời, nhầm lẫn phương tiện với cứu cánh, làm biến tướng nền Chơn Giáo thành Tả
Đạo Bàn Môn, thì ở con đường thứ ba nầy nhầm lẫn chính là ảo tưởng và ảo giác
rất tinh vi.
Trong phép thông công của con người với thế giới
Thần linh cũng có vô vàn những điều đáng tiếc như vậy đã xảy ra và hậu quả của
nó đối với đời sống tín ngưỡng của một số đông người cũng rất đáng thương tâm.
II) -
TƯƠNG QUAN GIỮA BA CON ĐƯỜNG
Như vậy có phải con đường thứ ba Đại Đạo là phần
tiếp nối của con đường thứ nhứt hoặc thứ hai trong tiến trình tu tập của người
tín đồ hay không ?
Đức Hộ Pháp chủ trương tín đồ phải có đủ Tam Lập
mới bước vào sinh hoạt tịnh luyện, không buộc phải qua một thời gian hành đạo có
áo mão, hay quyền hành, chức tước. Một đàng sống với đức tin vào nguyên tắc đối
phẩm, lấy sự thể hữu hình làm chuẩn với lý trí thông thường, đợi đến khi chết
chơn thần sẽ xuất ngoại xác thân trở về cùng Thượng Đế, cũng chẳng vội, ung
dung lập công bồi đức và thăng tiến theo phẩm trật hữu hình. Một đàng tìm
phương rốt ráo, phải về diện kiến Đức Chí Tôn ít nhứt một lần trong khi còn
sống thì phương pháp tu hành mới gọi là chứng đắc được.
Yếu lý khác biệt của nó nằm ở chỗ Chơn Thần về được
cùng Đức Chí Tôn trước khi chết hay sau khi chết. Còn điều kiện định quyết cho
Chơn Thần về được hay không là ở chỗ công đức, chớ không phải ở phương pháp tu
luyện điều khí, dưỡng thần, truyền thần, xuất thần, tham thiền, nhập định.
Phương pháp tu luyện là kiến thức có thể truyền lại cho nhau dễ dàng giữa người
nầy và người kia nhưng công đức mỗi cá nhân tự tạo mới có. Phải có đủ công đức
nghĩa là tròn tam lập, áp dụng phương pháp tu luyện mới có kết quả gọi là ấn
chứng chánh truyền, bằng không rất dễ rơi vào ảo tưởng làm cho Thần biến ra đủ
thứ khi công phu thiền định.
Một người thiếu công đức là người mà khí thể còn ô
trược, lấy trược khí nuôi Thần, thì Thần phải tối, tức nhiên đời sống tâm linh
còn trộn lẫn nhiều hình ảnh tư duy ảo vọng. Thần phóng ra ảo rồi nhắm lấy ảo ấy
mà đeo đuổi thì quả thật là " đổi
chơn thay giả tô Thiên vị ". Chỗ nhằm lẫn nầy hết sức tế vi, khó thấy
và chẳng dễ gì xua đuổi nó ra khỏi tâm tư của con người khi mà các trung khu
não bộ hãy còn phủ trùm bằng một vùng trược khí.
Nói vắn tắt cho dễ hiểu, nếu như kiến thức về
phương pháp công phu làm cho người ta đắc đạo được thì những kẻ gian hùng nhứt
ở thế gian sẽ ngự trị ở cõi Thiên Đàng.
Vì sao ?
Vì những kẻ gian hùng ở thế gian nầy, thứ gì họ
cũng ăn cướp được, nói chi đến bí quyết luyện đạo của thầy tu là điều mà kẻ có
lòng từ tâm luôn luôn muốn có nhiều người hưởng ứng.
Kinh điển hay là phương pháp tu luyện cũng như đũa
với chén để ăn cơm, phải có cơm vào dạ dày mới no được, công đức của mình mới
là thứ cơm tinh thần vậy, phải có cơm thì chén đũa mới hữu dụng.
Đức Chí Tôn dạy :
_"
Người ở thế nầy muốn giàu phải kiếm phương thế làm ra của cải. Ấy là phần xác
thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn cho đắc Đạo phải có công quả". ( TNHT. 5-7-1926
)
_ " Đạo vẫn như nhiên do công đức mà đặng đắc
Đạo cùng chẳng đặng". ( TNHT. 21-8-1926 )
"
Thầy nói cho các con biết nếu công quả chưa đủ, nhân sự chưa xong thì không thể
nào các con luyện thành đặng đâu mà mong. Vậy muốn đắc quả thì chỉ có một điều
là phổ độ chúng sanh mà thôi. Như không làm đặng thế nầy thì tìm cách khác mà
làm âm chất thì cái công phu tu luyện chẳng bao nhiêu cũng có thể đạt địa vị
tối cao". ( TNHT. 5-3-1927)
Dầu đi con đường nào cũng vậy, thứ nhứt, thứ hai,
thứ ba cũng phải có công đức mới đặng đắc Đạo. Con đường thứ ba Đại Đạo nếu thành
công về với Đức Chí Tôn sớm hơn một chút chẳng phải đợi đến khi chết như con
đường thứ nhứt và con đường thứ hai.
Mối tương quan giữa ba con đường là như thế chẳng
nên hiểu lầm rằng nếu không tịnh luyện thì không đắc Đạo.
III)
- VÀI KINH NGHIỆM TÂM LINH
1/ - Thiếu tình mẫu tử. Xin đơn cử sau đây vài trường hợp điển hình về kinh
nghiệm trong đời sống tâm linh của một tín đồ tu chơn ở Tòa Thánh Tây Ninh.
Là một thanh niên còn trẻ tuổi y đã sớm bước chân
vào sinh hoạt Thượng Thừa Đại Đạo, trong quãng đầu đời theo tiếng gọi sâu thẳm
của tâm linh mình thúc giục và may duyên được Chân Sư dìu dẫn trực tiếp. Sau
khi tu tập khổ hạnh một thời gian, một ngày kia trong buổi công phu giờ Tý,
Chơn Thần y được đối diện trước quyền năng Thiêng Liêng của Chân Sư và như thường
lệ Chân Sư dạy y……
"Con
hãy dùng phép hồi quang phản chiếu, xem xét lại những gì con đã nghĩ và làm
trong ngày hôm nay, có gì lầm lỗi chăng ? "
Y ngồi yên một lúc và hồi tưởng……
Trong thời kỳ tu học nầy Chân Sư không dạy y điều
gì khác hơn là phép xét mình…
- Bạch Thầy con đã làm tròn bổn phận con trong
những công việc thường lệ ngày hôm nay, không có điều gì làm mất lòng ai cả.
Chân Sư hỏi tiếp :
- Còn bữa cơm trưa nay ?
- Bạch Thầy mọi người đều vui vẻ.
- Con đã ăn món gì ?
Y đáp một cách thản nhiên vì cũng chẳng nhớ mình đã
ăn món gì.
- Bạch Thầy thì món gì vừa miệng con thì con ăn, có
ai phiền hà gì đâu, con thấy mọi người đều vui vẻ.
Chân Sư ôn tồn giảng dạy bằng một giọng trầm trầm
đầy quyền lực làm thức tỉnh chơn thần y.
"
Trong bữa ăn bà mẹ nếu thấy món nào bà cho là ngon miệng đối với bà, bà ăn ít
hay là nhường lại cho con bà ăn. Tình thương của một bà mẹ phàm tục đối với con
là như thế. Con chưa sống với tình mẫu tử ấy thì làm sao có được tình thương
yêu đại đồng đối với chúng sanh. Con phải thương yêu chúng sanh như thương
chính thân mình vậy ".
Chân Sư dừng lại không nói thêm một lời nào nữa, có
một sức mạnh vô hình truyền qua từng lời nói của Chân Sư làm cho tâm thức y
bừng tỉnh dậy. Bao nhiêu ý nghĩ trước đây tự thấy mình cũng thuộc loại khá về
đạïo đức ở thế gian đều tan biến hết. Y nhận thức được tính chất tầm thường
trong tinh thần mình cũng như của bao nhiêu người trần tục khác dù y đang được
Chân Sư dạy Đạo bằng huyền linh mặc khải.
2/ - Cứu đói trẻ mồ côi Và một lần khác vào khoảng
nửa đời tu học y cũng gặp một trường hợp tương tự. Có một số trẻ mồ côi sống
gần nơi y cư ngụ đang gặp cơn đói, không phải vì xã hội bạc đãi chúng nó, mà vì
lòng tham lợi của người chăm sóc khiến xảy ra vụ đói mà bên ngoài ít người biết
được. Y biết rõ tình trạng thiếu thốn của chúng, nhưng y vẫn lờ đi không giúp
đỡ gì. Y an tâm để việc đói khát ấy lại cho người khác lo liệu, tự nhủ rằng
mình làm quá nhiều công việc tinh thần rồi.
Trong một lần diện kiến Chân Sư bằng Chơn Thần sau
phần dạy bảo xong, Ngài liền quay sang hỏi thăm chuyện trần tục.
"
Mấy đứa trẻ mồ côi ở gần con đó hiện giờ sống ra sao ?
- Bạch Thầy chúng nó đang đói phải ăn cháo qua
ngày.
Ngài dạy tiếp :
"
Trong túi con đang có tiền, con có quyền chi dụng số ấy. Mấy đứa trẻ mồ côi
đang đói trước mắt con, mà con vẫn làm ngơ, hạnh của một người tu không phải
như thế. Con hãy trở về cõi đời trần tục của con mà lập hạnh lại".
Chơn Thần y đã bị Chân Sư đuổi về cõi đời trần tục
vì thiếu hạnh thương yêu đối với chúng sanh…
Thế là sau đó một chương trình cứu đói cho trẻ mồ
côi được thực hiện một cách âm thầm, khéo léo, khoảng vài ba tháng thì hết nạn.
Có ai biết rằng những bát cơm cứu trợ vào những ngày giờ ấy là kết quả của một
hình phạt mà vị môn đồ tu chơn đã nhận từ vị Thầy của mình nơi cõi Thiêng Liêng
để cảnh cáo.
Y nhớ mãi bài học nầy trong đời.
3/ -
Tâm ô uế Một câu chuyện khó quên nữa là chuyện hai con kiến vàng cắn lộn.
Hôm ấy khoảng 11 giờ trưa, vị môn đồ tu chơn đang
ngồi đi tiêu dưới gốc một bụi tre. Cầu tiêu nơi miền quê chỉ là một cái hố sâu
có hai miếng ván bắt ngang, bao chung quanh vài thanh gỗ và mấy miếng lá dừa sơ
sài. Gió hiu hiu thổi, vài áng mây bay lãng đãng trên bầu trời xanh thẳm. Y
đang ngồi ngó mông lung bất giác nhìn xuống thanh gỗ thấy một hàng kiến vàng bò
lưa thưa… Có hai con chẳng biết giận nhau chuyện gì, đang cắn nhau dữ dội, bốn
cái nanh bấu chặt không rời, chân chỏi vào nhau dựng đứng cả người, con nầy đẩy
qua con kia đẩy lại, khi thắng khi bại, có lúc lăn nhào trông giống một màn đô
vật trên võ đài. Lấy làm vui mắt, y mãi mê xem trận kiến vàng đấu võ. Bỗng một
luồng thần lực tuôn tràn xuống mạnh mẽ khắp cả người y. Y đã quen với cảm giác
nầy mỗi khi Chân Sư sắp xuất hiện, nên định thần lại để tâm thật yên xem có
chuyện gì xảy ra. Y nghe rõ tiếng nói Chân Sư lồng lộng trong chơn thần với
giọng nghiêm khắc.
"
Hai con kiến đang cắn nhau sắp chết mà con nỡ ngồi nhìn như thế à ! Sao con
không can nó ra ?"
Y có cảm giác sợ hãi vì thất lễ, cầu tiêu ô uế quá
sao Thầy lại đến nơi nầy.
Tiếng nói lại tiếp :
"
Con nhìn xuống hầm cầu kia xem "
Y ngó xuống hố tiêu thấy một đám dòi lúc nhúc.
"Nơi
đó đang có sự sống. Có sống là có Thầy trong đó, không có gì là ô uế cả. Chính
tâm con đang dơ đó ".
Tiếng nói im bặt…
Y lấy ngón tay định kéo mỗi con ra một bên …
Tiếng nói lại vang lên :
"
Nhẹ nhẹ tay không khéo con làm chết nó bây giờ ".
Y xé một miếng giấy nhỏ xen vào giữa bốn cái càng
của chúng, rồi dùng miếng giấy khác ép nhẹ vào thân nó đẩy ra xa, chúng vẫn còn
giận dữ, phải một hồi lâu mới chịu buông ra mà bò đi chỗ khác.
Y bàng hoàng như vừa qua một cơn mộng giữa ban ngày
…
Bên ngoài đàn kiến vẫn bò lưa thưa, cơn gió nhẹ
thoảng qua và những đám mây trôi lững thững trên nền trời xanh biếc, khung cảnh
vẫn y như lúc nãy nhưng tâm hồn người tu sĩ đã đổi thay rất nhiều. Những dòng
tư tưởng của trí não lại hiện ra ; thì ra bấy lâu nayThầy bắt mình học thuộc
lòng Tân Luật, Pháp Chánh Truyền mình đọc thuộc như con két mà không nhập tâm
chút nào.
"
Đừng thấy đồng Đạo tranh đua ngồi mà xem không để lời hòa giải ".
Thầy muốn dạy mình một bài học về hai chữ "
Đạo Tâm" thật mắc mỏ và quí giá vô cùng.
Sau nầy khi tuổi đời đã về chiều, vị môn đồ tu chơn
trẻ tuổi của mấy mươi năm trước mỗi khi nhắc lại kinh nghiệm tu học của mình để
hướng dẫn đàn em, vẫn khẳng định rằng :
"
Cả cuộc đời của Qua, Qua đã sống tràn ngập trong ân huệ thiêng liêng của Đại Từ
Phụ và các Đấng trọn lành do duyên may từ tiền kiếp mà được vậy ngay từ buổi
đầu tu học. Qua có thể làm chứng chắc với mấy em rằng, phải có công nghiệp
phụng sự vạn linh, phải tu sửa đức hạnh của mình từ trong tâm ý sâu kín cho đến
những biểu lộ bên ngoài trong cử chỉ, lời nói, hành động cho đến chỗ chí Thánh
mới đoạt Đạo đặng. Kiến thức về đạo lý không thôi chưa đủ mà phải thực hành đạo
lý ấy mới trọn vẹn tri hành hợp nhứt tạo nên thiện duyên, thiện nghiệp đọng lại
trong Chơn Thần một sức sông tâm linh cảm hóa được lòng người gọi là cái đức
của kẻ tu hành.
Cái
phép tu luyện chỉ giúp mình gần đặng Chân Sư để nghe lời chỉ giáo, còn Thánh
chất trong con người mình, mình phải tự tạo cả tâm ý lẫn hành động đều mang
tính chất thánh thiện mới được. Chân Sư không bồng ẵm đặng, luật Trời không cho
phép như thế.
Hay
nói một cách khác thì phương pháp tu luyện cũng như áo mão, quyền hành, chức
tước của giáo quyền giúp mình đến chỗ tạo được nhiều công nghiệp phụng sự vạn
linh và đức hạnh thánh thiện là hai yếu tố quyết định cho người tu sĩ đắc Đạo
hay không ".
IV) - PHẠM MÔN LÀ GÌ ?
Phạm Môn là đường lối tu chơn trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do Đức Hộ Pháp
lập ra để thực hiện sinh hoạt Tịnh Luyện ghi trong Bộ Tân Luật vâng theo Thánh
ý Đức Chí Tôn trong bài thi :
"Tỉnh ngộ xá thân tại Phạm
Môn
Khuyến tu hậu nhựt độ sanh hồn
Vô lao bất phục hồi chơn mạng
Tỉnh thế kỳ thân đắc chánh tôn"
Đường lối tu hành nầy chủ trương vượt qua hình thức áo mão, quyền hành của Hội Thánh chuyên chú về phương diện Tam Lập
là lập công, lập ngôn, lập đức cho đầy đủ để được thọ truyền bí pháp tịnh luyện
tự giải thoát lấy mình.
Về phương diện tổ chức là một nếp sống cộng đồng dưới hình thức những cơ sở kinh tế nhỏ qui tụ
một số người đồng chí hướng làm ăn chung với nhau. Trước nhứt để tự nuôi thân
mình và sau dùng lợi nhuận hiến công quả cho Hội Thánh hoặc tế khó trợ nghèo
bất luận người trong Đạo hay ngoài đời.
Những người tình nguyện vào Phạm Môn phải qua một
thủ tục kết nghĩa với nhau gọi là "
Đào viên Pháp ".
Về nội qui họ phải tuân theo Thập điều giới răn kể
ra như sau :
1 - Phải tuân y luật pháp chơn truyền của Chí Tôn.
2 - Phải trọn hiếu với tông đường phụ mẫu, trọn
nghĩa vợ chồng vẹn phận làm cha.
3 - Phải trọn giữ trai giới.
4 - Phải xa lánh các đảng phái
5 - Phải thật hành phước thiện, nuôi người già,
dưỡng trẻ nhỏ.
6 - Không đặng thâu của chúng sanh.
7 - Coi anh em đồng đạo như ruột thịt.
8 - Không được bội sư phản bạn.
9 - Phải ăn ở như các Thánh hiền, đừng phạm tội
vong công bội đức.
10 - Phải thương yêu loài người và loài vật, kỉnh
trọng mạng sanh vừa theo tính chất của Chí Tôn là chúa sự sống.
Tại Tây Ninh từ năm 1929 đến năm 1933 đã tổ chức
được 9 nhà sở theo kiểu nầy.
Khởi đầu là cơ sở Phạm Nghiệp nằm bên quốc lộ 22
tại xóm Trường Đua gần ngã ba Mít Một, làm ruộng và đồ mộc. Kế đến là các nhà
sở :
· Khách Đình ( nội ô Tòa Thánh )
· Sở Tâm Lạch xã Trường Hòa.
· Sở Giang Tân xã Trường Hòa.
· Sở Nam Công Nghệ gần ngã ba Suối Đá.
· Sở Nữ Công Nghệ gần ngã tư Ao Hồ.
· Sở Dưỡng Lão Đường.
· Sở làm ruộng ở Núi Sập.
· Trạm Y Tế Phạm Môn phía sau Hộ Pháp Đường ( nội ô
Tòa Thánh ).
V) -
BIẾN TƯỚNG CỦA PHẠM MÔN
Nguyên từ buổi ban sơ, các nhóm phò loan học Đạo
bằng cơ bút, giáo lý của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ truyền dạy qua cơ bút cũng có
đôi phần khác hơn với cựu luật của Tam Giáo đang lưu truyền buổi ấy. Đặc biệt
vấn đề tịnh luyện, thiền định, Đức Chí Tôn giáng cơ xác định những điều căn bản
sau đây đối với các tín đồ gốc ở Đạo Phật và Đạo Lão chuyển sang. Tóm tắt như
sau :
"
Luật lệ tuy cũ nhưng Đạo vẫn như nhiên. Do công đức mà đặng đắc Đạo cùng chẳng
đặng ".
"
Tu thành công hay không là do người hành Đạo".
"
Phép luyện Đạo không đổi".
"
Tam Kỳ Phổ Độ là một trường thi công quả".
"
Duy Thầy cho Thần hiệp cùng Tinh Khí đặng hiệp Tam Bửu là cơ siêu phàm nhập
Thánh ".
"
Thầy đến đặng huờn nguyên cho Chơn Thần các con đắc Đạo".
Yếu tố công đức được quan tâm trước tiên thay vì
phương pháp công phu, tịnh luyện, thiền định. Do đó, khi tổ chức đời sống tu
hành của tín đồ nhằm mục đích giải thoát sau cùng, đường lối Phạm Môn chủ
trương phải dấn thân nhiệt thành làm công quả một thời gian song song với việc
học hỏi để mở mang trí tuệ, tu chỉnh đức hạnh của mình cùng với cúng kiến, công
phu để rèn luyện Tinh Khí Thần theo chiều hướng hiệp nhứt Tam Bửu. Nếp sống nầy
hiện ra thành những sinh hoạt cộng đồng của nhà sở có tính chất giống như phước
thiện, thu hút được một số đồng đạo ngày càng đông dần theo thời gian và có một
sắc thái đặc biệt hiện rõ lên giữa một khối tín đồ Cao Đài buổi đầu còn đa
dạng. Từ đó dấy sinh lên trong lòng người cái nhìn và phê phán có tính cách
trường phái là nguyên nhân đưa đến những khảo dượt làm biến tướng Phạm Môn.
Trước tiên là danh xưng Phạm Môn nguyên văn lấy từ
bài thi của Đức Chí Tôn giáng cơ cho.
"
Tỉnh ngộ xá thân tại Phạm Môn .."
Phạm Môn có nghĩa là cửa Phật, chữ Phạm còn đọc là
Phạn có nghĩa là Phật (Hán Việt Tự Điển của Nguyền Văn Khôn. Khai Trí. Xuất bản
năm 1969, nơi trang 692 ghi rõ như sau : Phạm ( Phật ) thanh tịnh, trong sạch.
Một âm nữa là Phạn).
Vì Đức Hộ Pháp mang họ Phạm nên Phạm Môn bị hiểu
lầm xuyên tạc là của dòng họ Phạm. Phạm Nghiệp là tên của cơ sở kinh tế đầu
tiên của đường lối tu chơn tại Tây Ninh. Nguồn vốn đầu tiên của cá nhân và gia
đình Ngài, có sự hùn công của một số đồng đạo cùng chung sống với nhau, tổ chức
như một đơn vị kinh tế tự lập, không phải là tài sản của Hội Thánh.
Lời giải thích xác định ấy được diễn dịch ra dưới
cái nhìn phe phái cho rằng Đức Hộ Pháp lập riêng sự nghiệp của những người họ
Phạm.
Xin trích nguyên một đoạn trong tờ lời giảng ngày
15-10 - Nhâm Thân do Ngài Thượng Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh viết :
"
Đức Hộ Pháp ban đầu có lập một cảnh nhà bên đường lộ Tây Ninh Sài Gòn, gần ngã
ba Mít Một, đặt tên là Phạm Môn để cho gia quyến của Ngài ở và thờ ông bà kiến
họ Phạm là họ của Ngài. Ngài khai rằng : là của riêng của Ngài sắm không ăn
nhập với Hội Thánh. Hai năm nay Ngài có lập riêng ra nhiều chỗ nữa, người ta cũng
kêu là Phạm Môn, song Ngài nói để chữ Phạm là Phật như :
1/ -
Phạm Môn gần Ao Hồ.
2/ - Khách Đình.
3/ - Phạm Nghiệp Nam.
4/ -
Nữ Công Nghệ ở gần Tòa Thánh.
5/ -
Phạm Từ ở Cẩm Giang. Đức Hộ Pháp coi là của riêng của người họ Phạm, hay là
người vào Phạm Môn, không ăn nhập với Đạo.
6/ -
Giang Tân ở Bến Kéo.
7/ -
Sở làm ruộng ở Núi Sập (Long Xuyên).
Ngài
nói là sở làm ăn của người kiến họ Phạm của Ngài chớ không phải của Đạo, Ngài
nói Ngài dùng tiền bạc riêng của Ngài mà lập ra các sở nầy nên Ngài không cho Hội
Thánh hay trước. Ngài nói như Hội Thánh muốn lãnh các sở ấy mà làm theo sở hành
Phước Thiện của Ngài sắp đặt cho đạo hữu thuở nay thì Ngài giao cho, song cũng
phải thối hồi những tiền sở tổn về việc ấy thuở giờ cũng là nhiều…"
Còn về phía chính quyền tại Tây Ninh, người Pháp
luôn luôn tình nghi Đạo Cao Đài là một tổ chức chính trị chống Pháp trá hình,
nên những hình thức tập hợp tín đồ thành từng nhà sở kinh tế kiểu nầy càng làm
tăng thêm mối nghi ngờ sẵn có, dĩ nhiên người Pháp phải tìm cách ngăn chận và
dập tắt. Sau cuộc khám xét, lục soát tại Hộ Pháp Đường vào cuối năm Quí Dậu
(1933) chính quyền Pháp ra lịnh đóng cửa các cơ sở Phạm Môn với lý do lập hội
không giấy phép. Nội vụ đưa ra tòa, Hội Thánh chống án, và cuối cùng được tòa
tối cao bên Pháp xử trắng án.
Mặc dầu được trắng án, mối căng thẳng giữa Đạo và
chính quyền Pháp vẫn không có gì giảm bớt.
Sau cuộc đại náo Đạo quyền tại Toà Thánh Tây Ninh
ngày 20-1- Giáp Tuất ( 5-3-1934 ) về việc chia chi phái, những người tu ở Phạm
Môn tỏ ra rất trung thành với lập trường của Hội Thánh, nên Đức Quyền Giáo Tông
yêu cầu Đức Hộ Pháp mượn người Phạm Môn bổ đi các địa phương để giữ vững tinh
thần của các tín đồ.
Đứng trước tình thế nan giải ; trong thì nội bộ bất
hòa, chia rẽ, chi nầy, phái nọ nghịch lẫn nhau. Ngoài thì Pháp đàn áp, bắt bớ,
giam cầm, tra tấn số đông anh em Phạm Môn ở khám đường Tây Ninh cả ba tháng
trời, Đức Hộ Pháp đồng ý đưa anh em Phạm Môn ra cầu phong, nhận lãnh áo mão,
phẩm tước của Hội Thánh hành Đạo để giải tỏa những sự hiểu lầm trong và ngoài
Hội Thánh.
Đàn cơ tại Cung Đạo Đền Thánh đêm 15-2- Ất Hợi (
19-3-1935 ). Đức Lý Giáo Tông phong :
· ? Giáo Hữu.
· 26 Lễ Sanh Nam .
· 14 Lễ Sanh Nữ.
Hầu hết những vị nầy
đều được bổ nhiệm làm đầu họ Đạo Phước Thiện tại các tỉnh có nhiệm vụ lập các
sở Lương Điền, Công Nghệ, Thương Mãi y như Phạm Môn nhưng đổi tên lại thành Phước Thiện và
các cơ sở nầy thuộc quyền Hội Thánh.
Cơ quan Phước Thiện mới thành hình đặt dưới quyền
chưởng quản của Ngài Khai Pháp Hiệp Thiên Đài Trần Duy Nghĩa.
Như vậy đường lối tu chơn Phạm Môn không áo mão,
phẩm tước trong buổi đầu đã bị biến tướng thành cơ quan Phước Thiện mở rộng ở
nhiều tỉnh từ năm 1935 với Thập Nhị đẳng cấp thiêng liêng là 12 phẩm tước do
Hội Thánh mới đặt ra gồm :
1/ - Minh Đức.
2/ - Tân Dân.
3/ - Thính Thiện.
4/ - Hành Thiện.
5/ - Giáo Thiện.
6/ - Chí Thiện.
7/ - Đạo Nhơn.
8/ - Chơn Nhơn.
9/ - Hiền Nhơn.
10/ - Thánh Nhơn.
11/ - Tiên Tử.
12/ - Phật Tử.
Tám phẩm dưới do Hội Thánh phong có nhiệm vụ giúp
Hội Thánh Cửu Trùng Đài. Bốn phẩm sau cùng là Hiền Nhơn, Thánh Nhơn, Tiên Tử,
Phật Tử phải do cơ bút định, giúp Hội Thánh Hiệp Thiên Đài giữ gìn chơn pháp
tức là bảo thủ bí pháp tâm truyền.
VI) - CÂN THẦN TRUYỀN PHÁP
Trong Đại Đạïo Tam Kỳ Phổ Độ người chịu trách nhiệm
tối cao truyền bí pháp là Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc - người đứng đầu cơ quan
Hiệp Thiên Đài. Trong Pháp Chánh Truyền Đức Chí Tôn dạy :
"
Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự cầm quyền Thiêng Liêng mối Đạo ".
Cầm quyền thiêng liêng mối Đạo có nghĩa là dùng
quyền lực vô hình của Bát Quái Đài tác động trên đời sống hữu hình của Hội
Thánh và chúng sanh. Bí Pháp là quyền năng của điển lực để giải thoát Chơn Thần
con người khỏi những ràng buộc của thất tình lục dục, bí pháp thuộc phần trách
nhiệm của Hiệp Thiên Đài truyền lại cho chức sắc gồm có hai phần :
- Cái thể tức nhiên là hình thức, phương pháp phải
làm như thế nào để diêu động được điển quang trong nội thân con người và trong
Trời Đất. Phần nầy người đi trước học được truyền lại cho người đi sau được.
- Phần thứ hai là hiệu ứng của nó tức nhiên là kết
quả của sự vận dụng phương pháp đó đã đạt được những gì. Phần nầy thuộc quyền
năng của Bát Quái Đài vô tư và khách quan.
1/ - Nguồn gốc Bí Pháp Đạo Cao Đài do đâu ?
Chúng ta hãy nghe một đoạn trong lời giảng của Đức
Hộ Pháp đêm 13-8-Mậu Tý ( 16-9-1948 ) tại Đền Thánh.
"
Nhớ lại từ khi Đức Chí Tôn chọn Bần Đạo làm Hộ Pháp, dạy Bần Đạo phò loan và
chấp bút. Đặc biệt hơn hết là chấp bút vì nhờ chấp bút mà Bần Đạo được Đức Chí
Tôn dạy cách tham thiền. Khi biết tham thiền rồi mới nhập tịnh nhưng nhập tịnh
không phải dễ, chỉ sai một tí, sót một chút là có thể hỏng cả cuộc đời. Nhập
tịnh mà không tới thì bị hôn trầm tức là ngủ gục, còn nhập tịnh mà quá mức thì
phải điên đi mà chớ. Nhập tịnh mà đúng rồi còn phải nhờ các Đấng Thiêng Liêng
mở Huệ Quang Khiếu nữa mới xuất hồn ra được. Con đường mà Chơn Thần xuất ra rồi
về với Đức Chí Tôn là con đường Thiêng Liêng hằng sống đó vậy.
Chính
Bần Đạo được Đức Chí Tôn mở Huệ Quang Khiếu, nên mới về được hội kiến cùng Đức
Chí Tôn và đã học hỏi được nơi Đức Chí Tôn nhiều điều bí yếu, bí trọng"
Và một đoạn khác trong lời Thánh giáo của Đức Chí
Tôn ngày 24-4-1926 :
"
Chiêu là môn đệ yêu dấu của Thầy, nó có công tu luyện, Thầy lại dùng huyền diệu
mà rỗi nó trước các con ". ( Trích Đạo Sử Hương Hiếu )
Một đoạn khác trong lời giảng của Đức Hộ Pháp thuật
lại lần gặp gỡ đầu tiên giữa Ngài và Đức Ngài Lê Văn Trung.
"……
Khi chúng tôi ôm cái cơ đến nhà Ngài đặng Đức Chí Tôn độ, mục đích chúng tôi là
Đức Chí Tôn bảo đâu làm đó vậy thôi. Khi tới nhà thú thật với Ngài rằng :
Chúng
tôi được lệnh Đức Chí Tôn đến nhà anh phò loan cho Đức Chí Tôn dạy Đạo, ông
biết Đấng đó hơn chúng tôi, lo sắp đặt bàn ghế sửa soạn buổi phò loan rồi bắt
ông nhập môn. Trong nhà có một người con nuôi tên Thạnh còn nhỏ độ 12 tuổi, hai
cha con kiếm được cơ đâu không biết, vái rồi cầu cơ, khi phò loan thằng nhỏ
ngủ, ông thì thức. Cơ chạy hoài, ông hỏi thì Đức Chí Tôn mới trả lời, chỉ có
hai người biết với nhau mà thôi. Từ đó ông mới tin Đức Chí Tôn ". ( Trích lời
thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp, 13-10- Giáp Ngọ- 1954 )
Từ khi Đức Chí Tôn giao trọng trách một Đại Thiên
Phong bên Cửu Trùng Đài, Ngài Thượng Trung Nhựt luôn luôn bận rộn với việc Đạo
của Hội Thánh trong những năm đầu mới thành lập đầy những khó khăn đối nội và
đối ngoại. Ngài từ chối hình thức tu luyện nhập tịnh thất, sống cách ly với
những sinh hoạt bên ngoài với lý do "Đạo
thì nghèo, em thì đông an nơi đâu mà tịnh…"
Nhưng trên thực tế Ngài là một đồng tử thông công
được với Đức Chí Tôn và được Đức Chí Tôn giáng tâm chỉ dạy Ngài phương pháp " tĩnh tâm " Ngài áp dụng
phương pháp tu tập nầy hằng ngày trong khi vẫn ngồi làm việc tại Giáo Tông
Đường. Điều nầy chỉ một số ít người sống thân cận với Ngài mới biết được.
Và Ngài đã đắc Đạo linh hiển.
Như vậy trong buổi đầu của lịch sử Đạo Cao Đài,
theo thứ tự thời gian cả ba Ngài Ngô Văn Chiêu, Phạm Công Tắc, Lê Văn Trung đều
là những đồng tử thông công được với Đức Chí Tôn và chính Đức Chí Tôn dùng
huyền diệu độ rỗi cả ba vị nầy.
Về sau Đức Chí Tôn giao trách nhiệm cho Ngài Phạm
Công Tắc ở Hiệp Thiên Đài, còn hai vị kia ở Cửu Trùng Đài, một người nhận một
người từ chối.
Vấn đề nguồn gốc bí pháp Đạo Cao Đài thọ truyền từ
đâu đã rõ. Đức Hộ Pháp học bí pháp trực tiếp từ Đức Chí Tôn. Đức Hộ Pháp có
tiếp xúc với Ngài Ngô Văn Chiêu trong buổi đầu nhưng về một vấn đề khác, không
phải vấn đề bí pháp.
2/ - Cân thần là gì ? Cân thần là từ ngữ bình dân mà các bậc tiền bối trong
đạo hay dùng để chỉ công việc tuyển chọn người có đủ điều kiện được truyền bí
pháp. Cân thần là đo lường, xem xét, cân nhắc mức độ trược khí trong Chơn Thần
của một người nhiều ít thế nào có đủ sức chịu đựng nổi điển lực của các Đấng
trọn lành ban cho hay chưa mà không bị biến tướng thành Tả Đạo. Đức Hộ Pháp
dùng thần của Ngài, tức là sự minh triết thiêng liêng nơi con người của Ngài
quyết định vấn đề nầy, các vị Thời Quân Chi Pháp cũng có truyền bí pháp cho
chức sắc nhưng khả năng cân thần cho từng cá nhân người thọ nhận không thấy các
Ngài thi thố.
Đối với các vị tu ở Phạm Môn đã chuyển qua hình
thức Phước Thiện từ năm 1935 và có nhận lãnh trách nhiệm Đầu Họ Đạo Phước Thiện
tại các tỉnh vào dịp lễ vía Đức Chí Tôn ngày 9-1- Bính Tý ( 1936 ) Đức Hộ Pháp
có truyền các phép bí tích, giải oan, tắm thánh, phép xác, hôn phối cho các vị
nầy tại Hộ Pháp Đường. Đức Hộ Pháp hành pháp trục thần, khai khiếu và truyền
dạy cách thực hành cho từng vị, ngoài ra còn được đặc ân nhận lãnh phép " Bạch Đăng " ( cây đèn trắng
) để trong khi hành Đạo gặp chuyện khó khăn thắp lên vào giờ Tý và thành tâm
cầu nguyện Đức Ngài sẽ đến giúp cho. Một số chức sắc Cửu Trùng Đài cũng được
ban phép " Bạch Đăng " và
nhiều giai thoại lý thú được ghi nhận chung quanh lối làm việc huyền linh nầy
của Đức Hộ Pháp, xác thân ngồi tại Hộ Pháp Đường mà Chơn Thần ứng biến xuất
hiện được nhiều nơi khác nhau để yểm trợ cho chức sắc hành đạo.
Xin đơn cử vài trường hợp điển hình sau đây :
(Kiểm duyệt bỏ một đoạn)
Riêng về phần công phu nội thân để hàm dưỡng Tinh
Khí Thần, việc truyền bí pháp không đồng đều, có người được Đức Hộ Pháp chỉ
trọn một vòng luân chuyển khí lực, có người chỉ là mới hình thức khởi đầu. Điều
ấy cũng dễ hiểu vì trình độ tu tiến và nghiệp lực của mỗi cá nhân không giống
nhau. Cụ thể Đức Hộ Pháp đã chỉ cho những vị ấy cách thức công phu như thế nào,
điều nầy không thể phổ biến rộng rãi trên giấy được, vì nó cũng giống như những
liều thuốc thần kinh cực mạnh, phải đúng với bệnh trạng của từng cơ thể bệnh
nhân và phải có sự giám sát kỹ lưỡng của bác sĩ, bằng không sẽ có hại nhiều hơn
lợi, lý do bí truyền là ở chỗ tai hại nầy. Nếu như thuật điều khí, dưỡng thần,
truyền thần, xuất thần…v..v.. là một công thức cố định mà bất cứ cơ thể người
nào cũng có thể áp dụng có kết quả tốt thành Tiên hoá Phật được thì bậc chơn tu
là kẻ có lòng từ tâm biết thương đời, muốn cứu vớt chúng sanh khỏi vòng trầm
luân khổ hải đâu có lý do gì để giữ kín.
Đối với bậc hạ thừa Đức Hộ Pháp có cho phổ biến
rộng rãi một phương pháp tập thể dục, gọi là phương pháp dẫn huyết gồm động tác
vận động cơ bắp, gân cốt, kích thích thần kinh. Đặc biệt đáng chú ý là cách thở
dài hơi, chậm,sâu xuống bụng gọi là dẫn khí xuống đan điền. Cách hấp cặp nhãn
bằng cách xoa lòng bàn tay rồi vuốt mắt cho mở bùng ra, tinh thần phải mạnh
dạng và thấy hình Thiên Nhãn, và phần chót thuộc tư tưởng buộc phải tập suy
nghĩ cho chơn chánh hằng ngày. Thể dục xong cúng thời sáng mỗi ngày một lần.
Trên thực tế áp dụng lối dưỡng thần nầy không phải dễ dàng thành công. Trong
cuộc đời bon chen cơm áo nầy con người luôn bị tác động để suy nghĩ những
chuyện gian dối tham lam, giành nhau từng chút lợi quyền nhỏ nhặt , hằng ngày
buộc phải sống với hạnh đức của bậc chân tu, suy nghĩ cho chơn chánh, lòng phải
thanh tịnh để tưởng tượng được ra hình Thiên Nhãn.
Dầu đó chỉ là bước đầu luyện tập, người tín đồ từ
đó vẫn phải trải qua những cuộc tranh đấu nội tâm dữ dội lắm mới đi được trên
con đường chánh đạo.
Ngay như hình thức cúng tứ thời hàng ngày tại tư
gia người tín đồ, xét trên phương diện tâm pháp khả năng trụ thần được trong
thời cúng ít bị phóng tâm cũng có ít người thành công, vẫn biết rằng :
"
Lễ bái thường hành tâm Đạo khởi ".
Nhưng chỗ rốt ráo vẫn là :
"
Sang hèn trối kệ tâm là quí
Tâm
ấy tòa sen của Lão ngồi "
Con đường tu chơn phải ngó đến chỗ rốt ráo ấy.
Miệng đọc kinh lâm râm mà lòng tưởng nhớ lung tung chuyện đời, tâm ấy đâu còn
chỗ trống để làm "Toà sen cho Lão
ngồi". Cúng mà Thần Thánh không ngự được nơi tâm thì lạy ai đây ?
Lạy khói nhang hay lạy bàn thờ bằng gỗ, hay lạy
tiền tài danh vọng, tình duyên đang nhớ tới bên trong. Khía cạnh phàm tục của
con người là như thế, chiếc áo không làm nên thầy tu.
Đi vào tu chơn là đối diện với sự thật tâm linh một
cách rõ ràng Thánh, phàm không lẫn lộn, bí pháp trong nghi lễ cúng lạy là ở chỗ
mở ra tâm mình giao cảm được với các Đấng để nắm bắt được bóng dáng của Chân Sư
làm một quyền năng vô hình dìu dẫn mình từng chuyện lớn nhỏ trong suốt cuộc đời
tu học về sau cho đến chỗ :
"
Đạo hư vô Sư hư vô
Reo
chuông thoát tục phất cờ tuyệt sinh "
( Kinh xuất hội )
Bước khởi đầu mượn hữu hình tìm đến vô vi còn chưa
thực hiện được, lại đòi bí pháp tịnh luyện để siêu phàm nhập Thánh chỉ là mơ
vọng xa xôi.
Quan niệm tu chơn của Toà Thánh Tây Ninh rất nghiêm
khắc, vì vậy việc truyền bí pháp của Hiệp Thiên Đài vẫn trong vòng im ẩn, ít
người biết rõ.
CON
ĐƯỜNG TU CHƠN TIẾP DIỄN NHƯ THẾ NÀO
SAU
NGÀY PHẠM MÔN BIẾN TƯỚNG THÀNH PHƯỚC THIỆN
Sau ngày Phạm Môn biến tướng thành Phước Thiện, cơ
quan nầy phát triển nhanh chóng nhớ vào những yếu tố hữu hình, âm thanh, sắc
tướng đáp ứng sát với trình độ tâm lý của đa số nhơn sanh. Người ta dễ dàng cảm
thấy hài lòng với những bộ đạo phục có màu sắc phân biệt đẳng cấp khác nhau,
chỗ ngồi trước sau trong nội tâm Thánh Điện theo nghi lễ Triều Thiên.
Quyền hành phẩm tước, áo mão, lễ nghi tế tự theo
thứ bậc tác động như những hình thức Thần Thánh hóa công đức của người tu, phô
bày trước mắt nhơn sanh có một sức kích thích dây chuyền trong lòng người hơn
là những chứng ngộ nội tâm im ẩn của hàng chơn tu.
"
Mình Thánh mình hiền mình biết lấy
Tặng
phong quá tiếng chớ nhờ ai " (TVDĐ )
Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng của cơ quan Phước
Thiện chính thức thành hình do Đạo Nghị Định số 48/ ĐNĐ ngày 19-10- Mậu Dần (
10-12-1938 ) Đức Hộ Pháp và Đức Lý Giáo Tông đồng ký ban hành.
Quyền vạn linh công nhận qua Đạo Luật Mậu Dần 1938,
Phước Thiện là một trong bốn cơ quan của tổ chức trong Đạo Cao Đài. Song song
với sự phát triển hình tướng, tổ chức vấn đề tâm pháp trong lòng người chức sắc
diễn tiến ra sao ? Bất luận hành đạo ở cơ quan nào Hành Chánh, Phổ Tế, Tòa Đạo,
Phước Thiện……, khi chơn thần người chức sắc đã đạt đến tình trạng thu hút sự
chú ý của Đức Hộ Pháp về phương diện huyền linh, họ sẽ được Đức Ngài quan tâm
đặc biệt hơn và có dịp gặp gỡ chỉ dạy riêng về tâm pháp một cách kín đáo. Đức
Ngài có năng khiếu tâm linh đặc biệt do Đức Chí Tôn khai mở ngay từ buổi đầu
trong cuộc sống tu hành nên vấn đề nhận diện được những chơn thần tinh tấn còn
trong thân xác con người là việc bình thường đối với Đức Ngài. Đối với người
thường, hiểu được vấn đề nầy trên lý thuyết đã khó rồi nói chi đến việc thực
hành, vận dụng con mắt siêu phàm ấy để tìm người mà độ. Năng khiếu tâm linh ấy
mỗi người đều có trong trạng thái tiềm ẩn. Muốn vận dụng nó duy chỉ có cách tu
hành thật nghiêm chỉnh và cao độ.
Kinh nghiệm của một vài vị chức sắc Hiệp Thiên Đài
cho biết đi cúng trong tình trạng mỏi mệt vì thức khuya, có lần sau giờ cúng
thời Tý bị Đức Ngài gọi đến nhắc nhở phải chuẩn bị nghỉ ngơi, ngủ sớm đừng để
mệt mỏi như vậy. Vì khi nãy Ngài thấy chơn thần xấu quá ! Tốt cũng được thấy để
nâng đỡ mà xấu cũng bị thấy để nghe quở rầy. Vấn đề tâm pháp bí truyền ai có
sống gần gũi Đức Hộ Pháp mới hiểu được chuyện ấy không có gì là lạ.
Tuy nhiên cách thức khởi đầu công phu do Ngài chỉ
dạy cho người nầy có thể không giống người kia vì tâm đức của họ chẳng đồng,
nghiệp lực cá nhân khác nhau nhưng nguyên lý thăng hoa Tinh Khí Thần vẫn đồng
nhất lý.
Những phương pháp khai mở năng khiếu tâm linh cũng
được truyền dạy theo nguyên tắc riêng từng người. Chẳng hạn trường hợp một chức
sắc Hiệp Thiên Đài được Đức Ngài tập luyện khiếu thần giao cách cảm bằng cách
Ngài ở trên lầu Hộ Pháp Đường còn vị chức sắc kia ở tầng dưới. Ngài nói điều
chi đó với vị chức sắc nầy và ông phải tập lắng nghe như trong trạng thái thông
công với các Đấng bằng cách giáng tâm, xong rồi trình lại với Đức Ngài, kết quả
ghi nhận được để xem mức độ chính xác đến đâu. Không khoe khoang, không tự ý
chỉ lại những người khác những gì Đức Hộ Pháp đã mật truyền được coi là những
đức tính cần thiết của loại sinh hoạt nầy.
Vì vậy vấn đề tu chơn truyền bí pháp tuy vẫn âm
thầm tiếp diễn, nhưng nếu nhìn ở bề ngoài và nghe trong dư luận quần chúng
dường như chìm trong quên lãng bên cạnh những ồn ào của sinh hoạt truyền giáo
và kinh tế phước thiện.
Về phần lý thuyết tu chơn, năm 1947 Đức Hộ Pháp cho
phổ biến "Phương Luyện Kỷ đặng vào
con đường thứ ba Đại Đạïo" gồm 273 chữ. Đó là những chỉ dẫn có tính
cách nguyên tắc cụ thể theo một lối sống mẫu mực của các bậc Thánh Tiên xưa
truyền lại, được diễn tả một cách tân thời hợp với những từ ngữ quen dùng trong
Đạo Cao Đài.
Các sách báo Đạo đều có phổ biến rộng rãi phương
pháp nầy, thậm chí còn có một bản in thủ bút của Đức Hộ Pháp về phương luyện kỷ
cùng với ảnh của Đức Ngài đang đứng ban phép lành để lộng vào khuôn kính treo
nơi vách nhà nhiều tín đồ như là một hình thức nhắc nhở phải tập sống theo mẫu
mực ấy.
Sau ngày Đức Hộ Pháp qui thiên các vị Thời Quân Chi
Pháp và Chi Đạo còn lại tiếp tục chịu trách nhiệm về sinh hoạt tu chơn trong
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, nhưng trên thực tế hoạt động của các vị nầy rất yếu ớt.
Song song với sự suy thoái quyền lực hữu hình của Hiệp Thiên Đài về nhiều
phương diện, trong đó có vấn đề truyền bí pháp huyền linh của Bát Quái Đài lại
vượng lên dưới nhiều hình thức khác nhau, giống như tính chất linh thiêng trong
những năm đầu của lịch sử Đạo Cao Đài. Con đường tu chơn của tín đồ tiếp diễn
với một sắc thái khác có tính cách tự phát, kinh nghiệm của người đi trước giúp
đỡ phần nào cho người đi sau, cộng với những chỉ dẫn do mặc khải nội tâm của cá
nhân được ghi nhận đó đây trong hàng ngũ chức sắc vá tín đồ hữu công hữu đức.
Nếu như ngày xưa Đức Hộ Pháp còn tại thế, tâm lý
của nhơn sanh trong lãnh vực tu chơn nầy đã trông cậy vào Ngài như một ngọn đèn
sáng bảo đảm bườc đi không lạc lối, thì trong thời kỳ uy linh của Hiệp Thiên
Đài mờ nhạt dần, đức tin của tín đồ về mặt huyền linh có tính chất tản mát theo
từng nhóm do luật đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu, tùy duyên hóa độ và
đe dọa trong tương lai có nhiều trường phái khác nhau mà mỗi phái hay mỗi xu
hướng chỉ có khả năng làm sáng tỏ được một góc độ nào đó của triết lý Đại Đạo
Tam Kỳ Phổ Độ.
VIII) - PHƯƠNG LUYỆN KỶ
Mười tám năm sau ngày khai mở Phạm Môn với nội luật
sơ đẳng gồm 10 điều giới răn. Năm 1947 Đức Hộ Pháp đưa ra "Phương Luyện Kỷ đặng vào con đường thứ ba Đại Đạo" gồm
18 điều giáo huấn nằm gọn trong 273 chữ được coi là những nguyên tắc cụ thể,
chi tiết hơn 10 điều giới răn, buộc người tín đồ phải áp dụng nếu muốn bước vào
con đường tu chơn.
Nội dung phương luyện kỷ là sự thánh hóa tánh đức
con người để làm nền tảng cho những hành vi đạo đức phô diễn một cách chơn thật
ra bên ngoài trong cách đối nhân xử thế, có sức cảm hóa lòng người hướng về nẻo
thiện và để làm một tòa ngự thiên lương cho vận hà thần lực từ cõi thượng giới
tuôn chảy qua hồn phách của bậc chân tu đắc pháp, tác động trên sự tấn hóa của
các sanh linh khác trên một vùng rộng lớn ít nhiều tương ứng với đức độ của vị
ấy có được.
Phần kết của phương pháp nầy ghi "Ấy là chìa khóa mở cửa Bát Quái Đài
tại thế nầy " đã nói lên ý nghĩa vừa nêu trên, đồng nghĩa với đắc đạo
tại thế, chơn thần của bậc chân tu sẽ có đủ quyền năng tương liên cùng các Đấng
trọn lành, thường xuyên sống trong trạng thái Trời người hiệp nhứt. Tuyệt nhiên
không có chỉ dẫn nào về cách thực hành công phu nội thân, để kích thích các
phản ứng sinh hóa làm biến đổi khối vật chất của thức ăn thành nhiệt năng, cơ
năng hay là tác động để thúc giục sự khai mở các năng khiếu tâm linh như Thần
Nhãn chẳng hạn.
Phương luyện kỷ hướng dẫn người tín đồ phải sống
như thế nào mới đắc đạo tại thế. Còn phương pháp công phu nội thân hay là thuật
làm gia tốc hiện tượng Tinh hóa Khí, Khí hóa Thần, Thần huờn Hư là việc bí
truyền cho từng cá nhân, người tu thường hay nhầm lẫn hai lĩnh vực nầy những
tưởng rằng nếu họ có được bí quyết tịnh luyện là đắc đạo.
Sự thật nếu không sống được theo những nguyên tắc
thánh thiện thì không bao giờ thành Thánh cả dù có học thuộc lòng hằng pho kinh
điển dạy tham thiền nhập định. Thần Thánh Tiên Phật là những linh hồn đã thoát
xác mà trước kia đã sống theo kiểu người Thần, người Thánh, người Tiên, người
Phật, tên gọi ấy do con người đặt ra tùy sở hành của họ trong một kiếp sanh mà
có, chớ chơn linh vốn không tên tuổi, không hình ảnh chỉ là một sức sống tâm
linh, sáng suốt thánh thiện.
Bí quyết tịnh luyện thực hành có kết quả tốt được
là khi nào đời sống thân xác và tâm linh của con người có đầy đủ Thánh chất,
trong trường hợp trái lại Thiên Đình sẽ đánh tản Thần không cho hiệp cùng Tinh
Khí.
Tại sao vậy ?
Vì một khi Tinh Khí Thần hiệp nhứt thì đương nhiên
Chơn Thần có quyền năng pháp thuật mà trong quyền năng pháp thuật ấy còn chứa
đầy tính phàm tục, nên khi vận dụng quyền năng tâm linh ấy có động cơ phàm tục
tác động sâu kín bên trong, tức nhiên đã lạc lối vào con đường tà Đạo, bậc chân
tu không nên đào tạo Chơn Thần mình theo kiểu ấy và quyền năng tâm linh tích tụ
được do công phu tịnh luyện theo kiểu ấy cũng cần được giải tán.
Thiên Đình đánh tản Thần không cho hiệp cùng Tinh
Khí là để tránh chỗ tai hại nầy. Phương luyện kỷ là hình thức giáo hóa nhơn
sanh hiểu con đường tu chơn phải như thế nào mới đúng, được phổ biến rộng rãi
để tín đồ có ý thức rõ rệt khi bước vào sinh hoạt tịnh luyện không mơ hồ, nghi
hoặc hay mơ mộng điều huyễn ảo dị đoan. Ấy là phần dọn mình cho trong sạch để
Thánh linh có thể giáng ngự được khi người tín đồ bước sanh giai đoạn thượng
thừa nghiêm khắc được truyền pháp, trục thần, khai khiếu.
Có nhiều nguy hiểm có thể làm hư hoại cả cuộc đời
con người ở khúc quanh nầy, nên việc truyền bí pháp xưa nay các bậc Thánh hiền
vẫn phải giữ gìn nghiêm nhặt. Lý do chính chỉ có thế thôi, hay nói cách khác là
do trình độ tu tiến nghiệp lực của người thọ nhận xứng đáng hay chưa mà vị chân
sư quyết định truyền pháp hay còn chờ đợi sự dọn mình tiếp tục.
Nguyên văn lời chỉ dạy của Đức Hộ Pháp như sau :
Phương Luyện Kỷ đặng vào con đường thứ ba Đại Đạo
· Phải thân thích cùng cả nhơn vật tức là tìm
nguyên do của vạn linh cùng chí linh.
· Phải ân hậu và khoan hồng.
· Phải thanh nhàn đừng vị kỷ.
· Phải bình tĩnh nghĩa là đừng chịu ảnh hưởng của
họa phước buồn vui ( tập tánh không không đừng nhiễm. Vui cũng vui buồn cũng
buồn nhưng đừng để nọc buồn vui thấm vào chơn tánh ).
· Phải độ lượng khoan dung tha thứ.
· Phải vui vẻ, điều hòa tự chủ và quyết đoán.
· Giữ linh tâm làm căn bản.
· Hiếu hạnh với Chí Tôn và Phật Mẫu.
Phương Pháp trị tâm vì tâm là hình ảnh của thiên
lương
· Đức tin và khôn ngoan là kho chí bửu, ngoài ra là
của bỏ là đồ vô giá.
· Ai cố oán kẻ thù của mình thì khó giữ thanh tâm
công chánh cho đặng.
· Ai chẳng oán hận mới thắng đặng kẻ thù nghịch
cùng mình.
· Sự cừu hận là khối thảm khổ đệ nhứt của nhơn
sanh, nên người hiền thì không biết đến hay là từ bỏ cừu hận oán ghét.
· Thắng đặng khí nộ mình thì không chọc ai giận dữ.
· Lấy thiện mà trừ ác.
· Lấy nhơn nghĩa trừ bạo tàn.
· Lấy lòng quảng đại đặng mở tâm lý hẹp hòi.
· Lấy chánh trừ tà.
· Ấy là đường thương huệ kiếm.
Phương pháp luyện thân - luyện trí
· Ẩm thực tinh khiết.
· Tư tưởng tinh khiết.
· Tín ngưỡng mạnh mẽ nơi Chí Tôn và Phật Mẫu.
· Thương yêu vô tận.
· Ấy là chìa khóa mở cửa Bát Quái Đài tại thế nầy.
Tòa Thánh ngày 14-01- Đinh
Hợi ( 1947 )
Hộ Pháp
( ký tên và đóng dấu )
Một vấn đề được đặt ra là Đức Hộ Pháp cũng như các
vị giáo chủ khác, sau khi hoàn thành sứ mạng thiêng liêng của mình sáng lập ra
một nền Đạo truyền bá giáo lý, truyền bí pháp, các Ngài phải bỏ xác phàm. Những
vị thừa kế sự nghiệp tinh thần ấy lại không đủ sáng chói như các vị giáo chủ
nên quyền năng bí pháp đương nhiên phải giảm sút đi ít nhiều. Càng qua nhiều
thế hệ thừa kế, nét qui phàm càng hiện ra trong hàng ngũ những tu sĩ cao cấp
của giáo hội.
Cho đến một thời kỳ lịch sử nào hành động của khối
lớn tu sĩ đã biến chất rất nhiều và những mục đích cao thượng ban đầu bị lệch
lạc gần hết thì nền Đạo bị thất chơn truyền. Trên dòng lịch sử các Đạo giáo
thỉnh thoảng cũng có những hình thức phục hưng chơn pháp do các Chơn Linh cao
trọng giáng trần, chỉnh lại những sai lệch đang diễn ra nhưng rồi sau đó một
thời gian hiện tượng qui phàm với những nguyên nhân không thể tránh được, là
khối phàm tâm của tín đồ lớn hơn Thánh chất đã tác động và làm nên lịch sử Đạo
theo chiều hướng ấy.
Kinh nghiệm lịch sử loài người đã đúc kết lại như
thế, liệu rằng sau khi các vị Thời Quân Hiệp Thiên Đài đều qui vị hết, sinh
hoạt tu chơn truyền pháp có giữ được nguyên tắc tuyển chọn kỹ lưỡng như trước
không ?
Đức Chí Tôn khẳng định trong Pháp Chánh Truyền, hễ
Đạo còn thì Hiệp Thiên Đài vẫn còn và khối tín đồ Cao Đài tin tưởng như thế,
nhưng trong khi chờ đợi một Hiệp Thiên Đài thứ hai với đầy đủ huyền linh đáng
tin cậy thì vấn đề truyền pháp trong khoảng trống Hiệp Thiên Đài ấy sẽ diễn ra
dưới hình thức nào ? Phân tích vấn đề tu chơn đến đây chúng ta thấy có hai phần
rõ rệt :
* Phần thứ nhứt là sống với tánh đức và hành động
như thế nào mới gọi là tu chơn ?
Câu trả lời đã có. Đó là :
"
Phương luyện kỷ đặng vào con đường thứ ba Đại Đạo"
* Phần thứ hai là những bí quyết trong khoa tịnh
luyện, thiền định được truyền lại từ Đức Hộ Pháp hay vài vị Thời Quân có tính
cách bí truyền mà nay các Ngài đều qui vị hết phải tìm nơi đâu mới có ?
Câu trả lời :
Đương nhiên phải do những người hữu hình khác thực
hiện. Trong trường hợp nầy kinh nghiệm của người đi trước sẽ chỉ lại cho người
đi sau cùng với sự ám trợ tư tưởng của quyền Thiêng Liêng. Vấn đề nầy đòi hỏi
người tu phải có một đức tin mạnh mẽ và biết lừa lọc những kiến thức tiếp thu
được cho phù hợp với trạng thái Tinh Khí Thần của mình, bởi lý do thiếu quyền
năng cân thần của Đức Hộ Pháp như khi Ngài còn tại thế.
Luôn luôn trong cửa Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nầy vẫn có
những bậc tu chơn ẩn dạng, có đủ sự sáng suốt tâm linh để giúp đỡ cho người đi
sau những chỉ dẫn cần thiết và đúng lúc khi người tín đồ có đủ công đức và xứng
đáng được truyền bí pháp. Họ không phải là Hộ Pháp hay Thời Quân chi cả, họ là
những tín đồ tu chơn có đức độ thể hiện được Thánh ý của Bát Quái Đài để trợ
thần cho người tu luyện. Nhưng cái khó không phải ở chỗ tìm đâu ra bí quyết tu
luyện, tìm đâu ra người có thể chỉ dẫn lại cho mình, mà khó ở chỗ có sống được
với tâm đức và hành động chí Thánh hay chưa. Một khi đã sống được một đời sống
thánh thiện thật sự, dầu chưa vội tìm thì bí pháp cũng sẽ đến dưới hình thức
nầy hay hình thức khác do sự điều động tự nhiên của quyền Thiêng Liêng khiến
cho những việc hữu hình xảy ra đúng lúc.
Thật vậy, nếu công đức chưa đầy đủ dù có đến trước
mặt Đức Hộ Pháp khi Ngài còn tại thế và yêu cầu Ngài truyền bí pháp, Ngài vẫn
không thể làm việc ấy bởi những lý do đã phân tích ở những đoạn trước, và ngược
lại khi tinh thần của người tu xứng đáng được truyền bí pháp dù Đức Hộ Pháp
không còn tại thế, quyền năng thiêng liêng của Đức Ngài cũng sẽ tác động trợ
thần cho người tu luyện có ấn chứng và khiến cho ở cõi hữu hình nầy có những
dịp may gặp người có khả năng chỉ dẫn thêm cho mình được.
Đức Chí Tôn dạy :
"
Thầy đến đặng huờn nguyên Chơn Thần cho các con đắc Đạo ".
Lời
hứa của Đại Từ Phụ chẳng khi nào sai sót và Thầy thì huyền diệu vô cùng thiên
biến vạn hóa. Đạo pháp lại vô biên nên trong " Phương luyện kỷ đặng vào
con đường thứ ba Đại Đạo" Đức Hộ Pháp dặn :
Phải có đức tin mạnh mẽ nơi Đức Chí Tôn và Phật Mẫu
mới có thể đến chỗ mà Ngài gọi là "
Mở cửa Bát Quái Đài tại thế nầy "
Để kết luận vấn đề nầy có thể tóm tắt như sau:
Tùy theo công đức của người tu có được tới đâu bí
pháp huyền linh Đức Chí Tôn sẽ cho ứng hiện đến đó bằng nhiều hình thức linh
diệu và đó là nguyên tắc thăng tiến trên con đường tu học, từ xưa đến nay vẫn
vậy.
GIẢI ĐÁP VÀI THẮC MẮC VỀ
TU CHƠN LUYỆN KỶ
1/ - Hỏi :
Điều thứ 13 chương II Bộ Tân Luật Đại Đạo Tam Kỳ
Phổ Độ do Tòa Thánh Tây Ninh ban hành từ năm 1927 qui định rằng :
Trong hàng hạ thừa ai giữ trai kỳ từ 10 ngày sắp
lên được thọ truyền Bửu Pháp vào tịnh thất có người chỉ luyện Đạo. Nay Đức Hộ
Pháp chủ trương phải có đủ tam lập mới được nhập tịnh tại Trí Huệ Cung, điều ấy
có quá khắt khe chăng ?
Đáp :
Về khoảng trong hàng hạ thừa ai giữ trai kỳ từ 10
ngày trở lên được thọ truyền Bửu Pháp vào tịnh thất có người chỉ luyện Đạo. Hội
Thánh đã cho phổ biến một phương pháp tập dưỡng sinh cho cơ thể tinh tấn dần,
chuẩn bị bước lên bậc thượng thừa đòi hỏi nhiều công phu nghiêm khắc hơn.
Phương pháp nầy gồm :
* Một số động tác thể dục bắp thịt và gân cốt, cách
thở dài hơi sâu, chậm và cúng thời Mẹo mỗi ngày để điều hòa khí huyết và dưỡng
thần một cách nhẹ nhàng, áp dụng cho bậc hạ thừa ở nhà cũng luyện tập được
không đòi hỏi điều kiện phải vào tịnh thất.
* Phương pháp nầy đã thấy phổ biến từ khi Đức Hộ
Pháp còn sanh tiền, nhưng tiếc thay chỉ có một số ít người chịu khó luyện tập
thành thử lâu ngày ít nghe nhắc tới, đến thế hệ sau gần như thất truyền nên có
một số người hiểu lầm là Hội Thánh không thi hành điều khoản nầy của Tân Luật.
Đó là lúc sống, còn khi chết Hội Thánh cũng đã thực hiện lời hứa của Đức Chí
Tôn, ai giữ trai kỳ từ 10 ngày trở lên được thọ truyền Bửu Pháp, bằng cách cho
làm phép xác, cắt dây oan nghiệt, độ thăng, tức là thực hiện phần bí pháp độ
hồn cho những ai có đủ điều kiện giữ trọn 10 ngày chay mỗi tháng.
2/ - Hỏi :
Cũng trong Bộ Tân Luật nầy chương nói về Tịnh Thất,
điều thứ nhứt qui định trong hàng tín đồ, ai đã xử tròn nhơn đạo và giữ trai
giới từ 6 tháng trở lên thì được xin vào tịnh thất nhập định.
Luật đạo chỉ đưa ra về điều kiện trai giới và gia
đạo, không đòi hỏi phần công quả, phải chăng vì quá chú trọng đến việc truyền
giáo. Đức Hộ Pháp đã đưa ra tiêu chuẩn tam lập đẩy lùi sinh hoạt tịnh luyện vào
giao đoạn chót của tiến trình tu tập. Như vậy có thiệt thòi gì cho người tín đồ
hay không về phương diện tinh luyện thân xác.
Đáp :
Chẳng những không thiệt thòi mà còn có lợi vì đỡ
mất nhiều thời gian luyện tập mà không đem lại kết quả mong muốn. Nói theo lối
hạ thừa tiệm tiến cho dễ hiểu, ai cũng biết nguyên lý căn bản của việc tu luyện
là Giới Định Huệ, phải đi bước thứ nhứt trước rồi mới đến bước thứ hai, thứ ba
tuần tự diễn tiến. Vả chăng trong phép cúng tứ thời cũng đã rèn luyện cho người
tín đồ quen gom thần định trí, đến khi có đủ tam lập bước qua sinh hoạt tịnh
luyện, thiền định kết quả dễ dàng nhanh chóng bảo đảm hơn. Đời người có giới
hạn, sự phân phối thời gian tu tập như vậy có lợi và hợp lý hơn, vả chăng đâu
phải người chức sắc đi làm công việc truyền giáo hay là tín đồ tu thân tại gia
không có bổn phận tinh luyện xác thân mình, đâu phải không vào nhà tịnh là
không tinh luyện thân xác, có nhiều hình thức tùy hoàn cảnh mà thích nghi.
Đây chỉ nói về phương pháp tu học còn riêng về cá
nhân con người thì bất cứ trong lãnh vực sinh hoạt nào, tổ chức nào cũng có kẻ
siêng người lười, lẫn lộn xưa nay vẫn vậy.
3/ - Hỏi :
Nếu công đức là yếu tố quyết định cho người tu dắc
đạo, vậy trong trường hợp một người có nhiều công nghiệp phụng sự vạn linh,
nhưng các hạ thể chưa tinh luyện, chẳng hạn đời sống còn se sua, lãng phí, hoặc
còn uống rượu, hút thuốc trong các ngày hội họp tiệc tùng chi đó. Hỏi những
người nầy có được truyền bí pháp không ?
Đáp :
Khí thể con người luôn có điển quang, những người
chưa tinh luyện các hạ thể một cách nghiêm khắc, lằn điển quang ấy còn nhiều
trược khí thì từng ngày từng tháng họ đang tự phá hủy dần cái đức của mình đã
có được do công của họ mang lại.
Đức Chí Tôn đã phán dạy :
"
Các con đã rõ Đạo thì phải biết đức cần kiệm là đức hạnh đầu trong lúc các con
còn ở thế gian nầy. Như sự lãng phí se sua ở đời nầy Thầy cũng cho là một việc
tổn đức vậy ". ( TNHT.Q1. Tr 48 )
Và Đức Lý đã phán dạy :
"
Tửu nhập tâm di, hại tổn bình sanh chi đức, tánh Thiên Đạo diệt, giục tranh thế
sự chi oan ".
Nghĩa là : Rượu vào lòng đổi hại hao đức bình sanh,
tánh dời Đạo hủy, giục tranh oan nghiệt thế tình. ( Trích Đạo Sử. Tác giả Hương
Hiếu )
Và điều thứ sáu Chương Tịnh Thất Bộ Tân Luật, buộc
người vào Tịnh Thất rồi phải tuyệt trầu thuốc và không ăn chi ngoài bữa cơm.
Do đó xét về mặt hữu hình, về phương diện tam lập
chưa hội đủ điều kiện, xét về mặt bán hữu hình thì khí thể trong chơn thần còn
ô trược. Lằn trược khí ấy khi tiếp nhận điển quang của các Đấng thiêng liêâng
dễ làm biến tướng xảy ra các hiện tượng Tả Đạo Bàn Môn.
Vì vậy dù đứng trước Chân sư cũng khó mong được các
Ngài chấp thuận truyền bí pháp.
Khi giảng về tam lập Đức Hộ Pháp có nói vấn đề nầy
rất khó vì nó thuộc về nửa thể pháp, nửa bí pháp. Bí pháp là phần điển quang
trong sáng của khí thể chơn thần. Thể pháp là phần công nghiệp và đức hạnh biểu
lộ ra trước mắt nhơn sanh nhì thấy được. Tiêu chuẩn Tam Lập đầy đủ gồm cả hai
phương diện nầy.
4/ - Hỏi :
Có trường hợp nào một người tín đồ mới bắt đầu tu
tập theo giáo pháp Tam Kỳ Phổ Độ chỉ một thời gian thật ngắn mà có đủ tam lập
nghĩa là trong nhà tịnh có tuổi thanh niên tham dự không ?
Đáp :
Hội Thánh có nhiệm vụ tạo điều kiện cho tín đồ tu tiến,
sự giác ngộ tâm linh không phân biệt tuổi tác. Cơ duyên để thành công sáng chói
trên đường đạo của một người còn tùy thuộc vào khối nghiệp lực tiền khiên của
kẻ ấy. Nếu họ đến thế nầy với một khối thiện nghiệp sẵn có của tiền kiếp thì dù
còn trong tuổi thanh niên, một khi chơn thần đã hội đủ điều kiện tinh tấn cần
thiết để nhập vào tịnh thất không ai ngăn cản bước đi của họ được.
Cũng như về phương diện hữu hình, chức sắc hành đạo
đủ thâm niên công nghiệp có tài năng và đức độ, được thăng phẩm theo luật công
cử từ Lễ Sanh lên Giáo Hữu rồi Giáo Sư, Phối Sư, Đầu Sư, Chưởng Pháp, Giáo
Tông, bên cạnh những bậc thăng phẩm trật tuần tự ấy vẫn có trường hợp Đức Chí
Tôn giáng cơ phong thưởng không theo luật công cử, nghĩa là từ một người tín đồ
có thể được phong làm chức sắc cao cấp.
Tuy nhiên dù có mang phẩm tước hay tu chơn, mục
đích sau cùng của việc tu hành vẫn là sự giác ngộ tâm linh nghĩa là giải thoát.
Những trường hợp đặt biệt rút ngắn hay là vượt bực qua khỏi tiến trình tu tập
được ấn định chung, chẳng qua chỉ là sự tiếp nối cuộc sống tu hành từ tiền kiếp
của những linh hồn tấn hóa đến mức ấy rồi, người ta thường gọi đó là những kẻ
có căn cơ thì chung qui cũng phải do nơi công đức của họ đã tạo được từ trước.
5/ - Hỏi :
Điều khoản bổ túc của Đạo Luật Mậu Dần ban hành từ
năm 1938 đã thủ tiêu hai chữ tuyệt dục trong Bộ Tân Luật ĐĐTKPĐ đã có từ năm
1927. Trong khi Tòa Thánh Tây Ninh vẫn chủ trương, người tu thượng thừa khi có
đủ tam lập sẽ bước vào nhà tịnh mà luyện đạo, tham thiền để siêu phàm nhập Thánh.
Điều nầy có mâu thuẫn hay không với nguyên lý thăng hoa của Tinh Khí Thần đòi
hỏi phải có một thân phàm tinh khiết mới xuất chơn thần tinh khiết ?
Đáp :
Vấn đề tuyệt dục trong Đạo Cao Đài được áp dụng một
cách nhẹ nhàng trên căn bản tự giác cho mỗi cá nhân. Nói chung các giới luật
được áp dụng từ dễ đến khó, khởi đầu lỏng lẻo sau nghiêm khắc dần tùy theo mức
độ thăng tiến của mình, lẽ dĩ nhiên khi bước vào sinh hoạt tịnh luyện, thiền
định người tu phải ý thức được vấn đề nầy, tự mình phải biết tuyệt dục đâu đợi
ai cấm đoán. Còn nếu như chưa ý thức được thì con đường hãy còn xa lắm.
Cũng như vấn đề trai giới luật Đạo đòi
hỏi khởi đầu giữ được mức 6 ngày một tháng, rồi đến 10 ngày đến trường trai cho
cơ thể quen dần. Còn nếu như mình tự
nguyện giữ trường trai ngay từ bước đầu khi nhập môn thì đó là quyền của mình, đi nhanh hay chậm tự mình định đoạt. Thế nhưng kinh
nghiệm của tiền nhân thường thấy tình trạng giục tốc bất đạt, nên mới đặt ra
các điều luật hướng dẫn sinh hoạt tu tập của tín đồ tuần tự chậm rãi, dễ thành
công hơn là chạy nhanh rồi vấp ngã.
6/ - Hỏi :
Một số các chi phái Cao Đài chủ trương cho tín đồ luyện đạo, thiền định ngay từ lúc
mới khởi đầu cuộc sống tu hành. Như vậy có phải tín đồ ở các chi phái nầy có
đời sống tâm linh cao hơn các tín đồ tu ở Tòa Thánh Tây Ninh, nơi mà Hội Thánh
đòi hỏi phải có một thời gian lập công bồi đức cho đến khi thấy đủ tam lập mới
đi vào sinh hoạt tịnh luyện, thiền định ?
Đáp :
Giáo pháp ĐĐTKPĐ chủ trương đưa linh hồn con người trở về cựu vị là chỗ
nguyên thủy của nó, tức là hòa nhập được vào bản thể của vũ trụ. Đến tình trạng
nầy người ta gọi là đoạt vị, huờn nguyên hay siêu phàm nhập Thánh, mỗi từ ngữ đều
có ít nhiều khía cạnh khác nhau trong ý nghĩa của nó là do ở nhân sinh quan của mỗi cá nhân nhìn cuộc đời như thế
nào. Mỗi linh hồn đến thế nầy với vai tuồng gì lâu mau đều định trước, làm cho
tròn thiên trách của mình trở về cựu vị được là thành công trong kiếp sống tu
hành.
Khi đưa ra chương trình tu tập cụ thể, các bậc tiền bối cầm quyền Hội Thánh
tại Tòa Thánh Tây Ninh đã cân nhắc về hiệu quả của chương trình phổ độ, làm thế nào giúp đỡ thiết thực các
linh hồn đến thế nầy ngay từ khi còn trong xác phàm và sau khi thoát xác nữa,
thúc giục, trợ duyên cho họ đi trên con đường tấn hóa, ấy là cơ tận độ của Đức Chí
Tôn.
Ý niệm cao thấp, hơn thua trong tinh thần khinh
trọng không có trong triết lý Đại Đạo nhưng trong lòng người thấy vẫn còn hay
vướng mắc ở điểm nầy.
7/ - Hỏi :
Nếu Ngài Ngô Văn Chiêu chấp nhận làm Giáo Tông Đạo
Cao Đài theo Thánh giáo Tòa Thánh Tây Ninh do Đức Hộ Pháp và Đức Thượng Phẩm
cầu thì vấn đề truyền bí pháp tịnh luyện của Ngài sẽ như thế nào. Vì theo Pháp
Chánh Truyền vấn đề truyền bí pháp do Hiệp Thiên Đài chịu trách nhiệm trong khi
Giáo Tông chỉ chịu trách nhiệm về phần xác của tín đồ ?
Đáp :
Trách nhiệm Giáo Tông là phải dạy dỗ tín đồ hiểu
biết ý nghĩa và diễn tiến trên con đường tấn hóa cả về thể pháp lẫn bí pháp. Và
khi người tín đồ cần được truyền bí pháp thì Hiệp Thiên Đài phải thi hành phận
sự của mình làm một nơi trung gian cho quyền năng của Đức Chí Tôn diêu động
khối điển quang trên chơn thần của họ.
Vì vậy Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài không thể xa
rời nhau được. Thánh ý Đức Chí Tôn
muốn vậy./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét