THIÊN THAI KIẾN DIỆN ĐỨC HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC . * Từ Chơn Giải Thích


Đôi lời bộc bạch:
Trong số những bậc tiền bối mở đạo Cao Đài thì Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc nổi bật hơn hết về nhiều phương diện.
Trước hết, từ lúc các Ngài Cao Hoài Sang, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc cầu cơ [1] bằng cách “xây bàn” [2] thì Ngài Phạm Công Tắc đã nổi bật vai trò Ngự Mã Quân [3] rồi. Theo lời bà Đầu Sư Hương Hiếu [4] kể cho Hiền Tài Nguyễn Văn Mới [5] thì lúc Đấng A Ă Â [6]
mới bắt đầu dạy đạo, có một điều kỳ lạ là hôm nào có Ngài Phạm Công Tắc, thì mới có Đấng A Ă Â giáng cơ. Tất cả các vị hầu đàn [7] lại rất thích những bài dạy đạo của Đấng A Ă Â vì ý tứ cao siêu làm rõ thông đạo lý. Cho nên ai cũng cố mời Ngài Phạm Công Tắc đến dự các đàn cơ [8] cho được. Thậm chí có chuyện vui nhỏ là sau này khi các đấng buộc phải ăn chay mới được cầu cơ thì bà Đầu Sư Hương Hiếu phải làm đồ chay thật ngon, mời Ngài Phạm Công Tắc ăn. Bà biết Ngài theo đạo Thiên Chúa nên sợ Ngài không chịu ăn chay theo lối cổ truyền Việt Nam, mà nếu không có Ngài thì không có Đấng A Ă Â về.

Cho đến ngày khai đạo thì càng thấy rõ vị trí của Ngài hơn nữa. Trong tất cả các vị tiền bối, duy nhất chỉ có Ngài là phải chịu phép “trục thần”. Tức là thay chơn thần của ông Phạm Công Tắc bằng chơn thần của Hộ Pháp Di Đà [9]. Rõ ràng từ đó về sau vai trò của Đức Hộ Pháp trong đạo Cao Đài ngày càng quan trọng. Và thẳng thắn mà nói, những phát triển của đạo Cao Đài đều từ bàn tay của Ngài mà nên. Công lao của Ngài trong công cuộc phát triển đạo Cao Đài là rất lớn lao.

Trong phạm vi nghiên cứu của bài này, xin phép được bàn đến một phương diện mà xét cho cùng thì cực kỳ quan trọng đối với đạo Cao Đài. Đó là truyền giảng triết lý Cao Đài.

Đức Ngài là người có số lần thuyết đạo [10] nhiều hơn bất cứ bậc tiền bối nào khác. Theo tài liệu Ban Tốc Ký Toà Thánh Tây Ninh [11] ghi nhận được là 10 năm (từ Bính Tuất 1946 tới Bính Thân 1956) không kể những nơi bên ngoài Toà Thánh Tây Ninh. Chính qua những bài thuyết đạo này, mà vũ trụ quan [12] và nhân sinh quan [13] Cao Đài được định hình rõ nét, khiến cho người học đạo dễ dàng tiếp cận với triết lý Cao Đài hơn.

Trong những bài thuyết đạo này, triết lý Cao Đài được trình bày rõ ràng qua hai tài liệu “Con đường thiêng liêng hằng sống”“Bí pháp”. Đức Ngài là lãnh đạo Cao Đài duy nhất đã công khai cho toàn thể tín đồ biết Ngài đã xuất chơn thần [14] về gặp gỡ các đấng thiêng liêng và Đức Chí Tôn Thượng Đế. Ngài đã kể lại tất cả chuyện này trong những bài nói đạo về Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống. Ngoài Đức Ngài ra, không có vị lãnh đạo Cao Đài nào khác nhận là mình làm được điều tương tự như vậy.

Ngoài những bài thuyết giảng trên, Ngài còn có một tác phẩm khác rất đặc biệt đó là tập thơ Thiên Thai Kiến Diện. [15] Đây là tập thơ Đường [16] gồm 77 bài, mỗi bài có 8 câu, mỗi câu 7 chữ, được trình bày theo thể Ô Thước Kiều. [17] Theo lời nhà xuất bản Minh Tâm, tập thơ này hoàn thành năm Đinh Mão 1927 và xuất bản năm 1964 tại Tây Ninh.

Trong Thiên Thai Kiến Diện, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc cũng tả lại những điều Ngài nhìn thấy khi xuất chơn thần về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. Tuy nhiên, nội dung hơi khác với những bài thuyết đạo về Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống. Trong Thiên Thai Kiến Diện, Ngài miêu tả ít nơi đến hơn, nhưng những cảnh Ngài nhìn thấy lại là những tiên tri cho quả địa cầu và nước Việt Nam của chúng ta. Tuy nhiên, những tiên tri này có dạng “sấm” cực kỳ khó hiểu. Điều này là phù hợp với nguyên tắc nổi tiếng “thiên cơ bất khả lậu” [18] trong các tôn giáo. Dù không được phép nói ra rõ ràng những điều sắp xảy ra, nhưng những bậc đắc đạo vẫn kể lại cho thế gian ở dạng “sấm”. Muốn hiểu những bài “sấm” này, chúng ta phải tìm hiểu rất cặn kẽ và còn phải nhờ chút may mắn mà Phật Giáo gọi là có “căn phần” nữa thì mới hy vọng hiểu được.

Mặc dù nhà xuất bản nói rằng đã đọc bản viết tay của Đức Ngài tại Hộ Pháp Đường [19] nhưng vẫn có nhiều khó khăn nữa cho người đọc ngày nay. Có thể kể ra như sau: Một là, từ ngữ trong tập thơ là tiếng Việt cổ cách đây gần một thế kỷ không còn thông dụng nữa, thí dụ như “sống rốn”, “dỉ hơi”, “dầy hơn rạo”... Hai là, những điển tích Tàu cũng gây khó cho giới trẻ trong thời đại internet bây giờ, thí dụ như “cầu Lam”, “Đảnh Giáp”... Ba là, có nhiều chữ viết theo cách phát âm miền Nam vào thời đó (1927). Nếu so với tiếng Việt hiện nay (2019) thì bị xem là không chuẩn, thí dụ “lọng tàn” đánh máy thành “lộng tàn”, “tuần hoàn” đánh máy thành “tuần hườn”. Đó là chưa kể đánh máy sai như “vỗ cánh” đánh máy là “vỗ cảnh”...

Vì vậy, chúng tôi đã tra cứu bằng các loại Tự Điển Việt Nam và Tự Điển Hán Việt uy tín, có sẵn ở Việt Nam để sửa lỗi đánh máy và chú thích mọi từ ngữ cổ. Chúng tôi cố gắng trình bày lại để người đọc có thể tiếp cận tác phẩm ở dạng nguyên gốc, còn phần “sấm” thì xin để người đọc tự hiểu bởi vì, nói thật, bản thân chúng tôi cũng hiểu hú hoạ  [20] mà thôi. Dù vậy, một số bạn bè vẫn cho rằng nội nghĩa đen thôi đã khó hiểu rồi, nói chi đến nghĩa bóng và họ ước ao phải chi có giải thích thêm bằng văn xuôi thì dễ hiểu hơn nhiều. Ước ao đó cũng là động lực khiến chúng tôi viết quyển sách này. Chúng tôi cầu nguyện Đức Hộ Pháp ban cho sự sáng suốt để giải thích đúng nghĩa đen theo ý của Đức Ngài muốn diễn tả. Còn phần nghĩa bóng hay tiên tri thì xin để lại cho tự mỗi đọc giả vậy.
* TỪ CHƠN
Sàigòn 1/1/2018

Phần Một

1
Ngoài áng [21] Ðào Nguyên sấn bước [22] vào,
Thiên Thai Tiên đảnh [23] trước cao cao.
Mây lành phủ động ra khuôn cửa,
Tòng rậm [24] bao cung giống mặt rào.
Hạc Ðạo [25] đón đưa bay xạo xự [26],
Nai Tăng [27] tiếp rước chạy lao xao.
Lừng Trời lững thững [28] ngàn muôn kẻ, (Bản gốc in sai là lửng đửng)
Cười nói mừng vui đến miệng chào.

2
Miệng chào lại nhủ [29] mặc Tiên Y [30] ,
Mời đến Rừng Tre [31 hội cuộc kỳ [32] .
Bảy Lão 33 nhắc tình già dẹo [34] cẳng,
Ba Bà hỏi việc mụ ham thi [35] .
Ðài trăng chị Nguyệt [36] đem cho Ngọc,
Cửa gió chàng Liêm dạy khảy Tỳ [37] . (Bản gốc in sai là khải)
Cúc, Trước, Mai, Lan [38] hầu thiết đãi,
Tiêu thiều [39] nhạc trổi khách nâng ly.

3
Nâng ly vừa cạn hạc reo vang,
Rằng chiếu [40] đòi ông đến điện vàng.
Buổi họp chưa cùng lời ấm lạnh [41] ,
Cơn lìa khó nín lụy hòa chan.
Ðưa chơn còn để câu căn dặn,
Nương tục đường quen mắt ngó ngàng.
Kìa túi Càn Khôn vừa hé miệng,
Làu làu [42] tứ hướng hóa giang san [43] .

Ba bài thất ngôn bát cú [44] mở đầu giới thiệu sơ sơ cảnh vật ở lối vào cõi trời. Để diễn tả cái đẹp nơi đây, Đức Hộ Pháp dùng những từ ngữ ước lệ [45] của cõi trần. Thí dụ như cảnh vật trông giống như trên cao nguyên, có nhiều núi non, có mây bao phủ, có rừng thông vây quanh, có những con vật hiền lành như nai, hạc khắp nơi. Tuy nhiên trong những bài thuyết đạo về Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống, thì Ngài nói rõ, mặc dù vật chất hay sinh vật trên cõi trời trông cũng giống như ở cõi trần, nhưng tất cả biến đổi liên tục tuỳ theo suy nghĩ của người quan sát. Con người lúc còn sống ở trong nền văn hoá nào, thì lúc về đây sẽ thấy lại cảnh vật giống như vậy.
Đức Ngài về khi mang nhục thân [46] là Phạm Công Tắc, là một người Việt Nam, nên cảnh vật sẽ phóng hiện theo cảm nghĩ một người Việt. Cảnh đẹp đối với một người Việt thời đó phải giống như tranh thuỷ mạc [47] của Tàu vậy.
Tiếp theo, rất nhiều người trên cõi trời đến chào hỏi Ngài. Và chúng ta dễ dàng nhận ra những nhân vật đã nổi tiếng trong huyền thoại của Trung Hoa và Việt Nam. Nào là Trúc Lâm Thất Hiền (bảy lão ở rừng tre), chị Nguyệt (Hằng Nga trên cung trăng), chàng Liêm ? [48] vv...Trong Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống, Ngài có nói là khi gặp những nhân vật này, chúng ta cũng nhìn thấy theo suy nghĩ của mình. Lúc ở thế gian, mình có xem hình vẽ Hằng Nga thế nào, bây giờ mình cũng sẽ nhìn thấy như vậy. Và giao tiếp của Đức Ngài với những nhân vật huyền thoại này là gì? Đánh cờ, tặng ngọc, làm thơ, khảy đàn... nói chung là những việc làm chỉ có trong một môi trường không còn ảnh hưởng của sinh, lão, bịnh, tử nữa.
Rồi Đức Ngài dự một bữa tiệc vui vẻ. Tiệc, nâng ly, nhạc trổi, người hầu có tên Mai Lan Cúc Trúc cũng là khung cảnh ước lệ để miêu tả sự vui mừng khi gặp người quen. Chúng ta biết rằng cảnh trời không có vật chất, nên không thể ăn uống giống như cõi phàm được.
Cuối buổi tiệc thì nghe tiếng hạc kêu, báo rằng thiên đình cho gọi Ngài. Từ giả các người bạn thiêng liêng, Ngài vội tiếp tục chuyến đi.

Phần Hai

4
Giang san in vẻ đẹp như thêu,
Ngảnh lại trung ương thấy chẳng đều.
U ám mịt mờ màu thảm đạm,
Thúi hôi nhơ nhớp cảnh đìu hiu [49] .
Một làn ác khí bao ràng rịt,
Muôn xác tinh ma nhảy dập dìu.
Nghĩ sợ hỏi đon [50] còn ngợ [51] giọng,
Nơi nầy phép Phật gọi danh kêu.

5
Danh kêu là tục [52] cuộc Tuần hoàn, (Bản gốc in sai là hườn)
Ác khí làm giềng buộc trái oan.
Ma thịt quỉ hồn chôn* xác chết, ( * ăn?)
Tà thần tinh quái nuốt xương tan.
Bờ sông chín ngọn còn in bước,
Cửa ngục mười đình [53] khó đặt an.
Chờ bóng Thái Dương lên chính giữa,
Soi vào địa nghiệt mới tiêu tàn.

6
Tiêu tàn tận thế ắt đời rồi,
Nghe sợ hãi hùng phải nín hơi.
Mờ mệt nửa say rồi nửa tỉnh, (Bản gốc in sai là nữa)
Ngẩn ngơ hòa đứng lại hòa ngồi.
Thương người nghĩ bạn lòng chua xót,
Tưởng vợ vì con dạ ngậm ngùi.
Nài nỉ xin đình ngày tận diệt,
Hầu lo độ rỗi phỉ tình [54] tôi.

Ra khỏi bữa tiệc, điều đầu tiên Ngài nhìn thấy là cảnh “giang san” [55], tức là cảnh vật giống như ở một đất nước nào đó. Cảnh rất đẹp, nhưng cũng có nơi rất kinh khiếp “thúi hôi, nhơ nhớp, ác khí, tinh ma...”. Khi Ngài lên tiếng hỏi thì được trả lời đây là cảnh “tục”, tức là cõi trần.
Mà cõi trần thì phải chịu nguyên tắc tuần hoàn, hết đẹp tới xấu xoay vần theo chu kỳ. Nơi đây “ma quỉ, tà thần” tác oai tác quái và dù cho có “cửa ngục mười đình”, tức là Thập Điện Diêm Vương, vẫn không thể làm bọn ma quỉ sợ mà bớt đi những hành vi tội lỗi.
Những cảnh xấu xa đó đang chờ cảnh “tiêu tàn tận thế”. Nghe đến đây thì Ngài rất kinh sợ vì thương cho loài người, nói chung, và người thân của mình, nói riêng. Ngài bèn cầu xin hoãn ngày tận diệt lại để cố gắng cứu thêm được càng nhiều càng tốt.

Phần Ba

7
Tình tôi lai láng lụy [56] tuôn dầm,
Vừa ngoái lại nhìn cảnh tối tăm.
Một kẻ Tiểu đồng [57] phò Phất chủ [58] ,
Ðôi nàng Tiên nữ quạt hương trầm.
Xe mây [59] bốn chỗ vừa người dựa,
Ngựa tuyết năm con thiếu kẻ cầm.
Ðỗ tiếng chuông khua muôn tiếng biểu,
Lên lằn không khí lướt xăm xăm.
Tam Thập Lục Thiên [60] Ký Bút [61]

8
Xăm xăm năm ngựa gió mây đưa,
Ba bực vừa lên có kẻ ngừa [62].
Con gậy tay cầm, râu tóc bạc,
Cái nhà lá lợp, cửa song thưa.
Cờ vàng quấn mũ mang y đạo [63] ,
Nai trắng nương lưng gót võ lừa [64] .
Rằng chiếu Ngọc Hư [65] sai mở ngõ,
Ðịa thần hầu chực tiếp người xưa.

9
Người xưa quen thuộc đến vầy vầy,
Phong cảnh như mình có ở đây.
Muôn xóm trông ra lòi nóc lũy,
Ngàn dâu đứng dựa rõ hình cây.
Thú cầm mập mạp bầy thong thả,
Non nước trong veo trái dẫy đầy.
Người có vợ chồng con cháu đủ,
Rần rần rộ rộ góc trời Tây.

10
Trời Tây mãn nhãn 66 ngó qua Ðông,
Nhà ít người thưa bỏ rộng đồng.
Gái lịch, trai thanh, nên đạo cốt,
Mụ thơ, lão trẻ, rất tiên phong.
Thanh thao nhạc phụng trên dương liễu,
Chát chúa kèn nai dưới bá tòng.
Vật thực đủ mùi không khí hứng,
Có ăn có mặc rất thong dong.

11
Thong dong trở mặt ngó qua Nam,
Người chẳng phải Tiên ắt chẳng phàm.
Muốn đắc lộc Trời lời chẳng thốt,
Toan thâu của Ðất sức không làm.
Một câu khẩn nguyện duyên đều đủ,
Trăm họ an nhàn lợi hết tham.
Núp Phướn Tiêu Diêu [67] làm chủ quỉ,
Chiếm quyền bốn hướng một mình cam.

12
Cam day hướng Bắc xét cho cùng,
Thấy lửa lẫy lừng trận khói hun [68]. (bản gốc in sai là ung)
Cảnh vật bể khua hơi lốp cốp,
Thành đài hư nổ tiếng đùng đùng.
Trên hầu chúa quỉ người ba mặt,
Dưới quở âm hồn tướng bốn lưng.
Cây, cỏ, thú, người đều trở ngược,
Gươm đâm, tên bắn chết trùng trùng.

13
Trùng trùng oan quỉ [69] chạy lao xao,
Thấy khổ lòng ta bắt nghẹn ngào.
Cõi tục can qua [70] dầu phải rứa,
Xứ thần tai ách có vầy sao?
Dòm quanh buồn kiếm ông già sọm [71], (bản gốc in sai là xọm)
Ngó trái mừng nghe tiếng má đào.
Ngước mặt nhìn tường người chẳng lạ,
              
               HỘ PHÁP:
Hỏi rằng: bạn đến trước hồi nao?

Còn đang trào dâng cảm xúc, thương cho loài người phải chịu cảnh tận diệt, thì một vân xa (xe làm bằng đám mây) xuất hiện. Chiếc xe này rất đặc biệt vì có năm con ngựa kéo mà lại không có người điều khiển. Trên xe có bốn chỗ ngồi và đã có một tiểu đồng và hai tiên nữ ngồi trước rồi. Vậy chỗ ngồi còn lại là dành cho Ngài. Yên chỗ rồi thì xe bay lên không trung thẳng tiến.
Sau khi bay lên được “ba bực” [72] , thì thấy có nhà cửa và một người đứng đón. Người này mặc áo đạo sĩ, râu tóc bạc phơ, tay cầm gậy và cờ vàng, cưỡi nai trắng, theo sau là một con lừa gầy ốm. Vị này xưng là Địa Thần, theo lịnh Ngọc Hư Cung, mở cửa để đón “người xưa”. Khi vào bên trong, trước hết, Ngài nhìn qua hướng Tây: cảnh đẹp, trù phú, người sống hạnh phúc. Hướng Đông thì dân số thưa thớt hơn, nhưng cuộc sống cũng tốt đẹp, ai nấy đều sống sung sướng. Hướng Nam cũng tương tự, lộc Trời (thời tiết) ban thừa thải, của đất (tài nguyên) dư thừa, xã hội không còn tham lam nữa. Nhưng hướng Bắc thì trái ngược, nào là lửa cháy, tiếng nổ, gươm đâm, tên bắn...Người làm chủ ở đây là chúa quỉ. Chúa quỉ có “ba mặt” dưới quyền là những “tướng bốn lưng”. Từ “ba mặt” và “bốn lưng” ở đây vừa là cách dùng từ đối với nhau vừa ẩn dấu một ý nghĩa bí mật, có lẽ chỉ dành cho những bậc đạt đạo. Người viết xin cáo lỗi với đọc giả là mình không biết ý nghĩa đó.
Qua lời Địa Thần nói là đón người xưa và qua miêu tả cảnh vật ở bốn hướng, chúng ta có thể suy đoán ra đôi điều. Trước hết, đây là nơi Hộ Pháp cai quản trước khi xuống trần gian bởi vì chức danh thiêng liêng đầy đủ của Ngài là Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn. Ngài cai quản Tam Châu (là ba châu trong Tứ Đại Bộ Châu) [73] còn chừa lại một châu ở hướng Bắc là Bắc Cù Lưu Châu cho quỉ ở. Muốn biết Tứ Đại Bộ Châu ở đâu thì xin mời đọc lại thánh ngôn “...Tam Thập Lục Thiên [74], Tứ Đại Bộ Châu ở không không trên không khí, tức là không phải tinh tú, còn lại Thất Thập Nhị Địa [75] và Tam Thiên Thế Giái [76] thì đều là tinh tú.” [77]
Khi nhìn thấy cảnh vật ở Bắc Cù Lưu Châu cũng đáng sợ như ở cõi trần, Ngài quay sang định hỏi Địa Thần, nhưng chỉ nhìn thấy hai vị tiên nữ đi chung xe với mình. Và câu chuyện lại có biến chuyển khác.

Phần Bốn

14
Hồi nao chàng hỏi chị bên kia, 


               BẠCH Y TIÊN NỮ:
Sảng sốt day qua, ủa lạ kìa!
Thật quả tri âm [78] cười chúm chím [79] ,
Vội nhìn cố hữu [80] hỏi lia lia.
Rằng nơi trần thế chàng không đoái [81] ,
Noi bước non Tiên thiếp chẳng lìa.
Ba lượt Thiên Thai cầu mở lối,
Từ đây thảm sớt với buồn chia.

15
Buồn chia thảm sớt chẳng nên hồi,
Vinh hiển nay mình đã đặng ngôi [82] .
Bỏ lúc nhớ thương quên nhắc đến,
Gặp khi hội hiệp vội khuyên ngồi.
Mây bay rửa mặt mưa tuôn đổ,
Ngựa chạy vùng mình [83] nước cuộn trôi.
Áo lạnh trầm hương hơ ấm áp,
Thân dầm [84] phất chủ [85] quạt khô rồi.

16
Khô rồi xe thoát đến Trời vàng [86] ,
Bên mặt nghiêng mình mới hỏi han.

               HỘ PHÁP:
Phong cảnh hỏi qua xin khá tỏ, (Bản gốc in sai là tõ)
Căn do hiểu thấu nói cho tàng [87] .
              
               BẠCH Y TIÊN NỮ:
Rằng ngôi địa chủ lo sanh hoạt,
Ấy phẩm Thần Hoàng định loạn an.
Lành dữ thưởng răn coi quả báo,
Rồi đây ta rõ máy hành tàng [88] .

17
Hành tàng ví biết lẽ cao sâu,
Ðến phẩm Nhơn Thần 89 cũng chẳng lâu.
Ba hiệp trời vừa qua tối sáng,
Bốn phương mây lại biến thành lầu.
Trước thềm có lão ưa nương gậy,
Bên cạnh thêm người đứng vuốt râu.
Mở tượng âm dương đưa giũ [90] xuống, (bản gốc in sai là dũ)
Rỡ ràng cảnh vật khắp đâu đâu.

18
Ðâu đâu Thiên Ðịa cũng đồng khai,
Rảo bước [91] xuống xe đến Dịch đài.
Dài vắn tư bề ngăn đủ chín,
Thấp cao ba bực nóc chia hai.
Ðưa lên một phép thâu đài thấp,
Thấy trước nhiều ông bận áo dài.
Binh khí quanh mình khua rổn rổn,
Mỗi viên hầu hạ một vài trai.

19
Vài trai đến gọi nói chi chi,
Vội rước ai ai đến tức thì.
Biết mặt tánh danh [92] chưa nhớ chắc,
Tưởng mình quen thuộc cũng e khi.
Mấy người nhắm dạng đều oanh liệt,
Bốn đứa đi xe xúm rốn quì.
Mau miệng khuyên rằng đừng quá lễ,
Hễ cao phẩm vị giữ cao nghi [93] .

20
Cao nghi đình bước 94 trước hòa sau,
Như các quan viên buổi tựu trào [95] .
Ðài thượng [96] đồng xem qua Bắc Ðẩu,
Ngôi sao sáng chói thấu Nam Tào [97] .
Hàng hàng binh ngóng [98] tờ Thiên Chiếu [99] ,
Ngũ ngũ quân hầu tướng một đao.
Rộn rực tới lui xem lố xố,
Da vàng sắc nước giống người Tàu.

21
Người Tàu lại có lộn người Tây,
Một việc xui mưu [100] đến bốn thầy. (Bản gốc in sai là xuôi)
Liệng giáo buông khiên [101] binh đổ dữ [102], (Bản gốc in sai là khiêng và
đỗ)
Sa cơ thất trận tướng ra ngây [103] .
Ðói cơm, khát nước, hơi than dậy,
Kiếm vợ, tìm con, máu đổ đầy.
Có trẻ nhỏ trai răng trắng đến,
Nơi nơi lặng lẽ hết đua tài

22
Ðua tài bay liệng giữa thinh không,
Nam hướng xôn xao lướt mấy rồng.
Phụng sáng hào quang mây trổ trắng,
Chiếu vàng diệu thể đất nên hồng.
Lọng tàn [104] vui rước người ba miệng, (Bản gốc in sai là lộng)
Nghi trượng [105] hoan nghinh mắt một tròng.
Vùn vụt câu tiên 106 quơ mỗi hướng,
Nhơn sanh khâm phục khắp Tây Ðông.

23
Tây Ðông đến học chữ thanh nhàn,
Nắm đặng oai quyền chiếm một phang [107] .
Ðạp đất thành vàng làm của báu,
Thổi tro cất lũy sửa nhà an.
Thảnh thơi biển rộng ngư mừng nước,
Thanh tịnh rừng sâu thú lập làng.
Người hưởng thái bình cơm cứng miệng,
Nam mô xúm tụng tiếng nghe vang.

24
Nghe vang tiếng sấm nổ phương Tây,
Dị điểu [108] bay lên liệng [109] cả bầy.
Mỏ ngậm lửa hồng, lôi điển nhoáng [110] ,
Ðuôi lừa thủy quái [111] , võ phong gây [112] .
Chờn vờn xé đất yêu gài rọ [113] ,
Lẩn bẩn ngăn sông quỉ đống chài [114] .
Túng tíu [115] lại cầu người chẳng tiếp, (bản gốc in sai là tiếu)
Giao long [116] chín miệng cắn nhai thây.

25
Nhai thây còn sót cũng nhiều người,
Bị trận Mê hồn chết ngộp hơi.
Lễnh nghễnh [117] thây phơi nằm chật đất,
Loi nhoi hồn chạy khóc long Trời.
Có người đầu khỉ mang đai sắt,
Hóa phép Thiên lung [118] chiếu bóng ngời.
Che bớt nạn tai người sống rốn [119] , (Bản gốc in sai là bới)
Ðem vào Nam gởi để an nơi.

26
An nơi Tây lại trở xem Ðông,
Cửa nát nhà tan đã chập chồng.
Biển loạn bốn phương thành nhốt cá [120] ,
Nước tràn khắp hướng núi đoanh rồng [121] .
Thuyền trôi lố xố người trần lổ [122] ,
Tuyết bủa giăng giăng thú lạnh lùng.
Sấm nổ động trời xoi đất lủng,
Tiêu tàn cảnh vật ngó không không.

27
Không không Nam hiện tướng cầm cung,
Ðẹp đẽ như gương chiếu khí hùng.
Vỗ cánh cõi Ðông qua thoát thoát, (Bản gốc in sai là cảnh)
Ðưa tay tướng mạnh đến trùng trùng.
Lắp tên bắn biển loài người phục,
Trổi tiếng kêu non cảnh vật tùng.
Cầm ấn Tử vi [123] đưa chói rạng,
Ðem giao quyền phép một người Lùn.

28
Người Lùn vừa thọ, tướng vừa tiêu,
Cảnh vật u thâm giống cảnh chiều.
Ngao ngát trầm hương bay phưởng phất,
Lạnh lùng gió tuyết thổi liu hiu.
Bồi hồi ngước mặt trông người hỏi,
Dịu ngọt khuyên mình có tiếng kêu.
Bốn mặt quen nhìn còn đủ bốn [124] ,
Bao nhiêu khách lạ mất đều đều.

Khi Ngài nhìn lại hai vị tiên nữ thì nhận ra vị mặt áo trắng (Bạch Y Tiên Nữ) là người quen. Những từ như “tri âm”, “cố hữu” cho thấy đây là bạn cũ rất thân tình ở cõi thế. Vị nữ tiên cũng cho hay là nay đã có địa vị trên tiên giới, bù lại lúc “cầu” xin “mở lối Thiên Thai” đến “ba lượt” [125] .
Sau đó xe tiếp tục nhắm hướng bay đến “Trời vàng”, tức cõi Huỳnh Thiên. Đây là tầng thứ tư trong chín tầng trời gọi là Cửu Trùng Thiên.
Tầng này ánh sáng có màu vàng và có Tứ Nương Diêu Trì Cung [126] lãnh nhiệm vụ hướng dẫn các chơn hồn khi trở về cõi trời.
Trong lúc di chuyển, Đức Ngài nhờ vị tiên nữ áo trắng giải thích những sự việc đã xảy ra từ lúc hai người gặp nhau thì cô nói rằng vị Địa Thần lúc nãy có chức vụ là Thần Hoàng, lo chuyện an ninh ở địa phương. Vị Thần Hoàng này sẽ thăng lên Nhơn Thần [127] .
Thế rồi cảnh vật thành thị lại hiện ra, có hai ông lão đang chống gậy vuốt râu chờ đón Ngài. Khi gặp Ngài, hai ông lão cầm tượng Âm Dương [128] giũ xuống một cái thì nhà cửa đền đài hiện ra rõ ràng.

Lúc đó Ngài và ba vị đồng hành xuống xe cùng đến một nơi gọi là Dịch Đài [129] . Đây là một kiến trúc rất lớn, được miêu tả là chia làm chín phần, cao ba tầng và có hai nóc cao. Để dễ dàng leo lên, hai ông lão hoá phép cho đài hạ thấp xuống.
Lên đài rồi Ngài thấy có nhiều vị mặc áo dài. Mỗi vị đều đeo vũ khí và có người hầu riêng. Khi mấy người hầu này chạy đến mời Ngài đi gặp chủ nhân của họ thì Ngài thấy các vị mặc áo dài này quen 130 lắm, có điều không nhớ tên là chi. Bốn người trong đoàn (hai vị nữ tiên,
một tiểu đồng và Đức Ngài) vội quì xuống làm lễ, nhưng họ đều miễn xá, nói là không cần phải long trọng như vậy.
Tiếp theo, mọi người cùng lên chót đài, ở đây Ngài thấy sao Bắc Đẩu và Nam Tào rất sáng. Rồi Ngài thấy rất nhiều quân lính và tướng nhà trời đang hàng ngũ chỉnh tề chờ lệnh. Trong đám thiên binh này có cả da vàng (người Tàu) lẫn da trắng (người Tây). Đặc biệt “Một việc xui mưu đến bốn thầy”, nghĩa là chỉ một việc thôi mà có đến bốn người bày mưu kế. Có thể hiểu là quá nhiều kế hoạch trái ngược nhau nên cuối cùng không thấy đánh nhau mà đoàn quân này tự tan rã. Lính tráng thì liệng giáo buông khiên, tướng thì đứng ngẫn ngơ vì thua trận.
Đến khi một “trẻ nhỏ trai răng trắng” xuất hiện thì người ta không còn muốn đánh nhau nữa.
Đột nhiên ở hướng Nam có rồng xuất hiện, bay lượn. Lại có thêm chim phụng và hào quang trắng. Theo truyền thuyết thì đây là dấu hiệu có thánh nhân xuất hiện. Và thánh nhân đây là “người ba miệng” và “mắt một tròng” 131 . Thánh nhân lên cầm quyền, xây dựng đất nước cường thịnh. Những nước khác trên thế giới khâm phục nên cử người đến học hỏi.
Ở hướng Tây thì cảnh vật đáng sợ hơn, trên không thì chim lạ phun ra sấm sét, dưới biển thì quái vật gây bão lớn, đất liền thì yêu quỉ đặt bẫy rập, lại thêm “giao long chín miệng” ăn thịt người. Ai mà thoát cảnh đó lại bị chết ngộp. Tuy nhiên có “người đầu khỉ mang đai sắt” cứu được một số và đem về hướng Nam.

Hướng Đông thì bị thiên tai. Nước dâng ngập lụt khắp nơi, người ta ai còn sống sót thì hoặc là phải lên núi ở hoặc là trôi dạt trên thuyền bè, cuộc sống vô cùng cơ cực.
Xin nói thêm về cách dùng từ về phương hướng trong phần bốn và phần ba. Ở phần ba các hướng Nam, Bắc, Tây, Đông là bốn hướng thật vì nó chỉ bốn châu trên cõi trời, gồm Nam Thiệm Bộ Châu, Bắc Cù Lưu Châu, Tây Ngưu Hoá Châu, Đông Thắng Thần Châu. Nhưng những từ chỉ phương hướng trong phần bốn lại là những ẩn dụ, không chỉ phương hướng thật. Trước hết, phần bốn không nói gì đến phương Bắc, chỉ có đề cập rất nhanh tới sao Bắc Đẩu thôi. Khi nói về Nam, Tây, Đông, thì Nam gần như là nơi tốt đẹp nhất. Sau cuộc chiến mà lính tráng tự buông vũ khí, tướng thất trận đến ngẫn ngơ thì có thánh nhân xuất hiện, xây dựng nước hùng cường khiến cho đâu đâu cũng qui phục. Hướng Tây dùng vũ khí hiện đại đánh nhau khiến người chết vô số, còn lại một ít cứu được cũng đem gởi vào hướng Nam.
Hướng Đông thì bị ngập lụt nặng nề, cuộc sống khó khăn. Dựa vào thánh ngôn “Một nước Nam nhỏ bé mà sau này làm chủ vạn quốc”, người viết mạnh dạn đoán Nam chính là nước Việt Nam, Tây là những nước phương Tây mà hiện nay vừa giàu có vừa hùng mạnh, còn Đông là những nước còn lại. Nhưng xin nhắc lại, người viết tự suy đoán như thế và không hề kêu gọi đọc giả tin theo. Ai cũng có quyền suy đoán riêng của mình.
Cuối cùng, một vị tướng oai hùng xuất hiện ở hướng Nam. Cả thế giới đều qui phục vị tướng này. Nhưng vị tướng lại giao quyền lực cho một “người lùn”. Đến đây thì mọi cảnh vật từ từ biến mất, chỉ còn lại Ngài và ba người bạn đi chung xe.

Phần Năm

29
Ðều giăng tay dắt xuống thang lầu,
Ðồng bước lên xe mới ngó nhau.
Cuồn cuộn mây vầng bay thoát thoát,
Lia lia gió ngựa nhảy mau mau.
Ðạm màu xe tuyết dường sơn đỏ,
Ngó mặt Tiên nương ửng má đào.
Vui miệng mới rằng Thần phẩm ấy,
Quyền hành chuyển thế mới ra sao?

30
Ra sao chẳng kẻ thốt nên lời,
Nàng bận áo xanh trước dỉ hơi [132] .
              
               THANH Y TIÊN NỮ: [133]
Danh liến [134] đã thừa cùng mặt đất, (Bản gốc in sai là liếng)
Nghề trây [135] muốn trải nửa lừng trời. (Bản gốc in sai là nữa)
              
               HỘ PHÁP;
Thưa rằng: quen thói e hư nết,
Dọa bợm làm nghiêm sợ chán đời.
Nghĩ cõi Bồng Lai [136] xưa mấy mặt,
Còn tôi bao nả [137] dám làm hơi.

31
Làm hơi hại mấy mặt hồng nhan,
Ghẹo kẻ riêng thương đặng phụ phàng.
Dưới bóng trăng thanh dầu lánh tội,
Trước gương "Minh cảnh"; [138] có liên can.
Sông Mê tính rửa bao hàng lệ,
Biển Ái bỏ trôi mấy đoạn tràng.
Thánh chất [139] ví không trên đỡ vững,
Bên mình đeo đuổi mấy hồn oan.

32
Hồn oan mấy chị trước ra sao?
Hai thiếp nay đây có khác nào.
Nhẫng ước [140] giao lê [141] nhè đổi kệ [142] ,
Mong nguyền đổi phụng lại ngôi lao [143] . (ngồi lao?)
Nhớ ơn giải cấu [144] trao gươm huệ [145] ,
Chặt mối oan khiên ở động đào.
Tuy biết phàm duyên [146] là tục trái [147] ,
Nay nhìn tạng mặt [148] nghĩ càng đau.

33
               BẠCH Y TIÊN NỮ:
Càng đau chị lại nói ra chi,
Nông nổi em đây mới gọi kỳ.
Cõi thọ [149] tuy vinh câu phước hạnh [150] ,
Non thề xưa lần chuỗi ai bi [151]. (Non thề lần hạt?) (bản gốc in sai là chuổi)
Màu hồng chàng nhuộm cho nên trắng,
Ngọc quí người quăng đến phải tì [152] .
Dệt gấm Hồi văn [153] chưa, đã mấy [154]
Hơn ngồi trươu nuốt tấm tình si.

34
                          HỘ PHÁP:
Tình si hai chị đổi bao sầu,
Trở trách anh chừa thói bọc dâu [155] ,
Mộng điệp [156] tầm phương xây túy giấc [157] ,
Cầu Lam [158] đổi nghiệp sửa Ngân cầu [159] .
Sông Tương [160] đổ ngọc làm Cam lộ [161] ,
Ðảnh Giáp [162] trao châu cất Phụng lầu.
Chia miếng muối dưa chưa đủ Ðạo,
Thà dâng thế giái đứng chung bầu.

35
Chung bầu nay mới đặng chung xe,
Ðừng nói chi chi phép nấu chè.
Hỏi phẩm Nhơn Thần dầu chẳng nói,
Chác nghề Thổ Táo [163] quyết không nghe.

     THANH Y TIÊN NỮ:
Rằng quyền thay đổi căn nhân sự,
Gia đạo hưng suy nghĩa bạn bè.
Nghiệp đế, cơ vương gầy đảng phái,
Văn tài, trí sĩ lập nên phe.

Bốn người xuống khỏi Dịch Đài 164 và lên xe mây nối tiếp hành trình.
Có lẽ đường còn xa nên trên xe Đức Ngài nói chuyện với hai vị nữ tiên để giết thì giờ. Ông hỏi hai vị phẩm Nhơn Thần có quyền hành thế nào.
Chúng ta nhớ lại trong phần ba, Địa Thần đã đón Đức Ngài đi xem Tứ Đại Bộ Châu. Đến phần bốn Ngài yêu cầu vị, nữ tiên áo trắng giải thích mọi việc và cô trả lời Địa Thần có chức vụ Thần Hoàng lo việc trị an ở địa phương. Địa Thần sẽ thăng lên Nhơn Thần không lâu sau đó. Câu chuyện đến đó thì tạm ngưng vì mọi người phải lên Dịch Đài.
Sau khi xong chuyện ở Dịch Đài rồi Ngài lại hỏi nữ tiên Thần Phẩm ấy quyền hành ra sao, tức là nói về phẩm Nhơn Thần để nối câu chuyện dở dang.
Lần này hai vị nữ tiên hơi ngần ngại khi trả lời, có lẽ hai vị nghĩ là Ngài nói chơi, bởi vì Ngài cai quản Tam Châu Bát Bộ 165 không lẽ không biết! Vui chuyện Ngài hỏi kiếp sống ở trần gian của hai vị nữ tiên thế nào.
Vị nữ tiên áo xanh trả lời vì cuộc đời trắc trở nên cô chọn kiếp tu hành, nhờ đó cô đã đạt được sự sáng suốt, cắt lìa mọi oan trái để trở về cõi trời.
Vị áo trắng thì cuộc đời còn đáng buồn hơn nữa. Duyên nợ của cô là những ngày buồn vì gặp người chồng chẳng ra gì.
Cuối cùng vị nữ tiên áo xanh trả lời câu hỏi phẩm Nhơn Thần có quyền gì. Nhơn thần có quyền thay đổi người trong những mối quan hệ như gia đình, bạn bè, chính quyền, hội đoàn vv...
Phần Sáu

36
Nên phe thần tướng 166 kéo đi đâu,
Hễ đến ngang xe cúi gật đầu.
Khí võ hùng hào mang mão giáp, (Bản gốc in sai là mảo)
Oai phong lẫm liệt xách qua mâu [167] .
Linh oai chiếu diệu mình pha ngọc,
Pháp lực cao cường gót phún châu [168] . (Bản gốc in sai là phúng)
Quân lịnh nghiêm trang hàng ngũ chỉnh,
Ngựa voi rần rộ trót giờ lâu.

37
Giờ lâu mới thấy dạng lầu đài,
Phép tắc "Ông Già"; gẫm thiệt hay.
Ðứng trước tháp cao ngờ dạng vắn [169] , (Bản gốc in sai là vắng)
Thấy xe vừa cận trổi cười dài.
  
KHƯƠNG THƯỢNG:
Rằng râu tóc bạc tuy ra lão,
Nghĩ sức anh hùng cũng sánh trai.
Lập bảng Phong Thần [170] ta chủ khảo,
Càn Khôn biết mặt gậy cùng nai.

38
               HỘ PHÁP:
Nai vừa vụt nhảy giữa thinh không, (Bản gốc in sai là thanh)
Bát Quái Ðồ xây đủ chín vòng.
Tứ hướng trung ương hầu Ngũ nhạc,
Thiên binh thần tướng [171] đến ngàn trùng.
Sáng lòa sấm nổ hào quang chiếu,
Luân chuyển khí dồi trận gió giông.
Bát Quái Ðài xây đầy bữu pháp,
Ðứng trên điều khiển có Lôi Công [172] .

39
Lôi Công trở ngoắt ngựa xe bay,
Ðem bốn đứa tôi đến chót đài,
Rằng trước cho coi quyền giúp phước,
Rồi sau tỏ rõ phép giao tài.
Kim Quang hiền hữu tua ra sức,

30
Điện Mẫu [173] muội nương khá trổ tài. (Bản gốc in sai là điền)
Phút chốc Càn Khôn nên sáng suốt,
Máy linh cơ tạo thảy đều khai.

Nói chuyện đến đây thì Ngài nhìn thấy một đoàn thiên binh [174] đi ngang qua xe. Đoàn quân này rất hùng hậu và phải rất lâu mới qua hết. Lúc đó Ngài gặp Đức Khương Thượng.
Đức Khương Thượng hay Khương Tử Nha là khai quốc công thần [175] nhà Chu, Trung Hoa thế kỷ 12 trước công nguyên, còn gọi là Khương Thái Công, Thái Công Vọng hay Lã (Lữ) Vọng. Theo truyện Phong Thần, một bộ tiểu thuyết cổ Trung Hoa, thì Đức Khương Thượng giúp nhà Chu đánh bại Vua Trụ độc ác, đồng thời lập bảng Phong Thần để phong đủ 365 vị thần theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Trong đạo Cao Đài, Đức Khương Thượng là một trong năm vị thay mặt cho Ngũ Chi trong kỳ ba này, kể ra như sau:
Đức Giáo Tông, Chưởng Pháp và Đầu Sư của đạo Cao Đài thay mặt cho Nhơn Đạo.
Đức Khương Thượng thay mặt cho Thần Đạo.
Đức Chúa Jesus thay mặt cho Thánh Đạo.
Đức Lý Thái Bạch thay mặt cho Tiên Đạo.
Đức Thích Ca thay mặt cho Phật Đạo.

Trở lại câu chuyện, khi Đức Khương Thượng xuất hiện thì Ngài liền xoay Bát Quái Đồ 176 chín vòng. Lập tức đoàn quân lúc trước đi ngang qua Đức Hộ Pháp dàn ra theo thế trận Ngũ Nhạc. Đây là thế trận gồm có bốn đội quân ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc bao quanh một
đội quân ở giữa. Sau đó có Lôi Công xuất hiện để điều khiển thế trận.
Theo truyền thuyết thì Lôi Công là Thần Sấm có vợ là Điện Mẫu tức là Thần Điện. Hai người tạo ra sấm sét trong cơn mưa.
Lôi Công vẫy tay chận xe của Đức Hộ Pháp lại và đưa bốn người lên trên cao để quan sát.

Phần Bảy

40
Khai rồi Ngài múa cặp roi thần,
Chớp nhoáng hào quang chiếu sáng trâng [177] ,
Thế giái ba ngàn [178] qua có lớp,
Ðịa hoàn bảy lẻ [179] đến từ tuần.
Bộ châu bốn cõi [180] người đều đủ,
Ðiện ngọc cửu nêu Thánh đứng tuần.
Xin được xem Nam cho thỏa mắt,
Rồi sau các hướng tới lần lần.

41
Lần lần thế giái xẹt kim quang,
Bát Quái Ðài xây giống địa bàn.
Vừa đứng lại ham màu cảnh vật,
Thoạt trông qua mừng vẻ giang san. (Thoạt trông mừng thấy?)
Cảnh vui thú đẹp người hiền hậu, (Bản gốc in sai là vẽ)
Nghiệp khéo nghề hay nước lạc nhàn.
Một mối thương tâm còn buộc dạ,
Vì nhiều kẻ khó rách lang thang.

42
Lang thang lưới thưới bắt đau lòng,
Kêu Ðấng Phước Thần [181] hỡi bớ Ông!
Ông nắm quyền ban, ban chẳng khắp,
Ông cầm phép thưởng, thưởng không đồng.
Ðể qua các hướng xem ba chỗ,
Gây lộn hai ta tính một sòng [182] .
Cười nói Phước nầy thường ghét Lộc,
Cho hay Lộc Phước chẳng đồng công.

43
Ðồng công khó hiệp Ðạo cùng Ðời,
Nhơ xác tinh thần hết tốt tươi.
Ví tính cầm quyền toàn trái đất,
Ðừng lo nâng phận một phương trời.
Nghiệp nghề đợi lỗ trao cơ thể,
Lợi lộc phương Nam hưởng cấp thời.
Như tưởng lời khuyên còn hẹp bụng,
Ðạo đem đổi Lộc dễ như chơi. (Cười)

44
Như chơi lời nói rất kỳ khôi,
Ðem Lộc mua Tiên thấy mấy hồi.
Vùn vụt tiếng roi quơ nhấp nhoáng,
Mờ mờ cảnh vật thụt thùi lui.
Vỗ tay tiếng biểu còn suy nghĩ,
Gây gổ trí quên hết nhớ hồi.
Thấy cảnh đẹp xinh điền đất rộng,
Trải nằm ngửa mặt giống tranh bồi.

45
Tranh bồi trước cửa kẻ kỳ hình [183] ,
Bị đoạt lại rồi tính muốn xin.
Hung bạo ngoài gian lo lấy trộm,
Nhân từ trong sải cứ làm thinh.
Giữa tờ sơn thủy vừa xôm cẳng,
Sa chiếc long châu đánh nát mình.
Cõi Bắc ồ ào nghe tiếng ré,
Ghe phun tên lửa bắn tiêu binh.

46
Tiêu binh cảnh vật hiện chơn hình,
Thiên hạ thái bình dứt chiến chinh.
Thầy sải ngồi ca kinh cứu khổ,
Học trò xúm tụng kệ Huỳnh đình [184] . (Bản gốc in sai là Quỳnh)
Trên đầu rực rỡ vô vi khí, (Bản gốc in sai là rở)
Trước ngực sáng ngời huệ nhãn tinh.
Tà quái sau lưng đeo mắt vẽ,  (Bản gốc in sai là vẻ)
Ðánh thoi bổn Ðạo cũng làm thinh.

47
Thinh không tiếng sấm nổ đùng đùng,
Tà quái té nhào nhảy tứ tung.
Sót một yêu lồi nằm sấp cặp, (không tìm thấy từ này, chỉ thấy sấp cật-quay lưng lại)
Thêm hai tiểu quỉ đứng bên hông.
Ðứa cầm dùi đục, thằng nghiên mực,
Cậu bận áo nâu, chú khố hồng.
Thấy mắt lưng yêu toan đến gỡ, (Bản gốc in sai là gở)
Bút linh chiếu phép hóa côn trùng.

48
Côn trùng còn đoạt được nhơn duyên,
Ngũ bộ Lôi công định sát liền.
Sét đánh nát thây ra đất cát,
Ðời mừng dứt giống kết oan khiên.

               NGŨ LÔI:
Xưa người chẳng sợ điều nghe bóng,
Nay Phật cho xem cuộc nhãn tiền.
Ví biết vạn căn thường quả báo,
Chưa vào Phật vị cũng Thần Tiên.

49
Thần Tiên từ trước độ loài người,
Ô trược nay gần sợ hổ ngươi.
Nam Nhạc cho xem hình trị thế,
U minh [185] hiểu phỏng luật răn đời.
Dứt lời vội giục đôi roi phép,
Hiện tượng liền sanh một cảnh trời.
Trông núi xa xa nhà lố xố,
Tòa mây Nam Nhạc ở trên khơi.

50
Trên khơi nghe tiếng khóc pha cười,
Có kẻ dị hình, kẻ tốt tươi.
Quỉ giải Âm ty [186] thì rống khóc,
Thần dìu Tiên cảnh lại reo cười.
Bọn dân Ðịa phủ hình đen nám,
Tốp khách Thiên môn xác sáng ngời.
Chồng thấy vợ thành [187], chồng cắn lưỡi, (Bản gốc in sai là lưởi)
Vợ xem chồng hiển [188], vợ than trời.

51
Trời cho thành đặng dễ gì đâu,
Trước xuống sông Ngân tắm sạch sầu.
Lò tạo lửa thiêu, Thần hết trược,
"Cảnh Minh" [189]  sáng chiếu khí tinh màu.
Nam Tào đến học cho nhuần lễ,
Bắc Ðẩu [190] vào xin đặng phép mầu.
Ðắc lịnh Hư cung [191] chầu Bạch ngọc [192] ,
Mới tường căn cội vị mình đâu.

Mở đầu, Lôi Công (Thần Sấm) múa cặp roi của ông, lập tức ánh sáng xẹt ra chiếu thấu cả vũ trụ. Ba ngàn thế giới, bảy mươi hai trái địa cầu, bốn châu lớn đều lần lượt hiện ra. Đức Hộ Pháp nói với Lôi Công là muốn xem hướng Nam trước, sau đó lần lượt xem các hướng khác.
Khi cảnh vật hướng Nam hiện lên, Đức Ngài có cảm giác vui buồn lẫn lộn. Vui vì phần đông mọi người có công ăn việc làm, cuộc sống sung túc. Buồn vì vẫn còn người nghèo sống vất vả khổ sở. Đức Ngài cảm thấy bất công nên gọi Phước Thần chất vấn tại sao không ban phước đồng đều cho mọi người. Phước Thần cười, trả lời rằng không thể được cả phước (những may mắn, niềm vui) lẫn lộc (tiền bạc, vật chất) cùng một lúc. Điều này cũng khó như kết hợp Đạo với Đời vậy. Đạo nhiều thì đời ít. Tinh thần sẽ tinh anh nếu ít thiên về vật chất và ngược lại. Không thể nào Đạo (yếu tố tinh thần) lại đánh đồng với Lộc (tiền bạc, vật chất) được. Nghĩa là không thể dùng tiền mà mua được hạnh phúc. Kế đó, Phước Thần khuyên Hộ Pháp là hãy lo cái chung, đừng quá chú trọng đến tiểu tiết [193] nếu muốn cầm quyền cả càn khôn vũ trụ.
Tới đây thì Đức Ngài thấy hai cây roi của Lôi Công tiếp tục quơ qua quơ lại và một cảnh vật đẹp như tranh vẽ hiện ra.
Trước khi nói tiếp chúng tôi xin nhắc lại một việc. Ngay từ đầu chúng tôi đã trình bày là trong 77 bài thơ này có ẩn chứa nhiều tiên tri ở dạng “sấm”. Đây là kiểu nói chỉ dành cho những bậc đã đạt được trí huệ (tuệ) tức là đạt đạo. Trí huệ khác với trí thông minh và tri thức. Thông minh thì học nhanh hiểu chóng, có tri thức thì biết nhiều thứ trên đời, nhưng trí huệ là một trạng thái hoàn toàn khác. Xin lấy một thí dụ rất nổi tiếng. Đức Lục Tổ Huệ Năng không có đi học nên không biết chữ, (không có tri thức) nhưng khi đi ngang chùa, nghe Đức Ngũ Tổ giảng
Bát Nhã Tâm Kinh là hiểu ngay lập tức. Ai cũng biết kinh này cực kỳ khó hiểu, những vị học cao như sư Thần Tú, học trò của Đức Ngũ Tổ mà cũng chưa dám nhận là mình hiểu. Sau này khi có người hỏi ngài về ý nghĩa những bộ kinh khác, thì ngài bảo họ đọc lớn lên cho ngài nghe (vì ngài không biết chữ) rồi giải thích cho họ hiểu. Trí huệ chẳng dính líu chi đến tri thức và trí thông minh như vậy đó.
Xin trở lại với lời sấm trong 77 bài thơ Thiên Thai Kiến Diện của Đức Hộ Pháp. Vì chúng tôi không được ân huệ thiêng liêng cho đạt được trí huệ nên chúng tôi cũng chỉ hiểu được lõm bõm mà thôi. Nhưng chúng tôi vẫn viết ra để cho mọi người biết. Biết đâu sẽ có bậc trí huệ gặp và hiểu được, giải thích lại cho chúng tôi thì quí biết bao! Xin trở lại với cảnh đẹp như tranh hồi nãy. Đức Hộ Pháp nói rằng cảnh này ở trước cửa một người có hình dạng rất là kỳ dị. Cảnh này nguyên là bị người ta lấy, bây giờ đang muốn xin lại. Trong khi đó bên ngoài thì kẻ gian tính chuyện cướp lấy, nhưng bên trong thì cứ làm thinh. Cuối cùng là xảy là chiến tranh. Ở phía Bắc có tiếng kêu la vang dậy vì tên lửa bắn từ dưới tàu chiến lên làm lính tráng chết rất nhiều. Chỗ này xin mạn phép mở ngoặc một chút.

(Theo chỗ chúng tôi biết thời của Đức Hộ Pháp, người Việt ở miền Nam không dùng chữ tên lửa (tiếng Việt) mà dùng chữ hoả tiển (Hán Việt). Đến sau năm 1975 chữ tên lửa mới du nhập từ miền Bắc vào miền Nam).

Sau khi binh lính chết hết, thì mọi người được hưởng hoà bình. Đặc biệt là đạo Cao Đài phát triển rất mạnh vì thấy trên ngực mọi người đều có hình Thiên Nhãn.
Lúc này bọn tà quái xuất hiện. Chúng cũng vẽ Thiên Nhãn lên lưng, giả ra tín đồ Cao Đài để phá đạo. Tuy nhiên mọi người cứ làm thinh, mặc cho chúng muốn làm gì thì làm. Chợt có tiếng sấm nổ đánh bọn tà quái tan tác. Còn sót lại một tên yêu và hai tên quỉ nhỏ, một tên áo đỏ, một tên khố nâu. Hai tên này cầm một cái dùi đục và một cái nghiên mực. Khi thấy hình Thiên Nhãn, chúng định đến lấy xuống.
Lập tức chúng bị cây bút linh thiêng biến chúng thành côn trùng. Sau đó chúng bị sét đánh cháy tiêu. Tất cả mọi người đều mừng khi thấy cảnh này.
Lúc đó Thần Sấm nói tiếp, ngày trước nghe nói là quả báo [194] thì con người chưa sợ lắm. Thời nay Phật sẽ cho thấy ngay trước mắt luôn.
Nói xong Thần Sấm lại múa cặp roi, lập tức cảnh toà nhà Nam Nhạc xuất hiện. Đây là nơi các chơn hồn sau khi chết sẽ được đưa lên nơi sung sướng (thiên đàng) hoặc nơi đau khổ (địa ngục) tuỳ theo mình làm điều tốt hay điều xấu lúc còn sống. Những người được lên thiên đàng thì có hình dáng vui tươi đẹp đẽ còn những người xuống địa ngục thì xấu xí khóc than vật vã.
Những người được lên cõi thiêng liêng hằng sống [195] sẽ phải qua một số thủ tục nhất định. Trước hết, chơn hồn phải xuống sông Ngân để tẩy rửa hết những buồn rầu. Rồi phải đi qua lò Bát Quái để trược khí [196] bị thiêu đốt hết. Kế tiếp sẽ vào đài gương Minh Cảnh xem lại kiếp vừa qua mình đã làm được gì. Sau đó đến gặp Thần Nam Tào Bắc Đẩu để học lễ nghi của thiên đình. Cuối cùng chờ lịnh của Ngọc Hư Cung để lên triều kiến [197] Đức Chí Tôn, nghe quyết định về ngôi vị của mình.

Phần Tám

52
Mình đâu đặng dịp thấy như vầy,
Xin phép xem tường phía hướng Tây.
Xây trái Ðài Thần vừa rúng trở [198] ,
Sấp lưng ai nấy cũng đều day.
Kim Quang Ðiển Mẫu [199] đi tuần tới,
Văn Khúc Long Vương [200] ở giữa ngày.
Xách búa Lỗ Ban [201] đương chỉ vẽ, (Bản gốc in sai là Lổ)
Xây thành cảnh đẹp rất nên hay.

53
Nên hay Thần phẩm [202] xuống cùng lên,
Dạy dỗ nhơn sanh phép Ðịa Tiên [203] .
Hồn trí ngao du trên đảnh núi,
Xác linh dao động cúi đầu truyền.
Thâu cơ Tạo hóa chưa vừa sức,
Thủ máy Càn khôn gẫm đủ quyền.
Xứ đẹp người xinh giàu có lớn,
Buồn trông ít thấy bực người hiền.

54
Người hiền trước có đức thương sanh,
Nay đến cháu con ở chẳng lành.
Vinh hiển hưởng thừa dư chút sót,
Tội tình chất để đã nên thành.
Chờ xem Thiên luật không tư kỷ,
Mới rõ Thần minh chẳng vị tình.
Vừa chỉ roi thần ra trước mắt,
Cảnh vui đổi thảm thấy mà kinh.

55
Mà kinh vì thấy cửa nhà tan,
Thành lũy trở ra đống bụi tàn.
Dưới đất trồi lên thằng Quỉ chúa,
Trên Trời khóc dậy lũ hồn oan.
Ðoạt gươm Điện Mẫu [204] làm binh khí,
Múa búa Lỗ Ban [205] lập chiến tràng.
Bảo cọp thành chiên [206] đời tận diệt,
Dời non đổi biển hại nhơn gian.

56
Nhơn gian đang chịu khổ đao binh,
Thấy một nàng ra nói cứu mình.
Áo kết trăm hoa thân thể đẹp,
Mão thừa muôn ngọc mặt mày xinh.
Dịu dàng tay mặt lần xâu chuỗi,
Yểu điệu tay kia nắm tấm hình.
Ðưa tượng Bạch My [207] ra hiển hiện,
Chúng sanh xúm lại gọi Chơn linh [208] .

57
Chơn linh gẫm cũng thật linh thay!
Cái sắc tà tinh phép quá tài.
Lũ quỉ đến nhìn thần trí loạn,
Loài ma xem thấy tánh tâm say.
Ðể chơn trên đất đen ra trắng,
Ngó mắt đến người gái hóa trai.
Tuồng hát giọng đờn làm kệ sám [209] ,
Phồn hoa [210] xây lấp khắp trong ngoài.

58
Trong ngoài đã mãn tới đền thờ,
Nàng cũng không từ để bước nhơ.
Ướm hỏi [211] Thánh linh [212] đâu vắng dạng,
Mở lời miệng ngợi [213] nói u ơ [214] .
Nam phương bay tới ngàn đầu cánh,
Tây thổ [215] trương lên một lá cờ.
Chính giữa linh quang xem thấy Phật,
Việc nàng đuổi quỉ sửa thiên cơ.

59
Thiên cơ chưa rõ máy huyền vi,
                          HỘ PHÁP:
Muốn hiểu việc sau sự tức thì.
                          NGŨ LÔI:
Rằng nếu tỏ tường cơ bí mật,
Phương nào [216] rõ thấu phép tiên tri.
Cửa quyền Tây Nhạc kia xem thử,
Mặt luật Phong Ðô [217] nọ phải tùy.
Phú Quí Lợi Danh đời gọi phước,
Nào dè là cội [218] của ai bi.

Sự việc ở hướng Nam thế là tạm xong. Đức Hộ Pháp xin với các đấng cho xem hướng Tây. Lập tức cái đài Ngài và các bạn đang đứng liền xoay qua hướng Tây. Ba vị đầu tiên xuất hiện là Kim Quang Điển Mẫu, Văn Khúc Long Vương và Lỗ Ban. Ba vị này đang dạy cho con người phép Địa Tiên. Địa Tiên là những người cực kỳ thông minh, nhưng chưa đạt được những phẩm vị trên cõi trời. Nói cho dễ hiểu, đó là những nhà khoa học. Ba vị Thần mới xuất hiện chịu trách nhiệm ba lĩnh vực khác nhau. Điển Mẫu (điện), Long Vương (môi trường) và Lỗ Ban (kiến trúc).
Loài người học phép Địa Tiên trong ba lãnh vực này và đạt những thành tựu như: “Hồn trí ngao du trên đỉnh núi, xác linh dao động cúi đầu truyền”. Đây là khoa điều khiển học [219] . Hay “thâu cơ tạo hoá” “thủ máy càn khôn”. Những thành tựu này có thể thấy ở nhiều lãnh vực khác nhau ngày nay.
Tóm lại, thông tin chủ yếu về hướng Tây là “Xứ đẹp người xinh giàu có lớn, Buồn trông ít thấy bực người hiền”. Nhờ hai câu này, chúng ta có thể đoán “hướng Tây” mà Đức Ngài nói ở đây chính là các nước phương Tây hiện nay. Khoa học, kinh tế phát triển cao độ, nhưng nền tảng đạo đức của xã hội thì lại có vấn đề nghiêm trọng.
Đức Ngài nói thêm họ ngày nay được như thế là nhờ ông cha của họ ngày xưa sống đạo đức. Có điều con cháu bây giờ không biết giữ gìn nên sẽ có hậu quả đau xót. Quả thực sau đó quang cảnh chuyển sang hỗn loạn vô cùng khi “dưới đất trồi lên thằng Quỉ Chúa”. Bị Quỉ Chúa điều khiển nên loài người áp dụng những thành công khoa học để làm vũ khí tàn sát nhau và khiến cho rất nhiều người bị giết.
Trong khi loài người đang đánh giết nhau, bỗng có một “nàng” xuất hiện. “Cô gái” này rất đẹp, ăn mặc lộng lẫy và nói là sẽ cứu nhân loại.
Phương pháp của cô là một tay lần xâu chuỗi, một tay đưa tượng Bạch My ra cho mọi người xem. Xâu chuỗi tượng trưng tôn giáo hay những nguyên tắc đạo đức còn tượng Bạch My [220] tượng trưng cho những hành vi trái với đạo đức. Nghĩa là cô dùng những lý thuyết rất đạo đức, nhưng hành động thì trái ngược lại. Nhưng điều quan trọng là mọi người lại tin tưởng và sùng bái, thậm chí gọi cô là “chơn linh” [221] .
Sức mạnh của cô thiệt là khủng khiếp như biến “đen ra trắng” “gái hoá trai”.
Kết quả là cô lập được một xã hội “phồn hoa” với những “tuồng hát giọng đờn” thay cho tiếng kinh kệ. Ngay cả những nơi chốn linh thiêng như đền thờ cũng bị cô mê hoặc đến nỗi “thánh linh vắng dạng”.
Sau đó từ hướng Nam hàng loạt máy bay bay tới và ở Tây Thổ [222] người ta kéo cờ lên. Có vẻ như sắp có biến cố lớn xảy ra mà Đức Ngài nói là cô gái sẽ “đuổi quỉ sửa thiên cơ”. Khi Đức Ngài nói muốn xem tiếp phần kế là gì thì Thần Sấm (Ngũ Lôi) nói là không được, luật nhà trời chỉ cho tiên tri đến đây thôi. Con người đã biết luật Phong Đô [223] thì cứ ăn hiền và ở lành để tránh hậu quả xấu.

Phần Chín

60
Ai bi giọng thảm kể vang vầy [224] ,
Hồn kẻ bể đầu, kẻ quẹo tay.
Xúm kiện Long Vương [225] rằng ác nghiệt,
Ðều thưa Lôi Chấn [226] ở không ngay.
Thằng hờn đá đánh ông Quan Võ [227] ,
Ðứa giận ném quăng miếng chiến bài [228] .
Oan quỉ [229] không mình la hét ó,
Chữ “Công” hiện sáng ngó nhăn mày.

61
Nhăn mày lũ khác, khóc rù rù [230] ,
Trong đó có vài lão sải tu [231] .
Mổ bụng độn vàng, quăng phổi ruột,
Xẻ đầu nhét sách, ốm hình thù.
Xương tàn sọ thúi gần người trí,
Thuốc độc gươm trường, cận đứa ngu.
Giành giựt trước sau tranh giỏi dở,
Chữ "Danh"; ngó thấy mắt đui mù.

62
Ðui mù hiếm kẻ cẳng dò đường,
Mò cát kiếm vàng thấy thảm thương.
Cắt xẻ thịt người đem đổi bán,
Sớt sang máu chúng đựng cân lường.
Cần cù dấu của trong khuôn sọ,
Lẩn bẩn [232] tô nhà với bột xương.
Nghĩ nhớ gia tài xưa khóc mãi,
Trên đầu chữ "Phú"; chiếu như gương.

63
Như gương nhiều kẻ đẹp xinh thay,
Cũng đội mão cao cũng áo dài.
Oan quỉ chạy theo đòi trả mạng,
Cô hồn [233] níu lại hỏi xin thây.
Trong đài các [234] thấy đầy xương chất,
Ngoài áo mão xem máu dẫy đầy.
Xẻ thịt quỉ ma làm tiệc lớn,
Ánh lòa chữ "Quí" dọi vào ngay.

Thần Sấm (Ngũ Lôi) nói tiếp, con người thường hay hiểu lầm là đạt được Công Danh Phú Quí ở thế gian là có phước. Thật ra đó chỉ là gốc của nổi đau khổ.
Liền đó, hiện ra cảnh các oan hồn đang khóc lóc. Kẻ thì bị thương tích, người thì chết mất xác. Họ trách móc đủ thứ, họ đổ thừa vì Long Vương, vì Lôi Chấn Tử, vì Quan Võ mà họ gặp phải kết quả đau buồn. Thực sự, họ theo đuổi chữ Công (thành công, chức tước) mà ra
nông nổi.
Rồi lại có những oan hồn khóc dai dẳng. Những người này, có cả thầy tu nữa, theo đuổi chữ Danh (nổi tiếng). Vì muốn được nổi tiếng mà họ sẵn sàng chịu đau đớn phẫu thuật thẩm mỹ, âm thầm chịu khổ sở để được cận kề người trí thức, thậm chí cận kề nguy hiểm khi sống chung với kẻ ngu.
Hay những oan hồn khóc thương cho số tài sản kếch sù họ bỏ lại trần gian. Họ chạy theo chữ Phú (giàu) bằng mọi giá. Họ gian lận mua bán, họ kiếm tiền trên xương máu đồng loại mới có được tài sản lớn lao để rồi phủi tay cuối đời.
Cuối cùng là những oan hồn sau một kiếp đuổi theo chữ Quí (sang trọng). Khi họ chết đi, những người chết oan, nhưng linh hồn không nơi nương tựa vì họ sẽ theo đòi mạng.

Phần Mười

64
               HỘ PHÁP:
Ngay gian hai lẽ biết sao thông,
Hình luật Thiêng liêng mới giữ phòng.
Một khuyết, một đầy, không đổ đủ,
Một lui, một tới, khó cân đồng.
Sang nhờ có khó sang nên mặt,
Khó chịu nương sang khó bận lòng.
Ðời tỷ [235] sợi dây đôi trẻ kéo,
Một đàng thâu đặng, một đàng buông.

65
Buông là tại dở yếu cam đành,
Ðã phải tội gì: giỏi, mạnh, lanh.
Ai cũng thủ thân [236] nơi hỗn độn, (Bản gốc in sai là hổn)
Ðời là chiến trận lúc đua tranh.
Dở hay nào để chờ thân chết,
Bươn chãi [237] toan gìn vẹn kiếp sanh.
Ðã gọi trần hoàn [238] là biển khổ,
Nếu không lội lặn tội trầm mình [239] .


66
               T.T. TIÊN ÔNG:
Trầm mình giải lý [240] rất buồn cười,
Nói ngược sao người chẳng hổ ngươi [241] .
Thiên ý [242] nếu không cho sống thác,
Ðịa hoàn [243] há dứt lập nên đời.
"Bởi thương sanh"cậy chưa vừa sức,
"Vì ái chúng" xin chẳng thuận lời.
Nhơn mạng là Trời mình để chết,
Dễ Trời phải chết há là chơi.
Chơi như tánh nết đứa con ranh [244] ,
Biết bánh là ngon cứ việc giành.

67
Chưa phải hột cơm phần sống thác,
Ấy nhờ Thánh chất lượng cao xanh [245] .
Côn trùng giết chết còn ngăn cấm,
Nhơn loại hại nhau há nỡ đành. (Bản gốc in sai là hao)
Tiên, Phật độ sanh là chứng quả [246] ,
Nên người trước đã mới nên mình.

68
Nên mình khá chọn kế chi nên,
Cái kiếp nhơn sanh chớ tưởng bền.
Thân tục luỵ [247] gây hoàn xá lợi [248] , (bản gốc in sai là lự)
Của phù du [249] đổi bửu thiêng liêng.
Ðọa căn [250] lắm kẻ chê điều hậu,
Ðắc quả [251] ít trang gớm sự tiền.
Chưa để đeo lưng trăm mối nợ,
Mà vào cho lọt cửa Thần Tiên.

69
             HỘ PHÁP:

Thần Tiên đã hiểu chán đời rồi,
Có biết cho người khó vậy ôi!
Chẳng khác mắt mù đi cảnh tối,
Cũng như mũi nghẹt hửi mùi hôi. (Bản gốc in sai là hữi)
Hơn thua lưỡi giáo chưa an đứng,
Giả thiệt đầu chông khó dễ ngồi. (Bản gốc in sai là dể)
Ba vạn sáu ngàn [252] ngày ví sống,
Chung qui [253] nào tưởng "phép luân hồi".

70
Luân hồi Thánh ngữ [254] để lưu truyền,
Ðời chẳng tin mà cũng chẳng kiêng [255]. (Bản gốc in sai là kiên)
Năm Ðạo [256] nhiệm mầu răn thế giái,
Chín Trời [257] yếu trọng độ nhơn duyên.
Lời lành dầu ghét, ngơ tai điếc,
Hình dữ [258] cũng ngừa, để dạ kiêng.
Duy biết thiệt, hơn, tai mắt bít,
Thà ngu hơn trí, ý không hiền.

71
Hiền lương thường đặng tấc [259] tâm linh, (bản gốc in sai là tất)
Quảng đại Càn Khôn hiệp tánh tình.
Lỗi mọn mình lầm, thường tưởng trọng [260] ,
Tội to kẻ lỡ, lại cho khinh [261] .
Chở che khách tục [262] hay tha thứ,
Yêu mến tăng đồ [263] biết vực binh.
Cứu chuộc lắm gương Tiên Thánh để,
Liều thân độ chúng dạ khăng thìn [264]. (Bản gốc in sai là khăn)

72
Khăng thìn nhắc thế lại cho cân [265], (Bản gốc in sai là khăn)
Hòa giọt đau thương tắm khách trần.
Nẽo đọa trầm luân [266] đo chắc thước,
Luật hình [267] Ngọc điện [268] sửa vừa phân [269] .
Giấc mê thức tỉnh hồn căn cước [270] ,
Cảnh tịnh dìu an kẻ số phần [271] .
Hễ thấy nhơn sanh còn thảm khổ,
Liều thân nào nại [272] phận gian truân [273] .

73
Gian truân cho thấy phận làm người, (Bản gốc in sai là thay cho)
Oằn oại cuộc đời gánh hết hơi !
Mình biết lấy mình tuy chẳng thẹn,
Miệng chê nhớp miệng cũng ghê lời.
Hình ma bóng quỉ trêu [274] cay mắt,
Cổ quái [275] tử tà [276] bẹo [277] xốn ngươi [278] .
Bụm miệng máu rơi dầu nuốt giận,
Tâm tu ghét tục thoát xa vời.

Trong phần này, Đức Ngài kể lại đoạn đối đáp giữa Ngài và Thoàn Trượng Tiên Ông. Thoàn Trượng là nói trại từ Thiền Trượng (hay tích trượng) đây là một cây gậy dài, cao quá đầu người, trên đỉnh có treo nhiều vòng kim loại nên phát ra tiếng leng keng khi di chuyển. Thường thì các nhà sư Phật Giáo xưa thường chống gậy này. Đức Ngài thấy một vị tiên chống gậy nhưng Ngài không biết tên, nên gọi như thế.
Mở đầu Ngài than là ở thế gian đúng sai, ngay gian cũng khó mà phân biệt. Môi trường sống khiến loài người cạnh tranh gắt gao. Giỏi, mạnh, lanh thì thắng còn yếu dở thì đành chịu thua. Biết sao là tội biết sao là phước.
Thoàn Trượng Tiên Ông mắng rằng nói như vậy là nói ngược. Cuộc đời đâu phải chỉ có miếng ăn để rồi dành giựt lấy như là trẻ con. Đấng Tối Cao còn cấm cả việc giết hại côn trùng, cớ sao loài người lại hại nhau. Hãy nhớ rằng kiếp người ngắn ngủi là để cho con người tu tập để trở về cõi thần tiên. Vậy mà còn nhiều người xem cõi trần là quá quan trọng nên kẻ bị đoạ [279] thì nhiều mà người về được cõi thần tiên thì ít.
Đức Ngài tiếp lời, cũng khổ cho con người, giống như người mù đi trong đêm mà không ai hướng dẫn vậy. Vì vậy Ngài hướng dẫn thêm cho con người những cách tu hành cơ bản. Thí dụ như xét lỗi mình chứ đừng xét lỗi người, bênh vực người tu hành, giúp đỡ người khác về mặt đạo đức, v.v...

Và sau cùng Ngài kết luận bằng mấy câu sau đây:
Mình biết lấy mình tuy chẳng thẹn,
Miệng chê nhớp miệng cũng ghê lời.
Hình ma bóng quỉ trêu cay mắt,
Cổ quái tử tà bẹo xốn ngươi.
Bụm miệng máu rơi dầu nuốt giận,
Tâm tu ghét tục thoát xa vời.

Cứ biết lấy mình là được, mặc cho người chê khen. Trước những hiện tượng kỳ dị của con người, mình phải “bụm miệng nuốt giận dầu (cho) máu rơi” cũng mặc. Người tu phải “thoát xa vời” những cảnh tục đó.

Phần Mười Một

74
Dời qua Bắc hướng đặng xem qua,
Mới rõ Chánh kia chẳng nệ [280] Tà.
Tà Chánh thế gian không đặc biệt [281] ,
Chánh Tà tâm nội có đâu xa.
Khử Tà thân Chánh, Tà kiêng [282] Chánh, (Bản gốc in sai là kiên)
Phụ [283] Chánh cận Tà, Chánh biến Tà.
Người có chơn hồn, hồn ấy mất,
Muốn xem hí mắt, ngó sao xa?

75
Xa trông cảnh vật đã xây tròn,
Bát hướng Ðài ngừng thấy nước non.
Ðộng cũ Thần Tiên còn để dấu,
Chùa xưa Phật tích nát hư mòn.
Chấp kinh [284] Khổng sĩ [285] nho phong giỏi,
Nắm nghiệp Ðào quân [286] mãi mại [287] khôn. (bản gốc in sai là Năm)
Nẽo Thánh tuy quên tay giẫy cỏ, (bản gốc in sai là dẩy)
Nền Văn miếu [288] thấy khói hương còn.

76
Hương còn bát ngát chốn Nam giao [289] ,
Thoạt thấy phong ba vụt thổi ào.
Ngọn tháp chín rồng hư sát rạt [290] , (bản gốc in sai là xát)
Ngoài bờ muôn quái dậy lao xao.
Ðảnh xanh lửa cháy phun muôn ngọn,
Sông Hắc nước lưng [291] đựng một gàu [292] . (bản gốc in sai là gào)
Trương cánh ba yêu [293] ôm thế giái,
Ðều cầm mỗi đứa một chùm sao.

77
Chùm sao khi tỏ lại khi mờ,
Thấy ngọn cờ hồng gió phất phơ.
Cõi ngoại reo vang quân vị quốc [294] ,
Trong thành ong óng [295] tiếng con thơ.
Ruộng dâu, giáo đóng dầy hơn rạo [296] ,
Biển hoạn [297] , nước xao [298] dẫy [299] quá bờ.
Chộn rộn [300] khó phân người với quỉ, (bản gốc in sai là nhộn)
Ðền vàng người ngựa bóng u ơ [301] ...

Bây giờ Đức Ngài nhìn qua hướng Bắc và hiểu ra Tà Chánh là do bản thân mình mà ra, hay nói theo kiểu nhà Phật là do “nội tâm” mà ra. Và Đức Ngài khuyên là nếu muốn thấy chân lý này, thì hãy suy xét kỹ chứ đừng “hí mắt” sẽ không nhìn ra chân tướng.
Tới đây, thì cảnh vật không còn xoay tròn nữa. Tất cả mọi thứ dần dần biết mất. Nhưng bỗng nhiên gió thổi mạnh và nhiều hiện tượng lạ lùng hiện ra.
Trước hết là ngọn tháp chín rồng bị hư hại nặng nề. (Xin nói thêm phải chăng chín rồng này là Cửu Long?) Bên ngoài bọn yêu quái tập trung lại. Trên đỉnh núi lửa cháy dữ dội và sông thì cạn kiệt không còn nước nữa.
Đặc biệt có ba con yêu vươn cánh “ôm thế giới” và mỗi con đều cầm một chùm sao. Trong khi đó thì một số hình ảnh khác cũng hiện ra như: lá cờ hồng bay phất phơ trong gió, rất nhiều quân sĩ chết trận ở nước ngoài còn trong nước thì có tiếng con trẻ khóc, quân sĩ ở tràn ra cả ruộng dâu và chốn quan trường thì xáo trộn.
Cuối cùng những hình ảnh trên từ từ biến mất và Đức Ngài để lại một câu kết luận “khó phân người với quỉ”.

Kết Luận.
Có lẽ đến đây những vị có Huệ Nhãn [302] đã hiểu rõ những điều mà Đức Hộ Pháp muốn gởi gắm cho đàn em trong gia đình Cao Đài nói riêng [302] Đôi mắt của những người đã đạt đạo.
và cho toàn nhân loại nói chung. Còn lại những đọc giả bình thường cùng với chúng tôi thì đành chịu cảnh hiểu khi mờ khi tỏ.
Dù là vậy thì chúng ta (những đọc giả bình thường và người viết những dòng này) vẫn có thể dùng trí phàm [303] để tạm suy ra đôi điều làm vốn liếng, chờ một ngày đủ công quả biết đâu sẽ đạt được trí huệ [304] và sẽ...hiểu ra mọi chuyện.
Trước hết, nếu như người bình thường chúng ta về được cõi trời để nhìn thấy những sự việc sẽ xảy ra trong tương lai, thì chúng ta muốn thấy điều gì? Chắc chắn chúng ta muốn thấy những cảnh sẽ xảy ra cho đất nước của chúng ta và quả địa cầu 68 này. Chúng tôi tin chắc Đức
Hộ Pháp cũng sẽ muốn như thế bởi vì Đức Ngài cũng là người Việt Nam. Suy ra những điều Ngài đã xem rồi cảm tác trong 77 bài thơ này là những tiên tri cho quả địa cầu 68 và nước Việt Nam đó vậy.
Về mặt thời gian thì chúng tôi chưa biết được khi nào những việc đó sẽ xảy ra, nhưng về mặt không gian, thì có thể đoán như sau:
Trong phần ba, từ bài 7 đến bài 13, Ngài có nói 4 hướng Nam Bắc Tây Đông, nhưng Nam, Tây và Đông thì đời sống tốt đẹp, còn Bắc thì toàn là quỉ vị. Vậy có thể đoán đó là Tứ Đại Bộ Châu, vốn dưới quyền điều khiển của Ngài hết Ba Châu (do phẩm vị thiêng liêng của Ngài là Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn), còn Châu thứ tư là Bắc Cù Lưu Châu thì dành cho quỉ vị. Vậy phần này không dính líu chi đến địa cầu của chúng ta.

Trong phần bốn, từ bài 14 đến bài 28, đặc biệt chỉ nói ba hướng Nam, Tây và Đông. Hướng Nam là tốt đẹp nhất, hướng Tây đánh nhau bằng vũ khí hiện đại còn hướng Đông thì thiên tai lụt lội. Phần này có thể nói về địa cầu 68 trong Hội Long Hoa. Sẽ có ba sự việc quan trọng xảy ra, thứ nhất là có một nơi phát triển về mặt đạo đức (hướng Nam), thứ hai là nhân loại bị chiến tranh chết chóc và thứ ba là bị ngập lụt cực lớn. Trong phần này đặc biệt không nói tới hướng Bắc.
Trong phần bảy, từ bài 40 đến 51, lại nói về hướng Nam. Nhưng những chi tiết ở đây cho thấy là về một đất nước nào đó. Đất nước này cũng bị chiến tranh nhưng về sau thì được hưởng cảnh thanh bình.
Trong phần tám, từ bài 52 đến bài 59 thì nói về hướng Tây. Có vẻ như ám chỉ các nước phương Tây với văn minh kỹ thuật cao. Rốt cuộc các nước này cũng gặp nạn chiến tranh huỷ diệt.
Trong phần mười một, từ bài 74 đến bài 77 nói về hướng Bắc để kết thúc bằng câu “khó phân người với quỉ”. Từ phần bảy cho đến hết không hề nhắc tới hướng Đông.
Tới đây xin tạm kết thúc quyển sách này. Vì cả trình độ tri thức lẫn trình độ tâm linh của người viết chỉ có hạn, nên chỉ nói được bấy nhiêu. Hy vọng đó sẽ là viên gạch đầu tiên để những vị đi sau có cơ hội thấy xa hơn thế.
* Từ Chơn

Ghi Chú.
[1] Liên lạc với người đã chết thuộc thế giới bên kia.
[2] Có người viết là “sai bàn”. Theo cách này, người ta dùng một cái bàn ba hoặc bốn chân, người ta kê chân lên để bàn lắc qua lắc lại, gõ xuống nền cộp cộp. Nhiều người ngồi quanh bàn, úp bàn tay lên mặt bàn. Nếu có linh hồn nào muốn nói chuyện nhập vào, bàn sẽ gõ xuống sàn. Người ta mặc định gõ một tiếng là A, hai tiếng là Ă...vv. Cứ thế mà ghép thành câu.
[3] Nghĩa đen là ngựa để vua cưỡi. Đây là chức vụ vua chúa ngày xưa thường phong cho quan chức nào được tin tưởng hoặc ưu ái. Chức vụ Ngự Mã Quân của Ngài Phạm Công Tắc cho thấy Đức Chí Tôn Thượng Đế rất tin cậy Ngài.
[4] Vợ của Ngài Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư. Đầu Sư là chức vụ lớn nhất của phái nữ trong đạo Cao Đài.
[5] Tốc ký viên Toà Thánh Tây Ninh. Ông từng là Quận Trưởng Phú Khương, Tây Ninh và là người chấp bút quyển Bí Pháp Luyện Đạo.
[6] Lúc đầu tiên Đức Chí Tôn Thượng Đế xưng là A Ă Â.
[7] Người cùng tham dự buổi cầu cơ.
[8] Nơi có cầu cơ.
[9] Dharmapala Buddha - một vị Phật có nhiệm vụ bảo vệ Phật pháp.
[10] Nói về triết lý đạo.
[11] Dẫn đầu là tốc ký viên Nguyễn Văn Mới.
[12] Quan điểm về nguồn gốc, cấu tạo, hình dạng và tiến hoá của vũ trụ (theo Cao Đài Giáo).
[13] Quan điểm về nguồn gốc và sự tiến hoá của con người (theo Cao Đài Giáo).
[14] Theo đạo Cao Đài, khi người ta luyện đạo đến mức Khí hoá Thần được, thì (Chơn) Thần sẽ tách rời cơ thể và có thể di chuyển trong vũ trụ. Tây phương gọi là astral projection.
[15] Nhìn tận mặt cõi trời.
[16] Thơ tiếng Việt nhưng theo qui luật thơ đời Đường bên Tàu.
[17] Hai chữ cuối bài thơ trước sẽ là hai chữ đầu bài thơ kế tiếp.
[18] Không thể tiết lộ máy trời.
[19] Nhà dành riêng cho Hộ Pháp, nằm trong khuôn viên đền Thánh Tây Ninh.
[20] Chỗ hiển chỗ không.
[21] Nơi, cõi.
[22] Đi mạnh dạn không sợ sệt.
[23] Trên cao.
[24] Nhiều cây thông.
[25] Chim hạc trên cõi trời.
[26] Rộn ràng.
[27] Con nai trên trời.
[28] Đi chậm, thong thả.
[29] Bảo, khuyên.
[30] Áo mặc trên cõi trời.
[31] Nơi gặp mặt của bảy vị trí thức bên Trung Hoa (Trúc Lâm Thất Hiền)
[32] Đánh cờ.
[33] Thất Hiền, bảy học giả, nhà thơ và nhạc sĩ bên Trung Hoa thời xưa: Nguyễn Tịch, Kê Khang, Lưu Linh, Sơn Đào, Hướng Tú, Vương Nhung, Nguyễn Hàm. Các vị này thường họp mặt ở rừng trúc, đàn ca, uống rượu, bàn chuyện văn chương.
[34] Không tra được từ này. Có lẽ là “dẻo cẳng” tức là chân dẻo dai. Già dẹo cẳng là lớn tuổi nhưng còn khoẻ mạnh.
[35] Thích làm thơ.
[36] Hằng Nga, vị tiên nữ trên mặt trăng.
[37] Đàn tỳ bà, một loại đàn cổ Trung Hoa.
[38] Cúc, Trúc, Mai, Lan - 4 loại cây đại diện cho 4 mùa: thu, hạ, xuân, đông.
[39] Loại nhạc cổ Trung Hoa, thường dành riêng cho vua chúa.
[40] Lệnh của vua ngày xưa.
[41] Chuyện trò tâm sự của bạn bè.
[42] Hết sức rõ ràng.
[43] Giang - sông; san (sơn) - núi.
[44] Thơ theo luật đời Đường bên Tàu. Một bài thơ gồm tám câu, mỗi câu bảy chữ.
[45] Qui ước theo thông lệ. Nghĩa là : dùng những từ ngữ mà người ta vẫn thường dùng để nói về một điều gì đó. Thí dụ thiếu nữ đẹp thì tả là “mày ngài” “mắt phụng”; người tài giỏi thì phải “văn võ song toàn”...vv.
[46] Nhục - thịt. Thân - cơ thể. Xác thân ở cõi trần.
[47] Hay thuỷ mặc - tranh vẽ phong cảnh bằng mực đen trên vải trắng của người Trung Quốc xưa.
[48] Không tra cứu được là ai.
[49] Quạnh vắng, buồn bã.
[50] Hỏi cho biết.
[51] Không chắc.
[52] Phàm tục, cõi trần.
[53] Thập Điện Diêm Vương - 10 nhà tù ở địa ngục.
[54] Thoả mãn, vừa ý.
[55] Giang - sông. San - núi. Thường người xưa gọi một đất nước là giang san.
[56] Nước mắt.
[57] đứa trẻ khoảng mười mấy tuổi thường để giúp người lớn tuổi.
[58] một loại chổi để quét bụi. Thường các tu sĩ đạo Lão hay cầm.
[59] vân xa, loại phương tiện di chuyển trên trời.
[60] Tầng trời.
[61] Truyện ghi lại.
[62] Người đón.
[63] Áo kiểu đạo sĩ.
[64] Con lừa gầy ốm.
[65] Ngọc Hư Cung - nơi Thượng Đế ngự. Chiếu Ngọc Hư - Lệnh của Thượng Đế.
[66] Xem cho đã mắt.
[67] Phướn - một loại cờ treo xuôi, thường dùng dẫn đầu một đoàn người. Phướn Tiêu Diêu, cờ hiệu của Lục Nương để dẫn các chơn hồn vào Cung Diêu Trì của Đức Phật Mẫu.
[68] Khói hun - lùa khói vào một chỗ, như hun khói để bắt chuột.
[69] Linh hồn của những người làm ác trên thế gian.
[70] Can - cái mộc; qua - cây giáo. Can qua - chiến tranh.
[71] Người rất lớn tuổi.
[72] Có thể hiểu là “ba tầng” trời hoặc “vài tầng”. Gợi ý: tầng trời thứ ba, Thanh Thiên.
[73] Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hoá Châu, Nam Thiệm Bộ Châu và Bắc Cù Lưu Châu.
[74] Tầng trời.
[75] Trái địa cầu. Trái địa cầu nhân loại đang ở xếp thứ 68.
[76] 3,000 thế giới.
[77] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. Q1
[78] Bạn rất thân đến nỗi biết rõ bụng dạ nhau.
[79] Cười nụ, nhẹ nhàng không lớn tiếng.
[80] Bạn cũ.
[81] Không quan tâm, để ý đến...
[82] Có được ngôi vị trên trời.
[83] Cựa quậy cơ thể thật mạnh.
[84] Ướt vì nước.
[85] Một loại chổi để quét bụi. Thường các tu sĩ đạo Lão hay cầm.
[86] Huỳnh Thiên, tầng trời thứ 4 trong 9 tầng trời. Tứ Nương Diêu Trì Cung hướng dẫn các chơn hồn khi về đến đây.
[87] Nói cho tường - nói cho rõ ràng.
[88] Rõ cách hoạt động của các cơ quan trên trời.
[89] Một trong 3 phẩm vị Thần trên trời: Địa Thần, Nhơn Thần, Thiên Thần.
[90] Rung mạnh cho rớt xuống.
[91] Bước nhanh.
[92] Tên họ.
[93] Giữ lễ phép, khiêm tốn
[94] Dừng lại.
[95] Cùng vào để chầu vua.
[96] Lên trên đài cao.
[97] Bắc Đẩu và Nam Tào - hai vị Tiên giữ hồ sơ sống chết của con người.
[98] Chờ đợi.
[99] Lệnh của Thượng Đế.
[100] Làm cố vấn.
[101] Cái mộc dùng che thân thể của người lính khi xưa. Giáo khiên - chỉ vũ khí.
[102] Đổ thừa cho tình thế nguy hiểm.
103] Trở thành ngây dại, điên loạn.
104] Hai loại dù lớn che nắng dùng cho các quan ngày xưa.
105] Những món đồ trang trí cho thêm nghiêm trang, long trọng trong cung vua hay các buổi lễ.
[106] Một vũ khí cổ giống cây gậy có móc câu ở một đầu.
[107] Một phương - một vùng, một khu vực.
[108] Chim có hình dạng kỳ dị, lạ lùng.
[109] Bay lượn.
[110] Xẹt ra ánh chớp.
[111] Quái vật dưới biển.
[112] Tạo ra gió lớn.
[113] Một loại bẫy làm bằng tre để bắt cá.
[114] Chất cây thành đống dưới nước cho cá tụ tập lại, rồi bắt bằng lưới.
[115] Túng thiếu.
[116] Quái vật dưới biển, có sách nói đó là cá sấu cổ ở Trung Hoa.
[117] Lộn xộn, không có hàng lối.
[118] Cái lồng, cũi lớn.
[119] Sống thêm lâu.
[120] Cá mắc kẹt trong thành.
[121] Rồng bị giam trên núi.
[122] Không đủ quần áo mặc.
[123] Tên một vì sao quan trọng để lấy số, đoán tương lai vận mạng.
[124] Lúc đầu Đức Hộ Pháp nói có một tiểu đồng và hai tiên nữ đón Ngài, vậy trong đoàn của Ngài có tổng cộng là bốn vị.
[125] Có thể hiểu “nhiều lần” hoặc “ba kiếp”.
[126] Vị nữ Phật thứ tư trong chín vị nữ Phật. Chín vị này phụ tá cho Đức Phật Mẫu.
[127] Cao Đài giáo có ba bậc thần, xếp từ thấp lên cao là Địa Thần, Nhơn Thần, Thiên Thần.
[128] Tượng có hình Âm Dương của đạo Lão.
[129] Dịch - to lớn. Đài - toà nhà cao.
[130] Quen quen là phải vì Ngài cai quản Tam Châu (ba châu) Bát Bộ (tám loại chơn hồn) trên Thiên Đình,
bây giờ xuống trần gian làm Phạm Công Tắc nên quên hết.
[131] Có người gợi ý “người ba miệng” và “mắt một tròng” là Tam Giáo và Thiên Nhãn, tức là đạo Cao Đài.
[132] Nói nhẹ nhàng.
[133] The Fairy in Blue
[134] Nói liến - nói nhiều để che đậy điểm yếu của mình.
[135] Nói trây - nói chơi, không nghiêm túc.
[136] Cõi trời, cõi Thiên Thai.
[137] Được bao lâu mà....
[138] Minh Cảnh Đài - một nơi trên trời, có một tấm gương để các chơn hồn nhìn vào và thấy những điều mình đã làm trong kiếp sống.
[139] Ý nói những tính tốt, có đạo đức.
[140] Những ước - chỉ ước mơ một điều...
[141] Trái lê, ám chỉ người con gái đẹp.
[142] Những bài thơ Đức Phật làm sau khi giảng kinh.
[143] Cuộc sống gian khổ.
[144] Xoá bỏ những nhơ bợn của cõi trần.
[145] Gươm trí huệ - sự khôn ngoan sáng suốt của người đắc đạo.
[146] Duyên nợ ở cõi trần.
[147] Những nợ nần ta vướng phải khi sống ở thế gian.
[148] Nhìn rõ mặt, ý nói hiểu rõ mọi việc.
[149] Trên trời.
[150] Hạnh phúc.
[151] Chịu nhiều đau khổ.
[152] Trầy trụa, có vết hằn sâu.
[153] Nàng Tô Huệ ở Trung Hoa, làm 10 bài thơ nhớ chồng phải đi công vụ xa nhà lâu ngày. Sau đó nàng thêu lên bức gấm gọi là Chức Cẩm Hồi Văn. Nàng đem dâng lên cho vua. Nhà vua đọc thơ cảm động nên cho chồng về sum họp.
[154] Chưa nhằm nhò gì so với chuyện của tôi.
[155] Trên bọc trong dâu - chỉ những mối tình vụng trộm hoặc vượt ngoài vòng lễ giáo.
[156] Giấc mộng thấy mình biến thành bươm bướm. Trang Tử, một triết gia cổ đại Trung Hoa, nằm mơ thấy mình biến thành bươm bướm. Khi tỉnh dậy, ông không biết mình biến thành bướm hay bướm biến thành mình. Bây giờ người ta dùng mộng điệp để chỉ cuộc đời chỉ là ảo mộng.
[157] Giấc ngủ ngon.
[158] Cầu Lam ở Trung Hoa, nơi đây ngày xưa một người đã tìm được hôn thê và hai người sống với nhau rất hạnh phúc.
[159] Theo truyền thuyết, Sông Ngân trên trời ngăn cách hai người yêu nhau là Ngưu Lang (người chăn trâu) và Chức Nữ (cô gái dệt vải). Mỗi năm một lần đàn quạ đen bắc cầu để hai người gặp nhau. Nước mắt hai người rơi xuống thế gian tạo thành mưa ngâu.
[160] Sông Tương ở Trung Hoa được dùng để tượng trưng cho những mối tình dang dở.
[161] Cam lộ hay cam lồ là nước thánh, theo Phật Giáo.
[162] Núi Vu Giáp ở Trung Hoa, nơi một vị vua đã gặp và yêu thương Thần làm mây và mưa. Ngày nay người ta hay nói chuyện mây mưa để chỉ việc ân ái của hai người yêu nhau.
[163] Thần Bếp.
[164] Cái đài to lớn.
[165] Ba châu lớn và tám loại linh hồn.
[166] Tướng trên trời.
[167] Qua - ngọn giáo; mâu - ngọn giáo có lưỡi uốn hình dợn sóng.
[168] Phun ra ngọc quí.
[169] Nghi ngờ không biết dài hay ngắn.
[170] Danh sách những người được phong vị Thần.
[171] Quân đội trên trời.
[172] Thần Sấm.
[173] Theo truyền thuyết Trung Hoa, Kim Quang Điện Mẫu là nữ thần tạo ra tia sét, vợ của Lôi Công.
[174] Quân lính trên cõi trời.
[175] Người có công lớn trong việc lập thành một nước.
[176] Bản vẽ hình tám quẻ Bát Quái.
[177] Sáng trưng.
[178] Theo Đạo Cao Đài dưới 36 tầng trời là ba ngàn thế giới.
[179] Theo Đạo Cao Đài, dưới Tứ Đại Bộ Châu là 72 quả địa cầu, trong đó có quả chúng ta đang ở là địa cầu 68.
[180] Trên 72 địa cầu là Tứ Đại Bộ Châu (4 châu lớn), bao gồm Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hoá Châu, Nam Thiệm Bộ Châu và Bắc Cù Lưu Châu (dành cho quỉ).
[181] Phước, Lộc, Thọ là ba vị Thần tượng trưng cho ba điều cần có cho một cuộc sống lý tưởng.
[182] Tính toán sòng phẳng với nhau.
[183] Hình dạng kỳ dị.
[184] Một quyển kinh quan trọng của đạo Lão.
[185] Địa Ngục.
[186] Địa Ngục.
[187] Thành đạo, đắc đạo.
[188] Hiển đạt, làm nên sự nghiệp.
[189] Minh Cảnh Đài, nơi đây có tấm gương, ai nhìn vào cũng thấy những hành vi của mình lúc còn sống.
[190] Nam Tào và Bắc Đẩu, hai vị thần giữ sổ bộ sinh ra và chết đi của loài người.
[191] Ngọc Hư Cung, nơi Thượng Đế ngự.
[192] Bạch Ngọc Kinh, trung tâm chỉ huy của vũ trụ.
[193] Những điều nhỏ nhặt, không đáng để ý.
[194] Làm điều ác sẽ gặp chuyện xui xẻo, bệnh tật trong tương lai.
[195] Cõi trời.
[196] Năng lượng xấu.
[197] Gặp mặt.
[198] Chuyển động nhẹ trước khi xoay.
[199] Nữ Thần Sét, vợ của Lôi Công, Thần Sấm.
[200] Thần lo về thời tiết.
[201] Lỗ Ban, người Trung Hoa, được xem là ông tổ nghề mộc và xây dựng.
[202] Các đấng thiêng liêng.
[203] Địa Tiên - những người thông minh tuyệt đỉnh, nhưng chưa đạt được địa vị Thần, Thánh, Tiên, Phật. Phép Địa Tiên là những phát minh khoa học kỹ thuật của con người.
[204] Nữ Thần Sét, vợ của Lôi Công.
[205] Lỗ Ban, người Trung Hoa, được xem là ông tổ nghề mộc và xây dựng.
[206] Con cừu.
[207] Thần Bạch Mi (vị Thần có lông mày trắng, có người nói là không có lông mày), thường được thờ ở nơi chứa gái điếm.
[208] Thần Linh thật sự, không phải Thần Linh giả mạo.
[209] Kinh kệ của các tôn giáo.
[210] Nhà cửa to lớn đẹp đẽ.
[211] Hỏi thử xem biết hay không.
[212] Sự linh thiêng.
[213] Ngâm thơ.
[214] Nói không thành tiếng rõ ràng như trẻ con mới học nói.
[215] Đất ở phía tây, người Việt xưa thường gọi Kampuchia (Cambodia) là Tây Thổ.
[216] Làm sao mà, cách nào mà.
[217] Địa Ngục.
[218] Nguồn gốc.
[219] Điều khiển học (cybernetics) là khoa học về việc điều khiển, thu thập, truyền và xử lý thông tin, trong các cơ thể sống, máy móc, các tổ chức và các kết hợp của chúng (Ví dụ hệ thống kỹ thuật xã hội, các máy móc do máy tính điểu khiển, chẳng hạn robot).
[220] Thần có lông mày trắng. Theo cụ Nguyễn Du trong truyện Kiều, thì đây là vị thần mà các nhà chứa gái mãi dâm thờ.
[221] Xin lưu ý, thông thường tín đồ Cao Đài dùng từ “chơn linh” để gọi các “linh hồn”. Nhưng từ chơn linh trong bài thơ này lại có nghĩa là “thật sự linh thiêng”.
[222] Người VN xưa thường gọi Cambodia là Tây Thổ.
[223] Địa ngục.
[224] Như thế này.
[225] Vị Thần lo về thời tiết.
[226] Lôi Chấn Tử, tức là Lôi Công, vị Thần tạo ra sấm.
[227] Quan Vũ, Quan Công, Quan Thánh Đế Quân, một vị tướng Trung Hoa nổi tiếng là nghĩa khí. Nay là
Tam Trấn Oai Nghiêm của đạo Cao Đài.
[228] Cái thẻ bằng ngà hoặc giấy để ra lệnh cho quân lính đánh nhau.
[229] Những người chết mà trong lòng còn tức tối, chưa hài lòng về một điều gì đó ở thế gian.
[230] Khóc nhỏ dai dẳng.
[231] Người tu theo đạo Phật.
[232] Lẩn thẩn - ngơ ngẩn như người mất trí.
[233] Những người chết không có thân nhân chăm sóc hương khói.
[234] Nhà to lớn đẹp đẽ.
[235] Giống như.
[236] Lo cho mình được an toàn.
[237] Làm đủ mọi cách.
[238] Trần gian, trần tục, cõi trần - nơi con người đang sống.
[239] Tự tử bằng cách nhảy xuống sông, biển.
[240] Lời giải thích.
[241] Xấu hổ, mắc cỡ.
[242] Ý trời.
[243] Địa cầu.
[244] Đứa trẻ tinh ranh, xấu tính, hư hỏng.
[245] Trời, Thượng Đế, Chúa Trời.
[246] Đắc đạo, đắc pháp, đạt được mục đích cuối cùng khi đi tu.
[247] Những rắc rối ở cõi trần.
[248] Là tro xác Đức Phật sau khi hoả thiêu. Tương truyền đó là một loại ngọc.
[249] Một loại côn trùng có đời sống rất ngắn. Dùng để ám chỉ kiếp người ngắn ngủi.
[250] Bị phạt phải xuống trần vì những tội gây ra trong kiếp trước.
[251] Đắc đạo, thành Phật, thành công trong tu học.
[252] 100 năm, ý nói một kiếp người.
[253] Lúc cuối cùng của cuộc đời.
[254] Thánh ngôn, lời dạy của các đấng thiêng liêng.
[255] E sợ.
[256] Ngũ Chi (Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo)
[257] Cửu Thiên Khai Hoá, 9 tầng trời.
[258] Hình phạt đáng sợ.
[259] 1/10 của thước, thường dùng để chỉ tấm lòng.
[260] Nặng nề.
[261] Nhẹ, không đáng kể.
[262] Người trần.
[263] Tăng - thầy tu; đồ - người theo một tôn giáo.
[264] Khăng - cương quyết không thay đổi; thìn - tính nết hiền lành.
[265] Suy nghĩ cẩn thận.
[266] Nơi các linh hồn bị trừng phạt, ý nói trần gian.
[267] Luật để phạt kẻ hung dữ.
[268] Bạch Ngọc Kinh, nơi điều hành vũ trụ.
[269] Tính kỹ cho phù hợp.
[270] Cái rễ cây, ý nói gốc tích. Trong câu này dùng để chỉ những người có làm nhiều điều tốt trong kiếp trước.
[271] Nghĩa giống như căn cước ở câu trên.
[272] Đâu ngại, đâu sợ.
[273] Khổ sở của cuộc sống.
[274] Trêu - diễn ra trước mắt.
[275] Kỳ lạ, không bình thường.
[276] Người xấu, người không có đạo đức.
[277] Đi qua đi lại để khoe là mình đẹp (bẹo hình bẹo dạng)
[278] Gây khó chịu.
[279] Bị phạt phải sống ở thế gian.
[280] Câu chấp. Chẳng nệ - không xem đó là thù địch.
[281] Lhông khác nhau, không tách rời nhau.
[282] Tránh không chạm tới.
[283] Rời bỏ.
[284] Nhận kinh sách.
[285] Nho Gia, người theo đạo Khổng.
[286] Ông Đào, không rõ có phải là Đào Tiềm, một nhà thơ Trung Hoa cổ không (?)
[287] Mãi - mua; mại - bán.
[288] Đền thờ Đức Khổng Tử, Giáo Chủ Nho Giáo.
[289] Đàn Nam Giao, nơi các Vua nhà Nguyễn làm lễ tế Trời hàng năm.
[290] Hư hỏng hoàn toàn.
[291] Cạn nước.
[292] Cái giỏ bằng tre dùng để tát nước.
[293] Yêu quỉ, yêu quái.
[294] Người chết vì nước.
[295] Nghe rất khó chịu.
[296] Hàng cọc đóng dưới sông để giăng lưới bắt cá.
[297] Hoạn - quan chức. Ngày xưa, người ta thường nói hoạn hải (bể hoạn) để chỉ trường quan lại.
[298] Động đậy, không ổn định.
[299] Nước dâng lên.
[300] Rộn rịp.
[301] Không rõ ràng.
[303] Suy nghĩ của người phàm tục.
[304] Sự sáng suốt của người đạt đạo.

Nguồn:
ia-of-caodaism

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét