Mùa Hội Yến Diêu Trì Cung - giản lược (Nguyên Thủy)

 DIÊU TRÌ KIM MẪU
Vú MẸ chưa lìa đám trẻ con,
Độ sanh chưa rõ phận vuông tròn.
Quyền cao NGỰ MÃ là vinh bấy
Phận mỏng HIỆP THIÊN biết giữ còn ?
Lợt điểm Thánh tâm trần tục khảo,
Vẻ tươi bợn thế nét dò đon.
Thà xưa ví bẵng nay gìn vậy,
Lòng MẸ ngại-ngùng con hỡi con !   Thánh Ngôn Hiệp-Tuyển. Trang 85. Q. II / In lần III.  Hội thánh giữ bản quyền. Canh-Tuất-niên (1970)
Lời Soạn giả:
Phần trang trí hoa văn và việc sử dụng chữ Hán cũng như chữ Nôm do ngòi bút điêu luyện của Họa-Sĩ Nguyễn Tấn Tài. Xin được phối họp cùng bài viết của Nguyên-Thủy vào năm Kỷ-Sửu. Mùa Hội-Yến Diêu-Trì  năm nay, chắc chắn sẽ được dày thêm trang nhân ái. Cung phụng hiến Lễ  trước là Đức Diêu Trì Kim Mẫu và Cửu vị Tiên Nương cùng Bạch Vân Động chư Thánh. Sau là làm món quà tặng thân-ái nhất gởi đến toàn Đạo. Kính chúc đồng Đạo hưởng một mùa Hội-Yến Diêu-Trì nhiều phúc lạc của Đức Mẹ ban cho.
NGUYÊN-THỦY
HỘI YẾN DIÊU TRÌ
“Hội Yến Diêu Trì là cơ quan đắc Ðạo tại thế. Ðức Kim-Mẫu cùng Cửu Vị Nữ Phật đã giáng trần Hội Yến với chư Chức Sắc, xướng họa thi phú và dạy Ðạo. Ấy là Hội Chư Tiên tại thế.
- Ðức Chí Tôn thuộc về PHẬT,
- Ðức Diêu Trì Kim Mẫu thuộc về PHÁP,
- Nếu có Ðức Chí Tôn mà không có Ðức Diêu Trì Kim Mẫu thì trong vũ trụ nầy không có chi về mặt hữu vi,  còn nhơn loại là TĂNG.
Ta nhìn có Ðức Chí Tôn khai hóa, nhưng cơ sanh hóa Càn Khôn cũng như cơ sản xuất nhơn loại tại thế cũng do nơi Âm Dương tương hiệp mới phát khởi vạn vật, cho nên con người gọi cha mẹ là Tiểu Thiên Ðịa, còn nhiều ý nghĩa rất sâu xa nói chẳng tột”.
Đức Hộ-Pháp thuyết ngày 30 tháng giêng
năm Ðinh Hợi (1947)

Điều chính yếu trong Lễ HỘI YẾN DIÊU TRÌ
là có những 13 Bài Thài hiến Lễ:
           - 1 Bài Hiến Lễ Đức Phật Mẫu Diêu Trì.
           - 9 Bài Hiến Lễ Cửu Vị Tiên Nương
           - 3 Bài Hiến lễ cho Ba vị Tướng soái của Thầy                    
                       
13 - BÀI THÀI
Hiến Lễ trong ngày Hội-Yến.
Trong giờ Tế Lễ các Giáo-Nhi và Đồng Nhi đồng ngâm các bài Thi của chính các Ngài giáng Cơ ban cho, HÀNH LỄ theo nghi thức Tôn giáo gọi là Bài Thài Hiến Lễ.

Bài Thài Hiến Lễ Đức Phật-Mẫu  
CỬU  kiếp Hiên Viên thọ sắc Thiên
THIÊN  Thiên Cửu phẩm đắc cao Huyền.
HUYỀN  hư tác thế Thần Tiên Nữ,
NỮ  hảo thiện căn đoạt Cửu Thiên.
1 - Bài thài Hiến Lễ  Nhứt Nương DTC
(Bửu pháp: Đàn Tỳ-Bà)
HOA thu ủ như màu thẹn nguyệt,
Giữa thu ba e tuyết Đông về,
Non sông trải cánh Tiên hoè.
Mượn câu Thi hứng vui đề chào nhau.
2 - Bài Thài Hiến Lễ  Nhị Nương DTC
(Bửu pháp: Lư hương)
CẨM  tú văn chương hà khách Đạo?
Thi Thần tửu Thánh vấn thuỳ nhân?
Tuy mang lấy tiếng hồng-quần.
Cảnh Tiên còn mến cõi trần anh-thư.
3 - Bài Thài Hiến lễ Tam Nương DTC:
(Bửu pháp: Long Tu phiến)
TUYẾN đức năng thành đạo,
Quảng trí đắc cao huyền,
Biển mê lắc lẻo con thuyền,
Chở che khách tục Cửu tuyền ngăn sông
4 - Bài Thài Hiến lễ Tứ Nương DTC
(Bửu pháp: Kim Bản)
GẤM lót ngõ chưa vừa gót ngọc
Vàng  treo nhà ít học không ưa.
Đợi trang Nho sĩ tài vừa,
Đằng giao khởi phụng khó ngừa Tiên thi.
5 - BÀI THÀI HIẾN LỄ NGŨ NƯƠNG DTC
(Bửu pháp: cây Như ý)
LIỄU yểu điệu còn ghen nét đẹp,
Tuyết trong ngần khó phép so thân.
Hiu-hiu nhẹ gót phong trần,
Đài sen mấy lượt gió thần đưa hương
6 - BÀI THÀI HIẾN LỄ LỤC NƯƠNG DTC
(Bửu pháp: phướn Tiêu diêu)
HUỆ  ngào-ngạt  đưa hơi vò dịu,
Đứng tài ba  chẳng thiếu tư phong
Nương mây như thả cánh hồng,
Tiêu diêu phất phướn cõi lòng đưa Tiên.
7 - BÀI THÀI HIẾN LỄ THÂT NƯƠNG DTC
(Bửu pháp: Hoa sen trắng)
LỄ bái thường hành tâm Đạo khởi
Nhân từ tái thế tử vô ưu
Ngày Xuân gọi thế hảo cừu,
Trăm  duyên phước tục khó bù buồn Tiên.
8 - BÀI THÀI HIẾN LỄ BÁT NƯƠNG DTC
(Bửu pháp: Giỏ Hoa lam)
HỒ HỚN HOA SEN trắng nở ngày
Càng gần hơi đẹp lại càng say
Trêu trăng hằng thói dấu mày
Cợt mây tranh chức Phật Đài thêm hoa.
9 - BÀI THÀI HIẾN LỄ CỬU NƯƠNG DTC
(Bửu pháp: ống Tiêu có 7 lỗ)
KHIẾT sạch duyên trần vẹn giữ
Bạc-Liêu ngôi cũ còn lời.
Chính chuyên buồn chẳng trọn đời,
Thương người noi Đạo Phật Trời cũng thương.
BÀI THÀI HIẾN LỄ
BA VỊ TƯỚNG SOÁI CỦA THẦY

           
1 - Bài Thài Hiến Lễ
   ĐỨC HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC
   (Bửu pháp: cây Kim Tiên)
Trót đã bao năm ở xứ người,
Đem thân đổi lấy phút vui tươi.
Ngờ đâu vạn sự do Thiên định,
Tuổi đã bảy mươi cũng đủ rồi.
Nhớ tiếc sức phàm thừa chống chỏi,
Buồn nhìn cội Đạo luống chơi vơi.
Rồi đây ai đến cầm Chơn pháp ?
Tô điểm non sông Đạo lẫn Đời.
2 - Bài Thài hiến Lễ 
ĐỨC THƯỢNG PHẨM CAO QUỲNH CƯ
(Bửu pháp: Long-Tu-phiến)
Ngảnh lại mà đau cảnh đoạn tràng,
Cõi Thiên mừng đặng dứt dây oan.
Nợ trần đã phủi, lòng son sắt,
Ngôi vị nay vinh, nghĩa đá vàng.
Cổi tấm chơn thành lòa nhựt nguyệt,
Phơi gan chí sĩ nhuộm giang san.
Bốn mươi hai tuổi sanh chưa phỉ,
Để mắt xanh coi nước khải hoàn.
2 - Bài Thài hiến Lễ 
ĐỨC THƯỢNG SANH CAO HOÀI SANG
(Bửu pháp: Thư hùng kiếm và cây phất chủ)
Từ lúc đưa tay nắm Đạo quyền,
Nguyện đem thi thố tấm trung kiên.
Độ đời quyết lánh vòng danh lợi,
Trau chí tìm noi bậc Thánh Hiền.
Từ ái làm nền an thổ võ,
Đức ân dụng phép tạo nhơn duyên.
Những mong huệ trạch ơn nhuần gội,
Sứ mạng làm xong giữ trọn nguyền.
Mẫu SỚ VĂN Cúng Đại Đàn Đức Phật Mẫu:
ĐẠI ĐAO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Thất thập Tam niên)
Tam Gíao Qui Nguyên Ngũ Chi Phục Nhứt

Thời duy

Thiên vận Mậu Dần niên, Lục ngoạt, Thập ngũ nhựt, Ngọ thời, hiện tại Việt Nam quốc, Tây Ninh tỉnh, Hòa Thành huyện, cư trụ Báo Ân Từ chi trung.
Kim Đệ Tử Nguyễn thị Khéo, Công đồng chư Thiện Nam Tín Nữ đẳng, quì tại Điện tiền, thành tâm trình tấu.

HUỲNH KIM KHUYẾT NỘI:
- Huyền Khung Cao Thượng Đế Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn.  
- Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn.

TAM TÔNG CHƠN GIÁO:
- Tây Phương Giáo Chủ Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn. 
- Thái Thượng Đạo Tổ Tam Thanh Ứng Hóa Thiên Tôn. 
- Khổng Thánh Tiên Sư Hưng Nho Thạnh Thế Thiên Tôn

TAM KỲ PHỔ ĐỘ TAM TRẤN OAI NGHIÊM
- Thường Cư Nam Hải Quan Âm Như Lai. 
- Lý Đại Tiên Trưởng kiêm Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ
   Phổ Độ. 
- Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân.
- Gia Tô Giáo Chủ Cứu Thế Thiên Tôn.
- Thái Công Tướng Phụ Quảng Pháp Thiên Tôn. 
- Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn. 
- Thập Phương Chư Phật, Vạn Chưởng Chư Tiên,
   Liên Đài chi Hạ

Kim vì: Vọng nhựt lương thần, chư Thiện Nam Tín Nữ đẳng, nghiêm thiết đàn tràng, hương, đăng, hoa, trà, quả, thanh chước chi nghi, thành tâm hiến lễ.              
Ngưỡng vọng: Đức Kim Bàn Phật Mẫu
Dĩ đức từ bi, chuyển họa vi phước, thoát ách tiêu tai,
thế giới an ninh, cộng hòa nhơn loại, Tổ quốc Việt Nam đạt vinh quang, sanh chúng an cư lạc nghiệp, phục hồi Đường Ngu chi phong hóa.      
Ngưỡng vọng: Đức Kim Bàn Phật Mẫu
Phát hạ hồng ân, hoằng khai Đại Đạo, độ tận chúng sanh, hiệp trí hòa tâm, tinh thần qui nhứt, vĩnh sùng Chánh giáo, giải thoát tiền khiên, triêm ngưỡng Mẫu ân tứ phước.
Ngưỡng vọng:  Đức Kim Bàn Phật Mẫu
Cứu độ các đẳng Chơn linh quá vãng, tảo đắc siêu thăng, an nhàn Cực Lạc.       
Chư Đệ tử đồng thành tâm khẩn nguyện cúc cung khấu bái thượng tấu, dĩ văn.  
Đệ tử:... (Nguyễn Thị .......)

GIẢI THÍCH CÁC BÀI THÀI

Bài Thài Hiến Lễ Đức Phật-Mẫu:
CỬU kiếp Hiên Viên thọ sắc Thiên.
THIÊN Thiên Cửu phẩm đắc cao Huyền.
HUYỀN hư tác thế Thần Tiên Nữ,
NỮ hảo thiện căn đoạt Cửu Thiên

Đức Mẹ Diêu-Trì cho biết chính danh là “CỬU  THIÊN HUYỀN NỮ”.Ngài đã thọ sắc lịnh của Đức Chí Tôn giáng trần kiếp thứ 9 vào thời Vua Hiên-Viên Hoàng-Đế bên Tàu (2697-2597 trước Tây lịch). Nơi các cõi Trời, Cửu phẩm Thần Tiên được cao siêu huyền diệu. Ngài đã tạo ra các cõi trần và các Đấng Thần Tiên, nhất là NỮ PHÁI khuyên gắng công tu niệm sẽ được trở về, thăng tiến trong cõi Trời.
Bài thi trên có 4 chữ đầu là câu khoán thủ:  CỬU THIÊN HUYỀN NỮ. Đây là một danh hiệu đặc biệt của Đức Phật Mẫu Diêu Trì..

Câu 1: Cửu kiếp Hiên Viên thọ sắc Thiên.      
(Cửu kiếp: Kiếp giáng trần thứ 9. Hiên Viên: Vua Hiên Viên Huỳnh Đế bên Tàu (2697-2597 trước Tây lịch). Thọ:
Nhận lãnh. Sắc Thiên: Tờ giấy viết lệnh của Đức Thượng
Đế ban ra).Đức Phật Mẫu thọ lãnh sắc lịnh của Đức Chí Tôn, giáng trần kiếp thứ 9 vào thời vua Hiên Viên Huỳnh Đế.

Câu 2: Thiên Thiên Cửu phẩm đắc cao huyền 
(Thiên Thiên: chỉ các cõi Trời. Cửu phẩm: 9 phẩm Thần Tiên. Đắc: Được. Cao huyền: Cao siêu và huyền diệu. Nơi các cõi Trời, Cửu phẩm Thần Tiên được cao siêu huyền diệu). Đức Phật Mẫu vô cùng huyền diệu nơi cõi Hư không, tạo hóa ra các cõi trần và các Đấng Thần Tiên Bà là Mẹ của Vạn linh, tạo ra Bát phẩm chơn hồn

Câu 3: Huyền Hư tác thế Thần Tiên Nữ.      
(Huyền hư: Huyền diệu nơi cõi hư không. Tác: Làm ra. Thế, cõi trần. Thần Tiên Nữ: Các Nữ Thần, Nữ Tiên). Thầy dạy:“Phần các con truyền đạo kỳ Phổ Ðộ nầy cũng lắm nặng nề; bao nhiêu Nam tức bao nhiêu Nữ; Nam biết thành Tiên Phật chớ Nữ lại không sao? Thầy đã nói Bạch Ngọc Kinh có cả Nam và Nữ, mà phần nhiều Nữ  lấn quyền thế hơn Nam nhiều.  Vậy con phải tuân lịnh Thầy mà lập thành Nữ Phái. Nghe và tuân, Thầy hằng ở với con, lo chung cùng con; con chớ ngại”.

Câu 4: Nữ hảo thiện căn đoạt Cửu Thiên.     
(Nữ: Phái Nữ. Hảo: Tốt. Thiện căn: Gốc rễ lành, căn lành. Cái căn lành nầy có được là do những việc làm lương thiện đạo-đức trong các kiếp sống trước tạo nên. Cửu Thiên : 9 từng Trời). Người Nữ phái có tấm lòng tốt, có căn lành, tu hành thì sẽ đoạt được phẩm vị nơi 9 từng Trời.
Sao gọi là PHẬT-MẪU?
Phật-Mẫu là Mẹ, là gốc sinh ra vạn-vật.
Phật-Mẫu nắm cơ hữu-tướng. Phật-Mẫu là Âm còn Thầy là Dương. Âm Dương tương-hiệp mới biến ra Càn Khôn. Cả Càn-Khôn ấy là Tăng, mà người nắm quyền vi chủ của Tăng ấy là một vị Phật cầm quyền thế-giới. PHẬT và PHÁP không biến đổi, còn vị cầm quyền thế-giới là TĂNG ấy thay đổi tùy theo thời-kỳ:
- Tỷ như hồi Nhứt-kỳ Phổ-Độ cầm quyền vi chủ là Nhiên-Đăng Cổ-Phật.
- Đến Nhị-kỳ Phổ-Độ là Thích-Ca Như-Lai.
- Qua Tam-kỳ Phổ-Độ ấy là Di-Lạc-Vương Phật.
Hết Tam-kỳ Phổ-Độ thì nguyên-căn qui nhứt trở lại
mở Nhứt-kỳ Phổ-Độ nữa sẽ có vị Phật nữa ra đời cầm quyền vi-chủ, định-luật Càn-Khôn. Đó là cơ-quan Càn Khôn Vũ-Trụ, còn ở vạn vật là cơ quan vô-hình, bán hữu hình và hữu hình hay là linh-tâm, khí thể và xác thân.
- Trong thân người ấy là Tinh-  Khí-  Thần.
- Ở vạn-vật ấy là vật-chất, khí thể và năng-lực.
Mỗi mỗi vật-thể đều có ba ngôi ấy cả. Thầy nói cơ tạo đoan Càn-khôn vũ-trụ ra sao thì trong vạn vật cũng tương liên như vậy. Cùng một khuôn-khổ, một luật-định như nhau hết.
Trên hết cả là PHẬT, ấy là ngôi đầu tiên cao thượng hơn hết nắm pháp huyền-vi.
Phật mới chiết tánh ra PHÁP ấy là ngôi thứ nhì, Pháp mới sanh TĂNG.
Tăng ấy là ngôi thứ ba. Ba cơ-quan ấy chừng qui nhứt lại thì duy chỉ có một nguyên-căn, một bổn thể cho nên gọi là “TAM NGÔI NHẤT THỂ” là vậy.
Trong vũ-trụ Chúa cả tạo-đoan ấy là THẦY nắm cơ huyền-vi bí-mật trong tay.
Thầy mới phân tánh Thầy âý là PHÁP.
Pháp tức là quyền-năng của Thầy thể hiện ra,
cũng như lý Thái-cực ở trong cõi tịnh, rồi từ trong cõi tịnh lý Thái-cực phát động mới sanh ra Pháp. 
Pháp tức là những định-luật chi-phối cả Càn Khôn, mà người nắm luật chi-phối ấy là PHẬT-MẪU.

1 - Bài thài Hiến lễ  Nhứt Nương Diêu Trì Cung
HOA thu ủ như màu thẹn nguyệt,
Giữa thu ba  e  tuyết Đông về.
Non sông trải cánh Tiên hoè.
Mượn câu Thi hứng vui đề chào nhau

Hoàng-Thiều-HOA là tên của Nhứt Nương Diêu Trì Cung, cũng là dùng chỉ loài hoa nở về Thu như hoa Cúc.. có vẻ thẹn-thùng e-ngại vì không muốn phô hương sắc huy-hoàng như các loài hoa khác, lung linh dưới ánh trăng Thu sáng tỏ.Một lời tự khiêm như vậy.
Tiên Cô Nhứt Nương đã có một kiếp giáng trần tại Việt Nam. Hiện Cửu Vị Tiên Nương đã đắc vào hàng Phật vị, nên còn gọi là Cửu Vị Nữ Phật. Vì quen gọi là Nữ Tiên hay là Tiên-Nương.
Chín Vì Tiên-Nương theo hầu Đức Phật-Mẫu. Mỗi Đấng Nữ Tiên có một Bửu-Pháp riêng và quyền hành riêng dù là chung một nhiệm-vụ trong Kỳ Ba Phổ-Độ chúng sanh nhất là về phần hành Nữ-phái.
Nhiệm vụ của Nhứt Nương là cai-quản Vườn Ngạn-Uyển, ứng với từng Trời thứ nhứt bên Cửu Trùng Thiên. Nhứt Nương xem xét chơn hồn các nguyên nhân nơi cõi trần, dù còn sống hay lúc qui Thiên cũng vậy.Nơi vườn Ngạn Uyển,hồn các nguyên nhân đều hiện tượng một đoá hoa: Khi sống mà biết làm điều đạo đức nhân nghĩa thì đoá hoa tươi thắm, làm điều quấy ác thì hoa ủ dột. Khi thoát trần thì hoa héo tàn báo hiệu cho MẸ biết là
con sắp quay về.
Kinh Nhứt Cửu có câu:
“Vườn Ngạn Uyển sanh hoa đã héo,
“Khối hình hài phải chịu rả tan”.
Bửu pháp của Nhất Nương là Đàn Tỳ Bà. Đàn này được xem là cây đàn Tổ

Ý-nghĩa Đàn Tỳ-Bà:
Phần đầu cây đàn gắn 4 miếng xương thể hiện cho Tứ Đại Thiên Vương ở bốn cõi Trời. Dưới có 10 phiếm, nhưng phiếm chót có phân nửa mà thôi, tiêu-biểu cho Thập Điện Diêm-cung, còn 9 phím nguyeân thể hiện từng Trời Cửu Thiên khai hoá: Đầu cây Đàn thể hiện Tiên đồng. Lưng đàn thể hiện Ngọc Nữ lấy lý Âm Dương mà luận như vậy.
- Phần thể Thiên là các chơn hồn đến đầu kiếp, hiện thành bông hoa nơi vười Ngạn Uyển.
- Phần thể Địa là đi tái kiếp.
Đàn có bốn dây tượng cho Luật Tứ sanh: Thai sanh, Noãn sanh, Hoá sanh và Thấp sanh gọi chung là chúng sanh, mà người là vật tối linh, tối đại, tức nhiên được tấn hoá cao hơn hết, khi chết được đi phướn Thượng-Sanh là thế (tức Thượng phẩm nhơn sanh).
Vườn ngạn Uyển còn gọi là

NGẠN-UYỂN CHƯỞNG HỒN:
Nhứt Nương Diêu-Trì-Cung nói: Phận sự Ngạn Uyển Chưởng Hồn không giờ nào rảnh rang đặng đến mà trò chuyện cùng mấy Anh cho thoả tình hoài vọng.
- Hộ-Pháp hỏi: Đâu em cắt nghĩa dùm Ngạn Uyển
Chưởng Hồn là sao cho Qua rõ?
- Dạ ! Ngạn-Uyển Chưởng Hồn là vườn Ngạn uyển
trồng hoa. Mỗi sắc hoa là một Chơn hồn của cả kẻ nguyên nhân: thạnh suy, thăng đoạ chi cũng do nơi  khối sanh hoa, khí ấy định sanh mạng của mỗi người, nên phải chăm nom từ buổi. Em không rảnh đặng vì vậy.”

2 - Bài Thài Hiến Lễ  Nhị Nương DTC:
CẨM  tú văn chương hà khách Đạo?
Thi Thần tửu Thánh vấn thuỳ nhân?
Tuy mang lấy tiếng hồng-quần.
Cảnh Tiên còn mến cõi trần anh-thư.

Nhị Nương muốn hỏi rằng ai là người Khách Đạo có tinh-thần văn chương cao đẹp? Ai được gọi là Tửu Thánh Thi Thần, siêu-phàm thoát tục trong cõi trần hoàn này?
Tiên-Nương tuy là mang tiếng “Hồng-quần” là giới Nữ xưa nay chịu phận thiệt-thòi trong trần thế, nhưng Nàng vốn là một bậc Nữ-lưu trong đời, tài năng quán thế mà chẳng chút luyến-lưu gì cái đời tạm này, lòng cũng vẫn mến hoài nơi Tiên cảnh. Bà Muốn nhắn-nhủ khách trần-ai phải biết phân biệt giả chân, đâu là khinh đâu là trọng mà tìm về cảnh thật của cõi Hằng sinh. Cõi Trần là tạm sống ở thác về có chi đâu mà mê mà luyến !
Bửu pháp của Nhị Nương là LƯ HƯƠNG trong có cắm 3 cây hương: thể hiện tam hồn của chúng sanh (Sanh hồn, Giác hồn và Linh hồn). Lửa biểu hiện cho Thần. “Thần cư tại nhãn” ấy là Mắt vậy. Tiên Nương có nhiệm vụ cai quản vườn Đào của Đức Diêu Trì Kim Mẫu, đón tiếp các chơn hồn trở về, mở tiệc trường sanh thết đãi, rồi đưa các chơn hồn đến Ngân Kiều, cỡi Kim quang lên chầu Ngọc Hư Cung.

3 - Bài Thài Hiến Lễ Tam Nương DTC:
Tuyến đức năng thành đạo,
Quảng trí đắc cao huyền.
Biển mê lắt lẻo con thuyền,
Chở che khách tục, Cửu tuyền ngăn sông.

TAM NƯƠNG có nhiệm vụ chèo thuyền Bát Nhã trên biển khổ nơi cõi Thiêng Liêng để rước những người đắc Đạo từ bến mê qua bờ giác, đi vào cõi Thiêng liêng Hằng sống và che chở Chơn linh của các khách trần không cho xuống cõi Địa ngục. Tam Nương có bửu pháp là Quạt Long Tu, có nhiệm vụ tiếp dẫn các Chơn hồn lên từng Trời Thanh Thiên, là từng Trời thứ 3 trong Cửu Trùng Thiên, trong kỳ làm Tuần Tam Cửu, để đưa chơn hồn đến diện kiến 7 vị Tiên (chính là Trúc Lâm Thất Hiền vào thời nhà Tấn, tu thành Tiên), vào Cung Như Ý bái kiến Đức Thái Thượng Lão Quân, học sách Trường Xuân do Hội Thánh Minh giao cho. Bửu-Pháp của Tam Nương Diêu Trì-Cung là cây quạt gọi là “LONG TU PHIẾN” cũng giống như Bửu-Pháp của Đức Cao-Thượng-Phẩm.
Diệu pháp “Long Tu phiến có thể vận chuyển Càn Khôn vũ-trụ do nguơn khí đào-độn sanh ra đó vậy. Nó có quyền đào-độn nguơn khí, thâu hoạch nguơn khí để trong sanh lực. Con người nắm được điều ấy là kẻ đắc Pháp, nhờ nó mới có thể luyện TINH hoá KHÍ, luyện KHÍ hoá THẦN  được.”

Giải câu 1: TUYẾN đức năng thành Đạo.
Đường đạo đức có khả năng giúp con người đắc Đạo. (TUYẾN là tên của Tam Nương trong một kiếp giáng trần ở Việt Nam. Tuyến có nghĩa là đường. Đức: đạo đức. Năng: Có khả năng làm được. Thành đạo: Đắc đạo, đạt được ngôi vị thiêng liêng)      

Câu 2: Quảng trí đắc cao huyền: Người tu là làm cho trí huệ được cao siêu huyền diệu. (Quảng: Rộng rãi. Trí: Sự thông minh hiểu biết. Quảng trí là trí hiểu biết rộng rãi, đó là Trí huệ, do theo con đường đạo đức mà có được. Đắc: Được. Cao huyền: Cao siêu huyền diệu) 

Câu 3: Biển mê lắt lẻo con thuyền: Người đến trần biết tu như đang chèo thuyền Bát-Nhã dù lắt lẻo nhưng đó là vượt trên biển khổ. (Biển mê: Vì mê nên khổ, hết mê hết khổ; do đó, biển mê chính là biển khổ. Lắt lẻo:đưa qua đưa lại không vững vì chưa tỉnh. Con thuyền: chỉ thuyền Bát Nhã là trí huệ; đang sống trên đời như đang trên biển khổ, biết tu là biết hướng thiện, vì đạo đức sẽ đưa từ bến mê qua bờ giác, để vào cõi Hằng Sinh.    

Câu 4: Chở che khách tục Cửu Tuyền ngăn sông. 
Ngày nay nhờ mối Đạo Trời mới che chở các khách trần, ngăn cản không cho xuống cõi Địa ngục. Vì cửa Địa ngục đã đóng rồi. Ai làm điều sai quấy sẽ phải trả quả ngay trong kiếp sanh này và trả cho đến hết sạch mới thôi (Khách tục là khách trần Vì đời là quán trọ mà người ở thế là khách lữ hành (tục là tầm thường thấp kém của cõi trần). Gọi là Khách vì cõi trần không phải là quê hương của các Chơn linh, mà quê hương thật sự của các Chơn linh là cõi Thiêng liêng Hằng sống. Các Chơn linh đến cõi trần chỉ ở tạm trong thời gian ngắn (nhiều lắm là 100 năm) để học hỏi và tiến hóa. Xong rồi thì trở về cõi thiêng liêng là quê hương thực. Cửu tuyền là chín suối: Tương truyền cõi Âm Phủ có 9 con suối, nên Cửu tuyền là chỉ cõi Âm Phủ, Địa ngục, nay gọi là Phong đô.

4 - Bài Thài Hiến lễ Tứ Nương Diêu Trì Cung
GẤM lót ngõ chưa vừa gót ngọc,
Vàng treo nhà ít học không ưa.
Đợi trang nho sĩ tài vừa,

Đằng giao khởi phụng khó ngừa Tiên thi.
TỨ NƯƠNG có nhiều kiếp giáng trần, kiếp trước tiên tên GẤM mất năm lên tám. Huyền sử cho biết kiếp sau Nàng vào nhà Họ Lê là Lê Doãn Nghi. Ông Nghi có hai đời vợ. Ông và Bà kế thất sinh hai người con: một là Lê Doãn Luân, hai là Lê Thị Điểm, cả hai đều có tài văn chương quán chúng. Nhưng một đêm Thần báo mộng ban cho họ Đoàn, từ đấy về sau thân sinh đổi ra họ Đoàn. Chính là Bà Đoàn Thị Điểm dịch giả quyển “Chinh Phụ ngâm khúc” nổi tiếng trên Văn đàn Việt Nam, bản này dịch ra nhiều thứ tiếng. Nay Bà vào hàng Nữ Tiên Tứ Nương có giáng Cơ ban cho thi phẩm “Nữ Trung Tùng Phận” là một áng văn tuyệt tác trong cửa Đạo Cao Đài. Tâm hồn của Đấng Tiên Nương rất chuộng văn chương, tài trí. Người trí thức phải là văn tài lỗi lạc. Nhất là khuyến khích Nữ phái.

Câu 1: GẤM lót ngõ chưa vừa gót ngọc.      
GẤM là tên của Tứ Nương Diêu Trì Cung, mà gấm là hàng dệt bằng tơ nhiều màu rất đẹp, mắc tiền. Cả câu này ý nói nếu là nhân tài không phân biệt nam nữ, thì dầu cho đón rước bằng cách đem gấm lót ngõ cho người đi cũng chưa xứng. Ý là chuộng người tài đức vậy.

Câu 2 : Vàng treo nhà, ít học không ưa: Sự dốt nát xưa nay vẫn là nỗi khó cho bản thân con người, cũng là làm cho gia đình suy kém, đất nước chậm tiến, xã hội kém mở mang là mối nguy cơ cho việc tu hành khó tiến bộ. Điển hình là Việt Nam xưa nay vì ảnh hưởng ngàn năm nô lệ Tàu, mà người phái nữ phải chịu dốt nát, bị xem thường, ngăn cấm tất cả việc tiếp xúc với bên ngoài, không được dự vào việc công. Cái hại này quá ư to lớn. Nay Đạo Cao Đài khai mở, công đầu tiên là của Đức Quyền Giáo Tông là khi Ông còn làm ở Nghị viện thời Pháp ông đã lập ra trường Nữ học “Áo Tím” sau đổi là “Gia Long” là để giải phóng sự dốt nát của Nữ Phái. Tuy nhiên học đây phải hướng về: CÔNG, DUNG, NGÔN, HẠNH đạo đức vẹn toàn, chứ không phải du nhập những thứ rác bẩn của ngoại bang mà làm cho bại hoại luân thường đạo lý thì quả thật là đáng tiếc ! Tất cả phải học Đạo đức: Trai Tam Cang Ngũ thường, Gái Tam Tùng Tứ đức. Ấy là tôn chỉ của Đạo Cao Đài vẫn lưu dấu nét anh phong của giòng giống Việt Nam ta đã có bốn ngàn năm Văn hiến.  

 Câu 3 : Đợi trang Nho sĩ tài vừa:  Có như vậy mới xứng là trai tài gái sắc, tức nhiên cái phong hóa tốt đẹp phải vun trồng và bón phân đạo đức, nhân nghĩa để hột giống Cao Đài phát triển mà không hổ mặt là giống Tiên Rồng  (Nho sĩ: Người học chữ Nho, chỉ người trí thức thời xưa. Vừa: Xứng hạp. Tài vừa: Có tài tương xứng. Ấy là tinh thần phát huy đạo đức mà Cao Đài là Nho Tông chuyển thế, Nam Nữ bình quyền, bình đẳng)

Câu 4: Đằng giao khởi phụng khó ngừa Tiên thi Phải có trí thức tài giỏi, đức độ cao siêu, phát triển tâm linh để lần đến việc siêu phàm vào hàng Tiên vị. (Đằng: Vọt lên cao. Giao: Con rồng không có sừng. Khởi:Dấy lên. Phụng: Con chim phụng, một trong Tứ Linh: Con chim trống gọi là Phụng, con chim mái gọi là Loan, nên thường nói Phụng Loan. Đằng giao khởi phụng: Con rồng vượt bay cao, con chim phụng bay múa tức là Rồng bay phụng múa. Thành ngữ nầy có ý nói tài giỏi vượt lên trên mọi người là xuất chúng. Ngừa là chờ đợi, chờ đón. Tiên thi: Thơ văn của bực Tiên, chỉ người tài giỏi siêu phàm như bực Tiên Thánh.Ngày nay quả thật có thơ Tiên Thánh.

Tứ Nương có bửu pháp là Kim Bản (Bản vàng để ghi tên những người thi đậu Trạng Nguyên, Tiến Sĩ) nên Tứ Nương có nhiệm vụ tuyển chọn người đủ tài đủ đức cho thi đậu để ra giúp nước. Tiên Nương tiếp dẫn các Chơn hồn lên từng Trời Huỳnh Thiên, là từng thứ tư trong Cửu Trùng Thiên. Nơi đây, Chơn hồn được vào Cung Tuyệt Khổ bái kiến Đức Huyền Thiên Quân, được roi thần của Lôi Công trừ hết các trược khí còn bám vào Chơn thần, đi vào Lầu Bát Quái, lãnh Kim Câu đi lên chờ ở cửa Thiên môn (Cửa Trời).

5 - Thài hiến Lễ Ngũ Nương Diêu-Trì-Cung
LIỄU yểu điệu còn ghen nét đẹp,
Tuyết trong ngần khó phép so thân.
Hiu hiu nhẹ gót phong trần,
Đài sen mấy lượt gió thần đưa hương.

LIỄU là tên của Nguõ Nöông thay mặt cho ĐỨC MẸ DIÊU TRÌ mở Hội Bàn Đào, tay cầm xe như Ý, với Bửu pháp này Tiên Nương có đủ quyền điều động Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật trong Tam Thiên Thế Giái và các đẳng chơn hồn phải tùng lịnh Ngũ Nương Diêu-Trì-Cung. Nàng có nhiệm vụ dẫn độ các chơn hồn đến từng trời Xích Thiên, đưa các chơn hồn đến Minh Cảnh Đài để xem cho rõ ràng tất cả những việc đã làm trong kiếp sanh dù thiện, dù ác. Hướng dẫn hồn đến trước quyển Vô-Tự-Kinh cho thấy rõ quả duyên, xong rồi lên xe như Ý có các vị Thần Tiên tiễn chân đi.

Câu 1: Liễu yểu điệu còn ghen nét đẹp: 
LIỄU là tên của Ngũ Nương Diêu Trì Cung trong một kiếp giáng trần tại Việt Nam. (Liễu: còn là cây dương liễu, cành mềm, lá nhỏ và dài rủ xuống lả lướt trông rất nên thơ, đẹp. Yểu điệu: Có dáng mềm mại tha thướt. Ghen:So bì ganh tỵ).Ý nói là rất đẹp, tuy cây liễu có dáng mềm mại tha thướt, dễ thương mà còn phải so bì ganh tỵ với nét đẹp của Tiên Nương..

Câu 2: Tuyết trong ngần khó phép so thân:
Tuyết trắng trong ngần mà còn không thể so sánh được với màu da của Tiên Nương. (Tuyết: Hơi nước khi gặp lạnh đột ngột, đông lại thành những hạt mịn màng trắng xóa rơi xuống đất.Thông thường nói trắng như tuyết. Trong ngần: Rất trong, không chút dính bợn nhơ. So   sánh.với. Thân: Thân thể, dáng vẻ)   

Câu 3 : Hiu hiu nhẹ gót phong trần: Tuyết trắng trong ngần mà còn không thể so sánh với màu da ngà ngọc, đẹp đẽ quí phái của Tiên Nương. (Hiu hiu: chỉ làn gió nhẹ, êm ả. Nhẹ gót: Bước chân đi nhẹ nhàng, thanh thoát như không còn gì vướng bận.Phong trần: Phong là gió, trần là bụi. Gió bụi là  chỉ những nỗi vất vả ở cõi đời. Nhà thơ Đặng Trần Côn viết là “Thiên địa phong trần. Hồng nhan đa truân”. Ở đây Tiên Nương muốn tả cái đẹp đẽ của người thanh tao, dịu dàng là như thế, nhưng định luật lại trái ngang. Muốn thoát ra ngoài những ngang trái đó chỉ còn một cách “TU”, nhất định phải TU thôi !

Câu 4: Đài sen mấy lượt gió Thần đưa hương.
Mấy lượt gió Thần thổi đưa mùi thơm tới để rước
Tiên Nương về ngự nơi Tòa sen.(Đài sen: Tòa sen, ngôi vị của Phật. Gió Thần: Ngọn gió huyền diệu.

6 - Bài Thài Hiến Lễ  Lục Nương Diêu Trì Cung:
HUỆ ngào ngạt đưa hơi vò dịu,
Đứng tài ba chẳng thiếu tư phong.
Nương mây như thả cánh hồng,
Tiêu Diêu phất phướn cõi tòng đưa Tiên.

Lục Nương Diêu Trì Cung có bửu pháp là Phướn Tiêu Diêu (Phướn Truy Hồn) để tiếp dẫn các chơn hồn lên từng Trời Kim Thiên, là từng thứ 6 trong Cửu Trùng Thiên, đưa chơn hồn vào Cung Vạn Pháp xem cho biết rõ cựu nghiệp của mình, vào Cung Lập Khuyết xem ngôi vị xưa, vào Kim Sa Đại Điện bái kiến Phật, được chim Khổng Tước chở lên Đài Huệ Hương, để mùi thơm của Đài nầy khử hết trược khí, đặng chơn thần thơm tho đi lên cõi Niết Bàn. Các Chơn linh dù tái sanh đi trong Lục đạo luân hồi, nếu sớm thức tỉnh cũng tìm về với bổn thiện. Đường về Trời nhờ có phướn Lục Nương dẫn đường không cho hồn lầm vào Bích Du động là con đường dắt dẫn của Quỉ vương

Giải câu 1: Huệ ngào ngạt đưa hơi vò dịu. 
HUỆ là tên của Lục Nương Diêu Trì Cung, có một kiếp giáng trần ở Việt Nam. Huệ còn là tên loài bông huệ, một loại hoa rất thơm. Trước kiếp nầy, Lục Nương có giáng sanh bên nước Pháp (Âu Châu), tên là Jeanne d'Arc, một Thánh Nữ của nước Pháp rất được dân tộc Pháp sùng kính (Ngào ngạt: Mùi rất thơm và tỏa rộng ra xung quanh.Vò dịu: Mùi thơm nhẹ dễ chịu). Ý nói Hoa huệ thơm ngào ngạt, tỏa ra xung quanh có mùi thơm  nhẹ.

Câu 2: Đứng tài ba chẳng thiếu tư phong. 
Đã là người có tài đặc sắc mà lại có dung mạo xinh đẹp và thùy mị (Đứng: Đấng, người có ngôi vị cao sang. Tài ba: Tài hoa, người có tài đặc sắc. Tư phong:  Dáng dấp thùy mị đoan trang và xinh đẹp).      

Câu 3: Nương mây như thả cánh hồng: Trên mây nhẹ nhàng như cánh chim hồng bay. (Nương mây: Đi trên mây. Cánh hồng: Cánh của con chim hồng, một loại chim có tài bay cao và bay xa. Lông của chim hồng rất nhẹ. Ý nói người có chí lớn, lúc nào cũng muốn vượt lên. Người mà có chí lớn là tâm hồn biết hướng thiện và hướng thượng. Phải nhận định cho rõ cõi trần là cõi tạm. Các lạc thú ở cõi đời là miếng mồi để đưa con người vào cảnh đoạ. Phải TU để giải kiếp oan khiên và đồng thời tiến hóa!  

Câu 4: Tiêu Diêu phất phướn cõi tòng đưa Tiên:   Lục Nương cầm phướn Tiêu Diêu phất lên để hướng dẫn chơn hồn đắc đạo thành Tiên đi lên cõi TRỜI.
“Lục Nương phất phướn Truy hồn,
“Tang thương nay lúc bảo tồn chúng sanh”
(Tiêu Diêu phất phướn: Lục-Nương cầm phướn phất lên cho người sau thấy mà đi theo. Đó là cây phướn dẫn đường. Cõi tòng: Cõi có nhiều cây tòng, chỉ cõi thanh tịnh, cõi Tiên)

7 - Bài Thài Hiến Lễ Thất  Nương Diêu Trì Cung:
LỄ bái thường hành tâm đạo khởi
Nhân từ tái thế tử vô ưu.
Ngày xuân gọi thế hảo cừu,

Trăm duyên phước tục khó bù buồn Tiên.
Đại ý: Nơi cõi trần, dù hưởng được trăm cuộc may mắn hạnh phúc cũng không bằng cái buồn nơi cõi Tiên.
Tại sao nơi cõi Tiên mà Thất Nương lại buồn ?
Tiên Nương nhận biết nơi cõi trần là cõi khổ. Chính cha mẹ Nàng vẫn cứ mải miết trên đường danh lợi nên gây lắm tội tình, không chịu khép mình vào đường đạo-đức lo việc tu hành để giải trừ nghiệp chướng tiền khiên nên phải chịu phạt ở Phong Đô,  Nàng phải lén Ngọc Hư xuống cứu cha nên đắc tội.                 
Thất Nương có bửu pháp là Hoa sen trắng. Hoa chỉ có hai đoá chung một lá. Hai đoá hoa tiêu biểu phần Tinh của Nam nữ: Tinh khí và Tinh huyết, tức là 7 cái thể nơi bản thân của chúng sanh, một lá có nghĩa là cùng một gốc Thất tình mà ra. Nhiệm vụ của Thất Nương là đến với cơ Đạo trước tiên đồng thời để đưa Thông điệp cho biết là Đức Chí-Tôn ban cho Việt Nam một nền Vương Đạo lấy LỄ làm đầu “Thất Nương khêu đuốc Đạo đầu” (chính danh là VƯƠNG THỊ LỄ).
Ban đầu Thất Nương giả danh là Đoàn Ngọc Quế đến với ba vị tiền khai Đại Đạo là: Cư, Tắc, Sang (sau đắc phong là Thượng Phẩm, Hộ Pháp, Thượng Sanh) để làm duyên khởi cho sự thành lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Nhiệm vụ của Thất Nương  ngày nay trong cửa Đại-Đạo là tiếp dẫn các chơn hồn lên từng trời Hạo Nhiên Pháp thiên là từng trời thứ 7 trong Cửu Trùng Thiên và đưa chơn hồn đến Cung Cung Chưởng Pháp bái kiến Đức Chuẩn Đề Bồ Tát, được Đức Phật Dà-Lam dẫn đến cõi Tây Qui rồi đứng trên bông sen Thần để được đưa lên cõi Niết bàn. Thất Nương còn lãnh nhiệm vụ đến cõi Âm Quang để giáo hóa các Nữ hồn tội lỗi, khiến cho họ thức tỉnh mà cầu nguyện Đức Chí Tôn ân xá tội tình để sớm được đầu kiếp lập công chuộc tội.  

Giải câu 1: LỄ bái thường hành tâm Đạo khởi:  
Cúng lạy hằng ngày thì cái tâm tu hành được khơi dậy. LỄ là tên của Thất Nương trong một kiếp giáng trần ở Việt Nam, vào gia đình họ Vương ở Sài gòn, gọi là Vương thị Lễ. (Lễ bái là Cúng lạy.Thường hành: Làm hoài.Tâm đạo: Cái tâm đạo đức tu hành.Khởi: dấy lên).              

Câu 2: Nhân từ tái thế tử vô ưu: Người có lòng nhơn từ, khi tái thế hay khi trở về đều không phiền não, tức nhiên là nhớ lại các công quả tiền khiên, giờ này tiếp tục tu hành như các Đấng này  (Nhân từ: Lòng thương yêu bao la, thương khắp chúng sanh. Tái thế: Đầu kiếp xuống cõi trần một lần nữa. Tử: Chết, tức là linh hồn trở về cõi thiêng liêng. Vô ưu: Không lo lắng, không phiền não)

Câu 3: Ngày xuân gọi thế hảo cừu: Người con gái lúc còn trẻ tự tạo thanh danh cho mình, khi nên gia thất cũng muốn được kết hợp với người đẹp đôi xứng lứa, tức nhiên phải là tài đức vẹn toàn. (Ngày xuân: Ngày còn trẻ tuổi. Hảo cừu: Đẹp đôi lứa. Kinh Thi: “Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cừu” (cầu), nghĩa là người con gái nết na, yểu điệu, đẹp đôi cùng người quân tử. Có câu “Môn đăng hộ đối” là như vậy.    

Câu 4: Trăm duyên phước tục khó bù buồn Tiên: 
Cái vui ở cõi trần này dù cho bao nhiều lần đi nữa cũng chỉ là giả cảnh mà thôi. Có gì đâu mà ham mà luyến. Khi mới ra đời tất cả ai cũng chào đời bằng tiếng khóc “Khổ đa! Khổ đa !”hoặc “Tu đi ! Tu đi!” hay sao? (Duyên:Sự kết hơp thành vợ chồng. Phước: May mắn tốt lành. Tục: Cõi trần. Bù: Thêm vô chỗ thiếu hụt cho được đầy đủ.)    

8 - Bài Thài Hiến Lễ  Bát Nương Diêu Trì Cung
Hồ Hớn Hoa Sen Trắng nở ngày,
Càng gần hơi đẹp lại càng say.
Trêu trăng hằng thói dấu mày,
Cợt mây tranh chức Phật Đài thêm hoa.

HỒ HỚN LIÊN BẠCH là quí danh của Bát Nương Diêu Trì Cung, bửu pháp của bà là giỏ hoa lam chứa nhiều thứ hoa, tiêu biểu phần tinh, tức là linh thể của chúng sanh trong càn khôn. Còn hương vị tượng trưng phần khí chất do Bát phẩm chơn hồn tạo ra, dầu sắc màu rực rỡ nhưng khi đã đạt cùng chung một giỏ, chứng tỏ tinh thần bình đẳng của nền Tôn Giáo Đại Đồng. Bởi dưới mắt của Phật Mẫu tất cả đều là con cái của Ngài trong sự hòa hợp Thương Yêu.

Bát Nương có nhiệm vụ tiếp dẫn các chơn hồn đến từng Trời Phi Tưởng Thiên, là từng Trời thứ 8 trong Cửu Trùng Thiên, vào Cung Tận Thức bái kiến Đức Từ Hàng Bồ Tát, chơn hồn được con Kim Mao Hẩu đưa đến tận Tịch San, rồi đi lên cõi Niết Bàn.Chơn hồn được các Đấng dùng nước Cam Lồ rửa sạch nỗi ai bi của kiếp người.       
Bát Nương rất thường giáng cơ dạy Đạo, cho rất nhiều thi văn tuyệt bút, vì đó là phần hành của Bà. Bài Phật Mẫu Chơn Kinh, do Bát Nương giáng cơ ban cho tại Báo Ân Đường Kim-Biên Tông Đạo ở Thủ đô Nam Vang,  nước Cao Miên, khi Đức Phạm Hộ Pháp và Ngài Cao Tiếp Đạo phò loan tại đó. Quyền hành của Bát-Nương trong cửa Đạo ngày nay rất là trọng đại. Kinh có ghi rằng:
                  Bát Nương thật Đấng Chí-Linh,
                  Cùng chung giáo hoá ân cần lo âu.
            Giải câu 1: Hồ Hớn Hoa Sen Trắng nở ngàyHoa sen trắng nở vào lúc ban ngày phô hương sắc. Hớn Liên Bạch là tên của Bát Nương trong một kiếp giáng trần ở Trung Hoa. Bà cũng có giáng trần ở Việt Nam vào nhà họ Hồ. Bửu pháp của Bát Nương  là Giỏ Hoa lam (Hồ Hớn: Họ Hồ và họ Hớn. Hoa Sen Trắng: Chữ Hán gọi Bạch Liên hay Liên Bạch)
Câu 2:Càng gần hơi đẹp lại càng sayCàng đến gần hoa sen thì mùi thơm càng nhiều, khiến người ta càng say mê vẻ đẹp và mùi thơm của loài hoa vương giả này.
Câu 3: Trêu trăng hằng thói dấu mày: Trêu cợt với trăng, hay là ví nét đẹp của người nữ như Hằng Nga, Cung nga..Nữ giới thường có thói quen trang điểm chân mày cong như vành trăng non. (Hằng: Thường. Dấu mày: Cái dấu chân mày của phụ nữ thường cong và nhỏ như vành trăng non. Nữ giới thường tỏ vẻ thẹn thuồng nên hay có thái độ nửa như che dấu mà nửa muốn cho người thèm thuồng ao ước dung mạo đoan trang kiều diễm của mình.  

Câu 4: Cợt mây tranh chức Phật đài thêm hoa. 
Trêu cợt với mây, tranh đua đạt cho được ngôi vị Phật. (Tranh: Đua tranh. Chức: Chức tước, phẩm vị. Phật đài là cái hoa sen làm tòa ngự cho Phật. Phật đài thêm hoa: Thêm một đóa hoa sen làm ngôi vị cho vị Phật mới đắc đạoThật ra phải biết trước nhất là đẹp người đẹp nết. Các Nữ Tiên đây đều đẹp đẽ duyên dáng mà tài đức siêu quần bạt chúng, các Ngài lo cho cơ Phổ độ kỳ ba là Cơ chuyển thế và cứu thế của CAO-ĐÀI.    

9 - Bài Thài Hiến Lễ Cửu Nương Diêu Trì Cung:
KHIẾT sạch duyên trần vẹn giữ,
Bạc Liêu ngôi cũ còn lời.
Chính chuyên buồn chẳng trọn đời
Thương người noi Đạo, Phật Trời cũng thương.

CAO THOẠI KHIẾT laø quí danh cuûa Baø Cöûu Nöông, quê cũø taïi Baïc Lieâu. Bửu pháp của Cửu Nương là ống tiêu. Ống tiêu có 7 lỗ, khi thổi lên tiếng tiêu có huyền lực thức tỉnh các tội hồn sớm biết cảnh tỉnh. Nhờ phép siêu rỗi trong cơ Đại Ân Xá của Đức Chí-Tôn mà khi nhập môn vào cửa Đại-Đạo Tam Kỳ Phổ Độ rồi là được cắt hết 7 dây oan nghiệt cho hồn sớm siêu thăng thoát hoá, mới mở được Cửu khiếu cho khỏi đoạ trầm luân mà về nơi Hằng sống. Tất cả hành động hay khéo của chúng sanh để tấn hoá linh hồn đều do Cửu Nương.
Cửu Nương có nhiệm vụ dẫn độ các chơn hồn đến từng Tạo-Hoá-Thiên là từng thứ 9 trong Cửu Trùng Thiên để vào bái kiến Đức Phật Mẫu, được ban thưởng cho trái Đào Tiên và uống Tiên tửu, được học tập nghi lễ của Thiên Triều để chuẩn bị đi lên Ngọc Hư Cung khi có sắc lệnh kêu, chờ các Đấng trong Ngọc Hư Cung định phận: Thăng hay đọa.

Gỉai câu 1: Khiết sạch duyên trần vẹn giữ:
(KHIẾT cũng là tên của Cửu Nương Diêu Trì Cung trong một kiếp giáng trần ở Việt Nam, vào nhà họ CAO ở Bạc Liêu, tên là Cao thị Khiết, nhưng khai sanh ghi là Cao thị Kiết. (Khiết: Sạch sẽ. Duyên trần: Cuộc nhơn duyên nơi cõi trần thế. Ý nói cuộc nhơn duyên nơi cõi  trần  được giữ gìn hoàn toàn trong sạch.

Câu 2: Bạc Liêu ngôi cũ còn lời: Nơi Bạc Liêu, ngôi mộ của Cô còn được người đời biết đến, họ truyền lời cho nhau là mộ của Cô Tiên.(Bạc Liêu: Tỉnh Bạc Liêu, quê hương của Cao Thị Khiết. Cô mất năm 25 tuổi, mộ của Cô được làm bằng đá xanh rất chắc chắn, vừa to lớn vừa đẹp đẽ chứng tỏ một gia đình quí phái và giàu tiền lắm của. Đây là phần đất tư của dòng họ Cao-Triều dành làm nghĩa trang cho Tông tộc. Vị trí ngôi mộ nầy nằm cách Thị xã Bạc Liêu chừng 2 km đi về hướng Vĩnh Châu. Dân quanh vùng gọi là mộ Cô Tiên.        

Câu 3: Chính chuyên buồn chẳng trọn đời: Cuộc tình ái đã một lòng chung thủy với chồng, nhưng buồn vì mất sớm. (Chính chuyên: một lòng chung thủy. Chẳng trọn đời: Ý nói chết sớm. - mất năm 25 tuổi).
Câu 4: Thương người noi Đạo Phật Trời cũng thương:
Mến thương người theo Đạo tu hành, Trời Phật cũng thương mến những người ấy. (Noi Đạo: Tín ngưỡng theo một Tôn giáo, tức là người có nhập môn cầu Đạo hoặc theo Đạo vì truyền thống của gia đình, biết tùng theo qui điều giới luật của nền Đại-Đạo, nhất là phải giữ đúng như lời Minh thệ, đấy là điều tiên quyết. Phải  trân trọng cho lắm mới khỏi bị luật Thiên Điều đó vậy)         
Chín  Đấng Nữ Tiên trên đây hiện đang theo hầu Đức Phật Mẫu và ngự nơi Diêu Trì Cung.
Mỗi năm có một lần Hội Yến Diêu Trì Cung.

DIÊU-TRÌ-CUNG
Dưới quyền Phật-Mẫu có Cửu Vị Tiên Nương trông nom về cơ giáo hóa Vạn linh.
DIÊU-TRÌ-CUNG là gì?
 - Là Cung Điện bằng Ngọc Diêu ở bên ao Thất Bửu.“Nơi Ao có một Đài phát hiện Âm quang. Đài ấy thâu lằn sanh quang của ngôi Thái cực rồi đem Dương quang hiệp với Âm quang mà tạo nên Chơn Thần cho Vạn linh trong Càn Khôn vũ trụ. Phật Mẫu là Đấng nắm cơ sanh hóa, thay quyền Chí-Tôn đứng ra thâu cả Thập Thiên Can đem hiệp với Địa Chi mà tạo ra vạn vật.
Âm quang là khí chất hỗn độn sơ khai, khi Chí Tôn chưa tạo hóa, lằn Âm khí ấy là Diêu-Trì-Cung chứa để tinh vi vạn vật, tỷ như cái Âm quang phụ nữ có trứng cho loài người. Khi Chí-Tôn đem dương quang ấm áp mà làm cho hóa sanh thì cái khoảng Âm quang phải thối trầm làm tinh đẩu, là cơ quan sanh hóa vạn linh. Song lằn Âm quang ấy có giới hạn, nghĩa là nơi nào ánh linh quang của Thượng Đế chưa chiếu giám đến thì phải còn tối-tăm mịt mờ chẳng sanh, chẳng hóa. Vậy thì nơi khiếm ánh thiêng liêng là Âm quang, nghĩa là Âm cảnh hay Địa ngục Diêm đình của chư Thánh lúc xưa đặt hiệu.
Có nhiều hồn còn ở lại đấy trót ngàn năm chưa thoát qua đặng. THẤT NƯƠNG ở đó đặng dạy dỗ các chơn hồn, dầu sa đọa, linh hồn cũng có người giúp đỡ”. (TNHT )

BÀI THÀI HIẾN LỄ
BA VỊ TƯỚNG SOÁI CỦA THẦY

Ba vị Tướng-soái của Thầy là người đã được chọn lựa sẵn cho xuống trước, ngày nay Thầy đến lập nền chơn giáo chỉ qui-tựu các Đấng ấy lại mà thôi, tất cả đều có đầy đủ để giao cho sứ mạng xây cơ chuyển thế, khai Đạo cứu Đời. Đức Hộ-Pháp có nói rằng: “Dùng Lương-sanh để cứu vớt quần-sanh”. Những ngày đầu, Đấng AĂÂ gọi ba vị này là “Tam vị Đạo-hữu”một từ thân-mật là:
            - Ông Cao-Quỳnh-Cư sau là THƯỢNG-PHẨM
            - Ông Cao-Hoài-Sang sau là THƯỢNG-SANH 
            - Ông Phạm-Công-Tắc sau là HỘ-PHÁP 
            Bởi vì, trên tinh-thần một Tôn-giáo muốn sống bền vững và phát-triển tốt đẹp, thì Tôn-giáo ấy phải có đủ Tam Bửu: TINH  - KHÍ  - THẦN cũng là Phật, Pháp, Tăng đó.
 Đức Chí-Tôn là Phật, Đức Phật-Mẫu là Pháp, Pháp mới sanh ra vạn-vật Càn-Khôn Vũ-Trụ, vạn vật ấy là do nơi Tinh mà ra, tức là Tăng.
- Thần tức nhiên là Đức Chí-Tôn,
- Thần phân định Khí,
- Khí mới sanh ra Tinh.
Phật là Chí Tôn, Pháp là Civa tức Phật-Mẫu, Tăng là vật-loại trên Càn-Khôn Vũ-Trụ này.
 - Về Thần: thì khi  lập Đạo Cao-Đài, Thần đã sẵn có do Đức Chí-Tôn làm chủ linh-hồn của Đạo giáo.      
 - Về Khí: thì buổi phôi-thai chưa mấy tựu thành, nên Đức Chí-Tôn mượn hình thể của Diêu-Trì Cung làm  chữ Khí.
   - Về Tinh: thì hình thể của Đạo Cao-Đài tức là ba Chi: Pháp- Đạo- Thế, tượng trưng là  Hộ Pháp, Thượng Phẩm, 
Thượng-Sanh (là ba ông Tắc, Cư, Sang)            
           Ấy vậy: Chúng ta xét thấy ĐẠO CAO-ĐÀI còn hạnh-phúc nhiều hơn các Tôn-giáo khác, nếu nhận quả quyết thì được có ba người, mà ba người tức nhiên nhiều hơn thiên hạ rồi. Cái thiệt tướng của nền Chơn-giáo Đức Chí-Tôn đã hiện tượng do quyền năng vô-đối của Ngài mà đoạt được, mà trong đó các vị thừa hành mạng lịnh của Ngài đã vẽ nên hình, nắn nên tướng của nó.”

1 - Giải Bài Thài Hiến Lễ Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc (1890-1959)
Trót đã bao năm ở xứ người,
Đem thân đổi lấy phút vui tươi.
Ngờ đâu vạn sự do Thiên định,
Tuổi đã bảy mươi cũng đủ rồi.
Nhớ tiếc sức phàm thừa chống chỏi,
Buồn nhìn cội Đạo luống chơi vơi.
Rồi đây ai đến cầm chơn pháp,
Tô điểm non sông Đạo lẫn Đời.

 Đức Hộ-Pháp là người đạo đức thuần túy, ra đối với mặt Ðời được người người kính nể, thì cũng đều nhìn nhận là đã nhờ nơi tay của Ðức Hộ Pháp đã đỡ nâng mới lập nên mối Đại-Đạo ngày nay. Tuy mọi việc đều được Đức Chí-Tôn phán định, nhưng nếu:
- Không có Ðức Hộ Pháp thì không có Ðạo CAO ÐÀI ra đời.
- Không có Ðức Hộ Pháp thì nơi đây vẫn còn là
những đám rừng rậm sầm uất.
Ðành rằng tìm ra mối Ðạo là do nơi ba vị Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh. Nhưng nếu không có Ðức Hộ Pháp là người có sứ mạng đặc biệt về mặt Bí pháp và có sẵn kiên tâm trì chí thì ÐẠO CAO ÐÀI cũng không thể lập thành.
Ðấng Chí Tôn đã cho ra đời nhà thông minh xuất chúng đó hầu sáng tạo cho đất nước Việt Nam một nền chánh giáo để nâng cao tinh thần của giòng giống Lạc Hồng ngang hàng với các nước trên mặt địa cầu về phương diện tín ngưỡng.
Ðiều đáng chú ý là Ðức Hộ Pháp được Ðấng Chí Tôn ban cho một ân huệ đặc biệt chưa từng có trong các lịch sử Ðạo Giáo trên toàn cầu. Vì từ xưa những bậc vĩ nhân tạo nên sự nghiệp đồ sộ về tinh thần, nhưng sự nghiệp đó chỉ lưu lại cho đời sau thừa hưởng mà thôi. Ðức Hộ Pháp lại may mắn hơn. Ðức Ngài đã thành công mỹ mãn và dân tộc Việt Nam được hưởng liền sự nghiệp của Ðức Ngài trong khi Ðức Ngài còn tại thế. Đức Ngài là Một Vĩ nhân vậy.

Giải câu 1Bao năm ở xứ người: Đức Hộ Pháp lưu vong ba năm ở nước Cao Miên, tại kinh đô Nam Vang. Ngày Đức Hộ Pháp đến Nam Vang là 5-Giêng-Bính Thân (dl: 16-2-1956) và Đức Hộ Pháp lưu trú nơi đó cho đến ngày qui Thiên 10-4-Kỷ Hợi (dl: 17-5-1959), tính ra được 3 năm 2 tháng. Chỗ nầy có bản viết “Trót đã ba năm”. Chữ “ba” đúng hơn vì nó xác định thời gian 3 năm Đức Hộ Pháp lưu vong ở nước Cao Miên.  Tuổi đã bảy mươi: Đức Hộ Pháp sanh năm Canh Dần (1890) và qui Thiên năm Kỷ Hợi (1959), hưởng thọ được 69 tuổi tây, hay 70 tuổi ta. 
Luống: Nhiều lần, luôn luôn diễn ra không dứt. Chỗ nầy có bản viết “Vốn chơi
vơi”. Vốn: nguyên từ trước. 
Chơn pháp: Pháp luật chơn thật của Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng lập ra để điều hành nền Đại Đạo. Dù Ngài mất về thể xác nhưng Ngài vẫn luôn luôn giáng Cơ dạy đạo, nhắc nhở và điều hành Cơ Đạo, huyền nhiệm hơn lúc Ngài còn sanh tiền.
(Bài thài nơi trang 15 được viết dưới dạng chữ Nôm)

Bài Thài hiến Lễ Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư (1888 - l929)
Ngảnh lại mà đau cảnh đoạn tràng,
Cõi Thiên mừng đặng dứt dây oan.
Nợ trần đã phủi, lòng son sắt,
Ngôi vị nay vinh, nghĩa đá vàng.
Cỗi tấm chơn thành lòa nhựt nguyệt,
Phơi gan chí sĩ nhuộm giang san.
Bốn mươi hai tuổi sanh chưa phỉ,
Để mắt xanh coi nước khải hoàn.

Nhớ về Đức Thượng Phẩm: ngày 14 tháng 10 Bính Dần, nhằm ngày 18-11-1926, Ðức Chí Tôn dạy thiết Ðại Lễ Khai Ðạo chánh thức tại Từ Lâm Tự tỉnh Tây Ninh, đồng thời Ðức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền phong vị cho Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài, Cửu Trùng Ðài và Ðức Chí Tôn dạy nhóm Hội Thánh lập Luật, vậy sau ba tháng Ðại Hội, Ðạo đã có Pháp, có Luật thì nghiễm nhiên Ðạo thành một nền Tôn Giáo danh gọi là Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Từ đó Ðức Cao Thượng Phẩm xin nghỉ làm việc Đời để có rộng ngày giờ hành Ðạo, thành thử khi Tòa Thánh dời vô làng Long Thành là Thánh Ðịa bây giờ, trong hàng Chức Sắc Hiệp-Thiên-Ðài duy có Ðức Cao Thượng Phẩm phế đời trước hết, Ngài thay mặt cho tất cả anh em Ðài Hiệp Thiên cộng tác với  Cửu Trùng Ðài phá rừng cất Tòa Thánh tạm.
Trong trường công quả, Ðức Thượng Phẩm rất tận tâm, Ngài quyết chí góp công vào sự kiến tạo một nền Ðại Ðạo tại xứ Việt Nam, nhưng trong thời gian phục vụ, Ðức Ngài phải chịu nhiều phen thử thách, lắm khi Ngài muốn ngã lòng, nhưng nhờ tinh thần vững chắc rồi cũng vượt qua, đúng lời cổ nhơn nói:
“Ðạo cao nhứt xích, ma cao nhứt trượng,
“Ðạo cao nhứt trượng, ma thượng đầu nhơn”.
Nghĩa là Ðạo cao một thước, thì ma cao một trượng, Ðạo cao một trượng, thì ma cao khỏi đầu người.
Nhưng than ôi! Thiên số nan đào, rồi Ngài lâm bịnh mãi đến ngày mùng 1 tháng 3 Kỷ Tỵ (1929) thì Ngài qui Tiên, năm ấy Ngài được 42 tuổi. Ngài than:
“Bốn mươi hai tuổi sanh chưa phỉ”         
Nói tóm lại, đời của Ðức Cao Thượng Phẩm lúc tuổi xuân là một vị Công chức thời Chánh Phủ Pháp, khi vào Ðạo là một vị Ðại Thiên Phong nơi Ðài Hiệp Thiên, ngày công viên quả mãn đắc vị “Kim Tiên” thật công trình cần lao khó nhọc không uổng.
Nay Ðức Thượng Phẩm thuộc về người Thiêng Liêng thì Ngài lại có nhiệm vụ “cứu rỗi phần hồn của chúng sanh”. Trong tay Ngài sẵn có hai món Cổ Pháp là “Long Tu Phiến” và “Phất Chủ”. Thiết tưởng chúng ta nên bàn qua cái sở dụng của hai món Cổ Pháp ấy cho rõ.
Long Tu Phiến: Về Pháp thể thì dùng 36 lông cò trắng kết thành một cây quạt; còn về Pháp linh thì Ðức Cao Thượng Phẩm giáng cơ dạy như vầy:
“Long Tu Phiến là cây quạt do điển khí của Tam Thập Lục Thiên kết thành, quạt ấy tiết ra một điển lực có ảnh hưởng đến cuộc tấn hóa của quần linh. Chơn thần nào trong sạch thì nương theo đó mà siêu nhập Cực Lạc Thế Giới.
Trái lại, Chơn thần nào luyến ái tà mị thì lánh xa mà đi lần đến U Minh cảnh giới. Cả cơ “thu” và “đẩy” của Long Tu Phiến với Chơn thần đều do luật “đồng khí tương cầu” mà thành tựu. Nghĩa là Chơn thần đạo đức thì Long Tu Phiến hấp dẫn đến gần và đưa vào Cực Lạc Thế Giới; còn chơn thần trọng trược thì Long Tu Phiến đẩy ra xa và lần hồi đi đến cảnh U Minh đen tối.”
Phất Chủ là điển khí của Thất Bửu Diêu Trì kết hợp dùng để trau rửa chơn thần trở nên thanh khiết.”
Ðó là tiểu sử của Ðức Cao Thượng Phẩm, chúng ta là đoàn em cũng nên noi gương của người anh mà lần bước trên đường hành Ðạo.

 Giải nghĩa: (Đoạn tràng là đứt ruột, chỉ sự đau đớn
dữ dội. Dây oan: Các mối dây oan nghiệt đã tạo ra lúc sống nơi cõi trần. Son sắt: không phai như màu đỏ của son, bền vững như sắt.Lòng son sắt là tấm lòng trung nghĩa, đỏ và không phai như son, bền vững cứng cỏi như sắt. Ngôi vị nay vinh: Đạt được ngôi vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng, ngày nay rất vinh hiển. Đá vàng: Cứng như đá, bền vững quí báu như vàng. Nghĩa đá vàng là việc xử thế đúng theo đạo lý, luôn luôn giữ cho cứng chắc như đá, bền vững tốt đẹp như vàng. Tấm chơn thành: Tấm lòng thành thật trung hậu.Lòa nhựt nguyệt: Sáng chói như mặt trời mặt trăng.      
Câu 5: Mở ra để thấy tấm lòng chơn thành sáng lòa như hai vừng nhựt nguyệt. Đức Cao Thượng Phẩm viết ra câu nầy là vì khi Ngài còn sanh tiền tại thế, nhóm Ông Tư Mắt và một số ít người ganh tỵ tố cáo Đức Cao Thượng Phẩm lạm phát lấy tiền hành hương của Đạo để bỏ túi riêng, nhưng thật ra là dùng tiền này để nuôi nghĩa binh và sinh viên qua Nhựt học để tạo anh tài về cứu quốc, nhưng lúc ấy phải làm thinh không dám nói sự thật. Họ dùng bạo lực xô đuổi Ngài ra khỏi Tòa Thánh. Nhưng khi Ngài đăng Tiên về đến Ngọc Hư Cung thì các Đấng Trọn Lành trên ấy hiểu rõ những việc làm ngay thẳng của Ngài và minh oan cho Ngài. Do đó Ngài mới đạt đặng ngôi vị Đại Tiên. (Chí sĩ: Người trí thức có chí khí và có quyết tâm tranh đấu cho chánh nghĩa.Bốn mươi hai tuổi:  Đức Cao Thương Phẩm đăng Tiên năm Ngài 42 tuổi. Ngài sanh năm Mậu Tý (1888) và mất năm l929, lúc đó Ngài được 41 tuổi tây, tức là 42 tuổi ta. Chưa phỉ: Chưa thỏa mãn nhu cầu tinh thần. Mắt xanh:  Theo Thông Chí, khi vui người ta thường nhìn thẳng, lòng đen con mắt nằm chính giữa nên mắt xanh; khi tức giận, người ta nhìn nghiêng hay trợn mắt lên, lòng trắng hiện ra nhiều hơn nên mắt trắng. Từ đó, mắt xanh chỉ sự hài lòng vui vẻ.  Lại theo Tấn Thư, Nguyễn Tịch, một trong Trúc Lâm Thất Hiền đời nhà Tấn bên Tàu, khi tiếp khách, vừa ý với ai thì con mắt xanh, không thích ai thì con mắt lộ ra toàn trắng. Vậy mắt xanh cũng chỉ sự vừa lòng, ưng ý. (Khải hoàn: Khải là hát mừng thắng trận, hoàn là trở về).

3 - Giải Bài Thài của Đức Thượng Sanh Cao-Hoài-Sang (1900-1971)
Từ lúc đưa tay nắm Đạo quyền.
Nguyện đem thi thố tấm trung kiên.
Độ đời quyết lánh vòng danh lợi,
Trau chí tìm noi bậc Thánh Hiền.
Từ ái làm nền an thổ võ,
Đức ân dụng phép tạo nhơn duyên.
Những mong huệ trạch ơn nhuần gội,
Sứ mạng làm xong giữ trọn nguyền

Đức Cao Thượng Sanh quí danh là Cao Hoài Sang, sinh ngày 11-9-1900 tại xã Thái Bình, tỉnh Tây Ninh. Thân sinh là cụ Cao Hoài Ân, một vị Thẩm Phán đầu tiên tại Miền Nam, và thân mẫu là Bà Hồ Hương Lự (được ân phong Nữ Đầu Sư). Đức Ngài là con út trong gia đình có ba anh em. Người anh cả là Ngài Cao Đức Trọng. Tiếp Đạo Hiệp Thiên Đài và chị là Giáo Sư Cao Hương Cường (Giám đốc Cô nhi viện Tây Ninh).
Ngài là một trong ba vị tướng soái của Chí-Tôn

Giải câu 1: Từ lúc đưa tay nắm Đạo quyền.
Sau khi Đức Phạm Hộ Pháp lưu vong sang Cao Miên ngày 16-2-1956 thì Hội Thánh yêu cầu Đức Cao Thượng Sanh về Tòa Thánh cầm giềng mối Đạo. Đức Thượng Sanh từ Sài gòn về Tòa Thánh vào cuối tháng 5 năm 1957 và bắt đầu cầm quyền Chưởng
Quản Hiệp Thiên Đài, điều hành nền Đạo.     

Câu 2: Nguyện đem thi thố tấm trung kiên.
Một lòng vì Đạo nên nguyện suốt đời đem thân phụng sự cho nhân sanh, cho Đạo nghiệp. (Thi thố: Đem hết tài sức ra làm việc. Tấm trung kiên là tấm lòng trung thành đến cùng không gì lay chuyển được.)

Câu 3, 4: Độ đời quyết lánh vòng danh lợi, 
Trau chí tìm noi bậc Thánh Hiền.
Người làm Đạo là lo cho nghiệp lớn mà Chí-Tôn đã phú thác, quên mình làm nên cho người, gác bỏ hết danh, lợi, tình. Muốn vậy trước phải trau giồi chí lớn (Trau chí: Trau giồi chí khí của mỗi người.)

Câu 5, 6: Từ ái làm nền an thổ võ,                  
Đức ân dụng phép tạo nhơn duyên.
Phải có một tình thương lớn gọi là Bác ái, Từ bi, nói chung là TỪ ÁI. Thầy nói “Tình thương là chìa khoá mở cửa Bạch Ngọc Kinh, Cực Lạc Thế giới và Bát Quái Đài tại thế”(Từ ái: Từ là lòng thương yêu của người trên đối với kẻ dưới, là thương yêu khắp cả chúng sanh. Thổ võ: Đất đai của một nước.Tạo nhơn duyên: Tạo ra cái nhân tốt và cái duyên lành. Hễ nhân tốt thì tất nhiên hưởng được quả tốt, hễ duyên lành thì tu hành mau đắc đạo.      
Câu 7: Những mong huệ trạch ơn nhuần gội: 
Người tu phải cho đoạt được ngôi quả vị là Tiên Phật (Huệ trạch: Huệ là ơn, trạch cũng là ơn. Huệ trạch là ơn huệ nói chung.Nhuần gội: Thấm ướt sâu vào, ý nói hưởng được nhiều ơn huệ của các Đấng Thiêng liêng.           

Câu 8: Sứ mạng làm xong giữ trọn nguyền:    
Muốn ngôi cao quả lớn phải lo tô bồi, hành đạo đức, phụng sự nhơn sanh, tức lập đức, lập công, lập ngôn.  
(Sứ mạng: Nhiệm vụ quan trọng do các Đấng Thiêng liêng giao phó. Trọn nguyền: Trọn vẹn lời nguyền. Lời nguyền hay Lời nguyện là lời nói mà mình tự cam kết sẽ thực hiện đúng như lời nói ấy).
Ba vị Tướng soái của Thầy: Hộ Pháp (giữa) Thượng
Phẩm (trái, ở ngoài nhìn vào). Thượng Sanh (bên phải)

BÁT NƯƠNG TẢ CHÍN VÌ TIÊN NƯƠNG
MỘT mày liễu trong ngần đóa ngọc,
HAI má đào phải trọng tiết trinh.
Mảnh thân trọn hiếu thâm tình,
Phải hình thục nữ, phải gìn căn duyên.

BA yểu điệu thuyền quyên vóc hạc,
BỐN mỹ miều đài các trâm anh.
Khi vui bóng nguyệt rọi mành.
Khi dòng bích thủy, khi cành hoa xuân.

NĂM phận gái hồng quần đáng mặt,
SÁU vẹn toàn quốc sắc thiên hương.
Vào ra phụng trướng loan đường,
Vào ra ngọc các cẩm tường xem hoa.

BẢY trau chuốt thân ngà mặt ngọc,
TÁM CHÍN phần rèn tập nữ nhi
Chung lo mối Đạo Tam Kỳ,
Giúp nhà Nam Việt kịp thì Long Hoa.
                                                                                     (Bát Nương: ngày 10-6-1950) 

Vì Diêu-Trì-Cung có tình liên quan mật thiết với Hiệp-Thiên Đài, thế nên ngay từ buổi tiền khai Đại-Đạo các Ngài cùng ngồi dự trong buổi tiệc “Hội Yến Diêu Trì” với Đức Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương. Trước kia, khoản đãi nơi nhà của Đức Thượng Phẩm tại phố hàng Dừa, số 134 đường Bourdais Sài-Gòn
Về sau khi chính thức làm Lễ Hội-Yến Diêu Trì Cung tại Toà-Thánh thì các Ngài Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh cứ luân phiên dâng Hoa, rót Rượu và châm trà hiến Lễ Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên  Nương.
Khi các Ngài đã qui hồi Thiên cảnh thì cũng có Bài Thài cùng chung hiến Lễ. Đặc biệt là Chức Sắc Hiệp Thiên-Đài bồi tửu, tức nhiên nhiệm vụ ấy được trao lại cho chư vị Thời Quân Hiệp Thiên Đài và trong nghi thức Hội Yến Diêu Trì Cung có sắp ba ghế đặt ở đầu bàn Hội Yến dành cho ba Ngài, y như thuở đầu tiên mà ba Ngài cùng ngồi dự Hội Yến với Cửu vị Tiên Nương và Đức Phật Mẫu vậy. 
Khi thài hiến Lễ, các Giáo Nhi thài xong 10 Bài Thài hiến lễ Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương rồi thì thài tiếp ba Bài Thài hiến lễ Đức Phạm Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm và Đức Cao Thượng Sanh. Bài Thài cứ xen nhau 13 bài cho đủ ba hiệp như vậy, cọng chung 36 bài.

Trong cửa Đạo Cao-Đài có hai Đền Thờ
Một Đền Thờ ta ngó thấy trật tự hàng ngũ, bởi vì nguyên-căn tâm hồn của Chơn-linh của chúng ta đều có trong hàng Cửu phẩm Thần Tiên khai hoá cả. Quí phái như thế!
Còn một Đền Thờ nữa thờ Phật-Mẫu tức là Mẹ của chúng ta, thì cái quí phái của chúng ta không còn giá trị gì nữa. Đức Phật-Mẫu không muốn cả Chức-sắc Thiên phong đi đến Đền Thờ của Người và người nhất định không chịu điều ấy. Vậy phẩm tước và giai cấp đối với Phật-Mẫu không có giá trị, vì Phật-Mẫu không muốn đứa nào áp bức đứa nào cả. Hành động như vậy bị tiêu diệt” (Hộ-Pháp).
“Nhẫng nhớ bước ĐỘNG ĐÀO buổi trước,
“Nhẫng nhớ khi HỚN RƯỚC DIÊU-TRÌ”.
 (Kinh khi đi về)

“HỚN RƯỚC DIÊU TRÌ” NƠI BÁO ÂN TỪ
Cuối năm Tân Mão (1951) Báo-Ân-Từ bị hư mục 20 năm, giờ được chuẩn bị để kiến tạo lại ngôi Báo Ân Từ cho khang trang hơn. Phần trang trí được tạo dưới hình thức mới mẻ hơn, đắp vẽ bằng Tượng nổi do theo điển tích “HỚN RƯỚC DIÊU TRÌ”.

Vốn là vua Hớn Vũ Đế có lòng mộ Đạo và sùng kính ĐỨC DIÊU-TRÌ-KIM-MẪU hơn hết trong các triều đại. Ngài là Vua thứ V của nhà Hán (Hớn) bên Tàu khoảng 141-87 trước Tây lịch, nghĩa là cách nay hơn 2.000 năm, Ngài có lập một cảnh chùa cực kỳ tráng lệ gọi là Hoa Điện để sùng kính Đức Diêu Trì. Nhân ngày lục tuần, Ngài thiết lễ ăn mừng, được vị Tiên ĐÔNG PHƯƠNG SÓC đến mách bảo cho  cách thức để thỉnh Đức Phật Mẫu Diêu-Trì ngự.
Đức Mẹ Diêu Trì thường cỡi con chim Thanh loan  tức là con chim linh của Đức Phật-Mẫu. Theo hầu có 4 vị Tiên Đồng Nữ nhạc là: Hứa Phi Yến, An Phát Trinh, Đổng Song Thanh, Vương Tử Phá. Đồng thời có 9 vị Tiên Nương theo sau Đức Phật Mẫu. Khi đến ngự nơi Hoa Điện Đức Phật Mẫu có ban cho HỚN VÕ ĐẾ bốn quả Đào Tiên. Ông Đông Phương Sóc hai tay nâng cái dĩa để nhận tặng vật ấy. Do theo điển tích này mà trên bức hình đều được đắp tượng nổi để tỏ lòng ngưỡng vọng Đức DIÊU TRÌ KIM MẪU. Hình ảnh Hớn-Võ-Đế đắp theo gương mặt của Đức Cao Thượng Phẩm, vì chính Đức Cao Thượng Phẩm là hậu thân của Hớn Chung Ly hay là tiền kiếp xa của  Ngài cũng là HỚN VÕ ĐẾ.
 (Giải Tượng đắp nổi Thờ Phật Mẫu và 9 Tiên Nương)

Thờ Ðức Phật Mẫu tại Báo Ân Từ.

Đức Hộ-Pháp thuyết tại Báo Ân Từ, ngày mồng 01 tháng 02 năm Ðinh-Hợi (1947)
Từ đây chúng ta rất hân hạnh thờ Phật Mẫu tại Báo Ân Từ. Buổi mới mở Ðạo, Bần Ðạo biết công nghiệp của Phật Mẫu thế nào, Ngài và Cửu Vị Nữ Phật dìu dắt con cái của Ðức Chí Tôn từ ban sơ đến ngày đem chúng ta giao lại cho Thầy.
Ngày mở Ðạo, vì cái tình cảm ấy, các vị Ðại Thiên Phong buổi nọ xin thờ Phật Mẫu ở Ðền Thánh, thì Phật Mẫu cho biết rằng: Quyền Chí Tôn là Chúa còn Phật Mẫu là tôi, mà tôi thì làm sao ngang hàng với Chúa, chúng ta thấy Phật Mẫu cung kính Chí Tôn đến dường ấy không gì lường được.!
Cả cơ quan tạo đoan hữu tướng, thảy đều do Phật Mẫu tạo thành. Khi ta đến cõi trần mang mảnh thi hài, cái Chơn linh khi đến, khi về cũng do nơi tay Phật Mẫu mà sản xuất. Phật Mẫu là Mẹ của linh hồn, nếu chúng ta biết ơn nặng ấy, thì ta càng cảm mến cái công đức hóa dục sản xuất của Ngài vô cùng.
Chúng ta ngày nay trên đường tu tiến, đắc Ðạo hay không cũng do Bà Mẹ Thiêng Liêng ấy nâng đỡ ấp yêu, vì không có ai cưng con hơn là Phật Mẫu. Nếu chúng ta biết đặng cơ quan Tạo Hóa Càn Khôn sản xuất hữu hình của Phật Mẫu, thì chúng ta sẽ có tình cảm kính trọng yêu thương Phật Mẫu đến ngần nào. Con cái của Ngài xin đem vào thờ ở Ðền Thánh, thì Ngài lại từ chối mới biết cái cung kính của Phật Mẫu đối với Ðức Chí Tôn ở thế gian nầy được đáo để đến dường ấy.
Còn Nữ phái nên coi tánh đức của MẸ mà làm gương tu tỉnh, lạ gì những tánh thường tình thế gian, đàn bà ăn hiếp chồng, thất kính với chồng, bỏ con trẻ bơ vơ, chẳng qua là họ không thọ bẩm cái tình thương yêu nồng nàn của MẸ vậy.

Bây giờ nói về tại sao có Phật Mẫu trước khi có Ðức Chí Tôn là Đấng không mà có ?
Nếu nói có tất cả là không, ấy là Đấng vô hình, vô ảnh ở trong cảnh vô tướng, Ðức Chí Tôn vì mộng tưởng chẳng khác kẻ phàm, sanh ra lớn lên lại muốn tạo nghiệp, muốn tưởng Ðức Chí Tôn là nguồn cội cả Bí Pháp nên gọi là Phật. Trong Bí Pháp buổi ban sơ phân tách ra Âm Dương, phần âm là Phật-Mẫu sản xuất cả cơ hữu vi của vũ trụ. Bởi thế nên quyền năng của Phật Mẫu là MẸ khí thể của ta, nên ta có ba hình thể là Tam Bửu đó vậy.
TAM BỬU là ba khí chất tạo nên hình hài xác thịt, cái xác là con kỵ vật, thiên hạ lầm tưởng hễ xác chết là mất, vậy thì thử hỏi Trời Ðất vạn vật một khi đã hoại thì tan nát không còn sanh hóa nữa hay sao? Bởi mang xác thịt mắt phàm không thể thấy, chớ nếu có huệ nhãn thì thấy trong cái xác của người có ba thể:
 -Thể thứ nhứt là xác hài, thuộc vật chất khí biến sanh.
 -Thể thứ nhì là Chơn thần do tinh ba của vật chất khí mà sản xuất, từ phẩm Ðịa Thần đến Thiên Thần;
- Thể thứ ba là nguơn khí do Chơn linh mà có, từ bực Thánh đổ lên.
Chúng ta đạt pháp do chúng ta có ba thể tương liên đừng tưởng chúng ta không đạt được. Chúng ta hễ đi được thì đi hoài, đâu cũng có đường hết thảy. Song muốn đạt được pháp thì phải luyện. Ban sơ mới khai Ðạo chúng ta phải thi hành Thể pháp nếu sau nầy không đạt được chơn pháp thì cũng như con người có quần mà không có áo vậy.
Từ khi cơ quan hữu tướng của Mẹ đã tạo thành, thì Ðức Chí Tôn không cho Mẹ thấy nữa. Phật Mẫu thì biết tôn sùng và sợ sệt chớ không thấy Ðức Chí Tôn được, nên bây giờ Mẹ thì vui cùng con cái, an ủi nhờ con cái. Lạ gì tình thương của đàn bà, có mặt chồng thì ít thương con, ít ấp yêu, còn đến khi vắng mặt chồng thì mới biết thương yêu con cái vậy.
Phật Mẫu khi thấy con cái đến ngày qui liễu, bỏ cái áo xác thịt nầy về với Ngài, Ngài rất vui lòng tiếp rước con cái, như người đàn bà gặp được đứa con yêu dấu cách biệt từ lâu.
Ðền Thờ nầy là nơi lễ bái Ðức Phật Mẫu trong buổi nhơn đạo mãn sang hồi cựu vị.

Lễ Hội-Yến Diêu-Trì ngày 15 tháng 8

Thử nhìn sự sắp xếp bàn lễ Hội-Yến Diêu Trì Cung là đã gồm trọn trong Bát-Quái Đồ Thiên, tức nhiên là vị-trí của Phật-Mẫu và 9 vị Tiên ngồi dự: Ấy là sự xếp đặt bàn Lễ Hội-Yến Diêu-Trì-Cung thường năm tổ-chức tại Tòa Thánh Tây Ninh, vào ngày 15 tháng 8 Âm-lịch. Bàn Hội Yến cho ta một ý-niệm đây là buổi tiệc họp mặt giữa người vô hình là Đức Phật Mẫu và 9 vị Tiên Nương cùng với 3 người hữu-hình là ba ông CƯ, TẮC, SANG (sau là Chức sắc của Hiệp Thiên-Đài) tham dự là Hộ Pháp ở giữa, Thượng Phẩm bên tay mặt, Thượng Sanh bên tay  trái.
Dưới đây là sơ đồ Bàn Hội-Yến Diêu-Trì-Cung. Hằng năm Lễ này được tổ chức tại Báo-Ân-Từ, tức là nơi thờ Đức Phật-Mẫu tại Toà-Thánh Tây Ninh. Duy nhất chỉ ở nơi đây mới được thiết Lễ cúng Đức Mẹ vào ngày rằm tháng 8 Âm-lịch mà thôi.
Buổi tiệc đầu tiên thì do Đức Chí-Tôn dạy thiết Lễ này. Hôm ấy người hữu hình chịu trách nhiệm đãi tiệc bằng thức ăn chay là Bà Hương Hiếu (Hiền-nội của ông Cao-Quỳnh-Cư sau đắc phong Thượng Phẩm) còn Bà, sau đắc phong Nữ Đầu-sư Chánh-vị. Khi xong tiệc thì cầu cơ mời Đức AĂÂ (tức là Đức Chí-Tôn) hỏi, thì Đức Ngài có cho biết là Ngài có mặt nhưng ẩn thân.
Đây là Bàn Hội-Yến tại Báo Ân từ nơi thờ Phật-Mẫu 
Vậy thì làm bài toán cọng: 9 vị Tiên-Nương và Phật Mẫu là 10, 3 người hữu-hình là 13. Đức Chí-Tôn ẩn thân và Bà Hương-Hiếu thết đãi là 15 người tất cả.     
Số 15 này là con số Ma-phương của Bát Quái Đồ Thiên đó vậy.(Xem về số Ma phương)

* Giá trị các con số trên Bàn Hội-Yến:
Cũng gọi đây là Số của Bát Quái Đồ Thiên:
Nhìn trên Bàn Hội-Yến qua các con số, nếu ta cọng hàng ngang thì có tổng số chung là 10. Số của Thập Thiên Can. Mà có tới 5 tổng-số:
1+9=10,    2+8=10,     3+7=10,    4+6=10,    5+5=10
Năm bài toán như vậy là hoà số 5 của trời với 10 của  đất tức là số (10x5) =50

50 tức là cơ hỗn-hợp Càn Khôn biến tướng để tạo nên Bát-Quái Cao-Đài, là Trung-Thiên-Đồ, cũng là Bát Quái Đồ Thiên, là hình ảnh của 50 Thiên-Nhãn Thầy (xem Dịch Lý Cao-Đài cùng Soạn giả).
* Số Thập thiên can hoà với
Thập nhị Địa chi

Kế đến lấy 9 (9 vị Tiên) + 3 (ba người sống) là 12 người cả thảy. Số 12 là con số Thập nhị Địa chi. Lấy số 10 ở trên là số Thập Thiên can thêm vào để làm thành cặp âm dương định  cho  giờ, ngày, tháng, năm...cả đến hội, vận, thế, mà người Đông-phương đều sử-dụng.
Thập thiên-can là 10 can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí.
Thập nhị địa chi: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Người Đông-phương rất quan-trọng về sự phối hợp Can Chi này trong cách tính ngày, giờ.
Trên đây là Sơ đồ Bàn Hội-Yến để so sánh với Bàn tiệc Hội-Yến hằng năm nơi Báo Ân Từ.
Diêu trì cung có 10 Đấng là con số Thập Thiên Can. Hiệp Thiên Đài có 12 Thời Quân là Thập Nhị Địa chi. Cả hai có tình liên quan nhau. Kinh Phật Mẫu có câu:
Thập Thiên can bao-hàm vạn Tượng,
Tùng Địa chi hóa trưởng Càn Khôn
Trùng huờn phục vị Thiên-môn,    
Nguơn-linh, Hóa chủng, quỉ hồn  nhứt thăng

Cái giá trị của các con số Bí-pháp ấy thật siêu tuyệt vô cùng. Hầu như không một người Tín-hữu nào mà chưa một lần dự Hội-Yến để thấy được cái Thể-pháp thật trang trọng và đông đảo. Trước nhất là còn lưu dấu ngày Kỹ niệm của ngày đầu tiên có đủ các Đấng Nữ Tiên hầu Đức Phật-Mẫu cùng giáng Đàn cho Thi, mỗi Đấng có cho một bài sau dùng làm Bài Thài hiến Lễ như nay, hằng năm vào 15-8- âm lịch
Đối với các Vị Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh lúc còn sinh tiền thì cùng ngồi vào Bàn dự Hội Yến cùng các Đấng Vô hình. Nay các Ngài đã qui Thiên thì cũng dùng những bài Thài riêng của mỗi người mà Thài Hiến Lễ..

Như vậy cứ mỗi lần Hiến Lễ thì trọng tâm là phải Hiến Lễ tất cả là 13 Bài thi. Gọi là BÀI THÀI.
Đây là cách trưng bày Bàn Hội-Yến nơi Báo-Ân-Từ
(Toà Thánh) hằng năm vào ngày rằm tháng 8 Âm lịch

Trong buổi lễ Hội-Yến Diêu-trì Cung lần đầu tiên được tổ chức tại nhà của Ông Cao-Quỳnh-Cư ở 134 đường Bourdais Sài-gòn ngày 15 tháng 8 Ất-Sửu (dl 2-10-1925) sau khi Đức Phật-mẫu giáng Cơ để lời Cảm tạ ba vị: Cao Quỳnh-Cư, Phạm-Công-Tắc và Cao-Hoài Sang thì Đức Phật-Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương ban cho 10 bài Thi, mỗi vị viết nên một bài để kỹ-niệm ngày Hội-Yến đầu tiên trong nền Đại-Đạo. Ngày nay dùng làm Bài thài hiến lễ Tại sao cửa Đạo Cao-Đài ngày nay thờ Phật-Mẫu?

Vì đã đến lúc Âm Dương hoà hợp. Thế nên:
THIÊN-LUẬT của CHÍ-TÔN ngày nay gồm về Tân luật: 
"Tân-luật, Đức Chí-Tôn cốt-yếu muốn cho ta làm, đặng ta bảo-vệ Tam-cang Ngũ-thường của nhân-loại. Nói về phương Đông này dầu cho luận tới các quốc-gia xã-hội đến đâu đi nữa, họ tự trọng họ, văn-minh thế nào họ chưa ra khỏi đường lối ấy, niêm-luật ấy bao giờ; nếu họ ra khỏi là muốn tự bỏ cả xã-hội của họ thì họ sẽ thành cái gì chớ không thành xã-hội.
Ôi! Kiếp sanh tại thế mang xác thịt, hỏi sống được mấy lát? Nội một giấc thức, giấc ngủ là thấy sự chết sống của kiếp con người, mang thi hài bóng dáng nầy là giả. Cảnh thiệt không phải ở đây, mà cảnh thiệt ở nơi chỗ khác kia, sao không tìm cảnh thiệt là cảnh tồn tại, lại chạy theo bóng ? Ước ao cả thảy biết điều trọng hệ bí-mật đó mà Thương-yêu lẫn nhau, Thương lún Thương càn đi, rồi ngày kia coi có lầm chăng? Bần-Ðạo quả quyết, Ấn Hộ Pháp, Bần-Ðạo nắm trong tay, nói chẳng hề sai chạy. Bần Ðạo mong ước cả thảy con cái của Chí-Tôn, đừng tưởng mang thi hài nầy mà Nam Nữ phân biệt đa nghe.!
 Biết đâu trong đám Nữ nầy, có kẻ đã làm Cha, làm Anh của người nào đó. Giả cuộc đừng coi trọng hệ, cả thảy nên hiểu và từ đây noi theo lẽ thiệt, đừng mơ sự giả, đó là điều mơ vọng ước ao của Bần Ðạo hơn hết.

KẾT LUẬN
Bát Nương hỏi: Vì sao mà phải hạ sanh làm trang phụ nữ? Cười…Ai cũng cho là kiếp tội lỗi cả thảy, ấy là một điều lầm. Cười..
Thưa chị em, cái luật Thương yêu của Chí-Tôn có một nhưng tuỳ đức tánh con người mà biến hoá nhiều hình, cái thương của bậc nhơn sanh nó khác hẳn cái thương của chư Thần Thánh Tiên Phật và Trời. Cái thương ấy tùng với khuôn phép tạo đoan nên không hạn giới.
- Em nên xin nói rằng: Ai đã thọ một điểm linh của Đức Chí-Tôn đều chịu dưới quyền lực ấy. Phép luân hồi là bài thi của luật Thương yêu mà sanh sản. Cả thảy Vạn linh chạy theo con đường quyền lực ấy. Chạy không cùng, đi không tận, chỉnh ngày nào đến gần Toà ngự của Đức Chí-Tôn mới hiểu nghĩa Từ-bi Bác-ái.
- Hỏi: Muốn đoạt mau quyền Luật Thương yêu thì đầu kiếp nơi đâu mà dễ đoạt?
Cười…Em nói ra đây e có mích bụng của mấy ông ấm, nhưng nói hay thì phải nói: Có phải là lòng dạ của bậc phụ nhơn thương nhiều hơn nam-tử có phải?
Ờ! Em tưởng khi chắc hẳn như vậy:
Thương điên thương ngốc thương dại thương khờ
Thương chẳng gìn liễu yếu đào thơ,
Thương chẳng kể hẫng hờ thân gái,
Thương bạc tóc vẫn còn thương dại
Thương da mồi còn phải thương ngu
Vì kiếp thương chưa đủ công phu
Nên nay chịu thương câu phụ nữ.

            Hiểu chưa mấy chị? Em khuyên mấy chị em gắng tu đúng phép Thương yêu là đoạt Đạo, chớ đừng dị đoan mê tín theo lối thường tình, theo lối bàng môn tả đạo, nghe! Em xin kiếu. Thăng.”
CHUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét