Thơ Ca Xuân Trong Đạo Cao Đài ( QS TS Nguyễn Thanh Bình )


Sưu Tầm
I . Vai Trò Của Thơ Ca Trong Lịch Sử Đạo Cao Đài
Có thể nói lịch sử Khai Đạo Cao Đài đã được thi vị hóa bởi sự hiện diện của thơ ca và nhạc Đạo.
Các vị Tiền Khai Đại Đạo đều là những thi gia với hồn thơ lai láng mà lại cũng giỏi tay đàn, cũng thích cảnh trăng thanh nước biếc, đã từng xuôi ghe theo dòng, ngâm nga xướng họa.
Nếu trong giai đoạn tiềm ẩn của Đạo, các vị chức sắc thiên phong như Đức Hộ Pháp, Thượng Phầm, Thượng Sanh, Thập Nhị Thời Quân, Q. Giáo Tông, etc…
đã nhận được những bài thơ Tiên thâm trầm đạo vị, thì trong thời kỳ gầy dựng cơ Đạo Cao Đài, chư vị Tiền Khai cũng đã trải qua một quảng thời gian hưởng thú xướng họa thi văn với các Đấng Thiêng Liêng (Thần Tiên) và được các lời dạy của các Đấng.

Lúc đầu, năm 1925, các Ngài Cao Huỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Phạm Công Tắc thương hội họp với nhau để ngâm thơ vịnh nguyệt. Đến khi phong trào xây bàn, cầu cơ liên lạc với cõi vô hình lan rộng, các Ngài vì tò mò muốn tìm hiểu nên đã tổ chức những cuộc cầu người khuất mặt. Thất Nương Vương Thị Lễ vào bàn xưng là Đoàn Ngọc Quế và cho ba bài thơ tự thuật về cuộc đời bạc mạng "thác vì tình" của cô Quế. Thật ra, khi ở thế gian, Thất Nương mất vì bịnh, lúc 18 tuổi. Ba vị đã tò mò, lại càng bị hấp dẫn bởi thi tài của cô gái, nên khởi hứng họa bài thơ đầu tiên ấy, rồi lại còn kết nghĩa anh em với cô.

Có một lần nọ, Ngài Cao Hoài Sang làm một bài tự thuật :
"Sầu dài ngày vắn dễ chi vui,
Toan tính thâu đêm ruột rối nùi;
Ngược sóng thuyền đầy cơn gió dập,
Xuôi dòng nước lớn giạt bèo trôi.
Bước đường danh lợi thêm gay trở,
Ngoảnh lối tang thương luống ngậm ngùi.
Lần lựa xuân hè năm tháng lụn,
Thôi thôi đến thế, thế thì thôi".

Cô Đoàn Ngọc Quế, trong cuộc xây bàn lần đó, họa nguyên vận bài trên như sau:

"Chung tình đoạn gánh khó làm vui,
Lần lựa chưa xong chỉ rối nùi;
Lời hẹn xưa còn vầng nguyệt chứng,
Hương thề nên thả giữa dòng trôi.
Kim cải rụng rời lòng ngao ngán,
Đá nát vàng phai dạ ngậm ngùi.
Một khối tuyền đài tình khó dứt,
Ráp gương kiếp khác quyết chờ thôi".

Tiếp theo, cô lại còn cho thêm một bài thơ rất là hay nữa.

Nói chung, nội dung những bài thơ xướng họa trong giai đoạn này, các Đấng Thiêng Liêng đã tạo ra những tình tiết lâm ly cốt gây sự hấp dẫn cho những buổi thi đàm trong các cuộc xây bàn.

Trong kế hoạch thâu nhận và điều độ các vị Tông Đồ vào cửa Đạo trong thời kỳ tiền khai Đạo, Đức Chí Tôn (Đức Thượng Đế) đã nhắm đúng sở thích và tâm lý của các Ngài là ưa xướng họa thi văn nên đã cho Thất Nương Diêu Trì Cung đến trước để làm những công tác sơ khởi liên lạc. Quả thật, sự xuất hiện thường xuyên của cô Quế đã làm cho quí vị ngày càng thích thú hăng say trong mối giao tiếp với cõi vô hình, mà không hề nghĩ rằng đó là một vị Tiên Nữ giáng phàm.

Vào cuối tháng 7, 1925 khi quí vị định cầu cô Đoàn Ngọc Quế về làm thơ thì có một vị Tiên Ông xưng tên là A Ă Â đến với quí vị và yêu cầu đừng tìm biết Ngài là ai, đừng hỏi về quốc sự, cũng đừng hỏi về Thiên Cơ. Thế nên nội dung cuộc giao tiếp thường chỉ xoay quanh vấn đề văn chương, thi văn mà thôi. Những thắc mắc của quí vị về từ ngữ, điển tích trong các bài thơ do Thiêng Liêng cho đều được Ngài giải đáp cặn kẻ khiến cho quí vị vô cùng khâm phục.

Có một lần, ông Nguyễn Trung Hậu (được Đức Chí Tôn thâu nhận là tông đồ và sau thiên phong Bảo Pháp, Thập Nhị Thời Quân, Hiệp Thiên Đài) bạch cùng Đức A Ă Â rằng : "Tôi còn nhớ hai câu đối thuở nay chưa ai đối được xin đem ra nhờ Ngài đối chơi cho vui ". Đức A Ă Â khiêm nhượng đáp rằng: " Bần Đạo xin hầu đối, nếu đối ra không chỉnh, quí vị chớ cười và niệm tình Bần Đạo mà chấn chỉnh lại cho".

Câu đối ấy là : "Ngồi trên ngựa đừng bò con nghé".
Đức A Ă Â đối lại : "Cởi lưng trâu chớ khỉ thằng tê"

Giai thoại này đã được truyền tụng xưa nay trong lãnh vực văn học thi ca của Cao Đài.

Rồi đến một lúc nọ, khi quí vị ngõ ý muốn được tiếp rước thêm những người bạn của Cô Doàn Ngọc Quế để học làm thơ thì cô trả lời rằng có các chị Hớn Liên Bạch, Lục Nương, Tam Nương, Nhất Nương làm thơ hay lắm. Tuy nhiên nếu muốn cầu thì ba anh phải...ăn chay.

Nhưng vài ngày sau, Cô Quế lại đến và dẫn theo cô Hớn Liên Bạch, giới thiệu rằng cô này làm thơ rất hay.
Ngài Cao Hoài Sang muốn thử tài năng của cô bạn mới nên đề nghị ra đề tài để cô làm thơ, tựa là "Tiễn Biệt Tình Lang". Bàn gõ không ngừng, ra ngay một bài rất đậm đà, chẳng những thế, cô Bạch lại làm luôn một bài nữa, tên là "Hoài Lang" .

Cũng cần nói thêm, Hớn Liên Bạch là tên của Bát Nương Diêu Trì Cung. Tiên thi hẵn nhiên là đẹp mà lại phong phú dồi dào, nên mỗi khi các vị Tiền Khai vừa ra một đề tài hay xướng một bài thơ thì các vị Tiên Cô liền đáp lễ làm tiếp ngay một bài, lại tặng thêm một bài thơ nữa.
Từ khi được dặn dò phải ăn chay, ba vị bắt đầu dọn mình chuẩn bị tiếp rước Đức Diêu Trì Kim Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương trong ngày Lễ Trung Thu đầu tiên của Đại Đạo (1925) gọi là "Hội Yến Diêu Trì" mà ngày nay tín hữu Cao Đài còn giữ lệ.
Thật là một đêm tuyệt diệu. Dưới ánh trăng thu huyền ảo, một buổi dạ tiệc của người Tiên với khách tục đã diễn ra trong bầu không khí trang trọng và quá nên thơ. Tưởng chừng như quí vị đang ở giữa vườn đào của Đức Tây Vương Mẫu. Tam vị cùng với chư vị Tiên cô đã cùng nhau họa vận và liên ngâm.

Những cuộc xướng họa vẫn liên tục. Thi đàn của chư vị Tiền Khai ngày càng được các vị ở cõi vô hình (Thiêng Liêng) đến viếng và đề thơ. Điều đó đã thu hút đông đảo giới tao nhân mặc khách có tính hiếu kỳ.

Và, hai tháng sau ngày Hội Yến, cuộc đời của các Ngài bắt đầu bước vào một khúc quanh vô cùng quan trọng. Đức A Ă Â dạy các Ngài phải "Vọng Thiên Cầu Đạo".

Từ những buổi sinh hoạt có tính cách văn nghệ, các Ngài đã "phải" ăn chay để được hội đàm cùng chư Tiên, rồi lại "phải" Vọng Thiên Cầu Đạo để còn được các Đấng cao thâm tiếp tục dạy bảo.

Rõ ràng những vần thơ đẹp đã nhẹ đưa bước chân của thi nhân vào nẽo đạo, biến những kẻ yêu thơ thành những vị Thánh tông đồ, những vị đã hết lòng, hy sinh vì Đạo.
Kỳ diệu thay một cuộc biến đổi ! Lý thú như một chuyện đời xưa, uyển chuyển khéo léo như chiếc đủa thần của bà tiên và êm đẹp như một bài thơ.

Như vậy, cùng với "cơ bút, "thơ" đã làm trung gian nối liền nhịp cầu giao cảm giữa hai cõi sắc không, giữa người Tiên kẻ Tục. Thơ đã dìu dắt chư vị Tiền Khai bước vào sứ mạng trọng đại của quí Ngài. Thơ đã hiện diện ngay trong những giây phút đầu tiên của công cuộc khai sáng Đạo Trời Tam Kỳ Phổ Độ và còn tiếp tục hiện diện nhiều hơn nữa trong công cuộc phổ độ nhơn sanh.
II . Vai Trò Của Thơ Ca Trong Công Cuộc Phổ Độ Của Đạo Cao Đài
Trước khi công khai hóa hoạt động tại Sài Gòn (tháng 10-1926), trong thời kỳ tiềm ẩn của Đạo Cao Đài (1920-1926), các môn đệ đầu tiên của nền tôn giáo mới đã đón xuân Bính Dần một cách đặc biệt. Tại Sài Gòn, chiều 30 Tết (thứ Sáu 12-02-1926), các ông họp lại, cùng nhau đi một vòng ghé nhà từng bạn đạo. Bắt đầu từ nhà ông Võ Văn Sang, cuối cùng về đến nhà ông Lê Văn Trung (1876-1934) thì cũng vừa kịp đón giao thừa.

Đêm trừ tịch Ất Sửu - Bính Dần (12-2-1926), sự kiện hiệp nhất lịch sử giữa những vị đệ tử đầu tiên (12 người) được Đức Chí Tôn đánh dấu bằng một Thánh Lịnh ban trao sứ mạng của Đạo Cao Đài để phổ độ chúng sanh. Đức Chí Tôn (Thầy) dạy:
“Chư đệ tử nghe: Chiêu buổi trước hứa lời truyền Đạo, cứu vớt chúng sanh, nay phải y lời mà làm chủ, dìu dắt cả môn đệ Ta vào đường đạo đức đến buổi chúng nó lập thành, chẳng nên tháo trút. Phải thay mặt cho Ta mà dạy dỗ chúng nó.
Ông Chiêu hỏi:
- Qua đến năm 1933 thì Đạo mới lập thành?
- Phải.
Trung, Kỳ, Hoài, ba con phải lo thay mặt cho Chiêu mà đi độ người. Nghe và tuân theo.
Bản, Sang, Giảng, Quí, lo dọn mình đạo đức đặng truyền bá cho chúng sanh. Nghe và tuân theo. Đức tập cơ, Hậu tập cơ, sau theo mấy anh đặng độ người. Nghe và tuân theo.”

Ấy là lời Thánh giáo đầu tiên, kỷ niệm ngày Khai Đạo mồng 1 giờ Tý, Tết năm Bính Dần vậy.
(Tài liệu Đại Đạo Căn Nguyên của Ngài Bảo Pháp)

Qua Tết, đến ngày mồng 9 tháng Giêng Bính Dần (20-2-1926), mười hai vị Tông Đồ họp mặt dâng lễ Vía Trời, được Đức Chí Tôn giáng dạy (TNHT):

"Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa,
Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà.
Chung hiệp rán vun nền đạo đức,
Bền lòng son sắc đến cùng Ta".

“Nguồn Tiên tầm Ðạo dễ gì đâu?
Quyền phép Càn Khôn một túi thâu.
Thoát xác xưa tầng tu vạn kiếp,
Ðộ hồn nay gội khắp năm châu.
Tìm hiền lắm lúc gieo nguồn Ðạo,
Cải dữ đòi phen cổi mạch sầu,
Trần khổ dầu ai chơn muốn lánh,
Ngày thành chánh quả có bao lâu!”

Cái nhánh các con là nhánh chính mình Thầy làm chủ, sau các con sẽ hiểu. Thầy vui muốn cho các con thuận hòa cùng nhau hoài, ấy là lễ hiến cho Thầy rất trân trọng.
Phải chung lo cho danh Ðạo Thầy. Ðạo Thầy tức là các con, các con tức là Thầy, phải làm cho nhau đặng thế lực, đừng ganh gổ nghe! Các con giữ phận làm tùy ý Thầy muốn, ngày kia sẽ rõ thấu ý muốn của Thầy:

“Vào vòng huynh đệ khá thương nhau,
Một đức trổi hơn một phẩm cao.
Quyết chí Thiên Ðường men bước tới,
Phải nhiều máu thịt mới đồng bào”.

Các con phải hiểu rằng: Thầy là huyền diệu thế nào? Cách dạy, Thầy buộc tùy thông minh của mỗi đứa mà dạy. Dầu cho thầy phàm tục cũng phải vậy, nếu đứa nào dở mà dạy cao kỳ, nó biết đâu mà hiểu đặng.

Thầy cấm không cho dị nghị việc người, nhứt là đạo hữu của các con thì đừng phạm đến kẻo tội nghiệp; chi chi cũng phải nhớ quyết rằng có Thầy trong đó:

“Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
Cùng nhau một Ðạo tức cùng Cha.
Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,
Dạy lẫn nhau cho đặng chữ hòa”.

Thầy nói một lần từ đây nhớ lấy, dầu cho đá, sắt, cây cỏ, mà nghe đến Thánh Ngôn nơi Thầy mà con nói ra, cũng hoan nghinh, huống lựa là người, con nhớ và an lòng.

“Ðã thấy ven mây lố mặt dương,
Cùng nhau xúm xít dẫn lên đường.
Ðạo cao phó có tay cao độ,
Gần gũi sau ra vạn dặm trường”.

Thầy đã hằng ngày nói với con rằng: Muôn việc chi Thầy đã bố hóa vào lòng con. Như con tính điều chi, tức Thầy đã định rồi. Con không cần nặng lòng lo lắng. Ðạo cốt để cho kẻ hữu duyên. Những kẻ nào đã làm môn đệ của "Tà Thần" thì không thế gì làm môn đệ Thầy đặng.

“Lẽ Chánh tự nhiên có lẽ Tà,
Chánh Tà hai lẽ đoán sao ra.
Sao ra Tiên Phật người trần tục,
Trần tục muốn thành phải đến Ta”.

Những kẻ đã hưởng hết phúc hậu từ mấy đời trước, nay lại còn phạm Thiên Ðiều, thì tội tình ấy thế chi giải nổi. Mấy con biết luật hình thế gian còn chưa tư vị thay, huống là Thiên Ðiều thì tránh sao cho lọt? Dầu các con như vậy, thì Thầy cũng lấy oai linh ấy mà trừng trị chớ không tư vị bao giờ. Phải lo sợ tội tình cho lắm, phải có sợ mới có giữ mình, biết sợ phải biết giữ mình, phải hiểu rõ rằng: "Thiên Ðịa Vô Tư" đừng ỷ là có "Ðại Từ Phụ" mà lờn oai, nghe các con!

Thánh ý của Thầy là hiệp nhất để tận độ. Trước mặt Thầy ngày ấy đã có sự hiệp nhất; đến bây giờ đàn con vẫn quỳ trước thánh tượng Thầy, sự hiệp nhất ấy còn chăng?
Con một Cha, anh em một nhà, do nguyên nhân nào chưa hiệp một?

Có lẽ vì chúng ta là con người, con người phàm phu, lại phải mang lấy mệnh Trời cao cả. Đương nhiên, trở ngại lớn là ở thế giới hữu hình trọng trược, là xác phàm; nhưng lớn nhất chính là tâm
phàm. Tâm phàm có bản chất phân biệt. Với Tâm phân biệt, con người tiến bộ trong lãnh vực khoa học vật chất, ngược lại con người bị đẩy ra khỏi bản thể đại đồng.

Thầy đã mở trường dạy Đạo, cho người truyền bá pháp môn. Nếu tất cả môn đệ đều chăm chỉ, tuần tự thăng tiến, thì nhất định có đủ tài đức hoàn thành sứ mạng Thầy ban trao.
Vậy mỗi người chúng ta hãy tự nhìn lại mình, tự xét mình còn nuôi dưỡng lý tưởng cao cả của Đại Đạo chăng? Cơ Đạo sớm muộn gì cũng quy nhất, thống nhất.

"Thiên cơ thế sự định phân rồi,
Chờ đợi con người đạo đức thôi".

Con người đạo đức mà thiên cơ chờ đợi không phải là người giữ đạo bình thường. Đó là người có đủ quyền pháp thay Trời hoằng giáo. Quyền pháp không ở nơi chức sắc vị ngôi, không trụ trong đền thất nguy nga, mà là công năng hòa mình cùng đại thể vạn linh.

Thầy là Chúa tể Càn Khôn Thế Giới, vì tình thương chúng sanh vô minh đắm chìm trong bể khổ, đã hạ mình chỉ làm một vị Bồ Tát đem Đạo phổ độ giáo dân, chúng ta hãy noi gương khiêm tốn, tập hạnh vị tha của Thầy để gần gũi, thương mến, dung thứ cho nhau. Được vậy, trong một kiếp làm môn đệ của Thầy sẽ chu toàn trách vụ con người Đại Đạo, dưới có hàng tiếp nối, trên có Thầy chuyển hóa, lo gì Cơ Đạo không thành.

Đêm Noel, 24-12-1925 (âm lịch 9-11-Ất Sửu), Thất Nương giáng cơ truyền phải chỉnh đàn cho nghiêm trang hầu tiếp giá. Nghe vậy, ba ông Cư, Tắc, Sang, nửa mừng nửa sợ, lật đật sắm hương đăng hoa trà tửu quả, chỉnh đàn có nghi tiết, rồi hai ông Tắc ngồi chấp cơ.
Cơ giáng: “Ngọc Hoàng Thượng Thượng Đế viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát giáo đạo Nam Phương”:

“Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên”.

Đêm nay phải vui mừng vì là ngày Ta đã xuống trần dạy Đạo bên Thái Tây (Europe). Ta rất vui lòng mà đặng thấy đệ tử kính mến Ta như vậy. Nhà nầy (nhà của ông Cư) sẽ đầy ơn Ta.
Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa.
Bấy lâu Thầy vẫn tá danh AĂÂ là cốt để dìu dắt các con vào đường đạo đức, hầu chẳng bao lâu đây, các con phải ra giúp Thầy mà khai Đạo.
Các con có thấy Thầy khiêm nhượng là dường nào chưa?
Các con nên bắt chước Thầy trong mảy mún thì mới xứng đáng là người đạo đức.
(TNST Quyển I, Đại Đạo Căn Nguyên của Ngài Bảo Pháp)

Đức Chí Tôn giáng trần khai minh nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để chấn hưng nhơn tâm, nhơn khí, đưa con người trở lại cuộc sống thuần lương tốt đẹp. Thế nên, vấn đề đem đạo lý thấm nhuần vào đời sống nhơn sanh, chan hòa trong mọi lãnh vực, là vấn đề rất quan trọng. Tuy nhiên, bản chất Đạo vốn không hình, không danh, không tiếng, không lời nên muốn bàn luận đến đạo lý phải tạm mượn văn tự, ngôn từ để diễn tả.

Ngàn năm xưa, các văn gia cũng đã có quan niệm "Văn dĩ tải đạo" nghĩa là văn để chở Đạo, truyền Đạo. Hàn Dũ (768-824) đời Đường, làm học sĩ ở Quốc Tử Giám, học thức của Hàn Dũ uyên bác, giảng dạy sinh động nên được đa số học sinh yêu thích và kính phục, đã bảo "Không phải sách của thời Tam Đại, Lưỡng Hán thì không dám xem, không phải cái chí của Thánh Nhân thì không dám giữ. Theo con đường nhân nghĩa mà đi, theo cái nguồn thi thư mà lội thì suốt đời không lạc đường, không tuyệt cái nguồn"

Thơ ca là một trong những cách dùng lời để diễn tả ý tưởng. Thông thường, nói đến thơ là nói đến ngâm hoa vịnh nguyệt, nói đến một thú tiêu khiển nhàn nhã. Có người bảo rằng, thơ ca có thể làm cho con người bay bỗng tâm hồn theo trời trăng mây gió mà quên đi cuộc sống thực tế.

Một vị chức sắc Tiền Khai Đại Đạo, Ngài Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt, cũng lưu tâm đến điều này nên đã bảo "Mỗi độ Xuân về, mỗi kỳ hội lễ, thỉnh thoảng có các hàng Tiền Bối Khai Đạo giáng cơ để tâm tình đạo sự hoặc đọc một vài câu thơ gọi kêu khuyên nhủ, chư hiền đệ hiền muội có một cảm nghĩ nào trong lời nói của người xưa với ý thức hệ ngày nay không ?
Một vài vần thơ chúc tụng, một đôi vé thi bài nhắc nhở nhủ khuyên, có phải chăng một điệu nhạc ru hồn hay một màn diễn xuất trên sân khấu, câu nhặt câu khoan, câu nam câu khách ?"
Câu trả lời chắc hẳn là không.

Người xưa từng cho rằng thơ cốt nói lên lòng người thì thơ Tiên Thánh cốt nói lên ý chỉ của Tiên gia muốn truyền đạt cho thế nhân.

Bạch Cư Dị, Bạch Cư Dị (772-846), tự là Lạc Thiên, là nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng thời nhà Đường. Ngôn từ trong thơ ca của ông dễ hiểu, mạch lạc và trôi chảy. Ông là một thi gia, danh tiếng đời Đường đã nói : "Thơ gốc nó là Tình, ngọn nó là Lời, hoa nó là Tiếng, trái nó là Nghĩa" cho nên ông chủ trương rằng văn thơ không phải để đùa giỡn với hoa cỏ gió mây mà phải có mục đích "phụng sự nhân sinh". 

Phong cách thơ vô cùng độc đáo của ông đã trở thành một thể loại văn học thường được gọi là “nguyên bạch thể”, hay còn gọi là thể thơ giản dị tới mức căn bản. Bạch Cư Dị là người ủng hộ trường phái tân nhạc và các bài hát dân ca mang phong cách triều Hán.

Thật ra, tinh thần Cao Đài rất cởi mở, trọng "chất" nhưng cũng không xem nhẹ "văn", dung thông mọi quan niệm về thi văn, mọi hình thức diễn đạt tư tưởng. Do đó, chúng ta có thể thấy thơ ca Cao Đài có nhiều vai trò. Trước hết là vai trò truyền đạt đạo lý, kế đến là bảo vệ và phát triển văn hóa và sau đó là vai trò phụ làm thú tiêu khiển thanh tao.

Về vấn đề "Văn dĩ tải đạo" nghĩa là văn để chở Đạo, truyền Đạo, Đức Diêu Trì Kim Mẫu đã dạy

"Lời Thánh Dụ phú thơ còn đó,
Bao thi văn dạy dỗ khuyên răn;
Mong cho thế sự ăn năn,
Tự tu tự tỉnh lần phăng đường về".

III . Thơ Ca Mùa Xuân Trong Đạo Cao Đài
Đức Thái Thượng Đạo Tổ: “Đã học Đạo, hành đạo, tất biết Đạo hằng có trong vạn vật. Vạn vật sinh tồn trong lý Đạo. Những phương pháp, phương châm, bí quyết để con người được biết rõ chính mình và biết sống trong lý đạo để bảo trì nhân bản trên xã hội nhân loại này đều tóm vào một ý nghĩa của mùa xuân. Bởi Mùa xuân là mùa bắt đầu của một năm, đây cũng là mùa gắn liền với Tết, thường bắt đầu vào tháng 1 và kết thúc vào tháng 3 dương lịch. Theo truyền thống lịch sử của người Việt, đầu năm mọi người luôn chuẩn bị những lời chúc Tết, thơ chúc tết ý nghĩa trong dịp đầu Xuân coi như một món quá có giá trị tinh thần vô cùng lớn để liên lạc, gửi tặng bạn bè và người thân. Những lời chúc Tết Việt Nam luôn mang đậm tính dân tộc, nhân văn và ý nghĩa trong từng câu chữ.

Hình ảnh nụ hoa đào chớm nở, hoa mai đâm chồi hay những cành quất trĩu quả trên khắp nẻo đường, con phố báo hiệu một không khí xuân căng tràn, an vui đang về. Những bài hát về mùa xuân tựa như những dòng chảy nhỏ ca lên khúc yêu thương, đầm ấm về một mùa mới, về khoảnh khắc giao cảm mãnh liệt trong tâm hồn mỗi người dân Việt chúng ta. Nhửng tập sách sưu tầm về “Ngày Tết Việt Nam” gồm nhiều bài hát xuân, thơ xuân, chuyện xuân chắc chắn sẽ mang đến cho bạn một không gian xuân trọn vẹn màu sắc, cảm xúc trong hương vị của những ngày Tết.

Đạo Cao Đài kể từ đêm giao thừa năm Bính Dần 1926, năm khai Đạo, đến giao thừa năm Canh Tý (2020) này thì người Cao Đài đã trải qua 94 lần đón mùa xuân Đại Đạo. Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng Thiêng vào dịp xuân về thường ban cho tín đồ Cao Đài các bài Thánh Giáo gồm những bài thơ để mừng xuân, các lời chúc và cũng không quên nhắc nhở các môn đệ con đường hành đạo, lập đức, lập công. 

Trong dịp năm mới, đa số tín đồ Đao Cao Đài chuẩn bị những câu thơ, bài thơ hay, ý nghĩa để gửi mọi người chúc vui vẻ, hạnh phúc, trong ngày đầu năm mới.

Mùa Xuân lồng trong thơ ca Đạo Cao Đài đã xây dựng được một giá trị đạo đức lẫn giá trị văn hóa thẩm mỹ trong cuộc sống của người tín hữu cũng như trong văn học giáo lý Đạo Cao Đài.
- Mùa Xuân trong thơ ca Đạo Cao Đài có khả năng truyền đạt Thánh Ý để độ rỗi người đời.
- Mùa Xuân trong thơ ca Đạo Cao Đài đã góp phần bảo vệ và phát triển kho tàng văn hóa dân tộc, làm phong phú và làm đẹp thêm tiếng Việt.
- Đồng thời thơ ca mùa Xuân cũng là phương tiện thưởng xuân thanh nhã, nhẹ nhàng đối với tâm hồn người học Đạo.

Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế kim viết Cao Đài giáo đạo Nam Phương dạy:
Thầy các con, Thầy mừng các con.
Mặc dầu thời cuộc tang thương, thế trần biến đổi, Thầy cũng dành riêng một mùa Xuân ấm áp với vẻ đẹp thiên nhiên để bù sớt lại những lúc Đông tàn giá rét, nắng Hạ đốt thiêu, mưa Thu ảm đạm. Thầy đến với các con một mùa Xuân mới. Các con hãy vui vẻ thưởng Xuân, đem Đạo Thầy truyền bá khắp nơi, đem hột giống lành gieo rải lan tràn, và đem ân lành phổ cập cho tất cả con cái của Thầy cho chúng hiểu được lý Đạo, trở về hiệp nhứt cùng Thầy hầu tái lập cõi đời Thượng Nguơn Thánh Đức. Các con hãy hưởng một cái Xuân đầy ý nghĩa và nhân đạo (....) 
Rồi đây, Thầy sẽ cho Phật Tiên Thánh Thần đến giúp đỡ các con trong một mùa Xuân hành Đạo. Thầy ban ơn các con một mùa Xuân:

“Xuân sắc thiên nhiên vẻ lịch xinh,
Xuân phong đưa đón khắp toàn linh,
Xuân hoa rực rỡ muôn màu đẹp,
Xuân cảnh thanh tao một tiếng kình.
Xuân nhựt nhựt tân tình Tạo Hóa,
Xuân niên niên tải nghĩa quần sinh
Xuân xuân con hỡi! Mùa Xuân Đạo,
Xuân Đạo về mới dứt chiến chinh”.

Toàn khắp trên mảnh đất Việt Nam đã hiện lên Thánh Thể của Thầy, dầu là trong sự Đạo Tâm công quả, muốn hiến thân để hành đạo, hiến của để lập đức, hầu thoát cảnh trần tục để trở lại cùng Thầy; dầu là do sự phàm tâm dục vọng, tranh đấu ở trong giới đạo đức. Các con hãy nhận thức lòng Thầy để đem vào lòng các con, và tập lần lần để cho lần lần được thành công trên đường thương yêu, ảnh hưởng ấy sẽ đem đến sự hoằng dương đạo lý của Thầy:
“Xuân đến con vui với tiết xuân,
Hãy đem Đạo lý độ người trần,
Trong cơn mê muội xa ngôi vị,
Thức tỉnh lên đường học Thánh Nhân”.

Đức Thượng Phẩm viết nhân tiết Xuân về, ghi lại một vài vần thơ để tỏ niềm hoài cảm:

“Chí có Xuân thì biết thưởng Xuân,
Xuân còn nhớ lại cảnh năm Dần,
Lưng trời Bạch Hạc bay vi vút,
Mặt đất Thần Tiên luận nghĩa ân,
Mở khóa người đời tìm Thánh Đức,
Trau gươm kẻ sĩ học hiền nhân,
Thiên Đàng lòng vẫn bâng khuâng nhớ,
Trần thế còn chăng khách thưởng Xuân?”.

Giao thừa là giờ khắc chuyển đổi của thời gian, đồng thời với không gian, cảnh vật, sinh hoạt và tâm tư con người. Thời khắc ấy càng đến gần, mọi người càng hối hả sửa sang, trang hoàng, đổi cũ thay mới trong nhà ngoài cửa để đón mừng năm mới, mừng ngày tháng đầu tiên của một năm và sự khởi phát tân xuân. Thời gian tuần hoàn, không gian luân chuyển để luôn luôn đổi mới vạn vật, vừa bảo tồn vừa canh tân thế giới. Đó là đạo lý mà cũng là quy luật tiến hóa trong trời đất.

Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế kim viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát giáo đạo Nam Phương, trong mùa xuân Bính-Ngọ đã dạy:
Thầy các con,
Thầy rất vui nhìn thấy các con đến chầu Thầy trước giờ xuân sang, để cùng nhau hưởng hồng ân Thầy dành sẵn cho các con, cũng như Thầy hằng ngự nơi chánh tâm mỗi trẻ:

“Thầy dành cho trẻ một mùa Xuân,
Đi lại trần gian xóa khổ trần,
Như lý Đạo mầu đang cứu cánh,
Cho đời thuần túy nét thanh tân.”

Dưới trời Đông lạnh lẽo giá rét, cỏ cây trụi lá trơ cành, thú vật chim chóc đều rút vào hang ổ, người người đóng cửa vào nhà. Vạn vật im lìm như chết đi trong mùa Đông.

Nhưng rồi một ngày kia, một làn gió hây hây thổi đến, những tia nắng trong sáng và ấm áp đã về với muôn loài. Tất cả vùng trỗi dậy, bừng lên sức sống, hoa trái nở rộ, thú ra khỏi hang, chim bay khỏi ổ nhảy nhót, líu lo. Bộ mặt thế gian đã thay đổi hẳn. Cảnh trăm hoa đua nở rực rở, sắc thắm huy hoàng, vui tươi và sống động kia đã báo hiệu mùa Xuân sắp đến rồi. Dịp Xuân về, Đức Diêu Trì Kim Mẫu có phác họa một nét đẹp của mùa Xuân:

"Vạn vật mong chờ một Chúa Xuân,
Đem về muôn vẻ đẹp màu Xuân;
Hồng lô tuyết điểm hoa treo ngọc,
Thượng uyển hương nồng hạc múa Xuân".

Và lời Đức Chí Tôn, Thầy cũng đã nói về cái đẹp của mùa xuân đến ở thế gian:

"Trải qua những tiết Đông Thiên,
Ngày Xuân sắp đến chân liền bước sang.
Những thôi trắng đỏ xanh vàng,
Điểm tô thêm nét trùng hoan cõi trần."

Nhưng tại sao có cuộc đổi thay kỳ diệu ấy? Cái gì đã làm cho mùa Đông lạnh lẽo chết chóc trở thành mùa xuân ấm áp sinh động ? Đó là Đạo là Chân Thiện Mỹ.

Đạo thể hiện qua luật biến dịch tuần hoàn của Trời đất, sự đắp đổi giữa Âm và Dương mà xưa kia Thánh nhân đã tìm ra và viết thành Kinh Dịch. Theo đó mỗi mùa tiết được tượng trưng bằng một quẻ đôi có 6 hào tức 6 gạch ngang. Gạch liền là dương, gạch đứt là âm. Dương là Trời, là nóng; Âm là Đất, là lạnh. Luật tuần hoàn hết nóng đến lạnh, hết lạnh lại nóng. Mỗi tháng chuyển dịch một hào tức một gạch. Vào mùa Đông khi cực lạnh cả 6 hào của quẻ đều là Âm. Lúc ấy, tiết Đông Chí, liền có một hào Dương trở lại, có nghĩa là sự sống đã trở lại, mùa Xuân trở lại, nhưng còn tiềm ẩn. Đó là lúc vui mừng nhất của muôn loài. Khi Dương mới trở lại hãy còn ít ỏi nên không gian còn lạnh, sức ấm chưa lộ ra ngoài. Tuy nhiên, đó là khí vô cùng quí báu (khí nguyên sơ), nó có sức bộc phát mạnh mẻ làm bừng lên sự sống và sức sống của muôn loài.
Dần dần, khí Dương đầy đặn thêm và đến mùa Xuân được tượng trưng bằng 3 gạch liền. Âm Dương đã đồng đều và trộn lẫn nhau. Độ ấm của khí trời đã đủ tốt để cho chim chóc tung cánh bay ra, thú rừng rời chỗ ấm, hoa nở rộ trên ngàn. Mùa Xuân đã hiển hiện trên thế gian.
Lúc ấy ứng với quẻ Địa Thiên Thái và khí ấy gọi là khí Tam Dương hay Khí Thái Hòa. Đó cũng là Lý Trung Hòa của mùa Xuân. 

Xuân chỉ có được trong tâm khi con người được tĩnh lặng thất tình lục dục. Các nỗi buồn, vui, lo, sợ, hờn, giận… không còn trú ngụ quấy nhiễu trong tâm. Lúc đó con người mới vững vàng trước mọi biến đổi trong cuộc sống và đó mới chính thật là Xuân. Và nếu chúng ta giữ được sự tĩnh lặng liên tục dài lâu trong lòng sẽ không khó tìm mùa Xuân bất diệt:

"Xuân thị Thiên Địa chi giao Thái,
Xuân dã vạn vật chi sanh cơ;
Biết thưởng Xuân lòng phẳng lặng như tờ,
Vui Xuân với thiên nhiên nhiều thú lạ"
                                                                                              (Đông Phương Lảo Tổ)

Và Đức Chí Tôn cũng không quên nhắt nhở chuyện các Đấng Thiêng Liêng cũng hoan hỷ đón nhận cái đẹp nhẹ nhàng của mùa Xuân:

"Đông Quân điểm cành mai hé nhụy,
Viện Như Lai hoan hỷ nghinh Xuân;
Tam dương thoại khí vần vần,
Bá hoa đua nở, gót lân ra vào."

Khí Dương của mùa Xuân đã là yếu tố để muôn loài tự phục sinh và đổi mới. Nói cách khác, đó là yếu tố thúc đẩy sự sinh sôi và tiến hóa.
Ở đây muốn nhấn mạnh điểm "muôn loài tự phục sinh". Có nghĩa là nếu chỉ có khí xuân thì không đủ tạo mùa xuân mà còn phải có yếu tố cơ bản hơn. Đó là mầm sống bất diệt nằm trong tự thể của mỗi loài mà Tạo Hóa đã ban cho. Ở cỏ cây là cái hạt, ở loài người là điểm tiểu linh quang hay linh hồn. Mầm sống ấy sẽ tiếp thu khí nguyên sơ mùa xuân mà sinh sôi phát triển, tiến hóa. Loài cỏ cây tiếp thụ một cách tự nhiên. Loài người, ngoài sự tiếp thụ bình thường tự nhiên, còn có thể tiếp thụ với ý thức cao để tiến hóa vượt bực, nhảy vượt cấp và tạo một mùa xuân trường cửu cho mình. Đạo của mùa Xuân cốt ở chỗ đó.

Mùa Xuân thế gian tuy là xuân của từng chu kỳ, không thường xuyên mà bị gián đoạn bởi Hạ Thu Đông, nhưng trong cái vô thường ấy vẫn có Xuân hằng thường trường tồn bất diệt :
- Vì lẽ Xuân đi rồi xuân lại đến, y như thế, rồi lại đi và rồi lại đến … cứ thế mãi mãi, không ai ngăn cản xuân được.
- Vì lẽ hạt giống của sự sống vẫn còn được ẩn chứa trong lòng đất sau mỗi mùa Xuân, chờ đủ yếu tố lại sinh sôi.

Mùa Xuân của thế gian là mùa Xuân ồn ào, náo nhiệt, mùa Xuân có thời giờ, có giới hạn, ngắn ngủi, không trọn vẹn, vui buồn lẫn lộn, có khi buồn lại nhiều hơn, hoặc niềm vui che đậy nỗi buồn. Đức Đông Phương Lảo Tổ viết:

"Đang lúc Xuân về với thế gian,
Đì đùng pháo nổ tiếng rền vang;
Rượu trà  bạn tác vui ngoài mặt,
Ai biết bên trong lắm rộn ràng."

và còn đối với giáo lý Cao Đài, thơ cũng đã được coi là một phương tiện tốt để diễn tả giáo lý và tinh thần Đại Đạo, nhứt là trong những ngày Xuân:

"Xuân xuân đến muôn phần nô nức,
Xuân là chi vạn vật đón chờ;
Xuân về có rượu có thơ,
Có câu chúc tụng có giờ nghỉ ngơi.
Kìa hoa thảo thắm tươi khoe sắc,
Nọ cảnh đời nhiều mặt thanh tân;
Phú bần tiện quí cũng Xuân,
Chờ Xuân trút hết não nầng Thu Đông.
Có phải Xuân thần thông diệu dụng,
Đủ uy quyền linh ứng vạn sinh;
Xuân, có cảnh, có tình,
Có tâm, có đạo, trường sinh bảo tồn.
Xuân là của Đức Chí Tôn,
Thưởng Xuân vui với tâm hồn thiên nhiên".

Dù đang sống trong những ngày Tết, mọi người chung quanh đang vui vẻ đón Xuân mà riêng mình đang bị những nỗi buồn lo ám ảnh thì Xuân cảnh lúc đó cũng không làm sao tạo được mùa Xuân trong lòng.
Thế nên người Cao Đài được Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng Thiêng Liêng dẫn dắt tìm đến mùa Xuân bền vững, trọn vẹn hơn. Đó là tâm Xuân, Xuân trong Đạo Đức, Xuân Vĩnh Cửu. Sự vắng lặng sẽ giúp tâm linh người trong sáng hơn, nhạy cảm hơn để nghe rõ hơn, thông suốt hơn những tiếng nói, lời dạy vô thinh trong cõi hư không. Đức Chí Tôn qua lời thơ đã nói lên giá trị Đạo Đức của tâm Xuân (TNHT):

"Đời gọi rằng Xuân bất tái lai,
Tuổi Xuân đã mãn đến già ngay;
Bởi đời ảnh hưởng theo danh lợi,
Còn đạo vun bồi âm chất dầy.
Vật chất hết Xuân khô héo rụi,
Tinh thần đạo đức mãi Xuân hoài;
Xuân Đời Xuân Đạo Thầy phân rõ,
Tự chọn mỗi con chớ để sai".

Đức Quan Thế Âm Bồ Tát cũng dạy về mùa Xuân cùng về với ý Đạo như sau :

"Xuân về ý Đạo cũng theo về,
Cảnh vắng, lòng thành, dứt muội mê;
Tiếng gọi Thiêng Liêng văng vẳng đó,
Gội nhuần ân phước cả muôn bề".

Ngài Hiếp Pháp, trong “Tân Xuân Khai Bút” trong dịp Xuân đến, nhắt lại vai trò Đạo dìu Đời trong vai trò phổ độ để nhân gian được thái bình:

“Tân Xuân khai bút, bút đơm hoa,
Tô điểm non sông nét đậm đà.
Thống nhứt toàn cầu gồm một mối,
Tóm thâu thiên hạ sống chung nhà.
Đạo dìu đời lập thuần phong hóa,
Đời giúp Đạo khai hưởng thái hòa.
Thần bút linh thông khêu đuốc huệ,
Sáng soi bốn biển khắp gần xa”.
                                                                                              Hiến Pháp (Thân Dân)

Đức Chí Tôn vô hình, Đạo trời đất bao la; nhưng Đức Chí Tôn khai Đạo để nhắc loài người rằng Đạo vẫn ở ngay trong Tâm khảm mỗi người. Và Đạo lý vẫn hiện bày trước mắt con người giữa thiên nhiên bốn mùa tám tiết. Nên khi Xuân về, với tình thương vô biên:

“Xuân phúc tải Kiền Nguyên chi Đức.
Xuân thái hòa vạn vật chi cơ,
Xuân sang trước đã định giờ,
Xuân về cho trẻ phục sơ tánh lành.
Xuân cảnh thế đấu tranh hỗn loạn
Xuân thiên nhiên soi sáng tâm điền,
Xuân tâm hòa nhịp thiên nhiên.
Xuân thiên nhiên với tâm điền không hai”.

Xuân sắc điểm phân tài sứ mạng,
Xuân phong thừa ngọc bảng đề ghi;
Xuân về, xuân lại, xuân đi,
Thời gian vô tận, xuân thì vô chung.
Xuân khai thới trần hồng thưởng thức,
Xuân dịu hòa với đức hiếu sinh;
Xuân này con trẻ khai minh,
Hoàn thành sứ mạng tròn gìn đạo Xuân".

"Xuân về hướng nội không thời,
xuân vĩnh cửu Đạo Trời trường lưu.
Xuân tâm chẳng chút phiền ưu,
Cùng vui xuân cảnh cùng cưu nổi sầu.
Âm dương Thiên Địa một bầu,
Lặng lòng mở trí nhiếp thâu điều hòa.
Kỳ trung lạc thiện mới là,
Cùng xuân xây đắp Bửu Tòa nơi tâm".
                                                                                               (Nhịp Cầu Giáo Lý)

Đối với sứ mạng Tam Kỳ Phổ Độ, các tín đồ phải hướng đến mùa xuân vĩnh cửu mới xứng đáng là người con tin của Đấng Thượng Đế (Đức Chí Tôn), như lời dạy của Đức Lý Giáo Tông: “Bần Đạo thiết tưởng xuân hữu hạn đối với thế nhân, xuân bất tái lai nên phải có ly rượu Giao thừa, chung trà khai thái để đón giờ xuân đến, tiễn giờ xuân đi. Còn hàng chơn tu thọ Thiên ân sứ mạng chấp trì quyền pháp thì xuân lại vô cùng vô tận.”

Vậy có thể nói mùa Xuân là biểu tượng cho sự ấm áp của Khí Thái Hòa, cho tình thương của Đấng Thượng Đế và cho sự sống vĩnh cửu hằng hữu. Mùa Xuân giúp cho con người có đủ năng lực và tinh chất bảo vệ quyền hạn và địa vị con người trong trời đất.

Cảnh trăm hoa đua nở rực rở huy hoàng, vui tươi và sống động kia đã báo hiệu mùa Xuân đến rồi. Đức Diêu Trì Kim Mẫu có phác họa một nét đặc biệt của Xuân như sau : 

“Vạn vật mong chờ một Chúa Xuân,
Đem về muôn vẻ đẹp màu Xuân;
Hồng lô tuyết điểm hoa treo ngọc,
Thượng uyển hương nồng hạc múa Xuân”.

Mặc dầu thế gian có lúc bất bình, bất an, nhưng Xuân vẫn cứ đẹp, cứ xinh để phục vụ con người. Chúng ta hãy nghe các đấng Thiêng Liêng tả cảnh Xuân:

"Xuân sắc thiên nhiên vẻ lịch xinh,
Xuân phong đưa đón khắp toàn linh;
Xuân hoa rực rở muôn màu đẹp,
Xuân cảnh thanh tao một tiếng kình.
Xuân nhựt nhựt tân tình tạo hóa,
Xuân niên niên tải nghĩa quần sinh;
Xuân Xuân con hởi mùa Xuân đạo,
Xuân đạo về mới dứt chiến chinh"

Đức Phật Mẫu nói về mùa Xuân “Hằng sống là nơi căn cội của các con. Vậy các con cũng chẳng nên quyến luyến thế đời mà quên cựu vị nghe! Mẹ mừng đặng thấy các con hội hiệp với nhau. Vậy các con hãy nắm tay nhau cho chặt chẽ, đi cho vững. Mẹ ban ơn cho cả Nam Nữ”: 

“Lượng sóng đời kia khó định chừng,
Vườn Xuân khô lá khó trông Xuân.
Hiên mai gió tạt nghiêng rèm hạnh,
Giậu tối Trăng soi đổ bợn trần.
Tiếng hạc kêu vui xa thẳm thẳm,
Hơi quyên chào thảm lóng gần gần.
Chờ xem thế cuộc tùy duyên phận,
Ðừng tính đeo mang gánh nợ trần”.

Việc ngắm cảnh thiên nhiên không chỉ tạo ra những mỹ cảm nơi lòng mà nó còn có công dụng chế ngự dục vọng nhờ đó tâm bình an, phát sinh nhiều thiện cảm. Mà hễ tâm mỗi người bình an thì xã hội cũng sẽ bình an. Ngắm cảnh thiên nhiên cũng là để được nhắc nhở suy gẫm về đường tiến hóa của con người qua sự chiêm ngưỡng bước tiến hóa của cỏ cây và muôn thú.

Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy "Các con hãy nhìn xem vạn vật trên thế gian. Loài thảo mộc, những cây non cỏ dại, dầu sớm mọc chiều tàn, nhưng cũng vẫn đua đòi tiến bộ theo luật thiên nhiên để đơm hoa kết quả, chớ nào phải riêng cho tòng bá xanh tươi, cổ thụ rườm rà mới có đầy đủ sự sanh trưởng đâu con!" Cảnh Xuân thiên nhiên còn giúp người mở rộng và nâng cao lòng mình:
"An hưởng trời Xuân ngắm cả hoa,
Hòa theo nhạc gió, gió Xuân hòa.
Thánh tâm mới biết đường siêu đọa,
Nữ đạo làm sao rạng Đạo nhà."

"Xuân đến trong lòng khách thưởng Xuân,
Thưởng Xuân mới biết vẻ thanh tân;
Non cao sừng sửng trời xanh biếc,
Biển rộng bao la nước trắng ngần.
Tòng bá vẫn quen đường tuế nguyệt,
Kình ngư hẵn dạn cuộc phong vân;
Chuyển luân một loạt cho Xuân đến,
Xuân đến trong lòng khách thưởng Xuân".

Mùa Xuân là một cuộc đại triển lãm của Tạo hóa về cái đẹp của các loài thảo mộc, các loài hoa:

"Vườn Tạo hóa sẵn sàng vun quén,
Cho trăm hoa sắc bén hương nồng.
Trải qua mấy hạ, thu, đông,
Chờ Xuân Xuân đến tạ lòng tác nhân".

Muôn vạn loài hoa đã đáp ơn đấng Tạo sanh ra mình bằng cách phô bày hương sắc để cống hiến cho người. Đó cũng là cách hoa lập công tiến hóa. Loài người hãy chiêm ngưỡng, thưởng thức những tặng phẩm của tạo hóa, những đóng góp của muôn loài dành cho mình để giải khuây và cũng để phát triển tình yêu vạn loại:

"Sắc mai trổ một trời quanh ánh,
Nhụy mai phong lóng lánh hạt châu.
Gió đông phơ phất dạt dào,
Vì đời mai trổ để hầu đón Xuân".

Nhờ đâu mà hoa tươi đẹp như thế, thơm ngát như thế? Và hoa tươi đẹp, thơm ngát để làm gì? Có lẽ tự thân  những đóa hoa cũng vô tư không biết ý nghĩa sự hiện diện của chúng trên cõi đời này và nếu không có loài người chắc không có những nhận thức về cái đẹp của loài hoa.
Vậy rõ ràng là hoa đã nở vì "ai đó". Đạo lý hiểu hoa. Người có hiểu hoa chăng

Tình Xuân vẫn vô tư, Xuân tự hứa đem sinh lực và niềm vui đến cho mọi người, không phân biệt, cũng không đòi hỏi ở người điều gì. Xuân không vì người thích mà đến sớm, cũng không vì người chán mà không trở lại. Đức Diêu Trì Kim Mẫu:

“Đời dầu có đảo điên hơn nữa,
Xuân vẫn về vẫn hứa non sông;
Sắc hương tỏa khắp đại đồng,
Cho con cái Mẹ trọn lòng thưởng xuân”.

Vậy thì cảnh thế gian, mùa xuân thế gian chưa phải là đích điểm của con người, mà đó chỉ là trạm dừng chân nghĩ mệt từng lúc trên đường dài hồi hương. Đức Quan Âm Như Lai dạy:

“Năm tháng qua rồi xuân lại sang,
Xuân về xoa dịu nỗi bi quan;
Ai ơi có thấy đời là mộng,
Thắm thoát lần tay đếm chuỗi tàn”.

“Tàn một giấc Nam Kha ảo mộng,
Trăm năm nào đặng sống trăm năm;
Phú bần, vinh nhục, buông cầm,
Mõi mòn xác thịt, đọa trầm hồn linh”.

Mùa xuân là mùa lập lại qua cuộc sanh trưởng thâu tàng, biết hòa dịu để lưu hành trưởng dưỡng. Người biết đạo mới biết vui xuân. Biết vui xuân là biết hòa mình cùng đại thể, cùng vạn vật”.

Trong cõi vô thường vẫn có cái hằng thường. Khi cành mai trổ nụ kết hoa ở cuối Đông để đón tiết xuân sang khoe khoang màu sắc, trong thời gian rất ngắn, cành hoa sẽ tàn tạ lìa cành, còn để lại cái bất diệt mai sau là xuân vĩnh cửu trong những hạt mai đang kết tụ thành hình trong tiết Tam dương. Thảo mộc vẫn còn có cái xuân bất diệt mà so bằng trong vạn vật, phương chi con người há lại không có mùa xuân bất diệt ấy sao? Tất cả đều trong lẽ Đạo. Khi trọn biết là Đạo rồi, vô thường, hửu vi không còn có ý nghĩa nữa mà chỉ còn là cái bất biến vô sanh”:

“Tình Tạo hóa ban đều vũ trụ,
Đức háo sanh bao phủ Càn Khôn.
Chuyển luân nhựt nguyệt, vong tồn,
Cỏ cây nhơn vật vô cùng hóa sanh.
Mùa Xuân ấy Trời dành vạn vật,
Mùa Xuân là tánh chất nước non.
Chuỗi đời trăm hạt xây tròn,
Xuân về xoa dịu hàn ôn chuỗi đời”.
                                                                                              (Diêu Trì Kim Mẫu)

Đức Bát Nương, vào mùa Xuân Giáp Ngọ, đã giáng cơ cho một bài thơ vào tân Xuân:

“Giáp Ngọ tân Xuân mở cửa thần
Thiên khai phổ hóa rưới hồng ân
Một đường vinh diệu nhờ tâm phúc
Tột nẽo quang minh bởi chí bần
Hành pháp thay Trời nương thể xác
Định linh rửa tục cậy phàm thân
Tế an thiên hạ tiên Nam quốc
Bóng Đạo tình Trời tạo Việt chân”.

Ngài Bảo Đạo mừng Xuân Giáp Ngọ, chúc Tết Đức Bát Nương trong bài thơ:

“Tân niên khai bút kính niên Bà
Xuân đến người người trẻ chí già
Kính nguyện Cao-Đài qui vạn chủng
Chúc cầu nhơn loại hiệp cùng ta
Bát phương huynh đệ gầy nhân ái
Nương sách đại đồng cậy sức Bà
Thăng giáng cuộc đời ôi mộng ảo
Vị tha vong kỹ nước Ma Ha”.
                                                                                              (Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa)
                  
Và mấy bài thơ nói về mùa Xuân của Ngài Bảo Đạo và Đức Bát Nương trong dịp xuân về đã nói về Đạo Pháp và cũng không quên “khôi hài” nhắt đến “xôi chè” dùng trong mấy ngày Tết:

“Chẳng phải Xuân này mới thấy Xuân
Vì chưng ngọc lộ mới nên mừng
Cung đoài gác bóng hồn non nước
Cửa khảm rời thân nghiệp thấu chăng
Định vững trí thành nên đẹp thể
Dìu an tâm đức mới xinh trần
Giữ phương Pháp Chánh trau Thiên thể
Cực lạc phàm gian sẽ kiến lân”.
                                                                                              (Bát Nương Diêu Trì Cung)

“Xuân này hai chín đó ai ôi
Xuân đã qua rồi rẻ mãi thôi
Xuân đến qui nguyên lòng toại chí
Xuân lui hiệp nhứt phỉ nguyền rồi
Xuân về an giấc nhà hoan lạc
Xuân tới trúng mùa gạo cứng nồi
Xuân đặng như nguyền xin khấn hứa
Hăm ba Xuân nữa cúng chè xôi”.
                                                                                  (Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa)

Đức Bát Nương họa lại bài thơ của Ngài Bảo Đạo như sau:

“Đồng bầu đạo đức sợ chi ôi
Định phép hằng tâm quả được thôi
Nợ thế cùng Xuân cùng nợ mãi
Duyên thiên dầu hạ cũng duyên rồi
Trải thân cậy trúc Ma Ha nước
Rửa thế nhờ nơi tịnh thủy nồi
Xuân đến đầy lòng vui đạo đức
Chúc ông Bảo Đạo đặng ăn xôi”.
                                                                                  (Bát Nương Diêu Trì Cung)

Muôn vạn loài hoa đã đáp ơn đấng Tạo sanh ra mình bằng cách phô bày hương sắc để cống hiến cho người. Đó cũng là cách hoa lập công tiến hóa. Loài người hãy chiêm ngưỡng, thưởng thức những tặng phẩm của tạo hóa, những đóng góp của muôn loài dành cho mình để giải khuây và cũng để phát triển tình yêu vạn loại. Các Đấng Thiêng Liêng nói lên cái thanh cao trong không khí mùa xuân:

"Sắc mai trổ một trời quanh ánh,
Nhụy mai phong lóng lánh hạt châu;
Gió đông phơ phất dạt dào,
Vì đời mai trổ để hầu đón Xuân".

Rồi những giây phút nghỉ ngơi bên chén trà thơm ngát, ngắm những cành hoa tươi thắm rực rở sắc hương, người hãy trầm ngâm suy gẫm để cảm nhận hồn hoa lặng lẽ mà sống động đang ẩn trong dáng vẻ mỏng manh kia. Câu “Kìa hoa, hoa nở vì ai đó” cũng để nhắc thú hưởng xuân: 
“Nhắp chén trà sen vị ngọt ngào,
Hương Xuân nồng ấm thú tiêu dao;
Kìa hoa, hoa nở vì ai đó,
Theo luật sinh tồn đấng Tối Cao”.

IV. Thay Lời Kết
Để thay lời kết bài viết, lại xin gởi đến hai bài thơ chúc hưởng một mùa xuân bác ái vị tha, của của các Đấng Thiêng Liêng vào dịp xuân:  

“Hưởng cái xuân thanh tao nhàn ngãi,
Hưởng mùa xuân bác ái vị tha,
Chúc các em khắp cả nhà nhà,
Mùa xuân được chan hòa ân thiên điển”.

Xuân sắc huy hoàng đẹp thế gian,
Tâm xuân khai phát ánh xuân quang;
Chúc nhau chỉ có Tâm và Đạo,
Đạo ấy là Tâm hiệp Thánh Hoàng.”

và những bài thi và những lời chỉ giáo của các Đấng Tiền Bối đã sẵn lòng giúp xây dựng nền Đại Đạo. Những bài thi đã cho từ thời gian cuối Ất-Sửu (1925), lúc còn “’xây bàn” và lúc đầu năm Bính-Dần (1926), trước khi mở Đạo:

Vịnh Mai
“Mai là cốt-cách liễu tinh-thần,
Thi thiệt hồn mai, tuyết ấy trần.
Mai tuyết không thi mai tuyết não,
Thi không mai tuyết thế không xuân.

Mai đeo tuyết ngọc biết bao lần,
Tuyết vẽ mày mai thắm-thía xuân.
Xuân có tuyết mai xuân hiệp tuyết,
Tuyết mai vầy bạn xúm chào xuân.
Cũng đồng địa-vị cũng đồng đường,
Hứng tuyết tìm mai dưới giọt sương.
Mai tuyết hiệp đôi mai tuyết đẹp,
Tuyết giành trong sạch, mai gành hương.

Liễu-Huệ nhuần sương Liễu-Huệ tươi,
Chiều Xuân nguyệt rạng vẻ hoa cười.
Màn Trời mây khỏa muôn sao lố,
Thuyền Đạo buồm treo một sắc phơi.
Cội trước gió đưa hơi nhắn khách,
Rừng tòng khách giục cảnh chờ người.
Lần theo bước rạng non Thần đến,
Chớ luyến phồn-hoa lụy đến nơi”.
                                                                                  (TNHT - Thi Văn Dạy Đạo)

và sau cùng là lời khuyên của Đức Chí Tôn về mùa Xuân Vĩnh Cửu. Biết bao nhiêu “mùa Xuân của trần gian” rạng rở, ồn ào chúng ta hưởng đã qua rồi, đến lúc chúng đa phải “ướm chổi huỳnh lương tỉnh dậy lần” mà mở rộng Tâm Xuân, cùng lo phổ độ Đạo, thành tâm tu niệm theo Cơ Đạo Chuyển Hóa trên con đường dục tấn từ Thế Đạo Đại Đồng đến Thiên Đạo Giải Thoát:

“Lần lừa ngày tháng cảnh đưa Xuân,
Ướm chổi huỳnh lương tỉnh dậy lần.”

“Lắm kẻ còn Xuân chẳng tiếc Xuân,
Tạo thành nghiệp dữ biết bao lần.
Chớ quên máy Tạo nên mầu nhiệm,
Vay trả đồng cân thế chuyển luân”.
                                                                        (TNHT - Thi Văn Dạy Đạo)

Đại Đạo trường lưu như khí xuân của Tạo Hóa. Xuân không dừng lại ở năm nào, nơi nào, người nào nên đất trời có xuân vĩnh cửu. Đại Đạo không dừng ở thời điểm lịch sử nào, ở hội thánh nào, ở bậc hướng đạo nào, Đại Đạo mới hoàn thành sứ mạng thiên cơ:

Xuân nhựt nhựt tân tình tạo hóa,
Xuân niên niên tải nghĩa quần sinh”.

V. Tài Liệu Tham Khảo
1. Bài viết vựa trên các tài liệu liên quan đến “Mùa Xuân và Đạo Cao Đài” đã phát hành trên “internet”. Xin trân trọng thành thật cám ơn các tác già đã sưu tầm các bài thơ Xuân có giá trị.
Một số các bài thơ Xuân sưu tầm trong các Thánh Giáo của các Đấng Thiêng Liêng trong Đạo  nói về cái đẹp và cái “tình” của mùa Xuân lẩn trong giáo lý Đạo, chưa có thì có thì giờ kiểm soát lại. Xin trân trọng và thành thật cám ơn.
2. Thánh Ngôn Sưu Tập, Quyển I-IV, Nguyễn Văn Hồng.
3. Đại Đạo Sử Cương, Quyển I-IV, Trần Văn Rạng.
4. Đạo Sử, Quyển I và II, Hương Hiếu.
5. Thi Tập & Thi Văn Dạy Đạo, TNHT Quyển II
6. Đại Đạo Căn Nguyên, Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu.         

Trân Trọng,
Xuân Canh Tý (2020)
Midland MI, January 24, 2020
QS TS Nguyễn Thanh Bình
Ban Thế Đạo Hải Ngoại
Tòa Thánh Tây Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét