Mở
Mọi tín đồ Cao
Đài đều biết “Trung Dung Khổng Thánh chỉ rành”. Đây là một câu trong bài
Khai Kinh ở đầu mỗi thời cúng của đạo Cao Đài. Trong bài này có nhắc sơ ba đức
hạnh căn bản của Đạo Nho, Lão, Phật. Một trong số đó, Trung Dung hay đạo Trung
Dung, là hạnh đức của bậc quân tử theo Đạo Nho. Hôm nay, người viết kính mời
quý đọc giả cùng nghiên cứu xem Đức Thánh Khổng (Khổng Tử) đã giảng dạy gì về
Trung Dung. Hiểu rõ điều này sẽ giúp con đường tu tập chúng ta có phần rút ngắn
lại, tránh trường hợp đọc kinh là Khổng Thánh chỉ rành, nhưng hỏi Trung
Dung là gì thì trong bụng cảm thấy mơ hồ. Hiểu không rõ ràng thì hành không tới
nơi, trong khi kiếp sống mình ngắn ngủi, thoáng đó đã phải trở về với Thầy rồi.
Qui Tam Giáo
Một nguyên tắc
chủ yếu khi nghiên cứu Cao Đài là luôn luôn phải dựa vào phương châm“ Tam Giáo
Qui Nguyên, Ngũ Chi Phục Nhứt”. Kính mời quý đọc giả đọc thêm phần phân tích
phương châm này ở đây:
Đối với những vị
không có thì giờ đọc, chúng tôi xin đi thẳng vào kết luận của phần phân tích
này. Phương châm nói trên, theo ngôn ngữ hiện nay, là: hãy xem mọi hệ
thống tư tưởng tôn giáo có cùng một nguồn gốc. Hệ thống tư tưởng tôn giáo
trên quả địa cầu 68 này hiện nay phải nói là rất nhiều. Trong bài viết này
chúng tôi chỉ xin bàn luận về ba tôn giáo Nho, Lão và Phật cho phù hợp với tình hình ở Việt Nam và gọi tắt phương châm này
là Qui Tam Giáo cho ngắn gọn.
Dễ dàng nhận ra
là không những mọi tôn giáo có chung nguồn gốc mà quá trình tu học cũng có ba cấp
giống nhau. Khởi đầu bằng những giới luật, kế tiếp, người tu học kiểm soát bản
thân dựa vào các quy định này và cứu cánh là đạt được mục đích mà người xưa gọi
là đắc đạo. Đạo Khổng khởi đầu bằng Tam Cang, Ngũ Thường, Đạo Lão thì Luyện
Đan, Dưỡng Khí, còn Đạo Phật thì Ngũ Giới Cấm, Bát Chính Đạo. Đích đến của Đạo
Khổng là đạt tới trạng thái Trung Dung, Đạo Lão là Vô Vi, Đạo Phật là Niết Bàn.
Vậy xin trở lại
chủ đề chính: Trung Dung là gì?
Nguồn gốc
Bốn bộ kinh điển
của đạo Khổng (Nho Giáo) mà người đời vẫn gọi là Tứ Thư gồm có Trung Dung (中庸 Zhōng Yóng), Đại học (大學 Dà Xué), Luận Ngữ (論語 Lùn Yǔ) và Mạnh Tử (孟子 Mèng Zǐ). Bộ Trung Dung được Tử Tư, tức
là Khổng Cấp, soạn dựa vào một phần trong Kinh Lễ. Kinh Lễ là một quyển trong
Ngũ Kinh do Đức Khổng Tử soạn ra. Tứ Thư và Ngũ Kinh được xem là nền tảng của đạo
Nho. Ngày trước ở Việt Nam và Trung Hoa, đi học là học những quyển sách này. Tử
Tư là cháu nội của Đức Khổng Tử và là học trò của Tăng Tử (Tăng Sâm). Đức Khổng Tử có nhiều học trò, nhưng Tăng Tử được
xem là người truyền giảng đạo Nho sát theo tư tưởng của Khổng Tử nhất.
Tương truyền rằng chủ nghĩa chấp “trung” đã có ở Trung
Hoa từ trước thời của Đức Khổng Tử. Vua Nghiêu vua Thuấn đã dặn người kế vị xem
trọng đường lối này. Đến thời Đức Khổng Tử thì ngài thêm chữ “dung” thành Trung
Dung. Sau đó Trung Dung được diễn giảng thành một đạo lý sống mà một quân tử cần
phải đạt được.
Sách Trung Dung chia làm hai phần:
Phần 1 gồm những lời của Khổng Tử dạy các học trò về đạo trung dung.
Phần 2 gồm những ý kiến của Tử Tư giải thích thêm hai chữ
trung dung.
Về mặt thể pháp
Đã từ lâu, nhiều bậc trí giả đã định nghĩa Trung Dung là
giữ mức quân bình, không quá cao cũng không quá thấp, không quá nhiều cũng
không quá ít trong mọi cư xử ở đời. Theo Tử Tư, người quân tử (người tốt, có đạo
đức), phải sống theo “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” và luôn luôn giữ ý nghĩ cũng
như hành động ở mức trung bình, không thái quá, không bất cập.
Thế nhưng giữ mức quân bình của Đạo Khổng không phải đơn
giản như chúng ta thường làm theo phép trung bình số học, nghĩa là nếu tính từ
số 1 đến số 10 thì chọn số 5 là trung bình. Bởi vì như thế thì trong tình huống
phải chọn một trong hai giải pháp, ta sẽ bị bế tắc. Thí dụ như khi phải chọn giữa
thiện và ác, ta không thể trung dung bằng cách chọn một ít thiện và một ít ác,
hoặc không chọn bên nào cả.
Trên thực tế, phép xử thế trong đời sống vô cùng phức tạp,
phải tuỳ theo từng hoàn cảnh một mà có cách trung dung. Nếu vận dụng kiểu chia
hai rồi chọn ở giữa thì sẽ thành người ba phải chứ không phải là quân tử. Người
sống theo triết lý trung dung chẳng những phải có thái độ bình quân mà còn phải
tìm cho được biện pháp phù hợp mà mọi người xung quanh đều chấp nhận.
Khổng Tử coi trung dung là nền tảng của đạo đức. Cho nên,
ngài có một số gợi ý: xun xoe nịnh bợ người khác là thái quá, coi thường người
khác là bất cập, cộng tác trong yêu thương mới là hợp với trung dung. Thái độ
ngạo mạn là thái quá, tự ti là bất cập, thành thực mới là hợp với trung dung.
Cách xử sự thô bạo là thái quá, nhu nhược là bất cập, dũng cảm mới là hợp với
trung dung. Chi tiêu xa hoa lãng phí
là thái quá, hà tiện là bất cập, khẳng khái là hợp với trung dung. Tóm lại, phải
vừa thích hợp với quy luật trung dung vừa tạo ra một sự hài hoà trong mọi người.
Ví dụ thế này, mình có hai người bạn thân cãi nhau. Một
người nói rằng phải xử tử hình tội phạm giết người vì mạng phải đền mạng. Người
kia thì cho rằng không nên xử tử, vì như thế cũng không làm cho người chết sống
lại mà trái lại còn thiệt thêm một sinh mạng. Bây giờ mình muốn dàn hoà hai người
mà không mất người bạn nào thì phải làm sao để hợp với đạo trung dung? Mình
không thể đồng ý một phần với người bạn này, rồi lại gật gù vài chỗ với người bạn
kia. Như vậy là ba phải. Trong trường hợp này, ta có thể đề nghị với hai bạn là
nên xử giam kẻ phạm tội trọn đời. Giải pháp này được xem là theo qui luật trung
dung vì có thể giúp hai người bạn tạm đồng ý và chấm dứt xung đột.
Nhưng xin nêu một ví dụ thứ hai tương đối khó giải quyết
hơn. Tôi làm kế toán cho một công ty, chủ của tôi muốn tôi làm sai lệch một số
giấy tờ để trốn thuế. Vậy tôi phải làm sao để hợp với đạo trung dung? Nếu làm
theo lời chủ, thì trước hết là lương tâm không cho phép, thứ đến sau này bị
phát hiện ra thì sẽ gặp rắc rối với pháp luật. Nhưng nếu không làm đúng theo lời
chủ, thì tôi sẽ bị đuổi việc ngay. Mất việc rồi chưa chắc tôi kiếm được việc
khác, gia đình tôi sẽ lâm vào cảnh khốn cùng. Rõ ràng trong hoàn cảnh này tôi
khó có thể nghĩ ra một giải pháp trung dung được, mà phải chọn giữa làm theo hoặc
từ chối.
Trong thời hạ ngươn, những hoàn cảnh như thế này là rất
phổ biến, khiến cho ai muốn giữ đạo Trung Dung sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chính
vì thế có người cho rằng trung dung không thể giải quyết mọi vấn đề trong cuộc
sống của họ. Có khi cũng giải quyết được vấn đề nhưng cũng có khi làm cho họ biến
thành những người ba phải tệ hại, hoặc người lừ đừ không có lập trường cụ thể.
May mắn thay, Đạo Cao Đài đã trao tặng một chìa khoá để mở
chỗ bí này. Theo Đạo Cao Đài, mọi hệ tư tưởng đều có hai mặt: Thể Pháp và Bí
Pháp. Bàn luận như trên là chỉ mới đi vào mặt thể pháp của Đạo Khổng. Thể pháp
vẫn còn va đụng những giới hạn, những nghịch lý khó hiểu, những tình huống bế tắc.
Nhưng thể pháp là điểm khởi đầu cần thiết để đi vào bí pháp, nơi đó không còn
giới hạn, nghịch lý hay bế tắc nào nữa.
Vậy thì trung dung khi được xem là cứu cánh dưới lăng
kính bí pháp có ý nghĩa gì?
Về mặt bí pháp
Trước khi đi vào phần này, chúng tôi xin phép trình bày
trước rằng nếu có điều chi khó hiểu, thậm chí là vô lý, thì xin quý đọc giả
thương tình bỏ qua cho. Đó là vì cách dùng từ ngữ của chúng tôi còn kém cỏi,
không đủ sức nói cho rõ vấn đề. Thêm vào đó, dùng ngôn ngữ, vốn là công cụ của
thế giới hữu hình, để bàn về điều nằm ngoài thế giới hữu hình thì cũng giống
như kể chuyện cổ tích vậy. Cầu nguyện sao cho điều chúng tôi bàn ở đây làm sáng
tỏ được chút ít là quí lắm rồi.
Xin bắt đầu bằng điều này. Từ Trung Dung xuất hiện lần đầu
trong sách Luận Ngữ của Đức Khổng Tử. “Trung Dung là đức hạnh cao nhất của
người quân tử. Từ lâu hiếm thấy người đạt được.”
Rõ ràng, như đã bàn trong phần về mặt thể pháp,
đây không phải là chuyện dễ thực hiện. Chính Đức Khổng Tử khẳng định là cao nhất
và hiếm người đạt được. Do đó, nội chuyện hiểu và làm cho đúng theo cũng đã là
khó khăn rồi, nói gì đến “giữ đạo Trung Dung trong bất cứ hoàn cảnh nào” theo lời
dạy của Đức Thánh Khổng!
Nhưng Cao Đài dạy rằng hãy qui tam giáo nếu muốn hiểu sâu
hơn. Vậy thì chúng ta hãy quay sang Đạo Lão và Đạo Phật thử xem sao. Đạo Lão dạy
“vô vi”, Đạo Phật dạy “sắc tức thị không”. Kính thưa quý đọc giả, tất cả đều cực
kỳ khó hiểu và khó thực hiện như nhau, thậm chí bất khả thi.
Nếu xem cả ba đạo đều có cùng nguồn gốc thì ta thử xét
xem có điểm chung nào không? Có thể có rất nhiều ý tưởng để giải quyết chỗ này,
nhưng người viết thấy rằng có thể dựa vào triết học để nói rõ thêm. Trung
dung là không nghiêng về bên này cũng không nghiêng về bên kia. Dĩ nhiên phải
có ít nhất là hai bên thì mới nói nghiêng hay không nghiêng...được. Vô
vi - đầy đủ câu là Vô vi nhi vô bất vi, không làm mà không có điều
gì là không làm. Cũng là hai thái độ, làm và không làm. Sắc tức thị
không, không tức thị sắc, có là không, không là có. Lại lập lại hai mặt
đối nhau: có và không. Xin chú ý tới con số “2” này.
Tới chỗ này ta có thể thấy điểm chung là cả ba hệ triết
tôn giáo đều tập trung vào triết lý nhị nguyên (hai mặt). Thuyết nhị nguyên hay
nhị nguyên luận cho rằng mọi hiện tượng trong vũ trụ đều được sinh ra và bị tác
động trong khi chuyển dịch bởi hai cực đối lập như âm và dương, nam và nữ, thiện
và ác v.v...Thật ra còn nhiều luận thuyết khác nữa trong triết học như nhất
nguyên, đa nguyên v.v..., nhưng nhị nguyên luận là phổ biến nhất. Trong Cao Đài
mọi luận thuyết về triết lý và tôn giáo của loài người đều được nghiên cứu
nhưng nhị nguyên cũng nổi bật qua thánh ngôn nổi tiếng “Thầy là các con, các
con là Thầy”.
Chúng ta, người bình thường, gần như 100% suy nghĩ bị chi
phối bởi hệ nhị nguyên. Khi chúng ta muốn mua một cái TV mới trong siêu thị, lập
tức chúng ta nghĩ tới đẹp hay xấu; mắc hay rẻ v.v... rồi chọn mua dựa vào hai mặt
này. Hàng giây hàng phút trong ngày, ta quẩn quanh chọn lựa giữa hai cực trái
ngược: cho và nhận, lời và lỗ, thương và ghét v.v... Tóm lại, suy nghĩ của ta
luôn xuất phát từ hai cực đối lập, hay văn vẻ hơn, trí óc ta không vượt qua khỏi
nhị nguyên luận khi đưa ra bất kỳ một nhận xét nào. Hầu như cả cuộc đời ta, mà
người xưa ví như là biển khổ, bắt nguồn từ những suy nghĩ đậm màu nhị nguyên luận.
Vì vậy các bậc tiền bối ngày xưa nhằm vào cái nguyên nhân này để tìm cách giải
khổ. Các vị giáo chủ đã thành công và di sản quí báu của họ chính là đạo lý
“trung dung, vô vi nhi vô bất vi, sắc tức thị không không tức thị sắc” đó vậy.
Chúng ta đã thấy trung dung bị hạn chế trong những tình
huống ở thế gian như thế nào rồi. Còn “không làm” lại được ghép thêm “không điều
gì là không làm”. “Có là không” còn cộng thêm “không là có”. Mới đọc qua tưởng
chừng như vô lý. Trong thế giới ta đang sống, nguyên tắc trung dung còn có khi
thực hiện được, nhưng “vô vi” và “có là không” thì hoàn toàn không thể. Vậy tại
sao những bậc giáo chủ lại phát biểu như thế?
Các vị tiền bối đã đắc đạo không hề để lại lời dạy cho
vui hay để gây khó khăn cho thế hệ đi sau. Theo Cao Đài, những lời dạy đó chính
là cách thức để mở bộ não phàm trần, nhìn thẳng vào Tam Thập Lục Thiên đó vậy.
Giống như đôi mắt của ta chỉ nhìn thấy được ánh sáng có bước sóng nằm trong phạm
vi 380 - 760 nm. Suy ra, nếu mắt nhìn được thêm qua những bước sóng khác, thế
giới sẽ khác đi so với điều ta nhìn thấy hiện nay nhiều lắm. Tương tự thế, suy
nghĩ của chúng ta sẽ thay đổi nhiều nếu ta “nhìn thấy qua” những hệ tư tưởng
khác hơn nhị nguyên. Lúc đó thế giới tự bộc lộ không những về mặt vật chất mà
còn mặt siêu hình. Theo thuật ngữ Cao Đài thì đó chính là lúc ta nhìn thấy tam
thiên thế giới, thất thập nhị địa, tứ đại bộ châu và tam thập lục thiên.
Trung dung, vô vi và sắc tức thị không là nhắn nhủ của
các giáo chủ với nhân loại rằng các người hãy nhắm vào đây để trí óc bừng sáng.
Khi đó và chỉ có khi đó mọi vấn đề của nhân loại ở thế gian sẽ không còn nữa bởi
vì con người đã đạt trạng thái đắc đạo hay trung dung tuyệt đối.
Xin mượn một câu chuyện trong Thánh Kinh Đạo Thiên Chúa để
minh chứng cách vượt qua nhị nguyên của Chúa Jesus:
“Bấy giờ, các thầy thông giáo và người Pharisee dẫn lại
cho chúa Jesus một người đàn bà đã bị bắt đang khi phạm tội tà dâm; họ nói cùng
Chúa rằng: Thưa Thầy, luật Moses dạy rằng chúng ta phải ném đá những hạng người
như vậy. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? Chúa Jesus phán rằng: Ai trong các ngươi là
người vô tội, hãy ném đá trước. Sau khi nghe lời này,
mọi người lần lượt bỏ đi.” (Kinh Tân Ước – Jean).
Phải xét bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ thì mới thấy hết ý
nghĩa của câu truyện nói trên. Thời nào cũng vậy, khi có một đấng cao trọng
giáng thế thì loài người luôn luôn gây ra đủ thứ thử thách khó khăn. Chuyện xưa
vẫn kể rằng Phật Thích Ca bị các giáo sĩ Bà La Môn vặn vẹo bắt bẻ không biết
bao nhiêu lần. Chúa Jesus cũng vậy. Cụ thể là người Pharisee. Đây là một hệ
phái của người Do Thái xưa chủ trương thực hành theo sát từng câu chữ trong cổ
luật, cụ thể là luật Moses (Xin đọc Cựu Ước). Nên biết rằng lúc bấy giờ số người
tin tưởng Chúa Jesus rất đông và mọi người đều xưng tụng Chúa Jesus là đấng
Christ giáng sanh. Thế nên người Pharisee lợi dụng câu truyện của người phụ nữ
kia để tìm cách bắt bí Chúa Jesus. Nếu Chúa Jesus đồng ý để họ ném đá người phụ
nữ đến chết, thì Chúa cũng chỉ là người bình thường như họ, không phải là đấng
Christ. Nếu ngược lại thì Chúa chống lại luật Moses, nghĩa là chống lại Đức
Chúa Trời về mặt Đạo; về mặt Đời là chống lại dân tộc Do Thái. Họ đã tính trước
là Chúa trả lời đàng nào họ cũng có thể qui tội Chúa phạm luật.
Câu trả lời của Chúa Jesus vừa cứu được người phụ nữ đáng
thương kia vừa làm cho người Pharisee thất bại thảm hại trong âm mưu hãm hại Chúa. Cũng giống như câu truyện kể ở phần trên, câu
trả lời của Chúa không phải chỉ đơn giản là một cách đối phó khéo léo; đó chính
là một bài học về đạo pháp rất quí giá mà Chúa Jesus muốn để lại cho loài người.
Lời Chúa phán khi ấy xuất phát từ trạng thái vượt ra
ngoài nhị nguyên, do đó đã thoát ra khỏi hai trạng thái phủ nhận và chấp nhận
luật Moses. Lời Chúa đã ra ngoài quĩ đạo của những hành vi tầm thường thế tục,
nằm ngoài suy luận thông thường của loài người, khiến cho người Pharisee vui vẻ,
tự nguyện ngưng trừng phạt người phụ nữ mà cũng bỏ qua không bắt tội Chúa
Jesus. Đây là một ví dụ nữa của trung dung, vô vi hay sắc tức thị không. Có điều
người bình thường chúng ta không thể nào nghĩ ra cách trả lời đó ngay. Chúng ta
có thể mất nhiều giờ, nhiều ngày thậm chí cả đời ngồi suy nghĩ mà chưa chắc có
được câu trả lời như vậy. Chúa thì có ngay vì Ngài sáng suốt tột bực hay nói kiểu
phương Đông là đã “đắc đạo”.
Trung dung trong Cao Đài
Vậy thì trung dung có vị trí nào trong đạo Cao Đài? Và
người tín đồ làm gì để đạt đạo trung dung?
Đầu tiên, hầu hết các nghi lễ đều là của Đạo Nho. Phẩm vị
đầu tiên chuẩn bị bước vào hàng chức sắc là Lễ Sanh, tức là người học lễ nghĩa.
Mà chúng ta đã biết là Nho Giáo rất xem trọng lễ.
Thứ đến, các đấng dạy rằng nguyên tắc “Nho Tông chuyển thế”
được nâng lên hàng đầu trong kỳ ba này. Quả thực là xã hội hiện nay rất cần những
đức tính nhân, nghĩa, lễ, trí, tín v.v...của Đạo Nho vì, rõ ràng là, con người
đã xem nhẹ những đức hạnh làm người. Thậm chí người ta còn lập ra những luận
thuyết cổ vũ sự dối trá và lường gạt! Chính những đức hạnh Nho Giáo này, chứ
không điều gì khác nữa, mới tạo ra một xã hội văn minh đúng nghĩa. Xã hội như vậy
mới cứu loài người khỏi tự huỷ diệt và nói theo Cao Đài là bước vào thời thượng
ngươn thánh đức.
Kế tiếp, về mặt thể pháp, Cao Đài dung nạp mọi hệ tư tưởng
của loài người, cho nên đây là môi trường để các tín đồ tập tành suy nghĩ, tìm
ra các giải pháp trung dung hoà hợp với nhau. Từ khi mở đạo đến nay tính hoà hợp
của các tín đồ, chức sắc còn thấp, nên các vụ tranh luận rồi xích mích dẫn tới
tách ra lập chi phái còn nhiều. Trong lịch sử đạo, Bát Đạo Nghị Định đã đánh dấu
một thời kỳ đen tối, tan nát vì chia rẽ của tập thể Cao Đài. Nhưng rồi người ta
càng hiểu đạo thì sự chia phe phân phái sẽ càng ít đi. Vài trăm năm nữa, có lẽ
chẳng còn ai muốn lập chi phái làm gì nữa. Đạt đạo trung dung về mặt thể pháp
trong Cao Đài là trở thành một “người của mọi người”, người mà ai cũng thương mến
và tôn trọng cho dù là ở phẩm trật chức sắc nào. Chức sắc như vậy mới có thể “cứu
độ vạn linh” được.
Sau cùng về mặt bí pháp, trung dung cũng là một giải pháp
cho những tín đồ nào chọn con đường thứ ba của đại đạo: đó là tu chơn hay tịnh
luyện. Nhưng đây lại là một vấn đề lớn khác, cần một bài khảo luận riêng, chúng
tôi xin hẹn dịp khác vậy.
* Từ Chơn
Sài
gòn, Sep
1st 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét