THẦN ĐẠO trong CAO ĐÀI. * Từ Chơn.

Mở
Người em thứ tư của tôi từng nêu ra một câu hỏi "Khi so sánh với các tôn giáo khác, giáo lý Đạo Cao Đài của mình có gì đặc trưng ?" Đây là một thắc mắc tôi cho là căn cơ nhất của anh em tôi, nói riêng, và của người tín đồ Cao Đài, nói chung. Trả lời câu hỏi này, vừa khẳng định được tính độc đáo, vốn là gốc rễ để một tôn giáo phát triển, vừa là chìa khoá để mở chính cái bộ máy siêu hình mà người ta vẫn gọi là "linh hồn" của một con người.
Thiển nghĩ, để có câu trả lời triệt để, có lẽ chúng ta phải nghiên cứu lại khẩu hiệu “Tam Giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhất”. Tam giáo (Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo) và Ngũ Chi (Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo) vốn là những tôn giáo có sẵn trên thế giới, vậy chỉ còn lại “qui nguyên và phục nhất” là tương đối mới. Sở dĩ không nói “tuyệt đối mới” là vì Đạo Baha'i, từ năm 1844, đã đề cao nguyên tắc “Các tôn giáo đều có chung một nguồn gốc là Thượng Đế”. Đạo Cao Đài với tôn chỉ tương tự, mãi tới năm 1926 mới chính thức khai đạo. Vậy, có thể nói, Đạo Cao Đài và Đạo Baha'i thể hiện cùng một triết lý bằng hai phương pháp khác nhau.
Đọc lại nguyên tắc vừa nêu trên, ta thấy Tam Giáo và Ngũ Chi là một cặp từ ngữ đối, qui nguyên và phục nhất là cặp đối thứ hai. Trong bài khảo luận này, tôi xin được bàn về đôi thứ nhất. Chính nơi này phát sinh ra một vấn đề rất khó giải thích mà cũng là một đặc trưng của Cao Đài: Thần Đạo.
Hai cách hiểu
Theo tôn chỉ của Cao Đài, nhiệm vụ người tín đồ là “phổ độ chúng sanh”, nghĩa là cứu giúp hết những sinh vật, chứ không phải giúp riêng một nhóm người, một dân tộc, hay chỉ nhắm vào loài người mà thôi. Nói chung là bảo toàn sự sống trên trái đất này (Cao Đài gọi là địa cầu 68) và xa hơn nữa là toàn thể vũ trụ. Vậy thì cách phân loại tôn giáo trong khẩu hiệu trên phải được hiểu thế nào?
Từ trước đến nay, tín đồ Cao Đài hiểu theo hai cách phổ biến. Dĩ nhiên, nói như vậy nghĩa là còn nhiều cách nữa tùy theo từng cá nhân và điều quan trọng là không có cách nào đúng tuyệt đối cả. Xin trở lại với hai cách phổ biến nhất. Cách thứ nhất tuân theo nguyên tắc viết câu đối đã có từ rất lâu của người Trung Hoa và Việt Nam. Vì phần lớn các nhà thơ người Trung Hoa cổ mang nặng quan niệm “văn dĩ tải đạo”, nên trong văn chương thi phú luôn hiện diện những triết lý truyền thống như Lưỡng Nghi, Tứ Tượng, Ngũ Hành v.v…Ngoài nội dung luôn đề cao Chính thắng Tà (Âm Dương) thì hình thức văn chương cũng biểu lộ qua nhiều thể loại thi phú mà trong đó phổ biến nhất là các câu đối. Câu đối là thể loại biểu hiện triết lý Âm Dương rõ ràng nhất. Phần đông người đọc xem đây là một cách chơi chữ, một thú vui của tao nhân mặc khách, nhưng thực tế thì “thú chơi chữ” này chứa đựng những ý nghĩa thâm sâu hơn nhiều.
Thông thường, người ta nghĩ “đối” là chống lại, chọi lại. Từ đó viết câu đối nghĩa là ghép đôi những từ ngữ trái nghĩa nhau, thí dụ Thù đối với Bạn, Thương đối với Ghét, Nam đối với Nữ v.v…. Nhưng nếu chỉ đơn giản có vậy thôi thì chưa thấy hết những góc cạnh trong mối quan hệ cực kỳ phức tạp của Âm và Dương. Nếu đọc hết các câu đối sẽ thấy mối quan hệ mà người xưa gọi là “đối” còn những ý nghĩa khác hơn là “chống chọi”. Vì thế Giáo Sư
 
Phạm Công Thiện (dạy Đại Học Vạn Hạnh trước 1975) dùng cụm từ “Âm Dương đối đãi” chứ không dùng “Âm Dương đối nghịch”.
Thí dụ như cặp đối:
“Cao thượng Chí Tôn đại đạo hoà bình dân chủ mục,
Đài tiền sùng bái tam kỳ cộng hưởng tự do quyền”
 
Cao thượng Chí Tôn và Đài tiền sùng bái không hề trái nghĩa chút nào. Thực ra đôi từ ngữ này kết hợp nhau để phát sinh ý nghĩa mới. Đại đạo và tam kỳ hay hoà bình và cộng hưởng cũng vậy. Chỉ còn dân chủ mục và tự do quyền là hai khái niệm chính trị các dân tộc đương đại đang theo đuổi được trình bày song hành. Tóm lại, các từ ngữ đối nhau không chỉ có trái nghĩa, mà còn có thể tương đương, song hành, hỗ trợ, bổ sung, giải thích v.v…với mục đích tối hậu là trình bày ý nghĩa chính thức của cả cặp đối. Vậy không thể hiểu riêng biệt từng câu đối, mà phải theo nguyên tắc “một mà hai, hai mà một” của người xưa, kết hợp cả hai câu để thấy ý nghĩa tổng hợp sau cùng. Tương tự như vậy, khẩu hiệu Tam Giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhất không hề trái nghĩa, đối chọi nhau mà kết hợp với nhau để phát sinh ý nghĩa thật sự, đó là “Mọi giáo lý đều có chung nguồn gốc”.
Ngoài cách trên, còn cách hiểu thứ hai dựa vào sự phân loại. Cách này do những con số trong khẩu hiệu trên tác động. Thói thường, khi người ta đếm số là đã mặc định có động tác phân loại. Tuy nhiên có một số điều khó hiểu trong cách phân loại này nếu đối chiếu với những cách của giới học thuật phương Tây ngày nay. Theo khẩu hiệu, các tôn giáo được phân loại hai lần: lần một là (ba tôn giáo) Phật, Lão, Khổng và lần hai là (năm nhánh tôn giáo) Phật Đạo, Tiên Đạo, Thánh Đạo, Thần Đạo, Nhơn Đạo. Nhưng tại sao phải phân loại hai lần khác nhau như vậy ? Và dựa vào tiêu chuẩn nào để phân loại ?
Có thể hiểu rằng, lần thứ nhất, khi phân loại Phật, Lão, Khổng là dựa trên xã hội Trung Hoa, cả cổ đại lẫn đương đại, bởi vì đây là một quần thể tương đối lớn, có đến 1.444.883.150 dân so với 7,86 tỷ người trên thế giới (số liệu năm 2021). Đó là chưa kể những quốc gia lân cận trong vùng, như Ấn Độ, Nhật, Hàn, Việt Nam, Sri Lanka, Thái, Myanmar, v.v… cũng chịu ảnh hưởng sâu đậm hệ thống triết lý những tôn giáo này. Khi phân loại lần hai thì tính đến toàn thế giới nên có thêm Thánh Đạo và Thần Đạo. Đây cũng là một đặc trưng của Đạo Cao Đài và sẽ được trình bày tiếp theo ở những phần sau.
Cách phân loại đặc trưng Cao Đài
Theo bài giảng về Ngũ Chi của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc (ngày 28/11/1938 và 15/12 Nhâm Thìn - 1952) thì phân loại theo Ngũ Chi đặt cơ sở trên hệ thống triết lý. Những tôn giáo có triết lý chung một gốc, hoặc khá giống nhau sẽ được ghép vào một Chi. Mời đọc đoạn trích sau:
- Phật Đạo thì có Bà La Môn (Brahmanisme), Thích Ca Mouni (Cakymuoni), Pythagore Giáo.
- Tiên Đạo thì là Lão Tử Giáo, Dương Châu, Mặc Địch, Vạn Pháp, Bàn Môn cho tới Thầy Pháp, Thầy Phù, bóng, chàng, đồng cốt, v.v...
- Thánh Đạo thì là Thiên Chúa Giáo (Christianisme), Gia Tô (Catholicisme), Tin Lành(Protestantisme), Hồi Hồi (Mahométanisme).
- Thần Đạo thì là Trung Huê Phong Thần, Hi Lạp Phong Thần và Ai Cập Phong Thần, (Mythologie Chinoise, Grecque et Égyptienne).
- Nhơn Đạo thì là Socrate, Esobe, Platon v.v…ở Hi Lạp, Khổng Phu Tử (Confuciannisme), Mạnh Tử (Mentius), Nhị Trình Giáo v.v…chung cộng cùng cả Hớn Phong, Đường Thi, Tấn Tục tại Trung Huê từ trước. (TĐ ĐHP Ban Tốc Ký TTTN).
Tuy nhiên, cách phân loại này tạo ra hai điều khó giải thích. Điều thứ nhất là các đấng đứng đầu mỗi Chi. Theo tượng Ngũ Chi trên bàn thờ Đạo Cao Đài thì Đức Thích Ca đứng đầu Phật Đạo, Đức Lão Tử (thay mặt bởi Đức Lý Thái Bạch) đứng đầu Tiên Đạo, Đức Chúa Jesus đứng đầu Thánh Đạo, Đức Khương Thượng đứng đầu Thần Đạo và Đức Giáo Tông Cao Đài (cộng với 3 vị Chưởng Pháp và 3 vị Đầu Sư) đứng đầu Nhơn Đạo. Điều khó hiểu là ở chỗ Đức Khương Thượng. Tất cả những đấng liệt kê trên đều là Giáo Chủ, ít ra là phần lớn mọi người đều công nhận như thế. Chỉ riêng Đức Khương Thượng lại là một nhà chính trị và quân sự, mà Đạo Cao Đài thì lại không cổ vũ hai lãnh vực này.
 
Về chính trị, ta còn nhớ trong Thánh Ngôn tại đàn nhà Ông Hồ Quang Châu và Bà Phan Thị Lân ngày 15/9 Bính Dần, Đức Chí Tôn dạy rằng:
“… Trung, mặc kệ nó, chúng nghi cho các con lo quốc sự. Thầy vì các con xin lắm, mới ép lòng chịu vậy, chớ chánh trị với đạo chẳng buổi nào liên hiệp cùng nhau. Thầy nói ít các con hiểu nhiều”. Còn về quân sự, Thánh Lịnh Quốc Gia Hoá Quân Đội Cao Đài số 704/VPHP ký ngày 2/5/1955 (QĐCĐ - Tỉnh Tâm) của Đức Hộ Pháp cũng minh chứng việc Đạo Cao Đài không nhiệt tình ủng hộ quân sự.
Điều khó hiểu thứ hai là tước vị thiêng liêng của những người tu học thành công khi theo các tôn giáo trong các nhóm này. Người tu học thành công trong Phật Đạo gọi là Phật, Tiên Đạo gọi là Tiên, Thánh Đạo gọi là Thánh, Thần Đạo gọi là Thần và Nhơn Đạo gọi là Hiền. Cách phân loại này ngụ ý một hệ thống cấp bực, trong đó cấp thấp nhất là Hiền và cấp cao nhất là Phật. Như vậy thì dựa vào tiêu chuẩn nào ? Bởi vì khi mọi tôn giáo đã được xem như có cùng một gốc thì phân loại thấp cao sẽ tạo ra một sự phân hoá lớn khó giải thích.
 
Sơ lược về Thần Đạo trên thế giới
Giới học thuật Tây Phương ngày nay, khi bàn đến Thần Đạo, thì họ liên hệ ngay với thuật ngữ Đa Thần Giáo (Polytheisms), nghĩa là những tôn giáo thờ nhiều vị Thần. Theo các nghiên cứu, nhân loại bắt đầu thờ các vị Thần từ thời cổ đại ở Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Trung Hoa và nhiều nơi khác nữa trên thế giới. Ngày nay phần lớn các tôn giáo này chỉ còn là truyền thuyết. Tuy nhiên, cũng thấy một số còn hoạt động như những Tôn Giáo Dân Gian Trung Quốc, Thần Đạo Nhật Bản (Shinto), một số chi nhánh của Ấn Độ Giáo, những tôn giáo truyền thống ở Châu Phi hoặc Nam Mỹ v.v…
 
Người ta thường tôn thờ nhiều vị Thần khác nhau, kể cả Nữ Thần, Tà Thần và Ác Thần. Loài người nghĩ rằng các vị Thần, hoặc là đem lại ích lợi về mặt tinh thần hay vật chất, hoặc là gây sợ hãi thậm chí là gieo chết chóc như những Ác Thần. Những vị Thần thường được thờ cúng là:
- Thần Sáng Tạo.
- Thần Văn Hoá.
- Tử Thần.
- Thần Tái Kiếp.
- Thần Tình Yêu.
- Mẫu Thần.
- Thần Chính Trị (thường là Vua, Tướng Lãnh)
- Thiên Thần.
- Hoả Thần.
- Thần Mưa.
- Thần Sấm, v.v…
Các nghi lễ tế Thần tuỳ theo từng nước, từng dân tộc, từng bộ lạc. Nghi lễ gồm có từ nhảy múa, ca hát tập thể đến giết chết một con vật. Như ở Việt Nam, người ta cúng Thành Hoàng (vị Thần coi sóc các làng quê) bằng cách tổ chức hát bội và lễ vật là heo quay. Thậm chí ngày xưa, người Aztecs ở Nam Mỹ còn giết người để cúng tế. May là bây giờ không còn chứng kiến những điều kinh khủng như vậy nữa. Một điểm đáng để ý là không thấy có kinh điển chính thức nào truyền lại cho các đệ tử mà chỉ có những câu thần chú truyền miệng giữa những Thầy Tế với nhau. Vì không có kinh sách, nên triết lý của Thần Đạo được phát biểu tuỳ theo các vị Thầy Cúng còn đang hoạt động. Thí dụ như khi đến Mexico, các thầy tế người Maya sẽ nói về vũ trụ quan thế này, nhưng khi đến Australia, các thầy cúng thổ dân lại nói thế khác. Và hàng ngàn chi nhánh Thần Đạo khác trên khắp thế giới cũng có những quan điểm khác nữa.
 
Thần Đạo trong Cao Đài
Theo thánh ngôn Đạo Cao Đài, Đức Khương Thượng được chọn thay mặt cho Thần Đạo trên địa cầu 68. Ngài không phải là một vị giáo chủ mà là một nhân vật nửa lịch sử, nửa thần thoại ở Trung Hoa cổ đại.
Về mặt lịch sử, Đức Khương Thượng (Khương Tử Nha, Khương Thái Công, Thái Công Vọng, Lã Vọng) là khai quốc công thần nhà Chu thế kỷ 12 trước Công Nguyên và về sau là Vua nước Tề. Ngài nổi tiếng qua câu truyện Thái Công Điếu Ngư (Lã Vọng câu cá). Truyện kể rằng đã 60 tuổi mà Ngài vẫn chưa có được sự nghiệp gì, phải sống rất nghèo khổ. Ngài thường câu cá ở sông Vị và lưỡi câu luôn duỗi thẳng, không có móc. Một hôm Ngài gặp Tây Bá Hầu Cơ Xương, ông này hỏi tại sao vậy. Ngài trả lời không phải câu cá mà là câu minh chủ. Cơ Xương thấy lạ bèn hỏi thêm về việc trị nước và nhận ra Ngài là một thiên tài về quân sự và chính trị. Cơ Xương tôn Ngài làm quân sư và mời về giúp đánh lại Vua nhà Thương là Trụ Vương, người có tiếng là rất ngu muội và tàn ác với dân lành. Sau khi Cơ Xương mất, Ngài tiếp tục giúp người con là Cơ Phát lật đổ Trụ Vương, lập ra nhà Chu. Cơ Phát lên ngôi Hoàng Đế, phong cho Ngài làm chủ đất Tề. Từ đó Ngài trị vì nước Tề cho tới khi qua đời.
Về mặt thần thoại, Ngài nổi tiếng qua bộ sách truyện Phong Thần Diễn Nghĩa của nhà văn Hứa Trọng Lâm (có người nói là của Lục Tây Tĩnh) vào thế kỷ XVI. Vì sao mà Ngài lại trở thành một nhân vật trong tiểu thuyết? Các nhà văn Trung Hoa cổ thường lấy chuyện của những người có thật rồi ghép thêm các nhân vật trong thần thoại vào để ẩn dụ một triết lý nào đó. Thí dụ như trong Tây Du Ký, nhà sư Trần Huyền Trang (Đường Tam Tạng) thực tế có đi Tây Phương (Ấn Độ) để mang kinh Phật về dịch ra tiếng Hoa, nhưng những nhân vật đồng hành như Tôn Ngộ Không, Sa Tăng, Bát Giới cộng với đám ma quỷ theo quấy rối trên đường đi là tưởng tượng, không có thật. Câu truyện có mục đích là lồng triết lý Phật Giáo vào nội dung để cho không những giới tu sĩ, mà cả người thường, cũng biết triết lý Phật Giáo Đại Thừa.
Tương tự như vậy, bộ Phong Thần ghép những nhân vật lịch sử có thật (Trụ Vương, Đát (Đắc) Kỷ, Khương Thượng…), với những nhân vật hư cấu (Hoàng Phi Hổ, Thân Công Báo…) kể cả những vị Thần trong truyền thuyết (Kim Tra, Na Tra, Mộc Tra…) để tạo thành một câu chuyện thần thoại mà cho tới ngày nay cũng còn thu hút rất nhiều đọc giả ở khu vực Đông Nam Á. Hiện đã có rất nhiều bộ phim Phong Thần của Hồng Kông hay Đài Loan rất ăn khách, thậm chí phát cả trên YouTube.
Truyện kể rằng triều đại Nhà Thương có 3 giáo phái cùng phát triển rất mạnh. Đó là: Xiển Giáo, Triệt Giáo, Đạo Giáo. Đứng đầu 3 giáo phái lần lượt là Đức Nguyên Thủy Thiên Tôn, Đức Thông Thiên Giáo Chủ và Đức Lão Tử. Vì có đệ tử phạm luật Trời, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế ra lịnh cho Xiển Giáo và Triệt Giáo đưa 365 đệ tử phạm tội xuống trần để trừng phạt. Hầu hết những đệ tử được giao cho nhiệm vụ hoặc là giúp nhà Thương (Trụ Vương) hoặc là giúp nhà Chu (Cơ Phát), nghĩa là đối đầu với nhau trong chiến trận. Ai hoàn thành nhiệm vụ, mà vẫn giữ được mình không phạm luật Trời, khi chết đi sẽ được phong làm Thần.
 
12 đệ tử của Đức Nguyên Thủy Thiên Tôn, trong đó có Đức Khương Thượng, phải hạ giới phò nhà Chu đánh đổ Vua Trụ tàn ác. Nhiều vị Thần Linh trên Trời cũng được lịnh giáng trần để giúp họ. Riêng Đức Khương Thượng được giao nhiệm vụ lập Đài Phong Thần. Đến khi Vua Trụ bị lật đổ rồi, Ngài sẽ dựa vào công lao của các đệ tử trong các trận chiến mà phong Thần Vị cho họ.
Nghịch lý và ẩn dụ
Như thượng dẫn, khái niệm Thần Đạo trong đạo Cao Đài dẫn tới nhiều nghịch lý mà người tu học cần tìm hiểu cho thấu đáo. Giải những nghịch lý này, chính là trả lời điều mà Thiền Tông Phật Giáo gọi là công án.
Nghịch lý một. Hy Lạp cổ đại cũng có trường thi Iliad và Odyssey, kể lại những vị Thần chiến đấu bên cạnh con người. Ở La Mã, Ấn Độ, Peru v.v… cũng có những truyền thuyết tương tự. Vậy thì Thần Đạo mở ra trên khắp thế giới, tại sao lại chọn Đức Khương Thượng, một người Trung Hoa, thay mặt cho nhóm tôn giáo này. Điều này có phải vì thiên vị giống dân da vàng nói chung và người Việt Nam nói riêng, như một số người vẫn nghĩ không? Như vậy thì có phần nghịch lý so với tôn chỉ “xem mọi tôn giáo như một” của Đạo Cao Đài.
Thật ra không phải vì thiên vị đâu. Nên xét đến xã hội Việt Nam vào khoảng trước năm 1926 khi Đạo Cao Đài chưa khai mở. Lúc đó hệ thống giáo dục Việt Nam còn rất lạc hậu, số người biết chữ không nhiều như bây giờ. Thậm chí không có chữ viết riêng, phải học chữ Hán Nôm, nghĩa là viết chữ Tàu mà đọc theo tiếng Việt Nam. Thí dụ như viết 陛下, nhưng đọc là “bệ hạ” (đọc đúng tiếng Hoa là “bi xa”). Sách vở học đều của Trung Hoa như Tứ Thư, Ngũ Kinh, giải trí chỉ có truyện Tàu là chính. Do vậy, nếu nói về Thần Zeus, Hera, Athena của thần thoại phương Tây thì có lẽ người Việt khó cảm nhận hơn là Nhị Lang Thần Dương Tiễn, Na Tra, Mộc Tra. Vậy mục tiêu dễ phổ cập trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ là một trong những lý do mà Đức Khương Thượng kèm theo bộ sách Phong Thần Diễn Nghĩa được chọn làm bộ mặt của Thần Đạo trong Cao Đài.
Nghịch lý hai. Các vị Giáo Chủ trong Ngũ Chi đều có một hệ thống triết lý tôn giáo hẳn hoi để lại qua các kinh sách. Những triết lý này cho đến nay, loài người vẫn chưa học xong, thực hành thì được chăng hay chớ. Riêng Đức Khương Thượng lại để lại bộ sách 6 quyển Lục Thao (còn gọi là Thái Công Binh Pháp). Đây là sách dạy cách đánh trận, chứ không phải cách tu hành bởi Ngài là một nhà chính trị và quân sự. Tuy nhiên triết lý đạo Cao Đài không khuyến khích những hành vi quân sự, như đã giải thích ở trên.
Gút mắc này có thể giải như sau. Hầu hết các thần thoại từ Đông Phương sang Tây Phương đều kể chuyện về các anh hùng trong chiến tranh. Có lẽ vì trong thời cổ đại, trình độ giải quyết các mâu thuẫn của các sắc dân chỉ đến mức đó, nghĩa là chỉ biết dùng sức mạnh cơ bắp để quyết định thắng thua. Tuy nhiên, tổng thể các câu chuyện đều nêu rõ hai điều. Một là, trong đối đầu Thiện Ác thì Thiện cuối cùng sẽ thắng. Hai là, thế giới của Thần Linh là có thật và vẫn song hành với thế giới phàm tục trong mỗi hành vi hằng ngày. Hai điều này là ý tưởng kết hợp thuyết duy tâm và duy vật ngày nay, đáng để làm mẫu cho cả địa cầu 68 vậy.
Đặc biệt, Phong Thần Diễn Nghĩa nêu rõ một điều: dù chiến đấu cho phía chánh nghĩa hay phía phi nghĩa thì khi chết vẫn được phong làm Thần nếu giữ được những đức tính tốt đẹp của người anh hùng. Điều này được nêu rõ qua việc Xiển Giáo và Triệt Giáo, do không đồng quan điểm về cách làm việc, nên Xiển Giáo cho các đệ tử giúp Cơ Phát vốn được xem là chính nghĩa, còn Triệt Giáo giúp Trụ Vương là bên phi nghĩa. Tuy nhiên, các đệ tử của cả hai phe vẫn được phong Thần tuỳ theo công trạng của mình chứ không phải cứ theo phe chánh thì được phong Thần còn theo phe tà thì không. Ngay cả nhân vật phản diện Thân Công Báo, đệ tử Xiển Giáo nhưng lại giúp Trụ Vương, vốn là người có những mưu mô thâm độc nhưng khi chết đi cũng được phong làm Phân Thuỷ Tướng Quân, một vị Thần cai quản hai luồng nước nóng lạnh ở Đông Hải. Trong đạo Cao Đài cũng có một chuyện tương tự. Đức Hộ Pháp, trong Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống, kể rằng Ngài Vương Quan Kỳ vẫn an toàn đi qua cầu Nại Hà bắc ngang Khổ Hải bình thường dù lúc sinh thời Ngài tách ra theo chi phái, không theo Hội Thánh Tây Ninh nữa. Mà theo chi phái, theo Bát Đạo Nghị Định là bàng môn tả đạo, lẽ ra phải rớt xuống dưới Nại Hà. Đức Hộ Pháp dạy rằng Ngài Vương Quan Kỳ, dầu tách ra theo chi phái, nhưng vẫn tu học đúng nghĩa thì vẫn được công nhận trên cõi trời.
Dù sao, triết lý đáng học chỗ này là những ý tưởng, học thuyết, phương pháp này nọ ở thế gian không quan trọng mà đạo đức mới trường tồn ở cảnh thiêng liêng. Đúng hay sai ở thế gian không thể xác định được bằng tri thức của người phàm. Chính phái hay tà phái không quan trọng, mà tu học thế nào cho có đạo đức mới quan trọng. Thực tế xã hội cho thấy, chánh của người này là tà của người khác và ngược lại. Những quan điểm vốn là hiện tượng hữu hình ở thế gian sẽ bị ảnh hưởng bởi thời thế và sẽ bị triệt tiêu sau một khoảng thời gian nhất định. Điều này hợp với thánh ngôn của Cao Đài “…hữu hình thì bị diệt đặng, chớ vô vi, chẳng thế nào diệt đặng” 4-8-1926 TNHT QI. Và triết lý này chính là đặc trưng của Cao Đài.
 
Nghịch lý ba. Theo Đức Hộ Pháp trong bài diễn văn ngày 5/3/1928, “Với các nguyên nhân thì Ngũ Chi tỉ như một cái thang 5 nấc, bắc cho mình leo lên một địa vị ngang bực cùng Thầy, tức là Phật đó vậy”. Rõ ràng Đức Hộ Pháp công nhận có cấp bậc để người tu học theo đó mà hành đạo. Cụ thể từ thấp lên cao là Hiền, Thần, Thánh, Tiên, Phật. Nhưng trong loạt bài thuyết đạo Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống thì Ngài lại tuyên bố là khi về cõi trời các chơn linh (linh hồn) không có thứ bậc gì cả.
Qua lời dạy của Ngài, ta thấy cấp bậc chỉ dành cho người phàm trần. Người ở trần gian sống bằng đong đếm, hơn thua nên phải liệt kê cấp bậc thì họ mới hiểu. Nếu nói rằng “tu” chẳng “đạt được cái gì cả” thì họ chẳng thể nào hiểu nổi! Nói như vậy giống như đem chuyện hố đen vũ trụ mà nói cho anh nông dân nghe vậy. Hay gần gũi hơn là chuyện anh Việt kiều bên Mỹ ăn phở rồi ném cho con chó khúc xương. Ngay lập tức anh bị chủ con chó kiện, phải đền tiền vì cho chó của họ đồ ăn không hợp vệ sinh! Tội cho anh! Anh không hiểu thói quen ở quê nhà đâu có phù hợp ở nước khác. Và còn gần hơn nữa là nhiều người ở Châu Á đốt tiền, nhà, xe bằng giấy bồi mà nghĩ rằng người thân mình ở cõi Âm sẽ nhận được những thứ đó để…sử dụng! Họ không thấy một điều cơ bản là hai cõi Âm và Dương phải khác nhau cả về vật chất lẫn tinh thần. Ở cõi Dương, có chiếc xe hơi là ngon lành, nhưng ở cõi Âm đâu có di chuyển bằng đường lộ!
Vậy cấp bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật kia chỉ là ngón tay để chỉ mặt trăng. Hãy nhìn mặt trăng xem đó là gì, đừng săm soi ngón tay xem đẹp hay xấu. Chúng ta còn nhớ, trong Pháp Bửu Đàn Kinh, khi sư Trần Huệ Minh đuổi theo Đức Lục Tổ để giành y bát. Đức Lục Tổ để lại y bát trên tảng đá rồi tránh mặt. Trần Huệ Minh thấy y bát bèn đến để lấy, nhưng ông không nhấc nổi y bát lên. Khi ông quỳ xuống lạy và nói “Tôi đến vì pháp chứ không vì y”, Đức Lục Tổ mới bước ra và giảng pháp cho ông nghe. Lúc đó, không còn quan tâm đến áo mão (cấp bậc) nữa thì ông mới có thể hiểu đạo được.
Kết luận.
Có người có ý kiến rằng khi nghiên cứu Thần Đạo trong Cao Đài, ấn tượng lớn nhất là bộ truyện Phong Thần Diễn Nghĩa. Điều này khá lạ lùng, vì bốn chi kia (Phật, Tiên, Thánh, Nhơn) đều để lại cho loài người nhiều bộ kinh sách vĩ đại thí dụ như Kinh Phật,
Thánh Kinh, Tứ Thư, Ngũ Kinh, dạy con người làm lành lánh dữ hoặc cách thức tu hành. Riêng Thần Đạo lại liên quan đến bộ Phong Thần Diễn Nghĩa, là truyện nói về đánh nhau để dành hơn thua, địa vị. Phải chăng đó là một lời tiên tri cho Hội Long Hoa của địa cầu 68 hoặc thậm chí cho nước Việt Nam? Chắc tín đồ Cao Đài ai cũng biết thánh ngôn “Phong Thần đừng tưởng chuyện mờ hồ….”.
Tôi nghĩ rằng cũng rất có thể là như vậy, vì ngày nay nhìn ở đâu cũng thấy thù hận, hung bạo, chiến tranh, bạo chúa, chính nghĩa, phi nghĩa. Dù cho vũ khí bây giờ giết nhiều người hơn và nhanh hơn, nhưng nguồn gốc của những xung đột thì vẫn cũ xưa như trong bộ truyện Phong Thần vậy. Ngay cả trong tôn giáo non trẻ Cao Đài, số tín đồ chưa đáng là bao so với các tôn giáo bạn, mà cũng chia ra “Xiển Giáo” với “Triệt Giáo”, để rồi các tín đồ ra sức công kích nhau như kẻ thù địch. Ai cũng nói là mình đúng mà không chịu thấy là đúng hôm nay có thể là sai ngày mai. Mà cứ như vậy thì không biết chừng nào mới làm hoà được dù tín đồ nào cũng thuộc Thánh Ngôn, Kinh Sách làu làu và luôn luôn dạy người khác phải thương yêu giúp đỡ nhau! Tôi còn nghe một chuyện khá tức cười là ở Thánh Thất X, cơ sở rất khang trang so với số tín đồ khoảng 100 vị. Có điều các vị lại chia ra làm 4 phe xung khắc nhau, nên sóc vọng chỉ còn đi cúng khoảng mười mấy vị. Có lẽ chúng ta phải đọc lại Phong Thần Diễn Nghĩa để ngẫm nghĩ thêm về hành vi của mình chăng?
* Từ Chơn
Sài Gòn, 15 September 2021.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét