ĐỆ TAM TRẤN OAI NGHIÊM QUAN THÁNH ĐẾ QUÂN BIỂU TƯỢNG CỦA TINH THẦN THANH NIÊN CAO ĐÀI. * Từ Chơn

D
ẪN
Nhân ngày vía đức Quan Thánh Đế Quân 24/6 âm lịch sắp đến, chúng ta cùng nhau ôn lại những nét chính về cuộc đời, tấm gương sáng đạo đức và vai trò của ngài trong nền đạo Cao Đài để từ đó thấy được nhiệm vụ của người thanh niên Đại Đạo trong giai đoạn hiện nay.
 
Các gia đình người Trung Hoa thường hay thờ tượng một vị tướng quân mặc khôi giáp uy nghiêm, râu năm chòm, mặt đỏ như son. Đứng hầu hai bên là hai vị tướng trẻ tuổi, một người mặt trắng thư sinh, người kia mặt đen, râu hàm rậm rạp. Vị tướng quân mặt đỏ ngồi giữa là Quan Công, vị tướng mặt trắng là Quan Bình còn vị có râu hàm là Châu Xương (hay Châu Thương).
 
Quan Công là một vị tướng có thật trong lịch sử Trung Hoa. Theo một số tài liệu sử học, ngài sinh năm 162 mất năm 219 (sau Tây Lịch). Lúc bấy giờ là vào cuối thời nhà Đông Hán, Trung Quốc bị chia ra làm ba nước nên còn gọi là thời Tam Quốc. Ngài tên thật là Quan Vũ, tự Vân Trường. Bộ truyện Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa của La Quán Trung đã kể lại chi tiết cuộc đời của ngài từ lúc kết nghĩa làm anh em với Lưu Bị và Trương Phi cho đến lúc bị giết chết và hiển Thánh.
 
Ngài là một danh tướng hàng đầu của nhà Thục (vua nhà Thục là Lưu Bị), với nhiều chiến công chấn động dân tộc Trung Hoa. Không những thế, những phẩm chất đạo đức cao cả của ngài đã khiến cho người Trung Hoa vô cùng kính phục. Vì thế mà đền thờ ngài được lập ra trên khắp đất nước Trung Hoa cũng như ở những nước có người Hoa sinh sống.
Trong đạo Cao Đài, Quan Công giáng cơ xưng là Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân, người ta thường gọi tắt là Quan Thánh. Quan Thánh Đế Quân giữ một chức vụ rất quan trọng trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và đạo Cao Đài chọn ngày 24/6 âm lịch hàng năm là ngày vía (kỷ niệm ngày sinh) của đức ngài. Trên tấm diềm trước Bát Quái Đài ở Tòa Thánh Tây Ninh, có tượng của Đức QuanThánh Đế Quân đang ngồi xem sách Xuân Thu, ở bên dưới tượng của Đức Khổng Tử, gần bìa phía trái thuộc bên Nam phái. Và trên Thánh Tượng Ngũ Chi thờ tại tư gia, hình Đức Quan Thánh Đế Quân ở về phía trái của Thiên Nhãn, dưới hình Đức Khổng Tử.
 
NHỮNG NGUYÊN TẮC SỐNG ĐỂ ĐỜI
 
Quan Thánh Đế Quân đã trải qua cả cuộc đời mình trong quân đội nhà Thục. Là một tướng lãnh trong thời loạn, dù phải lăn xả ngoài chiến trường, ngài vẫn nêu cao những nguyên tắc sống của một con người vĩ đại. Những nguyên tắc sống của ngài cho đến thời đại tin học ngày nay cũng vẫn là những nguyên tắc đáng trân trọng, đáng làm gương cho loài người, cụ thể là cho giới thanh niên.
 
Nguyên tắc sống thứ nhất: Dấn thân
Nguyên tắc sống đầu tiên của ngài là dấn thân. Dấn thân nghĩa là không hèn nhát lui bước khi gặp khó khăn, nguy hiểm trong cuộc đời. Sinh ra trong thời Tam Quốc loạn lạc, và trong một xã hội Trung Hoa lúc bấy giờ rất xem trọng những tài năng quân sự, ngài đã chọn con đường võ nghiệp để trừ khử cái ác cho thiên hạ. Qua Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, chúng ta thấy rõ ý chí của ngài khi trả lời Lưu Bị trong lần gặp đầu tiên: ngài muốn đầu quân để dẹp giặc Khăn Vàng – một đảng cướp rất mạnh vào lúc đó. Theo truyện, võ khí của ngài là cây Thanh Long Đao, nặng 82 cân – theo cách tính trọng lượng ngày nay là khoảng 40 kí lô. Đây là một vũ khí rất nặng, người bình thường khó mà sử dụng. Thông thường Quan Công dùng cây đao này hạ tướng địch trong nháy mắt. Điều đó chứng minh một điều: ngài rất giỏi võ thuật. Và, chúng ta ai cũng biết, muốn giỏi võ thuật, phải rèn luyện cực kỳ gian khổ.
 
Suy ra, tấm gương của ngài để lại cho chúng ta là: người thanh niên phải rèn luyện tài năng để giúp xã hội. Ngày nay, thanh niên không nhất thiết phải rèn luyện võ nghệ như là vào thời đại của ngài. Tùy theo yêu cầu của xã hội, của đoàn thể hay của mục tiêu do chính bản thân mình đề ra, người thanh niên nên chọn một khả năng nào đó, vừa phù hợp với chính mình vừa tuân theo luật pháp của xã hội, rồi tự rèn luyện cho đến mức khá hoặc giỏi. Dù là một nhà khoa học hay một anh thợ cơ khí, thì với khả năng khá giỏi, người thanh niên không những có thể tự nuôi sống bản thân, không sống bám người khác, mà còn có thể đem tài năng ra giúp cộng đồng xã hội nữa.
 
Nguyên tắc sống thứ hai: Giữ nghĩa khí cao đẹp
Lòng trung nghĩa cao đẹp của ngài, vốn được dân tộc Trung Hoa kính phục mãi cho đến nay, được truyền tụng qua hai câu chuyện.
 
Thứ nhất, sau khi kết nghĩa anh em với Lưu Bị một thời gian, vì chiến cuộc ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi phải thất lạc nhau. Lúc bấy giờ, Tào Tháo rất muốn Quan Công về dưới quyền của mình, nên dùng đủ cách để chiêu dụ. Nào là cấp cho nhà cửa, bổng lộc, tặng vật. Quan Công tạm bằng lòng làm việc cho Tào Tháo để bảo vệ hai người vợ của Lưu Bị cũng đang thất lạc như mình. Nhưng, ngài giao điều kiện: nếu sau này biết được Lưu Bị ở đâu, sẽ rời bỏ Tào Tháo mà về với Lưu Bị. Quả đúng như vậy, khi biết tin Lưu Bị ở Hà Bắc, Quan Công lập tức hộ tống hai chị dâu lên đường đi Hà Bắc để đoàn tụ với Lưu Bị.
 
Đây là một hành động nghĩa khí mà thời nay khó có người thực hiện được. Lúc bấy giờ, Tào Tháo là Thừa Tướng đương kim, Lưu Bị chỉ là một bại tướng đang phải lẩn trốn. Tính đến quyền lợi thì ở lại với Tào Tháo là có lợi hơn, nhưng ngài vẫn không quên bỏ người anh của mình, dù đó chỉ là anh kết nghĩa. Đã vậy lại còn coi thường mạng sống của mình, hộ tống hai người chị dâu kết nghĩa vượt bao nguy hiểm gian khổ để đoàn tụ với gia đình.
 
Thứ hai, khi Tào Tháo thua trận chiến Xích Bích, phải chạy về ngang qua Hoa Dung Đạo. Tại đây, theo bố trí của Khổng Minh, Quan Công đã đem quân mai phục chờ sẵn. Trong tình thế nguy hiểm, quân lính tả tơi vì thua trận, nếu quân của Quan Công tập kích, Tào Tháo chỉ còn cách cái chết trong gang tấc. Tuy nhiên Quan Công vẫn nhớ đến tình cảm của Tào Tháo dành cho ngài lúc trước, nên đã tha mạng sống, để cho Tào Tháo và tàn quân đi qua, không tấn công. Thực tình mà nói, nếu ai khác ở vào địa vị của ngài trong trường hợp này, có lẽ Tào Tháo đã bị giết chết.
 
Nguyên tắc sống thứ ba: Nhân đạo
Sống trong thời loạn, lại là một võ tướng, việc kết thúc sinh mạng của kẻ thù là điều khó tránh khỏi. Đã có nhiều tướng địch chết dưới đại đao của ngài trên chiến trận. Dù thế, ngài vẫn trung thành với một nguyên tắc bất di bất dịch: không giết người dưới ngựa. Tức là trong khi chiến đấu, nếu địch thủ ngã xuống dưới ngựa, thất thế thì ngài không nhân cơ hội này mà tấn công.
 
Rõ ràng, Quan Công không chiến đấu vì ham thích giết chóc người khác, ngài chỉ dùng tài năng võ nghệ của mình để thắng kẻ địch. Nếu tướng địch có bị tử thương, thì đó là do rủi ro giữa chiến trường mà thôi. Những tướng địch nào qui thuận với ngài đều được trọng dụng và sau đó trở thành bạn chiến đấu của ngài.
 
Không những tôn trọng chủ nghĩa nhân đạo, Quan Công còn nêu cao nguyên tắc: chỉ dùng tài năng để dành chiến thắng. Nếu có dùng trí, thì cũng là những mưu lược đường đường chính chính chứ không dùng thủ đoạn độc ác bất nhân. Đây là một điều ngày nay khó thực hiện. Thời nay người ta xem các mưu mô gian xảo ngang hàng với những mưu lược tài trí và thông thường người ta có thể thực hành bất cứ thủ đoạn nào, dù cho xấu xa độc ác, để dành chiến thắng, hay bảo vệ quyền lợi địa vị của mình. Thậm chí có nhiều người còn xem những thủ đoạn xấu xa là những “quốc sách”. Họ gọi các thủ đoạn này bằng những cái tên đẹp đẽ, và thủ đoạn càng tinh vi xảo quyệt thì càng được ca ngợi.
 
TAM TRẤN OAI NGHIÊM ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
 
Theo Thánh Ngôn, trong lần thứ ba mở đạo cứu nhân loại ở quả địa cầu 68 này, Đức Chí Tôn Thượng Đế giao quyền Tam Trấn Oai Nghiêm cho ba vị.
- Nhứt Trấn Oai Nghiêm là Đức Đại Tiên Trưởng Lý Thái Bạch, thay mặt Đức Lão Tử, cầm quyền Tiên giáo.
- Nhị Trấn Oai Nghiêm là Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, thay mặt Đức Phật Thích Ca, cầm quyền Phật giáo.
- Tam Trấn Oai Nghiêm là Đức Quan Thánh Đế Quân, thay mặt Đức Khổng Tử, cầm quyền Nho giáo.
Tam Trấn Oai Nghiêm là gì? Về mặt từ nghĩa thì “Trấn” nghĩa là giữ cho yên ổn. “Oai nghiêm” nghĩa là sức mạnh khiến cho người ta kính sợ. Vậy thì Tam Trấn Oai Nghiêm là ba chức vụ nhằm bảo vệ nền Đại Đạo của Đức Chí Tôn, đại khái giống như Ban Thi Hành Kỷ Luật. Ba vị này có quyền dùng sức mạnh thiêng liêng để trấn áp những người nào ở thế gian có hành vi cản trở sự phát triển của đạo Cao Đài ở địa cầu 68, hoặc cố tình làm hư hoại những tiêu chuẩn của Tam Giáo (Phật, Lão, Khổng).
 
Đọc đạo sử, chúng ta cũng đã biết rằng từ ngày mở đạo đến nay, đã có rất nhiều thế lực mong ngăn cản sự phát triển của đạo Cao Đài, thậm chí bắt bớ, giết chóc chức sắc nhằm tiêu diệt đạo. Nhưng rồi tất cả đều phải từ bỏ ý định của mình, thậm chí có người còn bị trừng phạt nặng nề, không những phải trả giá bằng sinh mạng của chính mình, mà còn bị định tội theo Thiên Điều trên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. Trường hợp của toàn quyền Pháp Pierre Pasquier ở Việt Nam là một minh họa rất cụ thể. Có thể nói rằng quyền năng của Tam Trấn tuy vô hình, nhưng lại rất uy lực và sẽ không bỏ sót một hành động phá hoại nào.
 
Có lẽ luận đến đây nhiều người sẽ cười và bảo: “Làm gì có chuyện đó! Nhiều kẻ phá đạo vẫn sống sờ sờ ra đó. Có thấy họ bị gì đâu!” Không phải thế đâu, các bạn! Ở cõi trần nhị nguyên đối đãi này, rất khó mà xét đoán một người nào đó là phá hoại hay giúp phát triển nền đạo, bởi vì những nhận xét của chúng ta ở thế gian không chắc gì đúng. Chỉ khi về đến cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống chúng ta mới biết ai đúng, ai sai một cách chính xác. Câu truyện của ngài Vương Quan Kỳ trong Những Bài Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp về Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống đã minh chứng điều này. Thêm nữa, chúng ta không có được duyên phần chứng kiến hết các vụ trừng phạt đâu. Thí dụ như vụ toàn quyền Pierre Pasquier , nếu không có cơ bút thì chúng ta không thể nào biết được.
 
Vậy nên, chúng ta, những người tu học, hãy lo giữ mình theo cương lĩnh của Tân Luật Pháp Chánh Truyền, Ngũ Giới Cấm và Tứ Đại Điều Qui, đừng phán đoán người khác mà mang thêm thành kiến vào mình không có lợi.
 
Để đừng lạc lối, hãy tâm niệm hai điều: Thứ nhất, ai cản trở sự phát triển của nền đạo Cao Đài đã có Tam Trấn quyết định, cá nhân mình không có quyền phán xét gì cả. Thứ hai, đã có quyền Tam Trấn, nên không một ai hoặc thế lực nào ngăn được sức phát triển của đạo Cao Đài. Vậy đừng sợ người khác “làm hư đạo”, mà hãy lo mình chưa làm gì được cho đạo!
 
KẾT LUẬN
Trong Tam Trấn Oai Nghiêm, chúng ta thấy Quan Thánh Đế Quân là Đệ Tam Trấn, thay quyền cho Đức Khổng Tử cầm quyền Nho Giáo. Đức Chí Tôn Thượng Đế đã dạy rằng nền tảng đạo Cao Đài là Nho tông chuyển thế. Nghĩa là, những nguyên tắc đạo đức của Nho Giáo sẽ được lấy làm chuẩn mực cho mọi xã hội ở trên địa cầu 68 này. Những ai tuân thủ các nguyên tắc đạo đức của Nho Giáo sẽ vượt qua được sự khảo dợt gắt gao của Long Hoa Đại Hội vốn đang diễn ra ở địa cầu 68. Đức Chí Tôn Thượng Đế cũng đã chọn Quan Thánh làm Tam Trấn bởi vì những phẩm chất đạo đức của ngài không những đại diện được cho hệ thống luân lý Nho Giáo mà còn rất tiêu biểu dễ thực hiện. Đơn giản mà nói, người thanh niên không cần nghiên cứu hệ thống Nho Giáo hết sức phức tạp mới biết mình phải làm gì, mà chỉ cần bắt chước những đức tính của Quan Thánh khi sống trong xã hội là được.
 
Trong Cao Đài, nguyên tắc tu học đầu tiên là “dục tu thiên đạo, tiên tu nhơn đạo”. Vậy, dù là ai đi nữa, cũng phải làm tròn đạo làm người trước nếu muốn tu thiên đạo, tức là trở về với Đức Chí Tôn Thượng Đế. Làm tròn đạo làm người là sửa mình theo hệ thống luân lý của Nho Giáo.
 
Có người cho rằng những nguyên tắc đạo đức của Nho Giáo quá “phong kiến”, không còn phù hợp với thời đại ngày nay nữa. Nhưng hiển nhiên, những qui ước về gia đình và xã hội tân tiến nhất ngày nay cũng vẫn chưa đem lại được an vui và hạnh phúc cho cả cá nhân lẫn cộng đồng xã hội. Và nói cho cùng, hiện vẫn chưa có giá trị nào của bất kỳ học thuyết gì, thay thế được nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
 
Riêng đối với thanh niên Cao Đài chúng ta, có lẽ giữ mình theo luân lý Nho Giáo là chuyện phải học hỏi và thực hành lâu dài cả đời người. Trước mắt, tạm tóm gọn cho dễ nhớ là thanh niên Cao Đài chỉ cần giữ mình theo những nguyên tắc sống của Đệ Tam Trấn Quan Thánh Đế Quân: dấn thân, trung nghĩa và nhân đạo.
* Từ Chơn
July 2008
 
2. Toàn quyền Pasquier hại đạo, bị chết cháy.
Ông Pierre Pasquier làm Toàn Quyền Đông Dương từ năm 1928 đến năm 1934. Ông quyết tâm tiêu diệt Đạo Cao Đài, nên làm giả tạo nhiều hồ sơ để đem về Pháp, chứng minh với Chánh phủ Pháp là Đạo Cao Đài là một tổ chức chánh trị dưới lớp tôn giáo chống lại nước Pháp.
Pasquier đi máy bay về Paris, còn đang bay trên bầu trời của thành phố Marseille, bỗng nhiên phi cơ phát cháy nổ tung. Pasquier cùng với gia đình và toàn bộ hồ sơ ngụy tạo đều bị đốt cháy ra tro.
Đó là vì Pasquier phạm Thiên điều, nên bị chư Thần diệt thác, linh hồn bị đày vào Phong đô.
Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ ngày 28-6-Giáp Tuất (dl 8-8-1934) nói rằng:
“Những kẻ nào dám vi phạm vào Thiêng liêng, dù xa dù gần, đều phải bị trừng phạt.
Hãy xem tên Toàn Quyền Pasquier và nhiều kẻ khác bị giết chết bởi phán quyết thiêng liêng. Không một ai có thể tránh thoát những cơn thịnh nộ của Trời, nếu chống lại Đấng Thượng Đế. Hãy nghe theo và tin tưởng sự công bằng của Thượng Đế”.
 
Hai năm sau, Pasquier được phép giáng cơ để xưng tội cùng Hội Thánh. Bài giáng cơ chép ra như sau:
Tòa Thánh, ngày 18-81936 (âl 2-7-Bính Tý).
PIERRE PASQUIER
Tôi nói tiếng An Nam.
Tôi đã cầm đặng một cuốn sách Nho, học thông Đạo lý.
Cái tư tưởng của tôi buổi nọ, nó thiên về bên Khổng giáo chớ không phải hướng qua bên Phật đạo. Tôi càng suy xét thì lại lấy làm lạ vì cớ nào tôi lại dùng Nhà Thiền toan phá Đạo Cao Đài buổi nọ. Quái dị thay!
 
Tôi đã đám xưng mình là văn sĩ Nho phong, kinh truyện, văn chương trước mắt mà lại chịu thiệt thòi sai sót, chẳng hiểu đặng rằng Nho giáo chuyển luân tạo dựng toàn cầu Tân thế.
 
Sự lạc lầm ấy do đâu mà có?
Ôi! Quan trường! Ôi nha lại! Vì mi mà làm cho ta phải đui mắt, linh hồn phạm tội nghịch ý Chí Tôn, Thiên điều tàn sát. Hận thay ngôi vị đế vương là đao kiếm trừ mạng linh hồn mà chớ. Gớm thay! Ghê thay!
 
THI
Vương bá bửu ngôi thị ngục hình,
Thiên lao như thử tấc công khanh.
Đồ thân phát phối cầm dân mạng,
Y phục đai cân thị tử thành.
* THĂNG.
 
Việc Toàn Quyền Pasquier chết cháy trên không ứng với câu sấm tiên tri của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Giữa năm hai bảy mười ba,
Bỗng đâu lửa cháy tám gà trên mây.
Tám gà: Hán văn gọi là Bát Kê, đồng âm với tiếng Pháp là Pasquier, tên của viên Toàn Quyền Đông Dương.

* Từ Chơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét