Chử Hòa Trong Mùa Xuân Đạo Cao Đài ( QS TS. Nguyễn Thanh Bình)


Mùa xuân năm Đinh Mão 1927, sau khi khai Đạo, Đức Chí Tôn đã khuyên dạy các môn đệ của Thầy: “Dạy lẫn cho nhau đặng chữ Hòa”.

Khi các tín đồ ghi chép lại lời khuyên tha thiết nầy của Đức Chí Tôn từ một cuốn sách Thánh Ngôn Hiệp Tuyển củ kỷ, giấy đã vàng vì năm tháng, thì hơn 93 mùa xuân đã đi qua trong cơ đạo, và lại thêm một mùa xuân nữa đang về là Xuân Canh Tý (2020).
Thời gian tuần hoàn, không gian luân chuyển để luôn luôn đổi mới vạn vật, vừa bảo tồn vừa canh tân thế giới. Đó là đạo lý mà cũng là quy luật tiến hóa trong trời đất.

Ngoài trời, cảnh trăm hoa đua nở rực rở, hay những cành quất trĩu quả trên khắp nẻo đường, sắc thắm huy hoàng, vui tươi và sống động kia đã báo hiệu không khí nhẹ nhàng, an vui của mùa Xuân sắp đến rồi. Cảnh xuân vừa chớm nhắc chúng ta rằng Thiên Thời và Địa Lợi của sứ mạng Phổ Độ Kỳ Ba đã được an bày đầy đủ; cái duy nhất còn thiếu sót trong sứ mạng này chỉ là Nhân Hòa mà thôi.
                       Đức Quan Âm Như Lai dạy:
“Năm tháng qua rồi xuân lại sang,
Xuân về xoa dịu nỗi bi quan.
Ai ơi có thấy đời là mộng,
Thắm thoát lần tay đếm chuỗi tàn.”

Hôm nay, mỗi chúng ta là các tín đồ Đại Đạo Tam Kỳ Phộ Độ Đạo hay Đạo Cao Đài hãy kiên tâm tạo thế chân vạc Thiên Thời - Địa Lợi - Nhân Hòa là Tam Tài (Thiên Địa Nhân), đã được định vị theo thế chân vạc trong vũ trụ, thiếu một trong ba thì hoàn cầu không ổn định, nhân loại khó mà đạt đến thành công viên mãn. Ngày mai, mùa xuân Nhân hòa sẽ đến, đến với toàn tín đồ Đạo Cao Đài, trên sông núi Việt Nam và trong tâm hồn của toàn nhân loại.

Thiên thời Địa lợi Nhân Hòa là thành ngữ dùng để chỉ ba yếu tố cần thiết giúp tạo nên sự thành công cho một sự kiện, một công việc. Thiên Thời Địa Lợi Nhân Hòa là thành ngữ dùng để chỉ ba yếu tố cần thiết giúp tạo nên sự thành công cho một sự kiện, một công việc, hay một điều gì đó do con người tạo ra.

Thiên Thời: có nghĩa là thời cơ, thời gian, thời điểm. Chữ quan trọng nhất ở đây không phải là chữ Trời mà là chữ Thời. Việc lựa chọn thời điểm này là do bản thân chúng ta chứ không một ông Trời nào có thể nói cho ta biết cả. Địa Lợi: có nghĩa là khi làm bất kì một việc gì cũng phải cân nhắc xem bản thân mình có những lợi thế, thế mạnh nào, còn tồn tại những khó khăn nào.

Nhân Hòa: đó là sự hòa hợp, đoàn kết của mọi người với nhau. Một tập thể đoàn kết, hòa hợp sẽ mang lại sự thành công hơn hẳn so với một tập thể rời rạc, thiếu sự liên kết.

Nói như vậy không có nghĩa là các yếu tố của Trời và Đất (Thiên Đia, Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể) không quan trọng bằng yếu tố Thời, Lợi và Nhân. Dĩ nhiên các yếu tố của Trời, Đất cũng sẽ chi phối vài phần trong sự thành công của con người nhưng yếu tố quan trọng trước hết vẫn là con người, vẫn là sự tính toán của con người.

Theo giáo lý Cao Đài ý nghĩa của danh từ Nhân Hoà là sự hòa hiệp, hoà ái, cảm thông giữa người với người; là sự hòa hợp, thuận hòa, hòa bình trong cuộc sống xã hội con người. Cũng trong ý nghĩa này, nhưng giáo lý Đạo Cao Đài mở rộng ý nghĩa của chữ "Hòa"; trong một tầm Đạo cao hơn, trên con đường Thế Đạo và Thiên Đạo, con đường Thiêng Liêng Hằng sống, vượt qua khỏi thế giới hữu hình:
"Chữ Hòa quý báu biết bao,
Bao trùm võ trụ, thấp cao cũng hòa,
Đất Trời, do đó mà ra,
Phật Tiên do đó mới là siêu thăng."

Các Đấng Thiêng Liêng cũng dạy về chữ Hòa: “Hòa là hòa ái, hòa hiệp, hòa đồng, với ai cũng hòa được hết. Hòa là "cực điểm của tình thương”, không hơn, không kém, không lệch lạc, không người, không ta, không màu da sắc tóc, không tôn phái, mà chỉ là một cứu cánh chung tối thượng để đem lại sự sinh tồn hạnh phúc an vui cho mọi người sống ở thế gian, không còn cách phânchủng tộc."
Từ "cực điểm tình thương"; nơi mỗi cá nhân, con người sẽ mở rộng tấm lòng ra để đối đãi với nhau, cảm thông nhau, tương trợ nhau, để không còn phân biệt, chia cách giữa người với người trong xã hội nhân sinh, phù hợp với nguyên lý căn bản của cái Hòa trong vạn hữu: "Hòa là một tiềm lực sinh động tạo nên mọi sự mọi việc"
Trong Thánh Giáo Cao Đài, chúng ta thấy bài có chữ Hòa của Thường Cư Nam Hải Quan Âm

Như Lai giáng cơ ngày 17-3-Quý Dậu (1933) thật cũng vô cùng ý nghĩa:
"Ðạo quí là tại Hòa. Các em nghĩ thử mà coi, Tạo Thiên Lập Ðịa cũng bởi Âm Dương Hòa Hiệp sanh hóa muôn loài, cũng bởi một chữ Hòa, đến đỗi như thân của người có tạng có phủ. Tạng phủ ấy, nếu chẳng Hòa thì con người chẳng hề sống bao giờ. Kịp đến tâm hồn bất Hòa thì thất tình lục dục đều phát khởi tranh ngôi với thần lương tâm, nếu kém lực, thì con người ấy duy có sanh hoạt trong vòng vật dục chớ chẳng hề biết Thiên Lý là gì?
Các em thử nghĩ cái phẩm giá của kẻ ấy cao hèn là thế nào, người chẳng có Hòa là thế đó.
Còn gia đình chẳng Hòa, thì cha con mích nhau, chồng vợ lìa tan, anh em ly tán.
Còn trong luân lý chẳng Hòa, thì dân cư bất mục. Nước chẳng hòa thì sanh ly loạn.
Còn cả thế giới bất Hòa, thì nhơn loại đấu tranh.
Vì vậy Thiếp khuyên các em dĩ Hòa vi tiên”.

Đạo quí ở chữ “Hòa” tức Âm Dương Hòa Hiệp. Thể-pháp của Đại Đạo đâu đâu cũng thấy sự Hòa một cách khít khao, do vậy mà Thể pháp đã hiện hình Bí pháp làm Chơn  Truyền để phổ thông nền Chơn Đạo của Chí Tôn trong buổi Tam Kỳ Phổ Độ.
“Theo Bí Pháp Chơn Truyền của cơ sanh hoá phải có đủ Âm Dương. Trong sanh quang chúng ta có điện quang Âm & Dương cũng như vạn vật có trống mái. Nền Tôn giáo nào có đủ Âm Dương thì mới vĩnh cữu”.

Điều hòa là êm ái, hòa thuận. Điều hòa là tượng trưng trật tự chung trong trời đất, và đạo Trung dung của loài người. Đức Hộ Pháp dạy trong "Phương Luyện Kỷ - Đạo Cao Đài":
“Vũ trụ có điều hòa thì càn khôn mới an tịnh.
Âm dương có điều hòa thì vạn vật mới được sanh sanh hóa hóa.
Xã hội có điều hòa thì dân chúng mới hưởng sự thanh bình.
Gia đình có điều hòa thì mọi người mới an vui hạnh phúc.
Lễ nhạc có điều hòa thì mới có tiết tấu âm thanh.
Thân thể con người có điều hòa thì máu huyết mới lưu thông, khỏe mạnh.
Tâm trí có điều hòa thì con người mới sáng suốt.
Trái với sự điều hòa là hổn loạn, không trật tự”.

Người luyện kỷ cần giữ tâm tánh điều hòa, tức giữ được cái đạo Trung-dung thì linh tâm mới thuần nhất mà soi sáng lòng mình hầu dìu độ đến chỗ tận thiện tận mỹ.
Muốn đạt được chữ hòa thì ta phải biết thương yêu, mà muốn thương thì ta phải hiểu và tha thứ.

Ai cũng biết Hòa là quý, mà bởi từ đâu... và do ai... dẫn đến sự bất hòa chia rẻ, sự kiện này Đức
Chí Tôn đã khẳng định rằng:
“Mặt nhựt hồi mô thấy xẻ hai,
Có thương mới biết Đấng Cao Đài.
Cũng con cũng cái đồng môn đệ,
Bụng muốn phân chia hỏi bởi ai”
                                                                                               (Thi Văn Dạy Đạo.)

Như vậy Đức Chí Tôn đã xác nhận rằng sự mất đoàn kết đưa đến phân chia chi phái là do từ con người, chứ không phải là do Thiên ý. Vì Thượng Đế tạo ra con người là một hữu thể tự do, Ngài ban cho con người có quyền quyết định lấy số phận của mình, đoàn kết hay chia ly là do mình lựa chọn, Ngài duy chỉ vì thương yêu nên ân cần dạy bảo mà thôi.
Có một nguyên nhân rất dễ dàng nhận thấy là trong chúng ta không mấy ai chịu chấp nhận cái nguyên lý “nhất nguyên” là Âm Dương tương hợp, mà cứ cố chấp vào “nhị nguyên” xem Âm là Âm, Dương là Dương, cái phải là phải, mà trái là trái, chứ ít người chịu nhìn nhận cái nhất nguyên: “Âm Dương là Một, phải trái là Một...”. Nên mới xảy ra sự bất hòa, dẫn đến ly tán.

Qua các lời dạy của các Đấng Thiêng Liêng, danh từ "Nhân Hòa"; phải được hiểu môt cách rộng rãi rốt ráo, là sự hòa ái, tinh thần hòa hiệp, sự cảm thông, sự bao dung mà con người phải có, xuất phát từ tình thương cực điểm mà con người thừa hưởng từ đức háo sinh của Đấng Tạo Hóa.

Trong ý nghĩa đó, Nhân Hòa không chỉ là hòa giữa người với người; mà còn giữa người với Trời Đất (Thiên Đia), với muôn loài; và nhất là Hòa với chính bản thân mỗi người, bao gồm cả Hòa trong phần thể xác và Hòa trong linh hồn. Bởi vì:
" Hòa là lẽ sinh tồn muôn thuở,
Hòa là đường vận số thành công,
Từ nơi sâu thẳm cõi lòng,
Biểu dương ra đến đại đồng Vạn Linh."

"Hòa là lẽ sinh tồn"; của vạn loại, cho nên dù muốn dù không, con người vẫn đang cố gắng bằng nhiều cách để đạt được Nhân Hòa hầu giữ lại cho thế giới này một sự an bình hiện hữu. Những tổ chức quốc tế, những tổ chức phi chính phủ, những hiệp hội đa quốc gia.... thuộc nhiều lĩnh vực, với xu hướng toàn cầu hóa đã ra đời ngày càng nhiều nhằm mục đích nối kết các quốc gia ngồi lại với nhau, chính là những hình thức thể hiện Nhân Hòa, nhưng còn rất manh mún, bởi vì nền tảng được xây dựng chỉ mới dừng lại ở những sự thỏa thuận cân bằng quyền lợi chính trị, kinh tế, quân sự hoặc giải quyết ngăn chận tạm thời những vấn nạn mang tính cấp thiết. Do vậy, cho đến nay, thế giới này vẫn đang ở trong tình trạng bất ổn, và số phận nhân loại này vẫn đang rất mong manh bên bờ vực của sự hủy diệt, mặc dù những cuộc đàm phán, thương thuyết về nhiều vấn đề vẫn diễn ra khắp nơi mỗi ngày trên thế giới. Con đường tìm kiếm Nhân Hòa vẫn còn đang được tiếp tục trong màn đêm tâm thức nhân loại.

Trước những bế tắc của con người giữa cơ cỏi hửu hình của thời mạt kiếp, Đức Chí Tôn vì tình thương vô biên đối với con cái của mình, đã lâm phàm khai mở một nền tôn giáo làm nơi phổ độ đường lối tạo thế Nhân Hòa, để con người nương theo vận dụng giải quyết những vấn đề trong đời sống nhân sinh mà con người vẫn còn lúng túng đương đầu, chưa tìm thấy lối thoát hữu hiệu.

Đức Chí Tôn dạy con cái của Ngài: “Thầy vui muốn cho các con thuận Hòa cùng nhau hoài, ấy là lễ hiến cho Thầy rất trân trọng. Phải chung lo cho danh Ðạo Thầy" (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển).

Thánh giáo Đức Chí Tôn (1926): “Dầu cho Thầy phàm tục cũng phải vậy; nếu đứa dở mà dạy cao kỳ, nó biết đâu mà hiểu đặng. Thầy cấm không cho dị nghị việc người; nhứt là đạo hữu của các con thì đừng phạm đến kẻo tội nghiệp; chi chi cũng phải nhớ quyết rằng có Thầy trong đó”:

" Chẳng quản đồng tông mới một nhà
Cùng nhau một Ðạo tức một cha,
Nghĩa nhân đàng gởi thân trăm tuổi,
Dạy lẫn cho nhau đặng chữ Hòa."

Bốn chử “Dạy lẫn cho nhau” trong câu cuối của bài thơ trên, Thánh ý của Đức Đại Từ Phụ muốn chúng ta trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẩn nhau, sưu tầm nghiên cứu, tìm hiểu các nguyên nhân tại sao bất Hòa, đồng thời tìm cách khắc phục, cầu nguyện hiểu nhau hơn để đạt được chữ Hòa theo đúng ý nghĩa thật sự của nó mà Thầy hằng dạy.

Chữ Hòa trên lý thuyết được lý giải rất rõ ràng sâu sắc, thế nhưng trong thực tế, chữ Hòa chưa được thực hiện đúng theo ý nghĩa thật sự của nó trong Đời và Đạo. Mỗi lần có dịp tụ họp ngồi lại với nhau, hoặc bất kỳ trong các hội nghị nào bất kể lớn hay nhỏ, đúng như lời Đức Phật Mẫu dạy, ai cũng đều nói được chữ Hòa một cách lưu loát, bài bản. Nhưng thực hiện chử Hòa thì chưa được bao nhiêu, chính vì vậy trong tập thể mới có những rạn nứt, dẫn đến nội bộ chia rẽ, nội tình không ổn định. Như thế, thì việc an bang tế thế, phát triển tổ chức, hòa hợp nhơn tâm có phải là điều xa vời, không tưởng được? Chính từ điều trăn trở này, trong các Thánh Giáo Đạo Cao Đài, các Đấng Thiêng Liêng trong các đàn cơ dạy đạo thường hay đề cập đến:
" Hòa là lẽ sinh tồn muôn thuở,
Hòa là đường vận số thành công,
Từ nơi sâu thẳm cõi lòng,
Biểu dương ra đến đại đồng Vạn Linh."

Thánh Ngôn của Đức Chí Tôn dạy: “Thầy vì thương chúng sanh, tưởng công lao của mỗi đứa nên chẳng nỡ để cho mối Ðạo điêu tàn; nhưng nếu trong các con chẳng có đứa nào lãnh phần chế biến làm cho Hòa Thuận chung vui, để cho đến đỗi hiềm thù oán ghét nhau mà để trò cười muôn thuở, uổng công dìu dắt của Thầy bấy lâu, thì biển khổ sông mê là nơi các con chịu đời đời kiếp kiếp đó”. (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)

Dựa vào lời dạy của Đức Chí Tôn về Hòa Thuận, Đức Hộ Pháp (1938) đã giảng dạy rõ ràng, ý nghỉa thực tế của chử Hòa hơn:
“Máy tạo bởi chữ Hòa mà có, thì Thế Giới Càn Khôn cũng phải hòa mới vĩnh cửu. Địa cầu nầy cũng phải Hòa mới toàn hảo, nhơn loại cũng phải hòa mới trường tồn, chẳng khác nào xác thịt phải Hòa Thuận cùng linh hồn mới mong đạt Đạo."
Lấy lớn mà định nhỏ, xem nhỏ mà tìm lớn, thi hài nầy nhờ hòa khí mà thành hình, thì linh hồn
cũng phải tùng theo phép âm dương hòa hiệp mới qui hồi cựu bổn; linh hồn bởi chữ hòa khí mới có đến thì tức nhiên phải nương theo hòa khí mới có về.
Tuy pháp bửu của các tôn giáo đã đoạt đặng vẫn nhiều, chớ cơ mầu nhiệm chỉ có chữ Hòa là đủ.
Nói rõ ra thì tinh là thân thể; khí là điễn lực nghĩa là trí lực; thần là linh hồn; ba cái báu của mình ngày nào tương đắc, nghĩa là Hòa Hiệp cùng nhau, thì người mới mong đắc Đạo.
Cơ Đạo của Đức Chí Tôn đến lập buổi Hạ Ngươn Tam Kỳ Phổ Độ nầy duy lấy một chữ Hòa làm tôn chỉ.

Có Hòa mới có hiệp, có hiệp mới có thương, mà sự thuơng yêu là chìa khóa mở cửa Tam Thập Lục Thiên, Cực Lạc Thế Giới và Bạch Ngọc Kinh y như lời Chí Tôn đã dạy, chỉ nghĩa là phải Từ Bi Bác Ái mới đắc đạo vô vi, phải Hòa Hiệp mới có qui nhứt.
Đức Chí Tôn đã định khai đạo đặng thị chứng cho các Tôn Giáo biết nhìn nhau trong đường hành thiện, trừ tuyệt hại tranh đấu thù hiềm, làm cho Thế Giới đặng Hòa Bình, thoát cơ tận diệt.

Thể Đạo của Chí Tôn cũng phải nương theo chữ Hòa mới toan thành lập.
Đức Chí Tôn đã đến thế, hạ mình đặng làm Thầy dạy dỗ chúng ta, hằng trông mong giờ nào chúng ta biết hòa hiệp nơi lòng bác ái từ tâm của Người, là hiệp làm một cùng Người, mới có đủ quyền hành độ tận chúng sanh qui hồi cựu vị; mà đã nhiều năm chầy rồi, thân thể hỡi còn rời rã ngất ngơ, chơn thần hỡi còn dật dờ mê muội, thì thế nào các Đấng Thiêng Liêng hiệp một cùng đời cho đặng, hầu mong sửa cải Thiên Thơ, tụ hội các nguyên nhân đem vào cửa Đạo.

Vì năm Đạo phân chia làm cho nhơn tâm bất nhứt, nhân loại nghịch lẫn nhau, Đức Chí Tôn đến đặng hiệp lại một nhà, ước cho con cái của Người biết Thương yêu Hòa thuận.
Thầy dùng: "phép là lương tâm, quyền là tình ái, mà làm cho cả nhơn loại thấy rõ mặt Thầy, hầu nhìn lẫn nhau trong Thánh Đức của Thầy, mà cộng yêu hòa ái”….
Các hành giả khi đạt được Tâm Trời Đất chính là lúc Tâm với Đạo là một. Tâm ấy có một nguyên lý là làm sao cho mọi sự được quân bình, mọi việc được hài hòa, mọi người đều an lạc.
Được như thế, giáo lý Đạo gọi là Đắc Nhất và Tâm Đắc Nhất là Tâm vô phân biệt, nhưng nhờ Hòa nhã đó mà hành giả thực hành được Đạo:
"Đắc Nhất Tâm rồi, thế mới yên,
Muốn Tâm đắc Nhất phải tham thiền;
Tham thiền Tâm sẽ hòa muôn vật,
Hòa ấy làm nên Đạo phối Thiên."
Đức Chí Tôn đã định khai đạo đặng thị chứng cho các Tôn Giáo biết nhìn nhau trong đường hành thiện, trừ tuyệt hại tranh đấu thù hiềm, làm cho Thế Giới đặng Hòa Bình, thoát cơ tận diệt.

Thể Đạo của Chí Tôn cũng phải nương theo chữ Hòa mới toan thành lập.
Chí Tôn đã đến thế, hạ mình đặng làm Thầy dạy dỗ chúng ta, hằng trông mong giờ nào chúng ta biết hòa hiệp nơi lòng bác ái từ tâm của Người, là hiệp làm một cùng Người, mới có đủ quyền hành độ tận chúng sanh qui hồi cựu vị; mà đã nhiều năm chầy rồi, thân thể hãy còn rời rã ngất ngơ, chơn thần hãy còn dật dờ mê muội, thì thế nào các Đấng Thiêng Liêng hiệp một cùng đời cho đặng, hầu mong sửa cải Thiên Thơ, tụ hội các Nguyên Nhân đem vào cửa Đạo.

Hòa là để làm tròn sứ mạng. Trên đường thực thi sứ mạng trọng đại với nhiều gian khổ, hành trang mà người môn đệ của Đức Cao Đài luôn mang theo bên mình phải là: đức độ khoan dung, khiêm cung hòa ái, giữ đạo hạnh, rèn luyện đạo tâm, thương yêu, kiên nhẫn, trì thủ, hy sinh, thành thật, chia sẻ hiểu biết. Đó là những bửu bối vô giá giúp các bậc Nguyên Nhân giữ tròn Thiên mạng, hành đúng Thánh ý cho sự tiến triển nhịp nhàng đúng theo Thiên Cơ dĩ định, cũng là cơ hội tất yếu cho tất cả con cái Đức Chí Tôn trở về cội nguồn Thiêng Liêng Hằng Sống, bất sinh bất diệt, trường tồn vĩnh cửu.

Có nhân hòa Xuân mới thành Xuân. Như đã nói Thiên Thời - Địa Lợi - Nhân Hòa là Tam Tài (Thiên Địa Nhân) tức là Tam Bửu, được định vị theo thế chân vạc trong vũ trụ, thiếu một trong ba thì hoàn cầu không ổn định, nhân loại khó mà đạt đến thành công viên mãn.
Mỗi năm một lần, khi Tết đến Xuân về, chúng ta thấy các chợ hoa trưng bày rất nhiều hoa và cây kiểng rất đẹp. Có được những tác phẩm nghệ thuật vô giá, thu hút được nhiều người đến dự xem và mua, đòi hỏi phải có giống tốt, kết hợp với sanh khí của trời, phù sa mầu mỡ của đất, phân nước đầy đủ, nhưng điều quan trọng là phải có bàn tay khối óc, sự siêng năng cần mẫn, phải đầu tư nhiều công sức vào trong đó của những nhà mỹ thuật, mới đem lại thành tựu như thế.

Tín đồ Đạo Cao Đài, nhiều năm qua, đã họp lực cùng nhau bỏ công sức xây cất nhiều cơ sở Đạo: các Thánh Thất, các Điện Thờ Phật Mẫu, các Trung Tâm Sinh Hoạt, ở quốc nội và hải ngoại để phổ độ. Các cơ sở Đạo được đồng Đạo tu chỉnh, gìn giử rất là thanh khiết, tráng lệ, huy hoàng đẹp đẻ, sang trọng để cho đồng đạo có nơi cầu nguyện, dâng lể Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng Thiêng Liêng.

Tục lệ đi Thánh Thất đầu năm trong Đạo Cao Đài vào mùa Xuân Tết Nguyên Đán đã trở thành tục lệ quen thuộc, được coi là nét văn hóa đẹp của người tín đồ Cao Đài, để cầu nguyện những điều tốt lành cho bản thân, gia đình mạnh khỏe hòa thuận, tai qua nạn khỏi, hạn ách tiêu trừ, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc trong năm mới. Đi lể Thánh Thất không đơn giản chỉ là để cầu nguyện mà còn là khoảnh khắc tín đồ thành tâm hòa mình vào chốn tâm linh.

Thiên Thời và Địa Lợi, trời che đất chở đó là tình Tạo Hóa, đức háo sanh trưởng dưỡng của Thiên Địa. Muôn loài vạn vật nhờ đó mà sanh sôi nẩy nở theo định luật của Đấng Hóa Công.

Nhưng muốn duy trì và phát triển trường tồn, con người phải biết tôn ti trật tự, trên thuận dưới hòa, sống theo guồng máy thiên lương, là tính thiện, là tánh lành trong mỗi con người đã được Đức Chí Tôn phú bẩm khi cất tiếng chào đời.

Phải kết hợp nâng cao nhiệt tâm Nhơn Hòa. Mỗi tín đồ Đạo Cao Đài đều có bầu nhiệt huyết đang cháy bỏng trong lòng khi đã ý thức được sứ mạng phổ độ Kỳ Ba. Lòng yêu của Đức Chí Tôn giúp cho các Nguyên Nhân khi rời cung Bạch Ngọc, xuống trần phổ Đạo lập vị, nếu chúng sanh không giác ngộ tu hành, thì con đường phản bổn hoàn nguyên trở về ngôi vị cũ khó khăn lắm.

Đáp lại tình yêu Thiêng Liêng đó, tất cả con cái của Đức Chí Tôn hãy nhiệt tâm nhiệt thành, không chỉ hô hào vận động, mà phải thực hành thành tâm “nhơn hòa”, để mọi người cùng hưởng một mùa xuân đúng nghĩa, thuận tùng Thiên lý.
Đức Thường Cư Nam Hải Quan Âm Bồ Tát dạy: Thiên Lý đã vận hành cơ phản bổn, thì nhơn tâm cũng phải minh định quay về sống trong Thánh Đức, thực hành Thế Đạo Đại Đồng an dân thì lo gì nhân loại không hưởng thái bình an lạc.
Bàn về chử Hòa trong lý nhạc, Đức Chí Tôn ngày 14-2-Kỷ Tỵ (dl ngày 24-3-1929) đã cho bài
thơ giảng giải về chữ Hòa trong nhạc lý như sau:
THẦY
Thầy mừng các con.
Từ ngày Thầy hứa cùng các con rằng: Thầy cho bài giảng Hòa thì các con có lòng mong mỏi, nhưng kẻ phò loan chẳng đặng trọn thần. Nay Thầy cho lần lần vấn đề, về câu trường nhạc dĩ vi lạc… nghe các con.
" Đêm thanh vắng lên dây trổi nhịp,
Khải năm âm cho hiệp cùng nhau.
Chớ phân tiếng Thổ tiếng Bào,
Thạch Kim với Mộc hòa vào mới vui.
Giữ tư trước thêm mùi du thủy,
Cách sơn xuyên hòa mỹ nương nhau.
Xưa kia đều khách Thiên Tào,
Nay đây cảnh tục tranh cao lợi quyền.
Quyền chi đó, tiền duyên đành mất,
Lợi gì đâu mà thất đạo tâm.
Chẳng so như bực thú cầm,
Hồ bi thố tử, nghĩ thầm thương nhau.
Vì thương thế, xuống trần dạy bảo,
Dẫn các con huờn đáo cựu ngôi.
Than ôi! Thế tục suy tồi,
Đường Tiên thì lánh, ưa mùi vinh hoa.
Hoa ấy rụng, tòng già chẳng rụng,
Vinh nọ mòn, bá chợt màu tươi
Sầu than gẫm lại buồn cười,
Chê người đạo đức, khoe người đai cân.
Cân ấy tội cõi trần là khổ,
Đai kia là hình nội Phong đô.
Khuyên con khá lánh mê đồ,
Cùng nhau dìu dắt giảng phô việc lành.
Dạy cả thảy nhơn sanh tỉnh tánh,
Lấy từ bi mà lánh sân si.
Toan lo cho Đạo kịp thì,
Đỡ nâng nhơn loại chung qui một trường.
Trong tám tiếng phân tường giai cấp,
Giọng Cung Thương cao thấp tùy nhau.
Giốc Chủy Vũ hiệp thanh tao,
Lục căn Lục lữ phân sao cho đều."
 (Trích Tài liệu Ban Nhạc của Nhạc Sư Trần Thiện Niệm)
Thay lời kết: Mùa xuân năm Đinh Mão 1927, Đức Chí Tôn đã khuyên dạy các môn đệ của Thầy: “Dạy lẫn cho nhau đặng chữ Hòa”.
Nhân hòa nghĩa là sự hòa hợp giữa con người với nhau trong cộng đồng thế giới nhân loại.
Nhân hòa sẽ thúc đẩy con người tiến lại gần nhau, từ nghịch lẫn trở nên thân tình, từ thù thành bạn, từ chiến tranh thành hòa bình. Đó là ý nghĩa của "Nhân hòa"; trong cuộc sống nhân sinh.
Hòa là bài học đầu tiên thuở sơ khai nền Đạo, là Thánh Ý Đức Đại Từ Phụ mong muốn tất cả môn đệ Cao Đài phải thường xuyên trao đổi, nhắc nhở cho nhau và lấy chữ Hòa làm phương châm trên bước đường tu học hành đạo.
Hòa là lễ phẩm trân trọng môn đệ Cao Đài nhất dâng lên cho Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng Thiêng Liêng.
Vận dụng được “Hòa” trên mọi lĩnh vực, trong Đạo ngoài Đời, từ gia đình đến quốc gia và toàn thể xã hội nhân loại khắp toàn cầu, và thực hành được “Hòa” thì trong ấm ngoài êm, gia đình hạnh phúc, xã hội phồn vinh, tiến bộ văn minh, láng giềng lân bang thân tình chứa chan. Nước nước nhà nhà, trên thuận dưới hòa… Đó là “thiên đàng” tại thế, Thượng Nguơn Thánh Đức gần kề, không phải nhọc công tìm kiếm non Đoài hay Khứu lãnh.
Thật vậy ngay trong một gia đình mà trên dưới hòa thuận và nhường nhịn lẫn nhau, thì dù ở trong một túp lều tranh, cũng sánh được với Động Đào nguyên rồi, nên Đức Chí Tôn mới khuyên rằng: “Cố sửa lều tranh hóa động Đào” là vậy.
Theo Bí Pháp Chơn Truyền, thì người tu phải thực hiện hai chữ “Hòa”“Nhẫn”, mới có thể vào được cửa Niết bàn, vì Đức Chí Tôn đã phán rằng:
“Phương pháp độ rỗi, chỉ khuyên lơn các chơn linh dầu Nguyên nhân hay Hóa nhân phải đoạt được hai chữ Hòa và Nhẫn thì mới về cửa nầy được. Dầu cho vạn kiếp sanh dày công tu luyện mà còn ganh ghét, thì sẽ bị vào tay Chúa Quỷ, chớ không mong gì về cùng Thầy...”  (Đức Hộ Pháp giảng).
Vấn đề then chốt muốn đạt được chữ Hòa, chúng ta cần phải nắm được yếu quyết Âm Dương là “Một”, phải quấy là một, không thể nào loại bỏ cái nầy để lấy cái khác. Nếu chúng ta nhận ra cái “Một” đó, thì chúng ta ngộ Đạo, và trong xử thế mới có thể nhẫn nhục, khoan dung, thương yêu, hòa hợp với nhau, và tất cả những xung đột, bất hòa sẽ giải quyết một cách ổn thỏa, ngay vấn đề thống nhất các chi phái Đạo cũng thực hiện dễ dàng. Ngoài ra còn giúp chúng ta lạc quan yêu đời, tăng cường sức khỏe và tuổi thọ nữa.
Khi xuân về, nắng xuân ấm áp, gió xuân mát mẻ, thì lòng người phải hòa hợp cùng thiên nhiên, phải khoan dung rộng mở, thương yêu giúp đỡ, người vật tương đồng, không phân biệt, không kỳ thị… Được như thế, mới thực hiện đúng theo lời dạy: “Có nhân hòa Xuân mới thành Xuân”, mới hưởng được một mùa Xuân miên viễn trong tình Tạo Hóa, trong đức háo sanh vô biên của Thiên Địa (Trời Đất):
"An bài nhơn loại do hòa hiệp,
Hòa hiệp không còn ba, bảy, hai.
(…)
Con hãy giữ dĩ hòa vi quý,
Hòa mới tường đạo lý cao siêu,
Mới không phạm luật Thiên điều,
Mới mong anh dắt, em dìu sớm hôm."

Trong ngày Lể Vía Đức Chí Tôn hàng năm, món quà “quí báu” nhất dâng lên Thầy chính là sự hòa hợp của các môn đệ Đạo Cao Đài như lời Thầy dạy: “Thầy vui muốn cho các con thuận hòa cùng nhau hoài, ấy là lễ hiến cho Thầy rất trân trọng.”
Trân Trọng,
Midland MI, January 21, 2019
QS TS Nguyễn Thanh Bình
Ban Thế Đạo Hải Ngoại
Tòa Thánh Tây Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét