Văn Nhân Đất Thánh - 2 / 2 (Chủ biên: Trần Văn Rạng)


Sau khi lập tờ khai tịch đạo, việc phổ độ các tỉnh được phát triển mạnh. Đến đêm 14 rạng 15 tháng 10 năm Bính Dần (18/11/1926) là đêm chính thức khai Đạo Cao Đài tại Gò Kén (Tây Ninh) và làm lễ khánh thành Thánh Thất Từ Lâm đầu tiên của nền Đại Đạo. Những đêm kế tiếp thì lập Pháp Chánh Truyền, Tân luật. Nền tảng chánh trị Đạo được hình thành từ đó.
 (8) Trương Hiến pháp, Đạo sử (bản đánh máy) - Tây Ninh 1968)
1/ - Bữa tiệc cuối cùng :
Ngày 18-1-Tân Hợi (13/2/1971) tại Hạnh Đường (đối diện với Giáo Tông Đường), Hội Thánh đãi tiệc chư chức sắc, chức việc và nhơn viên công quả, Đức Thượng Sanh đến dự và ban huấn từ :
"Năm canh Tuất chấm dứt, gieo cho dân tộc Việt Nam biết bao nhiêu thảm họa đau buồn …
trong khi chào xuân mới, người Đạo Cao Đài hy vọng và cầu nguyện Đức Chí Tôn mở lượng từ bi xoay trở thế cuộc, ban ân huệ cho dân tộc Việt Thường chóng thoát nạn chiến tranh, sớm vui hưởng đời thanh bình vĩnh cửu. Được vậy, người sứ mạng thiên hành hóa mới có cơ tận tâm lo dìu dắt nhơn sanh trên đường giải thoát.

Trong buổi tiệc ủy lao này, sự hiện diện đông đủ toàn thể Chức sắc cao cấp và nhơn viên công quả, chứng tỏ mối dây thân ái đã thắt chặt tình huynh đệ thiêng liêng giữa con cái Đức Chí Tôn. Hôm nay đoàn tụ trong bầu êm ấm vui tươi dưới mái gia đình Đại Đạo. Sự đoàn kết chặt chẽ này tiêu biểu một sức mạnh phi thường có thể dời non lâp biển. Nếu những quả tim của tất cả bạn Đạo đều cùng đập một nhịp yêu thương và cương quyết làm tròn nhiệm vụ. Chúng ta cố gắng giữ gìn cái sức mạnh tinh thần đó còn nguyên vẹn mãi mãi, để làm nền tảng kiên cố cho cơ quan phổ độ trường tồn đến thất ức niên …

Phần đông Chức sắc có đức tin vững chắc, có quan niệm rõ rệt về sứ mạng thiêng liêng của mình nên nhứt quyết không để cho ai chi phối. Mặc dầu giọng kèn tiếng huyễn vẫn luôn to nhỏ bên tai để chực lôi cuốn theo đường bất hảo …

Hội Thánh quyết giữ vững lập trường tôn giáo thuần túy, không ra ngoài phạm vi đạo đức vượt mình lên cao hơn những nghị luận của thế gian, nên phải vướng vào cuộc phiêu lưu chính trị. Nhờ vậy, thanh danh Tòa Thánh Tây Ninh được nâng cao. Hội Thánh nắm vững những luật pháp chơn truyền điều khiển bước đạo được điều hòa êm ấm …

Được nuôi dưỡng trong tình thương Đức Chí tôn, Chức sắc Thiên Phong là bậc Thánh Hiền trong cửa Đạo. Hễ muốn làm bậc Thánh Hiền thì phải có chức sắc thanh cao, tánh tình phong nhã, phải trau dồi tâm trí cho ra bậc phi thường, bậc phi thường không sân, si, hỉ, nộ như kẻ phàm phu, phải đi ngược với thế tình, tức là trọng tinh thần khinh vật chất, ham nhơn nghĩa tránh tà vạy, bỏ thói kiêu sa, bỏ lòng tự ái. Đó là giữ đúng đức siêu nhiên của một phần tử trong hàng Thánh Thể Đức Chí Tôn …

Chúng ta phải đồng tâm nhất trí tiếp lực giữ thanh danh của Tòa Thánh Tây Ninh, uy quyền của Hội Thánh và nhân cách phi thường của người tu thì dù gặp khó khăn cũng sẽ lướt qua để xây dựng cho nền Đại Đạo một tương lai sáng lạng và tươi đẹp hơn" … (1)

 (1) TT22, ra ngày 20/2/1971)

Đây coi như bản di ngôn dài nhứt (trên chỉ lược trích) của Đức Thượng Sanh, nói lên tâm huyết về lập trường cố hữu của Ngài là phi chính trị, thuần đạo đức. đâu ai ngờ buổi tiệc tân niên này là buổi họp mặt cuối cùng của Ngài với Chức sắc, công thợ và tín đồ.

2/ - Hội Thánh báo tang :
Ngày 27 tháng 3 năm Tân Hợi (DL 22/4/1971) Hội Thánh báo tang như sau :
"Hội Thánh lấy làm cảm xúc thông tri cho toàn thể Chức sắc, Chức việc và Đạo hữu nam nữ trong toàn quốc hay tin buồn : Đức Thượng Sanh Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài vừa qui Thiên hồi 17 giờ ngày 26/3/Tân Hợi, liên Đài quàn tại Giáo Tông Đường Tòa Thánh . lễ tang sẽ cử hành trong 9 ngày theo chương trình ấn định kể từ ngày 27/3/Tân Hợi cho đến ngày 6/4/Tân Hợi (30 tháng 4 năm 1971) sẽ nhập Bửu Tháp.

Đây là tang chung cho Hội Thánh và toàn Đạo. Để tỏ lòng tri ân ái kính vô biên, nồng nàn mến tiếc Đức Thượng Sanh, một bậc tiền bối đại ân nhân đã dày công khai sáng nền Đại Đạo, để tạo hạnh phúc cho nhơn sanh, trong buổi Tam kỳ phổ độ.

Hội Thánh quyết định cho tất cả Thánh Thất, Điện Thờ Phật Mẫu cùng các văn phòng của Đạo tại địa phương cũng như tại Tòa Thánh phải treo Đạo Kỳ rũ. Toàn Đạo nên chay lạc tịnh tâm. tụng "Di Lạc Chơn Kinh" suốt trong những ngày Thánh lễ để cầu nguyện ơn trên, Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng thiêng liêng ban hồng ân cho Chơn linh Đức Ngài được cao thăng Thiên vị". HỘI THÁNH

Sau khi đài phát thanh Sài gòn phát tin "Cáo phó" nêu trên loan khắp miền Nam, ở các Châu Tộc Đạo, Chức sắc, Đạo hữu lũ lượt đi về Tòa Thánh Tây Ninh thọ tang Đức Cao Thượng Sanh. Ai không về được thì tổ chức thọ tang tại chỗ, từ miền Trung đến miền Nam đều tổ chức thọ tang trọng thể. Chính quyền địa phương đến điếu tang. Đặc biệt nhất là tại Tỉnh Thừa thiên, phái đoàn của Bà Từ Cung đã đến Thánh Thất sở quan, hiến lễ một mâm quả phẩm và số tiền mặt hai nghìn đồng (rất lớn đối với thời bấy giờ). (1)

Đây là đám tang lớn nhất từ trước đến nay không phải vì số ngày lễ lâu (Vì theo nghi lễ, Chức sắc cùng phẩm thì cùng số ngày tang) mà to lớn vì số người tham dự rất đông. Đến nỗi phóng viên báo DÂN MỚI cho đây là một "Quốc tang" (2) Uy tín Đạo thực sự đã được nâng cao hơn bao giờ hết.

Đám tang Đức Cao thượng Sanh còn là dịp cho các nhà lãnh đạo miền Nam hòa thuận với nhau. Trong ngày liên đài nhập Bửu Tháp, ta thấy Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tướng Dương Văn Minh, tướng Nguyễn Cao Kỳ … họ im lặng đi bên nhau. Thường ngày họ vốn là đối nghịch nhau.

Các chính khách, các thân hữu với Tòa Thánh đều có mặt đông đủ. Đây cũng là dịp cho những ai lầm lỗi với Đạo, với Đức Hộ Pháp quay về. Ta không lấy làm lạ khi thấy những bộ mặt bỡ ngỡ vì lầm lỗi cũng âm thầm đưa đám như tướng Nguyễn Thành Phương, tướng Nguyễn Văn Thành v.v… Họ đeo băng tang để tỏ lòng ăn năn hối tiếc.

3/ - Tuyên dương công nghiệp Đức Cao Thượng Sanh
Có rất nhiều điếu văn tuyên dương đời hành đạo của Đức Thượng Sanh. Ta có thể kể : Điếu văn của Hội Thánh Cửu Trùng Đài Nam phái, điều văn của Hội Thánh Cửu Trùng Đài Nữ phái, điếu văn của Hội Thánh Phước Thiện, điếu văn của Hội Thánh Hàm phong và các ban bộ …

Điếu văn của các tôn giáo bạn có : Văn tế của Minh Thiện Đạo, Diêu Trì Phái (Sài gòn), Giáo Hội Phật Giáo Bửu sơn Kỳ Hương v.v…

Dưới đây là bản tuyên dương công nghiệp của Hội thánh Hiệp Thiên Đài :
"Nhơn cuộc lễ này, tôi (Trương Hiến Pháp) xin tuyên dương công nghiệp của Đức Cao Thượng Sanh về cả hai phương diện Đạo lẫn Đời.

Về mặt đời :
Nói đến ông, ai ai trong giới công chức và đồng bào tại thủ đô đều hiểu rõ thanh danh của ông là một công chức đúng mực thanh liêm (3).

Là nhà chí sĩ thương dân yêu nước, ông thường giao du với hai ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc. Cả ba ông là nhạc sĩ lừng danh trong giới âm nhạc tại Thủ đô Sàigòn. Hai ông Cư và Sang được coi như các bậc Thầy. Sau khi ông Cư đăng Tiên, ông Sang được coi như bậc "hậu tổ". Ban Âm Nhạc Đạo Cao Đài đã nhờ Ngài chấn chỉnh rành mạch thêm … Mất Đức Ngài, giới âm nhạc trong toàn quốc nói chung và trong Đạo Cao Đài nói riêng, đã mất một nhạc sư cự phách. Đáng tiếc thay.

 (3) Xem thêm "Thượng Sanh Cao Hoài Sang" cùng người viết. )

Về mặt Đạo :
Ngày rằm tháng 3 năm Bính Dần ông Cao Hoài Sang đắc phong Thượng Sanh một lượt với Đức Hộ Pháp và Đức Cao Thượng Phẩm. Từ đây về mặt hữu hình chưởng quản tối cao của Hội Thánh HTĐ không còn nữa.

Từ khi trở về tái thủ phận sự nơi Tòa Thánh, Đức Thượng Sanh đã tìm đủ mọi phương pháp để đem lại sự điều hòa trong cửa Đạo, để toàn Đạo được hưởng thái bình hạnh phúc.

Những tưởng Đức Ngài đến với sứ mạng Thiêng liêng để hoàn thành cơ nghiêp Đạo, thì chắc Ngài phải được sống lâu vớ bổn Đạo để tồn tại với Đại nghiệp Đạo đến cùng. Nào ngờ đâu, ta muốn vậy mà Trời đâu cho vậy….

Đã đành rằng chúng ta phải thương tiếc một Đấng Lãnh tụ anh minh như Đức Thượng Sanh. Thương tiếc bao nhiêu thì phải noi gương của Đức Ngài bấy nhiêu để gặt hái được một phần công quả hữu ích cho Đạo và chúng sanh nhờ ! Đó là sự đền đáp công ơn của bậc tiền bối đã dày công xây dựng, lưu lại một sự nghiệp vĩ đại cho chúng ta thừa hưởng.

Vậy chúng ta hãy đứng lên và đồng tâm hiệp lực tiếp tục xây đắp nền Đạo cao thêm mãi để khỏi phụ ơn của tiền nhân chúng ta …" (4).

 (4) Tuần báo Dân mới số 58, 1971. )

Để bổ sung cho phần công nghiệp Đời ở trên chúng tôi xin trích lời cảm tưởng của ông Nguyễn Văn Thinh, Giám đốc Trường Quốc gia Âm nhạc Sàigòn, đọc trước khi hòa tấu cổ nhạc hiến lễ tại Cửu Trùng Thiên nhân ngày Đại tường của Đức Cao Thượng Sanh lúc 20 giờ ngày 15 tháng 10 năm Nhâm Tý (DL : 20/11/1972) nơi Đại Đồng xã :

"Đại diện nhóm thân hữu và tài tử quốc nhạc cổ truyền Đô Thành đến kính bái phủ phục nơi tôn nghiêm uy nghi này nhân lễ Đại Tường. Tôi tự nhận là một vinh hạnh tột bực trong đời tôi.

Vinh hạnh nhờ được hầu hết anh em lớn nhỏ trong giới tài tử tri âm đặt trọn lòng tin tưởng nơi tôi để nói lên nỗi lòng chơn thành của mình, của giới tài tử tri âm đối với Đức Thượng Sanh, người đã có công rất lớn với ngành mỹ thuật cổ truyền nước nhà.

Nhờ Đức Ngài khuyến khích và chẳng nệ công khó nhọc sáng tác để phổ biến truyền bá trong đại chúng hâm mộ cổ nhạc. Những ca phẩm đặc sắc về phương diện văn chương, nên đã cứu vãn và quân bình được một tình thế suy kém gần sụp đổ của nền nhạc cổ truyền trước sức lấn áp ồ ạt lôi cuốn của một loại nhạc ngoại lai.

Thật vậy, nếu Đức Ngài chẳng quan tâm lưu ý đến tiền đồ quốc nhạc thỉ chỉ trong vòng đôi ba mươi năm là cùng, môn mỹ thuật ca nhạc điệu thính phòng thuần túy Việt Nam của giới tài tử chắc chắn sẽ biến mất trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam.

Do vậy, để cụ thể hóa lòng tri ân đó và với trọng tâm nêu cao thiên tánh cùng công trình xây dựng trong quá khứ của Đức Thượng Sanh là bậc nhơn tài của đất nước, bậc hiền sĩ ôn hòa thuần chính. Đức cao trọng vọng hiếm có, một đồng môn phái cùng Đức Ngài và được duyên giao hảo hạnh ngộ với Đức Ngài trên 40 năm, đã soạn lời phổ vào nhạc phẩm Ngũ đối hạ. Nội dung bài ca gồm 5 đoạn gọi là Ngũ đối liên tiếp và tuần tự đều đạt sự trạng : Kim bằng, tri âm, tao nhơn, gia đình, đạo đức liên quan đến Đức Ngài, sẽ được tấu trình hiến dâng lễ nhạc. Thân hữu cũng xin trình bày kế tiếp bản Ngũ đối ai để tưởng niệm Đức Thượng Sanh.

Phần chót lễ vọng bái Đức Thượng Sanh được hoàn tất bằng một lớp diễn xuất ca nhạc kịch phỏng soạn nhờ cảm hứng bài ca Văn Thiên Tường tựa "Hạng Võ biệt Ngu Cơ" của Đức Ngài sáng tác từ lâu". (5)

4/ - Đức Cao Thượng Sanh giáng cơ :
Ngày hôm sau quy Thiên, Đức Cao thượng Sanh giáng cơ tại Cung Đạo, Đền Thánh lúc 20 giờ đêm 27 tháng 3 năm Tân Hợi.

THƯỢNG SANH

Chào mừng chư Chức sắc Thiên phong
Chư Đạo hữu nam nữ.
Bần Đạo lấy làm vui sướng được thoát nơi phiền lụy cái kiếp sanh con người, chỉ có giải thoát là quý hơn hết.

Hôm nay, Bần Đạo đến để thỏa mãn sự yêu cầu của quý vị, Bần Đạo không có gì hơn là bài thi đã cho lúc Bần Đạo tái thủ phận sự, nhưng xin sửa hai câu đầu như vầy :
Từ lúc đưa tay nắm Đạo quyền
Nguyện đem thi thố tấm trung kiên.

Kỳ dư đều để y như cũ.
Bần Đạo còn rất nhiều Đạo sự, không tiện ở lâu, xin kiếu.
Thăng.

Bài thơ mà Đức Ngài làm vào tháng 7/1970 hai câu đầu như thế này :
Hội Thánh mời giao nắm Đạo quyền,
Mười ba năm một dạ trung kiên

Rõ ràng Đức Ngài biết mình chỉ giúp Đạo hơn 13 năm thôi. Và bài thơ trọn vẹn để dâng hiến lễ Ngài hàng năm là :
Từ lúc đưa tay nắm Đạo quyền
Nguyện đem thi thố tấm trung kiên
Độ đời quyết lánh vòng danh lợi,
Trau chí tìm noi bậc Thánh hiền.
Từ ái làm nền an thổ võ
Đức ân dụng phép tạo nhơn duyên,
Những mong huệ trạch trên nhuần gội,
SỨ MẠNG LÀM XONG giữ trọn nguyền.

 (5) TT số 65, ra ngày 30/11/1972, tr.9-10 )

Kể từ ngày mùng 9 tháng Giêng năm Bính Dần (1926) Đức Chí tôn đã nhận 12 đệ tử đầu tiên của Đạo Cao Đài (6), thì giai đoạn đầu đó do Đức Ngô Minh Chiêu dìu dẫn. Từ ngày khai Đạo (18/11/1926), cơ phổ độ do Đức Cao Thượng Sanh (1957-1971) lãnh đạo. Tất cả là 5 vị (số 5 là số tham thiên lưỡng địa), nền Đạo tính vừa đủ 45 năm.
1/ - Ngô Minh Chiêu : (từ tháng 2 đến tháng 11/1926) dìu dẫn 9 tháng. Số 9 là số Cửu Trù (hay Cửu Thiên Khai Hóa) của Hà Đồ. Số 9 là số đặc biệt của Chí Tôn.
2/ - Cao Quỳnh Cư : (1926-1929) xây dựng nghiệp Đạo 4 năm là số Tứ Tượng trong Kinh Dịch hay Tứ Thời (Ngọ, Dậu, Tý, Mẹo trong 4 thời dâng lễ Đức Chí Tôn).
3/ - Lê Văn Trung : (1929-1934) chưởng quản Đạo sự trong 5 năm. Số 5 là số Tham Thiên (3), Lưỡng Địa (2).
4/ - Phạm Công Tắc : (1935-1956) 21 năm, trừ gần 1 năm an trí ở Di Linh, Sơn La và 5 năm hơn bị đày ở Madagasca còn lại là 15 năm. Số 15 là số sinh thành của Hà Đồ. "Số Trời 5 hợp cùng số đất 10 ở Trung ương mà sinh Thổ" (Thiên ngũ dử Địa thập hợp ư Trung nhi sinh Thổ - PHƯƠNG DỰC TÔN,Tung Sơn độc châu Dịch ký, quyển I, trang 3) tức là 15.
5/ - Cao Hoài Sang : (1957-1971) cầm quyền Đạo trong 14 năm (hay hơn 13 năm cũng vậy) báo hiệu cho thời Thái Dương của các Cao Đồ chấm dứt (12 giờ trưa là Cực dương của Thái dương tính theo Tứ Thời), bước sang 13 hay 14 giờ là bắt đầu thời Thiếu âm (vì cực dương sinh âm) của Thập Nhị Thời Quân mà khởi đầu là Thời Quân Hiến Pháp.

Đức Cao Thượng Sanh thay mặt các vị Cao Đồ chấm dứt thời khai nguyên Đại Đạo bằng câu:
"SỨ MẠNG LÀM XONG giữ trọn nguyền".

Những điều trên có tương quan và có bí pháp gì không ?

II .TÁC PHẨM:
Lời Thuyết Minh của Ðức Thượng Sanh, ngày 14/5/1957
Thuyết Về Lương Tâm (Septembre 1958)
Diễn Văn - Chúc Tết (Xuân Mậu Tuất, 1958)
Ðiếu Văn - Ngài Bảo Văn Pháp Quân (18/10/1958)
Huấn Từ - Lễ Nhận Chức Q. Ðầu Sư của Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước (19/01/Kỷ Hợi, 1959)
Diễn Từ tại Ðền Thánh - Lễ Chung Niên Kỷ Hợi (1959)
Thuyết Về Luật Nhơn Quả (Vía Ðức Phật Thích Ca, 8/4/Tân Sửu 1960)
Thuyết Về Lương Tâm (14/1/Nhâm Dần - 1962)
Huấn Từ - Ủy lạo Chức sắc Hiệp Thiên Đài và Cơ Quan Phước Thiện (16/1/Nhâm Dần, 1962)
Huấn Dụ - Bửa Tiệc Thường Niên (22/1/Nhâm Dần, 1962)
Đáp Từ - Lễ Khánh Thành Nhà Hội Vạn Linh (2/2/1963)
Huấn Dụ - Bửa tiệc đãi vị Tân Ðầu Sư (17/2/1963)
Diễn Văn chào mừng Quốc Trưởng VNCH (19/4/1965)
Huấn Từ - Lễ Phát thưởng Ðạo Đức Học Đường (Niên khóa 1964-1965)
Luận Về Nguồn Gốc Ðau Khổ của Nhơn Sanh (7/4/Ất Tỵ, 1965)
Thuyết Ðạo - Lễ Kỷ Niệm Ðức Hộ Pháp Qui Thiên (10/4/Ất Tỵ,1965)
Diễn Văn - Lễ Ðặt Viên Gạch Ðầu Tiên kiến thiết Chánh Môn Tòa Thánh (16/6/Ất Tỵ, 1965)
Diễn Văn Chào mừng Thiếu Tướng Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương
Huấn Từ - Ủy Lạo Chức sắc (22/8/ Ất Tỵ, 1965)
Thuyết Về Ðức Khổng Phu Tử
Diễn Văn - Lễ Kỷ Niệm Ðức Hộ Pháp Qui Thiên (10/4/Bính Ngọ, 1966)
Thuyết Về Ðức Quan Thánh Ðế Quân (24/6/Bính Ngọ, 1966)
Huấn Dụ - Lễ Ân phong Phẩm Hiền Tài (30/9/1966)
Thuyết Về Lòng Nhân Ái
Huấn Dụ - Lễ Bế Mạc Hạnh Ðường Lễ Sanh (25/10/1966)
Diễn Văn - Khánh Thành Vuông Rào Báo Quốc Từ (1/12/1966)
Huấn Từ - An Vị Thánh Tượng Ðức Phật Mẫu - Qui Thiện (29/1/1966)
Thuyết Ðạo - Lễ Vía Ðức Chí Tôn (Ðinh Mùi, 1967)
Huấn Dụ - Ủy Lạo Chức sắc, Chức việc Phước Thiện (đầu năm Ðinh Mùi, 1967)
Huấn Dụ - Ủy Lạo Chức sắc, Chức việc Cửu Trùng Đài (đầu năm Ðinh Mùi, 1967)
Huấn Từ - Lễ Khánh Thành - Nhà Thuyền Bát Nhã Trung Ương (22/3/Ðinh Mùi, 1967)
Thuyết Ðạo - Lễ Vía Ðức Chí Tôn (đêm 9/1/Tân Sửu, 1961)
Ðiếu Văn - Ngài Tiếp Pháp (21/2/1965)
Huấn Từ - Bế Mạc Ðại Hội Nhơn Sanh (24/5/Ðinh Mùi, 1967)
Huấn Từ - Bửa tiệc ủy lạo Chức sắc (22/8/Mậu Thân, 1968)
Huấn Từ - Khánh Thành Học Ðường Bộ Nhạc Trung Ương (14/12/1968)
Huấn Từ - Khánh Thành Cơ Quan Phát Thanh Phổ Thông Giáo Lý (4/3/1969)
Thuyết Ðạo tại Ðền Thánh - Lễ Chung Niên (23/12/Kỷ Dậu, 1970)
Huấn Từ - Ủy Lạo Chức sắc và nhân viên Công quả (23/2/1970)
Huấn Từ - Lễ Tấn phong Hiền Tài (8/2/Canh Tuất, 1970)
Huấn Từ - Lễ Cứu trợ Việt Kiều hồi hương tại trại Tạm cư ấp Ninh Lợi (18/6/1970)
Huấn Từ - Khóa Hạnh đường huấn luyện Chức việc Bàn Trị Sự Châu Thành Thánh Ðịa (8/7/1970)
Thuyết Về Con Ðường Giải Thoát
Thuyết Về Liêm Khiết
Huấn Từ - Hội Thánh đãi tiệc Chức sắc và Công quả (13/2/1971)
Thuyết Về Phương Pháp Tu Thân và Thuyết Tam Lập
Thuyết Ðạo tại Ðền Thánh - Lễ Chung Niên (19/1/1971)
Bài đăng báo: Chánh Trị Cần Có Ðạo Ðức Không?
Bài đăng báo: Tu Thân
Bài đăng báo: Tìm Chơn Lý

III . NHẬN ĐỊNH:
Ít ai biết, Ngài là một nhạc sĩ nổi tiếng trong trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn: “ “

Nhớ lại, vào cuối 11 năm 1970, sau khi gởi tặng Đức Cao Thượng Sanh quyển Đại Đạo Sử Cương, sau đó tôi đến xin yết kiến Ngài để xin lời chỉ giáo.

Ngài cho biết: sách viết được những nét cơ bản của nền Đạo, tuy nhiên cần phải biên chép sâu sắc hơn. Nhân tiện, Ngài nói: Từ lâu Ngài hoài mong viết một quyển sách cho phái nữ. Ngài định soạn thảo “ Công Đức, Đức Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương ”, tuy tài liệu cầu cơ học hỏi buổi đầu đã có ghi chép, nhưng chưa hệ thống hóa được, Ngài hỏi tôi đã nhận được việc đó chăng?

Cho đến nay, Tôi vẫn nghe văng vẳng lời Đức Ngài dạy, tâm tư thao thức cố gắng thực hiện cho kỳ vọng của Đức Ngài.

ĐỨC THƯỢNG SANH CAO HOÀI SANG Chưởng Quản Hội Thánh Hiệp Thiên Đài Toà Thánh Tây Ninh đã quy thiên hồi 17 giờ ngày 26 tháng 3 Tân Hợi ( 21/4/1971) hưởng thọ 71 tuổi .

Tin buồn này làm chấn động cả các giới trong toàn quốc nói chung và toàn Đạo nói riêng.

Thánh Thể của ĐỨC NGÀI đang quàng tại Toà Thánh Tây Ninh chờ đến ngày mùng 6 tháng 4 Tân Hợi nhằm 30/4/71 sẽ cung nghinh Liên Đài kỵ Long Mã di chuyển theo lộ trình trong châu vi Toà Thành và sau khi Đại diện các Hội Thành đọc Ai Điếu xong, Lễ cung nghinh Liên Đài nhập bửu Tháp sẽ cử hành y theo chương trình của Hội Thánh đã lập mà toàn Đạo đều hiểu biết.

Nhân cuộc lễ này tôi xin tuyên dương công nghiệp của ĐỨC NGÀI về cả hai phương diện Đạo lẫn Đời

Về mặt Đời : ông CAO HOÀI SANG ( tên họ của đức ngài) sanh ngày 11 tháng 9 năm 1901 (dl) tại Thái Bình (Tây Ninh) con của ông CAO HOÀI ÂN giúp việc Toà Aùn và bà Hồ Thị Lự, khi trưởng thành thi đậu bằng Thành Chung trường Trung Học ChasseLoup - Laubat, ông vào giúp việc ở sở Thương Chánh SaiGon cho đến khi gặp Đạo.

Nói đến ông, ai ai trong giới công chức và đồng bào Thủ đô đều hiểu rõ thanh danh của ông là một nhà công chức đúng mực thanh liêm.

Là một chí sĩ thương dân yêu nước, ông thường giao du cùng các bạn đồng chí khác như hai ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc chẳng hạn. Cả ba ông lại là nhạc sĩ lừng danh trong giới âm nhạc tại Thủ đô SaiGon. Hai ông Cư và Sang được coi như bậc Thầy trong giới này, sau khi ông Cư đăng tiên rồi thì ông Sang được coi như bậc “ hậu tổ” ban âm nhạc Đạo Cao Đài đã nhờ đức ngài chấn chỉnh rành mạch thêm nhứt là trong điệu cổ nhạc vì ĐỨC NGÀI là nhà điêu luyện rành nghề. Mất ĐỨC NGÀI giới âm nhạc trong toàn quốc nói chung và trong Đạo Cao Đài nói riêng đã mất một Nhạc sư cự phác đáng tiếc thay .

Về mặt Đạo : Đến năm Ất Sửu (1925) là lúc phong trào “xây bàn” hay “ Sai Ma” cũng vậy đang thạnh hành tại Thủ đô SàiGon ông hiệp cùng hai ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc mỗi đêm đến chơi nhà ông Cao Quỳnh Cư tức Cao Thượng Phẩm để thỏa mãn tính háo kỳ của mình bằng cách xây bàn để tiếp xúc với những người khuất mặt ở thế giới bên kia (hồn Linh).

Một hôm nọ, vào lúc tháng 7 năm 1925 ông Cao Quỳnh Cư đến nhà ông Cao Hoài Sang chơi lại gặp ông Phạm Công Tắc cũng ở gần nhà ông Sang - Ba ông mới hiệp nhau xây bàn chơi.

Bất ngờ cuộc chơi này hướng dẫn ba ông đến chỗ lập được kỳ công trong việc khai sáng Đạo Trời, tức là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mà chúng ta đang sùng bái đây.

Đêm 24 tháng chạp 1925 (dl) nhân dịp lễ Giáng Sinh tại nhà ông Cao Quỳnh Cư có mặt cả ba ông dự, ĐỨC CHÍ TÔN giáng với danh hiệu A Ă Â cho một bài thi như vầy :
“Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền
Vui lòng tu niệm hưởng ân thiên
Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên”

ĐỨC CHÍ TÔN dạy thêm : “ Đêm nay phải vui mừng vì chính ngày nay ta xuống trần dạy Đạo bên Thái Tây ( Europe) “
“Ta rất vui lòng mà đặng thấy đệ tử kính mến ta như vậy”
“Nhà này sẽ đầy ơn Ta”
“Giờ ngày gần đến đợi lệnh nơi Ta”
“ Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa “

Sau đó ít lâu ĐỨC CHÍ TÔN cho bài thi sau này, lấy tên những người có mặt tại đàn cơ, trong đó có tên ông Sang ( tức là ĐỨC THƯỢNG SANH ) :
“CHIÊU KỲ TRUNG độ dẫn HOÀI sanh
BẢN đạo khai SANG QUÍ GIẢNG thành
HẬU ĐỨC TẮC CƯ thiên địa cảnh
HƯỜN MINH MÂN đáo thủ đài danh

12 chữ lớn trong 3 câu trên là tên của 12 môn đệ đầu tiên của ĐỨC NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ.

Sỡ dĩ phải xen đoạn Đạo Sử này vào cuộc đời của ĐỨC THƯỢNG SANH là vì ông còn đang giúp việc trong công sở nhà nước Pháp mà ông vẫn nghe theo tiếng gọi Thiêng Liêng cứ mỗi đêm hiệp cùng các bạn đi chấp cơ truyền bá đạo Trời ở khắp nơi mặc dù nhà cầm quyền Pháp rất để ý đến Đạo Cao Đài lúc sơ khởi. Chúng ta nên nhớ rằng : ĐỨC THƯỢNG SANH là một tay chấp cơ truyền Đạo cũng như ĐỨC HỘ PHÁP và ĐỨC THƯỢNG PHẨM luôn luôn cả ba ông đồng tâm hiệp lực nhau để phổ độ chúng sanh trong toàn quốc.

Trong tờ Khai Đạo cùng Chánh Quyền Pháp năm 1926. ĐỨC NGÀI cũng ký tên với 28 người khác để thay mặt cho tất cả 247 người đạo hữu có tên trong Tịch Đạo, do ông cựu Thượng Nghị Viện LÊ VĂN TRUNG đứng đầu tờ khai Đạo, ông này sau đắc phong QUYỀN GIÁO TÔNG Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Ông này cũng do Đức Hộ Pháp PHAÏM CÔNG TẮC, Đức Thượng Phẩm CAO QUỲNH CƯ và Đức Thượng Sanh CAO HOÀI SANG dẫn độ.

Nhờ sự hướng dẫn đắc lực của ông Thượng Nghị Viện này với sự công tác của ba vị kể trên mà cơ phổ độ phát triển quá mau lẹ, kỳ công này, một phần lớn là nhờ ĐỨC THƯỢNG SANH hi sinh đời công chức của mình để đi phổ độ các nơi trong toàn quốc. Cơ phổ độ lục tỉnh phân ra như sau :
1 . Ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc phò loan phổ độ trong các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Gia.ù
2 . Ông Nguyễn Trung Hậu và Trương Hữu Đức phò loan phổ độ các tỉnh Chợ Lớn, Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre.
3 . Ông Cao Qùynh Diêu và Cao Hoài Sang phò loan phổ độ các Tỉnh Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Gia Định, Biên Hoà, Bà Rịa, Sa Đéc.

Ngoài công việc phò cơ phổ độ các tỉnh kể trên. ĐỨC THƯỢNG SANH còn tùy lúc rãnh ban đêm lên Gò Kén chùa Từ Lâm để hiệp cùng ĐỨC HỘ PHÁP và ĐỨC THƯỢNG PHẨM để chấp cơ Phổ độ và đồng thời lo việc khánh thành Thánh Thất Từ Lâm Tự, sau này được dời về làng Long Thành tức Toà Thánh hiện giờ.

Ngày 26 tháng 10 năm Bính Dần, ông Cao Hoài Sang đắc phong THƯỢNG SANH một lượt với ĐỨC HỘ PHÁP PHAÏM CÔNG TẮC và ĐƯỚC THƯỢNG PHẨM CAO QUỲNH CƯ đêm 14 rạng rằm tháng 3 năm Bính Dần (1926) sau khi lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài, ĐỨC CHÍ TÔN giáng dạy như vầy :

“Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự, cầm quyền Thiêng Liêng mối Đạo, hễ Đạo còn thì Hiệp Thiên Đài vẫn còn”.

“Thầy đã nói ngũ chi Đại Đạo lại quy phàm vì khi trước Thầy giao Chánh Giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Thánh Giáo mà lập ra Phàm Giáo nên Thầy nhứt định đến chính mình Thầy đặng dạy dỗ các con mà thôi, chớ không chịu giao Chánh giáo cho tay phàm nữa”

“Lại nữa, Hiệp Thiên Đài là nơi của Giáo Tông đến thông công cùng Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giái, Lục thập bát địa cầu, Thập điện Diêm Cung mà cầu siêu cho cả nhân loại “

“Thầy đã nói sở dụng Thiêng Liêng, Thầy cũng nên nói sở dụng Phàm trần của nó nữa”

“Hiệp Thiên Đài dưới quyền HỘ PHÁP chưởng quản,
- Tả có THƯỢNG SANH, hữu có THƯỢNG PHẨM
“Thầy lại chọn Thập Nhị Thời Quân, chia ra làm ba :
“Phần của Hộ Pháp Chưởng Quản về chi Pháp lo bảo vệ Luật Đời và Luật Đạo, chẳng ai qua luật mà Hiệp Thiên Đài chẳng biết.”

“Thượng Phẩm thì quyền về Phần Đạo :
“Lo về phần Đạo nơi Tịnh Thất, mấy Thánh Thất đều xem sóc chư môn đệ Thầy, bênh vực chẳng cho ai phạm luật đến khổ khắc cho đặng”

“Thượng Sanh thì Chưởng quản chi Thế lo về phần Đời”

Thầy khuyên các con lấy tánh vô tư mà hành Đạo, Thầy cho các con biết trước rằng, hễ trọng quyền thì ắt có trọng phạt”

Từ đây về mặt hữu hình ba vị chưởng quản tối cao của Hội Thánh Hiệp Thiên Đài không còn nữa, sau khi ĐỨC THƯỢNG SANH qui thiên thì Đạo Cao Đài mất thêm một bậc vĩ nhân nữa.

Từ khi trở về tái thủ phận sự nơi Toà Thánh, ĐỨC THƯỢNG SANH đã tìm đủ mọi phương pháp để đem lại sự điều hoà trong cửa Đạo cho toàn Đạo hưởng Thái Bình hạnh phúc.

Những tưởng ĐỨC NGÀI đến với sứ mạng Thiêng Liêng để hoàn thành cơ nghiệp Đạo thì chắc là ĐỨC NGÀI phải được sống lâu với bổn đạo để bảo tồn Đại Nghiệp Đạo đến cùng.

Nào ngờ đâu ! Ta muốn vậy mà Trời chưa cho vậy.
Than ôi ! Thiên số nan đào ! Tuy sự mất còn là định mệnh nhưng đối với kiếp sanh của con người sao khỏi đau lòng lúc tử biệt sanh ly.

Kính thưa qúi vị !
Chúng ta đã từng khóc nhiều rồi cho kiếp số ngắn ngủi của nhiều bậc tiền bối chúng ta. Tuy nhiên chúng ta cứ khóc đi cho đến cạn khô giọt lệ, rồi cũng phải nghĩ lại Đạo Nghiệp nước nhà mà tự trấn tỉnh lấy tâm hồn để tìm phương bảo tồn Đại Nghiệp Đạo và tiếp tục sứ mạng Thiêng Liêng của chúng ta vì sứ mạng ấy dầu lớn dầu nhỏ, dầu quan trọng hay không cũng là sứ mạng do ĐỨC CHÍ TÔN cùng các đấng Thiêng Liêng giao phó cho chúng ta phải tuỳ khả năng của mình mà làm cho hoàn thành.

Đã đành chúng ta phải thương tiếc một Đấng lãnh đạo anh minh như ĐỨC THƯỢNG SANH nhưng thương tiếc bao nhiêu thì phải noi gương của ĐỨC NGÀI bấy nhiêu để gặt hái được một phần công quả nào hữu ích cho Đạo và cho chúng sanh nhờ. Đó là sự đền đáp công ơn của bậc tiền bối chúng ta đã dày công xây dựng, lưu lại một sự nghiệp vĩ đại cho chúng ta thừa hưởng, chớ không lẽ ngồi khóc hoài để nhìn sự sụp đổ trước mặt chúng ta sao ?

Vậy chúng ta hãy đứng lên và đồng tâm hiệp lực tiếp tục xây đắp nền Đạo cao thêm mãi để khỏi phụ ơn của tiền nhân chúng ta.

Trước khi dứt lời, tôi xin thành tâm cầu nguyện Ơn Trên ban phước lành cho toàn thể qúi vị và quí quyến, tôi xin nghiêng mình trước liên đài của ĐỨC THƯỢNG SANH và thành tâm cầu nguyện cho anh linh ĐỨC NGÀI được cao thăng, sau nữa xin chân thành phân ưu cùng tang quyến./.
Nay kính
HIẾN PHÁP HIỆP THIÊN ĐÀI

CHƯƠNG III

Húy danh: Nguyễn Thị Hiếu
Thánh danh: Hương Hiếu
I . TÁC GIẢ:
Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu quí danh là Nguyễn Thị Hiếu sanh năm 1886 tại Đakao Sài gòn, bà còn có tên là Hương. Thân sinh là ông Nguyễn Văn Niệm và thân mẫu là bà Trần Thị Huệ.

Khi lên 7 tuổi, thân mẫu bà cho bà vào học trường Nhà Trắng (Sài Gòn). Năm 17 tuổi thì học nữ công, rồi sánh duyên với ông Cao Quỳnh Cư (tức Cao Thượng Phẩm) năm 21 tuổi. Hai năm sau bà sanh hạ 1 trai tên là Cao Quỳnh An : du học và mất tại Pháp.

Năm 1925 Đức Chí Tôn khai Đạo, buổi đầu chưa có Thánh Thất nên dùng nhà bà làm nơi thờ phượng. Khi cầu cơ bà giữ phần ghi chép Thánh giáo và Đức Cao Thượng Phẩm chấm câu (1925-1926).

Đến tháng 3 năm Bính Dần, Đức Chí Tôn giáng cơ dạy bà may Thiên phục Giáo Tông cho ông Ngô Văn Chiêu, Đầu Sư Thượng Trung Nhựt và quí chức sắc Hiệp Thiên Đài.

Đến 14/1/Đinh Mão (15/2/1927) bà thọ Thiên ân Giáo Sư Nữ Phái.

Khi dời Thánh Thất về làng Long Thành, bà lo việc trù phòng. Bà đã ghi lại trong "ĐAÏI ÐẠO XÂY BÀN" như sau :
"Tôi nhớ lại mỗi buổi sáng, tôi đi chợ Tây Ninh, với chiếc xe ngựa đặng mua đồ ăn, đường xá vắng bóng người, hai vệ đường cây che rậm rạp, heo rừng và nai lửng thửng kiếm ăn. Một hôm, tôi đến Trảng Tròn thấy 1 con ngựa bị cọp ăn mất nửa con, nhưng vì quá lo cho Đạo mà bớt sự sợ hiểm nghèo".

Năm Canh Ngũ (1930) bà bắt thăm đi hành Đạo tỉnh Sa Đéc kiêm luôn tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương). Đến năm 1934 bà lãnh dạy Giáo nhi, năm sau thăng phẩm Phối Sư. Năm 1941 Pháp chiếm Tòa Thánh bà về Thảo Xá Hiền Cung và năm sau xuống Sài Gòn hiệp tác với hãng tàu Nitinan để lo về mặt Đạo.

Năm 1946 nền Đạo phục hưng, bà lãnh chưởng quản Ba viện : Lại viện, Lễ viện, Hòa Viện Nữ phái ngày 21-9-Bính Tuất (15/10/1946). Đến ngày 16-11-Canh Dần (22-12-1950) bà được thăng phẩm Chánh Phối sư, rồi thăng lên Đầu sư do Thánh lệnh số 01/TL ngày 24-10-Mậu Thân (13/12/1968) và qui vị lúc 14g ngày 11-5-Tân Hợi (3-6-1971) tại Nữ Đầu Sư Đường.

Bà có lưu lại bài thi để thài dâng lễ bà :
THI
Tu hành gắng chí lập dày công
Đến buổi chung qui hưởng phước hồng
Cửa Đạo gay go đường khổ hạnh,
Đường Tiên nhàn rỗi bước thong dong.
Lợi danh ví muốn cho đầy đủ,
Tội lỗi càng thêm nỗi chất chồng.
Cuộc thế chẳng qua trò mộng ảo,
Ngày về nhắm mắt nắm tay không.
( Xem thêm I *Nữ Đầu Sư Hương Hiếu)

II . TÁC PHẨM: Nữ Trung Bá Hạnh, Đạo sử, Sự tích xây bàn.

Nữ trung bá hạnh nhi Nữ Trung Tùng phận của bà Đoàn Thị Điểm, sách giáo huấn nữ phái về phần Nhơn Đạo.
Đạo sử gồm 2 quyển: I và II
Quyển I viết về thời kỳ xây bàn năm Ất Sửu.
Quyển II viết lại thời kỳ cầu cơ 1925-1929

Sự tích xây bàn bằng hình ảnh. Trong có những bức họa và các ảnh thật chụp buổi đầu. Tài liệu quí hiếm.

III . Nhận định của Tự Pháp Vân Đằng:
Ba quyển sách trên, Bà Tư đều ký tặng cho tôi với lời lẽ trang trọng.

“ Biếu cho Hiền đệ Trần Văn Rạng, Hiệu trưởng trường Trung Học Phú Khương, ngày 12-10-1970, Nữ Đầu Sư Hương Hiếu ”

Không những giải thích từng hình ảnh mà Bà Tư còn cho tôi xem từng kỷ vật vá nói: “ Đây là cây cơ ông Phán Tý tặng cho Đức Cao Thượng Phẩm, còn đây là cái bàn vuông xây bàn tại nhà Bà”.  Bà nói thêm: “ còn cái bàn tròn để ngoài Thảo Xá Hiền Cung, biểu tượng Trời ( Dương ) tròn, đất (Âm) vuông. Bàn tròn 3 chân, bàn vuông 4 chân, Thiên cơ mầu nhiệm vô cùng ”.

Bà Tư qua đời, toàn Đạo thương tiếc vô ngần: Nhớ Bà, năm 2004 tôi về Nữ Đầu Sư Đường suy tâm tưởng niệm, chỉ gặp bà Đầu Sư Hương Nhìn cho xem lại cổ vật. Tôi nhìn di tích xưa mà lòng ngậm ngùi vô hạng vì cây cơ và bao ngoài mụt nát, cái bàn vuông đen đúa. Tôi quyết tân trang lại tất cả.

Sau đó, Hội Thánh ra giấy cảm ơn số 92/ 79: “ Xin chân thành cám ơn vị Hiền Tài Trần Văn Rạng có hảo tâm hiến giúp Nữ Đầu Sư một cây tủ vuông 06 mặt kiếng để bảo quản cái bàn cổ tích (xây bàn) và Ngọc Cơ, ngày 15/9/2004 – Đầu Sư Hương Nhìn ”.

Các vị tiền bối lần lượt về Tiên cảnh, nền Đạo đứng một chỗ, ai tai!

Sau đây là lời xác nhận của Đức Cao Thượng Sanh: (chép trong Đạo Sử của Hương Hiếu trang 8)

Nhờ chơi Xây Bàn mà ba ông Cư, Tắc, Sang học hỏi Ðạo Lý, trau giồi trí thức cho tới ngày Ðức A.Á. chính là Ðức Chí Tôn dạy ba ông vọng Thiên Bàn ngoài sân, quì giữa Trời mà cầu Ðạo (nhằm ngày mùng 1 tháng 11 Ất Sửu, dl. 16.12.1925).

Ðó là ba vị Ðệ Tử mà Ðức Chí Tôn thâu nhập môn trước nhứt trong Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ (Tây Ninh).

Sau đó Ðức Chí Tôn thâu phục chư vị Thời Quân Hiệp Thiên Ðài, vị Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt và các vị Ðại Thiên Phong Cửu Trùng Ðài.

Do lịnh Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế ba vị Thượng Phẩm, Hộ Pháp, Thượng Sanh hiệp với chư vị Bảo Văn Pháp Quân, Bảo Pháp, Hiến Pháp, Khai Pháp, Tiếp Pháp chia nhau đi khắp các Tỉnh Nam phần để phò loan, thâu người cầu Ðạo nhập môn.

Cuốn "Ðạo Sử Xây Bàn" do Bà Nữ Chánh Phối Sư Hương Hiếu dày công biên soạn, rất đầy đủ và đúng sự thật, từ lúc ba vị Thượng Phẩm, Hộ Pháp, Thượng Sanh khởi sự Xây Bàn cho đến khi được lịnh dùng Cơ Bút cho Ðức Chí Tôn lập thành nền Ðại Ðạo.

Ðó là một kho tài liệu quí báu vô giá, phô bày rõ ràng nguồn cội khai sáng Ðạo Trời tại nước Việt Nam mà mỗi Chức Sắc và Tín Hữu cần nên đọc qua để nhận xét.
Tòa Thánh, ngày 22 tháng 12 Ðinh Mùi (Dl. 21.01.1968)
Thượng Sanh
(Ấn ký)
CAO HOÀI SANG

CHƯƠNG IV
Húy danh: Nguyễn Trung Hậu

Bút danh: Thuần Đức

I . TÁC GIẢ:
Thuở thiếu thời, Ngài Nguyễn trung Hậu theo Tây học, nhưng Ngài cũng tự học Hán văn. Năm 1911, Ngài tốt nghiệp Trường Sư Phạm Gia Định (École Normale de Gia Định) và được bổ làm giáo viên tại một trường Tiểu học ở đường Tabert thời đó, sau trường nầy bị bãi bỏ, mới về dạy tại trường Tiểu học ở đường Richaud.
Năm 1919, Ngài làm Thơ Ký cho Ông Giám Đốc các trường Tiểu Học Sài gòn.
Năm 1922 thì xin nghỉ làm Thư Ký, để làm Giám Đốc Tư Thục Internat de Dakao ở đường D'Ariès, nay là đường Huỳnh khương Ninh.
Đến năm1926, Ngài Nguyễn trung Hậu giao trường lại cho Ông Huỳnh khương Ninh, rồi gia nhập Đạo Cao Đài.
Những năm sau đó, Ngài làm giáo sư dạy Pháp văn cho các trường Hưng Việt, Nguyễn anh Bổn, Nguyễn Du.
Ngài có viết cho các báo thời đó là : Đuốc Nhà Nam, Hoàn Cầu, Tân Văn, và sau đó làm chủ bút Tạp chí LA REVUE CAODAISTE, để truyền bá Đạo Cao Đài cho người Pháp.
Ngài Nguyễn trung Hậu có khiếu làm thi. Ngay từ thuở thanh niên, Ngài thường xướng họa với các thi sĩ trong Ngưu Giang Thi Xã vào các năm 1918-1920, bút hiệu Thuần Đức đã có tiếng tăm từ những năm đó.
Tháng Giêng năm 1926, Ngài Nguyễn trung Hậu nghe đồn quí Ngài : Cao quỳnh Cư, Phạm công Tắc, Cao hoài Sang, xây bàn thỉnh Tiên cho thi hay lắm, thì Ngài rất để ý. Bữa nọ, Ngài đến nhà Ngài Cao quỳnh Cư hầu đàn xem thử lời đồn thiệt hay giả.
Cho thi mấy người hầu đàn trước rồi, tới phiên Ngài Nguyễn trung Hậu, Đấng AĂÂ gõ bàn cho Ngài 4 câu thi :
THUẦN văn chất ĐỨC tài cao,
Tên tuổi làng thơ đã đứng vào.
Non nước muốn nêu danh tuấn kiệt,
Đến hồi búa Việt giục cờ Mao.

Ở trong đàn nầy, không ai biết cái bút hiệu Thuần Đức của Ngài, thế mà Đấng AĂÂ biết, nên khi cho xong bài thi, Ngài Nguyễn trung Hậu mới chịu phục, và sau đó nhập môn vào Đạo Cao Đài và trở thành một trong 12 môn đệ đầu tiên của Đức Chí Tôn.
Đêm 30 tháng Chạp năm Ất Sửu, là đêm giao thừa bước qua năm Bính Dần, Đức Chí Tôn biểu các môn đệ lập thành phái đoàn đi viếng thăm từng nhà môn đệ, đem Ngọc cơ theo cầu Thầy. Khi đến nhà Ngài Nguyễn trung Hậu, Đức Chí Tôn giáng cho 4 câu thi :
THUẦN phong mỹ tục giáo nhơn sanh,
ĐỨC hóa thường lao mạc vị danh.
HẬU thế lưu truyền gia pháp quí,
GIÁO dân bất lậu, tán thời manh.

Thời gian sau, Đức Chí Tôn cũng có cho Ngài Nguyễn trung Hậu bài thi 4 câu nữa :
Đã có căn phần dựa cảnh Tiên,
Bước đời chớ quản bậc sang hèn.
Mưa mai nắng xế chờ qua khỏi,
Đêm tối lần ra gặp ánh đèn.

Ngày 15-3-Bính Dần (dl 26-4-1926), Đức Chí Tôn phong Ngài Nguyễn trung Hậu cùng với Ngài Trương hữu Đức làm Tiêu Dao Phò Cơ Đạo Sĩ. Hai Ngài trở thành cặp phò loan cầm cơ cho các Đấng thiêng liêng phổ độ nhơn sanh các tỉnh : Chợ Lớn, Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre.
Ngày 12-1-Đinh Mão (dl 13-2-1927), Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền HTĐ, Đức Chí Tôn phong Ngài Nguyễn trung Hậu vào phẩm Bảo Pháp HTĐ.
Lúc bấy giờ, Ngài cũng như chư vị Thời Quân HTĐ khác đều là công chức hay tư chức, nên sau khi mãn giờ làm việc ở cơ quan thì mới đi phò loan cho nhơn sanh nhập môn cầu đạo, có khi chấp cơ suốt đêm, sáng lại đi làm việc luôn. Nhờ các Đấng hộ trì, nên tuy vất vả nhưng các Ngài không biết mệt nhọc và ốm đau.
Ngày mùng 7-3-Quí Dậu (dl 1-4-1933), Đức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung cùng với Đức Phạm Hộ Pháp ra Châu Tri số 1, cử 3 vị Thời Quân HTĐ tạm qua cầm quyền Chưởng Pháp bên CTĐ : Ngài Bảo Pháp Nguyễn trung Hậu đảm nhiệm Quyền Thái Chưởng Pháp.
Khi Đức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung qui Thiên năm 1934, Ngài Bảo Pháp trở về HTĐ. Sau đó, Ngài bị bịnh hoạn liên miên, nên xin phép lui về tư gia dưỡng bịnh ở đường Ngô tùng Châu Gia Định.
Ngày mùng 5-Giêng-Bính Thân (dl 16-2-1956), Đức Phạm Hộ Pháp bị Chánh quyền Ngô đình Diệm bó buộc nên phải đi lánh nạn, lưu vong sang Cao Miên.
Lúc bấy giờ nền Đạo tại TTTN thiếu người gánh vác. Hội Thánh yêu cầu Đức Thượng Sanh lên Tòa Thánh nắm quyền điều hành nền Đạo. Đức Thượng Sanh họp cùng chư vị Thời Quân HTĐ, trong đó có Ngài Bảo Pháp, đồng ý trở về Tòa Thánh, trấn an bổn đạo, và đứng ra gánh vác nền Đạo.
Ngày 15-4-Đinh Dậu (dl 14-5-1957), Ngài Bảo Pháp được Hội Thánh cử làm Giám Đốc Hạnh Đường, huấn luyện Chức sắc hai phẩm Lễ Sanh và Giáo Hữu, cho có đủ trình độ về đạo đức và giáo lý để bổ đi hành đạo các địa phương.
Ngài Bảo Pháp có cảm tác bài thi để kỷ niệm :
CẢM TÁC
Hội Thánh giao cai quản Hạnh đường,
Ân cần lo lập kỷ trần cương.
Giúp người tâm chí hành Thiên mạng,
Tuyển bực nhân hiền trấn tứ phương.
Học hỏi khép vào khuôn Đạo lý,
Lọc lừa mở rộng cửa khoa trường.
Góp phần xây dựng trong muôn một,
Khó vẫn không nao, nhọc chả màng.
II . Tác phẩm:
- Ăn Chay
- Châu Thân Giải
- Chơn Lý
- Đại Đạo Căn Nguyên
- Đại Đạo Chơn Lý Yếu Luận
- Đại Đạo Học Đường
- Đức Tin
- Luân Hồi Qủa Báo
- Luận Đạo Vấn Đáp
- Discussion On The Tao - Questions & Answers [pdf]
- Thiên Đạo
- Tiên Thiên Tiểu Học

III . Nhận định của Huệ Lương về quyển Thiên Đạo:
Từ xưa đến nay không biết chữ, không học mà thông Đạo và đắc đạo thì chỉ có Đức HUỆ NĂNG LỤC TỔ mà thôi, kỳ dư hầu hết các nhà tu hành ít nhất phải biết chữ, nhiên hậu mới đọc kinh đọc sám hiểu nghĩa mà hành đúng theo chơn truyền của chư Tổ để lại. Vậy học thức là lợi khí tối cần cho người tu hành.

Về thế tục, muốn công danh được hiển đạt, hàng sĩ phu phải bác lãm quần thơ, phải trải qua cảnh rừng nhu bát ngát. Về Đạo học công trình lại còn khó khăn hơn nữa. Nguyên nhơn sự khó khăn ấy là: Phạm vi của Đạo học thuộc về phần siêu hình trừu tượng mà các Đạo thơ nhiều khi lại có những suy luận bất đồng nếu không nói là tương phản nhau. Đạo học đã là một khoa học trừu tượng thì khi nhà tầm đạo gặp phải hai ý kiến bất đồng thì thật không biết căn cứ vào đâu mà biện phân chơn giả? Như vậy, càng đọc Đạo thơ nhiều thì đọc giả càng hoang mang, nếu đọc giả khôâng biết tựï chủ và để cho "sách chuyển". Vậy, người tầm Đạo phải biết chọn sách mà đọc. Đọc một quyển Đạo thơ mà lĩnh hội đuợc ý nghĩa tổng quát của một nêàn Đạo thì hay hơn là đọc nhiều quyển.

Quyển THIÊN ĐẠO là một trong các loại sách nên đọc ấy. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ra đời nay đã gần ba mươi năm, kinh sách được ban hành không biết bao nhiêu mà kể. Ngoài những quyển kinh đọc mà các Đấng thiêng liêng giáng cơ tả ra có một giá trị đặc biệt, lại có những quyển Đạo thơ do các nhà tu hành dày kinh nghiệm trước tác cốt giúp tài liệu cho người tầm Đạo. Loại Đạo thơ thứ nhì nầây cũng rất cần ích cho người. Nó là những lời nói, lời khuyên của các bậc tiền bối cố gắng làm cho con đường người sau sắp được dễ dàng đẹp đẽ.

Quyển THIÊN ĐẠO nầy, ngoài những từ ngữ đặc biệt của Đạo học, đã được viết với một lối văn bình dị có một sức hấp dẫn lạ thường, khiến cho đọc giả lúc nào cũng vui mà theo chân tác giả, để trải qua những tầng chí tịnh chí thanh của cảnh hư linh, rồi đi sâu vào những vấn đề có thể làm trở ngại bước tiến của người tầm Đạo, nếu cái vấn đề nầy không được trình bày một cách khúc chiết rành mạch.

Đọc quyển THIÊN ĐẠO xong, đọc giả sẽ có một ý niệm tổng quát về phần triết lý và sự tổ chức của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay là CAO ĐÀI GIÁO và sẽ nhận thấy rằng tân tôn giáo nói trên căn cứ vào một Đức Tin suy lý (La Foi raisonnée.)

Những vâán đề căn bản đều được trình bày rõ rệt mà bất cứ ai cũng nhậän thức được.

Trong thời kỳ hỗn loạn nầy, nhân tâm điên đảo đương tầm lối ra, Quyển THIÊN ĐẠO ra đời rất là hợp thời vậy và công sưu tầm củûa tác giả thật là không nhỏ vềà phương "hướng dân quy thiện" và xương minh triết lý của "Tam giáo qui nguyên".
Saigon, ngày 1 tháng giêng, năm 1955
TRẦN VĂN QUẾ tự HUỆ LƯƠNG

CHƯƠNG V
Húy danh: Trần Duy Nghĩa
Thánh danh: Phêrô
I . TÁC GIẢ:
Ngài Khai Pháp quí danh là Trần Duy Nghĩa, sanh năm 1889 tại Gò Công, trưởng thành trong một gia đình nho phong. Đức tính hòa hoãn, đạo hạnh, làm thơ ký Sở Hỏa Xa Sài gòn, được bạn đồng sự yêu mến, tư gia Ngài bên cạnh ga xe lửa, hiện nay là tiệm cơm chay TÍN NGHĨA (đường Trần Hưng Đạo, Sài gòn).

NĂM 1926 (Bính Dần), Ngài nhập môn cầu Đạo và đắc thọ Thiên Phong Khai Pháp Chơn Quân (1926) phò cơ phổ độ.

Năm 1930 Ngài nhận lãnh trách vụ Quyền Ngọc Chánh Phối Sư vì Hội Thánh Cửu Trùng Đài thiếu Chức sắc cao cấp để tránh sự khủng hoảng Hành Chánh Đạo.

Năm 1937 Ngài trở về Hiệp thiên Đài nhận chức Chưởng Quản Phước Thiện. Nhờ đức tánh hòa ái, Ngài được trên dưới kính mến. Có thể nói cho đến ngày nay, các tín hữu Phước Thiện vẫn còn luyến tiếc một Chơn quân mẫn cán tài năng, dìu dắt Cơ quan vững bước trên đường Đạo sự.

Năm 1941, Ngài bị Chánh phủ Pháp đày qua Mã Đảo với Đức Hộ Pháp khép vào tội chánh trị phạm cùng với Đức Hộ Pháp đó chỉ là hình thức hạn chế việc phát triển nền Tân Tôn giáo.

Năm 1945, Ngài được trả tự do, sau 5 năm tù đày khổ hạnh, nhưng khám đường chỉ là nơi nung rèn khí tiết đối với Ngài. Vì thế Ngài lại nhận nhiệm vụ mới là Chưởng Quản Bộ Pháp Chánh.

Năm 1953, sau khi nhìn lại quãng đường đã đi Ngài quyết định bớt việc Văn phòng để vào Trí Giác nhập định.

Năm 1954, giúp đời nâng Đạo chưa toại nguyện, tuổi già đưa Ngài về cõi Thiêng liêng hằng sống, hưởng thọ 66 tuổi (22-01-Giáp Ngọ).

II . TÁC PHẨM:
Nền tảng chánh trị Đạo có hai phần:
1) Phần 1 viết về 4 cơ quan chánh trị ĐẠo là Hành chánh, Phổ tế, Pháp chánh và Phước thiện.
2) Phần 2 viết về quyền lập Pháp trong Đạo Cao Đài thuộc về Vạn Linh.
Quyền Vạn Linh thể hiện bằng 3 hội: Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh và Thương Hội.

Thuyền Bát Nhã :
Bát Nhã là do phiên âm từ tiếng Phạn : Prajnâ, dịch ra hán văn là Trí huệ, nghĩa là sự hiểu biết rốt ráo, thông suốt tất cả từ cõi người đến cõi trời. Từ ngữ Trí huệ chưa đạt hết ý nghĩa của chữ Prajnâ (Bát Nhã), nên các nhà tôn giáo vẫn thường dùng danh từ Bát Nhã.

Bát Nhã là trí huệ bực nhứt, vượt lên khỏi Tham, Sân, Si, dứt các mê lầm, tự mình thông đạt, tự mình hiểu biết hết các lẽ. Đạt được Trí huệ Bát Nhã là đắc đạo.

Thuyền Bát Nhã là chiếc thuyền Trí huệ do pháp nhiệm của Phật tạo nên để rước các chơn hồn đắc đạo lên cõi CLTG.

Thuyền Bát Nhã là từ ngữ để nói so sánh : Con người sống trong cõi trần ô trược nên bị tấm màn vô minh che lấp, để cho lục dục thất tình cám dỗ khiến sai. Chừng nào phá bỏ được tấm màn vô minh ấy thì vượt lên khỏi sự cám dỗ của lục dục thất tình, trở lại làm chủ chúng nó, lúc đó con người hết vô minh, tức nhiên đạt được Trí huệ, và cái Trí huệ ấy ví như chiếc Thuyền Bát Nhã, đưa con người đến cõi Cực Lạc Niết Bàn, đắc đạo thành Tiên Phật.

Trong thời ĐĐTKPĐ, Thuyền Bát Nhã do Đức Phật Di-Lạc làm chủ thuyền, rước các chơn hồn có đầy đủ công đức, vượt qua bể khổ, thoát khỏi luân hồi, đến cảnh TLHS mà Phật gọi là Cực Lạc Niết Bàn, Tiên gọi là Bồng Lai Tiên cảnh mà an hưởng những điều cực lạc.
Trong TNHT, có 4 câu thơ tả Thuyền Bát nhã :
Khuôn thuyền Bát nhã chẳng hề chìm,
Nổi  quá   như  bông,  nặng  quá  kim.
  đạo  trong  muôn  ngồi  cũng  đủ,
Không duyên  một  đứa  cũng là chìm.

Theo thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp, trên sông Ngân Hà, một nhánh của biển khổ nơi cõi thiêng liêng, Đức Quan Âm Bồ Tát vâng lịnh Đức Di-Lạc Vương Phật, chèo chiếc thuyền Bát Nhã qua lại để độ sanh, rước những người đầy đủ phước đức đi qua biển khổ, đến cõi TLHS.

Theo bài thài hiến lễ Tam Nương trong Lễ Hội Yến DTC, Tam Nương cũng có nhiệm vụ chèo chiếc thuyền Bát Nhã rước người phước đức vượt qua biển khổ :
Biển mê lắt lẻo con thuyền,
Chở che khách tục, cửu tuyền ngăn sông.

Trong truyện Tây Du Ký, khi thầy trò Tam Tạng đến bến Lăng Vân, không thể đi lên cầu để qua bờ bên kia được. Đang lúc bối rối thì có vị Phật là Tiếp Dẫn Đạo Nhơn chèo chiếc thuyền không đáy tới rước. Tam Tạng thấy thuyền không đáy nên không dám bước xuống, Tề Thiên Đại Thánh bỗng xô Tam Tạng một cái, Tam Tạng ngã xuống nước, Tiếp Dẫn Đạo Nhơn  đỡ  Tam Tạng lên thuyền, và chèo thuyền qua sông, khi đến giữa sông thì gặp một xác người đang trôi xuống, xem kỹ thì đó chính là xác phàm của Tam Tạng. Tiếp Dẫn Đạo Nhơn chúc mừng Tam Tạng, đã bỏ xác trần, đắc thành Phật vị.

Thuyền qua đến bờ bên kia, Tam Tạng nhẹ nhàng bước lên bờ cùng với ba đồ đệ. Khi quay nhìn lại, thấy con thuyền và vị Phật đều biến mất. Thế mới gọi là pháp trí huệ quảng đại đưa thầy trò lên bờ Cực Lạc.

Con thuyền không đáy ấy chính là chiếc Thuyền Bát Nhã mà người chèo là Phật Tiếp Dẫn Đạo Nhơn.

Bí pháp và Thể pháp của Thuyền Bát Nhã :
- Bí pháp : Thuyền Bát Nhã là chiếc thuyền rồng qua lại trên biển khổ nơi cõi thiêng liêng để rước những chơn hồn có đầy đủ phước đức, từ bờ bên nây của biển khổ (thử ngạn) là bờ luân hồi, sang qua bờ bên kia (bỉ ngạn) là bờ đắc đạo, đi vào cõi TLHS. Đây là chiếc thuyền cứu độ các chơn linh trong thời kỳ Đại Ân Xá của Đức Chí Tôn.
- Thể pháp : Thuyền Bát Nhã được đóng bằng gỗ, có hình dáng là một con rồng vàng, đầu rồng, đuôi rồng, nơi chính giữa của mình rồng cất lên một cái nhà vàng để đặt linh cữu người chết, chở vào nghĩa địa chôn cất.

Vì có Thể pháp và Bí pháp huyền diệu như thế nên không thể gọi Thuyền Bát Nhã là chiếc “xe tang” được.
 Nơi vùng Thánh địa Tòa Thánh Tây Ninh, Thuyền Bát Nhã được đóng trên một cái khung 2 bánh cao su xe hơi, hai bên hông thuyền có gắn hai sợi dây thừng to và dài để các đạo tỳ kéo thuyền đi từ từ trên đường phố, đầu rồng và đuôi rồng lắc lư theo nhịp đi, nên từ xa nhìn vào thấy khung cảnh ấy rất ngoạn mục và huyền bí.

Năm Ất Hợi (1935), sau khi Đức Chí Tôn ban cho Kinh Tận độ thì Đức Phạm Hộ Pháp ra lịnh Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa làm lễ khai Thuyền Bát Nhã tại Khách Đình TTTN, tức là khai pháp Thuyền Bát Nhã
(Bí pháp và Thể pháp) tùng Cơ Tận độ của Đức Chí Tôn.

Trong buổi lễ nầy, Ngài Khai Pháp đọc một bài thuyết đạo nói về sự tích của Thuyền Bát Nhã và giải thích về Chèo Thuyền, xin trích đoạn ra sau đây :
“ Bần tăng vâng lịnh Đức Hộ Pháp dẫn giải cho nhơn viên hiện có trách nhiệm trọng yếu trong Bát Nhã thuyền được rõ : Lấy theo Thể pháp, các em đây là nhơn viên của Đức Phật Di-Lạc, tượng trưng thể pháp nơi mặt thế nầy, nương lấy khuôn thuyền Bát Nhã trong thời kỳ hạ nguơn hầu mãn khởi đầu thượng nguơn Tứ Chuyển.

Về hữu vi, tượng trưng đưa xác người vào nơi cực lạc giới, gọi là kiếp thoát trần; mặt khác về nhiệm mầu vô vi là Cơ Tận độ cứu rỗi 92 ức  nguyên nhân qui hồi cựu vị, cùng các chơn hồn tiền vãng hậu vãng và các chơn hồn vật loại đạt đến phẩm người, khi thoát xác được siêu thăng Thượng giới.”

“ Thuyền Bát Nhã có được là do Đức Phật Tổ lấy một bèn sen (một cánh bông sen) nơi CLTG, dùng Tam muội hỏa mà biến thành, ấy là bí pháp của nhà Phật.

Hai chữ Bát Nhã, Phật tông nguyên lý trong kinh gọi là Trí huệ, để mở mang sự sáng suốt cho các bậc chơn tu, cũng ám chỉ là Thuyền Từ đưa người thoát tục.

Trải qua bao kỷ nguyên, người tu đắc đạo cũng nương lấy Bát Nhã thuyền do nhiệm mầu thiêng liêng mà về nước Phật hay đến cõi Hư Vô tịch diệt.”

“ Thuở Hỗn Độn, khi Trời Đất phân ngôi thứ rồi mà chưa có loài người, Đức Diêu Trì Kim Mẫu, đạo Minh Sư gọi là Lão Mẫu, vâng lịnh Đức Thượng Đế nhóm ngự triều Đại hội nơi Kim Bồn, phỏng định 100 ức nguyên nhân xuống trần, dùng Ngọc Lộ Kim Bàn trụ các nguyên nhân cho xuống thế lập đời.

Trước khi ấy, Lão Mẫu kêu toàn cả linh căn chơn tánh dự Hội Yến Bàn Đào, ban cho mỗi vị một cái túi gọi là Vạn Bửu Nang, trong đó có 8 món báu là: Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ, và căn dặn khi xuống trần thế, rủi mất một món là về cùng MẸ không đặng.

Lão Mẫu dùng Bát Nhã thuyền chở toàn linh căn và 8 món báu ấy đưa xuống lập đời. Có bài kệ rằng :
Linh căn ngày đó xuống trần  ai,
Cái cái vui mừng nhập mẫu thai.
Vì mất Bửu nang  mê nghiệp hải,
Làm sao  tỉnh  đặng  trở  hồi lai.

Bên kia có Đại Tiên hiệu là Cù Tán Đởm hay Kim Quang Sứ, thấy Phật Mẫu cho chơn linh xuống trần thì cũng xuống trần, dẫn theo 5 chơn linh quỉ vị biến thành :

(1) Kim là tiền bạc. (2) Mộc là sắc đẹp.  (3) Thủy là rượu ngọt. (4) Hỏa là nóng giận.  (5) Thổ là nha phiến.

Mỗi chơn linh quỉ vị đều biến ra 5 mùi vị khác nhau cho các nguyên căn say mê mà quên các Bửu nang.

Con người lớn lên thấy tiền thì ham, thấy sắc lịch thì mê, thấy rượu ngọt thì ưa, mà nó giục cho con người nóng giận và say mê nha phiến, chước quỉ mưu tà, hằng xúi giục bày ra muôn ngàn sự khoái lạc nơi trần khổ chẳng xiết, nên các linh căn vì lưu luyến hồng trần, vui say mùi  vị thế gian mà quên nguồn cội.”

Nhơn thời Hạ nguơn nầy, do cơ bút mà biết được có 8 ức nguyên nhân đắc đạo trong hai kỳ Phổ Độ trước. Những nguyên nhân đắc đạo ấy đến tình nguyện nơi Ngọc Hư Cung giáng trần, chịu mạng lịnh nơi Đức Di-Lạc Vương Phật, lo cứu rỗi 92 ức nguyên nhân còn say đắm nơi trần.

Bây giờ nhắc lại Thể pháp cuộc Chèo Thuyền Bát Nhã, phận sự của nhân viên trong thuyền có :
- Tổng Lái        - Tổng Mũi
- Tổng Thương  - Tổng Khậu    - 12 Bá Trạo.
- Tổng Lái : là chơn linh Hắc Sát Tinh ở Thượng giới theo Thể pháp, còn Bí pháp là chơn khí của Hộ Pháp.
Tổng Lái tượng trưng Bát Quái Đài.
- Tổng Thương : là chơn linh Huỳnh Long Tinh ở Thượng giới theo Thể pháp, còn Bí pháp là chơn khí của Thượng Sanh. Tổng Thương tượng trưng cho CTĐ.
- Tổng Mũi : là chơn linh của Bạch Hổ Tinh ở Thượng giới theo Thể pháp, còn Bí pháp là chơn khí của Thượng Phẩm. Tổng Mũi tượng trưng cho Hiệp Thiên Đài.
- Tổng Khậu : tượng trưng nhơn sanh, tánh tình của Tổng Khậu vô chừng, vui buồn chẳng định, vả chăng trong thời biến chuyển loạn lạc, phải chịu dưới phép sai khiến của lục dục thất tình, vì danh lợi tự đem mình đến chỗ trụy lạc, vì vật chất xa hoa quyến rũ.
- Mười hai Bá Trạo : Con số 12 là bí pháp, số riêng của Đức Chí Tôn. Ngài nắm Thập nhị Khai Thiên nơi tay, tức là Thập nhị Thời Thần nơi Bạch Ngọc Kinh. Còn Thể pháp là Thập nhị Thời Quân HTĐ mà chúng ta đã biết trong cửa ĐĐTKPĐ. Vậy 12 Bá Trạo tượng trưng Thập nhị Địa Chi : Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, mà biến tướng Càn Khôn thế giới, làm cho rộng lớn thêm  lên vũ trụ bao la.

Những vị vừa kể trên, vừa chèo vừa hát rập ràng, theo chơn truyền của đạo là Thể pháp. Thể pháp có hành thì Bí pháp mới tựu. Ấy là dĩ huyễn độ chơn.

Thể pháp và Bí pháp lúc nào cũng phải đi đôi, cũng như người có xác và hồn phải tương liên, bằng chẳng vậy, có xác không hồn là điên, có hồn không xác là vị đó vậy.

“ Đức Chí Tôn là chúa tể Càn Khôn Vạn Vật, hoá sanh vạn vật, cầm quyền thiêng liêng cũng như hữu hình, với lòng Đại từ đại bi, chẳng nỡ ngồi nhìn con cái của Ngài phải chịu trầm luân khổ hải, nên Ngài dùng Bí pháp định cho Tam vị Thần xuống thế tượng trưng Thể pháp là : Tổng Lái, Tổng Mũi, Tổng Thương, lái vững khuôn thuyền Bát Nhã để độ dẫn các chơn linh : nguyên nhân, hóa nhân, quỉ nhân, và các chơn hồn tức là chúng sanh, dầu xiêu lạc nơi nào cũng tìm rước về hội ngộ cùng Thầy.

Trong thời kỳ Hạ nguơn Tam Chuyển bước qua Thượng nguơn Tứ Chuyển, là Đại Ân Xá Kỳ Ba, chính Đức Chí Tôn là Ngọc Hoàng Thượng Đế dùng huyền diệu cơ bút mở Đạo Cao Đài tại nước Việt Nam, qui Tam giáo hiệp Ngũ chi, tạo đời Thánh đức, dụng Nho Tông Chuyển Thế với chủ nghĩa tận độ chúng sanh trên quả Địa cầu 68 nầy qui hồi cựu vị, chẳng phân biệt giống nòi hay chủng tộc.”

III . NHẬN ĐỊNH:
Trong dịp Lễ Đại Tường của Ngài Khai Pháp Trần duy Nghĩa, tại Bửu tháp, Đức Phạm Hộ Pháp nhắc lại công nghiệp khổ hạnh của Ngài Trần Khai Pháp như sau:
" Thưa cùng chư Viên quan, chư Chức sắc, cùng mấy em Nam Nữ,
Hôm nay là ngày Lễ Đại Tường của Đức Khai Pháp Chơn Quân, Bần đạo không cần minh tả, tưởng toàn thể con cái Đức Chí Tôn mến tiếc Ngài là một vị Chơn linh nguyên nhân của Đức Chí Tôn đã định.
Nhắc lại công nghiệp của Ngài, Bần đạo cảm giác vô cùng. Sự cảm giác của Bần đạo đối với Ngài, không giờ phút nào Bần đạo quên được cái công cực khổ đáo để của Ngài đối với Bần đạo. Bần đạo chắc chắn rằng, trong Chức sắc HTĐ, Bần đạo chỉ nhờ Đức Khai Pháp nhiều hơn hết. Đó là bằng chứng hiển nhiên.
Ngày nay, Ngài đã qui Thiên, thì nền Đạo đã bớt hết một cánh tay gánh vác sự nghiệp thiêng liêng vĩ đại của Đức Chí Tôn tại mặt thế nầy.
Bần đạo thấy cái sống ở đời của Đức Trần Khai Pháp trong buổi sanh tiền chưa có hưởng hạnh phúc hay thú vị gì cả. Sự nghiệp giàu sang, vinh hiển cũng không màng, chỉ nguyện đem cái xác thân nầy hiến trọn vẹn nơi cửa Đạo.
Đức Chí Tôn đã lựa sắm hồi nào mà chính mình Đức Chí Tôn lựa sắm thật là xứng đáng.
Trong buổi đầu, Đức Chí Tôn dạy :
" Con muốn ra gánh vác sự nghiệp thiêng liêng , lập nền Quốc Đạo, trước hết con phải lập Pháp cho xong thì Đạo mới vững bền được."
Buổi nọ, Bần đạo để trọn vẹn cho Đức Chí Tôn lựa, chớ không phải phàm lựa.
Khi được cơ bút dạy đi tìm Khai Pháp tại tỉnh Gò Công, Bần đạo chưa từng đến, mà cũng không làm bạn với một người nào nơi tỉnh ấy, nhưng cũng vâng lịnh đến tìm, hỏi thăm , thì đã trúng ngay nhà Ông Trần duy Nghĩa.
Vừa gặp người đứng trước thềm nhà, hỏi thăm thì người nói : "Tôi là Trần duy Nghĩa". Nói rồi, mời Bần đạo vào nhà.
Bần đạo không ngần ngại và để đức tin nơi quyền thiêng liêng, bèn tả hết công việc, thì Ngài hứa tình nguyện. Một điều là hủy cái đời giàu sang vinh hiển để nạp mình vào nơi cửa Đạo.
Bần đạo chưa tin, còn hồ nghi bị chúng gạt. Khi về đến Sài gòn, Ngài chỉ xách theo một gói đồ trên tay và không trở về gia đình lần nào.
Bần đạo đưa bài Thánh giáo của Đức Chí Tôn bảo đi tìm Ngài, thì Ngài nói với Bần đạo 2 câu làm cho Bần đạo kính phục và cảm tưởng mãi nơi tâm, biết rằng ông nầy có thể chung sức với mình gánh vác nổi sự nghiệp của Đức Chí Tôn giao phó.
Ngài nói rằng : "Tôi tưởng dòng dõi dân tộc VN bốn ngàn năm đã chết, nào dè ngày nay Đức Chí Tôn định lập Quốc Đạo, thì chắc chắn rằng, đất nước VN sẽ sống lại được mà cứu Tổ quốc và giống nòi VN cổi ách nô lệ giữa thời Pháp thuộc bạo hành."
Kể từ đó, Ngài vẫn cương quyết lo giúp Bần đạo với một sự kính nể đáo để, không giờ phút nào Ngài xa Bần đạo. Không nhắc đến thì thôi, mà nhắc đến làm cho giọt lệ của Bần đạo tuôn chảy không ngừng.
Chẳng phải riêng Bần đạo mất một người ân trọng nghĩa thâm, mà toàn đạo Nam Nữ thảy đều mất một người bạn yêu mến thiêng liêng đó vậy.
Nhớ lại lúc chánh quyền Pháp đày ra hải đảo Madagascar, trong đó có nhiều Chức sắc Thiên phong cùng chung chịu ảnh hưởng, Bần đạo chỉ thấy một Đức Ngài và em Thánh Hiển hết lòng phụng sự Bần đạo, còn bao nhiêu vì quyền lợi mà xua đuổi hành phạt Bần đạo đáo để. Có người dựa quyền lợi theo thuyết Cộng sản, dùng sức mạnh trở lại khổ khắc Bần đạo mà chưa vừa lòng. Họ còn xúi giục chánh quyền đày Bần đạo lên nguồn cao nước độc để giết Bần đạo một cách gián tiếp. Nếu chẳng nhờ quyền năng thiêng liêng giúp sức thì Bần đạo không thể trở về Tổ quốc Thánh địa nước VN ngày nay.
Tội nghiệp em Thánh Hiển với Ngài Khai Pháp, thấy vậy cũng xin đi theo, đã bị chúng đuổi đánh, cũng tính kế đi theo nuôi dưỡng Bần đạo cho được.
Thánh Hiển, vì đi theo Bần đạo uống nước độc mà bỏ mình nơi rừng sâu núi thẳm, chỉ còn Bần đạo và Ngài.
Ngài ôm Bần đạo mà khóc, chỉ van vái một điều là cầu xin Đức Chí Tôn đem về đất Thánh cổi xác mà thôi. Thật quả nhiên như lời nguyện không sai.
Khi trở về Thánh địa, Bần đạo gượng làm vui, chớ kỳ thật riêng Ngài Khai Pháp và Bần đạo, không giờ phút nào quên cảnh tù đày lao khổ. Bần đạo thấy con cái Đức Chí Tôn rất chú ý về việc đó, nhưng Bần đạo ôm lòng nín chịu, căn dặn Ngài không thốt ra lời nói gì cả. Bần đạo sợ nói ra đây, gây oán chuốt hờn thêm cho Đạo. Nếu Bần đạo nói ra, chắc không bút mực nào tả hết, lại gây thêm xung đột.
Kể từ ngày về Thánh địa, Ngài Khai Pháp thường than thở với Bần đạo, vì sợ e gây cảnh nồi da xáo thịt, bên ngoài thì Pháp, bên trong thì VN, ở giữa thì Quân đội Cao Đài. Ai vui hưởng, chớ riêng Ngài không có ngày nào không lo sợ, sợ đổ máu giết chóc lẫn nhau, lần đến tương tàn cốt nhục của nòi giống VN ta nữa mà chớ.
Sau ngày Trung Tá Trấn (Truyền Trạng Phạm ngọc Trấn) Thánh Vêï Trưởng bị quân đội Thành ám sát , Ngài thường đến Trí Huệ Cung ôm Bần đạo vào lòng, khóc và than rằng : " Thầy ôi ! Cái sợ của tôi ngày nay đã đến rồi. Tôi hằng than thở với Thầy từ nơi hải đảo, là nơi chúng đày khổ thân, Thầy trò mình tưởng về đất Thánh địa được yên vui, nào dè có quân đội, cho nên mới ra nỗi nầy,"
Than rồi khóc, rồi Ngài vịn níu lấy Bần đạo mà nói :
" Thầy ôi ! Vì lời khuyên xưa kia, Thầy trò mình mới về dìu dắt con cái Đức Chí Tôn mà họ đâu thấu đáo tâm trạng, nay Trấn đã chết rồi thì tôi thấy còn nhiều thảm họa dẫy đầy, tự gây phản bội mà làm ly tán, thì bầy con dại của Đức Chí Tôn phải sống nơi nào cho an phận.
Thưa Thầy ! Thà Thầy trò mình ở lại vùi thân nơi chốn tù đày hải đảo rừng xanh nước độc, còn thú vị hơn về đây thấy cảnh đổ máu không lịch sử, dòng dõi chủng tộc VN phải ly tán, tiền đồ Tổ quốc không dựng lại, mà nhơn loại phải chịu cảnh sắp điêu tàn, nền Đạo chinh nghiêng bởi cảnh đó."
Nghe qua những tiếng nói thảm thiết, làm cho giọt lệ Bần đạo đã chảy theo không ngừng, nhưng Bần đạo cố gượng cho khuây khỏa. Hồi nghĩ lại, Bần đạo gượng làm vui, mượn cớ cho Ngài bớt buồn rầu đau thảm.
"Không anh à ! Mấy em nó vì đầu óc thanh niên, không phải như mấy anh lão thành vậy đâu. Vì máu nóng còn đua tài, chác lợi, quyền trọng tham danh, chớ buộc cả thảy như quí anh sao được."
Bần đạo thấy Ngài buồn, kiếm chước cho vui đỡ, và lần lượt kiến tạo Trí Giác Cung, đặng khuyên Ngài vào ở đó cho yên tịnh, cho bớt thấy cảnh thảm họa trêu diễn trước mắt hằng ngày."

Trong thời gian Ngài Khai Pháp Trần duy Nghĩa cầm quyền Chưởng quản Bộ Pháp Chánh, Ngài có biên soạn những bài giảng về Chánh Trị Đạo để dạy Hạnh đường, sau cùng Ngài tập hợp các bài giảng ấy, lập thành quyển sách tựa đề : "CHÁNH TRỊ ĐẠO", giải thích rõ ràng nền Chánh Trị Đạo của Đạo Cao Đài, để người đời khỏi lầm tưởng Đạo Cao Đài là một tổ chức chánh trị, như các đảng phái chánh trị ngoài đời.
Danh từ PHÁP CHÁNH cũng do Ngài Khai Pháp đặt ra để thay thế danh từ Tòa Đạo đã dùng khi trước.

Quyển sách nầy gồm 5 Phần chính :
* Phần I nói về nền tảng Chánh Trị Đạo của Đạo Cao Đài gồm 4 cơ quan :
- Hành Chánh, thuộc CTĐ.
- Phổ Tế, thuộc CTĐ.
- Pháp Chánh, thuộc HTĐ.
- Phước Thiện, thuộc HTĐ.
    
* Phần II nói về Quyền Lập Pháp của Đạo thuộc về 3 Hội : Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, Thượng Hội.
* Phần III nói về Quyền Hành Pháp, thuộc về CTĐ.
* Phần IV nói về Quyền Tư Pháp, thuộc về HTĐ.
* Phần V, so sánh Chánh Trị Đạo và Chánh Trị Đời.

Sau đây, xin chép lại một bài giáng cơ của Ngài Trần Khai Pháp, nói chuyện cùng Ngài Bảo Thế Lê thiện Phước.

Phò loan : Giám Đạo Nguyễn văn Hợi, Thừa Sử Nguyễn văn Kiết
Hầu đàn : Chư Chức sắc HTĐ.
Đàn cơ đêm mùng 2-12-Giáp Thìn, (dl 4-1-1965)
tại Giáo Tông Đường, hồi 8 giờ 40.

KHAI PHÁP

Chào Hiền huynh Bảo Thế và các em.
Tiện đây, Bần tăng đàm đạo cùng Bảo Thế.
Ngày Bần tăng về Chí Tôn mới rõ quyền năng Thiên Triều vô biên. Chính Bần tăng rón rén bước vào Bạch Ngọc Kinh, phải nhờ Chơn Linh VI HỘ dẫn tấn. Từ đây mới biết Chí Tôn phần nào và được thấu đáo nhiệm vụ của Thời Quân, chẳng những nơi thế gian nầy mà còn nơi cõi Thiên nữa. Như thế mới khiếp sợ với trách vụ mình.
Nếu quí bạn được thấy thì tưởng không còn muốn ở cõi trần nữa làm gì. Vậy Bần tăng ước mong quí bạn Thời Quân tìm cách dòm về hướng Chí Tôn để rộng quyền làm tròn Thiên Soái mạng.
Hổm rày, Đức Phạm Hộ Pháp Chưởng quản HTĐ có nhóm Hội Thánh HTĐ nhiều lần để quyết định tương lai của nền Chánh giáo. Vì thế mà Bần tăng được chỉ định gần gũi Hiền huynh để ủng hộ và trao lời của Đức Phạm Hộ Pháp dạy.
Hiền huynh nhớ Đạo Cao Đài có Chánh Trị Đạo, thì tưởng cũng không đụng chạm ai, Đời họ lo lấy, Đạo mình mình trị, trong vòng tự do tín ngưỡng, miễn đừng lấn quyền Đời thì thôi.
Hộ Pháp có than lúc nầy không người kế chí, nhưng Đức Ngài còn tin nơi Hiền huynh, nên chính Đức Ngài dục tấn Hiền huynh về. Khi còn ở đô thành, có lẽ Hiền huynh còn nhớ Ngài kêu hôm nào đó. Hiền huynh cứ tiến tới nhiệm vụ của Đức Phạm Hộ Pháp đã giao, tức bên cạnh có Đức Ngài và chư Thời Quân ám trợ, đừng lo ma hồn quỉ xác gì nữa, bất quá chúng nó thêm công quả để Hiền huynh đạt đạo cho mau vậy thôi. Hiền huynh vững đức tin, cuộc thế đã đến kỳ kết thúc, nên Thần Tiên đã lâm phàm, đồng ngưỡng về Cao Đài Thánh địa, là Tòa Bạch Ngọc Kinh tại thế.
Buổi Phật Di-Lạc Vương trị vì thiên hạ, cứ tiến tới có ngày vui sắp đến.
Bần tăng tưởng Hiền huynh đã từng gần Đức Phạm Hộ Pháp thì cũng còn nhớ cách phục nhơn tâm và thâu thiên hạ là dường nào rồi. Nhờ tâm đức ấy mà Ngài lập đại công, thì Hiền huynh nên đồ theo đường lối ấy thì ắt thành công trong sứ mạng đó.
À ! Chỉnh giùm chỗ luyện Tam Bửu : Tay trái bắt Ấn Tý cầm chén bông, còn tay mặt bắt Ấn Hộ Pháp để lên trên chén. Hôm nọ viết sai.
Xin chào Hiền huynh. Để kỳ tới sẽ tái ngộ.
THĂNG.
CHƯƠNG VI
Húy danh: Trương Văn Tràng

Bút danh: Huyền Quang Tử
I . TÁC GIẢ:  
Ngài Tiếp Pháp Chơn Quân thế danh là Trương Văn Tràng, sanh ngày 25-10-Quý Tỵ (1892), tại Bình Thạnh (Biên Hòa), trong một gia đình nho phong. Thuở thiếu thời theo học Hán văn với người cậu, sau theo học trường Việt Pháp. Khi ra trường, phụ mẫu Ngài định lo bề gia thất và làm việc tại Sở Hỏa Xa Đông Dương (Sài gòn) và ghi tên theo học trường Hàm Thụ ở Pháp.

Vào một đêm tại tư gia Ngài Trần Khai Pháp, Ngài gặp Đức Phạm Hộ Pháp và Đức Cao Thượng Phẩm đang phò cơ liền vào quỳ lạy được Đức Chí Tôn kêu tên dạy : "Con hãy sửa soạn đi theo mấy anh con mà hành Đạo". Nhờ dó, lòng chuộng Đạo được phát triển, Đức Chí Tôn chỉ định cùng Ngài trần Khai Pháp là cặp cơ phổ độ.

Ngày 24/12/1926 Ngài được đắc phong Tiếp Pháp tại Từ Lâm Tự (Tây Ninh). tuy phải bận sinh kế, Ngài vẫn hằng lo nghiệp Đạo, nên lập tại Cây Đào (Biên Hòa) một Thánh Thất hiện nay vẫn còn.

Năm 1949, Ngài trọn phế Đời hành Đạo, được Đức Phạm Hộ Pháp, Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài giao làm bí thư. Năm 1953, Ngài Trần Khai Pháp liễu Đạo, Ngài cầm quyền Chưởng Quản Bộ Pháp Chánh. Năm 1956, Đức Phạm Hộ Pháp xuất ngoại, cơ Đạo bất an, Ngài lui về nghỉ tạm. Đến tháng 4 năm 1957, trở lại cầm quyền Bộ Pháp Chánh. Ngoài việc lo hành chánh Đạo, Ngài còn gia công sáng tác nhiều sách Đạo, nhất là quyển "GIÁO LÝ ĐẠI ÐẠO" được Đức Phạm Hộ Pháp và nhiều học giả tán thưởng.

Mùa thu năm Giáp Thìn (1964), Ngài ngọa bịnh phải điều trị tại Sài gòn, cơn bịnh gần tuyệt vọng. Ngài xin Hội Thánh lập đàn cơ, được Ngài Trần Khai Pháp dạy Hội Thánh xuống nhà thương Grall rước Ngài về Tòa Thánh. Sau 7 ngày cầu nguyện và thuốc thang, Ngài bình phục sức khỏe. Nhưng thiên thơ đã định, vào ngày 15 tháng 1 năm Ất tỵ (16-2-1965), khoảng 17 giờ Ngài thoát xác qui hồi cựu vị, hưởng thọ 73 tuổi.

II . TÁC PHẨM:
Giáo lý Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ( tái bản nhiều lần )
Trên đường tấn hóa

III . NHẬN ĐỊNH:
* Lời phê của Đức Hộ Pháp :
" Quyển sách sơ lược, tuy vẫn chưa đem trọn hình ảnh Chơn pháp, nhưng đã giảng giải đủ mọi phương tu niệm.
Vậy nó sẽ giúp ích cho học giả sưu tầm Chơn lý đặng bước vào Bí pháp Chơn truyền. Ấy là chìa khóa mở cửa Hữu hình thông qua thế giới huyền linh vô tả.
Xin để lời cùng cả tín đồ và Chức sắc nên đọc và đào luyện tinh thần hầu mai hậu hưởng phần siêu thoát.
Cho phép in và ấn tống."
2 Juin 1948
HỘ PHÁP (ấn ký)

* Đức Thượng Sanh tặng quyển Giáo Lý :
Giáo Lý Đạo Trời thất ức niên,
Trương Quân biên soạn để lưu truyền.
Tồn tâm chỉ rõ đường mê giác,
Dưỡng tánh phân rành nẻo tục Tiên.

* Lời tựa của Ngài Bảo Thế trong lúc cầm quyền Đầu Sư CTĐ :
" Huynh Tiếp Pháp Trương văn Tràng đã dày công soạn quyển Giáo Lý nầy cốt yếu giúp cho các bạn tu sĩ khỏi lầm lạc trên đường học đạo.
Sách nầy đáng truyền bá các nơi, dầu nơi gia đình đạo giáo hay gia đình bàng quan, đều nên đọc nó, bất luận là lúc nào trong đời mình, sẽ thấy nó là nguồn an ủi để sửa mình khi lâm vấp tội tình, hoặc nó sẽ là kim chỉ Nam để vạch lối cho hành giả, đem cái Ta giả hiệp trở về cái chơn thật bổn ngã."
30-9-1959
BẢO THẾ (ấn ký)

* Lời tựa của Cụ Nguyễn đăng Thục, Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Sài gòn (Tái bản lần thứ 4):
" Cũng vì mục đích giác mê mà Cụ Tiếp Pháp Trương văn Tràng đã cố công soạn ra sách Đại Đạo Tam Kỳ Giáo Lý nầy rất công phu, có mạch lạc thứ tự giản dị, lại thâm thúy, hơn nữa tất cả giá trị không ở chương trình nghiên cứu mà còn là kinh nghiệm bản thân tu luyện suốt một đời của tác giả, thực đáng là những bài học đạo đức sống, linh động cho kẻ học đạo vậy. . . . "
5-9-1964
NGUYỄN ĐĂNG THỤC (ký)

* Đức Thượng Sanh tặng quyển Trên Đường Tấn Hoá :
Trên Đường Tấn Hóa bút Trương Quân,
Rừng Đạo thêm hoa thật đáng mầng.
Trau hạnh giúp người vun thiện quả,
Tu tâm dìu khách thoát mê tân.
Rọi đường chơn lý, khêu đèn huệ,
Nâng bước quần sanh tỉnh mộng trần.
Tam giáo sưu tầm rành luận thuyết,
Công phu quí trọng sánh ngàn cân.
                                                  24-4-1963
                                                                         THƯỢNG SANH (ấn ký)

Chương VII
Húy Danh: Cao Quỳnh Diêu
Đạo Hiệu: Cao Liên Tử
Bút Danh: Mỹ Ngọc
I . Tác Giả:
Ngài Bảo Văn Pháp Quân thế danh là Cao Quỳnh Diêu, sanh năm 1885 tại Hiệp Ninh (Tây Ninh) trong một gia đình nho phong. Cụ thân sinh Ngài có 3 người con trai là Ngài là con cả, thứ đến là Đức Cao Thượng Phẩm.

Tư chất thông minh, xuất khẩu thành thi, tương truyền bài "Tán tụng công đức Diêu Trì Cung" Ngài soạn ra trong lúc ngồi thảnh thơi trên võng.

Đầu năm 1926, đồng thời với chư vị Thời Quân, Ngài đắc lịnh nâng loan với Cao Thượng Sanh. Ngài Đầu Sư Lê Văn Trung và các vị Thiên phong Cửu Trùng Đài đi phổ độ từ Sài Gòn đến các tỉnh miền Tây Nam Phần.

Ngài bận thế sự vì phải giúp việc tại một hãng tư (Sài Gòn) nhưng gắng sức chu toàn nhiệm vụ trong hai năm (1926 và 1927) phổ thông nền chơn đạo.

Năm 1927, Ngài thọ phong Tiếp Lễ Nhạc Quân. Năm 1929, Ngài phế đời về Tòa Thánh lo Đạo. Đầu năm Canh Ngọ (1930) được đắc phẩm vị Bảo Văn Pháp Quân, gia công chấn chỉnh Lễ Nhạc. Ngài chỉ từng thể điệu cho Ban Nhạc tại Tòa Thánh từ việc cầm dùi trống đến các bài bản. Cuối năm này, Ngài bị nạn hỏa tai thiêu hủy cả nhà cửa sự nghiệp, nên phải trở về Phú Nhuận. Về sau Ngài hợp tác cùng chư vị Thời Quân lo chú giải Tân Luật, Pháp Chánh Truyền và lập các điều phụ thuộc.

Năm Canh Dần (1950) Ngài mới trở về Tòa Thánh chung lo nghiệp Đạo, nhưng vì tuổi già sức yếu, thân xác hao mòn rồi ngọa bịnh không mấy ngày, thoát về Tiên cảnh ngày mồng 4 tháng 9 năm Mậu Tuất (18/10/1958) hưởng thọ 73 tuổi.

Dưới đây là bài tự thuật của Ngài viết lúc thuở sanh tiền (4/4/1958).
TỰ THUẬT
Danh không chác, lợi không ham
Văn hóa ngàn xưa gắng mịt tầm
Thiên lòa đuốc ngọc rạng trời Nam
Bao năm dõi bước theo chơn Đạo
Muôn việc với Đời dụng chữ Tâm
Sớm tối thừa nhân nơi lãnh thất
Năm cung thường trổi giọng Hồ Cầm.

II . Tác Phẩm:
- Ba bài dâng Tam Bửu (có bà Bát Nương chỉnh văn)
- Đại đàn nghi tiết (được Đức Hộ Pháp và Đức Q.Giáo Tông chinh sửa)
- Tán công Đức Diêu Trì Kim Mẫu (được Bà Bát Nương chỉnh văn)
- Tuồng hát chèo thuyền (cùng viết với Trần Duy Nghĩa)
- Đại Đạo Truy Nguyên (1929) là tập sách mỏng của Huệ Chương, đưa ông Mỹ Ngọc xem nhưng từ chối đề tựa vì phần thứ hai viết về “Phu thê yếu luận”.

III . Nhận Định:
Thay mặt Hội Thánh HTĐ, tôi xin thành thật để lời cám ơn quí vị không nệ đường sá khó nhọc, có lòng chiếu cố đến dự lễ an tọa liên đài của Đạo huynh chúng tôi là Ngài Bảo văn Pháp Quân Cao quỳnh Diêu, một vị trong hàng Thập nhị Bảo Quân.
Kính thưa Hội Thánh và toàn Đạo Lưỡng phái,
Trước liên đài, tôi xin nhắc lại công nghiệp của Ngài Bảo Văn Pháp Quân, đã hết lòng tận tụy sứ mạng thiêng liêng và trải qua bao nhiêu khổ cực để góp phần xây dựng nền Đại Đạo trong lúc ban sơ.
Hưởng thọ 75 tuổi, Ngài Bảo Văn Pháp Quân sanh trưởng tại làng Hiệp Ninh, tổng Hàm Ninh Thượng, thuộc tỉnh Tây Ninh, trong một gia đình thế phiệt Nho phong.
Cụ thân sinh Ngài có 3 người con trai, mà Ngài là Anh cả, và kế Ngài là Đức Cao Thượng Phẩm của ĐĐTKPĐ.
Ngài là một vị trong Chức sắc HTĐ mà buổi Đạo mới khai, Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng liêng đã đến dìu dắt trước nhứt để giao phó sứ mạng thiêng liêng sử dụng cơ bút đặng độ nhơn sanh nhập vào cửa Đại Đạo.
Đầu năm 1926, tức là năm Bính Dần, một lượt với chư vị Chức sắc cao cấp HTĐ, Ngài đắc lịnh nâng loan, hiệp với Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt, lúc đương phẩm Đầu Sư, và các vị Đại Thiên phong CTĐ đi phổ độ khắp các tỉnh, nhứt là các tỉnh trung ương và miền Tây Nam Việt.
Mặc dầu còn giúp việc cho một hãng tư, Ngài không nệ cực nhọc gắng làm tròn nhiệm vụ trong 2 năm Bính Dần và Đinh Mão (1926 và 1927), là 2 năm mà Đức Chí Tôn cho huyền diệu cơ bút, thâu nhập môn gần một triệu tín đồ, đem lại cho nền Đạo một thắng lợi vẻ vang về mặt tinh thần cũng như về mặt phổ thông Chơn đạo.
Ngài thọ phong Tiếp Lễ Nhạc Quân năm Đinh Mão (1927), qua năm Kỷ Tỵ (1929) lối tháng 10, mặc dầu hưởng lương bổng trọng hậu, Ngài phế đời về Tòa Thánh hiến thân lo Đạo, giúp Hội Thánh sắp đặt nội bộ và nhứt là góp công trong việc nâng loan cho Đức Chí Tôn và các Đấng dạy truyền Đạo lý.
Đầu năm Canh Ngũ (1930), được đắc phẩm vị Bảo Văn Pháp Quân, Ngài cố tâm chấn chỉnh Lễ Nhạc, ra công dạy Nhạc cho ban Nhạc sĩ tại Tòa Thánh, từ điệu nghệ cầm roi trống cho tới bài bản Âm nhạc.
Đến cuối năm Canh Ngũ (1930), Ngài rủi bị nạn hỏa tai, cả nhà cửa sự nghiệp bị thiêu hủy, nên vi sinh kế Ngài trở về Phú Nhuận (Gia Định).
Kể một thời gian qua, Ngài hiệp với mấy bạn Thập nhị Thời quân HTĐ để gầy dựng cơ quan tái lập tại Thánh Thất Từ Vân nơi Phú Nhuận, lo chú giải Tân Luật, Pháp Chánh Truyền và lập Luật điều phụ thuộc, để sau nầy giúp cho Chức sắc dễ thi hành phận sự.
Mãi đến năm Canh Dần (1950), Ngài trở về Tòa Thánh, quyết lòng cộng tác với Chức sắc cao cấp HTĐ lo làm phận sự.
Nhưng từ ấy đến sau, vì tuổi cao sức yếu, Ngài không thể đảm đương nhiệm vụ chung lo với Hội Thánh, hơn nữa Ngài đã phế cả sự nghiệp vì chủ nghĩa của Đạo và bởi đó, Ngài chịu lắm vất vả về mặt vật chất, xác thân càng tiều tụy hao mòn.
Vừa rồi Ngài ngọa bịnh không mấy ngày, bỗng phút vĩnh biệt cố thân, xa miền dương thế.
Hôm nay, Ngài Bảo Văn Pháp Quân đã ra người thiên cổ. Tuy đã biết nợ Đạo rồi xong, tuồng đời chấm dứt, Ngài trả xác thân lại cho gió bụi để về với Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ, và rồi đây chúng tôi có thể tiếp xúc với Ngài bằng huyền diệu cơ bút.
Nhưng trước cảnh tử biệt kẻ mất người còn, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi mến tiếc khi nhớ đến bạn đồng thuyền đã cùng chúng tôi chia sớt ấm lạnh mặn nồng và chung lưng đâu cật trót hơn mấy mươi năm để mưu cầu hạnh phúc cho nhơn loại.
Vậy nơi đây là nơi an nghỉ giấc ngàn thu, chúng tôi thành kỉnh nghiêng mình để bái biệt liên đài lần cuối cùng và xin thành tâm cầu nguyện cho Ngài được hưởng đầy ân huệ của Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu nơi cõi TLHS.
Tòa Thánh, ngày 6-9-Mậu Tuất (dl 18-10-1958)
Thay mặt Hội Thánh HTĐ
THƯỢNG SANH Cao hoài Sang

Chương VIII

Húy Danh: Gabriel Gobron
Gia Danh: Gago
I . Tác Giả:
Ông Gabriel Gobron sanh ngày 5-7-1895 tại Bayonville tỉnh Meurthe-et-Moselle thuộc vùng Loraine nước Pháp và mất ngày 8-7-1941 do bịnh nặng tại Rethel quận Ardennes nước Pháp. Ông Gabriel Gobron nói và viết thông thạo nhiều thứ tiếng ngoài tiếng Pháp : Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.

Ông là một trí thức Pháp, làm Giáo sư Trung học, làm Ký giả cho nhiều tờ báo ở Pháp, đã nghiên cứu nhiều về Thần linh học, nên khi Ngài Phối Sư Thượng Vinh Thanh phổ độ ông thì ông liền theo Đạo Cao Đài vào năm 1931, trong thời gian Ngài Phối Sư sang công tác nơi nước Pháp.

Năm 1932, Đức Quyền Giáo Tông và Đức Hộ Pháp phong cho ông phẩm Tiếp Dẫn Đạo Nhơn, cử ông làm đại diện Đạo Cao Đài tại Pháp, tham dự các Hội nghị Tôn giáo quốc tế và các Hội nghị Thần linh học ở Châu Âu.

Vợ của ông là Bà Marguerite Gobron, cũng nhập môn theo Đạo Cao Đài một lượt với ông, được phong phẩm Nữ Lễ Sanh, sau được thăng lên Nữ Giáo Hữu.

Tiếp Dẫn Đạo Nhơn Gabriel Gobron tham dự nhiều lần các Hội nghị Tôn giáo thế giới, trình bày đầy đủ tôn chỉ, giáo lý và triết lý của Đạo Cao Đài, đồng thời viết nhiều bài báo binh vực Đạo Cao Đài và truyền bá Giáo lý Cao Đài. Nhờ vậy nhiều người Âu Châu mới biết được Đạo Cao Đài.

II . Tác Phẩm:
Ông đau bịnh luôn nên tất cả bài viết về Đạo Cao Đài được ông giao phó và di chúc cho ông DELECOURT - GALLOIS  sắp xếp và xuất bản sau khi ông mất.

Ông Delecourt-Gallois giao cho nhà xuất bản DERVY xuất bản 2 cuốn sách của Gabriel Gobron viết về Đạo Cao Đài :
- Histoire du Caodaisme, xuất bản tháng 6 năm 1948.
- Histoire et Philosophie du Caodaisme, tháng 7 năm 1949.
(Hai quyển sách trên chỉ khác nhau 1 vài chương)

III . Nhận Định:
Tôi đã cống hiến nhiều khoảng thời gian của đời tôi cho Đạo Cao Đài. Tôi đã chia sớt những nỗi cực nhọc của Đạo, những nỗi đau đớn, những nỗi thất vọng của Đạo vào những lúc bi thảm, nơi đó, những người lòng dạ hẹp hòi và những đứa con của lòng thù hận hành hạ và ngược đãi Đạo Cao Đài đủ mọi cách, vô liêm sỉ hay giả dối. Tôi đã sống trong những sự vui vẻ, những hy vọng, những chiến thắng của Đạo, những lúc sung sướng mà nơi đó những hiệp sĩ tinh thần và những người thiện chí hòa giải một cuộc hưu chiến  hay nhìn nhận quyền của Đạo được hưởng nhiều công lý hơn.

Mặc dầu sức khỏe của tôi bấp bênh, những sự đau đớn nầy tôi đã thọ lãnh, đôi khi được thêm vào những sự quấy nhiễu gần như hằng ngày làm cho tôi phải chịu đựng suốt nhiều năm dài trong hoàn cảnh chung quanh là quyến thuộc của tôi. Những thử thách của Đạo Cao Đài lại thêm vào nữa việc trả quả của tôi, trong một tình huynh đệ đau đớn.

Sau những ngày nặng nề khó chịu, tuyệt vọng, một tia sáng thỉnh thoảng xuyên qua đám mây và mặt trời quét tan sương mù của dãy núi Ardenne: đó là sức khỏe của tôi, một lần nữa được hồi phục một thời gian, đó là một vài nhựt báo hay vài lá thư, bởi đường máy bay hay bởi đường tàu biển từ Đông Dương đem lại cho tôi một tin vui làm tôi mừng quýnh.

Trong mười ba năm tôi đã sống như thế, đời sống của những huynh đệ của tôi ở Việt Nam hợp chung lại với đời sống của tôi.

Tôi đã hối tiếc ngàn lần là tôi không có nhiều uy quyền tinh thần , không có những mối liên lạc hữu ích, không có tài năng và huệ nhãn để giúp đỡ nhiều hơn các huynh đệ Việt Nam trong những cố gắng xây dựng cũng như trong sự sầu não thầm lặng. Tôi rất  muốn làm thật nhiều cho họ và tôi cảm thấy rằng, với tất cả sự khiêm tốn, tôi đã làm quá ít !

Xin tha thứ cho tôi, những huynh đệ tốt bụng và hiền lành Việt Nam, tôi chưa xứng đáng là Tiếp Dẫn Đạo Nhơn tại nước Pháp mà quí vị đã chỉ định một cách long trọng, tôi chỉ là một tín đồ khiêm tốn mà quí vị đã gọi thân mật là : “Anh GAGO”.
  Home       1 ]  [ 2 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét