Huyền Diệu Cơ Bút - 5 / 5 (Nữ Soạn-giả Nguyên Thủy)

Thầy đã chỉ rõ nẻo quanh co, thì khá liệu chừng mà bước tới, tâm bền dạ vững, kính mến Thầy là yêu dấu Thầy đó, nên nghe à!

T..T..C.. Từ đây nên liệu chừng nhau mà điều-đình gánh Đạo, điều nào mà theo Tân-Luật, do Thánh-ý, hiệp lòng chư đạo-hữu, bổ-ích cho nền Đạo thì các con nên thung-dung liệu nhau mà thi-hành, chẳng cần phải cầu hỏi.
Các con được tin cậy nhau, dìu-dắt nhau, nâng-đỡ nhau mà phủi hết sự hiềm-nghi nhau theo thế tình, ấy là các con hiến cho Thầy một sự vui-vẻ lớn-lao hơn hết đó. Còn kẻ phản bạn trở lòng, luật thiên-điều cũng có buổi trừng răn cách xứng đáng vậy.

C.. Thầy cấm từ đây, chẳng nên lấp-lửng cầu cơ hay chấp bút chi, vì là một sự hại lớn lao cho Đạo, đả phá đức Tín-ngưỡng của chúng sanh, lại làm cho nhơn-sanh bị nhơ trược”.

Vả lại Ông Thầy Trời đã ban cho dân-tộc Việt-Nam này một mối Đạo quí-hóa vô cùng. Nay lời dạy cũng như sự sắp đặt đã sẵn-sàng thì Thầy liền cấm cơ bút, Thầy nói rõ nguyên do:

“Đạo đã lập thành, gót trần của phần nhiều Môn đệ hầu rửa sạch bợn, nhưng các con phải chịu lắm nỗi gay-go mà gieo mối chánh-truyền cho đòan hậu tấn. Gương sáng đã giồi nên, mà con thuyền Bác-nhã phải tùy máy thiên cơ, lắm phen lắc-lở đắm chìm biết bao khách. Ấy là những Môn-đệ vô phần, đã chẳng giữ nét thanh-cao lại mượn thói vạy tà để làm cho bợn nhơ mối Đạo quí báu của Thầy đã lấy đức háo-sanh mà khai hóa. Con đã để dạ ưu-tư về mối Đạo, đã lắm lần trêu cay ngậm đắng mà nhuộm nét nâu sồng, mong trau rạng mảnh gương để soi chung bước đường sau mà lần đến cảnh tự-tọai thung dung tránh bớt muôn điều phiền-não. Ấy là Môn-đệ yêu dấu, khá gìn mực ấy mà đi cho cùng nẻo quanh co, cân công-quả sẽ vì phần phước mà định buổi chung qui cho mỗi đứa.

“Còn cuối kỳ tháng sáu đây thì Thầy phải ngưng hết cơ bút truyền Đạo. Các con sẽ lấy hết chí thành đã un-đúc bấy lâu mà lần hồi lập cho hòan-tòan mối Đạo. Nầy là mấy lời đinh-ninh sau rốt khá lưu tâm. Ai vạy tà nấy có phần riêng, cứ giữ nẻo thẳng đường ngay bước đến thang thiêng-liêng, chờ ngày hội-hiệp cùng Thầy. Ấy là điều quí báu đó!” (TN I/ 111)

* Cơ bút rất quan trọng, vì Cơ Bút là khí cụ chủ yếu để các Đấng thiêng liêng dạy Đạo, xây dựng đức tin cho nhơn sanh, mà nó cũng có thể bị Quỉ Ma lợi dụng để phá Đạo, làm cho nhơn sanh mất tín ngưỡng.

Cho nên, Cơ Bút lợi thì cũng rất lợi, mà hại thì cũng hại không lường được, tùy theo cách thức phán đoán Chánh Tà của người học Đạo.

Thánh giáo của Đức Chí-Tôn dạy về sự lợi hại của Cơ bút như sau:
 “Các con đừng thầm tính rằng nên cầu Thầy cùng chư Phật, Thánh, Tiên mà nghe Thánh giáo dạy bảo cho rõ Thiên cơ. Ấy là ở trong đó có một cái lẽ đại hại ẩn vi, nó dìu dắt các con đi sai đường lạc ngõ. Có phải vậy không các con?

Vì cơ bút là cơ quan rất tối cao tối trọng, vả lại cơ bút là cơ vận chuyển theo thời thế mà tấn hóa, dìu dắt các con chung hòa như một sợi dây để buộc đàng liên ái, đúng với luật thiên nhiên đó thôi.

Nền Đạo sáng khai, Thầy tạm dùng Cơ Bút làm khuôn mẫu. Các con phải lãnh ảnh hưởng bên Hiệp-Thiên-Đài mà hành đạo.

Những sự lợi hại của Cơ bút có hai đàng là:
1 - Chánh đại quang minh giáo đạo, ấy là Thầy là các con, Tiên cơ đó.
2 - Là chỗ mê muội hữu vi hữu tướng, để cho ác quỉ hung thần truyền thinh giáo đạo cho những đứa không đủ đạo đức, tức là Tà cơ và Nhơn cơ vậy”.
(Các bài Thánh giáo của Đức Chí-Tôn trích ở trên rút ra từ quyển sách Thiên Đạo của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu và ông Phan Trường Mạnh)

4 - Đức Chí-Tôn đã cấm Cơ Phổ-Độ.
Từ đó về sau, Đức Hộ-Pháp mới có những thư gởi cho cả chư Chức sắc Thiên phong Hiệp-Thiên-Đài, đồng thời ra Thánh Lnh nói về Cơ Bút:

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Tứ thập bát niên)
---ooo---
TÒA THÁNH  TÂY NINH
Hộ-Pháp-Đường
Văn phòng
Truyền tin thứ nhì
Ngày 16 tháng 2 Tân Mão (23-3-1951)         

Hộ-Pháp
Chưởng quản Nhị Hữu hình Đài
Hiệp-Thiên và Cửu Trùng

Gửi cho cả Chức-Sắc Thiên phong Hiệp-Thiên-Đài:
CƠ BÚT là một cơ quan huyền-linh-pháp nên vẫn là hư hư thiệt thiệt, vì bất cứ mọi sự chi mà có tánh phàm của con người hùn vốn vào đó đều giả nhiều mà thiệt ít.
Cơ Bút đã đủ quyền tạo Đạo đặng mà cũng có quyền diệt Đạo đặng.
Vì cớ mà Đức Chí-Tôn đã cấm Cơ Phổ-Độ.
Một điều nguy hiểm nhứt là Cơ Bút có quyền phong cho một tên cùi phung ăn xin nơi giữa chợ ngồi địa vị Giáo-Tông hay là Hộ-Pháp đặng, thì ta là người giữ gìn Chơn pháp lại càng phải oai nghiêm lắm lắm mới đặng.

Bần Đạo đã xét nét cùng các Đấng và Thánh lịnh số 6 P.C thì làm cho chúng ta phải lưỡng lự.

Nếu dùng oai nghiêm mà trị giả dối đã đành, còn thoảng như rủi gặp thiệt ta phải tính sao? Bần Đạo đã có giải rõ, những đồng cốt là khí cụ có thể là của Trời dùng mà có thể là của Quỉ hại.

Đồng cốt giả dối với Bần Đạo, Bần Đạo dám cho giả, vì cái giả của nó Bần Đạo có đủ phương làm ra thiệt. Còn các Bạn ta và em út ta nó có đặng như Bần Đạo đâu mà Bần Đạo dám cả gan để cho họ bị hại vì cái giả của đồng cốt.

Đã bàn luận xong cùng các Đấng, nên Bần Đạo quyết định như vầy:
Y như Bần Đạo đã định như trước là ai cũng đặng tự do dùng Cơ bút mà học hỏi lấy mình mà thôi, còn cấm nhặt không đặng truyền bá.

Nếu bài Cơ nào học tư mà truyền bá thì Quân Đội và Thánh vệ sẽ bắt luôn người tuyên truyền và đồng tử mà giam lại đặng đợi cơ Hiệp-Thiên-Đài định phận giả hay thiệt. Nếu giả thì người tuyên truyền và đồng tử sẽ bị giao cho quyền nhà binh dùng thế nào tuỳ ý, nghĩa là xung vào Cơ Thánh vệ theo lính cho tới ngày nào tiên tri hay là huyền linh nói trong Cơ Bút thiệt hiện ra có thật đủ lẽ.

Một điều hại nhất là Cao Thượng-Phẩm nói:
“Không nên để cho mấy đứa nhỏ nó ra lịnh hay là dạy lại mình chớ!”

Bần Đạo muốn hỏi rõ phải nó làm Cơ giả không thì Người cười mà nói rằng: “Quả có phần giả của nó, dầu nó cố ý hay là vô tình cũng là đáng tội”

“Hộ-Pháp để ý xét xem mấy bài văn sẽ thấy cái giả của chúng nó. Cơ Bút giả đã nhiều rồi, Hộ-Pháp liệu lấy” (Lời này của Đức Lý).

Thi hành Pháp-Chánh cho nghiêm nhặt.
Bất kỳ Cơ bút nào mà ra lịnh cấm quyền Hội-Thánh không có đủ mặt Thiên phong Nhị Hữu hình Đài và nơi Cung Đạo Đền-Thánh xuất hiện ra, bắt đồng tử và kẻ tuyên truyền giam lại rồi đem ra Pháp Chánh kết án trục xuất ra khỏi Đạo.

Bảo Thế xem rồi lập Thánh lịnh lại đưa cho Bần Đạo ký.
Ký tên đóng ấn: Phạm Công Tắc

Thông truyền cho cả mấy ban Chức sắc Hiệp-Thiên-Đài:
Thừa-Sử,Truyền-Trạng và Luật-Sự tường tri.
Khai Pháp
(Ký tên đóng dấu)

5 - Thánh lịnh cấm Cơ Bút:
THÁNH LỊNH
HỘ-PHÁP Chưởng quản Nhị Hữu hình Đài:
Hiệp-thiên và Cửu Trùng
Chiếu y Tân-Luật và Pháp-Chánh-Truyền.

Chiếu y Đạo Luật ngày 16 tháng giêng năm Mậu Dần (dl: 15-2-1938) giao quyền Thống nhất Chánh trị Đạo cho Hộ-Pháp nắm giữ cho tới ngày có Đầu sư chánh vị.

Nghĩ vì Cơ bút là một cơ quan thuộc về huyền linh pháp nên vẫn là hư hư thiệt thiệt vì bất kỳ mọi sự chi mà có tính phàm của con người phối hiệp vào đó đều giả nhiều mà thiệt ít.

Nghĩ vì Cơ bút đã đủ quyền tạo Đạo đặng thì nó cũng đủ quyền diệt Đạo đặng. Vì cớ mà Đức Chí-Tôn đã cấm Cơ Phổ độ.

Nghĩ vì Đức Hộ-Pháp đã khoan hồng cho phép mỗi người được tự do dùng Cơ Bút để học riêng mà thôi, còn cấm nhặt không được truyền bá.

Nghĩ vì có nhiều người ở nhiều nơi không thực hành y như lịnh dạy, nên lúc sau này Cơ bút giả nảy sanh quá nhiều làm cho bổn Đạo xao-xuyến phân vân, e di hại cho toàn sanh chúng.

THÁNH LỊNH

Điều thứ nhứt: Mỗi người trong bổn Đạo được phép dùng Cơ Bút học hỏi riêng mà thôi, nhưng cấm nhặt truyền bá ra ngoài.

Điều thứ nhì: Sự truyền bá ra ngoài có nghĩa là chép Thánh giáo của người học hỏi riêng rồi phân phát ra cho người khác xem hoặc tuân hành theo.

Điều thứ ba: Những người nào phạm lịnh trên đây (điều thứ nhứt và điều thứ nhì) sẽ bị nghiêm trị như sau đây:
1 - Nếu bài Cơ nào để học hỏi riêng mà truyền bá ra ngoài thì quân đội và cơ Thánh vệ được phép truy nã người tuyên truyền và đồng tử, giam cả thảy lại cho tới khi có cơ của Hiệp-Thiên-Đài định phân thiệt giả.

2 - Nếu giả thì đồng tử và người tuyên truyền sẽ bị giao cho Quân đội tuỳ ý sung vào cơ binh theo lính hoặc Cơ Thánh vệ cho tới ngay nào tiên tri hay huyền linh nói trong Cơ bút ấy thiệt hiện ra có thật cho đủ lẽ.

Điều thứ tư: bất kỳ Cơ Bút nào mà ra lịnh cầm quyền Hội-Thánh không có mặt đủ Thiên phong Nhị hữu hình Đài và nơi Cung Đạo Đền-Thánh xuất hiện, thì Hội Thánh liền ra lịnh bắt đồng tử và người tuyên truyền Cơ Bút ấy giam lại rồi đệ nội vụ ra Pháp chánh kết án trục xuất ra khỏi Đạo.

Điều thứ năm: Vị Bảo Thế thơ ký Chánh trị Đạo, chư vị Chức sắc Hiệp-Thiên-Đài, vị Khai pháp Chưởng quản bộ Pháp chánh, chư vị quyền Thái Chánh Phối Sư, quyền Thượng Chánh Phối sư, quyền Ngọc Chánh Phối sư, Đạo Nhơn Chưởng quản Phước Thiện, quyền Tổng tư lịnh Quân Đội Cao-Đài chỉ huy Cơ Thánh Vệ, Khâm Thành Thánh Địa, Nữ Chánh Phối sư hành chánh và Nữ Chánh Chưởng quản Nữ phái Phước-Thiện, các tư kỳ phận lãnh thi hành Thánh Lịnh này.
Tòa-Thánh ngày 22 tháng 2 năm Tân Mão.
(dl: 29-3-1951)
HỘ-PHÁP
Chưởng quản Nhị Hữu hình Đài:
Hiệp-thiên và Cửu Trùng
Ấn ký.

6 - LỜI THẦY KHUYÊN:
1/ - Lũ ma-hồn quỉ-xác nó cứ theo phá-khuấy các con là nó muốn phá Đạo đó.
 “Vậy nên Thầy khuyên các con trước hết phải ở sao cho ra vẻ đạo, đừng để ý gì về việc công-quả mà nêu danh nơi cõi tạm nầy. Các con phải mở rộng tâm-chí ra mà hành Đạo mới nên cho, chớ đừng mờ-hồ rằng: Đạo thành thì mình được làm đặng một vị xứng đáng và đại-ích trong Đạo, điều đó lẽ thì các con không cần Thầy nhắc đến mới phải, nhưng vì còn nhiều đứa háo-danh và ham làm một vị Chủ-tướng trong Đạo, nên cần phải nói cho mà xét mình. Nếu các con thật lòng vì Đạo thì đâu có chậm trễ như vầy.

Ngày Thầy khai Đạo, Thầy cũng có lời để lại cho các con hiểu rằng: lũ ma-hồn quỉ-xác nó cứ theo phá-khuấy các con là nó muốn phá Đạo đó, lại cũng vì các con không thoát tục đó chớ; các con mà có sức chống-chỏi, thì lũ ấy phải xa và Tòa-Thánh hôm may đã thành một nơi đô hội, mà các con cũng đặng sum-vầy một cửa, anh lớn, em nhỏ, một lòng, một dạ, lấy Đạo làm gốc mà lập nên một tiểu Thiên-Địa, há chẳng hơn giàu sang bốn biển sao? Há chẳng phải một điều phước-hạnh lớn-lao hơn mọi sự sao? Há chẳng phải là một nơi giải-thoát chung cho nhơn-quần xã-hội sao? Các con hiểu chăng? Nếu các con hiểu đặng ý Thầy thì rất may cho Đạo đó.

Thầy hỏi các con vậy chớ Chức-sắc của Thầy ban cho các con để làm gì?
Nếu các con phủi trần-thế mà lo cho Đạo thì sao Tòa-Thánh còn thiếu tay giúp Đạo, để cho đến đỗi càng ngày càng tiều-tụy, mà ra một cảnh điêu-tàn.

Nếu các con biết Đạo thì hiệp nhau về Tòa-Thánh mà chung lo cho xong, đừng quyến-luyến hồng trần nữa, nghe à!" ( Tây-Ninh, cuối năm Đinh-Mão (1927)

2/ - Những Môn-đệ vô phần.
 “Đạo đã lập thành, gót trần của phần nhiều Môn đệ hầu rửa sạch bợn, nhưng các con phải chịu lắm nỗi gay-go mà gieo mối Thương-yêu cho đoàn hậu-tấn, gương sáng đã giồi nên, mà con thuyền Bát-Nhã phải tùng nơi máy Thiên-Cơ, mà lắm phen lắt-lẻo đắm chìm biết bao nhiêu khách tục.

Ấy là những Môn-đệ vô phần, đã chẳng giữ nét thanh-cao, lại mượn thói vạy-tà để làm bợn nhơ mối Đạo quí-báu của Thầy đã lấy đức háo-sanh mà khai-hóa. Con đã để dạ ưu-tư về mối Đạo, đã lắm lần trươu cay ngậm đắng mà nhuộm nét nâu-sồng, mong trau rạng mảnh gương để soi chung bước đàng sau mà lần đến cảnh tự toại thung-dung, tránh hết muôn điều phiền-não, ấy là Môn-đệ yêu-dấu, khá gìn mực ấy mà đi cho cùng nẻo quanh-co; cân công-quả sẽ vì phần phước mà định buổi chung-qui mỗi đứa. Còn tới cuối kỳ tháng 6 nầy thì Thầy phải ngưng hết cơ-bút truyền Đạo, các con sẽ lấy hết chí thành đã ung-đúc bấy lâu mà lần-hồi lập cho hoàn-toàn mối Đạo.

Nầy là lời đinh-ninh sau rốt khá lưu tâm, ai vạy tà nấy có phần riêng, ai cứ giữ nẻo thẳng, đường ngay, bước đến thang thiêng-liêng chờ ngày hội-hiệp cùng Thầy, ấy là điều quí-báu đó, Thầy cho con tự-định thâu sớ mà cho nhập-môn như các chỗ khác.
Thầy ban ơn cho các con. (Đinh-Mão, 1 Juin 1927 -Đàn tại Phước-Thọ)

3/ - Thà bỏ một hai đứa mà vớt cả muôn triệu, các con nên biết.
Các con, kỳ ngưng cơ phổ-độ đến nay, chưa được bao lâu, mà nền Đạo xảy ra lắm điều trắc-trở. Thầy đã ung-đúc chí Thánh cho mỗi đứa, Thánh-ý đã giao trọn quyền cho các con chung lo hiệp trí nhau, mà dìu-dắt, phổ thông mối Đạo cho đến tận cùng bước đường. Thiên-cơ dĩ định cho nền Đạo sáng-lập đặng cứu-vớt sanh linh. Ngày nầy, tháng nầy mà nền Đạo chưa tròn thành, thì năm nào tháng nào? Các con có đặng thành công-quả cùng chăng, mà đến hội-hiệp cùng Thầy nhiều hay ít? Thầy đã có lộ một ít về việc ấy. Khá kiếm hiểu cho đích-xác, chớ tưởng lầm rằng dầu hạnh-chất của các con dường-bao, Đạo cũng thạnh-hành mà dìu-dắt các con đến tận chốn được.

Thành cùng không, đặng hay thất, Thầy cũng chỉ ngưng cân thiêng-liêng mà đợi cuộc hành-tàng của mỗi đứa trong các con mà thôi. Trường náo-nhiệt Thầy đã định và nói trước, nay đã khởi đầu loán lần ra, nếu trí các con chẳng lanh-lẹ, hạnh các con chẳng hoàn-toàn, cách cư-xử các con chưa hòa-hiệp, đường Đạo các con chưa liệu chung, nét khiêm-cung các con chưa trọn vẹn, cách đối-đãi các con chưa ôn-hòa, thì nền Đạo sau nầy e khi phải vì đó mà để một trò cười; dầu đức từ-bi của Thầy cũng khó gỡ rối-rắm được.

Các con trước đã vì Thiên-mạng, phải bỏ các ngôi cao đặng đem mình vào nơi khổ-não, Thầy chỉ đường vẽ bước dạy từ nét, dẫn từ dặm đường, mà đem các con về chốn cực-lạc xưa, các con chẳng chịu vầy-hiệp nhau cho đặng bền, cho thân-ái đặng tiến bước đường, thì Thầy cũng lắm nỗi thương-đau mà nắm cân công-bình ngó xem một phần trong các con sa nơi u-hiểm.

Vậy thì các con nên hiểu lấy mà làm bổn-phận. Nếu Thầy quá thương, dìu dẫn cho các con khỏi chốn khó-khăn ấy, thì các con phải đem mình trở xuống mấy lần như vầy nữa, mới được công-quả hoàn-toàn hầu trở về ngôi-vị đặng.

Thói vạy-tà của nhiều đứa ấy, chẳng qua là những bẩy của Tòa Tam-Giáo để cho các con hơ-hỏng mà phải vướng chơn lúc hành-trình đó; liệu mà bước, lo mà ngừa, thế nào cho vuông tròn đặng. Thà bỏ một hai đứa mà vớt cả muôn triệu, các con nên biết.
Tr... phận sự của con nơi đó chẳng ít, phải chăm nom mà liệu chừng với các đạo-hữu nghe.
Tr... Con có biết, nội Môn-đệ, Thầy tin-cậy ai hơn chăng?

Bạch..
Còn đứa nào nghe Thánh-Giáo trước chăng?
Trừ H.T.., con là Môn-đệ của Thầy đã sai chư Thần, Tiên độ trước và năng gần Thầy trong lúc phổ-độ. Con có lẽ hiểu cách-thức của Thầy dùng mà lập Đại-Đạo Tam-Kỳ, sao con lại sai-lầm mà chẳng hiểu sự cám-dỗ của tà-quái?

Thầy chẳng dùng sự chi mà thế-gian gọi là tà-quái dị-đoan mà nếu xảy ra có một ít dị-đoan trong Đạo đã dùng lỡ, thì ấy là tại nơi tâm của vài Môn-đệ đó, nếu chẳng giữ theo lẽ chánh mà hành Đạo và bày-biện nhiều sự vô lối, thì trong ít năm sau đây, sẽ trở nên một mối Tả đạo, mà các con đã từng thấy. Ngày 1-10 Đinh-Mão (1927)

7 - ĐẠO TÌM NGƯỜI:
Xưa, Thánh nhân dạy đời bằng cách lấy mình làm gương cho đời, nên các Ngài giữ lấy sự khắc kỷ vị tha, tức nhiên làm mà không nói “hành bất ngôn chi giáo”. Phật khổ hạnh bằng đức độ: Từ bi, Bác ái, Công bình. Sau chúng sanh trách là Phật có nói lời nào đâu “Phật giả vô ngôn” hay là Phật có chỉ dạy gì hay lập tông-chỉ gì để dạy Đạo cho chúng sanh đâu tức là “Phật tông vô giáo”.

Nay, chính Đức Chí-Tôn xuống thế mở Đạo, làm sách dạy đời, lập ngôn cứu thế, nên hiện tại trong cửa Đạo có cả bộ Thiên thơ tức là Thánh ngôn Hiệp tuyển đó. Trong Thánh ngôn hiệp tuyển này có đủ cả Pháp-Chánh-Truyền, Thánh ngôn, Thánh giáo…Từ đó Thầy dạy Hội Thánh hiệp nhau lập Tân-Luật, rồi Đạo luật …đó là bộ cẩm nang để hành Đạo vậy.

Đại-Đạo ngày nay có đủ Pháp luật chơn truyền hẳn hoi và nhiều nhất là mười năm Thuyết đạo của Đức Hộ-Pháp. Ngài thuyết dạy đủ lẽ, hầu như không thiếu sót một điều gì mà không dạy, không chỉ vẽ rõ-ràng, cả đến những lời tiên tri cho vận mạng, cho tương lai cả thế giới, điển hình như: Thiên Thai kiến diện, bàn Cờ huyền bí… chưa nói đến những bài thơ nhan nhãn trước mắt thật bình thường, thật giản dị mà sâu kín vô cùng. Những lời lẽ quá kín đáo, quá bí ẩn ấy khiến cho nhiều người không đủ trình độ rồi suy đoán lầm mà làm cho nhơn sanh mất tin tưởng, nói rằng Cơ bút không linh, lời Tiên không hiển. Do vậy mà mỗi việc phán đoán phải thật tế nhị lắm mới được.!

Lại nữa Đạo Cao-Đài ngày nay thành hình là do Cơ Bút, thì sự lợi và hại cũng cân bằng nhau.Thế nên phải cân nhắc kỹ lưỡng mới khỏi nhiều sơ xuất về sau. Riêng với huyền diệu của Bút Cơ được Đức Hộ-Pháp nhắc nhở và cũng giới hạn để ngăn điều không hay có thể xảy đến trong vấn đề cơ bút buổi sau này.

Nay nhờ huyền diệu Cơ bút tức là có được phương tiện để thông công với cõi vô hình tức là chư Thần, Thánh, Tiên, Phật. Như vậy nhân loại mới thực sự thưởng thức được “bút Thánh cơ Thần” mà lâu nay chúng sanh chỉ hoài vọng mà thôi. Chính Đức Thượng-Đế có giáng cơ phân lẽ chánh tà:
Lẽ chánh tự nhiên có lẽ tà.
Chánh tà hai lẽ đoán sao ra.
Sao ra Tiên Phật người trần tục,
Trần tục muốn tìm phải đến Ta.

8 - Sự hại của Cơ Bút là chia phe phân phái:
“Khi mà Đạo đã truyền bá khắp các Tỉnh rồi thì Thầy cấm Cơ Bút.

Việc đạo pháp của thời kỳ dùng Huyền diệu Cơ bút này cũng có những điều trở ngại về tâm lý con người chứ thực ra Cơ bút là cơ bút có cái diệu dụng thiêng liêng lúc nào cũng sẵn có. Đây là một trong nhiều trường hợp một số Chức sắc vì ham Cơ Bút để được phong Chức cao quyền trọng rồi tách rời Tòa-Thánh Tây-Ninh, lập riêng Chi phái. Điển hình là khi Ông Thái-Ca-Thanh cầu Cơ Bút riêng rồi lập Chi phái. Ông Nguyễn Ngọc Tương là Thượng Chánh Phối sư có viết thư khuyên Ông Ca với lời lẽ thâm tình, khuyên nên trở lại Tòa-Thánh. Sau cùng ông Ca chưa trở lại thì ông Tương cũng tách ra lập phái Bến tre cho đến giờ này.

Đây là bức thơ số 1 trong số 5 bức thư có vẻ gay go nhứt, xin dẫn chứng để làm điển hình:
1/ - Đây Bức thơ số 1

Ông Thượng Tương Thanh gởi cho Thái Ca Thanh:
Chánh Phối sư Thượng-Tương-Thanh.
Gởi Ông Thái Ca-Thanh ở Cầu Vỹ.
Hiền huynh, kính thăm Anh và để ý lời thành thật mong cho Anh vui đọc và để ý vào.

Tôi có tiếp được xấp Thánh-giáo Hậu-giang của Anh gởi và một cái thơ mời hội ở Thánh-Thất Mỹ-Tho ngày rằm tháng 10 tới đây. Tôi có đọc kỹ và cũng có đọc lại các Thánh-giáo, Thánh-ngôn Anh gởi xuống lần trước. Tôi thấy rõ là một cuộc khảo do nơi Tam-Trấn để cho Tà Thần mượn tên cám dỗ, trong ba cái bịnh lớn của con người là “Tham, Sân, Si” Nếu bậc cầm đuốc dẫn đường mà không trừ hết, còn một hai cũng phải bị vướng.

Anh đọc kỹ các Thánh-ngôn Cơ Bút của Hậu-giang từ khi ban sơ đến bây giờ, Tôi chắc Anh cũng thấy cái hư thiệt bên trong như Tôi vậy. Có một phần rất ít của Tiên Thánh, còn bao nhiêu đều là Tà mưu chước quỉ của Tà Thần cám dỗ.

Anh muốn phân biệt Chánh Tà thì cứ lựa những Thánh-ngôn nào dạy Thương-yêu nhau, hoà hiệp nhau luôn luôn mà dìu-dắt nhau trên con đường đạo-đức, bỏ giận, bỏ hờn, đừng ganh đừng ghét, đừng nghịch với một ai là của Tiên Thánh cho. Còn Cơ nào giáng cho bài thơ có hay cho cách mấy đi nữa mà có xen lộn vào những lời kích-bác, bày sự xấu của người, xúi giục sự hờn giận nghịch lẫn, chia phe phân phái đều là của Tà-Thần, dầu có lấy tên Tiên Thánh cho đến tên Thầy mà ký vào đó cũng không nên tin. Vì những bậc trọn lành biết khuyên hoà thuận, chớ không khi nào dạy phân chia.

Trong những bài của Tiên Thánh giáng dạy đều dùng toàn là lời tao-nhã, tiếng Thương yêu, dạy ròng đạo đức, trông vào thấy liền khí tượng Tiên Thánh. Anh đọc lại mấy bài giáng Cơ Hậu-giang coi được bao nhiêu có hình trạng như vậy. Những Thánh-Ngôn do nơi Tòa-Thánh mà ra, nếu không đủ vẻ cao thượng đó cũng không buộc ai phải tin hết.

Nếu phăn lại gốc thì Tôi rõ biết, khi ban sơ lúc Anh thay mặt cho Tôi ở Tòa-Thánh, Anh có bất bình về sự hành động cử chỉ của mấy vị Đại-Thiên-Phong nơi đây đối đãi với Anh.

Vì sự bất bình này mà dùng Cơ Bút Rạch-giá để cầu hỏi bài “Chánh Tà yếu lý” ra đời rất hạp với cái tư tưởng của Anh lúc đó, mà làm cho Anh vui lòng để trọn Đức-tin vào. Dụ được Anh rồi nó dắt Anh đi lần lần, từ mấy thứ “An Thiên Đại Hội” qua đến lập Tòa-Thánh Tam Bình Kiên-giang Thất Sơn, đã nhiều phen tiên tri này nọ đều trôi hết, nay đem Anh trở về lập Tòa-Thánh Trung ương Mỹ tho, là chỗ ở của Anh, Tôi xét kỹ thiệt toàn là công cuộc của Cơ cám dỗ Hậu-giang. Do sự bất bình kia mà gầy tạo ra đó! Anh suy-nghĩ đến thì Anh thấy liền, Cơ ấy lợi dụng cái danh, cái chức của Đạo mà dụ người. Anh thấy rõ trong hàng Chức-sắc theo Anh có một phần đông chưa trừ được cái lòng háo danh. Có khi cũng còn vì tranh nhau cái phẩm cao thấp mà gây hờn chác giận, té ra Anh đã công kích hẳn cái sự trục lợi nơi người rồi Anh trở lại không tránh khỏi cái sự cầu danh nơi mình đó. Phải chi hết thảy chư vị theo giúp Anh, Nam Nữ cũng vậy:
- Đừng một ai cầu phong Chức-sắc,
- Đừng một ai nghe Anh cầu phong cho ham mà lãnh,
- Đừng một ai nghe nói Cơ Bút phong chức cho, lật đật vui chịu, thì Minh-Chơn Lý của Cơ bút Hậu-giang đặt ra để mà công kích Tây-Ninh đó còn có chỗ phải nghĩa.!

Sau khi kích bác nhục mạ Tây-Ninh rồi bố cáo mà dán khắp Lục Tỉnh mong Anh và các Chư vị giúp để cho Tà Thần xúi giục mà hăng-hái thọ lãnh gia phong lập riêng một Hội-Thánh Trung-ương tự mình làm chủ, làm cho ai trông vào cũng thấy cái Chủ nghĩa Minh-Chơn-lý của Hậu-giang kết chung lại là một trường háo danh ham chức đó là “Tôi”. Đạo ở nơi nào? Đức ở nơi nào?

Than ôi! Chư Nam Nữ không rõ thấu mà ngã với Anh theo Cơ cám dỗ. Nay đã thấy cái Cơ-quan của Tà điển hiện ra đó rồi, thì mau ăn-năn trở về Thầy cho chóng.

Khi Anh về Thiêng-Liêng rồi, Tôi còn sợ Anh không thế chi đỡ cho Ông Chưởng-Pháp Trần Đạo Quang cầm duyên đầu được, vì nghĩ ít chữ nghĩa, làm sao mà phân biện bằng Anh.! Tuy nói Ngài cầm đầu chớ ai cũng rõ thiệt Anh làm Chủ. Anh cũng không đỡ cho Đồng tử chút nào, vì không ai buộc Anh phải nghe Cơ của chúng nó cầu mà viết ra và cũng không đổ được cho Thầy, Đức Lý hay là chư Tiên Thánh ký tên những bài giáng Cơ Hậu giang đó. Vì không có cái chi mà làm bằng cớ chắc chắn buộc cho Anh phải tin rằng thiệt Tiên Phật có giáng cơ ký tên. Thầy đã dạy “Đạo khai thì Tà khởi” Nó cũng dám lấy tên Thầy mà cám dỗ lựa là tên Tiên Phật, nên Thầy đã căn dặn: Ngoài Thập-Nhị Thời-Quân của Thầy đã chọn đừng vội tin Thầy có giáng Cơ nơi này nơi nọ, mà phải bị lầm mưu Tà quái cám dỗ. Vậy nên Anh rất thong-thả mà nghe hay không nghe, tin hay không tin, tự nơi Anh không có một mảy chi bó buộc Anh hết, đặng ngày sau Anh không sang sớt một mảy chi cho ai hết.

Tôi phân biệt tới đây, nếu Anh cũng chưa nghe được, thì Tôi lấy hết tình Anh Em xin Anh rút bỏ hết những sự giận hờn phiền-phức đi, dầu giận phải hay giận không phải cũng đừng chứa một mảy trong tâm, vì cái giận thiệt của cái Tà dục cho dễ cám dỗ mình đó.

Trong lòng anh thiệt hết giận rồi, thì cái màn bí mật che án sẽ xủ xuống. Anh sẽ thấy tỏ rõ chi cũng có Thầy biết, cũng có chư Phật, Thánh, Tiên hay.

Thiên-phong Chức sắc nào ở Tây-Ninh thiệt có tội thì bị phạt, không khi nào chạy khỏi. Anh sẽ thấy rõ các sự Anh đã làm trong một năm rưỡi nay, đối với đạo-đức ra sao, thế nào, xa đạo-đức bao nhiêu dặm, chừng ấy Anh hết lầm nghe cơ Bút Hậu-giang nữa. Biết được sự thiệt rồi, mau mau tự nhiên Anh sẽ bãi hết các cuộc Anh đương gầy, giải chức Thái Đầu-sư mới của Anh. Vì Anh sẽ thấy rõ chữ Nhựt trong Đạo-hiệu Thái-Ca-Thanh của Anh. Đó là một cái lắt-léo của Cơ để cho Anh biết mà phân biệt chơn giả đó. Trong lòng Anh thiệt hết giận rồi, tự nhiên Anh cũng sẽ thấy rõ-ràng là không có Thần hay Tiên Thánh nào xúi Anh thêm nghịch, dạy Anh chia lìa, đốc Anh truyền rao nhục mạ Tây-Ninh rồi lại gia phong cho Anh và các vị theo giúp Anh, hối đốc lập dựng Thánh Thất Cầu Vỹ mà làm Tòa-Thánh để nhóm Hội-Thánh Tây-Ninh, mượn nhà Anh mà làm Hiệp-Thiên-Đài, Anh sẽ thấy rõ ràng là cơ cám dỗ nương cái hơi phiền-phức của Anh và chư vị kia mà phát hiện những sự ấy đặng giúp cho mấy Anh Em được thoả tình tư tưởng.

Nghĩa là do cái nguồn nơi ấy mấy Anh Em được thoả tình tư-tưởng; nghĩa là do cái nguồn nơi ấy mấy Anh Em mà sản xuất đặng để cám dỗ mấy Anh Em đó, như Anh và chư vị theo Anh thiệt tu-hành muốn noi gương đạo-đức, muốn thiệt Minh-Chơn-Lý, thì trước nên mau mau giải hết Chức-sắc của Cơ Hậu-giang phong rồi lấy cái đạo-đức nơi trong mình tròi-trọi ra mà bố hoá ra cho chúng sanh, dìu dắt chúng sanh nơi con đường sáng láng, thốt lên những lời từ thiện, một hành động cử chỉ nào cũng không sái lẽ đạo-đức, lo độ những người chưa nhập môn, giáo hoá những người còn tánh lung-lăng, tự mình làm thế nào ra một gương lành tỏ rạng cho người hậu tấn nương theo mà bước tới vững-vàng trên con đường đạo đức.

Nếu Anh và các Anh theo Anh mà còn dụ-dự, tiếc áo-mão thì cái Minh-Chơn-lý của mấy Anh em sẽ bị nơi áo-mão đó mà mất hết chủ-nghĩa hay, rồi cũng vì áo-mão đó trì nặng phải chìm không phương cứu vớt.

Xin Anh nghĩ cho cùng tột. Tôi khẩn cầu chư Thần Thánh ban bố thêm sáng láng cho Anh mau thấy sự thiệt mà hết dụ-dự, giải được chức mới rồi lại khuyên chư vị theo Anh giải sạch, ngày ấy mấy Anh mới thiệt Minh Chơn-Lý, rồi mấy Anh Em sẽ hồi tâm tự nhiên trở về Thầy, hoà-hiệp lại như xưa mà chung lo mối Đạo.

Tôi bảo kiết rằng: Mấy Anh trên Tòa-Thánh Tây-Ninh đều vui lòng và đưa tay tiếp rước mấy Anh Em Hậu giang cùng nhau tái hiệp trùng-phùng, bỏ những điều rắc rối đã xảy ra do Cơ khảo của Tà-Thần sắp đặt.

Cái hoà-hiệp đó là một hiến lễ trân-trọng hơn bao giờ hết cho Thầy. Xin Anh và mấy Anh em theo Anh mau mau về hội-hiệp mà dâng cho Đại-Từ-Phụ. Đại-Từ-Phụ sẽ vui lòng ban ân huệ đầy-đủ cho chúng ta, từ đây sẽ khắn khít như xưa, chung nhau trau giồi nền Đạo lại cho tỏ rạng mà phổ thông đến ngoại bang.
Tây-Ninh 1er Novembre 1932
Đã ký tên
Thượng-Tương-Thanh

2/- Một đoạn Thánh-giáo nói về Ông Lê-Bá-Trang bỏ Đạo lập Chi Phái. Hồn Bị Đọa.

Hai Ông:
Quyền Đầu-Sư Ngọc Trang Thanh (Lê-Bá-Trang)
Quyền Đầu Sư Thượng Tương-Thanh (Nguyễn ngọc Tương) cả hai cùng là Chức Sắc Cửu-Trùng-Đài Tòa-Thánh Tây-Ninh, bấy giờ tách ra khỏi Tòa-Thánh và cùng hiệp lại với nhau lập ra phái Ban Chỉnh Đạo (Bến Tre). Nguyên do là cả hai ông bất đồng với Đức Quyền Giáo-Tông thế nào đó. Lập phái xong, Ông Tương bấy giờ xưng là Giáo-Tông, Ông Trang là Chưởng Pháp.

Linh Hồn ông Trang khi chết sẽ về đâu?
Qua hai Đàn Cơ cho thấy Huyền diệu Thiêng-liêng thật rất nhặc nhiệm.
Ngày 10-6 Bính-Tý (dl 27-07-1936) tại Hộ-Pháp Đường, Đức Cao-Thượng-Phẩm cho biết:
 “Linh-hồn của TRANG bị đọa nơi Âm-Quang, Đức Quyền Giáo-Tông đang lo phương cứu độ”
Phò-loan: Hộ-Pháp và Tiếp-Đạo.
Cao-Thượng-Phẩm:
Chào chư hiền huynh, Hiền Tỷ,
Cười!...Hộ-Pháp, xin Bạn nghe:
THI
Rộn rực tuồng đời vẫn bấy nhiêu,
Công danh quyền tước nghịch Thiên Điều.
Cái TRUNG tâm trước quan chưa vẹn,
Nỗi ĐẠO tánh xưa lý chẳng nhiều.
Cầm đuốc soi lòng vừa phụ-nữ,
Ôm hồ nhàn dạ bỏ nghề Nghiêu!
Thanh đao bầu phép không ăn nhịp,
Tỷ giống ông Trương với Ả Kiều!

Cao-Thượng-Phẩm:
Họ nghịch với nhau thây họ, can chi mình Qua! Ừ! Mà giờ này Anh Trung đang mang bầu quảy gậy xuống Âm-Quang đặng giục tỉnh anh Trang còn đang say vùi trong ảo-mộng. Cười!...
Ba phát quạt của Qua, quạt một đường, Anh Trang bay một ngã. Qua bị Bát-Nương kiêu ngạo quá chừng. Ai đời Chơn Thần người tu mà nặng quá hủ lô nhà máy.
Thôi để cho Anh lớn tính sao thì tính, họ có ăn thua với nhau thì họ biết thế nào mở húi.
Anh Trung coi bộ rầu cháy ruột. Để Ảnh về Qua biểu đến thăm Em. Thôi Qua kiếu”
Thăng.

Ngày 11-06 Bính-Tý (dl 28-07-1936) tại Hộ-Pháp Đường. Đức Quyền Giáo-Tông cho biết ông Trang bị đọa nơi Lạc-Hồ-Trì cõi Âm-Quang.
Phò-loan: Hộ-Pháp và Tiếp Đạo
THƯỢNG TRUNG NHỰT
“Chào mấy Em, Thượng-Phẩm nói với Qua rằng: Mấy Em đợi!

Ôi! Qua nghĩ lại quá tức mình, mấy Em nghĩ coi một kiếp đâu có mấy lát, cái giả cuộc trần hoàn tuy xem như nháy mắt mà ảnh hưởng sâu sắc biết là bao!

Nào là danh, nào là vị, nào là tước, nào là quyền, nào là vinh, nào là trọng, rốt sự thì cũng không còn mảy mún giá trị chút ít gì nơi cõi Hư-linh hằng sống, bất quá như cơn vui dự đặng một tiệc ngon ngọt của khách phong trần say sưa một lát mà đòi phen chịu thắm cả đời.

Qua đến viếng Trang nơi Lạc-Hồn Trì, thấy nó nằm mê-man sảng sốt, đau lòng hết sức, như lời Thất-Nương và Bát-Nương làm chứng, thì dầu Qua có đến gần nó lúc này cũng không bổ ích chút nào cả!

Phải đợi cho nó từ từ định tĩnh, may ra có tay Thất-Nương giải mộng thì thỉnh thoảng định tĩnh tâm Thần, nếu Qua cượng cầu thì cũng khác nào hầu chuyện với một người điên, chọc thêm loạn trí.

Tám! Em nên thường phò-loan đặng Qua truyền tin Trang cho Em hiểu. Khi nãy Qua thấy Em có khách nhiều thì phải? Thôi Qua đi!

VĨNH! Em ráng lo chỉnh đốn lần lần việc làm, để Đạo bành trướng đổ xòa ra làm không kịp, Em nghe!
Thăng.

3/ - Chi-phái:
* Người đầu tiên tách ra Chi phái là Ông Ngô-Văn Chiêu trong khoảng thời gian 1926-1928, lập Chiếu-Minh Vô-vi tại Cần Thơ.

* Năm 1931, Ông Phối-Sư Thaí-Ca-Thanh cũng tách khỏi Tòa-Thánh Tây-Ninh lập Chí-phái “Minh-Chơn-lý” ở Cầu Vỹ (Mỹ-Tho). Trước đây ở Tây-Ninh Ông được phong phẩm Phối-Sư, khi lập ra Chi-phái Ông tự phong phẩm Đầu-Sư THÁI-CA-NHỰT.

Phải chăng vì Ông thích chữ “NHỰT” của Đức Thượng Trung NHỰT mà Ông mích lòng với Đức Lê Văn-Trung chăng? Rồi tự ý lập chi phái liền xưng là THÁI CA NHỰT ngay?

Được biết Chi phái của Ông Nguyễn văn-Ca lần lần biến ra Tả Đạo bàn môn. Bởi bức thư số 1 do hai ông Tương và Trang khi còn ở Tây-Ninh thì hết lời khuyên nhủ ông Ca hãy trở về Tòa-Thánh, đồng thời cũng cạn hết tâm tình. Nhưng ông Ca chưa về thì hai Ông đã tách bến ra đi, dù trước đó Tòa-Thánh vẫn biết các Ông vì nặng tinh thần phẩm tước. Nhưng lẽ ở đời Trời không hai mặt, Đất chẳng hai Vua, Người cũng chẳng ai công nhận hai lòng. Lời Minh Thệ còn đó “…Như sau có lòng hai thì Thiên tru Địa lục” Thầy cũng tiên tri và để lời cảnh tỉnh rồi:
THI
Đạo Thầy nhiều nhánh các con ơi!
Nhánh có trái bông, nhánh cụt còi.
Rốt cuộc cành khô cùng lá héo,
Còn gì tươi tốt để con ơi!
Đức Chí-Tôn

Thầy có nói: “Cái nhánh các con là nhánh chính mình Thầy làm CHỦ, sau các con sẽ hiểu.
Thầy vui muốn cho các con thuận hòa cùng nhau hoài ấy là Lễ hiến cho Thầy rất trân trọng. Phải chung lo cho danh Đạo Thầy.”

Thế mà! Than ôi! Thầy đã thấy trước hết rồi, nhưng không ngăn được, vì tâm ý của nhân sanh bất nhứt “Gặp thời thế thế thời phải thế”!

4/ - Tâm tình Thiên Phụ:
Làm một bậc Cha như Đấng Thượng-Đế quả thật cũng là một điều khổ. Dù cho Ngài biết trước về lòng người đổi thay nhưng cũng không thay đổi được lòng người. Thầy lập Đạo ra, kêu chúng sanh tu nhưng cứ hẹn nay, hẹn mai. Còn những người con của Ngài đầy sự khôn sáng thì nghịch lẫn nhau. Phải chăng những bài thơ này đây là những “lá bùa” để ngăn ngừa chia phe phân phái nhưng rốt lại quá khó. Bởi Thầy có nói “Lập một nước còn dễ hơn dạy một người dữ đặng hiền”.

Qua câu “Mặt nhật hồi mô thấy xẻ hai”? Sự thật là như thế, có bao giờ ai chia xẻ mặt trời làm hai để có hai mặt trời một lúc, tức là hai chữ “NHỰT” mà Ông Thái Ca lại muôn gắn vào cho ông một chữ “Nhựt” thành ra “Thái Ca Nhựt” .

“Có thương mới biết Đấng Cao-Đài”. Phải vậy, có thương Thầy mến Đạo thì phải thực sự vì Thầy vì Đạo, chứ tại sao tự mình “chọc nước khuấy trăng” làm gì cho thành manh mún?
Cũng con cũng cái đồng Môn đệ,
Bụng muốn phân chia hỏi bởi ai?

Thầy đã phân rõ tất cả đều là con cái, đều là Môn Đệ của ông Thầy Trời thì ai cũng như ai chứ! Vì cớ nào mà tự ý phân chia làm cho lòng Trời héo hắt. Hỏi vậy đáng tội chăng? Nhưng tranh để làm gì? Ông Thượng Trung Nhựt đã đủ đầy tài đức như thế, lãnh nhiệm vụ như thế là tất nhiên? Bài học này cũng nên treo trước mắt mọi người hãy mau thức tỉnh, vì cửa Phong Đô đã từ chối rồi!
THẦY
Ngươi muốn biết Đạo Ta, nghe dạy:
Thiệt thiệt hư hư dễ biết chăng?
Hành tàng chơn Đạo gọi sao rằng.
Khai Thiên lập Địa ai là chủ,
Thánh, Phật là ai dám đón ngăn.
(21-1-1926)

Bản, Kỳ, Trung, Cư, Tắc nghe dạy:
Mặt nhật hồi mô thấy xẻ hai,
Có thương mới biết Đấng Cao-Đài.
Cũng con cũng cái đồng Môn đệ,
Bụng muốn phân chia hỏi bởi ai?
(21-1-1926)

THẦY
Chín Trời mười Phật cũng là Ta,
Truyền Đạo chia ra nhánh nhóc ba.
Hiệp một chủ quyền tay nắm giữ,
Thánh, Tiên, Phật Đạo vốn như nhà.
                        (23-1-1926)

9 - Đức Chí-Tôn dụng tánh đức lương sanh lập Hội-Thánh
“Buổi Hạ ngươn Tam Kỳ Phổ độ là thời kỳ Ân xá tội tình cho toàn cả chúng sanh; lại nhơn buổi văn minh, nhơn loại thông đồng, càn khôn dĩ tận thức, cho nên Đức Chí-Tôn dùng Huyền diệu Cơ bút giáng Cơ khai Đại-Đạo, chủ nghĩa là độ tận 92 ức nguyên nhân qui hồi cựu vị cho khỏi sa đoạ cõi hồng trần nên gọi là cơ quan cứu thế.

Nếu Đức Chí-Tôn chiết chơn linh giáng thế như các vì Giáo chủ trước thì phải tá mẫu đầu thai, mang phàm thể hữu vi, lại nữa là Đạo khai trong nước Việt-Nam thì phải thọ sanh hình hài người Nam Việt thì có thể nào chuyển ba mối Đạo khắp Ngũ châu và toàn cầu thế giới đặng. Lại nữa các dân tộc trong Vạn quốc không thể hiệp đồng sự Tín ngưỡng làm một thì khó mà độ tận chúng sanh, cho nên Đức Chí-Tôn giáng bằng Huyền diệu Cơ Bút đặng làm cho các nước để trọn đức tin rằng một Đấng Chí-linh giáng thế cứu đời qui tụ cả khối tinh thần của nhơn loại duy nhất. Chỉ rõ bằng cớ như kỳ các Tôn giáo tại Luân đôn thì các nước đều công nhận Đạo Cao-Đài là chơn thật có thể qui nguyên Đại-Đồng Tôn giáo và tại Toà nội các năm 1933 Hạ Nghị Viện có 424 vị thân sĩ cùng đồng bỏ thăm toàn công nhận Đạo Cao-Đài.

Đức Chí-Tôn chẳng giáng bằng xác thân mà lại dụng tánh đức lương sanh lập quyền Hội-Thánh thay hình thể hữu vi cho Đức Chí-Tôn, thay thế và lập Vạn linh đối phó cùng quyền Chí linh, ấy là cơ mầu nhiệm cứu vớt quần sanh giải thoát khỏi chốn sông mê bể khổ.

Kỳ Hạ ngươn này dầu chúng sanh có tàn bạo hung ác thế nào cũng không làm hại xác thân của Đức Chí-Tôn như các vì Giáo chủ buổi trước vậy.

Bởi quyền Vạn linh có đủ nghị lực tinh thần lập khuôn viên Luật pháp xây chuyển cơ Đạo và cơ Đời cho thuận theo lẽ tuần hoàn của tạo hoá. Đức Chí-Tôn khai Đạo kỳ ba này giáng bằng Huyền diệu Cơ Bút là do nơi Thiên thơ tiền định chuyển Đạo vô vi hiệp Tam giáo Ngũ chi làm một” (ĐHP: 1-7 Mậu-Dần – 1938)

Ngài Bảo-pháp Nguyễn Trung Hậu thuộc về cặp Cơ Chơn pháp, được Đức Chí-Tôn chọn lựa là một trong 12 Thời-Quân, Ngài nói:

10 - Cơ bút là việc tối trọng:
Ngài Bảo Pháp là vị Thời-Quân chi Pháp nói:
 “Chúng ta từng thấy nhiều đứa trẻ học hành thì tối tăm, mà vẽ vời lại khéo léo. Lại có đứa học văn giỏi dắn, còn toán thì chẳng ra chi…vì mỗi đứa đều có Thiên tư riêng.

Việc Cơ Bút cũng vậy: mỗi người tuy tập dượt mà chẳng phải giỏi hết được. Người có thiên tư về Cơ bút tập cơ Bút mới hay. Kẻ phò Cơ, chấp bút là người thông ngôn (Interprête, Intermédiaire) của Thần, Thánh, Tiên, Phật vậy. Nếu thông ngôn dở và không quen thuộc thì làm sao có chỗ hay được? Vì vậy mà kẻ chấp Cơ cần phải tập luyện mới được thuần thục và nhất là phải có khiếu thông minh mới được hoàn toàn.

Khi Chấp Cơ phải cho đại tịnh thì Chơn Thần (périsprit) xuất hoặc khỏi xác (đồng mê) hoặc một phần khỏi xác (đồng tỉnh) mà nghe dạy rồi viết theo, một hai khi viết trật chữ nữa (Orthographe). Chơn Thần viết ra là nhờ điển quang trong mình tiếp với điển quang ngoài mà làm cho (1) tay mình cử động.

Như Chơn Thần mình minh mẫn thì nghe sao đồ lại vậy, còn nếu không có khiếu thông minh, thì nghe hoặc không rõ, hoặc không nhớ rồi đồ lại sái đi, cho nên có nhiều người phò Cơ, chấp Bút cũng viết lăng xăng mà câu văn lấy làm vô vị. Lại vầy nữa: có khi kẻ chấp Cơ không đại tịnh, Chơn Thần muốn điều chi rồi tự ứng viết ra (Autosuggestion).

Nếu Chơn thần không được tinh tấn và tâm tánh có nét vạy tà thì tà mị nương theo đó mà nhập Cơ, mạo nhận tên ông Thánh nầy, ông Tiên nọ mà dẫn dụ ta vào đường bất chánh.

Vậy nên việc Cơ Bút lấy làm tối trọng, dùng đến phải quan phòng. Nếu Cơ bút viết ra câu văn xằng xiệu và dạy điều trái Đạo lý, tốt hơn kẻ phò cơ phải dẹp đi cho khỏi điều quan hệ về sau.

Tỉ như mình ép ai làm điều chi mà người ấy không đủ sức, hoặc không khứng làm thì thế nào họ làm vừa lòng mình được. Chơn-thần cũng vậy, nếu nó không hạp về việc Cơ Bút, mình vì ham mộ mà ép nó, bất đắc dĩ nó phải vâng theo, thế thì làm sao cho có huyền diệu được? Có khi mình làm cho nó rối loạn đi thì lấy làm thiệt hại cho mình, không điên thì cũng ngầy-ngật mà chớ, như nhiều gương chúng ta đã thấy rồi!

Có kẻ hỏi rằng: “Nếu đàn nầy cầu Thầy, đàn kia cầu Thầy một lượt, thậm chí đến sáu, bảy đàn cầu Thầy một lượt thì làm sao Thầy giáng Cơ cho hết?”

Tôi đã nói rằng: Thầy là một khối linh quang rất lớn, điển quang của Thầy bao trùm cả Càn khôn, thế giới. Thầy ngự một chỗ như nhà máy dây thép chánh vậy. Muốn giáng nơi đâu Thầy cứ dùng điển quang mà truyền tin, Chơn thần kẻ phò Cơ tiếp lấy rồi đồ lại, cũng như sở dây thép chánh, truyền tín cho các sở ngánh vậy. Thế thì Thầy ngự một chỗ dùng Huyền diệu Chí-Tôn ấy mà chứng đàn cả ngàn chỗ một lượt cũng chẳng lạ chi.

Như chấp Cơ mà mê, thì chơn thần ra trọn khỏi xác nghe dạy tỏ rõ, cho nên thi phú được trọn hay, vì là một phần của Thánh, Tiên làm ra, kẻ chấp cơ không dự đến, các Ngài chỉ mượn xác đồng mà làm cây bút viết ra vậy thôi. Song dùng đồng mê phải nhiều khó khăn, cực nhọc mới được một ít lời hoặc một vài câu thi mà thôi, có nhiều khi cầu đôi ba đêm mà không được, là vì nhằm khi chơn thần kẻ chấp Cơ không ra trọn xác. Lại nơi đàn phải cho đại tịnh, một tiếng gà gáy, chó sủa cũng làm cho Thần, Tiên thăng đi, là vì lúc ấy chơn thần kẻ thủ Cơ nghe tiếng động hoảng kinh nhập về xác.

Đồng tỉnh thì chơn thần ra không khỏi trọn xác, thi phú viết ra một hai khi có chỗ khuyết điểm, là vì chơn thần nghe không được tỏ rõ nên đồ lại sái đi chút ít.

Nhưng dùng đồng tỉnh có nhiều chỗ tiện hơn đồng mê: đã dễ cầu đàn lại khỏi lo về phần động tịnh cho lắm.

Điều xin nhớ: Thần, Thánh, Tiên, Phật giáng Cơ là thấy ta thành tâm cầu khẩn đến dạy dỗ chúng ta theo đường đạo đức, chớ chẳng hề lậu máy Thiên cơ cho ta biết đâu. Các Ngài muốn dạy ta điều chi tự ý; chớ chẳng phải ta muốn hỏi điều chi được nấy, cho nên có nhiều khi không khứng trả lời theo ý muốn của ta.

Việc phò Cơ, chấp Bút, tôi đã thường dùng nên hiểu thấu chút ít về diệu tánh Bút cơ. Việc Cơ Bút có lắm điều quan hệ, nếu không có lịnh Thầy xin đừng tập đến là tốt”

Chú thích: (1) Trong mình mỗi người đều có điển. Kẻ mới thác điển quang trong thân chưa thiệt dứt, nếu có một con mèo nhảy ngang qua, điển trong xác ấy tiếp với điển con mèo rồi thây ma chuyển động, đi đứng như hồi sống, chừng hai đường điển tan ra thì hết. Các loài thú chỉ có con mèo là nhiều điển hơn hết, nhứt là mèo mun tuyền sắc, có kẻ gọi là linh miêu.

11 - Tâm tánh của một Ông Cha lành không nỡ:
Đức Hộ-Pháp nói:
 “Tệ Đệ vốn là người ít tin Cơ bút hơn hết. Cũng tại Đại Từ Phụ để nghi, nên cứ tò mò theo thử mãi. Thử rồi lại sợ mang tội cùng Thầy, vái cho bị một phen rầy thì hoạ may phải tởn, mà Thầy cũng chưa hề rầy. Đôi phen cũng vì nhẹ đức tin mà cải mạng lệnh của Thầy; chừng biết tội vái cho bị rầy mà chừa cải, Thầy cũng không rầy. Nhiều khi nói lớn vái to lên ai cũng đều nghe hết, mà Thầy chỉ cười rồi bỏ chớ không chịu quở phạt dầu lấy một lần.

Để lòng nghi cho đồng không huyền diệu, về nhà chấp bút một mình, kể tội từ thuở Tam hoàng, bày oan từ đời Ngũ đế. Đêm khuya leo lét một bóng một hình, đưa ngòi bút lên đó đặng đợi Thầy, Thầy vừa giáng đã lo khóc trước.

Thầy lâu đến quá thì nhớ, nhớ quá lại thương nhiều, hễ vừa thấy dáng đã mũi lòng, ráng cầm khóc mà nước mắt không nghe, cứ chảy tuôn ra xối xả. Ôi! Nghĩ có xấu hổ chi mình khóc với Thầy mà phòng sợ. Tại bị những lời vàng khuyên bảo, tiếng ngọc dặn dò, trước kia chẳng để lòng lo, kết cuộc Đạo phải chịu chênh nghiêng rối rắm, thầm trách lấy phận mình không chịu nhớ lời Thầy dạy. Cũng vì các bằng cớ ấy mà nó xoi lủng mạch sầu, nước mắt nhỏ không phương cầm lại nỗi. Mảng chùi, mảng quẹt, mảng hỉ, mảng lau, một đôi khi làm Thầy phải đợi. Ráng làm tỉnh đặng cầm viết cho Thầy. Té ra viết một câu, lại khóc ồ lên nữa. Đôi khi thấy khóc quá Thầy lại chọc cười, rồi chuyện vãn một hồi, nào là dạy đức tánh của thiêng liêng, nào là phép huyền vi cơ tạo, nói thôi bao la thế giới, học thôi nát óc nát đầu, coi lại mấy điều khẩn cầu, không một lời nói đến.

Lúc ban sơ Tệ đệ hay thưa người này, kiện người kia, chê cụ ni khen mụ nớ, cũng bởi mê lời nói của Thầy cho cầm Cân công bình tại thế, cây Cân công bình Thầy nói đó ngày nay Tệ Đệ cũng chưa biết chỗ mà dùng, nhứt là khi Hiệp-Thiên-Đài, Cửu-Trùng-Đài phản khắc, Thập-Nhị Thời-Quân chưa hiểu phận mình, Tệ Đệ dâng cả tên tuổi của những người không lo hành Đạo đầy tràn một tờ sớ. Lúc đó Thầy mới giáng mà trả lời.

Vừa giáng thì kêu tên Tệ Đệ mà nói rằng:
Mỗi đứa con đã sanh đứng làm người đều có trách nhậm thiêng liêng, Thầy cân sức lường tài của mỗi đứa đặng định giao phận sự. Đứa dở chẳng lẽ ép làm hay, đứa tài không lẽ làm việc dốt, dở dốt cũng cần dùng, cách thế Thầy dùng vô hạn lệ, Thầy biết chúng nó đặng, chớ con biết chúng nó sao đặng, tỷ như gặp đứa sức yếu con buộc gánh nhiều rủi bị nặng nề vấp té đến luỵ mình, thì tội tình ấy về con gánh vác.

Chư Đạo-hữu nghĩ coi cây Cân công bình của Tệ đệ mới nhích bên nào cho đúng?

Sau lại kẻ ngoại giáo kích bác chơn truyền, tìm phương diệt Đạo, Tệ Đệ dâng một tờ sớ xin cho Thiên khiển quỉ xác ma hồn.

Thầy giáng hỏi rằng: Tỷ như con có năm bảy đứa con, đứa lớn khôn nó biết hiếu hạnh kỉnh nhường con, con thương yêu tưng trọng. Rủi có một đôi đứa nhỏ dại chưa hiểu đạo nghĩa làm con, nên hỗn hào phản nghịch thì con mới định làm sao?
Tôi trả lời: Sẽ dùng hình phạt mà khuyên răn trừng trị, bằng chẳng đặng thì đành lòng từ bỏ.

Thầy nói:
Từ sao đặng con! Cười rồi tiếp:
Nó nhỏ dại mà bỏ sao đành, tâm tánh của một Ông cha lành chưa nỡ nào làm đặng.

Ngưng bút hỏi lại Tệ Đệ rằng:
Sao con không nói giết phứt nó đi cho rồi! Chừng ấy nhớ lại tờ sớ thôi bắt kinh hồn hoảng vía.

Khi Thầy thấy hiểu mà sợ thì Thầy mới giải rằng: Biết bao phen Thầy giáng thế mà lập Đạo, bị chúng sanh biếm nhẻ chê bai đến đỗi bắt Thầy mà giết, nhưng mà khi Thầy qui thiên chúng nó cũng biết nhìn Thầy tùng theo Đạo giáo.

Cổ kim vẫn thế, các con chớ để lòng hờn, dầu chúng sanh chẳng rõ thiệt hơn, nói phạm thượng đến Thầy thì Thầy chịu.” (ĐHP: 15-7 Nhâm Thìn -1932)

12 - Dùng Huyền diệu Cơ Bút Đức Chí-Tôn đến đặng chia khổ não cùng con cái của Ngài

Đêm 30-3 nh. Ất Mùi - Đức Hộ-Pháp có nói:
 “Trước khi giảng quyền Đời và quyền Đạo, Bần Đạo phải tả cái hình trạng của Đạo thế nào, hình trạng của Đời thế nào rồi mới tả cái quyền của nó ra sao.

Quyền Đạo cả thảy con cái Đức Chí-Tôn đều thường nghe giảng và đều hiểu mà chớ. Vì Đức Chí-Tôn không có tái kiếp làm người, Ngài đến cả con cái của Ngài với một huyền-diệu lạ thường là Huyền diệu Cơ Bút, thành thử Ngài không nói mà chúng ta nghe, Ngài không hình mà chúng ta thấy, Bần-Đạo đã giải rõ thường tình tại sao Ngài đến?

Đại-Từ-Phụ đến, Ngài đã nói quả quyết Ngài đến để Ngài chia khổ cùng con cái của Ngài, vậy nếu Ngài không có hình trạng thế nào Ngài chia khổ ấy được; tức nhiên Ngài phải làm thế nào Ngài có hình mà chớ, muốn cho ra cái Thánh-hình của Ngài không phương chi hay hơn là Ngài tụ họp con cái hiền lương của Ngài đặng lập thành Thánh-Thể tức nhiên cái hình Thánh của Ngài; chúng ta thường gọi là Hội-Thánh. Ấy vậy Ngài đến Ngài chia khổ, Ngài lập Hội Thánh tức nhiên Ngài lập hình ảnh của Ngài. Hình ảnh của Ngài nó có đẳng cấp trật tự cả Thiên Phong Chức Sắc của Hội-Thánh từ Giáo-Hữu đổ lên là Thánh hình của Ngài, chẳng khác nào như cái đầu. Còn cả toàn thể con cái của Ngài từ bực Lễ-Sanh đổ xuống, tỷ như tay chân thân thể của Ngài, Ngài lấy cái đại thể Chơn Giáo của Ngài đã lập giáo thành tướng của nó tức là cái gia đình Đạo giáo.

Ấy vậy Chơn Truyền của Ngài đã đặt trên thế gian này là gia đình Đạo giáo của Ngài tức nhiên gia đình tinh thần. Bây giờ ta lại luận hình thể của đời, bất kỳ xã hội nhơn quần nào. Bần-Đạo đã có dịp thuyết minh rằng, con người bao giờ cũng phải sống tập đoàn đặng bảo vệ cái sống cho nhau mới gầy nên quốc gia xã hội, cái đại thể đó nó thành ra toàn thể nhơn loại. Bần-Đạo nói giờ phút nầy cả toàn thể nhơn loại lại còn mong rằng họ sống tập đoàn với nhau trong đại thể của nhơn loại mà chớ.

Ấy vậy, mỗi xã hội có Vua, có Chúa, không thì có vị Quốc Trưởng, dưới quyền của vị Quốc Trưởng ấy, hoặc có Triều đình hoặc có Chánh phủ, cả nhơn viên Chánh phủ hiệp lụng lại với Quốc Trưởng là cái đầu, còn dưới là dân chúng tức nhiên là các năng lực của toàn thể Quốc dân; Sĩ, Nông, Công, Thương, tứ dân, tứ thứ là tay chân và thân thể. Rồi trong xã hội ấy định phương pháp đặng lập cái Đại thể gia đình của toàn một sắc dân. Đại gia đình của một sắc dân gọi là gia đình xã hội, tướng diện của hai bên đó vậy.

Bây giờ Bần Đạo luận về cái quyền. Cái quyền đôi bên bao giờ cũng phải quyết định với một cái pháp luật của Hội-Thánh. Luật của Hội-Thánh để định quyền cho Đạo, cho Đại-gia-đình của tinh thần nhơn loại, ngó thấy Tân-Luật, Pháp-Chánh-Truyền là một chơn tướng lập Thánh-Thể của Ngài không cần luận đến, chỉ luận về Tân-Luật mà Đức Chí-Tôn và Đức Lý Giáo-Tông đã dạy Hội Thánh khi mới khai Đạo. Lập trong ba tháng phải thành tựu. Trong Tân-Luật con cái của Đức Chí-Tôn đều ngó thấy, Bần Đạo không cần lập đi lập lại vô ích chỉ lấy cái tinh túy của nó là trong Tân-Luật ấy Đức Chí-Tôn định cho Ngũ Giới Cấm và Tứ Đại Điều Qui và trong ấy cốt yếu bảo vệ Tam Cang Ngũ Thường của toàn thể con cái của Ngài, thật ra cái Thiên Luật của Ngài mà Ngài đã để trong tâm não con cái của Ngài. Luật chỉ có một là Thương Yêu, Quyền chỉ có một là Công Chánh.

Thiên hạ đã lập luật nhiều quá, mà cái luật của thiên hạ lập ấy tưởng khi cả thảy đều ngó thấy, dầu cho họ có thay đổi cho tới tận thế họ chưa có phương nào làm cho nó phù hạp với cả nhơn tâm bao giờ. Còn Đức Chí-Tôn đến lập Luật có một điều mà thôi là Thương Yêu, cả thảy điều hiểu cái Luật ấy, nghĩ coi có ai tránh khỏi đặng không, người nào không có dính trong cái Luật Thương Yêu ấy thì chẳng hề họ sống được bao giờ, nhứt là sống chung của đồng loại, hoặc họ phải tự họ ly dị cả nhơn loại hay là cả nhơn loại buộc phải đào thãi họ nếu họ không tuân cái luật ấy, còn cái quyền công chánh, công bình, chánh trực dầu một kẻ không học kia dốt nát thế nào mà học được hai cái đặc tánh quí báu ấy, tôi tưởng cả thảy thiên hạ đều cúi đầu tôn trọng kính nhường và nhứt là họ thương yêu. Thiên Luật của Đức Chí-Tôn là vậy, Tân-Luật Đức Chí-Tôn cốt yếu muốn cho ta làm đặng, ta bảo vệ cái Tam Cang Ngũ Thường của nhơn loại. Nói về phương Đông nầy dầu cho luận tới các Quốc gia xã hội đến đâu đi nữa họ tự trọng họ văn minh thế nào, họ chưa ra khỏi đường lối ấy, niêm luật ấy bao giờ, nếu họ ra khỏi là muốn tự bỏ cả xã hội của họ thì nó sẽ thành cái gì chớ không thành xã hội.

Giờ đây luận tới Luật Hội Thánh. Luật của Hội Thánh chỉ lập ra trong buổi con cái Đức Chí-Tôn bị cái óc ngoại hình ngoài đời kia xâm phạm tinh thần và hình chất của nó, Hội Thánh buộc phải lập Luật chẳng khác nào như thể một phương che chở như ta đã ngó thấy một người kia đi tới miệng giếng họ muốn sa vào đó ta kêu trở lộn lại. Luật của Hội Thánh phải chuyển luân theo thời thế của xã hội, nhứt là trong con cái của Ngài chớ thật ra không có giá trị gì hết. Bởi hình không có. Bây giờ nói tới hình của Luật Đạo. Cái quyền của Đạo, quì hương, tụng Kinh Sám Hối, đáo để trục xuất Nội Thành nơi Thánh Địa, rồi còn dữ hơn nữa trục xuất ra khỏi Đạo chớ chưa có giết ai, chưa có tù tội ngục hình, cũng chưa có đem ai mà bắn, mà giết bao giờ, ấy là Luật của Đạo. Vậy cốt yếu cái khuôn khổ Đại gia đình tinh thần nầy để tạo con cái của Đức Chí-Tôn thành Thánh, nong nã dạy dỗ dìu dắt thế nào cho họ thành Thánh đặng họ mới cầm cái Cờ Cứu Khổ của Đức Chí-Tôn vững vàng và mạnh mẽ, họ mới thay thế hình ảnh của Đức Chí-Tôn đặng.

Vì cớ cho nên cả khuôn khổ quyền lực của Đạo cốt yếu để tạo Thánh, bây giờ ta mới luận về quyền Đời, cả quyền Đời thật quyền của họ thiệt lực của họ là Nhơn Đạo. Muốn thành tựu Nhơn Đạo ấy họ phải thông minh trí thức lịch duyệt thế tình, thông minh trí thức phải học, lịch duyệt thế tình họ phải chuyên nghiệp lấy họ, nghiệp làm quan ấy, vì cớ cho nên một ông quan mới đầu tiên thủng thỉnh bực nhỏ lên cao, học đặng chuyên chú nghệ nghiệp của họ, cốt yếu họ cầm quyền trị dân ấy đặng chi, họ mong mỏi gì, họ mong mỏi cho cả toàn dân được hạnh phúc cả cái sống còn của dân được bảo thủ, cái sanh họat của dân được hòa ái tương thân, thật ra họ không có đi ngoài khuôn khổ Tam Cang Ngũ Thường của văn minh ta lưu lại từ thử đến giờ. Muốn bảo vệ cho họ đặng hòa bình thân ái với nhau phải dĩ Đạo vi trị, họ phải mượn văn minh Đạo giáo của Tổ Phụ ta để Tam Cang Ngũ Thường làm căn bản, trong gia đình xã hội phải nương theo bóng của Đạo bên kia họ mới có căn bản, có căn bản ấy thì mới ích nước lợi dân trừ gian diệt nịnh.

Hại có một nỗi là họ tạo luật ra quá quắt có nhiều điều họ lập ra khuôn luật mình thấy thất đức bất nhơn tàn ác, họ dùng cả cái cường lực trị dân, vì cớ cho nên các xã hội nhơn quần hiện tại bây giờ đây loạn là vì họ không lấy đạo đức nhi trị, họ không tùng theo tâm lý mà họ chỉ tùng theo quyền lực mà thôi, nào là khám lớn, nào súng, nào gươm máy, hễ tuân theo khuôn luật của ho trị thì họ để còn sống, nếu không tuân theo khuôn luật thì họ giết, mà kỳ trung thật ra Bần Đạo tổng luận gia đình tinh thần tức nhiên Đạo là tu thân, còn gia đình xã hội là trị quốc, còn thiếu tề gia, tề gia không phải là tề gia đình, tối thiểu của mọi gia đình mà tề gia đình thiêng liêng gia đình tinh thần về xã hội, duy có tề gia ấy nếu mà đôi bên, bên Đạo và bên Đời hiệp phương chước lại với nhau dùng cái phương tề gia ấy mà tương liên mật thiết với nhau nó phù hạp lấy nhau đời mới hưởng được hạnh phúc thái bình, ngoài ra nữa dầu phương chước nào hay hơn bao nhiêu mà không có đặng cái tề ấy, chữ tề ấy không quyết định đặng thì nước vẫn loạn mãi thôi, nhơn sanh phải thống khổ mãi thôi, vì cớ cho nên Bần Đạo mới nói:

"Đạo không Đời không sức, Đời không Đạo không quyền"; hễ họ tương liên với nhau không được tề gia nhứt thống về gia đình tinh thần và gia đình xã hội của họ thì bao giờ họ cũng bất lực hết thảy”.

KẾT LUẬN:
Thánh ngôn: Ngày 1-10 Đinh-Mão (1927)
"Thầy, các con.
Các con, kỳ ngưng cơ phổ-độ đến nay, chưa được bao lâu, mà nền Đạo xảy ra lắm điều trắc-trở. Thầy đã ung-đúc chí Thánh cho mỗi đứa, Thánh-ý đã giao trọn quyền cho các con chung lo hiệp trí nhau, mà dìu-dắt, phổ thông mối Đạo cho đến tận cùng bước đường. Thiên-cơ dĩ định cho nền Đạo sáng-lập đặng cứu-vớt sanh linh. Ngày nầy, tháng nầy mà nền Đạo chưa tròn thành, thì năm nào tháng nào? Các con có đặng thành công-quả cùng chăng, mà đến hội-hiệp cùng Thầy nhiều hay ít? Thầy đã có lộ một ít về việc ấy. Khá kiếm hiểu cho đích-xác, chớ tưởng lầm rằng dầu hạnh-chất của các con dường-bao, Đạo cũng thạnh-hành mà dìu-dắt các con đến tận chốn được.

Thành cùng không, đặng hay thất, Thầy cũng chỉ ngưng cân thiêng-liêng mà đợi cuộc hành-tàng của mỗi đứa trong các con mà thôi. Trường náo-nhiệt Thầy đã định và nói trước, nay đã khởi đầu loán lần ra, nếu trí các con chẳng lanh-lẹ, hạnh các con chẳng hoàn-toàn, cách cư-xử các con chưa hòa-hiệp, đường Đạo các con chưa liệu chung, nét khiêm-cung các con chưa trọn vẹn, cách đối-đãi các con chưa ôn-hòa, thì nền Đạo sau nầy e khi phải vì đó mà để một trò cười; dầu đức từ-bi của Thầy cũng khó gỡ rối-rắm được.

Các con trước đã vì Thiên-mạng, phải bỏ các ngôi cao đặng đem mình vào nơi khổ-não, Thầy chỉ đường vẽ bước dạy từ nét, dẫn từ dặm đường, mà đem các con về chốn cực-lạc xưa, các con chẳng chịu vầy-hiệp nhau cho đặng bền, cho thân-ái đặng tiến bước đường, thì Thầy cũng lắm nỗi thương-đau mà nắm cân công-bình ngó xem một phần trong các con sa nơi u-hiểm.

Vậy thì các con nên hiểu lấy mà làm bổn-phận. Nếu Thầy quá thương, dìu dẫn cho các con khỏi chốn khó-khăn ấy, thì các con phải đem mình trở xuống mấy lần như vầy nữa, mới được công-quả hoàn-toàn hầu trở về ngôi-vị đặng.

Thói vạy-tà của nhiều đứa ấy, chẳng qua là những bẩy của Tòa Tam-Giáo để cho các con hơ-hỏng mà phải vướng chơn lúc hành-trình đó; liệu mà bước, lo mà ngừa, thế nào cho vuông tròn đặng. Thà bỏ một hai đứa mà vớt cả muôn triệu, các con nên biết.
Tr... phận sự của con nơi đó chẳng ít, phải chăm nom mà liệu chừng với các đạo-hữu nghe.
Tr... Con có biết, nội môn-đệ, Thầy tin-cậy ai hơn chăng?

Bạch...
Còn đứa nào nghe Thánh-Giáo trước chăng?
Trừ H.T.., con là môn-đệ của Thầy đã sai chư Thần, Tiên độ trước, và năng gần Thầy trong lúc phổ-độ. Con có lẽ hiểu cách-thức của Thầy dùng mà lập Đại-Đạo Tam-Kỳ, sao con lại sai-lầm mà chẳng hiểu sự cám-dỗ của tà-quái?

Thầy chẳng dùng sự chi mà thế-gian gọi là tà-quái dị đoan mà nếu xảy ra có một ít dị-đoan trong Đạo đã dùng lỡ, thì ấy là tại nơi tâm của vài môn-đệ đó, nếu chẳng giữ theo lẽ chánh mà hành Đạo, và bày-biện nhiều sự vô lối, thì trong ít năm sau đây, sẽ trở nên một mối Tả-đạo, mà các con đã từng thấy.”

CHƯƠNG VII

GIẢI THÍCH HÌNH ẢNH TRÊN CUNG ĐẠO
Hình ảnh trên Cung Đạo Đền-Thánh
Cung Đạo là nơi cầu Cơ để thông công cùng Đức Chí-Tôn và các Đấng Thiêng liêng.
Đạo Cao-Đài thành hình do Huyền-diệu Cơ Bút.

Những hình ảnh trên Cung Đạo đây là tượng trưng cho Huyền-diệu Cơ Bút đó, có đủ Tam Tài: Thiên. Địa. Nhân là các sắc màu Tín ngưỡng, mà nhân loại tìm về với Thượng-Đế bằng mọi hình thức khác nhau từ Á sang Âu. Mục đích là làm thế nào để thông công được với Trời, với các Đấng vô hình nơi cõi thiêng-liêng.

Việc tìm về như vậy cho rõ sự kiết hung để hòa cùng đất trời trong tinh thần “Thiên Nhơn tương hợp”.
Giá trị thời gian tăng trưởng theo Đức tin nhân-loại.

A - Cung Đạo là gì?
Trong quyển “Con Đường Thiêng-Liêng Hằng Sống” Đức Hộ-Pháp có nói:

“Mỗi chơn-hồn nơi thế-gian này, khi thoát xác đều phải qui tựu tại Đền-Thánh này và đi từ trong Đền-Thánh này đến các cảnh giới khác.

Tại sao phải vào Đền-Thánh này mà không vào các Đền-Thánh khác?
- Tại vì Đền-Thánh này tỷ như một trường thi: Mỗi năm Chánh-Phủ mở một kỳ thi như thi Tú-Tài chẳng hạn, địa-điểm đã ấn định rồi, chỉ có thi nơi đó mới có giá-trị: Tòa-Thánh này cũng vậy, Đức Chí-Tôn lập ra để con cái của Ngài Lập-Công, Lập-Đức, Lập-Ngôn mà về với Ngài.

Vào Đền-Thánh tức là vào Hiệp-Thiên-Đài, đi từ Hiệp-Thiên-Đài đến Cung-Đạo, nhưng muốn vào Cung Đạo phải qua Cửu-Trùng-Đài, mỗi nấc của Cửu-Trùng-Đài là mỗi lần khảo-dượt của các Đấng Thiêng-Liêng, là mỗi lần cứu-rỗi của Cửu-Vị Nữ-Phật, là mỗi lần cầu xin của các đẳng linh-hồn, toàn-thể con cái Đức Chí-Tôn đọc lại mấy bài kinh từ Đệ Nhứt-Cửu đến Đệ Cửu-Cửu, đến Tiểu-Tường và Đại-Tường thì biết”.

“Bây giờ trở lại con đường Thiêng-Liêng Hằng Sống. Khi chúng ta qua khỏi Cửu-Trùng-Đài bước vào Cung-Đạo, trực ngó lên trên, không thấy Bát-Quái-Đài nữa mà thấy Đại-hải minh-mông, thấy mờ-mờ mịt-mịt.

Càn-khôn vũ-trụ bao la không thể gì tưởng-tượng được, bắt đầu từ lúc này chúng ta bước vào Con-Đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống rồi đó”.

B - Ý-nghĩa về hình ảnh trên CUNG ĐẠO:
* Trình bày:
Cung Đạo Đền-Thánh là nơi để cầu cơ học hỏi với Thiêng-liêng. Về mặt Bí-pháp là cơ biến tạo huyền pháp Chí-linh. Các hình ảnh đều biểu tượng nơi nóc plafond của Cung Đạo, có cả thảy 15 món hiệp đủ Tam tài: Thiên. Địa. Nhân. Số 15 là con số Ma phương đủ điều kiện cho một Bát-quái Đồ thiên của Đạo Cao-Đài rồi vậy.
I - Về phần Thiên: là ngôi trời có đủ Tinh Khí Thần của Thiên được biểu tượng như:
1 - Tinh: Một đầu người là hình ảnh của Đức Hồng Quân Lão-Tổ tức là biến thân của Thượng-Đế (có người cho rằng đây là hình ảnh của Đức Cao Thượng-Phẩm làm chủ chi Đạo của Hiệp-Thiên-Đài).

Bởi khi tạo tác Đền-Thánh ông Tá lý Thoại được lịnh đắp khuôn hình này, ông Thoại mới bạch Thầy: hình ảnh của Đức Hồng-Quân Lão-Tổ thế nào?
Đức Hộ-Pháp dạy: Hãy nhìn Anh Cao Thượng-Phẩm mà đắp.

Còn nhiều ý-kiến khác nhau, tuy nhiên thiết nghĩ dù là hình ảnh của Đấng nào cũng chỉ là một biểu tượng về phần TINH của ngôi Thiên mà thôi.

2 - Khí: chiếc Đại Ngọc-cơ tượng cho Chơn-thần, là phần liên-hệ giữa xác và hồn, thì đây chính là phương tiện dùng thông công giữa thế giới hữu hình của loài người với thế giới vô hình là cõi Thiêng-liêng. Nay Tam-Kỳ Phổ-Độ, Đấng Thượng-Đế đến với nhân-loại bằng phương tiện này, tức là dùng Huyền-diệu Cơ bút là một cách để lập nên cơ Đạo như ngày nay. Chính là chiếc Đại Ngọc-cơ có chiếc giỏ và cái cán dài (đặt phía trên Thiên-nhãn)

3 - Thần: Thần của Thiên tức là Thiên-nhãn Thầy có 18 tia hào-quang rực-rỡ toả sáng ra. Ngoài là một vùng hào-quang bao trùm hết các hình ảnh thì có 36 tia hào quang sáng chói.

Về Thiên đã hiệp đủ ba điểm: Tinh Khí Thần này kết hợp nhau thành một hình tam-giác. Con số 3 là con số của Trời. Ba mà một, một mà ba.

II - Về phần Nhân:
Nhân tức là nói về con người, người là một sản phẩm kết tinh của trời đất nên đứng giữa trời và đất. Do vậy mà con người không bao giờ lìa Đạo. Bởi không thể xa lìa Đạo được nên lúc nào cũng nhắc-nhớ và tìm mọi cách để thông công với thiên địa, đây là các cách mà người đã tự tạo ra từ thuở xa xưa cho đến ngày nay, qua ba dạng thức Tinh Khí Thần từ đơn giản cho đến tế vi, để thông công với trời:

1 - Tinh: Đầu tiên người muốn đoán cát hung thì dùng cách “Xin keo” tức là dùng hai mảnh như hột xoài gọi là hai quẻ Âm dương đặt lên cái dĩa. Kế đến lại xử dụng tới phương-pháp cao hơn là “lắc xâm”; đó là dùng một số thẻ xăm dài đặt trong một cái ống xâm vừa trong vòng tay, sau khi khấn vái để tạo sự cảm ứng với Thần linh thì hai bàn tay ôm trọn vào ống xâm, lắc đến khi nào một chiếc thẻ văng ra ngoài rồi xem vào con số mà đoán lẽ cát hung, may rủi…hoặc dùng cùng lúc là sau khi lắc xâm rồi thì kiểm chứng lại bằng cách xin keo hỏi xem có thật như vậy không? Cách này hoàn-toàn do người phương Đông sáng chế ra.Cả thảy có 3 cách nhưng đến 5 dụng cụ.

2 - Khí: Kế đến người phương Tây dùng phương pháp cầu cơ bằng cách viết lên một bảng mẫu-tự, ngay dưới bảng chữ có một cây que có thể di động, để khi Thần linh ứng vào thì chiếc que dừng ở vần nào thì người ngoài ghi nhận, xong ráp lại mà đọc thành chữ, thành câu ứng hợp (1 bản mẫu-tự). Một dụng cụ là con số 1.

3 - Thần: nay là buổi Tam-Kỳ Phổ-Độ, thì các bậc tiền khai Đại-Đạo lấy việc “Xây bàn” làm phương-tiện thông công với các Đấng vô hình. Ấy là một cái bàn đã kê một chân, còn lại ba chân cho dễ-dàng di động khi có vong linh nhập vào.Cách này khởi nguyên từ người Tây phương dùng làm phương tiện thông công với vô hình (1 cái bàn)

* Cái lỗ tai chính là tâm của nhân loại, như một người đạt được sự thông-công ở mức độ cao thì nghe được tiếng nói huyền-diệu của Thiêng liêng rồi sẽ không cần phải xin xăm, xin keo hay cầu cơ, mà tự mình nghe rồi ghi lại gọi là Chấp bút. Thế nên hai phương-tiện cầu cơ và chấp bút đều là cách để thông-công .

Như vậy :
- Phần Thiên có 3 hình ảnh.
- Phần Nhân có 8 hình ảnh

III - Về phần Địa:
Đây là bộ “KINH DỊCH” là kết-quả của túi khôn mà Thánh-nhân dành cho nhân-loại truyền tiếp từ đời này qua đời khác, trải qua 6.000 năm nay.

Bộ sách này ở gáy sách có bốn nếp, cột bằng sợi dây liền một mối, chứng tỏ rằng bộ Kinh Dịch có đến bốn Bát-quái chứ không phải chỉ có hai Bát-quái Tiên-thiên và Hậu-thiên của các bậc tiền Thánh như Phục-Hi, Văn Vương, Châu-Công, Khổng-Tử…được lưu-truyền từ xưa đến giờ.
Tức nhiên ngày nay Đức Chí-Tôn đến ban cho thêm hai Bát-quái nữa là Bát-quái Đồ thiên và Bát-quái Hư-vô tức là tạo con đường trở về cõi Thiêng-liêng Hằng sống hay nói khác hơn là tu theo Đạo Cao-Đài có phương-pháp đắc Đạo. Phương-pháp tu đó được thể hiện qua ba cách thức sau đây qua ba bài thơ:

1 - Thần: Bài thơ thứ nhứt:
Nếu tính từ trái sang phải trên bức hình, thì bài thơ thứ nhất là bài thơ của Đức Chí-Tôn viết theo thể tứ tuyệt (7 chữ, 4 câu, tổng cộng là 28 chữ) Thầy giáng ban cho từ thuở Khai Đạo, bài thơ đặt trên tấm bảng đá màu đen có hai mặt, viết chữ trắng. Lời thơ viết bằng chữ Nôm, viết từ trên xuống dưới, từ phải sang trái, thành ba hàng dọc, mỗi câu có bảy chữ, nhưng đến câu thứ ba thì dừng lại ở chữ thứ tư. Như vậy tính chung thì chỉ có được 18 chữ mà thôi. Ba câu thi ấy là:
“Muôn kiếp có TA nắm chủ quyền,
“Vui lòng tu-niệm hưởng ân Thiên.
“Đạo-mầu rưới khắp…

            Nguyên-văn một bài thơ như sau:
Muôn kiếp có TA nắm chủ quyền,
Vui lòng tu-niệm hưởng ân Thiên.
Đạo-mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.

Bài thơ này của Đức Chí-Tôn giáng cho vào đêm Noel 1925. Thầy dạy rằng:
“Đêm nay, 24 Décembre, phải vui mừng vì là ngày của Ta xuống trần dạy Đạo bên Thái Tây (Europe).
Ta rất vui lòng mà đặng thấy Đệ-tử kính mến Ta như vậy. Nhà này sẽ đầy ơn Ta.
Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa.”

Như vậy câu thứ ba chỉ có mấy chữ “Đạo mầu rưới khắp…” Tư-tưởng dừng ở đấy cho thấy lòng Thương-yêu của Đại-Từ-phụ bao la, chứng tỏ đức háo sanh của Thầy vô cùng tận nên Ngài đến ban cho nhân loại một mối Đạo trời mà lấy Việt-Nam làm khởi điểm, chính Ngài cũng đã rưới khắp Đạo mầu ấy qua lời dạy:

“Chư chúng sanh nghe:
“Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ chiếu theo luật Thiên đình hội Tam-giáo mở rộng mối Đạo Trời, ấy cốt để dìu dắt nhơn-sanh bước lên con đường Cực-lạc, tránh khỏi đoạ luân-hồi và dụng Thánh-tâm mà dẫn dân sanh, làm cho hoàn-toàn trách-nhiệm nặng-nề của đứng làm người, về bực nhơn-phẩm ở chốn trần-ai khốn-đốn này”.

2 - Khí: bài thơ thứ nhì:
Kế đến là bài thơ thứ nhì viết trên bảng đá màu trắng, chữ đen, ở chính giữa bản-đồ, đặt dưới cây bút nằm ngang, thơ của Đức Lý Đại Tiên giáng cơ ban cho vào năm Đinh-Sửu (1937). Đây là bài thơ thể Đường-luật (Thất ngôn bát cú: tức nhiên là loại thơ 8 câu, mỗi câu 7 chữ; như vậy tổng cộng là 56 chữ) dài gấp đôi bài thơ số 1. Bài này cũng viết bằng chữ Nôm: viết từ phải sang trái, từ trên xuống dưới, cũng đến câu thứ ba thì dừng ở chữ thứ tư, nghĩa là bài thơ thứ nhì này cũng chỉ viết có 18 chữ như trên.

            Tức nhiên là:
“Viết thử Thiên-thơ với nét trần.
“Hầu sau bền giữ nghiệp Hồng-quân.
“Chuyển-luân thế sự…

Nguyên văn như sau:
Viết thử Thiên-thơ với nét trần,
Hầu sau bền giữ nghiệp Hồng-quân.
Chuyển-luân thế sự đưa kinh Thánh,
Trừ diệt tà-gian múa bút Thần.
Kìa lóng non Kỳ reo tiếng phụng,
Nầy xem nước Lỗ biến hình Lân.
Công-danh nước Việt tay đành nắm,
Mưa móc dân-sanh gắng gội nhuần.

Như trên đã nói bài thơ chữ Nôm thì dừng ở chữ thứ tư trong câu ba, tức nhiên toàn bài chỉ có 18 chữ như bài thơ trước. Câu sau cùng ấy là “Chuyển-luân thế sự…” câu thơ bỏ lửng này có ý khuyên cả chúng sanh trong trần thế khi đã nhập môn rồi phải biết “chuyển luân thế sự ..” mà chuyển như thế nào? Hẳn là chuyển chính bản thân mình, tức là phải tùng quyền pháp Đạo đừng để thất thệ hay phạm thệ với Chí-Tôn mà phải bị đoạ, khó mong trở lại cùng Thầy. Vì khi vào mối Đạo nào là mình có dự phần làm chủ quyền về mối Đạo ấy, trách-nhiệm mỗi người tín-hữu Cao-Đài là phải lo “Xây cơ chuyển thế bảo tồn vạn-linh” là vậy.

Bởi “Nếu người nào không Nhập-môn làm Môn-đệ Đức Chí-Tôn thì không thế gì vào được Cực-Lạc thế-giới, vì các Đạo-giáo đã bị bế, chỉ còn lại nền Đạo Thánh truyền của Di-Lạc-Vương tận độ mà thôi”

Đức Hộ-Pháp, Ngài quả-quyết:
“Nếu không đi vào con đường Tam-Kỳ Phổ-Độ thì không thế gì đi con đường nào mà về Cực-lạc thế-giới là vậy đó. Phương-pháp độ dẫn chỉ có khuyên các chơn-linh dầu nguyên-nhân hay hoá nhân đoạt được chữ “Hoà” với chữ “Nhẫn” mới về nơi cửa này được, dầu cho vạn kiếp sanh dày công tu-luyện mà còn ganh-ghét thì sẽ bị vào tay Chúa quỉ, không trông gì về cùng Thầy được”

3 - Tinh: Bài thơ thứ ba:
Bài thơ thứ ba này nằm phía bên phải của bản-đồ, có bàn tay cầm bút lông thẳng đứng, bài thơ đặt trên chiếc bảng đá màu trắng, chữ đen. Bài thơ này có trong phần “Thi văn dạy Đạo” được Đức Chí-Tôn giáng ban cho Ông Nguyễn-văn-Ký ngày 29 tháng 10 năm Bính-Dần (dl 3-12-1926) đêm ấy Đức Chí-Tôn thâu nhận 24 người, ông Ký là người đứng vào hàng thứ tư. Bài thơ viết bằng chữ Nôm, viết từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, tức là nghịch chiều với hai bài thơ trước. Bài thơ này cũng chỉ viết có 18 chữ mà thôi,cũng dừng lại ở chữ thứ tư của câu thơ thứ ba.

Mở đầu bằng tên của ông KÝ.Tức nhiên là:
"Ký thành một cuốn gọi Thiên-thơ.
“Khai Đạo muôn năm trước định giờ,
“Mau bước phải gìn…

Nguyên văn bài thơ như sau:
Ký thành một cuốn gọi Thiên-thơ.
Khai Đạo muôn năm trước định giờ,
Mau bước phải gìn cho mạnh trí.
Nắm đuôi phướn phụng đến dương bờ.

Câu thơ bỏ lửng “Mau bước phải gìn…” là một sự nhắc nhở cho chúng sanh là con cái của Đức Chí-Tôn trên con đường dục tấn, con đường tâm-linh, hãy mau bước để trở về với Đại ngã, mà Cao-Đài Đại-Đạo là một nền Đạo chánh do Chí-Tôn đến lập, vì  “Nền Đạo Cao-Đài vốn là cơ-quan để nắm tay của đời dìu-dắt vào trường học của trời mà chớ!”.

Tất cả các hình ảnh trên tượng trưng Thể-pháp hiện thành Bí-pháp, bởi “nền Đạo Cao-Đài thực hiện Trời Người hiệp một đồng trị, mới có cơ-quan giải-thoát như vậy”. Người thì trị xác, Trời trị hồn.

Nhận xét:
Nhìn chung ba bài thơ trên thì bài thơ thứ nhì có tám câu: Thể thất ngôn bát cú, có 8 câu tức là bằng hai bài thi thứ nhứt và thứ ba hiệp lại. Tức nhiên nếu tính kỹ thì ba bài thơ tổng cộng là có 16 câu. Bằng hai lần con số 8, chứng tỏ người tu theo Đạo Cao-Đài sẽ nương theo hai Bát-quái này để trở về. Vì đây là cơ thành, mà:

- Thể-pháp của Thiên Đạo là Bát-quái Đồ thiên.
- Bí-pháp của Thiên Đạo là Bát-quái Hư vô.

Như vậy phần Địa có 4 hình ảnh. Cộng chung tất cả có 15 hình ảnh. Đây là con số Ma-phương trong Bát quái Đồ thiên đó.

Như vậy cả những hình ảnh trên Cung Đạo đây là phần Thể-pháp, còn Bí-pháp là những điều bí ẩn sâu kín mà chúng ta phải dùng Giáo-lý, Dịch lý, Số học mà giải cho thấu lý, bởi Đạo Cao-Đài là Qui nguyên Tam giáo hiệp nhứt Ngũ chi. Muốn giải được phải dùng cả: Nho, Y, Lý, Số mới giải thích được.

C - Luận Đạo: giải từng chi tiết.
Về tổng thể thì qua ba giai-đoạn trên là thành hình của Tam tài: Thiên Địa Nhân.
Mỗi Tài như vậy cũng có đủ tam bửu nữa, nên trở thành 9 (3x3=9) gọi là tam luân cửu chuyển.

I - Về Thiên:
A - TINH của Thiên:
Là hình ảnh Đức Hồng Quân Lão Tổ hay là hình ảnh bất cứ Đấng nào đi nữa, cũng nói lên được tình của Thượng-Đế luôn quan tâm đến nhân loại. Mỗi một thời đại, Thầy đều có cho xuất một nguyên linh xuống trần mở Đạo hầu giáo hoá nhơn sanh, cũng phải:

“Tuỳ theo phong hoá của nhân loại mà gầy Chánh giáo, là vì khi trước Càn vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt, nhơn loại duy có hành Đạo nội tư phương mình mà thôi.” (TNI/24)

Đây là hình ảnh Đức Chí-Tôn qua bao thời-kỳ khai Đạo cứu Đời, như:
- Đạo Phật thì khai tại Thiên-trước là Đức Nhiên Đăng Cổ-Phật và Đức Thích-Ca Mâu-Ni khai Phật-giáo.
- Đại-Đạo là Đạo Tiên, Lão-Tử khai tại Trung-Hoa.
- Sau nữa Đức Khổng-Tử khai Đạo Thánh cũng tại Trung-hoa là ở miền Á-Đông. Sau lần lần Đạo trải khắp qua hướng Tây, nên Đức Chúa Jésus truyền Đạo Thánh tại hướng Tây. Kế đó Đạo mới roi truyền ra khắp năm châu. Nay là buổi “Thiên địa tuần hườn châu nhi phục thuỷ” Đạo Trời khai sáng tại Việt-Nam đây cũng do nguyên-lý là “Đạo xuất ư Đông”.

Từ cổ chí kim, tạo thiên lập địa, Đạo đều phát khởi từ phương Đông (là các nước ở miền Á-Đông (Asie) như các nền chơn-giáo trước kia: Thích Đạo Nho , cũng đều phát khởi nơi miền Á đông rồi lần lần truyền-bá qua phương Tây là như thế.

“Còn nay thì nhơn-loại đã hiệp đồng, Càn khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều Đạo ấy mà nhơn-loại nghịch lẫn nhau; nên Thầy mới nhứt định Qui nguyên phục nhứt. Lại nữa trước Thầy lại giao Chánh giáo cho tay phàm, càng ngày lại càng xa Thánh-giáo mà làm ra phàm giáo. Thầy lấy làm đau đớn, hằng thấy gần trót mười ngàn năm, nhân loại phải sa vào nơi tội lỗi, mạt kiếp chốn A-Tỳ”

Đây là hiện thân của Thượng-Đế, Thầy có nói rõ:
Nhiên-Đăng Cổ-Phật là Ta.
Thích-Ca Mâu-Ni cũng là Ta.
Thái-Thượng Ngươn Thỉ cũng chính là Ta.
Ngày nay nói là Cao-Đài

Do bài Thánh-giáo ngày 7-4-1926. Đấng Thượng-Đế nói:
- Nhiên Đăng Cổ-Phật thị ngã,
- Thích-Ca Mâu-Ni thị ngã,
- Thái-Thượng Ngươn-Thỉ thị ngã,
Kim viết CAO-ĐÀI

Ngày nay, chính Ngài đến cầm Cơ viết:
 “Ngọc-Hoàng Thượng-Đế viết Cao-Đài Tiên-Ông Đại-Bồ-Tát Ma-Ha-Tát Giáo-Đạo Nam-phương”.

Thầy cũng đến nhìn nhận cả nhân loại là con cái của Ngài, có câu: “Thầy là các con, các con là Thầy”.

B - Về KHÍ của Thiên: Dùng Đại ngọc Cơ.
Nay là thời kỳ Cơ Bút. Tức là phương tiện thông công giữa Trời và người trong nền Đại-Đạo là dùng Đại ngọc Cơ. “Ban sơ Đức Chí-Tôn dùng Huyền diệu Cơ Bút thâu phục các Chức Sắc thượng cấp Hiệp-Thiên-Đài, tức là những chơn linh cao trọng đã đến trước; Ngài dùng những vị này trong việc phò loan để lập thành Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.

“Trước thời kỳ Chức Sắc Hiệp-Thiên-Đài được lịnh dùng Đại-Ngọc-Cơ trong việc truyền giáo thì chỉ là một giai đoạn chơi giải trí của ba vị, cùng nhau kết bạn đồng tâm để vui thú cầm thi trong khi nhàn rỗi”.

1 - Hình dáng Đại Ngọc cơ:
Xử dụng Đại Ngọc Cơ phải có hai vị đồng tử cầm hai bên miệng giỏ, giỏ nối liền với một thanh gỗ dài, đầu cần bằng cây dương liễu hay cây Dâu chạm chim loan, thế nên Cầu cơ gọi là Phò loan, cũng có thể đầu Đại Ngọc Cơ chạm đầu rồng.

Người hầu cơ gọi là nâng loan. Trong giây phút thì có Đấng Thiêng Liêng giáng điển huy động và viết ra chữ. Có cây cọ bằng cây mây, dùng viết chữ xuống mặt bàn cơ. Người đứng ngoài có thể đọc chữ được và ghi chép.

2 - Các cặp Cơ phổ độ:
Cơ phổ độ Lục Tỉnh phân ra như sau :
1/ - Ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc, phò loan phổ độ các tỉnh Vĩnh Long, Trà-Vinh, Cần-Thơ, Sóc Trăng, Bạc-Liêu, Long-Xuyên, Châu-Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá.
2/ - Ông Nguyễn Trung Hậu và Trương Hữu Đức, phò loan phổ độ các tỉnh Chợ-Lớn, Gò-công, Tân An, Mỹ Tho,Bến-Tre.
3/ - Ông Cao Quỳnh Diêu và Cao Hoài Sang, phò loan phổ độ các tỉnh Tây-Ninh, Thủ-Dầu-Một, Gia-Định, Biên Hoà, Bà-Rịa, Sa-đéc
3 - Đồng tử phò Cơ:
Đức Hộ-Pháp và Đức Thượng-Phẩm chấp cơ phong Thánh trong buổi ban sơ. Ngài Hiến-Pháp cũng có bài Thuyết Đạo ca ngợi công-trình của Đức Thượng-Phẩm nhân ngày 1 tháng 3 Quí-Mão (1963) rằng:

“Theo lời Đức Hộ-Pháp, Đức Cao Thượng-Phẩm là chơn-linh Hớn Chung Ly, một vị Đại-Tiên trong Bát Tiên, lãnh sứ mạng của Chí-Tôn đến tạo dựng nền Tôn Giáo tại thế nầy. Người cùng Đức Hộ-Pháp hợp thành cặp cơ Phong Thánh lập Pháp-Chánh-Truyền và Tân-Luật để làm Hiến-Chương cho nền Quốc-Đạo.

Đây là phương tiện chính yếu để thông công với vô hình của nền Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ Tây-Ninh.

C - THẦN của Thiên:
Là “Thiên Nhãn Thầy” giống như trên Quả Càn Khôn. Nhưng ở đây có hào quang bên trong toả ra 18 tia. Hào quang bên ngoài là 36 tia. Con số 18 nếu cộng (1+8=9) là chỉ Càn Khôn định thể. Tức nhiên: Càn 3 vạch, khôn 6 vạch, cộng chung là 9. Thiên nhãn ở Cung Đạo là Âm. Đối với Thiên Nhãn trên Quả Càn Khôn là Dương. Con số 36 là Càn khôn biến hoá, nếu đặt số 3 trước, số 6 sau, được số 36. Cũng là Càn Khôn bằng 9.

Riêng Thiên-nhãn Thầy trên Quả Càn Khôn này Thầy giao cho ông Bính làm, để làm biểu tượng Tín ngưỡng của Đạo Cao-Đài là một quyền uy tối thượng của Thượng-Đế, là ngôi Thái cực Thánh-Hoàng, Ngài ngự giữa một đại-vũ-trụ bao la. Thầy có dạy rõ:
 “Bính, Thầy giao cho con lo một trái Càn khôn; con hiểu nghĩa gì không? Cười!
 “Một trái như trái đất tròn quay, hiểu không?

Bề kính tâm ba thước, ba tấc, nghe con, lớn quá, mà phải vậy mới đặng, vì là cơ mầu-nhiệm Tạo-hóa trong ấy, mà sơn màu xanh da trời, cung Bắc-đẩu và Tinh-tú vẽ lên Càn-khôn ấy. Thầy kể Tam thập lục thiên, Tứ đại bộ châu ở không không trên không-khí; tức là không phải tinh-tú, còn lại thất thập nhị địa và tam thiên thế-giới thì đều là Tinh tú. Tính lại ba ngàn bảy mươi hai ngôi sao. Con phải biểu vẽ lên đó cho đủ. Con giở sách Thiên-văn Tây ra coi mà bắt chước. Tại ngôi Bắc-Đẩu con phải vẽ hai cái bánh lái cho đủ và sao Bắc-Đẩu cho rõ-ràng. Trên vì sao Bắc-Đẩu vẽ Con Mắt Thầy; hiểu chăng? Đáng lẽ trái ấy phải bằng chai đúc trong một ngọn đèn cho nó thường sáng; ấy là lời cầu nguyện rất quí-báu cho cả nhơn-loại Càn-Khôn thế-giới đó; nhưng mà làm chẳng kịp, thì con tùy tiện làm thế nào cho kịp kỳ Đại-hội. Nghe à! Còn chư Phật, chư Tiên, Thánh, Thần, đã lên cốt, thì để dài theo dưới, hiểu không con?” (TNI/45)

1 - Ý-nghĩa:
* Thiên nhãn biểu tượng “Một Con Mắt trái” là quyền năng tối thượng của Thượng-Đế thấy tất cả, nghe tất cả, ghi chép tất cả “Dieu voit tout, Dieu entend tout, Dieu écrit tout”.Tức nhiên không một điều gì mà không qua sự thấy biết của Trời.

Mắt trái là Dương, thuộc Hoả, là Mặt trời, là sự sáng suốt trong tâm hồn, là Thiên-lương của nhân loại. Thờ Thiên Nhãn là ý-nghĩa thờ Trời và thờ Người.

Có người lại nói rằng Thiên Nhãn là con mắt thứ ba. Đúng vậy, nhưng chúng sanh mới biết Đạo mà chúng ta nói “Con mắt thứ ba” thì thấy ra trừu tượng quá, vì trên mặt của mỗi người chỉ có hai mắt: Một Dương, một Âm thì Dương làm chủ, là Trời thì dễ hiểu hơn. Khi chúng sanh đã thấu rõ chơn truyền thì sự hiểu biết sẽ tự mình thấu lý.

Thờ Một Mắt, là chỉ thờ một ngôi tuyệt đối, quyền uy, cao thượng, tức là ngôi Thái Cực.

2 - Diệu dụng:
Thờ Thiên nhãn là tính cách Đại-Đồng:
Các Đấng giáng cơ bên Âu-châu nói: loài người sẽ đạt được đến điạ vị tối cao, tối trọng, mà họ muốn đạt, là lòai người sẽ có:
- Một nòi giống.
- Một quốc gia.
- Một Tôn-giáo.

Ngày giờ nào cả loài người đạt được ba điều-kiện ấy thì THẾ GIỚI ĐẠI-ĐỒNG kết liễu thành tướng.
Thờ Thiên Nhãn tránh được việc thờ cốt tượng, như các Tôn giáo vừa qua.

3 - Bí-pháp:
 “Thần là khiếm-khuyết của cơ mầu nhiệm từ ngày Đạo bị bế, lập “Tam-Kỳ Phổ-Độ” này duy Thầy cho “Thần” hiệp“Tinh Khí” đặng hiệp đủ “Tam Bửu” là cơ mầu-nhiệm đặng siêu-phàm nhập Thánh."

II . Về phần Nhơn:
1 - Tinh:
Việc tạo sự cảm ứng với thiêng liêng bằng cách lắc xăm hay xin keo rất thông thường và phổ biến trong dân gian. Hầu như là một thói tục của Việt-Nam, không ai là không biết. Nhất là đầu năm hay đi chùa cầu tài, cầu lộc, đoán sự cát hung, may rủi, xin quẻ bói đầu năm.

2 - Khí:
Về việc “cầu cơ” trong dân gian là bắt chước theo Tây phương. Đầu tiên viết một bản mẫu tự trên hình vòng cung. Có gắn chặc một cây que làm thế nào cho cây que chuyển động dễ dàng, khi có thần linh ứng vào. Cây que di chuyển xong dừng lại nơi nào thì ghi nhận chữ vần đó. Rồi ráp vần lại với nhau thành một câu, một bài có ý-nghĩa. Mọi sự cát hung đều ứng hiện qua lời “sám” đó.

Tuy một hình thức đơn giản nhưng cũng là cách để an ủi, làm điểm tựa cho Đức tin, khởi đầu cho sự Tín ngưỡng về Tôn giáo. Nhờ vậy mà con người sống trong biển trần mà lúc nào cũng muốn vượt lên trên khuôn khổ giới hạn, đó chứng tỏ rằng tinh thần của người Việt-Nam luôn hướng thượng và hướng thiện. Người không lúc nào xa Đạo là chỗ đó.

3 - Thần:
Là cách Xây bàn.
Nay là buổi Tam-Kỳ Phổ-Độ, thì các bậc tiền khai Đại-Đạo lấy việc tiên khởi là “Xây bàn”. Đây cũng làm theo phương pháp của Tây phương. Chính việc Xây bàn này là phương dẫn dụ của Đức Chí-Tôn đến với các vị tiền bối để mở đường xuất Thánh. Đạo Cao-Đài thành hình thành tướng cũng khởi nguyên từ đây.

Xem thế Đức Ngọc-Hoàng Thượng-Đế đã đến với nhân-loại qua nhiều thời gian dưới nhiều hình thức khác nhau tuỳ theo trình độ dân trí của nhân sanh, gọi là "Tuỳ duyên hoá độ". Nên chi Thầy mới nói “Khai Đạo muôn năm trước định giờ” là vậy.

Sau cùng thì người đạt thông được lý của trời đất thì không dùng tất cả những phương tiện trên nữa mà vẫn có thể thông công với thiên địa là “Nghe được tiếng nói vô thinh” nên tượng bằng hình ảnh “Một lỗ tai”. Đây là sắp có một giống dân Thần-Thông-Nhơn ra đời, mà bước khởi đầu nhân loại đang xử dụng điện thoại, từ có dây, đến điện thoại di động. Một ngày nào đó nhân loại đạt được trình độ tiến hoá cao hơn thì không còn cần những phương tiện hữu hình này nữa. Chính điểm tựa bình an này mà con người mới vượt qua mọi sự đau khổ trong trường đời mà tiến xa hơn trong con đường tâm linh rạng-rỡ, chỗ này Đức Hộ-Pháp nói con người muốn làm Trời lắm! Mà chắc chắn như vậy: Ngày nay Đức Chí-Tôn đã mở ngõ rồi. Lần này Đức Chí-Tôn sẽ nhường ngôi Trời lại cho một trong ba vị sau đây:
- Phật Thích-Ca Mâu-Ni.
- Đức Chúa Jésus-Christ.
- Đức Phật Di-Lạc

III - Về phần địa:
1 - Ba bài thơ trên có trong Thiên Thơ:
Như đã nói rõ: Với ba quyển sách trên chứa đựng ba bài thơ chính là quyển sách Trời, vì tất cả đều xuất phát từ Thánh Ngôn Hiệp Tuyển mà ra, hay còn gọi là “Thiên thơ” vậy. Trong bộ Thiên-thơ này quan-trọng nhất là Pháp-chánh truyền do Đức Chí-Tôn giáng ban cho sẽ làm qui-tắc cho nền Đạo đến thất ức niên, còn bộ Tân-Luật cũng do Đức Chí-Tôn dạy Hội-Thánh họp nhau lập thành Tân-Luật. Vậy Tân-Luật và Pháp-Chánh-Truyền chính là một cặp Âm Dương không bao giờ lìa nhau. Người nắm Bộ Thiên Thơ này là Đức Quyền Giáo-Tông Thượng Trung Nhựt. Hình ảnh bức tượng Ngài đứng trước lầu chuông gọi là Bạch-Ngọc Chung-Đài còn đó. Trên tay Ngài cầm một quyển sách cuộn tròn chính là bộ Thiên Thơ đó vậy. Đồng thời Thầy có ban cho Thi:
“Cầm mối Thiên Thơ lo cứu chúng,
“Đạo người vẹn vẻ mới thành Tiên”

Ngài mang Thánh danh Thượng Trung Nhựt tức là mang trong người chữ “Nhựt” là Dương, tượng trưng mặt trời chỉ có một. Nếu như ai đó đã manh tâm muốn tiếm ngôi của Ngài đi nữa thì chỉ là “Mặt trời giả” mà thôi. Nói rõ hơn nữa là ông Thái-Ca-Thanh dường như cũng ham chữ Nhựt ấy lắm, mới tách ra khỏi Tòa-Thánh mà lập ra phái Minh-Chơn-Lý tự phong là Đầu sư Thái-Ca-Nhựt. Thương thay vì một chút háo danh mà bỏ Đạo xa Thầy! Vì Trời không hai mặt, đất chẳng hai vua, người chẳng hai lòng, cho nên Lời Minh thệ có câu “Hiệp đồng chư Môn Đệ gìn luật lệ Cao-Đài, như sau có lòng hai thì Thiên tru địa lục”.

Bên lầu trống tức là Lôi-Âm Cổ Đài thì bức tượng của Bà Nữ Đầu sư Lâm Hương-Thanh chơn linh Long Nữ, nguơn hội này Bà đến thế, thay cho Đức Phật Quan Âm Bồ-Tát mà độ dẫn Nữ-phái, tượng ngôi Âm.

Âm tượng trưng mặt trăng, tượng chữ nguyệt Âm dương giao hoà tức là họp lại để tạo nên sự sáng đó là minh .Đấy là lúc cửa Trời đã mở rộng để đón nhận tất cả con cái của Đức Chí-Tôn từ muôn phương trở về trong một Đại gia đình Tôn giáo.

Khi Đức Hộ-Pháp trấn Thần Đền-Thánh vào ngày 6 tháng giêng Đinh-Hợi (dl 27-1-1947), lúc trấn Thần đến hai bức tượng này, Ngài nói ý-nghĩa rằng:

“Nhị vị ngự thường xuyên trước Đền-Thánh để tiếp rước nhơn sanh tiến bước vào đường Chánh giáo, năng lo dìu dắt con cái Chí-Tôn mỗi khi vào Cầu nguyện và chiêm bái Đức Chí-Tôn”.

Ngoài ra trên Cung Đạo còn có một quyển sách thứ tư đó là bộ “Kinh Dịch” có 4 nếp ở gáy sách và cột chung một sợi dây: Đó là túi khôn của nhân loại. Thánh nhân đã truyền lại hai Bát quái, ngày nay Đức Chí-Tôn đến ban cho hai Bát-quái nữa thành ra bốn Bát quái.
 (Xin đọc thêm Dịch-Lý Cao-Đài có giải rõ)
Thi văn dạy Đạo của Thầy (TNI/8)
Nguồn Tiên tầm Đạo dễ gì đâu?
Quyền phép Càn khôn một túi thâu.
Thoát xác xưa từng tu vạn kiếp,
Độ hồn nay gội khắp năm châu.
Tìm Hiền lắm lúc gieo nguồn Đạo,
Cải dữ đòi phen cỗi mạch sầu.
Trần khổ dầu ai chơn muốn lánh,
Ngày thành chánh quả có bao lâu.

Đức Quyền Giáo-Tông là Lê-văn-Trung ứng hợp với Trời đất theo đạo Trung mà biến-hoá không giây phút nào ngừng nghỉ làm cho mỗi phút, mỗi ngày một mới thêm cũng như người ta ngày nay với ngày mai ắt luôn luôn có sự đổi mới. Sự mới khác có nghĩa là biến đổi vậy. Cái luật biến đổi tức là Dịch. Theo Đạo Dịch cứ một Âm, một Dương mà sinh sinh hoá hoá, cho nên mới nói rằng “sinh sinh chi vị Dịch”.

Sự sinh-hoá của trời đất khởi đầu do Âm Dương, cơ ngẫu, chẵn lẻ mà ra. Vì thế Thánh nhân mới tỏ cho biết rõ về nguyên thuỷ của cuộc sanh tồn ấy mà lấy Âm Dương vi thuỷ làm nền tảng, làm gốc cho sự sinh; tức là quẻ Kiền thuần dương và quẻ Khôn thuần âm: đó là hai quẻ nguyên thuỷ sơ khai tượng-trưng Âm Dương của Đạo Dịch, cũng như cái cửa để vào trong một toà lâu đài lộng lẫy thì Kiền Khôn hai quẻ cũng như cánh cửa để vào toà lâu đài của Đại-Đạo Tam-Kỳ chính yếu vậy.

Quẻ Kiền hình ba gạch liền  thay bằng ba dấu chấm  tức là quẻ thuần Dương tượng vật dương, nếu kéo thẳng như hình số 1 là số đầu của các số và là số Dương là số nguyên-thuỷ của số, còn gọi là cơ số, số lẻ.

Cũng như quẻ Khôn  tượng bằng 6 vạch hay là 3 nét đứt tượng hình âm vật. Nếu ta vạch liền quẻ Khôn, có hình dạng  tượng hình con số 0, đó là số Âm là số đối với số Dương. Nếu chỉ đứng một mình thì số 0 còn gọi là trung tính, nghĩa là không Âm mà cũng không Dương.

Số 0 là Vô cực, số 1 là Thái cực. Đạo gia nói “Vô cực nhi Thái cực” tức nhiên Vô cực cũng là Thái cực vậy.

Đạo Cao-Đài niệm danh Phật-Mẫu là “Nam-mô Diêu-Trì Kim-Mẫu Vô-cực Thiên-Tôn” còn Đức Chí-Tôn là ngôi “Đại la Thiên-Đế Thái cực Thánh Hoàng”.

Con người hữu hình thể hiện hai ngôi Âm Dương ấy là Chấn, Đoài tức là Nam thì Đức Quyền Giáo-Tông Lê-văn-Trung, Nữ thì có Bà Đầu Sư Lâm Hương Thanh. Cả hai tùng quyền của Đức Di-Lạc Vương-Phật là vậy.

Nay, Đền-Thánh Thầy cất theo hướng Đông Tây.
Đoài là cái miệng có khác nào cái túi ở giữa hai quẻ Càn Khôn, đúng với câu “Quyền phép Càn Khôn một túi thâu”. Tương-tự với Thiên-Thai Kiến Diện “Kìa túi Càn Khôn vừa hé miệng”. Nay cửa Đền-Thánh chánh cung Đoài luôn mở rộng để đón khách muôn phương về với nền Đại-Đạo. Cơ Phổ-Độ này người hành Đạo phải xem là quan trọng nhứt về vấn đề Lập ngôn. Nhưng muốn lập Ngôn cho vững và được hoàn hảo phải trước nhứt là Lập Đức, rồi kế đến là lập Công.

Như vậy thì:
- Lập Đức là hiểu thông Giáo lý Đại-Đạo.
- Lập Công là đem hết khả năng của mình phụng sự cho nhơn sanh bằng khả năng sẵn có.
- Lập ngôn là truyền bá tư tưởng đạo đức cao thượng của nền Chánh giáo đến cho tất cả mọi người để cùng hiểu, thấm nhuần chơn lý Đạo như Đức Chí-Tôn muốn, ấy là chúng ta đã thể hiện Tam lập đó vậy.

“Ngày nay Đức Chí-Tôn đã đến, đem nền Tôn giáo của Ngài để tại mặt thế này đặng chỉnh đốn đạo đức tinh thần từ thượng cổ đến giờ bằng Huyền diệu Cơ bút. Ngài đến không có quyền nào ngăn cản, Ngài dạy con cái của Ngài, Ngài có quyền đem Cơ bí-mật huyền vi tạo đoan giáo-hóa con cái của Ngài”

“Vì cớ cho nên lập Đạo Cao-Đài, Chí-Tôn tiên tri rằng: Đạo Cao-Đài là cờ báo hiệu cho Vạn quốc hay trước rằng thời kỳ Nho Tông chuyển thế đã đến”.

Như vậy cửa chính vào Đền-Thánh tượng là “Quyền phép Càn khôn một túi thâu” Cả thế giới đều qui tụ về đây trong tinh thần một Tôn giáo Đại-Đồng:

Vì cớ các Đấng giáng cơ bên Âu-châu nói: loài người sẽ đạt được đến điạ vị tối cao, tối trọng, mà họ muốn đạt, là lòai người sẽ có:
Một nòi giống. Một quốc gia. Một Tôn-giáo.

“Ngày giờ nào loài người đạt được ba điều ấy thì THẾ-GIỚI ĐẠI-ĐỒNG kết liễu thành tướng”.

D - Hỏi: Tại sao trên Cung Đạo đặt ba bài thơ trên mỗi bảng đá mà không ghi trọn bài, mỗi bài chỉ có ba câu, nhưng chỉ viết đến chữ thứ 18 thôi?

Nếu luận về Số thì thấy rằng: Tất cả ba thời điểm Thiên Địa Nhân đều biểu tượng bằng ba bài thơ. Chứng tỏ rằng số 3 là một con số chỉ sự tròn đầy viên mãn:
Ba tức là cơ-quan hữu tướng cùng vô tướng hiện có ở Càn-khôn vũ trụ này.

Số 3 là số nửa tịnh, nửa động, nhưng phần động nhiều hơn. Số 3 chỉ cơ biến tướng và vi-chủ vật loại thuộc quyền Tăng. Số ấy có đặc tính năng động, biến đổi

Ba là cơ sở của Tam thể: TINH KHÍ THẦN nên nó vừa có năng lực huy động mà cũng vừa có năng lực dung hòa.

Phân tích bài thơ của Đức Chí-Tôn trong bài số 1 để thấy quyền năng của Ông thầy Trời:
Muôn kiếp có TA nắm chủ quyền
Vui lòng tu-niệm hưởng ân Thiên.
Đạo-mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.

Đây là bài thơ thể tứ tuyệt, tức là 7 chữ 4 câu, vậy cả thảy là 28 chữ.

Con số 28 này ứng với Nhị thập bát tú. Nhị Thập bát tú tức là 28 vì sao trên trời nó có ảnh hưởng rất nhiều đến việc thịnh, suy, bĩ, thới của nhân-loại. Số sao này được chia ra làm bốn nhóm:
1 - Đông-phương có 7 sao: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vỹ, Cơ.
2 - Bắc-phương có 7 sao: Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích.
3 - Tây-phương có 7 sao: Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Tuy (Chủy), Sâm.
4 - Nam-phương có 7 sao: Tỉnh, Quỉ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn.

Lại nữa 4 nhóm là nói lên Tứ-tượng biến hóa, 7 là chu-kỳ vận-hành để suốt thông trời đất.

Trong bài thơ Đức Thượng-Đế dùng đến hai chữ “Muôn”. Muôn là con số 10 ngàn tức gọi là một vạn.

Chữ Vạn là chỉ vạn-linh xuống trần để đạt vị, đồng thời cũng chỉ các ngôi Thần, Thánh, Tiên, Phật đều vâng lịnh Chí-Tôn hạ thế cứu đời. Thế nên Đạo Cao-Đài xử dụng đến hai chữ Vạn thuận và nghịch thống hợp lại là hình ảnh Bát quái Đồ thiên, có:

Tám đường thẳng xuyên tâm là cơ đoạt Đạo
Người tu-hành phải do nơi Pháp mới thành. Vòng tròn bên ngoài chỉ vũ-trụ càn khôn.

Bát-phẩm chơn-hồn ấy là vật-chất-hồn, thảo-mộc hồn, thú-cầm-hồn, nhơn-hồn, Thần hồn, Thánh-hồn, Tiên hồn, Phật-hồn. Mỗi hồn đều có tánh chất riêng.

Từ vật-chất đến nhơn-hồn là cơ tấn-hóa có hình chữ VẠN số 1, là chỉ cơ xuống trần để tạo nghiệp trần duyên Tạo cho đầy đủ quả nghiệp thành khối gia-sản rồi bắt đầu đi lên để học điều mầu nhiệm nên cơ phục nguyên ở chữ VẠN số 2.

Chữ VẠN ấy là chỉ cơ biến-hóa vô cùng đó vậy nên vạn-vật bất kỳ là vật chi có tu ắt có thành.

Theo hình dưới đây thì: Đường AB và BC gặp A’B’ tạo thành hình tam-giác nhỏ có OB đi qua đó tượng trưng cho Tam-giáo phổ trùm khắp vạn-linh nên Đạo khai chẳng những cho nhân-loại tu mà thôi, nhưng là cho cả vạn-vật và Thần, Thánh, Tiên, Phật, ai biết căn tu là trở về nguyên bổn và sẽ được cùng Thầy hội-hiệp.

Đường OB là đường qui nhứt, đường AB hay BC là chỉ cơ tấn-hóa vượt bực, tỷ như người tu có thể vượt lên hàng Thánh, thoát khỏi hàng Thần, nếu biết khôn đi tắt là trở về nhanh chóng tức đường OB, nên đường Đạo chính là con đường chánh đại quang-minh và ngay thẳng không có vòng quanh chi.
Cứ trong mỗi tam-giác lại có hai tam-giác nhỏ bằng nhau, hiểu lý âm-dương tương-hiệp rồi.
Năm đường thẳng gát chồng lên nhau ấy là tượng ngũ-hành, ngũ khí hay ngũ tạng.

Cơ hỗn-hợp Càn-khôn biến tướng.
Qua hình vẽ: Hai hình tam-giác và hai hình vuông giao nhau như mắc lưới, mà Thầy đứng giữa nắm cả pháp mầu càn-khôn.

Hình này là cơ hỗn-hợp giữa quyền-năng quản-trị càn khôn và cơ sanh biến vạn-linh. Hình này mới xem qua có vẻ phức-tạp và rắc-rối. Nhưng nhìn kỹ sẽ thấy có:

Tâm 0 tượng-trưng quyền Chủ-tể đứng giữa nắm cơ pháp-mầu càn khôn; ấy là quyền của Giáo-Tông và Hộ-Pháp hiệp một tức là quyền Chí-Tôn tại thế. Vòng tròn lớn này gồm có hai hình tam-giác đều nội-tiếp trong vòng tròn và gát chồng lên nhau là AGF và CEH và hai hình vuông ABCD và A’B’C’D’ tạo thành các đường thẳng song song A’B’ và EF cũng như D’C’ và HG ấy là cơ âm dương tương-hiệp đó.

Quyền Phật và Pháp lưỡng hiệp mới biến ra Tăng. Nhìn rõ mới thấy cái lý trung âm hữu dương và dương trung hữu âm trong đó vậy (tức là trong âm có dương và trong dương có âm).

Bốn hình tam-giác ADG và CDH; ABF và CBE cho ta ý niệm âm dương tương hiệp và cơ biến tướng của tứ tượng thành Bát-quái để biến-hóa vô cùng:
A tượng-trưng cho điểm dương, C tượng-trưng cho điểm âm.

Bốn hình tam-giác: AGC, AFC và CAH, CAE cũng vậy, đó là Thái-dương và Thái-âm so sánh với 4 tam-giác nhỏ trên là Thiếu dương và Thiếu âm đó.

Chúng nó giao nhau lại tạo thành các tam giác bằng nhau: MEF và NGH là những tam-giác nhỏ kế tiếp nữa cho ta có ý-niệm rõ-rệt là vạn-vật đựng nhau, như lời Thầy thường nói là một vòng tròn chứa đựng trong một vòng tròn, một ánh sáng chứa đựng trong một ánh sáng vô biên là vậy (Xem Dịch-Lý Cao-Đài quyển I cùng Soạn giả)

Như vậy:
- Chí-linh là cơ qui nhứt (đỉnh A)
- Vạn-linh là cơ tấn-hóa (đỉnh C )

Thế nên, Chí-linh đầu nhọn quay lên, mà Vạn-linh đầu nhọn quay về phía dưới. Chí-linh và Vạn-linh vốn đồng quyền nhau. Đạo chủ-trương trời người đồng trị: Người trị xác, Trời trị hồn.
Bài Thơ viết bằng chữ Nôm như vầy:
“Muôn kiếp có TA nắm chủ quyền
“Vui lòng tu-niệm hưởng ân Thiên.
“Đạo-mầu rưới khắp…

Bài thi này viết trên bảng đá hai mặt, chứng tỏ có đủ Âm Dương, tức nhiên Cao-Đài là cơ tận độ: vừa độ xác vừa độ hồn, độ sanh độ tử, độ Nữ độ Nam cho đến toàn vạn linh sanh chúng. Bảng màu đen là quyền năng của Đấng Huyền Khung Cao Thượng-Đế, chữ màu trắng là chỉ chúng sanh trong cõi trần hoàn. Sắc trắng là màu tổng hợp của bảy sắc cầu vồng. Chữ Nôm là chữ chính thống của Việt-Nam ta.

Viết từ phải sang trái, từ trên xuống dưới là theo vòng Âm Dương thuận nghịch. Tổng cộng 18 chữ, có nghĩa là 1+8=9 là con số của Tiên Thiên Bát-Quái họp lại thành chữ thập.

                        Bài thi thứ 2: Nguyên văn như sau:
Viết thử Thiên-thơ với nét trần.
Hầu sau bền giữ nghiệp Hồng-quân.
Chuyển-luân thế sự đưa kinh Thánh
Trừ diệt tà-gian múa bút Thần,
Kìa lóng non Kỳ reo tiếng phụng,
Nầy xem nước lỗ biến hình lân.
Công-danh nước Việt tay đành nắm,
Mưa móc dân-sanh gắng gội nhuần.

“Viết thử Thiên-thơ với nét trần.
“Hầu sau bền giữ nghiệp Hồng-quân.
“Chuyển-luân thế sự…

Như trên đã nói bài thơ chữ Nôm thì dừng ở chữ thứ tư trong câu ba, tức nhiên toàn bài chỉ có 18 chữ như bài thơ trước. Câu sau cùng ấy là “Chuyển-luân thế sự…”

Bài thi này của Đức Lý Đại Tiên Trưởng kiêm Giáo-Tông Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ ban cho. Bởi Ngài là Giáo-Tông tức nhiên Ngài đứng chủ trung dung hòa nửa Thánh nửa phàm, là cầu nối giữa Chí-Tôn và nhân loại, nên bài thơ của Ngài gấp đôi số chữ của hai bài thơ kia. Bảng màu đen là chỉ quyền năng của Đạo-pháp. Chữ trắng là chỉ cuộc đời.

Viết bằng chữ Nôm là nguồn gốc phát xuất từ tinh thần của người Việt-Nam thuần túy. Viết từ phải sang trái, từ trên xuống dưới, cũng là Âm Dương thuận nghịch. Ngoài ra có cây bút đặt nằm ngang, muốn nói rằng phải giữ lấy nòi anh phong của truyền thống ngàn đời mà Cao-Đài chủ trương Nho-Tông chuyển thế.

Số chữ là 18 cũng có nghĩa là 9 như trên.
Bài số 3: Ký thành một cuốn gọi Thiên-thơ.
“Khai Đạo muôn năm trước định giờ,
“Mau bước phải gìn…
Nguyên văn bài thơ như sau:
Ký thành một cuốn gọi Thiên-thơ.
Khai Đạo muôn năm trước định giờ,
Mau bước phải gìn cho mạnh trí.
Nắm đuôi phướn phụng đến dương bờ.

Bài thơ này đặc biệt là viết trên bảng trắng chữ đen và có bàn tay cầm bút lông đứng, muốn nói lên rằng kỳ phổ độ này Đức Thượng-Đế chính ngài đến dìu dắt từng người trong chốn trần ai này trở về ngôi xưa vị cũ đó là cảnh Thiêng liêng Hằng sống.

Bài thơ chữ Nôm này viết nghịch lại với hai bài thơ trên, tức nhiên đây là người phải tu mới mong trở lại cùng Thầy. Chiều nghịch là chỉ cơ xuống trần để tạo nghiệp trần duyên. Tạo cho đầy đủ quả nghiệp thành khối gia-sản rồi bắt đầu đi lên để học điều mầu nhiệm nên đó là cơ phục nguyên, mới mong Trời Người hiệp một.

Như vậy tu theo Đạo Cao-Đài là có bí quyết đắc Đạo.

Kết luận: Lý-do Thầy chia hai cơ-quan hữu-hình: Hiệp-Thiên-Đài và Cửu-Trùng-Đài
Đức Thượng-Phẩm cho biết:
“Các em cũng dư hiểu rằng các giáo-lý từ xưa đã bị thất-kỳ-truyền là tại Môn-đồ của họ không chịu đặt mình trong khuôn viên Luật-Pháp của giáo-lý ấy.

Nếu một thời-kỳ mà một giáo-lý đã thất chơn truyền thì đem đến cho nhơn-sanh biết bao tang thương biến đổi!

Cũng vì lẽ ấy mà nay Đức Chí-Tôn giáng trần lập Đạo, lại chia hình thể của Ngài ra hai phần để có phương kềm-thúc nhau trên bước đường lập vị.
- Phần Cửu-Trùng-Đài chuyên về mặt giáo hóa nhơn-sanh.
- Còn phần của Hiệp-Thiên-Đài thì lo về mặt luật-pháp để bảo-thủ chơn-truyền của Đạo. Nhờ đó nền Thánh-giáo của Đức Chí-Tôn khỏi phải qui thành phàm-giáo.

Cũng vì lẽ quyền-hành riêng biệt ấy mà khiến cho hai bên thường có phản khắc Đạo-quyền, bởi tánh phàm thường hay có phạm những lỗi-lầm mà chẳng chịu phục thiện đặng cải sửa cho trở nên tận thiện.

Các em đâu hiểu rằng Chí-Tôn giao quyền sửa trị Chức-Sắc, chức việc và toàn Đạo nam, nữ cho bên Hiệp-Thiên-Đài là Thánh-ý Đức Chí-Tôn muốn dùng hình phàm đặng làm cho giảm bớt tội vô hình. Nếu ai chẳng thận-trọng để cho phạm vào luật-pháp mà chẳng chịu pháp sửa trị của Hiệp-Thiên-Đài thì rất uổng cho một kiếp tu mà không trọn phận và đến khi rời bỏ xác phàm rồi làm sao có cơ hội lập công nữa! Mà một khi không lập công-quả được nữa thì tội án đã phạm làm sao chuộc được; rồi mãi bị trầm-luân khổ hải cả đời đời.

Vậy các em khá nhớ lời Bần-Đạo dặn mà giữ mình cho tròn phận trong lúc Tam-Kỳ Phổ-Độ này. Thêm nữa các em nên nhớ: Hễ khi các em đã vô tình hay cố ý mà phạm vào luật-pháp thì hãy vui-vẻ để cho luật-pháp sửa trị đặng khỏi vướng tội vô hình.

Còn những người được lịnh Hiệp-Thiên-Đài để sửa trị các em là những người ơn của các em, chớ không phải người thù theo tánh phàm của nhơn-sanh đã tưởng!"

HẾT
  Home       1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét