Quả địa cầu 68 hiện nay đang bước vào một giai đoạn hết sức
nghiêm trọng.
Thứ nhất, theo số liệu hiện có, dân số thế giới đã lên đến
hơn 6 tỉ người. Các con số thống kê cho thấy tài nguyên thiên nhiên sẵn có trên
trái đất không thể cung cấp đủ cho nhân loại. Nếu muốn tất cả 6 tỉ người sống đầy
đủ, chúng ta phải cần đến tài nguyên của năm quả địa cầu nữa! Một thí dụ cụ thể
là mỗi năm toàn thế giới đốn hạ một diện tích rừng tương đương với diện tích nước
Hy Lạp; mà rừng thì không thể phục hồi nhanh đến mức đó. Vì thế chẳng bao lâu nữa,
chúng ta sẽ không còn rừng đâu mà đốn! Còn một thí dụ đáng lo ngại nữa là: nếu,
ngay bây giờ, chúng ta không có một biện pháp hữu hiệu nào, thì đến năm 2025 sẽ
có 4 tỉ người không có nước sạch để uống. Các nhà khoa học không hề tưởng tượng khi nói rằng: trong tương lai,
loài người sẽ gây chiến tranh vì …nước uống!
Thứ hai, theo
các nhà khoa học, loài người đang thải ra một lượng khí CO 2 rất lớn, từ các loại
máy móc xe, tàu, máy bay, hoặc các nhà máy vân vân…. Lượng khí thải này tạo ra
hiệu ứng nhà kính, làm cho nhiệt độ trên toàn quả đất từ từ tăng lên. Đến một
lúc nào đó, nhiệt độ quá cao sẽ hủy diệt 80% môi trường sống của động vật hoang
dã. Điều này đồng nghĩa với sự mất cân bằng sinh thái ở mức độ trầm trọng, ảnh
hưởng đến khí hậu của trái đất. Như chúng ta thấy, những cơn bão trong thời
gian gần đây đã có sức mạnh chưa từng có, gieo rắc chết chóc hủy hoại kinh
hoàng. Mới đây thôi, cơn bão ở Myanmar (Miến Điện) đã khiến cho hơn 100.000 người
vừa chết vừa mất tích. Đó là chưa kể đến việc nhiệt độ tăng cao làm cho băng ở
hai đầu cực Bắc và Nam của quả đất sẽ tan ra. Khi đó mực nước biển sẽ dâng lên
và những hải đảo, những khu dân cư dọc theo ven biển hiện nay sẽ bị xóa tên
trên bản đồ! Diện tích đất cho loài người sinh sống vốn đã thiếu hụt sẽ lại
càng thiếu hụt hơn!
Nhân loại có
quan tâm đến điều này không và đã hành động ra sao?
Mặc dù có nhiều
người không hề quan tâm và cứ mặc cho quả địa cầu 68 này có ra sao thì ra, nhưng những ai có ý thức và lương tâm đều
quan tâm đến vấn đề này. Tiếng nói của họ, những người muốn bảo vệ quả địa cầu
68, đã càng ngày càng lớn mạnh. Chúng ta chứng kiến nhiều đoàn thể dũng cảm đứng
lên tranh đấu cho một quả địa cầu tốt đẹp hơn thí dụ như tổ chức Greenpeace,
Friends of the Earth, World Wild Fund for Nature vân vân.…Nhiều cuộc biểu dương
lực lượng đã diễn ra trên toàn thế giới chống lại những hành vi gây ô nhiễm môi
trường hoặc gây thiệt hại cho thế giới loài vật. Nơi đâu có hội nghị của các
nhà lãnh đạo trên thế giới, nơi đó đều có biểu tình kêu gọi bảo vệ môi trường sống
của loài người chúng ta.
Cuối cùng, các
lãnh đạo của các quốc gia trên toàn thế giới đã hiểu ra vấn đề và họ cũng sẵn
sàng vào cuộc. Đã có nhiều hội nghị toàn cầu bàn về vấn đề cắt giảm khí thải
gây hiện tượng nhà kính, làm tăng nhiệt độ toàn cầu, mà nghị định thư Kyoto là
một thí dụ điển hình. Dù hiện nay thời gian thảo luận vẫn còn chiếm nhiều chỗ
hơn những hành động thiết thực, nhưng chắc chắn đó sẽ là những bước đi tích cực
đầu tiên, dọn đường cho những biện pháp căn cơ hơn sau này.
Có thể nói, nhân
loại ngày nay có đủ điều kiện về khoa học kỹ thuật để bảo vệ quả địa cầu 68. Sở
dĩ người ta còn trì hoãn chưa thống nhất trong việc đưa ra các biện pháp là vì
còn thiếu một yếu tố quyết định: sự dung hợp đúng mức.
Cao Đài cứu thế
giới bằng cách nào?
Cao Đài là một tôn giáo có những nguyên tắc luân lý
bao gồm cả hai phần Thế Đạo và Thiên Đạo. Nghĩa là giáo lý Cao Đài dạy các tín đồ cả những nguyên tắc đạo đức để
sống trên quả địa cầu 68 này lẫn những phương pháp tự tu sửa để về với Thượng Đế
trên Cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. Trong đó Cao Đài đề cao nguyên tắc “Dục tu thiên đạo, tiên tu
nhơn đạo”. Tức là phải sửa mình theo các nguyên tắc đạo đức để sống ở thế gian
trước, rồi mới tính chuyện về với Đức Chí Tôn Thượng Đế sau.
Nói cách khác,
tín đồ Cao Đài không vội vàng từ bỏ cuộc
đời, trốn đến nơi hẻo lánh, tìm những phương pháp tu luyện bí mật (hay “bí chỉ”
gì đó…) để làm Tiên, Phật tại thế gian. Vì làm như thế là ích kỷ, chỉ biết có
cá nhân mình. Mà ích kỷ thì làm sao thành Tiên, Phật được? Ngược lại, tín đồ
Cao Đài phải tự sửa mình rồi giúp mọi
người cùng sống trên địa cầu 68 này tạo ra một môi trường tốt đẹp, hài hòa. Chừng
nào xong điều đó mới tính đến phần Thiên Đạo. Cõi lòng có vị tha (vì người
khác) như thế thì con đường về với Đức Chí Tôn mới rộng mở, dễ đi.
Vì nhơn đạo được
đặt ở vị trí hàng đầu, cho nên quan tâm đến cuộc sống của mọi người và có hành
động bảo vệ địa cầu 68 cũng là một nghĩa vụ của người tín đồ Cao Đài. Người tín
đồ Cao Đài không bó gọn đầu óc trong
vòng tỉnh Tây Ninh, nước Việt Nam nhỏ bé, mà phải mở rộng ra thế giới, giao tiếp,
cùng sống cùng lo lắng những vấn đề chung với mọi dân tộc. Như thế mới hợp với
đường lối Tam Giáo Qui Nguyên Ngũ Chi Phục Nhất mà Đức Chí Tôn đã dạy.
Thêm vào đó, Cao
Đài là một tôn giáo có tôn chỉ phổ độ: nghĩa là rao truyền chủ nghĩa cao thượng
của Đức Chí Tôn Thượng Đế trên toàn cả nhân loại. Chủ nghĩa đó là Tam Giáo Qui
Nguyên Ngũ Chi Phục Nhất, hay nói bằng từ ngữ hiện đại là chủ nghĩa dung hợp.
Tín đồ Cao Đài có nghĩa vụ thực thi và
truyền giảng chủ nghĩa dung hợp bất cứ mọi nơi mình sống hoặc đi đến.
Như trên đã bàn,
các lãnh đạo trên thế giới hiện nay vẫn chưa thể đồng ý với nhau về cách thức để
cứu lấy địa cầu là vì họ còn thiếu một nền tảng dung hợp. Tuy nhiên, không phải
các vị đó không biết đến chủ nghĩa dung hợp, và chúng ta, những người Cao
Đài độc quyền nắm giữ chủ nghĩa dung hợp,
đến dạy cho họ. Suy nghĩ như vậy là ấu trĩ và tự tôn quá mức! Nói họ thiếu nền
tảng dung hợp có nghĩa là họ vẫn còn xem chủ nghĩa dung hợp tương đương với những
khả năng khác có thể đưa ra trong bàn thương thuyết, chứ không xem đó là khả
năng duy nhất khả thi và sẽ đưa đến quyết định chung cuộc.
Thực sự ra, trước
khi Đức Chí Tôn mở đạo Cao Đài, đã có những phong trào tôn giáo dung hợp trên
thế giới. Thí dụ như đạo Bahá'í (thành lập 1844), hay những ý tưởng thống nhất
tôn giáo trong chính các tôn giáo. Thên vào đó, cũng đã có biết bao bậc vĩ nhân
ra sức kêu gọi con người hãy xóa bỏ mọi ranh giới tôn giáo, ý thức hệ, chủng tộc
để cùng xây dựng một quả địa cầu chung cho mọi dân tộc. Có điều đáng tiếc là
người ta vẫn chưa đồng ý rằng chủ nghĩa dung hợp là yếu tố quan trọng nhất
trong lúc cần giải quyết mọi vấn đề của thiên niên kỷ mới này.
Trong số những lời
kêu gọi nhân loại hãy nhìn nhau là anh em, hãy cùng dung hòa mọi ý tưởng và
quan điểm thì Cao Đài là lời kêu gọi cuối cùng trong thời kỳ mạt pháp của Đức
Chí Tôn Thượng Đế. Nếu loài người không nghe theo lời kêu gọi cuối cùng này,
thì quả địa cầu sẽ đi vào giai đoạn tự hủy diệt. Còn nếu loài người dung hợp được
với nhau, thì địa cầu 68 chuyển sang thời thánh đức. Cao Đài gọi giai đoạn này là Long Hoa Đại Hội.
Nói cách khác,
tín đồ Cao Đài có sứ mạng thúc đẩy, truyền giảng, làm cho nhân loại hiểu chủ
nghĩa dung hợp là yếu tố sống còn trong mọi quyết định hiện nay có liên quan đến
quả địa cầu 68 này. Nếu chúng ta làm được điều đó, nhân loại sẽ dễ dàng đồng
lòng kề vai nhau cứu lấy địa cầu 68. Cao Đài
cứu thế giới là như vậy đó.
Tín đồ Cao Đài
phải làm gì?
Hiểu như thế thì
nhiệm vụ của tín đồ Cao Đài là vô cùng cao cả và cũng rất khó khăn. Có người
nói rằng chuyện này lớn lao quá sức cá nhân mình, họ bảo rằng: hãy chờ Đức Chí
Tôn xoay chuyển! Nhưng nói như thế là bỏ qua một lời dạy của Đức Chí Tôn Thượng
Đế: “Thầy là các con, các con là Thầy”. Đã đành Đức Chí Tôn xoay chuyển, nhưng
xoay chuyển chỉ là tạo điều kiện dễ dàng mà thôi, con người vẫn phải hành động thì mới có biến chuyển
thực sự được. Hơn nữa, Thầy dạy rằng Hội Long Hoa này là một trường thi công quả. Vậy chúng ta, tín đồ Cao Đài,
phải hành động thì mới có “thi công quả” chứ! Như đã bàn ở trên, hành động của
tín đồ Cao Đài là thể hiện và truyền giảng
chủ nghĩa dung hợp ở tất cả những nơi mình có mặt.
Trước tiên, muốn
truyền giảng chủ nghĩa dung hợp, thì bản thân mình phải làm gương trước. Nếu bản
thân mình còn đầu óc phân biệt người ngoại đạo với người trong đạo; hay người
đạo này với người đạo kia, thì e rằng mình khó thuyết phục người khác dung
hợp được!
Vậy, tín đồ Cao
Đài phải tự suy nghĩ và tu sửa bản thân,
sao cho mình có thể, gần thì hòa hợp được với mọi người xung quanh, xa thì dung
hợp với những người khác chủng tộc, chính kiến hoặc quan điểm tôn giáo. Khi bản
thân mình có thể hòa hợp được với người khác rồi, thì mới có thể dùng lời nói
nhẹ nhàng khuyên nhủ những người quá khích cùng dung hợp với mình. Cứ thế, ngày
sẽ càng có nhiều người biết dung hợp hơn. Trong xã hội, người ta sẽ ít chỉ
trích, chê bai hay dè bỉu, mà lại tăng phần giúp đỡ, hợp tác hơn lên. Nếu mọi
người đều biết dung hợp như một thì việc
cứu lấy quả địa cầu này sẽ không còn là điều không tưởng nữa.
May 2008
*
Từ Chơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét