Pháp Môn Tịnh Độ Trong Đạo Cao Đài (HT. Mai Văn Tìm)

Pháp môn Tịnh Độ trong Phật Giáo
Pháp môn Tịnh Độ trong Đạo Cao Đài.
- 1 . Lời dạy của Đức Chí Tôn về việc niệm danh Thầy.
- 2 . Năng cúng Tứ Thời và cúng Đàn nơi Thánh Thất.
- 3 . Năng Tụng Di Lạc Chơn Kinh và Kinh Cứu Khổ.

Kết luận.
Pháp môn Tịnh Độ trong Phật Giáo.
Trong Đạo Phật có một pháp môn tên là Tịnh Độ Tông. Pháp môn nầy gọi đơn giản là pháp môn niệm Phật, tức là hằng ngày bất cứ lúc nào trong tâm cũng tưởng tới Phật và miệng lúc nào cũng lo niệm Phật, với tâm nguyện duy nhứt là sẽ được vãng sanh về Cực Lạc Thế Giới.
Pháp môn nầy căn cứ vào lời nguyện của Đức Phật A Di Đà là bất cứ chúng sanh nào đang lúc hấp hối mà còn bình tâm niệm Nam Mô A Đi Đà Phật thì sẽ được Ngài phóng điển quang rước về Tây Phương Cực Lạc. . . Và trong Kinh điển lưu truyền lại, Đức Phật Thích Ca cũng có dạy rằng sau nầy vào thời mạt pháp người tu theo Phật qua các pháp môn rất khó đoạt pháp được duy chỉ nương theo pháp môn niệm Phật mà có thể siêu rổi về Tây phương Cực Lạc. . . .

Trong kinh A Di Đà có mô tả cảnh vật, cuộc sống ở cõi Cực Lạc thế giới hết sức tốt đẹp nào là mặt đất đầy dẫy 7 thứ báu vật vàng bạc, châu báu,. . . và con người sống an nhàn tự tại muốn chi có nấy và không phải lo lắng về cơm áo mà ai cũng lo tu tiến mà thôi. . .

Pháp môn nầy về phương diện tâm linh, hay là theo lý nhân quả ta cũng có thể giải thích như sau: Con người ai cũng có cái Tâm và rèn luyện cái tâm là điều hết sức quan trọng cho người tu. Tâm con người cũng là nơi gieo trồng hạt giống nhân quả, vì mỗi một niệm khởi lên trong tâm là đã có một duyên thọ sanh . Một niệm tốt khởi lên trong tâm là ta đã gieo được một hạt giống tốt, còn một niệm xấu hiện lên là ta đã gây nên một quả xấu. Như vây một niệm tham, sân, si nổi lên trong tâm thì cái quả sẽ là thọ sanh vào cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh,. . .  Như vậy hay hơn hết là trong tâm chỉ lo niệm Phật để sau nầy có thể sanh về cõi Phật. Khi trong tâm ta loại trừ hết những vọng niệm mà chỉ còn giữ một chánh niệm là cầu Phật thì sẽ có cảm ứng với chư Phật là điều đương nhiên . Danh từ nhà Phật gọi là niệm Phật đến trình độ nhứt tâm bất loạn. . . Nhưng người tu cũng còn phải qua giai đoạn nữa là bỏ hết cả chánh niệm để trở thành vô niệm đây mới là trạng thái chứng đắc hay tỏ ngộ chân lý. . .

Gần đây pháp môn Tịnh độ có phổ biến nhiều kinh sách bài thuyết pháp cho thấy rất nhiều người tu theo pháp môn nầy tức là ngày ngày thành tâm niệm Phật và trì tụng một vài bổn kinh như kinh A Di Đà, . . . đến khi lâm chung sẽ biết trước ngày giờ minh sẽ ra đi và xuâát hồn ra đi một cách bình an như là bằng chứng của sự vãng sanh Cực lạc. . .

Pháp môn Tịnh Độ trong Đạo Cao Đài.
Trong Đạo Cao Đài chúng ta  không có hay là chưa có phân chia ra từng pháp môn một cách rõ rệt hay đúng hơn chúng ta  chỉ phân biệt một bên là phổ độ, một bên là tịnh luyện. Nhưng đây không hẳn là pháp môn mà chỉ là hai giai đoạn trên đường tu của người môn đệ Cao Đài. Theo lời thuyết giảng của Đức Hộ Pháp thì khi muốn vào nhà tịnh để được chơn sư chỉ dạy tịnh luyện thì người đạo hữu phải qua sự cân thần để xem người đó có đủ tam lập tức là lập đức, lập công, lập ngôn chưa. Khi nào có đủ tam lập thì sự tịnh luyện mới có kết quả còn nếu chưa đủ thì phải lo lập công quả thêm nữa tức là phải lo hành đạo qua việc phổ độ nhơn sanh.

Tuy không nói lên pháp môn rõ rệt nhưng nếu ta để tâm suy ngẫm qua Thánh giáo, qua lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp và qua Kinh Lễ chúng ta sẽ thấy một pháp môn tương đồng với pháp môn Tịnh độ của nhà Phật. Chúng ta  có thể nói đây là pháp môn Tịnh độ của Cao Đài. Sau đây chúng ta  sẽ phân tích các yếu tố căn bản của pháp môn nầy.

1 . Lời dạy của Đức Chí Tôn về việc niệm danh Thầy.
Trong quyển Lời Phê Của Đức Hộ Pháp, Đức Ngài có viết:
Đức Chí Tôn là Đại Từ Phụ khi đến độ Bần Đạo, Bần Đạo có hỏi về phương Tận độ các vong linh nhân loại thì có nói quả quyết như vầy: Dầu cho có kẻ nào phạm tội dẫy đầy mặt đất mà khi hấp hối rồi chỉ kêu lấy danh Ta thì cũng đặng siêu thoát.

Danh từ Tận độ rất quen thuộc trong Đạo Cao Đài như : kinh Tận độ vong linh, cơ Tận độ....., ám chỉ đây là thời kỳ Đức CHÍ-TÔN đến ân xá tội tình, tạo điều kiện dễ dàng cho nhơn sanh tu hành hầu độ cho hết 92 ức Nguyên nhân và cả Hóa nhân hay Quỉ nhân nếu biết tu hành đồng được đắc kiếp trở về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống...

Trên đây là một trong những phương Tận độ mà Đức CHÍ-TÔN đã ân ban cho nhân loại, qua lời diễn tả của Đức Hộ-Pháp.

"Dầu cho có kẻ nào phạm tội dẫy đầy mặt đất mà khi hấp hối rồi chỉ kêu lấy danh Ta thì cũng đặng siêu thoát".

Kêu lấy danh Thầy tức là niệm Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, tại sao phải kêu danh Thầy lúc hấp hối mới đặng siêu thoát ?

Đây là một điều có ảnh hưởng huyền diệu đến linh hồn như thế nào chúng ta còn chưa hiểu rõ, nhưng theo kinh sách xưa nay chỉ dạy giờ phút lâm chung của con người rất quan trọng, trong giờ phút ấy mà người nào còn tỉnh táo tưởng niệm, cầu nguyện Đức CHÍ-TÔN cùng các Đấng Thiêng Liêng cứu độ vong hồn thì sẽ được hưởng hồng ân siêu rỗi của các Đấng. Chính vì vậy mà trong kinh Tận Độ vong linh của Cao Đài có hai bài : Kinh Cầu hồn khi hấp hối và kinh Cầu hồn khi đã chết rồi .

Trong bài kinh Cầu hồn khi hấp hối có những câu rất cảm xúc, đánh động tâm thức làm cho chơn thần thức tỉnh để hướng về cầu nguyện Đức Chí Tôn  như:
    Ớ.....(tên họ) .....thành tâm cầu nguyện,
    Nguyện Chí Tôn linh hiển độ sanh,
    Ăn năn sám hối tội tình,
    Xét câu minh thệ gởi mình cõi thăng.
    Dầu nghiệt chướng số căn quả báo,
    Đừng hãi kinh cầu đảo Chí Tôn,
    Cửa địa ngục khá lánh chơn,
    Ngọc Hư Cực Lạc đon  đường ruổi dong.
    Dầu trọn kiếp sống không nên Đạo,
    Dầu oan gia tội báo buộc ràng,
    Chí Tôn xá tội giải oan,
    Thánh Thần Tiên Phật cứu nàn độ vong.

Trong quyển Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống, Đức Hộ Pháp thuyết đêm 12 tháng 2 năm Kỷ Sửu (1949) có đoạn giảng về ý nghĩa của việc niệm danh Thầy như sau:

 “Hỏi thử tội tình của chúng ta đã làm trong kiếp sanh, Đức Chí Tôn để trong phương pháp nói rằng: tội tình các con đầy dẫy nơi mặt địa cầu nầy mà đến giờ chót các con biết kêu danh Thầy thì Thầy đến cứu, Thầy đem bí pháp giải thoát để trong tay các con đặng các con đoạt chơn pháp giải thoát đó vậy. Kêu danh Thầy là: Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

Chúng ta  đã ngó thấy Bần Đạo đã thuyết minh rằng: khi ngươn linh của chúng ta đã hiện tượng của nó, thì nó đồng tánh với càn khôn vũ trụ, đồng tánh với Chí Linh là đoạt Đạo.

Càn khôn vũ trụ là nơi sản xuất Đấng ấy mà Đấng ấy đồng tánh với nhau tức nhiên Đấng ấy có quyền tự giải thoát cho mình, vì cớ cho nên kêu danh Đức Chí Tôn thì đoạt cơ giải thoát dầu tội tình bao nhiêu chúng ta  đã tạo thành nơi mặt địa cầu nầy, dầu có đầy dẫy đi nữa mà giờ chót chúng ta  biết kêu danh Đức Chí Tôn, tức nhiên biết kêu ngươn linh của chúng ta, tức nhiên chúng ta  chối cái quyền làm tòa buổi chung qui của chúng ta. Hễ ta chối cái quyền làm tòa thì còn ai xử ta đâu.

Đấng Chí Linh duy chủ mà để quả kiếp trong tay Đấng Chí Linh thì còn ai xử ta đâu, cơ quan giải thoát đoạt pháp là vậy đó”.

Trong Phật giáo cũng có dạy tương tự như Đạo Cao Đài là : trong lúc hấp hối nếu người nào niệm hồng danh Đức Phật A-Di-Đà thì cũng được Phật đến cứu rỗi.

Điều nầy nghe có vẻ dễ dàng vì chỉ cần niệm danh Thầy hay Phật thì ai không niệm được ? Và như thế thì chúng ta không cần lo tu làm gì vì không cần tu cũng đặng siêu thoát ?

Nhưng nói như thế chớ không phải dễ thực hiện vì trong kiếp sanh nếu chúng ta chẳng biết lo tu hành hướng thiện thì lúc lâm chung linh hồn bị nghiệp lực chồng chất làm cho đau đớn hôn mê, còn đâu tỉnh thức tinh thần để niệm ?

Cho nên lúc sinh thời chúng ta rán lo tu hành, lập âm chất, siêng năng cúng kiếng hằng ngày, cầu nguyện Đức CHÍ-TÔN cùng Tam Giáo ban hồng ân , điển lành cho chơn thần chúng ta được mẫn huệ, sáng suốt. Đồng thời năng tụng kinh Di Lặc, Cứu Khổ hầu nghiệp chướng tiêu trừ, tiêu tai giải nạn .....Một công trình tu tập, tụng niệm thường xuyên, thì may ra đến buổi lâm chung ta vẫn còn được bình tĩnh sáng suốt tinh thần mà niệm danh Thầy được.

Trong một bài thuyết Đạo Đức Đạt Lai Lạt Ma (Phật Sống Tây Tạng) Ngài cũng có thuyết giảng vấn đề nầy như sau:

"Khi ta tu tập hằng ngày, khi chết ta sẽ không nuối tiếc chi nữa. Điều quan trọng lúc lâm chung là làm sao ta giữ được thiện tâm và những ý hướng thiện, trong lành. Bạn có thể thực hiện được điều ấy vì bạn đã tu tập trong đời sống hằng ngày. Nếu ta tĩnh thức được khi sắp lìa đời và hướng tâm về đường thiện, chắc chắn khi tái sinh, bạn sẽ tới được chỗ tốt đẹp hơn".

Tóm lại, chúng ta có thể hiểu lời dạy của Đức CHÍ-TÔN muốn nhấn mạnh tới hai điều, thứ nhứt: giây phút hấp hối rất là quan trọng làm thế nào đến giây phút đó ta được bình tĩnh để tâm tưởng niệm đến Thầy. Thứ hai là: hồng ân thiêng liêng của Đại Từ Phụ ban cho rất là lớn lao, dầu cả kiếp sanh chúng ta gây lắm tội tình mà giờ phút cuối biết ăn năn cầu khẩn nơi Người cũng được hưởng hồng ân siêu rổi.

Như vậy nếu chúng ta tập được thường xuyên hằng ngày niệm danh Thầy và cầu nguyện Thầy ban cho hồng ân siêu rỗi thì chắc chắn đến giờ phút cuối chúng ta vẫn còn giữ được cái tâm thiện niệm đó, và sẽ được hưởng nhiều hồng ân Đức CHÍ-TÔN ban cho.

Để chứng minh điều nầy chúng ta đọc lại lời Thánh giáo của Thầy qua đoạn sau: "Thầy để lời cho các con biết rằng: nhiều Thánh Tiên Phật xuống phàm, nếu căn quả tiền khiên không mấy trọng hệ, nghĩa là kiếp trần duyên không chi phải nhơ bợn nhiều thì dầu không Thiên phong hễ gắng tâm thiện niệm thì địa vị cũng đạt hồi đặng". (TNHT, II, trg 151).

Mà gắng tâm thiện niệm bằng cách nào ? Phải chăng Kinh Lễ dạy cúng Tứ thời là vì mục đích nầy ? Khi chúng ta để trọn tâm tưởng niệm Thầy cùng chư Thiêng Liêng, chúng ta dâng Tam bửu và cầu nguyện Thầy hằng ngày, khi tâm chúng ta có cảm thì tất nhiên có ứng, do vậy chúng ta sẽ hưởng được điển lành của các Đấng ban cho. Vì vậy quả đúng như  lời Thánh giáo dạy khi cúng tức là cho linh hồn ăn uống vậy.

2 . Năng cúng Tứ Thời và cúng Đàn nơi Thánh Thất:
Trong quyển Lời Phê của Đức Hộ-Pháp : Vị Chí Thiện Lê Văn Trường làm đơn xin nghỉ cúng thời Tý vì già cả bịnh hoạn. Đức Hộ Pháp có bút phê rằng:

"Hễ càng già lại càng cúng nhiều đặng dâng mạng căn số kiếp của mình cho Đức CHÍ-TÔN định, ấy là Bí mật Giải thoát của Chí Tôn để nơi cơ Tận Độ. Dầu đương giờ mình cúng mà chết trước mặt người lại càng hay.

Phải tuyên truyền cho ai ai cũng đều thấu đáo nghĩa lý Bí Pháp nầy. Khi đau ốm nằm dưỡng bịnh hễ nghe thời cúng là ngồi dậy dâng Tam bửu cho Chí Tôn".

Vào thời kỳ 1947-1955, có giai đoạn Đức Hộ-Pháp buộc chức sắc ở gần Tòa Thánh  mỗi đêm phải đi cúng vào thời Tý tại Đền Thánh, và Ngài cũng gia công thuyết Đạo trong thời gian nầy...Đoạn trên Đức Hộ-Pháp đã nói rõ: Sự cúng kiếng tức là cả cúng Đàn và Tứ Thời tụng niệm là Bí mật Giải thoát, tức là Bí pháp của Đức CHÍ-TÔN để nơi cơ tận độ, và Đức Ngài dạy phải tuyên truyền cho con cái Đức CHÍ-TÔN thấu đáo nghĩa lý Bí pháp nầy, nhưng thử hỏi từ đó đến nay có được bao nhiêu người đã ý thức được tầm quan trọng của việc cúng kiếng.....

Ở một bài Thuyết Đạo khác vào ngày 1 tháng 11 năm Mậu Tý (1948) Đức Hộ-Pháp giảng giải thêm việc cúng kiếng là "Món ăn của Linh Hồn" như sau:
"Hại thay ! nếu khoa-học mà dìu-dắt tâm-lý nhân-sanh đến đạo-đức tinh-thần thì may biết bao, trái ngược lại văn-minh ấy chỉ giục thúc phương-sống vật-chất, họ tìm hạnh-phúc trong cái sống vật hình, vì cớ Đạo-Giáo mất quyền. Bần-Đạo tưởng người khác hơn Bần-Đạo cũng lưu-ý đến điều ấy, nên đã vấn-nạn Đức Lý Giáo-Tông. Hỏi rằng : đương thế kỷ hai mươi nầy văn-minh cực-điểm đã đi quá cao rồi, đem đạo-đức tinh-thần làm thuyết cứu thế, sợ e chẳng có kết quả. Tôi công nhận rằng trước hai ngàn năm có lẽ nhơn-loại còn bảo-thủ được khối thiên-lương biết xu-hướng đạo-đức, tinh-thần đạo đức buổi ấy dường như gặp một mảnh ruộng có nhiễm phân nên hột giống mới mọc đặng, còn thế-kỷ hai mươi nầy là thời kỳ văn-minh vật-chất, nếu đem đạo-đức ra làm môi-giới, cữu-vãn tình-thế cho đời, e vô hiệu-quả.

Ngài than ! nói quyết đoán rằng : " Theo lẽ Hiền-Hữu nói nhơn-loại ngày giờ nầy không cần đạo-đức có phải ?".

Bần-Đạo trả lời : " Thật vậy, nhơn-loại buổi nầy không cần đạo-đức, chỉ tìm hanh-phúc nơi văn-minh khoa-học cũng có thể được chớ ?".

Ngài cười : " Văn-minh khoa-học chỉ nuôi phần xác-thịt họ mà thôi, con phần linh-hồn dám chắc họ sẽ đói ".
Bần-Đạo vấn nạn : " Tại sao Ngài nói linh-hồn đói, linh-hồn có ăn sao mà đói ?".
Phải, phải có vật-thực đặng bảo dưỡng nó như thi-hài vậy, nếu không vật-thực nó sẽ tiều-tụy rồi chết mà chớ.

Luôn đó Ngài lấy triết-lý cao-siêu mà dạy Bần-Đạo trong một con người có ba xác-thân gọi là tam hồn và bảy vía gọi là thất-phách liên hệ mật-thiết cùng nhau. Đương-nhiên trong thân-thể của mỗi người có ba xác thân ấy cần bảo dưỡng mới tồn-tại được. Vì cớ Đức Chí-Tôn cho biết, trí-thức và linh-hồn trọng-yếu do căn nguyên của sự sanh-hoạt của nó định cái ngã-tướng cho ta. Ba xác-thân ấy phải nuôi mới sống, mới tồn-tại như xác-thịt thể-hình ta vậy. Đạo-Giáo là tinh, phải ẩm-thực, tinh mới sống, xác-thịt giữa là xác-thân trí-thức tinh-thần ta thấy con người chẳng phải tìm món ngon vật lạ đặng bảo-thủ xác-thân, còn coi hát, nhảy đầm, vui chơi, cờ-bạc, hút-sách tưởng là tìm món ăn cho trí-thức đặng bảo-dưỡng, mà không biết rằng đó là hại cho trí-thức.

Bây giờ tới linh-hồn cũng phải có vật-thực cho nó chớ. Vật-thực là cả triết-lý cao-siêu tồn-tại đấy. Đệ-nhị xác-thân gọi là khí, Chí-Tôn gọi là chơn-thần, nó làm trung gian cho xác và hồn, hễ lương năng thì nó bảo-thủ xác-thịt thể-hình, còn lương-tri nó tìm vật-thực nuôi linh-hồn. Ta nuôi linh-hồn bằng gì ? Vật thực nuôi sống xác-thịt, còn linh-hồn sống đặng là nhờ đạo-đức tinh-thần đó vậy. Ta tu tức là ta tìm phương bảo-trọng cho tồn-tại đạo-đức tinh-thần đặng nuôi linh-hồn hầu đạt vị Thần, Thánh, Tiên, Phật dìu-dẫn bảo trọng lấy nó để có đủ lực-lượng quyền năng giong-ruổi trên con đường Thiêng-Liêng hằng sống.

Đạo-đức tìm nơi đâu mà có đặng ? Tức nhiên tìm nơi cửa Thiêng-Liêng hằng sống mới có, mà tìm nơi cửa Thiêng-Liêng tức là cửa đạo, buổi ăn của linh-hồn là buổi ta vô Đền-thờ cúng đấy. Ta không thấy mùi của nó tức chưa hưởng được, tưởng vô Đền-thờ là bị luật buộc, không dè mỗi phen đi cúng tức là cho linh-hồn ăn vậy, Bần-Đạo tưởng thấy trong trí cần phải buộc cả thảy đi cúng, vì trong thâm-tâm Bần-Đạo định cho mấy người chưa biết mùi của nó, cũng như kẻ nhà quê, đưa cho gói bánh nói thứ ăn chẳng đặng, rồi khi đã biết mùi rồi bán cả áo, cả quần mà mua ăn.

Giờ phút nầy phái Nữ chưa biết mùi ngon của món ăn cho linh-hồn. Ngày giờ nào cả thảy biết mùi của nó, ngày giờ ấy có đến ít nữa với những kẻ biết hoặc đói khát dữ tợn kia mới biết ăn ngon. Phàm đói cho lung ăn mới ngon. Nhưng coi chừng Bần-Đạo khuyên một điều, đừng để quá đói mà chết đa. Hại thay vật ăn của linh-hồn có quyền năng Thiêng-Liêng vô tận, giúp ta giải bày cái ác như là cởi áo, chớ không phải mặc chật như dính vào da, rồi ngày giờ thoát xác, tinh-thần thế quyền Thiêng-Liêng lột từ miếng đau-đớn linh-hồn chẳng biết bao nhiêu, chừng đó có ăn năn rồi biết sợ.

Không có một điều gì mà Chí-Tôn định trong chơn giáo của Ngài, dầu Bí-pháp, dầu Thể-pháp mà vô ích đâu. Đấng ấây là Đấng tưng-tíu, yêu-ái con cái của Ngài lắm, thảng có điều không cần ích mà con của Ngài nói rằng không muốn, Ngài cũng bỏ nữa đa. Từ ngày Khai Đạo, Kinh-kê, lễ-bái, sư chi sắp đặt về đạo-đức cũng chính Chí-Tôn tạo thành, không phải do các Đấng khác. Ngài buộc mình làm, tức có cần yếu, hữu ích chi chi đó, Ngài mới buộc. Vì cớ nên, thời giờ nầy, thấy Bần-Đạo bó-buộc nghiêm-khắc có lẽ những kẻ biếng-nhác cũng phàn nàn lén-lút. Ngày cuối cùng các bạn gặp mặt Bần-Đạo nơi Thiêng-Liêng Bần-Đạo sẽ hỏi các bạn coi khi còn ở thế Bần-Đạo buộc cả thảy đi cúng là có tội hay có công. Công hay tội ngày giờ ấy Bần-Đạo hỏi rồi chúng ta sẽ có một tấn-tuồng tâm-lý ngộ-nghĩnh với nhau vô cùng tận, chừng đó mới biết lẽ nên hư.

Ngày nay, giờ phút nầy, Bần-Đạo đứng lại giảng-đài nầy để lời khuyên nhủ còn biếng nhác quá ! Xác thịt đã hư rồi đến linh-hồn, phải coi chừng cho lắm, kẻo ngày kia ăn-năn quá muộn".

Trong thời cúng có phần trọng yếu là dâng Tam bửu, phần nầy cũng hàm chứa bí pháp qua lời thuyết giảng của Đức Hộ-Pháp như sau:
"Chúng ta thấy gì ? Mỗi ngày ta kêu Đức-Chí-Tôn làm chứng, kêu Tam-Giáo làm chứng, giờ phút này con nguyện dâng cả xác thịt, trí não và linh hồn của con cho Thầy đặng Thầy làm lợi khí mà phụng sự cho Vạn-linh. Hễ dâng rồi còn gì của mình nữa, có trả nợ tiền khiên chớ không có tạo nữa; nếu có tạo mà giờ phút này mình đến Đền-Thánh này đây, ngồi trong lòng của Đức-Chí-Tôn đứng trong phần tử Thánh-Thể của Ngài tình cờ mình bị quả kiếp gì xảy đến, mình không biết, vì thân thể mình không biết duy chủ nữa mà chính Đức-Chí-Tôn duy chủ, vì mình giao cả thân-thể mình nơi tay Đức-Chí-Tôn thì mình không còn biết gì nữa.

Ngày kia mình có thể nói mỗi hành tàng của con làm, con đã tạo, con giao cả trong tay Đại-Từ-Phụ, quyền hạn xử định do nơi tay Thầy chớ con không biết.

Mình giao cả hình hài đó cho Ngài xử dụng, nếu sự thật có gì không hay xảy tới cho mình, mình không hiểu, mình giao cả thân thể mình cho Đức-Chí-Tôn đặng Đức-Chí-Tôn phụng sự cho vạn linh quyền xử dụng ấy do Đức-Chí-Tôn quyết định, mình đừng làm trái với mặt luật của Ngài định.

Ấy vậy, mỗi ngày từ mơi tới trưa, đến chiều, từ chiều đến khuya, từ khuya tới sáng, mình vô Đền-Thánh kêu Đức-Chí-Tôn, kêu Tam Giáo và các Đấng Thiêng-liêng mà phân chứng trước. Thân tôi không còn của tôi nữa, tôi đã hiến cho Đức-Chí-Tôn làm tôi tớ cho Vạn-Linh thay thế cho Đức-Chí-Tôn, giờ phút đó chúng ta không biết tội nào chúng ta đã làm dầu có tội mà chúng ta không làm điều gì thêm nữa thì quả kiếp ấy tiêu diệt, cơ quan giải thoát chúng ta đoạt không thể gì định tội được. Đức-Chí-Tôn biểu chúng ta không phải là chúng ta; mà chúng ta không phải là chúng ta thì quả kiếp ấy không phải là của chúng ta tức nhiên ta đã đoạt cơ giải thoát, (trích Bí Pháp ĐHP thuyết ngày 8/6/năm Kỷ Sửu, 1948).

3 . Năng Tụng Di Lạc Chơn Kinh và Kinh Cứu Khổ.
Di Lạc Chơn Kinh là bổn kinh vô cùng vi diệu như câu khởi đầu bài kinh là vô thượng thậm thâm vi diệu pháp. Kinh nầy do chính Đức Phật Thích Ca giáng cơ ban cho. Đây là bổn kinh quan trọng bậc nhất trong kinh Tận độ của Cao Đài. Theo lời thuyết giảng của ngài Hồ Bảo Đạo thì kinh Di Lạc như là một biên bản bàn giao giữa Đức Phật Thích Ca (Nhị Kỳ) và Đức Phật Di Lặc (Tam Kỳ Phổ Độ).

Trong lời tựa của quyển Kinh Lễ, Hội Thánh đã giảng giải rõ nguồn gốc cũng như tầm quan trọng của kinh Tận độ vong linh gồm cả kinh Cầu Siêu, kinh cúng Tuần cửu, Tiểu tường, Đại tường, và Di Lạc Chơn Kinh như sau:

“Từ khi mở Đạo, Chí Tôn duy giáng cơ truyền cho Phật giáo, Minh Sư, Minh Đường, Minh Lý dạy dâng kinh cho Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, song linh tận độ vong linh chưa hề giáng cơ cho nơi nào tất cả.

Đức Quyền Giáo Tông (khi còn tại thế) và Đức Hộ Pháp trót mười năm trường nghĩa là từ ngày mở Đạo, đã nhiều phen dâng sớ cho Đại Từ Phụ và các Đấng Thiêng Liêng đặng xin kinh Tận độ, nhưng mà Chí Tôn cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật vẫn chưa định ban ân cho toàn sanh chúng.

Mãi đến ngày 23 tháng 7 tới mùng 4 tháng 8 Aát Hợi (Dl, 21 đến 31-8-1935) mới giáng cho Tân Kinh. Aáy là một giọt nước cam lồ của Đức Từ Bi rưới chan đặng gội nhuần cho các đẳng linh hồn của toàn thế giới.

Chúng ta  thầm xét thì đủ hiểu rằng : Đã trải qua mười năm Chí Tôn mới mở cơ Tận độ. Cơ tận độ nhơn sanh duy kể từ ngày ban Tân Kinh nầy mà thôi.

Thương thay cho những kẻ vô phần chịu phận thiệt thòi qui liễu trước ngày Tân Kinh chuyển pháp. Ấy cũng là quả kiếp của nhơn sanh do Thiên thơ tiền định. Nếu chúng ta  thương tưởng thì duy có một phương độ rỗi là trì tụng Di Lạc Chơn Kinh hầu các đẳng linh hồn đặng siêu thăng Tịnh độ”.

Qua lời dẫn giải của Hội Thánh, chúng ta  thấy sự quí báu vô giá của kinh Tận độ vong linh nhất là kinh Di Lạc. Trong Di Lạc Chơn Kinh diễn tả sự cứu rỗi vong linh của Chư Phật qua năm từng Trời : Hổn Ngươn Thiên, Hư Vô Thiên, Tạo Hóa Thiên, Phi Tưởng Thiên, Hạo Nhiên  Thiên, tức là 5 Trời cao nhất trong 12 từng Trời . 

Nơi từng Hổn Ngươn Thượng Thiên Nhứt thiết chư Phật hữu giác, hữu cảm, hữu sanh hữu tử, tri khổ nghiệp chướng luân chuyển hóa sanh, năng du ta bà thế giái độ tận vạn linh đắc qui Phật vị, tức là chư Phật cõi nầy cũng đã từng chuyển kiếp làm người trong cõi ta bà nên thấu rõ khổ não, nghiệp chướng của chúng sanh nên thường du hành trong cõi ta bà để độ tận chúng sanh đoạt ngôi Phật vị tức là giải thoát khỏi luân hồi sanh tử.

Toàn thể bổn kinh nói lên sự cứu độ nhơn sanh về cả xác thân lẫn linh hồn như:
“... tùng thị pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ tất đắc giải thoát luân hồi . . .
. . . nhứt tâm thiện niệm Nam Mô Di Lạc Vương Bồ Tát năng cứu khổ ách, năng cứu tam tai, năng cứu tật bịnh, năng độ dẫn chúng sanh thoát chư nghiệt chướng tất đắc giải thoát. . .

. . . hằng hà sa số chư Phật tùng lịnh Nhiên Đăng Cổ Phật dẫn độ chơn linh đắc pháp, đắc Phật, đắc duyên, đắc vị đắc A Nậu Đa La Tam Diệu Tam Bồ Đề (nghĩa là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là phẩm vị Phật tối cao) chứng quả nhập Cực Lạc Quốc. . .

. . . hằng hà sa số chư Phật tùng lịnh Kim Bàn Phật Mẫu, năng tạo, năng hóa vạn linh, năng du ta bà thế giái dưỡng dục quần sanh qui nguyên Phật vị. . .

. . . Nam Mô Từ Hàng Bồ Tát năng cứu tật bịnh, năng cứu tam tai, năng độ tận chúng sanh thoát ư tứ khổ , năng trừ tà ma, năng trừ nghiệt chướng tất đắc giải thoát. . .

. . . Nam Mô Chuẩn Đề Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, năng trừ ma chướng quỷ tai, năng cứu khổ ách nghiệt chướng, năng độ chúng sanh qui ư Cực Lạc tất đắc giải thoát”.

Bổn kinh tuy viết theo thể văn Hán Việt nhưng dùng danh từ thông thường, đọc qua ai cũng có thể hiểu được.

Đặc biệt nơi từng Tạo Hóa Huyền Thiên, Đức Phật Mẫu năng tạo, năng hóa Vạn Linh, năng du ta bà thế giái dưỡng dục quần sanh qui nguyên Phật Vị, tức là Bà Mẹ hóa sanh chơn thần của vạn linh và còn dưỡng dục, độ rỗi con cái đến ngày qui nguyên Phật vị.

Bồn tầng Trời còn lại chư Phật năng cứu khổ ách, năng cứu tam tai, năng cứu tật bịnh, năng trừ tà ma, tiêu trừ nghiệt chướng, độ tận chúng sanh thoát ư tứ khổ, giải thoát lục dục thất tình, thoát đọa luân hồi tất đắc giải thoát qui nguyên Phật vị.

Điểm đặc biệt nữa là năng lực của Kinh Di Lạc vô cùng rộng lớn như trong đoạn “Nhược nhơn đương sanh, nhược nhơn vị sanh, nhược nhơn hữu kiếp, nhược nhơn vô kiếp, nhược nhơn hữu tội, nhược nhơn vô tội, nhược nhơn hữu niệm, nhược nhơn vô niệm, thính đắc ngã ngôn phát tâm thiện niệm tất đắc A Nậu Đa La Tam Diệu Tam Bồ Đề tất đắc giải thoát”. Nghĩa là người đang sống, người chưa sanh ra, người có kiếp sống, người không có kiếp sống,. . .nghe được  lời Phật mà phát tâm thiện niệm đều được giải thoát. Vậy khi ta tụng kinh Di Lạc, nếu có những chơn linh cõi vô hình đến nghe kinh thì cũng được hưởng hồng ân siêu thoát. Chính vì vậy Hội Thánh dạy nơi Tòa Thánh cũng như các Thánh Thất Điện Thờ Phật Mẫu những ngày Rằm, mùng một chư đạo hữu thay phiên nhau tụng kinh Di Lạc Cứu Khổ từ chiều cho đến khuya để cầu an cho nhơn sanh và cầu siêu rỗi cho các đẳng linh hồn chưa được siêu thoát. . .

Bây giờ chúng ta tìm hiểu chúng sanh khi được giải thoát rồi sẽ sống ở cõi nào ? Trong suốt bổn kinh nhiều lần xác nhận : đó là cõi Cực Lạc Thế Giới như các đoạn:
. . . tất đắc giải thoát luân hồi, đắc lộ Đa La Tam Diệu Tam Bồ Đề thị chi chứng quả Cực Lạc Niết Bàn. . .
. . . đắc vị , đắc A Nậu Đa La Tam Diệu Tam Bồ Đề chứng quả nhập Cực Lạc Quốc. . .
. . . năng độ chúng sanh qui ư Cực Lạc tất đắc giải thoát. . .
Trong Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống, Đức Hộ Pháp có thuyết giảng nơi Cực Lạc Thế Giới ngày nay do Đức Di Lạc chưởng quản còn Đức Phật A Di Đà vào ở nơi Lôi Âm Tự. Do đó nếu ai muốn vãng sanh Cực Lạc hằng ngày trì tụng Di Lạc Chơn Kinh càng nhiều càng tốt. Di Lạc Chơn Kinh có năng lực vi diệu tiêu trừ nghiệp chướng và còn giải thoát luân hồi, cho nên là bổn kinh quí báu vô giá.  Vậy nếu cả kiếp sanh chúng ta  ngày nào cũng tụng Di Lạc Chơn Kinh thì lo gì mản kiếp không được về Cực Lạc Quốc. Dĩ nhiên tụng kinh rồi còn lo lập công, lập đức, dưỡng tánh tu tâm, đó là ta mỗi ngày tiến bước trên con đường giải thoát đó vậy.

Bây giờ nói đến kinh Cứu Khổ, đây là bổn kinh nguyên thủy từ Phật Giáo, nói lên sự cứu khổ, cứu nạn của Đức Quan Aâm Bồ Tát và chư Phật chư Thánh như trong kinh có giải: năng cứu ngục tù, năng cứu trọng bịnh, năng cứu tam tai bá nạn khổ. . . hoặc “tụng đắc nhứt thiên biến, nhứt thân ly khổ nạn, tụng đắc nhứt vạn biến hiệp gia ly khổ nạn”, nghĩa là tụng một ngàn biến thì giải khổ cho một người còn tụng được mười ngàn biến thì giải khổ cho cả gia đình. . . Đây là bổn kinh quí báu có năng lực tiêu tai giải khổ cho nhơn sanh. . .

KẾT LUẬN:
Nếu chúng ta  là môn đệ Cao Đài nhưng chúng ta  chưa biết phải làm gì trong việc tu tập hàng ngày, ngoài việc lo lập công bồi đức, thì đây là lời giải đáp.

Thứ nhứt: trong tâm ta lúc nào cũng niệm danh Thầy là Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, niệm thầm trong tâm chớ không cần phải niệm thành tiếng. Bất cứ khi đi, đứng, nằm, ngồi hay làm việc gì mà không dùng trí óc ta đều để tâm niệm danh Thầy và sau mỗi câu niệm ta nguyện thầm: mãn báu thân này được về cùng Thầy. . . Lâu dần tâm ta sẽ còn chánh niệm và loại trừ hết tạp niệm và sẽ cảm thấy an lạc . Có khi ta bị khảo đảo làm cho tâm hồn khổ não ta cần phải niệm danh Thầy nhiều hơn nữa , ta sẽ cảm nhận được niềm an ủi vô biên và nhờ niệm lực sẽ vượt qua được cơn khổ nạn.

Thứ hai: Nên lập Thiên bàn thờ Thầy nơi tư gia để mỗi ngày cúng tứ thời. Đối với người lớn tuổi đã về hưu thì việc cúng mỗi ngày bốn thời Tý Ngọ Mẹo Dậu cũng không mấy khó khăn, nhưng nếu chúng ta  còn đi làm việc mỗi ngày thì cúng một hai thời cũng là quí lắm rồi. Điều cần thiết là khi cúng phải để hết tinh thần vào lời kinh, loại trừ mọi vọng niệm lâu dần ta sẽ tập được nhứt tâm bất loạn. Khi cúng chúng ta  hưởng được điển lành các Đấng ban cho nên chơn thần ta ngày càng trở nên mẫn huệ và sẽ đoạt được minh tâm kiến tánh. . .

Thứ ba: Mỗi thời cúng Thầy xong phải tụng tiếp Di Lạc Chơn Kinh và Kinh Cứu Khổ để giải trừ nghiệt chướng, đoạt cơ siêu thoát bởi vì đây là kinh Tận độ. Tại sao phải đợi lúc chết mới nhờ người ta tụng kinh cho mình siêu thoát mà lúc sống mình không tụng kinh cho chính mình ?

Ba phần trên bao gồm những  bí pháp đoạt Đạo, nên có thể gọi là pháp môn Tịnh Độ của Cao Đài. Điều cần là chúng ta  có được niềm tin tuyệt đối hay không ? Và có thường hành đến nơi đến chốn hay không ? Chúng ta hãy chứng minh cho mọi người thấy rằng đây là pháp môn vi diệu nhất !
HT. Mai Văn Tìm
 (07/2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét