Vài Cảm Nghĩ Về Uy Lực Của THƠ Trong ĐẠO CAO ĐÀI ( Phương Hoa )

Hôm nay, Viện Sử Cao Đài: Giới thiệu về thân phận của Nữ nhà văn Phương Hoa. Một trong những thành viên của Viện Sử Cao Đài sinh hoạt náo động nhất, có tư tưởng, tình cảm phong phú cũng như khách quan tiếp cận hiện thực cuộc sống Đạo-Đời. Từ đó xây dựng những Tác phẩn lớn chứa đựng xúc cảm trải rộng gửi đến Quý Hiền như Tác phẩm "Vài Cảm Nghĩ Về Uy Lực Của THƠ Trong ĐẠO CAO ĐÀI ".


Tác phẩm lớn của Nữ nhà văn Phương Hoa, chủ yếu mạch văn quyện vào lòng người mà bạn đọc cần ghi lại những ấn tượng sâu sắc về âm hưởng của bài văn. Chứ không phải tác phẩm lớn theo nghĩa đơn phương là một cuốn sách dày cộng cả ngàn trang.

Tác phẩm lớn của Nữ sĩ Phương Hoa chuyên chở 3.515 từ ngữ, viết trên bốn trang A4, bạn đọc chỉ 15 phút, nhận được những tín hiệu ĐẠO rất đơn giản, và thực sự hữu ích, bởi cách hành văn mộc mạc giữ nguyên vẻ tự nhiên của mỗi từ mang theo chân dung và hồn ĐẠO của Tác phẩm "Vài Cảm Nghĩ Về Uy Lực Của THƠ Trong ĐẠO CAO ĐÀI ".

Tác phẩm "Vài Cảm Nghĩ Về Uy Lực Của THƠ Trong ĐẠO CAO ĐÀI" với nội dung hoàn toàn tính dân tộc Việt Nam không pha trộn với những chất liệu văn hóa thập cẩm, bởi ngữ âm là yếu tố của ngôn ngữ ĐẠI ĐẠO, nói một cách khác Tác phẩm "Vài Cảm Nghĩ Về Uy Lực Của THƠ Trong ĐẠO CAO ĐÀI " là một tinh hoa chân thành của nhân cách. Tác giả miêu tả nhẹ nhàng từ con chữ hóa hiện thành tư duy ĐẠI ĐẠO. Càng đọc đi, đọc lại sẽ nhận diện tác phẩm này đáng để vào lòng của Quý Hiền mà ít khi Bạn đọc lưu tâm như "Vài Cảm Nghĩ Về Uy Lực Của THƠ Trong ĐẠO CAO ĐÀI ".

Nữ nhà văn Phương Hoa hướng dẫn người Tín đồ Cao Đài chỉ cần ba (3) yếu tố căn bản: 1 - Để vào lòng Kinh Đạo. 2 - Phát huy ý nghĩa Kinh Đạo. 3 - Thực hiện theo Kinh Đạo.
Mời Quý Hiền hãy chiêm nghiệm nội dung tác phẩm "Vài Cảm Nghĩ Về Uy Lực Của THƠ Trong ĐẠO CAO ĐÀI ", Đạo Nghiệp của Quý Hiền nhất định sẽ thành.

Chính mình đọc và suy tư Tác phẩm "Vài Cảm Nghĩ Về Uy Lực Của THƠ Trong ĐẠO CAO ĐÀI " mới hiểu sâu sắc nội dung và phong thái truyền Đạo ngày nay. Chính Tác phẩm này là một thông điệp (Không ai tu giùm để cho mình lên Thiên Đàng) đây là một trong những ẩn dụ của Nữ nhà văn Phương Hoa muốn gửi gấm đến bạn đọc. Bạn đọc hãy nhận diện chính mình qua tác phẩm "Vài Cảm Nghĩ Về Uy Lực Của THƠ Trong ĐẠO CAO ĐÀI " của Nữ nhà văn Phương Hoa phát nguyện chuyển đến bạn đọc.

Nữ nhà văn Phương Hoa chuyển tải ý Đạo để xây dựng cộng đồng thực hiện Đạo đức, và những chân dung Gia đình làm câu chuyện ngụ ngôn trong Văn và Thơ, như bài: "THƠ & ĐẠO, Noël 1925, Kinh Sám Hối, Ban Trị Sự miền xa, vị Lễ Sanh ông gia già chồng đọc thơ Thánh Ngôn Thánh Giáo, và Bà chị chồng hơn 80 tuổi."

Những câu chuyện rất ĐẠO, quả nhiên đẹp tuyệt, và hy vọng bạn đọc cảm nhận được hạnh phúc của người tất của ta. Nữ nhà văn Phương Hoa miêu tả tính chân thực của con người (hãy ta đi mãi thì thành đường thôi).

Nói chung khi đã đọc tác phẩm có một bề dày của "Vài Cảm Nghĩ Về Uy Lực Của THƠ Trong ĐẠO CAO ĐÀI " giúp bạn đọc trải nghiệm cuộc sống làm người không thể xa rời thực tế, như những câu chuyện "Đẽo cày giữa đường", "Chị bán nồi đất", "Chuyện bó đũa", "Mèo lại hoàn mèo", v.v...

Những câu chuyện ngụ ngôn mà bạn đọc của Nữ nhà văn Phương Hoa sẽ thực nghiệm và rút ra từ thực tiễn cuộc sống. Nội dung "Vài Cảm Nghĩ Về Uy Lực Của THƠ Trong ĐẠO CAO ĐÀI " chuyển tải ý niệm triết học đích thực như những bài học bổ ích, khuyên con người nên đứng đúng vị trí của mình, sống cần có sức mạnh và mọi sự thương yêu trong lòng ĐẠI ĐẠO.
Người viết lời giới thiệu HT/Huỳnh Tâm xin mời Quý Hiền hãy cùng đọc Tác phẩm mới nhất của Phương Hoa:

Vài Cảm Nghĩ Về Uy Lực Của THƠ Trong ĐẠO CAO ĐÀI ( Phương Hoa )

THƠ VÀ ĐẠO
(Thể bát điệp)

" THÁNH GIÁO CAO ĐÀI "thơ" hiển minh
Lời "thơ" châu ngọc lộng huyền linh
CHA TRỜI diệu dụng "thơ" thâm Thuý
THƯỢNG ĐẾ ban "thơ" ý sắc vinh
TIÊN PHẬT giáng đàn "thơ" diễn sách
CỬU THIÊN "thơ" trải chữ hườn kinh
TÍN ĐỒ cẩn cẩn "thơ" in dạ
ĐẠI ĐẠO "thơ" truyền giảng THÁNH KINH."

* Phương Hoa
Apr 30th 2020)
Kính thưa quý chư Huynh, Tỷ, Đệ, Muội,
Có người từng nói với tiện muội, Đạo Cao Đài là "Đạo Thơ" và hầu như mỗi tín đồ Cao Đài là một "nhà thơ," vì khi luận chuyện, dù chuyện đời hay chuyện đạo, họ thường kèm theo những câu thơ rất hay, rất ý nghĩa.

Điều này có lẽ đúng.
Tự ngàn xưa, người Việt Nam đã rất yêu thơ và gần gũi với thơ. Từ đời này sang đời khác, những câu thơ, ca dao, tục ngữ, vè, dân ca, được người ta lưu truyền không gián đoạn. Chính những điều này đã khiến cho thơ trở thành nền Văn Hóa đặc trưng của nước Việt, sản sinh ra nhiều thi hào, thi bá với những tuyệt tác bất hủ như "Chinh Phụ Ngâm" của Đặng Trần Côn, bà Đoàn Thị Điểm dịch, rồi "Cung Oán Ngâm Khúc" của Nguyễn Gia Thiều, và "Đoạn Trường Tân Thanh" của Nguyễn Du. Có lẽ vì vậy mà những ngày đầu khi Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế hạ trần mở đạo ở Việt Nam, Người đã dùng thơ để "chiêu nạp" môn đồ.

Trong đêm Giáng Sinh năm 1925, lần đầu tiên Người xưng danh "Ngọc Hoàng Thượng Đế" và ban cho nhóm cầu cơ một bài thơ Tứ Tuyệt để khẳng định ngôi vị của mình. Tiện muội xin phép được trích lại bài thơ này từ Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:

" Noël 1925
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ VIẾT CAO ÐÀI
TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT GIÁO ÐẠO NAM PHƯƠNG

" Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
Ðạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên."
                                                 (TNHT tr. 29)
Kế đến, là bài thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt rất độc đáo. Thầy "điểm danh" mười hai cao đồ đầu tiên của Người:
" Chiêu Kỳ Trung độ dẫn Hoài sanh,
Bản đạo khai Sang Quí Giảng thành.
Hậu Ðức Tắc Cư Thiên Ðịa cảnh,
Huờn Minh Mân đáo thủ đài danh."
                                                 (TNHT tr. 29)
Bài thơ không phải chỉ chủ ý mỗi việc điểm danh các môn đồ, Thầy còn gửi gắm vào đó những ý nghĩa thâm sâu về mối Đạo Thầy sắp ban, mà vì tâm đạo còn non nớt tiện muội dù có hiểu ít nhiều Thánh Ý cũng không dám lạm bàn ở đây.

Thế đó, THƠ đã đến với ĐẠO trong ngày đầu tiên, và thơ tiếp tục hòa theo nền Đạo từ dạo ấy. Trong phần kinh Thiên Đạo, từ các bài kệ Niệm Hương, Khai Kinh, đến Dâng Hoa, Dâng Tửu, Dâng Trà trong kinh cúng Tứ Thời, tới kinh Sám Hối, rồi Phật Mẫu Chơn Kinh, cho đến phần kinh Thế Đạo, như các bài kinh Thuyết Pháp, Nhập Hội, kinh Đi Ngủ, kinh Thức Dậy, v.v... nhất nhất đều là những dòng thơ chứa đầy ý Đạo, lời thơ đơn giản nhưng mượt mà, chảy tuôn như suối. Nhờ thế, tín đồ Cao Đài dễ dàng thuộc nằm lòng những lời kệ câu kinh, những lời dạy bảo đầy thương yêu quý giá của Thầy-Mẹ. Và cũng nhờ thế, không mấy tín đồ Cao Đài dám làm trái với những lời vàng ngọc của Thầy và chư Phật, Thánh, Thần, Tiên.

Riêng bài kinh Sám Hối, một bài kinh có ý nghĩa tràn trề, đạo tâm chất ngất, lời thơ song thất lục bát dạt dào, bắt đầu bằng những câu:
"Cuộc danhh lợi là phần thưởng quí
Đấng Hóa Công xét kỹ ban ơn
Lòng đừng so thiệt tính hơn
Ngày đêm than thở dạ hờn ích chi…"
              Và kết thúc với:
" Làm người nhân nghĩa giữ tròn
Muôn năm bóng khut tiếng còn bay xa."
Chỉ trong 111 câu, 444 dòng, và 3008 chữ, bài kinh Sám Hối đã truyền tải những lời khuyên răn vô cùng quý giá để tín đồ học sống làm người tốt. Những ai thuộc kinh này nằm lòng thì cũng khó mà phạm tội, hoặc có lỡ phạm tội rồi, cũng phải áy náy lương tâm để rồi đưa đến sự hối lỗi ăn năn.

Nói về chuyện ảnh hưởng của kinh Sám Hối, tiện muội lại nhớ đến vài chuyện cũ bên lề cũng khá vui vui, xin kính chia sẻ cùng quý hiền. Sau 75, gia đình tiện muội từ thành phố bị đày đi vùng kinh tế mới vì ông xã từng phục vụ cho Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. May mắn được sống gần Thánh Thất Cao Đài, nơi mà tín đồ đến từ khắp bốn vùng chiến thuật vì chạy giặc, tránh giao tranh trước đó, nên có rất nhiều Ban Trị Sự của mỗi tỉnh được hình thành ở đây. Thời gian ấy tiện muội làm thư ký trong Ban Trị Sự tỉnh của muội và thường sinh hoạt với vị nữ Chánh Trị Sự đại diện tỉnh mình. Mỗi lần tín hữu có xung đột gia đình hay con cái ngỗ nghịch thì họ thường nhờ Ban Trị Sự đến giúp khuyên bảo, và hầu như lúc nào vị Chánh Trị Sự ấy cũng đem những lời kinh Sám Hối ra giảng giải. Nếu vợ chồng bất hòa vì chuyện tiền nong thì những câu kinh như, "Lo danh vọng hao mòn thân thể / Ham làm giàu của để bằng non / Một mai nhắm mắt đâu còn…" (Sám Hối Kinh) được dùng để khuyên giải, hoặc khi có đứa con ngỗ nghịch thì đứa trẻ sẽ được nghe, " Làm con phải trau giồi hiếu đạo / Trước là lo trả thảo mẹ cha…" và cái uy lực của những câu kinh đó đã giúp mọi việc được ổn thỏa. Nhiều lần nhóm muội đi khuyên giải những hờn giận giữa xóm giềng, cũng đều nhờ những câu thơ, lời kinh, chữ Thánh thật ngọt ngào nhưng đầy xúc động của Đạo đã giúp mọi người quay trở lại với chính mình. Cho nên, nếu nói "Uy lực của THƠ rất mạnh trong Đạo Cao Đài" thật không ngoa.

Một khi kinh thơ được bỏ vào "đầy bụng," người ta rất dễ dàng thốt ra vài câu thơ đạo đức từ những gì họ đã học, hoặc tự mình sáng tác ra vài câu tương tự trong giao tiếp hàng ngày. Ông gia của tiện muội ngày còn sanh tiền là một Lễ Sanh, mỗi lần dạy dỗ cháu con cụ đều dùng những câu thơ từ Thánh Ngôn Thánh Giáo, và tuy rằng cụ chỉ giỏi chữ Nho còn Quốc Ngữ thì hạn chế, nhưng cụ đã sáng tác và viết tay lại rất nhiều thơ Quốc Ngữ hay và đầy ý nghĩa về thế đạo lẽ đời, những câu thơ dạy đạo đức, học làm người, hiếu nghĩa... để lại cho con cháu. Khi gia đình tiện muội định cư ở Mỹ, mỗi lần nhận thư nhà đều có thư cụ, nhưng không phải thư thăm hỏi bình thường, mà là những bài thơ viết tay cụ gửi để khuyên bảo cháu con rất cảm động. Xin ghi lại vài câu muội vẫn còn nhớ đến giờ:

" Từ khi lưu lạc xa xăm
Phải lo cuộc sống nhọc nhằn lắm đây
Cũng đừng quên mối ĐẠO THẦY
Tu thân tích đức mai nầy hồi quy..."
Như bà chị chồng hơn 80 tuổi của tiện muội còn ở bên nhà, chị Hai là một người ngày xưa chưa qua hết bậc Tiểu Học vì cái suy nghĩ trọng nam khinh nữa thời ấy, "con gái học chi nhiều," nhưng hiện giờ thơ văn chị cũng đầy một bụng. Mấy năm gần đây, Thánh Thất nơi làng quê chị sống có mở những đợt thi viết về Đạo, chị đã thắng giải nhất liên tục trong nhiều năm nhờ vào "cái bụng Thánh Ngôn Thánh Giáo" ấy. Năm ngoái, tiện muội làm thủ tục bảo lãnh chị ấy qua Mỹ chơi với gia đình một tháng, thấy trình độ Đạo học của chị mà tiện muội...hết hồn luôn! Đã ngoại tám mươi, ăn trường trai, mỗi ngày xếp chân kiết già ngồi thiền hai bận, mỗi bận một tiếng đồng hồ, mà sắc diện chị tươi như hoa, lời nói thì trong trẻo như chuông, mắt đọc sách không cần đeo kính, đi bộ lại nhanh như sóc, làm mỗi lần đưa chị đi ra dạo biển tiện muội chạy đuổi theo muốn...hụt hơi luôn. Đặc biệt, chị mở miệng là tuôn ra thơ, không vài câu Thất Ngôn thì cũng mấy câu Lục Bát... Làm mấy tụi nhóc nhà tiện muội cũng phải "phục lăn" bà cô già này.

Riêng phần mình, tiện muội luôn cảm thấy chắc bản thân đã từng tu đến …chín kiếp, cho nên kiếp này mới may mắn có cơ duyên làm môn sinh Đạo Cao Đài. Những bài kinh lời kệ của Đại Đạo mà muội "nhập tâm" ảnh hưởng không ít đến phong cách thơ văn của muội. Dù thơ văn viết về Đạo, về đời, về thời sự, hoặc ngay cả về chuyện tình yêu, tiện muội thường có thói quen lồng vào kết cuộc cái tâm đạo đức của Cao Đài, để gửi gắm chút thông điệp quý báu đến độc giả, và tiện muội đã đạt được nhiều kết quả giá trị trong cuộc đời viết lách.

Phải nói THƠ và ĐẠO CAO ĐÀI có một mối liên quan, tương tác thật là thú vị. THƠ giúp ĐẠO chuyển tải những lời vàng ngọc của Thầy-Mẹ và chư Phật, Thánh, Tiên đến với chúng sinh, và ĐẠO giúp THƠ được luân lưu để cho người đời yêu thích, ngưỡng mộ.

Nếu ai trong quý chư huynh tỷ đệ muội thích làm thơ, kính mời hãy "bỏ bụng" cho thật nhiều kinh thơ của Đại Đạo và đặt cả trái tim mình vào tác phẩm, tiện muội tin rằng chuyện quý vị "xuất khẩu thành thơ" là điều không khó chút nào.

Để kết thúc chút suy nghĩ ngắn về THƠ này, tiện muội kính chia sẻ để quý chư huynh, tỷ, đệ, muội cùng thưởng thức bài thơ mộc mạc thể Lục Bát "bát điệp" dùng 8 chữ "THƠ" dưới đây:

" Điểm "thơ" THẦY MẸ giáng trần
Ban "thơ" nhân loại về gần ước mơ
Điện tiền ngào ngạt hương "thơ"
"Thơ" đưa nẻo lạc hồi bờ chính ngay
PHẬT "thơ" THÁNH ý ngày ngày
Nằm lòng "thơ" tụng diệt bay tánh phàm
LONG HOA "thơ" báo Kỳ Tam
CAO ĐÀI "thơ" mở Việt Nam ĐẠO TRỜI…

Kính cầu nguyện xin ơn Thầy-Mẹ ban phước cho quý huynh tỷ, đệ, muội và toàn thể chúng sanh trên thế giới này nhanh chóng thoát qua kiếp nạn đại dịch Vũ Hán.

NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
Apr 30nd 2020
* Phương Hoa 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét