QUAN ÂM BỒ TÁT trong đạo CAO ĐÀI. * Từ Chơn.

M
ở đầu.
Trước hết, theo tự điển Phật Học thì Quan Âm là tên gọi của người Trung Quốc ngày xưa. Thực sự ra, tên của ngài bằng tiếng Phạn (Ấn Độ cổ) là Avalokiteśvara Bodhisattva. Người Trung Quốc dịch ra là 觀世音菩薩 và người Việt đọc là Quán Thế Âm Bồ-tát.
 
Nhưng chưa hết, ngày xưa ở bên Trung Quốc, người ta tránh chữ Thế vì sợ phạm huý, bởi tên vua Trung Quốc đời Đường là Lý Thế Dân, cho nên tên của ngài bị lược bỏ chữ Thế, chỉ còn là Quán Âm và theo thời gian đã biến thành Quan Âm. Tại Cam-pu-chia, ngài được gọi là Lokesvarak (អវលោកិតេស្វរៈ, អវលោកេស្វរៈ, លោកេស្វរៈ) và ở Nhật Bản, ngài được gọi là Kanzeon hay Kannon.
Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát tại Ấn Độ, thế kỷ thứ 9.
 
Huyền thoại
 
Thực sự mà nói, thì người đời chưa hề nhìn thấy ngài mà chỉ biết qua kinh sách đạo Phật, do đó người ta miêu tả ngài dưới nhiều hình dạng khác nhau. Mỗi nước ở Châu Á đều có riêng một câu chuyện truyền miệng về nguồn gốc của Ngài trong dân gian, lâu đời đến mức không còn ai biết truyện do ai kể và từ đâu mà có nữa.
 
Ở Ấn Độ, người ta dựng tượng ngài có nghìn tay nghìn mắt, hoặc tượng bồ tát cầm hoa sen. Ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam thì ngài là một vị nữ Phật, mặc đồ trắng, một tay cầm nhành dương, tay kia là bình nước cam lồ.
Hình vẽ Quán Thế Âm ở Tây Tạng, thế kỷ 17.
Tượng Quan Âm ở Phổ Đà Sơn, Trung Quốc.
 
Có rất nhiều sự tích về Quan Âm lưu truyền ở Trung Hoa. Như theo tiểu thuyết Phong Thần Diễn Nghĩa (của tác giả người Hoa, Hứa Trọng Lâm hoặc Lục Tây Tĩnh), thì Quan Âm là Từ Hàng Bồ Tát (Từ Hàng Đạo Nhân).
 
Còn ở Việt Nam thì ai cũng biết truyện Quan Âm Diệu Thiện và Quan Âm Thị Kính (hay Thị Mầu Thị Kính).
Ngày nay với sự phổ biến của mạng Internet, mọi người có thể dễ dàng tìm đọc những truyện này, nên chúng tôi mạn phép không kể ra đây.
 
Sự cực kỳ phong phú về truyền thuyết chứng tỏ một điều: ngài được rất nhiều người thuộc các dân tộc khác nhau ngưỡng mộ và thờ phụng. Thông thường, mọi người cho rằng khi gặp khổ nạn, nếu cầu khẩn, niệm đến danh ngài thì sẽ được cứu giúp.
 
Ý nghĩa thực sự
 
Nhưng đối với chúng ta, những người quyết tâm tu học, thì phải tìm hiểu đến tận nguồn gốc của vấn đề để hiểu ý nghĩa về mặt triết lý.
Điều đó quan trọng cho kiếp sống ngắn ngủi của chúng ta hơn là chạy theo những câu truyện dân gian không có thật mặc dù những câu truyện này cũng kể lại những tấm gương tốt cho người tu học rèn luyện tánh hạnh.
 
Đầu tiên, chúng ta biết rằng Đức Phật Thích Ca là có thật trong lịch sử, trái lại Quán Thế Âm Bồ Tát thì không. Chúng ta chỉ nghe Đức Phật Thích Ca nhắc tới tên ngài, rồi về sau các đệ tử ghi chép lại trong kinh sách cho chúng ta đọc. Còn các truyền thuyết thì lưu truyền trong dân gian, không biết ai là tác giả. Từ đây xin phép dùng tên Quán Thế Âm vì đó mới đúng là tên ngài. Như đã nói ở trên, Quan Âm là tên đã bị sửa lại.
 
Các nghiên cứu cho thấy tên ngài xuất hiện trong 7 bộ kinh của Phật Giáo, đặc biệt là hai bộ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (Pháp Hoa) và Bát Nhã Tâm Kinh (Tâm Kinh).
 
Đây là đoạn trích từ kinh Pháp Hoa. Khi Vô Tận Ý Bồ Tát hỏi vì sao có tên Quán Thế Âm, Đức Phật Thích Ca trả lời,“Khổ não chúng sinh nhất tâm xưng danh Bồ Tát tức thời quán kỳ âm thanh giai đắc giải thoát dĩ thị danh Quán Thế Âm” Tạm dịch là: chúng sinh khổ não một lòng gọi danh hiệu của Bồ Tát, ngài sẽ hiểu được và sẽ cứu độ tức thì, vì thế nên gọi là Quán Thế Âm.
 
Và đây là đoạn trích từ Bát Nhã Tâm Kinh. Trong kinh này ngài Đường Huyền Trang dịch tên Bồ Tát là Quán Tự Tại. “Quán-tự-tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ-uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Tạm dịch là: khi Quán Tự Tại Bồ Tát đạt mức trí huệ cao nhất thì thấy những suy nghĩ và cảm giác của con người đều không có thực, do đó ngài vượt qua được mọi khổ sở.
 
Dù có rất nhiều bản dịch khác nhau, nhưng đọc kỹ thì sẽ thấy những điểm chung, như là: Bồ Tát-hiểu thấu-tiếng kêu than-suy nghĩ-không còn đau khổ nữa. Từ đó, cộng thêm tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy mọi người có hai cách hiểu về Quán Thế Âm như sau:
Hướng thứ nhất, có một vị Bồ Tát tên là Quán Thế Âm hiểu thấu mọi tiếng kêu than của chúng sanh đau khổ. Ai phải chịu quá nhiều đau khổ thì cứ cầu khẩn ngài. Ngài sẽ giúp cho vượt qua cơn đau khổ. Đây là hướng suy nghĩ dễ tiếp cận nhất và cũng được mọi người ưa chuộng nhất. Do đó, ở Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam, người ta ra sức dựng những tượng đài Quan Âm thật to lớn, thu hút rất nhiều người đến thắp hương, vái lạy, cầu xin. Hướng suy nghĩ này bàng bạc trong trường phái Tịnh Độ Tông của Phật Giáo, theo đó người tu học dùng thần lực của sự cầu nguyện (niệm Phật) để mong được Phật cứu vớt.
Tượng Quán Thế Âm cao 11 m ở Bạc Liêu, Việt Nam
 
Hướng thứ hai, ít được ưa chuộng hơn, đó là danh hiệu Quán Thế Âm cũng đồng thời là một pháp môn (cách tu tập). Quán có nghĩa là hiểu thấu, Thế Âm là tiếng kêu than của thế gian. Do đó người tu học theo pháp môn này sẽ tự mình vận dụng sự sáng suốt của chính mình (còn gọi là trí huệ, trí tuệ, trí Bát Nhã) để hiểu rõ những suy nghĩ, những cảm giác của mình. Nếu đạt mức yêu cầu sẽ thấy được tất cả những điều đó đều không có thực, từ đó sẽ vượt qua được mọi đau khổ thế gian. Kiểu suy nghĩ này giống như ý tưởng trong Thiền Tông của Phật Giáo, theo đó người tu học tự dùng sức mạnh suy tưởng của mình để chiêm nghiệm lẽ sống.
 
Thường thì người ta hay tranh cãi là tông phái này cao cấp hơn tông phái kia,v.v... nhưng thực tế không hề có khẳng định nào như vậy.
Để chứng minh điều này, xin nói thêm một chút về bộ kinh Pháp Hoa (tên đầy đủ là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh). Kinh này ghi lại lời giảng của Đức Phật Thích Ca tại núi Linh Thứu vào khoảng thời gian Phật sắp rời khỏi thế gian. Chủ yếu Phật Thích Ca dạy rằng mọi cách thức tu tập đều chỉ là phương tiện để đạt pháp. Phật chỉ tùy cơ duyên của người nghe mà dùng phương pháp dạy cho thích hợp mà thôi. Trong bộ kinh, đức Phật sử dụng một minh họa rất rõ ràng.
Ngài kể chuyện một người cha muốn cứu các con ra khỏi một đám cháy. Vì những đứa trẻ không chịu chạy ra, người cha đành phải hứa cho các con mỗi đứa một món quà theo ý thích của chúng; đứa thì cho con nai, đứa thì cho con dê, đứa thì cho chiếc xe trâu, v.v… Có như vậy chúng mới chịu ra khỏi nhà.
 
Ngụ ý câu chuyện khá rõ ràng: người cha chính là Phật, những đứa con chính là chúng sinh. Phật phải chìu lòng chúng sinh, hứa hẹn cho đủ thứ đồ vật để đi đến mục đích sau cùng là cứu lấy họ. Do đó, lời dạy của Đức Phật có dẫn đến những khác biệt, thì cũng là để thích hợp với mọi trình độ của chúng sinh. Dù cho cầu nguyện xin Phật cứu vớt hay vận dụng sự sáng suốt của mình để chiêm nghiệm thì rồi ra đều đạt được mục đích là giải thoát khỏi mọi đau khổ trần tục.
 
Riêng người viết bài này thì thích nghiêng về cách thứ hai hơn.
Đồng ý rằng Phật sẽ cứu giúp con người khi gặp đau khổ với điều kiện niệm danh Phật, mà cụ thể trong trường hợp này là Quán Thế Âm. Nhưng theo chúng tôi thì niệm danh Phật không đơn giản là đọc thì thầm tên Đức Phật càng nhiều lần càng tốt. “Niệm” trong kinh Phật mang một ý nghĩa tích cực hơn nhiều. Như trong trường hợp này khi “niệm” thì phải “quán”; tức là phải suy nghĩ cho thấu đáo.
Quán Thế Âm là suy nghĩ thấu đáo về âm thanh của thế gian, tức là tiếng than khóc của nhân loại, chứ không chỉ là đọc tên đức Phật lên thật nhiều lần rồi mình sẽ được giải thoát. Nếu như vậy thì quá dễ, phải không thưa chư vị? Do nghĩ như vậy mà chúng ta thấy bây giờ người ta dùng máy thu âm ghi lại câu “Nam mô A Di Đà Phật” rồi mở máy cho chạy ngày đêm. Nếu “niệm Phật” đúng là như vậy, thì suy cho cùng, ai có “pin” nhiều hơn sẽ được giải thoát hay sao?
 
Chắc trong chúng ta đây ai cũng tự hiểu rằng đọc tên Phật nhiều lần không đem đến một kết quả khả quan nào cả. Câu chuyện sư Pháp Đạt trong Pháp Bửu Đàn Kinh là một ví dụ sống động cho ý này.
 
Chuyện kể rằng sư Pháp Đạt ra vẻ ngạo mạn khi gặp Đức Lục Tổ Huệ Năng vì tự hào rằng mình đã tụng (đọc lớn tiếng) Kinh Pháp Hoa được ba ngàn lần rồi. Nhưng khi Đức Lục Tổ hỏi thêm về ý nghĩa kinh, thì sư chẳng trả lời được câu nào. Sau khi nghe Đức Lục Tổ giảng giải, sư đã khai ngộ ngay lập tức và tuyên bố “Kinh tụng tam thiên bộ, Tào Khê nhất cú vong...” (Tụng kinh ba ngàn lần vẫn không hiểu, Tổ Sư chỉ nói một câu là hiểu ngay...)
 
Hơn nữa, đọc tên, kêu gọi chỉ là một hành động theo thói quen, phi ý thức; mà phi ý thức làm sao có thể giúp chúng ta ý thức được tính diệu huyền của vũ trụ. Trong đạo Cao Đài ai cũng biết không có ý thức có nghĩa là mất đi phần KHÍ, mà con người chỉ còn TINH và THẦN thì làm sao có thể hiệp một để về với Đức Chí Tôn. Hơn nữa Đức Chí Tôn dạy rằng Trời Người phải hiệp một. Nếu chúng ta chỉ ngồi gọi tên rồi chờ Trời đến cứu thì chúng ta chỉ hoàn toàn trông chờ vào Thầy chứ không có góp sức mình.
 
Nói tóm lại, niệm danh Quán Thế Âm nghĩa là thực hành pháp môn của Ngài. Tức là phải nghe những lời than van ở thế gian (hay bất cứ lời nói gì) và suy nghĩ cho tận tường thấu đáo. Làm được như vậy thì chúng ta mới có cơ hội giải thoát. Thí dụ như thế này, khi chúng ta nghe những người bệnh tật than khổ. Đó là Thế Âm đấy. Vậy bây giờ mình hãy xét xem mình cảm thấy thế nào. Xin đừng vội kết luận rằng, đó là thinh âm sắc tướng mà tôi là người tu hành cần phải lánh xa, vậy nên tôi không cảm thấy gì cả. Nếu kết luận như thế là mình từ chối suy nghĩ, mình không chịu “quán”. Mà mình không chịu “quán” thì đó là dấu hiệu mình không thích hợp với pháp môn này.
 
Nếu mình chịu “quán” mình sẽ nhận thấy một sự thương cảm sâu xa, vốn là tình người chân thành mà cuộc sống tranh dành xô bồ đã tước mất của chúng ta từ lâu. Đây là một khởi đầu tích cực trong pháp môn này rồi đấy. Và tình thương con người sẽ dần dần châm mồi cho ngọn lửa sáng bừng trí huệ.
 
Quán Thế Âm trong Cao Đài
Trong đạo Cao Đài, danh hiệu Quán Thế Âm được nhắc nhở trong bài kinh cầu siêu, và trong những bài thuyết đạo về Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống của Đức Hộ Pháp. Đặc biệt quan trọng, trong kỳ ba này Ngài là một trong Tam Trấn Oai Nghiêm:
Nhứt Trấn Oai Nghiêm kiêm Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là Đại Tiên Lý Thái Bạch thay mặt cho Lão Giáo.
Nhị Trấn Oai Nghiêm là Quán Thế Âm Bồ Tát thay mặt cho Phật Giáo.
Tam Trấn Oai Nghiêm là Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân thay mặt cho Nho Giáo.
 
Xét về ý nghĩa thì trấn - giữ gìn cho yên ổn. Oai nghiêm - đáng kính sợ và khắt khe. Từ những định nghĩa này ta hiểu rằng Tam Trấn Oai Nghiêm là ba vị có quyền lực rất lớn để ngăn chặn người thế gian phạm luật trời (thiên điều) trong Tam Kỳ Phổ Độ. Quyền lực của Tam Trấn giống như chức vụ Thường Trực hay Thường Vụ trong xã hội loài người. Một minh chứng là câu chuyện vui Đức Hộ Pháp kể trong bài thuyết đạo tại Báo Ân Từ ngày 15/9 Bính Tuất 1946. Vào khoảng năm 1927 có lịnh cấm cầu cơ của thiêng liêng, nhưng các vị tiền bối vẫn cầu cơ để nghe giáo huấn. Kết quả là những vị phạm luật gồm Đức Quyền Giáo Tông, Đức Hộ Pháp và
Phối Sư Bính bị Đức Lý Giáo Tông phạt quỳ hương. Câu chuyện này cho thấy với quyền lực của mình, Tam Trấn không bỏ sót một chuyện nhỏ nào và cũng không nể mặt ai cả.
 
Trong bài thuyết đạo về Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống tại Đền Thánh đêm 29 tháng 9 năm Mậu Tý (31/10/1948), Đức Hộ Pháp cũng nói rõ chức năng của Quán Thế Âm Bồ Tát trên cõi trời.
Đó là vâng lịnh Đức Di Lặc Vương Phật, chèo thuyền Bát Nhã qua lại Ngân Hà và khổ hải để “độ sanh” thiên hạ.
 
Xin lưu ý những ngụ ý sau đây:
Đức Di Lặc là Chánh Chủ Khảo Hội Long Hoa. “Độ sanh”, theo Cao Đài, là giúp phần tinh thần hoặc vật chất cho người còn đang sống và “độ tử” là giúp phần linh hồn cho người đã chết.
Thuyền Bát Nhã tượng trưng trí huệ, sự sáng suốt tột đỉnh của người đắc đạo.
Ngân Hà tượng trưng sự ngăn cách giữa đau khổ và hạnh phúc.
Khổ hải là cuộc sống thế tục.
Vậy, câu chuyện Đức Hộ Pháp kể có ngụ ý là trong Tam Kỳ Phổ Độ này, Quán Thế Âm là pháp môn phổ biến nhất để đem lại sự sáng suốt cho những người còn đang sống. Ai đạt được sự sáng suốt này, người đó sẽ vượt qua mọi đau khổ tức là đắc đạo tại thế.
 
Thêm vào đó, trong bài thuyết đạo ngày 28/6 Mậu Dần (1938), Đức Hộ Pháp cũng dạy rằng Tam Trấn là tấm gương Bi, Trí, Dũng cho nhân loại học tập trong Kỳ Ba này, trong đó Đức Lý Đại Tiên dạy Trí, Đức Quan Thánh dạy Dũng, còn Quán Thế Âm Bồ Tát dạy chúng ta tâm từ bi. Ta phải biết thương xót vạn linh vì trong Đại Hội Long Hoa này, tiếng than van của con người sẽ vượt xa những lần trước đây. Như hiện nay (2021) nhân loại đang vướng vào dịch COVID-19 với số người chết kỷ lục so với những trận dịch trước đây và các nhà khoa học vẫn không thể biết chừng nào đại dịch mới chấm dứt. Còn khủng khiếp hơn, nếu virus này biến thể và thuốc ngừa không có tác dụng, thì lúc đó tình hình sẽ đúng theo câu sấm truyền đã có ở Việt Nam từ lâu, “Mười người chết bảy còn ba, chết hai còn một mới ra thái bình” đó vậy.
 
Vậy thì cuối cùng, vấn đề của tín đồ Cao Đài hiện nay, mà bất cứ lúc nào cũng vậy, là có sẵn sàng bước vào pháp môn của ngài hay chưa?
Câu hỏi này dành cho những ai muốn thật lòng gác ngoài tai mọi lời xúi giục tranh chấp trần tục, mọi quyến rũ của chức danh, lợi lộc trong đạo lẫn ngoài đời, và thật sự muốn tu học để tự giải thoát ra ngoài vòng sanh tử luân hồi.
* TỪ CHƠN
Sài Gòn, 25/1/2021
Tham Khảo
- Wikipedia
- Britannica
- Diệu Pháp Liên Hoa Kinh
- Bát Nhã Tâm Kinh
- Pháp Bửu Đàn Kinh
- Tự Điển Hán Nôm - Thiều Chửu
- Bộ sách Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp - Ban Tốc Ký TTTN.

- Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống - Ban Tốc Ký TTTN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét