I - Giới
thiệu tổng quát:
Đây, Tòa
Thánh Tây Ninh, còn được gọi là Đền Thánh, hay Tổ Đình, là Tòa Thánh Trung-Ương của Đạo Cao
Đài, hiện nay tọa lạc tại xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, cách Thị Xã Tây Ninh
khoảng 5 km về hướng Đông Nam,
thuộc Miền Nam nước Việt Nam.
Đây là một ngôi Đền đồ sộ, nguy nga, đặc sắc, là nơi thờ phượng Đấng Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, các vị Giáo chủ Tam Giáo và Ngũ Chi Đại Đạo, cùng các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Đây là một ngôi Đền đồ sộ, nguy nga, đặc sắc, là nơi thờ phượng Đấng Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, các vị Giáo chủ Tam Giáo và Ngũ Chi Đại Đạo, cùng các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Du khách viếng Tòa Thánh
sẽ được đi vào rất nhiều cửa tùy theo hướng đến của mình từ Đông, Tây, Nam,
Bắc. Chu vi bao bọc bởi 12 cửa gọi là Nội-ô Tòa Thánh. Đền Thánh tượng trưng
Bạch Ngọc Kinh tại thế. Nội-ô Tòa-Thánh có tổng diện tích 96 ha (tức là 96 mẫu Tây).
Gọi Đền-Thánh Tây-Ninh hay
Tổ Đình, vì đây là nơi phát xuất của Đạo Cao Đài, là nơi đặt các cơ quan
trung-ương của Hội Thánh Cao Đài, tức Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, để điều
hành toàn bộ các hoạt động truyền giáo và cứu độ nhơn sanh. Đền-Thánh được khởi
công xây dựng từ năm 1931 (Tân Mùi), hoàn thành vào năm 1947 (Đinh Hợi) và được
Khánh-thành vào dịp Đại Lễ Đức Chí Tôn ngày mùng 9 tháng Giêng năm Ất-Mùi (dl:
01-02-1955). Đền-Thánh được cất theo kiểu vở của Thiên đình, quay mặt về hướng
Tây, có kích thước theo dự tính ban đầu của Đức Giáo Tông Lý-Thái-Bạch, có:
- Bề dài: 135 mét.
- Bề ngang: 27 mét.
- Bề cao tại Lầu chuông và
Lầu trống: 36 mét.
- Bề cao tại Nghinh Phong
Đài: 25 mét.
- Bề cao tại Bát Quái Đài:
30 mét.
Việc chọn đất Thánh địa
làm nơi xây dựng Đền Thánh và kiểu vở xây cất đều do Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo
Tông giáng cơ chỉ dạy tỉ mỉ. Đặc biệt hơn hết là không nhờ một Kiến-Trúc-sư hay
Thầy địa lý nào ở trong thế giới hữu hình này cả. Điều đáng ghi nhớ là thời
gian thi công, việc kiến thiết là do bổn đạo toàn quốc về hiến thân làm công
quả, dùng toàn thức ăn chay, nhưng thật ra chỉ là cháo, rau, dưa muối đạm bạc
mà thôi, hoàn toàn không dùng thức ăn động vật Người làm công quả hầu hết về
đây góp công sức xây dựng không phải là chuyên môn. Phải trường trai, tuyệt dục trong suốt thời
gian thi công
1 - Trong cửa Ðạo Cao-Ðài
hiện có hai Ðền thờ
-“Một Ðền Thờ, ta ngó thấy
trật-tự hàng ngũ, bởi từ nguyên căn tâm hồn của Chơn-linh chúng ta đều có
trong hàng phẩm Cửu Thiên Khai Hóa cả.
Quí phái như thế!”.
Đó là nơi thờ Đấng Thượng
Đế tức là Đức Chí-Tôn là Cha của nhân loại (Đại Từ Phụ). Là Đền Thánh, ngôi
Dương.
- “Còn một Ðền Thờ nữa,
thờ Đức Phật-Mẫu tức là Mẹ của chúng ta, thì cái quí phái của chúng ta không
còn giá trị gì nữa. Đức Phật Mẫu không muốn cả Chức Sắc Thiên Phong đi đến Ðền
Thờ của Người và Người nhứt định không chịu điều ấy, vậy phẩm tước và giai cấp
đối với Phật Mẫu không có giá trị, vì Phật Mẫu không muốn đứa nào áp bức đứa
nào cả, hành tàng như vậy bị tiêu diệt”. Ngôi thờ Đức Mẹ Diêu Trì gọi là Điện
thờ Phật-Mẫu (Đại Từ Mẫu - ngôi Âm). Âm Dương tương hiệp mới phát khởi Càn khôn
hóa sanh vạn vật.
2 - Đức Chí-Tôn Ngọc-Hoàng
Thượng-Đế đến với nhân loại vừa là CHA vừa là THẦY
CHA và THẦY là hai tiếng
rất thân thiết mà các Tín đồ Ðạo Cao Ðài thường dùng để gọi Ðức Chí Tôn Ngọc
Hoàng Thượng Ðế, qua các nguyên nhân:
Mỗi người chúng ta đều có
Tam thể xác thân:
- Thể xác bằng xương thịt
do cha mẹ phàm trần sanh ra.
- Chơn Thần tức là xác
thân thiêng liêng do Ðức Phật Mẫu tạo ra. Do đó, chúng ta gọi Ðức Phật Mẫu là
Ðại Từ Mẫu, tức là Ðức Mẹ thiêng liêng.
- Chơn Linh hay linh hồn
là điểm linh quang do Ðức Chí Tôn chiết ra từ khối Ðại Linh quang ban cho mỗi
người để điều khiển chơn thần và thể xác. Do đó, chúng ta gọi Ðức Chí Tôn là
Ðại Từ Phụ, là Ðấng Cha thiêng liêng. Vậy, mỗi người chúng ta, ngoài cha mẹ
phàm trần, chúng ta còn có hai Ðấng CHA MẸ chung, thiêng liêng, là Ðức Chí Tôn
và Ðức Phật Mẫu. Khi Ðức Chí Tôn giáng cơ dạy Ðạo, mở Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ,
Ðức Chí Tôn xưng mình là THẦY và gọi các Tín đồ là chư Môn đệ. Như vậy, Đức
Chí-Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế, vừa là CHA, vừa là THẦY của chúng ta và của toàn
nhơn loại. Ðức Hộ Pháp rất thắc mắc về điều nầy, nên mới đem ra hỏi Ðức Nguyệt
Tâm Chơn Nhơn (Victor-Hugo):
- Le PÈRE et le MAÎTRE
sont différents. Pourquoi notre PÈRE prend-il aussi le titre de MAÎTRE? (Cha và
Thầy khác nhau. Tại sao Ðại Từ Phụ của chúng ta lấy danh xưng là Thầy ?)
Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn
giáng cơ trả lời bằng thơ Pháp văn, như sau đây:
Il est en même temps Père
et Maître,
Parce que c'est de LUI,
vient tout notre être.
Il nourrit notre corps de
ce qui est sain,
Et fabrique notre esprit
de ce qui est divin.
En LUI, tout est Science
et Sagesse,
Le progrès de l'âme est
son oeuvre sans cesse.
Les viles matières sont
joyaux à ses yeux,
De vils esprits, Il en
fait des Dieux.
Sa loi est Amour, sa
puissance est Justice.
Il ne connait que la vertu
et non le vice.
PÈRE: Il donne à ses enfants
sa Vitalité,
MAÎTRE: Il leur lègue sa
propre Divinité.
Nghĩa là:
Ngài trong cùng một lúc
vừa là CHA vừa là THẦY. Bởi vì chính Ngài sanh ra tất cả con người chúng ta.
Ngài nuôi dưỡng thân thể chúng ta bằng vật lành mạnh và tạo ra linh hồn chúng
ta bằng phép thiêng liêng. Nơi Ngài, tất cả là thông thái và trí huệ. Sự tiến
hóa của linh hồn là công nghiệp của Ngài không ngừng: Những vật chất hèn mọn là
châu báu trước mắt Ngài. Những linh hồn hèn hạ, Ngài biến chúng thành Thần,
Thánh. Luật của Ngài là Bác ái, quyền của Ngài là Công chánh. Ngài chỉ
biết đạo đức và không biết
thói xấu.
- CHA: Ngài ban cho các con Sanh khí của Ngài.
- THẦY:Ngài di tặng cho họ
cái Thiên tánh riêng của Ngài.
Ðức Hộ Pháp diễn dịch ra
thơ như sau:
Người cũng vẫn Cha, Thầy
luôn một,
Cả chơn linh, hài cốt tay
Người.
Nuôi hình dùng vật thanh
tươi,
Tạo hồn lấy phép tột vời
Chí Linh.
Nơi Người vốn quang minh
cách trí,
Tấn hóa hồn phép quí không
ngưng.
Vật hèn trước mắt thành
trân,
Hồn hèn Người lại dành
phần Phật, Tiên.
Luật Thương yêu, quyền là
Công chánh,
Gần thiện căn, xa lánh
phàm tâm.
Làm Cha nuôi nấng âm-thầm,
Làm Thầy lại nhượng phẩm
Thần ngôi Tiên.
3 - ĐIỆN THỜ PHẬT- MẪU
E : The temple of
Buddha-Mother
Thờ Ðức Phật Mẫu tại
Báo-Ân-Từ
Đức Phật-Mẫu 佛 母 Hán-tự nói là
Thiên-Hậu Chí Tôn (Bà Vua Trời) người Á-Đông nhứt là Trung-Hoa và Việt
Nam gọi là Bà Mẹ Sanh của nhân loại, của cả muôn loài vạn-vật trong Càn Khôn
Võ-Trụ, làm chủ phần Âm, là Ngôi Thứ Hai
(Deuxième Logos) kế dưới Đức Chí-Tôn.
Phật-Mẫu là ai ? – “Phật-Mẫu là Mẹ, là gốc sinh ra vạn vật. Đạo Cao-Đài xác
nhận là Đức Mẹ Diêu-Trì, còn gọi là Mẹ sanh ra cả vạn loại. Trong vũ trụ Chúa cả
tạo đoan ấy là Thầy, Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, nắm cơ huyền vi bí mật
trong tay. Thầy mới phân tánh Thầy ấy là PHÁP. Pháp tức là quyền-năng của Thầy
thể hiện ra, cũng như lý Thái-cực ở trong cõi tịnh. Lý Thái cực phát động mới
sanh ra PHÁP. Pháp tức là những định luật chi phối cả Càn khôn, mà người nắm luật
chi phối ấy là Phật-Mẫu. Phật-Mẫu nắm cơ hữu tướng. Phật Mẫu là Âm, còn Thầy là
Dương. Âm Dương tương hiệp mới biến Càn Khôn. Cả Càn Khôn ấy là TĂNG, mà người
nắm quyền vi chủ của Tăng ấy là một vị Phật cầm quyền Thế giới. Phật và Pháp
không biến đổi, vị cầm quyền thế giới là Tăng ấy thay đổi tùy theo thời kỳ. Tỷ
như người cầm quyền vi chủ:
- Nhứt kỳ Phổ-Độ là Nhiên Đăng Cổ Phật.
- Nhị kỳ Phổ Độ là Thích-Ca Mâu-Ni.
- Tam kỳ Phổ-Độ là Di-Lạc Vương-Phật.
Hết Tam-Kỳ Phổ-Độ thì nguyên căn qui nhứt trở lại mở Nhứt kỳ Phổ-Độ nữa sẽ
có vị Phật nữa ra đời cầm quyền vi chủ, định luật Càn-Khôn phải như vậy. Đó là
cơ quan quản trị Càn khôn vũ trụ. Còn ở vạn vật là cơ quan: vô hình, bán hữu
hình và hữu hình; hay linh tâm, khí thể và xác thân. Bên trong Báo-Ân-Từ đang thờ các tượng này.
- Đức Diêu Trì Kim Mẫu là Mẹ sinh của toàn thiên hạ, Chưởng quản Tạo-Hóa-Thiên,
ai đã đến thế gian nầy đều phải nhờ ơn Phật-Mẫu lựa chọn cho xuống trần chịu khổ,
học khôn đến đạt thành Phật-vị. Ơn tạo hình hài, ơn dưỡng nuôi giáo-hoá và ơn
dìu dẫn thoát trần của Phật Mẫu thật là vô lượng vô biên.
- Hai chữ Kim-Mẫu là hai chữ nói tắt, chính thật là Kim-Bàn Phật-Mẫu. Trong
Di Lạc Chơn Kinh có chỉ rõ. Bởi vậy nơi cõi trần, Phật-Mẫu là Mẹ của Thần,
Thánh, Tiên, Phật. Dưới Phật Mẫu có Cửu vị Tiên Nương:
1 - Nhứt Nương Diêu-Trì-Cung: cầm cây đờn Tỳ Bà, Chưởng quản vườn Ngạn-Uyển,
xem xét cho biết số Nguyên Nhân xuống trần hay Qui Vị. Mỗi đoá hoa trong vườn
Ngạn-Uyển là một chơn linh, khi chơn linh ấy tái kiếp thì hoa nở, khi qui vị
thì hoa tàn.
2 - Nhị Nương Diêu-Trì-Cung: cầm lư hương Chưởng quản vườn đào của
Tây-Vương-Mẫu nơi tầng thiên thứ hai, tiếp các chơn hồn qui thiên mở tiệc trường
sanh (Bàn Đào) và đưa các chơn hồn đến Ngân Kiều cỡi Kim Quang triều kiến Ngọc
Hư Cung.
3 - Tam Nương Diêu-Trì-Cung: cầm cây Quạt Long Tu (Long-tu-Phiến) thả thuyền
Bát Nhã trên bể khổ, đón nẻo Cửu-tuyền độ các chơn hồn qui nguyên “Chở che
khách tục Cửu tuyền ngăn sông”.
4 - Tứ Nương Diêu-Trì-Cung: cầm cây Kim Bản làm Giám-khảo tuyển chọn các
nhân tài. Trong buổi khoa thi ai có đức tài và học giỏi mới đặng chấm đậu “Vàng
treo nhà ít học không ưa”.
5 - Ngũ Nương Diêu-Trì-Cung:Bửu pháp là xe Như Ý, ra lệnh cho các đấng
thiêng liêng tiếp các chơn hồn về đến cõi Xích Thiên, khai kinh vô tự đặng xem
quả duyên của các chơn linh và đưa các chơn hồn đắc đạo triều kiến Đức Chí Tôn:
Dựa xe Như-ý oai thần tiễn thăng
6 - Lục Nương Diêu-Trì-Cung: cầm cây Phướn Tiêu Diêu (phướn Truy Hồn) độ dẫn
khách trần và tiếp các chơn hồn hữu căn về đến cõi Kim thiên, dẫn đến Đài Huệ
Hương xông cho thơm linh thể và ra lịnh trổi thiên thiều đưa các chơn linh đến
Tây Phương Cực Lạc.
7 - Thất Nương Diêu-Trì-Cung: cầm Bông sen khêu đuốc Đạo buổi sơ khai và
tình nguyện lãnh lịnh thiên-điều đến Âm Quang độ rỗi các tội hồn, khi giác ngộ
lại chỉ chỗ cho đầu thai đặng theo Đạo lần về cựu vị (nhứt là nữ phái) “Thất
Nhương khêu đuốc Đạo đầu”.
8 - Bát Nương Diêu-Trì-Cung là Hớn Liên Bạch, cầm giỏ Hoa Lam, Ngài là một đấng thiêng
liêng rất linh hiển, dày công giáo hoá buổi Đạo Khai, có phận sự độ rỗi các
nguyên nhân tại thế (nhứt là nữ phái) và tiếp đưa các chơn hồn qui vị về tới
cung Phi-Tưởng-Thiên rưới nước Cam Lồ. Ai có việc chi cầu khẩn nơi Bát Nương
thì đắc nguyện một cách linh hiển.”
9 - Cửu Nương Diêu-Trì-Cung: cầm ống Tiêu có nhận sự giác ngộ các chơn linh
đoạ lạc nơi trần thế.
Tóm lại các nghề hay nghiệp khéo về nữ công hoặc cầm, kỳ, thi, họa và triết
học văn-chương đều nhờ Cửu Vị Tiên Nương giáo hoá và ung đúc cho thành tài.
II - Tìm hiểu Châu vi Nội Ô Tòa Thánh
Nhìn ra xung quanh thì Tòa Thánh nằm lệch về phía Bắc trên một vuông đất gồm
có Đền Thánh, Báo Ân Từ và các dinh thự như: Giáo Tông Đường, Hộ Pháp Đường, Đầu
Sư Đường nam, nữ kiến thiết theo kiểu Đạo đồ, cùng các cơ sở của các cơ quan
ban bộ.
Hai bên đường là Dinh thư. Đại lộ thẳng tấp:
- Đại lộ Cao Thượng Phẩm, Phạm Hộ
Pháp, Cao Thượng Sanh, chạy dài theo chiều dọc, có hình Quẻ CÀN ☰ Nhưng đại lộ Hộ-Pháp vẫn ở giữa,
chính trung, hai lộ còn lại nằm hai bên về phía trái và phải.
- Các lộ ngang như: Oai Linh Tiên, Thượng Trung Nhựt, Thái Thơ Thanh chạy
theo chiều dọc, hình quẻ KHÔN ☷
Lộ Thượng Trung Nhựt vẫn ở giữa đúng theo qui luật.
Hai dạng quẻ này đặt chồng lên nhau thành chữ ĐIỀN 田 Ấy là tâm của BÁT QUÁI ĐỒ THIÊN, tức là Bát-Quái Cao Đài đó
vậy. Nói rõ hơn là hình của các số Ma phương. Vùng Nội-Ô Toà Thánh có cả thảy
12 cửa. Thực tế nhân sanh sẽ không thấy cửa số 5, nhưng được thay bằng cổng
Chánh Môn cũng đủ vào số 12. Bởi vì số 5 là ở chính giữa (Ngũ trung) của đồ
hình như bảng Ma phương số. Thế nên số 5 là hình ảnh của “Báo Ân Từ” là ngôi Điện
thờ Đức Phật Mẫu. Các cửa này đặt nghịch chiều với chiều quay của kim đồng hồ.
Mỗi cửa cách nhau
Tuy nhiên, cổng Chánh Môn hiện nay do chi Thế là Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước
lúc nắm quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài kiêm Thống Quản Hội Thánh Phước Thiện
phối hợp với Tỉnh trưởng Tây Ninh: Thiếu Tướng Lê văn Tất xây dựng theo bản đồ
Ty Kiến Thiết của Tỉnh Tây Ninh, nên có hai Rồng tranh Cổ Pháp. Tại sao nói
tranh Cổ Pháp? Vì bản tánh của Rồng là “Long năng biến hóa”, hình Rồng hả miệng,
mình uốn khúc, phải là Rồng tranh Châu thời Phong Kiếm Xuân Thu; nay đem tranh
Cổ Pháp, đó là việc làm của Thời Quân Chi Thế, không đúng với bản vẽ ban đầu của
Đức Hộ-Pháp còn lưu lại.
1 - Thầy dạy:
“Các con nghe! Nơi nào Thầy ngự thì
nơi ấy là Thánh Địa:
chi chi cũng tại Tây Ninh nầy mà thôi
Đạo Cao Đài làm Lễ Khai Đạo ngày 15-10-Bính Dần (dl: 19-11-1926) tại Thánh
Thất tạm đặt tại Chùa: Từ Lâm Tự (tục gọi là Chùa Gò Kén, Tây Ninh), nằm trên
Quốc lộ 22, cách thị xã Tây Ninh cũng độ 5 km .
Nguyên ngôi chùa nầy do Hòa Thượng Như Nhãn (cũng gọi là Hòa Thượng Giác Hải)
góp tiền bổn đạo mua đất và xây dựng nên. Kịp khi Đức Chí Tôn giáng cơ mở Đạo,
Đức Chí Tôn dùng Huyền diệu Cơ bút độ được Hòa Thượng Như Nhãn theo Đạo Cao Đài
và trở thành một vị Chức sắc Đại Thiên phong của nền Đại-Đạo, do đó nên Hòa Thượng
Như Nhãn hiến chùa Từ Lâm Tự cho Hội Thánh Cao Đài làm Thánh Thất tổ chức Lễ
Khai Đạo. Nhưng sau ngày Lễ Khai Đạo, Hòa Thượng Như Nhãn một phần bị mất đức
tin, một phần bị nhà cầm quyền Pháp bấy
giờ xúi giục và hăm dọa, nên Hòa Thượng Như Nhãn không theo Đạo Cao Đài và đòi
chùa lại, không hiến nữa. Hội Thánh Cao Đài phải trả chùa cho Hòa Thương Như
Nhãn, hứa trong ba tháng sẽ tìm đất để dọn đi.
“Kể từ Rằm tháng 10 năm Bính-Dần
(1926) tới Rằm tháng Giêng Đinh-Mão (1927) là đúng kỳ hứa trả Từ Lâm Tự (Gò
Kén) là ba tháng, nhưng tới tháng 2 năm Đinh Mão, đã quá kỳ hạn một tháng mà Hội
Thánh chưa trả chùa lại được, vì chưa kiếm được đất để mua, còn Ông Hòa Thượng
Giác Hải thì cứ đòi chùa lại hoài” (Đạo-Sử I/51). Vì sự đòi Chùa ấy nên Đức Lý
Giáo Tông giáng dạy tại chùa Gò Kén ngày 19-01-Đinh Mão (dl 20-2-1927)
“Ngày nay Lão nhứt định chùa nầy trả lại. Song trước khi trả, phải cất
Thánh Thất cho xong y như lời dạy. Chư Đạo hữu phải hiệp sức nhau đặng lập
thành Tòa Thánh, chi chi cũng tại Tây Ninh nầy mà thôi, vì là Thánh Địa. Vả lại
phong thổ thuận cho nhiều nước ngoại quốc đến đây học Đạo. Lão muốn nơi khác mà
Chí Tôn không chịu.
Thượng Trung Nhựt ! Phải làm thế nào chừa đất dư ra ít nữa là 50 mẫu là cả
trọn bản đồ Bạch Ngọc Kinh và cho đủ Thánh địa ấy. Hiền hữu đi chọn đất về cho
Lão hay, cầu khẩn Chí Tôn nghe !” (Trích Đạo-Sử. II/ 222)
Hôm sau, cũng tại chùa Gò Kén, ngày 20-01-Đinh Mão (dl: 21-2-1927) Đức Chí
Tôn giáng dạy như sau: “Các con nghe! Nơi nào Thầy ngự thì nơi ấy là Thánh Địa.
Thầy đã ban sắc cho Thần Hoàng Long Thành thăng lên chức Văn Xương vào trấn nhậm
làng Hiệp Ninh dạy dỗ dân vô đạo, Thầy ban đặng quyền thưởng phạt, đặng răn
làng ấy cho đến ngày chúng nó biết ăn năn cải hóa. Vậy thì Làng Long Thành, các con khá an lòng. Còn Tòa Thánh thì muốn để cho
có nhơn lực hiệp cùng Thiên ý là hạnh của Thầy, các con nên xem gương mà bắt chước. Từ Thầy đến lập Đạo cho đến giờ, Thầy chưa hề một mình
chuyên quyền bao giờ. Các con lựa chọn nơi nào mà Hội Thánh vừa lòng thì là đẹp
lòng Thầy. Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa Thánh, chi chi
cũng tại Tây Ninh nầy mà thôi. Các con đã hiểu Thánh ý Thầy, phải cần kiệm mỗi
sự chi về phương tiện mà thôi.
THƠ ! Thầy giao cho con góp tư bổn trong một tháng cho rồi, dặn các em con
rằng: “Danh thể Đạo nơi Tòa Thánh, nghe à!”
Sau Thái Bạch sẽ dạy con kiểu vở.
Tuy nhiên Thầy cũng nêu lên nhiều địa điểm thuộc vùng Tây Ninh Thánh địa,
nhưng Thầy có phân tích sự lợi hại của mỗi nơi, như:
Cẩm Giang thì các con phải chịu khổ về phần ăn uống, Bến-Kéo thì địa thế hẹp
hòi, chớ chi các con khôn ngoan lấy cớ rằng, vì ích lợi lương sanh, vì đạo đức
mà ký Chánh phủ cho các con mé rừng cấm bên kia đường thì đẹp lắm. Các con liệu
thử.
Thơ ! Suối Vàng thì đặng, phương chuyên chở không thuận tiện, song phong thổ
tốt đẹp. Con cũng yêu cầu Hội Thánh xét nét, nghe à ! Thầy ban ơn cho các
con." (ĐS. II. 223).
Tiếp theo, cũng tại chùa Gò Kén,
ngày 22-2-1927 (âl 21-1-Đinh Mão), Đức Lý Giáo Tông giáng:
“Thượng Trung
Nhựt! Thái Thơ Thanh! Cười! Nhị vị Hiền hữu muốn cho Đạo phải mang tiếng rằng:
Trốn lánh hay sao mà tính dời Tòa Thánh xa dữ vậy hử ? Tỷ như Lão muốn lập Tòa Thánh gần bên
thành binh, chư Hiền hữu tưởng sao? -Trung bạch
: Có hai làng cúng đất.
- Mua thì đặng, khó gì ! Một nơi chí Thánh trước mắt mà chư Hiền hữu chẳng
biết xem, ấy cũng còn hai phần phàm. Thái Thơ Thanh ! Lão cậy Hiền hữu một phen
nữa, mai nầy đi lên đường trên gọi là đường dây thép, nhắm địa thế dài theo cho
tới ngã ba Ao Hồ, coi Hiền hữu thấy đặng chăng cho biết. Lão đã nói rằng: Mỗi sự
chi đều bày trước mắt nhơn sanh hết. Chư Hiền hữu đừng sợ ai hết, hễ sợ thì chối
quyền Thiêng liêng của Chí Tôn thì còn gì Đạo! nghe à !" (Đạo-Sử. II./
224)
2 - Lão cắt nghĩa vì sao cuộc đất ấylà Thánh Địa?
Đức Lý giáng dạy đêm 23-1-Đinh Mão
(dl: 24-2-1927), tại chùa Gò Kén: “Sâu hơn 300 thước, như con sông, giữa trung
tim đất giáp lại trúng giữa 6 nguồn, làm như 6 con rồng đoanh nhau. Nguồn nước ấy
trúng ngay đỉnh núi, gọi là LỤC LONG PHÒ ẤN. Ngay miếng đất đó đặng 3 đầu: Một
đầu ra giếng mạch Ao hồ, hai đầu nữa bên cụm rừng bên kia. Người Lang sa chỉ đòi 20 ngàn, nói rồi trả
đúng có 15 ngàn, Lão dặn thì thành trả 17 ngàn, 18 ngàn thì đặng vậy. Còn xin
khai khẩn miếng đất rừng bên kia nữa mới trọn. Đất nay còn rẻ, miếng đất chung
quanh Thánh địa ngày sau hóa vàng. Chư Hiền hữu biết lo lập, ngày sau rất quí
báu.
3 - Vị trí cất Đền Thánh tạm hiện thời:
Đức Lý Giáo-Tông dạy: “Thánh Thất tạm cất trên miếng đất trống. Ngay trung
tim rừng cách miếng đất trống chừng 3,50m đóng một cây nọc, đo Hiệp Thiên Đài
như vầy: ngoài Bàu Cà Na đo vô chừng 50m đóng một cây nọc, ấy là khuôn viên Tòa
Thánh. Lão dặn: Từ cây nọc phía bên miếng đất đo vô Bàu Cà Na 27m tây. Nghe à!”
Tư vuông 27 thước, mỗi góc của Bát Quái Đài, nghĩa là hình nhà tròn có tám nóc,
cao từ dưới đất lên thềm 9m, phân làm tám nóc.
- Trên Điện Bát-Quái-Đài bề cao 9m, hình nóc tròn mô lên có tám nóc phân
minh, trên đầu phải để một cây đèn màu xanh,
- Kế nữa là Chánh Điện bề dài 81m, ngang 27m (81x 27). Hai bên Hiệp Thiên
Đài mặt tiền có Lôi Âm Cổ Đài, bên trái có Bạch Ngọc Chung Đài. Lão phải vẽ mới
đặng…”.
[Gò Kén ngày 27 tháng 1 Đinh Mão (dl: 28-02-1927)]
4 - Đức Lý dạy cất Đền Thánh theo kiểu Thiên đình
Thánh Giáo ngày 07-02-Đinh Mão, Đức Chí Tôn dạy Ngài Phối Sư Thái Thơ Thanh
lo lập Thánh Thất. Ngài bạch: “Xin đúc nền Tòa Thánh bề cao 9m theo kiểu của Đức
Lý Đại Tiên”
Đức Chí Tôn dạy: “Tốn kém nhiều lắm con ơi! Bính, con đo từ mé rừng dưới
vào cho tới 50m, bỏ miếng trảng vào tới 50m, rồi 81m, rồi kế 27m; làm như vậy
Thánh Thất nằm trọn vào rừng mà thành ra như bao quanh một vườn thiên-nhiên rất
đẹp…Khi cất, con nhắm thế nào cho nọc Bát Quái Đài và Hiệp Thiên Đài cho ngang
mặt trời phía Tây thì trúng, con nhớ nghe!”
Đức Lý Giáo-Tông dạy: “Cười… Họa đồ của Lão, Chí Tôn chê và trách rằng: hao
tốn vô nền nặng lắm. Chí Tôn sửa lại mỗi cấp ba tấc tây mà thôi. Dưới đất năm tấc,
chín cấp ba tấc là 2,70m cộng 5 tấc là 3,20m. Còn 10m thì chí đầu trong nền Bát
Quái Đài. Trên đầu song chí nóc 13m mới khỏi mưa nước đọng mà phải mục. Nóc của Đại Điện và Hiệp Thiên Đài cũng y như
mức vậy. Phải làm plafond hai Đài Chuông, Trống cao hơn nóc Hiệp Thiên Đài 6
thước”.
1 - Đèn vàng ngay nóc Điện Bát Quái.
2 - Đèn xanh ngay giữa Đại Điện làm hình Long Mã
Phụ Hà Đồ.
3 - Đèn đỏ để Hiệp Thiên Đài.
Do vậy mà Đền Thánh hiện nay xây dựng bằng bê tông cốt sắt nằm trên Lục
Long Phò Ấn, trung tâm Thánh Địa, vẫn còn là tạm; vì Chí Tôn dạy cất ngôi Tổ
Đình trong sân Đại Đồng Xã. Đền Thánh được khởi công xây cất vào ngày 23 tháng
10 Tân-Mùi (1931), phải trải qua thời gian bốn lần kiến tạo mới hoàn thành vào
năm Đinh Hợi (đầu năm 1948):
1 - Lần thứ nhất đào hầm Bát Quái, đổ bê-tông do Ngài Thái Chánh Phối Sư -
Thái Thơ Thanh lãnh đạo- rồi bị ngưng trệ
vì cuộc nội phản. (1931).
2 - Lần thứ hai do Đức Quyền Giáo Tông và Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh đảm
nhiệm. (1932).
3 - Lần thứ ba do Ngài Tiếp-Thế Lê Thế Vĩnh lãnh vận động, mướn Bác Vật
Phan Hiếu Kinh khởi làm Lầu Hiệp Thiên Đài, đúc cột được phần ít rồi cũng phải
ngưng…(1933).
4 - Lần thứ tư do Đức Hộ-Pháp lãnh đạo khởi công vào ngày 01-11-Bính Tý
(1936), tiếp tục kiến tạo đến ngày 30-12 Đinh Hợi (dl: 24-01-1948) mới hoàn
thành trọn vẹn.
5 - Tạo tâm đức hiến thân – thủ trinh:
Phương pháp nào đạt kết quả qua ba lần thất bại không hoàn thành Thánh Tòa
được ? – Do Đức Hộ Pháp khéo léo tạo tâm đức cho con cái Chí Tôn, người Phạm
Môn, Phước Thiện đảm nhận tình nguyện trường trai và thủ trinh hiến thân làm
công quả cho đến ngày làm xong Đền Thánh. Nhờ vào đức tin mãnh liệt đó mới sớm
hoàn thành hình tượng Bạch Ngọc Kinh tại thế.
- Trong giai đoạn nầy đến năm Tân Tỵ (1941) nhằm ngày 25-05 phải tạm ngưng
vì Pháp bắt Đức Hộ Pháp lưu đày sang đảo Madagascar. Mãi đến 30-08-Bính Tuất
(1946) Đức Ngài được trở về nước nhà, điểm tô thêm bốn tháng nữa, thợ hồ mới
làm lễ bàn giao Đền-Thánh cho Hội Thánh (03-01-Đinh Hợi). Đức Hộ Pháp cho tổ chức
cuộc lễ Khánh Thành Tòa Thánh trong vòng 10 ngày, kể từ ngày 6 đến 16 tháng giêng
năm Ất Mùi (dl: 29–01 đến 8–2–1955), Đức Ngài cho diễn ba vở tuồng cổ: San Hậu,
Tiêu Anh Phụng, Hoàng Phi Hổ Qui Châu.
6 - Những bí mật của Đền Thánh:
Đền Thánh là hình trạng Bạch Ngọc Kinh tại thế, kiến trúc theo Thiên Đình
thể hiện cổ kim tổng hợp, đúc kết tinh hoa hai nền văn minh Âu Á về khoa học lẫn
Đạo học. Từ xa nhìn vào nhận diện nó là con Tu vật: một con LONG MÃ QUÌ đem nguồn
sống vĩnh sanh cho loài người, bởi bên trong nó là Pháp giới gồm có:
- Bát Quái Đài thể hiện Bạch Ngọc Kinh,
- Cửu Trùng Đài thể hiện Cửu Thiên Khai Hóa,
- Hiệp Thiên Đài là hình trạng Cung Hiệp Thiên Hành Hóa, trên Diêu Trì Cung
một cảnh giới.
Muốn vào Bát Quái Đài, trước phải vào Hiệp Thiên Đài là cửa Trời – Người hiệp
nhứt, rồi qua Cửu Trùng Đài phải chịu sự khảo duợt của Cửu phẩm Thần Tiên, chịu
nỗi rồi mới vào Bát Quái Đài được, bằng chẳng phải thối bước. Đền Thánh uy nghi
như thế, vẫn còn tạm. Sau đây phải xây cất Tổ Đình theo Thánh Giáo của Đức Chí
Tôn mà nền móng Bát Quái Đài đã xây xong vào năm Canh Ngọ (1930) tại trụ phướn
(mặt trước của Đền)
III - NHỮNG DINH THỰ
TRONG NỘI-Ô TÒA THÁNH
Trên Đại lộ Phạm Hộ-Pháp, vừa rời Đền Thánh là thấy
ngay tòa nhà một từng, đồ sộ, đó là Nữ Đầu Sư đường 女 頭 師 堂 Đây là một tòa nhà dành riêng cho Chư vị Nữ Đầu-sư cầm quyền Nữ
Phái làm việc. Đây cũng là nơi thờ phượng các bậc Nữ Đầu sư thời tiền khai Đại
Đạo đã quá vãng. Phải kể đến công đầu của ba Bà: là Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương
Thanh, Bà Nguyễn Hương Hiếu, Bà Hồ Hương-Lự. Nhân Lễ Khánh Thành Nữ Đầu Sư Đường
ngày 15-08 năm Tân-Mão (1951) vào lúc 8g sáng. Đức Hộ-Pháp có lời Phủ-dụ:
“Hồi tưởng lại hai mươi mấy năm trước khi Đức Chí Tôn đến cùng chúng ta, cầm cây Linh bút của
Ngài tạo nền Chơn giáo. Ông đến với một thân già nghèo của Ông, chính mình Ông
khai rằng: Ông là một Ông già nghèo Ổng nói "Tròi trọi mình không mới thiệt
bần”. Ông đến cho ta một danh thể là lập Hội-Thánh cho con cái của Ổng, nhưng
Ông còn cỡi được con Bạch hạc ở trên mây trắng, còn Thánh-Thể của Ông ở ngoài
mưa nắng cũng không được nữa, nó khó lắm đó vậy. Tình trạng rất khó khăn, Ổng đến
với một thân nghèo để tạo dựng Thánh Thể cho con cái Ổng. Mà ôi thôi! Đám
Thánh-Thể của Ổng nó cũng nghèo nữa, nhưng mà cái nghèo đó chúng ta có một năng
lực cao thượng vô giá không thể tưởng tượng được. Có lẽ cả thảy đều ngó thấy buổi
phôi thai, là khi Đền Thánh mới tạo, con cái của Ngài phải chịu biết bao nhiêu
khổ hạnh, ăn thì bữa đói bữa no đặng tạo dựng Đền Thánh, đến bây giờ thành tướng
làm cho Vạn quốc ngó thấy, trông vào đều khen ngợi, đó là khối muối của sắp nhỏ
trở nên hình đó, do sự nhẫn-nại, nhọc nhằn của sắp nhỏ mà nên đại nghiệp ngày
nay đó vậy. May thay! Đám con chí hiếu của Ngài trước sao sau vậy, liều mảnh
thân phàm nầy làm con tế vật cho Đạo. Cả thảy Hội-Thánh tưởng lại coi tạo dựng
một dinh thự Nữ-Đầu-Sư-Đường như vậy chỉ có 250.000$ (hai trăm năm chục ngàn đồng
bạc chẵn) có tay thợ nào dám làm không? Tôi dám chắc không dám. Bởi vì giọt mồ
hôi, nước mắt của sắp nhỏ nó đổ vô trong này bằng ba lần như vậy, đó chỉ có nhờ
thiên hạ cho mớ vật liệu hòa với giọt mồ hôi đám sắp nhỏ mà nên hình tượng đó vậy.
Các Con, các Em để ý coi Ông già đó, Ổng không chịu thiếu nợ ai hết, công nghiệp
của mấy Em, Ông trả nơi thế nầy không đặng thì về cửa Thiêng Liêng Hằng Sống Ổng
cũng trả cho được Ổng mới nghe. Các con đã ngó thấy, những đứa con hiếu hạnh của
Ông giờ phút nầy có biết định phận của nó thế nào đối với Thánh Thể. Mấy đứa
trong Quân Đội bây giờ là ai? Là đám công thợ buổi trước tạo dựng nghiệp Đạo rồi
nó còn hy sinh xương máu bảo vệ đại nghiệp cho con cái của Ngài nữa, đương đầu
với những trở lực oai quyền, hiện giờ nó nuôi lại Em nó, chia từ miếng cơm manh
áo cho mặc. Cả đại nghiệp nầy là nhờ đám con chí hiếu của Ngài tạo dựng nên, chớ
Tôi không làm gì được hết, chỉ có là đốc thúc vô cho chúng nó làm, chớ thân nầy
ôm viên gạch cũng không nỗi. Bần-Đạo chỉ mong có một điều là toàn thể con cái của
Ngài Nam Nữ mỗi ngày đều tưởng tượng đến công khó nhọc Anh Em nó, khó nhọc của
đồng bào toàn thể nước nhà, nòi giống đã tạo dựng nên nghiệp ấy, lấy cả sự nghiệp
nầy làm môi giới, giữ đạo đức làm bùa hằng tâm, thương yêu với nhau, giữ nghĩa
với nhau cho đến bảy trăm ngàn năm (Thất ức niên) theo lời của Đức Chí-Tôn đã định,
dầu Bần-Đạo còn ở đây hay về cõi Hư Linh. Cung ấy an lạc đi nữa, cũng nhớ đến đại
nghiệp con cái của Ngài và Bần-Đạo dám đại ngôn với Ngài rằng: Con cái của Ngài
giữ tâm chí hiếu với Ngài và đối với Phật Mẫu cũng vậy”.
Bấy giờ dài theo trục đại-lộ lần lượt có các dinh thự như: Giáo Tông đường,
Hộ-Pháp đường, Tòa nhà Hiệp thiên Đài, Báo-Ân-Từ, Nhà Hội Vạn Linh cùng nằm một
phía đối diện, tức là tất cả nằm về hướng Tây ngó mặt về Đông. Còn Đền Thánh là
nằm bên hướng Đông ngó mặt về chánh Tây, cung Đoài. Tất cả đều hợp theo lý Dịch.
Xem như về phương hướng, kích thước, kiểu vở đều do Đức Hộ-Pháp học hỏi nơi
Thiêng liêng và chính Ngài làm Đốc công, chứ không một Kiến trúc sư nào đảm
trách hay vẽ họa đồ cả. Điều đặc biệt là với Đền Thánh thì kiến thiết xong mới
vẽ họa đồ sau. Người vẽ họa đồ là Đức Lý Thái Bạch Kim-Tinh (Giáo Tông vô vi)
điều hành mọi việc.
Đây là Tòa nhà của Đức Hộ-Pháp (Hình bên ngoài nhìn vào), tức là nơi làm việc
của Hộ Pháp - Giáo chủ Đạo Cao Đài về phương diện hữu hình Còn Giáo chủ về vô
vi (Thiêng liêng) thì do quyền hành của Đức Chí-Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Hộ Pháp Đường là tòa nhà lớn dành làm văn phòng làm việc của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc và cũng là nơi nghỉ ngơi của Đức
Ngài ngoài giờ làm việc. Hộ Pháp Đường được xây dựng trong Nội Ô Tòa-Thánh, bên
cạnh Báo Ân Từ và Văn phòng Hiệp-Thiên-Đài của chư vị Thời Quân, cùng nằm trên
đại-lộ Phạm Hộ-Pháp.
■ Đôi liễn nơi cổng Hộ Pháp Đường khi xưa, khởi đầu bằng hai chữ HỘ PHÁP:
- HỘ chấp Thiên cơ quản suất Càn Khôn an thế giới,
- PHÁP quyền xử định hòa bình thiên hạ tổng hoàn cầu.
護 執 天 機 管 率 乾 坤 安 世 界
法 權 處 定 和 平 天 下 總 寰 球
Nghĩa là:
- Che chở và gìn giữ Thiên cơ, cai quản Càn Khôn Vũ Trụ, làm cho thế giới
an ổn,
- Quyền hành chưởng quản pháp luật,
phán đoán sắp đặt hòa bình cho nhơn loại khắp hoàn cầu.
■ Đôi liễn nơi cổng Hộ Pháp Đường hiện nay là đôi liễn của Phạm Môn, nên khởi
đầu bằng hai chữ PHẠM MÔN:
- PHẠM giáo tùy nguơn cứu thế độ nhơn hành chánh pháp
- MÔN quyền định hội trừ tà diệt mị hộ chơn truyền.
梵 教 隨 元 救 世 度 人 行 正 法
門 權 定 會 除 邪 滅 魅 護 眞 傳
Nghĩa là:
- Phật dạy tùy theo thời gian mà cứu độ người đời, thi hành chánh pháp,
- Quyền hành nơi cửa Đạo là định ra khoảng thời gian để diệt trừ tà mị yêu
quái, bảo hộ chơn truyền
■ Trên lầu Hộ Pháp Đường, trước bàn thờ Đức Phạm Hộ Pháp, quí vị công quả
Phạm Môn có làm đôi liễn ghi nhớ công ơn vĩ đại của Đức Phạm Hộ Pháp:
- Đại đức từ bi thủy sáng hoằng cơ chơn pháp tuyên dương truyền chánh giáo,
- Vĩ công cứu thế vĩnh hoài minh huấn chúng sanh sùng bái ngưỡng Tôn sư
大 德 慈 悲 始 創 弘 基 眞 法 宣 揚 傳 正 教
偉 功 救 世 永 懷 明 訓 眾 生 崇 拜 仰 尊 師
Nghĩa là:
- Đức từ bi lớn, đầu tiên gây dựng nền tảng sâu rộng về giáo lý chơn thật,
tuyên dương và truyền bá chánh giáo.
- Công lao to lớn cứu đời, ghi nhớ mãi những lời giáo huấn rõ ràng, chúng
sanh kính phục tôn thờ, chiêm ngưỡng Đấng Tôn sư.
Với những lời khắc ghi
thành liễn đối nơi Tòa nhà của Đức Hộ-Pháp đủ thấy rằng một sự nghiệp vĩ đại mà
Ngài đã cống hiến cho Đạo nghiệp của Chí-Tôn thật là vô đối, từ tuổi thanh xuân
35 cho đến ngày nhắm mắt lìa đời là 70 tuổi nhẹ tách thang mây. Thay vì người đời
thì trối trăn dặn dò, nhưng với những bậc đại căn trong nguơn hội Cao Đài dùng
Huyền Cơ Diệu Bút thì sau khi qui Tiên Đức Ngài
giáng đàn cho ngay bài Thài để làm bài hiến lễ:
Bài Thài hiến Lễ Ðức Hộ Pháp:
(Ngoài ra còn Cúng Tế vào Hàng Tiên vi)
Sinh ngày: 05-05-Canh Dần (1890)
Qui ngày: 10-04-Kỷ Hợi (1959)
Trót đã ba năm ở xứ người,
Ðem thân đổi lấy phút vui
tươi.
Ngờ đâu vạn sự do Thiên
định,
Tuổi đã bảy mươi cũng đủ rồi.
Nhớ tiếc sức phàm thừa chống
chỏi,
Buồn nhìn cội Ðạo luống
chơi vơi.
Rồi đây ai đến cầm Chơn
Pháp,
Tô điểm non sông Ðạo lẫn Ðời.
Đúng 35 năm Đức Ngài phụng sự đại nghiệp của Đức Chí-Tôn bằng cả tinh thần
và thể xác, thế mà khi cỗi bỏ xác trần Ngài vẫn còn “Nhớ tiếc sức phàm thừa chống
chỏi”. Một tinh thần vì Thầy, vì Đạo, vì nhân sanh đến như thế là cùng! Vì sao?
Bởi vì sự luyến tiếc của Đức Ngài là có duyên cớ: “Buồn nhìn cội Ðạo luống chơi
vơi”.
Chứ suy kỹ ra cuộc đời này có gì mà Ngài phải luyến tiếc. Hãy nghe lời phân
trần của Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước bày tỏ trước kỳ Hội nghị ở Tokyo (Nhựt):
“Hồi tưởng lại việc đã qua trong các
thời xưa, nhứt là thời cận đại và lấy kinh-nghiệm xét-đoán, chúng tôi nhận thấy
hễ nơi nào sôi-nổi phong-trào náo loạn lôi cuốn con người vào chốn diệt vong
thì cập theo đó sản-xuất một mối Đạo mới để cứu vớt sanh-linh khỏi cơn đồ thán.
Như trước kỷ-nguyên Thiên-Chuá giáng sanh, nhơn-loại cơ hồ bỏ qua lời truyền
của Đức Phật Thích-Ca vạch rõ con đường Bát-chánh để làm phương giải khổ.
Quên hẳn lời dạy của Đức Khổng-Tử giữ Đạo Nhân-luân, tạo nhân kết nghĩa để
làm cửa điều-hoà xã-hội và vì khinh-thường Huấn-ngôn của các Đấng ấy, nên cơ Đời
thuở nọ lâm cơn hỗn-độn thì Cơ-Đốc-Giáo ra đời
Cứu-Thế. Chưa mãn hai ngàn năm hoằng khai Công-giáo thì nhơn-loại lần lần
không quan-tâm đến lời của Đấng Christ tiên-tri số-phận điêu-linh của loài người
trong khoảng đời mạt kiếp này. Lời tiên-tri đã ứng-nghiệm thì ĐẠI-ĐẠO CAO-ĐÀI
xuất hiện.
Giống như nhiều vị Giáo-Chủ đã qua vì sứ-mạng thiêng-liêng phải chịu hãm
thân vào vòng thương-khổ, lấy khổ-hình đổi làm phúc-hậu cho chúng-sanh. Chức-sắc
lãnh-đạo của chúng tôi không thoát khỏi
nạn khảo nặng nề dường ấy, nên có người phải tử vì Đạo, có kẻ vào khám ra tù, chính Đức Hộ-Pháp Phạm-Công-Tắc
cũng phải bị đồ lưu năm năm nơi Hồng-Đảo, chỉ vì TỘI THƯƠNG-YÊU chớ không phạm
tội gì khác”.
3 - GIÁO TÔNG ĐƯỜNG
教宗 堂
E: The office of the Pope
Giáo-Tông Đường là tòa dinh thự dùng làm nơi làm việc của Đức Quyền Giáo-Tông Lê văn Trung. Sở dĩ gọi là “Quyền Giáo
Tông” vì Đức Ngài chưa phải là Giáo Tông chánh vị. Quyền hành Giáo-Tông chánh vị
thuộc về vô vi do Đức Lý Thái Bạch Kim Tinh kiêm nhiệm. Đây là điểm đặc biệt của
Đại-Đạo Tam-kỳ Phổ-Độ ngày nay, ấy là thể theo tinh thần Trời – Người đồng trị:
Người trị xác, Trời trị hồn.
Bước vào tòa GIÁO TÔNG ĐƯỜNG này du khách sẽ thấy nơi cổng vào có đôi liễn
đối. Giá trị liễn đối là lời tôn tặng một bậc đại công của nền Đại-Đạo đã dành
trọn cuộc đời cho Đạo pháp. Đây là đôi liễn đối đặt ngay cổng vào Giáo Tông Đường,
nhưng hạnh phúc nhứt là ngay ngày Lễ Đại Tường của Đức Ngài, được đồng Đạo ngưỡng
mộ công đức cao dày của Đức Ngài đã tám năm khó mỏi với việc Đạo mới hoằng
khai. Thế mà Ngài đủ phương chước điều đình những kẻ phá rối cốt làm lọan Đạo;
kẻ trong người ngoài không thiếu. Đấy cũng là phương thử gan kiên trì thiết thạch
của bậc Anh Cả nhơn sanh mà Đức Chí Tôn
đã lựa chọn, nhất định không lầm.
Đôi liễn này do ông Giáo Sư Thượng Hoài Thanh giáng cơ đặt ra, được Đức Quyền
Giáo Tông Lê Văn Trung chấp nhận trong đàn cơ tại Giáo Tông Đường ngày 16-10-Ất
Hợi (dl:11-11-1935)
Phò loan: Hộ Pháp - Tiếp Đạo.
- GÍÁO hóa nhơn sanh nhựt nhựt trung tâm qui thiện quả.
- TÔNG khai tăng chúng thời thời trọng Đạo hiệp chơn truyền
敎 化 人 生 日 日中 心 歸 善 果
宗 開 僧 眾 時 時重 道 合 眞 傳
Giải thích:
Câu 1: Việc Giáo hóa nhơn sanh cho mỗi ngày mỗi giữ được cái tâm trung dung
để được trở về ngôi vị nơi cõi thiêng liêng. (Giáo hóa: dạy bảo để biến đổi con
người từ xấu thành tốt. Nhựt nhựt: ngày ngày, ý nói mỗi ngày mỗi... Trung: ở giữa,
không thiên lệch, là đạo Trung Dung của Đức Khổng Tử. Tâm: lòng dạ, cái tâm của
con người. Qui: trở về. Thiện quả: trái lành, ý nói ngôi vị thiêng liêng của
người đắc đạo đạt được).
Câu 2: Đạo mở ra cho dân chúng tu hành, luôn luôn tôn trọng đạo đức cùng với
chơn truyền. (Tông: tôn giáo, đạo. Khai: mở ra. Tăng chúng: những người tu
hành. Thời thời: luôn luôn. Trọng đạo: tôn trọng đạo đức. Hiệp: hợp với. Chơn
truyền: giáo lý chơn thật được truyền lại).
Hãy nghe lời tường thuật về đám Đại Tường của Đức Ngài vào ngày 13-10-Âm lịch
(1937) do Tạp chí Ðại.
Ðạo số 5 Janvier 1937 tường thuật:
“Tới Tòa Thánh đã thấy được một cái cửa vô đồ sộ, kế ở bên trong hai nhà kỷ
niệm Nam Nữ rất ngộ nghĩnh. Từ cửa vô tới Ðại Ðồng Xã, tới Giáo Tông Ðường, Hộ
Pháp Ðường, Báo Ân Từ.. thì cờ Ðạo phất phới xem rất vui mắt. Công cuộc sắp đặt
tại Ðại Ðồng Xã có trật tự và oai nghiêm lắm. Ngang qua cái hầm Bát Quái trước
Tòa Thánh có bắc một cái cầu rộng lớn mà Ðạo Hữu đều gọi là Ngân Hà Kiều. Qua cầu
rồi tới một cái cửa Tam Quan bề cao trên bảy thước, bề dài 12 thước, trên hết có
vẽ thật lớn mấy chữ "Ðại Ðồng Xã” và “Place de la Fraternité
universelle". Trên đầu cửa giữa có đề năm “1925 – 1936” hai bên là hai câu liễn Giáo Tông như trên
Hai cửa vô hai bên là cửa "Nữ Phái" và "Nam Phái" trên
có vẽ nhành Nho có lá, trái, thể Tinh- Khí-Thần hiệp nhứt. Hai bên cửa giữa có
treo những hình của Ðức Quyền Giáo Tông một bên về phần đời, một bên về phần Ðạo
của Ngài. Hai bên cửa Nam Nữ thì treo hình lễ an táng của Ngài. Cả lịch sử vẻ
vang của Ngài đều bày giải rõ tại đó cho mỗi người đều được biết. Vào khỏi cửa
Ðại Ðồng Xã rồi thì thấy chính giữa sân một cây cờ Ðạo rất lớn, cờ màu trắng có
ba vòng xanh, vàng, đỏ kết tréo ngang thể Tam Giáo qui nhứt. Ở mút
đầu sân Ðại Ðồng là đài Cửu Trùng Thiên bề cao 9 thước, bề dài 20 thước, chính
giữa có một chữ VẠN màu vàng thật lớn, trên hết là bức chơn dung của Ðức Quyền
Giáo Tông vuông vức mỗi bề tám thước. Hai bên Cửu Trùng Thiên từ hai góc bức
chơn dung, hơn 16 thước bề cao, có giăng qua hai bên rừng Thiên Nhiên hai hàng
cờ Pháp Quốc và Vạn Quốc.
Đức Hộ-Pháp nói: “Thưa cùng chư Chức-sắc Thiên Phong Cửu Trùng Đài Nam Nữ !
Cái ngôi của Ngài tạo dựng, cái ngôi Giáo Tông-Đường của Ngài đã ngồi trên ấy,
đầu tiên hết, cái ngôi ấy nó sẽ để nơi đất Việt-Nam này một cái báu vật quí giá
vô cùng, từ thử tới giờ chưa hề có. Bần-Đạo ngó qua Vatican, cái Ngai của Đức
Giáo-Hoàng Saint Pière thế nào, thì Bần-Đạo có lẽ nói rằng và cũng có thể mơ-ước:
cái ngôi của Thượng-Trung Nhựt lưu lại nơi thế này nó sẽ trở nên thế ấy.”
Hiện tại nền tảng phong-hoá đã bị lung-lay Đức Chí-Tôn cho người con trưởng
của Người đến là Đức Quyền Giáo-Tông.
Đức Hộ-Pháp nói:
“Giữa thế kỷ hai mươi nầy, toàn địa
cầu nhơn sanh đều xu hướng về đường vật chất, đua tranh náo nhiệt, mạnh đặng yếu
thua, khôn thì còn, dại thì thác, làm cho cả cá nhơn hay là trọn xã hội nào
cũng vì sanh hoạt khó khăn mà quên hẳn tinh thần vi chủ.
Hại thay! Cơ quan của đời hiện hữu lại do nơi quyền năng vật dục mà thành
hình, đến đỗi trừ tinh thần ra thì trí thức con người cũng lậm nhiễm lấy quyền
duy vật, đạo đức tinh thần xem ra càng ngày càng mòn-mỏi. Nếu chúng ta thấy cơ
quan hành động của các Tôn-giáo còn mảy-may duy trì lại có đặng là nhờ khuôn
viên tập tục chớ chẳng phải nơi tâm lý chuẩn-thằng.
Qua trận sát khí Âu-Châu, những bậc ưu thế mẫn thời để tâm nghiên cứu
nguyên thủy sự bất hòa của toàn cầu do đâu mà sản xuất thì đã thấy đặng hiển
nhiên rằng: Tại dân quá khiếm phần đạo-đức, những Tôn-giáo đương thời hoặc là bị
buộc ràng vào tôn-chỉ hẹp hòi, hay là bị triết-lý oai-nghiêm mà làm cho phân
chia tâm lý, nên không thể dung hòa làm môi giới cho Đại-đồng thiên hạ. Thuyết
giao tình các Tôn-giáo là thuyết trọng-yếu của nhà hiền triết Á-Âu buổi nầy.
Ôi ! Hạng trí thức nhơn sanh ấy, khi xem đặng con đường nguy hiểm của văn
minh duy vật dong ruổi thẳng tới chừng nào thì lại càng âu lo khủng khiếp cho
tương lai nhơn loại buổi sau kia chừng nấy.
Ðời chẳng khác nào như chiếc thuyền chịu sóng gió ba đào lênh-đênh khổ hải.
Những khách giang hồ của tạo công ai lại chẳng phập-phồng rơi châu đổ ngọc.
Trong cơn khổ não tâm hồn ngẫu nhiên lại gặp cứu tinh giải nạn là Ðại Ðạo Tam-Kỳ
Phổ Ðộ của Thượng-Ðế chấn hưng Tôn-giáo. Người đến đặng nhìn nhận các Ðạo là
phương giáo-hóa của Người và dung hợp các triết-lý của đời dưới phép lương tâm
làm chủ. Dầu ai để chút tâm nghiên cứu thì đủ hiểu cơ quan chuyển-thế rõ ràng
nên không cần luận giải.
Từ năm Bính-Dần (1926) là năm Ðạo mở tại Nam Kỳ, đến nay Anh Cả chúng tôi
là Lê-Văn-Trung Ðạo-tịch Thượng-Trung-Nhựt ra đảm nhiệm vai tuồng rất lớn lao,
quan hệ là phổ-độ dìu dắt nhơn sanh vào đường Chánh giáo. Một mối Ðạo rất cao
thâm mầu-nhiệm mà chính mình Ðức Thượng-Ðế đem gieo truyền trong nước nhỏ nhen
như Việt-Nam ta đây, thiết tưởng sự khó khăn chẳng nhỏ, mà Anh Cả chúng tôi trọn
chịu 9 năm trường, chẳng quản nhọc-nhằn, ra tay chống vững Ðạo thuyền, bền chí
lướt qua khổ hải.
Ðạo mở vào buổi nhơn sanh đang khuynh hướng về đường vật-chất thì cái
Tôn-chỉ Ðạo tất phải có thiệt lực gì cực kỳ mãnh liệt mới dung hòa nỗi hai thuyết
duy tâm và duy vật, mà phải hạp thời thì nhơn sanh mới chịu hoan nghinh mà bước
vào cửa Ðạo. Nếu Ðạo mà không có cái Tôn-chỉ duy-tân cải cách theo trình-độ tiến
hóa của nhơn sanh thì Ðức Thượng-Ðế chẳng cần nhọc công tái lập, vì Ðạo vẫn có
từ tạo Thiên lập Ðịa mà trong nhân-gian cũng đã lập thành nhiều nền Tôn-giáo để
tùy thời mà tế độ quần linh. Trong các Tôn-giáo ấy như Phật-giáo, Lão-giáo,
Nho-giáo, Cơ-Ðốc-giáo, cũng có nhiều triết-lý cao siêu, có thể cứ do theo đó mà
hành Ðạo cũng đặng tiến-hóa, nhưng mỗi Tôn-giáo ấy đều có một Tôn-chỉ đặc biệt,
có thể hạp với mỗi phong hóa tùy mỗi thời đại, chớ không đặng một Tôn-chỉ thống
nhứt hạp theo thời đại buổi bây giờ. Ðạo đã có những điều kiện tối tân như thế
thì tất phải có người tài đức ra làm hướng đạo mới hiểu rõ Tôn-chỉ của Ðạo mà
truyền bá cho nhơn sanh khỏi lầm đường lạc lối và cũng phải có đại hùng đại lực
mới gánh vác nỗi trách-nhiệm lớn lao của Ðại-Ðạo.
Anh Cả chúng tôi đây, trước khi vào Ðạo vẫn là người duy vật cũng như mọi
người khác, ngoài đời vì đường danh lợi, Người cũng chẳng nhượng chi ai, kịp
khi Ðạo mở Ðức Thượng-Ðế kêu đích danh Người mà phú thác Ðạo Trời.
Phong-trào duy vật đang sôi nổi, người lại đương thời phấn đấu, mà Người
cũng vui lòng phế hết việc đời để hiến thân cho Ðạo. Buổi ban sơ mới có vài ba
anh em trong Ðạo, cũng có kẻ trắng người đen, không đồng tâm chí, lẫn nghịch
cùng nhau, rồi nào ai dám chắc sẽ ra làm sao đâu? Nhưng vì lòng háo đức của Người
sẵn có, nên Người không chút ngại-ngùng bạo gan chí-sĩ mà hiến mình trọn vẹn lập
Ðạo mới thành: công ấy, thưởng nầy làm Anh Cả chúng sanh cũng đáng.
Vào Ðạo rồi, khi thì lập Ðàn thỉnh giáo cùng các Ðấng Thiêng-Liêng, khi đi
phổ-độ khắp Nam Kỳ, không nói ra ai ai cũng rõ, những nỗi khó khăn về sự hội hiệp
ở xứ mình cho nên lúc khai Ðạo phải gặp nhiều nỗi tân khổ, lại còn nhiều nỗi
cam go đối với Ðạo-hữu các nơi. Khi Ðạo đã có mòi hoằng-hóa, sau lại Hội-Thánh
Ngoại Giáo thành lập ở Kiêm-Biên, tuy gặp lắm nỗi truân chuyên mà Người cũng cứ
nhứt tâm nhứt đức do đường thẳng tiến hành, không bao giờ nản lòng thối chí.
Vì sao Ðức Thượng-Ðế không chọn người nào khác, lại đem mối Ðạo lớn lao mà
trao lại cho Người lúc ban sơ ? Mà những người có công tu luyện theo Ðạo này, Ðạo
khác cũng chẳng hiếm gì, mà sao Ðấng Chí Tôn không dùng ai trước ?
Có ai dám nói Ðấng Chí-Tôn dùng lầm!
Vậy thì, Tôn-chỉ của Ðại-Ðạo đã biểu lộ ra rõ ràng bí quyết đoạt Ðạo chẳng
phải do một mặt yểm thế để tịnh dưỡng tinh thần, mà lại phải lịch-lãm nhơn sự
và phải siêu quần xuất chúng, rồi lấy đạo đức mà cứu vớt nhơn quần.
Xã hội phải tùy sở nhu của chúng sanh mà lập phương phổ hóa thì cái công tu
luyện kia mới bổ ích cho. Vì vậy mà Anh Cả chúng tôi mới đắc dụng trong Ðại-Ðạo
Tam-Kỳ Phổ-Ðộ.
Anh Cả chúng tôi là người gồm có nhiều điều kiện hạp với tân thời, mà cũng
không nghịch với phong hóa cũ.
Vậy nên Ðấng Chí-Tôn mới dùng người để làm mô phạm cho anh em Ðạo-hữu và
cho đời thấy rõ một phần chơn lý trong Tôn-chỉ Ðại-Ðạo.
Theo thời đại khoa học đương nỗ lực phát dương này, nếu đem cái thuyết duy
tâm cực đoan mà phổ hóa chúng sanh không khỏi bỉ lậu, còn nếu chuyên một mặt
duy vật mà tiến hành thì xã hội phải có ngày tiêu diệt về nạn cạnh tranh phấn đấu.
Vậy phải chiết trung hai thuyết mà dung hòa thì đời mới đặng vừa tấn hóa theo
văn minh khoa học, vừa duy trì đặng tâm hồn đạo đức. Nhờ hiểu ý nghĩa cao thâm
như vậy mà Anh Cả chúng tôi không vì hoàn cảnh mà phải quá ư thiên lệch về một
mặt nào.
Chúng tôi còn nhớ lời tuyên bố rất thành thật của Anh Cả chúng tôi như vầy:
"Ngày nào nhơn sanh còn khốn khổ, thì chưa phải ngày Anh tọa hưởng an
nhàn. Dầu Anh đắc quả mà qui Tiên đặng sớm, Anh cũng nguyện tái kiếp để độ tận
chúng sanh”.
Hùng hồn thay! Bác ái thay là lời tuyên bố ấy!
Không cần khoe khoan bằng văn chương tuyệt bút mà những lời chất phác trên
kia cũng tả đặng tâm tình của một trang Đại đức. Theo thế thường người nào đi tu cũng có cái
hy vọng đắc Ðạo thành Tiên, chớ ít ai lẫn-lộn trong chốn trần-la vì sợ khổ tâm
nhọc trí. Vậy mà Anh Cả chúng tôi chẳng hề nao núng, thậm chí có người lo sợ
dùm, nên đến khuyên Người giải quyền nhập tịnh cho yên, mà Người nói rằng: “Dầu
phải thời tử Ðạo, Người cũng vui lòng, chớ Người không vì sợ chết mà bỏ phận sự”.
Xem đó thì đủ thấy cái đại chí của Người, vì Người thấu mục đích tối cao của Ðạo.
Mà Tôn chỉ của Ðạo có cái ý nghĩa “không dữ mà hùng, hòa mà không nhược”. Cái ý
nghĩa đó Anh Cả chúng tôi hiểu thấu mà cũng đã thật hành rồi, nền Ðạo mới đứng
vững đến ngày nay. Anh Cả chúng tôi lại còn hiểu rộng cái nghĩa “Từ bi, Bác-ái”
mênh mông lai láng, nên phải gặp nhiều cái phản động lực của những người thiển
kiến.
Bởi vì Từ-bi Bác-ái mà hiểu nghĩa hẹp hòi quanh quẩn trong hoàn cảnh của
mình thì cũng còn là “ích kỷ”. Anh Cả chúng tôi không vì sự thương thấp thỏi của
thường tình mà bỏ cái thương Đại-Đồng Thế-giái, cho nên phải gặp nhiều nỗi tân
toan. Tuy vậy mà Anh Cả chúng tôi vì công đức hơn là vì tư đức, dầu ai muốn nói
sao thì nói, làm sao thì làm, Người cứ một mực tiến hành, miễn là trong tâm nhứt
quyết đuổi theo một chủ-nghĩa cao siêu của Bề trên phú thác vì lòng tín-ngưỡng
của Người rất là đặc biệt, ít ai sánh kịp.
Ngày nay Anh Cả chúng tôi đã vào cõi Hư-vô rồi, thiết tưởng những phản động
lực kia cũng lần lần giảm bớt. Anh em trong Ðạo cũng đã rõ thấy mà nhận thức
cái chơn lý sờ sờ kia vậy. Cái khó nhất là phải có đủ đức kiên nhẫn để chống lại
với các phản-động-lực ở trong Ðạo và ngoài Ðời. Trong Ðạo cũng vậy mà ngoài Ðời
cũng vậy, có nhiều lý thuyết tương phản nhau vì trí độ phàm của con người không
thể đồng nhau đặng. Kẻ thì ưa thuyết duy tâm, rồi cứ chuyên chú một mặt tiêu cực,
còn người lại thích duy vật thì chuyên chú một mặt tích cực, mà mỗi phía đều cực
đoan thì tránh sao khỏi xung đột. Hai phía xung đột nhau mà bắt Ðạo ở trung
gian làm nơi chiến địa thì kẻ cầm quyền trong Ðạo tránh sao khỏi những nỗi khó
khăn, vì vậy mà Anh Cả của chúng tôi chịu nhiều đau đớn. Ôi! Một Ðấng anh hùng
như thế, một tay kiện tướng của Ðạo như thế, nay đã ra người thiên cổ. Dẫu phải
gan sắt dạ đồng cũng phải rơi châu mà thương tiếc”.
IV - THAM KHẢO TÀI LIỆU:
GIẢI THÍCH NỘI TÂM VÀ NGOẠI
TÂM
ĐỀN THÁNH CAO ĐÀI - TÂY NINH
1 - GIẢI THÍCH ĐỨC DI LẠC CỞI CỌP
- Đức DI-LẠC là một vị Phật cầm quyền làm chủ Hội Long Hoa lần thứ ba, Ngài
ngồi trên nóc Hiệp Thiên Đài vâng lịnh dạy của Đức Chí Tôn và quan sát chấm
công điểm Đạo được đem vào Bạch-Ngọc-Kinh mà dự hội.
- Tượng trưng hình Ngài cỡi cọp là kỷ niệm nền Đại
Đạo khai năm Bính Dần (1926) gọi là “Nhơn sanh ư Dần”
- Bàn Cổ sơ khai Nhơn sanh ư Dần cho nên ngày Ðấng Chí-Tôn mở Ðạo là giờ Tý
(01) ngày 01 tháng Giêng (01) năm Bính-Dần. Ngày ấy Thầy sắp đặt mười hai người
lo khai Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ, mỗi người lãnh phận sự lo đi truyền bá.”
Đôi liễn này xác nhận kinh Di-Lạc là Bản Vi bằng bàn giao giữa Phật Thích
Ca và Đức Di-Lạc:
- DI-LẠC thất bá thiên niên khởi khai Đại-Đạo
-THÍCH CA nhị thập ngũ thế chung lập Thiền môn.
Thầy giáng ban cho đôi câu đối trên
trong ngày Lễ khai Đạo: rằm tháng 10 năm Bính-Dần (dl: 19-11-1926) tại Từ-Lâm-Tự
(Chùa Gò Kén –Tây Ninh) chính là để xác nhận rằng: nguơn hội này của Đức Di-Lạc
đến để khai mối Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ. Còn Đức Thích Ca thì qua 2.500 năm (25
thế kỷ) kết thúc mối đạo Thiền.
2 - GIẢI THÍCH MẶT TIỀN ĐỀN THÁNH
- Đứng về măt tiền mà ngó vào thì Đền Thánh chỉ phô ra phần thứ nhất là Hiệp
Thiên Đài tức là nơi để thông công với Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng Thượng
Đẳng. Hiệp Thiên Đài gồm có:
* Bên Hữu: Bạch Ngọc Chung Đài
* Bên Tả: Lôi Âm cổ Đài và chính giữa chánh Điện có ba từng:
- Từng dưới đất (Rez de chaussée)
Bạch Ngọc Chung Đài: Ở về bên hữu tức là cái Đài có chuông bằng ngọc trắng
nhưng hai chữ Bạch Ngọc là do chữ Bạch-Ngọc-Kinh mà ra. Ý nói chuông ấy là do
nơi Thiên Đình mỗi khi đánh chuông thì tiếng ngân của nó thấu đến Phong Đô, mười
cửa ngục đều mở để cho các âm hồn giác ngộ sám hối tiền khiên mà siêu rỗi.
Lôi Âm Cổ Đài: tức là Đài trống sấm nhưng hai chữ Lôi Âm cũng từ trong ba
chữ Lôi-Âm-Tự, là ngôi đền của Đức Phật Thích Ca ngự tại Tây Phương. Mỗi khi có
cúng Đại lễ Lôi-Âm-Cổ nổi lên ba hồi, mỗi hồi 12 chập mỗi chập 12 dùi thì Chư
Thần, Thánh, Tiên, Phật phải đến chầu Ngọc Đế.
Tại sao trước Đền thờ ĐỨC CHÍ-TÔN lại có tượng ba bậc vĩ-nhân của ba nước
Việt- Pháp- Hoa là NGUYỄN BĨNH-KHIÊM, VICTOR-HUGO và TÔN-VĂN mà chúng ta tôn là
Tam Thánh ?
- TIỂU SỬ
ĐỨC NGUYỄN BỈNH KHIÊM (1491-1585)
- Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm hiệu là Bạch Vân Cư Sĩ là người làng Trung Am, Huyện
Vĩnh Lại, Tỉnh Hải Dương, sanh năm Tân Hợi, đời Hồng Đức vua Lê Thánh Tôn. Ông
đậu Trạng Nguyên năm Ất Mùi, đời Mạc Đăng Doanh (1935). Ông làm quan được 8
năm, đến chức Lại Bộ Tả Thị Lang. Tính tình cương trực, ông dâng sớ hạch 18 vị
quan lộng quyền. Sau ông về trí sĩ dựng lên trong làng một cái am gọi là Bạch-Vân-Am
để dạy học trò cùng hưởng thanh nhàn, ngâm thi vịnh nguyệt. Trong hàng môn đệ
ông có Phùng Khắc Khoa, Lương Hữu Khánh và Nguyễn Dữ là những bậc trí tài xuất
chúng. Vua Nhà Mạc cảm phục tài đức ông, nên mỗi khi trong Triều có điều chi
quan trọng, vua liền sai người đến hỏi ý kiến ông, vì ông giỏi về Dịch học và
thuật số, đoán đâu trúng đó. Ông lại làm nhiều thơ Quốc Âm có ý khuyên đời nên
ăn ở theo đạo nghĩa. Ông có để lại một tập thơ gọi Bạch-Vân Thi-Tập và một tập
Sấm gọi là Sấm Trạng Trình. Ông được nhà Mạc phong cho chức Lại Bộ Thượng Thơ,
tước Trình Quốc Công, nên thời nhân gọi ông là Trạng Trình. Ông mất ngày 18
tháng giêng năm Ất Dậu (1585) thọ 95 tuổi.
- TIỂU SỬ ĐỨC VICTOR-HUGO
- Đức Victor-Hugo giáng sinh tại thành phố Besancon nước Pháp năm 1802. Ông
là đệ nhất thi hào nước Pháp vào thế kỷ 19. Lúc thiếu thời ông theo cha qua nước
Tây Ban Nha (Espagne), rồi sang Ý Đại Lợi (Italia), rồi sau cùng trở về nước
Pháp, an trú tại Ba Lê (Paris) và theo học tại trường Bách Khoa. Tánh vốn thông
minh thiên phú, ông học một biết mười và sẵn có một hồn thơ phong phú. Năm 15
tuổi ông đã làm thơ gửi dự thi tại Hàn Lâm Viện Pháp-Quốc và được chấm đậu. Về
sau ông sáng tác rất nhiều thi phẩm tuyệt luân, thể hiện những tư tưởng thanh
cao, những tư tưởng dồi dào, những ngụ ý kín đáo.
Ông định hướng Văn Nghệ Giới theo chủ nghĩa lãng mạn.
- Là chủ nghĩa cảm tình, vô câu thúc, cứ tự do mô tả tính tình và cảm giác
của con người chứ không chịu gò bó trong qui thức nào cả.
- Năm 1841 ông có chân trong Hàn Lâm Viện Pháp Quốc. Sau cuộc cách mạng
1848 ông tham gia Hội Nghị Lập Pháp. Nơi đây ông trổ tài hùng biện
để binh vực chủ nghĩa tự do.
- Nước Pháp của thế kỷ 19 có đủ Quốc Hồn và
Quốc tuý cao cả, phần lớn nhờ hướng theo tư tưởng chánh trị và văn hoá của
ông bộc lộ trong những tác phẩm phong phú về lượng cũng như về phẩm.
- Ông mất năm 1885. Lễ quốc táng, được chính phủ Pháp cử hành long trọng và
thi hài ông được an trí vào miếu Công Thần (Panthéon).
* TIỂU SỬ ĐỨC TÔN TRUNG SƠN
- Ông họ Tôn tên Văn tự Dật Tiên, giáng sinh năm 1866 tại tỉnh Quảng Đông,
huyện Trung Sơn, nên ông cũng lấy hiệu là Trung Sơn. Cha mẹ chuyên vốn nghề
nông nhà nghèo. Lúc nhỏ ông theo anh là Tôn Đức Chương sang ăn học tại Đàn
Hương Sơn - thủ đô quần đảo Hạ-Uy-Di (HonoLulu) - thuộc Mỹ Quốc. Đến năm 18 tuổi
ông trở về Quảng Đông rồi học ở trường Y Khoa Hương Cảng. Ông sớm được hấp thụ
văn hoá Mỹ-Quốc nên có những tư tưỏng tân kỳ, không chịu khuất phục dưới chế độ
độc tài của Triều Thanh lúc bấy giờ. Rồi nhân dịp nhà Thanh suy bại, trong nước
loạn ly, ông bèn sang Áo Môn gây mầm cách mạng.
- Sau trận Trung Nhật chiến tranh (năm Giáp Ngọ) ông trở qua Đàn Hương Sơn
tổ chức Hưng Trung Hội, cổ xuý nhóm kiều bào của ông ở ngoại quốc tham gia
phong trào cách mạng, lúc ấy ông được 29 tuổi.
- Đến năm 1905 ông đề xướng chủ nghĩa Tam Dân và Ngũ Quyền Hiến Pháp.
* Tam dân là: Dân Quyền, Dân lập, Dân sanh.
* Ngủ Quyền là: Quyền Lập Pháp, quyền Hành Pháp, quyền Tư Pháp, quyền Phúc
Quyết (Tức quyền của nhân dân được phủ quyết Pháp Luật hay Chính Phủ hay Nghị
Viện lập ra) và Quyền Bãi miễn (tức quyền dân được cách chức tham quan ô lại).
- Ông lại sang Nhật Bổn tổ chức tại Đông Kinh đảng Trung Quốc Cách Mạng Đồng
Minh Hội kết tụ được nhiều bạn đồng chí đại để như: Huỳnh Hưng, Hồ Hán Dân,
Uông Tinh Vệ. Quyết đánh đổ đế chế Nhà Thanh.
- Năm Tuyên Thống thứ 3 (1911) tháng 3, cuộc đảo chánh của Đảng ông bị thất
bại thảm khốc, có đến 72 liệt sĩ bỏ mình chôn xác tại gò Hoàng-Hoa-Cương ở chân
núi Bạch Vân, ngoài cửa thành Quảng Đông. Đến tháng mười năm ấy ông lại thành
công, đem Dân Quyền thay Đế Chế. Thế là từ đây, người dân nước Tàu gọi là người
Trung Hoa Dân Quốc dưới quyền lãnh đạo của Tổng Thống Tôn Trung Sơn. Không bao
lâu ông nhường chức cho Viên Thế Khải. Đến đây đảng Quốc Dân lại chia rẽ, ông
nhận thấy cần phải tổ chức lại một đảng mới hầu cứu vãn tình hình. Đảng mới lấy
hiệu Trung Hoa Cách Mạng đảng.
- Đến năm Bính Ngọ (1906) Viên Thế Khải xưng Đế rồi lại bị ông hưng binh trừ
khử. Ông mất vào ngày 12 tháng 5 năm 1925 dương lịch trong cảnh thanh bần gia
tài chỉ vỏn vẹn có mấy bộ quần áo và vài ba quyển sách.
4 - GIẢI THÍCH CHỮ KHÍ
- Chữ Khí (đây là bùa chữ Khí) là hư vô chí khí, tức là khí sanh quang, con
người thọ nơi khí sanh quang mà sống. Ấy vậy khí sanh quang là trời. Vì buổi Hạ
Nguơn nầy Đức Chí Tôn có nói: Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự, tức là Đức Chí
Tôn ở sau để quan sát đặng đưa con cái của Ngài vào Bạch Ngọc Kinh. Các thời kỳ
mở Đạo trước, các vị Giáo chủ đứng trước dìu dắt Môn đệ theo sau nên không người
quan sát trọn vẹn, làm thất Chơn Truyền, cho nên tu thì nhiều mà thành thì ít.
Vì vậy mà thời kỳ nầy, Đức Chí Tôn ở sau đặng độ rỗi 92 Ức Nguyên Nhân trong thời
kỳ Hạ Nguơn mạt kiếp này vậy.
Tại sao gọi là Thất Đầu Xà ?
- Xà là Rắn, ấy là loài độc có thể
làm chết người. Bảy đầu tượng trưng cho Thất Tình, nếu người không biết chế ngự
để cho phàm tánh hung hăng cũng độc hại như rắn vây. Ba đầu rắn ngẩng lên sau
lưng Hộ-Pháp tượng là: Hỉ, Ái, Lạc đó là ba mối lành, 4 đầu quay xuống là: Ố, Nộ,
Ai, Dục. Ấy là bốn mối hại, xấu.
- Thất tình lôi cuốn con người vào tội lỗi, hại con người phải chịu đoạ đày
trầm luân khổ ải, cho nên Phật giáo chủ trương diệt thất tình, nhưng ngày nay Đức
Chí Tôn dạy người tu phải chế ngự thất tình mới mong đắc đạo
- Tích vua Phục Hy (đời Ngũ Đế) nơi sông Mạnh Tân có nổi lên một con quái vật
mình ngựa, đầu rồng, làm cho nước dâng lên và sóng gió. Khi vua Phục Hy ra xem
và nói rằng: Nếu nhà ngươi đem báu vật cho ta thì vào, con Long Mã từ từ hiện
lên, quì xuống mà dâng Ấn Kiếm và Bát Quái Hà Đồ cho Ngài làm vua trị thế. Ngài
lấy Bát Quái Hà Đồ phân định phương hướng, toán định mà lập Đạo, dạy dân, ấy là
Đạo phát khai tại phương Đông trước hết, lần lần truyền qua phương Tây.
- Long Mã là vật đem tin truyền đạo, nên từ hướng Đông chạy sang hướng Tây
rồi quay đầu lại hướng Đông, ấy là “Thiên địa tuần hoàn châu nhi phục thuỷ- Đạo
xuất ư Đông” ngày nay Đạo Cao-Đài mở lại hướng Đông lập đời Thánh Đức, ấy cũng
là Thiên thơ tiền định. Thầy có nói: “Khai Đạo muôn năm trước định giờ” đều có
lý cớ..
- Bát Quái Đài là nơi thờ các Đấng Thiêng Liêng.
* Trên hết là thờ Trời bằng Quả Càn Khôn và Thiên Nhãn.
- Quả Càn Khôn tức là vũ trụ. Trong Quả Càn Khôn có 3072 Ngôi Sao - thay thế
cho Tam Thiên Thế Giới và Thất Thập Nhị Địa Cầu.
- Thiên Nhãn là sự soi xét thấy cả mọi việc trong Càn Khôn vũ trụ tức là Trời,
Trời huyền diệu biến hoá vô cùng, bao quát cả thế gian chớ Trời không hình ảnh.
Bát Quái biến Càn Khôn nên Trái Càn Khôn để trên Đài Bát Quái, Càn Khôn sinh vạn
vật. Ấy là Đấng Tạo Hoá (Tượng trưng cho Trời vậy).
- Thời kỳ Hạ Nguơn nầy Đức Thượng Đế đem các vị Giáo Chủ hiệp lại, đến mà
kêu các Môn Đệ nhìn Thầy kỳ thứ ba giáng xuống để chuyển thế và cứu thế hầu rước
Cửu nhị ức nguyên nhân đem về cõi thiêng liêng.
* Kế dưới thờ các vị giáo chủ Nhị Kỳ Phổ Độ (tức là Thầy của nhơn loại) là
Tam giáo và Ngũ Chi:
Tam Giáo:
- Giữa là Đức Phật Thích Ca, Giáo Chủ Đạo Phật, sinh ngày mồng 8 tháng 4,
năm thứ 24 Vua Chiêu Vương đời Nhà Châu.
- Phía bên phải (Trong nhìn ra) là Đức Lão Tử, Giáo Chủ Đạo Tiên, sinh ngày
15 tháng 02 năm Đinh Dậu, đời vua Võ Đinh Nhà Châu.
- Phía bên trái (của Đức Chí-Tôn) là Đức Khổng Phu Tử, Giáo Chủ Đạo Nho
sinh ngày 15 tháng 9 năm Kỷ Dậu, vua Linh Vương đời Nhà Châu.
Ngũ Chi Đại-Đạo:
Ấy là Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo, theo vị trí phần
giữa tính từ dưới lên trên:
- Nhơn Đạo từ ngôi Giáo Tông trở xuống. Giáo Tông là Anh cả của nền Đại-Đạo,
là người cầm giềng mối và Chưởng Quản Cửu Trùng Đài do Đức Lý chấp chưởng. Đức
Ngài là người công bình chánh trực, nên Đức Chí Tôn chọn Ngài làm Nhứt Trấn Oai
Nghiêm và thay mặt cho Tiên Giáo.
- Thần Đạo Đức Khương Thái Công (Khương Thượng) là Giáo Chủ Thần Đạo, Ngài
vâng mạng lịnh
Ngọc Hư đến lập bảng Phong Thần đời Nhà Châu.
- Thánh Đạo do Đức Jésus-Christ là Giáo Chủ Đạo
Thánh, Ngài vâng mạng lịnh Đức Chúa Trời xuống thế chuộc tội cho nhân loại
lần thứ nhì. Ngài mở Đạo Thánh tại xứ Âu Châu.
- Tiên Đạo Tức Lão Tử là Giáo Chủ Đạo Tiên. Ngài lập Đạo Tiên tại nước
Trung Hoa để phổ hoá chúng sanh đời nhà Châu..
- Phật Đạo Đức Thích Ca làm Giáo Chủ Đạo Phật, Ngài lập đạo Phật tại nước Ấn
Độ để độ rỗi chúng sanh đời Nhà Châu. Năm mối Đạo nầy họp lại thành: Ngủ Chi Phục
Nhất.
Bức đồ trên là khai triển “Thánh Tượng Ngũ Chi” hiện nhơn sanh đang thờ trong mỗi nhà để sùng bái và Tứ Thời nhựt tụng.
Bức Thánh Tượng có đủ Tam Giáo, Tam Trấn và Ngũ Chi Đại-Đạo.
- Tam giáo như trên đã trình bày.
-Tam Trấn: thay quyền Tam Giáo trong kỳ Ba Phổ Độ này:
* Phât Quan Âm thay quyền Phật Đạo (Nhị Trấn)
* Đức Lý Giáo Tông thay quyền Tiên Đạo (Nhứt Trấn Oai Nghiêm)
* Đức Quan Thánh Đế Quân thay quyền Thánh Đạo (Tam Trấn Oai Nghiêm)
* Ngũ Chi Đại-Đạo: (hàng giữa) từ trên xuống là: Thích Ca Mâu Ni, Thái Bạch
Kim Tinh, Gia-Tô Giáo Chủ, Khương Thượng Tử Nha, Giáo Tông Đại-Đạo Tam kỳ PĐ.
- 28 cây cột Rồng trong Đền Thánh là thay thế cho Nhị Thập Bát Tú, tức là:
Thần, Thánh, Tiên, Phật vậy. Vì nơi Bạch Ngọc Kinh thì Đức Chí Tôn ngự có Thần,
Thánh chầu. Nay Đền thờ Đức Chí Tôn thay thế cho Thần Thánh bằng Rồng chầu Chí
Tôn.
- Nhứt Kỳ Phổ Độ Đức Nhiên Đăng làm chủ Hội.
- Nhị Kỳ Phổ Độ Đức Di Đà làm chủ Hội.
Rồng có nhiều màu sắc là có 3 kỳ lập Giáo thì có 3 Hội:
* Nhứt Kỳ Phổ Độ -Thanh Vương Đại Hội
-(màu xanh)
* Nhị Kỳ Phổ Độ - Hồng Vương Đại Hội
-(màu Đỏ)
* Tam Kỳ Phổ Độ -Bạch Vương Đại Hội -(màu
Trắng)
- Tam Kỳ Phổ Độ Đức Di Lạc làm chủ điểm Đạo nên Rồng Trắng ở tại Bát Quái
Đài, ấy là chánh thời kỳ của sắc trắng.
- Rồng Vàng đứng chung quanh Bát Quái Đài thay thế chư phật chứng Hội Long
Hoa.
- Thiên Nhãn là ngôi Thái Cực tức là Trời. Nhãn là chủ của Tâm nên Tâm ta động
thì Trời đã biết. Tâm ta tưởng Trời tức có Trời trước mặt dầu ở phương nào cũng
vậy. Ấy là Phật tức Tâm - Tâm tức Phật. Đức Chúa cũng chỉ Tâm làm nguồn cội của
con người vậy.
- Thiên Nhãn là Ngôi Thái Cực. Vì thời kỳ chưa phân trời đất vẫn còn mờ mờ,
mịt mịt; khi Thái cực nổ mới có ánh sáng: Khí thanh bay lên làm Trời, khí trược
chìm xuống làm đất. Ấy là Lưỡng Nghi tức là tượng trưng hai bụi sen. Âm Dương
Lưỡng Nghi sanh Tứ tượng ấy là bốn cái gương sen. Khi có trời đất mới phân định
4 hướng là: Đông, Tây, Nam, Bắc.
- Tứ Tượng biến thành Bát Quái. Ấy là tượng tám cái lá. Khi định bốn phương
rồi mới sinh ra tám hướng là: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài.
- Mười hai cái ngó sen là Thập Nhị Khai Thiên. Số 12 là số của Trời, tức là
12 con giáp: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
- Mười cái bông sen tượng Thập Phương Chư Phật, vì nơi Niết Bàn mới có toà
sen, ấy là cõi Phật. Các Đấng Thần, Thánh trước kia cũng mang xác phàm ở nơi
cõi trần mà không nhiễm trần, lại tìm chân lý mà độ rỗi chúng sanh nay được đắc
vào bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật vậy. Còn sen là vật dưới bùn mà không nhiễm
bùn, lại có thanh danh là liên hoa tên gọi là toà sen, không nhiễm bùn trọng
trược nên cho là Cõi Phật.
Hình Tam Giác và 16 Tia hào quang trong Khuôn Thiên Nhãn với ý nghĩa:
- Thiên Nhãn là Trời, hình Tam Giác là Tam Giáo. Tôn giáo nào cũng do nơi
trời mà có, Tôn giáo nào cũng có qui củ chuẩn thằng, ấy là bộ luật (tức là cây
thước).
- 16 tia bao quanh Thiên Nhãn: 9 tia trên tượng Cửu Thiên Khai Hoá. 7 tia
dưới tượng Thất Tình. Ý nghĩa là tôn giáo nào cũng phải chế ngự thất tình, cho
con người nương theo Cửu Thiên Khai Hoá mà về hiệp với trời.
- Trên tấm khuôn diềm trước mặt tiền là Ngũ Chi Đại Đạo, Tam Giáo và Tam Trấn.
- Ngay chính giữa: Đứng trên là Đức Thích Ca Như Lai Phật, Đức Lý Thái Bạch,
Đức Chúa Giê Su, Khương Thượng Tử Nha, nhìn ngay xuống dưới là Bảy Ngai của Cửu
Trùng Đài thay cho Nhơn Đạo (Giáo-Tông).
- Phía Tả: Chính giữa là Lão Tử, kế là Đức Phật Quan Âm Bồ Tát
- Phía Hữu: Ở giữa là Đức Văn Tuyên Khổng Thánh, kế là Đức Quan Thánh Đế
Quân.
Số 5 ở giữa chính là Ngũ Trung:
* Ở Trời là Ngũ
Khí,
* Ở Đất là Ngũ
Hành
* Ở Người là Ngũ Tạng
10 - GIẢI THÍCH KHUÔN DIỀM BÊN TẢ CÓ BÁT TIÊN
- Khuôn Diềm bên tả thì có BÁT TIÊN là:
- Lý thiết Quả -
Hớn Chung Ly
- Lữ Đồng Tân -
Trương Quả Lão
- Tào Quốc Cựu -
Lam Thể Hoà
- Hàn Tương Tử - Hà Tiên Cô
- Khi cất Đền Thánh xong, Đức Hộ Pháp không hiểu nên để Thất Hiền hay Thất
Thánh nên Đức Ngài cầu Đức Lý Đại Tiên giáng cơ chỉ giáo. Đức Lý Ngài nói rằng:
- Đáng lẽ phải để Thất Hiền, bởi vì trước kia khi trời đất chưa mở mang,
khí Hư Vô còn hỗn-độn hiêp kỳ Âm Dương để khai khán Lưỡng Nghi định vị rồi khí
nhẹ nổi lên là trời, khí nặng chìm xuống là đất, rồi từ đó mới có hoá sanh trên
mặt địa cầu, lúc đó Chí Tôn, Phật Mẫu mới cho xuống tại thế 100 ức nguyên nhân
nơi mặt đất. Đất bình địa lấy chi ăn mà sống, nên có 7 ông Hiền tình nguyện xuống
trước gọi là Thất Hiền gồm:
- Kế Khang (223-263) -
Nguyễn Tịch (210-263)
- Sơn Đào (205-283) - Hướng Tú (221-300)
- Lưu Linh (220-300) - Vương Nhung (234-305).
- Nguyễn Hàm
Bảy ông này: Ông đào sông, ông tạo núi, ông bắt cầu, ông đắp đường, ông trồng
hoa quả, ông che nhà và ông lập rừng. Bảy ông có công sáng tạo cơ nghiệp Hoàng
Đồ ở trên mặt thế, đáng lẽ phải để Thất Hiền bia gương cho biết hồi Bàn Cổ Sơ
Khai, nhưng lâu quá, thôi để Thất Thánh đời Phong Thần là: 1-Lôi Chấn Tử, 2-Lý Tịnh, 3-Kim Tra, 4-Mộc Tra, 5-Na-Tra, 6-Dương
Tiễn, 7-Vi Hộ..
Bảy ông này đứng trong vòng Phạt Trụ Hưng Châu, trong lúc còn bán Phong Thần.
Nay bước vào đường phong thánh. Lý thuyết Tôn giáo Cao Đài ngày nay Chí Tôn lập
trường Phong Thánh để bước vào địa vị tối cao. Vậy toàn cả mọi người trong Tôn
Giáo rán làm sao cho đầy đủ công nghiệp, công đức bước khỏi trường Phong Thánh.
Vậy mới không uổng kiếp sanh của chúng ta may duyên gặp thời kỳ Chí Tôn hoằng
khai Đại Đạo, mới không hổ mặt với những vị tiền bối.
Cả hai bên (Tả, hữu) cộng lại là 15 = (8+7) ấy là con số Ma phương trong
Bát Quái Cao Đài. Con số Dịch bao giờ cũng hiển hiện trong đạo-pháp.
- Bốn cửa hai bên Đền Thánh mỗi cửa có hai con Kim Mao Hẫu. Tượng trưng y
như Bạch Ngọc Kinh, có những con Kim Mao Hẫu đón rước các chơn linh có công
cùng Đạo đặng đưa lên Bát Quái Đài.
Khi Đức Phạm Hộ Pháp trấn thần 8 con Kim Mao Hẩu nầy, Đức Ngài có nói:
"Con Kim Mao Hẩu rất mạnh khỏe, tượng trưng cái năng lực tinh thần của người
tu, nhờ nó mà qua các từng Trời và trở về cùng Đức Chí Tôn." Bốn con linh
vật này có phân đực, cái tức là tượng cho lý Âm Dương hiệp nhứt, trong cửa Đạo
này là nhất quán.
13 - GIẢI THÍCH BA VỊ PHẬT TRÊN NÓC BÁT QUÁI ĐÀI
- CIVA Phật
- CHRISTNA Phật.
- Ba vị này là Tam vị Thế Tôn trị đời trong ba thời kỳ như:
* Đức Brahma Phật (quay mặt về hướng Tây) Ngài ra trị đời nhằm thời Thượng
Nguơn là Nguơn Thánh Đức, tức là nguơn vô tội. Ngài cỡi con Thiên Nga (ngỗng trời)
bay khắp cả hoàn cầu nhắm xem cuộc thế.
* Đức Civa Phật (quay mặt về hướng Bắc) Ngài ra trị đời nhằm thời kỳ Trung
Nguơn là Nguơn Tranh Đấu, tức là nguơn tự diệt. Ngài đứng trên Thất Đầu Xà, ấy
diệt thất tình, thổi ống sáo để thức tỉnh
nhân sanh về ngôi vị.
* Đức Christna-Phật (quay mặt về hướng Nam). Ngài ra trị đời vào thời kỳ Hạ
Nguơn là Nguơn tự diệt, tức là bắt đầu nguơn tái tạo, Ngài cỡi con Giao Long đi
khắp cùng chơn trời góc biển mà rước các chơn hồn đem về Bạch Ngọc Kinh dâng
cho Đức Chí Tôn định vị.
Đấy là Tam Ngôi nhứt Thể vậy.
Khi Đức Hộ Pháp trấn Thần đến Bát Quái Đài, ngó lên trên, Ngài trấn Thần
pho tượng Tam Thế Phật (Tam Thanh). Ngài nói:
1- Brahma Phật đứng trên lưng con Thiên nga (Ngỗng trời) ngó tới (ngó hướng
Tây), ấy là ngôi thứ nhứt, tượng trưng ngôi Thánh đức, thuộc về Cơ Sanh hóa, ấy
là Đấng tự hữu hằng hữu, hữu nguyên hữu thỉ của vạn vật.
2 - Đức Phật Civa (Shiva) đứng trên Thất đầu Xà (rắn bảy đầu) ngó qua phía
chánh Bắc, ấy là ngôi thứ hai tượng trưng phần Âm Dương, Cơ Sanh cũng là Cơ Diệt,
ấy là ngôi Bảo tồn.
3 - Đức Phật Christna đứng trên con Giao long (Cá hóa rồng) ngó về phía
chánh Nam, ấy là ngôi thứ ba tượng trưng cuộc tuần hoàn, tiên tri cho nhơn loại
biết việc trí xảo thuộc Cơ Tranh đấu, cũng là cuối Hạ nguơn, khởi Thượng nguơn
Tứ Chuyển.
Hai đài Thuyết Đạo:
- Hai cái Đài Thuyết Đạo đây có nghĩa là tích Vua Phò Dư lập đài tế cáo trời
đất. Khi Đức Khổng Tử đi truyền Giáo (Đạo Nho) qua nước của Vua Phò Dư, gặp phải
ông vua tánh tình tàn bạo, không ưa Tôn Giáo, không thích tu hành. Vua ra lệnh
bắt Đức Khổng Tử giam vào ngục thất ngoài hai năm mới phóng xá và cấm trong nước
nếu ai theo đạo của Ngài thì tru di. Vua lại ra 6 điều:
1 - Mắt ta không muốn trông thấy Khổng Phu Tử.
2 - Tai ta không thèm nghe những lời của Khổng Phu Tử
3 - Mũi ta không chịu hơi hôi tanh của Khổng Phu Tử.
4 - Lưỡi ta không thích nói chuyện với Khổng Phu Tử.
5 - Thân ta không muốn gần, thân mật với Khổng Phu Tử.
6 - Ý ta không cho Khổng Phu Tử qua nước ta lần hai.
Nếu cãi lệnh ta sẽ gia hình không dung thứ. Ấy là tượng 6 cái tia trong miệng
Rồng phun ra tức là lục căn: nhãn, nhĩ, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý.
- Đời vua Phò Dư vô đạo, tánh chất bạo tàn, nên Trời phạt trong nước bị thiên
tai, hạn hán, Vua thấy trong nước nguy biến bèn ra giữa trời lập cái Đài mà cầu
nguyện (tướng tinh vua Phò Dư là con Thanh Đẩu Long - Rồng Xanh). Vua Phò Dư quỳ
dưới Đài mà cầu nguyện thấu đến Ngọc Hư Cung, Đức Ngọc Đế sai ông Hứa Chơn Quân
xuống đứng trên đài kêu, cho biết rằng:
- Ấy là tại nhà vua vô đạo, không kể Thánh hiền nên Trời phạt như vậy. Nếu
nhà vua muốn trong nước được mưa thuận gió hoà, dân chúng an cư lạc nghiệp thì
qua nước Lỗ tìm Đức Khổng Phu Tử rước về mà mở Đạo dạy dân thì trong nước hết
tai nạn. Ngài nói rồi đằng vân bay mất. Vua nghe lời qua Nước Lỗ cầu Đức Khổng
Phu Tử về mở trường giáo đạo dạy dân. Không bao lâu trong nước được mưa thuận
gió hòa, dân chúng lạc nghiệp âu ca, vua
thấy vậy truyền lịnh trong nước: nếu ai không theo đạo của Đức Khổng Phu Tử thì
bị gia hình trọng trị.
- Đức Phật Tổ cỡi ngựa trước Đền- Thánh và người chạy theo sau là vị tớ
trung thành tên Sa-Nặc. Ngài lúc ở thế là một vị Thái Tử con vua Tịnh Phạn
Vương, Mẹ là hoàng Hậu Ma-Da ở nước Ca-Tì La-Vệ. Ngài tên Thích Ca. Khi trưởng
thành, Ngài rất thông minh, tánh tình thuần hậu nên được vua cha yêu mến. Đến
năm mười sáu tuổi, Ngài lập gia thất. Vợ Ngài là công chúa Gia-Du Đà-La, sau
sanh một người con trai tên là La-Hầu-La. Ngài đang sống trong cảnh cung vàng
điện ngọc, vợ đẹp con xinh. Bỗng một hôm ra khỏi hoàng cung đi dạo ngoài bốn cửa
thành: Ngài đi đến Bắc Môn thấy người cày ruộng với đôi trâu coi mệt nhọc dưới
ánh nắng chang chang như thiêu đốt, thật sanh ra là khổ! Ngài liền qua phía
Đông Môn gặp ông già chống gậy đi bước thấp bước cao, ôi già là khổ! Trở qua
phía Nam Môn gặp một người bệnh đang nằm dưới đất rên xiết, ôi bệnh cũng khổ!
Ngài trở lại Tây Môn thấy một người chết nằm dựa bên lề đường, ruồi lằn bu bám.
Ôi! chết cũng khổ! Ngài liền trở về hoàng cung nằm suy nghĩ: thật con người
sanh trên thế gian nầy muôn việc gì cũng khổ. Đến đêm mồng 8 tháng 2 Ngài nhìn
lại vợ con lần cuối, khi vợ con đang an giấc. Ngài cùng người tớ Sa-Nặc trốn ra
khỏi hoàng thành lên ngựa chạy thẳng vào rừng Khổ Hạnh là nơi ẩn tu của nhiều
ông đạo sĩ. Ngài lo tu hành mong thành chánh quả hầu có phổ độ chúng sanh, giải
thoát cuộc đời đau khổ mà Ngài đã chứng kiến ngoài bốn cửa Ngọ Môn đã kể trên.
Theo Lý Dịch thì Phật và ngựa Kiền-trắc là đủ Âm Dương, Sa-Nặc nữa là ba,
tượng Tam-Tài thống hiệp. Người tu cũng với mục đích hiệp đủ Tam bửu: TINH-
KHÍ-THẦN là cơ huờn nguyên, đắc đạo vậy.
E: The banner of Holy See
F: La bannière de Saint Siège
Phướn Đền Thánh là lá phướn treo nơi cột phướn trước Đền-Thánh Tòa Thánh
–Tây Ninh vào 3 tháng của 3 nguơn:Thượng nguơn, Trung nguơn, Hạ nguơn tức là
tháng Giêng, tháng 7, tháng 10 âm lịch.
(Phướn Thánh Thất giống hệt phướn
Tòa Thánh, nhưng treo trước Thánh Thất, thường
phướn Thánh Thất nhỏ hơn - Phướn Đền Thánh có hình dạng và màu sắc giống
như Phướn Phật Mẫu, nhưng kích thước lớn hơn một chút và có vài chi tiết khác
hơn Phướn Phật Mẫu).
Mô tả: Phướn Đền Thánh có bề ngang 1 thước 2 tấc (12 tấc), bề dài 12 thước
chưa kể những cái thẻ phía dưới. Phần dưới có 12 thẻ, mỗi thẻ dài 1 thước 2 tấc.
Lấy con số 12 làm chuẩn, là vì số 12 là số đặc biệt của Đức Chí Tôn. Phướn Tòa
Thánh được chia làm ba phần từ trên xuống dưới, kể ra như sau:
- Phần 1: Phần trên hết là màu vàng, bề dài 1 thước 2 tấc, trên đó có thêu
hình hai con rồng nhìn vào một quả cầu gọi là: Lưỡng Long triều Nhựt, nghĩa là
hai con rồng chầu mặt Trời.
- Phần 2: Phần tiếp theo có bề dài 10 thước 8 tấc, có ba sọc vàng, xanh, đỏ,
dọc theo bề dài lá phướn, mỗi
sọc có bề ngang 4 tấc. Sọc màu xanh da trời ở chính giữa, hai sọc vàng và đỏ
hai bên. Hai bên bìa lá phướn có gắn các thẻ, mỗi bên gắn 12 thẻ, mỗi thẻ dài 9
tấc, đuôi nhọn. Thẻ vàng gắn trên hết, kế dưới là thẻ màu xanh, kế dưới nữa là
thẻ màu đỏ, thẻ thứ tư thì trở lại màu vàng, rồi xanh, rồi đỏ, cứ thế tiếp tục,
đến thẻ chót là màu đỏ. Trên sọc giữa màu xanh da trời của lá phướn có thêu lần
lượt từ trên xuống dưới là:
* Thiên Nhãn với đường nét màu đen.
* Kế dưới là Cổ Pháp Tam Giáo: Xuân Thu, Phất chủ, Bát Vu, tượng trưng Tôn
chỉ của Đạo Cao Đài là “Qui Nguyên Tam Giáo”: Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo.
* Kế dưới là 6 chữ Hán 大 道 三 期 普 渡 thật lớn, màu vàng, đặt theo chiều dọc là “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”. Khoảng
trống giữa các chữ Hán có gắn những cái hoa vải ba màu: vàng, xanh, đỏ.
* Phía dưới cùng là cái giỏ hoa lam:
Mặt sau lá phướn là toàn một màu vàng làm nền
Phần 3: là phần đuôi phướn, gồm có 12 thẻ, mỗi thẻ dài 1 thước 2 tấc, trên
nhỏ dưới lớn, đuôi nhọn. Các thẻ nầy (lớn và dài hơn các thẻ nơi bìa phướn) kết
liên tiếp theo bề ngang của lá phướn, thẻ thứ nhứt màu vàng, thẻ thứ 2 màu
xanh, thẻ thứ 3 màu đỏ, thẻ thứ 4 lại màu vàng.
Ba phần 1, 2, 3 của lá Phướn Đền Thánh có bề dài tổng cộng là 13 thước 2 tấc.
Do đó, cột phướn để treo lá phướn nầy phải cao từ 15 thước trở lên.
Nơi các Thánh Thất địa phương, thường thì cột phướn không cao như tại
Tòa-Thánh, nên khi làm lá Phướn Thánh Thất phải thu nhỏ kích thước lại một
chút, tức là chỉ bằng kích thước của lá Phướn Phật Mẫu, dài 9 thước 9 tấc.
1- Ý nghĩa nền vàng: là tượng trưng của Phái Phật, chính Đức Phật Mẫu cầm
quyền năng tạo đoan cả nhân loại, nên trong bài Kinh Phật Mẫu có câu:
“Tạo Hoá Thiên huyền vi
Thiên Hậu.
“Chưởng Kim Bàn Phật Mẫu
Diêu Trì”.
- Nơi tầng trời thứ 9 gọi là Mẹ sanh. Ngài Chưởng Quản Kim Bàn tức là nắm cả
các đẳng cấp thiêng liêng mà điều khiển các phẩm chơn hồn từ: Kim thạch hồn, Thảo
mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn. Cả Bát
phẩm Chơn Hồn đó nếu họ đoạt được cơ siêu thoát thì cũng đều do tay Đức Phật Mẫu
mà có. Phật Mẫu đem Phật tánh lại cho các bậc Nguyên nhân. Nguyên nhân là các
chơn hồn của Đức Chí Tôn sai xuống trần gian mà độ chúng sanh nhưng họ mê luyến
hồng trần nên Đức Chí Tôn đem Phật tánh phổ hoá cho họ nhớ mà trở lại ngôi xưa,
nhưng hai kỳ phổ hoá chỉ độ đặng có 8 ức, còn lại 92 ức vẫn còn đoạ lạc tại thế.
Nay, Đức Phật Mẫu đến giáo hoá cho họ được thức tỉnh mà qui hồi cựu vị nên
trong Điện thờ Phật Mẫu có đôi liễn như
đây:
- BÁT phẩm chơn hồn tạo thế
giới hoá chúng sanh
vạn vật hữu hình tùng thử
ĐẠO.
- QUÁI hào bác ái định Càn
Khôn phân đẳng pháp
nhứt Thần phi tướng trị kỳ TÂM
八 品 真 魂 造 世 界 化 眾 生 萬 物 有 刑 從 此 道
卦 爻 博 愛 定 乾 坤 分 等 法 一 神 非 將 治 其 心
Trên nền vàng có 3 màu: Vàng, Xanh, Đỏ tượng trưng Tam Giáo: - Vàng
thuộc Thích Giáo.
- Xanh thuộc Tiên Giáo.
- Đỏ thuộc Nho Giáo.
Tuy nhiên có ba màu như vậy song cũng như một, huyền linh của Đức Lão Tữ
hóa Tam Thanh trong lúc Phạt Trụ hưng Châu. Tức nhiên ba mà một, một mà ba.
Nghĩa là ba màu sắc này pha trộn đến một dung dịch chính xác nhất trong phòng
thí nghiệm, thành ra màu trắng. Cũng như bảy sắc cầu vồng hoá ra màu trắng của
ánh sáng mặt trời vậy.
2 - Thiên Nhãn:
- Là tượng trưng của nền Đạo mà cả Tín đồ dùng thờ phượng ở những tư gia
hay là trong các Thánh Thất.
Tại sao Đạo Cao Đài lấy Thiên Nhãn làm tiêu biểu ?
Chính Đức Chí Tôn có dạy:
“Nhãn thị chủ tâm, lưỡng quang chủ tể,
quang thị Thần, Thần thị thiên, thiên giả ngã dã”
眼是 主 心。 兩 光 主 宰 。光 是 神。
神 是 天 。天 者 我 也。
-Con mắt ấy là chủ linh tâm, hai điển quang của con mắt là chủ tể (thể trên
trời là Nhật Nguyệt, thể nơi người là Lưỡng Mục). Điển quang ấy thuộc Thần, Thần
thuộc trời, trời ấy là TA vậy.
Mặt khác, Thiên Nhãn tượng trưng sự công bình thiêng liêng và cũng tiêu biểu
mầm móng cho sự Đại Đồng nhơn loại. Thánh nhơn có câu: “Thiên thị tự ngã dân thị,
Thiên thính tự ngã dân thính” (Nghĩa là trời xem tức dân ta xem, trời nghe tức
dân ta nghe). Hơn nữa thời xưa các vị Giáo Chủ Tam giáo giáng trần lập Đạo mang
hình hài xác thịt: phương Tây thì lấy hình thể người Âu, phương Đông thì lấy
hình thể người Á. Nguơn hội này Đức Chí
Tôn giáng cơ khai Tam Kỳ Phổ Độ dạy thờ Thiên Nhãn tất nhiên Ngài muốn con cái
của Ngài hoà ái hiệp tâm với nhau để đi đến chỗ Đại-Đồng Thế Giới.
3 - Cổ Pháp: là do bửu pháp của Tam giáo hiệp lại là Xuân Thu (Nho), Phất
Chủ (Tiên), Bát Du (Phật). Chính Đức Hộ Pháp cùng các chức sắc Hiệp Thiên Đài hằng
ngày trân trọng mang trên Mão.
- Bình Bát Vu:
là Bửu Pháp của nhà Phật. Như Đức Thích Ca tắm nơi
sông Hằng, Ngài cũng chưa biết rằng đã đoạt Đạo. Ngài nguyện nếu quả Ngài đắc pháp đủ
quyền năng tế độ chúng sanh, xin cho Bình Bát Vu nổi và trôi ngược dòng nước. Sau khi thả Bình Bát Vu xuống sông Hằng, sự thật
được như ý nguyện. Do đó mà Đức Phật mượn Bình Bát Vu đi phổ độ chúng sanh.
- Phất Chủ: hay phất trần cũng thế. Chính Đức Lão Tử, Đức Thái Thượng cùng
các bậc Tiên gia đều dùng, tất nhiên cũng là bửu pháp của phái Tiên để vân du
thế giới tế độ chúng sanh. Vì vậy mà Đạo Cao Đài dùng đó để làm tiêu biểu của Đạo
Tiên hầu dùng quét sạch bụi trần, trong
Kinh Thế đạo có câu:“Chổi tiên quét sạch nợ trần oan gia”
- Xuân Thu: tức là quyển sách do Đức Khổng Phu Tử sáng tác, cũng là Bửu
Pháp của Nho Giáo. Trong lúc châu lưu Lục-quốc Đức Khổng Phu Tử đã không thành
công trong việc truyền giáo, Ngài mới trở về nước Lỗ lập Hạnh đàn dạy được Tam
thiên đồ đệ, sau khi chỉ còn Thất Thập Nhị Hiền. Ngài thấy đời loạn lạc nào vua
tôi, cha con, anh em, chồng vợ sát hại nhau, bỏ mất đạo làm người, quên cả luân
thường đạo lý, nên Ngài soạn sách Xuân Thu, phân định quyền hành: quân-minh, thần
trung, phụ từ, tử hiếu. Đời nhớ ơn: Khổng Phu Tử từ nước Lỗ làm sách Xuân Thu
phân biệt đạo vua tôi chấn hưng phong hoá.
Xuân: Nhứt tự ngụ chi bao (một chữ
để khen).
Thu: Nhứt tự ngụ chi biếm (một chữ
để chê).
“Nhứt tự chi bao vinh ư hoa cổn, nhứt tự chi biếm nhục ư phủ Việt” nghĩa
là: ai được một chữ khen của Ngài vinh diệu như mặc được áo hoa cổn, ai bị một
chữ chê của Ngài nhục không khác búa rìu. Thế nên đến đời Tam Quốc, Đức Quan
Thánh Đế Quân hằng trân trọng bộ Xuân Thu.
Vậy: Cổ Pháp Hiệp Thiên Đài là tiêu biểu của ba Đạo: Nho- Thích- (Lão) Đạo,
mà ta nhìn thấy dính liền với nhau còn có nghĩa là sự Qui Nguyên Tam Giáo.
Nghĩa là Đạo chỉ có một mà thôi. Tôn chỉ của Đại-Đạo là “Qui Nguyên Tam Giáo Phục
Nhất Ngũ Chi” (là Nhơn đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo) mà Đạo
Cao Đài đang lo chấn hưng để phổ hoá toàn nhơn loại nên gọi là Đại Đạo, có thế
mới trấn phục cả hoàn cầu được.
4 - Tam Kỳ Phổ Độ (là ba thời kỳ Phổ Độ)
*Nhứt kỳ Phổ Độ :
- Phật Đạo là do Đức Nhiên Đăng khai sáng tại nước Trung Hoa trong thời kỳ
thượng cổ.
- Tiên Đạo: Đức Thái Thượng khai tại Trung Hoa.
- Nho Đạo: Đức Văn Tuyên Khổng Thánh cũng khai sáng ở Trung Hoa.
* Nhị Kỳ Phổ Độ:
- Đức Thích Ca Mâu Ni chấn hưng Phật Giáo tai Ấn Độ
- Tiên Đạo: Đức Lão Tử khai tại Trung Hoa đời nhà Thương
- Nho Đạo: Đức Khổng Tử khai sáng tại Trung Hoa đời nhà Châu.
* Tam Kỳ Phổ Độ (Đức Chí-Tôn sắm Tam Trấn Oai nghiêm thay quyền Tam Giáo) để
Phổ hóa chúng sanh thuyết pháp độ đời, cải tà qui chánh, cải ác tùng lương. Đạo
Cao Đài không phải mới lạ chi, thật ra là Tam giáo chấn hưng trong thời kỳ Hạ
nguơn nầy đặng độ rỗi 92 Ức
Nguyên nhân còn đoạ lạc nơi trần thế.
* Giỏ Hoa Lam: Của một Tiên nữ (Hà Tiên Cô) dùng để đi hái hoa luyện thuốc
cứu đời. Hiên nay, Cao Đài dùng Giỏ Hoa Lam trước đền thờ Chí Tôn tất nhiên để
khuyến khích tinh thần Nữ phái noi gương sáng ấy để mở rộng lòng thương với vạn
loại chẳng ngại khó khăn. Lại nữa ý nghĩa hoa đựng trong một giỏ tức hoa được lựa
chọn
* 12 Thẻ trên lá phướn: 12 Là số riêng của Đức Chí Tôn, thuộc về Thập Nhị
Khai Thiên (số Dương). 12 thẻ ở dưới thuộc về số Âm, tượng trưng âm dương hợp
nhất, thiên địa giao thới, pháp luân thường chuyển.
Tóm lại: trong bài kinh xưng tụng Đức Diêu Trì Kim Mẫu có câu
“Lục Nương phất phướn truy
hồn,
“Tang thương nay lúc bảo tồn
chúng sanh”
Đang buổi thế giới cạnh tranh, tang thương biến cuộc, Đại-Đạo dùng phướn,
dù phướn Chí-Tôn hay phướn Phật Mẫu là Phướn Từ-bi để thức tỉnh sanh linh nương
theo mà trở về cửa Đạo, nhìn nhau đồng chủ nghĩa, chẳng phân biệt màu da sắc
tóc nòi giống, thật hành đạo đức thương yêu nhau mà đem Tôn Chỉ Đại Đồng rải khắp
càn khôn thế giới cho được cộng hưởng thái bình âu ca lạc nghiệp. Được như vậy,
sau khi thoát xác rồi Lục Nương sẽ Diêu-Trì-cung dùng Phướn Từ-bi ấy mà dìu dẫn
chơn hồn qui hồi cựu vị, hội hiệp cùng Phật Mẫu nơi cõi thiêng liêng hằng sống.
17 - ĐẠO KỲ
E: The religion flag
Đạo kỳ là lá Cờ Đạo, tượng trưng Đạo Cao Đài, gồm 3
màu: Vàng, Xanh, Đỏ. Lá Cờ Đạo được gọi
là Cờ Tam Thanh: - Thái Thanh màu vàng,
- Thượng Thanh màu xanh
- Ngọc Thanh màu đỏ.
Nơi bao lơn trước Tòa Thánh, trong những ngày Lễ của Đạo đều có treo lá cờ
Đạo rất lớn, hình chữ nhựt, có màu vàng ở bên trên, màu xanh ở giữa và màu đỏ ở
dưới chót. Trên nền vàng, có thêu 6 chữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ bằng chữ Nho 大道 三 期 普 渡 Trên phần nền xanh ở giữa có thêu một Thiên Nhãn và Cổ Pháp Tam giáo: Bình
Bát Du, Cây Phất Chủ, quyển Kinh Xuân
Thu
Trên phần màu đỏ không có thêu gì cả. Ý nghĩa của cờ Đạo Cao Đài được Đức Phạm
Hộ Pháp giải thích như sau:
- Màu vàng là của phái Thái, tượng trưng Phật giáo.
- Màu xanh là của phái Thượng, tượng trưng Tiên giáo.
- Màu đỏ là của phái Ngọc, tượng Thánh giáo (Nho giáo).
Ghép 3 màu lại trong một khuôn hình chữ nhựt, với 3 phần đều bằng nhau, tượng
trưng Tôn chỉ của Đạo Cao Đài là Tam Giáo Qui Nguyên. Thiên Nhãn là biểu tượng
của Đức Chí Tôn: thờ Thiên-Nhãn là thờ Đức Chí Tôn. Thêu Thiên Nhãn và Cổ Pháp
Tam giáo trên Đạo Kỳ, dưới 6 chữ Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ là để chỉ rằng, Đạo Cao
Đài do Đức Chí Tôn lập ra trong thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ với tôn chỉ Tam Giáo
Qui Nguyên, nghĩa là đem BA nền Tôn giáo lớn ở Á Đông qui về một gốc Đại-Đạo do
Đức Chí Tôn làm chủ.”
18 - GIẢI THÍCH ÔNG THIỆN VÀ ÔNG ÁC
- Tích vua Tỳ Kheo Vương Đế sanh đặng hai người con trai. Ngưới lớn tên là
Tùy Văn, người nhỏ tên là Tùy Vũ. Vua Tỳ Kheo có lòng mộ đạo nên muốn truyền
ngôi lại cho Tùy Văn mà đi tu, nhưng sợ Tùy Vũ chiếm đoạt, nên vua Tỳ Kheo mới
sai Tuỳ Vũ sang nước Hàn Châu mà chiêu mộ anh tài. Khi Tùy Vũ đi rồi vua Tỳ
Kheo mới truyền ngôi lại cho Tùy Văn cai trị trong nước, rồi vua Tỳ Kheo mới đến
Am Vân lo tu niệm. Khi Tuỳ Vũ chiêu mộ anh tài xong trở về vào bái yết, thấy
anh mình lên ngôi kế vị mới hỏi tự sự, Tuỳ Văn thuật lại "Vì cha muốn xuất
gia tu luyện nên mới truyền ngôi lại cho anh" Tùy Vũ nói: "Anh hiền đức
trị dân không sợ vậy anh đưa Ngọc ấn lại cho tôi sửa trị thiên hạ mới sợ."
Tuỳ Văn không chịu bèn ôm Ngọc Ấn Tỷ Phù chạy lên Am Vân tìm cha phân định. Tỳ
Kheo thấy con hiếu để bèn rước về Tây Phương thành Phật. Khi Tuỳ Vũ đến thấy
anh mình đã ăn năn thành Phật thì tỉnh ngộ, bỏ hết giang san, không màng danh lợi
bèn trục khối tình gác bỏ ngoài tai rồi lo tu cũng đắc đạo. Ấy là “Tu nhất kiếp,
ngộ nhất thời”.
Đức Hộ Pháp trấn Thần Tòa Thánh ngày mùng 6-giêng-Đinh Hợi (dl 27-01-1947)
Khi Đức Hộ Pháp trấn Thần hai pho tượng: Ông Thiện và Ông Ác, Ngài nói:
“Đời thường lầm lạc, làm điều ác cho
là thiện và thường lấy điều lành cho là ác. Nên từ đây, năng lực của Thiện Thần
sẽ phô bày ra mặt đời, thế nào là chánh, việc nào là thiện, làm thế nào là phước,
cho thiên hạ rõ. Còn Ác Thần thì phô bày ra mặt đời, thế nào là tà, việc nào là
ác, sao gọi là tội, cho nhơn loại rõ. Hai Ông Thần nầy rất linh hiển, dùng quyền
năng thiêng liêng đưa ra thiệt tướng trong hai con đường: phước và tội, siêu và
đọa, sanh và tử, để cho con cái Đức Chí Tôn khỏi lầm lạc, hầu tránh khỏi con đường
tự diệt. Đi vào con đường sanh thì nhơn loại mới mong hoà bình được."
Trên plafond tại Tịnh Tâm Đài, có vẽ một cây Cân Công Bình dưới bàn tay của
Đức Thượng Đế. Khi Đức Hộ-Pháp Trấn Thần cây Cân Công Bình, Ngài đi vào cửa Đền
Thánh, đứng ngay ngó vào Tịnh Tâm Điện, Trấn Thần cái Cân trên ngưỡng cửa. Ngài
nói: “Từ đây, cái Cân Công Bình thiêng liêng của Đức Chí Tôn đã biến tướng thiệt
hiện ở thế gian nầy để phân công chiết tội mà định phẩm vị Tòa sen cho toàn con
cái của Ngài”.
“Về mặt cân công-bình thiên-hạ gọi là công-lý mà thế gian này chưa có
công-lý, mạnh thì công-lý của họ khác, giàu thì công-lý của họ khác, sang thì
công-lý của họ khác, vinh hiển thì công-lý của họ khác, nghèo thì công-lý của họ
khác”. Con người sanh trên mặt thế nhất nhất vật gì cũng hữu hình, tức hữu hoại,
đều là giả tạm, chỉ linh hồn là thiệt tướng, bất tiêu bất diệt, khi hồn lìa khỏi
xác chỉ đem theo cái tội và phước. Dầu chủng tôc nào cũng đồng chung một luật của
tạo hoá, thì chính bàn tay thiên của tạo hoá mới cầm cây cân công bình đặng, chớ
nơi mặt thế này mắt thấy tai nghe thì không khi nào cầm cây cân đúng lý nơi tạo
hoá đặng.
ở hai bên nấc thang bên hữu Đền Thánh, rồi Ngài vào Cửu Trùng Đài sang qua
bên tả Đền Thánh trấn Thần 2 con Kim Mao Hẩu ở nấc thang luôn.
Giải: “Con Kim Mao Hẫu rất mạnh và khỏe, tượng trưng cái năng lực tinh thần
người tu, nhờ nó mà qua các từng Trời và về cùng Thầy.Ngày nay, Đền Thánh cất
xong, Đức Chí-Tôn cho tám con Kim Mao Hẫu xuống trần để trấn Cửu Trùng Đài và
Bát Quái Đài tại thế là không cho ai dùng bạo quyền nào mà chạm đến nó”.
Đức Hộ-Pháp vào bên tả Cửu-Trùng-Đài, trấn Thần Thiên Nhãn xung quanh Tổ
đình, khởi từ giữa xuống đến Bát-Quái-Đài, rồi sang qua bên hữu, hết thảy là 23
Thiên Nhãn ngó ra ngoài hành lang, rồi trở vào trong cửa bên hữu Cửu-Trùng-Đài,
trấn Thần tượng Tam giáo Ngũ Chi, sang bên hữu trấn Thần tượng Bát Tiên : Hớn
Chung Ly, Trương Quả Lão, Tào Quốc Cựu, Lý Thiết Quả, Hàn Tương Tử, Lữ Đồng
Tân, Hà Tiên Cô, Lam Thể Hòa
Trở xuống, Ngài trấn Thần chữ KHÍ. Nơi ngai của Hộ-Pháp ngự có một con rắn
thần 7 đầu tức là Thất đầu xà, quấn vào thân dưới của Ngai, ngóc lên sau lưng 3
đầu, gục xuống 4 đầu. Cái mình quấn ngôi Thượng Phẩm, cái đuôi quấn ngôi Thượng
Sanh. Thất đầu xà tượng trưng con người
có Thất tình: Ba đầu rắn ngó lên sau lưng Hộ Pháp ba tình: Hỷ, Ái, Lạc. Người
tu nên luyện tập nâng đỡ ba tình này tức là Mừng, Vui, Thương. Còn 4 tình: Ai,
Nộ, Ố, Dục, thì đè nén xuống, đừng cho ngóc đầu lên.
Khi Đức Hộ-Pháp trấn pháp, hành Bí-pháp cùng Thể-pháp các Đàn Vía Sóc Vọng:
Ngài đứng là Chuyển Pháp, Ngài ngồi là Trụ Pháp; nên khi Ngài ngồi, hai chân đạp
lên hai đầu: Ai tả, Nộ hữu; Hai tay đè: Dục tả, Ố hữu.
Đức Ngài nói:
“Khi Hộ Pháp trấn trên Thất đầu xà
là đè nén các vật dục ở thế nầy gom lại để đời khỏi cấu xé nhau, để Mừng, Vui,
Thương cho mọi người chung hưởng, để gìn giữ đạo đức, tu hành dễ dàng, nước nhà
thạnh trị. E sau nầy Hộ-Pháp xuất ngoại, Thượng-Sanh về ngự nơi đuôi, thì tự do
Thất tình lôi cuốn cấu xé lẫn nhau, không phương kềm chế. Ấy là cơ thử thách nội
và ngoại…Ngày nào Hộ Pháp trấn lại trên Ngai thì mới có thể dễ dàng mọi việc
cho Đời Đạo. Quyền thiêng-liêng phải vậy, đặng vay trả cho sạch oan khiên, mới
đem thuần phong mỹ tục, vãn hồi hòa bình
trật tự, tháng Thuấn ngày
Nghiêu, trở nên Thượng cổ” .
Còn chữ KHÍ ở sau ngai Hộ Pháp là:
“Khí Sanh Quang của Càn Khôn Vũ Trụ.
Vạn vật nhờ Khí Sanh Quang hiện tượng ra mặt thế để bảo tồn Cơ Sanh hóa hay Tấn
hóa của toàn thể vạn loại, tức là hữu sanh.”
Đã xong Lễ Trấn Thần, Đức Phạm Hộ Pháp đứng giữa Đền Thánh, thì Cô Lễ Sanh
Hương-Tranh hỏi: Bạch Thầy, còn 23 Thiên Nhãn ngó vào trong Đền Thánh, sao Thầy
không trấn Thần luôn ? Ngài dạy rằng:
“Thiên Nhãn bên ngoài thì để cho thiện
nam tín nữ quì ở ngoài, khi chầu lễ nếu chật chỗ thì ở ngoài, xung quanh Đền
Thánh lạy vào chiêm bái trong giờ hành lễ. Đó cũng là nêu ra từ Đông, Tây, Nam,
Bắc, dầu ven trời góc bể, nơi nào đến giờ lễ bái, day về hướng Đền Thánh lạy
thì đều có Thiên Nhãn cả. Ấy là Thể pháp tượng trưng Bí pháp. Còn Thiên Nhãn ở
vách ngó vô Đền-Thánh, vì người Đạo quì ngang, sợ ô uế, không coi sóc cho tinh
khiết được”
V - Đền Thánh Cao Đài dưới
mắt người Công Giáo:
CHỐN SƠN LÂM 山林
(Sơn là núi, Lâm là rừng). Chốn sơn lâm là chốn rừng núi. Chữ Sơn Lâm ở đây ý nói là những biểu tượng chứng
tỏ rằng nơi đây có rừng lẫn có núi. Thực tế thì Tòa Thánh Tây Ninh trước kia là
khu rừng Cấm, khi người Pháp sang đô hộ Việt Nam thì họ chiếm cứ cả đất đai,
sông núi làm tư hữu. Khi Hội Thánh Cao-Đài được lịnh Đức Lý dạy đi tìm đất cất
Thánh Thất thì tìm đến khu rừng này và mua lại của người Pháp tên Aspar. Tòa
Thánh được tọa lạc trên vùng đất 96 mẫu do Bà Lâm Hương Thanh và Ông Nguyễn Ngọc
Thơ xuất tiền ra mua. Người có công bứng gốc phá rừng làm nên các Đền Điện và
Dinh thự nguy nga như ngày nay đều do bàn tay khởi xướng của Đức Thượng Phẩm
Cao Quỳnh Cư. Theo bản đồ chỉ vẽ của Đức Lý thì hình dáng Đền Thánh có dạng chữ
SƠN, nghĩa là nhìn vào mặt tiền Đền Thánh hai lầu chuông và trống là hai ngạnh,
hiệp với lầu Nghinh Phong Đài, thành ra chữ SƠN 山 thứ nhất. Hai ngạnh này hiệp với lầu Bát Quái Đài thành chữ Sơn thứ
hai..và tiếp tục thì Đền Thánh này có đến 7 chữ
Sơn, nên còn gọi là THẤT SƠN. Như thế nơi đây là Thất Sơn vô vi, đối lại
châu Đốc là Thất Sơn hữu hình. Lại nữa nơi đây có chừa ra hai khu rừng nhỏ, hai
bên mặt tiền của Đền tượng chữ LÂM. Khi ghép lại thành chữ SƠN LÂM.山 林. Đền Thánh
được cất theo kiểu vở trên Thiên đình chính là Tòa Bạch-Ngọc-Kinh tại thế.
Cảnh “Sơn Lâm“ là Tòa Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh, dưới mắt người Công
Giáo nhìn ra nơi Chúa đến và ngự trong nguơn hội này.
Đây muốn nói nơi Tòa Thánh này đủ ý nghĩa của SƠN LÂM trong tinh thần đạo
pháp của Cao-Đài có liên hệ qua lời tiên tri của Chúa Cứu thế. Lời Bà Nữ Đầu sư
Hương Hiếu kể lại rằng: Sau ngày Đền Thánh được Khánh Thành (1955) ít lâu thì
có một vị Linh Mục người Tây Phương, có bằng Tiến sĩ Thần học, biết 6 thứ tiếng
trên thế giới, lại biết nói và viết rành tiếng Việt và Trung hoa, nhưng Bà lại
quên tên vị Linh Mục này. Khi Linh mục viếng, quan sát bên ngoài lẫn bên trong
Đền, xong rồi Ông ra ngoài- bên hông Đền Thánh- đoạn quì xuống lạy vô Đền (lạy
và quì theo kiểu người Công giáo). Có người Đạo thấy vậy mới đến mời ông vào lạy
bên trong Đền, trước Bửu Điện mới đúng qui cách Cao Đài.
Vị Linh Mục trả lời: “Tôi lạy đây là lạy chỗ Cha ta đến. Rồi lát nữa tôi
vào bên trong Đền Thánh mà lạy nơi Cha ta ngự”.
Người kia nói: Xin ông nói thêm cho rõ.
Vị Linh Mục tiếp: Trong Thánh Kinh Tân ước nói Đức Chúa Jésus-Christ có
tiên tri “Trong 2.000 năm, Cha ta sẽ đến các ngươi một lần nữa, chỗ Cha ta đến
là SƠN LÂM, xung quanh nhiều CON MẮT. Các ngươi muốn thấy Cha ta, đầu óc các
ngươi phải minh mẫn và sáng suốt, tâm hồn các người phải có lòng Thành khẩn và
Tín ngưỡng hiệp lại mới thấy Cha ta”. Từ lâu đã có nhiều người đi tìm chỗ Cha
ta đến, họ lên Hy-Mã-Lạp-Sơn, lên non cao rừng thẵm mà tìm không thấy; còn nơi
Cha ta ngự là một “con vật linh động”, xung quanh có nhiều CON MẮT”. Nghĩ rằng
phải tìm ra con quái vật, nên họ bỏ luôn không đi tìm nữa. Ngày nay thì tôi đã
tìm thấy “chỗ Cha Ta đến” rồi. Chỗ Cha ta đến là Đền Thánh đây, còn nơi Cha ta
ngự là bên trong Đền Thánh tại Quả Càn Khôn. Ông nói xong, ngồi xuống lấy một
cái que vạch lên đất: vừa gạch vừa giải thích: Đền Thánh là một nét dài ở giữa,
Đông lang và Tây lang là nét ngắn hai bên, Hậu điện là một nét ngang sau cùng
làm thành chữ SƠN 山 (Sơn là núi). Hai đám rừng
thiên nhiên trước Đền Thánh là chữ LÂM 林 Tức nhiên mỗi một chữ MỘC 木 là cây tượng cho một khu rừng, hai chữ đứng ngang nhau thành chữ Lâm là thế.
Như vậy tôi đã tìm thấy chỗ Cha ta đến là Đền Thánh, còn “bên trong là chỗ Cha
ta ngự”. Đền Thánh nếu nhìn ngang giống như Con Long Mã quì, nhưng nếu nhìn từ
phía trước nhìn tới, thì thấy con Long Mã đang múa (Rõ là con vật linh động).
Xung quanh có nhiều CON MẮT tức nhiên là chung quanh Đền theo những ô cửa sổ có
trang trí hình Con Mắt tức là THIÊN NHÃN THẦY vậy. Vị Linh Mục nói tiếp: Đền
Thánh là cái mình Con Long Mã: Hiệp Thiên Đài có lầu chuông và lầu trống cao
vút lên là hai caí sừng của Long Mã. Nghinh Phong Đài nơi phần trên của Cửu Trùng Đài: ở giữa có Quả địa cầu, trên quả
Địa cầu có hình Long Mã chạy từ Đông sang Tây mang Hàm Ấn (Lạc Thư- Hà Đồ) mà
con Long Mã mang trên lưng gọi là LONG MÃ PHỤ HÀ ĐỒ. Trên nóc Bát Quái-Đài có một
cái lầu 8 góc (Bát giác). Trên nóc Bát Quái Đài là ba vị Phật ngự tượng cái
đuôi của Long Mã. Nóc Đền Thánh giả lợp bằng ngói móc (ngói vảy cá) tượng vảy của
con Long Mã. Xung quanh Đền Thánh có nhiều Thiên Nhãn tức là “Con vật linh động
xung quanh có nhiều Con Mắt”. Đền Thánh nhìn ngang sẽ thấy dáng Long mã đang
quì, đầu thấp, mông cao. Nếu nhìn từ phía trước, như thấy Long Mã đang múa, miệng
hả ra (đây là một sự hình dung, tưởng tượng, chứ Đền Thánh vẫn là bằng xi măng
và vôi cát) điều ấy ứng vào câu của Chúa nói: “Các ngươi muốn thấy Cha ta, đầu óc
các ngươi phải minh mẫn và sáng suốt, tâm hồn các người phải có lòng Thành khẩn
và Tín ngưỡng hiệp lại mới thấy cha ta. Đền Thánh nhìn từ phía trước: Trước là
Hiệp Thiên Đài có lầu chuông, lầu trống là cặp sừng của Long Mã. Đền Thánh chỉ
có một cửa vào là miệng của Long Mã (khác với nhà thờ hay chùa chiền thì có ba
cửa vào). Trên có bao-lơn là hàm trên của Long mã, dưới có 5 bậc thềm là hàm dưới
của Long Mã có râu. Hai chữ NHƠN NGHĨA trên đầu có hai câu Liễn là cặp mắt của
Long Mã. Đức Phật Di-Lạc ngồi trên nóc Hiệp-Thiên-Đài là cái đầu con Long Mã.
Vào bên trong Đền Thánh, muốn đến Bát-Quái Đài phải qua Hiệp Thiên Đài (nơi Hiệp-Thiên-Đài có ngai với Thất đầu Xà của
Hộ-Pháp là Bí pháp luyện Đạo của Đạo Cao-Đài). Qua Hiệp-Thiên-Đài rồi, phải đi
lên 9 cấp của Cửu Trùng Đài là Cửu phẩm Thần Tiên mới đến Bát Quái-Đài. Trong
Bát-Quái-Đài có Quả Càn Khôn, trên Quả Càn Khôn thờ Thiên Nhãn, tượng trưng
ngôi thờ Đức Chí-Tôn, chính là Đức Chúa Cha, hay là Đức Chúa Trời mà người Công
Giáo quan niệm. Đức Thượng đế cho biết đây là “Nhãn thị chủ Tâm, Lưỡng quang chủ
tể, Quang thị Thần, Thần thị Thiên, Thiên giả ngã dã”. Cũng có câu Hoàng Thiên
hữu Thần. Đức Chí-Tôn là Đấng vô hình, thế nên dưới mắt nhiều nhà Tôn giáo, tùy
theo suy luận mà tạo nên nhiều biểu tượng khác nhau để mà thờ phượng, ví như thờ
Thần Mặt Trời là ngôi Thượng đế, có nơi thờ bằng tấm vải điều cũng có ý nghĩa
Trời. Vị Linh Mục nói tiếp: Đạo Công giáo, Đức Chúa Jésus Christ chỉ vào trái
Tim của Ngài mà nói: các ngươi hãy thờ Lương tâm của các ngươi, mà thờ Lương
tâm tức là thờ Đức tin, mà thờ Đức tin tức là thờ Đức Chúa Trời đó vậy. Đạo Cao
Đài lấy CON MẮT làm biểu tượng thờ Lương tâm. Đạo Công Giáo lấy quả tim làm biểu
tượng thờ Lương tâm chỉ là MỘT. Như vậy Bát-Quái-Đài trong Đền Thánh là nơi Cha
Ta ngự, không còn chỗ nào khác. Vị Linh Mục ấy giải thích xong rồi nói: Tôi sẽ
thông báo cho toàn nhân loại trên Quả Địa cầu này biết rằng: Tôi đã tìm thấy
“CHỖ CHA TA ĐẾN VÀ NƠI CHA TA NGỰ” như lời tiên tri của Đức Chúa Jésus Christ
trong Thánh Kinh Tân Ước của Công giáo: là Đền Thánh của Đạo Cao Đài là TÒA
THÁNH TÂY NINH.
Năm 1965, có nhiều lực lượng Quân sự ngoại quốc tham chiến tại Việt Nam,
trong số đó có Quân đội Đại Hàn. Số người này có Thượng Tọa Phát Hồng Châu (Pack-Hong-Shu) là
Thiếu Tá Tuyên-úy Phật Giáo của Quân đội Đại Hàn. Ông Thượng Tọa Phát Hồng Châu
đến Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, xin ở lại một đêm trong Đền Thánh để tìm hiểu
huyền vi mầu nhiệm của nền Đại Đạo như thế nào, vì ông đã đắc Lục thông, nghĩa
là ông có thể thấy xa và nhìn rộng ngoài cảnh giới của mắt thường thấy được.
Theo lời của Thượng Tọa Phát Hồng Châu kể lại thì Sư Phụ của ông là một vị Hòa
Thượng đã đắc Đạo, trước khi viên tịch đã nói với ông rằng: Ở Việt Nam có một nền
Tôn giáo mới, Đạo đó thờ MỘT CON MẮT trong khuôn hình Tam giác đứng, đó là Đạo
của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế lập ra, Đạo đó mới là đạo Chánh, Đạo đó mới có đủ
quyền năng độ rỗi về phần xác và phần hồn
cho cả chúng sanh. Con phải tìm đến nơi đó mà nhập môn vào cửa Đạo. Sau
khi Sư Phụ của ông viên tịch, ông được lên thay thế làm Chủ một ngôi chùa lớn tại
Thủ đô Hán Thành. Nay ông tình nguyện vào Quân đội Đại Hàn làm Thiếu Tá tuyên
úy Phật giáo là cốt yếu qua Việt Nam tìm đến nền Tôn giáo Thờ “MỘT CON MẮT” trong khuôn hình Tam giác đứng.
Thượng Tọa Phát Hồng Châu (Pack-Hong-Shu) được Hội Thánh cho phép ở lại một đêm
(ông ngồi Thiền). Thời điểm này Đức Thượng Sanh đang cầm quyền Hội Thánh. Sáng
ra Thượng Tọa Phát Hồng Châu (Pack-Hong-Shu) nói: Quả thật Đền Thánh có nhiều
huyền vi mầu nhiệm không thể diễn tả bằng lời. Tôi chỉ có thể nói được một điều
là: dưới độ sâu của Đền Thánh chừng 300 thước có sáu nguồn nước đoanh lại, mà
thượng nguồn phát sanh từ Trung Quốc, cuối nguồn đưa lên Núi Bà Đen (chỗ nền Vạn
Pháp Cung). Sáu nguồn nước này là Linh huyệt LỤC LONG PHÒ ẤN (Trùng hợp với lời
của Bác vật Lang) Đền Thánh được ấn trên huyệt này, về sau Đền Thánh sẽ linh
thiêng và mầu nhiệm vì: Tất cả hồn thiêng sông núi của Trung Quốc sẽ chảy về
đây: Những tinh hoa của dân tộc, những mầu nhiệm thiêng liêng của Trung Quốc đã
có từ trước sẽ qui tụ về đây. Những tài năng về nhân lực, những phong phú về vật
lực, những sáng tạo về trí lực sẽ qui tụ về đây (ứng vào câu Thánh Ngôn của Đức
Chí-Tôn:
“Một nước nhỏ nhoi trong Vạn
quốc,
“Mà sau làm CHỦ mới là kỳ”
Chính người Trung hoa họ cũng biết trước như vậy, nên đã cho người (các Thầy
địa lý) qua Việt Nam để ếm những linh huyệt này (dùng bùa Lỗ Ban) nhưng họ đã
không biết đến linh huyệt “Lục long phò ấn” ở Tòa Thánh Tây Ninh (vì lúc đó nơi
đây là khu rừng Cấm). Tuy nhiên họ cũng ếm được một linh huyệt xuất Vương, xuất
Tướng tại Mỹ Tho (núi Lan gần Thánh Thất Khổ Hiền Trang) Việc này nhờ Bát Nương
mách bảo và nhờ Tổ Sư Lỗ Ban giáng Cơ chỉ dẫn. Đức Hộ-Pháp đã giải ếm được huyệt
này và lấy được LONG TUYỀN KIẾM. Thượng Tọa Phát Hồng Châu (Pack-Hong-Shu) hứa
rằng: Ngày nào Đạo Cao-Đài truyền qua Đại Hàn, Ông sẽ hiến một ngôi Chùa lớn của
ông tại Thủ đô Hán Thành để làm Thánh Thất Cao Đài và sẽ khuyên tín đồ Phật
Giáo của Ông vào Đạo Cao Đài hết. Trước khi về nước Thượng Tọa Phát Hồng Châu
(Pack-Hong-Shu) đến Thánh Thất Đô thành (891 Trần Hưng Đạo) nhập môn rồi mới về
nước.
ĐỨC CHÍ-TÔN ĐẾN BAN CHO VIỆT
NAM
QUYỀN LÀM CHỦ
THỜ CHỮ CHỦ- 主
Chủ hay Chúa. Âm tuy khác nhưng nghĩa vẫn một. Gồm bộ Chủ丶 và chữ Vương 王. Ngày xưa Chúa xem như
người đứng đầu một nước lớn gọi là Đế 帝 thống lãnh các vương hầu. Cũng như Ngôi Trời là Cha, mà Chúa là Con một của
Trời. Đọc Chúa là danh của Đấng Chúa Cứu thế đã một lần đến với nhân loại, Ngài
đã thọ khổ để chuộc tội cho loài người. Trên hai ngàn năm đã vắng mặt Người.
Qua “Đệ Nhị Hòa-Ước đã ký-kết với Đức Chí Tôn bị nhân-loại bội-ước nữa, vì
bội-ước mà bảo sao nhân-loại không bị tội-tình mắc-mỏ cho được”.
Lời Đức Chúa Jésus Christ trong Thánh KANT:
“Je reviens en
ce monde avec un Nouveau Jésusalem” (Tôi
trở lại thế-gian này với một TÒA THÁNH MỚI
”
Hôm nay Ngài đã
trở lại với Toà-Thánh Cao-Đài:
“Nhị kiếp Tây Âu cầm máy tạo,
“Hữu duyên Đông Á nắm Thiên Thơ”
Thánh ngôn đã ghi rõ một đàn cơ do người Pháp hầu đàn. Đức Chí-Tôn giáng dạy:
“Các con có biết chăng hiện nay vì
thế gian rất hung bạo nên thời kỳ tận diệt đã hầu kề. Nhân loại tàn sát lẫn
nhau, bởi không biết dùng khoa học vào việc phải, nên nó mới biến thành chia rẻ
và chiến tranh.
Thánh Đạo của Chúa Cứu Thế (vì sự hiểu lầm) làm tăng gia dục vọng của kẻ mạnh
đối người yếu và giúp giáo cho bọn trên hiếp người dưới. Phải có một giáo lý mới
mẻ đủ khả năng kềm chế nhân loại trong sự thương xót chúng sanh. Chỉ có xứ Việt-Nam
còn duy trì được sự tôn sùng Tổ phụ theo
tục lệ cổ truyền, mặc dù xứ ấy chỉ biết chịu ở dưới quyền lệ thuộc từ ngày được
tạo lập đến giờ. Ý Thầy muốn nó được giữ nguyên như vậy mãi” (TNI/131).
Bởi: Ngày nay Người đã trở lại trong nguơn hội này để hoàn thành chương
trình Qui nguyên Tam giáo Phục nhứt Ngũ chi, dưới danh hiệu: “Tam-Thiên Thế giới
Hộ-Pháp Gíang Lâm” là Đức Hộ-Pháp đó vậy. Tất cả các yếu-lý để làm một con người
toàn thiện là phải đủ 4 đức: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. Có thể gồm thâu vào một mối ở
người tu theo Đạo Cao-Đài ngày nay là đoạt đức làm Chủ, làm Chúa. Phật Thích-Ca
cũng nói: Thắng một vạn quân không bằng tự thắng lấy mình là vậy. Thắng lấy
mình là làm chủ mình trước tiên. Dầu một bậc vua quan công hầu khanh tể đi nữa
mà không thắng lấy mình được thì mọi việc sẽ hư hỏng về sau. Lịch-sử nhân-loại
đã cho ta thấy điều ấy. Thế nên ngày nay Đức Chí-Tôn đến mở Đạo Ngài cho Thờ
trên Thiên bàn hình chữ CHỦ 主. Tức nhiên điều cần yếu
nhứt là mình phải tự làm chủ lấy mình. Đây cũng là câu quyết định: “Ngũ nguyện
Thánh Thất an-ninh” vậy.
Dù ở một con người có Tôn-giáo hay một người ngoại Đạo mà có đủ Nhân,
Nghĩa, Lễ, Trí thì cũng là một mẫu người đáng kính, đáng nễ phục. “Thế nên Triết-lý
của nền Tôn-giáo Cao-Đài mục đích là làm cho cả nhân-loại đến học đức làm Chúa,
làm chủ toàn cả gia-đình:
- Được làm Chủ của một tiểu gia-đình, tức là một Tông tộc, là một vị Hiền tại
thế rồi.
- Được làm Chủ một trung gia-đình là quốc gia, là một vị Thánh-nhơn.
- Được làm Chủ một số quốc-gia hiệp lại như Hiệp Chủng quốc tại Mỹ-châu như
Washington, Lafayette chẳng hạn là một vị Tiên.
- Được làm Chủ tới đại-gia-đình tức nhiên làm chủ cả toàn tâm-lý thiên-hạ,
một nền Tôn-giáo là một vị Phật.
Trên THIÊN BÀN THỜ ĐỨC CHÍ-TÔN
HÌNH CHỮ “CHỦ 主” 5 nét
Thể-pháp của Đạo Cao-Đài có khuôn-khổ tập cho nhơn-loại đi đến mục-đích
trong luật-pháp của một nền Chánh-giáo”. Thầy đã dạy trên Thiên bàn thờ Chí-Tôn
hình chữ CHỦ 主 tức là gồm 12 món cúng phẩm, đặt thành 3 hàng
ngang tạo thành hình quẻ Càn ☰ vi thiên (Càn là trời) tức là chỉ ngôi Thượng Đế
Thái-cực Thánh Hoàng vi chủ.
Đức Chí-Tôn đến dạy cho nhân loại thờ Ngài dưới hình thức chữ CHỦ là chỉ rõ
cho thấy rằng:
“Thầy là CHÚA cả Càn khôn thế giái, tức là Chúa tể sự vô vi, nghĩa là chủ
quyền của Đạo, mà hễ chủ quyền của Đạo ngự nơi nào thì là Đạo ở nơi ấy” (PCT)
Hiện nay trên Thiên bàn đã sửa sai Pháp:
Ngày nay cũng đặt 12 món cúng phẩm ấy nhưng sửa lại để bông và trái xuống cấp
dưới, nghĩa là làm mất đi một đường ngang, bấy giờ còn lại là hình chữ THỔ 土 (thổ là đất) thì trở thành quẻ Khôn ☷ khôn vi địa (địa là đất)
là thời âm. Âm thạnh tất Dương suy. Đạo bị bế là vậy. Bởi hằng ngày Ta chỉ lạy
vào chữ “Thổ” mà thôi.
Nhìn lên Thiên bàn, một lỗi-lầm như trên ta thấy ra rất nhỏ, hầu như không
một ai chú-ý, nhưng chiều sâu rộng thật tai hại vô cùng, Đạo bị thất pháp là do
đó. Người tu không thành cũng do đó. Người bảo thủ Chơn-truyền cũng phải biết
phân biệt bấy nhiêu đó mà tìm tòi nơi Chánh giáo. Đâu là đúng? Đâu là sai? Tự
mình điều chỉnh!
Thất pháp như thế nào?
Điều này Thầy có nói với Đức Hộ-Pháp khi Ngài giao quyền cho Hộ-Pháp xuống
thế mở Đạo. Nhắc lại lời Đức Hộ-Pháp rằng:
"Bần-Đạo vâng lịnh Đức Chí Tôn xuống thế mở Đạo, thì Đức Chí-Tôn mới hỏi rằng:
- Con phục lịnh xuống thế mở Đạo, con mở Bí Pháp trước hay là mở Thể-Pháp
trước?
Bần-Đạo trả lời:
- Xin mở Bí-pháp trước.
Chí-Tôn nói:
- Nếu con mở Bí-pháp trước thì phải khổ đa!
Đang lúc đời cạnh-tranh tàn bạo, nếu mở Bí pháp trước, cả sự bí-mật huyền-vi
của Đạo, Đời thấy rõ xúm nhau tranh giành phá hoại thì mối Đạo phải ra thế nào?
Vì thế nên mở Thể-pháp trước, dầu cho đời quá dữ có tranh-giành phá hoại cơ thể hữu-vi hữu-hủy đi nữa thì
cũng vô hại, xin miễn mặt Bí pháp còn là Đạo còn:
- Bí-pháp là Hiệp-Thiên-đài giữ.
- Thể-pháp là Cửu-trùng-đài mở-mang bành trướng”.
Vậy có hại cho nền chơn giáo của Chí-Tôn không?
- Nếu nói hại thì quả thật là một điều tai hại ghê gớm, nhưng muốn không hại
thì cả nhơn sanh thông hiểu đạo lý, dầu sửa đến đâu mà nhơn sanh đã thấu hiểu rồi
thì không còn lầm lạc được. “Tu hữu công mà thành thì không thành” ấy là lời Thầy đã từng nhắc nhở!
Tất nhiên, ngày nay Đức Chí-Tôn đã đến, ban lại CHỦ QUYỀN cho dân tộc Việt-Nam,
vì qua bao thời gian nhiều thế hệ cha ông chúng ta đã bị mất chủ quyền, chịu nạn
lệ nô, để bây giờ con cháu của các Ngài phải biết đến chữ CHỦ:
- Thứ nhứt là biết có Trời đang làm CHỦ, đang chế ngự toàn cả tâm linh của
nhân loại với mục đích đưa nhân loại đến Đại-Đồng. Ấy là chữ CHỦ về Đạo-pháp đó.
- Thứ hai là đất nước Việt-Nam này phải chính do Việt-Nam làm Chủ trong sứ
mạng thể thiên hành hoá.
- Thứ ba phải chính mình làm chủ lấy mình: đây là một yếu-tố quyết định và
quan trong nhất Giả sử con dân Việt-Nam cứ mê theo chủ nghĩa ngoại lai bán rẻ
lương tâm, bán rẻ cả hồn dân tộc, thì dầu Chí-Tôn có ban cho đất nước này nhiều
mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ dầu hỏa…như hiện nay mà không biết gìn giữ, không biết quí
trọng cái nguồn sống thiêng liêng để mà ban rải đến cho toàn dân tộc cùng chung
hưởng, chỉ lo làm của riêng của người quyền thế thì cũng sẽ làm mồi cho kẻ tham
quyền trục lợi mà thôi. Khác nào các vì giả thương dân chúng mà “rước voi về
dày mả tổ, cõng rắn cắn gà nhà” như thời Lê Chiêu Thống là một chứng tích lịch
sử hùng hồn nhứt. Nhưng may thay, thời kỳ Cao-Đài Đức Chí-Tôn đã đến để xoay vận
BĨ thành THÁI. Ấy cũng là thời Bĩ cực Thái lai rồi đó !
ĐẤT VIỆT-NAM HÌNH CHỮ CHỦ 主
Nền Đại-Đạo phải có đủ ba yếu-tố: Thiên, Địa, Nhân đó là nền-tảng của Đại-Đạo
Tam-Kỳ Phổ-Độ ngày nay, còn gọi là Thiên-thời, Địa lợi, Nhân hoà.
A - Thiên thời:
Đây là Thiên-Thơ đã định “Khai Đạo muôn năm trước định giờ”. Nền Đại-Đạo
này tức là Tôn-giáo toàn cầu vậy! Tôn giáo, Ngài vi chủ năm châu hiệp tín-ngưỡng
lại, qui nhứt mà thôi với tôn-chỉ: Tam-giáo qui nguyên Ngũ chi phục nhứt đó!
Thánh-ý của Chí-Tôn rằng: “Thầy đã lập Đạo nơi cõi Nam này, là cốt để ban
thưởng một nước từ thuở đến giờ hằng bị lắm cơn thạnh nộ của Thầy. Thầy lại
tha-thứ, lại còn đến ban thưởng một cách vinh-diệu. Từ tạo Thiên lập Địa, chưa
nước nào dưới quả địa-cầu 68 này đặng vậy, cốt để ban thưởng các con thì các
con hưởng phần hơn là đáng, lẽ nào Thầy đã để phần nhiều cho các nước khác
sao!” (TN II/25)
B - Địa lợi: Xin giới thiệu với Bạn một đất nước Việt Nam liền một dải từ
Nam quan đến ải Cà Mau. Hình chữ S, nhưng nếu nhìn kỹ về địa dư cũng như về huyền
thoại thì quả thật đây là hình con Rồng uốn khúc, như vươn mình tới trong một
khí thế hào hùng.
1 - Việt-Nam là Thánh-Địa: Chính đây là một nền tảng quan-trọng về vật-chất
nữa, là đất nước Việt-Nam:
Toàn dân Việt-Nam có chung một niềm kiêu-hãnh về dân-tộc, về đất nước. Vì đất
nước Việt-Nam thân yêu của chúng ta có những nét đặc thù khả kính.
Lời tiên-tri của
Thầy là:
“Một nước nhỏ-nhoi trong Vạn quốc,
“Ngày sau làm chủ mới là kỳ”.
Tuy nhiên cũng nên điểm lại trên thực-tế Việt-Nam có được những yếu-tố nào
mà được chọn là nước CHỦ của Vạn quốc trong kỳ Thượng-nguơn tứ chuyển này ? Vì
sao nước Việt Nam được gọi là Thánh-địa?
Xét về ba phương-diện:
* Về mặt triết-lý văn-minh:
Nước Việt-Nam thọ ba ảnh-hưởng của ba nền Tôn giáo: Thích- Đạo- Nho từ Ấn-độ
và Trung-hoa truyền sang. Ba nền Tôn-giáo ấy đã được đồng-thời phát triển dưới
thời nhà Lý và nhà Trần bằng sự bình-đẳng của ba nền Tôn giáo nói trên. Kịp đến
khi văn-minh Âu-châu tràn vào thì Việt Nam
lại được hưởng thụ thêm nền văn-minh Cơ-đốc-giáo nữa. Như vậy, Việt-Nam
là mảnh đất gieo Đạo giáo từ lâu; vả lại Việt-Nam ít tạo oan báo, nên nghiệp quả
của nó cũng nhẹ nhàng. Việt Nam có đủ điều kiện để làm cơ qui nhứt toàn thế-giới
vì lý-do ấy.
* Xét về hình thể địa-lý thiên-nhiên:
Việt-Nam nằm vào vị-trí đặc biệt của Á-châu, mà Á-châu lại nằm vào vị trí
trung-tâm của quả đất và Á-châu là châu lớn nhất thế giới. Châu Á thuộc sắc da
vàng, theo lý của Ngũ-hành thuộc Thổ, mà Thổ chính là ở trung-ương.
Việt-Nam là cửa ngõ để tiếp nạp các luồng tư-tưởng từ Đông sang Tây cũng là
cửa ngõ để phòng-vệ đất nước cho các giống dân miền Đông Nam châu Á.
* Xét về hình thể địa-lý huyền-bí:
Việt-Nam có con sông dài vào bậc nhất thế-giới tất sẽ tạo nên linh-khí
thiêng-liêng. Linh-khí ấy tạo nên Long mạch Cửu-Long và dãy Thất-sơn nơi Châu-đốc đó vậy.
Miền Nam là nơi đất mới khai-khẩn nên những quả báo chưa gây nhiều, lại có
luồng nước nóng và nước lạnh từ các miền đại-dương hòa-hợp để tạo nên một khí-hậu
điều-hòa.
Tóm lại, Việt-Nam có đủ điều-kiện:Thiên-Địa- Nhân tức là Tam tài để đứng ra
chủ-trương một mối Đại Đạo. Tam-tài ứng với lý Tam-ngôi. Tam ngôi ba điểm đều vẹn
thì làm chủ thiên-hạ là lẽ thường chớ có gì đâu khác lạ !
Nhưng Thầy cũng thường dạy rằng:
“Làm chủ đây là chủ về tinh-thần chớ không phải mang binh hùng tướng mạnh
đi chiếm đất như các con lầm tưởng. Cái chủ tinh thần mới trường-cữu, còn làm
chủ theo thói đời thì nó lỏng-lẻo, bấp-bênh nào có bền-chắc, nào có nghĩa lý
gì!”
Cái lý Tam ngôi nhứt thể biến sanh Tam-giáo, Tam nguơn, Tam bửu…Số Tam là
chu-kỳ của trời đất để thực hiện cơ vận-chuyển hóa sanh, qui hợp. Việt-Nam cũng
là một Bát-Quái Đồ-thiên có đầy-đủ các con số ấy, tức nhiên là một Thái-Cực-Đồ
trọn vẹn.
2 - Việt-Nam là một Quốc gia Thiên định:
Với đất nước Việt-Nam cũng thế, cũng có đủ yếu tố Âm-Dương như trong một cơ
thể con người toàn vẹn. Nhờ Việt-Nam được kết tinh tú-khí âm dương điều hòa mới
được đứng vào hàng địa linh. Khi đã là địa-linh tất nhiên xuất hiện nhiều
nhân-kiệt.
Việt Nam là một thái cực đồ Chia hai phần rõ rệt:
- Phần đất liền là Thái Dương
- Phần biển là Thái Âm.
Trong đất liền có biển Hồ (thuộc Cambodge) là nước trong đất tức là Thiếu
Âm.
Trong biển có đất (đảo Hải Nam ở Trung-Hoa là đất trong nước) là Thiếu
Dương.
Như vậy bốn yếu-tố trên hợp thành TỨ TƯỢNG.
Giữa dãy đất có Ngũ hành-sơn để định cái tâm của vòng tròn tạo thành một Hậu
Thiên Bát-Quái mà núi này đứng vào ngũ trung. Việt Nam là một Thái Cực Hoàn đồ.
* Miền Bắc có Thăng Long thành (kinh đô nhà vua)
* Miền Trung có Cố-Đô Huế (kinh đô nhà Nguyễn)
* Miền Nam có Tòa-Thánh Tây-Ninh là (Thiên-triều của Thượng-Đế).
Ba kinh-đô này đã chấm đậm 3 nét Dương hùng-vĩ lập thành Tam Tài (Thiên Địa
Nhân) là quẻ CÀN ☰ càn vi thiên (càn là trời). Hơn nữa bờ biển Việt-Nam
chạy suốt từ Bắc đến Nam như một gạch đứng xuyên qua Quẻ Càn ☰ biến thành chữ VƯƠNG王 Nhưng vì có Tòa-Thánh Tây
Ninh ở miền Nam Việt-Nam, do Đức Chí-Tôn ngự là một Thiên triều của Thượng-Đế,
thế nên chữ Vương biến thành chữ CHỦ 主 tức nhiên Việt-Nam là một quốc gia Thiên định, như lời Ngài có tiên tri từ
thử: Trong đất nước Việt Nam còn có nhiều thắng cảnh nổi tiếng, đó là: Châu-Đốc
có Thất Sơn là 7 núi; đối với người là thất khiếu dương ở mặt, người tu biến thất
tình thành Thất khiếu sanh quang để suốt thông trời đất. Miền Nam có Cửu Long
giang, phát-nguyên từ ngọn núi cao nhất
thế giới là nguồn phát xuất tức là Hy Mã Lạp Sơn (Hymalaya), đổ ra sông
Hoàng-Hà chảy dài từ Ấn độ, Trung-Quốc qua Lào, Miên, rồi ra 9 cửa tạo
thành Cửu-Long-giang chín khúc (ở toàn người là Cửu khiếu).
Địa thế miền Nam Việt-Nam như một mình rồng uốn khúc, dài từ mũi Cà-Mau đến
ải Nam-Quan thật linh động. Thế đất Việt-Nam là một con Rồng khi ẩn khi hiện có
đỉnh đầu là dãy Thất Sơn (Châu Đốc): có hai mắt là núi Dương đông (Phú-Quốc) và
núi Thạch Động Hà-Tiên, vùng Cần-Thơ có
miệng là các cửa sông Cửu Long, có chót lưỡi là núi Côn lôn (Côn Đảo).
Chấm đậm 12 huyệt sáng-suốt: 6 huyệt chánh, 6 huyệt phụ và huyệt trung ương
là huyệt hội các huyệt, mà số 12 huyệt lại thuộc về Tâm-điền-huyệt, cho nên khiến
các hạng dân trong nước lần lần xu-hướng vào đường đạo hạnh. Các huyệt vừa kết
tụ thì các Tôn-giáo, giáo-hội lần lần phát triển, nhân dân mở rộng tâm thiện biết
hướng về đạo pháp, biết tín-ngưỡng tu trì.
Dân Việt-Nam theo thời cơ thiên-định, tinh-thần rất thông-minh, tài trí, đức hạnh; các hồn
linh chuyển kiếp làm con người trong nước, vì mảnh đất Việt-Nam được coi như là
một thí điểm. Nam phần Việt-Nam là nơi địa huyệt, thích-hợp với sự tiến hóa của
các linh-hồn ấy. Cho nên các linh hồn tốt đẹp, ưu tú khắp nơi hội hiệp tại Nam
phần Việt-Nam do luật trời biến động “nguồn ân thánh triết” lâm phàm sẽ thâu
các linh hồn ấy vào hàng Môn Đệ của Đức Thượng Đế đúng vào địa-cầu này vậy. Quả
đúng như lời tiên-tri của Đức Chí-Tôn về Thượng Ngươn Thánh Đức, như lời Đức
Chí-Tôn đã dạy. Nói đúng ra Việt-Nam là một Thái-Cực-Đồ trọn vẹn.
3 - Đền Thánh Cao-Đài đặt trong vùng Thánh Địa
Đức Lý Đại Tiên dạy ngay từ lúc khởi đầu rằng:
“Phải cất Thánh-Thất cho xong y như
lời dạy, chư Đạo hữu phải hiệp sức nhau đặng lập thành Tòa-Thánh, chi chi cũng ở
tại Tây-ninh này mà thôi. Vì là Thánh Địa.
Vả lại phong thổ tốt cho nhiều nước ngoại quốc đến đây học Đạo. Lão muốn nơi
khác mà Chí-Tôn không chịu.
Thượng-Trung-Nhựt, phải làm thế nào chừa đất dư ra ít nữa là 50 mẫu là trọn
cả bản đồ Bạch-Ngọc-kinh và cho đủ Thánh-địa ấy. Hiền hữu đi chọn đất về cho
Lão hay, cầu khẩn Chí-Tôn nghe!” (19-01 Đinh-Mão)
Thầy dạy:
“Các con nghe! Nơi nào Thầy ngự thì
nơi ấy là Thánh Địa. Thầy đã ban cho Thần Hoàng Long-Thành thăng lên chức
Văn-Xương vào trấn nhậm làng Hiệp-ninh dạy dỗ dân vô Đạo. Thầy ban đặng quyền
thưởng phạt đặng răn làng ấy cho đến ngày chúng nó biết ăn-năn cải hối. Vậy thì làng Long-Thành các con khá an lòng.
Còn Tòa-Thánh Thầy muốn để cho có nhơn lực hiệp cùng
Thiên ý là hạnh của Thầy, các con nên xem gương mà bắt chước. Từ khi Thầy đến lập Đạo cho đến giờ Thầy chưa hề một
mình chuyên quyền bao giờ. Các con lựa chọn nơi nào mà Hội-Thánh vừa lòng thì
là đẹp lòng Thầy. Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa-Thánh,
chi chi cũng tại Tây-ninh này mà thôi”.
(Ngày 20-01 Đnh-Mão)
Đức Lý Đại-Tiên là một Kiến trúc-sư
vô hình luôn một bên chỉ dẫn. Còn Đức Hộ-Pháp bấy giờ Ngài là Đốc công trực tiếp
thi công Đền Thánh.
Đức Lý nói với Ngài Thái Thơ Thanh về ý-nghĩa cuộc diện đất Thánh địa ấy rằng:
“Lão khen Thái-Thơ-Thanh phải đó đa!
Tưởng chư Hiền hữu không thấy nữa: Lão cắt nghĩa vì sao cuộc đất ấy là Thánh Địa.
Sâu hơn 300 thước như con sông: giữa trung tim đất giáp lại trúng giữa sáu nguồn
làm như sáu con Rồng đoanh nhau. Nguồn nước ấy trúng ngay đảnh núi gọi là Lục
Long phò ấn; ngay miếng đất đó đặng ba đầu: một đầu ra Giếng mạch Ao-Hồ, hai đầu
nữa bên cụm rừng bên kia. Người Lang-sa chỉ đòi hai mươi ngàn rồi trả đúng có
mười lăm ngàn. Lão dặn thì thành trả có 17, 18 ngàn thì đặng vậy”.
4 - Đền Thánh Cao-Đài là Bạch-Ngọc-Kinh tại thế Ngài Khai-Pháp giáng cơ nói với Ngài Bảo-Thế:
“Hiền-huynh vũng đức tin, cuộc thế
đã đến thời-kỳ kết thúc, nên Thần Tiên đã lâm phàm đồng ngưỡng về Cao-Đài Thánh
Địa là Bạch-Ngọc-Kinh tại thế.
Buổi Phật Di-Lạc-Vương trị vì Thiên hạ, cứ tiến tới có ngày vui sắp đến”
(Ngày 1-12 Giáp Thìn – dl 4-1-1965)
Đức Hộ-pháp cũng nói rõ Thánh Hiền xuất thế:
“Bần Đạo rất hài lòng đặng thấy con
cái của Đức Chí-Tôn ngày nay được biết nguồn gốc của sự Thương yêu, nên chi
toàn cả chúng sanh đều hướng về sự Hòa bình cả thế giới, nhưng chẳng nước nào tầm
ra manh mối.
Vậy chỉ sau này có Đạo mới phăng được mối để dìu-dắt toàn cả chúng sanh làm
Chủ các nước trong hoàn cầu y theo lời của Đức Chí-Tôn đã tiền định.
Bần Đạo để lời cám ơn cả Chức sắc, Chức việc có lòng hội hiệp cùng nhau lo
cuộc đại nghiệp của Chí-Tôn, chẳng phải
cuộc lễ lớn mà mừng, nhưng mừng đặng một khối hòa ái cộng yêu với nhau. Đó là
tượng trưng cho cả tinh thần của Đạo. Ngày nay nước Việt-Nam có nhiều Thánh Hiền
xuất thế, nhưng còn ẩn danh ở trong các hang thẵm để lo lập nghiệp sau này. Hội
Long-Hoa sẽ đến ở tại Nam phần Việt-Nam. Vậy ngày giờ đã gần đến, nên Bần Đạo để
lời khuyên cả Chức sắc và toàn Đạo rán thế nào thống nhứt Đạo cho được mới có đủ
sức mạnh để làm gương cho Vạn quốc. Chỉ có chúng ta sau này phải lãnh sứ mạng
đó. Bần Đạo rất vui mà tỏ Thiên cơ đã lộ.
Bần Đạo để lời cám ơn và ban phép lành cho tất cả.
(Ngày 10-4 Giáp Thìn Dl 21-5-1964)
5 - Nước Nhựt được Thiêng-liêng mặc khải về Thánh Địa
Việt-Nam:
Đây, tiếng nói của người Nhựt, Ông TAMAMITSU FUJINOMIYA nói rằng:
“Vào ngày 13 tháng 12 năm 1972 Tôi
có tiếp nhận được một mặc khải Thiêng liêng ở núi Fuji dạy rằng:
“Có một Thánh Địa vĩ đại ở Việt-Nam.
TA đã chuẩn bị nó cho ngày hôm nay. Con hãy đi tìm và liên lạc chặt chẽ với Thánh-địa
ấy.”
Vì thế khi viếng Việt-Nam, Tôi nhận thấy rằng Thánh-ý đã thực hiện
huy-hoàng Thánh-Địa ấy ở Tôn giáo Cao-Đài. Tôi rất thỏa mãn với Đấng Thượng-Đế
của quí Tôn giáo, với đặc tính của học thuyết Cao-Đài, đức độ của quí vị lãnh đạo,
tầm mức sanh hoạt và những triển vọng của quí Tôn giáo. Ngày nay nhân loại đang
thực hiện với thời kỳ sau cùng và chúng ta, những người Tôn-giáo cần có một sự
phối hợp chặt chẽ giữa chúng ta đã được thọ mạng bởi Thánh-ý và tình thương vô
tận của Đấng Thượng-Đế muốn nêu ra một
phương thức cứu nguy nhân loại. Khi Tôi được quí đại diện của bốn Tôn giáo lớn
tại miền Nam Việt-Nam mời họp trong ngày 24 tháng 2, Tôi có đưa ra một đề nghị:
“Một đại hội của các Tôn giáo Thế giới
phải được triệu tập ở chính tại Việt-Nam. Từ nơi đây, một sự tấn công ôn-hòa với
Satan (Tà quyền) sẽ bắt đầu”.
Đề nghị của Tôi được toàn thể Hội-trường chấp thuận, Tôi sẽ rất lấy làm hạnh
phúc nếu Ngài hoan hỉ giúp đỡ Tôi thực hiện chương trình này. Sợi dây liên lạc
tinh thần nằm trên sự phối hợp giữa Tôn giáo Cao-Đài ở Việt Nam và Fuji ở Nhật Bản và quả Địa cầu dựa theo Thánh ý của
Đức Thượng-Đế sẽ bắt đầu quay quanh trục chân chính này. Tôi xin tỏ sự biết ơn
sâu xa đối với Thượng-Đế và nồng nhiệt đối với Ngài và tất cả sự tử tế và tiếp đãi chân thành của Ngài và của
dân tộc Ngài đã dành cho Tôi. Cầu xin Tôn giáo Cao-Đài sẽ làm tròn sứ mạng
Thiêng-liêng và kính chúc Ngài dồi dào sức khỏe với lòng biết ơn sâu xa của
Tôi”.
TAMAMITSU FUJINOMIYA
Đền Thánh là một KHỐI ĐỨC TIN
Đức Hộ-Pháp nói: “Đây là Tòa-Thánh là nơi Đức Chí-Tôn đến, nhất định lập
ngôi vị của Ngài trong mọi sự cố-gắng của con cái Ngài, tượng-trưng khối tinh
thần vững chắc, thì có ai đủ quyền-năng nào mà diệt được. Đền Thánh kể từ đây
không còn ai xem nó là vôi, cát, xi-măng nữa, mà là một khối đức-tin của toàn
con cái của Đức Chí Tôn đã tượng nên hình đó vậy. Từ đây một sắc dân nào có đủ
đức-tin nơi Đức Chí Tôn là Chúa-tể vạn loại thì dầu ở nơi phương trời nào, họ sẽ
hướng về Đền-Thánh mà cầu nguyện hằng ngày, hằng giờ để mong hưởng phước lành của
Ngài…“Nay, Đức Chí-Tôn đến tạo Đạo, Ngài dựng nên Toà-Thánh Cao-Đài hiện tại
nơi miền Nam Việt-Nam này là ngôi của Đức Chí-Tôn ngự, tượng-trưng Bạch Ngọc kinh tại thế.
Cái quyền-năng vô cực vô thượng của Ngài do những pháp vô-vi mầu-nhiệm
mà có nên gọi là Bí pháp. Đức Chí-Tôn cũng dùng Bí-pháp mà lập Đại-Đạo Tam-kỳ Phổ-Độ để ứng nghiệm
cái quyền-năng của Ngài nơi địa cầu 68 này để bảo-tồn cơ sanh-hóa, vì Ngài là
Chúa sự Thương yêu, mà vì thương-yêu mới có sanh sanh hóa hóa. Vậy nên Đại-Đạo
Tam-Kỳ Phổ-Độ do Bí-pháp lập thành.
Nguyên Thủy
CHUNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét