Sự Tấn Hóa Trong Bát Hồn. * HT/Mai Văn Tìm.

Theo quan niệm Cao Đài, sự sống trong Càn khôn vũ trụ chia ra làm tám đẳng cấp chơn hồn tức là Bát hồn.
Sau đây chúng ta hãy khảo sát sự thành hình và tấn hóa trong Bát hồn.
1 - Thánh Giáo Đức Chí Tôn dạy về sự tấn hóa của các đẳng chơn hồn:
"Các con đã sanh ra tại thế nầy, ở tại thế nầy, chịu khổ não tại thế nầy, rồi chết cũng tại thế nầy. Thầy hỏi:
Các con chết rồi các con ra thể nào? Các con đi đâu?
Chẳng một đứa hiểu đặng cơ màu nhiệm ấy. Thầy dạy: Cả kiếp luân hồi thay đổi từ trong nơi vật chất mà ra thảo mộc, từ thảo mộc đến thú-cầm, loài người phải chịu chuyển kiếp ngàn ngàn, muôn muôn lần, mới đến Ðịa-vị nhơn-phẩm. Nhơn phẩm trên thế nầy lại còn chia ra phẩm giá mỗi hạng. Ðứng bậc Ðế-Vương nơi trái địa-cầu nầy, chưa đặng vào bực chót của Ðịa-cầu 67. Trong Ðịa-cầu 67, nhơn loại cũng phân ra đẳng cấp dường ấy. Cái quý trọng của mỗi địa-cầu càng tăng thêm hoài, cho tới Ðệ-nhứt-cầu, Tam-Thiên-Thế-Giái; qua khỏi Tam-Thiên-Thế-Giái mới đến Tứ-Ðại-Bộ-Châu, qua Tứ-Ðại-Bộ-Châu mới vào đặng Tam-Thập Lục-Thiên; vào Tam-Thập-Lục-Thiên rồi phải chuyển kiếp tu-hành nữa, mới đặng lên đến Bạch-Ngọc-Kinh, là nơi Ðạo Phật gọi là Niết-Bàn đó vậy” (TNHT, 19-12-26).
Địa cầu chúng ta là địa cầu thứ 68 trong thất thập nhị địa, là nơi có đủ điều kiện tốt về nhiệt độ, khí hậu để vạn vật sinh sôi nầy nở, là nơi phát khởi sự sống mạnh mẽ từ loài thảo mộc, rồi các loài côn trùng, bò bay máy cựa, cho đến thú cầm rồi loài người,. . .
Trong 9 hành tinh quay quanh mặt trời chỉ có trái đất chúng ta gọi là hành tinh xanh có sự sống. Vậy không phải dễ dàng mà chúng ta có được một môi trường sống lý tưởng như vầy. Cho nên việc bảo vệ môi trường sống là điều rất quan trọng cho mọi sanh linh.
Và trái đất nầy không phải riêng của con người mà là tạo hóa ban cho muôn loài sinh vật, vậy chúng ta phải coi chúng sanh vạn vật như anh em thân thiết cùng giúp lẫn nhau ngày càng tiến hóa cao hơn, chớ không vì bất cứ lý do vì mà giết hại, sát mạng chúng sanh.
Chúng ta phải biết mình cũng đã chuyển kiếp muôn ngàn lần từ trong vật chất, thảo mộc, thú cầm rồi ngày nay mới được làm người. Chúng ta phải hướng về con đường tấn hóa đi lên từ địa cầu 67, 66, v.v… thì mới phù hợp với luật tiến hóa của càn khôn vũ trụ. . .
2 - Bát hồn hay tám đẳng cấp chơn hồn.
Thánh giáo Đức Chí Tôn: “Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi trong càn-khôn Thế-Giới thì khí Hư-Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái-Cực.
Thầy phân Thái-Cực ra Lưỡng-Nghi, Lưỡng-Nghi phân ra Tứ-Tượng, Tứ-Tượng biến Bát-Quái, Bát-quái biến-hóa vô cùng, mới lập ra Càn-Khôn Thế-Giới. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn-vật là: vật-chất, thảo-mộc, côn-trùng, thú-cầm, gọi là chúng-sanh.
Các con đủ hiểu rằng: Chi-chi hữu-sanh cũng do bởi chơn-linh Thầy mà ra, hể có sống, ắt có Thầy. Thầy là cha của sự-sống, vì vậy mà lòng háo-sanh của Thầy không cùng tận”. (TNHT, Bất sát sanh)
“Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có chư Thần, Thánh, Tiên, Phật. . .” (TNHT, 24-10-26).
Theo lời Thánh giáo trên tất cả chơn hồn trong càn khôn vũ trụ gồm có tám đẳng cấp : Vật chất hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn.
Bốn đẳng cấp đầu kể từ vật chất đến nhơn hồn gọi là chúng sanh, bốn đẳng cấp sau từ Thần hồn đến Phật hồn là các chơn linh cao trọng do nhơn hồn tu hành đạt đến thánh thiện lên đến Phật hồn. . .
Trong Luật Tam Thể Đức Cao Thượng Phẩm giải thích sự thành hình bát hồn như sau:
 “Trong Càn-Khôn vũ-trụ, có tám đẳng Chơn-hồn là: Kim-thạch hồn, Thảo-mộc hồn, Thú-cầm hồn, Nhơn hồn, Thần-hồn, Thánh-hồn, Tiên-hồn và Phật-hồn.
Từ lúc hỗn-độn sơ khai, âm-dương biến hóa thì trong khí Hư-vô đã có sẵn các tế-bào. Sau tiếng nổ, âm dương phân tách, khí Dương-quang là khí nhẹ-nhàng bay lên trên; còn khí âm là khí-chất chứa các tế-bào nên lóng xuống dưới.
Sau một chuyển thì các khí-chất trên liên-đới với tế-bào mà tựu lại thành chất-khí và biến thành vạn-vật.
Khi chưa thành hình thể hữu-vi thì chất khí vẫn là một cục lửa do khí Dương-quang đốt cháy. Sau đó, nơi Diêu-Trì Cung thâu Thập-Nhị Địa-Chi mà biến khí Dương-quang và chất khí làm ngũ-hành.
Vậy đất, nước, sắt đá và lửa được nảy sanh trước hết. Đó là Kim-thạch hồn.
Sau một chuyển nữa, nước, đất, đá, lửa và sắt mới tiết ra một chất khí, và liên-đới với các tế-bào lại mà tạo nên cây cỏ. Đó là Thảo-mộc hồn.
Sau một chuyển nữa, các cây cỏ chia tế-bào mà liên-đới với ngũ-hành tạo nên bách-thú. Trong đó có phần ở khô gọi là điểu-thú, có phần ở nước gọi là ngư-thú. Đó là Thú-cầm hồn.
Sau một chuyển, ngũ-hành hiệp với thảo-mộc mà nuôi thú-cầm. Trong thú-cầm, Chơn-hồn đã bước vào cơ tấn-hóa, do đó, tạo nên thủy-tổ loài người là la-hầu tức là người khỉ đó. La-hầu lần lần sanh-hóa, và nhờ điểm Linh-quang của Chí-Tôn mà lần đến loài người như hiện giờ. Đó là Nhơn-hồn”.
Chúng ta lưu ý đức Cao Thượng Phẩm nói thủy tổ loài người là la hầu tức là người khỉ có nghĩa lúc đầu loài người có hình dạng giống như loài khỉ rồi từ từ biến đổi hình dạng tốt lành như hiện nay chớ thủy tổ loài người không phải loài khỉ. . .
Vật chất hồn có nơi còn gọi là kim thạch hồn như trên gồm đất, nước, sắt, đá và lửa nảy sanh trước hết. . .
Vật chất hồn ở trạng thái rất đơn sơ nên chúng ta khó mà nhận biết rõ rệt, nhưng vẫn cảm nhận được như đá núi vẫn có sự sống , nhiều ngọn núi nhô lên ngày càng cao.
Một thí dụ khác với nước: Những năm gần đây một vị tiến sĩ người Nhật là ông Masaru Emoto làm thí nghiệm dán nhãn hoặc cho tác ý vào một khối lượng nước thì nhận thấy rằng khi tác ý những ý niệm tốt như: tình yêu, lòng biết ơn, hòa bình hoặc những loại nhạc năng lượng cao của Mozart... thì dưới kính hiển vi những phân tử nước trở thành những hình thể thật đẹp, đối xứng như pha lê. . .Còn khi bị dán nhãn đê hèn, tội ác, chửi rủa, hoặc những loại nhạc năng lượng thô…thì khi phóng to ra, các phân tử nước lại có những hình thể rất xấu xí và méo mó. . .
Nhiều người nhìn thí nghiệm nầy dưới góc độ là tư tưởng con người có tác dụng lên vật chất, nhưng ở khía cạnh khác chúng ta cũng có thể nói vật chất cũng có linh tánh nên mới có thể cảm nhận được tư duy của con người.
Theo giáo lý Cao Đài vật chất hồn hay kim thạch hồn thọ nhận một điểm nguyên hồn từ Đức Chí Tôn ban cho gọi là sanh hồn.
Thảo mộc hồn: tức là muôn loài cây cỏ đều có sự sống chết rõ rệt, khi sống thì cành lá xanh tươi, khi chết thì cành khô lá úa héo tàn... Các loài cây cỏ cũng thọ nhận một điểm nguyên hồn từ Đức Chí Tôn gọi là sanh hồn.
Có nhiều loại cây biết cử động như cây hoa mắc cỡ, cây bắt ruồi tức là chứng có tánh linh gần giống như loài thú cầm...
Thú cầm hồn: Tiến lên đến loài thú cầm ngoài sanh hồn chúng còn có thêm giác hồn, nhờ vậy loài vật biết cảm xúc, đau đớn, sợ hãi,...Có những loài cầm thú có trí khôn ngoan như khỉ, chó,...có những loài biết nói như két, chim sáo,... Đây là những đặc tính gần giống như người, điều nầy chứng tỏ loài vật sẽ tiến hóa lên người.
Nhơn Hồn: Con người, ngoài sanh hồn và giác hồn được Đức Chí Tôn ban thêm linh hồn nên mới có trí thông minh, biết phân biệt phải trái,...Cho nên người ta mệnh danh con người là động vật thượng đẳng cũng không sai.
Theo giáo lý Cao Đài mỗi người đều có tam thể xác thân, thứ nhứt thể xác là hình hài xác thịt do cha mẹ phàm trần sanh ra, thứ hai là chơn thần do Đức Phật Mẫu ban cho, thứ ba là chơn linh tức là linh hồn do Đức Chí Tôn ban cho vì vậy ta gọi Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu là cha mẹ thiêng liêng. Các tín ngưỡng nhân loại xưa nay đã biết điều nầy nhưng còn rất mơ hồ nay qua giáo lý Cao Đài chúng ta biết được rõ ràng và thờ phượng hai đấng hàng ngày nơi Thánh Thất và Điện thờ Phật Mẫu... Dĩ nhiên chúng ta biết được mình có cha có mẹ vĩnh viễn nơi cõi thiêng liêng đây là niềm hạnh phúc vô bờ cho đức tin mỗi người có nơi nương tựa vững chắc. . .
Theo Thánh giáo Đức Chí Tôn: “Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có chư Thần Thánh Tiên Phật”, Vậy chư Thần Thánh Tiên Phật do con người biết tu luyện mà thành, và đó là con đường tiến hóa bắt buộc mỗi người phải đi qua như lời Đức Phật Thích Ca: Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.
Hai phẩm Thần hồn và Thánh hồn qua kinh nghiệm xưa nay chúng ta biết được là những người thể hiện các đức tánh như trung nghĩa, khí tiết,...bảo quốc an dân thí dụ như Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Thánh nữ Jean D’Arc của Pháp, Thánh Gandhi của Ấn Độ,... Linh Sơn Thánh Mẫu núi Điện Bà, Thần Nguyễn Trung Trực, Thần Cử Đa qua cơ bút. . .
Hai phẩm nầy chúng ta chưa được biết bản thể thánh hình ra sao.
Đến phẩm vị Tiên tức Tiên hồn được đắc vị khi con người luyện được Tinh Khí Thần hiệp nhứt tạo được xác thân thiêng liêng, xác thân nầy trường tồn vĩnh viễn bất tiêu bất diệt. . .
Pháp tu luyện Tam bửu của Cao Đài là luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần hườn hư... khi luyện thành công thì đắc thành Tiên vị.
Đạt được Tiên vị rồi tiếp tục tu hành nữa để lên Phật vị (tức Phật hồn) đến Phật vị sẽ có lục thông là:
Thiên nhãn thông: Thấy tất cả các cõi giới và hàng chúng sanh khắp mọi nơi, mọi cõi.
Thiên nhĩ thông: Tai có thể nghe âm thanh ở các nơi các cảnh giới.
Túc mạng thông: Biết sanh mạng đời trước của mình, của chúng sanh và cả đời sau luân chuyển thế nào.
Tha tâm thông: Biết lòng dạ và tư tưởng của người khác rõ ràng không sai khác.
Thần túc thông: Bay nhảy khắp nơi trong nháy mắt, biến hóa nhiều phép thuật phi thường.
Lậu tận thông: Dứt tất cả phiền não, hoặc nghiệp chứng đến quả vị hoàn toàn giải thoát.
Đoạt đến Phật vị là hoàn toàn giải thoát khỏi luân hồi sanh tử.
Ngày nay trong cửa đạo Cao Đài, các phẩm trật chức sắc đều được đối phẩm trên cõi Thiêng liêng: Tín đồ đến Lễ Sanh vào hàng Thần vị. Giáo Hữu đến Chánh Phối Sư vào hàng Thánh vị, Đầu Sư đến Giáo Tông vào hàng Tiên vị. Nếu chúng ta đoạt thủ địa vị nơi cõi thế nầy một cách xứng phận thì về Thiêng Liêng sẽ vào ngôi vị đối phẩm như trên. Điều nầy được giải thích trong Pháp Chánh Truyền chú giải là bộ Hiến pháp của Đạo nên chúng ta an tâm tin tưởng không sai chạy.
Ngày xưa người ta muốn đoạt vị lên Thần Thánh Tiên Phật thật là muôn vàn khó khăn khổ não, nay Đức Chí Tôn đến lập đạo Cao Đài là một trường thi công quả, có sẵn những nấc thang để cả con cái Người bước lên từng nấc mà đoạt thủ địa vị so ra dễ dàng hơn ngày xưa rất nhiều...Nhờ vậy mà người tu sẽ trở về với số lượng rất lớn như câu kinh:
Trùng hườn phục vị Thiên môn,
Ngươn linh hóa chủng quỷ hồn nhứt thăng.
 
3 - Tam thể xác thân của con người.
Con người có ba thể:
- Thể thứ nhứt là xác thân do cha mẹ sanh ra.
- Thể thứ nhì gọi là Đệ-Nhị xác thân của Đức Phật-Mẫu ban cho. Còn thể thứ ba là Linh-hồn, do Đức Chí Tôn ban cho. Trong ba thể ấy phải hiệp lại mới thành con người, nhưng bản-chất nó khác nhau.
- Thể thứ nhứt là xác thân, có ngũ-quan, biết cảm-giác xúc động, do nơi khí bẫm của cha mẹ mà biến tướng ra. Nó thuộc về hữu-hình, luôn luôn chịu ảnh-hưởng của ngoại vật, hơn là ảnh-hưởng của tinh-thần.
Nếu nó chẳng chịu sự kềm thúc của linh-hồn là Đệ-Tam xác thân thì cũng như con vật mà không có người cầm cương. Nếu con vật mà không có người cầm cương gìn-giữ thì nó sẽ trở nên buông lung. Bởi lẽ ấy mà người tu cần phải thắng những cái dục vọng của Đệ-Nhứt xác thân. Đệ nhứt xác thân rất có ích cho toàn thể con người, nhưng nếu chẳng thắng đặng những điều dục vọng của nó, thì cũng rất có hại cho con người chẳng ít.
- Thể thứ hai là Đệ-Nhị xác thân, tức nhiên là Chơn-Thần của con người. Người ta gọi là cái vía hay là hào-quang đó. Nó do theo cái thể thứ nhứt mà biến hình, cũng như đồ bắt kế con vật. Đệ-Nhị xác thân mà chúng ta thường gọi cái vía, tức là bản-năng của chúng ta đó. Bãn-năng ấy là Chơn-Thần, mà chủ của nó tức nhiên là Phật-Mẫu.
Chơn-Thần là một thể vô hình bất tiêu, bất diệt, luôn luôn tiến-hóa hay ngưng trệ, do mỗi lần tái kiếp được dày công hay đắc tội. Nói cho rõ hơn nữa, thì nó là lục-dục thất-tình đó. Vậy khi lục-dục thất-tình được điều độ, là nhờ Đệ-Tam xác thân điều khiển nổi, bằng không, thì nó vì Đệ-Nhứt xác thân, tức là hình vật sai biểu theo bản-chất của nó.
Vậy Đệ-Nhị xác thân là hình bóng đi lập công, bồi đức. Thoảng như nó trọn nghe lời của Đệ-Tam xác thân thì được trọn lành mà về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, mà chúng ta gọi là đắc-quả. Còn nương theo thú chất hình vật là Đệ-Nhứt xác thân, là phải luân-hồi chuyển kiếp mãi mãi, chúng ta thường nói là bị đọa đó.
- Thể thứ ba là linh-hồn, do Đức Chí-Tôn ban cho, tức nhiên là một điểm linh-quang của Chí-Tôn chiết xuống, để cho con người biết hiểu, và khôn ngoan hơn loài vật. Người ta gọi là " thiên-hạ " đó. Vậy thể thứ ba như người cầm cương con vật. Đã nói rằng Đệ-Tam xác thân là kẻ cầm cương thì cũng hiểu rõ nó như thế nào rồi, vì sở hành và bản năng của nó giống như người cầm cương. Nếu nó sáng suốt mà chế ngự được Đệ Nhứt xác thân theo luật thiên-nhiên của Đức Chí-Tôn, thì nó được phần khen thưởng của Đức Chí-Tôn, như kẻ cầm cương biết cẩn thận trong phận sự của chủ nảy giao điều khiển con vật, và cái xe thì được chủ hậu đãi. Còn nếu Đệ-Tam xác thân chẳng thắng đặng Đệ-Nhứt xác thân, mà còn bị lôi cuốn vào đường tội lỗi nữa, thì phải bị sa đọa cũng như kẻ cầm cương không biết cẩn-thận để điều khiển con vật, hầu làm lợi ích cho chủ, thì phải bị rầy và quở phạt, có khi bị chủ đuổi đi là khác. . .
 
4 - Sự tấn hóa hay thoái hóa của các đẳng chơn hồn chúng sanh.
“Lúc khai Thiên lập Địa thì các đẳng Chơn-Hồn ấy phải đi từ vật-chất lên thảo-mộc, thú cầm, rồi mới chuyển kiếp làm người được. Tính ra, mỗi phẩm đi từ đầu chí cuối mà không bị lầm lạc, thì phải đủ chín chục ngàn kiếp ( 90.000 ) mới trở về Thiêng-Liêng vị được. Vì cớ mà các đẳng Chơn-hồn lúc bị lầm lạc, sa đọa, phải luân-hồi chuyển kiếp mãi mãi, chưa về đặng nơi cõi Thiêng-Liêng Hằng Sống...” (Trích Luật Tam Thể)
Về loài vật dầu cho Thượng-cầm hay Hạ-thú đều có thọ một điểm linh-quang của Đức Chí Tôn ban cho cũng như loài người vậy.
Từ loài vật nó cũng thay đổi nhiều kiếp mới tiến hoá lên loài người được, và chính nó cũng do sự tiến-hoá mà biến hình. Cũng có nhiều khi loài người làm nên tội ác trong kiếp sanh, mà phải bị luật thiên-khiển trừng phạt, rồi cho đầu thai trở lại làm loài vật. Cái Bí-Pháp của các nền Đạo-Giáo đã khai mở từ xưa, cũng như Giáo-Lý của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ đều dạy cho Môn-đồ về sự tiến-hoá của Bát-Hồn, và về sự luân-hồi chuyển kiếp, hoặc về sự bị giáng cấp của Bát-Hồn và do Luật Thiên-Điều phân định chí công.
Vậy một khi bàn đến loài vật, thì người có Đạo ai cũng nhìn rằng là bậc thứ ba của Bát- Hồn. Nó cũng có thể tiến-hoá lên phẩm người, và cũng có thể biến trở lại thảo mộc, tùy theo sở hành gián-tiếp của nó, nên có thể được hai bản-chất của loài người và của thảo-mộc. Luật tấn-hóa của thảo mộc, thú cầm, nhơn loại, nó từ từ tăng tiến mãi, nhưng cũng có thối hóa vậy”. (Luật Tam Thể) Thánh giáo Bà Bát Nương dạy về hình phạt Ngũ lôi tru diệt và Tận đọa tam đồ bất năng thoát tục như sau:
“Còn như bị ngũ-lôi tru-diệt thì luồng điện của Chơn-Linh bị đánh tảng, không hiệp được với Chơn Thần nữa, Chơn-Thần ấy cũng bị tảng ra và Phật-Mẫu thâu âm-quang lại. vì vậy, Chơn-Linh ấy phải xiêu lạc, chờ cơ ân-xá Phật-Mẫu ban cho Chơn-Thần lại mới được tái kiếp trả quả mà lập công.
Thoảng như, bị tận đọa tam-đồ bất năng thoát tục, thì Chơn-Linh phải bị ngăn cản, không hiệp được với Chơn Thần, làm cho Đệ-Nhị xác thân phải trở lại chuyển kiếp từ bực kim-thạch cho đến làm người, và phải chuyển trở lại đủ ba vòng mới được khởi lập công lại. . .”
Trong kinh Đại Thừa Chơn Giáo có đoạn:
“Còn sự tấn-hóa thì từ con thú đến làm người còn dễ, chớ người mà tấn-hóa đến Tiên, Phật khó thay, vì con người cả mang lòng dục-vọng, ham muốn, ưa chuộng tửu, sắc, tài, khí, lưu luyến tình đời, dâm dục quá độ, hung bạo không ngằn thì phải chịu thoái hóa trở lộn xuống mang lông đội sừng mà đền bồi tội quả”. ( ĐTCG)
Đức Chí Tôn cũng có dạy:
“Các con nghe: Như loại thảo mộc cũng có thọ nơi Thầy một điểm nguyên hồn. Nó cũng sống, nhưng trí hóa khờ ngây.
Các con coi đó, từ thảo mộc bắt đầu lên cho chí loài người, nó có 3 cái phép:
- Như thảo-mộc thì cái gốc trở xuống, ngọn day lên (gốc đầu, ngọn chơn).
- Rồi nó tấn-hóa đến bực thú cầm thì cái đầu, cái đuôi ngang nhau.
- Thú cầm qua nhơn-loại thì cái đầu trở lên trên cái chơn xuống dưới.
Vậy từ thảo mộc có một phần hồn. Thảo mộc tấn-hóa mãi, muôn vạn kiếp mới bước sang qua thú cầm thì từ thú cầm đã đặng hai phần hồn. Thú cầm mới dần dần tấn-hóa mãi, trăm, ngàn, muôn kiếp lên đặng làm người thiệt là trăm đắng ngàn cay, muôn thảm vạn sầu, biết bao nhiêu là công phu khổ hạnh, xả thân giúp đời một cách khó khăn cực nhọc, nhưng cũng vui lòng, mãn kiếp nọ sang kiếp kia, cứ lập công quả mãi.
Vạn vạn muôn muôn lần đầu thai mới qua đặng phẩm bực loài người, thì tấn-hóa đến loài người đã đủ trọn tam hồn thất phách.
Những con thú mới qua làm người thì còn khờ-khạo, ngu-ngây, tánh tình độc hiểm, nhưng biết khôn xả thân giúp đời thì chuyển kiếp đôi ba chục lần cũng đặng minh-mẫn, khôn-ngoan.
 Nhưng đã đặng làm người phải tấn-hóa, mà tấn-hóa mãi thì cần phải chịu chuyển kiếp trăm ngàn lần đặng học hỏi mọi lẽ thế gian. Ðặng làm người rất khó.
 
Người muốn tấn-hóa đến phẩm vị Tiên, Phật, Thánh, Thần thì phải tu tâm, dưỡng tánh, tích đức, thi ân. Từ đây mà lên đến địa vị Tiên, Phật rất là chua cay nông nỗi, có dễ dầu chi . . .”
Nhưng người nào có lòng thiện Ðạo tu hành, tánh cách hiền lương, hòa hảo thương yêu cả mọi người, thị của đời mộng ảo, không ưa vật chất, chỉ chuộng tinh thần, ý chán đời không lưu luyến đỉnh chung lợi lộc thì có ngày gặp Tiên, Phật chỉ truyền cái phép tu tánh luyện mạng, qui tam bửu ngũ hành, tạo thành ngôi vị. Ấy là tấn-hóa đến phẩm Tiên, Phật rồi thì tiêu diêu khoái lạc, an hưởng chốn thanh nhàn, không dời đổi biến thay”. (ĐTCG)
“Còn người không tu thì phải chịu ở mãi dưới thế-giới hữu hình này mà lập công quả, học hỏi cho khôn ngoan cho đến tánh cách chí thiện, chí mỹ thì chừng đó mới sang qua thế-giới khác, cũng làm y như vậy mà đặng sang qua thế-giới khác nữa. Ít ra con người phải đầu thai trăm ngàn lần, công phu khổ hạnh mới đặng bỏ địa cầu này đến địa cầu khác, khó nhọc biết bao, chuyển kiếp đi vòng quanh mãi, trong Tam-Thiên Thế Giới, Tứ-Ðại Bộ Châu, Thất-Thập-Nhị Ðịa, Tam-Thập-Lục Thiên. Ðúng ba nguơn sợ không có chí khó nhập vào Thiên-môn Phật-cảnh đặng. . .” (ĐTCG).
Pháp Chánh Truyền chú giải có dạy: “Trong Bát Quái Đài kể từ Tiên vị đổ lên cho tới Thầy thì đã vào địa vị của các Đấng Trọn Lành "classe des Parfaits ou des Purs", từ Thánh vị trở xuống nhơn vị thì vào hàng Thánh "classe des Épures" , từ thú cầm xuống vật chất thì hàng phàm tục "classe des Impurs" , ấy vậy trong Bát Quái Đài từ bực Thánh hồn thì còn phận sự điều đình Càn Khôn Thế Giái, giao thiệp cùng các chơn hồn, còn ở trong vòng vật chất, nâng đỡ, dạy dỗ cho phàm phẩm tấn hóa lên cho tới Thánh vị. Hễ vào đặng Thánh vị rồi thì tự nhiên mình biết lấy mình, dầu phải bị đọa trần đi nữa cũng còn giữ vẹn Thánh Đức mà tu hành đặng đạt đến địa vị trọn lành, lên địa vị trọn lành rồi thì mới đồng quyền cùng Tạo Hóa, từ bi, tự tại bất tiêu bất diệt”.
Ấy vậy, chúng ta phải tu để đoạt từ Tiên vị, Phật vị mới gọi là trọn lành và có pháp thân bất tiêu bất diệt.
Một đoạn Thánh giáo khác :
“Thầy đã nói đạo đức cũng như một cái thang vô ngần, bắc cho các con leo đến phẩm vị tối cao tối trọng là ngang bực cùng Thầy, hay là Thầy còn hạ mình cho các con cao hơn nữa.
Vậy Thầy lại dặn các con: Nếu kẻ không tu, làm đủ phận người, công bình chánh trực, khi hồn xuất ra khỏi xác thì cứ theo đẳng cấp gần trên mà luân hồi lại nữa, thì biết chừng nào đặng hội hiệp cùng Thầy.
Nên Thầy cho một quyền rộng rãi cho cả nhơn loại Càn khôn Thế giới, nếu biết ngộ kiếp một đời tu, đủ trở về cùng Thầy đặng, mà hại thay! mắt Thầy chưa đặng hữu hạnh hoan lạc thấy đặng kẻ ấy”. (TNHT, 19-12-26)
Chúng ta làm sao tìm ra con đường ngắn nhất để trở về cùng Thầy ?
 
5 - Nguyên Nhân, Hóa Nhân và Quỷ Nhân.
Hóa nhân là những chơn hồn tấn hóa đi từ nơi vật chất, thảo mộc, thú cầm rồi lên làm người.
Nguyên-nhân là Nguyên-Linh Đức Chí-Tôn cho xuống trần để học hỏi về cơ tấn-hóa.
Cũng có phần nguyên-nhân đến đặng mở cơ giáo-hoá để dìu dắt hoá nhân đi lên đường tiến-hóa song không ở trong số một trăm ức của Chí-Tôn đã cho xuống thế từ buổi thượng-ngươn.
Quỷ nhân : Các hóa nhân phạm tội mà trở nên quỷ nhân.
Nguyên-nhân do một Chơn-linh của Chí-Tôn chiết ra, nếu họ phạm tội thì Chơn-linh ấy trở về, và Chơn thần phải tái kiếp đặng đền bù tội lỗi. Chừng tội lỗi đền xong, thì Chơn linh sẽ trở lại, mà dìu-dẫn Chơn thần thêm nữa, trên đường tấn-hoá của họ.
Nguyên-nhân có cựu vị, nếu trong trường thi tấn-hóa mà họ đoạt được thì phẩm-vị ấy sẽ được cao thăng.
Còn như Chơn-thần quá ư mê muội thì cựu-vị của họ phải để trống.
Còn như hoá-nhân thì khi họ tạo được phẩm-vị, rồi họ mới được hưởng hồng ân của Chí-Tôn ban cho điểm linh-quang. Nguyên-nhân và hoá-nhân khác nhau ở chỗ đó.
Chừng hóa-nhân lập được vị rồi lại còn muốn lập vị thêm nữa, thì lúc xuống thế đặng lập công thêm nữa, cũng được gọi là nguyên-nhân.
Nguyên-nhân thì có Chơn-linh chế ngự, còn hóa-nhân khi tạo được vị, mới được ban bố hồng ân hưởng được Linh-quang. Còn như khi chưa tạo được vị, họ chỉ có giác-hồn chế ngự họ thôi.
Còn về quỷ nhân, tức quỷ ma, kinh Đại Thừa Chơn Giáo giải thích về quỷ ma như sau:
“. . .Con người hễ khi làm mất hết chơn-dương thì tất phải thuần-âm, mà người đã thuần-âm tuyệt-dương là
tất phải chết, mà chết như vậy thì tất phải làm ma làm quỉ, chớ không được nhập vào một thế-giới nào mà an nghỉ hết, dẫu thế-giới ấy là nơi Diêm-Phù cũng vậy.
Ðã không được nhập vào thế-giới nào thì lũ quỷ ma ấy chỉ phải nương tựa gió mây mà chờ ngày tiêu diệt thôi.
Và không nhập vào thế-giới nào được là cũng chỉ tại chúng nó đã làm cho tiêu mất hết cả phần chơn dương của chúng nó rồi. Chớ như các linh-hồn phạm tội, tuy vậy chớ còn được chút ít chơn-dương, vì còn chơn-dương nên còn nhập vô cõi Diêm-Phù mà chịu hình phạt được, mà hễ còn chơn-dương thì lại còn mong mỏi có ngày sẽ đầu thai trở lại được nữa. Bởi vậy tuy thọ hình trả quả nơi Diêm-Phù mà còn có phước hơn là làm ma làm quỷ . . .”
Nay là thời kỳ đại ân xá các chơn hồn quỷ ma cũng được ân xá đầu kiếp lên làm người để lập công chuộc tội, nên Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn có giáng cơ dạy như sau:
“Bần Đạo khi đắc lịnh cầm chưởng đạo lập Hội Thánh giáo đạo tha phương thì tùng lòng bác ái của Chí Tôn, mở rộng thế cho nhơn sanh dâng công đổi vị, Bần Đạo chẳng kể là nguyên nhân, hóa nhân hay quỷ nhân vì biết lập công thì thành đạo. . .”
 
6 - Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh.
“Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh.” Câu nầy trong bài Phật Mẫu Chơn Kinh được Đức Hộ Pháp giải nghĩa như sau:
“Trong Bát hồn kể Vật chất hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn,
Phật hồn do trong Kim Bàn của Phật Mẫu mà ra. Bát đẳng cấp thiêng liêng chơn hồn vận chuyển biến thành vật chất, thảo mộc, cầm thú và nhơn loại gọi là chúng sanh”.
Theo ý nghĩa nầy thì các chơn linh cao trọng cũng có khi đầu kiếp xuống trần sanh vào hàng chúng sanh tức từ vật chất cho đến con người.
Trong Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống, Đức Hộ Pháp có thuyết giảng: “Nếu một vị Phật muốn thăng lên nhứt phẩm liên hoa phải tái kiếp làm con vật, rồi đi từ con vật lên tới Phật vị mới được một từng liên hoa nữa. . .”
Chúng ta cũng biết được chư vị Bát Tiên cũng chiết chơn linh giáng phàm lập Đạo như Đức Quyền Giáo Tông là ngươn linh đại tiên Lý Thiết Quả, Đức Cao Thượng Phẩm là ngươn linh Đức Hớn Chung Ly, Đức Cao Thượng Sanh là ngươn linh Đức Lữ Đồng Tân, . . .
Vậy trong thế gian có rất nhiều người là ngươn linh của chư Tiên Phật giáng trần lập công để cao thăng Thiên vị. . .
7 - Tu là học để làm Trời.
Đâu đó trong kho tàng giáo lý Cao Đài, chúng ta có nghe câu: Tu là học để làm Trời, có đâu mãi mãi làm người thế gian. Đây không phải là ước vọng mà là một hành trình trên con đường tấn hóa của chơn linh.
Đức Hộ Pháp thuyết đạo ngày 29-4-Đinh Hợi (1947) “Ðại Từ Phụ là Cha cả Vạn Linh, chúng ta là con cái của Ngài, không phải chỉ hưởng phần hữu hình tại thế mà thôi, Ngài lại còn dành một phần quí trọng hơn là nhứt điểm linh quang, nhờ đó mà từ vật chất tiến đến thú cầm nhơn loại, mới tiến đến Phật vị mà ngang phẩm cùng Ngài, Ðức Từ Phụ là Phật, Ngài muốn cho con cái cũng thành Phật. Ðặng đạt quyền năng bí mật như Ngài, rồi lập ra một Càn Khôn Thế Giới khác. Luật thiên nhiên một ông Cha tạo nghiệp, thì con theo nghiệp Cha mà tạo ra sự nghiệp khác nữa.
Tuy trong buổi Tam Kỳ Phổ Ðộ, Bần Ðạo biết mở Ðạo Cao Ðài đặng tuyển chọn trong hàng Phật đạt kiếp từ tạo Càn Khôn Thế Giới đến kế vị Ngài. Trong buổi Ðại Từ Phụ mở Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ có treo bảng ở Ngọc Hư Cung, lập một ông Trời kế vị Ngài, nhưng chúng ta thấy trong hàng Phật có ba người: Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Ðức Chúa Christ, Thử hỏi ba người ai sẽ làm Trời. Ta tưởng ba người sẽ có một người làm được, mà người đó chúng ta biết chắc có, tuy không quyết đoán trước đặng, chúng ta mơ màng ngó thấy nhưng không dám nói. Hễ Ðấng nào đủ quyền năng trị thế, tinh thần cho cao trọng thâu phục cả tâm lý nhơn sanh vào khuôn Ðại Ðạo, gồm tinh thần tư tưởng loài người lại được, thì Ðấng ấy sẽ kế nghiệp Ðức Chí Tôn”.
Đức Chí Tôn cai quản cả càn khôn vũ trụ, trong đó có muôn ngàn càn khôn thế giới như quả càn khôn thờ nơi Đền Thánh. Nếu có một chơn linh Phật vị nào cao trọng đủ cai quản một càn khôn thế giới thì Đức Chí Tôn sẽ cho kế vị ngài cai quản càn khôn thế giới đó hoặc vị đó có thể tạo nên một càn khôn thế giới mới.
Tu là học để làm Trời có ý nghĩa là như thế.
 
8 - Phần kết:
Con người là sinh vật thượng đẳng trong chúng sanh. Về nguồn gốc, con người có thể đi từ vật chất, thảo mộc, thú cầm rồi tiến lên làm người. Hoặc xuất phát trực tiếp từ Đức Chí Tôn cho xuống trần để học hỏi về cơ tấn hóa, hay đến để giáo hóa chúng sanh. Kế đến con người có thể là chiết linh của các chơn linh cao trọng giáng phàm để lập công cao thăng thêm thiên vị.
Trần gian nầy là môi trường sinh động, nhà Phật gọi là biển khổ nhưng cũng là trường thi để các chơn linh
đến đây thi thố tài năng, lập công đoạt vị.
Đức Chí Tôn dạy rằng: lòng háo sanh của Thầy không cùng tận, có nghĩa sự sanh hóa vạn vật không bao giờ ngừng nghỉ. Các điểm linh hồn sanh hóa ra rồi sẽ đua nhau trên đường tấn hóa cho đến khi nhập vào niết bàn là Phật vị rồi còn tấn hóa nữa để nối nghiệp Đức Chí Tôn lập ra càn khôn thế giới mới. . .
Muốn đoạt Phật vị con đường tuy rất dài nhưng Đức Chí Tôn cũng cho biết: Thầy cho một quyền rộng rãi, cho cả nhơn loại càn khôn thế giái, nếu biết ngộ kiếp một đời tu đủ trở về cùng Thầy đặng. . .
Nếu chúng ta có tâm thật tha thiết mong cầu sự giải thoát thì hãy cầu nguyện Đức Chí Tôn và các đấng Thiêng Liêng dìu dẫn để được về cùng Thầy sau khi mãn kiếp sanh nầy, đó là điều hữu hạnh nhứt hơn mọi sự hạnh phúc ở trần gian nầy ./.
* HT/Mai Văn Tìm.
(11-2020)
Tài liệu tham khảo:
- Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
- Đại Thừa Chơn Giáo.
- Luật Tam Thể.

- Lời Thuyết Đạo Đức Hộ Pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét