Câu chuyện CẦM LƯƠNG TÂM ( Dr. Lê Thị Ngọc Vân)


Đôi lời giới thiệu Tác giả, Dr. Lê Thị Ngọc Vân một thành viên năng động của Viện Sử Cao Đài. Nay viết tùy bút "Câu chuyện CẦM LƯƠNG TÂM". Một câu chuyện đáng để ghi nhờ về Thầy Nho ngày xưa, khoảng 150 về trước (1870-2020). Tác giả suy tư "bảo cổ canh tân" của xưa và nay, thể hiện qua những tác động cảm xúc xã hội, kết hợp với việc phản ánh thực tế khách quan đời thường.
Tác giả miêu tả Thầy Nho ngày xưa rất được xã hội tôn trọng bởi hai chữ "Lương tâm" đây là thước đo xử thế của Thầy Nho, dù sống nghèo vẫn đứng thẳng không vì riêng mà sa ngã vào vật chất, Thầy Nho sống rất giản dị, thanh bạch. Cuối tháng phụ huynh trả công cho thầy, bằng mớ rau, trái cây, thúng gạo, con gà, v.v...lương mỗi tháng của Thầy chỉ bằng ấy, dù sống không dư, tuy nhiên nếu gia đình đông con xem như bà vợ của Thầy phải tần tảo vất vã quanh năm kiếm sống.

Ngoài ra nội dung tác phẩm "CẦM LƯƠNG TÂM" còn điểm qua truyền thống tôn sư trọng đạo là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên nhân cách người Thầy. Và nội dung nhấn mạnh "Lương tâm" con người do Thượng Đế ban cho quý giá vô cùng không có vật chất nào giá trị hơn để trao đổi, bởi "Lương tâm" ấy chính mình không thể đánh mất.

Trong nội dung, câu chuyện " CẦM LƯƠNG TÂM " còn có một nhân vật thứ hai không ai khác hơn là người vợ của Thầy Nho, chính nhân vật này tạo ra một gia đình an ấm, hạnh phúc. Người Vợ của Thầy Nho có một kiến thức trược tiếp xử thế, bởi bà thực dụng, trảm nghiệm trong ngoài xã hội, bà trao đổi với Thầy Nho nhưng hiểu được đạo lý ở đời, trong hoàn cảnh gặp người khốn khổ hơn, bà chia sẻ mà không tính toán đó là "Lương tâm" con người. Vcủa Thầy Nho dễ dàn chấp nhận không đòi hỏi điều kiện, bản năng hành xử người vợ của người thầy cho ta thấy vì hạnh phúc. "Lương tâm" vốn đã tự nhiên nhưng luôn nhắc nhở để tự trau dồi hạnh đức, bằng không một lúc nào do vật chất có thể làm thay đổi nhận thức và "Lương tâm" sẽ bị lu mờ mất biến. Bất cứ hoàn cảnh dù bi đát người Vợ không chấp nhận Thầy Nho cúi mặt đem "Cầm Lương Tâm". Ở thời đại nào cũng có nhiều kẻ đánh mất "Lương tâm". Đọc qua tác phẩm "CẦM LƯƠNG TÂM" của nhà văn Dr. Lê Thị Ngọc Vân, chúng ta thấy những ẩn dụ của Lương Tâm hiện lên câu chuyện đáng để nhớ hoài.

Xã hội Việt Nam sau năm 1940 bỗng xuất hiện văn hóa giáo dực "Ngày lễ hiến cam", quý Thầy-Cô gần như bị phê phán, và đàm tiếu về phẩm hạnh người Thầy và "Lương tâm", giá trị người Thầy xuất thấp. Gần đây xã hội thay đổi văn hóa và thể chế giáo dục "Ngày lễ Hiến Cam" càng lớn mạnh cho thấy quan điểm giáo dục thay đổi toàn diện.

Tác giả Dr. Lê Thị Ngọc Vân miêu tả trong Tùy bút " CẦM LƯƠNG TÂM " nói lên thực trạng ngày xưa và hôm nay tuy khác nhưng nhưng "Lương tâm" mọi thời đại không thể khác. Tác phẩm "CM LƯƠNG TÂM" là một nhận diện Thầy Nho chân thành, và nhân ái với học trò, Thầy-trò là một văn hóa, gạch nối khắng khít trong một xã hội trong lành. Điễn hình Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm và Thầy Giảng, tình Thầy trò ấy ngày xưa đã khẳng định "không thầy đố mày làm nên".
Dân tộc Việt Nam ngày xưa cũng thể hiện triết lý giáo dục một cách vô cùng giản dị: "muốn con hay chữ phải yêu quý thầy". Cảm ơn Tác giả cho đọc và viết giới thiệu tác phẩm " CẨM LƯƠNG TÂM ".
* Huỳnh Tâm.


Câu chuyện CẦM LƯƠNG TÂM 
( Dr. Lê Thị Ngọc Vân)
Kính Chào Quý Hiền Huynh, Tỷ, Đệ, Muội.Với thời gian giãn cách xã hội vừa qua do con virus Wuhan hoành hành khắp toàn cầu, giết đi bao nhiêu sinh mạng và làm tê liệt nền kinh tế, có nhiều người chưa bị dương tính với Coronavirus thì đã lao đao với cái ăn cái khổ hàng ngày. Con virus bé nhỏ nhưng tác hại ghê gớm. Nó giúp chúng ta thấy rõ nhiều bộ mặt mất lương tâm ẩn sau tấm màn đạo đức. Giúp chúng ta tỉnh táo để hiểu rõ ngoài sự giành giựt sống-chết để sinh tồn trên con đường mưu sinh, con người có lúc đã quên đi một khía cạnh bên trong của mình thường được gọi là "Lương Tâm"

Lương tâm không sờ nằm được như vậy chất hữu hình, nhưng nó liên hệ suốt một đời người như hình với bóng. Lương tâm là năng lực mang tính tự giác, con người tự đề ra cho mình nghĩa vụ đạo đức phải làm đối với xã hội,gia đình.... Lương tâm luôn luôn đi song hành với con người trong suốt quá trình sống.
Theo Nhân Sinh Quan của Cao Đài Giáo thì con người được Đức CHÍ TÔN ban cho một điểm Linh Quang, chiết ra từ khối Đại Linh Quang của THƯỢNG ĐẾ là Đức CHÍ TÔN Đấng toàn tri, toàn giác đã tạo nên con người trong vũ trụ.Điểm Yến sáng này được gọi là Chơn Linh

. Chơn Linh đã nhập vào xác thân của con người từ lúc thoát thai khỏi lòng mẹ để bước vào thế gian cho đến lúc con người thoát xác ra khỏi thế gian. Chơn Linh theo thân xác để nhắc nhở và hướng dẫn con người làm theo những quy tắc, nghĩa vụ đạo đức để con người hướng thiện. Và hoàn thành trách nhiệm làm người theo đúng mẫu mực mà Đức CHÍ TÔN đã tạo dựng theo hình ảnh của NGÀI. Đó chính là Lương Tâm của con người. Như lời ĐỨC CHÍ TÔN đã dạy trong một bài Thánh Giáo "Các con đừng vì tư lợi mà làm mất nhơn cách thì rất uổng cái điểm Linh Quang của THẦY để vào xác thân của các con lắm.Các con nghe à!".
    ( Đại đàn Cầu Kho 5 Mars1927).
                 TNHT quyển 1.

      Hôm nay tiện muội xin hầu lược chuyện cùng Quý Hiền qua câu chuyện "Cầm Lương Tâm". Một câu chuyện của vị Hiền Tài đã giảng dạy trong một buổi học Đạo từ nhiều năm trước, nay thấy nhiều chuyện xảy ra trong cơn đại dịch, con người đứng giữa buổi hoàng hôn của cơ tận diệt mà người ta đã quên mất lương tâm, tiện muội nhắc lại chuyện kể để chúng ta vùng tìm hiểu thấu đáo hơn về cái giá của lương tâm.
" Ngày xưa, xưa thật xưa đó, thời con người chỉ quanh quẩn trong lũy tre làng bao bọc. Nguồn sống chính là cày cấy bên thửa ruộng gần nhà, có một mảnh vườn nhỏ với cái ao nhỏ để cung cấp thực phẩm nuôi sống gia đình. Theo sự tiến hóa, người ta hiểu rằng ngoài sự ăn uống còn có sự hiện diện của trí tuệ để con người mãi sinh tồn và phát triển. Đó là Ông Thầy Đồ dạy chữ cho trẻ trong làng. Ngày xưa Thầy Đồ chỉ cần đậu Tú Tài gọi là Sinh Đồ, sau nhiều lần thi Hương không đậu được 4 kỳ để lấy bảng danh là Cử nhân để thi Hội, thì gọi là đậu Tú Tài. Tú tài kép nếu đi thi hai lần vẫn không vượt qua 4 kỳ thi Hương, lần thứ ba gọi là Tú Tài Mền. Các vị này không ra làm quan được, nhưng có thể ở nhà mở lớp dạy chữ cho con em trong làng gọi là Thầy Đồ. Có người học ở Thầy Đồ vẫn đậu được Cử nhân, Bảng nhãn để lên thi Hội, thi Đình, ra làm quan."
Tuy vậy ông Thầy Đồ ở làng quê không có lương bổng, học trò chỉ trả ơn Thầy bằng gạo thóc hay những vật phẩm giúp Thầy có ăn mà thôi. Thỉnh thoảng có nhà khá giả đem đến cho Thầy vài quan tiền gọi là chút lễ nghĩa Thầy trò.

Có một năm thất mùa, hạn hán, dân làng đói khổ, hoàn cảnh gia đình của Thầy Đồ càng túng quẫn thiếu thốn. Vợ Thầy Đồ khó nhọc cũng không kiếm đủ thức ăn để nuôi gia đình.
" Quanh năm buôn bán ở ven sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông."
(Thơ Tú Xương.)

Ông Tú Trần Tế Xương đã tả rõ nét người vợ của ông Tú ở một làng quê. Gặp lúc mất mùa lại càng gian nan khổ cực hơn.

Thầy Đồ quyết định sang làng khác để may ra tìm sinh kế giúp cho cả nhà nên bảo người vợ gói ghém ít lương khô cho ông ra đi. Với gánh hành trang một bên là sách Thánh Hiền, một bên là ít lương khô và bộ quần áo, Thầy Đồ ra đi nhưng vẫn áo dài the thâm, khăn đóng trên đầu để giữ phẩm giá Thầy Đồ.
Ông mãi miết đi sang các làng bên cạnh xem có ai thuê dạy chữ nghĩa hay không! Ngày đi, đêm nghỉ ở các đình miếu trong làng, đã qua 3 ngôi làng rồi mà chẳng có ai thuê ông Đồ, vì hạn hán mất mùa, người ta lo ăn chưa đủ, có ai còn nghĩ đến chữ Thánh Hiền.! Lương thực ít ỏi mang theo hầu như đã cạn. Buổi chiều khi nắng vàng còn chút le lói trên con đường làng vắng vẻ, Thầy Đồ với gánh chữ nghĩa mệt mỏi cố gắng đi đến đầu làng, nơi có một nhà khá giả trong làng để tìm chút tia hy vọng. Gặp chủ nhân ngôi nhà, sau khi biết được hoàn cảnh  Thầy Đồ như vậy, ông chủ nhà mới nói: Giờ ở đây cũng đói khổ, tuy nhiên sẽ để Thầy Đồ ở lại dạy chữ cho trẻ trong làng nhưng không có tiền để trả công. Nếu Thầy Đồ ở lại nơi đây dạy học 3 năm sau sẽ dành dụm trả thù lao cho Thầy Đồ. Không còn cách nào khác giữa lúc túng quẫn, Thầy Đồ bằng lòng dạy học 3 năm không lấy thù lao. Nhờ chủ nhà là một chức sắc trong làng nên kêu gọi con em đến để học chữ Thánh Hiền, đạo lý làm người, từ Tam Tự kinh vỡ lòng đến Tứ thư cao cấp hơn. Thầy Đồ cố gắng ngày ngày đem kiến thức, đạo lý để dạy dù chỉ ăn bữa cơm đạm bạc. Hằng đêm Thầy Đồ nhớ vợ con ở nhà chắc đang trông mong Thầy Đồ về, nhưng Thầy Đồ quyết ở lại để dạy vì được dạy chữ nghĩa Thánh Hiền là Thầy Đồ thấy vui rồi.Qua 3 năm, dân trong làng đã vượt qua nạn đói, mùa màng tươi tốt, thu hoạch đủ ăn.
Và cũng đến ngày Thầy Đồ chuẩn bị về làng cũ vào ngày 23 tháng chạp.

Dân trong làng nhớ ơn Thầy Đồ dạy học nên gói ghém gạo thóc mang đến cho Thầy Đồ. Mọi người gom lại có thêm 20 quan tiền cho Thầy Đồ làm lộ phí, và thêm vải vóc để may áo quần mới. Thầy Đồ đón nhận với lòng hoan hỉ và từ giã ra về, không quên cảm ơn người Chủ nhà tốt bụng suốt 3 năm nuôi Thầy Đồ.
Cũng với manh áo bạc màu, khăn đóng rách và đôi dép cũ, Thầy Đồ gánh hành trang trở về nhà.Với tâm trạng vui vẻ Thầy Đồ rảo bước nhanh, lòng liên tưởng đến người vợ đảm đang ở nhà với đàn con thơ không biết trong 3 năm qua sinh sống ra sao?. Nghĩ đến 20 quan tiền này sẽ đưa cho vợ Thầy Đồ sắm sửa thực phẩm dành dụm, mua quần áo cho vợ con. Ngoài ra Thầy Đồ vẫn không quên để lại 5 quan đổi tiền xu lẻ để chia sớt cho hàng xóm và anh em qua thăm Thầy trong ngày Tết. Qua ba cánh đồng để qua 3 ngôi làng, đến làng cuối cùng đã chiều tối.Thầy Đồ không nghỉ ngơi, cố nhanh chân để về nhà trong đêm 23 tháng chạp, lòng rộn ràng vui vẻ không biết mệt. Cuối làng qua một nghĩa trang, Thầy Đồ nghe có tiếng khóc nỉ non thê lương, chợt rùng mình, nhưng Thầy Đồ vẫn tiếp tục đi tới. Càng đến gần tiếng khóc càng ai oán, nhìn quanh không thấy ai, nghĩa trang đã chập choạng tối, chẳng mấy lúc bóng tối đã bao trùm khắp nơi, tiếng khóc vẫn vang lên, Thầy Đồ bình tĩnh đi tiếp và nhìn quanh quất xem có gì khác lạ, dưới ánh trăng hạ tuần, nghĩa trang thêm hoang lạnh. Chợt Thầy Đồ thấy một người phụ nữ ngồi khóc, mái tóc dài xõa xuống, tiếng khóc như uất nghẹn ai oán, Thầy Đồ lẩm bẩm: Ta không làm gì ác, Đức trọng quỷ thần kinh, nếu ma quỷ ắt sẽ sợ ta, tiếp tục đi tới nữa, Thầy Đồ nhìn kỹ lại người thiếu phụ còn ẵm trên tay một đứa bé đang bú, có lẽ không còn sữa nên bé khóc ngằn ngặt nghe não lòng.Tiến sát lại gần Thầy Đồ lên tiếng: " Người là ai, tại sao đêm thanh vắng cuối năm lại đến nơi này khóc lóc nỉ non" Thiếu phụ với nước da xanh xao, thân gầy guộc trả lời trong tiếng nấc, kể lể đầu đuôi: Thì ra chồng của nàng vừa chết sáng nay, lúc này Thầy Đồ nhìn lại có một thây người chỉ có lá bầu đắp mặt, không có vải liệm che thân. Vợ chồng nàng vì yêu thương nhau nhưng cha mẹ đôi bên không cho phép lấy nhau theo môn đăng hộ đối, nên tuy đã có thai vẫn bị đuổi ra khỏi nhà, khỏi làng không ai chứa chất, đành phải che lều sống tạm trên đất nghĩa trang. Mấy tháng nay vì sinh con sức yếu lại chăm sóc con nên không đi làm được, chỉ còn người chồng làm việc, chẳng may mắc bệnh và đã qua đời. Giờ nàng chỉ muốn chết theo chồng nhưng còn đứa con nhỏ nên không biết làm sao?!
Nghe tình cảnh như vậy, Thầy Đồ lấy số gạo có sẵn đưa cho thiếu phụ đi nấu để ăn, vải vóc cũng đưa để bọc thây người chết. Thầy lấy lời khuyên nhủ thiếu phụ hãy quay về nhà cha mẹ sống để nuôi con. An ủi rồi, Thầy Đồ lấy 10 quan tiền đưa cho thiếu phụ dặn dò số tiền này ngày mai đến quan huyện để báo tử cho chồng, còn thêm 10 quan làm tang lễ và đi đường về nhà cha mẹ.

Sau khi giúp thiếu phụ ăn uống,an ủi xong Thầy Đồ quày quả ra đi, lên đường về nhà mà lòng thấy thảnh thơi. Đến trưa hôm sau Thầy Đồ đã về đến đầu làng, nhìn quang cảnh có sinh khí hơn ngày Thầy Đồ ra đi, và kìa ngôi nhà của Thầy Đồ sau lũy tre vẫn còn đó. Đứa con lớn đang cùng mẹ nó thả lưới bắt cá ở ao nhà.Hai đứa nhỏ đang quanh quẩn bên sân có phơi một số thóc. Nhìn cảnh đó lòng Thầy Đồ vui sướng, chạy đến cổng nhà, đứa bé reo lên " Ôi! Cha đã về,Cha đã về mẹ ơi!". Bà vợ của Thầy Đồ bỏ cả lưới quăng lên bờ ao, chạy vào nhà.
Hai người mừng mừng tủi tủi. Sau khi hỏi han, vợ Thầy Đồ dọn lên mâm cơm, cũng chỉ cơm hẩm cùng đĩa tép bắt dưới ao, cả gia đình ăn cơm rất vui vẻ. Đến tối Thầy Đồ nằm ở nhà ngoài, trằn trọc nghĩ đến cảnh nhà, đã gần ngày Tết mà trong nhà không có gì nhiều hơn ngày thường.

Ngẫm mình đi 3 năm xa nhà, khi về không có gì cho vợ con, bất giác Thầy Đồ buông tiếng thở dài não nuột. Trong buồng vợ Thầy Đồ cũng không ngủ được vì nghĩ sao đi về mà không có gì mang về hết, vợ Thầy Đồ không dám hỏi, chỉ thở dài.
Nghe tiếng thở dài của vợ, Thầy Đồ gọi vợ ra ngoài tâm sự. Thầy Đồ kể hết câu chuyện đi 3 năm dạy học không thù lao, sau 3 năm thì được trả công thế nào và cầm 20 quan tiền công đó Thầy Đồ đã cho ai không sót một chi tiết. Nghe xong câu chuyện, vợ Thầy Đồ không than trách gì, chỉ im lặng nằm nghỉ.
Sáng hôm sau Thầy Đồ lại ra đi rất sớm, Thầy Đồ lên huyện, tìm đến nhà người học trò xưa nay mở một tiệm cầm đồ, đời sống khá giả. Gặp nhau thầy trò hàn huyên tâm sự, người học trò nhìn lại Thầy Đồ mặc áo dài đã cũ rách, khăn đóng cũng đã cũ và đôi dép thì không còn mòn hơn nữa, lòng rất ái ngại và hỏi thầy cuộc sống giờ ra sao. Thầy Đồ chân thật kể hết sự tình và hỏi người học trò cũ mượn 20 quan tiền. Người học trò nói rằng sẵn sàng gởi Thầy Đồ món tiền đó mà Thầy Đồ không cần phải trả lại. Nhưng Thầy Đồ bảo người học trò đem giấy bút ra để Thầy Đồ làm vi bằng. Trong tờ giấy thầy ghi tên họ của mình và ngày tháng đến tiệm cầm đồ cầm "Lương Tâm" của thầy vì Thầy Đồ không có gì giá trị trên người để cầm hết ngoài Lương Tâm. Người học trò cũ đưa Thầy Đồ đủ 20 quan tiền và cất giấy vi bằng theo ý muốn của Thầy Đồ. Xong việc Thầy Đồ cầm 20 quan tiền trên tay, rảo bước về nhà, lòng chỉ nghĩ đến số tiền này sẽ cho vợ con Thầy Đồ một cái Tết ấm cúng vui vẻ. Suy nghĩ rồi cũng về đến nhà vào buổi chiều, Thầy Đồ đưa tiền cho vợ, nhìn thấy chồng mình đi từ sáng sớm đến giờ đem tiền về, vợ Thầy Đồ ngạc nhiên và cương quyết hỏi ra lẽ. Thầy Đồ phải khai thật là đã cầm Lương Tâm của mình để lấy tiền đem về nhà. Người vợ nghe xong, nức nở khóc lên: con người có cái quý giá nhất là Lương Tâm, sao lại đem đi cầm. Khi cầm rồi thì Thầy Đồ không còn là Thầy Đồ chồng của bà nữa, và con của Thầy Đồ cũng không còn có cha là Thầy Đồ nữa. Làm người có thể mất nhiều thứ nhưng không thể mất Lương Tâm vì lương tâm là vô giá.
Hôm sau từ sáng sớm Thầy Đồ của chúng ta lại một phen nữa lên huyện, cầm 20 quan tiền đến nhà người học trò cũ để chuộc lại lương tâm.Người học trò nghe xong lời của vợ Thầy Đồ,trong lòng cảm phục bội phần. Lấy tờ vi bằng cầm "Lương Tâm" xé bỏ, và vẫn gởi tặng Thầy Đồ 20 quan tiền gọi là chút lòng lễ nghĩa tri ân người thầy.

Qua câu chuyện ta thấy dù Lương Tâm là năng lực thiên bẩm nhưng vẫn có thể bị xác thân yếu mềm lôi kéo để hưởng chút vật chất phù du, để rồi Lương Tâm bị rơi mất. Để kết thúc câu chuyện, tiện muội xin phép mượn bốn câu thi văn dạy Đạo của Đức CHÍ TÔN.
" Trau hạnh làm gương dắt kẻ sau
Một nhà đạo đức khá thương nhau
Noi theo người trước đời trông cậy.
Gắng sửa lều tranh hóa động đào".

Kính chào Quý Hiền, chúc tất cả thật vui sau khi đọc xong câu chuyện. Và chúng ta còn đang trong biển đời, với tâm chí đưa Đạo vào đời, tiện muội không dám luận bàn cao siêu, chỉ với ngôn ngữ dễ hiểu để mọi người cùng hiểu Đạo lý bình thường của con người, giúp nhẹ nhàng bước vào Đạo một cách dễ dàng hơn. Thân ái.
* Dr. Lê Thị Ngọc Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét