MỘT GÓC NHÌN VỀ VŨ TRỤ QUAN CAO ĐÀI ( HT / Mai Văn Tìm )

1 - Vài định nghĩa danh từ:
Trước hết chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa vài từ ngữ liên quan đến đề tài như: Vũ trụ, Càn khôn, thế giới, Càn khôn Vũ trụ,. . .
Vũ trụ là gì ? Lục Cửu Uyên là nhà nho Trung Hoa sống vào khoảng thế kỷ 12 đã định nghĩa vũ trụ như sau:
“Thượng hạ tứ phương viết vũ,
Cổ vãng kim lai viết trụ”
Tức là: Bốn phương trên dưới gọi là vũ, xưa qua nay lại không cùng gọi là trụ.

Chữ bốn phương trên dưới ở đây chúng ta nên hiểu là không gian vô tận, không biết đâu là bờ bến.

Vậy vũ trụ chỉ khoảng không gian vô cùng, vô tận và khoảng thời gian vô thỉ, vô chung.
Càn khôn: là trời đất. Tên hai quẻ trong bát quái đồ chỉ trời và đất. Trên quả Càn khôn tại Tòa thánh, trời chỉ các cõi thanh nhẹ như Tam thập lục thiên, và đất chỉ các cõi hữu hình như Tam thiên thế giới và Thất thập nhị địa. . .
Thế giới: cõi đời nầy, chỉ trái địa cầu mà ta đang sống hoặc những trái địa cầu khác có nhân loại sinh sống dầu hữu hình hay vô hình như: Tam thiên thế giới, Cực lạc thế giới,. . .
Càn Khôn Vũ Trụ: CKVT là khoảng không gian bao la trong đó có nhiều quả tinh cầu, gồm: mặt Trời, mặt trăng, trái đất, tinh tú, chuyển động xoay vần không ngừng, cái qua cái lại, cái lên cái xuống, nhịp nhàng theo một trật tự vô cùng huyền diệu, suốt trong thời gian từ lúc thành lập cho đến vô cùng tận. (Cao Đài Từ Điển)
Vũ trụ quan là quan niệm về sự phát khởi, hình thể, vận động, ... của càn khôn vũ trụ như thế nào.

2 - Phân biệt Càn Khôn Vũ Trụ và Càn Khôn Thế Giới :
Qua Thánh giáo của Đức Chí Tôn cùng các Đấng Thiêng Liêng, chúng ta biết được vũ trụ quan Cao Đài thật vô cùng đặc biệt. Ở đây chúng ta không cần dẫn chứng dài dòng mà bắt đầu bằng bài Thánh giáo Đức Chí Tôn dạy ngài Phối Sư Thái Bính Thanh tạo quả Càn khôn để thờ nơi Đền Thánh như sau:
“Bính, Thầy giao cho con lo một trái Càn Khôn, con hiểu nghĩa gì không ? Cười,. . . . một trái như trái đất tròn quay hiểu không? Bề kính tâm ba thước ba tấc nghe con, lớn quá mà phải vậy mới đặng vì là cơ mầu nhiệm tạo hóa trong ấy, mà sơn màu xanh da trời, cung Bắc đẩu và tinh tú vẽ lên Càn Khôn ấy. Thầy kể Tam Thập Lục Thiên, Tứ Đại Bộ Châu ở không không trên không khí, tức là không phải tinh tú, còn lại Thất Thập Nhị Địa và Tam Thiên Thế Giới thì đều là tinh tú.
Tính lại ba ngàn bảy mươi hai ngôi sao, con biểu phải vẽ lên đó cho đủ. Con giở sách thiên văn tây ra coi mà bắt chước. Tại ngôi Bắc đẩu con phải vẽ hai cái bánh lái cho đủ và sao Bắc đẩu cho rõ ràng. Trên vì sao Bắc đẩu vẽ con mắt Thầy; hiểu chăng ? Đáng lẽ trái ấy phải bằng chai đúc trong một ngọn đèn cho nó thường sáng, ấy là lời cầu nguyện rất quý báu cho cả nhơn loại Càn khôn Thế giới đó. . .”

Trên quả Càn khôn nầy gồm tất cả các vì tinh tú có hình thể hữu vi là:
Thất Thập Nhị Địa và Tam Thiên Thế Giới, Ngoài ra có thêm hai cõi vô hình là:
Tứ Đại Bộ Châu và Tam Thập Lục Thiên để cho các chơn hồn tấn hóa từ thấp đến cao cư ngụ.

Ngoài ra qua Kinh Thiên Đạo, chúng ta còn biết thêm mười hai tầng Trời tức là Thập Nhị Thiên trong đó có Cửu Trùng Thiên là nơi dành cho Các Đấng Thiêng Liêng làm việc, điều khiển càn khôn thế giới và giúp cho sự tiến hóa của chúng sanh. . .

Tất cả các Thế giới và các Cõi Trời nầy được Đức Chí Tôn gọi là Càn Khôn Thế Giới như đoạn Thánh giáo trên. Hiện nay Càn Khôn Thế Giới nầy đang dưới quyền cai quản của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Theo một bài thi của Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn cho Đức Hộ Pháp thì trong vũ trụ nầy có rất nhiều Càn Khôn Thế Giới và có cái lớn và có cái nhỏ nhưng đều có loài vật sinh tồn:
……………………………………
“Theo tôi nghĩ  thế giới mình,
Ngoài ra còn có lắm hình càn khôn.
Nhiều thế khác biệt phân lớn nhỏ,
Sinh tồn loài vật rõ y nhau”.

Đức Hộ Pháp cũng có thuyết đạo vào ngày 29 tháng 4 năm inh Hợi (1947) có đoạn:
“. . .Ðức Từ Phụ là Phật, Ngài muốn cho con cái cũng thành Phật. Ðặng đạt quyền năng bí mật như Ngài, rồi lập ra một Càn Khôn Thế Giới khác. Luật thiên nhiên một ông Cha tạo nghiệp, thì con theo nghiệp Cha mà tạo ra sự nghiệp khác nữa.

Tuy trong buổi Tam Kỳ Phổ Ðộ, Bần Ðạo biết mở Ðạo Cao Ðài đặng tuyển chọn trong hàng Phật đạt kiếp từ tạo Càn Khôn Thế Giới đến kế vị Ngài. Trong buổi Ðại Từ Phụ mở Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ có treo bảng ở Ngọc Hư Cung, lập một ông Trời kế vị Ngài, nhưng chúng ta thấy trong hàng Phật có ba người:
1-Phật Thích Ca, 2-Phật Di Lặc, 3-Ðức Chúa Christ,
Thử hỏi ba người ai sẽ làm Trời. Ta tưởng ba người sẽ có một người làm được, mà người đó chúng ta biết chắc có, tuy không quyết đoán trước đặng, chúng ta mơ màng ngó thấy nhưng không dám nói. Hễ Ðấng nào đủ quyền năng trị thế, tinh thần cho cao trọng thâu phục cả tâm lý nhơn sanh vào khuôn Ðại Ðạo, gồm tinh thần tư tưởng loài người lại được, thì Ðấng ấy sẽ kế nghiệp Ðức Chí Tôn”.

Như vậy theo lời Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn và Đức Hộ Pháp, ta đã nhận ra rằng trong Càn Khôn Vũ Trụ có rất nhiều Càn Khôn Thế Giới do Đức Chí Tôn cai quản và khi trong một Càn Khôn Thế Giới mà có một chơn linh nào cao trọng, đủ quyền năng trị thế thì Đức Chí Tôn sẽ nhường quyền cho cai trị Càn Khôn Thế Giới đó hoặc vị ấy có thể lập ra một Càn Khôn Thế Giới khác nữa.

Điều lưu ý là Càn Khôn Thế Giới chỉ gồm những địa cầu hay cõi trời có nhân loại hay chư Thần Thánh Tiên Phật cư ngụ còn Càn Khôn Vũ Trụ bao gồm cả những địa cầu không có sự sống, . . .

Trở lại lời thuyết giảng trên của Đức Hộ Pháp, Càn Khôn Thế Giới chúng ta hiện nay có ba vị Phật có thể kế nghiệp Đức Chí Tôn và Đức Ngài còn tiên đoán "Đấng nào có đủ quyền năng trị thế, tinh thần cho cao trọng thâu phục cả tâm lý nhơn sanh vào khuôn Đại Đạo, gồm tinh thần tư tưởng loài người lại được thì Đấng ấy sẽ kế nghiệp Đức Chí Tôn". . . tức là Đấng nào thực hiện thành công cơ qui nguyên phục nhứt cả loài người vào khuôn Đại Đạo. Đức Ngài hỏi nhưng tức là đã trả lời rồi vì chúng ta đều biết vị Phật nào có sứ mạng "thâu các đạo hữu hình làm một", "tạo đời cải dữ ra hiền". . .
3-Đấng Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế là Đấng duy nhứt cai quản cả Càn Khôn Vũ Trụ:

Thánh giáo Đức Chí Tôn:
"Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi trong Càn Khôn Thế Giới thì Khí Hư Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng, mới lập ra Càn Khôn Thế Giới. Thầy lại phân Tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là: Vật chất, Thảo mộc, Côn trùng, Thú cầm, gọi là chúng sanh." (TNHT. II. Trg 62)
Đoạn Thánh giáo trên xác nhận Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế là Đấng duy nhứt chưởng quản ngôi Thái Cực duy nhứt.
Bài Ngọc Hoàng Kinh bắt đầu bằng 2 câu:
“Đại La Thiên Đế,
Thái Cực Thánh Hoàng”

Đại La là tấm lưới lớn, tức là Càn Khôn Vũ Trụ như một tấm lưới vĩ đại, mỗi mắt lưới là một Càn Khôn Thế Giới liên kết vận hành nhịp nhàng với nhau. Tất cả mạng lưới vũ trụ do một Đấng Vua Trời Chí Tôn cai quản. Thái Cực Thánh Hoàng là chỉ vị Vua Trời duy nhứt mà thôi.
Đức Hộ Pháp cũng thuyết nhân dịp Vía Đức Chí Tôn năm Nhâm Thìn (1952):
"…Ðức Chí Tôn chúng ta đã gọi là Ngọc Hoàng Thượng Ðế; Ðấng Thượng Ðế dầu cho các nước, các sắc dân tộc trên mặt địa cầu nầy có đặt tên của Ngài khác nhau nhưng Ðấng làm chủ quyền Tạo Ðoan Càn khôn Vũ trụ, tạo đoan thi hài và hồn phách của ta".

Trong TNHT, Đức Chí Tôn cũng có dạy rằng “Dầu một vị Đại La Thiên Đế xuống phàm mà không tu cũng khó trở lại địa vị đặng”. Đại La Thiên Đế trong trường hợp nầy chỉ một vị Thiên Đế cai quản một mạng lưới nhiều địa cầu thí dụ như Thất Thập Nhị Địa,. . .

Phần Kết: Đạo Cao Đài là một tôn giáo Nhất Thần, tôn thờ Đấng Thượng Đế toàn năng, Ngài ban cho sự sống của cả chúng sanh, muôn loài vạn vật và là chủ của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật trong muôn ngàn Càn Khôn Thế Giới được vận hành nhịp nhàng, huyền diệu trong vũ trụ bao la không bờ không bến.

Bài viết ngắn nầy chỉ là một góc nhìn vào vũ trụ quan Cao Đài. Còn nhiều vấn đề ta chưa thể hiểu hết thí dụ như câu Thánh giáo sau:
“Thầy đã nói đạo đức cũng như một cái thang vô ngằn bắc cho các con leo đến phẩm vị tối cao, tối trọng là ngang bực cùng Thầy hay là Thầy còn hạ mình cho các con cao hơn nữa”.(TNHT, Q1, trang 61).

Thầy còn hạ mình cho các con cao hơn nữa là sao ?
Tại sao trên Quả Càn Khôn Thầy dạy vẽ hình Thiên Nhãn trên sao Bắc Đẩu ?
Chúng ta chưa có câu trả lời nào chính xác cả.

Những điều chúng ta học hỏi được từ Thánh giáo và Lời thuyết đạo Đức Hộ Pháp, nhưng có khi sự suy luận của chúng ta còn khiếm khuyết, cần phải được bổ túc qua thời gian cũng như cần sự góp ý của nhiều người để nền tảng giáo lý ngày được hoàn chỉnh hơn./.
HT / Mai Văn Tìm
(Sưu khảo, 2-2020) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét