TÌM HIỂU VỀ TÂN LUẬT CAO ĐÀI. * HT/Mai Văn Tìm

1 - TÂN LUẬT LÀ GÌ ?
Tân Luật là luật tu mới, tức là luật tu của ĐĐTKPĐ, là các điều luật mà người chức sắc và đạo hữu Cao Đài  phải tuân theo để có thể tu hành đạt Đạo.
Các luật tu hành của thời Nhứt Kỳ Phổ Độ và Nhị Kỳ Phổ Độ là luật tu cũ, nên gọi là Cựu Luật.
2 - tẠI SAO PHẢI lẬp nên Tân LuẬt:
a - ĐĐTKPĐ là nền tân tôn giáo, còn Nhị Kỳ Phổ Độ đã trải qua hàng nghìn năm nên Cựu Luật không còn thích hợp với trình độ tiến hóa của nhơn sanh, nên phải lập ra Tân Luật.
Tân Luật duy trì một số điều luật căn bản của Tam giáo ngày xưa, đồng thời thêm vào những điều luật mới, phù hợp mức tiến hóa cao của nhơn sanh hiện nay.
b - Ngọc Hư Cung bác luật, Lôi Âm Tự phá cổ:
PCT chú giải: "Thí dụ như có kẻ hỏi: Sao Thầy không dùng Cựu Luật trong Tam giáo đã có sẵn rồi, lại lập chi Tân Luật nữa, mà buộc nhơn sanh phải yểm cựu nghinh tân vậy?
Ta lại đáp rằng: Chính Thầy đã giáng cơ nói: Ngọc Hư Cung bác luật, Lôi Âm Tự phá cổ; ấy vậy, Cựu Luật thì Ngọc Hư Cung đã biếm bác, còn Cổ pháp thì Lôi Âm Tự đã phá tiêu, vậy thì ngày nay, Cựu Luật và Cổ pháp chẳng còn ý vị chi hết.
Những bực tu hành mà tưởng lầm phải tùng Cựu Luật hay là Cổ pháp thì trái hẳn với Thiên điều của ĐĐTKPĐ thể Thiên hành chánh. Bởi cớ ấy nên Chí Tôn đã cấm Ngũ Chi phái Ngọc dùng Cổ luật mà mê hoặc nhơn sanh nữa".
 
c - Tùng theo cựu luật khó lập vị đặng:
PCT chú giải: "Hễ tùng Cựu Luật tức phải tùng Thiên điều, mà hễ tùng Thiên điều thì khó lập vị mình đặng".
Lời Thánh giáo Đức Chí Tôn đại ý trải qua mấy ngàn năm nay nơi Á Đông chỉ biết có một mình Huệ Mạng Kim Tiên tu hành đắc Đạo…
d - ĐĐTKPĐ với tôn chỉ Tam giáo qui nguyên Ngũ chi phục nhứt nên Tân Luật phải bao gồm cả 3 tôn giáo Nho, Phật, Lão.
PCT chú giải: "Ấy vậy, Tân Luật đã gồm trọn Tam giáo, tức là một thành ba, mà ba Cựu Luật của Tam giáo hiệp nhau thì cũng như một, nghĩa là Tân Luật."
3 - TIẾN TRÌNH THÀNH LẬP TÂN LUẬT:
Tiến trình lập thành Tân Luật diễn tiến như sau:
1 . Ngày 2-11-Bính Dần (6-12-1926), trong quyển Đạo Sử 2 của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu có bài Thánh Ngôn của Đức Chí Tôn dạy lập Tân Luật:
"…Phải ở luôn nơi Thánh Thất đặng lập Luật, sẵn nghe Thầy dạy:
- Khởi đầu lập Luật tu gọi là: Tịnh Thất Luật.
- Kế nữa lập Luật trị gọi là: Đạo Pháp Luật.
- Ba là lập Luật Đời gọi là: Thế Luật.
Các con hiểu à!"
2 . Ngày 14-11-Bính Dần (18-12-1926), trong quyển Đạo Sử 2 của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu có bài Thánh Ngôn của Đức Lý Giáo Tông dạy ngày nạp Luật và cách cãi Luật:
"Thượng Trung Nhựt, Hiền hữu nghe dạy:
Phải viết thơ cho các Thánh nói rằng: Buổi lập Luật phải ngưng sự phổ độ lại đôi chút. Lo cho xong Tân Luật thì mới truyền bá chơn đạo rõ lý hơn.
Vậy, ngày Đại lễ Thánh giáo Giáng sanh phải có mặt tại đây cho đủ và nạp Luật cho kịp ngày ấy.
Làm lễ xong, qua ngày kế thì chư Thánh mặc đại phục vào điện bái, rồi Hiền hữu biểu sắp ghế vòng theo đại điện. Hiền hữu và Ngọc Lịch Nguyệt lên tọa bửu vị, rồi theo chức phận chư Thánh ngồi vòng hai bên, như lúc Hiền hữu còn tại Thượng Nghị Viện, đặng cãi Luật đó vậy. (Chư Thánh là chư Chức sắc Thiên phong)
Hiền hữu chưởng quản làm chủ Hội. Mỗi vị Thánh đều đặng quyền cãi lẽ, nghe à!
Phải giữ phép, kẻ trước người sau, tùy phiên nhau cho có lễ: phái Thái trước, phái Thượng giữa, phái Ngọc chót.
Phải viết thơ cho Tương và Trang nạp Luật cho kịp một lượt với Thơ, nghe à!"
(Tương, Trang, Thơ là tên của ba vị Chánh Phối Sư lúc đó: Thượng Tương Thanh, Ngọc Trang Thanh, Thái Thơ Thanh).
3 . Ngày 20-11-Bính Dần (24-12-1926), Đức Chí Tôn giáng cơ nói về Tân Luật:
TNHT: "Vì vậy mà Thầy phải phế hết Bạch Ngọc Kinh, Huỳnh Kim Khuyết, giáng trần độ rỗi các con, chớ chi Thầy đến mà làm cho giảm sự khổ não các con chẳng đặng nữa thì thôi, lẽ nào còn lập Tân Luật ràng buộc các con thêm nữa....
Vì cớ mà Thầy buồn.....
Thầy tỏ thật, cái Luật lệ Thầy khiến các con hiệp chung trí mà lập thành đây, nó có ảnh hưởng về đạo đức Tiên phong Phật sắc của các con, nên Thầy buộc mình cam chịu vậy, chẳng Luật lệ thì trái phép, mà trái phép thì thế nào vào Bạch Ngọc Kinh cho đặng....
Vậy các con ráng làm phận sự cho hoàn toàn, rồi có Thái Bạch giáng cơ sửa luật."
4 . Ngày 12-12-Bính Dần (15-1-1927), trong Đạo Sử 2 của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, Đức Lý Giáo Tông giáng cơ dạy về việc chư Chức sắc Thiên phong trong Hội Thánh họp nhau cãi luật:
"Thượng Trung Nhựt, Hiền hữu cũng nên để tịnh tâm đặng lo cãi Luật, chẳng nên ham vui quá nghe!
Thầy sẽ ngự trong lúc cãi Luật. Lão giáng cơ trước khi mở Hội. Vậy khi chư Thánh đủ mặt, phải cầu cơ cho Lão dạy việc. Chừng Lão ngự đại điện thì tức cấp khai Hội liền.
Hết thảy đều mặc đại phục trong khi cãi Luật, chẳng nên thay tiểu phục. Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật ngự xem, coi ra khiếm lễ vậy! Nghe à!"
5 . Ngày 13-12-Bính Dần (16-1-1927), Đức Lý Giáo Tông giáng cơ dạy cách dâng Tân Luật lên cho Ngài:
TNHT: "Chưởng Pháp, Đầu Sư tọa vị. Phối Sư tam phái tới trước. Thái Thơ Thanh phải ôm bộ chú giải các luật, Tân Luật của các Hiền hữu đến dâng cho ba vị Đầu Sư. Ba vị Đầu Sư đồng đứng dậy bái và tiếp Luật một lượt, thế nào 6 bàn tay đều có trong bộ Luật, ngay giữa, dạy cả ba tiếp dâng lên, Chưởng Pháp cũng phải bái mà tiếp một lượt, đội dâng lên đại điện, day vô đưa lên chí trán.
Nghe dạy, Lão giao Luật nầy cho nhị vị Chưởng Pháp xem xét lại nữa, trong một tháng phải rồi, mà giao lại cho Hộ Pháp cầu Lão sửa Luật.
Phải làm một phòng thanh tịnh mà giả làm HTĐ.
Thập nhị Thời Quân phải có mặt, Thượng Sanh, Thượng Phẩm phải có mặt.
Phải tái cầu nghe dạy. Nhị vị Chưởng Pháp đem Luật để ngay tượng Lão một đêm nay.
 
TÁI CẦU:
Thiên điều mầu nhiệm của Đạo còn thiếu sót lắm.
Cười... Nhưng điều ấy chư Hiền hữu biết đâu mà lập cho đặng. Hại thay! Nếu chẳng có cơ mầu nhiệm bí mật ấy thì chẳng thành Luật, nếu chẳng thành Luật, thế nào thành Đạo?
Cười... Lão tâu cùng Đại Từ Đại Bi xin thêm vào Luật những điều bí mật yếu trọng. Ấy vậy, chư Hiền hữu cũng phải cầu khẩn với Lão, nội hạ tuần tháng nầy thì khởi nguyện, dặn các Thánh Thất, các Đạo hữu phải để lòng thành khẩn, hiệp sức làm một với Lão mà nài xin Thánh Luật, nghe à!
Hễ Đạo trọng thì tức nhiên chư Hiền hữu trọng. Vậy thì chư Hiền hữu biết mình trọng mà lo sửa vẹn người đời.
Từ đây Lão hằng gìn giữ cho chư Hiền hữu hơn nữa. Nếu Lão ép lòng cầm quyền thưởng phạt phân minh là có ý muốn giá trị của chư Hiền hữu thêm cao trọng hơn nữa. Vậy Lão xin đừng để dạ phiền hà nghe!"
Trong phần Chú Giải PCT, Đức Phạm Hộ Pháp có thuật lại buổi Đức Lý Giáo Tông dạy dâng Tân Luật:
"Đây xin nhắc lại khi Đức Chí Tôn ban lịnh lập Tân Luật.
Vì cớ nào Đức Giáo Tông lại giao cho Chánh Phối Sư xem xét chỉnh đốn trước khi dâng lên cho Ngài, kế Chưởng Pháp kiểm dượt, rồi mới đệ lên HTĐ phê chuẩn, sau rốt Hộ Pháp phải đem Luật ấy xuống CTĐ đọc mà ban hành.
Lại nữa, buổi ba vị Chánh Phối Sư dâng Luật, Hộ Pháp và Thượng Phẩm phò loan cho Đức Giáo Tông giáng sửa (13-12-Bính Dần). Ngài có truyền dạy ba vị Đầu Sư và Chưởng Pháp phải ngự trên ngai, đoạn đòi ba vị Chánh Phối Sư vào hành lễ, rồi kêu Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh mà dạy rằng: Hiền hữu coi Lão hành sự mà bắt chước.
Ngài lại dạy ba vị Chánh Phối Sư mỗi người phải dâng Luật thế nào cho đủ 6 bàn tay nâng Luật ấy, chẳng nên cho hở, đặng dâng lại cho Đầu Sư. Đầu Sư cũng phải cho đủ 6 tay mà dâng lên cho Chưởng Pháp, rồi Chưởng Pháp cũng đủ 6 tay mà dâng lên cho Ngài.
Khi ấy, Ngài dạy phải đi ngay lên đại điện, đưa qua khỏi đầu Hộ Pháp và Thượng Phẩm. Ngài hạ cơ xuống dưới đặng đi ngang qua cho khỏi Ngài nữa. (Hay)
Chưởng Pháp tiếp Luật rồi lại đưa ngay qua khỏi đầu Khương Thái Công và Thánh Chúa Jésus nữa.
Sau Hộ Pháp có để lời than cùng Thầy về điều ấy, thì Thầy cười mà phán dạy rằng: mắc Tiên vị của Thái Bạch còn ở dưới Thích Ca, Khổng Tử và Lão Tử, bằng chẳng vậy thì Bộ Luật cũng đi ngang qua đầu các Đấng ấy nữa, vì nó là Thiên điều đó con.
(Lời phê của Đức Lý: Cười... Cái giá trị của Tân Luật dường đó mà cả Hội Thánh coi rẻ rúng chẳng kể, làm cho Lão phải từ ngôi Giáo Tông đặng lấy Thiên điều khảo tội. Ôi thôi! Biết bao kẻ bị đọa lạc vào Phong đô vì đó.)
Bộ Tân Luật để trước Tiên vị của Đức Lý Giáo Tông một ngày một đêm cho Ngài xét đoán.
Bữa sau, Ngài giáng cơ than rằng: Thiên điều mầu nhiệm của Đạo còn thiếu sót lắm. Ngài cười rồi tiếp rằng: Những điều ấy chư Hiền hữu biết đâu mà lập cho đặng.... Hại thay! Nếu chẳng có cơ mầu nhiệm bí mật ấy thì chẳng thành Luật, nếu chẳng thành Luật, thế nào thành Đạo?
Ngài cười rồi tiếp: Lão tâu cùng Đại Từ Đại Bi xin thêm vào Luật những điều bí mật yếu trọng. Ấy vậy, chư Hiền hữu cũng phải cầu khẩn với Lão, nội hạ tuần tháng nầy thì khởi nguyện, dặn các Thánh Thất, các Đạo hữu phải để lòng thành khẩn, hiệp sức làm một với Lão mà nài xin Thánh Luật, nghe à!
Cười.... Hễ Đạo trọng thì tức nhiên chư Hiền hữu trọng. Vậy thì chư Hiền hữu biết mình trọng mà lo sửa vẹn người đời...
Từ đây Lão hằng gìn giữ cho chư Hiền hữu hơn nữa. Nếu Lão ép lòng cầm quyền thưởng phạt phân minh là có ý muốn giá trị của chư Hiền hữu thêm cao trọng hơn nữa. Vậy Lão xin đừng để dạ phiền hà nghe!
Ngài liền kêu hai vị Chưởng Pháp lên lấy Bộ Luật ấy xuống đặng dâng qua cho HTĐ, lại dạy Hộ Pháp và Thượng Phẩm xuống CTĐ đứng nơi vị mình. Hộ Pháp thì bắt ấn Hộ Pháp trấn trên Bộ Luật, còn Thượng Phẩm cầm Long Tu Phiến che trên ấn ấy, rồi dạy hai vị Chưởng Pháp như vầy: Ta kỳ cho một tháng phải nạp Luật.
Hai vị Chưởng Pháp lãnh kiểm dượt Luật trong một tháng, đem nạp hồi cho Đức Lý Giáo Tông, rồi Ngài mới cậy hai vị Đầu Sư thay mặt cho Ngài, đệ lên HTĐ dâng cho Hộ Pháp cầu Thầy giáng xuống sửa lại.
Nhờ Ngài và Hội Thánh cầu khẩn, Thầy đã giáng bút truyền các Bí pháp ấy cho Hộ Pháp.
Coi theo đây thì thấy rõ: Đức Giáo Tông kêu Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh xem Người hành sự mà bắt chước, thì đủ chỉ rõ rằng: Ngài ban quyền hành sự trọn vẹn cho Chánh Phối Sư, lại buộc cả ba đều để 6 bàn tay vào cho đủ, tức là buộc cả ba hiệp một mới đặng."
4 - TẠI SAO TÂN LUẬT CÓ GIÁ TRỊ NHƯ THIÊN ĐIỀU TẠI THẾ ?
"Hội Thánh hiệp nhau lập Tân Luật cũng như cả Thập nhị Khai Thiên lập luật. Thập nhị Khai Thiên lập luật giao lại cho Thầy, còn Hội Thánh lập Luật cũng giao lại cho Thầy. Vậy thì Tân Luật với Thiên điều cũng đồng giá trị". (trích TĐ- ĐHP, 14-2-Mậu Thìn (1928).
Tân Luật của Đạo Cao Đài là một Bộ Luật tu hành thời Tam Kỳ Phổ Độ, do Hội Thánh thay mặt nhơn sanh lập nên rồi dâng lên Đức Lý Giáo Tông giáng sửa, đồng thời có Đức Chí Tôn phê chuẩn. Do đó, Tân Luật là Bộ Luật vô cùng quan trọng của Đạo Cao Đài, có giá trị như Thiên điều, nên gọi Tân Luật là Thiên điều tại thế,
5 - TÂN LUẬT CÓ THỂ SỬA ĐỔI ĐƯỢC KHÔNG ? AI CÓ QUYỀN CHỈNH ĐỐN TÂN LUẬT ?
Tân Luật được Hội Thánh thay mặt nhơn sanh lập ra vào buổi mới khai Đại Đạo nên phù hạp với trình độ tiến hóa của nhơn sanh hiện nay. Khi nhơn sanh tiến hóa đến một giai đoạn cao hơn nữa thì nhơn sanh có quyền cầu xin Đức Chí Tôn cho phép sửa Luật, để cho Tân Luật nầy luôn luôn phù hợp với nhơn trí, làm cho Đạo Đời tương đắc mà dìu dắt cả nhơn sanh tiến hóa trong sự bác ái và công bình.
Pháp Chánh Truyền chú giải, phần quyền hành Chánh Phối Sư:
"Sao lại giao cho Chánh Phối Sư chỉnh đốn Tân Luật, ngày sau có phải giao cho CPS như vậy nữa chăng ?
Trên kia đã nói CPS là người thay mặt cho cả nhơn sanh giữa Hội Thánh, ấy là người làm chủ nhơn sanh trong nền Đạo, hễ gọi là chủ nhơn sanh, ấy là nhơn sanh vậy…
…Như ngày sau Thầy ban quyền cho nhơn sanh lập luật lại nữa thì người mới có quyền chỉnh đốn luật lệ như buổi nầy vậy?"
Theo đoạn PCT chú giải trên đây thì ngày sau muốn chỉnh đốn lại Tân Luật trước nhứt phải xin phép Đức Chí Tôn. Nếu Thầy cho phép thì 3 vị Chánh Phối Sư sẽ thu thập ý kiến của Hội Thánh đúc kết lại xong rồi cùng Đầu Sư, Chưởng Pháp, Giáo Tông dâng lên Đức Chí Tôn phê chuẩn…Thể thức giống y như buổi đầu thành lập Tân Luật.
6 - NHỮNG ĐIỂM TÂN LUẬT KHÁC VỚI LUẬT LỆ NHỊ KỲ PHỔ ĐỘ:
1). Tân Luật do 3 vị Chánh Phối Sư thay mặt cho nhơn sanh chỉnh đốn, đúc kết lại rồi dâng lên cho Đức Lý Giáo Tông phê chuẩn. Đức Lý dạy cả nhơn sanh và Hội Thánh hiệp sức với Ngài cầu khẩn Đức Chí Tôn ban cho Thánh Luật…Vậy bộ luật nầy do cả quyền Vạn linh và quyền Chí Tôn hiệp lại thành lập nên có giá trị như Thiên điều tại thế.
Còn luật pháp Nhị kỳ Phổ Độ chỉ do vị giáo chủ quyết định mà thôi. Và trong thời Nhứt Kỳ Phổ Độ Đức Chí Tôn cũng ban cho Thánh Môi Se Mười Điều Răn làm luật cho dân của Chúa.
2). Các phẩm trật Hành Chánh Đạo: chức việc thì do nhơn sanh trực tiếp công cử và sau đó muốn lên mỗi phẩm chức sắc cũng phải đưa ra Hội Nhơn Sanh duyệt xét trước khi dâng lên quyền Thiêng Liêng định vị.
Còn Nhị kỳ Phổ độ việc tuyển chọn chức sắc chỉ do Giáo hội tức Hội Thánh quyết định mà thôi.
3). Điều hành Giáo hội Cao Đài có một Hội Thánh anh ở Trung ương và hàng ngàn Hội Thánh Em ở địa phương. Hình thức Hội Thánh Em đặc biệt chỉ có trong Đạo Cao Đài mà thôi. Thời Nhị kỳ không thấy một mô thức như vậy.
4). Người chức sắc Đại Đạo được tuyển từ hàng tín đồ đi lên, nên chư chức sắc đều có gia đình bình thường và không bắt buộc phải ly gia cắt ái như thời Nhị kỳ Phổ độ.
5). Người tín đồ được thờ Đức Chí Tôn Thượng Đế nơi tư gia để cúng bái hằng ngày. Đây cũng là một pháp tu quan trọng của Cao Đài. Thời Nhị kỳ Phổ độ không có thờ Đức Thượng Đế nơi tư gia.
6). Đạo Cao Đài quan niệm ăn chay là để chơn thần thanh khiết nhẹ nhàng, còn ăn mặn thịt cá là trược chất nên bắt buộc người tín đồ phải ăn chay mười ngày trở lên mới được thọ truyền bửu pháp.
Thời Nhị kỳ Phổ độ thì không bắt buộc phải giữ thập trai.
7). Người tín đồ Cao Đài giữ tròn luật Đạo khi qui vị qua kinh tận độ vong linh mỗi giai đoạn đều biết linh hồn mình về tới cảnh giới nào. Và được về bái kiến Đức Phật Mẫu và Đức Chí Tôn rồi tùy theo tội phước, chơn linh mình tự định đoạt lấy mình…
Còn Nhị kỳ Phổ độ không thấy nói qua các cõi trời như vậy.
8). Trong đạo Cao Đài việc cúng vong hay cúng Cửu Huyền Thất Tổ và chư Thần Thánh…đều dùng toàn đồ chay để tránh việc sát sanh sẽ tạo thêm nghiệp quả xấu.
Các tôn giáo xưa không bắt buộc điều nầy.
9). Người chức sắc Đại Đạo không bắt buộc phải giữ hàng trăm giới luật như ngày xưa. Nên con đường tu có phần dễ dãi hơn khi xưa.
10). Nữ phái được cầu phong vào hàng chức sắc như nam phái, chỉ trừ phẩm cao nhứt là nữ Đầu Sư và Chánh Phối Sư chỉ có một vị còn các phẩm thấp hơn thì không giới hạn nhân số. Đây là một đặc ân rất lớn dành cho phái nữ so với thời Nhị kỳ Phổ độ.
7 - KẾT LUẬN:
Tân Luật tuy nhìn hình thức rất ngắn gọn, đơn giản nhưng bộ luật nầy đã được Đức Lý và Đức Chí Tôn phê duyệt nên mới gọi là Thiên điều tại thế. Nó có ảnh hưởng đến việc tu hành đạt Đạo của mỗi đạo hữu Cao Đài. Vậy chúng ta phải cố công học hỏi và ghi nhớ để thực hành mới khỏi điều sơ suất.
Xin mượn lời Thánh giáo Đức Chí Tôn để kết thúc bài nầy:
"Thầy tỏ thật, cái Luật lệ Thầy khiến các con hiệp chung trí mà lập thành đây, nó có ảnh hưởng về đạo đức Tiên phong Phật sắc của các con, nên Thầy buộc mình cam chịu vậy, chẳng Luật lệ thì trái phép, mà trái phép thì thế nào vào Bạch Ngọc Kinh cho đặng..."
* HT/Mai Văn Tìm
(10-2021)
Phần thảo luận nhóm gồm một số câu hỏi sau:
1) - Luật hôn nhân buộc phải kết hôn với người trong Đạo có những điểm lợi hại gì?
Tôn giáo hay đức tin, tín ngưỡng là thể hiện đời sống tinh thần của con người. Hai vợ chồng không cùng tín ngưỡng đôi khi xảy ra những sự xung khắc, khiến cuộc sống gia đ́nh không được êm đẹp hài ḥa…Việc giữ Đạo và hành Đạo cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, thí dụ việc ăn chay, ăn mặn, đi chùa, đi Thánh Thất, cúng giỗ hay không cúng giỗ…
Hai vợ chồng khác tín ngưỡng cũng ảnh hưởng đến việc dạy dỗ con cái. Con cái lớn lên cũng không biết nên theo tôn giáo của cha hay mẹ…Vì vậy trong Tân Luật quy định người Đạo nên lập gia đình với người cùng Đạo…
Ngoài ra trong lễ cưới nếu vợ chồng cùng Đạo sẽ được hưởng bí pháp đến Thánh Thất tụng kinh hôn phối và có chức sắc hành pháp để gặp nhiều may duyên trong đời sống hôn nhân. Ngoài bài kinh hôn phối nhắc nhở vợ chồng phải sống ăn đời ở kiếp với nhau như các câu: Trăm năm khá nhớ hương nguyền, Chồng hay trọn nghĩa, vợ hiền trọn trinh…, Và vị chức sắc hành pháp cũng đọc bài thi Tứ hôn của Đức Chí Tôn:
Thiên ân thử nhựt tứ thành hôn,
Măn thế bất ly thể dữ hồn…
(Ngày nay ơn Trời ban cho hai trẻ thành hôn,
Suốt đời linh hồn và thể xác không rời xa nhau)
Như vậy quan niệm Cao Đài, việc hôn nhân là do duyên nợ Trời định và đó là sự kết hợp trọn đời và người bạn đời phải cùng Đạo hay đồng ư nhập môn đó là đúng theo luật Đạo.
2) - Luật ly dị chỉ có một lư do duy nhất là bất hiếu với cha mẹ và cô bác có hợp lư không ? Nếu có cho biết lư do? Nếu không cho biết lư do?
Theo điều 10, chương Thế Luật quy định:
"Trừ ra có ngoại t́nh hay là thất hiếu với công cô, vợ chồng người Đạo không được bỏ nhau".
Như vậy có 2 lư do người Đạo có thể bỏ vợ hay chồng là: ngoại tình và thất hiếu. Chữ công cô có ý nghĩa là cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ. Quan niệm nầy ảnh hưởng từ Nho giáo. Theo đạo Nho rất coi trọng chữ hiếu và trinh tiết người đàn bà. Cao Đài gọi là Nho tông chuyển thế nên hai điểm căn bản nầy được đưa vào luật hôn nhân trong Tân Luật.
Xã hội ngày nay rất dễ dãi trong luật ly dị đưa đến tỉ số ly hôn ở các nước tăng cao. Có nước tỉ số ly hôn lên đến 70 %. Gia đình là đơn vị căn bản của xã hội mà t́nh trạng ly hôn làm cho nền tảng gia đ́nh bất ổn nên xã hội sẽ mất ổn định…
Luật lệ Cao Đài khó khăn trong vấn đề ly hôn là điều tốt trong việc phục hồi nền tảng gia đình cho tốt đẹp trở lại…Nhà nước có thể lập ra những cơ quan để hòa giải những sự xích mích va chạm trong đời sống hôn nhân tốt hơn là đưa ra tòa ký giấy li dị nhau…
3) - Một tín đồ phải độ 12 người vậy làm sao độ được?
Việc độ người nhập môn vào Đạo, đây là công quả phổ độ. Thánh giáo Đức Chí Tôn:
"…Muốn đắc quả thì chỉ có một điều phổ độ chúng sanh mà thôi. Như không làm đặng thế nầy, thì tìm cách khác mà làm ấm chất, thì cái công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng có thể đạt địa vị tối cao".
Tùy theo hoàn cảnh mỗi người, trong mọi giao tiếp, chúng ta có thể giới thiệu Đạo Cao Đài đến mọi tầng lớp xã hội. Bằng cách thăm viếng chuyện trò, tặng kinh sách Đạo cho những người quen biết…
Với tư cách BTS trong Thánh Thất, chúng ta nên nhắc nhở con cái nhà Đạo, khi đến tuổi 18 trở lên hãy cố gắng học hỏi kinh kệ, Thánh ngôn, giáo lý Đạo và nhập môn vào Đạo…
Đối với những người có khả năng soạn thảo giáo lý, làm video, ngày nay với các mạng xã hội có thể phổ biến Đạo cho số đông người trong Đạo và ngoại Đạo. Những người có duyên với Đạo xem được tự nhiên họ sẽ tìm vào Đạo… Nếu một bài viết mình soạn ra độ được nhiều người vào Đạo, dầu mình chưa gặp họ lần nào nhưng vẫn tính số người mình độ được…
4) - Tại sao buộc ăn chay một tháng 10 ngày?
Trong Phật giáo. Việc ăn chay 10 ngày trong tháng gọi là Thập trai hay Chuẩn Đề thập trai gồm các ngày mùng 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30. Mỗi ngày nầy có một vị Phật chủ tŕ, kết duyên, ban phước cho chúng sanh. Nếu ăn chay vào ngày nầy sẽ hưởng phước từ vị Phật đó…
Theo Đạo Cao Đài người tín đồ phải giữ thập trai trở lên khi qui vị mới được tụng đủ kinh tận độ vong linh, tuần cửu, tiểu tường, đại tường linh hồn được siêu thăng qua khỏi chín từng Trời về bái mạng Đức Phật Mẫu và Đức Chí Tôn…  Ngoài ra chức sắc làm phép xác cắt dây oan nghiệt cho chơn thần người chết dễ dàng thoát xác không bị dính mắc xác trần đau đớn…
5) - Tại sao phải về Thánh Thất cúng vào hai ngày sóc, vọng?
Sóc vọng là ngày mùng một và Rằm trong tháng âm lịch.
Theo quan niệm Nho và Lão giáo, ngày Sóc Vọng là ngày "Thiên địa giao thông". Cả ba cơi Thiên địa nhân được thông thương, không còn những chướng ngại trong 2 ngày nầy. Trời Phật chứng giám việc hành thiện của nhơn sanh. Ông bà tổ phụ về chứng chiếu ḷng thành của con cháu và các quỉ thần sẽ lánh mặt không làm nhiễu hại ai…
Theo giáo lý Cao Đài người chức sắc, tín đồ về cúng đàn lễ nơi Thánh Thất, được dâng đủ tam bửu (xác thân, trí não, linh hồn) lên Đức Chí Tôn và được Thầy ban lại nhiều hồng ân trong đời sống. Ngày thường cúng thời ở nhà chỉ dâng có hai bửu là rượu và trà (trí não và linh hồn) nên không hưởng ân huệ bằng cúng đàn nơi Thánh Thất.
Cúng đàn nơi Thánh Thất cũng là dịp anh em bạn đạo gặp lại nhau cùng hỏi thăm, trau đổi kinh nghiệm hành đạo, tu tập…Đồng thời nghe người đầu Họ đọc cho nghe những luật lệ, thông báo mới của Hội Thánh ban hành…
Tóm lại người đạo hữu nên siêng năng về Thánh Thất cúng vào ngày đàn lễ như Tân luật đã qui định.
6) - Đã có luật rồi mà ai đó vi phạm luật thì cơ quan nào, ai xét xử phạm nhân đó và hình phạt như thế nào?
Đạo Cao Đài thiết lập trên tinh thần dân chủ, có sự phân chia ra ba cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp…Cửu Trùng Đài là hành chánh Đạo. Còn Hiệp Thiên Đài là cơ quan bảo thủ luật pháp chơn truyền, trong đó gồm cả nhiệm vụ giải thích luật pháp, ngăn ngừa sự vi phạm luật Đạo…
Nhưng nếu có xảy ra vi phạm luật Đạo thì Tân Luật cũng có quy định cơ quan xét xử như các điều khoản sau:
 
CHƯƠNG VII:
Điều Thứ Hai Mươi Sáu:
Trong bổn đạo ai có phạm luật pháp về mấy điều khoản nhẹ, thì về quyền người làm đầu trong Họ phân xử và đặng răn phạt quỳ hương tụng Kinh Sám Hối.
Điều Thứ Hai Mươi Bảy:
Như phạm tội trọng hay là tái phạm, thì phải đệ lên cho Hội Cộng Đồng phán đoán.
Hội ấy một vị Đầu Sư hay là Phối Sư phái mình làm đầu và có hai vị Chức Sắc hai phái kia nghị án. Hội nầy được quyền trục xuất.
Điều Thứ Hai Mươi Tám:
Về đường đời bổn đạo có xích mích nhau, cũng phải đến cho người làm đầu trong Họ phân giải.
Điều Thứ Hai Mươi Chín:
Chư Chức Sắc, ai có phạm luật pháp trong đạo, thì đem trước Tòa Tam Giáo phân xử.
Điều Thứ Ba Mươi:
Tòa Tam Giáo có Đức Giáo Tông làm đầu. Ba vị Chưởng Pháp nghị án. Vị Đầu Sư phái mình về phần dâng biểu buộc tội. Một chức sắc Hiệp Thiên Đài làm trạng sư.
Điều Thứ Ba Mươi Mốt:
Tòa này có quyền xử giáng cấp hay là trục xuất.
7) - Người Đạo nhập môn rồi mà vì lý do bất khả kháng không thể ăn chay được thì có bị tội không ?
Người Đạo mình muốn ăn chay nhưng vì lý do nào đó không thể ăn chay đủ 10 ngày được thì coi như mình bị nghiệp lực gì đó nên đành chịu chớ không bị tội gì nhưng mình sẽ không được hưởng những quyền lợi như được tụng đủ kinh, làm phép xác,…
Mình có thể làm tốt ở những phần khác như cúng kiến, thực hành tam lập cho đầy đủ cũng có thể hưởng nhiều hồng ân Đức Chí Tôn ban cho.
8) - Nếu mình giết những sinh vật có hại cho người như ruồi, muỗi, gián… có tội không ?
Mình sát sinh bất cứ sinh vật nào cũng gây nên nghiệp không tốt. Mình có thể tìm cách xua đuổi chúng đi nơi khác thay vì giết chúng. Thí dụ dùng khói để xua đuổi muỗi, dùng long não xua đuổi gián chẳng hạn…
Trường hợp vì mưu sinh cho con người phải hy sinh loài vật như cày bừa để cấy lúa phải sát hại nhiều trùng bọ dưới đất…Điều nầy cũng phải chịu mà thôi.
Tóm lại là chẳng nên vô cớ mà giết hại chúng sinh và cũng không để tâm vui thích khi thấy người khác sát sinh hại vật…
9) - Bốn câu đầu trong Di Lạc Chơn Kinh lấy từ Phật giáo vậy Cao Đài theo pháp tu của Thần Tú hay Huệ Năng ?
Đoạn mở đầu bài Di Lạc Chơn Kinh như sau:
Khai Kinh Kệ,
Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp,
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ.
Ngã kim thính văn đắc thọ trì,
Nguyện giải Tân Kinh chơn thiệt nghĩa.
Thích Ca Mâu Ni Văn Phật thuyết
Di-Lạc Chơn Kinh.
Ý nghĩa diễn nôm như sau:
Kệ mở đầu bài kinh
Bài kinh sau đây chứa đựng pháp tu vô cùng thâm sâu vi diệu.
Trăm muôn ngàn kiếp khó gặp đặng.
Ta nay nghe biết được rán tụng đọc.
Nguyện giải cho đúng ý nghĩa chơn thật của bài Tân kinh nầy.
Ðức Thích Ca Mâu Ni Văn Phật thuyết giảng bài kinh tựa là:
Di-Lạc chơn kinh.
Đoạn khai kinh nầy do chính mình Đức Phật Thích Ca viết ra và Ngài ký tên ở câu chót.
Còn trong Phật giáo cũng có bài khai kinh thường đặt trước các bài kinh Phật do người đời thêm vào (tương truyền của hoàng đế Võ Tắc Thiên viết):
"Khai Kinh Kệ,
Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp,
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ.
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì,
Nguyện giải Như Lai chơn thiệt nghĩa.
Tạm dịch nghĩa:
Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Con nay nghe được chuyên trì tụng
Nguyện rõ Như Lai nghĩa nhiệm mầu".
(trích nguoiphattu.com)
Hai bài khai kinh nầy chỉ khác nhau vài chữ nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác biệt nhau. Cho nên ta có thể nói bài khai kinh trong Di Lạc Chơn Kinh có mượn lời kinh văn Phật giáo nhưng không thể nói Cao Đài lấy bài kinh của Phật giáo. Hơn nữa Đức Phật Thích Ca sợ người đời hiểu lầm nên Ngài đã ký tên ngay phía dưới, rõ ràng như vậy.
Bây giờ đến phần thứ hai của câu hỏi: Cao Đài tu theo pháp môn của ngài Thần Tú hay Huệ Năng ?
 
Ý kiến 1: Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển có bài Thánh giáo của Đức Thích Ca Như Lai kim viết Cao Đài như sau:
"Chư Sơn nghe dạy:
Vốn từ Lục-Tổ thì Phật Giáo đã bị bế lại, cho nên tu hữu công mà thành thì bất thành; Chánh Pháp bị nơi Thần-Tú làm cho ra mất Chánh Giáo, lập riêng pháp-luật buộc mối Đạo-Thiền...
Chư tăng, chư chúng-sanh hữu căn, hữu kiếp, đặng gặp kỳ Phổ-độ nầy là lần chót; phải ráng sức tu hành, đừng mơ mộng hoài trong giả luật. Chư-Sơn đắc Đạo cùng chăng là do nơi mình hành Đạo... Kỳ truyền đă thất. Chư-Sơn chưa hề biết cái sai ấy do tại nơi nào; cứ ôm luật Thần-Tú thì đương mong mỏi về Tây- Phương mà cửa Tây-Phương vẫn cứ bị đóng..."
Theo lời Thánh giáo trên, đây là vấn đề nhạy cảm nên tốt hơn hết chúng ta không nên đem việc nầy ra thảo luận.
 
Ý kiến 2:
Nếu nhìn trên khía cạnh pháp tu của Ngài Thần Tú là pháp tiệm tu và Ngài Huệ Năng là pháp tu đốn ngộ thì trong Đạo Cao Đài cũng có pháp tu tương tự như sau:
Chúng ta biết rằng Cao Đài là Tam Giáo qui nguyên và Cao Đài một trường học có 5 lớp nên người đạo hữu tùy theo trình độ tấn hóa đến đâu thì sẽ theo học lớp đó. Người có căn cơ còn thấp thì phải bắt đầu bằng việc học kinh kệ, cúng kiếng, giữ ngũ giới cấm, Tứ đại điều qui, ăn chay 10 ngày...Đó là pháp tiệm tu của Thần Tú. Còn người có trình độ tu cao thì ăn chay trường ngay và  có thể tu tập theo pháp luyện hườn nguyên tam bửu, thiền định để có thể khai ngộ...Đó là pháp đốn ngộ của Lục Tổ.
Vậy ta có thể nói Cao Đài có cả hai pháp tu của Ngài Thần Tú và Lục Tổ Huệ Năng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét