MỘT CHÚT LỊCH SỬ CAO ĐÀI CHO ĐỜI SAU. * Từ Chơn

T
ất cả tín đồ Cao Đài đều biết những bài thuyết đạo của Đức Hộ Pháp về Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống và Bí Pháp. Nhưng tạo ra những tài liệu này là một quá trình gian khổ ít người biết. Ngoài ra, nếu không có sự giúp sức của các đấng thiêng liêng và các tiền bối trong Đạo Cao Đài, thì nhóm tín đồ khiêm tốn “Ban Tốc Ký Toà Thánh Tây Ninh” cũng không thể hoàn thành tâm nguyện cho dù quyết tâm đến mấy đi nữa. Điều này đã chứng minh nguyên lý Trời Người hiệp một sẽ quyết định mọi thành công 
Những đấng thiêng liêng đã trợ giúp trong quá trình này là Diêu Trì Cung Bát Nương Nữ Phật và Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Còn các bậc tiền bối là Nữ Đầu Sư Hương Hiếu và Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang.
* Từ Chơn
Sài gòn 2nd Nov 2011

LỜI THUYẾT ĐẠO CỦA HỘ PHÁP VỀ CON ĐƯỜNG THIÊNG LIÊNG HẰNG SỐNG – MỘT BỘ THÁNH KINH QUAN TRỌNG CỦA CAO ĐÀI GIÁO.
1 . Giới thiệu
Trong đạo Cao Đài cụm từ Cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống được nhắc tới trong bài kinh “Cầu Hồn Khi Đã Chết Rồi”. Đây là một bài kinh trong thể pháp cầu nguyện cho linh hồn người chết được siêu thoát. Những bài kinh cầu siêu của đạo Cao Đài lần lượt miêu tả những chặng đường các chơn hồn phải đi sau khi chết để về với Thượng Đế.
Tuy nhiên, quan trọng và đặc sắc hơn là những bài thuyết đạo của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc về Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống bắt đầu từ 13/8 Mậu Tý (16/9/1948) cho đến 30/3 Kỷ Sửu (27/4/1949). Sở dĩ gọi bài thuyết đạo của Đức Hộ Pháp đặc sắc là vì trong các bài kinh cửu, những thông tin về Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống được giáng bút và trình bày như là một  bảng hướng dẫn xa lạ đầy những thuật ngữ khó hiểu. Trái lại, Đức Hộ Pháp được Đức Chí Tôn mở huệ quang khiếu, xuất chơn thần về Bạch Ngọc Kinh rồi kể lại nên câu chuyện của ngài là một kinh nghiệm. Vì thế, Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống của Đức Hộ Pháp chẳng những được giải thích đầy đủ hơn mà còn mô tả cảm giác của một Phạm Công Tắc đời thường gần gũi.
Những lời thuyết đạo này đã được Ông Nguyễn Văn Mới, Trưởng Ban Tốc Ký Tòa Thánh Tây Ninh cùng với các tốc ký viên ghi lại,  rồi trình Hộ Pháp duyệt qua. Mãi đến khoảng năm 1968, ông Nguyễn Văn Mới (lúc này đã thọ phẩm Hiền Tài) vận động các bạn cùng các nhà hảo tâm in ra bằng kỹ thuật quay ronéo. Sau đó ông giao bộ sách lại cho Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh giữ bản quyền. Lúc bấy giờ Đức Thượng Sanh nắm quyền lãnh đạo Hội Thánh và chính Ngài phê duyệt cho phép bộ sách được lưu hành. Nhờ công lao của những vị đã nêu, ngày nay chúng ta, những người tu học đạo Cao Đài, mới có một bộ sách quí báu để nghiền ngẫm.  
2 . Tầm quan trọng
2 .1 Một bộ kinh
Những bài thuyết đạo này rất quan trọng trong đạo Cao Đài. Trước hết, trong khi thuyết đạo về Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống, Hộ Pháp Phạm Công Tắc đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại: “Đây không phải là lời của cá nhân Phạm Công Tắc, mà chính là lời của Hộ Pháp thuyết cho toàn thể con cái Đức Chí Tôn nghe”.  Chúng ta biết rằng: trong Tân Luật, Pháp Chánh Truyền có qui định bầu cử phẩm Giáo Tông nhưng không có qui định bầu cử phẩm Hộ Pháp. Như vậy, có thể suy ra những lời thuyết đạo này “có một không hai” vì Hộ Pháp chỉ giáng linh một lần duy nhất trong Tam Kỳ Phổ Độ.
Trong đạo Cao Đài  kinh điển được chia ra làm ba loại: Một là kinh dùng để tụng đọc trong các nghi lễ, gồm có: Kinh Thiên Đạo, Kinh Thế Đạo, Kinh Cầu Siêu. Hai là lời dạy đạo của các đấng thiêng liêng thể hiện qua các bài văn thơ thu được từ các đàn cơ, tập hợp trong quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. Ba là những bài thuyết đạo của các bậc tiền bối trong đạo, mà còn ghi lại nhiều nhất cho đến ngày nay là Những Bài Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.  Câu chuyện về Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống của Hộ Pháp chính là một trong những bộ thánh kinh, gói ghém những tinh túy của triết lý Cao Đài để con người học hỏi trong bảy trăm ngàn năm sắp tới.     
2 . 2 Đặc trưng của Cao Đài
Những bài thuyết đạo của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc về Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống mang những đặc trưng của đạo Cao Đài. Tất cả các thuật ngữ của Cao Đài  đều được sử dụng trong tác phẩm này. Ví dụ như: xuất chơn thần, tịnh luyện, về với Đức Chí Tôn, Đại Tiên Kim Quang Sứ …vv.
Những suy luận theo phong cách Cao Đài cũng xuất hiện đầy dẫy trong câu truyện. Thí dụ: khi một chơn hồn rơi khỏi chiếc cầu cheo leo bắc ngang qua khổ hải, sẽ bị biến dạng xấu xa ghê tởm. Điều này trái với ngày xưa, người ta cho rằng rơi xuống khổ hải sẽ bị các loài ác thú xé xác, ăn tươi, nuốt sống. Hay truyện các chơn hồn không tin vào tôn giáo tranh cãi với các đấng trọn lành tại cung Hiệp Thiên Hành Hóa. Trong các tôn giáo đã có từ trước, chưa bao giờ có chuyện các chơn hồn có quyền tranh cãi ở trên Thiên Đàng.  
2 . 3 Ẩn chứa những cách thức tu tập
Một điều quan trọng nữa là lời thuyết đạo về Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống còn ngụ ý những cách thức tu tập trong đạo Cao Đài. Càng đọc, người tu học sẽ càng tìm ra những cách khác nhau trong đó sẽ có một cách phù hợp với trình độ nhận thức của riêng mình. Xin đơn cử một ví dụ: Trong những bài thuyết đạo về Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống, Hộ Pháp có kể lại một cuộc chiến với Đại Tiên Kim Quang Sứ. Theo Thánh Ngôn, Đại Tiên Kim Quang Sứ có quyền phép tương đương với Đức Chí Tôn và được phép dùng quyền lực của mình để thử thách con người. Người nào không vượt qua được những thử thách này sẽ mắc phải tội tình và phải chịu luân hồi, không thể trở về với Đức Chí Tôn.
Khi Hộ Pháp vâng lệnh Đức Chí Tôn đi mở cửa vào cực lạc thế giới thì bị Kim Quang Sứ chận đường. Ngay lúc ấy Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung xuất hiện và chiến đấu với Kim Quang Sứ. Kim Quang Sứ biến hóa ra càng nhiều người thì càng có nhiều chơn linh trong đạo nhảy ra trợ chiến. Qui mô cuộc chiến tăng dần lên cho đến khi trở nên quá sức tưởng tượng. Đức Hộ Pháp khán trận đến mệt mỏi nên ngủ thiếp đi. Đến khi ngài thức giấc lần thứ ba, trận chiến vẫn chưa kết thúc. Đến đây thì Hộ Pháp quyết định vào cuộc. Ngài biến ra thành hai người, một tiếp tục quan sát, còn một bay lên không. Một lưu ý quan trọng ở đây là hai người đều có chung suy nghĩ, một mà hai; hai mà một. Người bay lên không dùng Kim Tiên (roi vàng) vẽ một vòng, tức thì cuộc chiến thu nhỏ lại, cho đến khi chỉ còn Đức Quyền Giáo Tông và Kim Quang Sứ. Trận chiến kết thúc khi Kim Quang Sứ bị “đập” một gậy “đằng vân” bay mất.
Câu chuyện nếu nghe một cách khinh suất, hao hao giống chuyện thần tiên  “hàng yêu tróc quỷ” xuất hiện khắp nơi ở phương đông. Nhưng ngụ ý của câu chuyện không đơn giản chút nào. Hộ Pháp tượng trưng cho ý thức. Hộ Pháp vâng lịnh Đức Chí Tôn đi mở cửa Cực Lạc Thế Giới nghĩa là ý thức luôn bị sức mạnh tự nhiên của vũ trụ thôi thúc đi tìm sự an toàn hay hạnh phúc. Có lên đường tìm hạnh phúc mới có khó khăn cản ngại, tức gặp Kim Quang Sứ. Nhưng đánh nhau với Kim Quang Sứ lại là Quyền Giáo Tông chứ không phải Hộ Pháp. Quyền Giáo Tông chưởng quản Cửu Trùng Đài. Cửu Trùng Đài tượng trưng xác thịt. Do đó tranh chấp, xung đột chỉ xảy ra ở cấp độ vật chất, nghĩa là ở cõi giới hiện tượng. Ý thức là thực thể đứng bàng quang chứng kiến cuộc chiến của chính mình. Ý thức ngủ rồi tỉnh dậy ba lần, chính là sự lột xác để thấy rõ chân tướng của sự xung đột không gì khác hơn là bản thân của ý thức. (Sự lột xác này ngụ ý pháp môn luyện tam bửu của Cao Đài  giáo). Khi ý thức muốn xung trận, phối hợp thể xác là tinh khí đã hiệp. Lúc bấy giờ ý thức chẳng phải hai, chẳng phải một; không nhị nguyên, cũng chẳng nhất nguyên. Kim Tiên lộ rõ chân tướng, nghĩa là trí huệ phóng ánh sáng trong suốt vào sự thể và nhìn thấy sự thể như là sự thể. Vật chất và cản ngại là một, hạnh phúc và đau khổ là một. Lúc đó thân xác đã vượt qua bóng tối đau khổ. Con đường cực lạc thế giới đã thông.
Đây chính là dẫn đạo cho những người tu học nào muốn đi vào con đường tu chơn trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Khi luyện khí hóa thần, trí não (khí) phải mạnh mẽ và nhanh nhẹn bởi vì thần vận động với tốc độ của ánh sáng mà ý thức của chúng ta (khí) thì chậm đến mức chỉ kịp bám theo đuôi mà thôi. Chỉ khi nào hiểu được ẩn ý của  câu truyện trên thì người tu chơn mới mong đạt kết quả sau cùng.
Ngoài ra còn có những câu truyện đầy ngụ ý khác nữa về những cách thức tu tập trong Cao Đài. Tất cả đều sẵn sàng chờ con cái Đức Chí Tôn học hỏi và thực hiện.  
3 . Tính tượng trưng và quan điểm mới
3 . 1 Tính tượng trưng cao
Những bài thuyết đạo về Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống mang tính tượng trưng  cao độ. Người đọc cần nghiền ngẫm hiểu cho được ngụ ý của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Nếu chỉ hiểu bằng nghĩa đen, thì câu truyện có khi hoàn toàn tối nghĩa, khó hiểu. Ví dụ như Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc  dạy rằng: “Mỗi chơn hồn nơi thế gian này, khi thoát xác đều phải qui tụ tại đền thánh rồi mới đi tới cảnh giới khác. Vào đền thánh tức là vào Hiệp Thiên Đài để đi đến Cung Đạo. Muốn vào Cung Đạo phải qua Cửu Trùng Đài. Khi đến Cung Đạo, nhìn lên không thấy Bát Quái Đài nữa mà thấy không gian bao la. Ta đã bước vào Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống.” (Trích và biên tập từ Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống)
Nếu không để ý đến tính tượng trưng của những câu nói này và hoàn toàn hiểu theo nghĩa đen, thì chắc chúng ta sẽ vào đền thánh, đến Cung Đạo, nhìn lên để rồi thất vọng vì không thấy “không gian bao la”“ con đường thiêng liêng hằng sống” mà Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc  đã giảng giải. Thậm chí có người còn hiểu như thế này: vì mọi chơn hồn ở thế gian khi xuất ra khỏi xác đều phải về đền thánh, nên bây giờ mình nên dời về Tây Ninh ở cho gần. Mai kia chết đi, vào đền thánh sẽ nhanh hơn!!
Thực sự ra, lời giảng trên mang một ẩn ý sâu xa. Tác giả xin được bàn thêm vào một dịp khác. * Đề nghị tham khảo thêm “Thể Pháp và Bí Pháp –Từ Chơn”.  
3 . 2 Quan điểm mới mẽ và dễ chấp nhận hơn
Những quan điểm mới trong câu truyện về Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống cũng dễ chấp nhận hơn trong thời đại ngày nay. Chẳng hạn như chuyện Đức Hộ Pháp chứng kiến cuộc tranh luận giữa các đấng trọn lành và các chơn linh không tin vào đạo tại cung Hiệp Thiên Hành Hóa. Đức Hộ Pháp kể chuyện các đấng trọn lành giải thích cho các chơn linh không tin vào đạo dù cho họ viện mọi lý lẽ, thậm chí có khi kì quặc để bài bác các tôn giáo. Cũng có những chơn linh theo một tôn giáo nào đó nhưng không đoạt đạo cũng đưa ra lời lẽ chất vấn. Có cả những cuộc tranh luận lê thê không có hồi kết thúc nữa! Nhưng điều quan trọng đối với các chơn hồn sau khi xuất ra khỏi xác là được tiếp tục đi trên Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống. Nếu cứ tranh cãi ở cung Hiệp Thiên Hành Hóa thì sẽ mất thì giờ và chịu tiến hóa chậm hơn các chơn hồn khác.
Đây là một quan điểm khá cởi mở của Cao Đài giáo. So với những quan điểm tôn giáo có từ trước, thì mọi quyết định của Thượng Đế đối với các chơn hồn ở trên Thiên Đàng đều là tuyệt đối, không thể bàn cãi. Trong Cao Đài, các chơn hồn ở Thiên Đàng có quyền bảo vệ mình và cũng có quyền trừng phạt mình.
Tuy các chơn hồn có quyền xét xử chính mình, nhưng họ đều có những quyết định rất đúng và rất công bằng. Sở dĩ như thế là vì mọi chơn hồn ở cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống đều đã dứt bỏ thất tình lục dục, nên cách suy nghĩ của họ không hoàn toàn vị ngã giống như người ở thế gian. Ở cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống con người giao tiếp trực tiếp với Đức Chí Tôn, hay nói theo thuật ngữ Cao Đài: con người là Đức Chí Tôn, nên mọi quyết định đều vô tư và công bằng.
Quan điểm như trên rất phù hợp thời đại ngày nay: con người muốn tự do có ý kiến và tự quyết định cuộc đời mình, chứ không thích nhắm mắt tuân theo một quyền lực hay một giáo điều nào đó.   
4 . Kết luận
Tóm lại, những bài thuyết đạo về  Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc  rất quan trọng trong đạo Cao Đài. Trên đây chỉ là những nét sơ lược gợi ý. Muốn nghiên cứu bộ kinh này phải dành nhiều thì giờ hơn, và trước hết người học đạo nên đọc nhiều về các tôn giáo hiện có thì mới không hiểu lệch lạc khi đọc Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống.
* Từ Chơn
Sài gòn, Nov 2nd 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét