Bản Án & Bản Cãi Án Cao Đài (Sưu Tầm: Tôn Hưng)

Mời quí đọc giả hoan hỷ đọc cả 2 phần : Bản Án và Bản Cải Án Cao-Đài để hiểu sự thật về sự thăng trầm của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, Toà Thánh Tây Ninh sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

CHƯƠNG I
BẢN ÁN CAO ĐÀI
CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC Việt Nam
TỈNH TÂY NINH (1978)

BẢN ÁN

Hoạt động Phản cách mạng của một số tên phản động trong giới Cầm đầu Giáo Phái Cao Đài Tây Ninh.

Đạo Cao Đài Tây Ninh ngày thành lập đến nay đã 52 năm. Trên nửa thế kỷ qua, một số tên trong những người cầm đầu giáo phái này không ngừng lợi dụng xương máu, mồ hôi, nước mắt của tín đồ, mà tuyệt đại bộ phận là nông dân và nhân dân lao động yêu nước, để làm hậu thuẫn chính trị phản động cho các đế quốc xâm lược nước ta qua thời kỳ lịch sử của dân tộc.

I . QUÁ TRÌNH CHỐNG CÁCH MẠNG, CHỐNG NHÂN DÂN LÀM TAY SAI CHO CÁC ĐẾ QUỐC XÂM LƯỢC NƯỚC TA QUA CÁC THỜI KỲ CỦA MỘT TÊN PHÃN ĐỘNG TRONG GIỚI LÃNH ĐẠO GIÁO PHÁI CAO ĐÀI TÂY NINH

***

1 . Thời kỳ thành lập Đạo Cao Đài (1926-1938)

Sự ra đời của giáo phái Cao Đài có một quá trình chuẩn bị và đạo diễn của bọn thực dân Pháp, mà trực tiếp chỉ đạo là những tên tình báo Pháp Bomet, Latapie, thống đốc Nam kỳ LeFol. Yù đồ của Pháp dùng mê tín thần quyền (thuật chiêu hồn của Ngô Văn Chiêu chủ trương, sau này gọi là cơ bút) để ru ngủ hướng dẫn khối nông dân yêu nước đi vào con đường thủ tiêu đấu tranh cách mạng, đồng thời ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng sản xâm nhập vào khối nông dân Việt Nam.

Xuất phát từ ý đồ thâm độc ấy, thực dân Pháp đã cho tập hợp một số tên quan lại, địa chủ phong kiến như: Đốc phủ sứ Ngô Văn Chiêu, Lê Văn Trung thư ký ngạch Toàn quyền Đông Dương, Cao Hoài Sang, thư ký Thượng Chánh Sàigòn, Cao Quỳnh Cư, Công chức Sở hoả xa, Phạm Công Tắc, công chức Sở Thương Chánh Saigon, Trương Hữu Đức, nhân viên Sở Mật Thám Pháp ở Saigon… đứng ra sáng lập Đạo Cao Đài. Đạo này được chánh thức thành lập ngày 17-10-1926 (tức 23-8 năm Bính Dần) tại Chùa Phật Từ Lâm Gò kén thuộc xã Hiệp Ninh Tây Ninh.

Tập đoàn cầm đầu Cao Đài có ý định bành trướng Đạo giáo này thành quốc Đạo, chuẩn bị cơ sở chính trị để nắm Chính quyền (theo thể chế quân chủ lập hiến). Vì vậy tôn giáo Cao Đài phát triển nhanh chóng lan rộng ở một số tỉnh, tập hợp được nhiều tín đồ. Thực dân Pháp hốt hoảng, dùng chánh sách “chia để trị” gây mâu thuẫn trong nội bộ giới cầm đầu, nên Đạo Cao Đài bị phân hoá chia ra nhiều Chi phái. Trong đó, phái Cao Đài Tây Ninh do Lê Văn Trung, Phạm Công Tắc cầm đầu là phái có ảnh hưởng và tín đồ nhiều nhất.

Trong một nước thuộc địa, nửa phong kiến, mọi người dân Việt Nam đều không có một chút quyền tự do dân chủ. Thế nhưng, tập đoàn cầm đầu tôn giáo Cao Đài nói chung và giáo phái Cao Đài Tây Ninh nói riêng được công khai thành lập và hoạt động, được nhà cầm quyền Pháp đương thời công nhận. Điều đó nói lên rõ ràng rằng tập đoàn cầm đầu Cao Đài chỉ là những người thực sự làm tay sai đứng ra thực hiện một âm mưu có lợi cho thực dân Pháp. Một bằng chứng rất rõ khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Đức đánh Pháp, những người cầm đầu giáo phái Cao Đài Tây Ninh đã đưa hàng ngàn thanh niên Đạo Cao Đài sang Pháp xung vào quân đội Pháp với luận điệu là “để trả ơn Pháp triều cho phép Đạo Cao Đài thành lập”.
* * *

2 . Thời kỳ làm tay sai cho Phát xít Nhật (1939-1945)

Pháp đầu hàng Phát xít Đức trong thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh thế giới thứ 2. Khi quân đội Nhật đổ bộ vào Đông Dương, những người cầm đầu Đạo Cao Đài Tây Ninh liền trở mặt phản bội Pháp và ngã theo Phát xít Nhật. Vì vậy, nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương đàn áp, khủng bố Cao Đài bắt Phạm Công Tắc đày ở Đảo Madagascar và cấm Đạo Cao Đài hoạt động.

Nhưng, dựa vào thế lực Phát xít Nhật, những người cầm đầu Đạo Cao Đài phái Tây Ninh còn lại, mà đại biểu là Trần Quang Vinh đã tích cực hoạt động theo ý đồ của phát xít Nhật.

Thời gian ấy, trong khi nhân dân ta nghe theo lời kêu gọi của Đảng đứng lên chống phát xít Nhật xâm lược nước ta, thì những người cầm đầu Đạo Cao Đài Tây Ninh lại bí mật liên lạc với Sở Hiến binh Nhật, mười hai vị Chức Sắc cao cấp do Trần Quang Vinh cầm đầu, đại diện cho toàn Đạo, ký giấy nhận làm tay sai cho phát xít Nhật ngày 1-12-1942 do những tên tình báo Nhật: Kimura, Mochizuki, Masusita trực tiếp điều khiển.

Họ đã dùng chiêu bài “dựa Nhựt đánh Tây ” để lừa gạt, đưa hàng ngàn thanh niên Cao Đài ra làm tay sai cho quân đội Nhật, dưới sự điều khiển của Bộ tham mưu quân đội nhật do sĩ quan Nhật huấn luyện quân sự, tình báo tại hãng tài Nitinan. Những nơi có Cao Đài Tây Ninh thì đại bộ phận Chức Sắc trong hệ thống Hành chánh chính trị Đạo là những tên tình báo, tai mắt của quân đội phát xít Nhật và chúng đã nắm tình hình phục vụ và phối hợp đắc lực với Nhật trong cuộc đảo chánh Pháp ở Đông Dương ngày 9-3-1945. Dựa vào thế lực quân đội Nhật, tập đoàn cầm đầu giáo phái Cao Đài Tây Ninh phát triển mạnh mẽ tín đồ và mở rộng địa bàn hoạt động trên nhiều tỉnh ở Nam Bộ và Trung Bộ. Họ tiếp tục lợi dụng khối tín đồ Cao Đài làm tay sai cho Nhật và làm hậu thuẫn chính trị cho Đảng Việt Nam quốc gia độc lập và chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim tay sai của Nhật chuẩn bị để đưa Cường Để ở Nhật về làm vua.

Cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam đánh Pháp giành được nhiều thắng lợi lớn, bộ mặt làm tay sai cho Pháp của bọn cầm đầu giáo phái Cao Đài và quân đội Cao Đài đã bị lật mặt nạ, nên năm 1950, chúng cho ra đời một tổ chức chánh trị phản động “Việt Nam phục Quốc Hội ” và năm 1951 Phạm Công Tắc cho tên Trình Minh Thế và một số tướng tá Cao Đài kéo một bộ phận quân đội Cao Đài ra rừng lập “Mặt Trận Quốc Gia liên minh ” (gọi là Cao Đài liên minh) với khẩu hiệu giả dối là “chống Pháp”, thực chất là nhằm lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Thủ đoạn xảo trá, ma giáo này nhằm để xoa dịu lòng phẩn nộ của quần chúng tín đồ, lừa gạt và tiếp tục lợi dụng quần chúng tín đồ làm tay sai cho đế quốc Pháp.

Pháp bại trận, buộc phải ký kết hiệp định Gèneve với Chánh phủ ta lập lại hoà bình ở Đông Dương tháng 7 năm 1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm vào lập Chánh phủ bù nhìn, Cao Đài giữ 4 ghế Bộ Trưởng trong Nội Các Diệm. Mỹ đã trực tiếp nhúng tay vào Việt Nam tìm cách hất cẳng Pháp. Mâu thuẫn Pháp Mỹ căng thẳng, thể hiện cụ thể ở miền Nam là mâu thuẫn giữa tập đoàn tay sai thân Pháp và tập đoàn Diệm thân Mỹ. Tập đoàn tay sai thân Pháp được Pháp giựt dây, Phạm Công Tắc đứng ra lập “Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia” tập hợp quân đội Cao Đài, Bình Xuyên, Hoà Hảo chống lại Diệm, do Tắc làm Chủ tịch Mặt Trận ấy với ý đồ đưa Bảo Đại về nước lập lại một chánh phủ bù nhìn thân Pháp ở miền Nam Nguyễn Thành Phương, Văn Thành Cao… là những tướng tá Cao Đài mà Mỹ và Ngô Đình Diệm mua chuộc được, cho kéo quân về Toà Thánh Tây Ninh đánh lại bọn thân Pháp trong Cao Đài. Vì vậy, bọn thân Pháp thất bại, tan rã, nên cuối năm 1955 Phạm Công Tắc và một số tay chân thân Pháp trong Cao Đài Tây Ninh được Pháp, Mỹ dàn xếp cho đi êm lên cư trú tại Phnom Penh (Camphuchia). Tại đây, dựa vào thuyết hoà hoãn “Chung Sống Hoà Bình Trung Lập ” của thế giới lúc bấy giờ đưa ra tại Hội nghị Quốc tế Băng Đung (Indonesia) của các nước mới giành độc lập, Phạm Công Tắc đưa ra giải pháp Hoà Bình Chung sống trung lập ở Việt Nam, theo kế hoạch của Deganlk.
* * *

3 . Thời kỳ làm tay sai cho Đế quốc Mỹ và Ngụy quyền miền Nam (1956-1975)

Sau một thời gian cấu xé lẫn nhau giữa 2 phe thân Pháp và thân Mỹ trong tập đoàn cầm đầu giáo phái Cao Đài Tây Ninh, phe thân Mỹ thắng thế, đưa quân đội Cao Đài liên minh nhập vào quân đội quốc gia của Diệm để làm tay sai cho Mỹ. Về mặt chính trị Đạo, Mỹ Diệm đưa Cao Hoài Sang về Toà Thánh cùng những Chức Sắc cao cấp khác như Lê Thiện Phước, Phạm Tấn Đãi, Cao Đức Trọng, Nguyễn Trung Hậu, Nguyễn Văn Mạnh, Phạm Văn Tươi, Trương Hữu Đức, Trương Văn Tràng, lèo lái Cao Đài theo con đường làm tay sai cho Mỹ, làm hậu thuẫn chính trị cho các chính phủ bù nhìn thân Mỹ ở miền Nam : Ngô Đình Diệm, Dương Văn Ninh, Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu.

Trong thời kỳ này, bọn tình báo Mỹ (CIA), mật vụ Diệm, đặc Uỷ Trung ương tình báo, cảnh sát Ngụy và các Đảng phái phản động tìm mọi cách lôi kéo người của Đạo, hoặc cài nhân viên của chúng vào hàng ngũ Chức Sắc Cao Đài qua con đường Ban Thế Đạo, để chi phối hoàn toàn giáo phái Cao Đài Tây Ninh làm hậu thuẫn cho chánh sách xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ. Dưới đây là một số thí dụ:
- Trịnh Minh Thế, Nguyễn Thành Phương, Văn Thành Cao và một số tướng tá khác của quân đội Cao Đài đã công khai gia nhập vào quân đội Diệm.
- Hai tên Lễ sanh Giang Thành Phước và Bùi Văn Côn, giáo viên trường Đức Trí là tình báo viên của cục an ninh quân đội Ngụy.
- Phạm Duy Nhung, Sĩ Tải và Trương Văn Quảng, Đại Tá Cao Đài làm tay sai cho tên trùm mật vụ thời Diệm Trần Kim Tuyến và Cao Xuân Vỉ.
- Hai giáo sư Nguyễn Văn Sâm, Từ Hiến Ngọc làm tay sai cho Đặc uỷ Trung ương tình báo Ngụy và quan hệ với Đại sứ Đài Loan ở Saigon
- Sau đảo chính Diệm, cuối năm 1963, những tên tướng Cao Đài chạy lên Phnom Penh như Nguyễn Tấn Mạnh, Trương Lương Thiện, Lê Văn Tất và gồm 70 tên sĩ quan khác đã trở về miền Nam tham gia Ngụy quyền miền Nam chống lại cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Lê Văn Tất được Mỹ tin dùng đưa làm Tỉnh trưởng Tây Ninh. Trong lúc này, Đế quốc Pháp có ý định nắm lại Cao Đài chắc hơn, nên dự kiến bỏ ra năm chục triệu đồng cho nhóm tướng tá và Chức Sắc thân Pháp tái vũ trang quân đội Cao Đài và mở rộng cơ sở kinh tế của Hội Thánh.
- Năm 1965, có đạo diễn của CIA, tập đoàn lãnh đạo Cao Đài Tây Ninh lúc bấy giờ cho ra đời Ban Thế Đạo dưới hình thức một thánh giáo của Phạm Công Tắc đêm mồng 9 tháng 2 Quý Tỵ, để tạo ra một cửa mở hợp pháp cho bọn tình báo, cảnh sát, nguỵ quân, nguỵ quyền, tư sản, trí thức phản động qua con đường này chui vào Đạo. Từ đó đến cuối năm 1974 đã có 1194 tên xin vào Ban Thế Đạo. Điển hình có  Nguyễn Văn Nhã, cựu tỉnh trưởng Tây Ninh, Hậu Nghĩa vào từ cấp vị Hiền tài đã vượt 4 cấp lên làm Thượng Chánh Phối Sư,...
- Mỹ Ngụy thất bại xuống thang chiến tranh sau tổng tấn công Mậu Thân của ta, thực hiện chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh, Mỹ Ngụy càng quan tâm nắm chắc phái Cao Đài Tây Ninh hơn nữa. Bọn CIA thông qua cơ quan viện trợ văn hoá Á Châu (là một tổ chức ngoại vi của CIA – ASIA – Foundation) hoặc vận động một số chánh phủ chư hầu Mỹ viện trợ tài chánh hàng trăm triệu đồng và nguyên vật liệu cho tập đoàn lãnh đạo Cao Đài Tây Ninh xây dựng viện Đại Học Cao Đài, bệnh viện, cơ quan phát thanh, nhà in, đường sá, chợ búa, vòng thành xung quanh nội ô Toà Thánh, chỉ riêng viện Đại Học qua Bộ giáo dục Ngụy quyền. Chúng cấp cho 39 triệu đồng để xây cất. Cũng thông qua số tiền viện trợ này, một số Chức Sắc cao cấp đã ăn cắp, cắt xén bớt để kinh doanh làm giàu riêng cho gia đình (hầu hết đều có cơ sở kinh tế kinh doanh riêng). Đồng thời Mỹ Ngụy đưa tướng Cao Đài Nguyễn Văn Thành về Toà Thánh để nắm cơ quan Thanh tra Chính trị Đạo, nắm các tổ chức võ trang trá hình của Đạo ( cơ Thánh vệ, cơ Bảo Thể), phát triển lưới tình báo. Liên gia phòng bảo trong hệ thống Hành chánh Đạo, đặc biệt là xung quanh Châu Thành Thánh Địa để khống chế kìm kẹp tín đồ và nắm tình hình báo cáo cho địch thực hiện kế hoạch bình định của Mỵ Ngụy, hình thành những cái “rọ” chứa thanh niên trốn quân dịch ở các cơ sở Cao Đài và bố trí cho Mỹ Ngụy hốt gọn từng đợt đưa vào bổ sung quân đội Ngụy.
- Trong thời kỳ Việt Nam hoá chiến tranh, những người lãnh đạo Cao Đài Tây Ninh đã cùng Linh Mục Nguyễn Văn Vàng (Thiên chúa), Thích Tâm Châu (Phật giáo) và một số tên phản động trong một số tôn giáo khác để tích cực hoạt động lập “Mặt trận liên tôn chống Cộng”.
- Trong quá trình lâu dài làm tay sai cho các đế quốc, những người lãnh đạo Cao Đài Tây Ninh đã dựa vào thế lực đế quốc chiếm đất, nhận hiến của tín đồ bao chiếm khai hoang ở tỉnh Tây Ninh và trong 28 tỉnh cũ là hàng ngàn Ha. Riêng ở Tây Ninh Hội Thánh đã chiếm làm chủ gần 3 ngàn ha, họ đã lập sở ruộng, sở cao su, vườn cây ăn trái và xây cất dinh thự nhà cửa cho tôn giáo. Ngoài ra, những người lãnh đạo giáo phái này còn lập ra một số xí nghiệp cơ khí tiểu công nghệ và thủ công nghiệp để kinh doanh bóc lột nhân công của người công quả hoặc hiến thân. Đại bộ phận các cơ sở này đều nằm trong huyện Phú Khương Tây Ninh .
(xem biên bản Hội nghị Nhân sinh năm 1974).

4 . Thời kỳ 30-4-1975 đến nay.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đại bộ phận tướng tá Cao Đài cũ và những người cầm đầu giáo phái Cao Đài ở Trung ương và địa phương đều còn ở lại miền Nam.

Mặc dù, chổ dựa chủ yếu của tập đoàn lãnh đạo Cao Đài trong 50 năm là các đế quốc và tay sai bị sụp đổ hoàn toàn, nhưng với bản chất giai cấp bóc lột và phản động của những người cầm đầu và bọn tướng tá Cao Đài cũng như bọn Ngụy quân, Ngụy quyền các cấp gốc là Cao Đài đã gây nhiều tội ác chống tín đồ, chống nhân dân, chống cộng sản đã có những hoạt động chống lại cách mạng, ngay sau khi cách mạng vừa giành thắng lợi hoàn toàn. Chúng đẩy mạnh chiến tranh tâm lý gieo rắc hoang mang và gây chia rẽ trong quần chúng như : áo đen (Việt Cộng ) làm áo trắng (ám chỉ Cao Đài ) hưởng, cách mạng chỉ giữ chánh quyền 100 ngày giao lại Đạo; Nhật sẽ nhảy vào thay, Bảo Đại, Bảo Long sẽ phục quốc,…Bọn Nguyễn Tấn Mạnh, Lê Văn Tất, Trương Lương Thiện và số tướng tá, chức sắc phản động khác tích cực hoạt động phục hồi lực lượng vũ trang Cao Đài, lập chiến khu, hình thành các tổ chức chính trị phản động. Bảo Long phục quốc, Bảo Sang dân tộc, Dân quân phục quốc, Biệt Đoàn Kháng chiến Tây Ninh để tập họp lực lượng phản động trong các vùng tôn giáo Cao Đài.

Đã bị quần chúng tín đồ vạch mặt, chánh quyền kiên quyết trấn áp các phần tử phản động trong Đạo. Nhưng, những tên tình báo tay sai của các đế quốc nằm trong giáo phái Cao Đài Tây Ninh vẫn tiếp tục lén lút hoạt động phản cách mạng. Tên Hiền tài Phạm Ngọc Trản, Hữu Phan Quân Lê Văn Thoại (trung tá Cao Đài), Võ Văn Nhơn (rễ Trần Quang Vinh), Đinh Văn Phẩm, Đại uý Cao Đài và nhiều Chức Sắc từ cao cấp đến cơ sở, nhiều sĩ quan Cao Đài đã đứng ra dựng lại cái thây ma mà Phạm Công Tắc đã lập ra đã chết từ lâu “Mặt trận thống nhứt toàn lực quốc gia ” hoặc lập ra “Mặt trận nhân dân cứu quốc”, “Hội Đồng Hoà giải”, Lễ sanh Đinh Văn Kịp có ý định dựng ra tổ chức “Thanh niên chính nghĩa đoàn” thay cho tổ chức Đại Đạo thanh niên Hội đã bị giải tán. Các tổ chức phản động này dựa vào các vùng Cao Đài trong tỉnh Tây Ninh và ở các tỉnh miền Nam, dựa vào những sĩ quan và binh sĩ cũ của quân đội Cao Đài, dựa vào Chức sắc Chức việc chống cộng và dựa vào số con em của Chức sắc, Chức việc đã từng ở trong guồng máy ngụy quân, ngụy quyền, để tập hợp lực lượng chính trị phản động và tổ chức phát triển lực lượng vũ trang phản động đưa ra rừng (Bảo quốc quân), cày trong dân (dân vận quân) cày trong nội bộ cách mạng (địch vận quân). Chúng lập một khu võ trang trong rừng, đẩy mạnh hoạt động rãi truyền đơn, giết hại cán bộ cách mạng, cướp vũ khí, ăn cướp vũ trang. Đặc biệt, chúng chủ trương ám sát anh Trương Ngọc Anh, phẩm vị Thừa sử là một Chức Sắc Cao Đài yêu nước, đã tham gia làm đại biểu Quốc Hội thống nhứt khoá IV của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Trong Chức Sắc Cao Đài, thì bọn phản động truyền miệng hoặc sao chép tay bài thư “Chùa Hương Tích ” xuyên tạc chữ Cách mạng gây hoang mang lợi dụng chiến tranh biên giới Việt Nam – Campuchia xảy ra, lấy chiến tranh hù doạ quần chúng để kết nạp tín đồ, phục hồi cúng nước liên gia, cột tín đồ gắn chặc với Hội Thánh giữ tín đồ ở lại xung quanh Toà Thánh chống chánh sách, phân bổ lại lao động và xây dựng lại vùng Kinh tế mới của Nhà nước trong đợt truy quét bắt nhóm “Mặt trận thống nhứt toàn lực quốc gia ” của Phạm Ngọc Trản tháng 12-1973  (?) và đợt truy quét bắt bọn tàn dư Đinh Văn Phẩm, Đinh Văn Kịp ở Giáo Tông Đường (2/1978) khám xét các Thánh thất, dinh thự ở nội ô Toà Thánh của giáo phái Cao Đài Tây Ninh đều có tài liệu hiện hành chống cách mạng, lén lút lưu hành trong các Chức Sắc, chức việc và những cơ sở này đều là nơi chứa chấp, bao che, nuôi dưỡng bọn phản động vũ trang ngoài rừng, bọn tay sai của Mỹ Ngụy ở các tỉnh có nhiều tội ác sau giải phóng trốn trình diện, trốn cải tạo, chạy về Toà Thánh Tây Ninh để ẩn náu và được những người cầm đầu Hội Thánh phong phẩm vị và giao việc Đạo để làm bình phong nguỵ trang các cơ sở nhà in, cơ quan phát thanh Cao Đài, máy chữ của Toà Thánh đều được bọn phản động dùng để in ấn tài liệu truyền đơn phản động chống cách mạng.

Trong số người bị ta nghiêm trị trong các tổ chức phản động nói trên, đã có hàng trăm tên là Chức Sắc đương chức của giáo phái Cao Đài Tây Ninh.

***

II . KẾT LUẬN

Nhìn lại quá trình lịch sử của giáo phái Cao Đài Tây Ninh nhận thấy rằng :
1 . Giáo phái Cao Đài Tây Ninh là một tổ chức chánh trị dưới hình thức tôn giáo của một nhóm người quan lại, địa chủ phong kiến đứng ra sáng lập, có tham vọng chánh trị, tham vọng cầm quyền nhưng họ tập hợp và lợi dụng được một khối tín đồ khá lớn mà đại bộ phận là nông dân và nhân dân lao động có tinh thần yêu nước bằng các thủ đoạn giáo lý thần quyền. Phương pháp cơ bản để thực hiện tham vọng của họ là dùng “Thuật chiêu hồn ” tức là “cơ bút ”. Thông qua hình thức đó, để họ nói lên những ý đồ, âm mưu và hành động của họ mà gọi là “Thánh giáo ”, “Thánh lịnh ”, “Thánh ngôn” của Trời, Tiên, Phật, hoặc Giáo Tông, giáo chủ dạy bảo. Họ lấy các lời cơ bút ấy hướng dẫn tư tưởng và hành động cho tín đồ nhằm để lừa mị, và lợi dụng lòng yêu nước của tín đồ mê tín thần quyền và che đậy giả tâm của những người lãnh đạo.

Vì có tham vọng chánh trị, tham vọng cầm quyền, nên những người cầm đầu tổ chức Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh và hệ thống của nó là Bộ máy nhà nước và hệ thống Hành chánh của nhà nước trá hình, để khi nắm được chánh quyền thì biến nó trở thành hệ thống nhà nước. Thể hiện ý đồ này khá trung thực trong ý kiến của Lại Viện về vấn đề phân bố tín đồ các địa phương, mẫu Sớ Cầu Đạo giống như thẻ căn cước và trong cuốn lịch sử Đạo Cao Đài thời kỳ phục quốc 1941-1946, Trần Quang Vinh viết khá thành thực “Đạo Cao Đài là một tôn giáo có tánh cách chánh trị … mỗi tín đồ Cao Đài là một Đảng viên của Đảng Việt Nam Phục quốc Đồng Minh Hội ”…

Tham vọng lớn, nhưng thực lực không mạnh, đường lối cơ hội cải lương phản động luôn luôn dựa vào đế quốc, phản lại lợi ích và nguyện vọng của tín đồ, của nhân dân, của dân tộc, nên tham vọng của họ trong từng thời kỳ luôn luôn bị thất bại thảm hại.

2 . Lịch sử giáo phái Cao Đài Tây Ninh do những người cầm đầu dẫn dắt trong nửa thế kỷ qua, là một quá trình liên tục lợi dụng khối quần chúng tín đồ và những người cầm đầu nối tiếp nhau làm tay sai cho các đế quốc xâm lược nước ta, đã làm hoen ố thanh danh Đạo. Tư tưởng chỉ đạo của nhóm cầm đầu tôn giáo này là hệ tư tưởng phản động. Vì vậy, họ không bao giờ có tinh thần độc lập dân tộc, chống Đế quốc thực sự. Trừ một số cá nhân Chức Sắc yêu nước chân chính và đại bộ phận khối quần chúng tín đồ yêu nước đi theo cách mạng, còn một số không ít chức sắc phản động cầm đầu không bao giờ chân thành đoàn kết với cách mạng kháng chiến chống đế quốc, mặc dù cách mạng đã nhiều lần kêu gọi trước sau như một chủ trương đoàn kết hương giáo chống đế quốc giải phóng dân tộc (năm 1945, 1952, 1955, 1956 và …)

Họ đã lợi dụng giáo lý Thần Quyền, Thánh Lịnh làm tay sai cho Pháp phá hoại phong trào nông dân (1926-1938) làm hậu thuẫn chính trị và xây dựng lực lượng võ trang công khai nối giáo cho quân đội phát xít Nhật chiếm đóng Đông Dương và cho quân đội Pháp xâm lược lại nước nước ta lần thứ hai. Và sau này, họ tiếp tục làm hậu thuẫn chính trị cho Mỵ Ngụy thực hiện các chánh sách xâm lược và thống trị miền Nam nước ta gần 20 năm.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đáng lẽ họ thức thời thấy tội lỗi trở lại với dân tộc, tổ quốc, trở về con đường tu hành thuần tuý. Nhưng do bản chất giai cấp là phản động chống cách mạng, chống nhân dân, nên một số Chức Sắc và sĩ quan quân đội Cao Đài trong giáo phái Cao Đài Tây Ninh tiếp tục nuôi mộng rước đế quốc trở lại nước ta. Họ tiếp tục gieo rắc tư tưởng phản động, đẩy mạnh chiến tranh tâm lý hù doạ gây hoang mang và bí mật lập ra các nhen nhóm phản động và lực lượng phản động vũ trang hoạt động phá hoại hòng chờ thời cơ phối hợp với đế quốc và bọn phản động quốc tế bên ngoài gây bạo loạn phản cách mạng, lật đổ nền chuyên chính vô sản mà nhân dân ta đã đổ nhiều xương máu mới giành được.

3 . Sự thành lập và bước phát triển ồ ạt tín đồ, mở rộng địa bàn hoạt động trên nhiều tỉnh ở miền Nam, xây dựng đội ngũ cán bộ nồng cốt chính trị vũ trang khá đông và hoàn chỉnh hệ thống tổ chức hành chánh của giáo phái này, đều dựa vào đế quốc, dựa vào các cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc mà tạo nên. Chính vì vậy, các đế quốc xâm lược nước ta qua các thời kỳ đều chú ý lợi dụng số cầm đầu tôn giáo này để làm tay sai, làm hậu thuẫn cho các chánh sách xâm lược của chúng. Chứng minh điều này là sau khi thất bại tổng tấn công Mậu Thân năm 1968, đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, thực hiện chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh bọn CIA đánh giá và có kế hoạch nắm chắc hơn nửa giáo phái Cao Đài Tây Ninh như sau : “Trong các nhóm Cao Đài thì phái Cao Đài Tây Ninh là một lực lượng lớn nhứt, có tổ chức và có hệ thống chặt chẽ nhất và có tinh thần triệt để chống cộng nhất ”. Từ đó, bọn CIA đẩy mạnh việc nắm Cao Đài Tây Ninh phục vụ cho Việt Nam hoá chiến tranh và cho kế hoạch hậu chiến của chúng.

4 . Trong 50 năm qua, tập đoàn cầm đầu Cao Đài Tây Ninh đã lợi dụng xương máu và tài sản của tín đồ, làm tay sai cho các đế quốc để đổi lấy những địa vị và quyền lợi ích kỷ cho họ. Vì vậy, để nắm chắc tôn giáo này, bọn tình báo các đế quốc Pháp, Nhật, nhất là tình báo Mỹ sau này cũng như các Đảng phái phản động và bọn tình báo, cảnh sát nguỵ quyền, tìm mọi cách nhả ra những quyền lợi và địa vị để mua chuộc, lôi kéo những chức sắc, sĩ quan cao cấp bên trên và lôi kéo cả chức sắc sĩ quan bên dưới làm tình báo cho chúng. Mặc khác, chúng đưa người của chúng cày vào đội lớp chức sắc Cao Đài để lèo lái tôn giáo này đi theo ý đồ của chúng. Sau giải phóng, bọn này không ra trình diện cải tạo mà hiện nay vẫn còn mang áo đội mão chức sắc tiếp tục hoạt động chống phá cách mạng. Mặc dù vừa qua chúng ta đã khám phá nghiêm trị một số trong các tổ chức phản động, nhưng bọn chúng vẫn còn lại không ít trong tôn giáo này. Ẩn náu trong các cơ sở, cơ quan của Đạo tìm mọi cách chống phá cách mạng, tiếp tay cho các đế quốc và bọn phản động quốc tế bên ngoài. Do đó, phải kiên quyết nghiêm trị bọn phản động, bọn tình báo đế quốc đang lợi dụng Đạo để bảo vệ Đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho Đạo trở lại tu hành thuần tuý.

5 . Điều kiện kinh tế đảm bảo cho Cao Đài Tây Ninh hoạt động họ dựa vào 4 nguồn : tiền đóng góp của tín đồ (hành hương, lạc quyên, công quả), bóc lột sức lao động của những người công quả, hiến thân; kinh doanh các cơ sở kinh tế thu sản phẩm và lợi nhuận, và tiền, hiện vật của các đế quốc và nguỵ quyền viện trợ đầu tư vào cho Hội Thánh. Nguồn viện trợ của đế quốc rất quan trọng, nó là cơ sở để có vốn mở rộng kinh doanh kinh tế, xây cất các dinh thự, đài phát thanh, viện Đại học, bệnh viện, chợ búa. Hằng năm, thu nhập hàng trăm triệu đồng tiền cũ. Dựa vào các nguồn thu thập, một số chức sắc cao cấp và trung cấp tham ô, ăn cắp để xây dựng nhà cửa, tạo ra những cơ sở kinh doanh làm giàu riêng cho mình.

Vì vậy, tài sản, dinh thự, các cơ sở kinh doanh của Hội Thánh không phải là của riêng ai, mà là tài sản của đế quốc đã rút chạy để lại, là của nhân dân lao động đóng góp. Nhân dân lao động cần phải quản lý sử dụng đẩy mạnh sản xuất xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, phải tước đoạt những phần tài sản của chức sắc do tham ô, ăn cắp, và dựa thế lực đế quốc tạo ra.
Ngày 20 tháng 9 năm 1978
Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam - Tỉnh Tây Ninh

*
* *

CHƯƠNG II
BẢN CẢI ÁN CAO ĐÀI

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
(Ngũ Thập Thất Niên)
Toà Thánh Tây Ninh

BAN CẢI ÁN CAO ĐÀI

Kính gởi :
- Ông Chủ Tịch Hội Đồng Nhà Nước Việt Nam-Hà Nội
- Ông Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng Việt Nam-Hà Nội
- Ông Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc T. Ương  Hà Nội
- Ông Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc Tỉnh Tây Ninh

Kính quí vị,
Nhơn danh Chức Sắc Hiệp Thiên Đài Toà Thánh Tây Ninh, chúng tôi đứng tên dưới đây:
Sĩ Tải Nguyễn Thanh Nguyên.
Sĩ Tải Huỳnh Văn Hưởng.
Sĩ Tải Nguyễn Minh Ngời.
Sĩ Tải Đỗ Hoàng Giảm.

Xin trình bày những việc biến đổi trong Đạo Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Vào khoảng tháng 11 năm 1978, Đạo Cao Đài trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng nhứt trong lịch sử Đạo, do Bản án của Mặt Trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh đề ngày 20-9-1978, lên án các bậc tiền bối có công khai sáng mối Đạo là tay sai của thực dân Pháp, phát xít Nhật, Đế quốc Mỹ, như quý ông Ngô Minh Chiêu, Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc …

Một văn kiện tố giác sở hành của các vị tiền bối Cao Đài không có chứng tích xác thật, ghép thành một “Bản án ” không có phiên toà nào xét xử, và người bị cáo là những vị đã qua đời từ lâu.Bản án này đem ra triển khai làm đề tài học tập cho chức sắc cao cấp, trung cấp, tiểu cấp đến các Bàn trị sự và tín đồ nam nữ tại vùng Thánh Địa Toà Thánh Tây Ninh.

Trong các buổi học tập, có nhiều vị trong các cơ quan Ban Bộ của Đạo cải chính Bản án rất hữu lý, nhưng Mặt trận tổ quốc tỉnh Tây Ninh bắt lập kiến nghị một chiều để khắc phục những vị có trách nhiệm trong Hội Thánh Cao Đài và toàn Đạo.

Nếu căn cứ theo Bản án để làm phương tiện bài bát, tố cáo những vị lãnh đạo tôn giáo một cách vô cớ, chẳng những không làm tổn thương đến uy danh của Đạo, và ngược lại làm tổn thương cho người sáng tác ra nó. Vì Đạo Cao Đài đã từng phổ truyền ra quốc tế, được đại biểu các nước hoan nghinh giáo pháp trong những kỳ Hội nghị quốc tế tôn giáo tại:
   - Barcelone (Tây Ban Nha) năm 1934.
   - Luân Đôn (Anh Quốc) năm 1936.
   - Glasgow (Anh Quốc) năm 1937.
   - Ba Lê (Pháp Quốc) năm 1939.
   - Lavsama (Hòa Lan) năm 1948.
   - Haywards Heath (Anh Quốc) năm 1950.
   - Stockholm (Thuỵ Điển) năm 1951.
   - Bruxelles (Bỉ) năm 1951.
   - Casablanca (Maroc) năm 1952.
   - Montreuse (Thụy Sĩ) năm 1954.
   - Đông Kinh (Nhật) năm 1955...v.v…

Chúng tôi, những tín hữu kỳ cựu, những chức sắc của Hiệp Thiên Đài, cũng là những người thừa kế thi hành Chánh sách Hoà Bình Chung Sống của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc từ thỉ chí chung. Xin trình bày những nhận thức sau đây mệnh danh là : “Bản Cải án Cao Đài ”  để Chánh quyền Trung ương và Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh rộng đường xét lại.

I . NGUYÊN DO XUẤT HIỆN ĐẠO CAO ĐÀI

Vào năm 1925, một số người trí thức ở Sàigòn thường tụ họp để “xây bàn”, một phương tiện tiếp xúc giới vô hình phát xuất từ bên Âu Châu vào cuối thế kỷ thứ 19. Chẳng những Âu Châu biết thông công với cõi vô hình bằng phương pháp này, mà Trung Hoa đã biết sử dụng từ thuở xa xưa và hiện đại nhất là Phái Minh Đường, Minh Lý… Vào trào Mãn Thanh, năm 1848 ở Hoa Kỳ, phong trào tìm cõi vô hình bằng cách “xây bàn” rất được thạnh hành. Ở Nhật, Đạo Oomoto cũng đã sử dụng “cơ bút ” từ khoản năm 1894. Năm 1284, ở Việt Nam, đời vua Trần Nhân Tôn các thân hào, nhân sĩ biết dùng cơ bút thỉnh giáo cõi vô hình về việc trị nước nên mới được thạnh trị.

Ở Saigon lúc bấy giờ, phần đông các vị có tâm hồn yêu nước, tham gia Thiên Địa Hội và phong trào Đông Du của hai cụ Phan Bội Châu và Cường Để. Sau khi, cụ Phan bị bắt từ Trung Hoa đưa về nước quản thúc ở Huế thì sự hoạt động các phong trào gặp bế tắc. Các nhà trí thức ái quốc mới dùng phương tiện “xây bàn” tiếp xúc cùng các chơn linh làm nguồn an ủi, nên có những cuộc xướng hoạ thơ văn giữa hai giới vô hình và hữu hình.

Trong số các Đấng vô hình, có một Đấng xưng danh AĂÂ được các vị kính mến hơn hết. Nhân dịp đêm kỷ niệm Chúa giáng sanh năm 1925, Đấng AĂÂ xưng danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Đạo Cao Đài xuất hiện từ đó.

Cũng do huyền diệu này, Đức Cao Đài đã thâu nhận người môn đệ thứ nhất là Cụ Ngô Minh Chiêu và dạy cách thờ “Thiên Nhãn” hồi Cụ còn làm Tri phủ chủ quận Phú Quốc năm 1919.

Ở thế kỷ 20, nhân loại tranh đua về mặt văn minh vật chất, tinh thần Đạo giáo càng ngày càng lu mờ, mấy ai hướng về đạo đức tinh thần trong lúc mạnh được yếu thua, khôn còn dại mất. Việc khai Đạo Cao Đài trong hoàn cảnh như thế làm cho các vị rất ngạc nhiên, ngoài trí phàm của mọi người. Cuối cùng, trước sự giảng dạy mạch lạc và quy cũ cùng nhiều huyền diệu hiển hách của Đức Thượng Đế, chư vị chịu nhận làm môn đệ, thể Thiên hành Đạo và truyền bá Tân tôn giáo.

Ngoài Đấng Cao Đài, còn nhiều Đấng Thiêng liêng khác giáng cơ cho thi văn đượm mùi quốc sự, giục thúc tinh thần yêu nước của mọi người và tiên tri nước Việt Nam ngày gần đây sẽ thoát ách lệ thuộc, nên ai ai cũng vui lòng hả dạ.

Đức Cao Đài còn cho biết đây là Quốc Đạo, ban cho một dân tộc yếu hèn thường bị trị, nhưng tinh thần đạo đức súc tích dồi dào, thấm nhuần tinh ba của ba tôn giáo lớn nước ngoài là : Nho, Thích, Lão.

KẾT LUẬN.
Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế đến khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tại nước Việt Nam với phương pháp tân kỳ là huyền diệu Cơ Bút, một phương pháp phổ thông trong thế kỷ 20, có tánh cách khoa học huyền linh Thiên Nhân giao cảm chớ không phải dị đoan mê tín theo thuật chiêu hồn của đồng, cốt, bóng, chàm …

Trước ngày khai Đạo, do nơi huyền diệu này đã có nhiều nước trên thế giới tiên tri về sự xuất hiện của Đạo, điển hình một vài nơi như Đạo Minh Sư thời nhà Thanh bên Trung Hoa có truyền lại hai câu :
“Cao như Bắc khuyết nhân chiêm ngưỡng
Đài tại Nam phương Đạo thống truyền”

Đạo Omotoo bên Nhật, cơ bút mách bảo cho tín đồ biết ở Việt Nam vừa xuất hiện một nền tôn giáo mặc áo trắng, thờ con mắt trái, biểu hiện Thái dương hệ và dạy hãy sang Việt Nam tìm liên lạc. Chư vị ấy đã đến tiếp xúc nhiều lần với Toà Thánh Tây Ninh

Như vậy, tôn giáo Cao Đài không phải ngẫu nhiên xuất hiện thoát thân trong mê tín dị đoan hoặc người phàm bày vẻ, mà do Đức Thượng Đế sáng lập với tôn chỉ “Diệt mê tín, thực hiện chân lý ” (lời dạy trong Thánh ngôn Hiệp tuyển của Đức Thượng Đế).

II . ĐẠO CAO ĐÀI VÀ THỰC DÂN PHÁP

Lá đơn đề ngày 29 tháng 9 năm 1926 gởi qua Chánh phủ Pháp xin phép khai Đạo. nước Pháp Cộng Hoà với mục tiêu “Tự do-Bình Đẳng-Bác ái ” đã cho phép khai mở Đạo Cao Đài ở Việt Nam. người Pháp tự hào nước họ tiến bộ từ sau cuộc cách mạng 1789, nên phải thực hành điều khoản “Tự do Tín ngưỡng ”. Còn âm mưu diệt Đạo thuộc phần nhà cầm quyền thực dân Pháp ở Đông Dương.

Chúng tôi nói điều này vì không muốn “quơ đũa cả nắm ”, chúng tôi am hiểu rằng có những người Pháp tiến bộ, ý thức minh chánh Dân chủ và Tự do, mà cũng có người Pháp mang nặng tư tưởng thực dân lạc hậu.

Chánh quyền thực dân Pháp phá Đạo Cao Đài do các nguyên nhân sau đây :
1 . Đạo mới khai mở mà số tín đồ rất đông, chưa đầy một năm số người nhập môn kể hằng triệu. Ngoài người Việt Nam còn có người Miên, Lào, Pháp, Nhật, Trung Hoa, Xiêm, đặc biệt là đồng bào Thượng  ở vùng rừng núi Hớn Quản mà từ lâu người Pháp không thuyết phục được, nay lại theo một vị chức sắc đi bộ về Toà Thánh hàng ngàn người nam nữ và trẻ nhỏ, mang theo dao mác để tự vệ theo thói quen của họ. Chánh quyền thực dân Pháp hốt hoảng, tố cáo Đạo Cao Đài làm giặc và buộc Đạo biểu họ trở về rừng núi của họ.

2 . Đạo Cao Đài chủ hướng bảo trọng quốc hồn, quốc tuý là đạo đức tinh thần của Tổ Tiên lưu lại. Đạo dạy thờ cúng Tổ Tiên không chấp nhận phong tục ngoại lai nào. Trái lại, người Pháp chủ trương đem văn minh Cơ Đốc giáo làm nền tảng cho xã hội Việt Nam mới, phù hợp với văn minh Châu Âu, đánh đổ tinh thần phục hồi văn hoá cổ truyền Việt Nam của Đạo Cao Đài.

3 . Hình thức tổ chức Đạo Cao Đài giống như một Chánh phủ. Người thực dân Pháp tố cáo Đạo Cao Đài lập “Chánh phủ trong một Chánh phủ” (un Etat dans un Etat)

4 . Đạo Cao Đài là một ổ cách mạng theo lời tố giác của thực dân Pháp. vì phần đông những vị có nhiệm vụ truyền bá Đạo đã gia nhập các phong trào cách mạng lúc bấy giờ như : Thiên Địa Hội, Cần Vương, Đông Kinh, Nghĩa Thục, Đông Du, v.v…

Do đó, mà từ năm 1926 đến ngày Pháp bị đảo chánh (năm 1945), Đạo Cao Đài chịu biết bao khốn khổ. Những cuộc bắt bớ giam cầm xảy ra khắp nơi. Việc tụ họp cúng kiến tại Thánh Thất bị hạn chế không quá 15 người. Những cuộc Khai Đàn, Thượng Tượng bị lính kín, cò bót hay du côn ngăn chặn phá rối, mặc dầu người tín đồ Cao Đài vẫn làm lành lánh dữ, không làm điều gì trái với luật pháp. Tại Toà Thánh và các địa phương Đạo bị áp chế, bị khủng bố liên tiếp.

Pháp ra lịnh cho toàn cõi Đông Dương tuân theo kế hoạch diệt Đạo của họ.
- Ở Cao Miên nhà vua ký sắc lịnh đề ngày 22-12-1927 lên án Cao Đài giáo và ấn định hình phạt đối với dân chúng Miên theo Đạo Cao Đài.
- Ở Ai Lao, ngày 12-12-1932, do lịnh của Khâm sứ Pháp, cảnh sát đột nhập Thánh thất Cao Đài ở Vạn Tượng, tịch thâu tất cả kinh sách, ông Giáo Hữu Thượng Chữ Thanh bị bắt còng tay và nhốt xà lim để trục xuất trở về Nam Vang.
- Ở Bắc Kỳ, ngày 23-5-1932 ông giáo hữu Nguyễn Thái Hoà bị sở an ninh Hà Nội tống giam rồi đưa xuống tàu trở về Nam.
- Ở Trung Kỳ, có Sắc chỉ “Bảo Đại Tứ Niên Cao Đài bất đắc truyền bá ” làm cho nhiều Chức Sắc truyền Đạo bị bắt.
- Ở Toà Thánh đầu năm 1934, vì có mấy vị Đạo hữu chưa kịp đóng thuế thân mà Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt bị bắt ngồi tù tại khám đường Tây Ninh, trong khi đó ở Toà Thánh từ chức sắc đến tín đồ đều nhịn đói mà chờ Ngài.

Trong các vị Toàn quyền Đông Dương, ông Pierre Pasquier là người cấm đoán và phá rối Đạo Cao Đài hơn hết.

Năm 1934, ông gom góp tài liệu Đạo Cao Đài có liên hệ đến quốc sự đem về trình chánh phủ Pháp để cấm tuyệt Đạo Cao Đài, nhưng máy bay chở ông bị nổ tung và ông bị chết cháy theo mớ tài liệu khi còn cách Paris 200 cây số.

Năm 1937, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc viết một bản Phúc Trình dài gởi cho ông Chủ Tịch Uỷ ban Điều Tra các thuộc địa Pháp, chỉ trích chánh sách cai trị của Pháp và cho biết sự thất vọng của cá nhân giục phải tự tử, còn sự thất vọng của toàn thể giục làm cách mạng.

Năm 1941, Đức Hộ Pháp và năm vị Đại Thiên Phong bị Pháp bắt đày đi Madagascar. Số chức sắc khác bị bắt đưa đi Sơn La, Lao Bảo, Bà Rá, Côn Sơn, … Toà Thánh bị quân đội Pháp trấn đóng. Thánh thất các nơi bị đóng cửa, nhà tư của bổn đạo phải dẹp Thiên bàn.

Trong suốt thời kỳ bị Pháp đàn áp, Đạo Cao Đài có những ân nhân tận tình binh vực công lý cho Đạo tại Việt Nam như các vị Luật Sư Trịnh Đình Thảo, Dương Văn Giáo, Diệp Văn Kỳ, Vương Quang Nhường. Phía người Pháp có các Luật Sư Lortat Jacob  (ở Việt Nam ) Eugèrre Tozza (ở Pháp)…

Bên Pháp có những Chánh trị gia như quý ông Georges Mandel, Marius Moutet, nhiều vị Nghị sĩ, sĩ quan, giáo sư, nhà báo như quý ông Michelis Di Rienzi, Trung tá Alexis Mètsix, Gabviel Gobron, đặc biệt có Hội Nhân quyền như quý ông Emile Kaln (Tổng thơ ký Hội Nhân quyền Pháp), Henri Guernut…

KẾT LUẬN.
Chúng tôi trình bày sơ lược một ít sự kiện lịch sử Đạo Cao Đài để mỗi người nhìn thấy được Thánh ý Đức CHÍ TÔN  đến lập Quốc Đạo, phục hồi quốc hồn cho nòi giống Việt Nam với một nền chánh trị đạo đức cao khiết ở thế gian, giành lại độc lập cho Việt Nam về phương diện tinh thần. Vì nòi giống Việt Nam còn gìn giữ được tinh thần dân tộc thuần tuý của mình thì nước Việt Nam chưa phải mất.

 Người Pháp chỉ dùng vỏ lực xâm chiếm đất đai Việt Nam mà thôi, chớ không thể đem lý thuyết ngoại lai để đồng hoá dân tộc Việt Nam theo ý của họ muốn. Vì vậy, đối với thực dân Pháp Đạo Cao Đài là chướng ngại vật, đáng lo ngại cho họ, nên họ thẳng tay đàn áp từ đầu đến cuối. Trong khi đó Công giáo ở Việt Nam làm hậu thuẫn cho họ.

Như vậy, Đạo Cao Đài được thành lập do quyền năng của Đức Thượng Đế, chớ không phải do người Pháp đạo diển như trong Bản án Cao Đài của Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Tây Ninh tố giác.

III . CÁC BẬC TIỀN BỐI KHAI ĐẠO.

Các bậc Tiền bối tuân theo tiếng gọi của Đức Thượng Đế đứng lên khai sáng mối Đạo buổi ban sơ như các cụ Ngô Minh Chiêu, Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc … là những người đạo đức uyên thâm, thương dân mến nước, mà ở miền Nam phần đông đều hiểu biết qua sở hành của các Cụ.

Vào buổi nước nhà trong cảnh bị lệ thuộc, nhân dân ai cũng học trường Pháp, đóng thuế cho Pháp, dầu là người công nhân cũng ăn lương của Pháp. Nhưng khác một điều là các Cụ dám từ quan, lãnh lịnh Đức CHÍ TÔN giáo dân qui thiện, dám chịu khổ hạnh vì Đạo. Tinh thần cao trọng của các Cụ là môn đệ xứng đáng đầu tiên của Đức CHÍ TÔN đã nêu gương sáng lạng và kết khối đức tin của gần 3 triệu tín đồ Cao Đài giáo hiện hữu. Nếu các cụ là những người giả nhân giả nghĩa thì Đạo Cao Đài không còn tồn tại đến ngày nay. Đổi lại, lòng kính mến các Cụ vẫn mãi mãi lưu truyền trong huyết quản của 3 triệu con tim tín hữu.

KẾT LUẬN.
Bản án cũng đề cập đến các bậc Tiền bối khai Đạo làm tay sai cho Pháp. Những kẻ cam tâm làm tay sai cho Pháp là để mưu cầu danh lợi, quyền quí cao sang, mau thăng quan tấn chức để thọ hưởng mọi thứ ân huệ của Pháp ban cho.

Còn các bậc tiền bối của Đạo cũng thời làm quan mà nghèo, dám nghe theo tiếng gọi Thiêng liêng, từ bỏ quan trường, xa lánh chốn phồn hoa vui thú, lên rừng sâu nước độc, chịu nâu sồng khổ hạnh, bị nhạo báng khinh khi, vào tù ra khám mà chẳng thối bước ngã lòng, hy sinh cho đến trọn đời mãn kiếp. Đó là tinh thần đạo đức cách mạng, biết thương dân mến nước, quên mình để mưu cầu hạnh phúc chung cho đồng bào chủng tộc.

Tinh thần cao quí của các bậc tiền bối Đạo Cao Đài đáng được tôn thờ mãi mãi. Không thể gán ghép chư vị đó là tay sai của Pháp được.

IV . THANH NIÊN CAO ĐÀI TÌNH NGUYỆN ĐẦU QUÂN SANG PHÁP

Tháng 9-1939, Đại chiến thế giới thứ hai bùng nổ giữa phe Đồng minh và phe Trục Đức-Ý -Nhật, các nước nhược tiểu trong khối Á Phi ngấm ngầm vùng dậy thoát ách lệ thuộc, phong trào ái quốc nổi lên khắp Việt Nam. Đạo Cao Đài càng dễ bị chánh quyền thực dân Pháp tình nghi hơn nữa. Họ được biết trước kia người Đức liên lạc với Việt Nam tầm Đạo Cao Đài. Năm 1936-1937 Hội Thần Bí Triết học Đức (Eglise Gnostique d’Allemagne) có liên lạc thơ từ với Toà Thánh Tây Ninh để xin tài liệu kinh sách tham khảo về Cao Đài giáo. Lúc đó, năm 1939, người Pháp nhìn thấy hầu hết các nón Đền Thánh, Thánh thất từ Nam chí Bắc đều có gắn chữ Vạn, theo lối chữ Vạn của Phật giáo gọi là “Chữ Vạn thuận“ đặt thẳng đứng bốn góc, trùng hợp với dấu hiệu chữ Vạn của Hitler, song chữ Vạn của Hitler là “Chữ Vạn nghịch ” đặt xéo góc, chớ không đứng thẳng. Chữ Vạn của Đạo Cao Đài có từ năm 1926, còn chữ Vạn của nước Đức có sau khi Hitler cầm quyền từ sau năm 1930.

Pháp gán cho Cao Đài là một tổ chức của Đức Quốc xã, nên buộc Đạo triệt hạ chữ Vạn gắn trên nóc Đền Thánh cùng các Thánh thất, thậm chí chữ Vạn in trong Kinh sách Đạo Cao Đài cũng bị buộc cắt bỏ.

Tình thế khẩn trương, nhân dịp Pháp kêu gọi đồng bào Việt Nam tùng chinh đánh Đức, Đức Hộ Pháp không bỏ qua đưa ra một số thanh niên sang giúp Pháp gọi là đền ơn đáp nghĩa lòng tốt của Pháp đã cho phép Đạo Cao Đài được tự do truyền giáo trong thời gian qua, trong nhiệm kỳ toàn quyền Robin thay thế cho P.Pasquier ở Đông Dương (1934-1936) toàn quyền Robin có ra thông tư cho phép Đạo Cao Đài được truyền bá ở Bắc Kỳ do báo Công Luận số 6-708, đăng tải ngày 6-12-1934, đại ý “Lâu nay Đạo Cao Đài rất thạnh hành ở Nam kỳ, chớ không đặng truyền bá ở Trung kỳ. Nay theo một tờ thông tư của quan toàn quyền Robin thì Đạo ấy có Thiên chúa, miễn là không có làm sự gì có tánh cách khuấy rối cuộc trị an thì thôi”.

KẾT LUẬN.
Khi Đệ nhị thế chiến bùng nổ, nước Pháp là nước Đồng minh bị nguy khốn nhứt, do Đức Quốc xã gây chiến. Trong tình thế đó, Đức Hộ Pháp đưa một số thanh niên Đạo sang Pháp với tinh thần hào hiệp giúp Pháp lúc gian nan, một là đáp lại tình nghĩa đối với toàn quyền René Robin khi qua nhận chức ở Đông Dương năm 1934, cho Đạo được tự do truyền bá suốt Nam, Trung, Bắc, hai là dùng số thanh niên Đạo làm con tin tại Pháp quốc gây tính thân thiện để làm dịu bớt phần nào sự phá Đạo của Pháp ở Đông Dương mà Pháp đang gắn cho Đạo Cao Đài thân Đức là kẻ thù của họ.

Số tình nguyện đi chuyến tàu đợt đầu rất đông, nhưng phần nhiều là người không Đạo Cao Đài, riêng về Đạo Cao Đài chỉ có 160 người.

Qua đợt sau (1), tàu chạy tới Colombo (Tích Lan) có tin điện cho biết Paris đã thất thủ. Tàu trở lại Saigon và số thanh niên đợt sau được giãi ngũ trả về với gia đình.

Đức Hộ Pháp tiên liệu như vậy, nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, tình thế càng ngày càng thêm nghiêm trọng hơn do thế lực của Nhật ở Viễn Đông rất mạnh đang thọc mũi dùi xuống Đông Nam Á, làm cho địa vị của Pháp ở Đông Dương sắp lung lay. Chánh quyền Pháp tại Việt Nam lúc bấy giờ là toàn quyền Catrousc (1939-1940) ban hành Nghị định số 72 đề ngày 3-5-1940, cấm treo cờ phướn có dấu chữ Vạn và từ đó triệt để thi hành chánh sách diệt Đạo Cao Đài để trừ hậu hoạn. Tóm lại, số thanh niên Cao Đài tình nguyện đầu quân sang Pháp là vì hoàn cảnh và mục đích nói trên, chớ không phải tùng chinh để đánh giặc thuê cho Pháp.

V . ĐẠO CAO ĐÀI VỚI NHẬT

Sau khi bắt lưu đày nhiều Chức sắc, sung công tài sản của Đạo từ Toà Thánh đến các tỉnh, mật thám Pháp còn lùng bắt số chức sắc còn lại và những tín đồ mà họ cho là trung kiên. Cho nên nhiều người phải lẫn trốn về hãng đóng tàu “Nitinan” của Nhật ở cầu chữ Y Saigon. Phương pháp tự vệ của tín đồ Cao Đài buổi đó không có cách gì khác hơn ngoài một số người sang tị nạn ở Thái Lan.

Ở Hãng tàu Nitinan, tín đồ Cao Đài ban ngày làm công cho Nhật để sống, ban đêm luyện tập “Nội ứng nghĩa binh ”. Toàn Đạo đề cử ông Giáo sư Thượng Vinh Thanh (Trần Quang Vinh) làm giáo sư Đại biểu cùng nhiều chức sắc chỉ huy cơ quan hiệp tác. Ông giáo sư Đại biểu nối liên lạc với Cụ Cường Để vận động phong trào phục quốc.

Chiến tranh Đại Đông Á đến hồi quyết liệt, người Pháp thấy vận mạng của họ ở Đông Dương sắp tàn tạ, sớm muộn gì cũng bị sụp đổ do người Nhật mà thanh niên Cao Đài là “Nội ứng nghĩa binh ” nên truyền mật lịnh khắp các tỉnh, khủng bố và bắt bớ những gia đình bổn Đạo có thân nhân hiệp tác với Nhật đúng ngày 10-3-1945. Nhưng 10 giờ đêm 9-3-1945 đại bác của quân đội Nhật tại Sàigòn nổ rền báo hiệu Chánh quyền Pháp sụp đổ ở Đông Dương có nội ứng nghĩa binh Cao Đài vác tầm vông vạt nhọn tham dự.

Sau khi đảo chánh Pháp, người Nhật nhiều lần khuyến khích Đạo Cao Đài ra nắm Chánh quyền, nhưng người Đạo một mực từ chối, nên người Nhật phải giao cho Triều đình Huế lập chánh phủ Việt Nam đầu tiên. Trong danh sách Chánh phủ Trần Trọng Kim lúc đó không có người nào là Cao Đài.

Mục đích Đạo Cao Đài lật đổ Pháp để cứu nước, cứu Đạo chớ không tham vọng chánh quyền. Ngày 18-3-1945, Đạo tổ chức một cuộc biểu tình khổng lồ diễn hành qua các đường phố Saigon, và tập hợp tại Vườn Ông Thượng có các đoàn thể, tôn giáo, Đảng phái chánh trị tham dự để tuyên bố chào mừng nước Việt Nam độc lập, được thoát ách đô hộ 80 năm của thực dân Pháp và giao sứ mạng kiến quốc cho toàn thể quốc dân.

Đối với Pháp và những người Việt Nam làm tay sai cho Pháp từng sát hại Đạo, khi họ bị lật đổ rồi, không một người nào bị bổn Đạo trả thù, mà trái lại họ còn được cứu giúp lúc nguy biến là khác.
Tôn giáo chỉ biết sử dụng tình thương, không oán ghét Đạo Cao Đài có bạn chớ không có thù.

KẾT LUẬN.
Đạo Cao Đài hợp tác với Nhật để đảo chánh Pháp mở màng độc lập cho Việt Nam. Nhớ ngày lịch sử 9 tháng 3 năm 1945 là cơ hội tốt cho cuộc “Cách mạng mùa thu ” và Việt Minh lên nắm chánh quyền.

Đạo Cao Đài không bắt buộc đồng bào theo Nhật. Đạo không cậy dựa thế lực ngoại bang gây khốn khổ cho quê hương, không gây chia rẽ nội bộ làm mất tính đoàn kết dân tộc.

Tóm lại, Đạo Cao Đài đã đóng góp xương máu vào công cuộc độc lập Việt Nam mà không thọ hưởng quyền lợi, danh vị gì hết. Đạo Cao Đài đã không được kể công trong lịch sử Việt Nam cận đại thì thôi, lại còn bị lên án phản động, làm tay sai cho phát xít Nhật.


VI . ĐẠO CAO ĐÀI VỚI VIỆT MINH.

Khi Việt Minh nắm chánh quyền tháng 9 năm 1945, người Đạo Cao Đài sẵn sàng hiệp tác với Việt Minh, địa phương nào cũng có. Ở Tây Ninh ông Trương Văn Xương làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chánh tỉnh, ông Đặng Trung Chữ (giáo sư Thượng Chữ Thanh) làm cố vấn.

Do sự sắp xếp của Tướng Nguyễn Bình Tư lịnh quân Kháng chiến Nam Bộ lúc đó, hai chi đội 7 và 8 lập chiến khu Bù Lu kháng chiến với Pháp.

Nhưng đột ngột, Việt Minh lại lên án Cao Đài phản động theo phát xít Nhật, rồi bao nhiêu việc thảm khốc xảy đến cho Đạo. Mấy ngàn tín đồ bị giết, nhiều nhứt ở Quảng Ngãi (Trung Việt), Trung Lập (Nam Việt),  làm cho Bổn đạo mạnh ai nấy tìm đường ẩn tránh. Hai chi Đội 7 và 8 ở chiến khu bị Việt Minh bao vây để tước khí giới. Ông Giáo sư Đại biểu Trần Quang Vinh bị chặn bắt tại Chợ Đệm trên đường từ Saigon về Long Xuyên và giải giam tại Cà Mau cùng với Ông Hồ Văn Ngà, Chủ tịch Việt Nam độc lập Đảng.

KẾT LUẬN.
Những việc đã qua không nên nhắc lại làm tổn thương tình đoàn kết nội bộ Việt Nam hiện thời. Lại nữa, buổi nước nhà còn phôi thai độc lập, những sai lầm đáng tiếc xảy ra khó tránh khỏi. Chúng tôi là người tu hành cố quên đi để hàn gắn những gì sứt mẻ là hay hơn. Nhưng hoàn cảnh bắt buộc chúng tôi phải trình bày ra đây để thấy rằng Đạo Cao Đài không có tội gì hết trước lịch sử dân tộc Việt Nam cũng như trong lịch sử nhân loại.

VII . HIỆP TÁC VỚI PHÁP VÀ THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI CAO ĐÀI.

Mấy tháng cuối năm 1945 đến mấy tháng đầu năm 1946 là giai đoạn nguy khốn nhứt của Đạo Cao Đài. Pháp tàn sát Đạo để trả thù đảo chánh. Còn Việt Minh tàn sát Đạo vì buộc tội theo phát xít Nhật. Một đàng giết mà có điều kiện dàn xếp, còn một đàng giết không có điều kiện giải quyết.

Sau khi được một số tín hữu ở Cà Mau giải thoát khỏi nhà giam Việt Minh, ông Trần Quang Vinh về Saigon ẩn náu được vài ngày thì bị Pháp bắt giam tại bót Catinat cùng một số chức sắc.Trước tình cảnh bi đát đó, ông buộc lòng phải nhận lời của Pháp, dàn xếp với điều kiện phải kêu gọi hai Chi Đội 7 và 8 trở về thành lập Quân đội tự vệ Cao Đài thì Pháp sẽ cho Đạo được tự do tín ngưỡng.

 Việc hiệp tác với Pháp buổi đó ngoài ý muốn của mọi người, nên anh em ở chiến khu còn dè dặt chưa quyết định dứt khoát vì không hợp nguyện vọng của họ. Nhưng dầu muốn hay không cũng phải gở rối cho Đạo lúc khó khăn. Anh em chỉ về hiệp tác một số ít, phần đông ở lại đề phòng mọi sự bất trắc có thể xảy ra, nếu người Pháp không thật tâm.
Thoả hiệp ký kết với Pháp ngày 9-6-1946.

KẾT LUẬN.
Trong khi Đạo Cao Đài đang bị Pháp đàn áp rất nguy hiểm thì Việt Minh lại lên án Đạo Cao Đài thân Nhật rồi cũng giết tín hữu, làm cho Đạo phải lâm vào một hoàn cảnh cùng cực. Cũng như Pháp lúc trước đưa Đạo Cao Đài đến ngõ bí, dầu muốn hay không cũng phải hiệp tác với Nhật

Lúc đó hoàn cảnh của Đạo Cao Đài khác với hoàn cảnh Việt Minh. Đạo Cao Đài có cơ sở chùa chiền trước mắt, Pháp muốn đàn áp lúc nào cũng rất dễ, còn muốn đàn áp Việt Minh rất khó. Cho nên trong các cuộc hành quân của Pháp lúc đó để tiêu diệt Việt Minh, Pháp thấy người Việt Nam nào cũng cho đó là Việt Minh tha hồ bắn giết.

VIII .- ĐỨC HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC TỪ MADAGASCAR VỀ NƯỚC, SAU 5 NĂM

2 THÁNG BỊ LƯU ĐÀY.
Tháng 8 năm 1946, khi Đức Hộ Pháp trở về nước thì Đạo đã có quân đội rồi, một sự việc bất đắc dĩ mà Ngài phải nhìn nhận

Bên trong nội tình của Đạo như vậy, bên ngoài tình hình Việt Nam rất rối rắm, chiến tranh xảy ra giữa Pháp và Việt Minh. Pháp chiếm đóng các thị trấn trọng yếu, còn Việt Minh rút vô bưng kháng chiến. Đồng bào vô tội ở giữa bị chết chóc và tiêu tan tài sản một cách oan uổng trong các cuộc hành quân lùng và diệt địch của Pháp, nơi nào quân Pháp bị phục kích thì nơi đó nhà cửa bị thiêu rụi, con người thì bị bắn giết bất cả già cả cùng đàn bà trẻ con, ai họ cũng gán là Việt Minh kẻ thù của họ.

Đứng trước tình hình nguy ngập đó, Đức Hộ Pháp đã tìm phương cứu giúp đồng bào bằng cách thương thuyết với Pháp đòi độc lập để tiết kiệm xương máu trong khi vũ khí Việt Nam còn thô sơ so với vũ khí tối tân của Pháp. Với Việt Minh Ngài không bao giờ chủ trương thù oán mà còn khuyến khích khen tặng. Ngài thường nói với bổn Đạo : “Nếu là cá nhân Phạm Công Tắc khi bị đồ lưu trở về là vô chiến khu liền. Nhưng với phận sự Đức Hộ Pháp của Đức CHÍ TÔN giao phó, Ngài không thể làm theo ý muốn cá nhân được ”. Ngài thường nói tâm trạng của Ngài buổi đó là tâm trạng của một người thân Hồ mà tâm Hớn. Khi cầm quyền tối cao quân đội Cao Đài, Ngài chủ trương thả tất cả các cán bộ Việt Minh bị giam tại Cẩm Giang cùng các nơi khác. Ngoài việc giúp quần áo, tiền bạc, Ngài còn nhắn nhủ chí hướng anh em thế nào cứ đeo đuổi theo chí hướng đó, miễn chúng ta phục vụ đồng bào Tổ quốc là được.

Ngài cũng bí mật tiếp xúc với các Uỷ viên kháng chiến Nam Bộ. Ngài cho người đến chiến khu rước Dương Minh Châu về Hộ Pháp Đường gặp Ngài để bàn tính nhiều việc cần yếu và luôn tiện cho hay Pháp sắp tấn công căn cứ của ông Dương Minh Châu.

Đến đây chúng tôi xin tường thuật về cái chết của ông Dương Minh Châu trong trận tấn công của Pháp, theo như lời trình bày của cụ Hồ Bảo Đạo với Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh trong buổi hợp ngày 6-3-Nhâm Tuất (30-3-1982) tại giảng đường Toà Thánh:
“Hồi trước tôi quen biết anh Dương Minh Châu, mà anh Dương Minh Châu lại là con của ông Thầy dạy học của Đức Hộ Pháp ở Tây Ninh. Khi nghe tin Pháp sắp tấn công chiến khu của anh Dương Minh Châu, Đức Hộ Pháp nhờ tôi đến tận chiến khu gặp Dương Minh Châu cho hay Pháp sắp tấn công, nếu có đủ lực lượng cự nỗi thì đánh, còn không thì phải rút để bảo toàn lực lượng. Đức Hộ Pháp còn biểu tôi phải rước anh về gặp Đức Hộ Pháp tại Toà Thánh. Anh Dương Minh Châu có về gặp Đức Hộ Pháp một đêm tại Hộ Pháp Đường, nhưng nội dung câu chuyện giữa hai người tôi không biết. Bữa sau Đức Hộ Pháp cho tôi đưa anh Dương Minh Châu về tới chiến khu, và khi tôi trở về Toà Thánh chừng vài bữa thì lại cũng rủi cho anh Dương Minh Châu là vợ của anh ở Tây Ninh ẳm đứa con nhỏ đến tận chiến khu thăm anh. Cũng bữa đó mới 3 giờ khuya, quân Pháp tấn công đến thì chiến khu đã thu dọn, chỉ còn kẹt vợ con anh và anh ở dưới hầm bí mật. Khi Pháp thấy dọn dẹp trống hết, nó tức tối dậm chân la hét, thì thằng nhỏ ở dưới hầm phát khóc. Pháp nghe được nên mới kéo anh Dương Minh Châu lên bắn chết tại chỗ, cũng may cho tôi là tôi đã cho hay trước vụ Pháp đến, bằng không chắc tôi cũng bị nghi oan làm mật thám cho Pháp.”

Đức Hộ Pháp nói : “Ngài đưa quân đội Cao Đài làm trái độn giữa Việt Minh và Pháp để cứu vãn sanh mạng và tài sản cho đồng bào được phần nào hay phần nấy.” Nơi nào có đồn quân đội Cao Đài thì được an ninh, Pháp không ruồng bố bắn giết bừa bãi như trước nữa. Ở các nơi, từ Nam ra Trung Việt, chức sắc địa phương can thiệp với nhà đương cuộc sở tại, bảo lãnh những người có liên hệ với Việt Minh bị bắt, những người bị tình nghi, những người chịu hàm oan. Nhiều trường hợp Việt Minh chánh thức cũng được thả.

Nhưng Việt Minh trước cũng như sau lên án Cao Đài là phản động. Bộ đội Hoàng Thọ bất ngờ tấn công vô Toà Thánh gây thương vong cho bảy tín hữu trong nội ô vào chiều tối 30 tết năm Bính Tuất (đầu năm 1947).

Lúc nào Đạo cũng tìm cách dàn xếp ổn thỏa với Việt Minh như vào năm 1948, cuộc hợp mặt giữa Cao Minh Căng (Đại diện Việt Minh) và Trình Minh Thế (đại diện Cao Đài) trên sông Vàm Cỏ Đông, rốt cuộc Trình Minh Thế bị Cao Minh Căng bắn phải lặn xuống sông thoát chết.

KẾT LUẬN.
Trong việc cứu dân cứu nước, mỗi tôn giáo, Đảng phái khác nhau về hành động, nhưng nếu tìm hiểu được nhau để không nghịch lẫn là điều có lợi cho đất nước.

Trong giai đoạn đó, Việt Minh không thể làm như Cao Đài, mà Cao Đài cũng không thể làm như Việt Minh.

Việt Minh giữ vai trò kháng chiến rất thích đáng. Còn Cao Đài mang danh Đạo giáo đương nhiên phải thương thuyết để tiết kiệm xương máu. Việt Minh tranh đấu bằng võ lực còn Cao Đài tranh đấu bằng tinh thần. Hai bên hỗ trợ lẫn nhau. Nếu Việt Minh không đánh thì Cao Đài khó nói chuyện thương thuyết với Pháp để binh vực đồng bào. Nếu không có Cao Đài làm tấm bình phong thương thuyết thì cuộc diện sẽ quyết liệt hơn. Một người Pháp chết có thể đổi lại nhiều sanh mạng người Việt Nam.

Cho nên Đức Hộ Pháp thường nói : Việt Minh đánh để cứu nước, còn Ngài thương thuyết để cứu dân. Trong suốt giai đoạn đó Việt Minh thắng trận nào Ngài cũng nhắc nhở đến kháng chiến và khen tặng. Lúc nào Ngài cũng sẵn sàng gặp gỡ anh em kháng chiến để tìm phương giúp đỡ cách này hay cách khác vì đó là chí hướng của Ngài.

Nhân Lễ Kỷ niệm Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt đêm 12-10-Nhâm Thìn (1952), khi nghe báo chí loan tin Việt Minh thắng Pháp ở Na Sầm, sau khi Pháp rút bỏ vùng Cao Bắc Lạng, Đức Hộ Pháp có ra đầu đề “giải bày trận đánh Na Sầm” cho nhiều Chức Sắc Cao Đài mỗi người làm một bài thơ. Bài thơ Đức Hộ Pháp như sau :

"Na Sầm chưa phải trọn sơn hà
Khí tiết anh hùng giống  Việt ta
Chước quỉ hỏi ai gây khói lửa
Mưu thần nào kẻ dẹp can qua
Tinh trung phục quốc đương tranh đấu
Chánh nghĩa hưng bang khó giải hoà
Thử nghĩ hoàn đồ là nghiệp cả
Vì đâu chia xẻ đặng làm ba."

IX . ĐẠO CAO ĐÀI VỚI GIẢI PHÁP BẢO ĐẠI.

Trong cuộc diện chiến tranh Việt Nam vào những năm 1946-1947, chỉ có hai bên Việt Minh và Pháp đánh nhau, còn từ Nam chí Bắc chưa có một Chánh phủ nào công khai hợp thức hoá để thương thuyết với Pháp, nên Đức Hộ Pháp mới triệu tập một phiên hợp tại Saigon mệnh danh là “Hội Nghị toàn quốc ” có đông đảo Đại diện Tôn giáo, Đảng phái chánh trị, nhân sĩ và các tầng lớp quốc dân Nam, Trung, Bắc tham dự. Trong Hội nghị, Đức Hộ Pháp đưa ra giải pháp Bảo Đại. Ban đầu phần đông đại biểu không đồng ý, nhưng sau khi bàn cãi sôi nổi, toàn Hội đều đưa tay tán thành theo Đức Hộ Pháp. Cựu Hoàng Bảo Đại được mời từ Hồng Kông về nước lập Chánh phủ.

KẾT LUẬN.
Mặc dầu Cựu Hoàng Bảo Đại đã cấm đoán Đạo Cao Đài hồi thời Pháp đô hộ làm cho Đạo chịu nhiều khốn khổ. Nhưng Đức Hộ Pháp chỉ nghĩ đến quyền lợi của đất nước mà thôi.

Sỡ dĩ, Ngài đưa ra giải pháp Bảo Đại buổi đó là Ngài nhận thấy rằng nhà Nguyễn đã cùng với Pháp ký hai Hiệp ước 1862 và 1884 giao quyền bảo hộ nước Việt Nam cho Pháp. Nhưng Pháp đã bất lực không bảo vệ nỗi để Việt Nam rơi vào tay Nhật, đương nhiên hai Hiệp ước kể trên không còn hiệu lực.

Đức Hộ Pháp thường nói : Ngài chủ trương thương thuyết nhưng Ngài chưa có tư cách pháp lý ký kết với Pháp. Cựu Hoàng Bảo Đại mới có đủ tư cách đòi lại độc lập trong tay Pháp, rồi phải giao lại cho quốc dân quyết định thể chế cho Việt Nam.

Ghi chú : trong thời kỳ giải pháp Bảo Đại, Pháp đã ký kết với Việt Nam 3 Hiệp ước độc lập, nhưng Pháp không thật tâm
   - Thoả ước Hạ Long, ký ngày 5-6-1948
   - Thoả ước Paris, ký ngày 8-3-1949
Thoả ước Độc lập, ký ngày 4-6-1954, nhìn nhận nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, có đầy đủ chủ quyền trước Công Pháp quốc tế.

X . QUÂN ĐỘI CAO ĐÀI BỊ PHÁP TƯỚC KHÍ GIỚI.

Toà Thánh Tây Ninh hiệp tác với Pháp để thương thuyết hoà bình và độc lập cho nước nhà, chớ không làm tay sai bán nước, nên người Pháp xét thấy bất lợi cho họ.

Khởi từ năm 1949, lực lượng quân sự Pháp lần lượt tước khí giới quân đội Cao Đài ở nhiều đồn lẻ tẻ. Sau rốt đến đồn Bến Tranh (Mỹ Tho) do vài tiểu đội Cao Đài đóng giữ. Quân Pháp gồm mấy tiểu đoàn có xe thiết giáp trang bị đại liên đến bao vây buộc đầu hàng và nạp khí giới, binh sĩ trong đồn kháng cự tới cùng. Khi quân Pháp hạ được đồn thì binh sĩ Cao Đài nằm la liệt, lớp chết lớp bị thương, còn viên Chỉ huy là vệ uý Phan Hồng Ngự tự sát chớ không đầu hàng.

Việc xảy ra gây chấn động dư luận trong Đạo lẫn ngoài đời. Đức Hộ Pháp liền gởi thơ số 147 đề ngày 16-2-1949 cho Uỷ viên Cộng Hoà Pháp là Tướng De Latour ở Saigon trích lục như sau :
“… Bần Đạo trình bày một dự định hưu chiến giữa đôi bên người Pháp và người Việt Nam. Bần Đạo xin tuyên ngôn rằng: Cái dự định ấy chỉ có tánh cách về mặt chánh trị mà thôi ngõ hầu thúc giục sự ký kết hoà bình mà từ lâu dân tộc Việt Nam vẫn tha thiết đợi chờ thêm nữa đặng mau chấm dứt cuộc đổ máu vô ích và vô nhân đạo của người Pháp và người Việt. Những dự tính của chúng tôi đều không được các nhà đương cuộc có trách nhiệm chấp thuận và chỉ trả lời bằng cách thủ khẩu như bình.

Đã thế, những cuộc hành binh tàn sát sanh mạng, khủng bố dân lành và phá hoại tài sản vẫn tiếp diễn, còn trọng hệ hơn nữa là tước khí giới bất hợp pháp những binh sĩ Cao Đài ở các đồn tự vệ trong tỉnh Biên Hoà, Gia Định, Mỹ Tho, Cần Thơ…

Sự hiện diện của những tổ chức quân bị của chúng tôi đã đến giai đoạn không cần thiết nữa.
Chúng tôi xin cho quí Ngài rõ, chúng tôi sẵn sàng giải tán tất cả những tổ chức binh bị của chúng tôi và giao hồi cho nhà binh Pháp tất cả những khí giới đã giao chúng tôi.
Chúng tôi sẽ triệt để đứng Trung lập và đó là lập trường sau này của chúng tôi.
Chúng tôi để cho nhà binh Pháp được tự do định liệu ngày giờ chúng tôi giao hồi khí giới, ước mong được sớm ngày nào càng tốt ngày ấy.
Khi tiếp được thơ này, Tướng De Latour ở Saigon hồi đáp sẵn sàng chấp thuận thâu khí giới lại, song tỏ ý lo ngại bổn Đạo Cao Đài sẽ bị Việt Minh tàn sát.

Trong thơ kế tiếp Đức Hộ Pháp yêu cầu người Pháp đến sớm chừng nào càng tốt nhận lãnh số khí giới giao trả, còn đối với Việt Minh thì thuộc về nội bộ người Việt Nam, để tự giải quyết cùng nhau.

Sau cùng, Tướng De Latour xin lỗi vụ tước khí giới, qui trách nhiệm cho cấp dưới tự chuyên thi hành và yêu cầu quân đội Cao Đài giữ lại tất cả khí giới.

Người Pháp nhận thấy Đạo Cao Đài là chướng ngại vật nguy hiểm cho việc thống trị của họ ở Việt Nam, cần phải giải quyết kịp thời để tránh những kết quả tai hại.

Với âm mưu sát hại Đức Hộ Pháp, trong thơ của tướng Bondis, Tư Lịnh Lực Lượng Bộ Binh Nam phần Việt Nam gởi cho ông Gauthier, Tổng Thơ Ký Cao Uỷ Phủ Pháp ở Đông Dương, đề ngày 1-12-1952 có đoạn như sau :

“Người Anh đã tổ chức giết ông Gandhi với ý định duy trì sự thù hiềm và sự chia rẽ giữa người Hồi để có thể đặt nền cai trị được lâu dài hơn. Người Anh đã bị công luận thế giới lên án gắt gao, còn trường hợp của chúng ta ở đây, chúng ta hoàn toàn vô trách nhiệm. Nếu ông Tổng Thơ ký đồng ý với tôi, thì tôi sẽ lợi dụng cánh tay của Dương (Đặng Quang Dương) hoặc của Thành để hoàn thành thủ đoạn ấy, và sẽ hứa với người nào làm cho chúng ta được hài lòng rằng: sẽ cho họ cái địa vị Tổng Tư Lịnh Quân đội Quốc gia Việt Nam sau khi các lực lượng bổ túc được quốc gia hoá.”

Như vậy, chúng ta sẽ chặt đầu con rắn và khiến cho giáo phái Cao Đài gặp một hoàn cảnh lộn xộn như giáo phái Hoà Hảo. Khối Cao Đài sẽ được đặt gián tiếp dưới sự chỉ huy của nhà cầm quyền quân sự Pháp, và nhứt là dưới sự chỉ huy của người nào đã thi hành một cách ngoan ngoãn theo mạng lịnh của chúng ta”.

KẾT LUẬN.
Người Pháp phát khí giới cho quân đội Cao Đài để làm tay sai cho họ. Nhưng khi thấy không thể lợi dụng, nhờ cậy gì được như ý muốn, nên họ mới tước khí giới quân đội Cao Đài. Nhà cầm quyền Pháp đàn áp quân đội Cao Đài không khó, nhưng không dám liều lĩnh sợ “lưỡng đầu thọ địch ” một bên Việt Minh, một bên Cao Đài. Thành thử cuộc diện cứ giằng co đưa đến mưu tính của Pháp diệt Cao Đài bằng cách hiểm độc khác.

Đối với Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, quân đội Cao Đài chỉ để tự vệ và gìn giữ an ninh cho đồng bào ở những nơi nào có đồn bót quân đội Cao Đài. Lại nữa, Ngài dùng quân đội Cao Đài làm hậu thuẫn để thương thuyết với Pháp. Người Pháp nhiều lần tỏ ra bực dọc Đức Hộ Pháp, vì Ngài thẳng thắn vạch rõ tội lỗi của họ đối với dân tộc Việt Nam. Các Thượng Sứ Pháp như : Leclere, d’Argenlieu, Pignon, Bollaert, De Lattre de Tassigny … nhiều lần đấu trí với Ngài đều tỏ ra sút kém lý luận vì họ là những kẻ xâm lăng không có chánh nghĩa.

Nghiên cứu vấn đề Cao Đài, người Pháp nhận xét chỉ có Đức Hộ Pháp làm trở ngại chánh sách của họ. Họ đi đến kết luận là phải giải trừ Ngài.

XI . ĐẠI TÁ TRÌNH MINH THẾ TRỞ VỀ KHU CHỐNG PHÁP.

Trong năm 1951, hàng ngũ quân đội Cao Đài chia thành hai phe : phe thân Pháp do Trung tướng Thành cầm đầu, phe chống Pháp do Đại tá Trình Minh Thế chỉ huy. Đại tá Thế dẫn một số đông binh sĩ trở về khu lập “Quân đội quốc gia Liên minh ” chống Pháp.

Việc này Đại tướng De Lattre de Tassigny có hỏi Đức Hộ Pháp thì Ngài trả lời là vì người Pháp không thật tâm thi hành các Hiệp ước đã ký kết với Việt Nam để giao trả độc lập, nên Thế bất mãn phải ra đi. Việc ra đi của Thế là quyền công dân của Thế, Đạo không ngăn cản được.

KẾT LUẬN.
Người Pháp còn mê muội trong giấc mơ tái chiếm Việt Nam lần thứ hai. Không ngờ một nước có trình độ văn minh như Pháp lại không biết giác ngộ thời cuộc, chỉ vì tham vọng mà đánh giá sai lầm người Việt Nam ngày nay với người Việt Nam hồi  thế kỷ trước. Gần một thế kỷ bị trị, được trui rèn bằng đau thương, thống khổ, người Việt Nam ngày nay đã lớn mạnh về mọi mặt. Muôn người như một, dầu với giá nào, họ giành cho được độc lập, không chịu lệ thuộc nữa.

Vì sự nhận định sai lầm đó, nên kết cuộc người Pháp phải chịu hậu quả nặng nề, mang danh một cường quốc bại trận. Vì vậy, khi đi Gèneve năm 1954, Đức Hộ Pháp có để lời cảnh cáo các cường quốc là không nên “thọc tay vô giỏ cua”.

Người Pháp không thành thật giữ lời hứa nên buộc lòng Đức Hộ Pháp ra lịnh cho Đại tá Trình Minh Thế trở vô khu để làm áp lực với Pháp.

Trong bản án tố cáo Trình Minh Thế vô khu với âm mưu lấn đất của giải phóng là không đúng. Vì Đại tá Thế chỉ chiếm đóng một nửa Núi Bà Đen, cốt ý dựa lưng vào núi để chống đỡ các cuộc tảo thanh của Pháp. Còn đất của giải phóng từ Nam chí Bắc rộng mênh mông làm sao lấn được.

XII . ĐỨC HỘ PHÁP ĐI GENÈVE (1954).

Tháng 5 năm 1954, để vận động cho nền độc lập Việt Nam, thể theo sự thỉnh mời của Đức Quốc Trưởng Bảo Đại cùng Chánh phủ Pháp, Đức Hộ Pháp chuẩn bị chuyến Âu du sang Pháp.

Trước khi đi, Đức Hộ Pháp có thuyết Đạo tại Toà Thánh kêu gọi toàn Đạo cầu nguyện cho chuyến đi của Ngài được kết quả, một là Pháp ký kết Hiệp ước Độc lập cho Việt Nam mà Pháp đã hứa, hai là đất nước khỏi bị chia đôi, vì nguồn tin báo chí lúc đó cho biết thực dân Pháp có ý định chia cắt đất nước Việt Nam tại vĩ tuyến 16, như thế sẽ đưa đến cảnh nội chiến như thời Trịnh-Nguyễn.

Khi đến Paris, Ngài cùng Phái Đoàn có đến cầu nguyện tại nhà thờ Đức Bà (Notre Dame de Paris), kết quả vấn đề độc lập nước Việt Nam thì Pháp đã ký hai bản Hiệp ước Pháp- Việt vào ngày 4-6-1954. Hiệp ước thứ nhứt là hiệp ước Độc lập, Hiệp ước thứ hai là Hiệp ước liên kết Việt-Pháp mà Pháp có nhã ý làm món quà tặng nhân dịp lễ Sinh nhật của Đức Hộ Pháp mồng 5 tháng 5 âm lịch tại Paris.

 Còn vấn đề chia cắt nước Việt Nam, khi nghe tin Pháp và Việt Minh đã thoả thuận. Đức Hộ Pháp có tuyên bố với Pháp- Tấn xã A.F.P do báo “Journal d’Extreme Orient” đăng tại Saigon ngày 3-7-1954 “Bằng lòng cắt hai nước Việt Nam là chấp nhận sự bại trận. Trong trường hợp Pháp và Việt Minh thoả thuận phân chia như vậy, thì chúng tôi những người quốc gia Việt Nam sẽ phải chiến đấu cả hai mặt vừa đánh Pháp vừa đánh Việt Minh.
 (Hồi ký của Trần Tấn Quốc trong Báo Đuốc Nhà Nam)

Lời tuyên bố này làm chấn động dư luận ở Saigon còn ở Paris thì Pháp ngăn lại không cho phát hành vì cho là quá khích.

Ngày 5-7-1954, Đức Hộ Pháp cùng phái đoàn Cao Đài sang Gèneve được phái đoàn Việt Minh của Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời đến trụ sở Verosix (Hotel le Cèdre) hội kiến rất thân mật. Thủ tướng Phạm Văn Đồng có giải thích vấn đề chia đôi cương thổ chỉ là giới hạn để đình chiến rồi sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử để thành lập Chánh phủ thống nhứt cho toàn lãnh thổ Việt Nam chớ không phải chia xẻ. Khi đề cập đến việc phái đoàn Việt Minh có lần không nhìn nhận phái đoàn quốc gia Việt Nam như ở Hội nghị Trung giá (Bắc Việt), Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nói với Đức Hộ Pháp “Đức Hộ Pháp thử nghĩ coi, biểu tôi phải nhìn nhận Ngô Đình Diệm làm sao đặng, vì họ không có đại diện cho một thực lực, cho một ai hết. Chớ như Đạo Cao Đài đây có một thực lực hơn mấy triệu tín đồ và một quân đội mấy chục ngàn người thì chúng tôi sẳn sàng tiếp đón và thảo luận tất cả mọi vấn đề.
 (nguyên văn nhựt ký chuyến Âu Du của Cụ Hồ Bảo Đạo)”.

KẾT LUẬN.
Cụ Hồ Chủ Tịch đồng tuổi với Đức Hộ Pháp, Cụ rất tinh tế, già dặn kinh nghiệm và nhìn đời đủ mọi khía cạnh.

Tuy không phải là đồng chí, nhưng Cụ hiểu được chí hướng của Đức Hộ Pháp trong suốt cuộc đời hoạt động Cách mạng. Khi Đức Hộ Pháp mất, Cụ có đề cử một Phái Đoàn do Đại sứ Ngô Điền hướng dẫn đến Nam Vang tỏ lời phân ưu với Hội Thánh  trên đó. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam cũng có đại diện đến chia buồn.

Chánh quyền Cách mạng hiện hữu lại lên án Đức Hộ Pháp đủ mọi thứ tội.

XIII . MẶT TRẬN THỐNG NHẤT TOÀN LỰC QUỐC GIA.

Sau Hiệp định Gèneve 1954, tình hình miền Nam rối ren. Các Đảng phái rời rạc, còn Chánh phủ Ngô Đình Diệm càng ngày càng tỏ ra độc tài, gia đình trị và tự cao tự đại, khinh rẻ các giáo phái như những bộ lạc Phi Châu. Lực lượng viễn chinh Pháp còn ở Saigon, nhưng người Pháp không còn quyền hành gì, chỉ chờ ngày xuống Tàu về nước là xong. Chánh phủ Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ hoàn toàn theo Mỹ và chống Pháp.

Hồng y giáo chủ người Mỹ Spellman đề ra kế hoạch Công giáo hoá miền Nam mà Thủ tướng Ngô Đình Diệm là đại biểu. Người bí mật thi hành các kế hoạch gian hiểm là Đại tá Lansdale, trùm mật vụ Mỹ (CIA) ở Đông Nam Á. Cho nên Chánh phủ Ngô Đình Diệm nhắm vào các giáo phái có lực lượng quân sự như Cao Đài, Hoà Hảo, Bình Xuyên, … mượn chiêu bài chống cộng, trong đó miền Nam Việt Nam là thành trì ở Đông Nam Á. Người Mỹ và thủ tướng Ngô Đình Diệm thi hành kế hoạch tiêu diệt giáo phái,

Thấy được nguy cơ đó, ngày 3-6-1955, Đức Hộ Pháp triệu tập một Đại hội tại Saigon có mặt đông đủ đại diện các giáo phái, đoàn thể chính trị và báo chí tham dự để thành lập “Mặt trận Thống nhứt toàn lực quốc gia ”.

Trong cuộc chiến tại Đô thành Saigon vào tháng 5 năm 1955 giữa lực lượng Bình Xuyên và quân đội Chánh phủ Ngô Đình Diệm, Đức Hộ Pháp có đưa ra Bản Tuyên Ngôn xác định trách nhiệm về ai. Xin trích một đoạn như sau:
“Sự gây hấn đã xảy ra của quân đội Bình Xuyên đối cùng chánh phủ Ngô Đình Diệm là do duyên cớ Quốc trưởng Bảo Đại đã giao cơ quan Công an và Cảnh sát cho quân đội Bình Xuyên một cách công khai hợp pháp, cốt để giữ gìn Kim Chung buổi nọ. Nay Thủ tướng Ngô Đình Diệm muốn thâu hồi lại cho chánh phủ lại không dùng phương hợp pháp mà lại lập riêng Công an và Cảnh sát khác đặng giành quyền ấy mới gây thành nội loạn xô xát đôi bên bằng quyền lực. Hại thay, vì sự xô xát của cơ quan Chánh quyền mà làm cho đồng bào phải chịu nạn ly loạn tàn hại đến sanh mạng và tài sản.

Lẽ ấy do nơi chánh phủ quốc gia vụng về tổ chức mà lịch sử sẽ đề án ba người : Quốc trưởng Bảo Đại, Thủ tướng Ngô Đình Diệm và Thiếu tướng Lê Văn Viễn, chớ “Mặt trận“ chưa hề can phạm vào đó. Bần Đạo chỉ biết quốc dân cùng Tổ quốc, thì chỉ có một đường lối phải theo đuổi là bao giờ cũng ở sau lưng đồng bào và tổ quốc. Bần Đạo xin thanh minh rõ rệt rằng “Từ khi bị đồ lưu trở về nước thì chưa hề có một quyền lực nào chi phối Bần Đạo đặng …"

KẾT LUẬN.
Mục đích thành lập “Mặt trận Thống nhứt toàn lực quốc gia” của Đức Hộ Pháp là tạo cho miền Nam lúc giao thời một sự đoàn kết chặc chẽ giữa các giáo phái hầu ổn định tình hình, đồng thời kềm chế chủ trương độc tài, kỳ thị tôn giáo của chánh phủ Ngô Đình Diệm.

Người Mỹ và ông Ngô Đình Diệm rất lo ngại khi Mặt trận ra đời sẽ cản trở mưu đồ thầm kín của họ, nên tìm cách phá hoại cho kỳ được.

Họ dùng tiền bạc mua chuộc và hứa hẹn chức tước trong chánh phủ, khiến hai tướng Nguyễn Thành Phương và Trình Minh Thế tuyên bố với báo chí rút tên ra khỏi Mặt trận.

Khi phá được Mặt trận rồi, họ quay lại tìm cách sát hại những người hiệp tác với họ như trường hợp tướng Trình Minh Thế ở miền Đông và tướng Lê Quang Vinh tự Ba Cụt ở miền Tây Nam Phần. Họ sâu độc không thua thực dân Pháp thuở trước.

Sự thật như vậy mà bản án lại tố cáo Đức Hộ Pháp lập “Mặt trận thống nhứt toàn lực quốc gia ” do Pháp giựt dây là hoàn toàn vô căn cứ.

XIV . CHÁNH SÁCH HOÀ BÌNH CHUNG SỐNG .

Của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.
Trước khi xuất ngoại qua Cam Bốt, Đức Hộ Pháp có mời một số Chức Sắc Hội Thánh đến Hộ Pháp Đường để Ngài dạy việc vào ngày 24 tháng 12 năm Ất Mùi (1955). Ngài cho biết trước việc xuất ngoại sắp tới của Ngài là đưa ra một giải pháp mới cho Việt Nam. (theo tài liệu tốc ký của ông Thừa sử Phan Hữu Phước).

Mười hai ngày sau, đúng mùng 5 Tết Bính Thân (1956) Ngài sang Nam Vang (Cam Bốt), một nước Trung lập, để được tự do thi hành ý định là Ngài nhận thấy cuộc tổng tuyển cử bất thành thì nội chiến không tránh khỏi nên mới đề xướng “Chánh sách Hoà Bình Chung Sống ” để trung gian hoà giải hai miền. Ý định này chẳng phải mới có khi Đức Hộ Pháp lên Nam Vang, mà Ngài đã thấu triệt sâu xa từ ngày khởi đi Paris để theo dõi Hội nghị Genève 1954. Trước khi sang Paris, đêm 15-4-Giáp Ngọ (1954), trong một buổi thuyết Đạo tại Đền Thánh, Ngài nói: “… Bần Đạo sẽ dìu dẫn Thánh thể Đức CHÍ TÔN đến địa vị Trung lập, ngày nay Thánh thể Đức CHÍ TÔN đến giai đoạn là một giáo sư hoà giải …”. Như vậy là Ngài có ý định tạo một giải pháp hoà giải dân tộc khi hai bên Pháp-Việt chưa ký Hiệp định Genève 1954.

Chánh sách Hoà Bình Chung Sống ban hành ngày 26-3-1956 có cáo tri đến ông Chủ tịch Liên Hiệp Quốc, Tổng Thống và Thủ Tướng các cường quốc, Uỷ hội Quốc tế kiểm soát đình chiến, hai chánh phủ hai miền lúc bây giờ là Cụ Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm, mỗi nơi đều có điện văn hồi đáp tiếp nhận.

Riêng Cụ Hồ Chủ Tịch có gởi điện văn hồi đáp như sau:
Kính gởi Hộ Pháp Phạm Công Tắc,
135, Mr P.B Norodom P.Penh.
“Tôi trân trọng cám ơn bức điện văn Cụ gởi cho tôi ngày 26-4-1956 và thành thật hoan nghinh Cụ đã tỏ ý muốn nước Việt Nam ta được Hoà Bình thống nhứt. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà,toàn dân ta từ Bắc chí Nam trong nước và ngoài nước đều đang kiên quyết và bền bĩ đấu tranh để thực hiện nguyện vọng tha thiết của dân tộc, là làm cho nước Việt Nam ta được hoà bình thống nhứt, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Cuộc tranh đấu hiện nay của nhân dân ta tuy phải khó khăn và phức tạp, song toàn dân ta đoàn kết một lòng kiên quyết phấn đấu, cho nên nhứt định sẽ thắng lợi”.
Tôi xin gởi Cụ lời chào trân trọng
Hà Nội, ngày 26-6-1956
Hồ Chí Minh
Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.

Chánh sách Hoà Bình Chung Sống được trong Đạo từ Chức Sắc đến tín đồ nhiệt liệt hưởng ứng. Chánh phủ Ngô Đình Diệm phái Đặc sứ Nguyễn Ngọc Thơ lên Toà Thánh Tây Ninh cảnh giác và ngăn chặn, vì giải pháp này không thích hợp sách lược chiến tranh của Mỹ, làm suy yếu tinh thần binh sĩ. Đến năm 1957, Chánh quyền Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp, bắt bớ hàng ngàn người đày đi câu lưu trong các Trung tâm cải huấn, có một số bị chết trong ngục.

Nhưng hết đợt này đến đợt khác, các Ban bộ vẫn nối tiếp hoạt động cho đến ngày Đức Hộ Pháp qui Thiên (1959) và liên tục cho đến ngày miền Nam được giải phóng (30-4-1975)

KẾT LUẬN.
Chánh sách Hoà Bình Chung Sống của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc phát sanh từ ngày đất nước Việt Nam bị qua phân do Hiệp định Genève 1954.

Là một vị Giáo chủ của một nền Tôn giáo và cũng là công dân của nước Việt Nam, Ngài không muốn thấy chiến tranh anh em giết nhau như thời Chúa Trịnh và Nguyễn, và gần đây như ở Triều Tiên, nên mới đề ra một giải pháp chặn đứng chiến tranh, tiết kiệm xương máu cho nòi giống.

 Mặc dầu tình thế nước nhà ngày nay đã ngã ngũ, nhưng lời tiên đoán của Ngài vẫn không sai.

Chánh sách Hoà Bình Chung Sống của Đức Hộ Pháp không giống 5 nguyên tắc sống chung Hoà Bình của thủ tướng Nehru tại Hội nghị Bandseng hoặc của Tổng Thống De Gaulle. Kế hoạch trung lập của tướng De Gaulle là một chiến thuật ngoại giao có lợi cho nước Pháp, còn đường lối Hoà Bình trung lập của Đức Hộ Pháp là đường lối dung hoà nội bộ Việt Nam. Cả hai đều khác nhau xa về mục đích cũng như chủ trương của nó.

Bản án Cao Đài cho rằng Đức Hộ Pháp đề xướng Chánh sách Hoà Bình Chung Sống theo kế hoạch của Tổng Thống De Gaulle là hoàn toàn sai lạc.

Trong buổi họp tại giảng đường Toà Thánh do Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh tổ chức ngày 6-3-Nhâm Tuất (30-3-1982) mời toàn thể anh chị em trong nhóm Hoà Bình Chung Sống và Hoà Bình giáo hội của Đức Hộ Pháp, Mặt trận đã tuyên bố : “Những anh em hoạt động Chánh sách Hoà Bình Chung Sống trong thời buổi đó tuy không liên hệ gì với Cách mạng, nhưng có công với đất nước vì đã chống Mỹ Diệm, xây dựng Hoà Bình thống nhứt cho đất nước.”

Chúng tôi tự nghĩ không bao giờ giống xấu mà sanh trái tốt. Hành động của trò được tuyên dương mà Thầy bị kết án, theo như lời phát biểu của một hội viên trong buổi họp.

XV. Sĩ Tải PHẠM DUY NHUNG & Thiếu Tướng TRƯƠNG VĂN QUẢNG .

Trong chánh sách Hoà Bình Chung Sống của ĐỨC HỘ PHÁP.
Hai ông là người thừa kế sự nghiệp tranh đấu Hoà Bình của Đức Hộ Pháp từ khoản thời gian nối tiếp 1960 đến ngày miền Nam được giải phóng, sau khi Đức Hộ Pháp qui Thiên năm 1959 tại Nam Vang. Riêng ông Sĩ Tải Phạm Duy Nhung vì kiệt sức trong những năm bị giam cầm gian khổ nên từ trần năm 1967 tại bệnh viện Tây Ninh.

Trong thời gian hoạt động và bị giam cầm nhiều lần, hai ông được cảm tình của một số trí thức yêu nước ở Saigon và phần đông chánh trị phạm  thuộc thành phần cán bộ giải phóng bị giam chung với hai ông ở khắp trại giam miền nam, trong đó có anh Nguyễn Văn Me hiện ở Tây Ninh.

Vì vậy, khi Sĩ Tải Phạm Duy Nhung từ trần, có các cụ Trịnh Đình Thảo, Đặng Văn Ký, Kỹ sư Tô Văn Cang, hai nhà văn Thiếu Sơn và Thanh Nghị cùng một số trí thức trong Uỷ Ban Bảo vệ Hoà Bình của Bác sĩ Phạm Văn Huyến đến tại tư gia ông Nhung (ngoại ô Toà Thánh) để chia buồn và đến tại phần mộ đặt vòng hoa tưởng niệm.

Cụ Đặng Văn Ký, đại diện Phái đoàn, có đọc một bài thơ thương tiếc người quá cố :

"Hoà Bình Chung Sống Phạm Duy Nhung
Nối chí Thầy nêu Thuyết đại đồng
Họp báo tuyên dương đường chánh, ngụy
Vô tù thông cảm cuộc tồn vong
Liên hoan bạn dặn lên nhà bạn
Truy điệu ông nằm dưới mộ ông
Thống nhứt ngày vui ông vắng mặt
Xa gần nhắc nhở nhớ nghi phong"

KẾT LUẬN.
Hồi thời Mỹ Ngụy, hai ông bị kết tội làm tay sai cho Cộng sản. Đến nay, chánh quyền cách mạng lên án hai ông làm tay sai cho Mỹ Ngụy?.

XVI. - TOÀ THÁNH TÂY NINH TRONG GIAI ĐOẠN TỪ 1956-1975.

Đức Hộ Pháp xuất ngoại lên Nam Vang đầu năm 1956 để Ngài được tự do đề xướng Chánh sách Hoà Bình Chung Sống vào tháng 3 năm đó.

Suốt gần 20 năm, từ năm 1956 đến ngày thống nhứt đất nước năm 1975, chúng tôi là những người được Đức Hộ Pháp chỉ định hoạt động cho giải pháp này ở quốc nội, không còn liên hệ với Hội Thánh, nên không hiểu rõ những gì Bản án tố cáo trong giai đoạn đó.

TỔNG KẾT.
Bản án Cao Đài do Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh đưa ra mà toàn Đạo đều hiểu biết qua các cuộc học tập sâu rộng có trên 3 năm rồi.

Chúng tôi không vội vàng để chờ xem kết quả của nó, và nay mọi diễn biến đã an bày, bản án cùng với thời gian lùi vào quá khứ. Bình tâm nhận xét, ai cũng nhìn thấy Bản án đem lại kết quả như sau :
- Những tín hữu không đồng ý với Bản án bị bắt bớ, giam cầm.
- Một số người Đạo vì sợ sệt, muốn cầu an bên ngoài, buộc lòng họ phải chối Chúa, nhưng trong thâm tâm lúc nào họ cũng tôn kính các bậc tiền bối đã có công dìu dẫn họ trên bước đường đạo đức mấy mươi năm qua.
- Hội Thánh Toà Thánh Tây Ninh bị giải thể cùng với ba cơ quan Đạo là Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài và Phước Thiện để thành lập “Hội đồng Chưởng quản” thay thế.
- Nhiều dinh thự nội ô Toà Thánh cùng các động sản, bất động sản của Đạo bị trưng dụng.
- Nghi lễ Quan, Hôn, Tang, Tế của Đạo bị hạn chế và sửa đổi.

 Sự thiệt hại đó thuộc về phần hình thức, phần tinh thần tín ngưỡng vẫn nguyên vẹn, vì nó ở trong tâm khảm của mỗi người.
Chánh quyền Cách mạng làm mất cảm tình của 3 triệu tín đồ Cao Đài mà từ năm 1975 đến nay họ an tâm làm công dân nước Việt Nam mới Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa, không có hành vi chống đối hay đố kỵ.
Đạo Cao Đài từ ngày thành lập đến nay đã trải qua những cuộc thăng trầm trong nhiều trào Chánh phủ đổi thay, nhưng Đạo cũng vẫn là Đạo.

Những ý kiến trình bày trong phạm vi Bản Cải án này, không riêng của chúng tôi, mà là ý kiến chung của ba triệu tín đồ Cao Đài giáo.
Toà Thánh Tây Ninh, ngày 10 tháng 04 năm Nhâm Tuất.
(dl 3-5-1982)
Đồng ký tên
Sĩ Tải Nguyễn Thanh Nguyên
Sĩ Tải Huỳnh Văn Hưởng
Sĩ Tải Nguyễn Minh Ngời
Sĩ Tải Đỗ Hoàng Giảm.

Phụ bản:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét