THAY ĐỔI HÌNH THỨC HAY THAY ĐỔI NHẬN THỨC. * Dr. Lê Thị Ngọc Vân


Dạ kính thưa Quý Hiền Huynh, Tỷ, Đệ, Muội. Nhân có sự thay đổi vừa qua tại các cơ sở Đạo trong Nội-ô Tòa Thánh Tây Ninh về sự thờ phượng làm nổi lên làn sóng ngầm trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Một sự kiện tuy không lớn lao nhưng đã khiến cho không khí ở các cơ sở Đạo buồn, đối với người tín đồ Cao Đài, thương THẦY, mến Đạo, thì cũng thấy băn khoăn không ít về hình thức này.
 
Trong bài viết của tiện muội hôm nay xin được không bàn về đúng-sai của quyết định trên, chỉ là từ sự việc này, tiện muội lại có một góc nhìn về Ý thức Đại Đạo khác như lời tâm sự cùng Quý Hiền trên tinh thần lấy tình thương yêu đồng đạo.

Nhìn lại gần một thế kỷ Đạo Trời khai mở, lấy tôn chỉ Quy Nguyên, Hiệp Nhứt là một giá trị vô đối của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ làm niềm tự hào của người tín đồ Cao Đài, chúng ta đã làm được gì thêm cho nền Đạo, cho xứng đáng là con cái Đức CHÍ TÔN, là người tiếp lửa kế thừa của các Bậc Tiền Khai Đại Đạo.

Theo như lời nguyện trong bài Kinh Ngũ Nguyện: Nam Mô: Nhứt Nguyện Đại Đạo hoằng khai.

Ý thức Đại Đạo của chúng ta là người tín đồ Cao Đài hiện nay có thay đổi chưa? Trải qua gần 1 thế kỷ lập Đạo (95 năm), trên bước đường phổ độ chúng sanh, nền Đạo Cao Đài phải trải qua nhiều truân chuyên, gian khổ của thế trần, nhưng vẫn giữ vững đức tin vào Đức Đại Từ Phụ để mở cơ tận độ cứu vớt nhơn sanh còn đang trầm luân trong biển trần khổ.
" Biển trần khổ vơi vơi trời nước
Ánh Thái Dương rọi trước phương Đông....."

Với sứ mạng chèo thuyền Bát Nhã cứu vớt những người chìm đắm trong mê hà, không chờ đợi người kêu nài tìm theo lên thuyền cứu độ, những người con của Đại Từ Phụ, của Đại Từ Mẫu phải có được cái Dũng khí để hành Đạo, phải có lòng Bi để xót thương tha nhân và phải có Trí để khai sáng Huệ tâm để dìu dắt lẫn nhau từ kẻ nhỏ cho đến người lớn về với THẦY MẸ trong buổi cuối cùng.

Các Bậc Tiền Khai Đại Đạo ngày đó được tiếp sức bằng Ân điển Thiêng Liêng qua Cơ bút huyền diệu để gầy dựng mối Đạo Trời. Đã để lại những Thánh Ngôn, Thánh Giáo dạy dỗ dẫn dắt nhơn sanh, những luật lệ, điều răn để giữ mình cho nên Hiền nên Thánh. Ngoài ra Tân Luật, Pháp Chánh Truyền là giềng mối chuẩn thằng để tín đồ Cao Đài theo đó giữ gìn " Thánh Thể Đức CHÍ TÔN tại thế ".

Hình thể Đạo là Thánh Thể của CHÍ TÔN tại thế, dầu trải qua nhiều biến động của thời cuộc nhưng các ngôi thờ Thánh Thất, Điện Thờ Phật Mẫu vẫn tiếp tục xuất hiện nhiều nơi trên thế giới. Đó là một tín hiệu vui mừng của nền Đại Đạo. Nhưng nhìn lại nhân sự Hành Chánh Đạo hành quyền giáo hóa nhơn sanh chính là để phục vụ nhơn sanh chớ không phải phục vụ ông Trời, chính Đức CHÍ TÔN đâu cần con người phục vụ. Mượn hình thể Đạo để thể hiện Thánh Thể Đức CHÍ TÔN tại thế, đã tạo được hình thể thì song song đó phải gầy dựng khai sáng tâm linh và cứu độ nhơn sanh.

Có bao giờ cũng là những Thánh Thất nguy nga đẹp đẽ mà khi nhìn vào lại đau lòng, khi trước mặt chỉ là những gạch đá vô tri, không đem lại sự an ủi cứu rỗi tâm hồn để thiết tha tìm Đạo.? Người đời thường nói " Phương tiện để phục vụ cứu cánh ". Hình thể Đạo chính là phương tiện để đưa đến cứu cánh của Đạo là giải thoát vòng luân hồi sinh tử như lời Đức Lý Giáo Tông Thiêng Liêng đã dạy trong một đàn cơ.
" Có sông mới tạo ra thuyền
Có người tội lỗi mới truyền pháp tu..."

Như chiếc thuyền được làm vững chắc, có người chèo vững tay chèo trước phong ba bão táp để đưa người qua bờ.
" Bát Nhã từ đây vững lái thuyền
Tuông pha khổ hải độ nhơn duyên
Gay chèo thoát khổ đầy linh cảm
Rạch nước trừ oan đủ diệu huyền
Thổi thẳng cánh buồm thì Lão thủ
Năng an lòng bản cậy Thần Tiên
Phong ba mấy độ đà qua khỏi
Ném thử Gián Ma đóng Cửu tuyền ".

Hộ Pháp đường ngày 18-10-Ât Hợi (13- Novembre-1935)
Đức Lý Thái Bạch.

Ngày nay xã hội đã có nhiều thay đổi hơn xưa, nhận thức của con người về đạo đức đã xoay chuyển.
Người tín đồ Cao Đài đã kịp bước theo sự dịch chuyển của thế giới, hay chúng ta vẫn loay hoay lẩn quẩn trong một (1) vùng Thánh Địa Việt Nam để tự hào riêng cho nền Đạo của mình. Người ngoài Đạo vẫn nhìn Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ như là một tôn giáo bản địa, không thoát khỏi tính dân tộc. Thật là trái ngược với tôn chỉ Quy Tam Giáo, Hiệp Ngũ chi, Đại Đồng thế giới.

Chúng ta vẫn cứ tự hào Quy Nguyên, Hiệp Nhứt mà ngay trong lòng những vị mang " Thiên mạng " có thực sự muốn " Quy Nguyên "?
Người tín đồ Cao Đài chân chính là con cái của Đức CHÍ TÔN hàng bước vào Chánh Điện để đọc lời Ngũ Nguyện xong, sau đó về có trăn trở suy tư gì, có xét lại mình đã làm được điều gì trong lời Ngũ Nguyện ấy? Tất cả Chân lý giác ngộ được gói gọn trong 5 lời Nguyện .

Xin hãy nghĩ chậm một chút về lời Ngũ Nguyện, đó là sự giác ngộ.
Nếu chúng ta thành tâm đọc và suy tư về lời Kinh này, thực hành cho được theo lời Ngũ Nguyện này là đã làm theo Thiên Ý. Là chúng ta đã bước trên con đường tự giác rồi giác tha, con đường để trở về cùng Đại Từ Phụ như lời Đức CHÍ TÔN đã dạy: " THẦY lại nói buổi lập Thánh Đạo, THẦY đến độ rỗi kẻ có tội lỗi. Nếu đời không tội lỗi, đâu đến nhọc công THẦY..."
  ( Samedi,11, Septembre, 1926, Bính Dần )
           * TNHT Quyển 1.

Kính thưa Quý Hiền, tiện muội xin được kết thúc bài viết bằng vài câu thơ mọn:
" Thuyền sen đỡ gót xa lìa tục
Bỏ tiếng khen, chê chớ giận hờn
Một mối đồng tâm quy nhứt bổn
Đưa người vượt bể thoát mê tân ".
Muội Chào đoàn kết và kính chúc Quý Hiền được đầy hồng ân của THẦY, MẸ.
* Dr. Lê Thị Ngọc Vân. 11 PM, 8-7-2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét