Tôi không
phải người gốc Tây Ninh, nhưng là một tín hữu Cao Đài, cho nên có thể nói tôi cũng
có chút “dây mơ rễ má” với vùng đất Thánh. Những tản mạn trong bài viết này khởi nguồn khi tôi tình cờ đọc được
bài viết “Viện Đại Học Cao Đài Và Chúng Tôi, Một Duyên Tình Dang Dở,” của
cố GS Nguyễn Văn Trường và GS Mai Thanh Truyết trên trang nhà của Viện Sử Đạo
Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh.
Nói Tây Ninh nổi tiếng là vùng đất
“Địa Linh” quả không ngoa chút nào, vì Tây Ninh có quá nhiều đồi núi cùng những
danh lam thắng cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ. Tự ngàn xưa, núi Bà Đen
thuộc tỉnh Tây Ninh, ngọn núi cao nhất Nam Việt Nam với chiều cao non nghìn mét, đã nổi tiếng vì sự trang nghiêm, huyền bí, và linh thiêng với chùa Bà Đen và nhiều ngôi Cổ Tự khác, như chùa Phật, chùa Hang, chùa Vân Sơn.... cùng rất nhiều hang động, như động Thanh Long, Ông Hổ, Ba Cô, động Thiên Thai... đầy huyền bí. Ngày trước, nhiều bà con trong gia đình tôi thường lên tận Tây Ninh thăm núi Bà Đen vào chùa Bà để cầu nguyện, khấn xin may mắn mỗi khi gia đình có việc cần nhờ đến “Bà,” và hình như họ đều được toại nguyện.
Thung lũng Ma Thiên Lãnh được quây quần bởi núi Bà, núi
Phụng, và núi Heo, cũng nằm trong quần thể núi Bà Đen. Vùng Ma Thiên Lãnh có
nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, bao gồm suối Vàng, hầm Đá, hang Ông Hổ và nhiều
hang động tự nhiên hoang dã, cây cối xanh tươi đẹp không khác gì cảnh tiên
trong những bộ phim thần thoại. Tôi chưa may mắn đến đây, nhưng tôi từng được đồng
đạo Tây Ninh cho xem hình ảnh sau mỗi lần họ lên núi Bà.
Đó chỉ là vài, trong thật nhiều tuyệt tác
của thiên nhiên ở miền đất Tây Ninh. Còn một tuyệt tác nhân tạo đẹp và nổi danh
khắp thế giới là Tòa Thánh Tây Ninh, ngự trị cách trung tâm thành phố chừng vài
ba cây số. Đó là một công trình quy mô và độc đáo của đạo Cao Đài, một tôn giáo
lớn phát sinh tại Việt Nam. Và Thiền Lâm Cổ Tự, còn gọi là chùa Gò Kén, Tây
Ninh, được xây dựng trên 100 năm với lối kiến trúc cổ kính độc đáo. Cổ Tự này cũng
thu hút rất nhiều khách thập phương đến cúng bái vì những lời truyền về sự linh
thiêng của ngôi chùa.
Người xưa có câu, “Địa Linh sinh
Nhân Kiệt,” thật đúng lắm với miền đất Tây Ninh. Chỉ nói riêng về đạo Cao Đài,
nhờ miền đất “Địa Linh” nên Tây Ninh đã được Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Giáo Chủ
đạo Cao Đài chọn làm nơi khai đạo. Tòa Thánh Tây Ninh ngày đó đã quy tụ được
hàng hà sa số “Nhân Kiệt” về đây để chung tay xây dựng miền đất Thánh. Chỉ điểm
sơ qua vài vị trong số chức sắc của đạo Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh vào thời
gian Việt Nam Cộng Hòa rơi vào tay Bắc Việt, người ta đã thấy toàn là những người
kiệt xuất:
* Ngài Phối Sư Thượng Vinh Thanh (Trần Quang Vinh) là cựu
Bộ Trưởng Quốc Phòng VNCH. * Ngài Chánh Phối Sư Thượng Nhã Thanh là cựu Tỉnh
Trưởng Hậu Nghĩa. * Ngài Bảo Học Quân Nguyễn Văn Lộc, Viện Trưởng Viện Đại Học
Cao Đài, là cựu Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hoà, và cũng từng là luật sư của Toà
thượng thẩm Sài Gòn. * Ngài Bảo Y Quân Trương Kế An là Bác sĩ, v.v…(Mười Năm
Khảo Đảo)
Còn nhiều, nhiều lắm. Nhưng trong phạm vi bài viết này,
tôi chỉ muốn đề cập đến những “Nhân Kiệt” đã có công trong việc thành lập Viện
Đại Học Cao Đài, một trường đại học thuộc Tòa Thánh Tây Ninh mà tôi đã đọc
trong bài viết nói trên.
Ở Mỹ, tôi cũng có làm nghề “gõ đầu trẻ.” Tuy chỉ là một
cô giáo thuộc loại “chí mén” dạy đám con nít, nhưng lúc nào tôi cũng đau đáu
quan tâm về việc bảo tồn Việt Ngữ và Văn Hoá Việt nơi hải ngoại để giữ lại cho
các thế hệ sau này. Tôi đã tận dụng số kiến thức ít ỏi “mỏng dính mỏng tăng” của
mình mà cố gắng viết để chuyển tải đến bạn đọc những gương hiếu học, vinh danh sự
thành công của con em người Việt nơi hải ngoại, và những câu chuyện về Văn Hóa
Việt, về tinh thần đạo đức Việt Nam. Mỗi lần nghe tin tức tồi tệ bên nhà như
chuyện học sinh mua điểm để vào đại học, hoặc chuyện “Tiếng Việt Bùi Hiền” cách
viết tréo ngoe “cắt đầu đứt đuôi” đọc âm thanh nghe như… “tiếng ông Tập” thì
tôi buồn lắm. Tôi cứ nhớ đến nền giáo dục tuyệt vời thời Việt Nam Cộng Hoà
(VNCH) mà tiếc, mà đau cho dân tộc mình. Thế nên khi đọc được mấy bài viết thuộc
dạng...“đốt lò hương cũ” của hai vị cựu Giáo Sư Đại Học Cao Đài, thì những
“khói hương” về đạo về đời ngày xưa như thức dậy, như lan tỏa, như quyện vào hồn
tôi làm dâng lên một nỗi xúc động vô bờ.
GS. QS Mai Thanh Truyết
Thời Việt Nam Cộng Hoà, dưới chính thể Tự Do, chuyện các
tôn giáo mở trường đại học tư là rất dễ dàng. Điển hình là Viện Đại Học Vạn Hạnh
của Giáo Hội Phật Giáo ở Sài Gòn, hay ở tỉnh như Viện Đại Học Đà Lạt của Giáo Hội
Công Giáo Đà Lạt, và còn rất nhiều đại học tư khác.
Nhưng đối với Đạo Cao Đài của chúng tôi, một tôn giáo mới
hình thành khi đó chỉ hơn bốn chục năm, còn rất non trẻ, tài chính khó khăn, mà
Toà Thánh Tây Ninh lại nằm ở một tỉnh lẻ hẻo lánh, nơi mà cuộc sống của dân
chúng còn nghèo khó thì chuyện mở một trường đại học cho “bài bản” thật không dễ
dàng gì.
Vậy mà vùng đất Địa Linh này đã quy tụ được rất nhiều nhân
kiệt trong việc giúp xây dựng Viện Đại Học Cao Đài cho Tòa Thánh Tây Ninh. Theo
bài viết, thì số nhân kiệt chủ yếu này gồm có ngài Viện Trưởng Nguyễn
Văn Lộc, cựu Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hòa; Phó Viện Trưởng Tiến Sĩ Mã Thành
Công; và ba vị nữa đã định cư ở Hoa Kỳ sau ngày mất nước, những người này tôi cũng
có biết vì sự nổi danh của họ và tôi rất tôn kính quý trọng.
Người thứ nhất là một trong hai tác giả bài viết “Viện
Đại Học Cao Đài...,” cố GS Nguyễn Văn Trường. Ngài từng là cựu Bộ Trưởng Giáo Dục
thời VNCH, và là quyền Viện Trưởng Đại Học Cao Đài ngày ấy. Tôi thật xúc động khi đọc những “lời bộc bạch”
của GS Nguyễn Văn Trường, “Dân tộc, nhân bản, và khai phóng là
phương châm chỉ hướng cho nền giáo dục của chúng ta thời bấy giờ. Nói khác hơn
là trong một chừng mực nào đó, ta muốn cột giữ học sinh sinh viên ta trong
lòng dân tộc, trong những giá trị ngàn đời của cha ông, mà ta thiết tha kính giữ.
Con người mà chúng ta đào tạo cũng phải thấm nhuần tính
người, tình người…” (trích:
Viện Đại Học Cao Đài...)
Quả đúng như vậy. Người Việt chúng ta những ai đã từng đến
trường ngày ấy đều biết, nền giáo dục của thời Việt Nam Cộng Hòa, trước nhất là
phải vì “dân tộc,” tôn trọng giá trị, bảo tồn và phát huy những truyền thống
văn hóa hay, đẹp của đất nước, hầu lưu truyền cho các thế hệ tiếp nối, cho khỏi
bị mai một và thay thế bằng các văn hóa ngoại quốc. Kế đến là “nhân bản.” Nền giáo dục VNCH luôn
tôn trọng quyền tự do và quyền con người, không có sự kỳ thị, phân biệt giàu
nghèo, địa phương, tôn giáo, hay chủng tộc. Mọi người dân đều có giá trị như
nhau, đều có quyền được hưởng sự giáo dục công bình. Sau cùng là giáo dục “khai
phóng.” Dù tinh thần dân tộc là trên hết, văn hóa dân tộc phải được bảo tồn,
nhưng không bảo thủ, mà phải mở cửa đón tiếp và học hỏi những sự phát triển về
khoa học kỹ thuật của các nền văn minh trên thế giới.
Cho nên, khi đọc GS Trường, “Cột vào nhân bản, chưa
đủ, cột thêm vào dân tộc,” và “Con người mà chúng ta đào tạo cũng phải thấm nhuần
tính người, tình người…” thì tôi bỗng nhớ lại thuở xưa. Phải nói
rằng học sinh sinh viên thời VNCH đã được hưởng một nền giáo dục không thua gì
Tây Phương như Hoa Kỳ và các nước văn minh trên thế giới. Họ được dạy về “nhân
bản, về tình dân tộc, và về tính người, tình người” nên học sinh luôn tôn sư trọng
đạo, với lòng yêu nước thiết tha. Ai học hành theo đuổi nghiệp văn chương cho...
tới bến, thì làm thầy, dạy dỗ lớp trẻ hết lòng. Nếu theo đuổi nghiệp võ, họ đều
là những anh hùng, dũng tướng yêu nước, một lòng chiến đấu bảo vệ quốc gia, dầu
chết cũng cam. Thời VNCH đâu có chuyện học trò đánh thày giáo, con đánh cha,
cháu hành hạ bà... Tệ hơn nữa, là thanh niên ngày nay chỉ lo ăn chơi đàn đúm mà
bỏ mặc, không cần để ý đến tình hình nước nhà nghiêng ngửa ra sao, như những
tin tức chúng ta thường thấy nhan nhản trên báo chí bên nhà ngày nay. Cụ GS
Nguyễn Văn Trường đã quy tiên năm 2018 tại Texas, Hoa Kỳ, nhưng công đức vô lượng
và những lời vàng ngọc của người sẽ được mãi mãi lưu lại cho hậu thế.
Một người nữa mà tôi gọi là “nhân kiệt” vì ông cũng có
công trong việc thành lập Viện Đại Học Cao Đài, là GS Nguyễn Văn Sâm. GS NV Sâm
người Sài Gòn, đã từng dạy rất nhiều trường đại học thời VNCH, Ðại Học
Văn Khoa Sàigòn, Ðại Học Vạn Hạnh, Đại Học
Hoà Hảo, Đại Học Cần Thơ... GS Sâm là nhà văn tiền bối tôi kính trọng, và vì có
quen biết với Giáo Sư, nên tôi không ngạc nhiên chút nào về việc ông từng tận
tình giúp xây dựng Đại Học Cao Đài. GS Sâm là người yêu Văn Hóa Việt, nhất là
những bộ sách cổ chữ Nôm. Sang Mỹ ông vẫn tiếp tục làm nghề giáo, kiêm nhà văn
và đã xuất bản rất nhiều sách, đặc biệt là nhiều sách phiên âm chữ Nôm ra Việt
Ngữ cùng rất nhiều tác phẩm giá trị khác. Một lần, tôi hỏi “GS có lời khuyên gì
cho những cây viết non trẻ của các thế hệ sau” Thì GS Sâm trả lời thật khiêm
nhường, nhưng là những lời khuyên vàng ngọc rất hữu ích cho người mới tập viết
văn:
“Tôi không dám
có lời khuyên đến thế hệ đi sau, nhưng nguyên tắc cầm bút của tôi là tìm vui
trong việc viết lách và nghiên cứu, cũng như sử dụng tối đa giờ giấc cho việc nầy.
Cố đi với văn chương của mình suốt đời, không nửa chừng bỏ ngang vì bất cứ lý
do gì, kể cả sự nghèo khổ bịnh tật, hay sự đánh phá của người khác. Quan trọng
nhất, là tìm hướng viết đứng đắn, viết lách cẩn trọng, không viết vì tiền, vì
thị hiếu của người nào, hay vì muốn có tiếng tăm, và sự đặt hàng mà mình thấy
không hợp.”(Trích: Những Người Giữ Lửa –Phương Hoa, Việt Báo,09/2018)
Giáo Sư NV Sâm hiện là Trưởng Ban Văn Chương Viện Việt-Học
Nam California, Hoa Kỳ. Với lòng yêu chữ nghĩa và văn hóa nước
nhà ngút ngàn như thế, ngày đó GS NV Sâm đã “vượt núi trèo đèo” lặn lội từ Sài
Gòn - Tây Ninh giúp cho Đại Học Cao Đài dù trong thời điểm thường xảy ra giao
tranh, di chuyển nguy hiểm như lời của GS MT Truyết trong bài viết, “Sự an
ninh trên con đường Sàigòn Tây Ninh, chỉ 99 cây số, mà nghe đâu nó xuyên ngang
chiến khu của VC.” Thật là xứng đáng được cảm kích những tấm lòng của các vị
Giáo Sư này.
Vị “nhân kiệt” sau cùng, hình như là nhân vật “bận rộn và
vất vả nhất” cho Đại Học Cao Đài ngày ấy, theo như bài viết, là Giáo Sư Tiến Sĩ
Mai Thanh Truyết. GS MT Truyết hiện sống ở Hoa kỳ, là một khoa học gia lỗi lạc,
nhà môi trường, nhà diễn giả nổi tiếng khắp năm châu. Tôi đã đọc rất nhiều tác
phẩm, theo dõi nhiều YouTube phỏng vấn, các bài báo, trên TV... rất giá trị của
GS Truyết về môi trường, về nghệ thuật sống, đạo đức, làm thế nào để giữ cái
tâm con người trong sáng, giáo dục con người bảo vệ hành tinh xanh của chúng
ta. Có một bài viết của GS MT Truyết viết trong “Ban Nghiên Cứu Khảo Cứu Vụ” của
đạo Cao Đài mà tôi rất tâm đắc trong đó GS đã nhận chân ra cái, “Giá trị độc
đáo của Đạo Cao Đài là nhận ra điểm chung chính yếu của mọi tôn giáo. Một khi
đã nhìn thấy điểm chung đó rồi ta vượt khỏi mọi dị biệt của các tôn giáo khác
nhau là “thấy Đạo.” (Trích: Nét Độc Đáo Của Giáo Lý Cao Đài). Ngoài
ra, còn phải nói đến lòng yêu nước. Xuyên
qua các tác phẩm của GS Truyết, ngoài những vấn đề về môi trường, GS luôn tỏ ra
lo lắng, tìm giải pháp cho một Việt Nam Tự Do Độc Lập nơi quê nhà...
Ngày đó, GS MT Truyết làm Giám Đốc Học Vụ của Đại Học Cao
Đài. Mới du học từ Pháp về, được nhận dạy ở Viện Đại Học Sài Gòn với mức lương
cao, mà GS vẫn bỏ nhiều thời gian trong những ngày nghỉ để lên Tây Ninh giúp
cho Đại Học Cao Đài và chỉ nhận mức lương tượng trưng “bằng lương của một binh
nhì” trong khi làm việc cật lực, vì GS thấy ĐH khi ấy mới hình thành nên còn rất
nghèo và thiếu thốn.
Bàn tay của những “nhân kiệt” Tây Ninh này quả thật là chứa
đầy sức mạnh và tinh thần vì dân vì nước vì lương tâm của những nhà giáo dục.
Hãy đọc những gì GS Truyết viết để thấy những việc làm của quý vị Giáo Sư ngày ấy
khó nhọc đến cỡ nào, “Chương trình học, quy chế sinh viên, giáo sư, thời
khóa biểu, thi cử trong niên học và cuối niên học, mời thầy, phòng thí nghiệm,
tất tất đều phải xây dựng từ zero...”
Sau sáu tháng “ăn chay nằm đất,” làm việc với hàng nghìn công nhân, những
tín đồ thiện nguyện với những buổi ăn trưa đạm bạc, thì một Viện Đại Học có thể
gọi là đầy đủ với Phân Khoa Nông Lâm Súc, Phân Khoa Thần Học, và Phân Khoa
Sư Phạm, trong một dãy lầu ba tầng, kiêm thêm bốn Phòng thí nghiệm, Hóa, Lý,
Sinh Vật gồm Động vật và Thực vật, và Địa chất, cùng một giảng đường lớn sừng sững
toạ lạc trên mãnh đất cằn cỗi Tây Ninh.” GS Truyết kể lại. Điều giá trị là,
chương trình giảng dạy của hệ hai năm (Cao Đẳng) và hệ bốn năm (Cử Nhân) đều được
soạn thảo dựa trên tiêu chuẩn Quốc Gia với cả nghìn sinh viên theo học.
Một câu khiêm nhường trong bài viết của TS MT Truyết mà
tôi đã học được thật nhiều từ ý nghĩa của nó, “Đây là một bài học quý giá
cho người viết vì đã nhận thức được rằng cần phải có Chánh Kiến, Chánh Tâm,
Chánh Định và một tâm hồn Vô Ngã mới có thể thực hiện những việc làm
nho nhỏ trên...” khi nói về những việc thật to lớn GS đã làm cho ĐH Cao Đài.
Đây là thuyết dạy đạo của nhà Phật, của các bậc chân tu, mà một Giáo Sư đã thấm
nhuần được “Chánh kiến, chánh tâm, chánh định, và có tâm hồn vô ngã” thì có thể
nói đó là người sống dưới chính thể Tự Do, đầy nhân bản, và sống gần “những nhà
tu hành, phẩm hạnh cao,” như lời GS Truyết.
Tóm lại, chuyện hình thành Viện Đại Học Cao Đài Tây Ninh
như một kỳ tích, đã khiến tôi tin tưởng rằng vùng đất Tây Ninh linh thiêng đã
quy tụ nhiều bậc kỳ tài về giúp cho đồng bào và đồng đạo. Tuy Viện Đại Học Cao
Đài chỉ tồn tại có mấy năm (1971-1975) nhưng nó rất xứng đáng được đứng chung
hàng ngũ các Viện Đại Học thời Việt Nam Cộng Hòa.
Xin kính cám ơn nhị vị cựu Giáo Sư, (hương linh) cố GS
Nguyễn Văn Trường, và GS TS Mai Thanh Truyết đã cho kẻ hậu bối này cơ hội viết
dăm điều tản mạn về ĐH Cao Đài và về vùng Thánh Địa Tây
Ninh, dù Viện Đại Học Cao Đài đã “đi vào lịch sử.” Không biết
giờ đây sau cuộc bể dâu, vùng đất Tây Ninh có còn được gọi là “Địa Linh” như
ngày trước? Và nếu có, thì liệu miền Đất Thánh còn quy tụ được những vị chức sắc
“Chơn tu” và những “Nhân Kiệt” yêu nước thương dân hết lòng như các vị trước
đây?
Mong thay...
* Phương Hoa – California tháng 2/2020
Tài liệu tham khảo:
1 - Mười Năm Khảo Đảo:
2 - Viện Đại Học Cao Đài Và Chúng Tôi…
3 - Viện Đại Học Cao Đài Và Tôi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét