Mọi tín đồ Cao Đài đều biết đoạn thánh ngôn " Buổi
Bạch Ngọc Kinh và Lôi Âm Tự lập pháp Tam Kỳ Phổ Độ, Quỷ Vương đã khởi phá khuấy chơn đạo. Đến danh Ta
nó còn mượn, duy ngai Ta nó chẳng dám ngồi mà thôi ". (Lời dạy của Đức Chí Tôn trong lần
cầu cơ ngày 22/8/1926 - TNHT).
Định nghĩa
Để bắt đầu, thiển
nghĩ có một số từ Hán Việt trong đạo Cao Đài cần được nói rõ để làm cơ sở cho
những luận bàn kế tiếp.
Bạch Ngọc Kinh:
Bạch - màu trắng. Ngọc - đá quí. Kinh - thành phố lớn nơi có chính phủ trung
ương điều khiển một đất nước. Bạch Ngọc Kinh là trung tâm càn khôn vũ trụ, giống
như Washington của nước Mỹ, London của nước Anh hay là Paris của nước Pháp vậy.
Ngọc Hư Cung. Ngọc
- đá quí. Hư - chỗ ở - cung - nhà lớn dành cho vua. Ngọc Hư Cung là một toà nhà
ở Bạch Ngọc Kinh, nơi Đức Chí Tôn ngự, giống như tòa Bạch Ốc nơi Tổng Thống Mỹ ở.
Linh Tiêu Điện.
Linh - thần diệu. Tiêu - trời cao. Điện - phòng thật lớn thường dùng để họp.
Đây là phòng họp bên trong Ngọc Hư Cung, nơi Đức Chí Tôn và các thần tiên bàn
luận kế hoạch điều khiển vũ trụ.
Lôi Âm Tự. Lôi
Âm - tiếng sấm. Tự - chùa. Theo Đức Hộ Pháp đây là ngôi chùa của Phật Di Đà
trên Cực Lạc Thế Giới (đây là một cõi ở trên thiêng liêng, nơi chỉ có niềm vui,
không có đau khổ), các chơn hồn (linh hồn) đến đây để học giáo lý của Phật.
Quỷ Vương - Vua
quỉ. Còn gọi bằng những tên khác như Chúa Quỉ, Sa Tăng, Lucifer. Đạo Cao Đài gọi
là Đại Tiên Kim Quang Sứ, trong lần thứ ba này được Đức Chí Tôn giao nhiệm vụ
thử thách con người xem có thật sự là đạo đức không. Nếu vượt qua được thử
thách của ngài thì mới đạt được phẩm vị (Thần, Thánh, Tiên, Phật) trên cõi trời.
Theo đoạn thánh
ngôn, ngay từ lúc Bạch Ngọc Kinh và Lôi Âm Tự chuẩn bị cứu con người lần thứ ba
thì Quỷ Vương cũng bắt đầu thử thách con người rồi.
Đức Hộ Pháp nói
rằng trong vũ trụ, Bạch Ngọc Kinh có quyền "trị thế". Giống như chính quyền của một quốc gia, nơi đây
là đầu não đưa ra các mệnh lệnh nhằm giữ gìn an ninh trật tự của vũ trụ. Lôi Âm
Tự có quyền "giác thế" (giác - dạy dỗ). Vậy Lôi Âm Tự giống
như Bộ Giáo Dục của một nước.
Đoạn thánh ngôn
trên diễn giải theo ngôn ngữ thời nay là: Đức Chí Tôn và Đức Phật Di Đà lên kế
hoạch cứu con người bằng cách dạy dỗ họ. Sau khi học xong họ phải đi thi, đó là
chịu Quỷ Vương thử thách để khẳng định "đậu hay rớt". Suy ra,
muốn được cứu trong lần thứ ba này thì phải học đạo rồi đi thi. Không học hoặc
học mà không đi thi thì cũng không được “cứu” đâu!
Và câu cuối cùng
“Đến danh Ta nó còn mượn, duy ngai Ta nó chẳng dám ngồi mà thôi” ngụ ý một
trong những cách thức thử thách khắc nghiệt của Quỷ Vương. Do đó chúng ta, tín
đồ Cao Đài coi như đã được ưu ái ...lộ đề thi trước, nên phải tìm học kỹ chỗ
này để đi thi cho đậu. Vậy thì vấn đề cần biết rõ là "mượn danh"
và "không dám ngồi lên ngai", thật sự ra, là gì?
Mượn danh
Một chút sử đạo
Ai cũng biết "mượn
danh" là lấy tên một người nổi tiếng để lừa người khác. Bây giờ mà đọc
báo hằng ngày thì thấy chuyện lừa đảo kiểu này diễn ra như cơm bữa. Ví dụ như
tôi có con sắp thi vào Đại Học thì gặp hai người. Một người là thầy giáo lớp 12
hứa là sẽ dạy tốt cho em thi đậu, còn người kia là một Giáo Sư Tiến Sĩ tốt nghiệp
bên Anh Quốc nói rằng sẽ lo cho em thi đậu với điều kiện là đưa ông ta một số
tiền lớn. Chắc là tôi sẽ nghiêng về người thứ hai nếu con tôi học kém nhưng tôi
lại có nhiều tiền. Bọn lừa đảo cũng biết thế nên chúng luôn xưng có bằng cấp, học
vị, chức vụ thật cao để lừa người. Và thực tế cho thấy là có nhiều người đã mắc
bẫy dễ dàng.
Trở lại với đoạn
thánh ngôn (15/7 Bính Dần), đây là thời điểm trước ngày khai đạo (15/10 Bính Dần)
chúng ta có thể xem đây là lời tiên tri cho tình hình rối loạn sau này. Sử đạo
cho biết về sau một số chức sắc, tín đồ tự tổ chức cầu cơ không thông qua Hội
Thánh mặc dù đã có lệnh ngưng cơ bút phổ độ. Điểm quan trọng là trong những đàn
cơ này, cũng có Đức Chí Tôn và các đấng giáng. Tình hình rối rắm đến mức Hội
Thánh phải thông báo cấm cầu cơ. Và sau đó như chúng ta đã thấy là tình hình
phân chia chi phái diễn ra.
Vậy thì "mượn danh Ta" trong tình hình này có thể hiểu là Quỷ
Vương đã xưng danh Đức Chí Tôn giáng cơ. Ai không phân biệt được nhơn cơ, tà cơ
và tiên cơ, nghe xưng Đức Chí Tôn là tin ngay, không một chút nghi ngờ. Vậy Quỷ
Vương phong chức, xúi tách ra lập chi phái là sẽ có người tin theo và làm ngay.
Có người nói rằng
chi phái là hiện tượng tự nhiên, tôn giáo nào cũng có. Có thêm nhiều nhóm quảng
bá cho đạo Cao Đài cũng tốt. Lý lẽ này không hợp với đạo Cao Đài vì triết lý đạo
đặt trên nền tảng mọi niềm tin phải hợp nhất. Nếu chức sắc tự ý chia rẽ thì làm
sao thuyết phục người khác hợp nhất được?
Bây giờ, nếu dễ
tính có thể nói rằng cứ cầu cơ không phải của Hội Thánh hoặc bên ngoài Cung Đạo
là biết giả rồi, mình đừng tin. Nếu dễ biết như vậy, thì các chức sắc lớn đâu
có cầu cơ riêng rồi lập ra chi phái, phải không quý đọc giả?
Ngoại tại
Suy cho cùng, vấn
đề không phải đơn giản chỉ có Quỷ Vương mượn danh Đức Chí Tôn trong đạo Cao Đài
mà thôi. Đức Chí Tôn chỉ là tên tiếng Việt của đạo Cao Đài gọi đấng mà loài người
tin tưởng ở mức cao nhất. Đối với toàn nhân loại đó còn có thể là Đức Chúa Trời,
Đức Phật Di Đà, Đức Muhammad, một lãnh tụ chính trị, một thầy tu hay thậm chí
là ba má, bạn bè mình. Tóm lại, mình tin ai hoặc điều gì nhất thì đó là Đức Chí
Tôn. Thánh ngôn đã dạy "Thầy là các con, các con là Thầy" mà.
Thậm chí những người tự xưng là vô thần, nghĩa là không tin có Trời, Phật, Thần,
Thánh, cũng có niềm tin tối thượng của họ. Vậy thì Quỷ Vương sẽ “mượn danh” đó,
sẽ giả ra là đấng (hoặc điều) mà chúng ta tin tưởng.
Chẳng hạn như
tôi chỉ tin rằng khi mọi người có của cải bằng nhau thì sẽ không còn bất công
trong xã hội nữa. Niềm tin đó chính là Đức Chí Tôn của tôi. Nếu có ai nói rằng
họ cũng nghĩ như vậy thì tôi sẽ hợp tác với họ ngay. Xui thay, nếu người đó là
Quỷ Vương thì khốn khổ cho cuộc đời tôi rồi!
Họ sẽ xúi tôi làm chuyện sai trái. Bạn có thể nói bạn thông minh, không
dễ dụ dỗ như vậy đâu. Bạn ơi! Đã có người tình nguyện ôm bom cho nổ trong buổi
lễ nhà thờ để cùng chết với những người vô tội rồi đấy! Bạn thấy sức mạnh của
Quỷ Vương chưa?
Nội tại
Đó là Quỷ Vương ở
bên ngoài, còn Quỷ Vương ở ngay bên trong chúng ta thì còn tinh vi khó nhận ra
hơn nữa.
Ai cũng biết
không có người bình thường nào lại không thích danh vọng. Cả những tu sĩ, vốn
là người tuyên bố từ bỏ những danh vọng của thế gian, cũng muốn có chức vụ cao
trong tôn giáo của mình. Nói cho cùng thì đó cũng là danh vọng. Điểm quan trọng
là cách thức để có được danh vọng tốt hay xấu mà thôi.
Nhiều khi chúng
ta tự biện hộ cho việc ham danh vọng của mình rất hợp lý mà mình không hề hay
biết. Chúng ta vẫn thường nghe nói "Tôi không ham chức này đâu, nhưng
vì không có người chịu trách nhiệm (hoặc vì cấp trên giao) nên tôi tạm nhận
thôi. Khi nào có người tài đức hơn, tôi sẽ nhường lại ngay lập tức."
Nhưng rồi thời gian trôi qua, người có tài đức sẽ ...không bao giờ đến nên tôi
...đành phải tiếp tục giữ chức vụ.
Hay như trong ví
dụ của Chi Phái Tiên Thiên. Năm 1949 ông Nguyễn Bửu Tài (vốn được cơ bút Tiên
Thiên phong là Đầu Sư Thượng Tài Thanh) đã cùng 65 chức sắc Tiên Thiên trở về
hiệp một với Toà Thánh Tây Ninh. Theo luật của Tòa Thánh, các chức sắc chi phái
trở về phải từ bỏ mọi danh hiệu lúc còn ở chi phái, trở thành tín đồ bình thường.
Tuy nhiên, cơ bút của Toà Thánh cũng công nhận phẩm vị của các chức sắc Tiên
Thiên, có điều họ phải lùi lại một cấp. Như vậy Đầu Sư Thượng Tài Thanh phải
lùi lại là Phối Sư. Các vị này đều nhận
nhiệm vụ và hành đạo ở Toà Thánh. Nhưng, đến năm 1957 ông Tài cùng các bạn trở
về Bến Tre khôi phục lại Tiên Thiên và cơ bút Tiên Thiên phong ông làm Giáo
Tông, chức vụ cao nhất trong đạo Cao Đài, ngày 9/1/1957. Thực sự, ngoài ông Tài
ra còn nhiều người khác cũng muốn chức Giáo Tông. Nếu ngày xưa nhiều người dành
lấy y bát của Đức Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn giao cho Đức Lục Tổ Huệ Năng thế nào thì
ngày nay nhiều vị xưng là Giáo Tông của Cao Đài cũng na ná như thế. Câu chuyện
này có lẽ đã tạm đủ để chứng minh sức mạnh của “danh” lớn cỡ nào đối với con
người rồi.
Ngồi lên ngai
Bây giờ xin bàn
tới vấn đề "ngai Ta nó chẳng dám ngồi".
Cụm này theo ngữ
cảnh có nghĩa là Quỷ Vương không dám ngồi lên chiếc ghế của Đức Chí Tôn. Chúng
ta đã biết rằng Đức Chí Tôn cho phép Quỷ Vương dùng tên của Ngài để thử thách.
Do đó phạm trù danh, nghĩa là xã hội xung quanh ta, toàn chứa đựng những mưu kế
của Quỷ Vương.
Vậy nơi nào
không có Quỷ Vương để trú cho an toàn? Theo thánh ngôn thì đó là chỗ ngồi của Đức
Chí Tôn.
Mời quí độc giả
xem đoạn thánh ngôn sau đây. “Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi
trong Càn Khôn Thế Giới thì Khí Hư Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là
Thái Cực.”
Và
" Bạch Ngọc từ xưa đã ngự rồi
Không cần hạ giới vọng cao ngôi.
Sang hèn trối kệ tâm là quí,
Tâm ấy tòa sen của Lão ngồi ".
Ngai là ghế ngồi
của vua chúa, ngôi là chức vụ của vua. Hai từ này đều ẩn dụ quyền lực của Đức
Chí Tôn. Thái Cực là từ của Lão Giáo (Taoism) còn Tâm là từ của Phật Giáo
(Buddhism). Hai từ này chứa đựng triết lý rất phức tạp của hai nền tôn giáo lớn.
Trong phạm vi bài viết này ta chỉ cần hiểu đại khái là Đức Chí Tôn ngồi trên
ngôi Thái Cực hoặc trong Tâm của chúng ta. Vậy thì Thái Cực hay Tâm là chỗ Quỷ
Vương không dám ngồi.
Khái niệm Tâm
tương đối gần gủi hơn Thái Cực nên xin được bàn về chữ Tâm trong bài này. Trước
hết, xin mượn một định nghĩa tự điển của tác giả Thiều Chửu (xuất bản 1942 Hà Nội):
Phật học cho
muôn sự muôn lẽ đều do tâm người tạo ra gọi là phái duy tâm. Nhà Phật chia ra
làm nhiều thứ, nhưng rút lại có hai thứ tâm trọng yếu nhất:
1) vọng tâm 妄心
cái tâm nghĩ ngợi lan man xằng bậy.
2) chân tâm 真心
cái tâm nguyên lai vẫn sáng láng linh thông, đầy đủ mầu nhiệm không cần phải
nghĩ mới biết, cũng như tấm gương trong suốt, vật gì qua nó là soi tỏ ngay,
khác hẳn với cái tâm phải suy nghĩ mới biết, phải học hỏi mới hay. Nếu người ta
biết rõ cái chân tâm (minh tâm 明心)
mình như thế mà xếp bỏ sạch hết cái tâm nghĩ ngợi lan man xằng bậy đi thì tức
thì thành đạo ngay.
Do đó, suy ra
khi mình biết rõ chân tâm thì có Đức Chí Tôn ngự, tức là không có Quỷ Vương. Đạo
Cao Đài gọi chân tâm là chơn linh, hay nói cho dễ hiểu là lương tâm.
Chắc chúng ta ai
cũng từng trải qua chuyện bị “lương tâm cắn rứt” rồi. Khi mình làm gì sai, tự
nhiên cảm thấy có gì đó không đúng và hối hận mãi. Cảm giác này không xuất phát
từ suy luận, tính toán mà tự nhiên xuất hiện trong suy nghĩ của mình. Thường
thì ta lập tức tìm lý lẽ để bào chữa ngay. Những lý lẽ bào chữa có thể nghe rất
đúng, nhưng lòng ta cứ day dứt mãi. Những day dứt đó chính là lương tâm, nơi Quỷ
Vương không dám ngồi.
Thí dụ thế này,
tôi đi ngang một người hành khất. Nhìn hoàn cảnh ông, tôi thương lắm, nhưng vì
đang vội nên tôi tiếp tục đi. Một lát sau tôi cảm thấy không an tâm. Tại sao
mình không dừng lại và giúp cho ông một ít tiền? Tôi vội vàng quay trở lại,
nhưng ông đã đi mất rồi. Trong lòng tôi tiếp tục không yên cho đến nhiều ngày
sau đó. Ý nghĩ này là xuất phát từ lương tâm, không suy tính, không hơn thiệt
và rất trong sáng. Đây là nơi không hề có Quỷ Vương.
Sau đó, vì sự bất
ổn cứ kéo dài nên tôi có ý nghĩ mới: Thôi, đừng lo nghĩ nữa. Sẽ còn có nhiều
người khác nhìn thấy và giúp ông. Biết đâu gặp người sẽ cho tiền thậm chí còn
nhiều hơn mình nữa. Ý nghĩ này là để chấm dứt sự bất ổn trong lòng tôi, nghĩa
là có sự tính toán nhằm đem lại lợi ích cho bản thân. Vậy ý nghĩ này không xuất
phát từ lương tâm. Tính toán hơn thiệt là mảnh đất màu mỡ cho Quỷ Vương đó vậy.
Làm thế nào để
tránh
Cuối cùng, vấn đề
là làm thế nào để vượt qua những thử thách của Quỷ Vương và làm thế nào để biết
những ý nghĩ nào của chúng ta là xuất phát từ lương tâm?
Như đã nêu ở
trên, Quỷ Vương chỉ thắng được chúng ta nếu chúng ta ham thích danh vọng hoặc
chức vụ. Vậy đơn giản là mình không cần danh vọng nữa là xong. Chúng ta hãy bắt
đầu bằng việc không muốn hơn người khác. Hãy sống vui vẻ trong địa vị, chức vụ hiện
tại của mình và hãy luôn luôn suy xét cho kỹ mọi vấn đề, coi chừng lòng ham
danh còn ẩn núp đâu đó. Nếu đã là tu hành thì làm tín đồ bình thường mà tròn
nhiệm vụ cũng hơn làm Giáo Chủ mà không biết làm gì. Hành động từ bỏ danh vọng
không phải chỉ một ngày một buổi mà kéo dài trọn cả một đời người. Chỉ cần bạn
dừng lại một giây thôi là Quỷ Vương dương bẫy lên ngay lập tức.
Một hành động nữa
mà chúng ta cũng phải thực hiện trọn cả đời đó là: lắng nghe lương tâm của
chính mình. Đức Hộ Pháp thường dạy rằng mỗi ngày phải tự xét mình. Đó chính là
lúc lắng nghe lương tâm của mình qua mỗi hành động hằng ngày. Hãy xét xem có việc
nào mình bị "lương tâm cắn rứt" hay không. Việc này không dễ
dàng đâu bởi vì chúng ta luôn có lý lẽ hợp lý để bênh vực cho lỗi lầm của mình.
Biết được ý tưởng
nào là của lương tâm rồi thì bước kế tiếp là làm theo ý tưởng đó. Đây cũng là một
con đường xa thăm thẳm, đầy những khó khăn nữa. Nhưng cuối đường sẽ là hào
quang thành công dành cho ai vượt qua được trần ai đau khổ.
* Từ Chơn
July 21 2020
Tài liệu tham khảo
- Thánh Ngôn Hiệp Tuyển - TTTN
- Tự Điển Cao Đài - Đức Nguyên Nguyễn Văn
Hồng
- Encyclopedia of Caodaism - Lê Kim Liên và Từ Chơn.
- Tự Điển Hán Việt - Thiều Chửu.
- Tự Điển Tiếng Việt - Hội Khai Trí Tiến Đức.
- Hệ Phái Cao Đài - Lạp Chúc Nguyễn Huy.
- Wikipedia.
- Centre for Studies in Caodaism - Đào Công Tâm.
- Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp - Từ Huệ Nguyễn Văn Mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét