SỨC MẠNH CỦA CẦU NGUYỆN. * Từ Chơn.

Dẫn
.
Ngay lúc những hàng chữ này lần lượt hiện lên màn hình vi tính, Sài Gòn đã đi vào cái gọi là giãn-cách-xã-hội được khoảng mươi tiếng đồng hồ. Thành phố khoác lên một chiếc áo vừa cũ rích vừa lạ lùng: người ta vẫn đi làm việc nhưng trong lòng mang nặng những lo âu. Không biết ở nơi làm việc có ai F0, F1 gì không? Không biết chiều nay khi trở về nhà có thấy những trạm gác ngăn không cho vào khu phố mình không? Không riêng gì ở Sài Gòn, siêu vi Corona đã giết chết nhiều người và làm đảo lộn mọi hoạt động của nhân loại trên toàn thế giới.
 
Là một người dân bình thường, ngoài việc phải làm theo những qui định của chính quyền sở tại hiện hữu, tôi chỉ còn biết làm một việc mà một người có niềm tin tôn giáo thực hiện khi bất lực hay tuyệt vọng: cầu nguyện. Đó là một động tác cổ xưa nhất trong buổi bình minh tôn giáo của nhân loại. Ngay cả đến bây giờ, cầu nguyện cũng không thể thiếu được trong bất cứ tôn giáo nào. Theo triết gia người Mỹ William James, không có cầu nguyện thì không có tôn giáo. Một ngạn ngữ Hồi Giáo cũng nói rằng tín đồ Hồi Giáo thì phải cầu nguyện. Sadhu Sundar Singh, một hành giả theo bí thuật của Ấn Độ còn nói cầu nguyện cũng quan trọng như hô hấp vậy. (Britannica).
 
Sức mạnh.
Vậy cầu nguyện là gì và có sức mạnh ra sao?
Trước hết, theo Encyclopedia Britannica, cầu nguyện là sự giao tiếp (trò chuyện) của loài người với Đức Chí Tôn, với các đấng thiêng liêng, hoặc với cõi giới siêu tự nhiên. Thông thường, người ta cầu nguyện để được khoẻ mạnh, hết bệnh tật, được sống lâu, được giàu có, hoặc thành công trong sự nghiệp.
 
Và sức mạnh của cầu nguyện theo lời dạy của Đức Chúa Jesus là: “Truly, I say to you, whoever says to this mountain, Be taken up and thrown into the sea,and does not doubt in his heart, but believes that what he says will come to pass, it will be done for him. Therefore I tell you, whatever you ask in prayer, believe that you have received it, and it will be yours”. (Mark 11:23-26).
Tạm dịch: “Ta nَi thật với cلc ngُi, ngời nào bảo ngọn nْi này nhảy xuống biển, với niềm tin tuyệt ًối trong lòng là nó sẽ nhảy,  thì điều đó sẽ thật sự xảy ra. Vì vậy, khi cầu xin điều gì, hãy có niềm tin là đã nhận được rồi, thì ngươi sẽ nhận được”.
 
Câu chuyện trong Kinh Thánh.
Nhân dịp nói về cầu nguyện, kính mời đồng đạo cùng ôn lại một câu chuyện trong Kinh Thánh Torah (Cựu Ước), quyển thứ hai (Book of Exodus). Năm 1956 chuyện này đã được chuyển thể thành bộ phim nổi tiếng The Ten Commandments (Mười Điều Răn).
 
Theo Kinh Thánh, vào thời đó, người Do Thái sống chung với người Ai Cập. Người Ai Cập có quân đội trang bị vũ khí hiện đại nên làm chủ, người Do Thái phải làm nô lệ, dùng sức lao động xây dựng đền đài cung điện xa hoa cho người Ai Cập. Tuy nhiên, người Do Thái sinh sản ra càng lúc càng nhiều khiến cho vua Ai Cập lo sợ một ngày kia sẽ bị lật đổ. Do đó, ông ta ra lịnh giết tất cả trẻ con Do Thái, quẳng xuống sông Nile. Thánh Moses (tiếng Việt đọc là Mô-sét, Môi-se, Môi-xen hay Mô-sê) sinh ra trong một gia đình Do Thái. Khi nghe lịnh vua, bà mẹ của Moses biết mình không thể giữ được đứa con mới sinh nên chỉ còn biết giấu bé Moses trong một bụi sậy ở bờ sông và cầu nguyện.
 
May thay, một công chúa Ai Cập đi tắm sông bắt gặp đứa bé nên đem về hoàng cung nuôi dưỡng. Lớn lên Moses trở thành một hoàng tử Ai Cập và không biết gì về gia đình thật của mình. Thế rồi nhà vua cũng phát hiện ra nguồn gốc Do Thái của ông, nên trục xuất ông khỏi hoàng gia, đày ông vào sống ở sa mạc khô cằn. Ông đã lập gia đình và chăn chiên để sinh sống.
 
Chính lúc này Đức Chí Tôn đã giáng hạ cho ông nhìn thấy và bảo ông hãy trở lại Ai Cập để cứu dân tộc Do Thái của mình. Ngần ngại vì sự chênh lệch quá lớn giữa hai phía, một bên là lực lượng quân đội Ai Cập hùng mạnh, một bên là những người Do Thái nô lệ thiếu ăn thiếu mặc, ông xin được từ chối nhiệm vụ. Nhưng vì Đức Chí Tôn hứa sẽ giúp, nên ông một mình trở lại Ai Cập.
 
Khi ông vào gặp nhà vua, xin phép đưa người dân Do Thái rời khỏi đất nước Ai Cập thì dĩ nhiên ai cũng biết câu trả lời rồi. Làm sao mà người ăn trên ngồi trốc lại từ bỏ quyền lực đơn giản như vậy được! Mất hết nô lệ thì ai phục vụ cho gia đình và hoàng tộc của ông ta. May mắn là nhà vua không giết Moses vì ngày xưa lúc còn là hoàng tử thì hai người là anh em.
 
Thất bại não nề, Moses trở về nhà và trong cơn tuyệt vọng ông đành phải cầu nguyện Đức Chí Tôn giúp sức. Đức Chí Tôn bảo ông hãy trở lại cung điện và nói với vua Ai Cập rằng nếu không đồng ý để người Do Thái ra đi thì sẽ bị trừng phạt.
 
Lần thứ hai ông lại đến gặp nhà vua và cũng lại bị từ chối phũ phàng như lần trước. Ngay sau đó sự trừng phạt đã lần lượt đến với người Ai Cập qua 10 hiện tượng:
1 . Nước sông Nile biến thành máu.
2 . Ếch nhái tràn ngập mọi nơi.
3 . Muỗi xuất hiện dày đặc khắp đất nước.
4 . Có quá nhiều ruồi mòng.
5 . Dịch bệnh giết chết nhiều gia súc.
6 . Tất cả người dân Ai Cập bị ghẻ chốc, ngứa ngáy không chịu nổi.
7 . Khắp nơi bị mưa đá, sấm sét và lửa cháy.
8 . Châu chấu xuất hiện tàn phá mùa màng.
9 . Mặt trời bị che khuất trong ba ngày liền khiến mọi người phải sống trong bóng tối.
 
Dĩ nhiên, chỉ có người dân Ai Cập là chịu khổ sở thôi chứ nhà vua, các quan chức cầm quyền và những người giàu có trong cung vàng điện ngọc thì chẳng hề hấn gì. Vua quan chẳng hề xót thương người dân Ai Cập của họ và không việc gì phải đổi ý cho người Do Thái được ra đi. Không những thế, vua ra lệnh gia tăng đàn áp người nô lệ Do Thái, bắt làm thêm giờ, tăng thuế má, đánh đập giam cầm những ai không nghe lịnh. Cuối cùng lần trừng phạt thứ 10 đã quyết định tất cả. Đó là tất cả con trai đầu lòng của mọi gia đình Ai Cập đều chết.
 
Trong tai hoạ thảm khốc này, con lớn của nhà vua cũng chết. Và chính điều này đã khiến nhà vua hoảng sợ. Ngai vàng, cung điện,  vàng bạc ngọc ngà, kẻ hầu người hạ đều không ngăn được thần chết đem con ông ta đi. Hậu quả là vua đành miễn cưỡng chấp thuận cho người Do Thái ra đi. Trái lại, các gia đình Do Thái thì lại không bị trừng phạt. Vì vậy, cho đến nay hằng năm trong mỗi gia đình Do Thái đều kỷ niệm sự kiện này bằng lễ Vượt Qua, nhắc nhở rằng ngày đó năm xưa dân tộc Do Thái đã “vượt qua” sự trừng phạt.
 
Được tháo củi sổ lồng, tất cả người Do Thái bồng bế nhau băng qua sa mạc theo hướng dẫn của Moses. Cứ khi nào không biết đường đi thì Moses ra nơi vắng vẻ, cầu nguyện để Đức Chí Tôn chỉ đường. Nhưng khi đến bờ Biển Đỏ thì đoàn người nheo nhóc tạm dừng lại vì không biết phải làm gì nữa trong khi miền đất mà Đức Chí Tôn hứa là sẽ đưa họ tới vẫn chưa thấy đâu. Nhưng vận rủi vẫn đeo đuổi những con người xấu số này vì vua Ai Cập bây giờ lại đổi ý, nghĩ rằng nếu không “xài được thì hủy bỏ”, nên tự mình điều động binh hùng tướng mạnh đuổi theo với ý định tàn sát tất cả người Do Thái.
 
Trong tình thế cực kỳ nguy nan, trước mặt là Biển Đỏ cuồn cuộn sóng gào, sau lưng là đám bụi cát tung trời báo hiệu một đoàn quân đang vũ bão truy đuổi. Nhìn lại đoàn người nô lệ ốm đói, không một tấc sắc tự vệ, ai cũng thấy là tình hình tuyệt vọng và dân tộc Do Thái ắt là sẽ 100% xoá sổ kể từ đây. Trên bờ biển, trong khi mọi người đang run rẩy chờ chết, thậm chí có người còn rủa sả Moses vì đã đưa họ vào chỗ chết, thì Moses đứng lên, giơ  cao chiếc gậy mà Đức Chí Tôn ban cho ông và cầu nguyện.
 
Huyền diệu thay, mây trên trời bắt đầu quay cuồng dữ dội và mặt biển đột nhiên tách làm đôi, bày ra con đường đi sang bờ bên kia. Tất cả mọi người đều vội vã theo đường đó băng qua biển. Khi những người cuối cùng lên được bờ, toán kỵ binh Ai Cập đầu tiên cũng đến nơi và theo lịnh của nhà vua, họ tràn xuống theo con đường đó để đuổi theo. Nhưng khi đoàn quân đằng đằng sát khí ra đến giữa biển, thì mặt biển khép lại, vùi chôn toàn bộ lực lượng truy đuổi. Lúc bấy giờ Moses và dân tộc Do Thái mới biết chắc một điều là mình đã thoát chết.
 
Cầu nguyện thời hiện đại.
Câu truyện “10 Điều Răn” cho thấy sức mạnh của lời cầu nguyện đã thành hiện thực giống như lời dạy của Đức Chúa Jesus vậy. Còn trong thế giới chúng ta ngày nay thì sao? Lời cầu nguyện có còn sức mạnh nghiêng trời lệch đất như vậy nữa không?
 
Trên thực tế, có một thanh niên nói với tôi rằng anh đã cầu nguyện với Đức Chí Tôn cho mình trúng số. Anh sẽ dùng một phần số tiền này lo cho gia đình, phần còn lại sẽ hiến tặng cho Thánh Thất nghèo ở địa phương, còn bản thân thì sẽ vào đó làm công quả. Anh đã thành tâm cầu nguyện và mua vé số 10 năm rồi mà có thấy trúng tờ nào đâu!
 
Còn một bà khác cũng nói bà không tin vào cầu nguyện nữa vì khi chồng bà biết mình bị ung thư giai đoạn cuối, bà đã ăn chay trường, cầu nguyện mỗi ngày tại chùa 5 năm như vậy, nhưng ông vẫn không qua khỏi dù đã tận tâm tận lực chữa trị.
 
Một tu sĩ khác cũng cầu nguyện được nhìn thấy Phật và nói rằng nếu ngày rằm này mà không thấy thì sẽ hoàn tục. Kết quả là anh chẳng thấy gì nên đã ra đời, lập gia đình và làm ăn như mọi người.
 
Theo ý kiến của tôi, khi đọc truyện Thánh Moses kể trên, có lẽ ai cũng muốn lời cầu nguyện của mình được thiêng liêng đáp lại như vậy, nhưng không phải lúc nào cũng được như ý. Bởi vì, thứ nhất, có một điều quan trọng mà chúng ta không tính tới, đó là chúng ta không phải là chơn linh cao trọng như Thánh Moses và hoàn cảnh của chúng ta cũng khác xa. Thứ hai, Đức Chúa Jesus dạy là phải tin tưởng tuyệt đối thì lời cầu nguyện mới có kết quả. Cho nên có  thể bản thân mình nghĩ là tuyệt đối nhưng so với chuẩn thiêng liêng là chưa đủ. Thứ ba, theo luật nhân quả, mình phải đền bù những tội lỗi ở kiếp trước. Có lẽ đền bù chưa xong, nên cầu nguyện không có kết quả chăng?
 
Trái lại, cũng có nhiều người cầu nguyện và đã được toại nguyện. Có lẽ những vị đó đã đáp ứng đủ ba điều kiện vừa kể. Chúng ta thường gặp những vị này đem lễ vật lên chùa, cúng tạ lễ, theo phong tục của người châu Á. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid, theo CNN (17/6/2020), Rob Kochon ở Florida có xét nghiệm dương tính với coronavirus và sau đó phát bệnh nặng. Ông ngừng tim đến 3 lần vì phổi bị đông đặc, không hoạt động được. Trong thời gian ông bị bệnh, vợ ông là Carol, cùng sự giúp đỡ của nhà thờ và gia đình đã cầu nguyện mỗi ngày. Nay ông đã khỏi bệnh và dần dần bình phục. Hai vợ chồng ông đều cho rằng cầu nguyện đã cứu ông thoát chết. Và cũng theo CNN, Trung Tâm Nghiên Cứu PEW cho biết có đến 55% người Mỹ trưởng thành cầu nguyện cho dịch Covid chóng qua.
 
Khoa học cũng đang ra sức nghiên cứu xem cầu nguyện đem lại điều gì cho con người. Giáo Sư Brad Bushman thuộc Đại Học Ohio nói rằng “Người ta cầu nguyện khi cảm thấy không kiểm soát được tình hình, cần giúp đỡ của một Đấng-Ở-Trên-Cao. Do đó cầu nguyện trong đại dịch là chuyện bình thường”.
 
Dù là vậy, nhưng kết quả nghiên cứu khoa học về việc cầu nguyện giúp lành bệnh vẫn còn rất khiêm tốn. Hiện nay khoa học chỉ chứng minh được rằng cầu nguyện có ảnh hưởng đến tâm lý như làm giảm căng thẳng, giảm cảm giác cô đơn và giảm nỗi sợ hãi. Mà theo Giáo Sư Kevin Masters, bộ môn Sức Khoẻ Tâm Lý Lâm Sàng, thuộc trường Đại Học Colorado, Denver, tâm lý có liên quan mật thiết với các tiến trình sinh học của cơ thể, kể cả chức năng của hệ miễn dịch. Do đó cầu nguyện có thể tác động đến sức khỏe con người.
 
Như vậy trong thời đại của chúng ta, lời cầu nguyện có thể mang lại kết quả như ý mà cũng có thể không vì còn rất nhiều điều kiện cần phải đáp ứng. Nhưng kết quả trước mắt là chắc chắn có ảnh hưởng tốt đến tâm lý con người. 
 
Kết.
Riêng bản thân tôi, một tín đồ Cao Đài bình thường, thì cho rằng hiện nay có hai điều quan trọng cần phải để ý. Thứ nhất, những  hiện tượng tai họa thiên nhiên khá giống như trong “10 Điều Răn” đã tái hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Phải chăng loài người chúng ta đã vi phạm những quy luật thiên nhiên mà không hề muốn sửa chữa? Và những thiên tai này kể cả dịch Covid hiện nay là những trừng phạt của Mẹ thiên nhiên đồng thời là dấu hiệu của Hội Long Hoa?
 
Tuy nhiên, tôi chỉ là một con người trong số 7,825 tỉ dân cư của hành tinh này (2020), không có quyền lực, không có tài chính dồi dào, cũng không có năng lực gì đặc biệt, nên tôi cho rằng cầu nguyện là cách phù hợp nhất khi tôi bất lực và tuyệt vọng. Hơn nữa như đã dẫn ở trên, cầu nguyện giúp tôi giảm căng thẳng, giảm cảm giác cô đơn và giảm nỗi sợ hãi hay nói theo người xưa là “tâm bớt động”. Một khi “tâm không còn động” nữa thì chuyện sống chết tự nó giải quyết.
 
Nếu không biết phải cầu nguyện thế nào thì tôi xin đề nghị như sau: theo giáo lý Cao Đài, có năm lời cầu nguyện quan trọng tụng đọc mỗi ngày. Kính mời đồng đạo nào có cùng suy nghĩ với tôi tụng đọc Ngũ Nguyện.
1 . Nam mô nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai,
2 . Nam mô nhì nguyện phổ độ chúng sanh,
3 . Nam mô tam nguyện xá tội đệ tử,
4 . Nam mô tứ nguyện thiên hạ thái bình,
5 . Nam mô ngũ nguyện thánh thất an ninh.
* Từ Chơn

Sài Gòn, June 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét