Huy-Hiệu Của Đức Hộ-Pháp Ngôi Sao Sáu Cánh và Quyền Hành Hộ Pháp (QS - TS. Nguyễn Thanh Bình)


I . Dịch Lý Cao Đài
Dịch Lý Cao Đài đã được minh định qua hai yếu-tố quan trọng:
- Kinh Dịch là bí-pháp cổ truyền của Đạo Cao Đài (Bài của Đức Hộ-Pháp)
- Lý Dịch trong Đạo Cao Đài (Lời giảng của Đức Chí-Tôn)

Đạo Cao-Đài là một kho Dịch-Lý vô cùng tận, được minh-giải bằng những môn khoa-học như hình học, toán học, vật-lý-học… để khơi bày lý âm dương của Đạo học. Thế nào là Tam-tài,
Tứ-tượng, Bát-quái, Ngũ-hành cùng sự biến-hóa của Dịch tác-dụng và chi-phối trên các phương-diện của lý Đạo trong các hình-thức: nghi lễ, văn-thi, cả đến Tân-Luật, Pháp-Chánh-Truyền.
Tóm lại Đạo là Dịch hay Dịch là Đạo.

Để khẳng-định rằng Đạo Cao-Đài xử dụng đến bốn (4) Bát-quái, tức nhiên ngoài hai (2) Bát-quái của các tiền Thánh là Phục-Hi, Văn-Vương ra còn có:

               Thế Đạo:
- Tiên-thiên Bát-quái là Bí-pháp của Thế-Đạo;
- Hậu-thiên Bát-quái là Thể-pháp của Thế-Đạo
              
               Thiên-Đạo:
- Bát-quái Đồ-Thiên là Thể-pháp của Thiên-Đạo
- Bát-quái Hư-Vô là Bí-pháp của Thiên-Đạo
Đức Hộ Pháp nói “lấy cái thực học Âu Mỹ để so sánh với thực-học Á-đông cân nhắc nhau thì phần nhiều cái học Á-đông bị lu mờ chỉ vì cách trình bày, luận-lý không rõ ràng, còn về phần tinh-thần thì bao trùm được khắp vũ-trụ như: Thiên-văn, Địa-lý, Dịch-lý mà ông cha ta vẫn cho là những môn học khó-khăn, huyền-diệu. Nhưng nếu ta lấy cái học-thuyết hiện tại của Âu Mỹ hoà với Dịch Lý để giải cho rõ, ta cảm thấy cái lý học Á-đông đã đến chỗ tuyệt-đối huy-hoàng.

Chúng ta dòng dõi con Rồng cháu Tiên trên một dãy đất ngàn năm văn hóa đã hấp thụ được hai cái văn-hóa Đông Tây không lẽ lại để cho cái triết-học Đông-phương một ngày càng tàn-tạ, thật là “túi mình có ngọc báu mà không biết lại ngửa tay đi xin người từng hột gạo”. (ĐHP)

Muốn hiểu thêm chi tiết về Kinh Dịch và Lý Dịch trong Đạo Cao Đài, xin đọc và nghiên cứu quyển sách “Dich Lý Cao Đài” của soạn giả Nguyên Thủy.
II. Ngôi Sao 6 Cánh Của Vua David, Israel
Ngôi sao 6 cánh là một trong những biểu tượng cổ xưa nhất của nhân loại, thể hiện cho sự cân bằng của vũ trụ. Đối với người Do Thái, đó là biểu tượng thiêng liêng nhất, mang đến sức mạnh và sự che chở từ chính Thượng Đế.
Ngôi sao David (Hình số 1) hay lá chắn David được công nhận rộng rãi là biểu tượng cho người Do Thái và đạo Do Thái. Cái tên này được đặt theo tên vua David, được biết đến sớm nhất vào thời kỳ Trung cổ. Ngôi sao David có hình dạng của một ngôi sao 6 cánh với 2 Tam giác đều lồng vào nhau. Cùng với sự thành lập của nước Israel năm 1948, ngôi sao David trên lá quốc kỳ của Israel cũng đã trở thành biểu tượng của đất nước này.

Hình số 1: Ngôi sao David

Ngôi sao David hay lá chắn David được công nhận rộng rãi là biểu tượng cho người Do Thái và đạo Do Thái. Cái tên này được đặt theo tên vua David, được biết đến sớm nhất vào thời kỳ Trung cổ. Ngôi sao David có hình dạng của một ngôi sao 6 cánh với 2 Tam giác đều lồng vào nhau. Cùng với sự thành lập của nước Israel năm 1948, ngôi sao David trên lá quốc kỳ của Israel cũng đã trở thành biểu tượng của đất nước này.
Ngôi sao 6 cánh là một biểu tượng chung của nhân loại và được cộng đồng người Do Thái tiếp nhận và phát triển. Những ghi chép sớm nhất của người Do Thái đề cập tới biểu tượng này là sách Eshkol Ha-Kofer được viết bởi nhà thuật ký Judah Hadassi, vào giữa thế kỷ 12 SCN (sau Công Nguyên):
“7 cái tên của những thiên thần có trước Mezuzah (những luật lệ của đạo Do Thái thường được khắc trên trụ nhà của những người theo đạo): Michael, Gabriel, v.v. … Tetragrammaton bảo vệ ngươi! Và theo đó biểu tượng này, được gọi là “Tấm khiên David” (hay lá chắn David), được thay thế bên cạnh tên của mỗi thiên thần”.
Sau đó ngôi sao David bắt đầu xuất hiện trên những tấm bùa chú trong các văn tự cổ của cộng đồng người Do Thái ở Prague (thủ đô Cộng Hòa Czech ngày nay) thời kỳ cuối Trung cổ. Từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 16 ngôi sao này đã có ở Trung Âu, nơi Tấm khiên David được dùng kết hợp với Dấu triện của Solomon trên các lá cờ của dân Do Thái. Đến năm 1897, nó đã được dùng làm biểu tượng của đạo Do Thái.
Thật ra, ngôi sao David có thể có nguồn gốc còn cổ xưa hơn cả đạo Do thái. Một ngôi sao 6 cánh được biết đến như một biểu tượng nguyên mẫu của sự hợp nhất thần thánh của các nguồn năng lượng đối lập, cũng như thuyết ‘Âm - Dương’ của nền văn hóa phương Đông. Được tạo thành bởi sự đan chéo của 2 Tam giác “Nước” và “Lửa” (Water and Fire); sự mạnh mẽ của đàn ông (male) và dịu dàng của phụ nữ (Female), biểu tượng này đại diện cho sự kết hợp hoàn hảo giữa giống đực và giống cái (xem Hình số 2).
“Sự kết hợp thần thánh” là nguồn gốc mọi sự sống trên hành tinh này. Ngôi sao 6 cánh với sự kết hợp giữa 2 Tam giác đều cũng là biểu hiện cho sự “cân bằng và trọn vẹn”.

Hình số 2: Biểu Tượng Tam Giác Đối Lập

Thông qua hình ảnh một ngôi sao 6 cánh, người ta nhìn thấy biểu tượng của vũ trụ, đó là hình ảnh của Thiên Đường và sự phản chiếu ngược lại là Mặt Đất, là đức tin Thần Thánh được phản ánh qua sáng thế và là mối liên kết giữa thế giới hửu hình và vô vi, giữa tinh thần và vật chất. Nhiều nghiên cứu cho thấy ngôi sao 6 cánh được sử dụng trong nhiều tôn giáo khác nhau và ý nghĩa rõ ràng nhất của nó là có liên quan tới những phép thuật kỳ bí dùng để bảo vệ con người tránh khỏi những thế lực “tà ám”.
III. Hai quẻ Âm Dương tạo thành một hình Ngôi Sao 6 Cánh Đều

Đạo Cao-Đài là một kho Dịch-Lý vô cùng tận, được minh-giải bằng những môn khoa-học rỏ ràng. Dịch là biến-hóa không ngừng, cho nên lý tam Âm, tam Dương sẽ cho ta một phương thức mới hiểu thêm về vấn đề.

Hình số 3: Hai Tam Giác tam Âm tam Dương: Âm Dương Hiệp Nhất

Quẻ Càn có ba hào dương ☰ nếu lấy ba đoạn thẳng này xếp thành một hình Tam-giác đều, đỉnh quay lên: có ba cạnh bằng nhau và ba góc bằng nhau, quẻ Khôn ☷ kết hợp bằng 3 nét đứt, nếu đặt ngược lại cũng có được một tam-giác đều nữa, đỉnh sẽ quay xuống dưới, hai hình Tam-giác gát chồng lên nhau sẽ tạo thành ngôi sao sáu (6) cánh đều (Hình số 3: Hai Tam Giác tam Âm tam Dương: Âm Dương Hiệp Nhất).

Như vậy ta có được hình Ngôi Sao Sáu (6) Cánh đều. Cả hai Tam-giác này đều nội-tiếp trong vòng tròn. Tâm 0 của vòng tròn chính là Tâm của Tam-giác là nơi hiệp các giao-điểm của ba đường phân-giác, cũng là trung-đoạn hay trung tuyến của các Tam-giác trên. Đây chính là tại “ngã ba đường” chờ Thầy! Có nghĩa là trên đường Đạo nếu không biết hướng đi tới thì hãy đứng ở ngã ba chờ Thầy chỉ lối. “Ngả ba Đường” chính là đây!

Từ một quẻ Càn hay quẻ một quẻ Khôn đã làm nên một Tam-giác đều, ấy là một sanh ba, mà ba cũng là một, đó cũng là lý: một sanh ba, ba sanh vạn-vật, thuộc về cơ-quan Chưởng Quản. Rồi đến hai hình Tam-giác gát chồng lên nhau là chỉ Âm Dương Hiệp Nhứt.

Quyền Chí-linh đối phẩm với quyền Vạn-linh. Chí-linh là cơ qui nhứt, Vạn-linh là cơ tấn hóa; nên Chí-linh đầu nhọn quay lên, mà Vạn-linh đầu nhọn quay về phía dưới. Chí-linh và Vạn-linh vốn đồng quyền nhau. Đạo chủ-trương trời người đồng trị: Người trị xác, Trời trị hồn. Bấy giờ vòng tròn chính là Càn-Khôn Vũ-Trụ, Tâm 0 là chỉ một quyền-uy tối thượng là Hộ-Pháp Chưởng-Quản Hiệp-Thiên-Đài.

IV . Huy-Hiệu Của Đức Hộ-Pháp Ngôi Sao Sáu Cánh

Hình số 4: Đức Hộ Pháp Đứng Trên Ngai Bắt Ấn Thượng Ngươn

Do đó, Đức Hộ-Pháp khi còn sanh tiền Ngài có cho làm một huy hiệu hình sao sáu (6) cánh sơn màu vàng, giữa có ba sọc đỏ, chính giữa ngôi sao có ảnh Đức Ngài đầu đội mão trắng, hình bán diện, phía trên bức hình có 4 chữ đặt theo hình vòng cung “Đảng Phái Thống Nhứt” (ĐPTN), phía dưới bức hình có 5 chữ cũng đặt theo hình vòng cung nghịch lại: “Giáo-chủ Phạm-Công-Tắc”(GCPCT). Xin xem Hình số 5: Huy Hiệu Đức Hộ Pháp “sao sáu (6) cánh” bên dưới.

Chung quanh các cánh ngôi sao đều có đặt vào đó một chữ Nho (Hán), nghịch chiều với kim đồng hồ, khởi ở cánh sao trên, phía bên phải (nhìn đối diện), là các chữ:
Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ  

- Chữ Đại      (3 nét) đặt ở cánh bên mặt B’)
- Chữ Đạo     (12 nét) đặt ở đỉnh, tức là đi nghịch chiều kim đồng-hồ (A)
- Chữ Tam    (3 nét) đặt ở cánh trái, tức là đối xứng nhau qua chữ Đạo ở giữa (C’)
- Chữ Kỳ      (12 nét),
- Chữ Phổ     (12 nét),
- Chữ Độ      (12 nét) tiếp tục xếp trên ba cánh còn lại (các đỉnh B, A’ và C).

Xin xem Hình số 3: Hai Tam Giác tam Âm tam Dương: Âm Dương Hiệp Nhất, để biết rỏ các vị trí A, B, C, A’, B’ and C’ của hai hình Tam giác đều.


Huy Hiệu Của Đức Hộ Pháp

Hình số 5: Huy Hiệu Của Đức Hộ Pháp: Đảng Phái Thống Nhất (ĐPTN)
Giáo Chủ Phạm Công Tắc (GCPCT)

Ý-nghĩa hình sao sáu cánh là nói lên lý tam Âm tam Dương tạo thành Càn Khôn Vũ-Trụ. Sáu chữ “Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ” là danh hiệu của nền Tân Tôn-giáo này mà Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế (Đức Chí Tôn) làm Chúa Tể.

- Màu vàng là nói lên nền Đại-Đạo là Phật-giáo chấn-hưng. Màu vàng chỉ giống da vàng, Huỳnh-chủng, lý Ngũ-hành thuộc Thổ, nền Đại-Đạo phải có một triết-lý siêu-tuyệt để dẫn đạo tinh-thần của toàn nhân-loại trên mặt địa-cầu này, đó là “Thiên khai Huỳnh-Đạo Ngũ-Chi Tam-Giáo Hội Long-Hoa” như Đức Chí-Tôn đã chọn:

“Một nước nhỏ-nhoi trong Vạn-quốc,
“Ngày sau làm Chủ mới là kỳ.”

- Ba sọc đỏ là Tam giáo qui nguyên (Phật, Tiên, Thánh), nếu nhìn theo  nghĩa  hẹp là Nam, Trung, Bắc của Việt Nam hòa-hiệp, trong ý nghĩa giòng giống Rồng Tiên “da vàng máu đỏ". Ứng hiệp với câu theo Thánh-ý của Chí-Tôn là:
Nam Bắc cùng rồi ra ngoại-quốc.
Chủ-quyền Chơn đạo một mình TA

Nền Chơn-đạo chính là tinh-thần Tam-Giáo Qui-Nguyên Ngũ-Chi Phục-Nhứt đó vậy!

- Ảnh bán diện của Đức Hộ-Pháp là chứng-tỏ qưyền-uy tối thượng của Ngài là “thay trời tạo thế” (Thế Thiên Hành Đạo) nhưng chỉ có nửa quyền mà thôi, bởi Ngài chỉ là Giáo chủ nền Đại Đạo về phần hữu-hình, còn phần vô-vi thì do Đức Thượng-Đế (Đức Chí Tôn), cho nên chữ Đạo (12 nét) đặt trên đỉnh là chỉ ngôi Trời, chính giữa của ngôi sao; hai bên chữ Đạo là chữ Tam 3 nét và chữ Đại 3 nét, chứng tỏ lý tam Âm tam Dương đã tạo nên hình tướng. Còn lại ba chữ Kỳ (12 nét), tiếp theo là chữ Phổ (12 nét), chữ độ (12 nét). Cọng chung 6 chử Nho nầy là 36 nét (12x3=36). Ấy chỉ “ba mươi sáu (36) từng trời”. Trong lời "Kinh Khi Đã Chết Rồi”có nói:
“Ba mươi sáu cõi Thiên-tào,
“Nhập trong Bát-quái mới vào Ngọc-Hư”.

Đồng thời cũng nhắc rằng: trên có Tam Thập Lục Thiên, dưới có Tam Thập Lục Động. Tu là tìm cảnh thăng, tránh cảnh đọa. Đôi đường hiển hiện là thế ấy! Hai câu trên mang ý nghỉa:

Ba mươi sáu cõi Thiên Tào hay còn gọi là Tam Thập Lục Thiên.
Nhập trong Bát-quái mới vào Ngọc-Hư là vào trong Bát Quái rồi mới được đến Ngọc Hư Cung.
Các Chơn linh phải đi một vòng luân hồi chuyển kiếp, từ vật chất hồn cho đến nhơn hồn. Nhơn hồn còn phải tu nhiều kiếp để được tiến hóa từ Thất Thập Nhị Địa, Tam Thiên Thế Giới, đến Tứ Đại Bộ Châu rồi mới vào được Tam Thập Lục Thiên (Ba mươi sáu cõi Thiên Tào hay 36 từng Trời). Đến được Tam Thập Lục thiên rồi còn phải tiếp tục nhiều kiếp tu nữa mới đặng lên đến Bạch Ngọc Kinh để nhập Bát Quái mà vào Ngọc Hư Cung.

Sở-dĩ để các chữ Nho là nêu lên tinh thần Nho Tông chuyển thế; đặt nghịch chiều kim đồng hồ,
là sự “phản bổn hoàn nguyên”, tức là Đạo, là con đường trở về, trở về nguồn, bởi Thầy có dạy “Tu hành vẫn trái với thế tục, mà trái với thế tục mới đặng gần ánh thiêng liêng”.

Xưa Phật chỉ độ về phần hồn chớ không độ về phần xác, độ Nam chớ không độ Nữ, độ tử mà không độ sanh, cho nên câu niệm “Lục tự Di-Đà” chỉ có sáu chữ mà thôi; đó là “Nam-mô A-Di-Đà Phật”.

Ngày nay Đức Chí-Tôn đến tận độ chúng sanh qui nguyên-vị nên câu niệm có đến 12 chữ, đó là  “Nam-Mô Cao-Đài Tiên Ông Đại Bồ-Tát Ma-Ha-Tát” nên tượng trưng bằng chữ Đạo có 12 nét  (gồm 6 Âm và 6 Dương).

Lạy Thầy cũng lạy 12 (ba lạy, mỗi lạy 4 gật). Bởi “Thập Nhị Khai Thiên là Thầy, Chúa của Càn-Khôn Thế Giới, nắm trọn Thập Nhị Thời Thần vào tay. Số 12 là số riêng của Thầy”.
Nơi cõi vô-hình phải có Thập-Nhị Khai-Thiên tức là Thập-Nhị Thời-Thần phối-hợp nhau để tạo nên cung Trời, thì ở mặt thế này đối-tượng của Thập-Nhị Khai-Thiên là Thập-Nhị Thời-Quân cũng phải phối-hợp cùng nhau để giúp tạo thành hình tướng của Đạo Cao-Đài.
Thập Nhị Thời Quân là mười hai vị Thánh bên Hiệp-Thiên-Đài chia làm 3 chi: Pháp, Đạo, Thế dưới quyền của Hộ-Pháp, Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh Chưởng-Quản. Thập-Nhị Thời-Quân chính là Thập-Nhị Thời-Thần ở hửu hình, nên số tuổi của các Ngài thể hiện con số Thập Nhị Địa Chi của Đạo Trời, vì vậy mà tuổi của 12 vị Thời-quân mỗi người đứng đầu một con Giáp, không ai trùng hợp với ai mà lại còn có sự đặt định một cách khít-khao, huyền nhiệm vô cùng. Đức Hộ-Pháp có giải:
“Cả toàn Thánh-thể và con cái Đức Chí-Tôn đều hiểu: trong 12 vị Thời-Quân của 12 con giáp là cơ huyền-bí tạo Càn-Khôn Vũ-Trụ thế nào có lẽ cả tinh-thần của toàn thể con cái Đức Chí-Tôn đều hiểu thấu”.
Các Chơn-Linh đến bực nào cũng phải do nơi ấy mà xuất hiện, như Thầy nắm trọn Thập Nhị Thời Thần vào tay rồi mới Khai Thiên Lập Địa:
- Thiên khai ư Tý.
- Địa tịch ư Sửu.
- Nhơn sanh ư Dần.

Khi đề cập tới vũ trụ và nhân sinh, người đạo Cao Đài thường lưu truyền câu Thiên khai ư Tý, Địa tịch ư Sửu, Nhơn sanh ư Dần: Trời mở mang ở Hội Tý, Đất mở rộng thêm ở Hội Sửu, Người sanh ra ở Hội Dần. Các hội tiếp theo là sự tiến hóa của Trời, Đất, Người (Thiên, Địa, Nhơn) và vạn vật đến chỗ hoàn hảo. Đó là nói theo chu kỳ tạo đoan của vũ trụ.

Trời có ba báu là: Nhựt, Nguyệt, Tinh; Đất có ba báu là: Thủy, Hỏa, Phong; Người có Tam Bửu là: Tinh, Khí ,Thần.
Trời (Thiên) có ba báu ấy mà hoá sanh vạn vật, dưỡng dục muôn loài, chuyển luân càn khôn thế giới, phân ranh ngày đêm. Đất (Địa) nhờ ba báu ấy mà mưa gió điều hòa, cỏ cây tươi nhuận thời tiết có bốn mùa. Người (Nhơn) có tam bửu để nuôi dưỡng thân thể, minh mẩn phát kiến khoa học giúp nhân loại. Con người qui được tam bửu ngũ hành thì đắc quả đạt Đạo. 

Các chơn-linh dầu nguyên-nhân hay là Hóa nhân, hễ chịu hữu-sanh thì đều nơi tay Thập Nhị Thời Quân mà siêu đọa, cũng như Thần, Thánh, Tiên, Phật nhờ Thập Nhị Thời Thần mà thăng giáng. Thập Nhị Thời Quân tức là Thập Nhị Thời Thần tại thế đó vậy.
Hình số 6: Đức Hộ-Pháp và các vị Thời Quân Hiệp Thiên Đài

Nhìn chung vào tấm huy-hiệu hình sao sáu (6) cánh này (Hình số 5) có 7 điểm (6 cánh + 1 tâm) mà điểm giữa là hình ảnh của Hộ-Pháp ngự trị. Số 7 chỉ về người, ứng với số của Trời là 1. Trước đây đã nói Giáo Tông cũng đứng chủ trung con số 7 ấy là cơ hiển, tức cơ Âm (Cửu Trùng Đài), giờ này Hộ-Pháp cũng nắm con số 7 là cơ ẩn, ấy là cơ Dương (Hiệp Thiên Đài).

Trên tấm huy hiệu còn có 4 chữ “Đảng Phái Thống Nhứt” (ĐPTN) ngoài ý-nghĩa là một nền Tôn-giáo Đại Đồng ra, thì con số 4 là chỉ Tứ âm Tứ dương, để hiệp vào các con số Tam ở trên mới tạo thành Bát-quái, và 5 chữ “Giáo-Chủ Phạm-Công-Tắc” (GCPCT) vừa xác-định ngôi vị của Ngài trong nền Đại-Đạo, mà con số 5 cũng để xác định là số “ngũ trung” tức là Tâm của Bát-Quái nữa. Về sau chính Ngài Hộ-Pháp Phạm-Công-Tắc là Giáo Chủ Đạo Cao Đài tại Thế.

Nhìn riêng từng góc độ, Tam giác đều tượng trưng cho ba trạng thái của vạn vật, những hiện thân của Thượng Ðế và chúng được hiểu như là tam vị đồng nhất thể trong những tôn giáo khác nhau và được nhân cách hóa trong Công giáo như là Ngôi Cha, Ngôi Con, Ngôi Chúa Thánh Thần, và bên Ân Ðộ giáo gọi là Shiva, Vishnu, và Brama. Tam giác có đỉnh hướng xuống và tam giác có đỉnh hướng lên trời lần lượt biểu tượng cho sự sống của Thượng Ðế đí xuống vào vật chất và sự sống của Thượng Ðế đi lên, vượt ra khỏi vật chất đi vào trong tinh thần, sự đối đãi, sự tương phản giữa năng lượng sáng và tối sẽ mãi mãi không ngừng trong thiên nhiên và con người.

Giáo Lý căn bản của Đạo Cao Đài là “Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể”: Trời đất vạn vật có cùng một bản thể; “Nhất Bổn Tán Vạn Thù, Vạn Thù Qui Nhất Bổn”. Đây là con đường Trở Về hay Phản Bổn Hoàn Nguyên. Giáo lý Cao Đài quan niệm vũ trụ là một trường tiến hóa có khởi điểm từ bản thể Đại Linh Quang, tức Thượng Đế (Đức Chí Tôn), phóng phát các điểm Tiểu Linh Quang tiềm tàng trong vạn loại để tiến hóa từ khoáng sản (đá), đến thảo mộc, thú cầm, đến con người. Rồi từ con người đến các bậc Thiêng Liêng Thần Thánh Tiên Phật để trở về hiệp nhất với Thượng Đế (Đức Chí Tôn).
Trong cửa Đạo Cao-Đài, hình tam giác tượng trưng cho Tam giáo đồng nguyên. Hình ảnh Tam Giác Đều, đỉnh quay lên, được biểu-tượng bằng ba ngôi: Phật, Pháp, Tăng.
Hình số 7: Thiên Nhản trong hình Tam Giác Đều ở hai bên hành lang Đền Thánh,
Đỉnh Tam Giác quay lên: Quyền Chí Linh

- Phật tức là Đấng cầm quyền Chúa-Tể càn-khôn vũ-trụ là Đức Chí-Tôn Ngọc-Hoàng Thượng-Đế hay còn gọi là Đại-Từ-Phụ.
- Pháp là ngôi của Đức Phật-Mẫu Diêu-Trì cầm quyền-năng tạo khí thể của toàn vạn-linh sanh-chúng là Mẹ của cả chúng-sanh.
- Tăng là ngôi của Đấng đại-diện trong mỗi nguơn-hội. Nay là thời-kỳ của Đức Di-Lạc-Vương Chưởng-quản. Tam-kỳ còn gọi là “Tam-Thiết Long-Hoa Bạch-Vương Đại-Hội Di-Lạc Cổ-Phật Chưởng Giáo Thiên-Tôn”.
Hai Ngôi Phật, Pháp không đổi. Ngôi Tăng thay đổi tùy mỗi thời-kỳ (Tịch Đạo).

V . Hộ-Pháp Làm Chủ Bát-Quái Đồ Thiên

Tam Âm tam Dương và Tứ Âm Tứ Dương hiệp lại sẽ thành Bát-Quái Đồ Thiên mà Hộ-Pháp vi chủ. Trên đây Giáo-Tông làm chủ Bát-Quái hữu-hình, giờ thì Hộ Pháp làm chủ Bát-Quái vô-vi. Vậy Âm Dương không xa lìa nhau. Khi Giáo-Tông và Hộ Pháp hiệp một là quyền Chí Tôn tại thế. Ngày nay Đạo Cao-Đài dùng Bát Quái Đồ Thiên là hình ảnh của Bát-Quái Hậu Thiên lật ngược lại, đồng thời xoay ngang qua, biến trục Nam Bắc thành Đông Tây, y như hướng của Đền-Thánh Toà-Thánh Tây-Ninh.

Quả thật bài thơ trên cũng như huy-hiệu ngôi sao sáu cánh đã vẽ nên trách-nhiệm và quyền-hành của Hộ Pháp mà Đức Chí-Tôn đã giao phó lập thành Quốc Đạo chính là Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ ngày nay đó vậy.

Hồi hạ tuần tháng 7 năm Ất-Sửu (1925), ba vị Cao Huỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang (sau đắc phong là Thượng-Phẩm, Hộ-Pháp, Thượng-Sanh) tiếp điển, thông-công với các Đấng Thần-linh, có một Đấng xưng là AĂÂ, gõ bàn làm một bài thi như dưới đây:

“Ớt cay cay ớt gẫm mà cay,
“Muối mặn ba năm muối mặn dai.
“Túng lúi đi chơi nên tấp lại,
“Ăn bòn chẳng chịu tấp theo ai.”

Sau nầy Đấng AĂÂ cho ba cị nầy Cư, Tắc và Sang biết là Đấng Chí Tôn đến Việt Nam khai mở Tam Kỳ Phổ Độ. Trong bài thơ trên, Thầy (Đức Chí Tôn) cho hai câu đầu là:

“Ớt cay, cay ớt,  gẫm mà cay"  là xác định 3 nét dương quẻ Càn ☰ Tam Dương khai Thái, Càn tượng Trời.
“Muối mặn ba năm muối mặn dai" xác định hai lần nét Âm, quẻ KHÔN ☷, trong ý nghĩa Tham Thiên lưỡng địa.

Ngòai ra ba (3), năm (5) là con số chỉ Tam (3) Giáo qui Nguyên Ngũ (5) Chi Phục Nhứt là quyền hành tối thượng và tối đại của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc trong buổi này.
Nếu viết 35 là số tuổi đời của Đức Ngài khi Đức Thượng Đế đem Đạo đến cứu Đời. Ngài theo tiếng gọi thiêng liêng, suốt 35 năm phế đời hành Đạo và quyết ra tay chống đỡ Đạo quyền. Ngài cho 70 năm cũng đủ.!

…Tuổi đã bảy mươi cũng đủ rồi!
Nhớ tiếc sức phàm thừa chống chỏi,
Buồn nhìn cội Đạo luống chơi vơi.
Rồi đây ai đến cầm Chơn pháp ?
Tô điểm non sông Đạo lẫn Đời.

Hai số 3 và 5 nếu cộng lại sẽ là 8 chỉ về Bát (8) Quái Cao Đài. Nhưng còn chữ "dai" (Muối mặn ba năm muối mặn dai) tức là hơn 1, có nghĩa là "hai". Đây là Đức Ngài nắm cả hai Bát Quái Cao Đài về vô hình (Dương) là Bát Quái Đồ thiên và Bát Quái Hư vô; cũng như Đức Quyền Giáo Tông cũng có nhiệm vụ như Ngài, nhưng cơ hiển (Âm). Âm-Dương Hiệp Nhứt, hai quyền hành này thống hiệp lại sẽ là Quyền Chí Tôn tại thế: Chưởng Quản Nhị Hửu Hình Đài.

Hai câu thơ sau cùng của bài thơ trên: 
 “Túng lúi đi chơi nên tấp lại,
“Ăn bòn chẳng chịu tấp theo ai”
            
Trong hai câu này là ám chỉ về số không, như:
- “túng lúi” là không tiền     (0)
- “ăn bòn” chỉ không tiền,    (0)
- “chẳng chịu tấp theo ai”    (0)

Như vậy có cả thảy là ba (3) con số không (0). Nếu viết ba (3) con số 000 rồi đặt số 3 ở phía trước, thành ra 3.000 (ba ngàn) ấy là chỉ về công-quả của người tu theo Đạo Cao Đài ngày nay là phải lập cho được “ba ngàn (3.000) công quả”. 

Như lời của Trang-Tử nói trong sách Nam-Hoa-Kinh:
- Chí nhân vô kỷ           (0)  quên mình mà lo cho người
- Thần nhân vô công    (0)  không ham công
- Thánh-nhân vô danh  (0)  chẳng mến danh.

Một người tu dù ở bậc phẩm nào cũng phải thể hiện cho được "ba ngàn công quả". Ấy là phương-châm hành đạo của người tu mà Đức Chí-Tôn đã ân-cần dặn bảo. Tức nhiên người tu phải biết quên mình mà lo cho người, chẳng ham công, chẳng mến danh, ấy là hạnh đức của người tu theo Tôn-chỉ của Đạo Cao-Đài là phụng-sự.

Bài thuyết-đạo 30-9- Đinh Hợi, Đức Ngài Hộ Pháp kể lại rằng:
“Hai chữ Quốc-Đạo lần đầu Chí-Tôn viết ra làm cho Bần-Đạo mờ-mịt, cũng vì hai chữ Quốc-Đạo ấy mà Phạm-Công-Tắc chết năm 35 tuổi, thí thân theo đuổi làm cho ra thiệt tướng.
Ôi, hai chữ Quốc Đạo là một vật của Bần-Đạo tìm tàng rồi mới biết khôn, khởi điểm biết thương nòi giống, biết thương Tổ-quốc, đeo-đuổi mất còn với cái muốn khát khao từ buổi thanh xuân đó vậy. Tự biết khôn dĩ chí gặp Đạo năm 35 tuổi, Bần-Đạo thấy sao mà phải khát-khao thèm lạt, tại làm sao Chí-Tôn biết thiếu-thốn nơi tinh thần điều ấy mà cho Bần-Đạo? Bần-Đạo ban sơ nghi-hoặc, có lẽ Đấng có quyền-năng thiêng-liêng biết tâm-lý đang nồng-nàn ao-ước, đương thèm lạt khao-khát, đương tìm tàng mà đem ra cám dỗ.
Hại thay! Yếu-ớt đức-tin, ngày nay Bần Đạo ăn năn quá lẽ, 15 năm đã đặng thấy gì? Cả thiên-hạ nói rằng nòi giống Việt-Nam không có Đạo. Lạ-lùng thay, chúng ta tự hỏi có thật vậy chăng?
- Thật quả có chứ! Có nhiều Đạo quá mà thành ra không Đạo, mượn Đạo, xin Đạo của thiên-hạ mà thôi”.   

Thử hỏi tại sao Đức Chí Tôn cho Ngài bài thơ “dị hợm” như vậy?
- Chỉ vì Thánh ý muốn dấu Ngài trong lớp “lá ủ” để cho không bị sự ganh hiền ghét ngõ. Thế mà không khỏi lắm điều pháp nạn súyt đến bỏ thây xứ người.

Câu: “15 năm đã đặng thấy gì?” viết bên trên còn có một ý nghỉa “huyền diệu” nửa.
Quả thật đây là một sự xác nhận về con số Hiệp Thiên Đài chỉ có 15 người mà thôi (Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh và Thập Nhị Thời Quân). Số 15 này lại là số Ma Phương trong Bát Quái, chỉ sự thiên biến vạn biến đến vô cùng mà Đức Chí Tôn đã dạy Ngài trong “Phép Biến Thân”. Thử tìm xem nghĩa gì?

Đức Hộ Pháp lập lại lời nói của Thầy rằng: “Thầy muốn nơi nào có dấu chơn của “Ba Con” đến
thì nơi đó hết khổ và Chí Tôn cho biết rằng cái khổ ách của nhơn loại là cùng khắp thế gian, nên Thánh-ý Thầy muốn giao cơ cứu khổ cho con phải làm thế nào nêu ngọn cờ cứu khổ để giải khổ cho nhơn sanh cùng khắp mặt địa cầu nầy”.

Qua không hiểu Qua là thế nào mà khi Thầy biểu Qua phải lãnh làm rồi Thầy sẽ dạy Pháp Biến Thân con ra vạn ức ... Buổi nọ Chí Tôn dạy phải vưng, chớ chưa hiểu Pháp Biến Thân của Chí-Tôn đã ban cho ra thể nào. Khi chưa có Hội-Thánh Phước-Thiện Qua rất ngại, đến chừng Chí-Tôn dạy muốn lập Hội-Thánh Phước Thiện phải lập Thập Nhị Đẳng Cấp Thiêng Liêng trước, thật là quyền năng Chí Tôn vô đối, khi ban cho Qua không bao lâu mà lập thành được Hội Thánh Phước Thiện, tức nhiên là Hội Thánh Hiệp Thiên Đài. Bây giờ đây đã có mấy em sẽ nối gót phụng sự Hội Thánh Phước Thiện chung lo gánh vác cơ cứu khổ để thay thế cho Qua gần-gũi chúng sanh để phụng sự, gánh sự khổ não của con người thì thấy rằng: Chí Tôn đã giúp cho Qua thêm được nhiều tay chơn để lo cứu khổ cho mau ra chơn tướng.”

VI . Quyền Hành Của Hộ Pháp

“Hộ-Pháp thì lo giữ luật-lệ của Đạo cho khỏi sái Thiên-điều, vì luật-lệ của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ ngày nay thì thế cho Thiên-điều.

“Hộ-Pháp có quyền đặc biệt về ân-xá cũng như Giáo-Tông có quyền về Chánh-trị vậy”.

“Hộ-Pháp Chưởng-Quản Hiệp-Thiên-Đài có Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh và Thập-Nhị Thời-Quân giúp sức. Hễ Giáo-Tông và Hộ-Pháp hiệp một là quyền Chí-Tôn tại thế. Lại nữa Hộ-Pháp còn là Chưởng-Quản Nhị Hữu-Hình Đài tức là Hiệp-Thiên và Cửu-Trùng nên mới được gọi là Giáo-Chủ, nhưng chỉ đứng về phương-diện hữu-hình mà thôi.

Những lời luận bàn trên đều đúng vào cuộc đời hành-đạo của Đức Hộ-Pháp. Hầu như số định của mỗi người đều được thiêng-liêng ấn định, cho nên con số 7 của sao sáu cánh đã điểm đúng vào bức ảnh bán diện của Ngài, định cho cuộc đời của Ngài là 70 tuổi, bởi số 7 hiệp với Tâm 0 là trở về vô-vi, thành ra con số 70. Đức Ngài có nói trong bài thài cúng tế Đức Ngài, có câu:
“Nào hay vạn sự do Thiên-định,
“Tuổi đã bảy mươi cũng đủ rồi.
“Nhớ tiếc sức phàm thừa chống chỏi,
“Buồn nhìn cội Đạo luống chơi-vơi…”

Đức Hộ-Pháp cũng như Đức Quyền Giáo-Tông đều nắm trọn hai Bát-Quái vào tay, nhưng Giáo-Tông hữu-hình, còn Hộ-Pháp thì vô-vi cho nên bài thơ Đức Chí-Tôn ban cho có câu “Muối mặn ba năm muối mặn dai”, nếu lấy (3+5=8). Tám là chỉ Bát-quái, mà chữ “dai” chứng tỏ sự kéo dài, tức là nhiều hơn số 1, vậy là số 2. Hai lần Bát-quái ấy là Bát-quái Đồ-thiên và Bát-quái Hư-vô chỉ riêng Đạo Cao-Đài mới có.

Quả thật Chí-Tôn đã “chọn mặt gởi vàng” đúng đối tượng, bởi Ngài lúc nào cũng tha-thiết với sứ mạng của mình, rằng:
“May một điều là Tôi còn thiếu với Đức Chí-Tôn Tôi xin đầu kiếp, thiếu hay không mà kiếp này Tôi là tên dân nô-lệ cho nước Việt-Nam, đã chịu thống-khổ tâm-hồn lẫn hình-thể trên 35 năm.
“Tôi không xin, không biết tại sao Tôi đầu kiếp xuống dân Việt-Nam, Tôi cảm-kích vô hạn: nào chịu khổ, nào chịu bạc-nhược và yếu-hèn, tại thấy nhơn-loại đau-đớn Chí-Tôn mới đến mở một nền Tôn-giáo, làm một khối sanh-quang cho toàn nhơn-loại đó là cái danh-dự của nước Việt-Nam đã chịu khổ.
“Vì cái tình Chí-Tôn đối với dân-tộc Việt-Nam nên Tôi thí thân phải chết mới đền bồi xứng đáng”.

Đức Hộ-Pháp vừa lo cho Cơ-quan Cửu-Trùng-Đài lại vừa lo cho Hiệp-Thiên-Đài, Ngài cũng có lời than: “Hại thay! Chớ phải chi hai lẽ thiện và ác ấy cả Thánh-Thể của Ngài đi một lối mà thôi, nói đơn giản: thà là làm thầy chùa thì thầy chùa, thầy pháp là thầy pháp; Đạo thời Đạo đi cho triệt để, hay Đời cho triệt-để đi”.

Khổ não thay! Thánh-thể Đức Chí-Tôn vì lãnh nơi mạng lịnh của Ngài, đến làm tôi con của Ngài cho toàn vẹn nơi thế gian của Ngài. Hỏi vậy chớ Đại-Từ-Phụ đã giao cho ta có phải giao Thánh hay là giao Phàm? Nếu ta lấy theo sự suy gẫm của ta, ta phải nhìn rằng Đại-Từ-Phụ đã giao cho ta Phàm nhiều hơn Thánh, lẽ dĩ-nhiên trước mắt ta đã ngó thấy.

“Tự thuở nay con người dầu sức mạnh-mẽ thế nào gánh một vai mà thôi, Đại-Từ-Phụ lại buộc cả Thánh-Thể của Ngài phải gánh hai vai Đời và Đạo. Cái kiểu vở hai Tôn-giáo trước mắt ta, ta ngó thấy:
- Phật-giáo thì nghiêng cái gánh bên Đạo,
- Công-giáo lại nghiêng cái gánh bên Đời.

Đời, Đạo; Phàm Thánh. Đức Chí-Tôn đến lập Thánh-thể của Ngài, Ngài biểu phải đứng Ngay Chính Giữa của nó. Luận ra cho cùng lý, thì Hội-Thánh của Ngài buộc không Đời mà cũng không Đạo, ở giữa cái mức trung-tâm của Đời và Đạo”.

Một lần nữa, Đức Hộ-Pháp xác nhận:
“Bần-Đạo nhớ lại hồi buổi ban sơ mới khai Đạo, thật ra Bần-Đạo không có đức-tin gì hết, không có đức-tin đến nước Đại-Từ-Phụ tức cười. Ngài đến nhà Bần-Đạo năm Sửu dạy cả mấy Anh lớn ngày nay là Chức-sắc của Đạo, đi đến mọi nhà. Thật ra Đức Chí-Tôn đến thăm, đến viếng mọi con cái của Ngài.

“Bần-Đạo không đức-tin gì hết, nghe nói Tiên giáng, đi theo nghe thi chơi, làm cho Đại-Từ-Phụ phải tức cười. Ngài cho bài thi ai nấy cũng tốt, duy có bài thi của Bần-Đạo di-hợm như vầy:
Ngao-ngán không phân lẽ thiệt không,
Thấy thằng áp-út quá buồn lòng.
Muốn giàu Thầy hứa đem cho của,
Cái của cái công phải trả đồng
Đại-Từ-Phụ còn thêm hai chữ “Nghe con”!

Cho đến bảy tháng, lúc xuống ở Thủ-Đức, năm thiên-hạ bị bịnh chướng, khi không khởi phù mình rồi chết, nhứt là ở tại Thủ-Đức lắm bịnh nhơn quá chừng. Đức Chí-Tôn biểu xuống ở Thủ-Đức cứu bịnh cho họ trong bảy tháng, xuống ở Thánh-Thất của Đạo, nhờ Đức Lý giảng dạy với ngòi bút trọn bảy tháng trường mới biết Đạo. Có cái hay-ho hơn hết là những điều gì Ngài dạy trong Cơ-bút là những sở-hành trong kiếp sanh của Bần-Đạo”.

Qua hai bài thi trên Đức Chí-Tôn giáng ban cho Đức Hộ-Pháp, Người đều không vừa ý và đều cho rằng “dị hợm”. Nghĩ ra cũng “dị-hợm” thiệt! Vì sao?

Vì trọng-trách của Người quá ư to lớn! Thường gánh một gánh đã oằn vai, nhưng bấy giờ Ngài phải gánh hai gánh một mình; bởi:

“Trong buổi kỳ ba phổ-độ, Chí-Tôn giáng cơ tiếp điển mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ hiệp đủ Phật, Tiên, Thánh, là kỳ kiết-quả, độ đủ 92 Ức Nguyên-Nhân trở về nguyên-thủy. Sách có câu “Thiên địa tuần-hoàn châu nhi phục thủy, Tam-giáo qui-nguyên Ngũ-chi phục-nhứt” (câu đầu nghĩa là: Trời Đất xây vần giáp vòng thì trở lại lúc khởi đầu). Thế nên bí-pháp này đã thể hiện trong cái “bắt ấn Tý”, đó là “Ấn kiết quả”, tức là đã tới thời-kỳ kết-quả, gặt-hái, thu-hoạch.

Ấy là nhiệm-vụ của Hộ-Pháp trong cơ chuyển thế và cứu thế!
Câu thơ 1: “Ngao-ngán không phân lẽ thiệt không”
Hai chữ “ngao-ngán” trong câu thơ đầu tiên có đến hai chữ “không” và nhất là chữ “phân” nó kết hợp bởi bộ đao và chữ bát ý nói dùng con dao cắt ra làm tám mảnh một vật gì; muốn nói đến số 8 là chỉ về Bát-quái. Bát-quái là do hai lần Tứ-tượng họp lại. Mà ở phần Thiên-đạo của Đạo Cao-Đài có đến hai Bát-quái.
Cả câu trên là chỉ sự biến dịch của trời đất, âm dương, cương nhu, ở người là nhân-nghĩa, đi trong vòng lý Tam Tài: Thiên, Địa, Nhơn (Trời, Đất, Người) vậy.

Câu 2: “Thấy thằng áp út quá buồn lòng”
Ngón tay “áp út” là chỉ vào ngón trước của ngón út, tức là ngón tay không tên hay còn gọi là “vô danh chỉ” là ngón tay “đeo nhẫn”.
Bởi Đức Hộ-Pháp là con thứ tám trong gia đình, đứng vào hàng áp út, vì sau Ngài còn có một em gái thứ chín đã chết khi còn nhỏ.

Về lý Đạo muốn nói đây là “vô danh thiên địa chi thủy” (không tên là khởi thủy của trời đất) đúng vào cung Tý là sự khởi điểm. Ngón cái là ngón mẫu “hữu danh vạn-vật chi mẫu”. Khi bắt ấn Tý thì ngón cái ấn vào cung Tý ấy là Âm Dương Hiệp Nhứt, đó là Ấn Tý của Đức Chí-Tôn ban cho nhân-sanh trong kỳ ba Phổ-Độ này ấy là ấn kiết quả. Kiết quả là kết trái. Do đó nếu tu thì thành như lời Đức Chí-Tôn đã hứa, chẳng những độ cả toàn cầu nhơn-loại, mà còn độ cả vạn-linh nữa “Bát hồn vận-chuyển hóa thành chúng-sanh”.

Người mà Chí-Tôn sắp giao cho hai cái gánh nặng của Đời và Đạo ấy chính là Phạm Công Tắc trong buổi “Nhơn sanh ư Dần” cũng hiệp với tuổi của Ngài là năm Canh-Dần (5-5 Canh Dần 1890) là ngày và năm sinh của Ngài nữa, đó là đã đi vào cơ Nhị Ngũ (hai con số 5).

Xem thế thì Ngài đã hiệp đủ ba con số 0 “không” đủ cho Thầy chọn lựa Người để Thầy giao cho “cây cân Công-Bình (Thiên Bình) thiêng-liêng tạo hóa”. Bởi hai câu thi sau:
“Muốn giàu Thầy hứa đem cho của,
“Cái của cái công phải trả đồng.”

Hình ảnh “cây cân Công-Bình dưới bàn tay của Thượng-Đế” cho ta thấy: nếu khi cả hai bên cân và vật đồng nhau thì cây kim mới chỉ vào điểm 0. Cũng như hai gánh Đạo và Đời mà Ngài sắp giao cho Ông Phạm-Công-Tắc cũng phải giữ cho tương-đồng thì mới vẹn phận “Đạo Đời tương đắc” vậy.
Hiện tại Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài biểu hiệu bằng “Cây Cân Công-Bình” đính trên mão. Vai trò của ông Hộ Pháp Phạm-Công-Tắc tạo Đạo cứu Đời.

Đức Hộ-Pháp nói:
“Đức Đại-Từ-Phụ với lòng đại-từ đại-bi của Ngài không thể gì nói đặng. Hai mươi mấy năm trường Ngài đến Ngài độ từ đứa, Ngài dụ từ người, đem cả một thể thống thiêng-liêng vô cùng vô tận, quí hóa kia đem đổi lại một tấm yêu-ái của chúng ta đặng làm cơ-quan cứu thế.
Buổi Ngài mới đến, Bần-Đạo thú thật phần nhiều anh em chúng ta buổi nọ không hiểu Đạo là gì, dầu đàn anh của chúng ta có sứ-mạng nơi mình lãnh trách-nhiệm làm Thánh-Thể cho Ngài, khi ấy cũng không biết Đạo là gì cả, chỉ nhắm mắt theo Ngài mà thôi; chính Bần-Đạo buổi nọ, Đại-Từ-Phụ xin Bần-Đạo, nói xin lại với một lời yếu thiết:
- “Tắc! dâng cả mảnh thân con đặng Thầy tạo Đạo cứu đời, con có chịu chăng?
Bần-Đạo trả lời với Ngài một cách quả quyết rằng:
Nòi giống con còn nô-lệ, nước nhà còn lệ thuộc, thì làm thế nào con tu cho đặng!
Ngài cười nói:
Nhưng điều ấy các con làm không đặng đâu, để đó cho Thầy.

Tiếng “để đó cho Thầy” Bần-Đạo nhớ lại nói dễ như không không, mà đã hai mươi mấy năm trường rồi đó. Ngài hứa khi Ngài mới đến cùng Cao Thượng-Phẩm và Bần-Đạo cuối năm Tý đó vậy, theo phàm tánh của ta có lẽ buồn, nhưng vì chúng ta sống trong thời-gian, còn Đức Chí-Tôn sống trong không-gian; chúng ta tính từ ngày, tháng, năm; còn Ngài chỉ lấy quyết-định của Ngài làm căn-bản mà thôi. Lời hứa đơn-sơ ấy ngày nay chúng ta đã thấy rằng Ngài không bao giờ thất hứa với chúng ta đó vậy, nếu chúng ta đoán xét kỹ cơ-quan của Ngài đã thi-thố, đã giải ách nô-lệ cho nòi giống Việt-Nam, chúng ta ngó thấy một hành tàng khắc-khe khó nói, thi thố với một cách mà trí óc phàm chúng ta không thể đoán đặng và Bần-Đạo nói rằng không có một tay phàm thi thố đặng; muốn giải ách nô-lệ cho nước Việt-Nam mà dùng quyền phép vô biên của Ngài đào-độn cả vạn quốc hoàn-cầu đặng làm cho sôi-nổi một trường chiến-tranh của toàn thế-giới giục-thúc các nước còn lạc-hậu chiến-đấu lấy cho đặng quyền sở-hữu của họ, giành cho được độc-lập cho nòi giống và quốc-gia của họ. Quyền sở-hữu ấy là quyền định sống của họ đó vậy.
Nơi cõi Á-đông cả toàn thể nước nào còn lạc-hậu đều đặng giải-thoát, đều chiến-đấu đặng tranh độc-lập và thống nhứt.

Nước nhà nòi giống Việt-nam cũng tấn triển theo khuôn-luật ấy mà định vận-mạng lấy mình, không coi lại sự độc-lập và thống nhứt nước Việt-Nam có nhiều điều khắc-khe mà trí óc phàm này không thế làm đặng nên phải dùng tay của Đức Chí-Tôn, cả con cái của Ngài, Bần-Đạo đứng nơi tòa giảng này không nói thêm, không nói bớt:
- Khó nhứt là nước Việt-Nam,
- Nòi giống Việt-Nam,
- Quốc-gia Việt-Nam.

Đã thiếu Ngài một nợ tình, không biết giá-trị nào nói cho đặng. Thâm tâm của Ngài muốn gieo một nợ tình với quốc-dân, đặng chi? Ta nêu một dấu hỏi (?).

Thêm cho đủ yếu-lý ấy. Bần-Đạo nói sự mơ-ước của Ngài rất đơn-giản, rất nhẹ mà giá-trị không cùng, chỉ muốn quốc-dân Việt-Nam làm Thánh-thể của Ngài, thay thế hình ảnh của Ngài đặng chia khổ cho Ngài, chung hiệp cùng Ngài, hầu nâng-đỡ kẻ khổ, an-ủi tâm-hồn nhơn-loại đang đau-đớn trong buổi cạnh tranh giành sống của họ, của cơ-quan tranh-đấu cho kỳ đặng độc lập, đặng bảo-vệ sự sanh sống của họ, nếu không mực thước chuẩn-thằng định tâm-lý của họ, dầu cho đấu-tranh để lập quyền sống của mình ít nữa phải có Nhơn-đạo đặng giúp mạng sống của người, chớ đừng bảo-vệ mạng sống của mình để chiếm đoạt mạng sống của kẻ khác.

Tấn-tuồng ấy Bần-Đạo chỉ nói là quả kiếp mà thôi. Đức Chí-Tôn Ngài đến lập nền chơn giáo của Ngài cốt-yếu làm thế nào cho họ đừng cướp sống lẫn nhau mà an-ủi với nhau ấy là chí-hướng của Ngài đó vậy”. (ĐHP Canh-Dần 1950).

VII. Đấng Chí Tôn đã sai Hộ-Pháp làm gì?

Đức Hộ-Pháp nói: “Đời quá ư bạo-tàn, cho nên Đức Chí-Tôn mới giáng trần mở Đạo cho con cái biết: các ngôi Thần, Thánh, Tiên, Phật đều tình nguyện hạ thế cứu đời, xuống bao nhiêu lại càng mất bấy nhiêu. Trong thời-kỳ ấy Bần-Đạo vâng lịnh Đức Chí-Tôn xuống thế mở Đạo, thì Đức Chí-Tôn mới hỏi rằng:
- Con phục lịnh xuống thế mở Đạo, con mở bí-pháp trước hay là mở thể-pháp trước?
Bần-Đạo trả lời:
- Xin mở bí-pháp trước.
Chí-Tôn nói:
- Nếu con mở bí-pháp trước thì phải khổ đa! Đang lúc đời cạnh-tranh tàn bạo, nếu mở bí-pháp trước, cả sự bí-mật huyền-vi của Đạo, Đời thấy rõ xúm nhau tranh giành phá hoại thì mối Đạo phải ra thế nào?

Vì thế nên mở thể-pháp trước, dầu cho đời quá dữ có tranh-giành phá hoại cơ thể hữu-vi hữu-hủy đi nữa thì cũng vô hại, xin miễn mặt bí-pháp còn là Đạo còn.
Bí-pháp là Hiệp-Thiên-Đài giữ.
Thể-pháp là Cửu-Trùng-Đài mở-mang bành trướng về mặt phổ-thông chơn giáo”.

Bởi thế nên Tôn-giáo Cao-Đài ngày nay đứng về hai phương-diện:
- Đạo có thể-pháp và bí-pháp của Đạo tức là Thiên-đạo
- Đời có thể-pháp và bí-pháp của Đời tức là Thế-đạo.

VIII. Thay Lời Kết

Từ một quẻ Càn hay quẻ một quẻ Khôn đã làm nên một Tam-giác đều, ấy là một sanh ba, mà ba cũng là một, đó cũng là lý thuộc về cơ-quan Chưởng-quản. Rồi đến hai hình Tam-giác gát chồng lên nhau tạo thành ngôi sao 6 cạnh là chỉ Âm Dương Hiệp Nhứt.

Đức Hộ-Pháp khi còn sanh tiền Ngài có cho làm một huy hiệu hình sao sáu cánh sơn màu vàng, giữa có ba sọc đỏ, chính giữa ngôi sao có ảnh Đức Ngài đầu đội mão trắng, hình bán diện, phía trên bức hình có 4 chữ đặt theo hình vòng cung “Đảng phái thống nhứt” (ĐPTN), phía dưới bức hình có 5 chữ cũng đặt theo hình vòng cung nghịch lại: “Giáo-chủ Phạm Công Tắc” (GCPCT).

Ý-nghĩa hình sao sáu cánh là nói lên lý tam Âm tam Dương tạo thành Càn Khôn vũ-trụ. Sáu chữ, nghịch chiều với kim đồng hồ, khởi ở cánh sao trên, phía bên phải (nhìn đối diện) là các chữ:  Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ là danh hiệu của nền Tân Tôn-giáo này mà Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế làm Chúa tể. Ảnh bán diện của Đức Hộ-Pháp là chứng-tỏ qưyền-uy tối thượng của Ngài là “thay trời tạo thế” nhưng chỉ có nửa quyền mà thôi, bởi Ngài chỉ là Giáo chủ về phần hữu-hình.
Trên tấm huy hiệu còn có 4 chữ “Đảng phái thống nhứt” ngoài ý-nghĩa là một nền Tôn-giáo Đại Đồng ra, và 5 chữ “Giáo-chủ Phạm-Công-Tắc” vừa xác-định ngôi vị của Ngài trong nền Đại-Đạo: Đức Hộ-Pháp Phạm-Công-Tắc Giáo chủ Đạo Cao Đài ở hửu hình.

Tam Âm tam Dương và tứ Âm tứ Dương hiệp lại sẽ thành Bát-Quái Đồ Thiên mà Hộ-Pháp vi chủ. Âm Dương không xa lìa nhau. Giáo-Tông và Hộ Pháp hiệp một là quyền Chí Tôn tại thế.
Huy-hiệu ngôi sao sáu cánh đã vẽ nên trách-nhiệm và quyền-hành của Hộ Pháp mà Đức Chí-Tôn đã giao phó lập thành Quốc Đạo chính là Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ ngày nay đó vậy.
“Hộ-Pháp thì lo giữ luật-lệ của Đạo cho khỏi sái Thiên-điều, vì luật-lệ của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ ngày nay thì thế cho Thiên-Điều. Hộ-Pháp có quyền đặc biệt về ân-xá cũng như Giáo-Tông có quyền về Chánh-trị vậy.
Bí-pháp còn là Đạo còn. Bí-pháp là Hiệp-Thiên-Đài giữ.
Thể-pháp là Cửu-Trùng-Đài mở-mang bành trướng về mặt phổ-thông chơn giáo”.

Ngày 17 tháng 10 năm Ất Hợi (12–11–1935) Đại Hội Nhơn Sanh và Đại Hội Hội Thánh thỉnh Đức Ngài kiêm nhiệm Chưởng Quản Cửu Trùng Đài, thiên trách nầy đã được Đức Nhứt Trấn Oai Nghiêm kiêm Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chấp thuận, Ngài giáng cơ cho bài thơ khoán thủ như sau:
Hộ giá Chí Tôn trước tới giờ
Pháp luân thường chuyển máy Thiên Cơ
Chưởng quyền Cực Lạc phân ngôi vị
Quản xuất Càn Khôn định cõi bờ
Nhị kiếp Tây Âu cầm máy tạo
Hữu duyên Đống Á nắm Thiên Thơ
Hình hài Thánh Thể chừ nên tướng
Đài trọng Hồng Ân gắng cậy nhờ

Trong Thánh Nhôn Hiệp Tuyển cũng có một bài thi:
Bắt ấn trừ yêu đã tới kỳ,
Ngọc Hư định sửa mối Thiên thi.
Cửu Trùng không kế an thiên hạ,
Phải để Hiệp Thiên đứng trị vì.
Hành pháp dìu đời qua nẻo khổ,
Nên công giúp thế lánh cơn nguy.
Quyền hành từ đấy về tay nắm,
Phải sửa cho nên đáng thế thì.

Đức Lý Giáo Tông làm thi cùng Đức Hộ Pháp:
Linh quang chiếu diệu giữa trời đông,
Rõ mặt thiên tôn lập đại đồng.
Nắm phướn từ bi dìu chủng tộc,
Cầm quyền bác ái định chơn tông.
Tùy đời chẳng bỏ mưu Hàn Tín,
Trị thế hằng toan kế Tử Phòng.
Xây máy pháp luân nguơn tái tạo,
Sấn tay vẽ đẹp mối Nam phong.
Ngày 28 tháng 6, năm 2019
QS TS Nguyễn Thanh Bình
Ban Thế Đạo Hải Ngoại
Sưu Tầm

IX. Tài Liệu Tham Khảo

1. Tài liệu sưu tầm tên Internet. Xin thành thật cám on các vị đã đăng các bài viết.
2. Ngôi sao sáu cánh - Ngôi sao David - Ấn triện Solomon, Orgonite HoangKim, Internet.
3. Thánh Ngôn Hiệp Tuyển QI vá Q II, Ấn Bản Năm Nhâm Tý (1972).
4. Dich Lý Cao Đài, soạn giả Nguyên Thủy (2007).
5. “Tiểu Sử Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc (1890-1959), Chưởng Quản Nhị Hửu Hình Đài Hiệp Thiên Đài & Cửu Trùng Đài Kiêm Thượng Tôn Quản Thế”, QS TS Nguyễn Thanh Bình, (2018)
6. “Bạch Ngọc Kinh Nơi Đức Chí Tôn Ngự”, QS TS Nguyễn Thanh Bình (2018)
7. "Đại Đạo Cao Đài và Nền Văn Minh Nhân Loại Ban Thế Đạo Hải Ngoại Nhập Cuộc", QS TS Nguyễn Thanh Bình (2017)
8. “Ý Nghĩa Màu Trắng Và Áo Dài Trong Đạo Cao Đài”, QS TS Nguyễn Thanh Bình (2018)
9. “Vai Trò Ban Thế Đạo Trong Tịch Đạo Đạo Tâm”, QS TS Nguyễn Thanh Bình (2019).
10. “Đạo Gốc Bởi Lòng Thành Tín Hiệp”, QS TS Nguyễn Thanh Bình (2019).
11. Thánh Ngôn Sưu Tập, Q. I, II, II & IV, HT Nguyển văn Hồng (1925-1971).
12. Thánh Ngôn Hiệp Tuyền, Q. I & II (1972).
13. Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp: Chủ Đề Tam Bửu (1947).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét