NGƯỜI TÍN ĐỒ CAO ĐÀI CẦN XÉT LẠI DANH XƯNG HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG HAY HỘI YẾN DIÊU TRÌ. * Hiền Tài Phạm Văn Khảm

Rằm tháng 8 Âm lịch, là một trong các ngày lễ lớn của đạo Cao Đài. Vớingày lễ lớn nầy, hiện nay có hai tên gọi khác nhau : Hội Yến Diêu Trì Cung và Hội Yến Diêu Trì. Tại sao như vậy ? Chắc chắn tự nó không mang hai tên và cũng không thể để mặc ai muốn gọi sao cũng được vì trong cửa Đạo nhất thiết cần tôn trọng sự chánh danh. Chánh danh là một trong những yếu tố bảo thủ Chơn Truyền.

Do đó người viết bài nầy không có ý tạo ra sự tranh luận đúng sai, mà chỉ mong nêu rõ những dữ kiện đã lưu trong các kinh sách để tự mình suy nghĩ và lưa chọn:Cái nào đúng thì dùng còn sai thì sửa lại.

Xin đọc trích các đoạn sau đây để tham khảo:
" Theo cổ luật, người tu khi đắc đạo, chơn hồn được về DiêuTrì Cung hưởng Hội Yến Bàn Đào.Tiệc nầy được gọi là Hội Yến Diêu Trì Cung, vì tiệc được đặt tại Cung Điện  bên cạnh ao Diêu Trì, nơi Đức Phật Mẫu ngự ở tầng trời thứ 9 . Nơi đây,  chơn hồn được ăn quả Đào Tiên và uống Tiên Tửu mới được nhập vào cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, gọi là Nhập Tịch. Đó là Bí Pháp.

Ngày nay, thời Tam Kỳ Phổ Độ, thời Hạ Nguơn Mạt Pháp, với đặc ân Đại Ân Xá kỳ III, Đức Chí Tôn quyết định tận độ con cái của Ngài, thay vì đặt Bí Pháp ấy cao tận DIêu Trì Cung, Ngài buộc Phật Mẫu phải đến thế gian để Bí Pháp Hội Yến Diêu Trì ( không kèm theo chữ CUNG ) tại cửa Đạo nầy cho con cái của Ngài giải thoát. Ấy là Bí Pháp Thiêng Liêng, duy chỉ có tay Ngài định Pháp ấy mới đặng." ( Đức Hộ Pháp thuyết đạo tại Đền Thánh ngày 15-8- Kỷ Sửu- 1949 ).

Cũng trong bài thuyết đạo nầy, Đức Hộ Pháp kể lại rằng: Đức Chí Tôn  dạy sắp đặt cái tiệc ấy để đãi 10 Đấng vô hình: Đức Phật Mẫu, Cửu vị Tiên Nương. Phần hữu hình có 3 vị : Thượng Sanh, Thượng Phẩm và Hộ Pháp.

Bần Đạo mới hỏi: Tiệc nầy là tiệc gì ?
Đức Chí Tôn đáp: HỘI YẾN DIÊU TRÌ ( không có chữ CUNG kèm theo)
Ngoài ra, tại Cửu Long Đài chiều ngày 15-8- Tân Mão- 1951, Đức Hộ Pháp cũng đã giảng:
 “ Chính Đức Chí Tôn biểu Đức Phật Mẫu, tức Mẹ Sanh của chúng ta, cầm cả quyền năng giải thoát trong tay đến lập HỘI YẾN DIÊU TRÌ ( không có chữ CUNG theo sau ) tại mặt thế nầy cho cả con cái của Ngài, nhứt là 92 ức nguyên nhân, nếu nhập vào cửa Đạo, tùng theo Chơn Pháp thì được hồng ân của Đức Chí Tôn cho hưởng Bí Pháp HỘI YẾN DIÊU TRÌ tại thế nầy.”

​Ngoài ra trong quyển ĐẠO SỬ TOÀN TẬP của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, nơi trang 25 khi viết về lịch sử của ngày Đại Lễ nầy, Bà vẫn đề tựa là:TÍCH HỘI YẾN DIÊU TRÌ ( không có chữ CUNG)

Tóm lại, dựa các theo tài liệu nêu trên để tham khảo, chúng ta đủ minh định rằng:Tiệc Hội Yến Bàn Đào nếu đặt trên tầng trời thứ 9 (Tầng trời Tạo Hóa Thiên) ngay Diêu Trì Cung, nơi Đức Diêu Trì Kim Mẫu ngự thì tiệc nầy được mang tên là: HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG và khi được tổ chức ở thế gian nơi Điện Thờ Phật Mẫu ( Báo Ân Từ), đối diện với Bá Huê Viên và không ở trong Cung Điện của Đức Phật Mẫu thì không thể nào gán ghép chữ CUNG vào đây được.Gọichính danh là lễ HỘI YẾN DIÊU TRÌ.

Vậy, Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung và Lễ Hội Yến Diêu Trì hoàn toàn khác nhau về không gian. Một đàng ở trên tầng trời thứ 9 và một đàn ở trần gian, hai nơi cách biệt quá xa thì làm sao có sự nhầm lẫn được !

Thiết nghĩ, người tín đồ Cao Đài cần thận trọng từ việc nhỏ cho đến việc lớn trong vấn đề chính danh để gìn giữ chơn truyền của Đạo mãi đến thất ức niên.

​Trân trọng xin góp ý.
* Hiền Tài Phạm văn Khảm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét