Ý Nghĩa Từ Ngữ Cao Đài - Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. * QS TS Nguyễn Thanh Bình (Sưu Khảo)

Đ
ã nói là Cao thì không còn chi cao hơn nữa để tôn kính Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế là Đấng tối cao, tối đại. Ngày nay chính Đấng Thượng Đế là Đức Chí Tôn khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, xưng danh là “Ngọc Hoàng Thượng Đế Viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát Giáo Đạo Nam phương” có nghĩa rằng Đấng Chúa Tể nhân loại từ xưa đến giờ ai cũng biết đến dưới danh Ngọc Hoàng Thượng Đế, trong thời kỳ mạt pháp nầy Ngài mở Tam Kỳ Phổ Độ xưng là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát dạy Đạo ở phương Nam, tức là miền Nam Việt Nam của chúng ta.
 
I . Danh Niệm Cao Đài
Cao Đài là cái Đài cao, ngày xưa muốn cầu Thần Tiên thì cất một cái Đài cao bằng tranh lá rồi lên đó để cầu đảo gọi là Thảo Đài. Nay chính Đấng Thượng Đế đến với nhân loại mở Đại Đạo nơi đất nước Việt Nam chính là mở cơ Đại Ân Xá lần ba để độ dẫn 92 ức Nguyên Nhân còn đắm mê hồng trần.
 
Đức Chí Tôn mở lòng Đại Từ Đại Bi lần chót, khai Tam Kỳ Phổ Độ tại nước Việt Nam, gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay được gọi tắt là Đạo Cao Đài, kéo dài 700 ngàn năm (thất ức niên), để tận độ 92 ức Nguyên Nhân còn bị đọa trần. Đây là lần cứu độ chót, nếu các Nguyên Nhân không giác ngộ tu hành, không trở về được cõi Thiêng Liêng Hằng Sống thì không còn kêu ca hay trách móc vào đâu được nữa.
 
Danh xưng “Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát” là bao gồm dung hợp cả Tam Giáo gọi là “Tam Giáo Quy Nguyên”:
- Cao Đài là tượng trưng cho Nho Giáo.
- Tiên Ông là chỉ Tiên Giáo.
- Đại Bồ Tát Ma Ha Tát chỉ Phật Giáo.
Danh xưng “Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát” thể hiện sứ mệnh của Tam Kỳ Phổ Độ hay gọi tắt là Đạo Cao Đài là dung hợp Tam Giáo, trở về nguồn gốc chỉ có một tôn giáo (Vạn Giáo Nhất Lý). Nguyên lý Cao Đài là “Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể” hay “Vạn Thù Quy Nhứt Bổn”, vạn vật có nguồn Gốc chung gọi là "Nhất Bổn". Cái Gốc chung ấy đã phóng phát ra các nguồn năng lực nuôi dưỡng vạn hữu. Do đó vạn vật hiện thực là do "Nhất Bổn Tán Vạn Thù" rồi lại “trở về” theo con đường “Phản Bổn Hườn Nguyên”.
 
Đức Chí Tôn đã dạy rằng: chính Ngài đã tạo lập nên vũ trụ vạn hữu, Ngài đã ban cho chúng sanh sự sống và tấn hóa, và Ngài còn cho biết rõ tuần tự của sự tạo dựng và sinh hóa ấy như sau:
"Khai thiên địa vốn Thầy, sanh Tiên, Phật cũng Thầy, Thầy đã nói một chơn thần mà biến ra Càn Khôn Thế Giới và cả nhơn loại. Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy.
"Các con là chư Phật, chư Phật là các con.
"Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có chư Thần Thánh Tiên Phật…”.
 
Ba thời kỳ phổ độ Nhất Kỳ, Nhị Kỳ và Tam Kỳ nhưng chỉ có hai (2) nguyên lý Đạo.
Hai thời kỳ trước Nhất Kỳ và Nhị Kỳ là Nhứt Bổn Tán Vạn Thù, từ vô vi đến hữu hình.
Tam Kỳ Phổ Độ là “Vạn Thù Quy Nhứt Bổn” (Quy hồi Cựu Vị): nguyên lý của Tam Kỳ Phổ Độ là đi từ hữu hình đến vô vi.
 
Trong cách thức thờ phượng thì phẩm nhỏ trước lớn sau.
Cho nên triết lý xây dựng phát triển Tam Kỳ Phổ Độ (Đạo Cao Đài) thì bắt đầu từ xây dựng Thể Pháp (như Đền Thánh) trước rồi khai triển Bí Pháp sau. Đền Thánh, khắp nơi, bao gồm rất nhiều Bí Pháp Đạo. 
 
Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp có kể lại khi Đức Ngài phục lịnh xuống thế mở Đạo, Đức Chí Tôn có hỏi: “Con mở Thể Pháp trước hay Bí Pháp trước?”, Đức Ngài xin mở Bí Pháp trước, Đức Chí Tôn bảo rằng: “Nếu mở Bí Pháp trước, đời sẽ thấy cơ huyền diệu, xúm nhau giành giật tàn hại thì cơ Đạo sẽ ra thế nào? Còn Thể Pháp là hữu hình hữu hoại, miến mặt Bí Pháp còn thì Đạo còn”. Lời dạy trên đây cho chúng ta hiểu: dù Thể Pháp hoặc là Bí Pháp của Đạo Cao Đài cũng đều do chính tay của Hộ Pháp.
 
Đức Chí Tôn đến khai Đạo, Ngài dựng nên Toà Thánh Tây Ninh hiện tại nơi miền Nam Việt Nam, vùng Tây Ninh Thánh Địa này, là ngôi thờ của Đức Chí Tôn ngự, tượng trưng Bạch Ngọc Kinh tại thế. Đức Cao Thượng Phẩm dạy:
“Cái quyền năng vô cực vô thượng của Ngài do những pháp vô vi mầu nhiệm mà có nên gọi là Bí Pháp. Đức Chí Tôn cũng dùng Bí Pháp mà lập Đại Đạo Tam kỳ Phổ Độ để ứng nghiệm cái quyền năng của Ngài nơi địa cầu 68 này để bảo tồn cơ sanh hóa, vì Ngài là Chúa sự Thương Yêu, mà vì Thương Yêu mới có sanh sanh hóa hóa. Vậy nên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do Bí Pháp lập thành.
 
“Đền Thánh là nơi Thầy ngự tại thế cũng do Bí Pháp mà biến tướng ra. Ấy vậy, Đền Thánh này chứa tất cả Bí Pháp của Đấng Chúa Tể Càn khôn vậy. Đền Thánh hoàn thành là cái tuần hoàn tam chuyển “Châu Nhi Phục Thủy”. Từ đây đến vô cùng Vạn linh sanh chúng sẽ hưởng được muôn điều hạnh phúc của quyền năng vô cực vô thượng của Đức Chí Tôn ban cho tại thế này”.    
Ý nghỉa “Châu Nhi Phục Thủy” ghi trong hai câu “Thiên Địa Tuần Hoàn, Châu Nhi Phục Thủy” nghĩa là Trời Đất xây vần giáp vòng thì trở lại lúc khởi đầu. Cuộc tuần hoàn của Vũ Trụ gồm có ba Nguơn: Thượng Nguơn, Trung Nguơn và Hạ Nguơn.
Như trình bày bên trên: Cao Đài là đại diện cho Nho giáo, Tiên Ông là đại diện cho Tiên Giáo hay Lão Giáo, Đại Bồ Tát Ma Ha Tát là đại diện cho Phật Giáo. Đấng tối cao khai mở Tam Kỳ Phổ Độ (Đạo Cao Đài) nầy còn được gọi là “Ngọc Hoàng Thượng Đế” hay “Huyền Khung Cao Thượng Đế” hay “Đức Chí Tôn”.
 
Chính Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế đã giải thích về việc xưng danh ấy.
Thầy dạy: “Các con coi bậc Chí Tôn như Thầy mà hạ mình đặng độ rỗi nhơn sanh là thế nào, phải xưng là môt vị Tiên Ông và Bồ Tát (Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát) là hai phẩm chót của Tiên Phật. Đáng lẽ thế thường phải để mình vào phẩm tối cao tối trọng, còn Thầy thì khiêm nhượng là thế nào. Vì vậy mà nhiều kẻ Môn đệ cho Thầy là nhỏ. Cười..!.
“Hạnh khiêm nhường là hạnh của mỗi đứa con, phải noi theo gương Thầy mới độ rỗi Thiên hạ đặng. Các con phải khiêm nhường sao cho bằng Thầy”.
 
Thầy lại nói buổi lập Thánh Đạo, Thầy đến độ rỗi kẻ có tội lỗi. Nếu đời không tội lỗi, đâu đến nhọc công Thầy.
“Ấy vậy, các con ráng độ kẻ tội lỗi là công lớn làm cho Thầy vui lòng hơn hết.”
 
Thầy là Chúa tể Càn Khôn Thế Giới, vì tình thương chúng sanh vô minh đắm chìm trong bể khổ, đã hạ mình chỉ làm một vị Bồ Tát đem Đạo phổ độ giáo dân, chúng ta hãy noi gương khiêm tốn, tập hạnh vị tha của Thầy để gần gũi, thương mến, dung thứ cho nhau. Được vậy, trong một kiếp làm môn đệ của Thầy sẽ chu toàn trách vụ con người Đại Đạo, dưới có hàng tiếp nối, trên có Thầy chuyển hóa, lo gì Cơ Đạo không thành.
 
Nhắc lại, đêm Noel năm 1925 (al: Ất Sửu), Thất Nương Diêu Trì Cung giáng cơ (xây bàn) truyền ba ông Cư, Tắc, Sang phải chỉnh đàn cho nghiêm trang hầu tiếp giá. Nghe vậy, ba ông Cư, Tắc, Sang, nửa mừng nửa sợ, lật đật sắm hương đăng hoa trà tửu quả, chỉnh đàn có nghi tiết, rồi hai ông Cư và Tắc ngồi chấp cơ.
Cơ giáng: “Ngọc Hoàng Thượng Thượng Đế Viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát Giáo Đạo Nam Phương”:
“Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên”.
 
“Ðêm nay, 24 Décembre năm 1925 phải vui mừng vì là ngày của Ta xuống trần dạy Ðạo bên Thái Tây (Europe).
Ta rất vui lòng mà đặng thấy đệ tử kính mến Ta như vậy.
Nhà nầy sẽ đầy ơn Ta.
Giờ ngày gần đến, đợi lịnh nơi Ta. Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa”.
 
Mãi đến đêm Noel, 24 rạng 25 tháng 12 năm 1925, Ðấng AĂÂ mới giáng cơ cho bài Thánh Ngôn trên, và cho biết Ngài là Ðấng Ngọc Hoàng Thượng Ðế, là Ðấng “Ngọc Hoàng Thượng Ðế Viết Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát Giáo Ðạo Nam Phương”, giáng cơ dạy Đạo ở nước Việt Nam.
 
II . Ý Nghỉa Của Từ Ngữ Cao Đài - Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Do Đấng Nào Giáng Cơ Cho Biết?
 
Từ ngữ Cao Đài thường được gặp và dùng với hai hình thức:ƒ
Thứ nhứt, để chỉ một Tôn Giáo, ví dụ: Đạo Cao Đài, Cao Đài Đại Đạo…ƒ
Thứ nhì, để chỉ một Đấng Giáo Chủ, ví dụ: Đấng Cao Đài, Ngọc Hoàng Thượng Đế.
 
Cao Đài là cái đài cao nơi Linh Tiêu Điện trong Ngọc Hư Cung, ở Từng Trời Hư Vô Thiên nơi cõi Thiêng Liêng, là tòa ngự của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế mỗi khi họp Đại Hội Thiên Triều.
Đức Chí Tôn đã giải thích hai chữ Cao Đài bằng bài thơ tứ tuyệt sau đây:
Linh Tiêu nhất tháp thị Cao Đài,
Đại Hội quần Tiên thử ngọc giai.
Vạn trượng hào quang tùng thử xuất,
Cổ danh bửu cảnh Lạc Thiên Thai.
 
Tạm dịch:
Nơi Điện Linh Tiêu có một cái tháp gọi là Cao Đài,
Đại Hội các vị Tiên nhóm trước bệ ngọc ấy.
Hào quang muôn trượng từ đó chiếu ra,
Tên xưa của cảnh quí báu đó là “Lạc Thiên Thai”.
 
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Đạo Cao Đài được chính thức khai nguyên vào ngày Rằm tháng 10 năm Bính Dần (19-11-1926).
Từ xưa đến nay, cứ mỗi lần Đức Thượng Đế khai mở một mối Đạo mới thì Đức Ngài dùng một danh xưng mới, ví dụ như: Thái Thượng Nguơn Thỉ, Thích Ca Mâu Ni, Gia Tô Giáo Chủ,...
 
Ngày 7-4-1926 (Bính Dần), Đức Thượng Đế cho biết danh xưng của Đức Ngài trong thời Tam Kỳ Phổ Độ qua bài Thánh Giáo sau đây:
Nhiên Đăng Cổ Phật thị Ngã,
Thích Ca Mâu Ni thị Ngã,
Thái Thượng Nguơn Thỉ thị Ngã,
Gia Tô Giáo Chủ thị Ngã
Kim viết Cao Đài.„
(Trích từ Phổ Cáo Chúng Sanh)
 
Nghĩa là:
Nhiên Đăng Cổ Phật là Ta,
Thích Ca Mâu Ni Phật là Ta,
Thái Thượng Nguơn Thỉ là Ta,
Gia Tô Giáo Chủ là Ta,
Nay gọi là Đấng Cao Đài.
 
Như vậy, danh xưng của Đức Thượng Đế trong thời Tam Kỳ Phổ Độ là Đấng Cao Đài.
Khai Đạo tại Việt Nam vào thời mạt pháp, Đức Thượng Đế đã dùng hai chữ Cao Đài, là Tòa Ngự của Ngài, để làm danh xưng cho Ngài và cho mối Đạo mới. Như vậy:
- Danh xưng mới của Đức Thượng Đế là Đức Cao Đài,
- Tên mối Đạo Mới là Tam Kỳ Phổ Độ (hay Đạo Cao Đài) hay Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
 
Theo Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Đức Phật Thích Ca giáng dạy về “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ” lần đầu tiên vào ngày 26-2-Bính Dần (dl: 8-4-1926) tại Đàn cơ nơi Vĩnh Nguyên Tự (Cần Giuộc, Long An). Bài Thánh ngôn Đức Thích Ca Mâu Ni Phật giáng cơ như vầy:
Thích Ca Mâu Ni Phật
Chuyển Phật Đạo,
Chuyển Phật Pháp,
Chuyển Phật Tăng,
Qui nguyên Đại Đạo, tri hồ chư chúng sanh?
 
Khánh hỷ! Khánh hỷ! Hội đắc Tam Kỳ Phổ Độ. Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đại hỷ phát đại tiếu. Ngã vô lự tam đồ chi khổ. Khả tùng giáo Ngọc Đế Viết Cao Đài Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.”
 
Cao Đài
Lịch! Con nghe Phật Như Lai nói chưa?
Tam Kỳ Phổ Ð là gì?  - Là Ph Ðộ lần thứ ba.
Sao gọi là Phổ Ðộ?  Phổ Ðộ nghĩa là gì? - Phổ là bày ra. 
Рlà gì? - Là cứu chúng sanh.
Muốn trọn hai chữ Phổ Ðộ, phải làm thế nào? 
Chúng sanh là gì?
Chúng sanh là toàn cả nhơn loại, chớ không phải lựa chọn một phần người như các con tính rối.
Muốn trọn hai chữ Phổ độ phải làm thế nào? Thầy hỏi? Phải bày bửu pháp chớ không đặng dấu nữa. Các con phải luyện cho thành, nội trong tháng năm này về theo Trung đặng đi truyền Ðạo.
Nghe và phải tuân theo.
.... Phải mặc y phục như Trung, mà màu hồng.
Thăng
 
Phần đầu của bài Thánh Ngôn nầy là Ðức Phật Thích Ca giáng cơ, bằng Hán văn.
Phần tiếp theo là (Cao Đài) Ðức Chí Tôn giáng cơ dạy Ngài Lê Văn Lịch, và câu chót thì Ðức Chí Tôn phong Ngài Lê Văn Lịch phẩm Ðầu Sư phái Ngọc, Thánh danh Ngọc Lịch Nguyệt cùng với Ngài Lê Văn Trung, Thượng Ðầu Sư, Thánh danh là Thượng Trung Nhựt. .
Phật, Pháp, Tăng: Ở đây là Tam Bảo của nhà Phật: Phật là Ðức Phật, Pháp là Giáo lý và Tăng là Giáo hội.
Chuyển Phật Ðạo, Chuyển Phật Pháp, Chuyển Phật Tăng, qui nguyên Ðại Ðạo là chuyển toàn cả Phật giáo trở về gốc là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Tri hồ chư chúng sanh? là Chúng sanh biết chăng?
Khánh hỷ! Nghĩa là: Vui mừng.
Hội đắc Tam Kỳ Phổ Ðộ: Gặp được Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Ðại hỷ: Mừng lớn. Phát đại tiếu: Phát cười lớn.
 
Ngã vô lự Tam đồ chi khổ: Ta không lo cái khổ của ba đường. Ba đường nầy là ba đường luân hồi khổ sở (nằm trong Lục đạo Luân hồi), gồm: Ðịa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh.
Khả tùng giáo Ngọc Ðế: Khá theo lời dạy của Ðấng Ngọc Hoàng Thượng Ðế (Ngọc Ðế).
Chúng sanh, theo nghĩa rộng, là toàn cả các vật hữu sanh nơi cõi trần, gồm: Kim thạch, Thảo mộc, Thú cầm và Nhơn loại. Chúng sanh có được do Ðức Phật Mẫu vận chuyển Bát hồn đầu kiếp xuống cõi trần làm chúng sanh. Trong nghĩa hẹp, chúng sanh là chỉ nhơn loại.
Bát hồn gồm: Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn. Trong bài Phật Mẫu Chơn Kinh có câu: "Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh." Bửu pháp: Pháp quí báu, ở đây, bửu pháp có nghĩa là các pháp môn tu Thiền, Tịnh luyện. Ý là đem Đạo Thầy truyền đến chúng sanh (truyền Đạo).
 
Có nhiều Hội giáo đã lập thành có trót trăm năm trước khi mở Đạo đặng dạy lần cho Vạn quốc rõ thấu Chánh truyền.
“Ngày nay Thầy mới đến lập một cái Cao Đài nghĩa là Đền Thờ cao trọng hay là Đức tin lớn tại thế này làm nên nền Đạo; lại mượn một sắc dân hèn hạ nhỏ nhít của hướng Á Đông là An Nam ta, đặng cho trọn lời tiên tri “Đạo Xuất Ư Đông” và cho trúng Thánh Ý chìu lụy hạ mình của Thầy lập thành Hội Thánh, làm hình thể Thiêng Liêng của Thầy hầu cầm cho đặng dùi trống Lôi Âm giục giọng truy hồn, nắm cho chặt chày chuông Bạch Ngọc đặng trổi hơi định tánh làm cho cả con cái của Thầy thức tỉnh, nhìn Thầy mà “trở về quê cũ”, quy hồi cựu vị hay phản bổn hườn nguyên. (Pháp Chánh Truyền)
Lôi Âm Cổ Đài
Lôi âm Thánh cổ triệt hư không,
Truyền tấu Càn Khôn thế giới thông,
Đạo pháp đương kim dương chánh giáo,
Linh quang chiếu diệu Ngọc Kinh Cung
 
Giải nghĩa thông thường:
1. Tiếng chuông thần phát ra hướng đến cõi hư không.
2. Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát mở cửa phóng thích các tội hồn.
3. Đại Đạo Tam Kỳ vận chuyển hiện ra Khí Kim Quang tức là ánh sáng vàng.
4. Các âm hồn nơi cõi phong đô, sám hối tội tình, đi ra khỏi nơi tối tăm ấy bằng con đường ánh sáng Kim Quang Khí.
Bạch Ngọc Chung Đài
Thần chung thinh hướng phóng phong đô,
Địa Tạng khai môn phóng xá cô
Tam Kỳ vận chuyển kim quang hiện
Sám hối âm hồn xuất u đồ.
 
Giải nghĩa thông thường :
1 . Tiếng trống lôi âm là trống thánh, thấu suốt các cõi phong đô.
2 . Tiếng trống truyền đi để tỏ bày cho Càn Khôn Thế Giới rõ.
3 . Nền Đạo Pháp hay chân lý của Đạo Cao Đài hiện nay nêu cao cho mọi người biết là nền chánh giáo.
4 . Ánh sáng linh diệu của Đạo chiếu sáng rực rỡ tòa Bạch Ngọc Kinh nơi Thượng Đế ngự
 
Hiện tượng Đức Chí Tôn đến mở Đạo Cao Đài là do thuở trước cổ nhân muốn cầu chư Tiên, Phật phải cất một cái Đài Cao bằng tranh lá gọi là Thảo Đài.
 
Ngày nay, Đức Chí Tôn lập “Cao Đài” để làm “Tòa Ngự” của Thần, Thánh, Tiên, Phật đến Hồng Trần này làm Bạn cùng người, hiệp cả loài người làm một, vạn thù qui nhứt bổn.
 
Đức Hộ Pháp cũng xác nhận rằng: “Nếu giờ phút này thiên hạ đừng cho ta dị đoan, chúng ta có thể nói Đức Chí Tôn biết tình trạng nhơn loại đã đến mức tự diệt nhau nên Ngài đến tạo nền Chơn giáo của Ngài, tức nhiên Đạo Cao Đài, cho nhơn loại gìn giữ phần hồn đặng định chuẩn thằng cái sống của họ, đừng cho nó đến cảnh điên của nó, mà họ đến cảnh điên tức đến cảnh tự diệt.
 
Đức Chí Tôn đến đặng cho huờn thuốc phục sinh đặng cho nhơn loại sống lại là Đạo Đức tinh thần của Đức Chí Tôn tạo cho họ, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Đạo Cao Đài chính là cái sống linh hồn nhơn loại, bảo vệ tánh mạng tức nhiên Chơn Thần của họ, đặng họ tránh cái nạn tiêu diệt”.
 
Đức Hộ Pháp cũng cho biết rằng: “Đức Chí Tôn đến lập cho nước Việt Nam này một nền Quốc Đạo, Đức Chí Tôn mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chớ không phải mở Đạo Cao Đài. Đại Đạo nay là Quốc Đạo. Nền Quốc Đạo, Ngài quy tụ tinh thần đạo đức, trí thức toàn nhân loại cho đặc biệt: có cao, có thấp, có hàng ngũ, có phẩm-vị; còn về phần xác thịt của loài người, mạng sống trước mặt Ngài, không ai hơn ai, cả thảy sống đồng sống, chết đồng chết đặng đem Quốc Đạo làm môi giới cả Đại Đồng đặng tạo tương lai loài người cho có địa vị oai quyền cao thượng. Nếu hiểu đặng thì Thánh Thể cũng vậy.
 
III . Đức Chí Tôn Đến Xưng Danh Là AĂÂ
Khi Đức Chí Tôn mới đến chỉ xưng danh AĂÂ mà thôi. Lý do là Ngài muốn tạo một sự gần gũi thân quen với các ông Cư, Tắc, Sang là những Môn Đệ đầu tiên để dạy cho ba ông về lý Đạo.
 
Theo Ðạo Sử, Ðức Chí Tôn đến với nhóm xây bàn (gồm ba Ông: Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang) vào hạ tuần tháng 7 năm Ất Sửu (1925) với danh xưng là AĂÂ. Khi dạy đạo cho ba ông thì Ðức Chí Tôn xưng là Thầy và gọi các ông là môn đệ. Vì lời cam kết nên ba ông không dám tìm hiểu Ðấng AĂÂ là ai, chỉ biết đó là một Ðấng có quyền uy rất lớn nơi cõi vô hình. Sau nầy ba ông Cao, Tắc và Sang được Đức Chí Tôn thâu làm môn đệ và được Thiên Phong phẩm vị Thượng Phẩm, Hộ Pháp và Thượng Sanh trong Tam Kỳ Phổ Độ (Đạo Cao Đài).
 
Riêng Đức Chí Tôn với danh xưng là AĂÂ tức nhiên là 3 chữ cái (nguyên âm) của vần Quốc ngữ Việt Nam, mà vần quốc ngữ này lại khởi nguyên từ vần của La Tinh (Âu Châu), thế là dụng ý của Ngài hợp cả Đông Tây thu về một mối, Tam Tài: Thiên, Địa, Nhơn (Thiên Thời, Địa Lợi, Nhơn Hòa), toàn vẹn, mà Ngài là Cha, là Thầy, là Chưởng Quản nắm pháp Thiên Điều vào tay là Đấng Thượng Đế, cai quản cả Càn Khôn Thế Giới.
 
Người Việt Nam mình hay nói “Nhứt quá tam” nghĩa là từ một (1) đến ba (3) mà thôi, chứ không quá, vì đến số 3 là đủ một chu kỳ. Bởi đến bốn (4) là đã biến hóa ra rồi.
 
Nay Đức Chí Tôn đến, Ngài xưng danh là AĂÂ, tức là con số Tam (3), mà Tam là Càn Khôn Vũ Trụ định thể. Ba chấm nói rõ ra là con số 3, số Thiêng Liêng tạo đoan vạn vật.
Con số 3 cũng là con số hoàn tất. Bởi đó là nguyên lý cấu tạo Càn Khôn Vũ Trụ và Vạn Vật “Một mà ba, ba mà một” là vậy.
 
Lúc dâng Tân Luật, Đức Lý Giáo Tông dạy 1 là 3 mà 3 là 1 (ba Đầu Sư là một; ba Chưởng Pháp là một; ba cấp Đẩu Sư, Chưởng Pháp và Giáo Tông là một).
 
Thời truân khó của dân tộc Việt Nam nên Đức Chí Tôn đến, Thầy nói:
“Thầy có hội chư Tiên Phật mà thương nghị về sự lập Đạo tại Đại Nam Việt Quốc. Các con khá nghe lời Thầy dặn, chớ khá nghịch lẫn nhau, phải đồng một lòng một dạ mà lo chấn hưng Đạo Đức, tuy bây giờ Phân Chia nhiều Nhánh nhiều Chi chớ ngày sau cũng có Một mà thôi. Các con dầu bên nào cũng thương nhau như con một nhà chớ khá ganh gỗ chê bai nhau”.
 
Đàn cơ ngày 20 tháng hai năm 1926: Ngọc Hoàng Thượng Ðế Viết Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát Giáo Đạo Nam Phương dạy:
“Bửu tòa thơ thới nở thêm hoa,
Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà,
Chung hiệp ráng vun nền Ðạo Ðức,
Bền lòng son sắt đến cùng Ta.”
 
“Cái nhánh các con là nhánh chính mình Thầy làm chủ, sau các con sẽ hiểu”.
Thầy dự báo mối Đạo Thầy khai như tòa nhà quý báu theo thời gian sẽ trổ thêm hoa. Có ý điều tốt đẹp sẽ tăng lên mãi. Ngày nay điều ấy đã ứng hiện. Rồi Thầy nói rõ ban sơ chỉ có một cội Cao Đài sau cội ấy sẽ thêm nhiều nhánh, sau sẽ có hoa thơm trái ngọt nhưng chung quy cũng hiệp lại một nhà. Điều này Thầy có ý dạy tuy phân ra nhiều nhánh nhưng chốt Cao Đài có một, cội Cao Đài có một. Không phải phân ra nhiều nhánh mà khác Đạo. Vậy nên người Đạo phải chung hiệp vun quén nền Đạo cho ngày một phát triển, điều ấy là ý muốn của Thầy. Thầy cũng chỉ rõ phải có thời gian và thử thách, phải bền chí gìn lòng son sắt có ngày đến với Thầy.
 
“Vì mỗi việc khó khăn trắc trở là lúc sơ khai, vậy Thầy khuyên các con ráng thành tâm hành Đạo, mà Đạo không phải giữ bằng lỗ miệng đâu”.
 
Nói thẳng với sự tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát là danh Tam Giáo tôn kính Đức Chí Tôn, đã khẳng định buổi Tam Kỳ nầy, Ngài sẽ hạ trần với cả Phật, Pháp, Tăng.
 
Lúc đầu khai Đạo, tạo ra Thể Pháp, chỉ có đoàn Ngự Mã Quân thay thế hình ảnh làm Thánh Thể cho Ngài, chỉ có Pháp và Tăng.
 
Nhắc lại khi Đức Chí Tôn mở Đạo:
Phật: Từ Bát Quái Đài vô vi, Đức Chí Tôn dùng huyền diệu Tiên Gia để lập Thánh Ngôn, Pháp Chánh Truyền, Thi Văn Dạy Đạo trong những năm đầu rồi giao quyền cho Hộ Pháp.
 
Pháp : Thuộc Hiệp Thiên Đài, vô vi do Đức Phật Mẫu. Hữu hình có Đức Hộ Pháp, ở nơi đây (Hiệp Thiên Đài) mới có quyền thông công cùng Đức Chí Tôn.
Tăng : Thuộc Cửu Trùng Đài, vô vi do Đức Lý Giáo Tông, hữu hình có Đức Quyền Giáo Tông. Sau khi đóng cửa Phạm Môn, biến tướng thành cơ quan Phước Thiện.
Nói chung cả 4 cơ quan trong nền Chính Trị Đạo là Hành Chánh, Phước Thiện, Phổ Tế, Tòa Đạo đều là Tăng.
 
Hễ là Thể Pháp thì phải có sắc tướng, ngoài hình thể trên đây Đức Hộ Pháp đã lập nên các cảnh tượng ở ngoại ô Tòa Thánh Tây Ninh như:
 
Trí Huệ Cung, Thiên Hỉ Động thuộc Phật.
Trí Giác Cung, Địa Linh Động thuộc Pháp.
Vạn Pháp Cung, Nhơn Hòa Động thuộc Tăng.
 
Với Thể Pháp nền Đạo, Đức Chí Tôn đi từ Phật chuyển Pháp ra Tăng. Hộ Pháp nương cái Tăng Thể Pháp đó mà chuyển qua Bí Pháp.
 
Thay lời kết, xin trích gửi đến bài thi của Đức Chí Tôn dạy trong “Thi Văn Dạy Đạo”, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:
Phụng gái non Nam, Đạo trổ mòi ,
Trổ mòi nhơn vật bốn phương Trời .
Trời Âu, biển Á chờ thay sắc ,
Sắc trắng mây lành phủ khắp nơi.
 
IV . Tài Liệu Tham Khảo:
1 . Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển I & II (1972).
2 . Thánh Ngôn Sưu Tập, Quyển I-IV, Nguyễn Văn Hồng Sưu Tập.
3 . Đức Chí Tôn Huyền Khung Cao Thượng Đế, QS TS Nguyễn Thanh Bình (2020)
4 . Ngôi Thờ Đức Chí Tôn, HT Trần văn Rạng (1973)
5 . Đạo Sử Quyển I & II (Nử Đầu Sư Hương Hiếu).
 
Midland MI USA ngày 02 tháng 12, 2020
* QS TS Nguyễn Thanh Bình
Ban Thế Đạo
ĐĐTKPĐ/TTTN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét