Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Sinh Lộ Cho Nhân Loại - 1 /3 (Chánh Kiến Cư Sĩ)


高上至尊大道和平民主目
臺前崇拜三期共享自由權
CAO thưng Chí Tôn Ði Ðo hòa bình dân ch mc,
ÐÀI tin sùng bái Tam K cng hưởng tự do quyền.

KÍNH DÂNG LÊN: ĐỨC ĐẠI TỪ PHỤ, ĐỨC ĐẠI TỪ MẪU & CÁC ĐẤNG THIÊNG LIÊNG.
Thay Lời Tựa
  độ hơn năm triệu người trên thế giới theo Đạo Cao Đài, một nền tôn giáo mà các bạn có lẽ
chưa biết đến. Có thể bạn đã một lần nghe tên tôn giáo này hoặc nghe ai đó nhắc tới Đạo thờ “một mắt”. Vì đây là nền tôn giáo mới, xuất phát từ một nước Việt Nam bé nhỏ nên ít ai biết rõ nền giáo lý và triết lý đầy từ bi và trí tuệ của tôn giáo này.

Thật vậy, Đạo Cao Đài hay gọi chính xác hơn là ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ, một tôn giáo mới tổng hợp tinh hoa chơn truyền của các nền tôn giáo lớn có trước đó, đồng thời bổ túc thêm những gì mà các Đấng Giáo chủ trước đây chưa thể giảng hết. Tôn giáo là cơ quan giúp con người hiểu rõ nguồn gốc, biết sống theo tinh thần đạo đức và là kim chỉ nam giúp cho con người tìm đường thoát khỏi nẻo luân hồi. Những nền văn minh chính trên thế giới như Ấn độ, Trung Hoa, Hi Lạp, La Mã, Trung đông đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các nền tôn giáo như: Bà la môn, Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo, Hỏa giáo, Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo...

Một Đấng Giáo chủ xướng lên một nền Tôn giáo đều là để giảng minh đạo đức; thương đời nên chỉ cho con người con đường giải thoát. Ngày xưa, phương tiện liên lạc truyền bá khó khăn cho nên ở mỗi thời điểm các Ngài phải tùy theo trình độ tiến hóa lúc đó mà giảng cho vừa hiểu, cho đời dễ noi theo. Nếu các Ngài cùng sanh một thời tất cũng đồng tình cùng nhau vì “ không tôn giáo nào có thể qua chơn lý.” Chỉ vì cõi tục mơ màng, lòng người mê muội, không hiểu sự sâu xa ấy nên mới gây ra trường ngôn luận. Tôn giáo nọ đối với tôn giáo kia hình như chẳng có cảm tình gì, đến nỗi sanh lòng ác cảm mà công kích, giết hại lẫn nhau. Để cứu vớt nhơn loại trong kỳ Hạ ngươn, hầu bước vào thời Thượng ngươn Thánh đức theo chu kỳ vũ trụ, Đức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ mới lập ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ.

CAO ĐÀI là danh hiệu CHÍ TÔN của Đức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ, ĐẠI ĐẠO là mối Đạo lớn, TAM KỲ PHỔ ĐỘ là cứu độ chúng sanh lần thứ ba. Ra đời, tồn tại và phát triển gần một thế kỷ, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ là một tôn giáo với đầy đủ các thành tố: giáo lý, giáo hội với hệ thống chức sắc, luật lệ, lễ nghi; Đền Thánh và hàng ngàn Thánh Thất làm cơ sở thờ tự khắp nơi trên thế giới. Đạo Cao Đài tuy là một tôn giáo phát sinh tại Việt Nam, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và tín ngưỡng truyền thống, gắn bó với đất nước nhưng cứu cánh là phổ độ tất cả nhơn loại với tinh thần đại đồng, khoan dung; coi nhau như anh em, không phân biệt màu da sắc tóc, cùng dìu dẫn nhau  trở về ngôi nhà ánh sáng Thiêng liêng của Thượng Đế. 

Mục đích cao cả là thế nhưng ra đời trong một nước nghèo, bị đô hộ gần 100 năm bởi thực dân Pháp, đổ xương máu giành được độc lập thì đi vào cuộc nội chiến hơn 20 năm, nên người đời chưa kịp hiểu về Đạo Cao Đài đã gặp phải nhiều ngộ nhận: nào là một tổ chức chính trị đội lốt, nào là một quốc gia trong một quốc gia, nào là lộng giả thành chơn… Người muốn công kích thì sa đà vào những mảng tối mà tôn giáo nào cũng có. Nặng nề hơn, có tác giả còn bôi nhọ lịch sử, xúc phạm đến chư vị Chức sắc tiền khai, tìm mọi cách để Đạo Cao Đài không thể phát triển. Những cảm nhận chủ quan, thành kiến đôi khi ngô nghê thô bạo làm cho người tín đồ chỉ biết mỉm cười, xót xa dùm.

Nền tôn giáo mới này chủ trương tiếp nhận tất cả các dòng tư tưởng lớn của nhân loại, Kinh sách viết bằng Quốc ngữ dễ hiểu, đề cao NHƠN NGHĨA & ĐẠI ĐỒNG. Thế thì vì sao sự ra đời của mối Đạo Trời lại làm nhiều phía lo ngại?

Đức Chí Tôn đã biết trước “ Đạo khai, Tà khởi”. Ngài muốn ban cho nhơn loại cơ hội chót nhưng nếu con người quá hung dữ, bội bạc, quay lưng lại với Đại Từ Phụ thì về nơi cõi Thiêng liêng không thể nào than trách được nữa.

 Ngày 06 tháng 12 năm 1926 ( 2 tháng 11 năm Bính Dần), Đức Chí Tôn dạy:
“ Ta vì lòng Ðại Từ, Ðại Bi, vẫn lấy đức háo sanh mà dựng nên mối Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, tôn chỉ để vớt những kẻ hữu phần vào nơi địa vị cao thượng, để tránh khỏi số mạng luân hồi, và nâng những kẻ tánh đức bước vào cõi nhàn, cao hơn phẩm hèn khó ở nơi trần thế nầy.”
“ …Đời hằng đổi nước non không đổi
Giữ nhơn luân nhờ mối Đạo truyền
Nhẫng lo trọng tước cao quyền
Đem thân trần cấu gieo miền trầm luân.
Biệt cành lá rụng đầy rừng
Con thuyền “Bát Nhã ” lỡ chừng độ duyên
Sắc
Tài
Tửu
Khí
Lưng vơi lấy chí anh hùng
Mượn gươm Thần huệ dứt lần trái oan…”
( trích “Ngụ đời” - Đức Lý Thái Bạch )

Quyển sách này được viết ra trong cẩn trọng, trung thực, và dành cho những ai tha thiết tìm về nguồn cội, tìm về với đời sống tâm linh. Nếu có gì sơ sót ngoài ý muốn, xin quý đọc giả vui lòng tha thứ và chỉ giáo.

CHƯƠNG I
THẦN LINH HỌC & PHÉP THÔNG CÔNG

TIẾT 1: THẦN LINH HỌC VÀ CÁC ĐẲNG CẤP SIÊU HÌNH

I . NGUỒN GỐC THẦN LINH HỌC
A . THẦN LINH HỌC LÀ MỘT NỀN KHOA HỌC
Thần Linh Học (Spiritisme), còn được gọi là Thông Linh Thuyết, Thông Thần Học, Chiêu Hồn Thuật, Giáng Thần Thuật, là môn khoa học nghiên cứu về cách thông công giữa con người đang sống nơi thế giới hữu hình với các Đấng Thần Thánh Tiên Phật ở thế giới vô hình để chứng minh rằng: Có sự hiện hữu của thế giới vô hình, có sự hiện hữu của Đấng Thượng Đế, các Đấng Thần Thánh Tiên Phật, và có sự hiện hữu của Linh hồn của con người. Con người khi thể xác chết đi, không phải là mất hết, mà còn có linh hồn tồn tại. Linh hồn xuất ra khỏi xác để chuyển sống trong thế giới vô hình. Chính thế giới vô hình nầy điều khiển thế giới hữu hình.

Về mặt khoa học và triết lý, Thần Linh Học rất có ích cho các tôn giáo vì giúp cho con người dù có đức tin hay không phải nhìn nhận sự huyền bí, thay vì chỉ chấp nhận những sự vật mà giác quan của họ biết được. Thần Linh Học giúp cho ta biết một cách chắc chắn rằng Linh hồn có thật, giữa  người sống và  người chết vẫn giao cảm với nhau được ( ngoại cảm )

B. THẦN LINH HỌC Ở HOA KỲ
Vào năm 1847, ở tiểu bang New York, nơi nhà của Ông Veekman trong một nông trại tại Hydesville, hằng đêm, Ông Veekman nghe có tiếng đập cửa hay tiếng gõ vào vách, nhưng khi mở cửa ra xem thì không thấy ai cả, làm cho gia đình Ông hoảng sợ, cho là có hồn ma phá khuấy, nên không dám ở đó nữa. Sau đó có gia đình Ông thợ may nghèo tên là John Fox đến mướn ở. Mấy tháng đầu, Ông Fox chẳng thấy chi lạ nhưng sau thì hiện tượng gõ cửa hay đập vách lại xảy ra, và đặc biệt ban đêm, đồ đạc trong nhà tự nhiên xê dịch. Ban đầu, Ông bà Fox cũng hoảng sợ, nhưng thấy các hiện tượng lạ nầy không có hại chi đến gia đình nên bỏ qua không để ý đến nữa, dần dần rồi cũng quen với các hiện tượng kỳ bí đó.

 Ông bà Fox có 2 đứa con gái, đứa lớn tên Margaret 15 tuổi và đứa nhỏ tên Kate 12 tuổi. Một hôm, Ông bà Fox định đi ngủ sớm, nên không để ý đến tiếng đập vách. Khi vào phòng ngủ thì Kate còn thức và vỗ tay chơi. Liền sau đó, bà Fox nghe có tiếng gõ vách lại. Cô bé vỗ tay 3 tiếng thì có 3 tiếng gõ vách đáp lại.

- Bà Fox nói thử : Hãy gõ 10 tiếng coi.
Liền đó có 10 tiếng gõ vách đáp lại.
- Bà Fox kinh ngạc nói tiếp : Nếu linh hiển, hãy gõ đúng tuổi của Kate.
Liền đó tiếng gõ đáp lại đếm đúng 12 tiếng.
- Bà Fox lại nói : Nếu là người thật thì gõ 1 tiếng trả lời.
Hoàn toàn yên lặng.
- Chờ một chút, Bà Fox nói tiếp : Nếu là hồn linh thì gõ 2 tiếng trả lời,
Tức thì có 2 tiếng gõ đáp lại.

Hiện tượng lạ lùng nầy ngày hôm sau được lan truyền ra khắp nơi rất nhanh, khiến nhiều người hiếu kỳ tấp nập đến xem. Giới tu sĩ, giới khoa học, đều tìm đến tận nơi để quan sát, thử nghiệm, nghiên cứu. Sau đó, có một nhà nghiên cứu tên là Issa’s Post đến xem, nảy ra sáng kiến là bảo hồn linh gõ theo thứ tự các mẫu tự A, B, C... Gõ 1 tiếng là chữ A, gõ 2 tiếng là chữ B, gõ 3 tiếng là chữ C, v..v… để sau đó ráp lại thành câu văn mà nói chuyện với nhau. Vong linh liền gõ 2 tiếng để tỏ sự đồng ý .

Thế là nhờ phương cách nầy, tuy mất nhiều thời giờ, nhưng Ông Issa’s Post và ông Fox có thể nói chuyện được với hồn linh. Báo chí hay tin, liền cử người đến quan sát, rồi đăng tin lên báo, khắp nước Mỹ đều hay biết. Giới tu sĩ và giới trí thức rất chú ý hiện tượng bí ẩn nầy. Hậu quả của việc thông linh nầy là gia đình Ông Fox không làm ăn được, nên Ông Fox đưa gia đình đến ở Rochester, nhưng vong hồn  Charles Haynes cũng theo gia đình Ông. Hai chị em Margaret và Kate phải làm trung gian để những người sống muốn nói chuyện với linh hồn ông Haynes. Rất nhiều người trước đây không biết gì về hồn ma, nay chứng nghiệm được hiện tượng hiển nhiên như vậy thì rất tin tưởng. Nhiều cuộc trình diễn được tổ chức trước công chúng, kết quả tốt đẹp khiến nhiều người phải xác nhận linh hồn vẫn tồn tại nơi thế giới vô hình. Hội Đồng Thành phố Rochester thành lập Ban điều tra đặc biệt nầy về hiện tượng thông linh nầy. Sau mấy năm nghiên cứu, 3 lần họp, có đến hàng trăm diễn giả thuyết trình, tranh luận sôi nổi. Sau gia đình Ông Fox, hiện tượng thông linh “gõ cửa hay gõ vách” vẫn tiếp tục xuất hiện ở nhiều nơi trên đất nước Mỹ. Luật Sư J. Edmonds, Giáo Sư E. Mapes thuộc Hàn Lâm Viện Hoa Kỳ, Giáo Sư Robert Hare tại Đại Học đường Pensylvania, sau nhiều năm nghiên cứu, thông công được với nhiều người trong thế giới vô hình, đã có những kết luận rất xác đáng, nên tổ chức các buổi thuyết trình, viết ra nhiều sách để phổ biến, xác nhận sự hiện hữu của linh hồn và của thế giới vô hình.

Năm 1852, một Hội Nghị Thần Linh Học đầu tiên được tổ chức tại Cleveland nước Mỹ. Năm 1854, số người theo Thần Linh Học ở Hoa Kỳ lên đến con số 3 triệu người, trong đó có hơn 10 ngàn Đồng tử.

C . THẦN LINH HỌC Ở ÂU CHÂU
Từ năm 1852, một Phái đoàn Thần Linh Học từ Mỹ qua nước Anh, và đã gây được môt phong trào Thần Linh Học mạnh mẽ ở nước Anh.
Năm 1853, một nhóm Thần Linh Học khác lại đi từ Mỹ qua nước Pháp và Đức, cũng gây được những phong trào Thần Linh Học đáng kể ở 2 nước nầy.
Năm 1854, Ông Chevreul thuộc Hàn Lâm Viện Khoa Học Pháp và Ông Faraday ở nước Anh, đã phá kịch liệt Thần Linh Học, nhưng không kết quả.Bà Giradin, một Đồng tử Thần Linh Học ở nước Pháp đã giúp cho Văn hào Victor Hugo thông công được với linh hồn người chết lúc Victor Hugo đang tị nạn, sống lưu vong ở đảo Jersey của nước Anh. Đêm 11-9-1853, tại đảo Jersey, Bà Giradin tổ chức xây bàn, có mặt quí Ông: Victor Hugo với 2 cậu con trai là Charles Hugo, Francois Hugo và cô con gái là Madelène Hugo, ngoài ra còn có Đại Tá Le Flot, Ông De Tréveneuse, Ông Gustave Vacquerie. Đêm ấy vong linh Bà Charles Vacquerie, nhũ danh là Léopoldine Hugo  (cùng với chồng đi tắm biển và cả 2 vợ chồng đều bị chết đuối), giáng bàn nói chuyện với Victor Hugo, hỏi thăm cha mẹ, và có tiết lộ nhiều điều huyền bí nơi cõi vô hình. Nhờ vậy, Victor Hugo bắt đầu tin tưởng Thần Linh Học.

Đêm 13-9-1853, Victor Hugo tiếp tục tổ chức xây bàn để thông công với cõi vô hình, có một Vong linh xưng là Bóng Hư Linh giáng bảo Ông Victor Hugo hãy đặt trọn đức tin vào Thượng Đế. Tiếp tục xây bàn, nhóm Victor Hugo thông công được với các Đấng :

* Các Đấng Giáo chủ : Socrate, Moise, Jésus, Mahomet, Luther
* Các danh nhân :  André Chénier, Shakespeare, Molière, Dante, Racine,…
* Các vong linh ẩn danh : Bóng Hư Linh, Bóng dưới mồ, Sứ giả Thượng giới,.

Đêm 11-10-1853, nhận thấy những điều tiết lộ, những điều khuyên bảo, những giáo lý, triết lý, nhận được từ các Đấng Thiêng liêng nơi cõi vô hình qua hiện tượng thông linh xây bàn, rất hữu ích cho nhơn loại, nên văn hào Victor Hugo hỏi Vong linh đang giáng bàn :

- Những lời vàng tiếng ngọc mà chúng tôi hân hạnh đón nhận từ cõi Hư Linh bấy lâu nay, thật đáng xem là những Chơn truyền quí báu hiếm có, chúng tôi có nên in thành sách xuất bản để phổ biến cho mọi người cùng học được hay không, xin cho biết ?

- Vong linh ấy đáp : Không ! Vì chưa đến ngày giờ.
- Victor Hugo hỏi tiếp : Đến bao giờ ? Chúng tôi còn sống đến ngày đó không ?
- Vong linh đáp : Nếu không thấy nơi nầy thì sẽ gặp ở nơi khác. Chừng đến ngày giờ sẽ có lịnh. Hiện tại, có thể phổ biến hạn chế cho những người đã có đức tin.

Những Thánh giáo nhận được từ những cuộc xây bàn của Victor Hugo ở đảo Jersey, sau nầy được Ông Gustave Simon in thành sách “ Les Tables tournantes de Jersey chez Victor Hugo”, được tái bản nhiều lần, làm chấn động dư luận nước Pháp và thế giới.

Giáo Sư Charles Richets tại Đại Học Đường Sorbonne Paris, sau nhiều năm nghiên cứu Thần Linh Học, đã cho xuất bản quyển sách tựa đề là Traité de Métaphysique (Khái luận về Huyền bí học).

Trong lúc đó, ở nước Anh, nhà bác học William Crookes, trước đây không tin Thần Linh, nhưng sau gần 20 năm nghiên cứu và chứng nghiệm việc thông công với thế giới vô hình, đã viết một cuốn sách dầy trình bày các kết quả nghiên cứu của ông.Trong một bài thuyết trình tại Đại Hội Thần Linh Học Thế giới họp tại Luân Đôn, ông khẳng định :” Tôi không nói là những điều tôi đã nghe, những việc tôi đã thấy, có lẽ có được, mà tôi dám nói chắc chắn rằng có hiển nhiên như vậy.” Chính lời nói xác định mạnh mẻ nầy của một nhà bác học nước Anh làm cho nhiều người giựt mình thức tỉnh.

Ở nước Pháp, nhà Thần Linh Học Léon Rivail tức là Allan Kardec, nhờ được học hỏi nhiều nơi các Đấng vô hình, nên đã hệ thống hóa được lý thuyết về Thần Linh Học, để môn Thần Linh Học trở thành một ngành khoa học. Năm 1853, Ông Allan Kardec lập thành Học Thuyết Thần Linh Học với 2 tác phẩm căn bản là : Le livre des Esprits và Le livre des Médiums, với những bằng chứng thực nghiệm về tâm linh. Nhờ đó Thần Linh Học được truyền bá rộng rải khắp thế giới. Nhiều cuộc Hội Nghị Quốc Tế về Thần Linh Học đã được mở ra, gây một phong trào Thần Linh Học sâu rộng. Sau Allan Kardec có Camille Flammarion (1842- 1925), nhưng phong trào không được rầm rộ như trước.

Tóm lại, Thần Linh Học phát khởi từ nước Mỹ vào năm 1847, sau đó truyền qua Âu Châu, nhứt là ở nước Anh và Pháp, tạo thành một phong trào Thần Linh Học mạnh mẽ và sâu rộng, ảnh hưởng lên toàn thế giới. Với phong trào Thần Linh Học, Thượng Đế muốn nhắn nhủ với nhơn loại là con người không phải chết là hết, mà mỗi người đều có một linh hồn và linh hồn nầy làm chủ nhơn của thể xác. Khi thể xác chết đi, linh hồn xuất ra khỏi thể xác, chuyển qua cõi vô hình và có một đời sống trong thế giới vô hình.
 
II. CÁC ĐẲNG CẤP TRONG THẾ GIỚI SIÊU HÌNH

Nội dung căn bản trong học thuyết thông linh là phân tích sự khác biệt giữa các linh hồn về hai mặt trí tuệ và tinh thần. Các linh hồn không phải mãi  thuộc một đẳng cấp nhất định, và sự phân  chia đẳng cấp không có nghĩa tạo các thứ hạng rõ ràng mà là định ra các cấp bậc tiến hoá. Linh hồn cũng đi theo những bước tiến triển tự nhiên. Những linh hồn ở cấp thấp vẫn còn chưa hoàn thiện, họ sẽ tiến lên đẳng cấp cao  hơn khi tự làm mình thanh sạch hơn. Càng tích lũy thêm  phẩm chất, kinh nghiệm và hiểu biết, linh hồn càng tiến cao hơn trên bậc thang tiến hoá. Tương tự như con người lúc nhỏ khác với lúc trưởng thành. Linh hồn được phân cấp dựa trên mức độ tiến hoá, phẩm chất, và những mặt chưa hoàn thiện của mình. Trong số các linh hồn cũng có một số lớn những linh hồn kém cỏi, và vì thiếu hiểu biết nên người ta luôn có xu hướng tin rằng đã là linh hồn thì biết tất cả!  Không phải vậy, những kẻ ít hiểu biết ở thế giới siêu hình khó có thể có được sự hiểu biết hoàn chỉnh.
Nói chung, các linh hồn đều cho rằng có 3 nhóm linh hồn chánh.              
     
A . NHÓM THỨ NHẤT:THỂ XÁC NGỰ TRỊ LINH HỒN

1 . NHỮNG LINH HỒN Ô TRỌC
Nhóm này luôn hướng đến các điều xấu xa, kéo theo đó là sự ngu ngốc, thói kiêu ngạo, ích kỷ và những dục vọng xấu. Các linh hồn này cảm giác được sự hiện hữu của Thượng đế, nhưng không hiểu được Người. Tất nhiên  không phải tất cả họ đều hoàn toàn xấu xa. Có một số hời hợt, vô hại và ranh ma hơn là thực sự gian ác. Có những kẻ khác luôn thích làm điều ác và cảm thấy thoả mãn mỗi khi có cơ hội để thực hiện. Ở họ, trí tuệ có thể đi liền với thói gian ác hay ranh ma, nhưng dù trí tuệ có phát triển tới đâu, họ cũng đều có tư tưởng chậm tiến, ích kỷ và tâm hồn ít nhiều ti tiện. Họ hiểu biết rất hạn chế về thế giới siêu hinh, luôn lẫn lộn nó với những thành kiến, quan niệm của thế giới hữu hình. Là linh hồn, họ đưa ra các chỉ dẫn bất nghĩa, xúi giục ngưới ta bất hoà chia rẽ, và dùng mọi cách để lừa phỉnh được nhiều hơn. Chúng luôn lôi kéo những người có tâm hồn yếu đuối, xúi giục đẩy họ đi đến sự thất bại, và lấy làm thoả mãn khi làm chậm được bước tiến của họ bằng cách làm họ ngã gục trước thử thách. Ta có thể nhận ra chúng qua các biểu hiện về ngôn ngữ. Linh hồn cũng như con người, câu từ thô lỗ cục cằn là biểu hiện của sự thấp kém về tinh thần cũng như trí tuệ. Ngôn ngữ giao tiếp của chúng luôn có hơi hướng đê tiện xấu xa, đôi khi muốn thay đổi, chúng ăn nói có vẻ biết điều, nhưng không giữ được bao lâu, cuối cùng vẫn để lộ ra bản chất của mình. Có dân tộc goi chúng là hung thần, số khác  gọi là quỷ sứ, ma quỷ hay ác hồn. Khi tái kiếp, những cơ thể sống do những linh hồn này hiện thân... có đủ mọi thói xấu đến những đam mê hạ đẳng đê tiện như thói dâm dục, tàn bạo, hung ác, xảo quyệt, đạo đức giả, tham lam, bần tiện...

2 . NHỮNG LINH HỒN CHƯA TRỌN LÀNH
Linh hồn thuộc đẳng cấp này đã đạt được những hiểu biết khá rộng, nhưng thường cho mình hiểu biết nhiều hơn khả năng thực sự của mình. Những tiến hoá đạt được ở một số mặt đã làm ngôn ngữ của họ trở nên nghiêm túc hơn, văn phong súc tích. Tuy nhiên, ngôn ngữ đó luôn chỉ là sự biểu hiện các thành kiến, quan điểm hình thành một cách hệ thống của cuộc sống hữu hình; đó là sự pha trộn một chút sự thật với những sai lầm phi lý nhất, trong đó bộc lộ thói tự phụ, kiêu ngạo, ghen ghét, bướng bỉnh mà họ không thể tự lột bỏ.

3 . NHỮNG LINH HỒN TRUNG DUNG
Không đủ tốt để làm điều thiện, không đủ xấu để làm điều ác, nhóm này nghiêng cả về hai phía; và không tiến hoá hơn trình độ phổ biến của con người cả về tinh thần và trí tuệ. Họ luôn nhớ đến những sự việc của thế giới hữu hình và nuối tiếc những niềm vui xác thịt.

B . NHÓM THỨ HAI: LINH HỒN NGỰ TRỊ THỂ XÁC
Mong muốn điều thiện là những phẩm chất cơ bản của nhóm. Một số hiểu biết sâu rộng về khoa học, số khác lại thông thái nhân từ. Các linh hồn tiến hoá nhất đạt được cả sự hiểu biết cùng với phẩm chất tốt đẹp. Dưới hình thức ngôn ngữ hoặc thói quen của họ, ta có thể thấy trong đó một số định kiến mà nếu không có chúng họ sẽ trở thành các linh hồn hoàn thiện. Họ hiểu được Thượng Đế cùng sự vô biên, và thụ hưởng những hạnh phúc lớn lao của điều thiện.  Họ sung sướng vì những điều thiện họ đã làm, và những điều ác họ đã tránh. Nhưng tất cả họ vẫn cần phải trải qua nhiều thử thách để đạt được mức hoàn thiện tuyệt đối. Là linh hồn, họ khuyến khích những suy nghĩ hướng thiện, dẫn người ta ra khỏi những con đường lầm lạc, bảo vệ cuộc sống của những con người xứng đáng được hưởng, hoá giải ảnh hưởng của các linh hồn ô trọc ở những người không chịu khuất phục chúng. Giống như bản chất của mình, những con người họ hoá thân đều tốt bụng và khoan dung. Họ làm điều thiện chỉ vì điều thiện.

 Nhóm này bao gồm những linh hồn mà dân gian gọi là Thần minh, Thần hộ mệnh hay thiện linh. Người ta chia nhóm này thành 4 đẳng cấp chính:

1 . NHỮNG LINH HỒN TOÀN MỸ : Phẩm chất chính của đẳng cấp này là lòng nhân ái. Họ luôn sẵn lòng giúp đỡ và bảo vệ mọi người, nhưng hiểu biết lại hạn chế. Họ đạt được tiến bộ về mặt tinh thần nhiều hơn về mặt trí tuệ.

2 . NHỮNG LINH HỒN TOÀN THIỆN: Tính chất đặc biệt để phân biệt đẳng cấp này là sự hiểu biết sâu rộng. Các linh hồn thuộc đẳng cấp này quan tâm nhiều đến các vấn để khoa học, đề tài mà họ có trình độ và khả năng hơn là những vấn đề tinh thần. Họ nghiên cứu khoa học theo quan điểm là tìm ra các thuộc tính hữu ích cho con người, không hề pha lẫn những dục vọng riêng như các linh hồn ô trọc.   

3 . NHỮNG LINH HỒN THANH KHIẾT: Phẩm chất tinh thần ở mức độ hoàn thiện nhất là bản tính đặc trưng của đẳng cấp này. Tuy không có những hiểu biết vô hạn, họ có đủ thông thái để đưa ra những suy xét kiểu mẫu về con người và sự vật.

4 . NHỮNG LINH HỒN THƯỢNG ĐẲNG:
Những linh hồn thuộc đẳng cấp này vừa hiểu biết khoa học, thông thái, lại có lòng nhân ái. Ngôn từ của họ luôn tràn đầy sự khoan dung. Họ thuộc tầng lớp cao quí, rất cao thượng và luôn được trọng vọng. Hơn các đẳng cấp khác, với bản chất ưu việt, họ đưa đến cho chúng ta, trong khuôn khổ mà con người được phép biết, những khái niệm chính xác nhất về thế giới siêu hình. Họ sẵn lòng giao tiếp với những người thực tâm đi tìm sự thật, mà tâm hồn đã thoát khỏi những ràng buộc của thế gian ở mức độ đủ để hiểu được nó, nhưng sẽ rời xa những kẻ tò mò hay vì ảnh hưởng của vật chất mà quay lưng lại với việc thực hành việc thiện.

C . NHÓM THỨ BA: CÁC ĐẤNG THIÊNG LIÊNG
Các linh hồn thuộc nhóm này không còn chịu bất cứ ảnh hưởng nào của vật chất. Họ đạt được mức độ ưu việt hơn hẳn về trí tuệ và tinh thần so với các đẳng cấp khác. Các linh hồn đã đạt đến cấp bậc tiến hoá cao nhất. Vì đạt mức độ hoàn thiện nhất có thể được, họ được miễn trừ mọi thử thách và hình phạt. Không còn phải tái kiếp luân hồi, họ sống cuộc sống vĩnh cửu trong lòng Thượng Đế. Nhưng niềm hạnh phúc đó không có nghĩa là họ sẽ sống nhàn rỗi tẻ nhạt trong trạng thái tham thiền vĩnh cửu. Họ là sứ giả, đại diện của Thượng Đế, thực hiện những mệnh lệnh của Người để gìn giữ sự hoà hợp của Vũ trụ.

Họ có thể ra lệnh cho tất cả các linh hồn ở những đẳng cấp dưới, giúp đỡ những linh hồn này tự  hoàn thiện và giao phó cho họ các sứ mệnh. Giúp đỡ con người thoát khỏi ưu phiền, khích lệ khi họ làm việc tốt, trừng phạt khi họ phạm những lỗi lầm vì điều đó có thể khiến họ không được hưởng hạnh phúc sau khi chết, đó là những sự quan tâm nhân từ của các linh hồn này. Đôi khi, người ta gọi họ là các Thiên sứ, các vị phò trợ vô hình.

VÒNG TIẾN HÓA & ĐẲNG CẤP CÁC LINH HỒN

Theo tương quan nội tại, các linh hồn có thể chia vào nhiều thứ bậc. Đó là những cấp bậc mà họ phải vượt qua trong quá trình tự thanh lọc. Còn về thể trạng, linh hồn có thể hiện thân, tức là tồn tại trong một cơ thể sống, hoặc vô hình, nghĩa là rời khỏi thân thể vật chất, và chờ đợi lần tái kiếp tiếp theo để tiếp tục tự hoàn thiện.
Các siêu linh, đặc biệt là thuộc các đẳng cấp tiến hóa, luôn muốn chứng minh cho ta thấy họ không bao giờ phải tuân theo ý muốn của chúng ta, dù ta có tha thiết cầu gọi. Các vị chỉ đến khi nhận thấy cần hướng dẫn điếu gì đó hữu ích cho sự tiến hóa tâm linh của nhân loại.

TIẾT 2: THẦN LINH HỌC VÀ  ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

Đạo Cao Đài được thành lập chánh thức từ năm Bính Dần (1926), nhưng từ sáu năm trước đã có một người thờ phụng Đấng Cao Đài: đó là ông Đốc Phủ Ngô Văn Chiêu. Là Quận Trưởng hành chánh vào năm 1919 tại đảo Phú Quốc, Ngài Chiêu  sống cuộc đời hiền đức theo đúng điều luật của Lão giáo. Thỉnh thoảng, ông Phủ Chiêu tổ chức các đàn cơ Cầu Tiên, nhận được những lời giáo huấn tâm linh. Trong số những Đấng tiếp xúc được, có một Đấng tự xưng là “Cao Đài”, quan tâm đặc biệt đến ông Phủ Chiêu. Ông Chiêu đã nhận ra rằng đó là biệt danh của Thượng Đế bởi những khải thị và những giáo huấn triết lý ở trình độ cao mà ông đã lãnh hội được nhiều lần. Ông Phủ Chiêu xin phép Đấng Cao Đài cho ông được phụng thờ Ngài dưới một hình thức xác thực. Sau đó, trên biển Dương Đông ( Phú Quốc), Ngài được chứng kiến một cảnh tượng siêu nhiên: một con mắt hiện lên ở đường chân trời và ngày càng lớn dần, lớn dần với màu sắc chói lọi.. Ông hiểu ông được lịnh thờ Ngài bằng biểu hiệu hình một con Mắt trái.

Trong lúc Phong trào Thần Linh Học khởi lên rầm rộ và sôi nổi ở khắp các nước Âu Mỹ thì trong nước Việt Nam, báo chí và sách vở của Pháp được đưa sang, nhờ đó, phong trào Thần Linh Học truyền đến Việt Nam. Đầu thế kỷ 20, trong dân chúng nổi lên các nhóm xây bàn nói chuyện với các Vong linh hay Cầu Cơ thỉnh Tiên xin thuốc chữa bịnh nan y hoặc hỏi về vận nước. Vào giữa năm Ất Sửu (1925), tại Sàigòn có một nhóm nhỏ các thơ ký gồm quí ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, tiêu khiển vào mỗi buổi tối bằng việc thông công với người vô hình theo lối Thần linh học. Họ dùng cái “bàn gõ” (table frappante). Với những câu hỏi đặt ra cho các Đấng chơn linh, hoặc bằng thơ, hoặc bằng văn xuôi, họ nhận được những câu trả lời đáng kinh ngạc. Cha mẹ hay bạn bè quá cố của họ hiển linh để nói với họ những việc gia đình và đồng thời khuyên họ hy sinh quên mình.

Những phát hiện xúc động ấy giúp họ nhận biết sự hiện hữu của thế giới huyền bí. Có một Đấng Thiêng liêng rất đáng chú ý vì sự ân cần của Ngài và những điều giáo hóa của Ngài về đạo đức và triết lý ở một mức độ rất cao. Đấng ấy  tên là “A à ”. Sau đó, những ông thơ ký Việt Nam khác đến tham gia làm đông đảo thêm nhóm xây bàn tài tử. Những đàn Cầu Tiên được tổ chức nghiêm túc hơn và đều đặn hơn. Vì việc dùng cái “bàn gõ” không tiện lợi, nên một Đấng thiêng liêng bảo phải thay thế bằng “Ngọc cơ”. Với Ngọc cơ, các Đấng có thể viết chữ trực tiếp, việc thông công tự nhiên được nhanh hơn và các đồng tử phò cơ đỡ mệt hơn.

Ngày 24-12-1925, nhân dịp Lễ Noel, Đấng Thiêng liêng dẫn dắt bấy lâu nay  tiết lộ với các vị phò cơ, Ngài là Đấng Thượng Đế đến dưới tên gọi là Cao Đài để truyền dạy chơn lý tại nước Việt Nam.  Ngài nói đại ý như sau:
 “ Hãy vui hưởng ngày lễ nầy. Đây là lễ kỷ niệm ngày Ta đến Âu châu để dạy Đạo. Ta rất vui lòng gặp các con, những tín đồ đầy lòng kính trọng và yêu mến Ta. Ngôi nhà nầy của một trong các vị phò cơ sẽ có tất cả ơn phước của Ta. Những biểu hiện Toàn Năng của Ta sẽ khiến các con còn kính mến Ta hơn nữa.”

Từ đó, Đấng Cao Đài truyền thụ nền Tân giáo lý cho các tín đồ. Đây chính là sự tuyển chọn các vị sứ giả đầu tiên có phận sự tiếp nhận các Thánh Ngôn.                                                       
   ( Lịch sử Đạo Cao Đài của Gabriel Gobron )

Đạo CAO ĐÀI, một tôn giáo mới mà chính Đức THƯỢNG ĐẾ, còn được gọi là God, Gott, Dieu, Jehova, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đức Chí Tôn hay Cha Chung Nhân Loại, đã mở ra tại Việt nam vào năm 1926 bằng phương tiện cơ bút. Đây là kỹ thuật truyền thông giữa con người với thế giới vô hình mà Thượng Đế đã chuẩn bị trước cho nhân loại làm quen qua các Hội Thần Linh học....

Nhân loại ngày nay tiến hóa cao, nền kỹ thuật truyền thông tiên tiến giúp con người trên thế giới thông tin và liên hệ nhau chỉ trong giây phút nên nhân loại cần một nền tôn giáo mới, khoa học hơn, khoan dung hơn, đại đồng hơn. Nếu tháo gỡ đi hết những sợi dây xiềng xích các Giáo lý cơ bản đã được diễn giảng theo giáo điều độc đoán, thì những giáo lý  của các tôn giáo sẽ giống nhau về phần nội môn. Osiris, Chrisna, Buddha, Christ là những danh từ khác nhau để chỉ con đường thánh thiện duy nhất đưa đến Niết Bàn tự tại. Tất cả chúng ta đều phải thoát khỏi phàm nhân ảo ảnh để trực nhận Chân ngã trong đời sống siêu việt, nhận chân ra cái thực tại của Chân ngã siêu việt đó chính là Phật tánh, là Christ,  là Chơn Linh mà các bực truyền đạo đã dạy

Trái đất này theo chu kỳ đang đi vào cuối Hạ ngươn. Hạ ngươn là ngươn điêu tàn, ngươn tiêu diệt để chuyển qua thời Thượng ngươn Thánh đức. Thượng Đế mở Đạo Cao Đài, một nền tôn giáo thế giới vừa tổng hợp tinh hoa của các tôn giáo lớn, vừa thêm vào những hiểu biết mới cho nhơn loại để truyền bá nền siêu triết lý. Đây cũng là kỳ Đại Ân Xá lần ba của Ngài để giúp những người biết thức tỉnh  dễ dàng có cơ hội giải thoát và hiệp nhứt với Đấng Cha Trời.

CHƯƠNG II
LỊCH SỬ THÀNH LẬP ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

TIẾT 1: QUY TỤ & DẠY ĐẠO CÁC SỨ ĐỒ
TIẾT 2: KỶ NGUYÊN ĐẠO LỊCH
Tôn giáo Cao Đài có danh hiệu là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Muốn hiểu rõ tại sao có hai danh hiệu cùng một lúc, chúng ta cần trở lại những ngày đầu tiên trong lịch sử lập giáo. Đạo Cao Đài vốn phát xuất từ một hiện tượng có tính cách thần quyền. Vị Giáo chủ vô hình của Đạo Cao Đài ban đầu xuất hiện dưới danh hiệu là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ tát Ma Ha Tát. Người đệ tử đầu tiên là Ông Ngô văn Chiêu được Ngài giảng dạy về Đạo và truyền cho bí pháp luyện Đạo (1920). Trong giai đoạn thứ hai từ năm 1925 trở đi,  qua sự thông công của nhóm các Ông Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Lê văn Trung, Cao Hoài Sang…, Đức Thượng Đế đầu tiên xưng danh AĂÂ, sau đó danh xưng chính thức là:

                                                NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ
                      viết CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT

và tôn giáo có danh hiệu  Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ra đời.
Danh xưng ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ được dùng đến trong giai đoạn thứ hai đánh dấu sự trưởng thành của một tôn giáo, khởi sự truyền bá sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Tổ chức tôn giáo buổi đầu chưa thành hình tướng rõ rệt, nhưng về sau được Ơn Trên chỉ dạy tổ chức chặt chẽ và qui mô, có giáo lý, triết lý, Hội Thánh và Luật, Pháp Đạo. Phần sau đây được ghi lại một cách tóm tắt các sự kiện theo niên biểu để bạn đọc có một nhận định tổng quát về sự thành lập và phát triển Đạo Cao Đài của Đức Thượng Đế trong buổi sơ khai. 

TIẾT 1: QUI TỤ & DẠY ĐẠO CÁC SỨ ĐỒ
Năm Canh Thân ( 1920) : đệ tử đầu tiên

26.10.1920 ( rằm tháng 9 Canh Thân) Quan Phủ Ngô văn Chiêu được bổ nhiệm làm chủ quận Phú Quốc, một đảo ở cuối miền Nam  nước Việt Nam. Ông thường cùng các thân sĩ tổ chức cầu cơ ở chùa Quan Âm. Có một vị Tiên Ông giáng cơ không chịu xưng tên, dạy Ngài chịu làm đệ-tử thì Tiên Ông sẽ dạy Đạo cho và khuyên Ngài ngưng tụng Minh-Thánh kinh, ăn chay mỗi tháng mười ngày.

Năm Tân Dậu ( 1921):  biểu tượng Thiên Nhãn
Ngày 8.2.1921 ( mùng 1 Tết)  trong một đàn cơ, vị Tiên Ông ban lệnh:
 “ Chiêu, tam niên trường trai ”

Ông trả lời rằng: “ Bạch Tiên Ông, Tiên Ông đã dạy thì đệ tử phải vâng, song xin Tiên Ông bảo hộ đệ tử, chứ trường trai ba năm lâu quá chẳng biết đệ tử có chịu nỗi hay không? Và cầu xin Tiên Ông bảo lãnh, nếu đệ tử vâng theo lời dạy xin phải có chứng quả chi mới được.”  Tiên Ông bảo: “Cứ làm theo lời dạy, sau rồi sẽ hiểu.” Tuy là đệ tử đầu tiên của Cao Đài Tiên Ông, song ngài Ngô văn Chiêu vẫn chưa biết cách thờ phượng. Tiên Ông dạy Ngài hãy tìm một biểu tượng để thờ, biểu tượng ấy phải thể hiện đầy đủ triết lý siêu việt của nền Đạo. Đến sáng ngày 20.4.1921 (13.3 Tân Dậu), Ngài ngồi phía sau dinh quận, nhìn hướng ra biển, chợt thấy một CON MẮT lớn chói ngời hào quang thật lâu. Ngài khấn rằng: “ Bạch Tiên Ông, đệ tử biết rõ huyền diệu của Tiên Ông rồi. Đệ tử xin Tiên Ông đừng làm vậy, đệ tử sợ lắm. Như phải Tiên Ông bảo thờ Thiên Nhãn thì xin biến mất tức thì.”

Vài ngày sau, Ngài lại thấy y như vậy nữa. Ngài đến Quan Âm Tự hầu đàn, Tiên Ông dạy Ngài vẽ Thiên Nhãn ( CON MẮT trái ) để thờ. Trong buổi đàn này, Tiên Ông cho biết danh xưng của Thượng đế trong kỳ này là

CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.

Năm Giáp Tý ( 1924): cảnh Bồng lai
Vào khoảng tháng Giêng năm Giáp Tý, Tiên Ông muốn ban ân để khích lệ. Ngài Chiêu bạch: nghe rằng cảnh Bồng lai đẹp vô cùng. Thầy có thể nào cho đệ tử thấy cảnh ấy được không? Tiên Ông không trả lời. Vài ngày sau, vào một buổi chiều, Ngài Chiêu ngồi phía ngoài Dinh Cậu, bờ biển Dương Đông, Phú Quốc.

“ Bỗng chốc, Ngài trông thấy từ chổ trời nước giáp nhau, lộ ra một cảnh thiệt là xinh đẹp. Cảnh ấy vừa khuất lại lộ ra cảnh khác. Chót hết, Ngài thấy cảnh trên có Thiên Nhãn, sổ ngay xuống một hàng có Nhựt, Nguyệt, Tinh cũng đẹp đẽ vô cùng…”

29.7.1924 Chính quyền Pháp thuyên chuyển Ngài Ngô văn Chiêu về Sàigòn. Ngài làm việc ở dinh Thống Đốc Nam Kỳ nhưng tan sở thì về nhà tịnh luyện. Tiên Ông  tuy truyền phép tu luyện nhưng khuyên Ngài giữ bí-truyền cho đến ngày đạo khai. Trong hai năm 1925, 1926 Ngài  hướng dẫn được bốn ông: Quan phủ Vương Quan Kỳ, ông phán Nguyễn văn Hoài, ông phán Võ văn Sang, ông đốc học Đoàn văn Bản thờ Thiên Nhãn và đọc các bài Cửu Thiên, Nhụy Châu …nhưng không truyền pháp môn tịnh luyện, xem như chưa chính thức phổ truyền mối Đạo Ngài đã học. Sau đó, các ông này cũng có độ thêm một số đệ tử nữa cùng tu luyện với Ngài, nhưng những hoạt động giai đoạn nầy vẫn còn trong phạm vi một nhóm tu chơn tịnh luyện, chứ chưa phát triển thành một Tôn giáo.

Năm Ất Sửu  (1925): dùng phương pháp xây bàn khai mở Đạo
Bắt đầu từ năm này là giai-đoạn chuẩn bị kéo dài trên năm năm, đây là thời gian Thượng Đế huấn luyện đồng tử, dùng cơ bút qua trung gian của Đồng tử để thâu nhận và dạy dỗ những môn đồ đã chọn làm nòng cốt để thành lập và phát triển mối Đạo.

5.6. Ất Sửu (  25.7.1925 ), xây bàn  tại  nhà Ngài Cao Hoài Sang.
Ba ông gồm Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang vốn là người đồng hương nên thường họp nhau tại nhà ông Sang ở gần chợ Thái Bình, phố Hàng dừa ( nay là đường Cống Quỳnh quận 1) Sài Gòn để cùng nhau hòa nhạc hoặc ngâm thơ vịnh phú. Ông Cao Quỳnh Diêu cũng tình cờ đến chơi. “ Vốn là những thi sĩ chất chứa nơi tâm hồn nỗi căm hờn vì nước nhà bị đô hộ, các vị mượn thú xây bàn theo lối Thần Linh học Tây phương, mời vong linh những người quá vãng để cầu hỏi về vận mạng tương lai của tổ quốc”.

Bốn ông ngồi quanh một cái bàn tròn một trụ ba chân đặt nơi hàng ba, một chân bàn kê lên cho gập ghình, hai bàn tay đều xòe ra úp lên mặt bàn, im lặng định thần. Lát sau, cái bàn rung động, nghiêng qua lại gõ nhẹ lên gạch. Các ông biết là có vong linh nhập vào bàn, tuy nhiên khi ghi lại các tín hiệu  thì không đọc được ra câu gì hết, có chữ Việt, có chữ Pháp lộn xộn, dường như các vong linh tranh nhau nói. Đến quá khuya mà chưa có được kết quả cụ thể nào, các ông mệt quá, đành đi nghỉ.

6.6. Ất Sửu ( 26.7.1925 ): chơn linh Ngài Cao Quỳnh Tuân về.
Vào giờ Tý, các ông khởi sự xây bàn và ráp lại được 3 chữ: Cao Quỳnh  Lượng. Bốn ông rất vui mừng, vì Cao Quỳnh Lượng là con của ông Cao Quỳnh Diêu và đã chết mấy năm rồi. Ông Cư thử xem có thiệt là Cao Quỳnh Lượng không, liền nói:  Nếu phải là Cao Quỳnh Lượng thì gõ bàn cho biết tên của những người đang ngồi xây bàn nơi đây. Cao Quỳnh Lượng liền gõ bàn đúng tên các vị. Ông Diêu biểu Lượng đi mời ông Nội đến. Chờ một lúc thì chơn linh ông CAO QUỲNH TUÂN (thân phụ của hai ông Diêu và Cư) nhập, gõ cho bài thi :
 “ Ly trần tuổi đã quá năm mươi,
Mi mới vừa lên ước đặng mười …”

Kết quả buổi xây bàn nầy thật là mỹ mãn, làm cho các ông suy nghĩ rất nhiều, tin tưởng là có thế giới vô hình và có thể nói chuyện với những vong linh đã khuất.

10.6. Ất Sửu ( 30-7-1925 ): cô Đoàn  thị Quế  giáng cho thi
Bốn ông lại tổ chức xây bàn tại nhà ông Sang. Tối nay, chiếc bàn chuyển động khoan thai nhẹ nhàng, gõ bàn cho một bài thi, tựa là “Thác vì tình”: Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai, . . . , xưng tên là Đoàn Ngọc Quế.

12.6. Ất Sửu ( 1.8.1925 ): xây bàn tại nhà Ngài Cao Quỳnh Cư.
Nhà ông Cư số 134 đường Bourdais ( nay là đường Calmette, quận 1) Sàigòn. Cô Quế đàm luận và kết nghĩa với ba ông.
- Ông Cư là trưởng ca
- Ông Tắc là nhị ca
- Ông Sang là tam ca

Cô cho biết tên thật là V.T.L. Quí ông yêu cầu Cô cho biết phần mộ của Cô ở đâu đặng đến viếng. Cô cho biết, mộ của Cô ở trong vườn Bà Lớn, gần Ngã Bảy.

Chúa nhật 13.6.Ất Sửu (2.8.1925) ba ông Cư, Tắc, Sang đem đèn nhang đi viếng mộ  thì đúng y, nhà mồ có bia khác hình và đề tên Vương thị Lễ.

4 . 7 Ất Sửu ( 22.8.1925 ); cô Hớn Liên Bạch cho thi
Cô Vương thị Lễ giới thiệu cô Hớn Liên Bạch. Cô Bạch giáng cho 2 bài thi

7 . 7. Ất Sửu ( 25.8.1925 ): Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm giáng cho thi
Đức Thanh Sơn Đạo sĩ ( Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ) giáng mỗi đêm cho vài bài. Tất cả được 10 bài thơ nói về vận nước Việt Nam.
Âm dương tuy cách cũng trời chung,
Thấy trái nên đây mới tỏ cùng…

10 . 7 . Ất Sửu ( 28.8.1925 ): Ngài AĂÂ giáng cho thi.
Tại nhà ông Cư, ba ông Cư, Tắc, Sang xây bàn như thường lệ. Khi tay vừa đặt vào bàn, bàn liền chuyển động, cho bốn câu thi “ Ớt cay cay ớt gẫm mà cay, . . .“ và xưng danh là “ A Ă Â ”.
Khi ông Cư hỏi ông AĂÂ được bao nhiêu tuổi, bàn gõ hoài đến mấy trăm cái chưa dứt. Ông  Cư ngưng lại và không dám hỏi tiếp.

5. 8.  Ất Sửu ( 22.9.1925): Thất Nương giảng về Diêu Trì Cung
Cô Vương Thị Lễ nhập bàn tiết lộ cho ba ông biết, Cô là Thất Nương của Diêu Trì Cung nơi cõi thiêng liêng, trên có Cửu Thiên Nương Nương cai quản, còn Cô Hớn Liên Bạch là Bát Nương. Ba ông xin Cô dạy cách cầu Cửu Thiên Nương Nương. Thất Nương bảo ba ông phải ăn chay trước 3 ngày và phải có ngọc cơ mới cầu Nương Nương đặng. Thất Nương chỉ vẽ cho 3 ông cách cầu bằng ngọc cơ.

8. 8 . Ất Sửu ( 25-9-1925): Đấng AĂÂ dạy tổ chức Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung.
Đấng A Ă Â giáng bàn, dạy ba ông nhân đó mà làm một cái tiệc chay vào đêm Trung Thu để đãi Diêu Trì Kim Mẫu và Cửu vị Tiên Nương.

15.8. Ất Sửu ( 2-10-1925) : HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG.
Ba ông Cư, Tắc, Sang thiết lễ Hội Yến DTC tại tư gia của ông Cư. Quí ông lập bàn hương án, chưng những thứ hoa thơm, xông trầm trọn ngày (nhà không tiếp khách). Sắp đặt tiệc ấy do bà Hiếu, hiền thê của ông Cư vâng lịnh lập thành. Trên là bàn thờ Đức Phật Mẫu, dưới đặt một bàn dài, sắp 9 cái ghế như có người ngồi vậy; có chén, đũa, muỗng, ly, tách, đều giống y như đãi người hữu hình. Đến giờ Tý, quí vị lên nhang đèn, quì lạy thành kỉnh, rồi đem ngọc cơ ra cầu. Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương giáng chào mừng.

Ba ông, mỗi người đều có chuẩn bị sẵn một bài thi mừng do Thất Nương dặn trước, lần lượt ngâm lên để hiến lễ Nương Nương. Đức Phật Mẫu và chín Cô an vị lắng nghe. Chừng nhập tiệc, Thất Nương mời ba ông ngồi chung vào tiệc cho vui. Ba ông thấy không thể chối từ nên sắp 3 cái ghế sau lưng  chín Cô, ba ông xá rồi ngồi xuống. Cách chừng nửa giờ sau, như là mãn tiệc, ba ông phò cơ tái cầu. Lịnh Nương Nương và chín Cô để lời cảm tạ, mỗi vị cho một bài thi bốn câu, lại hứa rằng: “Từ đây có ngọc cơ rồi thì tiện cho Diêu Trì Cung Cửu Nương đến dạy việc.” Xong, mỗi vị cho một bài thi 4 câu làm kỷ niệm. Bài thi của Ðức Phật Mẫu khoán thủ bốn chữ: Cửu Thiên Huyền Nữ như sau:
CỬU kiếp Hiên Viên thọ sắc Thiên,
THIÊN Thiên cửu phẩm đắc cao huyền.
HUYỀN hư tác thế Thần Tiên Nữ,
NỮ hảo thiện căn đoạt Cửu Thiên.

Kể từ ngày nầy, quý ông sử dụng ngọc cơ cầu các Đấng theo lối Cầu Tiên của Đạo gia, nhận các Thánh giáo rất nhanh so với lối Xây Bàn của Thần Linh học.

Chú thích: Cửu Thiên Huyền Nữ là một trong những danh hiệu của Đức Phật Mẫu. Cửu vị Tiên Nương là chín vị Nữ Tiên nơi Diêu Trì Cung hầu cận Ðức Phật Mẫu. Dưới quyền của Phật Mẫu có Cửu vị Tiên Nương trông nom về Cơ giáo hóa cho vạn linh, còn ngoài ra có hằng hà sa số Phật trông nom về Cơ phổ độ mà Quan Âm Bồ Tát là Ðấng đứng đầu

Ngày 27.10. Ất Sửu ( 12-12-1925): ban lịnh Vọng Thiên cầu Đạo
Đấng Cửu Thiên Huyền Nữ giáng đàn truyền lịnh:
 “ Mùng 1 nầy, tam vị đạo hữu Vọng Thiên cầu Đạo.”

Ba ông không biết Vọng Thiên cầu Đạo là làm gì, bèn cầu hỏi Thất Nương. Thất Nương trả lời: Không phải phận sự của em, xin hỏi ông AĂÂ. Ba ông bèn cầu hỏi các Đấng khác, nhưng các Đấng ấy cũng trả lời tương tự như Thất Nương.

30.10  Ất Sửu ( 15.12.1925 )
Ba ông cầu Đấng AĂÂ, Ngài giáng dạy: “ Ngày mùng 1 tháng 11 nầy, tam vị phải vọng Thiên cầu Đạo, tắm gội cho tinh khiết, ra quì giữa trời, mỗi người cầm 9 cây nhang mà vái rằng: “ Ba tôi là Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang vọng bái Cao Đài Thượng Đế ban ơn đủ phước lành cho ba tôi cải tà qui chánh.”

1.11 Ất Sửu ( 16.12.1925 ) : VỌNG THIÊN CẦU ĐẠO
Ba vị Cư, Tắc, Sang mặc quốc phục nghiêm chỉnh, lập bàn hương án trước sân nhà ông Cư. Mỗi ông cầm 9 cây nhang quì giữa trời cầu nguyện y như Đấng AĂÂ dạy. Lúc đó khoảng 10 giờ đêm, người hiếu kỳ bu lại xem ba ông cầu cúng gì mà lạ vậy. Sau khi tàn 9 cây nhang, ba ông trở vô nhà, đem ngọc cơ ra cầu. Đấng Cao Đài Thượng Đế giáng, viết chữ nho, ba ông không hiểu:
                       Vọng niệm phân kỳ sự sự phi
                       Cá lý Thiên tâm thường thế nhẫn.
                       Thiên tâm tu hướng cá trung cầu.
                       Quân vấn Thiên tâm mạc tri tường

 Khi Đấng Cao Đài thăng rồi, ba ông liền cầu Đấng AĂÂ. Ngài giáng dạy: Đức Cao Đài Thượng Đế nói, tam vị chưa đủ đức tin về Ngài nên hỏi gạn lại, tam vị phải nghĩ cho thấu. Rồi Ngài cho bài thi bốn câu:
Cứ níu theo phan Đức Thượng Hoàng,
Tự nhiên tu tánh được bình an.
Nguyệt hoa căn cội tua xa lánh,
Vịn lấy nhành dương hưởng cảnh nhàn.

4.11  Ất Sửu ( 19.12.1925 )
Ba ngày sau khi Vọng Thiên Cầu Đạo, Đấng AĂÂ giáng cho ba ông bài thi :
Mừng thay gặp gỡ Đạo Cao Đài,
Bởi  đức ngày xưa có buổi nay.
Rộng mở cửa răn năng cứu chuộc,
Gìn  lòng tu tánh, chớ đơn sai.

        Như vậy, Đấng Thượng Đế đã chấp nhận lời Vọng Thiên cầu Đạo của ba ông Cư, Tắc, Sang. Danh từ “ ĐẠO CAO ĐÀI ” được Đấng AĂÂ nói ra lần đầu tiên và dặn:
“ nếu muốn cho Ngài tận tâm truyền dạy đạo lý thì thảy đều phải kính Ngài làm Thầy mới tiện bề đối đãi nhau.” 

9.11 Ất Sửu (  24.12.1925 ): Đêm NOEL 1925.
24/12/1925   Hôm nay, Đức AĂÂ không về chỉ có Thất Nương giáng và nói rằng:
" Rất mừng vui, đêm nay là đêm kỹ niệm của Thầy giáng sinh 2000 năm trước mà khai thánh giáo nơi miền Thái Tây. Giờ này, Thầy đương hội chư Phật Tiên Thánh Thần dự lễ nên không đến đặng cùng mấy anh. Vậy mấy anh nên cầu nguyện cho cả bá tánh trong đêm này rồi nghỉ. Bữa khác Thầy sẽ đến dạy việc cần yếu ".
Nghe đến đó, hồn vía các ông dường như bay bổng, nửa mừng nửa sợ.  

Ngày 10.11 Ất Sửu ( 25.12.1925 ): Đấng AĂÂ xưng Cao Đài Thượng Đế
Đến đêm Noel năm 1925, Đấng AĂÂ mới cho biết chính Ngài là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngài đến để lập Đạo Cao-Đài. Thượng Đế xưng danh đầy đủ là:

NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ VIẾT CAO ĐÀI TIÊN ÔNG
ĐẠI BỒ TÁT  MA HA TÁT GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG

Tại nhà ông Cư, Ðức AĂÂ thu nhận Ngài Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang làm đệ tử:" AĂÂ Cao Ðài đã hiểu lòng của ba đệ tử . Ngài đã ban đầy ân cho mỗi người. Ðêm nay phải vui mừng vì là ngày của Thượng Ðế xuống trần dạy đạo bên Thái Tây. Ta rất vui lòng đặng thấy ba đệ tử kính mến Ta như vậy. Nhà nầy sẽ đầy ân của Ta. Ngày giờ gần đến, đợi lịnh, Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa.
Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
Ðạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.

Trước đây Thượng Đế phải ẩn danh, xưng là A Ă Â,  hạ mình làm một chơn linh thường để dễ bề gần gủi, cảm hóa đệ-tử. Từ đó, Đức Chí-Tôn thường giáng cơ dạy Đạo, thâu nhận môn đồ. Đức Chí Tôn cũng dạy nhóm này dùng biểu tượng Thiên nhãn để thờ phụng Ngài.

Ngày 16.11 Ất Sửu ( 31.12.1925), Đức Chí Tôn dạy:
“ Ba con thương Thầy lắm há? Con thấy đặng sự hạ mình của AĂÂ là thế nào chưa? Con có thấu đáo cái quyền năng của Thầy chưa? Người quyền thế lớn nhứt như vậy có thể hạ mình bằng AĂÂ chăng? Bấy lâu Thầy vẫn tá danh A Ă Â là cốt để dìu dắt các con vào đường đạo đức, hầu chẳng bao lâu đây, các con phải ra giúp Thầy mà khai đạo. Các con có thấy Thầy khiêm nhượng là dường nào chưa ? Các con nên bắt chước Thầy trong mảy múng thì mới xứng đáng là người có đạo đức."

17.11 Ất Sửu ( 1.1.1926 ): ban đức tin cho người Công giáo.
Một số tín đồ Công giáo nghe tin Đức Cao Đài xác nhận là Chúa mới đến xin rằng:
"Cho tôi để thử trên bàn cầu cơ với một tấm hình của Đức Chúa Jésus và cây Thánh giá. Nếu Đức Cao Ðài thiệt là Thượng Ðế thì mới giáng cơ, bằng là quỷ vương thấy hai vật báu ấy tự nhiên phải tránh.”

Ông Cư và ông Tắc  bằng lòng. Ðức Thánh Pierre giáng cho bài thi như sau :
"Thiên đàng giữ cửa góc trời Tây,
Truyền đạo cho dân biết mặt Thầy.
Cứu chuộc đã hai ngàn tuổi lẽ,
Cao Ðài phú thác dắt dìu bây”.

Tiếp theo, Đức Chí Tôn giảng Đạo và ban đức tin cho những người có mặt.
Con hiểu Jésus là ai chăng?
Trước Ta đã đổ máu cho loài người vì thương yêu.
Nay Ta đến cứu loài người cũng vì thương yêu.
Bây đủ thương yêu Ta dường ấy chăng?
Ta cần bây biết ăn năn hầu cứu chữa bây.

- Trước mặt ba con: Cư, Tắc, Sang, Thầy hỏi rằng: Thầy muốn dùng các con mà khai Đạo, các con có dám nhận lãnh trọng  nhậm ấy chăng?
- Trong các con, từ bé chí trưởng chẳng thông đạo lý chi, duy nhờ Thầy dạy bảo bấy lâu thì sự biết chưa đặng trong muôn một, e chẳng xứng đáng để lảnh trách nhiệm lớn lao ấy.
-  Chi chi có Thầy gần bên các con, miễn là các con khứng chịu, gắng để trọn tấc lòng thì chẳng hề chi.

18.11 Ất Sửu ( 2.1.1926 ) : Thầy bắt đầu dạy Đạo.
Đức Chí Tôn khởi sự dạy Đạo cho ba ông Cư, Tắc, Sang và căn dặn hai ông Cư, Tắc mỗi việc chi đều phải triệt để tuân lịnh Thầy.

22.11 Ất Sửu ( 6.1.1926): dạy Đạo cho ông Lê văn Lịch tại Vĩnh Nguyên Tự
Ông Cư và ông Tắc được lịnh đem ngọc cơ xuống Vĩnh Nguyên Tự để Đức Chí Tôn dạy Đạo cho ông Lịch. Ông Lịch là con Ngài Lê văn Tiểng, Trưởng lão Đạo Minh Sư. Khi còn tại thế, Ngài đã di ngôn rằng: ngôi Vĩnh Nguyên Tự sau này sẽ có Thập nhị Khai Thiên đến mở Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ.

23.11 Ất Sửu ( 7.1.1926 ): dạy Đạo cho Ông Lê văn Trung
Đức Chí Tôn dạy 3 ông Cư, Tắc, Sang đem Đại ngọc Cơ đến nhà ông Trung ở Chợ Lớn  để độ ông Trung. Ông Trung lúc bấy giờ là Hội đồng Quản hạt Nam kỳ ( Conseiller Colonial de Cochinchine), và là Nghị viên Hội đồng tư vấn chính phủ thuộc địa Đông Dương (Membre du Conseil du Gouvernement de l’Indochine), được tặng thưởng huân chương Bắc Đẩu Bội tinh ( Chevalier de la Legion d’Honneur). Ông là người sáng lập ra trường nữ trung học Áo Tím ( đổi tên Gia Long, sau có tên Nguyễn thị Minh Khai ).

27 . 11 Ất Sửu ( 11.1.1926 )
Ông Lê Văn Trung đến hầu đàn tại nhà ông Cư, được Đức Chí Tôn ban cho bốn câu thi.
Một Trời, một Đất một nhà riêng,
Dạy dổ nhơn sanh đăng dạ hiền.
Cầm mối Thiên thơ lo cứu chúng,
Đạo người vẹn vẻ mới thành Tiên.

Ông Trung trước đó đã được ông Nguyễn Hữu Đắc hướng dẫn đến hầu đàn Chợ Gạo ở Phú Lâm, tại đây Đức Lý Thái Bạch giáng đàn, độ ông Trung, làm cho cặp mắt của ông hết bịnh, thấy rõ trở lại).

5.12 Ất Sửu ( 18.1.1926): độ ông Lê văn Trung.
Đức Chí Tôn giáng cơ dạy 2 Ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc đi vô nhà ông Lê văn Trung, Cựu Nghị viên Hội Đồng Thượng Nghị Viện Đông Dương để Đức Chí Tôn dạy việc. Hai Ông Cư và Tắc phò Ngọc cơ, Đức Chí Tôn liền giáng, dạy Ông Trung lo tu hành.Đức Chí Tôn lại phân rằng : Ngài đã sai Lý Thái Bạch dìu dắt Ông Trung nơi đàn Chợ Gạo lâu rồi. Ngài dạy tiếp:
" Trung, nhứt tâm nghe con ! Sống cũng nơi Thầy, thành cũng nơi Thầy, mà đọa cũng nơi Thầy. Con lấy sự sáng của con mà suy lấy." (Ông Trung bị lòa 2 mắt, Đức Chí Tôn dùng huyền diệu làm cho 2 mắt của Ông sáng trở lại).
Một Trời một Đất một nhà riêng,
Dạy dỗ nhơn sanh đặng dạ hiền.
Cầm mối Thiên thơ lo cứu chúng,
Đạo người vẹn vẻ mới thành Tiên.

Trong dịp nầy, Đức Chí Tôn dạy ông Trung phải hiệp với hai ông Cư và Tắc lo việc mở Đạo. Đức Chí Tôn nói chuyện với ngài Lê văn Trung, nói với nhau rồi  hiểu với nhau mà thôi.
“ Một người đang là nghị viên của Thượng-Nghị-viện, một cái gia-nghiệp đủ vinh-hiển, đủ cao-trọng, đủ đương đầu với thiên-hạ trong 24 giờ bỏ hết. Cho tới một cái lạ hơn hết là đương hút á-phiện, người phong-lưu như ai kia vậy bỏ một cái một, cả sự ăn chơi cũng thế. Đức Chí-Tôn kỳ hạn có 24 giờ mà thôi. 24 giờ Anh Cả chúng ta phải trường trai. 24 giờ Anh Cả phải dâng cả sự-nghiệp cho thiên-hạ. 24 giờ Anh Cả chúng ta phải từ bỏ chức Thượng-Nghị-viện, dâng mảnh thân phàm cho Đức Chí-Tôn làm ngọn cờ cứu-khổ.”

8.12 Ất Sửu (21.1.1926): giảng Đạo cho các vị Phật tử
Nhiều vị Phật tử đến xin hỏi về việc qui Tam giáo hiệp ngũ chi trong Đại đạo Tam kỳ Phổ độ cùng những thắc mắc khác được Đức Thượng Đế giảng dạy và cho bài thi:  
Chín Trời mười Phật cũng là ta
Truyền Đạo chia ra nhánh nhóc ba
Hiệp một chủ quyền tay nắm giữ
Thánh Tiên, Phật Đạo vốn như nhà

14.12 Ất Sửu  (  27.1.1926 ): kết hợp với Ngài Ngô văn Chiêu.
Quí ông bạch hỏi Đức Chí Tôn về cách thờ phượng. Đức Chí Tôn dạy đến gặp ông Ngô Văn Chiêu để xem cách thức và kết hợp với nhau để truyền giáo. (Ông Chiêu lúc đó ngụ tại lầu 2, số nhà 110 đường Bonard, nay là đại lộ Lê Lợi, Sài Gòn).

18.12  Ất Sửu ( 31-1-1926 ): lễ khai đàn Thượng tượng
Ông Lê Văn Trung tổ chức lễ Khai đàn Thượng tượng tại nhà, đường Quai Testard ( nay ở khoảng 115-117 đường Châu văn Liêm quận 5 ).
 “Trung, con thờ Thầy trên hết là phải. Con đem tượng Quan Trường qua bên trái Thầy, Quan Âm bên mặt, còn thờ Lý Thái Bạch dưới Thầy”.
Phép truyền thụ lập Thiên bàn Chí Tôn kể từ đây.

30.12  Ất Sửu ( 12.2.1926) :  ban Thánh giáo đầu tiên nhắc nhở Ngài Chiêu.
Đức Chí Tôn dạy Ngài Chiêu hiệp với quí ông lập phái đoàn đi viếng thăm nhà các môn đệ của Đức Chí Tôn trong dịp giao thừa cuối năm Ất Sửu.

Ngài Chiêu làm pháp đàn, hai Ngài Cư và Tắc phò loan, ông Nguyễn Trung Hậu làm độc giả và ông Tuyết Tân Thành làm điển ký. Phái đoàn lần lượt đi đến từng nhà của 12 môn đệ đầu tiên, đến mỗi nhà thì phò loan cho Đức Chí Tôn giáng dạy. Khi phái đoàn đến nhà Ngài Lê Văn Trung thì vừa kịp đón lễ Giao thừa. Đúng giờ Tý năm mới Bính Dần, Đức Chí Tôn giáng ban Thánh giáo đầu tiên rất quan trọng.

“Chư đệ tử  nghe,
CHIÊU buổi trước hứa lời truyền Đạo cứu vớt chúng sanh, nay phải y lời mà làm chủ, dìu dắt cả môn đệ Ta vào đường đạo đức, đến buổi chúng nó lập thành, chẳng nên tháo trút. Phải thay mặt Ta mà dạy dỗ chúng nó. TRUNG, KỲ, HOÀI, ba con phải lo thay mặt cho CHIÊU mà đi độ người. Nghe và tuân theo. BẢN, SANG, GIẢNG, QUÍ  lo dọn mình đạo đức đặng truyền bá cho chúng sanh. Nghe và tuân theo. ĐỨC tập cơ, HẬU tập cơ, sau theo mấy anh đặng độ người. Nghe và tuân theo. ”

Đây là bài Thánh giáo đầu tiên. Ngày giờ mà Đức Chí Tôn khởi lập Đạo Cao Đài  là giờ Tý  mùng 1 Tết  năm Bính Dần ( 13.2.1926).
Vì thế, Đạo Cao Đài lấy ngày mùng1 tháng giêng năm Bính Dần làm kỷ nguyên Đạo lịch của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
*
*             *

TIẾT 2: KỶ NGUYÊN ĐẠO LỊCH
Đạo lịch 1 - Năm Bính Dần (1926)

 8 . 1 Bính Dần ( 20.2.1926 ) : Lễ Vía Đức Chí Tôn.
Lễ Vía Đức Chí Tôn đầu tiên được tổ chức tại nhà ông Vương Quan Kỳ, 80 đường La Grandière ( nay là Lý Tự Trọng) Sài Gòn. Sau phần cúng lễ, quí vị lập đàn cầu Đức Chí Tôn. Ngài Chiêu làm pháp đàn, hai Ngài Cư, Tắc phò cơ. Đức Chí Tôn giáng dạy.
Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa,
Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà.
Chung hiệp rán vun nền Ðạo đức
Bền lòng son sắc đến cùng Ta !

        "Cái nhánh các con là chính mình Thầy làm chủ, sau các con sẽ hiểu. Thầy vui muốn cho các con thuận hòa nhau hoài, ấy là lễ hiến cho Thầy rất là trân trọng. Phải chung lo cho danh đạo Thầy. ÐẠO THẦY TỨC LÀ CÁC CON, CÁC CON TỨC LÀ THẦY. Phải làm cho nhau đặng thế lực. Ðừng ganh gỗ nghe. Các con giữ phận làm tùy ý Thầy muốn. Ngày kia sẽ rõ ý muốn của Thầy”:

 Nhân dịp nầy, Ngài Chiêu bạch xin Đức Chí Tôn lấy tên các môn đệ hiện diện hầu đàn kết thành bài thi để kỷ niệm. Đức Chí Tôn ban cho 4 câu thi:
CHIÊU KỲ TRUNG độ dẫn HOÀI sanh,
BẢN đạo khai SANG QUÍ GIẢNG thành.
HẬU ÐỨC TẮC CƯ thiên địa cảnh.
Huờn Minh Mân đáo thủ đài danh (Huờn Minh Mân 3 vị hầu đàn) trong đó có đủ tên của 12 môn đệ đầu tiên của Đức Chí Tôn.

Tạm dịch:  
Phất cờ lên không trung độ dẫn chúng sanh ( dù còn là thai nhi).
Bản Đạo được mở ra cao quí, rõ ràng.
Người có đức độ sau sẽ được ở cảnh Trời.
Người sáng suốt sẽ trở về với Đài nêu danh.

13 . 1 Bính Dần (  25-2-1926 ): Khổng Tử là Văn Xương Tiên giáng trần và dạy phương pháp hành lễ.
"Trung vô giữa bái lễ cho Thầy coi. Con làm lễ trúng, song mỗi gật con nhớ niệm câu chú của Thầy: Nam mô CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT”.
Dâng Tam Bửu " Tinh Khí Thần ".
Lần đầu dâng hương và hoa
Lần giữa dâng rượu
Lần chót dâng trà.

Ðức Cao Ðài dạy chấp tay ấn Tý, Ðạo phục và cách lạy hành lễ cho Ngài Lê văn Trung như sau: " Khi bái lễ hai tay con chấp lại, song phải để tay trái ấn Tý, tay mặt ngửa ra nắm dưới tay trái để lên trên. Từ đây con phải may riêng bộ áo lễ, tay rộng cổ trịch như áo đạo, nhưng giải gài chín mối mầu xanh da trời. Con nhớ mang giày gai để hầu Thầy, còn nhứt nhứt đều để chân không hết ”.

Ðức Cao Ðài giải thích về Thánh Tượng Thiên Nhãn và nghĩa TAM KỲ PHỔ ÐỘ.
" Tam Kỳ Phổ Ðộ là gì ? Là phổ độ lần thứ ba. Sao gọi là Phổ Ðộ ?Phổ là bày ra. Ðộ là cứu chúng sanh. Chúng sanh là toàn cả nhân loại chớ không phải là lựa chọn một phần người như ý phàm các con tính rổi. Muốn trọn hai chữ phổ độ phải làm như thế nào ? Phải bày Bửu pháp chớ không đặng dấu nữa”.

Như vậy, tại nhà ông Cư, Đức Chí Tôn giáng dạy cách bắt Ấn Tý, cách lạy, mỗi gật phải niệm  câu chú của Thầy: Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Ngài còn dạy cách dâng Tam bửu (hương và hoa, rượu, trà). Bà Hiếu được dạy cách may Thiên phục Đầu Sư phái Thượng. Ðức Chí Tôn mới giải nghĩa vì sao chọn biểu tượng Thiên Nhãn: “…Chưa phải hồi các con biết đặng tại sao vẽ Thánh tượng “ con Mắt” mà thờ Thầy, song Thầy nói sơ lược cho hiểu chút đỉnh:
NHÃN THỊ CHỦ TÂM  ( Mắt là chủ của Tâm Linh ).
LƯỠNG QUANG CHỦ TỂ  ( Hai luồng sáng của mắt là Chủ Tể)
QUANG THỊ THẦN   ( Ánh sáng là Thần ).
THẦN THỊ THIÊN  ( Thần là Thượng Ðế )
THIÊN GIẢ, NHà Dà ( Thượng Ðế là Ta vậy ).

Thần là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm từ ngày Ðạo bị bế. Lập " Tam Kỳ Phổ Ðộ ” nay duy Thầy cho "Thần hiệp Tinh Khí ” đặng hiệp đủ " Tam Bửu”  là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập Thánh.

Cũng trong ngày này, Đức Chí Tôn tiết lộ cho biết: Trọng Ni là Văn Xương Tiên hạ trần đặng thừa mạng lịnh Thầy làm Chưởng Giáo Nhơn đạo.

14 . 1 . Bính Dần ( 26.2.1926 ): độ Thái Lão Sư Trần Đạo Quang
Ngài Trung, Cư, Tắc được lịnh lập đàn nơi Linh Quang Tự ở Gò Vấp để độ Thái Lão Sư Trần Đạo Quang đang trụ trì tại đây. Sau khi trả lời nhiều câu hỏi, Đức Chí Tôn dạy Ngài Thái Lão Sư qui hiệp về Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để độ chúng sanh kịp thời kỳ Đại ân xá. Tuy đột ngột nhưng Ngài Đạo Quang đọc qua Kinh sách Trung Hoa đã tiên tri:
CAO như Bắc khuyết nhân chiêm ngưỡng
ĐÀI tại Nam phương Đạo thống truyền.
nên Ngài tâm phục và bằng lòng làm môn đệ.

Ngày 15.1.Bính Dần ( 27.2. 1926 ): độ ông Nguyễn Ngọc Tương
Tại nhà ông Nguyễn Ngọc Tương, chủ quận Cần Giuộc, Ông Lê văn Trung lập đàn, có ông Cư và  ông Tắc phò loan. Đức Chí Tôn dạy:
“ Tương, từ đây con trấn nhậm nơi nào thì là hồng phúc của nơi ấy.
Con trị ai, Thầy cũng trị ai
Một lòng đạo đức chớ đơn sai.
Năm năm công quả tua bền chí
Chỉ dẫn nhơn sanh bước lạc loài ”

Ngày 20 . 1 . Bính Dần ( 4.3.1926): độ Ông Lê văn Lịch.
Tại Vĩnh Nguyên Tự, ông Trung, Ông Cư, Ông Tắc lập đàn, có mặt Ông Phủ Tương. Thái lão Sư Lê Đạo Long ( thế danh Lê văn Tiểng ) là cha của ông Lịch đã về cho biết:

Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế cảm xúc công quả của ta rất nhiều, không để ta luân hồi trở lại thế gian, giao cho Thái Ất Chơn Quân độ dẫn ta, nên được sắc phong Như ý đạo thoàn Chơn Nhơn tại cõi Tây phương cực lạc.Ngươi gặp được minh sư dạy tu luyện, hãy thỉnh cầu Ngài giáo hóa vậy. Chỉ có một Thầy là Ngọc Hoàng Thượng Đế. Hãy kính vâng theo. Rất mừng! rất mừng!

Nền Đạo mới siêu việt, chỉ hai tuần lẽ đầu đã phổ độ được các giới trí thức, chuyên viên, học giả, ký giả, nhà văn, quan trường, binh nghiệp, thương gia, giáo viên, kỹ nghệ, nông nghiệp, Phật giáo, Công giáo, Lão giáo và Nho giáo như :  Nguyễn Ngọc Tương, Lê Bá Trang, ông bà Nguyễn Ngọc Thơ, Lê văn Lịch, Trần Đạo Quang, Nguyễn văn Kim, Cao Quỳnh Diêu, Trần Duy Nghĩa, Trương văn Tràng, Ca Minh Chương, Phạm văn Tươi, Phạm Tấn Ðãi, Huỳnh văn Mai, Võ văn Nguyên, Nguyễn Phát Trước, Nguyễn văn Tương, Nguyễn văn Kinh, Ngô Tường Vân, Huỳnh văn Giỏi, Võ văn Kỉnh, Mạc văn Nghĩa, Nguyễn văn Mùi, Nguyễn văn Ðạt, Ðoàn văn Bản, Lê văn Giảng, Nguyễn văn Tường, Ngô văn Ðiều, Trần văn Tạ và Trần văn Hoằng v.v ...

7 . 3 Bính Dần ( 18.4.1926 ):Thầy bảo Ngài Chiêu sắm Thiên phục Giáo Tông
Đức Chí Tôn dạy 3 ông: Trung, Cư, Tắc lên nhà ông Chiêu bảo ông may Thiên phục Giáo Tông. Bà Hiếu lãnh may và làm mão. Đức Chí Tôn giáng dạy bà Hiếu từng chi tiết, dự bị phong ông Chiêu chức Giáo Tông.

11.3 Bính Dần ( 22.4.1926 ): chuần bị sắp đặt cho cuộc Thiên phong
Đức Chí Tôn dạy cách sắp đặt ghế bàn, bài vị, và dặn: các con phải cho thanh tịnh, kể từ nay diệt tận phàm tâm chớ nhơ một điểm, thì ngày ấy  thề mới đặng.

13.3 Bính Dần ( 24.4.1926 ):
Đức Chí Tôn cho biết : ông Chiêu không lãnh chức Giáo Tông được.
Mãi đến ngày 25.6 Bính Dần (3.8.1926), trong một đàn cơ tại nhà Ngài Nguyễn Ngọc Thơ, Đức Chí Tôn tiết lộ cho biết lý do.
Ngọc Hoàng Thượng Đế viết Cao Đài Giáo Đạo Nam phương.

Chư môn đệ nghe dạy:
Vốn từ trước trong Thiên thơ Tam Kỳ Phổ độ này, nền Chánh giáo phải có nhứt Phật, tam Tiên (3), tam thập lục Thánh (36), thất thập nhị Hiền (72), tam thiên đồ đệ (3000) chưởng quản thâu Tam giáo hiệp nhứt.

 Chiêu thiệt là nhứt Phật đó. Vậy, trước ngày định lập Thiên phong đăng lập chức Giáo Tông cho nó thì Chúa Quỉ sai tam thập địa giới kêu nài với Ta rằng cựu phẩm nó chẳng xứng ngôi ấy, và kiện rằng nó chẳng nhứt tâm thờ phượng Ta. Ta có cãi lẽ, Quan Thánh Đế và Quan Âm giúp lời, Ta nhứt định phong chức Giáo Tông cho nó.

Chúa Quỉ xin lịnh Ta mà khảo nó và phải để cho tam thập lục động hành xác. Ta không nở nên cho khảo mà không cho hành xác. Rủi thay! Đau đớn thay! Buổi khảo, nó phải bị tà quái áp chế nên phải mất ngôi, song Ta cũng còn thương yêu chẳng nỡ, nhưng mà có mặt chư Thần, Thánh, Tiên, Phật thì khó bề bào chữa đặng. Đại lụy! Ta phải dùng quyền Chí Tôn mà tha thứ, song buộc nó phải tịnh thất… ( trích Thánh ngôn chép tay của Ngài Đầu sư Thái Thơ Thanh, tr 237).

Kể từ ngày 24.04.1926, Ngài Ngô văn Chiêu chính thức tách rời, không còn tham gia cơ phổ độ nữa, mà chỉ lo phần tu luyện theo hướng nội giáo tâm truyền đã được Đức Cao Đài ban cho trước đây, vì vậy sau này Ngài không đứng tên trong tờ Khai Đạo.

14.3 Bính Dần ( 25.4.1926 ).
Quí vị được dạy Đạo ở buổi đầu đều cầu xin Đức Chí Tôn tha thứ cho ngài Chiêu nhưng Ngài tự ý tách riêng ra khỏi nhóm của quí ông: Trung, Cư, Tắc, Sang, Hậu, Đức và lập nhóm Cơ Tuyển độ Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi.
Ngài Chiêu hiệp cùng bốn ông: Trung, Cư, Tắc, Sang từ ngày 14-12-Ất Sửu đến ngày 14-3-Bính Dần thì ông Chiêu tách ra, sự hội hiệp chỉ được ba tháng tròn.

15 . 3 Bính Dần (  26.4.1926 ): Lễ Thiên phong Chức sắc đầu tiên
Tổ chức tại nhà Ngài Lê Văn Trung ở Chợ Lớn, khởi đúng giờ Tý ngày rằm. Đức Chí Tôn giáng phong:
- Đức và Hậu: Tiên Đạo Phò Cơ Đạo Sĩ.
- Cư: Tá Cơ Tiên Hạc Đạo Sĩ.
- Tắc: Hộ Giá Tiên Đồng Tá Cơ Đạo Sĩ.
- Trung, Lịch đã thọ sắc, cứ tước vị mà theo sắc mạng Ta.
 (Hai vị nầy đã được Đức Chí Tôn phong Đầu Sư).

- Kỳ : Tiên Sắc Lang Quân Nhậm Thuyết Đạo Giáo Sư.
- Bản : Tiên Đạo Công Thần Thuyết Đạo Sư.

Đặc biệt trong cuộc lễ Thiên phong nầy, Đức Chí Tôn trục thần của Phạm Công Tắc để đưa chơn linh Hộ Pháp nhập vào xác thân của Phạm Công Tắc.

Đức Chí Tôn dạy: "Cư, đem 3 bộ Thiên phục để vọng trên 3 cái ngai, rồi con chấp bút bằng nhang như mọi lần, đặng Thầy trấn thần 3 bộ Thiên phục và 3 cái ngai ấy. Rồi mới kêu 2 vị Đầu sư đến quì trước bửu ngai của nó đặng Thầy vẻ phù vào mình, xong cho giảng xướng lên "Phục vị" thì 2 người leo lên ngồi. Cả thảy chư môn đệ đều quì xuống, bảo Tắc nó leo bàn, con chấp bút bằng nhang đến bàn Ngũ Lôi đặng Thầy trục xuất chơn thần nó ra. Rồi bảo hai vị Đầu sư xuống ngai đến trước mặt Ngũ Lôi, hai tay chấp trên đầu cúi ngay bùa Kim Quang Tiên mà thề như vầy :
“Tôi là Lê văn Trung tự Thiên ân là Thượng Trung Nhựt và Lê Văn Lịch tự Thiên ân là Ngọc Lịch Nguyệt thề Hoàng thiên Hậu thổ trước bửu tháp Ngũ Lôi rằng:
" Làm tròn Thiên đạo và dìu dắt mấy em chúng ta đều là môn đệ của Đức Cao Đài Ngọc Đế. Nhứt nhứt do lịnh Thầy phân định chẳng dám chuyên quyền mà lập thành tả Đạo. Như ngày sau hữu tội, thì thề Ngũ Lôi tru diệt3.

Đến bàn Hộ Pháp cũng quì xuống vái y như vậy nhưng thề:
như ngày sau có phạm Thiên điều thề có Hộ Pháp hành đoạ Tam đồ bất năng thoát tục.          Rồi mới bảo Giảng xướng lại nữa "Phục vị” thì nhị vị Đầu sư trở lại ngồi trên ngai. Chư môn đệ mỗi người đều đến lạy mỗi người hai lạy. Tới phiên các môn đệ, từ người đến bàn Ngũ Lôi mà thề rằng:
Tên gì …..họ gì….thề từ đây biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế chẳng đổi dạ thay lòng, hiệp đồng chư môn đệ, gìn luật lệ Cao Đài. Như ngày sau có lòng hai thì Thiên  tru Địa lục.
Tới trước bàn Hộ Pháp cũng thề như vậy, rồi mới đến lạy nhị vị Đầu sư.

Đó là những nghi lễ bí truyền, về sau Đạo cứ theo đó mà thi hành tuỳ theo chức sắc hay đạo hữu mà lời thề được biến đổi như trên.
Từ cuối tháng 3 đến tháng 5 năm Bính Dần (1926); lập 6 đàn cơ phổ độ và 1 đàn cơ trị bịnh:
Đức Chí Tôn cho thiết lập nhiều đàn cơ phổ độ để thâu nhận tín đồ gia nhập Đạo Cao Đài. Trong vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định có 6 đàn cơ phổ độ:

1 . Đàn Cầu Kho tại nhà ông Đoàn Văn Bản, ông Vương Quang Kỳ chứng đàn, phò cơ: Nguyễn Trung Hậu – Trương Hữu Đức.
2 . Đàn Chợ Lớn tại nhà Ngài Lê Văn Trung, Ngài Trung chứng đàn, phò cơ : Cao Quỳnh. Diêu - Cao Hoài Sang.
3 . Đàn Tân Kim, Cần Giuộc tại nhà ông Nguyễn văn Lai, ông Nguyễn Ngọc Tương và ông Lê Văn Lịch chứng đàn, phò cơ:  Ca Minh Chương - Phạm Văn Tươi.
4 . Đàn Lộc Giang, Chợ Lớn, tại chùa Phước Long của Yết Ma Giống, chứng đàn là ông Mạc Văn Nghĩa và Yết Ma Giống, phò cơ: Trần Duy Nghĩa - Trương văn Tràng.
5 . Đàn Tân Định tại nhà ông Nguyễn Ngọc Thơ, phò cơ: Cao Quỳnh Cư - Phạm Công Tắc.
6 . Đàn Thủ Đức tại nhà ông Ngô Văn Điều, ông Điều chứng đàn, phò cơ : Huỳnh văn Mai - Võ văn Nguyên.
7 . Ðàn cơ chữa bệnh do Ngài Trần văn Tạ và Trần văn Hoằng chăm lo .

Ngày 28. 4. Bính Dần ( 8.6.1926 ): lập Hội Thánh Phái Nữ.
Ðức Chí Tôn dạy rằng :
"Ðường thị ! Thầy giao nữ phái cho con lập thành, chẳng phải vì đàn bà mà sớm nồi canh, chiều trả cháo hoài. Phần các con truyền đạo phần phổ độ nầy cũng lắm nặng  nề, bao nhiêu nam tức bao nhiêu nữ. Nam biết thành Tiên Phật chớ nữ lại không sao ? Thầy đã nói Bạch Ngọc Kinh có cả nam cả nữ, mà có phần nữ lấn quyền thế hơn nam nhiều .”

1 . 7  Bính Dần ( 8.8.1926 ): ban tịch Đạo Nam phái
Tại Vĩnh Nguyên Tự, Cần Giuộc, Đức Chí Tôn giáng cơ dạy:     
 “Quỉ vương đến trước Bạch Ngọc Kinh xin hành xác và thử thách các con. Thầy chẳng chịu cho hành xác. Chúng nó hiệp tam thập lục động toan hại các con nên Thầy sai Quan Thánh và Quan Âm đến gìn giữ các con, nhưng phần đông chưa lập Minh thệ nên chư Thần Thánh Tiên Phật không muốn nhìn nhận…”

Đức Chí Tôn  ban Tịch đạo Chức sắc nam phái:

THANH ĐẠO TAM KHAI THẤT ỨC NIÊN
THỌ NHƯ ĐỊA HUYỄN THẠNH HÒA THIÊN
VÔ HƯ QUI PHỤC NHƠN SANH KHÍ
TẠO VẠN CỔ ĐÀNG CHIẾU PHẬT DUYÊN.

Tạm dịch:
Đạo Trời khai lần ba kéo dài đến 700.000 năm.
Thọ như Đất, thạnh như Trời.
Khí Hư Vô đem lại sanh khí cho người.
Lập rất nhiều đường để dẫn độ người có duyên tu.

12 . 7 Bính Dần ( 19.8..1926 ): ấn tống Kinh, Thánh tượng Thiên nhãn
Vào thời điểm này, chư vị chức sắc theo lịnh dạy đã thỉnh các Kinh:
- Niệm hương, Khai Kinh, 4 bài chú, Kinh sám hối, bài khen ngợi Kinh Sám hối, Kinh cầu siêu, bài xưng tụng công đức Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Các bài này thỉnh nơi Tam Tông Miếu thuộc chi Minh Lý.
- Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế, ba bài dâng Hoa, dâng rượu, dâng trà, bài  Mừng thay và bài Trời còn dùng khi cầu cơ: do ngài  Ngô văn Chiêu đưa qua.
- Kinh Tam giáo: Phật giáo, Tiên giáo, Nho giáo do ngài Ngọc Lịch Nguyệt chọn ra từ các bài Kinh của chi Minh sư.
Home                      1 ]  2 ]  3 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét