Lập Ngôn Như Thế Nào. * Từ Chơn


Nguồn gốc:
Tôn giáo nào cũng có những phương pháp tu tập riêng gọi là “pháp môn” nhằm đạt đến mục đích sau cùng mà người xưa gọi là “đắc đạo”, “đắc pháp” hay “thành chánh quả”; riêng đạo Cao Đài gọi là "hiệp một với Đức Chí Tôn". Thí dụ như Phật Giáo có niệm Phật, thiền định để đạt đến mục tiêu sau cùng là đạt được "A nậu đa la tam diệu tam bồ đề", hay nói dễ hiểu là "thành Phật".

Nghĩa chính thức của những từ trên là đạt được sự hiểu biết sâu xa để thoát khỏi mọi đau khổ ở thế gian. Khổng Giáo thì giữ theo đạo Trung Dung để trở thành Quân Tử, tức là một con người đích thực, sống gương mẫu trong xã hội. Lão Giáo thì "luyện đơn, nấu thuốc" tức là rèn luyện thân thể và suy nghĩ sâu xa để thông đạt lý lẽ vũ trụ vân vân ….
Vậy Cao Đài có pháp môn chủ yếu gì? Trong đạo Cao Đài  có một bậc tiền bối thuyết giảng rất rõ ràng về điều này. Đó là Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc qua những bài thuyết đạo của Ngài. Theo Đức Ngài thì Cao Đài  chủ yếu có ba cách thức tu tập: - xin nhấn mạnh chỗ này: “chủ yếu có ba cách thức tu tập” nghĩa là còn có nhiều cách khác nữa, chứ không phải chỉ có ba cách này mà thôi. Trong đạo còn nhiều cơ hội khác nữa để lập công với Đức Chí Tôn, ví dụ như vào Ban Thế Đạo, đi dạy học ở trường đạo vân vân, v.v…
Cách thứ nhất: Theo hội thánh Cửu Trùng Đài để lập công lập ngôn, nghĩa là bắt đầu hành đạo ở cấp thấp nhất là Đạo Hữu rồi sau đó theo công nghiệp mà thăng lên Phó Trị Sự, Chánh Trị Sự, Lễ Sanh vv… lên đến phẩm cao nhất là Giáo Tông. Nói tóm lại, cách này đòi hỏi người tín đồ trở thành một tu sĩ đúng nghĩa, không còn dính líu gì đến đời sống cá nhân riêng tư nữa.
Cách thứ hai: Theo hội Thánh Phước Thiện để lập đức, cũng bắt đầu hành đạo ở cấp thấp nhất là Minh Đức, Tân Dân … lên cho đến cấp cao nhất là Phật Tử. Tín đồ nào theo con đường này chủ yếu là tìm cách nào đó (phù hợp với pháp luật của nước sở tại) làm kinh tế tạo ra của cải để nuôi sống những người không đủ điều kiện sống trong xã hội, như người nghèo, khuyết tật, vô gia cư vân vân….
Cách thứ ba: Vào Tịnh Thất để tịnh luyện. Đây còn được gọi là con đường thứ ba của Đại Đạo. Đối với những tín đồ  nào muốn vào Tịnh Thất, thì điều kiện tiên quyết là phải hoàn thành Tam Lập: Lập Công, Lập Đức Lập Ngôn.
Định nghĩa:
Như vậy, qua những lời giảng dạy của Đức Hộ Pháp, có thể hiểu lập ngôn là một trong những cách tu tập (pháp môn) của tín đồ Cao Đài. Bài viết này xin được đặt trọng tâm ở pháp môn này, vì đây là pháp môn dễ bị hiểu lầm nhất.
Theo tự điển Hán Việt, lập = gầy dựng; ngôn = lời nói. Lời nói hoặc tác phẩm thi văn rất quan trọng vì sẽ lưu truyền cho đời sau (trích Tả Truyện). Nói cách khác lập ngôn là gầy dựng một sự nghiệp để lại cho đời sau bằng ngôn ngữ văn tự. Và theo lời dạy của Hộ Pháp, thì tín đồ Cao Đài  phải “lập ngôn”, cụ thể là dùng lời lời nói hay chữ viết để làm cho người khác hiểu đạo, hành đạo để trở về với Đức Chí Tôn như mình. 
Những hiểu lầm thường có:
Với định nghĩa như trên, gần như mọi chức sắc cũng như tín đồ Cao Đài đều ra sức lập ngôn. Điều này là tốt và đúng theo lời dạy của Đức Hộ Pháp. Nhưng đôi khi vì hiểu lầm nên chúng ta vận dụng sai nguyên tắc lập ngôn và gây ra phản tác dụng, có lúc đem lại tiếng xấu cho tập thể tín đồ Cao Đài. Thông thường chúng ta hay vấp phải những sai lầm như sau:
- Có người hiểu rằng muốn lập ngôn phải dùng lời lẽ thuyết phục cho người khác gia nhập tôn giáo Cao Đài, không cần biết người ta đã có theo một tôn giáo nào hay chưa! Điều này không đúng, bởi vì Cao Đài dung hợp mọi tôn giáo nên theo tôn giáo nào đi nữa thì cũng là con cái của Thượng Đế Chí Tôn. Hơn nữa, nguyên tắc là nói cho người khác hiểu đạo, chứ không phải thuyết phục gia nhập vào một đoàn thể tôn giáo cụ thể nào. Khi người ta đã hiểu đạo rồi thì gia nhập Cao Đài, Phật Giáo hay Thiên Chúa Giáo gì gì đó là ý nguyện của người đó, không nên can thiệp vào. Nếu lúc nào cũng khăng khăng thuyết phục người khác gia nhập Cao Đài, thì chỉ gây ra tình trạng tranh dành không cần thiết dẫn tới xích mích tranh chấp với các tôn giáo khác.  
- Có người hiểu rằng lập ngôn chỉ là “nói đạo” mà thôi. Vì thế lúc nào họ cũng tìm cách xuất hiện trước đám đông để nói về tôn giáo mà không biết rằng “thuyết đạo” là cả một nghệ thuật, cần thể hiện đúng nơi đúng lúc mới có giá trị. Chỗ người ta không muốn nghe, mà mình cứ đem tôn giáo ra bàn luận thì chỉ gây ác cảm mà thôi. Hoặc nơi đang có thiên tai, thì góp tay giúp đỡ sẽ có giá trị hơn một bài giảng đạo lê thê. Thực sự ra, dùng lời nói làm người khác bớt phần đau khổ, hoặc hòa giải những bất đồng ý kiến của người khác … cũng là lập ngôn. Không nhất thiết phải “nói đạo” mới được xem là lập ngôn.
- Có người cho rằng tịnh luyện là cách “tu tắt”, đắc đạo nhanh hơn lập công hay lập đức; thậm chí “tịnh luyện theo phương pháp bí chỉ” mới là “cao cấp”, nên họ ra sức lập ngôn cho đủ tam lập để được vào tịnh thất. Như vậy, lúc đó lời thuyết đạo của những người này đâu phải là giúp người khác hiểu đạo, mà là làm cho xong nhiệm vụ để đi vào tịnh luyện, lo cho cá nhân mình được đắc đạo mau hơn. Nói gì đi nữa thì đó cũng là lòng tham dục, như thế thì làm sao tịnh luyện đắc đạo cho được! 
- Có người không có năng khiếu ăn nói, lại không tự lượng sức mình cứ tìm cách “thuyết đạo” trước nhiều người. Rốt cuộc, làm cho người ta hiểu lầm, coi thường đạo. Một ví dụ thường thấy là có một vài chức sắc học thuộc lòng một bài văn thơ của người khác, rồi cứ tìm dịp quan hôn tang tế mà đọc và...nổ rằng mình vừa mới sáng tác. Thực sự ra, nếu không có khả năng ăn nói thì mình tìm cách khác làm công quả, vừa phù hợp với sức mình, vừa không làm cho người ta coi thường đạo.
- Cũng có người cho rằng lập ngôn là xem ai có nói gì sai với “chơn truyền” thì mình sửa lại cho đúng. Ý thì hay, nhưng đến khi thực hiện thì không còn được như lý tưởng nữa. Bởi “đúng sai” chưa chắc mình đã phân định rõ, nên cuối cùng thành ra sửa những gì không cảm thấy vừa ý cá nhân mình. Cứ thế lâu dần thành kẻ ham chỉ trích, những câu chê bai lúc nào cũng sẵn nơi đầu lưỡi, thậm chí chưa hiểu hết ý người đã vội vàng tìm một điểm gì đó để bài bác. Cuối cùng mọi người ai cũng xa lánh.
Ngày nay tín đồ Cao Đài có nhiều phương tiện để lập ngôn hơn thời kỳ đạo mới  mở: như báo chí, truyền thanh truyền hình, internet …Trình độ của con người về mặt văn hóa, kỹ thuật, khoa học cũng tiến bộ rất nhiều so với ngày xưa. Do đó tín đồ Cao Đài  cần phải cẩn trọng hơn nữa trong khi lập ngôn. Nói chung, muốn lập ngôn phải thỏa một số điều kiện như sắp bàn tiếp theo đây, chứ không thể “nói đại” rồi “ơn trên sẽ bố hóa cho lời vàng tiếng ngọc”. 
Những yếu tố cần thiết để lập ngôn có hiệu quả cao
Trình độ học vấn:
Rõ ràng chúng ta không ai có thể chấp nhận hành động lập ngôn phi văn hóa. Thông qua việc lập ngôn của chúng ta mà người ngoài đánh giá đoàn thể tôn giáo của mình. Nếu người ta yêu mến bài nói chuyện của một chức sắc Cao Đài, hệ quả sẽ là người ta cũng tôn trọng tập thể tín đồ Cao Đài, và ngược lại. Điều đó khiến chúng ta cần phải đặt ra một định mức về trình độ văn hóa nếu muốn lập ngôn. Người viết bài này thiết nghĩ, hiện nay mức độ ấy phải tối thiểu là Tú Tài. Dưới mức độ đó một người bình thường chưa đủ tri thức để tiếp nhận và thông hiểu được các hệ thống triết lý tôn giáo. Mà như vậy thì chưa có đủ lý lẽ để lập ngôn.
Phải có ý thức cao độ:
Ngoài trình độ văn hóa, cần có ý thức nữa. Người muốn lập ngôn phải ý thức rõ mình đang làm công quả để về với Đức Chí Tôn. Đây không phải là chuyện làm để tiêu khiển hoặc để ba hoa cho thỏa ý thích cá nhân, do đó phải chú tâm hết sức vào công việc. Phải lên kế hoạch, tham khảo nhiều sách vở và chuẩn bị tốt lời nói hoặc bài viết của mình, cho dù mình nói với một người cũng vậy. Không nói ngẫu hứng để rồi phạm sai lầm đáng tiếc. Nếu cần, nên tham khảo người thân, bạn đạo trước vì người ngoài cuộc bao giờ cũng "sáng nước" hơn bản thân mình.
Kiến thức tổng quát về tôn giáo:
Một điều nữa là phải học tập, đọc thêm sách báo để biết về những tôn giáo khác trên thế giới. Quả địa cầu 68 ngày nay đã được kỹ thuật loài người rút ngắn những khoảng cách, do đó hội nhập với các hệ thống triết lý của các tôn giáo khác là điều không những không thể tránh khỏi mà còn rất cần thiết nữa. Khi biết rõ các tôn giáo khác, mình sẽ biết cần phát biểu điều gì, cần phải tránh điều gì để dành được cảm tình của người nghe. Hay tối thiểu thì mình cũng không va chạm những điều mà ở các tôn giáo khác người ta cấm kỵ.
Kỹ năng nói và viết
Cuối cùng là một yếu tố vô cùng quan trọng: kỹ năng nói và viết. Ai cũng biết rằng có người có năng khiếu bẩm sinh về các kỹ năng này, những người như vậy sẽ có lợi thế khi lập ngôn. Còn những người bình thường thì phải dầy công học tập và rèn luyện cho đến khi nào đủ sức thì mới nên bắt tay vào lập ngôn. Cũng có những người không có năng khiếu, thậm chí nói một lời cũng không xong, viết một câu cũng không có ý nghĩa. Với những người như thế, người viết bài này thành thật khuyên các vị đó tìm cách khác làm công quả. Kinh nghiệm cho thấy, không có khả năng thì hành động lập ngôn sẽ đem lại hiệu quả rất thấp, thậm chí làm cho người ngoài đạo coi thường. Điều này chắc không một tín đồ Cao Đài  nào có lòng với đạo lại muốn xảy ra.
Lập ngôn không phải là pháp môn tối thượng và duy nhất của Cao Đài
Không phải là pháp môn tối thượng:
Hiện nay, thông thường tín đồ Cao Đài  có hai khuynh hướng: Thứ nhất, có người cho rằng tịnh luyện là “cao cấp” là “tu tắt” nên nghe nói chỗ nào “tâm truyền” hay là “bí chỉ” thì quan tâm tìm đến, và họ còn tỏ ra coi thường pháp môn lập công hay là lập đức. Lúc nào những người như thế chỉ mong tìm chỗ ngồi lim dim, kềm thúc nhịp thở. Họ không biết rằng tịnh luyện thì dễ, nhưng tìm Tịnh Thất cho phù hợp và tìm Tịnh  Chủ  để trấn thần và trấn pháp thì không phải dễ! Thứ hai, có người quan niệm rằng đứng trước đám đông thuyết đạo là hay, là có bản lĩnh, hoặc viết sách sẽ chứng tỏ được mình là người học rộng biết nhiều khiến người khác nể phục. Họ bèn chọn lập ngôn làm ưu tiên trong đời hành đạo của mình, không kể gì đến việc pháp môn này có phù hợp với mình hay không. Người viết bài đã từng chứng kiến nhiều người ăn nói lập cà lập cập hoặc thiếu trình độ cũng ráng sức “lập ngôn” rất tội nghiệp. Đối với đồng đạo, người ta có thể vì thương cảm mà bỏ qua, nhưng người ngoài đạo sẽ nghĩ gì? Xin đừng trả lời: mặc kệ họ nghĩ sao thì nghĩ, miễn tôi lập công được với Đức Chí Tôn thì thôi! Trả lời như vậy là đã bỏ qua một điều quan trọng: mình đã tự hạ thấp giá trị của tập thể tôn giáo Cao Đài  trước mắt chúng sanh. Mà tập thể tôn giáo Cao Đài  chính là thánh thể Đức Chí Tôn tại thế! Vậy, không khéo lập công đâu không thấy mà “lập tội” thì dẫy đầy!
Qua những nhận xét trên, xin kết luận là lập ngôn hay vào tịnh thất không phải là pháp môn tối thượng và duy nhất của tôn giáo Cao Đài. Vấn đề của người tu học là chọn lập công, lập đức, lập ngôn hay tịnh luyện cho vừa sức của mình, rồi kiên nhẫn thực hiện suốt cuộc đời thì mới có kết quả như ý.
* Từ Chơn
Sài Gòn 31/5/2008
References
Tam lập: Tự Điển Cao Đài  (Nguyễn văn Hồng)
Tài liệu: Những bài Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc (Hiền Tài Nguyễn văn Mới - Ban tốc ký Tòa
Thánh Tây Ninh)
Tự Điển Hán Việt (Bửu Kế)
Tự Điển Hán Việt (Thiều Chửu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét