24 Giờ Ðạo (Nguyễn Long Thành)


Tài liệu giảng huấn do một số học sinh đệ ngủ ghi chú trong khóa học đặc biệt về giáo lý tại Tây Ninh 1968.
TIỂU DẪN

Vào những ngày cuối cùng của niên khóa 1967-1968, do lời yêu cầu của một số học sinh hiếu học, chúng tôi đã dành trọn những buổi sáng chúa nhật trong ba tháng liền để hướng dẫn cho tám mươi học sinh trình độ đệ ngũ theo một chương trình đặc biệt gồm hai phần chính: Đạo lý và Toán học. Hầu hết các em là những con nhà Đạo trước kia theo học bậc tiểu học tại hai trường Đạo Đức Học Đường và Lê Văn Trung, các em đã biểu lộ tinh thần hiếu học thật đáng khích lệ.

Bài vở trong những trang sau đây do chính các em học sinh ghi lại trực tiếp những lời giảng trong lớp, chúng tôi đã xem xét lại và được Hội-Thánh cho phổ biến.

Mong rằng tập tài liệu mỏng nầy sẽ giúp ích một phần nhỏ cho các em học sinh mới bắt đầu tìm hiểu về Đạo.
Tây Ninh, ngày 15/4/1970.
Nguyễn Long Thành - Đỗ Quang Minh

LỜI DẶN ĐẦU TIÊN

Hôm nay Thầy bắt đầu hướng dẫn mấy em tìm hiểu đời sống tinh thần Đạo giáo, tiếp nối điều mà ba năm về trước Thầy Cô mấy em tại các trường trong vùng Tòa-Thánh đã hướng dẫn mấy em.Khóa học nầy thật là ngắn ngủi trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn về mặt tâm lý, Thầy chỉ lấy tình của người anh lo lắng tinh thần đạo đức của mấy em mà đến đây chớ không có một tổ chức nào hỗ trợ hết. Mấy em hiểu chứ ?
Việc Đạo thì mênh mông chữ Đạo thì vô cùng tận, nói hoài không hết Thầy tùy theo sức mấy em mà lựa lời, lựa lý, nói cho mấy em dễ hiểu. Thoảng như về nhà có ai chỉ dẫn thêm mấy em cần phải lắng nghe, có ai phản đối cũng cần phải nghe, rồi lấy trí khôn ngoan của riêng mỗi em mà phán đoán xem tại sao như vậy. Hiểu được thì tốt hiểu không được đem vào đây hỏi Thầy, Thầy sẽ giải thích thêm cho. Mấy em cố nhớ điều nầy:vì con người thường hay tự cao tự đại với mớ kiến thức của mình, đừng bao giờ nói rằng những gì mà Thầy giảng trong lớp là đúng hơn tất cả mọi người. Mai kia mấy em sẽ giỏi hơn Thầy và sẽ nói những điều cao xa hơn nữa kìa.

NHỮNG VẤN ĐỀ TỔNG QUÁT

KHÁI NIỆM VỀ CON NGƯỜI
Trên dòng thời gian vô định, không bắt đầu và cũng không cùng tận con người chỉ xuất hiện trong những khoảng thời gian ngắn rồi mất đi. Thế gian thường lầm tưởng sau cái chết là hết nhưng kỳ thật cái phần khôn ngoan của con người vẫn lưu tồn mãi mãi trong vũ-trụ bao la mà mỗi lần phần khôn ấy xuất hiện trong con người trên mặt địa cầu gọi là tái kiếp, khoảng thời gian hiện hữu trên mặt đất gọi là kiếp sanh. Nhiều kiếp sanh xuất hiện xen kẻ nhiều lần chết đi gọi là sự luân hồi triền miên.
Mỗi cơ thể con người chúng ta đây có ba phần:
- Xác thân là khối tế bào kết hợp lại.
- Đệ nhị xác thân thuộc về thể khí, giống y hệt xác thân chúng ta.
- Điểm linh quang còn gọi là chơn linh hay linh hồn, không thấy được nhưng tác dụng có thể chứng kiến được là trí khôn.
Ba thể ấy hiệp lại làm một thì chúng ta sống, khi thể thứ hai và thứ ba rời khỏi xác thân thì chúng ta chết.

Đệ nhị xác thân là trung gian giữa chơn linh và xác thân nên nó thường không có lập trường vững chắc, khi hướng theo chơn linh thích làm điều thiện, khi hướng theo xác thịt muốn toại hưởng những dục vọng thấp hèn. Vì biết nó có tánh lưng chừng như vậy nên người học đạo phải tìm phương thế nào để buộc nó hướng về phía chơn linh.

Ý NGHĨA CỦA SỰ TU THÂN
Muốn cho đệ nhị xác thân hướng thiện phải có hai việc làm :
Một là sự học hỏi mở mang trí tuệ tìm hiểu nguồn gốc của con người và vũ-trụ, con đường tiến hóa mà mỗi người đều phải đi trong khi sống và sau khi chết, tìm hiểu vị trí hiện tại của mình hiện ở đâu trên con đường tiến hóa đó.

Công tác thứ hai là phải thực hành một số quy luật nào đó về đạo đức để buộc xác thân phải tùng theo ý chí của tinh thần và tạo cho tâm linh một nền móng vững chắc. Hai công việc nầy về lý thuyết và thực hành phải đi song song mới thành công.

LỊCH SỬ XUẤT HIỆN CÁC TÔN GIÁO TRÊN HOÀN CẦU
Từ khi loài người mới xuất hiện trên mặt địa cầu cho đến bây giờ, lịch sử nhơn loại có ba thời kỳ chính gọi là ba nguơn : thượng nguơn, trung nguơn và hạ nguơn. Trong mỗi thời kỳ như vậy có nhiều hình thức tôn giáo xuất hiện.
Nay chúng ta đang ở vào thời kỳ hạ nguơn, sự xuất hiện của Đạo Cao Đài gọi là Tam Kỳ Phổ Độ.

Đặc tính loài người xuyên qua các thời kỳ ấy như sau :
- Thượng nguơn : còn thuần đức thiện lương.
- Trung nguơn :ưa dùng sức mạnh để tranh đấu.
- Hạ nguơn :chế sức mạnh, dùng não cân, bày ra nhiều chước Quỷ mưu tà.

GIÁ TRỊ CỦA TÔN GIÁO
1/ - Đối với con người : Mọi người chúng ta ai ai cũng nhận thấy trong suốt cuộc đời mình sự đau khổ nhiều hơn sung sướng. Tôn giáo ra đời là để giúp cho con người thoát được cảnh khổ đó, giúp cho linh hồn đi mãi trên con đường tấn hóa đạt đến phẩm vị có đủ quyền năng bằng ông Trời và không bị dừng lại từng chặng ở những nơi dừng chân gọi là phong đô hay địa ngục.
2/- Đối với xã hội : Tôn giáo là tổ chức giúp cho nhiều người có phương tiện dìu dắt lẫn nhau, cùng đi cùng tiến còn sự đoạt thành sở nguyện hay là chứng quả cùng không thì hoàn toàn do ở cá nhân mình. Đối với xã hội Tôn giáo còn có tác dụng làm quân bình cuộc sống tinh thần và vật chất, ngăn cản sự tàn sát lẫn nhau.

KIỂM ĐIỂM HIỆU NĂNG CỦA TÔN GIÁO
Trong cõi hữu hình nầy mọi việc chi chi cũng đều tương đối. Các Tôn giáo ra đời sau một thời gian hoạt động theo đúng tôn chỉ thì thường bị các môn đồ làm sai lạc chơn truyền, tôn giáo lúc đó đã bị quy phàm. Thời kỳ còn thực hiện đúng tôn chỉ gọi là hưng pháp hay thạnh pháp, thời kỳ làm sai tôn chỉ gọi là mạt pháp.

KHÁI NIỆM VỀ
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

1/ - LỊCH SỬ LẬP GIÁO

Vào khoảng 1924-1925 một số người Việt-Nam là công chức cho chánh phủ Pháp tại Sài-Gòn tập hợp nhau đêm đêm xây bàn cầu cơ để thỉnh các vong linh về họa thi và học hỏi trong cõi vô hình. Thoạt đầu có nhiều chơn linh đến chuyện trò vui vẻ và cho nhiều bài thi tuyệt bút. Trong số các chơn linh giáng hạ có một vị đến với một điển lực phi thường không chịu xưng danh mà chỉ xưng là ông A Ă Â. Mãi đến Noel 1925 Ông A Ă Â mới cho biết chính Ngài là Đức CHÍ TÔN NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ tức là Ông Trời, Ngài đến để lập Đạo Cao Đài. Bài thi giáng cho trong đàn cơ đêm đó như sau :
"NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ VIẾT CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT GIÁO ÐẠO NAM PHƯƠNG".
Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền.
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế.
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên."
Từ đó Đức Chí Tôn thường giáng dạy về đạo lý chỉ biểu cách thành lập Hội-Thánh và phong tước phẩm cho những Chức Sắc buổi ban sơ.

Những môn đồ đầu tiên của Đức Chí Tôn chính là những vị công chức đã nói ở trên gồm có các ông CAO-QUỲNH-CƯ, CAO-HOÀI SANG, PHẠM CÔNG TẮC, cùng một số bạn bè của những ông ấy và những vị khác nữa do Thiêng Liêng chỉ đường đi tìm liên lạc.

2/ - SỨ MẠNG THIÊNG LIÊNG
CỦA ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

Từ trước đến giờ đã có nhiều tôn giáo xuất hiện trên mặt địa cầu... sau một thời gian hoạt động thì bị quy phàm. Dù trước dù sau tất cả các tôn giáo đó đều do Đức Chí Tôn là chúa tể của muôn loài lập nên. Nguồn gốc tuy vẫn một nhưng vì phong tục tập quán của mỗi địa phương mỗi khác và vì trình độ dân trí không đồng nên các tôn giáo có màu sắc khác biệt đôi chút. Nay đến thời kỳ nhơn loại ở khắp năm châu có thể liên lạc với nhau một cách dễ dàng thì phần nào cũng vì sự khác biệt đôi chút đó mà khiến cho nhơn tâm bất nhứt nên Đức Chí Tôn phải giáng trần lập Đạo qui hiệp tất cả các hình thức tôn giáo từ trước đến giờ tạo thành một khối duy nhứt. Sứ mạng thiêng liêng của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là: Qui Tam Giáo ( Phật giáo, Tiên giáo, Nho giáo) hiệp ngũ chi ( Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên đạo, Phật Đạo).

3/ - VẤN ĐỀ CƠ BÚT VÀ ĐỨC TIN

Đạo Cao Đài do cơ bút lập nên, vậy cơ bút là nền tảng của Đạo. Cơ bút là phương tiện để người hữu hình thông công cùng cõi vô hình học hỏi đạo lý. Đạo Cao Đài nên hình được là do đức tin đặt trọn vẹn vào những lời chỉ dạy của Đức Chí Tôn và Các Đấng Trọn Lành qua trung gian của người cầu cơ chấp bút gọi là đồng tử. Nếu vì một lẽ gì đức tin nầy bị lung lay thì việc Đạo ắt sẽ gặp khó khăn. Vì vậy chúng ta cần phải có đức tin mãnh liệt nơi quyền năng của Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng.

TỔ CHỨC
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

I/ - PHÁP-CHÁNH-TRUYỀN LÀ GÌ
Trong tổ chức chánh trị đời có hiến pháp làm căn bản quy định cơ cấu tổ chức quốc gia và quyền hạn của nhà nước, trong tổ chức chánh trị đạo có Pháp chánh truyền làm nền tảng để dựa vào đó lập nên hình tướng của Hội Thánh và phân định quyền hạn của chức sắc. Vậy Pháp chánh truyền tương đương với bản hiến pháp của đời nhưng điểm đặc biệt là pháp chánh truyền không do người phàm lập nên mà do chính Đức Chí Tôn giáng cơ dạy phải tuân theo và không được sửa cãi. Đó là những bài Thánh giáo trong buổi sơ khai dạy về các phẩm vị, quyền hạn. bổn phận, đạo phục của chức sắc Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài. Về sau Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc chú giải thêm cho rỏ nghĩa từng câu từng chữ viết thành quyển "Pháp Chánh Truyền chú giải".Lời chú giải nầy đã được Đức Lý Đại Tiên chỉnh lại.

II/ - HỘI-THÁNH HIỆP-THIÊN-ĐÀI

Hội Thánh Hiệp Thiên Đài là cơ quan có phận sự làm trung gian liên lạc giữa Bát Quái Đài và Cửu Trùng Đài bằng phương pháp thông công. Ngoài ra Hiệp Thiên Đài còn nắm quyền tư pháp xử đoán chức sắc và đạo hữu. Về tổ chức có ba chi là: Chi Pháp, Chi Đạo, Chi Thế. Điều khiển Chi Pháp có Hộ Pháp, điều khiển Chi Đạo có Thượng Phẩm, điều khiển Chi Thế có Thượng Sanh, Hộ Pháp còn cóphận sự điều khiển toàn diện Hiệp Thiên Đài. Mỗi Chi có bốn vị chức sắc cầm đầu gọi là Thời Quân. Tổng cộng ba chi có 12 vị gọi là Thập Nhị Thời Quân.

CHI ÐẠO
THƯỢNG-PHẨM
Bảo-Đạo
Hiến-Đạo
Khai-Đạo
Tiếp-Đạo

CHI PHÁP
HỘ- PHÁP
Bảo-pháp
Hiến-Pháp
Khai-Pháp
Tiếp-Pháp

CHI THẾ
THƯỢNG SANH
Bảo-Thế
Hiến-Thế
Khai-Thế
Tiếp-Thế

Ngoài ra còn có các phẩm vị như :Bảo Văn Pháp Quân, Bảo Sanh Quân và nhiều phẩm vị khác nữa mà Đức Chí Tôn chưa phong. Dưới những vị nầy có tám cấp nhân viên kể từ dưới lên trên là :
- Luật sự.
- Sĩ tải
- Truyền-Trạng
- Thừa Sử.
- Giám Đạo.
- Cải Trạng.
- Chưởng Ấn.
- Tiếp Dẫn Đạo Nhơn.

III/ - HỘI-THÁNH CỬU-TRÙNG ĐÀI.

Hội-Thánh Cửu Trùng Đài là cơ quan có phận sự giáo hóa toàn thể nhơn sanh và bảo dưỡng sự sống về phần đời.

1/ - TRUNG ƯƠNG :
Về tổ chức tại trung ương có 9 viện, mỗi phái có ba viện :
- Phái Thái (vàng)
- Hộ Viện : coi về tài chánh.
- Lương Viện : coi về thực phẩm.
- Công Viện : coi về đường sá, cầu cống, dinh thự.
- Phái Thượng (xanh)
- Học Viện : coi về giáo dục.
- Y Viện : coi về y tế (đông và tây y)
- Nông Viện : coi về canh nông .
- Phái Ngọc (đỏ)
- Hòa Viện : coi về an ninh trật tự.
- Lại Viện : coi về nội vụ.
- Lễ Viện : coi về nghi lễ, giao tế.
Hộ, Lương, Công thuộc Phái Thái.
Học, Y, Nông thuộc Phái Thượng.
Hòa, Lại, Lễ thuộc Phái Ngọc.

2/ - TẠI ĐỊA PHƯƠNG

Tại địa phương có tổ chức Bàn Tri Sự là đơn vị hành chánh thuộc cấp xã.
So sánh với sự phân chia ranh giới hành chánh ngoài đời ta thấy :
   Cấp Vùng tương đương Trấn Đạo.
   Cấp Tỉnh tương đương Châu Đạo hoặc Khâm Thành.
   Cấp Quận tương đương Tộc Đạo hoặc Phận Đạo.
   Cấp Xã tương đương Hương Đạo.

IV/ CƠ QUAN PHƯỚC THIỆN
1/- PHẬN SỰ :
Phước Thiện là cơ quan có phận sự gầy dựng những cơ sở kinh tế để lấy lợi làm châu cấp (lương bổng) cho chức sắc hiến thân hành đạo và giúp đỡ những kẻ nghèo khó. Ngoài ra nó còn có phận sự tạo công ăn việc làm cho nhơn sanh.

2/ - TỔ CHỨC :
Về tổ chức đơn vị hành đạo của Phước Thiện là nhà "Sở Phước Thiện Chánh" ở cấp quận do bàn cai quản điều khiển gồm có :
   a/ - 1 Chủ Trưởng.
   b/ - 1 Phó Chủ Trưởng.
   c/ - 1 Thủ Bổn.
   d/ - 1 Phó Thủ Bổn.
   e/ - 1 Từ Hàn.
   f/ - 1 Phó Từ Hàn.
   g/ - 6 Nghị Viên.

Mỗi nhà sở Chánh Phước Thiện phải lập cho đủ nhưng cơ quan thiết dụng như Bảo Sanh Viện, Y Viện, Ấu Trĩ Viện, Dưỡng Lão Đường, Học Viện, để giải quyết vấn đề sanh, lão, bịnh, tử là bốn cái khổ chánh của con người

Những chức sắc làm việc trong Hội Thánh Phước Thiện có thể được đắc phong vào những chức phẩm sau đây :
   1/ - Minh Đức.
   2 /- Tân Dân.
   3/ - Thính Thiện.
   4/ - Hành Thiện.
   5/ - Giáo Thiện.
   6/ - Chí Thiện.
   7/ - Đạo Nhơn.
   8/ - Chơn Nhơn.
   9/ - Hiền Nhơn.
   10/ - Thánh Nhơn.
   11/ - Tiên Tử.
   12/ - Phật Tử (tương đương với Giáo Tông và Hộ Pháp)

3 / - SỰ THÀNH LẬP

Buổi đầu tiên Đức Hộ Pháp vâng lịnh thiêng liêng lập ra Minh Thiện Đàn là hình thức đầu tiên của Phước Thiện. Về sau Minh Thiện Đàn được tiếp nối bằng cơ quan Phước Thiện và nay có cả một Hội Thánh Phước Thiện hoạt động mạnh mẽ từ địa phương đến trung ương.

V/ - NỮ PHÁI CỬU TRÙNG ĐÀI

Đó là cơ quan có phận sự giáo hóa về đạo đức cho phái nữ.
Về tổ chức Hội Thánh Nữ Phái Cửu Trùng Đài có đầy đủ các phẩm vị như bên nam Phái từ Lễ Sanh đến Đầu Sư. Còn hai phẩm Chưởng Pháp và Giáo Tông thì bên Nữ phái không có.

Nữ Phái Cửu Trùng Đài do Đức Lý Giáo Tông lập ra.

VI/ - TÂN LUẬT

Luật lệ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tìm thấy trong quyển Tân Luật là bộ luật mới. Nói là mới khi so sánh với cái gì cũ hay cựu luật là những quy điều của các Tôn giáo trong Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ.
Tân Luật của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do quyền vạn linh lập nên được Chí Tôn phê chuẩn và vì thế gọi là "Thiên Điều" tại thế, nội dung có khoản nói về Đạo Pháp, điều luật nói về Thế Đạo, điều luật nói về Tịnh Thất..

VII/ - CHƠN TRUYỀN LUẬT PHÁP

Chơn Truyền luật pháp của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ gồm có :
- Pháp Chánh Truyền chú giải.
- Tân Luật.
- Đạo Luật Năm Mậu Dần.(1938)
- Bát Đạo Nghị Định của Đức Lý Giáo Tông và Hộ Pháp.(Hai văn kiện sau nầy bổ khuyết những điều khoản trong Tân Luật).

VIII/- HỘI THÁNH EM

1/- BÀN TRI SỰ :
Tại mỗi Hương Đạo có tổ chức Bàn Tri Sự là đơn vị Hành Chánh ở cấp Xã thuộc Cửu Trùng Đài. Đó là một Hội Thánh Em nho nhỏ nắm trọn quyền hành chánh và pháp luật tại địa phương.

Về tổ chức có ba chức vụ chính là :
- Chánh Trị Sự nắm quyền hành chánh và tư pháp.
- Phó Trị Sự nắm quyền hành chánh.
- Thông Sự nắm quyền tư pháp và một số chức vụ khác như Tuần Đạo (ủy viên an ninh ), thư tín (ủy viên liên lạc ), thư ký...v..v
Tổ chức Bàn Trị Sự có một tầm quan trọng vô cùng vì nhơn sanh trong Hương Đạo hiền hay dữ phần lớn là do sự giáo hóa của các Chức Việc. Về hành chánh Bàn trị Sự còn phải đảm đương công việc thuộc Cửu Viện tại trung ương.

2/- BÀN CAI QUẢN

Song song với hành chánh, bên Phước Thiện cũng có đơn vị nhỏ nhất là Bàn Cai Quản cũng có tầm quan trọng đáng kể như bên hành chánh nhưng nặng hơn về phần kinh tế.

SỰ TU HÀNH ĐỐI VỚI HỌC SINH

Tu là sửa mình cho nên chí Thánh, phàm con người dươí thế gian ai là không có lỗi nếu tự mình xét lại hành vi của mình thì dầu lớn dầu nhỏ ai ai cũng đều thấy không ít thì nhiều mình đã làm hại đến sự sống của người khác. Mạng sanh là quý trọng hễ phạm vào sự sống ấy ắt là có tội. Tu là tìm phương giải thoát mình khỏi vòng lẩn quẩn vì miếng ăn chỗ ở mà tàn hại lẫn nhau dưới hình thức này hay hình thức nọ. Sự tu hành đối với tuổi trẻ là điều tối cần vì nếu không giác ngộ kịp thời khi tuổi còn xanh thì rồi trong suốt một kiếp sanh không khéo mình sẽ gây nên bao điều tội lỗi.
Muốn vậy, trước tiên mình phải tự trau giồi lấy cái linh tâm cho sáng suốt để phân định được đâu là phải đâu là trái. Sự trau giồi nầy gọi là học Đạo. Việc học Đạo chẳng phải cầu thuộc lòng những quy điều giáo lý để làm món hàng trang điểm cho lời nói thêm tốt thêm xinh mà trái lại cốt để lòng từ bi, công chánh nhập tâm mình mà điều khiển mọi hành động thường nhựt. Người tu hành tỉ như chiếc xe, chiếc xe cũng như xác thân phàm tục của mình đây, còn người tài xế như chơn linh của mình. Muốn lái xe tài xế phải thuộc đường tức là mình phải hiểu lý Đạo trước đã. Hiểu được lý Đạo là nhờ học mà biết, nhờ dạy mà nên, hiểu được lý Đạo rồi mình dễ dàng phân biệt điều nào nên tránh điều nào nên làm.

Đối với mấy em hiện giờ ngoài việc trau giồi trí tuệ hàng ngày bằng cách cấp sách đến trường, mấy em còn phải năng trau luyện linh tâm hay là lòng hiếu thiện, Phật tánh hằng có sẵn trong mỗi người nhưng vì bị cuộc sống tranh đua vật chất làm khuất đi. Đó là tu tâm sửa tánh, loại bỏ dần những thói hư tật xấu của chính mình mà không cần ai nhắc nhở trừng phạt.

Đời sống của mấy em bị quay cuồng trong những dục vọng nào là tiền tài danh vọng, địa vị xã hội trong tương lai, tình cảm của bạn bè..v..v..Những dục vọng ấy làm mấy em quên mất những điều mà một người tín đồ phải nhớ và thực hành từng bữa. Mấy em may duyên được Thầy nhắc nhở thì phải nhớ những điều căn bản sau đây :

1/ - Phải năng học Đạo nghĩa là tìm hiểu kinh điển cho thông suốt, bất cứ của tôn giáo nào cũng được nhưng trước hết cần tìm hiểu tôn giáo của mình cho rõ ràng để làm căn bản rồi sau hãy mở rộng tầm so sánh với các tôn giáo khác.

2/ - Phải trau giồi linh tâm tức phải sửa những thói hư tật xấu của mình. Đó là lý thuyết, còn thực hành mấy em giữ đúng phận sự của một tín đồ bằng cách tuân y những điều mà Hội Thánh buộc là được. Một khuyết điểm trầm trọng làm cho tâm linh không sáng suốt là mấy em thường không chịu cúng kiến. Trong những giờ phút trầm tư mặc tưởng trước Thiên Bàn, chơn thần của mấy em quên dần được những tư tưởng trần tục hàng ngày và nhờ điển linh của Thượng Đế ban cho mấy em cảm thấy tinh thần nhẹ nhàng thơi thới...Từ đó những tư tưởng thiện, hành động lành mới dễ phát xuất.

Phải thực hành mới thấy được sự huyền vi mầu nhiệm, phải đủ tin tưởng nơi Chí Tôn, Phật Mẫu và các Đấng Thiêng Liêng mới hiểu được thế giới vô hình. Thầy khuyên mấy em và nhắc nhở mấy em phải chú trọng đến sự hành Đạo nghĩa là thực hành những điều đã học hỏi được về chữ Đạo đến mức nào thì làm theo mức nấy. Phải sửa đổi tánh hạnh, phải xét mình một cách vô tư, phải cầu nguyện hằng ngày cho chính mấy em được thức tỉnh, phải giữ chay lạt đủ 10 ngày trở lên.

Thầy cũng không buộc mấy em có một đời sống thượng thừa xuất thế mà phải thực tế làm những điều ích lợi trước mắt cho bản thân và gia đình mấy em trước đã. Đó là phận sự của người tu đối với tuổi học trò mấy em.

KHÁI NIỆM VỀ CÕI VÔ HÌNH

I/ - KHÁI NIỆM VỀ THIÊN ĐÀNG VÀ ĐỊA NGỤC
Con đường Thiêng Liêng Hằng Sống là đường đi của chơn thần sau khi rời khỏi thể xác trở về Thượng Đế để rồi sẽ còn tiếp tục luân hồi nhiều kiếp nữa trên đường tấn hóa.
Muốn hiểu được lộ trình nầy cần phải hiểu thế nào là Thiên Đàng, thế nào là Địa Ngục, Thượng Đế là ai?

Cõi trần chúng ta ở đây là một lữ quán, chỗ trọ tạm thời của các đẳng (hạng) chơn linh. Quê hương thật sự của chúng ta là Niết Bàn hay xứ Thiên Đàng, chúng ta đến đây như một người khách lạ dừng chân nơi quán trọ nên gọi là khách trần.

Bây giờ hãy bắt đầu từ vị trí hiện tại của chúng ta trên mặt địa cầu 68 nầy, thử tìm hiểu chúng ta sẽ đi về đâu sẽ làm gì trong cuộc sống và sau khi chết.

Con người sinh ra trên mặt đất lớn lên già rồi chết, đó là định luật chung của Tạo Hóa, những tài sản, của cải, gia tài đều phải bỏ lại cho thế gian và cái chết người đời thường nhầm lẫn là hết. Sự thật không phải vậy. Nơi con người chúng ta có ba phần :xác thịt, đệ nhị xác thân và chơn linh, con người gọi là chết khi đệ nhị xác thân và chơn linh cùng một lúc rời khỏi xác thịt mang theo những tư tưởng lành dữ trong suốt kiếp sanh của mình. Từ đây đệ nhị xác thân và chơn linh vẫn còn tiếp tục hoạt động dù không có xác thịt hữu hình, nó vẫn hoạt động, nó vẫn sống dưới hình thức tư tưởng và những tư tưởng nầy tiếp nối tư tưởng hàng ngày của chúng ta khi còn ở thế. Nó vẫn biết đi, đứng, ăn, nói, cười nhưng chỉ toàn là ảo giác, những sinh hoạt ấy mường tượng như trong giấc chiêm bao vậy.

Thường thường sau khi rời khỏi thể xác thì cái phần còn lại thường gọi là chơn thần của chúng ta có hai con đường phải theo :

- Một là nhập vào cỏi Niết-Bàn tức là trở về nơi quê hương thật sự của chơn linh của chúng ta, trở về với Thượng Đế mà không bị một trở ngại nào. Đó là trường hợp của những kẻ đắc Đạo.

- Hai là phải dừng chơn ở một nơi trung gian trên con đường về tới Thiên Đàng, gọi là phong đô hay âm quang địa phủ, địa ngục, diêm đình. Chơn thần dừng chân nơi đây lâu hay mau tùy theo tội tình quả kiếp của mình để giải thần định trí nghĩa là chờ cho đến lúc quên hết những tư tưởng và hình ảnh xấu xa của tội lỗi mà mình đã nghĩ đến hoặc đã làm khi còn sanh tiền. Những sự đau khổ, sợ hãi, hối hận triền miên đến với chơn thần, kèm theo những hình ảnh đau thương mà mình đã gây ra cho kẻ khác khi còn sống từ từ hiện ra trước mắt y như một cuồn phim của kẻ vô hình nào đó đã lén quay tất cả hành vi, tư tưởng dù thầm lén của chúng ta trong suốt cuộc sống. Đại khái nó giống như hình phạt của lương tâm khi chúng ta làm điều lỗi và biết ăn năn khi còn ở thế, nhưng cường độ đau khổ mạnh hơn gấp trăm ngàn lần .

Cho đến khi thần an trí định nghĩa là "phạt xong" thì chơn thần mới được phép ruổi dong trên con đường thiêng liêng hằng sống để trở về cùng Thượng Đế và định cho mình lộ trình sắp tới phải đi về đâu để học hỏi thêm trong vũ trụ nầy, thường thường phải chuyển kiếp đầu thai.

Bây giờ giả sử chơn linh của chúng ta nương náo trong đệ nhị xác thân đã về tới cõi Niết bàn là nơi chúng ta vui hưởng thanh nhàn an lạc đời đời, đó là một nơi trong càn khôn vũ trụ mà cũng là một trạng thái tâm linh sẽ đạt đến khi đắc Đạo.

Riêng đối với mấy em, đời sống hãy còn gắn liền với những cảm xúc buồn, vui, ghét, giận thì Thầy phải nói rằng đây là một nơi vui sướng vô ngần. Sự vui sướng nơi đây không thể nào diển tả được bằng ngôn ngữ hằng ngày của chúng ta.

Những người có tư tưởng cao thượng khi làm được một điều lành, một hành vi tốt đẹp như giúp đở người khác được toại nguyện theo đường lành thì liền trong tâm tư có một sự vui sướng trào dâng đến cực độ, đại khái nó giống như sự vui sướng mà mấy em sẽ bắt gặp trên con đường hướng về Thượng Đế nhưng cường độ sự vui sướng trong cõi hư linh kia mạnh hơn rất nhiều.

Thiên Đàng hay Niết Bàn là cõi hư vô tịch-diệt, chơn linh nhập được vào cõi đó phải có đồng bản tính nghĩa là yên tĩnh hoàn toàn. Mấy em khó mà tưởng tượng ra nổi cảnh không không ấy như thế nào, chỉ khi nào mấy em tu hành đạt đến mức ấy mới biết rõ, ngay cả các bậc chơn tu đắc đạo cũng phải nhìn nhận rằng tất cả các tiếng nói, chữ viết của loài người hiện không đủ để diển tả những kinh nghiệm mà các Ngài đã sống qua trong cõi ấy. Tuy nhiên, Thầy muốn nêu ra đây để mấy em có khái niệm về một cõi Thiên Đàng nho nhỏ tại tâm của mỗi người và có một đức tin vững mạnh rằng Niết-Bàn là điều có thật trong vũ trụ chớ không phải là điều huyển hoặc do người đời bày vẽ ra để dối gạt mấy em.

Tóm lại trên đây là khái niệm rất sơ lược và thiếu sót về hai cõi Thiên Đàng và Địa Ngục. Cái quyền năng làm chủ tất cả những cõi Trời những hoạt động vô hình hay hữu hình của tất cả mọi đẳng cấp chơn linh, mọi vì tinh tú, là quyền năng của Thượng Đế. Đó là Đấng vô hình toàn năng, toàn tri, Chí Tôn, Chí Đại, thiên biến vạn hóa, có mặt luôn luôn và không bao giờ mất. Người đời tôn sùng Thượng Đế với nhiều danh hiệu khác nhau như :
- Đấng Giê-Hô-Va của Đạo Do Thái.
- Đức Chúa Trời của Thiên Chúa Giáo.
- Đức Chí Tôn của Cao Đài Giáo.
Nhưng tựu trung chỉ có một Đấng duy nhất mà thôi đó là Đấng Tạo Hóa tức là Ông Trời.

II/ - ĐỜI SỐNG DUY TÂM VÀ DUY VẬT

Đời sống duy tâm là đời sống của người chấp nhận có Thượng-Đế có Thần, Thánh, Tiên, Phật, có linh hồn, có thưởng phạt, có quyền năng vô hình điều khiển hữu hình và biết hướng về Thượng-Đế để điều khiển những hoạt động hàng ngày của mình cho phù hợp với Thiên ý dù có theo một hình thức tôn giáo nào hay không.
Còn duy vật là hướng về vật chất lấy cuộc sống hữu hình làm căn bản, cho rằng chết là hết không có linh hồn, không có Thượng-Đế chỉ có con người là chủ của muôn loài, tinh thần là sản phẩm của vật chất.

Nói tóm lại người duy vật cho rằng đời sống của thể xác, chén cơm manh áo là điều quan hệ, còn sự tu hành linh hồn thăng hay đọa đều là viễn vong không có.

Triết lý Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là nhằm dung hòa tư tưởng của đôi bên, chén cơm manh áo vẫn cần mà sự thăng hay đọa của linh hồn cũng có.

III/ - THỂ PHÁP VÀ BÍ PHÁP

Thể pháp là cái hình thức biểu lộ bên ngòai mà mọi người đều thấy được để chứa đựng cái năng lực vô hình bên trong gọi là Bí Pháp.
Thí dụ :Hội-Thánh là cái hình thức thuộc về thể pháp, chứa đựng tình thương công lý là cái năng lực vô hình thuộc về bí pháp. Hành động của Hội Thánh là thể pháp mà cái tác dụng của hành động ấy đem lại cho nhơn sanh niềm an ủi thuộc về bí pháp.

Nói tóm lại chi chi thuộc về thế giới hữu hình nghe, thấy được thuộc về thể pháp, còn cái ý nghĩa, quyền lực tinh thần tuy không nghe thấy được nhưng hằng có ẩn tàng bên trong cái thể ấy thì gọi là bí pháp.

Vậy lời kinh tiếng kệ, chuông mõ. lễ nhạc là thể pháp chứa đựng quyền lực vô hình bên trong là sự giải thoát cho con người. Thể pháp và bí pháp phải nương nhau như hình với bóng và muốn đạt được cái quyền lực vô hình đó nghĩa là đoạt pháp thì bắt buộc chúng ta phải dựa vào hình thức bên ngoài gọi là thể pháp. Phải thực hiện nó trước để dần dần nương nhờ vào đó mà đi đến nội dung bên trong. Điều nhầm lẫn là chúng ta coi rẻ thể pháp nên dù có công lao bao nhiêu cũng không mong gì đoạt pháp được.

IV/ - VẤN ĐỀ ĐỨC TIN

Con người sống được là nhờ đức tin. Thuở nhỏ chúng ta tin nơi cha mẹ, ông bà, những người thân thích lân cận chúng ta. Chúng ta tin nơi những lời chỉ dẫn của các vị ấy là đúng. Lớn lên đi học chúng ta tin nơi ông thầy của chúng ta, rồi đến khi ra đời chúng ta tin nơi tổ chức, tập đoàn mà chúng ta gia nhập vàsau cùng khi bắt đầu khắc khoải trong tâm tư về một cái gì cao xa hơn thế giới nầy, chúng ta bắt đầu tin nơi Thượng đế, các đấng Thiêng Liêng . Cái đức tin ấy theo thời gian mà lớn mạnh, từ phạm vi nhỏ hẹp đến rộng lớn và ngoài những người mà chúng ta nhờ tới như cha mẹ, ông bà, thầy, cô, đoàn thể xã hội, Trời Phật v.v... luôn luôn còn có đức tin nơi chính mình làm chủ, đó là lòng tự tin.
Bây giờ giả sử chúng ta để mất đức tin ấy, thì khi nhận xét một điều gì chúng ta sẽ dựa vào đâu để nói là phải hay trái. Nếu chúng ta tự tin thì cái kết luận do trí khôn mình đem lại là điều phải làm, phải theo, nếu chúng ta tin nơi cha mẹ thì điều gì do trí khôn của cha mẹ chỉ lại cho chúng ta là phải, nếu chúng ta tin nơi Tôn Giáo, Thượng Đế thì những lời dạy dỗ của Trời, Phật là phải. Bỏ mất đức tin ấy là phủ nhận tất cả những gì phải trái trên đời nầy, cấm đoán quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng là ngăn cản đường tiến của nhơn sanh.

Vậy sống được là nhờ tin tưởng ở một cái gì, nếu không có được lòng tin mãnh liệt ở Thượng Đế, ít nữa ta phải tin ở chính mình, ở trí khôn của mình, mà cái trí khôn của mình là hình ảnh của chơn linh hay linh hồn hay điểm linh quang nhỏ phát xuất từ Thượng Đế vốn là Đại linh quang chớ chẳng phải ngẫu nhiên mà có.

Tóm lại theo Đạo thì phải có đầy đủ đức tin nơi CHÍ TÔN PHẬT MẪU và các Đấng trọn lành, lại còn cần phải có óc nhận xét để tránh điều mê tín, dị đoan, mới không hoài công vô ích.

Kết Luận

NHỮNG ĐIỀU CẦN THIẾT VỀ
PHƯƠNG PHÁP TU THÂN VÀ LẬP VỊ
ĐỐI VỚI HỌC SINH

Trong phần nầy Thầy chỉ rút ra những điều thiết thực khuyên mấy em phải thực hành sau khi  tìm hiểu giáo lý nhiệm mầu của Tôn Giáo từ cổ chí kim.

THỨ NHẤT: Cần phải thực hành thể pháp của Đạo trong đời sống thường nhật để trau dồi tâm linh mấy em bằng cách :
1) - Cố gắng giữ chay lạt từ 10 ngày trở lên.
2) - Phải cúng Chí Tôn ít nữa mỗi ngày một lần.
3) - Phải nguyện kinh Thế Đạo luôn luôn (Nguyện trong tâm cũng được) gồm có :
- Kinh đi đường.
- Kinh khi về.
- Kinh nhập học.
- Kinh ăn cơm.
- Kinh đi ngủ.
- Kinh khi thức.

4) - Phải cầu nguyện cho chính bản thân mấy em hồi tâm hướng thiện và lập lại lời cầu nguyện ấy hằng ngày.
5) - Phải tụng kinh và cầu nguyện cho nhơn sanh, cho các chơn hồn bị đọa

THỨ HAI : Phải chú tâm đến việc học hằng ngày để mở mang trí tuệ, nuôi hy vọng là mình sẽ đem sự hiểu biết ấy, lấy cái khôn ngoan trí não của mình mà tìm phương giúp đở cho người khác ngay từ bây giờ và về sau.

THỨ BA : Phải luyện tập thể xác cho cường tráng bằng những hoạt động chân tay hoặc làm việc lao động để tăng thêm mức sản xuất cho những nhu cầu hằng ngày trong gia đình.

Làm được ba điều Thầy vừa kể trên đây chính là mấy em đang tu thân và lập vị mình vậy ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét