Đạo Là Sự Sống Trong Càn Khôn Vũ Trụ. * Sưu Khảo / QS TS Nguyễn Thanh Bình

N
ghĩa lý chữ Đạo rất cao siêu, khó mà giải rõ được, vì Đạo không có hình trạng như các sự vật ở thế gian. Đạo là con đường mà mọi người nên đi theo. Đó là con đường nào? Đó chính là con đường "yêu thương, đại công và vô tư" (công bằng, không thiên lệch). 
Đức Thích Ca gọi Đạo là Chơn Như, là Phật Tánh, là Bồ Đề.
Đức Lão Tử gọi Đạo là Cốc Thần, là nguồn sanh ra Vũ Trụ vạn vật.
Đức Khổng Tử gọi Đạo là Thái Cực, là Thiên lý.
 Danh từ tuy khác nhau, chớ tựu trung điều chỉ cái nguồn cội của Càn Khôn Vũ Trụ và Vạn Vật. Cái nguồn cội ấy khi còn bất động gọi là Đạo. Còn khi đã động mà chuyển hóa thì gọi là Đấng Tạo Hóa, là Thượng Đế, là Trời vậy.
Đức Lão Tử lại nói:
“Đạo mà nói ra được thì chẳng phải Chơn Đạo, Danh mà gọi là được thì không phải thiệt Danh”.
Kinh Phật lại nói:
“Đạo khó mà nói ra. Học giả phải tự mình tỏ ngộ lấy”.
Bởi vì Đạo là chơn lý tuyệt đối, bổn tánh của Đạo là Hư không lặng lẽ, xem chẳng thấy, lòng chẳng nghe, rờ không đụng, không lớn, không nhỏ, không trước, không sau, không thể dùng lời nói mà diễn tả được, hoặc đem ra mà so sánh. Đạo sanh ra Trời Đất vạn vật, lưu hành trong Vũ Trụ, tàng ẩn trong muôn vật, cho nên vật nào cũng có phần linh diệu bên trong để điều hòa, trưởng dưỡng cho nó. Đạo là tinh thần của Trời, Đất, Vạn Vật mà Trời, Đất, Vạn Vật là bản thể của Đạo.
Theo Đạo Cao Đài, trước khi Thượng Đế tồn tại, đã có Đạo. Đó là Đạo, Đạo vĩnh cữu, không hình dáng, không có tên gọi, không thay đổi; như được đề cập tới trong Đạo Đức Kinh. Đến một thời điểm nhất định, hiện tượng "Vũ Trụ Quan", chính từ đây Thượng Đế đã xuất hiện. Vũ trụ lúc này còn là một mớ hỗn độn, và để tạo nên sự cân bằng, hài hòa, đa dạng, Thượng Đế (hay Ngọc Hoàng Thượng Đế, Huyền Khung Cao Thượng Đế, Đức Chí Tôn hay Thầy) đã tạo ra Âm Dương. Đức Chí Tôn cai quản Dương và phân thân tạo ra "Diêu Trì Kim Mẫu" (còn được gọi với nhiều danh hiệu khác nhau như Cửu Thiên Huyền Nữ, Phật Mẫu Tây Vương Mẫu, Thánh Mẫu, Thiên Hậu, ...) để cai quản Âm. Nhờ có Âm Dương, Vũ Trụ đã được định hình. "Đức Phật  Mẫu" là mẹ của hằng hà sa số sinh linh, sự vật trong vũ trụ. Do đó, tín đồ Cao Đài không chỉ thờ phượng Đức Chí Tôn mà còn thờ Đức "Diêu Trì Kim Mẫu".
Đức Hộ Pháp giảng "Đạo là sự sống trong Càn Khôn Vũ Trụ". Đức Đức Chí Tôn đến mở Tam Kỳ Phổ Độ, Ngài để trong nền Tôn giáo của Ngài hai chữ Đại Đạo, đó là Ngài để hình tượng bao trùm toàn thể vô biên đó là Đại Đạo, nếu Ngài không nói thì chúng ta không làm sao biết được, suy đoán được. Ngài luận chữ Đạo thì nó bao trùm hết, vì cớ cho nên có cơ quan sanh hóa, Đức Chí Tôn đã tạo Càn Khôn Vũ Trụ trong quyền năng ấy. Chúng ta nhìn biết có một chủ quyền đặng định khuôn luật của nó, nếu không có chủ quyền duy nhứt thì cả vạn vật trên Càn Khôn Vũ Trụ không thể gì còn.
Ta biết Đạo, ta hiểu rõ mối Đạo là ta sống, nếu chúng ta trái Đạo ấy thì chúng ta dầu có sống tự do đi nữa, thì cũng như chúng ta đã lên án lấy cái chết của ta, tức nhiên chính mình chúng ta đã lên án lấy mình.
 
Hai chử Đại Đạo thì rất là "huyền bí, bao la, vĩ đại và không biên giới". Bởi Đại Đạo bao gồm Càn Khôn Vũ Trụ. Vì Âm Dương tánh mạng đều gom vào chữ Đạo. Người đặng Một, thì thành Đạo. Một ấy là: "Nhứt Khí Hư Vô", tức là Đạo vậy. Đại Đạo là gì? Một cách đơn giản, Đại Đạo là tinh hoa các đạo giáo xưa nay.
 
Nếu hiểu được Đạo lý cho tường tận thì sự đoạt Đạo chỉ còn là phương tiện của thời gian. Còn nghỉ rằng tu khó đắc Đạo, vậy từ xưa đến nay có lắm kẻ thành Tiên, Phật họ học ở đâu mà đoạt vị, nên Tiên Nho có câu:
" Mạc Đạo Thần Tiên vô học xứ,
Cổ kim đa thiểu thượng thăng nhơn."
 
Nhưng Đạo vốn vô hình, cho nên muốn trình bày cái Đạo ra, tất phải mượn “Hữu Hình” để phô bày cái "Dụng" mà thực hành cái "Thể". Tòa Thánh Tây Ninh là "hình thể Đức Chí Tôn hay Bạch Ngọc Kinh" tại Thế, vùng Thánh Địa Tây Ninh (Tòa Thánh Tây Ninh) là nơi Đức Chí Tôn giáng ngự.
Đức Bác Nương, Diêu Trì Cung, đã dạy: Đức Chí Tôn giáng trần lập Đạo. Ông Thầy của chúng ta là ông thầy Trời, với thời gian thất ức niên, với mục đích cứu rỗi 92 ức nguyên nhân qui hồi cựu vị. Thất ức niên so với không gian, thời gian và so với tuổi thọ của địa cầu này thì không có bao nhiêu.
 
Đức Chí Tôn lập Đạo lần này không phân tánh giáng trần như những lần trước, mà giáng trần bằng thiêng liêng cơ bút, giáng trần không có hình thể, không có tiếng nói mà có lời nói. Hình thể chúng ta là thể xác, trí não và linh hồn, tức là tinh, khí, thần hiệp lại. Hình thể Đức Chí Tôn là Đền Thánh đó vậy. Đền thánh có: Cửu Trùng Đài (tượng trưng cho thể xác), Hiệp Thiên Đài (tượng trưng cho trí não), Bát Quái Đài (tượng trưng cho linh hồn).
 
Đền Thánh Tây Ninh là Bạch Ngọc Kinh, hình thể Đức Chí Tôn tại thế đó vậy. Hình thể này không có quyền lực nào hủy diệt được. Hình thể này sẽ sống với chúng ta cho đến thất ức niên. Đức Chí Tôn không có tiếng nói mà ở đâu cũng có lời nói. Những lời nói này sẽ còn nói mãi với chúng ta.
 
Báo Ân Từ nơi thờ phượng Đức Phật Mẫu là hình thể Diêu Trì Cung tại thế.
Hội Yến Diêu Trì được tổ chức hàng năm tại Báo Ân Từ. Việc thờ phượng Đức Phật Mẫu hiện nay còn tạm đặt tại Báo Ân Từ trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh, vì Điện Thờ Phật Mẫu Trung Ương chưa được xây dựng. Chừng nào Hội Thánh xây dựng được Điện Thờ Phật Mẫu Trung Ương thì sẽ chính thức thờ Đức Phật Mẫu tại đó và trả lại Báo Ân Từ dùng làm Đền thờ các bậc vĩ nhân có đại công với nhân loại và các bậc Tiền bối có đại công với Đạo.
Đạo Cao Đài tôn thờ Đức Phật Mẫu là tôn thờ Ngôi Âm, tức là Ngôi Thứ Nhì; còn Ngôi Dương là Đức Chí Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế, tức Ngôi Thứ Nhứt.  
 
Đây là một Triết lý về Đạo trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hết sức mới mẻ và huyền bí, vô vi và hữu hình mà từ trước tới nay các tôn giáo chưa từng có. Họ chỉ biết thờ Ngôi Dương mà thôi.
 
Khuôn luật của Ðức Chí Tôn để trong cửa Ðạo là khuôn Luật Thương Yêu và cái quyền hành Công Chánh. Giờ phút nào nhơn loại biết lợi dụng mặt luật và quyền năng ấy mới đem cái hạnh phúc hòa bình cho nhơn loại tương lai tới đây, bằng chẳng vậy thì cái nạn tương tàn tương sát vẫn tiếp tục mãi thôi. 
 
Đức Chí Tôn lúc mới khai Đạo đã dạy "Sự Chơn Thật và sự Giả Dối, mắt phàm các con đâu có thể phân biệt đặng".
Mercredi 4 Août 1926
Ngọc Hoàng Thượng Ðế Viết Cao Ðài
Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát
Giáo Ðạo Nam Phương
 
Hỉ chư Môn Ðệ chư nhu,
Nghe dạy:
"Sự Chân Thật và sự Giả Dối, mắt phàm các con đâu có thể phân biệt đặng; một trường thử Thánh, Tiên, Phật vì vậy mà phải lập nơi thế gian này; nếu buổi sanh tiền dẫu cho một kẻ phàm tục tội lỗi biết đặng cơ quan mầu nhiệm của Ðấng Chí Tôn là Trời đã sắp đặt, thì cũng chẳng dám gây ra tội lỗi mà thôi, lại có thể đắc Ðạo mà ngẫm ghé phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật đặng nữa, huống lựa là các đấng ấy, phải bị đọa trần mà biết mình hằng giữ thì mầu nhiệm thử Thánh, Tiên, Phật chẳng có nghĩa lý gì hết. Vì vậy mà Thầy hằng nói cùng các con rằng: một trường thi công-quả, các con muốn đến đặng nơi cực lạc thì phải đi tại cửa này mà thôi. Thầy lại khuyên nhủ các con rằng: Thầy đã đến chung cùng với các con, các con duy có tu mà đắc Đạo; phải đoái lại bá thiên vạn ức nhơn sanh còn phải trầm luân nơi khổ ải, chưa thoát khỏi luân hồi, để lòng từ bi mà độ rỗi.
Nay tuy các con chẳng thấy đặng hành vi mầu nhiệm, mà chính mình Thầy đã đến nói, các con cũng nên tin nơi thầy mà cho rằng lời Thầy dạy là Chân Thật. Nếu các con đợi đến buổi chung quy, hồn ra khỏi xác mới thấy cơ mầu nhiệm đặng, thì chừng ấy đã muộn rồi.
Vậy các con khá tuân lịnh dạy".
Tình Thương Yêu của Đức Chí Tôn và Phật Mẫu thể hiện với chúng ta như thế nào thì chúng ta  hiểu qua kinh điển và Thánh giáo của các Ngài như sau :
"... Thầy thường nói với các con rằng: Thầy là cha của sự Thương Yêu. Do bởi Thương Yêu Thầy mới tạo thành Càn Khôn Thế Giới và sinh dưỡng các con...". 
 
Sự tương quan giữa Đức Chí Tôn và Phật Mẫu
Sự tương quan giữa Chí Tôn và Phật Mẫu tự có từ trong Hư Vô Chi Khí (vô cực), có thể nói Nguồn sống là một thể vẹn toàn, nhìn ở nguyên lý siêu nhiên là Chí Tôn, nhìn ở khí chất hữu hình là Phật Mẫu, cả hai là một, tuy một mà là hai.
Theo thánh ý của Đức Chí Tôn là muốn cho tất cả nhân loại được siêu thoát. Điều này Đức Hộ Pháp đã dẫn giải rằng:
" Xưa kia con người đi tìm Đạo, còn hôm nay trái lại Đạo lại đến tìm người". Ôi ! nếu ta tưởng-tượng cái ân hậu vô biên của Đức Chí Tôn đã thi thố, thì chúng ta đã hạnh phúc không có ngôn ngữ nào mà tả đặng... " (Lời thuyết đạo của Đức Hộ Pháp ngày 15 tháng 8 Nhâm Thìn (1952) tại Cửu Long Đài đền thờ Phật Mẫu).
Còn nói về Phật Mẫu, Đức Hộ Pháp đã cho biết quyền năng của Người như sau :
"... Nếu có Đức Chí Tôn mà không có Đức Diêu Trì Kim Mẫu thì trong Càn Khôn Vũ Trụ  không có chi về mặt hữu vi..."
" Cả cơ quan tạo đoan hữu tướng thảy đều do Phật Mẫu tạo thành. Khi ta đến cõi Trần mang mảnh hình hài, cái chơn linh khi đến, khi về cũng do tay Phật Mẫu sản xuất, Phật Mẫu là mẹ linh hồn, nếu chúng ta biết ơn nặng ấy, thì càng cảm mến cái công đức hoá dục sản xuất của Ngài vô cùng.
" Khi mở Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn định cho Phật Mẫu đến giáo đạo cho chúng ta, bảo trọng nuôi nấng dạy dỗ chúng ta thì không ơn đức nào bằng, vì không ai biết thương con, muốn con nên người, bảo trọng bênh vực con hơn Mẹ..." (Trích thuyết đạo của Đức Hộ Pháp tại Báo Ân Từ ngày 15 tháng 8 Đinh Hợi (1947).
 
Đức Phật Mẫu ngự ở Diêu Trì Cung, Tạo Hóa Huyền Thiên
Đức Phật Mẫu là Đấng Tạo Đoan cả Càn Khôn hữu vi, nắm trọn Chơn Pháp tạo thành sắc tướng cho muôn loài trong vũ trụ, ban cho ta Chơn Thần để bảo sanh thể xác, gầy dựng nên cơ Đời, lập trường thi công quả hầu đoạt phẩm vị Thiêng Liêng. Chưởng quyền khai tông định Đạo, dưỡng sanh bảo đảm hồn hài cho vạn vật, tức là Mẹ Sanh của tất cả.
 
Từ Ngôi Diêu Trì Kim Mẫu xuất tích một khối Linh Quang gọi là Thần. Do nơi khối ấy chuyển di ra cho các Chơn Linh đặng phối hiệp với các Thể Chất mà làm nên đệ nhị xác thân, ấy là Chơn Thần.
 
Diêu Trì Cung ở Tạo Hóa Huyền Thiên (từng Trời thứ chín trong Cửu Trùng Thiên) là nơi tạo hình hài cho cả vạn linh. Đức Phật Mẫu là bà Mẹ thiêng liêng của toàn cả Vạn linh, mà Vạn linh thì gồm đủ Bát Hồn (tức là 8 phẩm Chơn Hồn) gồm: Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn. Nhờ đó Thần được tịnh, quang được minh, thì do nơi Kim Bàn phát hiện mỗi ảnh tượng mà chiếu sáng cho Chơn Thần, tức là khai hoá Thiên Môn cho Giác Tánh.
 
Phật Mẫu đã vâng mạng lịnh nơi Đức Chí Tôn, ban sơ đến ngự tại Hiệp Thiên Đài, Bà là Mẹ chữ Khí, nên về mặt Thể Pháp, chính là Hộ Pháp đó vậy.
 
Đức Hộ Pháp cũng đã khuyên chúng ta rằng :
" Phải yêu ái hiếu hạnh với Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, cái yêu ái ấy phải phi thường do Tâm Linh điều khiển...". (Trích thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp về Con Đường Thứ Ba ngày 15-11, Bính Tuất, 1946).
 
Giảng về Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Đức Hộ Pháp dạy “Bần đạo dám quả quyết nơi Đền Thờ của Đại Từ Mẫu của chúng ta, Bà không kể con cái sang trọng của Bà đâu, trái ngược lại, Bà lại Thương Yêu bênh vực những đứa con nào nó thật thà hèn yếu hơn hết.
Ấy vậy, Qua nói rằng : Trong cả mấy em đây, nếu có đứa em nào thiếu thốn cả tinh thần và vật chất, thiệt thòi nghèo khó, tật nguyền, Qua dám chắc Bà Mẹ Thiêng Liêng của chúng ta sẽ vui ở với những kẻ ấy lắm vậy.
Nếu muốn cho Bà thương yêu, mình có cái Bí Pháp hay ho hơn hết là mấy em Thương Yêu những kẻ tật nguyền, đau khổ, ngu hèn, khốn mạt. Mấy em thử nghiệm lấy cái huyền linh của Bà”.
 
Về bổn nguyên và quyền năng của Đức Phật Mẫu, Đức Hộ Pháp dẫn giải như sau :
" Từng Trời Tạo Hoá Thiên có vị cầm quyền năng tạo đoan gọi là Thiên Hậu. Nắm cả Kim Bàn, tức là nắm đẳng cấp Thiêng Liêng, điều khiển các Chơn Linh gọi là Phật Mẫu Diêu Trì.
"Trong thời Tam Kỳ Phổ Độ Người đã xuất nguyên linh đến dạy dỗ chúng ta...".
 
Tạo Hóa Huyền Thiên thuộc Pháp có ba quyền tạo đoan thế giới hữu hình này vô cùng tận. Tạo hoá cầm sanh khí để tạo sinh vật. Nơi Tạo Hóa Huyền Thiên, Phật Mẫu cầm Pháp chuyển cơ sanh hóa vô biên, cả loài người, cây, cỏ, sắt, đá cũng tấn lên phẩm người nữa là nhờ tay của Đức Phật Mẫu nắm Pháp biến xuất.
 
Nếu chúng ta muốn thấy hiện tượng ấy, quyền năng Đức Phật Mẫu Chưởng Quản Kim Bàn, là khi đến Cung Hỗn Ngươn Thượng Thiên chúng ta mới ngó thấy được hạnh phúc yêu ái ấy.
Cung Hỗn Ngươn Thượng Thiên cốt yếu là nơi chung hợp cùng các Đấng chơn hồn cao siêu, trí thức, thông minh, kể từ bậc Tiên Thiên cho tới Phật Vị đều đến ở nơi đây đặng tạo dựng Đạo nghiệp của mình. Cả toàn thể trong Càn Khôn Vũ Trụ hoặc tiêu diệt hoặc biến sanh, cũng do nơi đó cầm Chơn Pháp quyết định.
 
Cung Hỗn Ngươn Thượng Thiên là nơi quyết định chương trình Long Hoa Đại Hội, của toàn thể Vạn Linh trong Càn Khôn Vũ Trụ.
Cung Hỗn Ngươn Thượng Thiên được gọi là Cung Định, Cung Pháp.
Tại sao Cung Định, Cung Pháp? Bởi cớ Cung ấy Vạn Linh phải hiệp cùng Chí Linh.
 
Theo lời thuyết đạo của Đức Hộ Pháp trong Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống, tại Cung Hỗn Nguyên Thượng Thiên, Đức Phật Di Đà đã giao quyền lại cho Đức Phật Di Lặc, tức giao quyền Chưởng Quản Càn Khôn Vũ Trụ, nên Đức Di Lặc Vương Phật hiện nay ngự tại cửa Kim Tự Tháp, dưới tàn cây dương tối cổ ở Kinh Đô Cực Lạc Thế Giới, còn Đức A Di Đà Phật vào ngự trong Lôi Âm Tự và Đức Phật Thích Ca ngự tại Kim Sa Đại điện trong Kim Tự Tháp.
 
Đức Hộ Pháp giải thích là " Bần Đạo có tỏa mà trong tâm còn mờ hồ không biết tại sao, vì lẽ gì Đức Phật Mẫu là Mẹ nhưng tại sao quyền hành của Đức Phật Mẫu lại nhỏ hơn quyền hành của   con là Đức Di Lặc Vương Phật ? Trong bụng coi hơi bất mãn. Liền khi ấy Bần Đạo ngó thấy cái Tướng Hình của Đức Phật Mẫu đứng đàng trước, còn Đức Di Lặc ở đằng sau lưng quỳ xuống đưa hai bàn tay lên, đặng tỏ cho Bần Đạo hiểu dầu cho người con ấy mạnh mẽ, quyền hành thế nào mà quyền Mẹ cũng vẫn là quyền Mẹ, không thể gì qua được. Ngài chỉ tuân theo mạng lịnh của Đức Phật Mẫu đặng trị Thế mà thôi ".
 
Đức Chí Tôn đã nói rõ lời dạy của Thầy không phải môn đệ nào cũng thấu đạt vì vậy:
"Các con phải hiểu rằng: Thầy là huyền diệu thế nào? Cách dạy, Thầy buộc phải tùy thông minh của mỗi đứa mà dạy, dầu cho Thầy phàm tục cũng phải vậy; nếu đứa dở mà dạy cao kỳ, nó biết đâu hiểu đặng."
Trong cửa Đạo cũng có ý phân rẽ, phê phán nhau thì Thầy nhắc:
" Thầy cấm không cho dị nghị việc người, nhứt là đồng đạo các con đừng phạm đến kẻo tội nghiệp. Chi chi cũng phải nhớ quyết rằng có Thầy trong đó."
Thầy rất quan tâm đến sự hòa thuận trong Đạo. Nên giải rõ:
" Cái nhánh các con là nhánh chính mình Thầy làm chủ, sau các con sẽ hiểu.
Thầy vui muốn cho các con thuận hòa cùng nhau hoài, ấy là lễ hiến cho Thầy rất trân trọng. Phải chung lo cho danh Đạo Thầy.
Đạo Thầy tức là các con các con tức là Thầy. Phải làm cho nhau đặng thế lực, đừng ganh gổ nghe, các con giữ phận làm tùy ý Thầy muốn, ngày kia sẽ rõ thấu ý muốn của Thầy."
 
Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương
 
“Hội Yến Diêu Trì là cơ quan đắc Ðạo tại thế. Ðức Phật Mẫu cùng Cửu Vị Tiên Nương (hay Cửu Vị Nữ Phật) đã giáng trần Hội Yến với chư Chức Sắc, xướng họa thi phú và dạy Ðạo. Ấy là Hội Chư Tiên tại thế.
- Ðức Chí Tôn thuộc về Phật,
- Ðức Diêu Trì Kim Mẫu thuộc về Pháp,
- Nếu có Ðức Chí Tôn mà không có Ðức Diêu Trì Kim Mẫu thì trong vũ trụ này không có chi về mặt hữu vi, còn nhơn loại là Tăng.
 
Ta nhìn có Ðức Chí Tôn khai hóa, nhưng cơ sanh hóa Càn Khôn cũng như cơ sản xuất nhơn loại tại thế cũng do nơi Âm Dương tương hiệp mới phát khởi vạn vật, cho nên con người gọi cha mẹ là Tiểu Thiên Ðịa, còn nhiều ý nghĩa rất sâu xa nói chẳng tột”.
 
Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung (Phật Mẫu và Cửu Vị Nữ Phật), mà người ta gọi là Hội, nhưng thật ra chúng ta về hội hiệp vui cùng bà Mẹ Sanh của chúng ta đó vậy.
 
Trong Tam Kỳ Phổ Độ (Đạo Cao Đài) gọi là Hội Yến Diêu Trì, tức nhiên chúng ta đã đạt đặng cơ siêu thoát nơi cõi Thiêng Liêng Hằng sống kia. Chưa biết, nếu chúng ta không tu thì con đường ấy là gì?
 
Chính mình Đức Chí Tôn giáo Đức Phật Mẫu, tức nhiên Mẹ Sanh của chúng ta, cầm cả quyền năng giải thoát trong tay, đến lập Hội Yến Diêu Trì tại mặt thế này (Báo Ân Từ, Điện Thờ Phật Mẫu) cho cả con cái của Ngài, nhứt là 92 ức nguyên nhân ấy, nếu nhập vào cửa Đạo, tùng theo Chơn Pháp thì đặng Hồng Ân của Đức Chí Tôn cho hưởng Bí pháp Hội Yến Diêu Trì tại thế này.
 
Bí pháp của Hội Yến Diêu Trì là do Đức Chí Tôn đem cơ quan giải thoát xuống thế đặt trong cửa Đạo Cao Đài trong Tam Kỳ Phổ Độ để toàn thể các tín đồ được hưởng.
Theo Cổ luật thì, người tu một khi đắc đạo, Chơn Hồn được lên Diêu Trì Cung dự Hội Yến Bàn Đào, được Đức Phật Mẫu ban cho ăn trái Đào Tiên và uống Tiên tửu.
 
Ngày nay, thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương vâng lịnh Đức Chí Tôn giáng xuống phàm trần, mở tiệc Hội Yến Diêu Trì tại Báo Ân Từ (Điện Thờ Phật Mẫu) để toàn cả con cái của Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu về hội hiệp cùng Đức Mẹ thiêng liêng, dâng Hoa Quả, Rượu, Trà lên Đức Mẹ, và Đức Mẹ sẽ ban tặng lại cho con cái của Ngài, để con cái gội hưởng hồng ân của Đức Phật Mẫu, làm cho tâm Đạo phấn chấn thêm lên, làm động cơ thúc đẩy con cái mau tiến hóa trên bước đường tu niệm, sớm trở về hội hiệp cùng Phật Mẫu. Mà một khi được hội hiệp cùng Đức Phật Mẫu thì tức nhiên là đắc đạo, giải thoát khỏi luân hồi. Đây chính là Bí pháp Hội Yến Diêu Trì như đã trình bày.
 
Vài Hàng Về Sự Tích Đức Phật Mẫu
"Bây giờ nói về tại sao có Phật Mẫu: ... Đức Chí Tôn là nguồn cội cả bí pháp... trong bí pháp buổi ban sơ phân tách ra Âm Dương, phần Âm là Phật Mẫu sản xuất cả cơ hữu vi của vũ trụ. Bởi thế quyền năng của Phật Mẫu là Mẹ khí thể của ta.
" Khi mở Đạo Cao Đài Chí Tôn định cho Phật Mẫu đến giáo đạo cho chúng ta, bảo trọng nuôi nấng dạy dỗ chúng ta thì không ơn đức nào bằng, vì không ai biết thương con, muốn con nên người, bảo trọng bênh vực con hơn mẹ...". (Trích thuyết đạo của Đức Hộ Pháp tại Báo Ân Từ ngày 15 tháng 8 Đinh Hợi (1947).
 
Đức Phật Mẫu còn gọi là Cửu Thiên Huyền Nữ, Thiên Hậu, Tây Vương Mẫu theo thần thoại Trung Hoa, Thiên Mẫu, Cửu Trùng Thánh Mẫu hay Mẹ Sanh theo tín ngưỡng dân gian. Nay Đạo Cao Đài gọi là Đức Diêu Trì Phật Mẫu hay Kim Mẫu (gọi tắt của chữ Kim Bàn Phật Mẫu).
 
Quyền lực của Đức Phật Mẫu rất to lớn, Đức Phạm Hộ Pháp đã thuyết đạo trên Cửu Long Đài ngày 15-8-Đinh Hợi (1947) có câu: " Bần Đạo tưởng cả thảy toàn đạo nên biết quyền hành ấy, Bần Đạo giải nghĩa bài kinh Đức Phật Mẫu mà ta thường đọc hằng ngày đó…".
Quyền năng to lớn của Đức Phật Mẫu được cho biết rỏ trong hai bài kinh: Phật Mẫu Chơn Kinh và Tán Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu, và trong các bài Thánh Ngôn của Đức Diêu Trì Phật Mẫu giáng cơ ban cho.
 
"Phật Mẫu là chủ Âm quang, Chí Tôn là chủ Dương quang, Âm Dương tương hiệp, Đạo Cao Đài nương theo năng lực của hai khối Âm Dương đó mà phát triển".
 
Như thế, quyền lực của Đức Phật Mẫu đồng đẳng với Đức Chí Tôn. Đó là quan điểm mới mẻ của Tam Kỳ Phổ Độ (Đạo Cao Đài). Còn theo Kinh Phật Mẫu là Mẹ Sanh của toàn cả nhân loại, chưởng quản Cung Tạo Hóa Huyền Thiên, Ngài sanh ra con, rồi Ngài dẫn dắt về cõi Thiêng liêng hằng sống. Trên cõi hư linh, Phật Mẫu là Đức Mẹ tinh thần của cả Thần Thánh Tiên Phật.
 
Đức Bát Nương dạy: "Trong vũ trụ bao la, không gian ở trên là “thượng tầng Bí Pháp” của quyền năng Thiêng Liêng. Đức Chí Tôn vi chủ Thần, Thánh, Tiên, Phật hộ trì. Thời gian ở dưới có đủ khí chất, để tạo dựng thế giới hữu vi và vật chất hữu hình. Phép màu nhiệm ấy do quyền năng tuyệt đối của Đức Chí Tôn vận chuyển, khiến cho không gian phối hợp với thời gian thành cơ huyền nhiệm mà tạo lập Càn Khôn, hóa sanh Vạn Vật, và Đức Chí Tôn còn hiệp lập Thiên Thơ định thành Thiên Điều, là luật pháp thống trị Càn Khôn Vạn Vật".
 
Đức Hộ Pháp, người con tông đồ “ưu tú” của Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, người đứng đầu chi Pháp Hiệp Thiên Đài đã giảng về quyền năng của Đức Phật Mẫu như sau:
"... Chí Tôn là Phật, Phật Mẫu là Pháp, Càn Khôn là Tăng. Mặt địa cầu nầy đến 3.000 thế giới cũng là Tăng. Nắm quyền trị thế là Hạo Nhiên Pháp Thiên, chính quyền năng Chí Tôn định địa cầu này không định địa cầu khác, chỉ có một mặt Trời này không có mặt Trời khác. Trong 24 giờ một ngày, Đấng cầm quyền trong Pháp giới là Hư Vô Cao Thiên vâng mạng lịnh Hạo Nhiên Pháp Thiên làm cho vũ trụ khỏi tương tàn với nhau...”. Bây giờ chúng ta quan sát Hỗn Nguơn Thượng Thiên, ngày nay Đức Phật Di Lặc ở nơi Hỗn Nguơn Thượng Thiên cầm cả hành tàng Càn Khôn Vũ Trụ, giờ Ngài đương cầm quyền cả vạn loại trong Càn Khôn Thế Giới.
 
Nơi cửa Phật, ba Cung Pháp này rất là đặc biệt:
1. Hạo Nhiên Pháp Thiên tương liên hiệp một cùng Đức Chí Tôn. (Phật)
2. Hư Vô Cao Thiên thuộc về Pháp giới cầm cả luật Thiên Điều. (Pháp)
3. Hỗn Ngươn Thượng Thiên thuộc tạo hoá thuộc Tăng. (Tăng)
 
Phật vị có ba đẳng cấp ấy đặng nắm cả quyền năng trong Càn Khôn Thế Giới.
( Hạo Nhiên Pháp Thiên hiệp một với Đức Chí Tôn, Đấng vi chủ Bát Quái Đài (Phật). Hoặc chú ý thêm, ta sẽ biết được “Hạo Nhiên Pháp Thiên tương liên hiệp một cùng Đức Chí Tôn, nắm quyền trị thế, chính quyền năng Đức Chí Tôn định ).
 
Điểm đáng ghi nhớ là Đức Hộ Pháp mở Cực Lạc Thế Giới từ Hư Vô Tịch Diệt cho Vạn Linh hiệp Chí Linh nơi Hỗn Nguyên Thượng Thiên nằm cuối đường Thiêng Liêng Hằng Sống tại Thế, để Vạn Linh đạt tới cảnh giới thấy đủ Phật, Pháp, Tăng.
 
Ngoài ba Cung Pháp ghi bên trên, còn có hai Cung nửa nắm quyền hành Tạo Đoan loài người, cầm Pháp chuyển cơ sanh hóa không cùng tận, cầm sanh khí biến xuất để tạo sanh vạn vật:
 
Phi Tưởng Diệu Thiên nắm quyền hành tạo đoan loài người, thuộc Phật, đồng thể với Phật. Phi Tưởng Diệu Thiên lãnh phận sự nơi Đức Chí Tôn cầm nguơn khí của con người, giữ sinh mạng vạn vật kêu là Vạn Linh.
 
Tạo Hóa Huyền Thiên thuộc Pháp (từng trời thứ chín trong Cửu Trùng Thiên) do Ðức Phật Mẫu cai quản. Đức Phật Mẫu cầm Pháp chuyển cơ sanh hóa không cùng tận cả Càn Khôn Vũ Trụ. Cả thi hài, Chơn Linh, trí não, pháp thân luân chuyển sanh sanh tử tử. Nợ sánh từ ấy là bài học của tạo hoá trong các cơ thể ấy, loài người học làm đặng biết, đặng chi? Đặng tạo Pháp thân huyền diệu được toàn thiện toàn mỹ, toàn trí, toàn năng như Phật Mẫu đã làm...
…. Đấng Tạo Hóa năng du ta bà thế giới, dưỡng dục quần sanh, dưỡng dục quần linh quy nguyên Phật vị. Nơi đây, có vô số các vị Phật ở các cấp, tuân theo mệnh lệnh của Ðức Phật Mẫu Chưởng Quản Kim Bàn Diêu Trì Cung, có khả năng tạo hóa ra Vạn Linh, có khả năng du hành đến các cõi trần, để nuôi dưỡng chúng sanh, trở về nguồn cội là ngôi vị Phật.
 
Lúc ban sơ, Đức Phật Mẫu đến ngự tại Hiệp Thiên Đài làm mẹ chữ Khí, tức là Khí sanh vạn vật, lấy nguơn pháp trong chữ Khí mà biến thành Càn Khôn Vũ Trụ. Chữ Khí tương quan trong Hiệp Thiên Đài, nên Phật Mẫu trước đến tạo Hiệp Thiên Đài, thuộc Pháp, tức là Tòa Ngự của Người, rồi sau mới lập Cửu Trùng Đài thuộc Tăng.
 
Giữa Diêu Trì Cung và Hiệp Thiên Đài có một sự liên quan rất là mật thiết. Đức Hộ Pháp nói: " Buổi đầu thâu Thập Nhị Thời Quân đủ rồi mới mở Đạo. Tại sao phải có đủ Thập Nhị Thời Quân? Bởi Thập Nhị Thời Quân là của Hiệp Thiên Đài là cơ Pháp. Nguồn cội của Pháp đã biến sanh ra vạn vật."
 
Diêu Trì Cung ở đâu?
Tạo Hóa Huyền Thiên, từng trời thứ chín của Cửu Trùng Thiên, do Phật Mẫu Chưởng Quản và ngự tại Cung Diêu Trì. Vậy Diêu Trì Cung là nơi nào?
Đức Bát Nương giáng cơ đêm 10-1-Nhâm Thìn (1952) giảng về Diêu Trì Cung như sau:
" Chị chào mấy em. Đêm nay Chị đến đặng chỉ cho mấy em rõ Diêu Trì Cung là nơi nào?
Nơi ao Diêu Trì có một đài phát hiện Âm quang, đài ấy thâu lằn Sanh quang của ngôi Thái Cực rồi đem Dương quang hiệp với Âm quang mà tạo nên chơn thần cho vạn linh trong Càn Khôn Vũ Trụ.
 
Phật Mẫu là đấng nắm Cơ Sanh Hóa, thay quyền Chí Tôn, đứng ra thâu cả Thập Thiên Can đem hiệp với Thập Nhị Địa Chi mà tạo nên vạn vật. Nơi Cung Diêu Trì là nơi tạo nên chơn thần và thể xác đó vậy.
 
Diêu Trì Cung là cung điện bằng Ngọc Diêu ở bên Ao Thất bửu, chớ chẳng chi lạ: Ngọc tượng trưng cho sự quý giá, còn Diêu là chất hơi kết tụ mà thành.
"Đức Diêu Trì Kim Mẫu vâng lịnh Đức Chí Tôn nhóm ngự triều, đại hội nơi Kim Bàn, phòng định cho 100 ức Nguyên nhơn xuống trần, dùng Ngọc Lộ Kim Bàn trụ các Nguyên nhơn cho xuống thế. Trước khi ấy, Đức Diêu Trì Kim Mẫu kêu toàn cả linh căn chơn tánh dự Hội Yến Bàn Đào, và ban cho mỗi vị một cái túi gọi là Vạn Bửu Nang, trong đó có 8 món báu là: Hiếu, Để, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ, và căn dặn khi xuống trần thế, rủi mất một món thì không trở về cùng Mẹ đặng. Đức Phật Mẫu dùng Thuyền Bát Nhã chở toàn linh căn và 8 món báu ấy đưa xuống thế.
 
Dưới quyền của Phật Mẫu có Cửu Vị Tiên Nương (Cửu Vị Nữ Phật) trông nom về cơ Giáo Hóa cho vạn linh, còn ngoài ra có hằng hà sa số Phật trông nom về cơ Phổ Độ mà Quan Âm Bồ Tát là Đấng cầm đầu.
Quan Âm Bồ Tát ngự tại cung Nam Hải, ở An Nhàn động, còn Diêu Trì Cung thì ở tại Tạo Hóa Huyền Thiên.
Nơi Cung Diêu Trì còn có một cõi Âm Quang riêng biệt gọi là Phong Đô đặng giáo hóa các chơn hồn đã bị lạc nẻo trên đường trần.
Báo Ân Từ nơi thờ phượng Đức Phật Mẫu là hình thể Diêu Trì Cung tại thế
Vậy, vắn tắt hơn, Diêu Trì Cung là Cơ Sanh hóa vạn linh và vạn vật đó".
 
Thay Lời Kết
Đạo là Sự Sống trong Càn Khôn Vũ Trụ. Đại Đạo mở cửa Càn Khôn là để phát huy mối liên hệ giữa con người và vũ trụ, liên hệ giữa Người (Nhơn Sanh) và Trời (Đức Chí Tôn, Thầy) hầu thực hiện cuộc tiến hóa tâm linh đạt đến cứu cánh là hiệp nhất với Thái Cực Đại Linh Quang (Thiên Nhân Hiệp Nhất) cũng chính là Bản Thể của Càn Khôn vậy. Đây là con đường " Phản Bổn Hoàn Nguyên ".
 
Đứng trước tình hình hiện nay của thế giới, một khi chúng ta nhận định rằng vận hội mới của đất nước gắn liền với thời cơ hội nhập cùng thế giới, thì người Đạo Cao Đài trong Tam Kỳ Phổ Độ hơn ai hết, hãy nhớ lại lời dạy của Đức Chí Tôn (TNHT):
“Đạo cũng do nơi phàm mà phát ra và tiếp lấy cái thiêng liêng của Thầy mà hiệp đồng mới sanh sanh hóa hóa thấu đắc Càn Khôn”.
" Thầy đã đến chung cùng với các con, các con duy có Tu mà đắc Đạo; phải đoái lại bá thiên vạn ức nhơn sanh còn phải trầm luân nơi khổ ải, chưa thoát khỏi luân hồi, để lòng từ bi mà độ rỗi ". Và là:
“Dân Nam sứ mạng Cao Đài,
Năm châu bốn bể hòa hài từ đây.”
hay:
“Quyền [Đạo] Thầy hiệp cả vạn sanh
Đông Tây kim cổ lập thành tương lai.”
 
" Năm châu bốn bể hòa hài "  " Đông Tây kim cổ lập thành tương lai " rõ ràng là những dự phóng xóa tan ranh giới ngăn cách giữa các dân tộc, tổng hòa văn hóa văn minh kim cổ nhân loại bằng một công năng có giá trị phổ quát vượt không gian và thời gian. Đó chính là bản thể đại đồng dân tộc; đối với thế giới nhân loại, là cốt tủy của văn minh đích thực của kỷ nguyên mới hiện nay: Đại Đạo.
 
Midland MI, USA ngày 12, tháng 10, 2020
QS TS Nguyễn Thanh Bình
 
ĐĐTKPĐ/TTTN
Ban Thế Đạo
 
Tài Liệu Tham Khảo:
1 - Thể Pháp Và Bí Pháp Phật Pháp Tăng Đạo Cao Đài, QS TS Nguyễn Thanh Bình (2019).
2 - Đức Chí Tôn Huyền Khung Cao Thượng Đế, QS TS Nguyễn Thanh Bình (2020).
3 - Bạch Ngọc Kinh Nơi Đức Chí Tôn Ngự, QS TS Nguyễn Thanh Bình (2018).
4 - Sự Tích Đức Phật Mẫu (Diêu Trì Kim Mẫu), Tủ sách Đại Đạo.
5 - Các bài giảng của Đức Hộ Pháp về "Bí Pháp của Hội Yến Diêu Trì Cung".

6 - Vũ Trụ Quan, Ngài Tiếp Pháp Trương văn Tràng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét